Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy Bút
Chủ đề:
huynh đệ chi binh
Tác giả: MĐ Đoàn Phương Hải

TÌNH NGHĨA ANH EM MỘT ĐỜI MŨ ĐỎ

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

Như thường lệ sáng nào tôi cũng vừa nhâm nhi ly cà phê, vừa đọc email Võ Bị để biết tin tức, sinh hoạt của các bằng hữu anh em khắp mọi nơi trước khi làm việc. Nhưng buổi sáng hôm nay, buổi sáng thứ Tư ngày 21 tháng 6 năm 2000, tôi đã sững sờ đánh đổ ly cà phê khi đọc những hàng chữ báo tin Thanh Râu Nguyễn Viết Thanh Khóa 19 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (TVBQGVN) vừa mới qua đời vì bạo bệnh tại Canada! Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, dùng chữ nghĩa như thế nào để viết cho đủ, chuyên chở cho hết những ngày trên Võ Bị, những tháng năm cùng chung đơn vị với những trận chiến mịt mù bom đạn khi ở Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù với Thanh!

Thẫn thờ nhìn tấm hình để trên bàn làm việc, tấm hình nhà binh duy nhất mà tôi có do Thanh râu gửi tặng mấy tháng trước đây. “Bùi Đăng” Phạm Kim Bằng, “Ngọc Nga” Lê Minh Ngọc, “Thanh Tâm” Nguyễn Tiết Thanh, tôi và Bác sĩ Trọng chụp chung ở một căn nhà hoang hồi Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù tham dự hành quân với Chiến Đoàn 333 bên Cambodge vào khoảng tháng sáu năm 1970.

Ở một nơi nào đó, tôi nghe như Thanh đang nói nói cười cười trêu chọc anh em, mắt như thấy Thanh ngồi trên thiết vận xa chỉ tay xua quân qua biên giới. Qua khung cửa nắng đã lên cao, rặng thông bên kia đồi ngả nghiêng rì rào trong gió. Trên những cành sồi, hoa nắng tròn tròn lung linh trên bộ áo hoa dù! Thanh như thoáng hiện ở đâu đây!

Ngoài kia những con chim mỏ đỏ cánh đen, giống như những con sáo ở quê nhà cất giọng hót trong cao nghe thật buồn đang bay chuyền trên cành cây maple lá đỏ. Và như thế là Thanh đã thực sự nhắm mắt xuôi tay, bỏ vợ bỏ con, bỏ Toronto tổ ấm cuối đời để về một nơi xa thật xa. Có thể là rừng dương bãi biển ở quê nhà, có thể là thung lũng mù sương Dakto, Hạ Lào, A Sao, A Lưới... Hay có thể là một chốn bình yên, không danh không lợi... Nhưng đó là nơi yên nghỉ cuối cùng của một đời người!

Cuối năm 1962 khi những chuyến xe lửa cuối cùng vừa vượt núi băng rừng, uể oải lăn bánh vào sân ga Đà Lạt trong ánh nắng héo hắt, hanh vàng co ro lạnh của thành phố cao nguyên thì tôi gặp Thanh và nhiều bạn hữu chờ xe vào trường Võ Bị. Thời gian thụ huấn ở quân trường, tuy ở hai đại đội khác nhau, nhưng tuần nào chúng tôi cũng gặp nhau trong những đêm trực gác súng cối gần kho đạn.

Nhiều đêm mưa lạnh co ro trong cái áo gác “lính cà” mầu olive dài tới gót chân, Thanh thường kể tôi nghe về Phan Thiết quê anh. Thanh cao lớn đẹp trai, đôi mi cong như lông mi con gái, nổi bật với hàm râu quai nón dù đã cạo nhưng vẫn đen đậm quanh hàm, vì thế bạn bè gọi anh là Thanh Râu hay Thanh Tây Lai.

Cuối năm 1964 khi mãn khóa ra trường, Thanh và tôi nhảy múa reo hò, mua ngay chiếc nón đỏ đội lên đầu vì được về binh chủng Nhảy Dù. Thanh về Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù ở trại Phạm Công Quân. Anh bắt đầu làm quen với những người lính phong trần, len lỏi chiếc Vespa dọc theo những hàng cây cao su, cây bã đậu cao xanh rợp bóng đậm màu vôi trắng dưới gốc cây tại ngã tư Bảy Hiền.

Còn tôi thì leo lên chiếc GMC ngồi bên những người lính dù mặt sạm đen, áo trận còn vương mùi thuốc súng vừa từ mặt trận Tây Ninh về phép thăm gia đình. Chiếc xe nhà binh vút trên xa lộ về hậu cứ Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù tại trại Vũ Đào Ánh nằm khuất dưới những rặng cao su xanh mát trong căn cứ Không Quân Biên Hòa.

 

 

Sau hơn một tháng hành quân trong Chiến Khu D, cả khóa chúng tôi về học Nhảy Dù. Đứng ngay cửa máy bay chờ nhảy “saut” đêm, Sài Gòn dưới chân, cả một vùng rộng lớn lấp lánh ánh đèn xanh đỏ, sông Đồng Nai như một giải lụa bạch ôm lấy thành phố uốn khúc xuôi về phía biển. Khi đứng lên móc khóa dù, Thanh nheo mắt chọc tôi:

– Coi chừng nhảy vô đồn nghe Bắc Kỳ con!

Đèn xanh vừa nháy lên, liền với tiếng “Go” tôi lao mình theo Thanh Râu phóng ra khỏi thân tầu. Trời trong vắt đầy sao, gió đêm hơi lạnh thổi mạnh từ bờ sông, hoa dù tản mạn bung trong gió, lòng lâng lâng với một cảm giác thích thú kỳ lạ khi dù nhẹ nhàng bay. Làng mạc xóm nhà quanh khu Quang Trung và bãi nhảy Ấp Đồn mờ đục trong đêm. Đôi chân hụt hững trong không khí, tôi vội co chân lấy thế. Cách tôi không xa Thanh đang kéo dù ngược chiều gió để khỏi rớt vào đồn. Lũ trẻ trong làng tay bấm đèn pin chạy đuổi theo những hoa dù căng gió, từ trên cao nhìn xuống như một bày đom đóm, vừa chạy vừa la kéo dù như những tay chuyên nghiệp!

Chân vừa chạm đất, tôi lăn mình một vòng và cảm thấy hơi thốn ở chân. Lũ trẻ chăn trâu chợt la lên:

– Cố vấn, cố vấn Mỹ tụi bay ơi!

Rồi một số bỏ chạy về phía Thanh râu. Trong nháy mắt tụi nhỏ đã dồn dù của tôi vào bao, vui vẻ nhận tiền “lì xì.”

Cách tôi không xa Thanh đang chống nạnh la oai oái:

– Ê nhóc con, tao là Việt Nam chứ không phải là Mỹ, lấy đỡ tí tiền còm đi mấy em!

– Thiếu úy trông giống Mỹ quá! Cho thêm chút nữa đi, dù vướng vào đồn mà thiếu úy.

Tôi rít một hơi thuốc thơm rồi thủng thẳng đến bên Thanh ngâm nga câu thơ chợt đến trong đầu để trêu chọc Thanh râu:

– Dù bay Nam Bắc Đông Tây. Sao Ông lại kéo.... dù ngay vào... đồn!

Lũ trẻ nhảy lên ôm bụng ngặt nghẽo cười.

“Râu” lườm tôi:

– Đồ Bắc Kỳ đểu!

Rồi hai đứa lủi nhanh vào mấy hàng cháo, chè, hột vịt lộn... của các cô gái trong vùng bán hàng cho các toán Nhảy Dù ngày và đêm. Chân gác lên chiếc ghế dài, rít một hơi thuốc Pall Mall, tu liền một hơi mấy lon bia, Thanh nhe răng cười hích hích rồi chỉ mặt tôi hát chọc cái gốc Bắc Kỳ mang rau muống và giắt theo con chó vào Nam.

– Quê hương tôi cái mùng mà kêu cái màn.

Hay:

– Từ Bắc vô Nam tay cầm bó rau, tay kia cầm sợi giây và dắt theo con cầy... Mấy thằng bạn cùng khóa và lũ trẻ cùng phá ra cười.

Sau “saut” dù đêm mãn khóa chúng tôi ít có dịp gặp nhau, nếu có thì cũng chỉ một thoáng vội vàng trong núi trong rừng, vừa bàn giao khu vực hành quân, vừa chia nhau điếu thuốc, rồi lại mỗi đứa mỗi nơi miệt mài trên khắp bốn quân khu.

 

o O o

 

Chiến trường càng ngày càng khốc liệt, chúng tôi đã trưởng thành trong lửa đạn chiến tranh. Xương thịt bạn bè, máu huyết anh em đã thực sự thấm đỏ quê hương. Hết Kháng, hết Hùng ra đi ở Bình Giã thì lại đến Châm, Trí, Chu, Bôn, Quang... một đời mũ đỏ, mũ nâu nằm xuống ở Hậu Nghĩa. Củ Chi hay Cần “bơi” vừa kịp thấy đứa con đầu lòng thì ngã gục ở Khe Sanh.

Chiến tranh đã thực sự chuyển mình, không còn CKC bá đỏ, không còn mìn bẫy hầm chông. Chiến tranh đã lớn, hung dữ như một con quái vật, vươn những cánh tay lông lá khổng lồ ác độc từ Nga sô, Trung cộng đưa xe tăng đại pháo, hỏa tiễn súng bom, những vũ khí cực kỳ tinh xảo và hàng hàng lớp lớp tuổi trẻ miền Bắc chết dọc Trường Sơn để xâm chiếm miền Nam.

Sau Tết Mậu Thân tôi đang ở Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù, hành quân lội nát vùng An Phú Đông, Nhị Bình, Mười Tám Thôn Vườn Trầu, vòng đai ven đô thành phố thì được lệnh thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù đang hành quân hỗn hợp với Sư Đoàn Không Kỵ của Mỹ tại Tây Ninh.

Tôi ghé về thăm hậu cứ Tiểu Đoàn. Vẫn những căn nhà vòm thân yêu nằm dưới những hàng cây xanh mát. Vẫn những tiếng rơi khô cứng của những quả cao su khô trên mái tole. Hàng cây cao su trước sân Đại Đội 72, nơi tôi vẫn tập họp binh sĩ ngày xưa vẫn xanh tươi, những chiếc lá khô vàng bay như bươm bướm phủ đầy trên sân đại đội mỗi khi có cơn gió thổi về.

Cảnh cũ còn đây nhưng người xưa chắc chỉ còn mình tôi trở về đơn vị. Chiến tranh đã cướp đi hầu hết những người lính cũ mà tôi biết mặt quen tên! Tiếng kèn hạ cờ buổi chiều tan loãng trong không gian, lướt thướt trên rặng cao su, quyện tròn theo những căn nhà vòm, len lỏi thật sâu trong ký ức để tôi nhớ về những người lính cũ năm xưa!

Người lính kèn cúi đầu chào khi nhận ra tôi, những sợi tóc ngắn bạc trắng bên mang tai. Chiếc kèn với vết đạn xuyên một lỗ tròn ngay tay cầm nay đã ten mầu đồng ngả sang mầu xám, người lính đã thực sự già sau những năm dài chiến trận.

Đến Tây Ninh chiều 27 Tết, ở một thành phố xa lạ tôi thấy lạc lõng không biết về đâu, nên lái xe đến Thánh Thất Cao Đài, đến để chắp tay cầu xin an lành cho chính tôi, cho đơn vị, cho bạn bè, và đồng đội của tôi. Sáng hôm sau ngồi trực thăng bay vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn tại căn cứ Sandra.

Đời lính chiến xa nhà, nhớ vợ, nhớ con, nhớ người tình nên mấy anh Cố Vấn Mỹ thường mượn tên người đẹp để đặt tên cho một dãy căn cứ hỏa lực nằm rải rác trong vùng rừng núi Tây Ninh. Sandra, Vicky, Carolyn, Barbara... những cái tên dễ thương, dễ gọi để phi cơ và pháo binh dễ liên lạc, dễ nhận trên bản đồ mỗi khi yểm trợ, tiếp tế hay tản thương.

Trực thăng vừa đáp tôi đã thấy “Ngọc Nga” Lê Minh Ngọc, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù và anh cố vấn Mỹ đang cầm bản đồ chờ trực thăng để bay thám sát đổ quân. Ngọc Nga vui vẻ bắt tay và giới thiệu tôi với anh cố vấn. Chỉ trên bản đồ cho tôi biết các vị trí đóng quân, tình hình đơn vị rồi kéo tôi lên trực thăng bay với anh để chỉ huy các đại đội đang chạm địch.

Trời trong xanh, từng vạt mây trắng mỏng quấn quít thân tầu. Rừng già xanh ngắt nằm dưới gót chân, hàng loạt hố bom B–52 đầy nước xanh lơ ẩn hiện trong rừng cây. Tôi nghe tiếng Nguyễn Lô, Võ Trọng Em, Thanh Râu oang oang trên máy. Nhận lệnh Ngọc Nga xong xuôi, Thanh Râu cười hích hích hát trên máy để trêu chọc tôi.

Mấy họng pháo binh 105ly nòng còn đang bốc khói vì vừa bắn yểm trợ cho các đơn vị hành quân. Vừa đáp xuống Sandra tôi gặp Trần Trung Nhất, anh kéo tôi đi một vòng căn cứ coi vị trí đóng quân. Nhất và tôi, bạn cùng khóa 19 Võ Bị, cùng có với nhau những ngày máu lửa khó quên tại Đồng Xoài.

Đứng tựa chiến hào nhìn những cành mai nở vàng trên góc một chòi canh, bên bức tranh Tết pháo đỏ với lũ trẻ bịt tai dán trên bao cát cạnh lỗ châu mai của khẩu đại liên làm Nhất sực nhớ và kêu lên, ngày mai đã là 28 Tết!

Mặc dù mới đổi về tiểu đoàn, nhưng tôi không thấy xa lạ mà cảm thấy quá thân quen. Tiểu đoàn trưởng Ngọc Nga là cán bộ đại đội trưởng của tôi từ ngày còn ở Đại Đội A trên trường Võ Bị. Còn 4 đại đội trưởng tác chiến thì tất cả đều là đàn anh hoặc là bạn cùng khóa 19 mày tao chi tớ của tôi. Ngọc Nga chỉ định tôi làm sĩ quan hành quân, đáng lẽ do đàn anh Nguyễn Lô Khóa 18 đảm trách, nhưng vì anh thích coi đại đội nên tôi đảm trách chức vụ của anh.

Thời gian này thì Trần Trung Nhất của Khóa 19 coi Đại Đội 71. Hiền, ít nói từ ngày ở quân trường, nhưng khi tức giận thì trời đất cũng phải ngả nghiêng. “Hồng Hà” Võ Trọng Em Khóa 19 nắm Đại Đội 72. Em trông có vẻ hiền lành nhưng thực ra là “tẩm ngẩm tầm ngầm đấm... chết voi.” Tại sao tên là Em mà lại lấy danh hiệu truyền tin là Hồng Hà thì không ai hiểu. Có thể là tên người thân hay có thể là tên bồ nhí!

 

 

Có lần Thanh Râu tình cờ lấy được bức thư tình Em đang viết dở cho người yêu, Thanh chạy xuống câu lạc bộ tiểu đoàn, tu một chai bia rồi hinh hích cười đọc cho chúng tôi nghẹ... “Em thương mến của Em.” Hay “Em hôn Em ngàn cái...” Cả bọn ngây người không hiểu Em nào là Em nào!

Thanh Râu hay Thanh Tây lai Nguyễn Viết Thanh, Khóa 19, đại đội trưởng Đại Đội 73. Tính tình cởi mở phóng khoáng nhưng ưa trêu chọc bạn bè, và luôn luôn... lỗi hẹn với đào để đi theo ông “Budweiser, ông 33... và ông Lô lọ rượu!” Trời nắng cũng như trời mưa, trời gió cũng như trời yên, lúc nào cũng có ve dầu nhị thiên đường và gói thuốc Pallmall trong túi. Nhiều lần đang lâm ly ái tình lẻ với đào, Thanh nhớ mùi lấy dầu xoa lên mũi, hít hít vài cái, đào hiểu lầm là chê mùi thơm của em nên phụng phịu ra đi. Thanh vẫn tỉnh bơ, hinh hích cười và thoa... dầu tiếp tục! Khi nhậu hơi ngà ngà Thanh thường lấy dầu bôi lên điếu thuốc, tròn mồm thở khói, sau đó bắt đầu đi trêu chọc anh em.

“Lôi Hổ” Nguyễn Lô là đại đội trưởng Đại Đội 74, đàn anh Khóa 18 Võ Bị, đánh giặc có nét nhất của Sư đoàn. Bằng hữu giang hồ đặt tên anh là “Lô lọ rượu,” người nhỏ con, uống rượu như hũ chìm, tính tình hào sảng, phóng khoáng. Sống rất điệu nghệ giang hồ, chí tình vời bằng hữu anh em.

Đó! Đơn vị tôi đó! Tiểu đoàn tôi đó! Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù! Tiểu đoàn đã đứng lên ngạo nghễ, dũng mãnh sau trận Đồng Xoài. Tiểu đoàn đã theo “Ngọc Nga” chạy bộ từ cây số 17 đánh tung cả trung đoàn địch độn thổ phục kích tại nghĩa địa An Hòa, vượt sông vào Thành Nội Huế, tấn công cửa An Hòa, tiêu diệt địch tại Mang Cá giải vây cho Thiếu tướng Ngô Quang Trưởng (Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh), khi cả cố đô đắm chìm trong bom đạn hồi Tết Mậu Thân!

Sau đó không vận về thủ đô, khí thế hừng hực như bão lửa, mạnh như cuồng phong, lùa Đại Đội 73 của Thanh Râu tiêu diệt gọn một đại đội đặc công của địch tại khu nghĩa địa Tây giữa cổng Phi Long và ngã tư Bảy Hiền trong đợt tổng công kích Mậu Thân lần thứ 2 tại Sài Gòn.

Sau đó lại cũng chính Thanh Râu kéo quân đánh thốc vào khu xưởng dệt sau nhà thờ Đắc Lộ kéo Lôi Hổ ra khỏi vòng vây, rồi cả hai dẫn quân theo Ngọc Nga xung kích như vũ bão tiêu diệt sạch sẽ một tiểu đoàn địch, giải tỏa áp lực cho Bộ Tổng Tham Mưu và phi trường Tân Sơn Nhất.

Đó, đơn vị tôi đó! Anh em tôi đó! Đơn vị đầy tình nghĩa đệ huynh, ấm tình niên trưởng niên đệ từ ngày trên trường Võ Bị.

Chẳng gì thì cũng cùng thầy cùng trường, chia nhau Đồi Bắc, chung nhau Miếu Tiên Sự Thái Phiên, Chi Lăng đi chung một con đường, trưa chiều quây quần chung một phạn điếm, đêm đến ngủ chung một đỉnh đồi. Ngày ngày ngạo nghễ nhìn đỉnh Lâm Viên, và nhất là sắt son chung một lời thề ngoài Vũ Đình Trường khi kiếm cung xuống núi.

Anh em nương nhau mà sống, mang tình huynh đệ vượt qua những lúc nguy nan, dìu nhau lướt qua những cơn bão lửa.

– Mày kẹt thì tao vô, mày bị vây thì tao giải cứu, thiếu đạn thì tao chia, thiếu máu thì tao tiếp máu...

Sống như thế thì không thân thiết cũng thành thân thiết, không ruột thịt cũng thành ruột thịt, nghĩa đệ huynh còn đậm hơn tình nghĩa anh em. Phòng thủ căn cứ Sandra là Đại Đội 71 của Trung Nhất, Đại Đội Chỉ Huy và một pháo đội Pháo binh Dù.

Thanh Tâm, Lôi Hổ, Hồng Hà hành quân biệt lập ngoài căn cứ, ngày nào cũng nhảy diều hâu, trực thăng vận, phối hợp với Sư Đoàn Không Kỵ Mỹ tìm địch rồi dùng phi pháo để tiêu diệt địch trong vùng rừng núi Tây Ninh.

Đầu năm 70 chiến trường đột nhiên cực kỳ sôi động. Đại Đội 72 đụng địch ở “Đuôi Cá,” trận đánh tàn khốc kinh hoàng ngay từ giờ phút đầu khi một trung đoàn thuộc Công Trường 9 cục R tao ngộ chiến với Đại Đội 72. Dưới hỏa lực khủng khiếp và quân số vượt trội của địch, Võ Trọng Em gồng mình chiến đấu, một mất một còn chống trả nhiều đợt xung phong cuồng sát, đẫm máu của địch.

Thanh Râu, Lôi Hổ đã đội pháo mà đi, đã xẻ rừng mà tiến, ào ào như giông bão đánh qua đầu địch, bằng mọi giá phải phá vỡ vòng vây để cứu thằng bạn cùng khóa, để gỡ cho thằng Em 19 thoát khỏi nguy nan. Khi gần bắt tay được với Hồng Hà thì Thanh Râu đụng nặng. Địch pháo như mưa, rồi như lũ thiêu thân lao mình vào lửa.

Tôi nghe Thanh gầm lên trong máy, chỉnh pháo binh chạm nổ ngay trước phòng tuyến, ra lệnh cho Dalton anh cố vấn Mỹ đen phóng rocket, trải hỏa lực của trực thăng võ trang Cobra cách quân bạn không đầy 50 thước. Dalton la hoảng vì rocket bắn quá gần. Nhưng chính nhờ lối yểm trợ liều lĩnh và gan dạ đó mà địch bị tổn thất nặng nề, hàng ngũ rối loạn. Thanh Râu giẵm trên xác giặc mà đi để vào tiếp ứng cho Đại Đội 72.

Trên trời Ngọc Nga, cố vấn Mỹ, và tôi suốt ngày bay trực thăng, điều chỉnh khu trục, pháo binh trút hàng tấn bom tấn đạn lên đầu địch. Ngày thứ hai Ngọc Nga cho trực thăng bay sát ngọn cây, đạp được mấy thùng đạn và lựu đạn tiếp tế cho Đại Đội 72 thì trực thăng bị trúng phòng không bể ống dẫn dầu, khói bốc sau đuôi, chập choạng lết về rớt ngay ngoài căn cứ.

Sau 3 ngày đêm hứng bom hứng đạn của pháo binh và không quân Mỹ–Việt, thêm hai cánh quân của Lôi Hổ và Thanh Tâm đánh ngang hông. Lại thêm chi đoàn thiết giáp của Không Kỵ Mỹ thọc sâu sau lưng đánh trúng bộ chỉ huy và những đơn vị mới của địch đang bôn tập kéo đe. Hơn lúc nào hết chúng tôi hiểu thế nào là tình nghĩa anh em.

Sau trận “Đuôi Cá” thì Thiếu tá Phạm Kim Bằng Khóa 16 Võ Bị về giữ chức vụ Tiểu Đoàn phó với danh hiệu truyền tin là Kim Bằng (sau này bạn bè gọi anh là “Bùi Đăng” đọc ngược lại là “Bằng đui” vì anh bị thương ngay mắt trong trận đánh rực lửa hãi hùng tại Đồi Gió khi anh mang quân đánh giải vây cho thị xã An Lộc trong mùa hè rực lửa 1972. Từ đó danh hiệu truyền tin “Bùi Đăng” đã thay thế danh hiệu Kim Bằng).

Khi ở hậu cứ hễ khi nào rảnh rỗi là chúng tôi kéo nhau ra tiệm phở Thanh Bình ngay gần rạp hát Biên Hùng của Kim Bằng để thưởng thức phở, la de củ kiệu và món “xíu quách” độc đáo, hết sẩy, sau đó tà tà kéo nhau ra... ghi sổ.

Mỗi khi túng tiền đi bay bướm tụi tôi thường đưa Thanh Râu ra làm đầu tầu lên gặp Ngọc Nga. Với tài trêu chọc và câu hát sở trường “Xin mặt trời hãy ngủ yên... Cho tôi xin dăm thước mặt trời...”

Niên trưởng Khóa 16 chỉ biết cười trừ, bỏ tiền vào phong bì, nghe Thanh Râu hích hích cười, giơ tay ra hiệu cho mấy “Cùi” đứng chờ sẵn ở ngoài sân. Cả bọn lại tiếp tục chương trình kéo nhau ra Quán Thịt Rừng hay vi vút ở Văn Cảnh, Tự Do. Nhiều hôm “Đích thân” cao hứng đi theo, hôm đó kể như đàn anh trúng số. Những ngày đóng quân ở vườn Tao Đàn, cả bọn thường kéo nhau ra Đêm Mầu Hồng hay Blue Dragon. Thanh Râu lúc nào cũng là người gây gió bão. Ngọc Nga chỉ biết ôm đầu và... ký giấy lãnh đủ những ngày trọng cấm vì mấy đàn em!

Chiến trường Quân Khu 3 đột nhiên bùng nổ dữ dội với những trận đụng độ ác liệt tại các đồn điền cao su vùng Hớn Quản, tỉnh Bình Long. Trung tướng Đỗ Cao Trí, Tư Lệnh Quân Đoàn 3, quyết định tung quân vượt qua biên giới Cao Miên đánh thẳng vào các mật khu, cơ quan đầu não và hậu cứ an toàn tiếp tế chính của địch.

Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù được lệnh tăng phái cho Chiến Đoàn 333, phối hợp với Biệt Động Quân, Thiết Giáp vượt biên giới qua ngả Gò Dầu Hạ đánh từ tỉnh lỵ Soài Riêng lên thị trấn Kratie rồi vòng về Kompong Cham trong cuộc hành quân Toàn Thắng của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3.

Đụng liên miên khi tiến quân vào thị trấn Soài Riêng, phố xá vắng tanh, cửa tiệm đóng cửa im lìm. Quân đội Miên trang bị đủ loại súng ống hỗn tạp, quân phục không đồng nhất, nói tiếng Pháp như gió và chuyển quân toàn bằng xe vận tải Mercedes!

Ra khỏi Soài Riêng, Tiểu Đoàn được lệnh tùng thiết với Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh của Trung tá Thoàn tiến quân về thành phố Kompong Cham. Kỳ này Đại Đội 73 của Thanh Râu đi chung với Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn nên tôi và Thanh có dịp gặp nhau tăng cường cho mặt trận. Địch rối loạn hàng ngũ tổn thất nặng nề nên rút quân bỏ chạy, để lại chiến trường hơn ba trăm xác giặc, bắt sống một số tù binh và tịch thu hàng trăm vũ khí đủ loại. Trực thăng đáp ngay trên trận địa, Ngọc Nga, Phương Hải, Lôi Hổ, Thanh Tâm, Hồng Hà siết chặt tay nhau giữa lúc chiến trường còn vương mùi lửa đạn.

 

 

Quê hương xứ Chùa Tháp bằng phẳng không có núi non, chiến xa như nước vỡ bờ xua quân ngang dọc trên những cánh đồng xanh rì cây cỏ. Xóm làng rải rác nằm bên lũy tre xanh. Những chiều dừng quân Thanh và tôi hay ngồi hàng giờ trên pháo tháp chiến xa phì phèo điếu thuốc, ngắm hoàng hôn đang từ từ xuống phía chân trời. Mặt trời xuống ngang tầm mắt, những mái chùa cong, những đỉnh tháp nhọn, hàng cây thốt nốt phất phơ hoa trắng, cao thẳng như những hàng cau ở quê nhà, nổi bật trên nền trời xám đỏ dưới những tia nắng tím vàng chìm dần trong cảnh hoàng hôn.

Trên cánh đồng đàn bò nâu, vàng chậm chạp di chuyển trên bờ đê, theo sau là mấy ông Lục áo vàng (các nhà sư Cam Bốt, bận áo vàng, thường được gọi là “ông Lục”) đang đi về phía những ngôi chùa lớn. Hình ảnh thật êm dịu và chiến tranh hình như còn ở mãi nơi xa! Thanh nói tới quê anh, ngày xưa cũng là một phần đất của dân Chàm nên thỉnh thoảng đó đây cũng còn lại những tháp, những đền đài hoang cổ ngày xưa!

Trên đường tiến quân vào Kompong Chak, Đại Đội 71 chạm địch ở Phum Long Giêng. Sĩ quan liên lạc Cambodge cho chúng tôi biết làng không còn dân chúng và đã bỏ hoang từ lâu. Khi hai trung đội đầu tiên của Trung Nhất rời chiến xa dàn hàng ngang tiến gần tới bìa làng thì súng bắt đầu nổ. Nhất lùa đại đội xung phong như vũ bão đánh chiếm bìa làng.

Lợi dụng hệ thống phòng thủ kiên cố và chuẩn bị kỹ lưỡng nên địch nổ súng khi binh sĩ còn cách làng có mấy chục thước. Nhất bị trúng đạn gãy tay, con cái ngã mấy mạng trong đợt khai hỏa đầu tiên. Tuy nhiên một trung đội đã dùng tối đa hỏa lực và đánh toàn bằng lựu đạn chiếm được bìa làng.

Nhất bám sát bìa làng tung con cái thanh toán những hầm hố chung quanh. Ngọc Nga cho Kim Bằng kéo Thanh râu dùng hỏa lực của chiến xa đánh vào bên hông làng và để Lôi Hổ lên thay thế Trung Nhất chỉ huy Đại Đội 71.

Đột nhiên tôi thấy máu đỏ phun lên mặt, máu và óc nhờ nhờ trắng nhỏ trên bản đồ, Tôi quay sang thì thấy Thiếu úy Thức, sĩ quan truyền tin ngồi giữa tôi và Ngọc Nga, đầu nghiêng trên vai, óc và máu hòa nhau nhầy nhụa trên vai áo đang nhỏ giọt trên khẩu Rouleau P38.

Thức bị trúng đạn ngay đầu, viên đạn thượng liên quá mạnh xuyên thủng qua nón sắt cướp đi sinh mạng của anh. Chúng tôi vội nhảy xuống xe thì vừa lúc hàng loạt đạn bắn trúng pháo tháp chiến xa kêu chát chúa, tóe lửa bên thành xe. Thiết giáp xả đại liên về phía ổ thượng liên còn sót lại giữa bụi tre dầy kín ngay bìa làng. Kể như chúng tôi đã may mắn thoát khỏi loạt đạn của ổ Thượng liên!

Chi đội thiết vận xa dùng súng phun lửa xung phong vào chính diện. Lửa cuồn cuộn đốt cháy bìa làng, lũy tre xanh vặn mình bốc cháy. Đại liên 50, súng phóng lựu M79, hỏa tiễn M72, và đủ loại vũ khí khác đan những tấm thép lửa chụp xuống địch quân.

Ngọc Nga và tôi theo cánh quân tiến vào làng, xác địch ngổn ngang trên các hầm hố. Tôi lợm giọng khi thấy hàng loạt xác cháy đen. Lửa đã đốt hết khí trời buộc cả đại đội địch phải chui ra khỏi hầm hố để làm mồi cho đạn và lửa. Vũ khí đủ loại nổ giòn phía đại đội của Thanh Tâm, Đại Đội 73 đang thanh toán bộ chỉ huy tiểu đoàn của địch. Tôi nghe Thanh ra lệnh cho các trung đội trưởng đánh bằng lựu đạn để thanh toán nốt những hầm hố kiên cố cuối cùng. Một lúc sau Thanh báo cáo bắt sống hết bộ chỉ huy của địch.

Phía sau làng “Hồng Hà” Võ Trọng Em điều động Đại Đội 72 dứt điểm cuối cùng khi những tên địch chém vè chạy ra khỏi mục tiêu. Trận đánh chấm dứt, nguyên một Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 95 thuộc Công Trường 9 Cục R bị xóa sổ hoàn toàn với hàng trăm xác địch và vũ khí, gần 20 tên địch trong đó có viên thủ trưởng bị bắt làm tù binh.

Trần trung Nhất bị thương nặng gẫy cánh tay vì loạt đạn AK khi tấn công vào bìa làng. Nhất rất tỉnh táo, băng bó xong xuôi ngồi chờ trực thăng tản thương. Thanh râu ngồi trên chiếc nón sắt, móc điếu thuốc, bôi tý dầu hít một hơi dài rồi nói với Nhất:

– Về nhà là để dưỡng thương chứ không phải là để du dương đâu cha nội. Vớ vẩn là cưa tay đó em!

Sau đó hích hích cười, rồi cho tôi cây K54 mà anh mới tịch thu của tên chính trị viên tiểu đoàn. Gần đó Tubib Trọng và toán y tá đang điều trị, băng bó cho những binh sĩ bị thương. Xác Thiếu úy Thức và 9 đồng đội tử thương được gói ghém trong những tấm poncho màu lá rừng chờ trực thăng đưa ra khỏi vùng hành quân. Phía bên kia, tù binh ngồi sắp lớp, vũ khí chiến lợi phẩm của cả tiểu đoàn địch chất đầy cánh đồng.

Nhìn Thức bó kín trong tấm poncho, nhớ lại tấm công điện vừa từ hậu cứ gửi ra chiều hôm qua báo tin Thức đã có lệnh giải ngũ sau 25 năm quân vụ! Sao cuộc đời lại có những cái oái oăm trùng hợp đến lạ lùng! Hai mươi lăm năm lính, Thức đã vào sinh ra tử trên khắp các chiến trường từ Bắc vào Nam, anh đã nhảy dù xuống Cao Bắc Lạng, đã vào Hòa Bình, đã chiến đấu ở Điện Biên Phủ, đã leo từ binh nhì lên đến sĩ quan. Ở giờ phút thứ 25 khi đã có lệnh giải ngũ thì tử thần lại đến kéo anh đi, chắc khi nằm xuống anh cũng không hiểu tại sao định mệnh lại quá tàn nhẫn đối với anh!

Chiều hôm đó trực thăng đến thật nhiều, các sĩ quan cấp lớn cầm “can” chỉ huy đứng chống nạnh nhìn tù binh, rồi quay sang hỏi tôi và Thanh coi đếm được bao nhiêu xác địch, tịch thu được bao nhiêu vũ khí. Và cũng như bao nhiêu lần chiến thắng khác, rất ít ai tới hỏi han các binh sĩ tử thương hay bị thương!

Và mặc dù đã được Ngọc Nga ra lệnh là phải chở thương binh và các Tử sĩ ra khỏi trận địa trước để binh sĩ khỏi nhìn thấy cảnh poncho bó xác các đồng đội tử thương. Nhưng các quan lớn vẫn dùng trực thăng chở tù binh và vũ khí chiến lợi phẩm đi trước. Thanh râu đứng cạnh tôi chửi thề um sùm, ai nấy đều không vui. Thanh lấy thuốc ra hút, tiến lại gần các binh sĩ tử thương, anh cắm mấy điếu thuốc đang cháy xuống đất ngay cạnh những người đã chết rồi đứng nghiêm chào. Anh muốn đốt thuốc thay nhang để cúng vái, tiễn đưa các chiến hữu đã ra đi! Chiều hôm đó trực thăng quay lại chở hết các binh sĩ tử thương. Anh Thức ơi, dù có hơi muộn màng, nhưng cuối cùng rồi anh cũng được chở đi.

Tù binh và vũ khí dầu sao cũng được ghi vào chiến tích vì đó là dấu hiệu của sự chiến thắng, đâu có ai đếm xác bạn mà được nhận huy chương! Ở phía bờ làng những người lính đang lấp đất chôn những tử thi của địch trong các hầm hố trong làng, những bộ đội Cộng sản sinh Bắc tử Nam. Rồi gió núi mưa rừng sẽ gột sạch máu xương, chim chóc muông thú sẽ lại kéo về, cỏ cây hoa lá sẽ xanh tươi trở lại, thời gian sẽ xóa mờ vết tích chiến tranh.

Một hôm giữa đêm khuya khi chúng tôi đang ngủ thì có tiếng trực thăng chỉ huy của Trung tướng Đỗ Cao Trí vần vũ trên đầu và đáp ngay vị trí đóng quân. Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh và Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù được lệnh di chuyển nội trong đêm nay phải đánh vào mật khu Damber, nơi Công Trường 9 Việt Cộng đặt bộ chỉ huy.

Mấy sĩ quan Thiết Giáp nói với tôi, Trung tướng Trí đang ngồi trên chiến xa chỉ huy, xua quân ào ào như nước vỡ bờ trực chỉ Damber. Trời chưa sáng chiến xa đã nghiền nát Damber. Cuộc tấn công chớp nhoáng, bất ngờ đã phá vỡ hậu cần tiếp liệu và tiêu diệt hầu hết bộ chỉ huy, bắt được một số cán bộ cao cấp nhưng Tư lệnh Công Trường 9 trốn thoát.

(Sau này giữa năm 1971 ở Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù, tôi lại cùng với Anh Năm Nguyễn Đình Bảo tùng thiết với Thiết Đoàn 18 Kỵ Binh của Thiếu tá Lộc vào lại Damber, và đã đánh một trận kinh hoàng, trời long đất lở với địch trong mấy ngày đêm. Chiến xa ào ạt xung kích, xoáy trên xác và máu địch nghiền nát mục tiêu, phối hợp nhịp nhàng nhị thức bộ binh thiết giáp tiêu diệt nguyên một trung đoàn Cộng Quân ngay tai Damber, mang lại chiến thắng lớn lao cho Quân Đoàn 3.)

 

o O o

 

Cuối năm 1970 tôi được lệnh về lại Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù làm sĩ quan hành quân thay cho Thiếu tá Nguyễn Quang Sáng đi làm Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù. Sau mấy ngày ăn Tết ở nhà, toàn bộ Sư Đoàn Dù không vận ra phi trường Ái Tử ngoài Đông Hà trong cái giá rét mưa lạnh của mùa đông miền Trung để tham dự cuộc hành quân Lam Sơn 719 tại Hạ Lào.

Ngày 8 tháng 2 năm 1971, Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù sau khi dừng quân ở nhà tù Lao Bảo, gần căn cứ Tà Bạt thì được lệnh xuất phát theo Quốc Lộ 9 vượt sông Tchepone đánh qua biên giới để thiết lập căn cứ hỏa lực Bravo. Tôi gặp lại Ngọc Nga và Thanh râu ngay chân “Đồi Ma, Suối máu.” Lúc này Thanh Râu là sĩ quan hành quân của Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù.

Đang hút điếu thuốc Pallmall bôi dầu của Thanh Râu thì một quả 75ly không giật của địch bắn trúng ngay vách núi cách chỗ chúng tôi đứng không đầy 2 thước. Cả hai bị sức ép ngã chúi xuống đường, đất đá bay ào ào phủ kín hết người. Chú đệ tử mang máy truyền tin cho tôi bị một mảnh ngay bả vai. Nhưng là tôi, Thanh Râu, và Ngọc Nga không hề hấn gì.

Vì Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù không phải thiết lập căn cứ hỏa lực nên hễ chỗ nào đụng nặng là phải đến tiếp viện tăng cường, vì thế đụng địch liên miên trên Quốc Lộ 9. Chiều 18 tháng 3/71 qua hệ thống truyền tin tôi được biết đơn vị của Ngọc Nga, Thanh Râu bị pháo nặng nề, và đại bác 90ly không giật của địch bắn trúng ngay bộ chỉ huy giữa lúc đang giao tranh đẫm máu với địch. Cả hai đều bị thương nặng, trực thăng cứu thương của Mỹ phải tắt đèn bay đêm để tránh phòng không tác xạ như đan lưới của địch, và sau nhiều lần liều lĩnh đáp mới cứu được Ngọc Nga và Thanh Râu ra khỏi Hạ Lào.

Sau đó Thanh râu và Ngọc Nga về làm việc nhẹ, dưỡng thương tạm thời tại Trung Tâm Huấn Luyện Vương Mộng Hồng ở Quang Trung. Tôi vẫn không quên lần ghé thăm Thanh ở Trung Tâm, gặp Nhật Trường Trần Thiện Thanh, bạn học từ nhỏ, cùng làng cùng xứ Phan Thiết với Thanh Râu. Ngọc Nga, Lôi Hổ, Hồng Hạnh, và một số bạn bè đang có “độ.” Lần đầu tiên tôi thấy Thanh râu nổi hứng hát theo tiếng đàn. Ai cũng tưởng Thanh lại ê a mấy câu hát chọc ghẹo anh em. Nhưng không, lần này Nhật Trường đàn và Thanh râu như trút cả tâm sự của mình vào bài “Tâm Sự Người Lính Trẻ” mà Nhật Trường hình như muốn viết để tặng cho thằng bạn Phan Thiết của mình khi giã từ học đường, chia tay với người yêu để bước chân vào quân ngũ.

Thanh như kể lể, như tâm sự, đâu đó cho một người tình nhỏ về những “mùa xuân xuôi quân về biên khu, cho tới đông tàn chỉ nhận một lần thự...” Những chiều ngồi trên pháo tháp chiến xa nhìn cảnh tà dương hồng, những đêm nghe nhạc ở phòng trà, băng nhạc, sách báo không thể thiếu trong những chuyến hành quân. Và sau một thời gian dài ở chung đơn vị, tôi tìm thấy sau cái dáng ngang tàng Thanh còn là một người rất văn nghệ, đầy tình cảm, nhiều tình đầy nghĩa với anh em.

Sau buổi nhậu chiều hôm đó, chúng tôi và thằng bạn học Phan Thiết mày tao chi tớ cũng tên Thanh của Râu trúng “độ” đến quên cả đường về! Bẵng đi một thời gian Ngọc Nga báo tôi biết Thanh về làm Tiểu Đoàn phó Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù.

Sau cuộc triệt thoái Cao Nguyên của Quân Đoàn 2 (năm 1975 thì chiến sự càng ngày càng khốc liệt. Tháng 3, tháng 4/1975, tháng của những cơn bão lửa đang mang bao nhiều tang tóc đổ ập xuống quê hương, và chiến tranh đã kéo tới sát nách Sài Gòn. Mặt trận Long Khánh hừng hực lửa, trận thư hùng anh dũng cuối cùng của quân đội miền Nam ngăn chặn Cộng quân ngay cửa ngõ Sài Gòn.

Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng tại tuyến đầu thì Thiếu tá Nguyễn Viết Thanh được chỉ định làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù thay thế Trung tá Đào Thiện Tuyển về giữ chức vụ khác tại Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù.

Cùng với các chiến hữu trong Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù và các cánh quân bạn thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù, Thanh Râu Nguyễn Viết Thanh, đã đánh một trận đẹp nhất trong đời, đốn ngã tất cả mọi cuộc tấn công cuồng sát biển người cuả địch tại vườn Cam Ông Tỵ. Long Khánh đã đứng vững trước sức tấn công vũ bão của 3 sư đoàn Cộng Quân.

Bị tổn thất quá nặng nề Cộng Quân đã ngưng tấn công chờ lệnh mới của Bắc Bộ Phủ, Hà Nội. Khi được lệnh rời bỏ mặt trận Long Khánh, Thanh Râu và toàn bộ Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù kéo quân về Bà Rịa. Tại vùng đất đỏ Phước Tuy, tiểu đoàn lại dàn quân tử chiến với địch tại thành phố, sau đó cùng Tiểu Đoàn 1 và 9 giữ từng tấc đất ngăn chặn địch ở Cầu Cỏ May, cây cầu huyết mạch dẫn vào thị xã Vũng Tàu.

Ngày 30 tháng 4/1975 ập xuống như một định mệnh nghiệt ngã cho dân tộc, cả nước để tang khi Tổng thống Dương văn Minh ra lệnh cho quân đội buông súng đầu hàng. Nguyễn Viết Thanh kéo quân ra biển, neo thuyền tại Gò Công chờ mang quân xuống Vùng 4. Nhưng vận nước cơ trời đã định, đại đơn vị Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù gồm các Tiểu Đoàn 1, 8, và 9 trôi theo vận mạng mà đi. Và đó cũng là đơn vị Nhảy Dù đông đủ quân số nhất, ngồi trên tầu nhìn về cố hương, nhớ vợ nhớ con, nhớ gia đình, nhấp nhô theo sóng gió đại dương xa rời đất mẹ!

Thanh Râu thân mến.

Tao vừa viết để kể cho bạn bè, anh em, và các chiến hữu biết về mày. Dĩ nhiên là thiếu sót, nhưng dù có thiếu ra sao, quên những khúc nào thì mày cũng đừng có buồn, vì cái thằng bạn Bắc Kỳ của mày không còn trẻ như ngày xưa, tóc sợi trắng sợi đen, trí nhớ không còn minh mẫn như ngày trước.

Sau cái ngày bỏ nước ra đi tao gặp lại mày ở đảo Guam. Mặc dù ở chung với binh sĩ anh em nhưng cứ chiều chiều là mày rủ tao ra bãi biển Gap, ngồi trên ghềnh đá nhìn sóng đại dương để nhớ gia đình, nhắc đến bạn bè cùng khóa, và nói về những trận đánh cuối cùng đẫm máu, kinh hoàng ở Long Khánh, Phước Tuy.

Rồi mày về Canada, tao vào đất Mỹ, xa cách mấy ngàn miles nên dễ chừng cả chục năm không hề gặp mặt. Mãi đến giữa mùa hè năm 1990 khi cùng anh em Mũ Đỏ lên Washington, D.C. dự lễ “rước ngọn cờ vàng” thì tao gặp lại mày. Cũng vẫn hàm râu quai nón ngày xưa, vết thẹo trên cằm ngày đánh Đồi 1416 ở Dakto để treo cho được chiếc mũ đỏ danh dự của quân đội trên đỉnh đồi. Thẹo dù có mờ đi, nhưng chiến tích khó quên của một đời mũ đỏ thì vẫn hằn sâu ở đó. Mày buồn buồn nói với tao là mày bị bệnh tiểu đường, phải chích thuốc hàng ngày. Nhưng chỉ một lúc sau gặp lại Bùi Đăng, Lôi Hổ, Ngọc Nga, Hồng Hà Võ Trọng Em thì lại hích hích cười, móc điếu Pallmall xoa tý dầu rồi lâng lâng nhả khói.

Ngày Khóa 19 họp đại hội ở Orange county cuối năm 1998 tao lại gặp mày. Bạn bè bu tới hỏi thăm, hỏi thăm “thằng Râu” cầm cờ Liên Đoàn Sinh Viên Sĩ Quan trên trường Võ Bị độ này ra sao. Sau đó tụ lại bàn của hai thằng nước mắm “Phan Thiết” Thanh, Thừa để cùng chung chai lọ. Mày bảo là quá vui và hứa với bạn bè là sẽ trở về San Jose họp mặt kỳ tới.

Vui, thì dĩ nhiên là phải vui, cứ 2 năm con cháu cụ Nguyễn Trãi, những con “đại bàng” xa xứ, từ mọi góc biển chân trời xoải cánh bay vượt rừng, vượt núi, vượt biển cả trùng dương quay về tổ cũ. Và chỉ ở tổ này mới lại được nghe những tiếng nói thân quen, để mày tao chi tớ nhớ lại quãng đời trai trẻ sóng gió hào hùng, để nhìn vết thẹo trên tay, trên mặt... vết tích của một thời trận mạc, huy chương đích thực phải trả bằng máu bằng xương, điểm danh thằng đi thằng ở, thằng còn thằng mất!

Trước khi về mày nói với tao là độ này mày yếu hẳn đi, và người lính nhảy dù nào ra trận mà không có thương đau. Sau đó mày “dô” một cái rồi phá ra hinh hích cười bình thản.

Lần tao gọi điện thoại thăm thì mày đã yếu lắm rồi. Ngọc Nga qua thăm, anh kể với tao là hai anh em kéo nhau lên thượng tầng của tháp Toronto, “Chuồng Cu” của lính Nhảy Dù, khui chai Cognac rồi tự dưng mày nói với giọng thật buồn những chữ đầu của chai rượu Martell “Mai anh rời tình em lạnh lẽo,” những chữ mà ngày xưa đi nhậu mày hay nói. Nhưng lần này như một lời trăn trở ở những ngày cuối của cuộc đời, rồi chỉ thành phố Toronto phía dưới mà nói với Ngọc Nga:

– Tôi đã giữ đúng lời hứa là chỉ cho anh coi hết thành phố Toronro.

Sau đó đệ huynh cạn hết chai Martell rồi chập choạng ra về. Trời Toronto lạnh lẽo đầy tuyết giá, nhưng mày lại thiếu chiếc áo gác “lính cà” màu cứt ngựa mà mày vẫn mặc khi đổi gác với tao trên trường Võ Bị ngày xưa!

Trung tuần tháng 2, Huyện Móm gửi email cho bạn bè trong khóa biết là mày đang nằm nhà thương qua tin của Nguyễn Kim Ngôn và Nguyễn văn Đối là hai người bạn cùng khóa ở gần mày nhất. Những ngày trong bệnh viện Đối và Ngôn thường lui tới an ủi, nhất là Đối cũng cùng bệnh như mày, nhưng nay đã khỏe trở lại nên ngày nào cũng ngồi hàng giờ để san sẻ, tâm sự với mày thật nhiều về hy vọng chữa khỏi bệnh tình. Trần Thanh Huyện sẽ qua thăm mày vào cuối tuần này, rồi cho anh em biết sự tình. Tao kêu nhà mày nhưng không gặp ai, vội phone qua Ngọc Nga, Anh cho biết mày đau nặng. Đùng một cái thì ngày 21 tháng hai, Ngọc Nga vào email Võ Bị báo tin mày đã ra đi!

Thanh Râu, Ngọc Nga gọi tao, đêm nay anh sẽ làm mâm cơm, có chai VSOP, có bao Pallmall, có ve dầu Nhị thiên đường để nhớ mày. Anh tin là mày sẽ về vì người mới ra đi thì hồn hay về thăm những người thân cũ. Tao gọi cho Võ trọng Em, Nhật Trường, và Bùi Đăng rồi chạy ra báo cho Sông Lô, độ này anh làm chung với tao nên anh em ngày nào cũng gặp và hay nhớ tới mày.

Đặt bao Pallmall trước tấm hình, lấy một điếu thuốc, bôi chút dầu lên trên rồi tao hít một hơi dài. Cái mùi ngái ngái của thuốc quyện với mùi thơm thơm của dầu làm lưỡi tao tê tê. Khói cay bốc lên quyện với mùi dầu làm tao chảy nước mắt. Nhưng tao biết tự đáy lòng tao đang nhớ mày. Tao đang nhớ những ngày đơn vị, những chuyện tâm tình ở đảo Guam, khẩu súng K54 mày cho tao, và nhất là cái tiếng cười hích hích của mày hay trêu chọc anh em, tự nhiên mắt tao nhòa đi và thấy mày nói nói cười cười quanh quẩn đâu đây.

Thanh Râu.

Mày đã biết trước ngày đi nên trăng trối với gia đình, vợ con là muốn được hỏa táng rồi đem tro rải trên biển cả. Vì biển chính là cái nôi nuôi dưỡng mày từ bé cho tới lúc lớn khôn. Trước khi nhắm mắt xuôi tay mày đã thực sự muốn sóng gió trùng dương đưa mày về Phan Thiết bãi biển quê nhà! Ở đó có dòng sông Mường Mán từ rừng núi Trường Sơn đổ về, có những lớp sóng bạc đầu ngoài bãi biển Thương Chánh. Lầu nước, vườn bông, dòng sông Cà Ty, và những hàng cây đầy hoa vông vang rực đỏ, vang tiếng ve kêu mỗi mùa hè. Trường trung học Phan Bội Châu, cây cầu đúc đường Trần Hưng Đạo, quán cà phê hủ tíu trên đường Gia Long. Hay những lần theo ông bác ngồi trong chiếc thuyền thúng đi vớt cá ngoài bãi biển rừng dừa Mũi Né đầy thơ mộng.

Bãi biển, ngôi trường, lối đi xưa, bờ sông cũ, hoa cỏ quê nhà... Tất cả như xôn xao, rung động, như cùng đứng lên thì thầm gọi tên cậu bé ngày xưa, để cùng được chạy nhảy nô đùa với nhau như những ngày thơ ấu!

Thanh Râu thân mến.

Ngày tiễn đưa mày đi có Ngôn, có huynh đệ anh em chung một mái trường. Trần Thanh Huyên từ DC, đại diện cho bạn bè đồng khóa từ các nơi xa đến chia buồn cùng gia đình mày, rồi cùng Đối, Ngôn thắp nhang tiếc thương tưởng niệm.

Sinh lão bệnh tử rồi ai cũng phải một lần, khi đã nằm xuống thì Hạ Lào, Quảng Trị, Khe Sanh, Phan Thiết hay Toronto thì nào có khác gì nhau. Tao mới làm hai câu thơ để nhớ mày, câu đầu là lúc Trung Đội Trưởng Thanh Râu của Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù, đã đánh một trận vang danh chiến sử tại đỉnh đồi 1416 Ngok Wan ngoài Dakto với vết thương trên cằm, trên má.

Câu thứ hai là trận đánh anh dũng cuối cùng của Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù Nguyễn Viết Thanh tại Long Khánh đã làm cho kẻ thù kinh sợ, rúng động nát tan.

Vung kiếm bên trời, Dakto xưa lềnh thây máu giặc
Long Khánh tung hoành, giặc cờ đỏ run sợ khiếp tan”.

Viết để nhớ mày. Vĩnh biệt! Vĩnh biệt!
Đoàn Phương Hải



Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by batkhuat nguyễn chuyển

 

Đăng ngày Thư; Sáu, November 29, 2024
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang