Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện ngắn
Chủ đề:
thao trường đổ mồ hôi–chiến trường bớt đổ máu
Tác giả: MĐ Trương Dưỡng

VÀO QUÂN TRƯỜNG

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

1. Xếp Bút Nghiên Theo Việc Đao Cung

Tôi đang ăn ở Phạn xá, tưởng không ai để ý, nên kéo ghế ngồi sâu vào trong gầm bàn, hòng cho đôi chân được thoải mái đôi chút. Vì suốt cả ngày bị các cán bộ khóa đàn anh, thay phiên nhau quần phạt đủ mọi cách!

Bỗng có tiếng quát to từ đằng sau lưng:

– Anh kia!

Và một cây gậy dí vào lưng, vì anh cán bộ này đã để ý theo dõi từ lâu, mà tôi nào có hay biết trời trăng gì đâu?

Anh sinh viên sĩ quan cán bộ nói tiếp:

– Anh có biết Tân Khóa Sinh chỉ được ngồi một phần ba ghế, và mọi động tác đều phải giữ vuông góc hay không?

Chờ cho tôi biết ngồi đúng thế xong, anh ta nói tiếp:

– Gắp thức ăn cũng phải vuông góc. Anh đã ngồi uể oải mà còn banh chân ra nữa. Như vậy mất tư cách lắm, có biết không?

– Dạ thưa cán bộ biết.

Anh sinh viên cán bộ chỉnh xong, rồi quát to:

– Anh biết lỗi thì làm 20 cái nhảy xổm, vừa làm vừa đếm thật to cho cả tiểu đoàn nghe coi.

Như người ăn vụng bị bắt gặp, tôi vừa sợ vừa xấu hổ, liền đứng ra phía sau ghế vừa làm vừa đếm thật to. Khi nhảy được hơn 10 cái thì anh bảo ngưng:

– Thôi đủ rồì, thấy anh làm mệt, tôi thưởng anh trái “Chuối Võ Bị” nè. Anh có từng thấy chuối võ bị chưa?

– Dạ... thưa chưa!

Anh cán bộ chìa nắm tay tới trước, rồi mở rộng bàn tay, bày ra một nắm ớt đỏ tươi và nói:

– Chuối võ bị đây anh, ăn thử 1 trái coi có ngon không?

Tôi ngó nắm ớt, chần chừ chưa biết phải làm gì, hết dòm sinh viên cán bộ, rồi lại nhìn vào nắm ớt! Cuối cùng đành phải nhặt một trái bỏ nhanh vô miệng định nuốt trôi cho xong. SVSQ cán bộ quát:

– Không được nuốt, phải nhai từ từ để thưởng thức chuối võ bị chứ anh!

Thế là tôi bắt buộc phải nhai nhồm nhoàm trái ớt, rồi nuốt vội, ớt cay quá làm nước mắt nước mũi chảy ròng ròng. Tôi phải há miệng hít hà lia lịa. Vậy mà anh cán bộ vẫn không động lòng chút nào, còn hỏi một cách vô lương tâm:

– Ăn có ngon không anh?

Tôi bấm bụng trả lời:

– Dạ... dạ... ngon!

Miệng thì nói ngon mà lòng lại cay đắng trăm chiều. Tôi cứ để mặc cho hai dòng lệ tiếp tục trôi chảy theo niềm cay đắng vì quá khổ cực và xót xa! Có lẽ vì cả hai. Bây giờ tôi mới thấy cái thấm thía, cái gian truân khốn khổ của đời lính! Vì đây chỉ là bước đầu của đời binh nghiệp mà thôi.

Trong phòng ăn, tiếng hát Hoàng Oanh vang lên:

Xếp áo thư sinh, mười sáu trăng tròn...
Lênh đênh báng súng, lời thề chinh nhân...


Lời nhạc rất đúng với hoàn cảnh hiện tại, khiến lòng tôi lâng lâng bồi hồi nghĩ lại, lý do tại sao mình quyết định tình nguyện vào trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam này.

Cuối năm 1963, sau khi cuộc đảo chánh Tổng thống Ngô Đình Diệm thành công, không khí chánh trị ở Sài Gòn vẫn còn sôi động. Tại các phân khoa đại học, một số giảng sư chẳng hạn như GS Chu Phạm Ngọc Sơn cứ lên diễn đàn tuyên truyền toàn chánh trị, vì thế việc học của sinh viên gần như bế tắc.

Tôi là một sinh viên nghèo, mong sớm thành đạt để giúp đỡ gia đình. Nhưng gặp tình trạng như thế này thì nếu cứ tiếp tục học sẽ không đạt kết quả như ý. Do đó tôi quyết định nộp đơn tình nguyện vào trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt khoá 20 Nguyễn Công Trứ.

Thực ra còn 1 động cơ mạnh mẽ khác đã thúc đẩy tôi vào trường Võ Bị này. Số là dịp lễ Quốc Khánh vừa rồi, tôi có đi dạo phố với anh bạn cùng trường trung học Trần Trung Tiên ở tỉnh Vĩnh Bình. Anh Lâm Văn Rớt, so với tôi trước kia, thì ốm yếu lờ khờ rất nhiều. Chẳng ngờ, mới có 1 năm thụ huấn tại quân trường mà anh đã thay đổi không thể nào tưởng tượng nổi. Người anh bây giờ thật hiên ngang quắc thước, trong khi Rớt chỉ đi rảo bước một cách khoan thai hùng dũng; bên cạnh nghe như có tiếng gió sột soạt, còn tôi thì phải chạy lúp súp, mới kịp theo ngang hàng với anh, làm mệt thở hổn hển gần muốn đứt hơi! Lúc đó tôi cảm thấy mình cũng là thân nam nhi mà sao quá yếu ớt. Mặc dù tôi cũng thường xuyên trau dồi sức khỏe, sáng nào cũng thức sớm trước 6 giờ, đạp xe từ Phú Nhuận đến lò Nguyễn Bình ở đường Chi Lăng để tập nhu đạo. Rồi đúng 7 giờ rưỡi, phải đạp xe tới trường Petrus Ký học lớp Đệ Nhứt ban toán với các thầy Phạm văn Lược, thầy Binh, thầy Đảnh...

Nói tới Nhu đạo, tôi nhớ đến một chuyện hiểu lầm nực cười: số là khi học lớp Đệ Nhị tại trường Âu Lạc do nhà văn Chu Tử làm giám hiệu. Ngồi cạnh bàn có thằng bạn tên Đặng Thông Phong, thấy nó lùn và nhỏ con nên tôi thường hay chọc: “Mầy mà lộn xộn tao quăng ra cửa sổ”. Phong chỉ mỉm cười một cách hiền lành chớ không nói năng gì hết. Nhưng có lần tôi gặp Phong ở trường dạy Nhu Đạo của võ sư Nguyễn Bình cùng với ông võ sư Đệ Thất Đẳng Hiệp Khí Đạo người Nhựt. Thấy Phong đeo tới đai nâu, tôi giật mình vì lúc đó mình chỉ mới có đai vàng. Phong tới bảo cứ quật mạnh đi, hắn sẽ không trả đòn. Tôi nghĩ anh ta nhỏ con nên cũng còn coi thường, nhưng khi nạp đủ mọi đòn hông, đòn vai, và kể cả đòn chân mà cũng không thể nào quật ngã được, lúc đó tôi hết sức phục tư cách của Phong, 1 người võ giỏi mà lúc nào cũng khiêm nhượng. Vị võ sư đệ ngũ đẳng nhu đạo người Nhật này rất tài ba, từ ngày ông tới phụ chỉ thêm thì ai nấy đều tiến bộ thấy rõ. Ông bảo ngày nào võ sinh cũng nên cố gắng vô đòn hông vài trăm lần. Có lẽ Phong được chân truyền của ông nên võ nghệ rất xuất sắc. Có lần tôi thấy anh thi lên đai đen ở đường Phan thanh Giản, Đa Kao, thân hình anh mềm dịu như con mèo. Những người đai đen lớn con mà không thể nào quật cho lưng anh xuống nệm được. Còn Phong tuy thấp nhỏ mà cũng có thể hạ những tay đẳng cấp cao hơn, anh đúng là một kỳ tài. Sau này anh làm huấn luyện viên nhu đạo ở trường bộ binh Thủ Đức, lúc ấy anh đã có đệ tam hoặc đệ ngũ đẳng gì rồi. Nghe nói hiện anh là Võ sư rất nổi tiếng ở California.

Chúng tôi tập trung ở 1 địa điểm gần Ngã Sáu để chờ đưa ra phi trường. Cùng đi khóa này có Phan Thanh Miên, bạn cùng lớp Đệ Nhứt B1 ở Petrus Ký. Má tôi có đưa tiễn, bà sắm đủ thứ đồ mang theo không hết, phải nhờ Miên xách phụ dùm giỏ cam. Bà gởi gắm đủ điều và nhờ Miên coi sóc dùm, làm như tôi còn con nít vậy! Đúng là lòng mẹ bao la như biển Thái Bình.

Chiếc máy bay dân sự chở đám thanh niên, trong đó có tôi, xuống phi trường Liên Khương–Đà Lạt. Từ cánh cửa bước ra, mọi người lần lượt rời phi cơ một cách mệt mỏi, đến tập trung tại nơi 2 chiếc GMC và 1 chiếc xe Jeep đang đậu. Đám thanh niên ngơ ngác ngó ngang ngó dọc như sợ bỏ sót một thứ gì. Tất cả khoảng 30 người, tuổi từ 18 tới 25. Y phục gọn gàng, cùng với túi hành trang nhẹ đeo vai. Những người tuổi trẻ này trông có vẻ bơ phờ vì họ chưa quen đi phi cơ. Bấy giờ là khoảng cuối tháng 12, thời tiết mùa đông ở Đà Lạt đã lạnh giờ lại càng lạnh thêm, những luồng gió cắt da thổi vào người khiến ai cũng bị nổi ốc, rùng mình! Xung quanh phi trường là đồi thông bát ngát, lá thông reo lên như những bản nhạc buồn làm se lòng những chàng trai đầy nhựa sống, vừa rời bỏ thành phố thân yêu. Đứng cạnh chiếc xe Jeep là 4 SVSQ khóa 19, họ mặc quân phục dạo phố mùa Đông bằng nỉ xám đen. Trên đầu đội mũ Casquette có huy hiệu Tự Thắng Để Chỉ Huy. Hai vai gắn alpha vàng trên nền đỏ thẫm, cánh tay trái có đeo dây biểu chương màu anh dũng, giày bóng loáng, kèm theo khuôn mặt nghiêm trang, trông rất oai nghi hùng dũng. Rồi chợt cả 4 người cùng tiến về phía đám thanh niên trẻ; nhìn dáng đi của họ như toát ra một cung cách hiên ngang, sắt đá, và uy lực thể hiện sau 1 năm tôi luyện ở quân trường. Họ và những chàng trai trẻ vừa mới đến, tuy mỗi người một vẻ nhưng cùng chung một hoài bão là đem tài trai để phục vụ non sông, tổ quốc. Đó là hoài bão oai hùng của người chiến sĩ.

2. Giai Đoạn Tân Khóa Sinh

Cũng nên lược sơ qua về trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, đây là một nơi chuyên đào tạo cho chiến trường những sĩ quan hiện dịch, có trình độ văn hóa bậc đại học. Trường có thể liệt vào tầm cỡ nhứt, nhì trong vùng Đông Nam Á, nó được đỡ đầu bởi trường Võ Bị West Point ở Mỹ. Hằng năm vào ngày mãn khóa đều có sự tham dự của vị Chỉ huy trưởng trường này. Trường được xây cất trên một sườn thoai thoải ở độ cao 1515 mét, dưới chân Đồi Bắc, chảy dài kề cận bên ấp Thái Phiên trù phú, với vô số rau cải tươi xanh, cung cấp cho thành phố của xứ hoa anh đào. Chính tại đây đã tạo ra nhiều cuộc tình thơ mộng giữa các chàng trai Võ Bị và các nàng thôn nữ ngọt ngào diễm lệ. Nhờ khí hậu mát mẻ nên mỗi Chủ nhật, thành phố được làm đẹp thêm bởi những chàng trai Võ bị trong các bộ đồ dạo phố mùa Đông, mùa Hè, với những màu sắc hài hòa tạo cho họ vừa rực rỡ vừa hiên ngang, làm đẹp lòng các nàng nữ sinh của trường Bùi Thị Xuân–Đà Lạt.

Theo tổ chức của trường thì đứng đầu là Chỉ Huy Trưởng, đặc biệt Khóa 20 của chúng tôi có đến 5 vị CHT: Đại tá Trần Ngọc Huyến, Chuẩn tướng Nguyễn Văn Kiểm, Đại tá Trần Văn Trung, Thiếu tướng Trần Tử Oai, và Đại tá thiết giáp Lâm Quang Thơ, người đã chủ tọa lễ gắn cấp bậc Tân Thiếu úy cho chúng tôi.

Trường gồm có Văn Hóa Vụ, Quân Sự Vụ, và Ban Yểm Trợ. Văn Hóa Vụ lo giảng dạy chương trình văn hóa bậc Đại học; Quân Sự Vụ huấn luyện hành binh chiến thuật, vũ khí, và tác xạ; Ban Yểm Trợ lo tổng quát các nhiệm vụ huấn luyện và còn cung cấp các lính giả địch, xe cộ vật liệu, và đạn dược...

Liên Đoàn Sinh Viên chia thành 2 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn có 4 đại đội (thời kỳ Tướng Oai nhập lại còn 4 đại đội và đại đội cờ đỏ được khen thưởng, còn đại đội nhận cờ đen thì bị cúp phép).

Có 2 hệ thống: Tự Chỉ Huy và Tuần Sự. HT Tự Chỉ Huy do sĩ quan cán bộ liên đoàn trường đề cử, dựa theo thành tích điểm văn hóa và quân sự trong năm thứ nhứt để chọn. Hệ thống Tuần Sự do các sinh viên sĩ quan cán bộ thuộc hệ thống Tự Chỉ Huy cắt cử, hệ thống này điều hành công việc hằng ngày, luân phiên mỗi tuần thay đổi để trực tiếp chỉ huy các tân khoá sinh.

Khí hậu Đà Lạt thật tốt, lúc ở trong máy bay tôi mệt mỏi buồn nôn, nhưng vừa bước ra cửa phi cơ là cảm thấy khoẻ ngay! Sau khi tự giới thiệu, 4 sinh viên sĩ quan cho chúng tôi biết rằng họ có nhiệm vụ tiếp đón những anh em Tân Khóa Sinh, tức là những tân sinh viên sĩ quan tạm thời. Các thanh niên chia ra làm 2, mỗi nhóm lên 1 xe GMC. Chiếc Jeep dẫn đầu chạy phăng phăng, đoàn xe chạy vòng qua các thắng cảnh nổi tiếng của thị xã Đà Lạt, nào thác Prenn, thác Cam Ly, hồ Hồ Xuân Hương, khu chợ Hoà Bình; gần đến trường có hồ Than Thở, ấp Thái Phiên. Ôi Đà Lạt sao có nhiều cảnh đẹp và thơ mộng quá! Khi xe chạy ngang qua phố chợ, nhiều người vẫy tay như chào mừng, nhất là các cô gái Đà Lạt với đôi má đỏ hồng trông thật dễ thương. Họ gật gật cái đầu tỏ dấu như nhắn nhủ một điều gì. Chúng tôi ai nấy đều cảm thấy buồn vui lẫn lộn. Mãi đang ngắm nhìn cảnh đẹp 2 bên, bỗng chiếc xe quẹo gắt và ngừng lại trước cổng tam quan, bên hông có treo 1 bảng lớn đề những dòng chữ to đập vào mắt mọi người:

Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam
Nơi Qui Tụ Những Chàng Trai Có Lý Tưởng
.

Nhìn dòng chữ này tự nhiên tôi cảm thấy tự hào, liên tưởng đến hình ảnh một thiếu úy tuổi trẻ, hiên ngang, mang danh dự về cho gia đình và họ hàng, nhất là bà mẹ hiền, lúc nào cũng ủng hộ và khuyến khích tinh thần của con mình.

Chiếc cổng trường rất lớn, xây bằng gạch đỏ Đồng Nai, có nhà kiếng làm trạm kiểm soát ở ngay chính giữa, chia cổng làm hai lối, bên phải để đi vào, bên trái là lối ra. Trước nhà gương có gắn những chữ nổi bằng đồng bóng loáng:

Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam
Tự Thắng Để Chỉ Huy


Khi xuống xe tôi thấy một số người từ các địa phương khác đến. Có người đi bằng xe lửa, cũng có một số người đi bằng máy bay như nhóm ở Sài Gòn chúng tôi. Tất cả được các SVSQ cán bộ mời ra câu lạc bộ ở trên sườn đồi thấp, xây bên ngoài cổng trường. Các thanh niên ai cũng háo ăn vì đói bụng đã lâu. Họ ngồi ngả nghiêng thoải mái, cười cười nói nói huyên thuyên, có gã còn liếc mắt đưa tình với mấy cô hầu bàn người Hoa duyên dáng. Anh sinh viên cán bộ hỏi:

– Tình hình bên ngoài ra sao, các anh?

Một thanh niên nói giọng Huế trả lời:

– Chán lắm anh ơi! Đâu có học hành gì được, chính trị lồng vào khuôn viên đại học, làm mất hết ý nghĩa của sinh viên thuần túy, hơn nữa lúc nào cũng đe dọa tổng động viên. Tui đi con bồ tui nó khóc quá chừng, nhưng tui nói với nó là 2 năm sau ra thiếu úy mặc sức em hãnh diện!

Sau khi ăn uống no nê rồi thì họ mời chúng tôi ra xếp hàng tập họp trước cổng. Từ khi xuống máy bay tới giờ, tôi thấy các sinh siên sĩ quan Khoá 19 này thật là lịch sự dễ thương. Các anh cán bộ bây giờ mặc quân phục ka–ki vàng, quần túm ống bỏ vào giày Map được đánh bóng như gương soi. Đầu họ đội nón nhựa thoa dầu láng bóng, lưng đeo dây nịt trắng to bản. Tất cả đều cầm chiếc gậy ngắn trên tay trông như Tướng Patton của Mỹ thời Đệ Nhị Thế Chiến, vừa oai hùng vừa hung dữ, sẵn sàng gõ vào đầu những chú nào ba gai. Họ còn mang lên cổ áo những cấp bậc hai gạch, ba gạch màu đỏ, trông giống như các cấp bậc của sĩ quan SS thời Đức Quốc Xã. Những cặp mắt ngó trừng trừng che khuất dưới vành nón nhựa, như xoi mói vào tim của từng chàng trai được gọi danh hiệu mới là Tân Khóa Sinh. Một anh đứng trước chúng tôi, cổ đeo hoa mai viền đỏ trên nền trắng, nói một cách nhỏ nhẹ lịch sự:

– Tôi, sinh viên sĩ quan Cán bộ tiểu đoàn trưởng, Tiểu Đoàn Tân Khóa Sinh, hân hoan chào mừng và đón nhận các anh là những Tân Khóa Sinh của khoá 20 Trường Võ Bị Quốc Gia VN.

Đảo mắt một vòng, anh nhìn thẳng vào các tân khóa sinh, rồi nói tiếp:

– Các bạn là những người đã nộp đơn tình nguyện vào quân trường này, để rèn luyện thành những sĩ quan hiện dịch, hầu cung cấp cho chiến trường những cán bộ thao lược. Khi vào quân trường các anh cần phải giữ đúng nội quy, và thi hành kỷ luật như các khóa đã đi trước. Ngay từ bây giờ nếu ai muốn đổi ý vẫn còn kịp, chúng tôi sẵn sàng mua vé máy bay đưa về nguyên quán.

Nói như vậy chớ đâu có ai muốn trở về; mọi người trước khi ra đi đều đã bịn rịn từ giã bà con, bạn bè, và nhiều lời hứa hẹn hùng hồn với bồ bịch.

Anh sinh viên sĩ quan cán bộ lặp lại ba lần:

– Có anh nào muốn đổi ý không?

Chúng tôi đồng loạt trả lời:

– Không! Không! Không!

– Tất cả theo lệnh tôi: Bên phải... quay!

– Đàng trước... bước!

Một ấn tượng về đời lính đã bắt đầu len lỏi vào tâm tư của những chàng trai trẻ. Mọi người thi hành theo như phản xạ, họ sửa lại điệu bộ cho có vẻ nghiêm chỉnh. Do đó tiếng giày của họ cũng nện mạnh từ từ bước theo như cán bộ.

Trong khi nộp đơn ở Sài Gòn, tôi đã được hướng dẫn đầy đủ về nếp sinh hoạt trong Võ Bị. Vì nhu cầu chiến tranh, khóa 20 phải học cấp tốc 2 năm, thay vì 3, 4 năm như các khóa khác, về văn hóa thì tương đương với 2 năm ngành đại học. Còn chương trình quân sự thì sẽ học như các khóa khác: về cá nhân chiến đấu, hành quân tác chiến từ cấp tiểu đội, trung đội, và đại đội. Ngoài ra cũng học về địa hình, vũ khí, tác xạ, cùng lãnh đạo chỉ huy.

Nhưng mọi người đều hoang mang nhất về Tám Tuần Sơ Khởi. Có người gọi đó là 8 tuần địa ngục trần gian, có người gọi đó là 8 tuần lột xác, sẽ lột bỏ hết những cá tính dân sự để trở thành một quân nhân thuần tuý.

Giai đoạn này chỉ biết có tuân lệnh tuyệt đối, không được thắc mắc phân trần gì hết! Thật là giai đoạn trăm cay ngàn đắng, giống như sắt bị trui rèn trong lò luyện thép vậy.

Thế rồi kèn trống nổi lên như chào đón, như mời mọc, và cũng như thúc giục chúng tôi đi vào. Nghe tiếng nhạc vui tươi chẳng khác nào khi còn ở ngoài dân chính trong những đêm liên hoan nhảy nhót ở các Phân khoa Đại học, ai cũng có cảm giác oai phong, hớn hở!

Nhưng!!!

Người cuối cùng vừa bước qua khỏi cổng thì hỡi ơi! Tiếng quân nhạc cũng vừa chấm dứt. Mọi sự đều trái ngược, họ trở mặt một cách trắng trợn! SVSQ cán bộ ùa ra đông như kiến!

Một người kèm một tân khóa sinh; họ bắt đầu nạt nộ, la hét. Một anh cán bộ chạy tới quát vào mặt tôi và bảo:

– Anh này, chạy theo tôi coi, anh thấy tòa nhà ngang phía trước không? Rán chạy cho qua mặt tôi.

– Chạy nhanh lên, bộ tà tà muốn ba gai hả?

Đoàn quân hàng một khi nãy như bị tan loãng ra từng cặp một. Rồi mỗi người chạy đua với một sinh viên cán bộ nhưng chắc chắn phần thua cuộc phải là những anh chàng lính mới này. Họ không biết, cứ rán chạy qua mặt sinh viên cán bộ để về phạn xá (dãy nhà ngang là phạn xá) phía trước để thi hành đúng lệnh của đàn anh, mong rằng làm xong sẽ được nghỉ sớm, vì đi suốt ngày mệt mỏi quá chừng.

Nhưng than ôi, giống như các tân khóa sinh khác, tôi đã lầm. Lúc đang chạy ngon trớn giữa đường thì bị một cán bộ khác chận lại và quát to:

– Anh chạy giỏi lắm, giờ chạy ngược cho tôi coi.

Như chiếc xe bị giật lùi, tôi bị vấp té ngã, vì hai chân chẹn vào nhau. Tức thì đàng sau, một tiếng hét như sấm nổ bên tai:

– Yếu đuối như vậy sao? Làm 10 cái nhảy xổm coi.

Tôi chưa từng biết thế nào là nhảy xổm, vì thế anh ta làm trước một cái biểu diễn, rồi bắt tôi thi hành theo lệnh. Lúc nãy chạy nước rút làm tôi mệt thở hổn hển, tim đập mạnh quá nên mặt tái xanh. Đầu óc choáng váng mà cũng rán nhảy 10 cái xổm. Nhưng thiện chí đã như vậy mà vẫn chưa được yên thân.

– Nhảy thêm 10 cái hít đất!

Tôi tự nhủ mẹ kiếp, 10 cái này rồi 10 cái khác, cứ như thế thì chỉ có thác thôi! Chẳng lẽ hình phạt này vô tận hay sao? Đang nghĩ vẩn vơ, bỗng nghe tiếng quát:

– Tiếp tục chạy 1 vòng sân cho tôi coi.

Lại tiếp tục như cái máy, lúc đó tôi vừa chạy vừa tức, vì mình đã chấp hành đúng lệnh, có ba gai gì đâu. Hồi nào tới giờ ở ngoài đời chỉ được chiều chuộng, chứ chưa từng bị ai nạt nộ hành hạ như thế này. Rồi họ hai ba người kèm, bắt tôi chạy và bò qua ống cống làm áo quần bị ướt nhẹp dính đầy bùn sình, thật là dã man hết sức. Tôi quá tức giận định chạy thẳng ra cổng luôn, nhưng không hiểu sao hai chân cứ bẻ quanh vô theo những người chạy trước!

Từ 4 sinh viên sĩ quan tại phi trường, rồi lên 40 người, bây giờ thì tứ bề bị vây kín bởi những sinh viên cán bộ. Một vòng rồi một vòng, tôi cứ tiếp tục chạy cho đến khi bị ngã té xuống đất lúc nào mà cũng không hay, nhưng lỗ tai thì vẫn nghe rõ tiếng quát:

– Ai chỉ anh vô Võ Bị mà biết mang giày Ba–ta vậy?

Tôi vừa thở vừa trả lời:

– Thưa có người mách tôi là vào đây sẽ bị phạt. Mang giày tốt, sợ bỏ uổng!

– Bộ anh khinh dể Võ Bị phải không? Vô Võ Bị mà mang giày không đứng đắn vậy sao?

Đang ấm ớ không biết trả lời ra sao, bỗng lúc đó tôi lại nghe một cán bộ quay một thanh niên khác đang đứng ủ rũ như con gà chết:

– Anh tưởng vô Võ Bị để nhảy đầm hay sao mà mang giày đẹp vậy, lại còn mũi nhọn hoắc nữa chứ.

Tôi chửi thầm trong bụng, đúng là “Quan thì to miệng, dân thì ngậm tăm!”

Làm quan trên thì muốn phát ngôn thế nào cũng được, mang giày xấu cũng bị phạt, còn mang giày tốt thì bảo là đi nhảy đầm. Mẹ ơi! sao con khổ thế này?

Tôi thắc mắc là tại sao khi ở câu lạc bộ, và ngay cả lúc ở trên xe GMC, họ đã tử tế chở vòng vòng để cho ngắm cảnh. Lúc đó các anh quả thật là những chàng sinh viên sĩ quan bặt thiệp dễ thương. Thế mà sao bây giờ họ dữ tợn quá vậy? Nghĩ như thế chừng một thoáng rồi bỗng mắt tôi nhòa dần, đầu chúi ngã về phía trước. Mắt nhìn 1 anh cán bộ thành 2 người, thành 3, 4, 5... rồi mờ dần. Trong giây phút đó, tôi mơ hồ nhớ lại hình ảnh khuôn mặt của những người dân ở chợ Đà Lạt, những cái cười vẫy tay ấy như hàm ý là: “Bây giờ cười vui đi các cậu trẻ, chút nữa đây rồi sẽ biết”. Còn những nụ cười của các cô nữ sinh xứ hoa đào, tôi đã hiểu những nụ cười ấy ngầm chứa một ẩn ý như nhắn nhủ, như dặn dò: “Hãy rán lên, cố gắng vượt qua những thử thách đầy gian khổ, rồi đây các anh sẽ là những chàng trai hùng, những người yêu lý tưởng của chúng em”!

Các thức ăn mà tôi cho vào bụng một cách thoải mái ở câu lạc bộ, bây giờ ọc ra hết trọi, con người lờ đờ không tự chủ, nghe họ bảo sao thì cứ làm như cái máy.

Một lúc sau đó, nhờ không khí lạnh của Đà Lạt làm tôi tỉnh lại, vừa mở mắt ra thì thấy một anh cán bộ đã đứng sẵn đó từ bao giờ, tôi chưa kịp có phản ứng gì thì anh ta quát lớn:

– Giả bộ xỉu phải không anh? Tưởng tôi thương tiếc cái mạng của anh lắm sao? Mạng của anh chỉ bằng một tờ giấy thôi. Anh hãy đứng lên trình diện tôi coi.

Như con ngựa đua bị thằng nài thúc hối bởi roi vọt, cứ nhắm mắt lao tới. Tôi gắng gượng đứng dậy, chân trước đá chân sau; khệnh khạng bước đến trước mặt anh ta, chưa kịp đứng vững thì bị quát:

– Anh có biết đứng nghiêm không? Hãy chào tay và xưng danh tôi coi.

– Thưa anh, tôi tên là Trương Dưỡng.

– Quân đội không có anh em gì cả. Dân chính lắm, phải nói là thưa Niên Trưởng.

Nhắc tới chữ anh em tôi chợt nhớ tới một trường hợp tức cười là chuyện hai anh em ruột phạt nhau. Người anh tên Long ở ĐĐA (sau này ra trường vài tháng thì bị hy sinh) quát:

– Anh là gì của tôi?

Người em là Nguyễn Bảo Sơn trả lời:

– Dạ là em của anh.

– Quân đội không có anh em gì hết, xưng danh lại.

– Dạ... mình cùng máu mủ!

Theo lời Sơn kể lại: Long tức giận em không nghe lời ở nhà săn sóc bà mẹ yếu, mà cứ nộp đơn đi Võ Bị! Nên hôm đó Long đã phạt Sơn tơi bời!

Có lẽ thấy tôi quá mệt mỏi, anh cán bộ giả lãng, thay vì tiếp tục hành xác, anh lại chỉ vẽ cho cách chào, cách gập càm ba ngấn, thế nghiêm, thế nghỉ, cách xưng hô, trình diện. Anh sinh viên cán bộ bảo tôi lặp lại theo:

– Tân khoá sinh T.D., danh số... trình diện niên trưởng. Tôi lặp lại... nhưng đến hai chữ “Niên trưởng” thì bị khựng, vì nghe nó ngờ ngợ làm sao. Niên trưởng? Sao lại là niên trưởng? Niên trưởng là cấp bậc gì trong quân đội? Thôi thì tìm hiểu cái quái gì, lệnh ra thì cứ làm cái đã, tôi cứ lặp lại như con vẹt. Nhưng nghĩ hai chữ niên trưởng nó mới lạ khó nói chẳng khác nào anh chàng vừa cưới vợ, phải sửa đổi gọi nhạc gia là bố mẹ, thay vì mọi lần kêu là hai bác.

Hơn mấy giờ bị quần thảo, đám tân khóa sinh được dẫn đi hớt tóc và lãnh quân trang. Phòng hớt tóc gồm 5 ghế, đặt trước gương dài, từng 5 người được gọi lên... “Bàn cạo”. Ai nấy như nhẹ nhõm vì từ khi bước chân vào cổng trường tới giờ chỉ có dịp này mới được tự do ngồi nghỉ ngơi đôi chút, họ chẳng còn thì giờ để ý tóc sẽ được cắt theo kiểu nào. Khi hớt xong, thấy đầu bị cạo trọc còn 3 phân, mặt mày ai nấy đều méo xẹo!

Sau đó họ đưa chúng tôi vào phạn điếm để ăn cơm. Cứ 4 người ngồi một bàn, họ chỉ tôi cách ngồi thẳng lưng, hai tay buông thòng xuống, càm gập và mặt ngó thẳng, lúc ăn phải giữ vuông góc, trông giống như người máy “Rô bô” vậy. Bỗng tôi nghe tiếng hét trước mặt:

– Anh kia! Xưng danh coi.

Tôi đứng bật dậy chợt thấy đó là bạn Lâm Văn Rớt, định lên tiếng bảo cứu mạng, tao bị tụi nó hành quá trời mầy ơi, nhưng Rớt làm mặt lạ quát:

– Xưng danh nhanh lên.

Tôi tưởng hắn nói chơi ai dè hắn trở mặt thiệt. Tức quá tôi hét lớn:

– Tân khóa sinh Trương Dưỡng trình diện.

– Anh đã ăn được mấy chén?

– Thưa 5 chén (trời ơi bạn bè mà phải dạ với thưa)!

– Anh ăn thêm 2 chén nữa cho tôi coi.

– Tuân lệnh!

Nhưng đồ ăn đã hết rồi, đành phải ăn cơm với xì dầu.

Sau khi cơm nước xong, họ dẫn đi lãnh quân trang và quân dụng, hành trang đầu đời quân ngũ gồm: một túi đựng quân trang, một cái ba–lô, 2 đôi giày trận, 2 bộ đồ tác chiến, một cái mũ sắt hai lớp nặng chình chịch, một nón lưỡi trai và một số đồ cá nhân lỉnh kỉnh. Mọi người thay đồ tại chỗ, với bộ đồ mới rộng thùng thình, trông ngơ ngáo thật nực cười.

Rồi họ đưa chúng tôi về phòng, trên lầu 3. Các tân khóa sinh bắt đầu xả nước nóng tắm rửa thật là thoải mái, mọi gian lao suốt ngày như được trút đi theo dòng nước. Phòng tắm ở đây xung quanh tường lót toàn gạch men, và dưới nền toàn là gạch bông. Hằng ngày sinh viên phải quét dọn lau chùi bằng bột Nap bóng loáng trông rất sạch sẽ. Lúc đó trời đã tối đen, bỗng nghe tiếng kèn thổi báo ngủ. Tất cả tân khóa sinh mọi phòng đều phải lên giường và tắt đèn đi ngủ.

Đây chỉ mới ngày đầu trong 8 tuần lễ sơ khởi, còn lại 55 ngày thử lửa nữa, với nhiều trò phạt hành xác mới mẻ, khi nhớ tới cảm thấy rùng mình, thật là đoạn trường ai có qua cầu mới hay.

Suốt 8 tuần, tân khóa sinh bị phạt tập thể hoặc phạt dạ chiến cho cá nhân nào bê bối, từ sáng đến tối chỉ toàn là cực hình, nhiều hình phạt thật là vô lý không thể tưởng. Có lần cả tiểu đoàn tân khóa sinh bị sinh viên Phạm Hiệp Sĩ, Cán Bộ Tiểu Đoàn Trưởng, phạt tập họp kiểu “Nhanh như lá vàng rơi”. Tất cả tân khóa sinh đều ở trên lầu 3, khi nghe tiếng còi, một cán bộ thả chiếc lá, cũng từ lầu 3, mọi người phải chen nhau chạy xuống tập họp. Làm thế nào mà hơn 400 người có thể thi hành kịp với một chiếc lá rơi, có thể nếu biết bay thì may ra. Thế là lên lầu làm lại, chạy lên chạy xuống cho tới gần xỉu thì vị tiểu đoàn trưởng lên bục xỉ vả nào là ba gai, nào là tránh né, rồi bắt bò, hít đất, nhảy xổm...

Có hình phạt bắt lấy cây tăm đo chiều dài của sân trại, hoặc ăn trái ớt và bảo nó là trái chuối, hoặc bảo đổ đầy bình bi–đông bằng chai dầu gió. Có anh tân khóa sinh nhận thư tình dài tới 7 trang giấy! Sinh viên cán bộ bảo anh lấy keo dán lại thành tờ giấy dài lê thê giống như sớ Táo Quân, rồi bắt anh ta đứng lên bục gỗ, đọc to cho tất cả cùng nghe! Nhiều đoạn trong thơ thật ướt át, mùi không thể tả! Nghe anh đọc lên ai cũng muốn cười bể bụng... nhưng nếu anh nào cười thì sẽ bị phạt ngay.

Mỗi lần ra sân bắn, tân khóa sinh thường thi đua với nhau “chầu tê liệt”, hễ ai thua điểm thi tác xạ thì tối về đãi một chầu bao bụng cho người thắng cuộc, ăn no nê mệt nghỉ! Nhiều tân khóa sinh trong khi học môn địa hình, tìm cọc và điểm đứng. Khi đi qua khu vực trồng cà rốt trong ấp Thái Phiên, có anh muốn thưởng thức món cà rốt tươi ướp lạnh, đã nhổ lén 1 củ ăn rất ngon lành, xong nhét đồng tiền chì vào lỗ vừa mới nhổ trống, coi như mua vậy. Có toán vì lo kiếm anh chàng nào đó đang lén tìm lùm cây chui vô ngủ, vì đêm qua gác nên thiếu giấc. Do đó cả toán về trễ giờ quy định nên bị phạt tập thể.

Mọi sự di chuyển trong doanh trại của tân khóa sinh đều đi đúng nhịp hoặc chạy lúp xúp, chớ không được đi rảo bộ khơi khơi. Mỗi buỗi sáng thức dậy lúc 5 giờ chạy sáng, rồi dùng bột Nap để lau chùi phòng ngủ, phòng vệ sinh cho bóng. Lúc nào tân khóa sinh cũng phải đi nhón gót, vì nếu cán bộ thấy dấu chân dính trên nền các phòng thì tối đó sẽ bị phạt dạ chiến.

Ngoài ra giày phải đánh bóng, áo quần để trong tủ cá nhân và mền drap đều phải xếp vuông thẳng, sinh viên cán bộ mỗi thứ Bảy đều đeo găng tay trắng, rồi họ cố tình rờ dưới tủ, dưới giường, ở kệ sách, và các bộ phận tháo rời của súng cá nhân.

Trong khi thi hành lệnh phạt thường bị xỉ vả:

– Anh thích cười ruồi với thợ giặt hả?
– Tà tà hả, tránh né hả, anh nào ba gai sẽ bị ra trung sĩ đó.
– Anh yếu xìu như vậy mà đòi ra trường chỉ huy binh sĩ hả?
– Anh uể oải, chán nản, không hiểu thế nào là Tự Thắng để chỉ huy sao?

Vài chuyện đáng kể là trường hợp tân khóa sinh Đỗ Quang Xuân có người anh họ là Đại tá Quân Sự Vụ Trưởng. Ông ta sắp đổi đi ra đơn vị tác chiến nên bảo với sinh viên cán bộ tuần sự đại đội cho gặp Xuân, nhưng sinh viên cán bộ nói:

– Theo qui chế tân khóa sinh không được gặp bất cứ sĩ quan nào trong suốt 8 tuần sơ khởi, nếu đại tá gặp xong tôi sẽ phạt anh Xuân.

Vì muốn nhắn chuyện gấp nên ông ta đành gật đầu ưng chịu. Tối hôm đó Xuân bị phạt dạ chiến trước đại đội.

Đại úy Đại đội trưởng Đại đội A là một sĩ quan rất khắt khe và cứng rắn, nên hôm cháu ông nhập trường, khi đang thọ phạt, anh xưng là cháu của Đại úy Di để may ra họ nể mặt mà phạt nhẹ. Nhưng anh sinh viên cán bộ nghe được càng phạt nhiều thêm. Tội nghiệp anh bị xỉu lên xỉu xuống, lúc đó tôi là sinh viên sĩ quan đại đội trưởng hệ thống tự chỉ huy, trong khi anh đang xỉu, tôi lén thoa dầu cho anh. Có lần khi tân khóa sinh khóa 21 tên Lê hữu Khiêm đang thọ phạt, tôi thấy Trung úy Lê hữu Khái, sĩ quan Đại đội trưởng Đại đội B, đi tới đi lui, hai tay cứ xoa với nhau, như muốn tìm cách giúp đỡ em mình, mà không thể làm được! Khóa tôi có một đứa em ruột của một vị trung tướng mà cũng bị ra trung sĩ vì thiếu điểm.

Những thí dụ trên chứng tỏ sự chí công vô tư, không sợ quyền thế. Đó là tinh thần đặc biệt của những sĩ quan xuất thân từ quân trường mẹ này.

Vì tập quá vất vả và phải chạy hoài nên toán nào cũng có những tân khóa sinh bị bong chân, cứ đi cà nhắc theo sau hàng quân, chúng tôi đặt tên cho họ là “Phái Đoàn Thiện Chí”.

Đối với tân khóa sinh, thợ giặt lúc bấy giờ có thể được coi như người thân tốt bụng duy nhất. Với tiền lương trung sĩ cho năm thứ nhứt, tôi có thể nhờ thợ giặt mua dùm thuốc bổ calcium B1, sữa hộp, kẹo... Mỗi buổi chiều thợ giặt cũng bán gà rô–ti, hột vịt lộn, bánh mì nem, chả chiên... Sau khi học quân sự về, TKS sợ nhứt là lúc tập họp đi ăn, vì đây là dịp để các sinh viên sĩ quan cán bộ phạt tập thể, họ nêu nhiều lý do rồi phạt chạy, bò, hít đất, nhảy xổm... Những người nào có cử chỉ không thi hành tích cực thì bị cán bộ đại đội gọi trình diện phạt dạ chiến vào ngay tối hôm đó, với ba–lô chất đầy quân trang, nón sắt và vũ khí cá nhân, rồi bị hành xác từ 8 tới gần 10 giờ đêm. Vì vậy mỗi lần tập họp đi ăn, tôi thường uống 2 ống calcium B1, húp một ít sữa đặc, để có thể thi hành hình phạt đàng hoàng, hầu tránh bị xỉu hoặc bị gọi phạt dạ chiến phụ trội.

Vì bị phạt tập thể mỗi lần gần 2 tiếng đồng hồ, nên khi vào phạn xá, ai nấy đều đói meo, người nào cũng ăn trên 5 chén cơm. Khóa tôi đặc biệt có anh Nguyễn Hiền Triết, cao 1.85m, tiêu chuẩn tối thiểu của nó là 7 chén. Triết thủ cờ Liên Đoàn trong năm thứ hai, sau này ra Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù, rồi về làm sĩ quan cận vệ phủ Tổng Thống. Tánh Triết rất tếu và tốt với bạn bè, có lần vào đêm cuối năm, Nghiêm đang chỉ huy Đại đội Nhảy Dù đóng ở vườn Tao Đàn với nhiệm vụ phòng thủ vòng ngoài phủ tổng thống, Triết qua rủ người bạn đồng khóa này, lợi dụng giờ giới nghiêm, lấy xe đi đến các khu nhà giàu, nơi nào có để các chậu bông ngoài cửa, Triết, Thành, và Nghiêm đều bợ hết. Khi tới một biệt thự nọ, có chậu bông thật to, cả 3 đang hì hục lăn lên xe, bỗng có một cảnh sát viên từ trong hẻm đi ra. Ba đứa đang lúng túng, nhanh trí Thành chồm tới kéo cổ áo ra hù:

– Đại úy nè, sao còn đứng đó, không tới đây lăn phụ.

Thấy tới 3 ông Đại úy Nhảy Dù vừa trẻ tuổi vừa cao lớn oai nghi, anh cảnh sát đâu dám chần chừ:

– Dạ! Dạ! Đại úy.

Rồi anh xăn tay áo, phụ khiêng chậu bông lên xe!

Nghiêm và Triết vừa làm vừa cười thằng quỉ Thành này ma le lanh trí quá! Sáng hôm sau, Triết chở mấy chậu bông đem phân phát cho những thằng bạn cùng khóa, trong đó có phần của tôi là một chậu bông giấy.

Triết chẳng những to con mà mũi lại cao, nước da hơi ngâm đen, trông giống người Mỹ gốc Mễ lắm. Có lần chúng tôi cùng Triết đi ăn chè, chị bán hàng hỏi:

– Ông Mỹ này cũng biết ăn chè sao?

Tôi sẵn dịp nói đùa:

– Hắn là Mỹ mà biết nói tiếng Việt đó.

Chị ta không tin, tôi làm bộ nói với Triết:

– Can you speak Vietnamese?

Triết cười hô hố giọng như Mỹ rặc:

– Oh yeah! Of course!!!

Chúng tôi bảo cá nồi chè, chị ta cười cười bảo cứ làm thử. Triết làm bộ nói bập bẹ:

– Cô... thư... ơng t... ui kh... ôn?

Cô bán chè nghe nói mặt đỏ như e thẹn, trố mắt nhìn Triết một cách ngạc nhiên, cuối cùng cô tặng cho ông Mỹ da vàng chén chè khỏi trả tiền. Nhưng bụng của Triết ăn một chén đâu thấm tháp gì, sẵn trớn hắn làm thêm chục chén, khiến chị bán chè hôm đó trúng mối dẹp gánh về nghỉ sớm.

Cũng tại cái bao tử to ấy mà khiến Triết phải vô cùng điêu đứng khổ sở, vì suốt 10 năm trong trại tù tập trung, mỗi buổi ăn chỉ có 1 chén cơm trộn củ sắn với nước muối, thì làm sao mà chịu cho thấu. Đã vậy lúc ra tù, sáng nào với bụng rỗng, đôi chân run rẩy, Triết cũng rán chạy xích lô vòng vòng kiếm khách, mong tìm chút tiền mua cơm ăn dằn bụng trước đã.

Lúc đó dưới chế độ kiểm soát bằng lý lịch, các sĩ quan ra tù về chỉ có nước đi vá xe đạp ngoài đường, hoặc khá lắm thì mướn được xe xích lô để sống lê lết qua ngày. Nhưng xích lô thì nhiều mà người thì nghèo, Triết kiếm ăn rất khó, đã khổ lại càng khổ thêm, lu gạo nhà Triết lúc nào cũng trống rỗng. Mặc dù chị Triết cũng hết sức chịu khó, nhưng kiếm tiền không ra, vì thế các con anh (đứa nào cũng nặng hơn 4 ký khi chào đời, sức ăn mạnh như cha) bị đói dài dài. Đôi khi Triết cứ chạy lang thang ngoài đường hoài vì sợ về nhà thấy cảnh vợ con nheo nhóc. Đúng là anh hùng mạt lộ chỉ có trời ngó thôi!

Có lần chở khách ở khu Bà Quẹo, sẵn dịp Triết ghé thăm tôi. Thấy anh ốm nhom, mặt mày xanh lét, tôi hết sức xúc động, hơn 10 năm gặp lại mà đã suy tàn như thế này. Tôi vội nói bà xã nấu một nồi cơm to, để 2 đứa vừa ăn vừa hàn huyên lại những kỷ niệm vui buồn ở quân trường. Hiện nay Triết đang sống bằng nghề sửa áo quần ở tiểu bang Arkansas, với bản chất của người trai Đa Hiệu, anh ta từ tay ngang bây giờ đã là thợ sửa đồ vét, đồ cưới được khách hàng hết sức ưa chuộng, còn Thành tuy đẹp trai giống Châu Nhuận Phát nhưng đã hy sinh năm 1971!

Bây giờ xin trở lại chuyện dài về tân khóa sinh; sau 8 tuần huấn nhục, Khóa 20 có khoảng 7, 8 người bị trả về dân chính vì lý do sức khỏe, không chịu đựng nổi, mọi người đều như thay da đổi lớp, dáng dấp yểu điệu thư sinh không còn nữa. Bây giờ tôi cân lên thêm được 8 ký, người dẻo dai hơn trước, mọi thứ đều tiến bộ cả về thể xác cũng như tinh thần. Chúng tôi ai nấy đều hiểu rằng mục đích của những hình phạt cực hình đó không ngoài việc tạo cho sinh viên sĩ quan một cơ thể chắc chắn, một tinh thần chịu đựng có thể thích ứng với mọi khó khăn dù gian nan tới đâu cũng biết tự thắng để chỉ huy. Nhất là những hình phạt gọi là vô lý đó, cũng không ngoài mục đích tạo cho chúng tôi thích ứng, làm quen với kỷ luật sắt trong quân đội. Đó chính là: “
Quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”.

Mọi người đã dần dà có cảm tình với các niên trưởng, mến phục thái độ đàn anh của họ. Những hành động đáng nhớ như khi kèn ngủ đã thổi lên, mọi đèn phòng tắt, các sinh viên niên trưởng đã lặng lẽ đi từng phòng kéo chăn mền đắp lên người khóa đàn em vì sợ họ mệt quá ngủ quên sẽ bị trúng gió. Cũng có những lần các sinh viên cán bộ biết các tân khóa sinh chờ tắt đèn im lìm đâu đó, rồi mới lặng lẽ tu những hộp sữa đặc đã giấu sẵn dưới mền nhưng họ đã lờ đi vì các niên trưởng biết những đàn em hết sức tội nghiệp này cần phải tẩm bổ thêm cho cơ thể sau mấy ngày học tập và chịu hình phạt hết sức vất vả.

Những hành động đó tuy âm thầm, nhưng thể hiện biết bao nhiêu tình đồng đội của những người cùng chung mái trường mẹ thân yêu! Bằng chứng là sau 30 năm gặp lại các đồng môn ở xứ người, lòng tôi tràn đầy hân hoan, lúc nào cũng cảm thấy ấm cúng như gợi nhớ lại những kỷ niệm vui buồn, nhớ nhứt là các niên trưởng cán bộ thời kỳ Tám Tuần Sơ Khởi Tân Khóa Sinh.

Riêng anh Lâm văn Rớt, sau khi tốt nghiệp, về Tiểu đoàn 7 Nhảy dù, đã bị thương nặng ở trận Bình Giã. Rồi về làm sĩ quan chính huấn ở Đại đội Tổng hành Dinh Bộ Tổng Tham Mưu. Năm 1975, anh bị tù gần 10 năm, khi về nhà thì vợ đã mất. Anh phải ngồi bán thuốc lá dạo ở chợ Vĩnh Bình để nuôi các con lúc ấy còn thơ dại. Hiện tại anh đang ở Pháp.

Trương Dưỡng



Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by cathy chuyển

 

Đăng ngày Thứ  Bảy, June 29, 2024
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang