Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bút Ký
Chủ đề:
ĐĐTS2ND
Tác giả: MĐ Trương Văn Út (Út Bạch Lan)

ĐẠI ĐỘI 2 TRINH SÁT NHẢY DÙ

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

Không biết tại sao nhiều người viết và nhắc tới đơn vị Đại Đội 2 Trinh Sát Nhảy Dù (ĐĐ2TSND)? “Nó” cũng giống như hằng trăm, hằng nghìn đơn vị cấp đại đội khác, cũng đánh giặc, cũng “oánh” lộn, “uýnh” trúng, ba gai, coi Ông Trời bằng cái nắp vung, khiến nhiều lần tôi cũng phải phát khủng, hoá điên vì “Nó”...!

Nhẩm tính ra tôi làm Đại Đội Trưởng “cái” đơn vị này gần 6 năm dài chứ chứ ít ỏi gì sao, lớp này ngã xuống, lớp khác bổ sung, đến rồi đi, đi rồi quay trở về, có nhiều “ông Thiên Lôi” quậy tàn canh gió lốc, thần thiên chứng kiến cũng sầu bi lắc đầu ngao ngán lẫn hố hố cười sảng khoái, ma quỷ lỡ độ đường cúng quẩy cô hồn tháng bảy, linh lạc bay tứ tán muôn phương nhìn thấy cũng buồn khóc lẻ loi “lòi le” một mình... như thế, như vậy và như thị... ha... ha... ha...!!! Nhưng khi xung chiến trận thì có Tổng Lãnh Thiên Thần Micae (Michael) đỡ đầu là “Hộ Pháp” của binh chủng Nhảy Dù giáng thế cũng chưa chắc đã can gián, phân bua, đình cản mấy “ổng” được...!

Nhiều trận xông vào những mục tiêu “cửa tử” chết người, “Quan” chưa kịp chỉ huy điều động thì đã nghe thấy mấy “ông Thiên Lôi” đã đứng trên miệng hầm vạch quần đái xuống với giọng cười ha hả khoái trá, VC đang chong súng từ dưới bắn lên giòn tan, “Thiên Lôi” nhoài mình nhanh nhẹn tránh né tinh ranh như sóc cáo và rút chốt lựu đạn “thảy lỗ” như đánh bi, đánh đáo giỡn mặt tử thần ngổ ngáo, ngịch ngợm như trong thôn xóm những ngày còn thơ dại hồn nhiên... và đau thương tan nát như vỡ đi từng mạch máu co thắt nhói tim khi phải vuốt mắt tiễn đưa bằng hữu và những “đứa em Thiên Lôi” về “vùng 5” nơi cõi mịt mùng mà đời không còn gặp lại nhau:

Ôi... bằng hữu đã lên đường quá vãng
Trận mạc tan tành không một nén hương
Tiễn nhau đi lửa cháy đỏ thôn làng...
Tôi yên lặng cúi đầu như pho tượng.
–(Tiễn Biệt – MĐ Út Bạch Lan)

Những ai đã từng chung cam khổ, hiểm nguy trên chiến trường trong quãng đời quân ngũ dài lâu ắt hẳn sẽ đồng cảm với Anh–Em chúng tôi những Sĩ quan, Hạ sĩ quan, Binh sĩ “thấu nổi” gia đình Huynh Đệ Chi Binh không phải chỉ là từ ngữ để chỉ “thứ” Tình “nó” bàng bạc như hời hợt mông lung mà lại rất gắn bó, thắt chặt và tình thâm như Huynh Đệ Thủ Túc sống chết hết lòng bảo vệ cho nhau, đôn đốc nhắc nhở kinh nghiệm chiến trường, Sĩ quan “om” Lính những kinh nghiệm tử sinh qua “bề dầy” trận mạc như những châm ngôn, những qui tắc để giữ thân và chiến thắng trên chiến trường mỗi ngày qua thêm khốc liệt... vì kẻ nội thù Bắc quân có cùng một giống nòi Việt Nam với chiến đấu tính tinh xảo, kỳ tuyệt... đã được hun đúc kinh qua bao trường thiên chiến cuộc chống cự với giặc Hán phương Bắc để dựng Nước, giữ Nước và mở Nước đến ngày nay...!

Nên Ta rõ thấu Địch và Địch cũng tỏ lòng Ta. Nhưng Quân Dân miền Nam khác với “rợ” Bắc cộng vì chúng ta Thiện, Lành, Hài Hoà và Văn Minh... biết trân quí “cái” Tốt Đẹp từ bản chất con Người, đãi lọc văn hoá của mình, cắt tỉa văn hoá du nhập tự phương xa sao cho hợp với mình, với thời... làm thêm phong phú văn vẻ rồi “thì là” Việt Nam, điển hình như “Người Sài Gòn” mà tứ dân địa phương Nam–Trung–Bắc hội tụ, hoà nhập rồi lẫn vào nhau thành “cái” đặc trưng “Dân Sài Gòn”, nếp sống Sài Gòn, giọng nói Sài Gòn... loài chim se sẻ là những “thị dân” chuyên cư trú trên mái nhà trong thành phố cũng có đời sống sinh hoạt cộng hưởng với thị dân thứ thiệt rất Sài Gòn, rất bản lĩnh, rất hào phóng, rất “anh hùng mã thượng” và cũng rất lè phè nhậu nhẹt cụng ly chí chát, tân nhạc xen lẫn vọng cổ hoà điệu chẳng phiền hà gì ráo trọi...

Nhưng thói tiểu nhân, chơi xấu, cà chớn, chơi mẹ đụ, nịnh trên đạp dưới là không được làm bạn chung mâm, chung bàn “tao dzọng cho mầy thấy mẹ” là “thuật” ngữ ban cho “thằng cà chớn” kèm theo vài cú đá, đạp văng ra đường, nạn nhân sịt máu mũi, phun ra vài cái răng cửa thích đáng biểu đồng tình... Vì vậy cho nên, từ Đại Đội Phó đến Binh Nhì vừa về đơn vị trình diện là “Quan” quán mục xem “chân cẳng anh hùng” lượng định “Hảo Hớn Lương Sơn” hay “gà mái” để mà “xử thế” an bày trong hàng quân sao cho hợp tính cách hữu dụng và trên hết là thân tình tự Tâm thể hiện Thân cận, Thân “giáo” để làm gương.

 

 

Tôi thương mến tất cả “thuộc hạ” thế đứng chỉ huy trong Đại Đội 2 Trinh Sát Nhảy Dù đơn vị tinh nhuệ, thiện chiến ưu tú của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và Họ là “thượng thừa” của tôi trong tình nghĩa cao thượng Tử Sinh xương máu trên chiến trường và Họ chính thật là bản thân thủ túc của tôi. Những khi dưỡng quân an bình ngắn hạn tôi vẫn thường “lên lớp” căn dặn “mấy ông Thiên Lôi” như “Tố Nữ Kinh Bửu Giám”: “Các anh em, mấy ‘ông cố nội’, mấy ‘ông thiên lôi’, mấy tên cà chớn tụi bây, tụi mầy... là Lính của Đại Đội 2 Trinh Sát Nhảy Dù nổi tiếng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà khi chiến đấu thì hiên ngang trên chiến trường, nhưng về thành phố phải thể hiện phong cách thanh lịch ‘con nhà’. Không như khỉ đột về thành...”!

Mà “thanh lịch” làm sao chứ! Họ vừa mới được bốc ra khỏi trận mạc tử địa thì trổ ngay đủ mọi phương cách kỷ xảo, mánh mung là “dù” trốn ngay ra phố mặc cho ăn boot de sault, lãnh phạt... thả giàn không cần bán vé, bị Quân Cảnh hốt, giải giao trả về đơn vị, “Quan” tra vấn, “Lính” trả lời ngâm nga:

Tóc nàng dài nàng cài hoa thiên lý
Tóc em dài Quân Cảnh kí đầu Em...!


“Quan” Tôi không “dằn” được cười bèn thị uy “ngọt”: “Thôi đi!... đi hớt tóc đi ‘ông cố nội’...!!! Hết ý!”

Tháng 5 năm 1972, Đơn Vị vất vả tả tơi sau một tháng ăn thua đủ với SĐ320 CSBV là một sư đoàn chủ lực thiện chiến thuộc Quân Đoàn 3VC tham gia chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972. Sư đoàn 320B gồm các trung đoàn 48, 64 và một trung đoàn bộ đội địa phương của mặt trận B5 tăng cường cho mặt trận Trị Thiên 1972. Các trung đoàn 48 và 64 của Sư đoàn 320B là các đơn vị chủ lực phòng thủ Cổ Thành Quảng Trị trong suốt 81 ngày đêm từ 6/6/1972 đến 15/9/1972. Đặc biệt là Trung Đoàn 48 với khẩu hiệu: “48 còn, Quảng Trị còn” và Trung Đoàn 48 VC này đã bị Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà xoá sổ, tử thi cán binh VC đã tanh bành với đất đá trong Cổ Thành... được kết thúc ngày 18/6/1972 với chiến thắng anh dũng của Quân Lực Miền Nam và ngọn cờ Vàng chiến thắng phấp phới ngạo nghễ bay trong gió trên tường thành Quảng Trị. Đơn vị của tôi chỉ được an dưỡng 6 ngày tại hậu cứ, chờ bổ sung quân số và tái trang bị, lại cấm trại 100%...! Nhận lệnh hành quân kế tiếp là “bốc” rồi “thả” vào chiến trường Quảng Trị. Sáng ngày 14/5/1972, sau phiên họp hành quân ở Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn II Nhảy Dù (BCH LĐIIND) Đại tá Trần Quốc Lịch nói:

– “Đại úy Út ở lại gặp Tôi”!

Ngồi trong văn phòng riêng của Lữ Đoàn Trưởng, Tôi hơi lo âu hồi hộp không biết sự việc hung hay kiết, vì cách đây 4 ngày Tôi đã lén lút cho phép tất cả “Quan và Quân” được về thăm nhà 4 ngày và phải trở về đơn vị đúng thời hạn...?! Nếu có lệnh lên đường hành quân lúc này thì Tôi lãnh đủ, vì quân số chỉ còn có năm bảy chục mạng ở trại gia binh mà thôi! Nhưng ý nghĩ đó chỉ thoáng qua trong đầu rồi tan biến ngay đi, vì Tôi biết chắc chắn rằng Ông sẽ “châm chế” không nỡ khiển trách Tôi và đơn vị vì tính Ông bộc trực, cảm thông với binh sĩ đồng khổ cực, gian nguy ở chiến trường... lại nữa mới vừa hai tuần lễ qua chúng tôi đã vào sinh ra tử cứu Ông và Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn bị địch trùng trùng tứ phía tấn công ở Võ Định và căn cứ 43. Tôi tự hỏi: Misson Imposible chăng? Có thể lắm! Ông bước vào, vòng ra sau ghế ngồi của Ông cười cười rồi ra lệnh:

– Anh nghe đây: Đây là khẩu lệnh, Anh không cần biết của ai... khi ra đến Phú Bài... Anh phải làm như thế này... thế này... Anh có gì thắc mắc không?

Thắc mắc cái gì? Thi hành trước khiếu nại sau đã thế rồi và Tôi chưa bao giờ nhận một lệnh hành quân nào “Tiếu Ngạo Giang Hồ” như thế này?!!! Sau này Tôi mới biết đây là chỉ thị riêng của Trung tướng Dư Quốc Đống (Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù) qua lời yêu cầu của Thiếu tướng Ngô Quang Trưởng (Tư Lệnh Quân Đoàn I). Lệnh hành quân “Đóng Phim”... trong khi mặt trận Quảng Trị và Huế đang bước vào giai đoạn sinh tử khốc liệt: Sư Đoàn 3 Bộ Binh như tan biến nơi nào đó, Sư Đoàn 1 Bộ Binh đang vất vả hiểm nguy giữ từng ngọn đồi trên dãy Trường Sơn phía Tây Huế cùng với Liên Đoàn I Biệt Động Quân, Sư Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến đã rút về án ngữ phòng tuyến phía Nam sông Mỹ Chánh, Lữ Đoàn I Nhảy Dù và Lữ Đoàn III Nhảy Dù đang hỗn chiến với Bắc quân VC ở An Lộc.

Lữ Đoàn II Nhảy Dù đã tử chiến với Bắc quân ở mặt trận Tam Biên giờ như mãnh hổ thấm thương què quặt đang “gom bi” chờ phục hồi sinh lực... bây giờ còn lại đơn vị Tôi “anh hùng xông tứ phương” nơi nào cực hiểm nguy như chỉ mành treo chuông, tử thần Bắc quân lởn vởn cường bạo tấn công, vây hãm chờ đoạt hồn Quân Ta... thì đơn vị Đại Đội 2 Trinh Sát Nhảy Dù và đơn vị 81 Biệt Cách Dù được điều động “bốc” và “thả” tới nơi để tử chiến giải nguy cho Quân Bạn... nay “Đại Đội Chiến” lại được lệnh đi “Đóng Phim” thì quả là tiếu lâm khôi hài không chỗ nào “chê” được...!!! Mà là đóng phim thật mới “tuyệt” làm sao! Qua những thước phim nhựa của Trung Tâm Điện Ảnh Quân Đội này đã chứng tỏ ĐĐTS2ND của Tôi thật “thanh lịch” trên đường phố Huế vào mùa Hè năm 1972 dường bao...?!!! Đây những “scene” và “casting” tài tử là “Quan và Quân” ĐĐ2TSND đóng phim “đánh đấm” và “dỗ an” dân Huế rất ư là tận tình hết ý như ri:

Ngày 15 tháng 5 năm 1972... Khi phi cơ vừa thả ĐĐ2TSND xuống phi trường Phú Bài, Tôi gọi tất cả 4 Sĩ quan Trung Đội Trưởng, 6 Sĩ quan Toán Trưởng, Thường vụ, Sĩ quan tiền trạm họp bỏ túi tại chỗ, mỗi người đã có sẵn bản đồ hành quân trên tay được phân phối khi còn trong C130 trên đường bay ra xứ Huế. Tôi bắt đầu ra lệnh “Hành Quân Đóng Phim”:

– Các Anh cũng biết, chúng ta là đơn vị Nhảy Dù đầu tiên đến Huế và sẽ vào Quảng Trị từ khi Quảng Trị đã bị mất vào tay Cộng quân...! Bây giờ thì hãy ghi nhớ những khẩu lệnh của Tôi, nếu chỉ một hành động sơ xuất nào thì các Anh phải trực tiếp chịu trách nhiệm...! Rõ chưa? Thôi... tất cả đã thông suốt, cứ thế mà thi hành, nhớ luôn luôn trên máy...!

10:30g sáng, đoàn xe 6 chiếc GMC lăn bánh chạy rời khỏi phi trường với chiếc jeep có huy hiệu con Ó Nhảy Dù dẫn đầu. Theo lệnh, tất cả quân nhân khi lên xe, tháo ba–lô để xuống sàn xe, thay mũ sắt bằng mũ đỏ, chỉ có giây ba chạc và súng cá nhân, không được ngồi mà phải đứng quay mặt ra ngoài thành xe trình diễn khí thế Bataillon De Commandos vào “đại lễ” dẹp trừ bạo loạn và an dân...!!!

Tôi dẫn đầu đoàn xe, chạy thật chậm, khoảng chừng được vài cây số cho dừng lại trên Quốc Lộ I... Ngược đường trước mặt là đoàn người chạy loạn, hằng trăm, hằng nhiều ngàn nam phụ lão ấu, đàn ông, đàn bà, con nít tay gồng, vai gánh thân nhân, đồ vật với xe lam, xe bò, xe đò, xe đạp, xe máy chất đầy bao bị tất tả đang hướng về phía Nam, Đại Lộc, Lăng Cô, Đèo Hải Vân...! “Tài tử” ĐĐTS2ND bắt đầu đóng phim: họ nhảy xuống xe, tận tình, tận lực phụ giúp đẩy những chiếc xe do người kéo cực nhọc nặng nề, bồng mấy đứa bé mà bà mẹ đang cõng, tay bồng tay dắt dăm ba đứa bé con, mấy “ông Thiên Lôi” nhanh nhẩu móc trong giây ba chạc những hộp trái cây, thịt ba lát, thuốc lá cà phê trong khẩu phần Ration C phân phát cho mọi người hể hả rất ư là chí tình Quân Dân như cá với nước và “Phim” đã trở thành “Thực” trước tình huống đùm bọc, chở che đồng bào hoạn nạn trong chiến cuộc...! Thật sự cảm động đã có nhiều giọt lệ ứa trên khoé mắt đỏ cay vì thiếu ngủ không ngăn được chảy dài trên làn da mặt đen đủi rám nắng dạn dầy chiến trường của mấy “ông Thiên Lôi” và đồng bào đồng cảm... Ôi có hạt kim cương nào sánh bằng những giọt nước mắt thấm đượm ân tình trong cơn “tao ngộ” hoạn nạn này chứ...!

– Các Ôn là Lính con Ó hỉ, bộ đội Cộng Hoà hỉ...? Tụi tui từ Đông Hà, Ái Tử, Quảng Trị chạy vào Huế cả tháng nay... khổ quá phải chạy tiếp vào Lăng Cô kiếm thóc, kiếm cá mắm mà ăn đói quá...! Bà con ơi...! Bà con ơi... Lính Dù đây nè... Lính Dù trở ra Quảng Trị nì...!!!

 

 

Chúng Tôi còn nhiều “pha” đóng phim và có nhiều trường hợp, trạng huống như thật lẫn lộn chẳng biết đâu là thực hư rất “truyền cảm” và cũng rất nực cười khoái trá tạm quên đi mai đây chúng tôi sẽ phải xông vào nơi gió cát với súng nổ liên thanh và đạn bay xé rách không gian, không biết ai còn ai mất trong cuộc tử sinh...?! Chúng tôi và đoàn người chạy loạn tiếp tục xuôi ngược cuộc hành trình lên đường vào ra xứ Huế... bất giác tôi tự hỏi những ngày tháng kế tiếp rồi họ sẽ ra sao và về đâu? Tôi làm sao biết được khi mà thành phố Huế trước mặt đang trong tình trạng hỗn loạn, tang tóc thê lương...! Đoàn xe dừng lại phía Bắc cầu Tràng Tiền, Trung Đội 1 Trinh Sát Nhảy Dù (TĐ1TSND) phụ trách khu Quốc Học Đồng Khánh, Trung Đội 2 Trinh Sát Nhảy Dù (TĐ2TSND) trách nhiệm khu Đài Phát Thanh, Đại Học Luật Khoa, Văn Khoa, Trung Đội 3 Trinh Sát Nhảy Dù (TĐ3TSND) đi dọc xuống Vĩ Dạ... ba–lô mũ sắt để lại trên xe, súng cầm tay, giây ba chạc, mũ đỏ tinh anh “hành quân dạo phố” với phương châm ghi nhớ nằm lòng “phải thanh lịch” (lời của đàn anh Mũ Đỏ Bác sĩ Trần Văn Tính), phải tươi cười nhã nhặn vẫy tay, vẫy tay phe phẩy chào hỏi với mọi người trên đường phố như thân thương tà áo tím ngày thanh bình chưa có bóng giặc “răng hô mã” tấu từ núi rừng kéo về chặt đầu chôn sống trong những hố hào lấp cạn...! Tôi chợt nhận ra là mình như quen đã thuộc với Huế qua những tác phẩm văn chương tả về Huế và nỗi niềm của bạn thân kể chuyện tình của Anh khi đóng quân ở Huế trước kia rất vui, rất tình và cũng rất ngổ ngáo dễ thương, lính ồn ào trêu ghẹo sỗ sàng không “thanh lịch” lại nữa dù ở đâu trên đất nước Việt Nam cũng là quen thuộc trú xứ biết bao tình vì là Quê Hương mà:

Núi Ngự Bình không ‘chim’ buồn xao xác...!
Đò Sông Hương vắng khách đĩ kêu trời
”...!

Và hôm nay ngồi đây hồi tưởng lại mối tình ray rứt với người “Em xứ Huế” chưa nguôi: “Dị ghê hỉ...”! ... và vẫn để yên bàn tay “En” lùa vào ngực với gò má ửng hồng im lặng đê mê...! Cái dịu dàng lãng mạn như tiết Xuân thoảng nhẹ qua cành chồi mai non buổi sớm, nhưng nồng nàn âm ỉ dễ bốc cháy bùng ngọn lửa trong lò nấu bánh tét, bánh nậm... giao thừa của nửa đêm về sáng... Huế đấy, “Huế của Tôi”, Huế với thành nội, hồ Tĩnh Tâm cổ kính với những tà áo tím buồn muôn thưở, buồn não thiên thu những ngày mưa tầm tã, mưa rả rích dai dẳng như không muốn tạnh mang theo hơi lạnh hoang vu của cây cỏ gẫy đổ làm tan tác Kim Long, làm thêm cho mười hai nhịp cầu Trường Tiền như muốn run rẩy và cô quạnh chi lạ... hay chính tâm hồn tôi đang nổi cảm hàn vì chiều mưa qua phố Huế... Ôi... Cầu Trường Tiền dài mười hai nhịp, lỡ thương nhau rồi không biết duyên kịếp về mô...!

Cầu Trường Tiền dài mười hai nhịp...
Bến Vân Lâu vắng bóng người câu!
Nước Hương Giang trôi dạt nặng hồn sầu!
Đò Gia Hội tiếng đàn ca lặng vắng!
Trường Đồng Khánh đâu rồi tà áo trắng?
Bạch Hổ Cầu cũng thiếu nắng tà huy,
Bài thơ Kim Long trong chiếc nón kiêu kỳ,
Chùa Thiên Mụ giục sáng trời cũng hết,
Gà Thọ Xương bặt tiếng gáy kêu sương,
Hồ Tịnh Tâm mang nặng cảnh đoạn trường!
Chùa Diệu Đế, mả Âm Hồn vắng lạnh,
Dốc Nam Giao, Chùa Từ Đàm hiu quạnh!
Biết bao giờ mới có sự đổi thay...?
Nắng mới lên sưởi ấm những hồn gầy,
Cho Dân Tộc chuyển vươn mình sống dậy.
–(Phù Vân Am)

Tiếp tục trên đường “tiến quân” bắt gặp những quân nhân ăn mặc xốc xếch, chận lại xét hỏi giấy tờ, không giấy tờ, lịch sự mời lên xe và canh giữ tại chỗ để giao lại Quân Cảnh sau đó, cũng không quên mời họ một điếu Pallmall hay Lucky, một gói cà phê Instant từ Ration C... rất ư là “thanh lịch”...!!! Trung Đội 4 Trinh Sát Nhảy Dù (TĐ4TSND), Trung Đội Viễn Thám (TĐVT) và Bộ Chỉ Huy Đại Đội (BCHĐĐ) đặc trách chợ Đông Ba, Thành Nội, đường Trần Hưng Đạo từ cầu Bạch Hổ xuống tới cầu Đông Ba và những màn trình diễn thật ngoạn mục:

– Út Bạch Lan... 207? Đây 207 (là ám hiệu của Đại tá Trần Quốc Lịch). Tới đâu rồi?

– Trình 207 mọi việc diễn tiến như đã hoạch định... Nghe có tiếng âm thoại khác là lạ trong máy...?

– Út Bạch Lan...? Đây Thái Xuân... (Thái Xuân là Thiếu úy Thái Trung Đội Trưởng Trung Đội 2 Quân Cảnh 204 của Sư Đoàn Nhảy Dù).

– Tôi nghe.

– Đích Thân đang ở đâu?

– Đầu cầu Trường Tiền.

– Đích thân chờ Tôi, Tôi sẽ đến đó ngay.

Năm phút sau, chiếc xe Jeep mui trần QC204 của SĐND trờ tới, ném vội vã lên GMC của Trung Đội Viễn Thám hơn hai chục bộ quần áo bộ binh bẩn thỉu rách rưới, hơn chục đôi dép không chiếc nào giống chiếc nào, sáu toán viễn thám thay đồ “trang phục” chớp nhóang xong phóng vội xuống xe biến mất trong lòng đường phố... Thượng sĩ Nhất Nguyễn Tá thường vụ Đại Đội, Anh nguyên là Võ Sư Võ Bình Định, mỗi lần mấy “ông thần” ba gai phạm kỷ luật trình diện Thượng sĩ Tá thường vụ thì cũng thường có cái màn “khúc nôi” khóc lóc không thể nín cười:

Thượng sĩ nhìn Em Thượng sĩ cười
Em nhìn Thượng sĩ lệ Em rơi...!
Vợ Em mới đẻ ngày hôm trước
Trễ phép vì Em rước vợ dzìa
”.

Đến 12:00g trưa trong khi tất cả đơn vị đang thi hành nhiệm vụ. Tôi vào nhà lồng chợ Đông Ba, tìm sạp cơm tôm chua thịt ba rọi luộc, rau sống với trái vả để ăn trưa và mang theo ba máy PRC25 kêu rè rè bên cạnh, một máy hàng dọc với các Trung Đội, một máy hàng ngang với Thiếu úy Thái QC, một máy trực tiếp với Lữ Đoàn... Một cô bé mang rổ rau và tô cơm trắng đặt lên bàn ngập ngừng hỏi:

– Các Ôn là Lính Nhảy Dù hả?...

– Ừ!

– Cô ta bỗng la lên: “Mệ ơi... Mệ ơi Lính Dù nì, Lính Dù ra ‘Huệ’ rồi nì...!!!”

Một cảm xúc không thể diễn tả nổi lâng lâng dâng ngập trong hồn tôi khi nhìn cô bé mang đĩa thịt luộc trở ra bàn với gương mặt rạng rỡ vui mừng cười chúm chím và nói mời:

– Ăn đi mấy Anh, hết Em mang ra nữa...!!!

Tết Mậu Thân 1968, lần đầu Tôi ra Huế. Cố Đô được phủ cả một giải khăn sô ngút ngàn nước mắt, thành quách phố phường đỗ nát với những đống gạch vụn điêu tàn vẫn còn vương mùi thuốc súng và “cái” âm khí rờn rợn cô hồn tang tóc u uất thê lương vướng vít oan khiên trong những cơn gió chợt thổi hơi se lạnh thoáng qua...! Ta hãy lắng nghe trong âm thanh im lặng quá vãng không còn hiện hữu trong thế gian này! Nhưng những dòng chữ huyết lệ của Cô Nguyễn Thị Thái Hoà là một điển hình nạn nhân xứ Huế viết trải phơi bày, tố cáo những kẻ giết người với căn tính ác độc thù hận đằng đằng sát khí của anh–em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Thị Đoan Trinh, Tôn Thất Dương Tiềm, Lê Văn Hảo trong cuộc tàn sát bè bạn sinh trưởng lớn lên cùng trong “non nước Thần Kinh” và “thương về Cố Đô” yêu dấu:

“Trên đoạn đường từ Văn Khoa ngang qua trường Thiên Hựu, cầu Kho Rèn, lên tới nhà nội chúng tôi thấy nhiều người bị trói dính chùm vào với nhau đi trước mấy người mặc đồ đen đi dép râu, mang súng. Súng nổ tứ bề mà sao không thấy bóng dáng lính mình ở đâu cả. Chỉ thấy lính bộ dội Bắc Việt khắp nơi.”

 

 

Trên đường Hàm Nghi, Nguyễn Thị Đoan Trinh chạy ngang nhà nào mà y thị gật đầu là y như rằng trong nhà đó có người bị bắt đem ra, người thì bị bắn tại trước nhà, người thì bị dắt đi, mấy ông bà cụ trong nhà chạy theo nằm lăn ra đường khóc la thảm thiết... Bộ đội ngoài Bắc thì cứ chửi thề luôn miệng: “... đéo mẹ câm mồm, ông bắn bỏ mẹ bây giờ...”!

Chúng tôi đem Hải vào nhà, đặt anh trên di–van. Ông nội lấy mền đắp lên xác Hải.

Hai người anh tôi đang trốn trên trần nhà đòi xuống nhìn mặt Hải. Ông nội không cho. Anh Lộc giở nắp trần nhà sát góc tường, thò đầu xuống vừa khóc vừa nói:

“Ti, đẩy cái ghế đẩu qua cho anh...”.

Tôi nghe lời ra đằng sau bếp lấy cái ghế đẩu mang lên để ngay góc phòng cho anh Lộc nhảy xuống. Ông nội ngó lên, quơ quơ hai tay, giọng ông lạc đi:

“... đừng xuống, ông nội lạy con, đừng xuống, ở trên đó đi mà...”!

Anh Kính đang ở trên đó, cũng đang khóc. Lộc chưa kịp nhảy xuống thì nghe tiếng nói, tiếng chân người ngoài sân. Anh vội vàng đóng miếng ván lại thì bọn Hoàng Phủ Ngọc Phan cũng vừa vào đến. Thấy Phan bước vô, mặt Văn biến sắc, anh lắp bắp nói với ông nội:

“Anh Phan cho tụi con đem xác về đó ông ơi”!

Ông nội đứng im không nói. Hai mắt cú vọ của nó ngó ông nội hỏi:

“... thằng Lộc, thằng Kính ở mô”?

Ông nội nói:

“Tui không biết”!

Phan gằn giọng:

“Ông thiệt không biết tụi hắn ở mô? Tụi hắn năm mô cũng về ăn tết ở đây mà ông không biết răng được”?

Ông nội nói:

“ba ngày tư ngày tết, ăn xong thì tụi hắn đi chơi, đi thăm bà con họ hàng chứ chẳng lẽ ở nhà hoài răng? Chừ thì tui biếêt tụi hắn ở nhà mô mà chỉ...”!

Mắt Phan ngó láo liên khắp nơi, chợt thấy cái ghế đẩu ngay góc phòng, nó cười khan một tiếng.

Tôi đứng núp sau lưng ông nội, Hoàng Phủ Ngọc Phan hung hăng bước tới, xô ông nội qua một bên, nó nắm lấy tóc tôi kéo tôi ra về phía hắn. Ngó lên trần nhà la lớn:

“Lộc, Kính, Hiệp, tụi mày không xuống tau bắn con Ti”!

Nó vừa nói, vừa xoáy mái tóc dài của tôi trong tay, nó đẩy tới, đẩy lui. Tôi đau điếng, tôi sợ, tôi run lẩy bẩy, nước mắt ứa ra nhưng không dám la thành tiếng. Ông nội tôi chắp tay lạy nó như tế sao:

“Tui lạy anh tha cháu tui, con gái con lứa, hắn biết chi mô”!

Thằng Phan càng la lớn:

“tau biết tụi mi trên đó, có xuống không thì nói, tau bắn con Ti”.

Phan xô tôi té xuống, lấy chân đạp lên lưng, chĩa mũi súng lên đầu tôi hô:

“một, hai, ba...”.

Lập tức anh Lộc mở nắp trần nhà thò đầu xuống la to:

“đừng, đừng bắn em tau, tau xuống, để tau xuống...”!

Ông nội tôi chạy lại giữ cái ghế cho anh bước xuống, hai chân ông run, ông té sấp, đang lúc anh Lộc tìm cách tuột xuống, thò hai chân xuống trước, hai tay còn vịn trần nhà, khi đôi chân vừa chạm chiếc ghế đẩu thì Phan đã nổ súng, đạn trúng ngay chính giữa cổ, máu phọt ra, anh Lộc giãy giụa mấy cái rồi nằm im.

Mặc ông nội tôi la hét thất thanh, Phan chĩa súng bắn lên trần nhà, nghe tiếng anh Kính lăn tới đâu, nó bắn tới đó, bắn nát trần nhà, hết đạn nó giành lấy cây súng của một thằng khác bắn tiếp, cho tới khi anh Kính tôi rớt xuống theo mấy miếng ván. Anh Văn ngồi bệt xuống đất, nhắm mắt, bịt tai, run lẩy bẩy, ngồi kề bên cạnh anh người tôi tê cóng, đái ỉa ra cả quần, ông nội tôi nhào tới ôm anh Kính, hai mắt trợn trừng, anh đang thều thào những lời sau cùng, ông khóc, ông chửi rủa thằng Phan, nó say máu, bắn luôn ông nội tôi, Ông tôi đổ xuống bên cạnh anh Kính...!

Kính Thưa Quý Vị,

Đó là những cái chết oan khiên của những người ruột thịt thân yêu mà tôi phải chứng kiến tận mắt với muôn ngàn đau đớn. Trong bà con thân tộc nội–ngoại hai bên của tôi có rất nhiều người bị bắt đi ở nhà thờ Phủ Cam, một số bị bắt ở nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế. Số người bị chôn sống, mất tích lên tới 70 người. Tất cả đều là học sinh, sinh viên, thường dân, nông dân, buôn bán ở chợ An Cựu.
(ngưng trích)

Sau Tết Mậu Thân, những hầm mộ chôn vùi nạn nhân xứ Huế bị quân Việt cộng chôn sống đã được thân nhân đào bới truy tìm, tổng kết đã có hơn 5747 bộ hài cốt được cải táng... và mãi cho đến ngày nay và mai sau nữa cứ mỗi lần Đông qua Xuân đến người người vui Xuân đón Tết thì ở Huế nhà nhà cũng cúng giỗ người thân yêu đã bị Việt cộng giết trong Tết Mậu Thân 1968...! Đây là chiến thắng “đáng” được Việt cộng tự hào, cổ võ và mồm loa mép giải rêu rao là thành quả giải phóng miền Nam ư...?! Bây giờ là mùa Hè 1972, Tôi trở lại Huế lần này, sau bốn năm, dù rằng Huế đã một phần nào phục hồi sinh lực, vết hằn đớn đau Tết Mậu Thân có đôi chút nguôi ngoai... Nhưng hôm nay nỗi phập phòng lo sợ khi hằng vạn vạn dân quân từ Quảng Trị chạy về tá túc tị nạn làm thành phố thêm hỗn loạn vô trật tự dễ thường tan vỡ thật không lường...! Nên ĐĐ2TSND được chọn để “thế Thiên hành Đạo” khử loạn – an dân theo kế sách “chiến tranh chính trị” của Thượng cấp đề xướng ban “khẩu thị” và mấy “ông Thiên Lôi” thi hành rất hữu sự...!!!

Bịch... bịch... bịch... Tôi liếc ra ngoài thấy Thượng sĩ Tá đang biểu diễn Võ Bình Định, đá song phi, đấm vào ngực, pha thêm chút Judo vật ngã mấy tên mặc quần áo xốc xếch, không mũ, không giày, đang lang thang định phá rối trong chợ... đám lính Nhảy Dù lao tới nắm cổ áo lôi xềnh xệch quẳng lên hai chiếc GMC đang đậu trước cửa chợ Đông Ba. Ở phía bờ sông Hương, Trung úy Thông TĐT/VT với mũ đỏ đang xét giấy tờ hai tên tóc dài mặt nghênh nghênh ngổ ngáo:

– ĐM... mấy ông làm gì xét giấy tờ của tôi?

Bịch... bịch... bịch... hai tên ngã lộn nhào xuống đất, lại ăn thêm một báng súng vào bụng, một “yên hùng” Nhảy Dù rút dây nịt trói tay bẻ ngoặt phía sau đẩy lên xe. Ở nơi khác một tên mặc quân phục rách rưới, nhưng mang đôi giày Sault của Nhảy Dù bước vào quán ăn mắm tôm chua của Bà Bảy Xíu:

– Đói quá có cái gì cho Tôi ăn không? Cô bé trả lời:

– Dạ... dạ chỉ có cơm với mắm tôm chua thôi ạ!

– Được mang ra đây!

Hắn ngốn tọng vào mồm như kẻ chết đói lâu ngày rồi xô ghế nghênh ngang bước ra khỏi quán không trả tiền, không một lời nói...! Thì bỗng nghe bịch... bịch... bịch... Trung sĩ Minh đang giữ máy truyền tin của Tôi với cái máy PRC25 trên vai, trở báng súng M18 giọng vào bụng tên lính ăn quịt, nghe tiếng “hự” hắn ôm bụng lăn lộn trên mặt đất sau đó bị đẩy lên xe. Trung úy Mỹ đang ở khu Quốc Học Đồng Khánh gọi:

– Đích Thân, Tôi cần vài ba thằng đào ngũ.

– Chờ.

Chiếc xe jeep chở bốn tên đã bị bắt phóng trở qua cầu Tràng Tiền, thả xuống trước dinh Tỉnh Trưởng Thừa Thiên “thi hành nhiệm vụ”. Chờ cho đến 4 giờ tan học, nam sinh Quốc Học, nữ sinh Đồng Khánh túa ra đường như bầy ong vỡ tổ, “bốn tên lính đào ngũ” bắt đầu nham nhở chọc ghẹo, một màn biểu diễn “Anh Hùng Nhảy Dù cứu Mỹ Nhân” thi thố Taekwondo tung Dapchagi vào ngực đối phương phường “Bùi Kiệm” phải gió “ép Liễu ghẹo Hoa” không “thanh lịch” giữa chốn “học đường” phồn hoa còn nếp “Văn Miếu” ơn Thầy “Quốc Tử Giám” lục sáu, tam ba, gia nhà, quốc nước...!!!

Bịch... bịch... bịch... hự... hự... hự “bọn du đãng” bốn tên lính đào ngũ nham nhở bốc hốt sờ mông, bóp vú nữ sinh đã bị trừng trị hạ đo đất ngoạn mục và bị xúc lên xe Quân Cảnh chở đi... “hoạt cảnh” giữa Lính Dù và bốn tên đào ngũ diễn ra trước hằng trăm cặp mắt tò mò thích thú thán phục của đám học trò nam thanh, nữ tú nghịch ngợm kháo nhau như họp chợ...!!! Từ thành Nội, TĐ4TSND cũng báo cáo tình hình “chiến sự” tương tự...!!! Tôi gọi TĐ2TSND và TĐ3TSND di chuyển ngược về cầu Tràng Tiền, cùng TĐ1TSND hòa nhập vào dòng áo dài nữ sinh Đồng Khánh các “tiểu thơ” nhẩn nha qua cầu, yểu điệu thục nữ biến vào phố chợ săn lùng hàng quán bởi thói quen ăn quà vặt, bên ni hàng chè hạt sen long nhãn, bên nớ cơm hến, bún bò, bên tê bánh xèo, bánh khọt... mỹ nhân lượn qua hàng quán, “anh hùng” theo bén gót chực chờ cơ hội “kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” và lẩm bẩm chửi thề: “Mẹ... mấy cái thằng trời đánh sao không mần đại cho rồi...” và vẫn với nụ cười cùng cái gật đầu chào hỏi “thanh lịch” ông đi qua bà đi lại cám ơn, cám ơn và không có chi... rất ư là Nhảy Dù “thanh lịch”...!!!

 

 

– Út Bạch Lan... đây Thái Xuân (Quân Cảnh 204/ND đang phối hợp với Quân Cảnh Tiểu Khu Thừa Thiên)

– Tôi nghe đây.

– Đã quá đích thân, Tôi không ngờ Trinh Sát Dù “đóng phim” tuyệt cú mèo!

Đến 6:00g chiều tập trung tất cả trở lại tư thế và vị trí cũ, phân loại: đào ngũ thứ thiệt giao cho Quân Cảnh Tiểu Khu Thừa Thiên, đào ngũ giả kín đáo thay lại quân phục Nhảy Dù, tiếng cười nói vang vang trên GMC:

– “Lính mình uýnh lính ta, bị bắt rồi thả ra, thả ra đi uýnh tiếp, uýnh tiếp rồi bị bắt, bị bắt rồi thả ra... quá đã... quá đã...”!!!

Lại thêm có tiếng cãi vã than phiền như gây lộn:

– “... con c... mày... mày đá đít tao đau thấy mẹ... tao đã lộn hai vòng rồi, mắc mớ gì mầy còn dọng thêm một báng súng vào bụng tao...”?

Cũng có thêm tiếng cười khoái trá:

– “Mẹ... không có cái gì đã cho bằng hồi nãy tao đm ông Thông, Ổng chỉ có đá đít tao mà còn tức cười nữa...”!!!

Tôi lại nghe tiếng quát của Trung úy Thông Trung Đội Trưởng Viễn Thám:

– “Im đi... đây nè mấy chục cái địa chỉ và tên họ của mấy cô học sinh Trung Học Thành Nội, chia nhau ngày mai viết thư cho họ, nhớ đừng viết tục tĩu nha mấy ông cố nội...”!

Đêm đó, đêm 15/5/1972 chúng tôi tạm đóng quân ở cầu An Hòa, đường ra Quảng Trị. Không ngủ được, tôi bước xuống võng, xỏ chân vào giày Sault, mang giây ba chạc, rút cái đèn pin bằng cây bút cắm trong túi với cái mũ sắt chụp lên đầu. Sơn Nhung, Hạ sĩ nhất người Miên bên cạnh Tôi như hình với bóng lòm còm bò dậy, mò trong ba–lô tìm C4, bật diêm quẹt, chỉ hai phút sau tôi có ly cà phê nóng hổi trên tay. Trong những giây phút này, tôi không có một thoáng suy nghĩ nào về cha mẹ vợ con gia đình mà tôi chỉ nghĩ đến những người Lính Trinh Sát Nhảy Dù thân thương như thể tay chân của chính mình, họ đã ở bên cạnh cuộc đời và đồng chia cộng gian khổ hiểm nguy 24 giờ ngày đêm đối diện với thần chết không biết đâu mà lường, nào ai biết ngày mai sẽ ra sao trên đường chiến chinh máu lửa...?!

Chiều nay họ còn đùa với nhau: “lính mình uýnh lính ta, tao uýnh hộc máu mầy, cho mày tởn tới già, đừng la cà phá phách ở đây nữa...”, rồi ngày mai, ngày mốt, hay những ngày sau nữa, họ cùng tôi lao vào lửa đạn với địch thù thứ thiệt, sống chết chỉ cách nhau như sợi tóc có vài giây đồng hồ. Tôi với Sơn Nhung đi một vòng qua các lều poncho dã chiến, trở về chỗ của mình thì trời vừa gần sáng. Dân chúng ở khu vực chung quanh đã thức dậy, các bếp lò cũng nhóm lửa. Tôi vẫn ngồi đó với ly cà phê đã nguội chờ trời sáng hẳn. Thiếu úy Hiền Toán Trưởng Viễn Thám, vừa đi vừa cài nút áo đến gặp tôi và nói:

– Đại úy, có mấy người dân muốn gặp...!!!

Tôi đi ra niềm nở đón tiếp người dân xứ Huế thăm đơn vị Nhảy Dù. “Phái đoàn” gồm có: một người đàn ông trung niên và hai cụ bà với gánh gồng trên vai thân thiện:

– Thưa Đại úy... dân ở đây gọi tui là Bảy Sói, trước đây tui là Cảnh Sát, Tết Mậu Thân gia đình tui bị VC giết rụi, tui thoát chết được vì lúc đó tui không có ở nhà... đây là gánh xôi, đây là gánh bánh bột lọc với nồi chè Vĩ Dạ của bà con nấu đêm qua khi nghe nói Nhảy Dù ra Huế... xin Đại úy nhận cho Anh Em ăn lấy thảo... tuy chỉ là thức ăn đơn sơ gia bản... Nhưng là tấm lòng của dân Huế thương mến Lính Nhảy Dù đã xả thân chiến đấu bảo vệ Huế trong những ngày dầu sôi lửa bỏng...! Có thêm tiếng phụ nữ phụ hoạ: “... răng mà thương như núm ruột, dân ‘Huệ’ tui thương Lính Nhảy Dù ‘đực’ ruột... ‘En’ ăn bánh, ăn chè đậu ‘vạn’ hỉ... ngọt thanh nớ...”!

Tôi quá xúc động và bỗng dưng “tịt ngòi” bèn ú ớ không thưa thốt được một lời “huê mỹ” chữ nghĩa ba hoa thường ngày “phú lĩnh” mất tiêu... để đáp lễ cám ơn tấm thịnh tình cho ra vẻ lễ nghĩa cung cách hoặc thể hiện tình Quân–Dân, “hậu phương và tiền tuyến” bèn phổng đá dã lã âm thanh nghẹn trong cổ họng, nhưng run run tay bắt mặt mừng rất ư là cảm động... thật là “cảm động”...!!! Thuở nhỏ mài quần “xà lỏn” trên ghế trường làng cũng có đọc qua sách vở và tiểu thuyết về lịch sử sự hình thành Cố Đô Huế của Vua Gia Long và những chuyện tình lãng mạn ở đất Thần Kinh, cũng tìm hiểu chút... chút ít phong tục tập quán Hoàng Triều nhà Nguyễn cùng những nét đặc thù của dân Huế: Phụ nữ Huế dù buôn gánh bán bưng nhưng lúc nào cũng mặc áo dài giữ phong cách, cô gái Huế dù con nhà nghèo hay phú quý cũng vẫn một vành nón Huệ nghiêng nghiêng với tà áo tím và dăm bài thơ trữ tình lãng mạn.

“Huệ” thơ mộng qua mái tóc đen tuyền bay bay sợi tóc mai qua cầu huyền ảo với dòng sông Hương uốn khúc biết đâu là mái tóc, đâu là sông Hương.

“Huệ” ướt át hữu tình và u uẩn như đáy mắt sâu thăm thẳm cả một trời chiều mưa buồn rười rượi mà ánh điện đường vàng leo lét không soi thấu nỗi lòng thổn thức của bài thơ Ngỏ Ý: Tôi nuốn nói yêu người, ngày mai qua Thành Nội... ngày mai qua Thành Nội... và đặc biệt nhìn từ phía sau mông cô gái Huế tròn lẳng không trĩu trệ rất ư là chiêu tình quân tử “nhất dạ lục giao nam tắc tử”...!!!

“Huệ” với những lễ nghi triều chính khuôn mẫu với Ông Hoàng, Bà Chúa và “Họ” của dòng Tôn Thất dài lê thê năm chữ, sáu, bảy từ... xướng danh nghe lạ tai và thích thú...!!!

“Huệ” cũng vẫn là “quê hương tôi nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo mùa hè thiếu ăn” và tiếng hò Mái Đẩy tâm sự của Cụ Thúc Địch nghe buồn não nuột từ đầu nguồn con sông kéo dài lê thê như không muốn rơi rớt ở cuối sông khiến chạnh lòng “nược non”...! Tuy nghèo ăn thiếu mặc nhưng dân “Huệ” không thiếu tình người và phú quí ân nghĩa...!

Tôi ân cần:

– Cụ cho cháu xin nắm xôi! Xôi còn nóng bốc khói thơm phức hương nếp một, buổi sáng lạnh mù sương mà có nắm xôi của cụ lúc này chẳng thua gì buổi “ngự thiện” của Vua Minh Mạng trong Nội Cung...! Tôi nói thật chí tình mà nghe sao cứ như “hài” kịch... quả thật vụng về không phải lúc!

Qua hình ảnh ân cần của Ông Bảy Sói và hai cụ bà, tôi chợt nghĩ đến hình ảnh đau thương của dân Huế...! Đâu phải chỉ với Tết Mậu Thân 1968, Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 hiện tại... mà tự xa xưa người dân xứ Huế đã phải nhận chịu rất nhiều tai ương oan khiên như thời:

Nhất giang lưỡng quốc bất khả Thuyết,
Tứ nguyệt tam Vương bất khả Tường
...”

Hay Vua Duy Tân hỏi Trần Cao Vân:

Tay dơ lấy nước rửa, Nước dơ lấy gì để rửa?

Và quả thật là khí thiêng sông núi thiên niên vận hành khuôn đúc hình hài dòng giống Việt tinh anh nên Khẩu Khí của một Vị Vua tuổi đời còn thơ dại mà đã Chính Khí Hạo Nhiên bàng bạc khắp đất trời đã trẩm triệu phán:

Nước dơ lấy máu rửa.

Tôi bảo Thượng sĩ Tá gọi các Trung Đội lên nhận xôi chè và bánh bột lọc phân phối cho đều đơn vị.

Trên đường vào Quảng Trị cuối tháng 5/1972, Lữ Đoàn II Nhảy Dù (LĐIIND) gồm có Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù (TĐ5ND), Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù (TĐ7ND), Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù (TĐ11ND), Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh (TĐ1PB) và Trinh Sát 2 Nhảy Dù (TS2ND) là mũi dùi chính vượt sông Mỹ Chánh theo trục từ Nam lên Bắc tiến vào Quảng Trị, trong khi Sư Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến đã dạt về phía Đông tiến lên Cửa Việt. TS2ND của tôi được một chi đoàn chiến xa của Thiết Đoàn 17 Kỵ Binh cõng theo đuôi TĐ7ND trên Quốc lộ I tiến vào ngã ba Long Hưng, khi còn cách ngã ba Long Hưng chừng vài cây số thì có lệnh của Đại tá Trần Quốc Lịch LĐT/LĐIIND dừng lại xuống xe và chờ lệnh.

 

 

Tôi không nhớ ai là tác giả đặt cái tên sau này là: “Đại Lộ Kinh Hoàng”? Vì chỉ một đoạn đường ngắn ngủi không đầy một cây số mà tôi cùng TS2ND đang đứng đây, dọc theo trên đường có hằng trăm hay hằng ngàn, nhiều ngàn xác người dân chết đã thối rữa, tuy mùi hôi thối không còn nặc nồng nhưng vẫn còn quyện mùi tử khí tanh tưởi rờn rợn trong không khí vướng vít không siêu thoát...! Nơi này là thi thể của người đàn bà trẻ bụng to như đang có thai nằm nghiêng với xác đứa con một hay hai tuổi trong tay buông thõng, kế bên là xác bà cụ già trên lưng còn gùi đứa cháu gái thơ ấu, những xác người phủ lên mặt đường chung quanh là các cụ ông râu tóc bạc phơ với áo quần rách rưới tơi tả, xác người chết với xác người chết đầy trên “Đại Lộ Kinh Hoàng”...!

Tôi lặng người nhìn “quang cảnh” địa ngục có thật ở trần gian là tác phẩm của bầy quỉ đỏ hiện thân người đã gieo rắc tai ương kinh hoàng cho người dân nghèo hiền hoà Quảng Trị! Nơi kia lác đác mươi xác lính Địa Phương Quân đã chết tay vẫn còn ôm khẩu XM16, năm ba chiếc xe đò cộc cạch lật nghiêng ngửa, mươi chiếc xe bò, xe ngựa chỏng gọng, ngựa thì còn xác, bò thì không, bao bị túi xách đồ đạt lỉnh kỉnh còn cột chặt vào thành xe... không biết họ đã chết bao lâu, nhưng mắt vẫn mở trừng trừng oan uổng vì có ai đâu cạnh kề mà vuốt mắt cho nhau, tất cả đã chết hết... chỉ có trời xanh, mây trắng là rõ mặt con người oan nghiệt tận số và loài côn trùng hoang gậm nhấm hình hài, không một nén hương, không lời cầu kinh đưa linh hồn về nơi... không biết về đâu...?

Tôi ra lệnh ngay tức khắc, tất cả quân nhân các cấp quan cũng như như lính đồng bộ bỏ ba–lô xuống, tay xẻng cá nhân đào huyệt mộ chôn tất cả xác chết này tại chỗ với lời khấn vái hồn thiêng siêu thoát và phù hộ anh em chúng tôi được bình an sau chiến trận sẽ rất khốc liệt nay mai vào Cổ Thành Quảng Trị... chỉ hai tiếng đồng hồ trong khi chờ lệnh Lữ Đoàn thì TS2ND đã hoàn thành được một nghĩa địa không tên tuổi, không bia mộ, không nhang đèn hương khói tiễn linh, chỉ với xót xa cho những oan hồn uổng tử và sao “nghe” cay cay ở khoé mắt mà muối xót trong lòng như tiễn biệt người thân thương:

Những bằng hữu lên đường tôi ở lại
Tôi xin chắp tay yên lặng cúi đầu...
Không nói được dẫu một lời vụng dại
Trong hồn tôi sương phủ mấy nhịp cầu!
–(TGĐ...không nhớ rõ lắm!).

Thiếu úy Mai một tay với cái xẻng, tay khác đang gạt những giọt mồ hôi trên trán cười cười hỏi tôi:

– Hôm nay mình chôn họ, ngày mai ai chôn mình?

– Đừng nói “gở” ông cố nội...!

Tôi ngồi tựa lưng vào lề đường, Sơn Nhung lại pha cho tôi một ly cà phê, tôi móc điếu thuốc lá ba con mèo châm lửa thâm tâm lý luận cùn: “Tao là Tao, Mày là Địch, Mày là Mày, Tao là Địch... trên trận mạc Tao không bắn Mày thì Mày cũng bắn Tao như một qui luật bất biến của chiến tranh, nhưng cớ sao chúng mày có thể xả súng vào số đông người dân nghèo hiền hoà vô tội đang trốn chạy tử thần một cách dã man như loài dã thú như thế này...?!”

Nhìn những nấm mộ vừa mới lấp mắt tôi đã nhạt nhoà bóng mây mờ ảo lung linh, bất thần bàn tay tôi nắm chặt bá súng với tiếng vọng căm thù âm thầm từ đâu đó:

Ôi... Quảng Trị điêu linh đất nghiệt hình!
Thôn xóm rên xiết, xác người trong biển lửa...!
này Chị, này Em, Cha Mẹ, Ông Bà...
May mắn sống như hoang đường chuyện cổ...!
Dòng máu chuyển căm hờn ôi... đau đớn...!
Quảng Trị điêu tàn thống thiết bi thương!
Ta xé gan, bẻ cật nguyện lời thề:
Mai về Quảng Trị xác thù phơi đầu súng.


Vào Quảng Trị tôi chợt nhớ tới lời kể tâm tình “trọ trẹ” với thổ âm “cưu mang” nhiều dấu nặng của “Ôn Lệnh Hồ Xung Lô Lọ” (Trung tá Nguyễn Lô Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù), Đại úy Võ Bình Nha Kỹ Thuật (Chiến Đoàn I Biệt Cách Dù) họ đã chào đời và lớn lên tại Quảng Trị với: “những ngày tháng thời niên thiếu ‘Tau’ đi mòn dép trên những con đường thị xã nắng gắt buồn xao xác tiếng gà gáy trưa, hay thả đôi mắt tinh ngịch có chút mơ mộng mông lung nhìn buổi chiều mưa giăng giăng mù mịt không thấy được bên kia bờ sông Thạch Hãn...”! Thật sự hơn 4 năm qua lăn lộn trong cuộc chiến, tôi chưa thật sự biết nỗi căm giận và thù hận là gì...?! Xâm nhập vào chiến khu C, bắt được 3 “cán gái” y tá thanh xuân hơ hớ, giữ đó đối xử tử tế cho ăn uống đàng hoàng chờ trời tối ra lệnh dẫn ra bìa rừng bắn bỏ, toán thi hành chỉ bắn vài tràng đạn chỉ thiên bâng quơ rồi trở vào như không thấy, không biết mấy ả chạy trối chết về đâu và sau này biết có còn dám làm VC nữa chăng?!!! Nhiều lần bắt được tù binh, khi giải giao cho An Ninh Quân Đội, Nhảy Dù tôi đều ghi rõ: “tự thú đầu hàng, không có kháng cự” để tránh cho họ không bị tra khảo đánh đập hỏi cung.

Một lần toán Viễn Thám theo dõi dấu vết của một tên VC kinh tài, ập vào nhà bắt tại trận vào lúc nửa đêm. Hắn khai báo đơn vị du kích, vị trí đóng quân của hắn một cách thành thực. Bà mẹ già của hắn với đôi tay run rẩy bần bật đang đun nước sôi, người vợ đang bồng đứa con cho bú với đôi mắt sợ hãi van lơn cầu khẩn...! Đường kiếm có sắc bén lạnh lẽo tàn độc cỡ nào cũng không nỡ hạ thủ một kẻ đã sa cơ thất thế, tay đao có oan nghiệt ngất trời cũng không nỡ tàn bạo giết chết đứa bé sơ sinh! Nếu tôi giải giao hắn qua tay Đơn Vị 101, hay Phượng Hoàng thì không những chỉ có riêng hắn bị tù tội mà là tất cả cả gia đình hắn bị ảnh hưởng di lụy, còn đâu mái gia đình êm ấm?! Chiều hôm đó tôi thả hắn đi với lời giả vờ thịnh nộ: “Đi, đi... đừng quay đầu nhìn lại...”! Hắn hai tay chắp trước ngực, lầm lũi vừa chạy vừa đi run rẩy chỉ sợ một tràng đạn sau lưng kết liễu đời mình! Chờ cho đến khi bóng dáng của hắn khuất phía sau bên kia đồi... Tôi ngoảnh mặt nhìn lại, thấy vợ hắn vẫn còn đang cho con bú với dáng quỳ mọp bên cạnh bà cụ già khóc không thành tiếng...! Họ không phải là đối tượng chiến tranh của TS2ND. Không biết trong trái tim của mỗi một con người có bao nhiêu ngăn, nhưng tôi biết chắc trái tim của bọn Cộng sản vô thần chỉ có một ngăn duy nhất chứa cùng một lúc những tên đồ tể như Stalin, Mao, Hồ... “nó” được đào luyện “thép đã toi như thế đấy” và chất chứa vô lượng căm thù giết chóc như biểu tượng “Quốc Ca” của chúng: “thề phanh thây uống máu quân thù...” và thèm khát máu tươi của dân lành vô tội...!

Thế Kỷ 21 đương đại văn minh, loài Người đang tiến hoá hướng thượng và sống hài hoà với nhau. Thế mà chúng cứ mãi u mê lặn ngập trong máu lệ xáo thịt nhồi da như loài ngạ quỉ dưới địa ngục...! Thực hoang tưởng cho “cái” tương lai “thiên đường xã hội cộng sản” (không viết hoa) và biểu tượng đại vô học, não trạng tay sai ngoại bang rõ nét khi tên Lãnh Tụ Hồ Chí Minh đã xác định: “Tôi nào có tư tưởng gì đâu? Tất cả bác Mao đã làm hết rồi...”. Để chứng thực lời nói hắn đưa quyển Mao Tuyển cho cận thần dưới trướng xem!!! “quỉ Vương” đã thế bầy “tôi Thần” còn tệ hơn với đặc thù căn tính nô lệ ngoại bang, tên Tổng Bí Thư Lê Duẩn phát xú ngôn: “Chúng ta đánh đây là đánh cho Trung Quốc, đánh cho Nga Sô...” và đây biểu tượng Văn Hoá, giới “sĩ phu Bắc Hà” tên Tố Hữu đao phủ văn nghệ, đại diện cho giới “trí thức Ngựa” (Ngựa viết Hoa) hắn thổ thơ “khóc ông Sịt–ta–lin” (đúng kiểu cách dụng từ ngữ loại văn chương Bắc Hà thời đồ đểu VC ngự trị):

Ông Sịt Ta Lin ơi, Ông Sịt Ta Lin
Hay tin ông chết đất trời còn không
Thương cha thương một thương ông thương mười
.”

Chứng kiến cánh đồng xác người dân bị cán binh VC bắn chết trên “Đại Lộ Kinh Hoàng” tôi bắt đầu biết căm giận và thù hận, không phải riêng tôi mà tất cả binh lính của TS2ND của tôi cũng cùng như thế! Sau khi họ đã cùng tôi chôn lấp hằng ngàn xác chết của thường dân vô tội trên Đại Lộ Kinh Hoàng trước khi vào Quảng Trị. Chúng tôi bỗng trở thành ngây ngây say say bầu nhiệt huyết, quyết tử chiến với quân thù, chứ không khát máu như quân thù, mắt đổi mắt, mạng đổi mạng... cho nên khi vào Quảng Trị và Cổ Thành, tôi chỉ ra lệnh ngắn gọn: “giải giao tại chỗ”. Đối với bọn quỉ dữ trầm luân khát máu, chúng ta cũng cần thiết phải sắt máu và say máu mới đương đầu với chúng nó được. Trong trường hợp này, tương nhượng nhân nghĩa là đồng nghĩa với tự sát và là người ngu tốt bụng! Có phải đây là một yếu tố tinh thần giúp cho QLVNCH giữ được Kontum, An Lộc và quyết tử để quyết sinh Quân Ta đã tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị làm tròn nhiệm vụ Bảo Quốc – An Dân:

Ôi... Quảng Trị tan hoang buồn xao xác...!
Trăng soi âm u lành lạnh Cổ Thành
Gió hiu hắt thổi qua điêu tàn đổ vỡ...!
Nhưng Bắc quân đến đây Quỷ gặp Người
.

Chúng đã “gặp” Người, chạm mặt tử thần Nhảy Dù và những đơn vị tinh nhuệ, thiện chiến chủ lực của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà như: Lực Lượng 81 Biệt Cách Dù, Thuỷ Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Thiết Giáp, Pháo Binh, Sư Đoàn 1 Bộ Binh Nhất Kiếm Trấn Ải, Không Quân Việt Nam Bảo Quốc Trấn Không, Hải Quân và Nghĩa Quân, Địa Phương Quân, Cảnh Sát Chiến Đấu kiên cường... đã tống táng hồn Bắc quân bay theo tiếng súng...!!!

Thành Phố Huế trở lại yên bình, nhưng người dân xứ Huế sẽ không bao giờ quên những gương mặt khát máu: Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Thị Đoan Trinh, Tôn Thất Dương Tiềm, Lê Văn Hảo... với những hầm hố chôn sống tập thể nạn nhân. Ác quỉ chào đời tại Huế lớn lên làm giặc truy lùng giết người Huế...! Ôi... nỗi oan khiên thống khốc nào hơn...!

Người dân Quảng Trị trở về ngôi nhà đổ nát, ruộng vườn điêu tàn sơ xác... cố gắng kham khổ gầy dựng lại cuộc sống vốn đã nghèo nàn lam lũ tự thuở nào, còn đâu những người thân yêu với nồi ngô khoai ấm lòng buổi chiều đông giá lạnh rét mướt và mùa nóng bức gió Lào thổi bay cát bụi như muốn toét mắt...?! Liệu họ có thể quên được hình ảnh kinh hoàng trên “đại lộ buồn thiu” khi mà cha mẹ vợ con đã chết trước họng súng đại liên của Bắc quân bắn giết đồng bào dã man gấp ngàn lần bọn Gestapo của Đức Quốc Xã, vì Gestapo không bao giờ tàn sát người dân Đức. Hỏi: “Bùi Tín, Vũ thư Hiên, Dương Thu Hương, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Thế Thiệp... và gần đây nhất.”

Bên Thắng Cuộc “của Huy Đức có nhìn được cái mặt trái bạo tàn của Việt cộng và những ‘sư phụ’ Stalin, Mao, Hồ đã sản sinh loài ‘Cộng sản’ một ‘sản phẩm’ cấu vật tàn hại con Người khủng khiếp mà bút nghiên giấy mực và ngôn ngữ của Người Văn Minh không thể nào lột tả hết được, ngàn năm trước không có, ngàn năm sau chắc gì có chứ?! Hiện tại di hệ lớp hậu duệ hai ba thế hệ sau này vẫn phải mang dòng giống khát máu dân lành, khiến cho cả một dân tộc Việt Nam vốn hiền hòa nhưng quật khởi nay mai phải chờ đợi ngày ‘nhà Hán’ tràn xuống rồi thành lập ‘AnNam Tỉnh Bang’ dưới sự cai trị của ‘Hán Triều Đô Hộ Phủ’ và lịch sử chép: ‘bọn man di Ỏ Nàm Dành’ có ‘tổ tiên’ là thượng phụ Mã Viện Phục Ba Tướng Quân và ‘mẫu’ là Cù Thị....!!!” Biết đến bao giờ có một Vị Anh Hùng Áo Vải Lam Sơn xuất thế!

Đại Đội 2 Trinh Sát Nhảy Dù là như vậy đó... Say máu trên chiến truờng, “thanh lịch” trong thành phố...?!!! Trong một buổi sinh hoạt Chiến Tranh Chính Trị của đơn vị, khi tôi đang thao thao đề tài: “Tình quân dân như cá với nước...”, bỗng một giọng Quảng Nam khàn khàn bên dưới hỏi tôi: “Cạ mạ không nược cạ chệt, nược mạ không cạ thì sao hở Đựa Quới...”? Một chút lúng túng tức cười tôi chợt khôi hài: “Nước mà không cá thì nước cũng chết luôn” làm cả đơn vị cười ồ vui không tả được...!!! Không có Dân làm gì có Nước? Nên Dân Vi Quý Xã Tắc Thứ Chi là trúng phóc, “Khổng Tử viết” chí lý chỗ này...!!!

Những ngày cuối tháng ba năm 1975, LĐIND, LĐIIIND đang tả xung hữu đột với Cộng quân ở Thường Đức phía Tây Đà Nẵng, LĐIIND đang trấn giữ đèo Phước Tượng, tin Ban Mê Thuột đã mất, TQLC sẽ bỏ Quảng Trị, SĐND rút về Sài Gòn... tin tức với tin tức chẳng có tin nào được vui...?! Tôi đứng trên ngọn đồi cùng với Đại tá Nguyễn Thu Lương (LĐT/LĐIIND) cách đèo Phước Tượng vài trăm thước với cái ống nhòm nhìn xuống con đường ngoằn ngèo từ Đại Lộc, Lăng Cô, chân đèo Hải Vân và buồn bã, lại những hình ảnh tang thương giống như đầu năm 1972 tái diễn... hàng đoàn người, xe lam, xe đò, xe bò chen chúc nhau trên con đường đèo nhỏ hẹp xuôi Nam, họ cứ đi, đi mãi... không biết đi đâu chạy giặc...?! “Giặc từ ngoài Bắc vô đây bàn tay nhuốm máu đồng bào...!”

Một tháng sau... ngày 30/4/75 số phận của toàn thể Quân – Dân Miền Nam bị an bài, Đại tá Nguyễn Thu Lương vị Đại tá Lữ Đoàn Trưởng tài năng, đạo đức có thừa kính yêu của chúng tôi đã rơi vào tay bọn quỉ đỏ, thân xác Trung tá Sơn Đui Lữ Đoàn Phó không biết nằm ở nơi nào đó trong vòng đai Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi (Phan Rang). TS2ND chúng tôi cũng cùng chung số phận tan thư ong, cả Đại Đội “may mắn” trở về hậu cứ vỏn vẹn duy nhất trên một chiếc trực thăng cấp cứu...!

Tình Quân – Dân như Cá với Nước! Quân đã như vậy, thuỷ cũng tận, nước đã cạn, ngư diệt, cá muốn sinh tồn chỉ còn thế bươn chải ra biển khơi tự lực cánh sinh, còn nước thì theo vận nổi trôi nay đã trở thành những dòng sông đen rác rưởi, hay những dòng sông đỏ loang đầy huyết lệ...?! Ôi... những dòng sông của thời thanh bình hay chiến sự đã chảy quanh chuyên chở biết bao niềm như kỷ niệm nay đã thế nào rồi...?! Hỡi Thạch Hãn, Hương Giang, Mỹ Chánh... đau thương như một quá khứ nhạt nhòa với “Mũ Đỏ Nhảy Dù” và chiếc nón lá che nghiêng hé trộm nhìn, tà áo dài thướt tha bay bay trên cầu Tràng Tiền “Em tan trường về... Anh theo Ngọ về...” ...làm sao cho qua sầu Cố Đô?! Trinh Sát 2 Nhảy Dù... đã gắn liền tâm hồn mình với “Dân Huệ” dọc dài suốt bốn năm trong khói lửa chiến chinh. Không biết đến bao giờ Tôi mới có thể trở lại “Huệ” thân yêu để “đóng Phim” trước những tiếng cười khúc khích tinh nghịch của các “nàng” Văn Khoa, Luật Khoa... của “Huệ”... hay chỉ là mơ thôi.

Trương Văn Út
(Mũ Đỏ Út Bạch Lan)



Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by batkhuat nguyen chuyển

 

Đăng ngày Thứ Ba, February 27, 2024
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang