Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tản mạn Thời sự
Chủ đề: Chính trị thế giới
Tác giả: Trương Văn Út (Út bạch lan)

XUỐNG NƯỚC

 

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

Tuần Này Xin Xạo Sự Về Hai Chữ “Xuống Nước”.

Xuống Nước” là một tâm thái chịu thua trong kín đáo thầm lặng, thua mà không nhận là thua mà dã lã dịu giọng, một cách gián tiếp hay khúc tuyến vòng vo tam quốc để chứng tỏ cho đối phương biết rằng “thôi... tôi chịu thua rồi, xin hãy ngừng tại đây, v.v. và v.v.”

Thứ hai ngày 22/11/2021, Tập Cận Bình có cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo khối ASEAN để đàm phán về bộ luật “Quy Tắc Ứng Xử” (COC) tại vùng biển đông. Từ nhiều thập kỷ qua, những tranh chấp về yêu sách chủ quyền giữa Trung Cộng, Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam vẫn chưa được giải quyết, bất chấp những nỗ lực giữa Bắc Kinh và khối ASEAN nhằm soạn thảo một khuôn khổ cho các quy tắc và chuẩn mực tại Biển Đông. Nhưng chẳng đi tới đâu vì thái độ hung hăng của Tàu Cộng đối với các nước nhỏ bé láng giềng của mình, nay thì xuất hiện khối QUAD và AUKUS khiến Tàu Cộng phải xuống nước dịu dọng như Tập tuyên bố khẳng định hôm ngày 22/11 vừa qua “Trung Quốc đã, đang và sẽ mãi là một láng giềng tốt, một người bạn hữu hảo, một đối tác tốt của ASEAN. Bắc Kinh sẽ không bao giờ tìm cách làm bá chủ và chắc chắn sẽ không ức hiếp các nước nhỏ”. Ngoài ra Tập còn trấn an các nước ASEAN rằng “chúng ta (ASEAN) cùng duy trì ổn định ở Biển Đông, biến Biển Đông thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, nhưng chúng ta cũng cần phải loại bỏ mọi ‘can thiệp’ từ bên ngoài...”. Tập ngụ ý đến các cuộc tuần tra vì tự do lưu thông hàng hải của Hoa Kỳ và các nước đồng minh trong vùng, cũng như của Đức, Anh, Pháp. Liên Hiệp Châu Âu từng kêu gọi “tất cả các bên tôn trọng tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở Biển Đông”. Quả đây là cách ứng xử “quân tử tàu” của họ Tập, dịu giọng xuống nước với QUAD và AUKUS nhưng vẫn giọng điệu anh cả với ASEAN, nhất là đối với Việt Nam vì sông liền sông núi liền núi. Sự kiện này cũng cho chúng ta thấy mộng “Đế Vương” của Tập sẽ không bao giờ trở lại thời kỳ Mao Trạch Đông được. Vì Mao không có ngoại hoạn, còn Tập thì tứ bề thọ địch.

Khi đệ nhị thế chiến chấm dứt, chiến tranh lạnh Nga–Mỹ bắt đầu thì Mao còn bôn ba vạn lý trường chinh. Bốn năm sau (1949) Nga ổn định các nước Đông Âu vào quỹ đạo cộng sản Mạc Tư Khoa, đã dốc toàn lực giúp Mao tiến chiếm lục địa Tàu với sự bỏ rơi Tưởng Giới Thạch của Tổng Thống Hoa Kỳ Truman. Mao lên làm chủ tịch nước với một xã hội văn hóa phong kiến băng hoại thối nát từ đời nhà Thanh (Mãn Châu) còn để lại, kinh tế thì tả pín lù hỗn tạp vì ảnh hưởng của Bát Quốc Liên Quân nửa Tây nửa Tàu và ảnh hưởng tư tưởng dân chủ của chủ thuyết “Tam Dân” của Tôn Dật Tiên, Mao lại đem chủ thuyết cộng sản của Mác–Lê để cải tạo lại xã hội tàu thì quả là thiên nan vạn nan. Phải khách quan và công tâm mà xét rằng, Mao quả thật là một người có bản lĩnh hơn người đã thống nhất được nước tàu về một mối, và đặc biệt nhất là Mao đã thống nhất được ngôn ngữ tàu qua tiếng phổ thông. Với bàn tay sắt không kém gì Tần Thủy Hoàng “ĐẾ”, 30 năm cầm quyền, Mao áp dụng chính sách “đóng cửa giáo dưỡng con cái”, ổn định trật tự xã hội bằng vũ lực bất chấp dư luận trong và ngoài nước phê phán chỉ trích, tuyệt diệt những thành phần trí thức khoa bảng lai căng chống chế độ, ngay cả những thành phần lừng khừng cũng bị “thà giết lầm còn hơn bỏ sót” của Mao qua cuộc cách mạng văn hóa năm 1968. Cuộc “ngoại giao bóng bàn” của Richard Nixon và Mao năm 1972 đã làm thay đổi cục diện chính trị thế giới vẫn còn trong tình trạng chiến tranh lạnh của Nga–Mỹ. Năm 1975 Mỹ buông miền nam Việt Nam, Nga bắt lấy và Nga bắt đầu bung. Mao qua đời tháng 9 năm 1976. Hoa Quốc Phong là người được chỉ định kế tục Mao Trạch Đông trở thành lãnh tụ tối cao Đảng Cộng sản Trung Quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ngay khi Chu Ân Lai qua đời ngày 8 tháng 1 năm 1976, Hoa Quốc Phong lên kế nhiệm làm Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tháng 9 cùng năm 1976, Mao qua đời, và Hoa Quốc Phong thay Mao trở thành Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc, trước sự ngạc nhiên và mất tinh thần của Giang Thanh cùng toàn bộ Bè lũ bốn tên. Ông đã chấm dứt Cách mạng văn hóa và tống Bè lũ bốn tên khỏi các vị trí quyền lực chính trị, nhưng vì sự cố chấp đi theo con đường Chủ nghĩa Mao của ông, vài năm sau tới lượt ông bị Đặng Tiểu Bình lật đổ và buộc phải về hưu sớm sau năm năm cầm quyền (1976–1981).

Ngay sau khi Đặng Tiểu Bình thay thế Mao và Hoa, họ Đặng mở một trang lịch sử hoàn toàn mới cho nước Tàu. Họ Đặng mở tung những cánh cửa mà Mao đã khép chặt hơn 30 năm qua, chuyển hóa nhanh chóng ngoạn mục từ kinh tế tập trung của xã hội chủ nghĩa sang kinh tế thị trường, từ đó Tàu mang đôi hia bảy dặm vươn mình đứng dậy như một con sư tử đã ngủ 30 năm giờ vươn vai ngang hàng với các siêu cường kinh tế của thế giới chỉ trong vòng vài thập kỷ. Tiếp nối con đường họ Đặng, Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đã dẫn dắt xã hội chủ nghĩa của Tàu từng bước không phải để quá độ lên thiên đường cộng sản mà là “Thiên Đường Tư Bản” tạo ra nhiều thế lực của các bang các phái như xã hội đen của Tàu ngày xưa, nhưng trong lĩnh vực đối ngoại thì ngày càng thêm bạn bớt thù. Trong suốt đoạn đường tiến nhanh tiến mạnh lên thiên đường tư bản này đã có bao nhiêu cuộc đảo chánh xảy ra trong giới lãnh đạo của Tàu. Nhìn vào lịch sử của ĐCSTQ sẽ thấy, mỗi lần kế nhiệm, ắt có đảo chính.

Sau khi Mao Trạch Đông chết, Hoa Quốc Phong kế nhiệm, ngay sau đó đã có đảo chính. Sau đó Hồ Diệu Bang cũng bị phế truất, đây cũng là một cuộc đảo chính vì ĐCSTQ đã không triệu tập một ủy ban trung ương để bãi nhiệm Hồ Diệu Bang. Tiếp đó Triệu Tử Dương cũng bị phế truất và Giang Trạch Dân lên nắm quyền, đây cũng là một cuộc đảo chính. Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền cũng có xảy ra đảo chính. Lúc ấy mọi người tưởng rằng Giang Trạch Dân sẽ đưa 3 chức: Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương nắm giữ từ Đại hội 16 năm 2002 giao cho Hồ Cẩm Đào, nhưng không ngờ Trương Vạn Niên đã ‘rút súng’ yêu cầu Hồ Cẩm Đào phải đồng ý để Giang Trạch Dân làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương thêm 2 năm nữa. Đây vẫn được tính là một cuộc đảo chính. Sau Hồ Cẩm Đào là đến lượt Tập Cận Bình. Ông Tập lên nắm quyền không lâu thì Bạc Hy Lai đã phát động đảo chính. Khi bị kết án, khuôn mặt Bạc Hy Lai rất bình thản như thể vị trí của ông Tập phải ở trong tay ông ta.

Tại sao kịch bản mỗi lần kế nhiệm, ắt có đảo chính luôn xảy ra ở nội bộ ĐCSTQ, người nào cũng có thể tìm một lý do để đảo chính? Câu trả lời chính là: từ cái ngày đầu tiên ĐCSTQ lên nắm quyền, nó đã thiếu mất một thứ rất quan trọng, đó là “tính hợp pháp” của việc chấp chính. Trong văn hoá truyền thống của nước Tàu thì quyền lực cao nhất của nước Tàu là người đứng đầu của nước, đó là “VUA”, vua là thiên tử con của trời đến từ thiên mệnh, “Quân Quyền Thần Thụ” (quyền của vua là Trời trao), hoặc về sau này đến từ nhân dân tức là bầu cử dân chủ nhưng lại kèm theo câu “Ý Dân Là Ý Trời”. ĐCSTQ giảng “Vô Thần Luận”, nên vấn đề quân quyền thần thụ bị xóa bỏ ngay tức khắc, đồng thời nó cũng là chế độ cực quyền nên cũng không bao giờ có vấn đề bầu cử dân chủ. Do đó từ ngày đầu tiên nắm quyền, ĐCSTQ đã không có tính hợp pháp.

Chỉ còn chẳng bao lâu nữa, Đại Hội Đảng lần thứ 20 của Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra năm tới 2022. Tập Cận Bình đã ngồi vào ba cái ghế uy quyền nhất nước Tàu chẳng khác gì một Hoàng Đế dưới thời quân chủ trong suốt hai nhiệm kỳ 10 năm của mình. Trong văn học lịch sử nước Tàu chúng ta thường nghe đến chữ “Thiên Mệnh”. Người có mệnh trời lên làm vua được gọi là “Thiên Tử”. Khi thiên tử làm những việc xấu gây bao nhiêu tội ác với bá tánh thì ông Trời sẽ không cần người đó nữa, vương triều ấy khí số đã tận, ông Trời sẽ lập một người có đức để đoạt thiên hạ, đây gọi là “Thiên Mệnh Biến Cách”. Nhà Thang là Thành Thang Vương, người thảo phạt vua Kiệt nhà Hạ để lập ra nhà Thương. Nhà Vũ là Chu Vũ Vương, người thảo phạt vua Trụ nhà Thương để lập ra nhà Chu. Sự thay ngôi đổi chủ này không phải là cách mạng bạo lực giết chóc được giảng trong chủ nghĩa Mác–Lê, mà là thiên mệnh biến cách nghĩa là sự thay đổi của thiên mệnh.

Tại sao lại nói Đảng cộng sản Trung Quốc không có tính hợp pháp? Xét giai đoạn lịch sử của Tàu bắt đầu từ thời Hiên Viên Hoàng Đế đến nhà Hán là khoảng 2000 năm, thì tất cả những vị xưng Đế đều là hậu duệ của Hiên Viên Hoàng Đế. Ví như Ngũ Đế gồm Hiên Viên Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn; thì 4 Đế sau là hậu duệ của Hiên Viên Hoàng Đế đều có tính hợp pháp thời đó. Không có tính hợp pháp theo truyền thống của Tàu thì phải bắt đầu từ nhà Hán. Vì Hán Cao Tổ Lưu Bang là phường áo vải bình dân mà có được thiên hạ. Lưu Bang xuất thân bình dân áo vải, 3 năm phản Tần, 4 năm diệt Sở, hoàng vị của ông đoạt được là Hoàng Đế. Nếu Lưu Bang có thể đoạt thì người khác cũng có thể đoạt như vậy. Sau hai nhiệm kỳ mười năm (2012–2022) nắm trọn binh quyền nước Tàu, Tập muốn lội ngược dòng thời gian để có ngôi vị như Mao Trạch Đông là “Hoàng Đế Muôn Năm”, muốn như vậy, việc đầu tiên cấp bách hiện nay là Tập phải dẹp bọn cái bang của Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân cùng với giây mơ rễ má của Đặng Tiểu Bình còn để lại trước cái đã, vì dưới nhãn quan của các cái bang này, Tập là kẻ tham vọng muốn kéo nước Tàu trở lại thời kỳ Mao Trạch Đông, thời kỳ áp dụng triệt để chủ nghĩa cộng sản và Tập muốn làm “Thiên Tử” và “bất tử” luôn. Trước đây Tập đã khai trừ Bạch Lai Hy, sau đó năm ngoái 2020 loại Phó Chính Hoa và Tôn Lập Quân và mới đây nhất ngày 19/11/2021, Triệu Khắc Chí bị miễn chức Bí thư đảng ủy Bộ Công an, để Vương Tiểu Hồng lên thay. Triệu Khắc Chí vẫn giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an, nhưng việc Chí bị miễn chức Bí thư đảng ủy Bộ Công An là dấu hiệu sẽ có đại sự bất thường tiếp theo.

Trong thể chế ĐCSTQ thì Đảng Ủy phụ trách thể chế, trong bất kỳ cơ cấu nào thì Bí thư đảng ủy vẫn ở vị trí cao nhất. Ở cấp trung ương, việc Bộ trưởng kiêm nhiệm chức Bí thư đảng ủy là việc rất thường thấy. Điều này cũng không khó giải thích, bởi vì nếu Bí thư đảng ủy giữ chức Phó Bộ trưởng thì rất kỳ quái. Lúc này sẽ xảy ra vấn đề, trong công việc hành chính, Bí thư đảng ủy (Phó Bộ trưởng) sẽ thấp hơn Bộ trưởng một cấp, nhưng trong đảng, Bộ trưởng phải nghe lời Bí thư đảng ủy (tức Phó Bộ trưởng), đây là việc kỳ quái phát sinh nhiều mâu thuẫn nội bộ. Mà hiện tại Bộ Công an Trung Quốc lại xuất hiện tình huống kỳ lạ đó. Bí thư đảng ủy là Vương Tiểu Hồng, còn Bộ trưởng Bộ Công an là Triệu Khắc Chí. Như vậy về công việc hành chính, Triệu Khắc Chí thượng cấp của Vương Tiểu Hồng, nhưng trong đảng thì Triệu Khắc Chí lại là hạ cấp của Vương Tiểu Hồng. Tình huống chồng chéo này là một sự bất thường. Từ sự việc Triệu Khắc Chí bị miễn chức Bí thư đảng ủy Bộ Công an, kết nối với những sự kiện trong quá khứ của Bạch Lai Hy, Phó Chính Hoa, Tôn Lập Quân, trong thời gian tới sẽ sớm thấy Triệu Khắc Chí bị miễn chức hoặc nghỉ hưu chức Bộ Trưởng Công An Trung Quốc. Trước tình huống này liệu Tập có đủ bản lĩnh như Mao thẳng tay diệt tận gốc bốc tận rễ của bọ cái bang tư bản hậu duệ của Họ Đặng, có nghĩa là tập sẽ thực hiện “thiên mệnh biến cách” như Thành Thang Vương, người thảo phạt vua Kiệt nhà Hạ để lập ra nhà Thương, như Chu Vũ Vương, người thảo phạt vua Trụ nhà Thương để lập ra nhà Chu. Hay Tập đã và đang theo tư tưởng pháp gia của Hàn Phi Tử.

Xin nhắc lại một yếu tố quan trọng ở đây, Mao không gặp ngoại hoạn mà Tập thì có. Pháp gia là tư tưởng chỉ đạo của nhà Tần, lên đến cực thịnh là lúc Tần Thủy Hoàng xưng Đế. Nhiều tư tưởng gia Âu Châu đã so sánh tư tưởng này tương tự như tư tưởng “Nghệ Thuật Làm Chúa” của Niccolo Machiavelli của Italy. Thời kỳ Xuân thu chiến quốc, xã hội Trung Hoa cổ đại đang chuyển từ hình thái kinh tế chiếm hữu nô lệ suy tàn sang chế độ phong kiến, làm trật tự xã hội đảo lộn, đạo đức suy đồi. Để cải biến xã hội hội ấy, nếu Nho gia chủ trương “nhân trị”, Mặc gia lấy “kiêm ái”, Đạo gia chủ trương sống theo đạo tự nhiên, “vô vi” để trị nước, thì Pháp gia của Hàn Phi Tử với những căn cứ lý luận và lịch sử của mình, đã coi hình pháp là công cụ quan trọng cho sự ổn định, phát triển xã hội và củng cố chế độ chuyên chế ở Trung Quốc cổ đại. Pháp Gia là tổng hợp giữa “pháp”, “thế” và “thuật”. Trong đó “pháp” là nội dung chính của chính sách cai trị, “thế” và “thuật” như là phương tiện để thực hiện chính sách đó. Cả ba Pháp – Thế – Thuật đều là công cụ quyền lực của đế vương.

“Pháp” là một phạm vi có thể hiểu theo nghĩa hẹp là quy định, luật lệ, hiến lệnh có tính chất khuôn mẫu mà mọi người phải tuân thủ. Theo nghĩa rộng, pháp có thể coi là thể chế, chế độ chính trị xã hội. Vậy, “pháp” là tiêu chuẩn, căn cứ khách quan để định rõ danh phận, phải trái, công, tội từ đó mọi người biết bổn phận, trách nhiệm của mình đối với xã hội.

“Thế” theo quan niệm của Hàn Phi là địa vị, thế lực, quyền uy của những người cầm đầu chính thể. Địa vị đó là độc tôn, gọi là “Tôn Công Quyền”. Muốn thi hành được pháp lệnh tất phải có “thế”. Thế quan trọng đến mức có thể thay thế được hiền nhân trị nước. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho ĐCSTQ cứ thanh trừng, đảo chánh liên miên dù rất kín đáo trong Tử Cấm Thành vì người cho kẻ kia là bất xứng với ngôi vị.

“Thuật”, là cách thức, mưu lược điều khiển việc, điều khiển xã hội, điều khiển con người và được xem là “chính danh”. Chính danh theo Khổng Tử là yêu cầu mọi người trong xã hội làm tròn bổn phận của mình, còn pháp gia của Hàn Phi Tử chính danh là phương sách trong nghệ thuật lãnh đạo của vua, là mọi người phải làm vì vua, tuyệt đối nghe theo mệnh lệnh của vua “quân xử thần tử, thất bất tử bất trung”. Sau này trường phái pháp gia này được Ngô Khởi của nước Sở và Vương Thiền (Quỷ Cốc Tử) của nước Ngụy phỏng theo để đưa ra “Biến Pháp”, chủ yếu là hủy bỏ quyền lực của bọn quý tộc và giải phóng nô lệ. Biến pháp của Ngô Khởi là giải phóng nô lệ để xung vào quân đội để thôn tính lục quốc, còn Vương Thiền cũng giải phóng nô lệ nhưng để trả lại tự do cho họ, còn tịch thu đất đai tài sản của bọn quý tộc để chia lại cho những người vốn là nô lệ trước đó nữa.

Bất hạnh thay cho nhân loại. Giữa thế kỷ thứ 19 lại sinh ra Karl Heinrich Marx (1818–1883) là một nhà triết học, kinh tế học, sử học, xã hội học, nhà báo, nhà lý luận chính trị, nhà cách mạng. Do những hoạt động chính trị của mình, Marx trở thành người không quốc tịch và phải sống lưu vong cùng vợ và con tại Luân Đôn trong nhiều thập kỷ. Tại đây, Marx tiếp tục phát triển những tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản cùng với Friedrich Engels và cho xuất bản nhiều tác phẩm. Hai tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Tuyên ngôn của Đảng cộng sản và 3 tập Tư Bản Luận. Những quan điểm chính trị và triết học của Marx làm ảnh hưởng lớn đến lịch sử tri thức, kinh tế và chính trị của thế giới sau này. Những quan điểm chính trị này của Marx cũng na ná như pháp gia của Hàn Phi và biến pháp của Ngô Khởi – Vương Thiền, nhưng tiếc thay cho lịch sử con người, thực hiện những tư tưởng này lại rơi vào tay tên đồ tể Stalin, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh.

Với bàn tay nhuốm máu búa lưỡi liềm của Stalin, cộng sản cũng dẹp bỏ hàng quý tộc tham quan ô lại, cộng sản đã đào tận gốc bốc tận rễ bọn cường hào ác bá phú hào địa chủ, mà những nạn nhân lại chính là thân nhân ruột thịt cùng máu mủ của mình. Stalin cũng giải phóng nô lệ qua chiêu bài cách mạng vô sản để đưa người dân vào tròng nô lệ của đảng một cách vô cùng tinh vi và xảo quyệt hơn gấp trăm lần dưới thời quân chủ phong kiến. Stalin đã lấy quyển sách “The Prince” của Machiavelli để cải tạo xã hội Nga trong 30 năm (1922–1953) thành xã hội chủ nghĩa với trên dưới 30 triệu đã chết dưới búa liềm của chế độ phi nhân tính của chủ nghĩa Marx, để rồi năm 1990 Gorbachev dẹp nó vào thùng rác. Mao đã áp dụng pháp gia với bàn tay đẫm máu chính dân tộc mình kéo dài khoảng 35 năm (1949–1976) với hơn 60 triệu sinh mạng của con người, để rồi năm 1981 Đặng Tiểu Bình lên ngôi đạp đổ nó để đưa xã hội Tàu đi dần vào con đường tư bản dưới chiêu bài kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Năm 2012 Tập lên ngôi thừa hưởng cái gia tài 40 năm từ Đặng Tiểu Bình tới Hồ Cẩm Đào (1981–2021), cái gia tài “ba rọi” nửa xã nghĩa nửa tư bản đã là một bài toán nội bộ nhức đầu cho Tập, vì tham vọng làm hoàng đế muôn năm của Tập, nay lại gặp phải ngoại hoạn vì tham vọng “một vành đai một con đường” của riêng Tập. Mao chỉ muốn làm hoàng đế như Tần Thủy Hoàng là gồm thâu lục quốc của riêng nước Tàu, còn Tập thì muốn gồm thâu cả thế giới dưới quyền thao túng của mình.

Tập Cận Bình nói riêng và chính quyền Bắc Kinh nói chung đang đối phó với vấn nạn sinh tử là nội loạn và ngoại hoạn, đó là chưa đề cập đến nạn nhân mãn và thiếu hụt năng lượng trong nước. Đó là lý do chính mà từ bấy lâu nay, Tập không dám động thủ dù với hoang đảo nhỏ xíu Senkaku thuộc chủ quyền của Nhật Bản nằm sát bên nách của mình đừng nói chi đến Đài Loan. Hơn ai hết, Tập và chính trị bộ Bắc Kinh am hiểu và thông suốt Tôn Vũ Binh Pháp là “công chỗ nào không thủ và thủ chỗ nào không công”. Nhào vào Đài Loan lúc này là nhào vô chảo dầu đang sôi sục đang được đun sôi bởi QUAD và AUKUS. Tấn không được thì thối, điều đó dễ hiểu quá mà, cho nên mới “xuống nước” và dịu giọng, Tập không còn huênh hoang như dưới thời Obama là Tàu sẽ trở thành siêu cường số một của thế giới vào năm 2025 hay 2035. Dù Tập có o bế hay dụ dỗ bằng phương cách nào đi chăng nữa, thì các quốc gia thuộc khối Asean cũng bình chân như vại, nương theo Bắc Kinh để hưởng lợi, tùy kỳ thời, tùy kỳ thế rồi mới kiến cơ nhi tác. Thời Thế đó chỉ có Mỹ tạo ra chớ không thể do Bắc Kinh, vì vậy cho nên có một câu hỏi mà trả lời thế nào cũng không thể khẳng định được đúng hay sai. “Anh Hùng Tạo Thời Thế Hay Thời Thế Tạo Anh Hùng”.

Tập Cận Bình họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo khối ASEAN ngày 22/11 vừa qua là để trấn an các quốc gia vùng Đông Nam Á đừng lo sợ khối Quad hay Aukus vì đã có “qua đây, qua sẽ bảo vệ các em an toàn mà...”! Các lãnh tụ của các quốc đông nam á ngày nay không phải là những con cừu non dưới gót chân ngựa của Thiết Mộc Chân Thành Cát Tư Hãn nữa, mà là những con cáo già hoặc những con cáo sồn sồn chính trị trong vùng rồi. Tập đề xuất và thúc đẩy các nước trong vùng nên sớm kiện toàn và ký kết một cơ chế liên quan đến việc quân đội nước ngoài tập trận chung với các nước thành viên ASEAN. Một cơ chế bị xem như là “đi ngược lại quyền tự chủ – chủ quyền quốc gia” của nhiều nước trong khu vực. Ngay như Indonesia và Malaysia đều phản đối việc hình thành AUKUS, nhưng cả hai nước này đều duy trì các mối quan hệ đối tác quốc phòng và an ninh tương ứng với các thành viên của AUKUS, cụ thể là Mỹ và Úc. Từ nhiều thập kỷ, những tranh chấp về yêu sách chủ quyền giữa Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam vẫn chưa được giải quyết, bất chấp những nỗ lực giữa Bắc Kinh và khối ASEAN nhằm soạn thảo một khuôn khổ cho các quy tắc và chuẩn mực tại Biển Đông. Liệu các nước thuộc khối Asean có nghe lời Bắc Kinh để có thể chấp nhận đến đâu “mức độ từ bỏ chủ quyền” của mình. Đây cũng chính là một trong những vấn đề gây chia rẽ, cạnh tranh giữa các nước có liên quan, vốn dĩ cũng đang dòm ngó lẫn nhau khi sợ rằng mình đã hy sinh nhiều hơn nước khác, trong khi tất cả các quốc gia này đều nhận định rằng AUKUS ra đời có lẽ sẽ làm cho cuộc đàm phán COC thêm phần phức tạp. Sự việc phản ảnh rõ những quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc ra khỏi vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Đài Loan là một tỉnh lẻ của Trung Quốc độc lập toàn vẹn chủ quyền mà chính quyền Bắc Kinh chỉ nay hù mai dọa chưa dám động tới sợi lông chân của Bà Thái Anh Văn nữa là, thì làm sao đủ thế lực để giữ cái lưỡi bò của mình. Tri bỉ tri kỷ bách chiến bách thắng. Họ Tập cuối cùng đã nhận thấy điều đó. Tập cũng xứng đáng được liệt vào hàng cao thủ võ lâm nhưng không bao giờ thực hiện được giấc mộng chưởng môn ngũ nhạc kiếm phái được. Tập bị “cắt lưỡi bò” chẳng khác gì như Nhạc Mất Quần bị “thiến dái”!

Tự nãy giờ vòng vo tam quốc mặt trận phía đông và đông nam của Tàu. Giờ thì sơ lược qua mặt trận phía tây tức là vùng Trung Á để thấy rằng canh bài vô tiền khoáng hậu của ông thần Donald Trump độc địa cỡ nào. Năm 2017 chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình long trọng tiếp đón các nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ tại Bắc Kinh chung quanh dự án “một vành đai một con đường” kết nối Trung Quốc với năm châu. Nhân dịp này tổng thống Nga, Vladimir Putin đã đọc một bài diễn văn quan trọng ủng hộ sáng kiến của Bắc Kinh “Cám ơn Ngài Tập Cận Bình đã tạo một cái đà mới cho các hoạt động mậu dịch của các nước Trung Á”, một trong những mắt xích không thể thiếu trong dự án của ông Tập Cận Bình. Giới quan sát ngạc nhiên trước tuyên bố nói trên của chủ nhân điện Cẩm Linh bởi đầu tư và Con Đường Tơ Lụa mới của Trung Quốc có nguy cơ thu hẹp ảnh hưởng của nước Nga tại Trung Á. Nhưng tất cả đã lầm. Putin là một con cáo già chính trị, Nga đang cần tiền, chẳng những Putin ủng hộ mà còn hoan nghênh hai tay hai chân dự án một con đường của họ Tập nữa là khác, bởi Putin đã nắm chắc lá bài tẩy Afghanistan của Mỹ từ lâu rồi. Cái bẫy sập để chú ba tàu giầu có tuôn tiền ra xây dựng con đường đó trên chính lãnh thổ của mình. Năm 1990 sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ, cộng sản giải tán, 30 năm kể từ khi giành được độc lập, 5 quốc gia Trung Á vẫn thuộc vùng ảnh hưởng của Nga. Trong khuôn khổ dự án một vành đai một con đường, Bắc Kinh dùng thương mại, đầu tư và kể cả quân sự để chen chân vào Kazakhstan, Kirghizistan, Uzbekistan, Tajikistan, Turkmenistan vốn được coi là sân sau của nước Nga. Cho đến bây giờ, năm 2021, Mạc Tư Khoa vẫn luôn xem 5 quốc gia trung á này là một mắt xích chiến lược về an ninh và đối ngoại của Nga. Tháng 10/2021, Douchan Bé thông báo cho phép Trung Quốc xây dựng một căn cứ quân sự tại biên giới giữa Tajikistan với Afghanistan. Putin và Trump kể cả khối Nato và Eu làm ngơ “ừ... muốn xây thì cứ xây, xây lâu đài trên cát”!

Vùng đất 5 quốc gia vùng Trung Á là vùng đất giầu tài nguyên này, nay đã trở thành một cái gai trong quan hệ hữu hảo giữa Nga và Trung Quốc sau bốn năm cầm quyền của Donald Trump.

Từ khi Liên Xô tan rã, Mạc Tư Khoa vẫn luôn đưa ra những sáng kiến để “giữ” Trung Á trong tầm ảnh hưởng của mình như việc thành lập Liên Minh Kinh Tế Á Âu năm 2014 hay trước đó năm 2002 qua Tổ Chức Hiệp Ước An Ninh Tập Thể CSTO. Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) hay gọi đơn giản là Hiệp ước Tashkent bắt đầu với tên gọi Hiệp ước An ninh Tập thể SNG được ký vào ngày 15 tháng 5 năm 1992 bởi Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan, tại thành phố Tashkent. Nga vẫn duy trì căn cứ quân sự trên lãnh thổ Kirghizistan và Tajikistan đồng thời vẫn còn ít nhất hai đơn vị thường trực của quân đội Nga đồn trú tại Kirghizistan. Về mặt kinh tế, các tập đoàn dầu khí của Nga vẫn kiểm soát một phần lớn các lĩnh vực khai thác, lọc dầu và chuyên chở đưa năng lượng của Trung Á đến thị trường châu Âu. Tuy nhiên thực tế không thể chối cãi là Mạc Tư Khoa không có phương tiện tài chính hấp dẫn như Trung Quốc. Do đó Mạc Tư Khoa đã “cho phép” Kazakhstan, Ouzbekistan và Turkmenistan có nhiều dự trữ về dầu khí cần được khai thác, trong lúc quặng mỏ, khoáng sản là những điểm mạnh để Kirghizistan và Tajikistan thu hút đầu tư Trung Quốc. Về phía Bắc Kinh, từ 2001 Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm đến các quốc gia giầu tài nguyên này. Năm 2001 cũng là thời điểm Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải ra đời và đó là điểm khởi của nhiều dự án đầu tư Trung Quốc vào Trung Á, từ xây dựng đường ống dẫn dầu đến đập thủy điện hay hệ thống xa lộ, đường cao tốc xe hỏa. khi bắt đầu dự án này năm 2001, Trung Quốc chỉ chiếm 3% tổng trao đổi mậu dịch của toàn khối 5 quốc gia Trung Á này. Năm 2013 khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, tỷ lệ đó đã chiếm đến 25%. Trong thập niên cuối thế kỷ XX, đầu tư Trung Quốc tập trung vào các công trình xây đường ống dẫn khí đốt của Turkmenistan, vào công nghiệp khai thác dầu của Kazakhstan và hệ thống cầu đường tại Kirghizistan, hay Tajikistan. Từ 2013 trở đi các chương trình đầu tư của Trung Quốc mang tính toàn diện hơn theo mô hình BOT (Build–Operate–Transfer) mà ở đó kỹ sư Trung Quốc thiết kế công xưởng, đào tạo người lao động địa phương, khai thác nhà máy trong ít nhất 5 năm trước khi trao lại chìa khóa cho nước chủ nhà. Với những dự án này, Trung Quốc làm chủ từ các nhà máy phân bón của Kirghizistan đến ngành công nghiệp luyện kim của Kazakhstan. Tỷ lệ này ước tính không chính xác trước sau khoảng trên dưới vài ngàn tỷ đô la Mỹ!!! Nếu thuận buồm xuôi gió thì mậu dịch này đều có lợi cho cả hai bên, Nga và Tàu. Nga thì cứ ngồi đó chờ tiền Tàu vô xây nhà cửa, nhà máy, công xưởng, cầu cống cho mình, Tàu thì từng bước mở rộng một vành đai một con đường của mình qua tới bắc và trung Âu, lan xuống trung đông, nhưng nếu đường đời bằng phẳng cả anh hùng nào dễ biết ai.

Đầu năm 2017, Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn lên thuyền rời băng đảo trở về trung nguyên vung đồ long đao chỉ có vài phát ngoạn mục mà một vành đai của Tập vỡ ra từng mắt xích, một con đường của Tập bên lở bên bồi. Lưỡi bò bị Quad và Aukus cắt đứt khiến con hoàng long Tập không thể há mồm nuốt biển đông được. Trump rồi kế tiếp là Biden bàn giao Afghanistan cho Taliban chẳng khác nào thả hổ về rừng cho khối hồi giáo vùng Trung Á, Taliban trở thành vừa là một kẻ canh chừng tiệm cầm đồ của chú ba ve chai lông vịt, vừa là một kẻ cướp lúc nào không ai biết. Liệu Tập còn tiếp tục đổ tiền vào cho 5 nước Trung Á để xây lâu đài trên cát hay không? Cái đó chỉ có Tập quyết định. Chỉ có nuốt dao bầu mới dám!

Chỉ tới đây thôi cũng thấy rằng Tập không “Xuống Nước” và dịu giọng thì không còn sự chọn lựa nào khác. Có giả thuyết cho rằng Tập bị dồn vào thế bối thủy, có thể giận quá mất khôn làm càn nhưng có tính toán, xuống nước dịu giọng với ngoại hoạn nhưng thẳng tay dẹp nội loạn. Bắt chước Mao Trạch Đông thay vì thực hiện một cuộc cách mạng văn hóa trá hình để triệt tiêu mầm mống chống đối chế độ đang cầm quyền của tầng lớp trí thức khoa bảng, thì Tập bắt chước Tướng Soái Ngô Khởi để tuyệt diệt tầng lớp quý tộc mà không ai khác hơn là phe phái có xu hướng tư bản của Đặng Tiểu Bình. Bắt bớ, thủ tiêu, thanh trừng như ăn cơm bữa của truyền thống cộng sản, gây một tình huống cực kỳ căng thẳng hỗn loạn xã hội nội bộ, trong khi đó Tập âm thầm kín đáo tổ chức vượt biên bán chính thức hoặc ô đi chân, ô đi ghe chui, xua hàng chục hay có thể hàng trăm triệu di dân ra biển khơi hay tràn qua biên giới nam bắc đông tây. Trong chính trị có nhiều cái “nếu” trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nếu ở đây được hiểu như một giả thuyết có thể trở thành hiện thực mà cũng có thể không bao giờ xảy ra. Chúng ta hãy tưởng tượng lại xem bài học của chính đất nước chúng ta vào tháng tư đen năm 1975 và hàng chục năm sau đó để hình dung ra cảnh tượng hàng chục triệu người Tàu ô đi chân vượt biên giới sang Nga, các nước Trung Á, Ấn Độ, Miến Điện, Việt Lào, ô đi ghe vượt biển qua Nhật Bản, Đài Loan Singapore, Malaysia, Indonesia, Philipin và có thể xuống tận Úc Châu chẳng những không bị ngăn cản mà có người dẫn đường như hiện trạng Belarus mới đây, chỉ có vài chục ngàn di dân từ Minsk, thủ đô của Belarus, tập trung ở biên giới chờ giờ vượt rào mà Poland, Latvia, Estonia la oải oải lên, điều động khẩn cấp binh mã làm náo loạn cả khối EU, huống gì hàng chục hay hàng trăm triệu dân Tàu đi tìm vùng đất hứa. Tới lúc đó các nước ở trong vùng liên hệ phải đối phó ra sao với chiêu bài “Nhân Đạo–Nhân Quyền” đã gây khó dễ với Tàu Cộng từ bấy lâu nay. Ngay cả Liên Hiệp Quốc cũng cà lăm luôn.

Xạo sự tôi không phải là một chiến lột gia, cũng không phải là một lý thuyết gia mà chỉ là một tên “Xạo” giúp vui một vài trống canh, đơn giản chỉ có thế. Kế sách hồi mã thương này có lẽ Tôn Tử cũng chưa nghĩ ra, nhưng có lẽ Tập đã nghĩ trong đầu nhưng chưa dám nói ra hay động thủ. Đó là lý do tại sao cựu Tổng Thống Donald Trump lấy cớ sự lây lan Covid–19 tiên hạ thủ vi cường, xuống tay trước, ra lệnh cấm di dân Tàu Cộng, trục xuất hàng trăm ngàn du học sinh của Tàu về nước trước khi Tạ Tốn chém nhát đao cuối cùng. Có khác chi đâu số phận của kiều dân Nhật Bản đang sinh sống tại Mỹ sau trận Trân Châu Cảng, có khác là trước và sau mà thôi.

Cũng lại chữ nếu... nếu Donald Trump còn tại vị thêm bốn năm nữa, và nếu Biden tiếp tục theo con đường xưa em đi của Trump... thì...!?

Thân Kính Chúc Quý Vị Một Cuối Tuần Thanksgiving Hạnh Phúc Đầm Ấm Bên Gia Đình Và Thân Bằng Quyến Thuộc.

Xạo Sự Út Bạch Lan E22

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

Danh sách những bài viết trong trang nhà GĐMĐVM/DMV

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by nam giang  chuyển

 

Đăng ngày Thứ Sáu,  November 26, 2021
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang