Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bút
ký
Chủ đề:
QH30–T4Đ
Tác giả:
Trung tá Lê minh Ngọc – Thiếu tá Nguyễn
đức Tâm
Giọng đọc:
Tài Nguyễn
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Hàng
năm, cứ mỗi độ tháng Tư về, là thiên hạ lại thấy xuất hiện trên báo
chí và mạng lưới, những tin tức hình ảnh liên quan đến biến cố tháng
Tư năm 1975. Năm nay, cuốn “Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên” của tác giả
Phạm Huấn bỗng được thấy đặc biệt chiếu cố, khai thác đều trên các
mạng lưới. Và tên tuổi Phạm Huấn được đặc biệt nhắc nhở, đề cao. Một
nét đặc biệt hơn nữa: đến những chữ nghĩa trong cuốn “Đại Thắng Mùa
Xuân” của răng–đen–mã–tấu Văn Tiến Dũng, cũng được trang trọng trưng
bày, xen kẽ với chữ nghĩa của Phạm Huấn! Lý do tại sao, xin dành
quyền thẩm định phê phán khách quan lại cho quý độc giả, sau khi đọc
xong bài viết nhỏ bé này.
Khoan thai mà nhận diện tin tức, chúng ta
thấy có hai phần khác nhau:
Phần 1 là những trích dẫn từ ngay trong
chính cuốn “Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên” của tác giả
Phạm Huấn. Và
phần 2, là những bài viết khác, nhưng cũng nhằm vào một hướng: mạt
sát Miền Nam Việt Nam ngày trước!
Hãy bắt đầu bằng những trích dẫn từ ngay
trong cuốn “Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên”.
Trong phần này, trên nhiều mạng lưới, thấy
có trích ra nhiều đoạn, mô tả nhiều diễn tiến dồn dập, ào ạt, nóng
bỏng. Trong dòng diễn tiến cuồn cuộn đó, có một đoạn trích dẫn “bắt
mắt” tôi nhất. Bắt mắt tôi, vì cường độ chữ nghĩa của tác giả cũng
có, và vì giá trị xác tín của nguồn tin cũng có.
Xin chép lại nguyên văn đoạn này:
“Lữ đoàn 3 Nhẩy Dù tăng phái cho Mặt trận
Khánh Dương, buông súng trưa ngày 1.4.1975, sau khi vỡ tuyến, bị
tràn ngập, và không còn được tiếp tế, liên lạc được với quân đoàn
II. Lữ Đoàn 3 Nhẩy Dù bị tổn thất 70% lực lượng. Đó là thực trạng và
tinh thần chiến đấu của các đơn vị chủ lực Quân Đoàn II, và Lữ Đoàn
3 Nhẩy Dù trong những ngày sau cùng trên chiến trường Cao Nguyên,
Pleiku, Kontum, Nha Trang: Chưa đánh đã bỏ chạy! Đúng!”...
Nếu là người dưng nước lã, đọc thoáng qua,
chắc tôi cũng chỉ dửng dưng đọc tiếp. Nhưng riêng tôi, không là
người dưng nước lã với LĐ3ND. Tôi đã có những tháng năm phục vụ
trong đơn vị này. Sự thật không phải như vậy. Hoàn toàn không.
Nhân đây, tôi cố gắng trình bày lại, hầu
quý độc giả, tất cả những diễn tiến, mà các đơn vị Nhảy Dù Việt Nam
có tham dự trong những tháng ngày cuối cùng của cuộc chiến. Trước
khi mổ xẻ đoạn văn của Phạm Huấn trên đây, tôi xin thưa trước một
điều.
Vì nhu cầu
trình bày mạch lạc tin tức dữ kiện, để Quý Vị dễ theo dõi, sẽ có đôi
lúc tôi phải viết lên liên hệ của cá nhân tôi với các đơn vị này.
Xin đừng hiểu lầm, là người viết muốn nói về “cái tôi” của mình.
Trong biển lửa mênh mông và cường độ khốc
liệt của cuộc chiến bất hạnh đó, tôi nghĩ, và tôi chắc rằng, mỗi
chúng ta chưa đáng là con đom đóm. Từ các cấp lãnh đạo, chỉ huy của
Việt Nam, cho đến cả Đại Sứ Mérillon của Pháp, ngay cả chính Đại sứ
Graham Martin của Mỹ, cũng chỉ là nạn nhân, phục vụ cho quyền lợi
kinh tế và chiến lược tối thượng của Hoa Kỳ và Trung Cộng. Ra hải
ngoại này, “cái tôi” là điều mà đại đa số quý vị độc giả, trong đó
có chính tôi, đã quá kinh tởm, trong rừng lúc nhúc các “Bút ký chán
chường”!
Trọn năm
1973, tôi là Lữ Đoàn Phó LĐ này, hành quân vùng “Động Ông Đô” ở
Quảng Trị. Đụng chạm suốt năm, nhiều kỷ niệm mồ hôi xương máu, ký ức
còn nóng hổi như mới ngày hôm qua.
Các chiến sĩ
Nhảy Dù tại phòng tuyến Phan Rang
Tháng Giêng năm 1974, Bộ Tư Lệnh Nhảy Dù
bổ nhậm tôi làm Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù, thay thế Đại tá
Nguyễn Thu Lương (K4TĐ).
LĐ2ND ở lại bắc Quảng Trị, trách nhiệm
vùng khoảng phía tây Phong Điền/La Vang, dưới sự phối hợp và kiểm
soát hành quân của Thiếu tướng Bùi Thế Lân, Tư Lệnh TQLC. Còn lại,
SĐND(–) được Trung tướng Ngô Quang Trưởng TL/QĐI điều động về nam
đèo Hải Vân để giúp trấn giữ Đà Nẵng.
Hòa Đàm Ba–Lê kết thúc ngày 27 tháng giêng
năm 1973: Henry Kissinger và Lê Đức Thọ được giải “Nobel Hòa Bình”
sau đó, là bản án bức tử cho “đồng minh” Nam Việt Nam, vì quyền lợi
chính trị và chiến lược của chính “đồng minh” Hoa Kỳ! Cộng sản Hà
Nội không còn có nhu cầu nhắm chiếm Huế để làm “Thủ đô” cho Nguyễn
Hữu Thọ và Nguyễn Thị Bình nữa. Họ dồn áp lực tối đa vào Đà Nẵng và
Ban Mê Thuột, và mục tiêu tối hậu là... Sài Gòn.
Sau đúng 1 năm ở lại Quảng Trị, tháng 12
năm 1974, tôi bất thần lại được Chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng, Tư Lệnh
Dù sau cùng, cho lệnh tôi bàn giao LĐ2ND ngược lại cho Đại tá Nguyễn
Thu Lương.
Tôi
trở về BTL/Phòng 3 Hành Quân (ở Non Nước, Đà Nẵng) nhận lệnh mới.
Tiễn tôi ra trực thăng Chỉ huy, là “Moshe Dayan” Trung tá Lữ Đoàn
Phó Trần văn Sơn K8TĐ. Anh em Dù gọi Sơn như vậy, vì Sơn đã bị
thương mất một mắt, ngày còn là ĐĐT ở TĐ5ND, nhưng vẫn tình nguyện ở
lại với đơn vị.
Tại căn cứ Non Nước, công việc của tôi hằng ngày, là bay đi kiểm
soát phần Huấn luyện của các đơn vị Nhảy Dù “Đa Năng”. Đây là những
Trung đội và Đại đội, được rút ra từ 6 Tiểu đoàn Nhảy Dù cũ đang
tham chiến trong vùng Thường Đức và Đại Lộc, phía tây Đà Nẵng, thuộc
các LĐ1ND (Trung tá Nguyễn Văn Đỉnh K15VB) và LĐ3ND (Đại tá Lê Văn
Phát). Khi tôi còn trách nhiệm LĐ2ND tại bắc Hải Vân trong năm 1974,
chính tôi cũng nhận được lệnh rút các Trung đội và Đại đội từ các
Tiểu đoàn Cơ hữu của tôi (TĐ5, 7, và 11ND), gởi đi Huấn luyện “Đa
Năng”.
Địa điểm
Huấn luyện nằm ngay trong vùng trách nhiệm hành quân của LĐ3ND, phía
Tây Đà Nẵng, nên tôi gặp “Bố Già” Phát rất thường xuyên.
Các đơn vị Huấn luyện, đi “bứng chốt” ban
ngày, và chạm địch ban đêm như cơm bữa.
Hạ tuần tháng Giêng năm 1975, tôi được
lệnh Chuẩn tướng LQ Lưỡng, đưa “Lữ Đoàn 4 Nhảy Dù”, đơn vị có cái
tên mới cáo cạnh, về Sài Gòn nhận lệnh Bộ Tổng Tham Mưu (vì Bộ Tư
Lệnh/SĐND còn ở Đà Nẵng).
Khi kéo quân ra khỏi vùng hành quân của
LĐ3ND, tôi hỏi “Bố Già” Phát:
“Đại tá Lương đang ở đây, sao ông Tướng
không để Đại tá Lương đi, mà kéo tới kéo lui chi rắc rối vậy, Đại tá
có biết không?”
Tôi hỏi vậy, vì các Tướng Bùi Thế Lân, Tướng Lê Quang Lưỡng, Tướng
Ngô Quang Trưởng, và hai ông Đại tá này là bạn cùng khóa 4 TĐ với
nhau. Giọng Bố Già Phát bỗng nghiêm trọng hơn thường ngày:
“Ở đây nặng, nhưng đơn giản. Chỉ có thằng
Việt cộng trước mặt thôi. Mấy năm nay, TQLC và Dù không được về Sài
Gòn. Về đó, Ngọc nhớ phải thận trọng mọi mặt...”
Sáng ngày 20 tháng Giêng năm 1975, tôi
đang ngồi trên xe Jeep tại bến tầu Đà Nẵng để xem các Tiểu đoàn
chuyển quân xuống Chiến hạm của HQVN để về Vũng Tầu, thì Chuẩn tướng
Lưỡng đến nơi bằng xe. Ông hỏi diễn tiến công việc ra sao. Tôi trình
bày vắn tắt, là suông sẻ như kế hoạch. Và nhân đó, có hỏi “mi mí”
ông Tướng, xem nhiệm vụ của tôi ở Sài Gòn trong vài ngày sắp tới,
đại khái như thế nào.
Tướng Lê Quang Lưỡng đăm chiêu:
“Đánh rắn, phải đánh giập đầu. Đáng lẽ
phải có Tổng Trừ Bị bảo vệ Biệt Khu Thủ Đô và Tổng Tham Mưu từ sớm
hơn, như hồi Mậu Thân vậy. Anh về đó, tình hình sẽ không nhẹ nhàng
gì hơn ngoài này đâu. Khác với các Lữ Đoàn còn lại đây, là tình hình
có thể đột biến bất ngờ, mà anh chỉ có một mình. Ngoài việc điều
binh ra, anh phải cảnh giác luôn luôn, báo cáo chặt chẽ với tôi.
Trường hợp thật đặc biệt, phải có lệnh của tôi”.
Ông Tướng không nói rõ, nhưng tôi đã hiểu
mi mí, qua câu nói của ông anh “Bố Già” Lê Văn Phát. Dĩ nhiên,
chuyện loại này, chả ông nào nói rõ trước cả. May quá, thời cuộc
không xoay chuyển về hướng đó. Sau này, đọc Hồi ký của Tướng Lê
Quang Lưỡng ở hải ngoại, mới thấy ông nói rõ hơn.
Và ông Tướng vội vã ra đi, trước khi bảo
tôi giao cho các Tiểu Đoàn Trưởng đôn đốc việc hải hành. Còn tôi,
thì ra ngay phi trường, đã có nhân viên BTL/Phòng Tư lo phương tiện
C–130 bay về trước, trình diện Bộ Tổng Tham Mưu nhận lệnh.
Tôi ghi lại đoạn này, để quý độc giả theo
dõi mạch lạc hơn, vì trong những biến cố sau cùng, các LĐ2ND và
LĐ4ND vừa kể, lại sẽ còn dính líu đến hoạt động của LĐ3ND, đơn vị đã
bị Phạm Huấn khai tử trước, trong cuốn “Cuộc Triệt Thoái Cao
Nguyên”, trước khi lịch sử của cuộc chiến tranh lạnh thế kỷ thứ 20
bức tử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sau đó.
Tôi rời Bố Già Phát, nhưng không phải vì
thế mà tôi “mất dấu” LĐ3ND.
Tình hình điều động và tham chiến của các
Lữ Đoàn và Tiểu Đoàn bạn trong binh chủng, đều được ban tham mưu Lữ
Đoàn thuyết trình hằng ngày. Sau nhiều trận chạm địch, các Tiểu đoàn
được hoán chuyển, để Binh sĩ được về thăm gia đình, đơn vị được bổ
sung và chỉnh bị. Cho nên tại vùng hành quân, ít khi các Bộ Chỉ Huy
Lữ Đoàn có được đủ mặt các Tiểu đoàn Cơ hữu của mình.
Một đơn vị Pháo Binh Nhảy Dù
Thường thì mỗi Lữ Đoàn Nhảy Dù tham dự
hành quân với 3 Tiểu đoàn tác chiến, một Tiểu đoàn Pháo Binh ND, một
Đại đội Công Binh ND, một Đại đội Truyền Tin ND, một Đại đội Quân Y
ND, một Đại đội Trinh sát ND, và Đại đội Chỉ Huy Công Vụ (Các ban
Tham mưu Lữ Đoàn, Quân cảnh, An ninh, Súng cối...)
Đúng 2 tháng sau khi tôi rời Vùng I Chiến
Thuật, thì SĐND cũng được Bộ TTM điều động về Sài Gòn. LĐ3ND xuống
tầu Hải Quân, rời Đà nẵng ngày 15 tháng 3. Đang lênh đênh trên biển,
thì được lệnh tấp vào Cầu Đá Nha Trang: LĐ3ND được tăng phái cho
QĐII, theo đơn xin của Thiếu tướng Tư Lệnh Phạm Văn Phú. Bộ Tư
Lệnh/SĐND cùng các Lữ Đoàn 1 và 2 tiếp tục hải hành về hướng Nam.
Đại tá Lê Văn Phát được lệnh di quân gấp
lên đèo Khánh Dương, lập phòng tuyến. Nhiệm vụ là: trì hoãn trục
tiến của các đơn vị Cộng quân, bọc hậu cho các đơn vị bạn trong vùng
giao phó.
Sau khi
Ban Mê Thuột thất thủ, lực lượng Cộng quân ào ạt trên các trục đông
tiến này, gồm có các các Sư đoàn F10, 316 và 320 CSBV.
Trục địch quân đi ngay vào tuyến án ngữ
của LĐ3ND trên đèo Khánh Dương, chính là Sư đoàn F10, cùng với một
Trung đoàn chủ lực miền, và Đặc công, Giao liên. Tổng cộng đông gấp
5 lần lực lượng của Nhảy Dù tại đây. Cộng quân có đầy đủ pháo yểm,
trong khi LĐ3ND chỉ có hỏa lực của 1 Tiểu Đoàn Pháo binh 105ly cơ
hữu. Đó là tương quan lực lượng chính xác tại đèo Khánh Dương ngày
17/3/75.
Lúc bấy
giờ LĐ3ND của Bố Già Phát gồm có TĐ2ND (Thiếu tá Trần Công Hạnh
K20/VB), TĐ5ND (Trung tá Bùi Quyền K16VB), và TĐ6ND (Trung tá Nguyễn
Văn Thành, K9TĐ). Thiếu tá Nguyễn Ngọc Triệu là TĐT/TĐ2 Pháo
Binh/ND. Lữ Đoàn Phó là Trung tá Trần Đăng Khôi K16VB.
Quân Nhảy Dù giữ vững đèo Khánh Dương,
chận đứng Sư Đoàn F10 tại đây cho đến ngày 22 tháng 3. Sáng hôm đó,
địch giảm cường độ tấn công, chỉ bám sát tuyến đang chạm, nhưng lại
tung 2 trung đoàn đánh bọc hông. Đại tá Phát xin không yểm. Tướng
Phú chấp thuận, nhưng lại không có phi tuần để thỏa mãn yêu cầu.
Tướng Phú cho lệnh LĐ3ND tuần tự lui quân về nam, xa nhất là dừng
lại Cam Ranh chờ lệnh.
Khi về ngang Huấn Khu Dục Mỹ, Đại tá Phát
có gặp Đại tá Nguyễn Hữu Toán, Chỉ Huy Trưởng Huấn Khu Dục Mỹ và Đại
tá – BĐQ Nguyễn Văn Đại, CHT/Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân,
K8VB.
Đại tá Phát
ND cho Đại tá Nguyễn Văn Đại BĐQ biết về tình hình địch trước mặt,
nói thẳng với Đại tá Đại hai điều. Một là, địch đông hơn mình nhiều
lần, có đủ tiếp liệu và hỏa yểm hùng hậu. Còn mình thì đến hôm nay,
khó còn trông cậy gì vào “ở trên” và “sau lưng” nữa. Đại tá Phát hỏi
Đại tá Đại có phụ giúp được gì trong việc giữ an ninh trục lộ phía
sau, dẫn về Ninh Hòa hay không, vì địch thế nào cũng bọc hông đặt
chốt để gây khó khăn cho điều động chung của các đơn vị thuộc huấn
khu này.
Đại tá
Đại đồng ý, và gửi Viễn Thám BĐQ đi thi hành. Nhờ vậy, cuộc lui binh
tại đây, thảm cảnh ở Quốc Lộ 7 đã không xảy ra.
LĐ3ND chưa về đến Cam Ranh. Ngày 30 tháng
3, mới về đến đèo Rù Rì, phía Bắc Nha trang, thì mất liên lạc với Bộ
Tư Lệnh/QĐ II. Đại tá Phát không còn cách nào khác hơn, là phải liên
lạc thẳng về BTL/SĐND ở Sài Gòn bằng máy GRC–106 để xin lệnh.
Lệnh của Tướng Lưỡng cho LĐ3ND là trực chỉ
Phi trường Bửu Sơn Phan Rang, để phối hợp với Chuẩn tướng Phạm Ngọc
Sang, Tư Lệnh SĐ6KQ, tổ chức phòng thủ phi trường này, và tái lập an
ninh trật tự tại hai Thị xã Phan Rang và Tháp Chàm.
Ổn định vừa được Nhảy Dù phục hồi tại đây,
thì Trung Ương cử Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi ra đến, đặt Bộ Tư
Lệnh nhẹ của Quân Đoàn III tại Bửu Sơn đúng ngày 1 tháng 4 năm 1975.
Trước mặt Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi,
LĐ3ND vẫn còn cầm súng trên tay, và đang hiển hiện là niềm tin
tưởng, là nỗi vững tâm của Quân dân Tháp Chàm Phan Rang, của Tiểu
Khu Ninh Thuận.
Vậy LĐ3ND nào chưa đánh, đã buông súng bỏ chạy, đầu hàng?!
Ngày 4 tháng 4, LĐ3ND được Tướng LQ Lưỡng
cho thay thế bằng LĐ2ND, do Đại tá Nguyễn Thu Lương đưa ra Bửu Sơn
bằng vận tải cơ C–130. Không Quân VN chuyển các Tiểu đoàn 3, 7 và 11
Nhảy Dù đến Bửu Sơn, và bốc các Tiểu đoàn 2, 5 và 6 Nhảy Dù về Tân
Sơn Nhất.
Lập tức
LĐ3ND được bổ sung và chỉnh bị nhanh chóng. Trung tá Trần Đăng Khôi
được bổ nhậm làm Lữ Đoàn Trưởng/LĐ3ND, thay thế Bố Già Phát (lên
Tham Mưu Phó Hành Quân BTL/SĐND).
Trở lại với Lữ Đoàn 4 Nhảy Dù tại Vùng III
Chiến Thuật. Tôi từ Đà Nẵng bay C–130 về Sài Gòn ngày 20 tháng
giêng/75, trình diện Bộ TTM. Gặp Chuẩn tướng Trần Đình Thọ, Trưởng
Phòng 3. Ông ta hỏi tôi ngay về khả năng tham chiến của LĐ4ND.
Tôi thưa, có 2 Tiểu đoàn sẵn sàng ngay, ba
Tiểu đoàn nữa (15, 16 và 18) sẽ về đến và sẵn sàng khoảng 2 tuần
sau. Và tôi cũng không quên khai thật, là tôi chưa có hậu cứ, chưa
có Lữ Đoàn Phó, nhất chưa có Pháo binh Nhảy Dù cơ hữu như các Lữ
Đoàn cũ.
Tướng
Thọ vào đề: “Tôi ghi nhận những điều đó. TTM sẽ phối hợp với hậu cứ
Sư Đoàn Nhảy Dù lo tiếp cho anh. Bây giờ tình hình phía tây bắc Biệt
Khu Thủ Đô nghiêm trọng. Địch đã vượt sông Vàm Cỏ, chiếm xã Lương
Hòa. Vùng Đức Hòa Đức Huệ bị uy hiếp nặng nề. Phải nhờ anh lên đó
giúp họ ngay. Anh sang Phòng 2 nghe tình hình chi tiết vùng này. Tôi
nhờ Phòng Tư lo phương tiện cho anh lên đó”.
Hai ngày sau, tàu HQ cập bến Sài Gòn. Tôi
hướng dẫn hai Tiểu Đoàn 12 và 14ND về tạm trú tại sân cờ của TĐ8ND
trong Hoàng Hoa Thám. Các Phòng sở của BTL/Hậu cứ đến, nhanh chóng
giúp đỡ các trang bị cần thiết. Tôi gọi các Tiểu Đoàn Trưởng đến,
trải bản đồ ra, chỉ tình hình và mục tiêu.
Và tôi nhấn mạnh trang bị: Bản đồ, Điện
trì, Lựu đạn M–26 tối đa, phóng lựu M–79, và ống phóng M–72 (Vì
không có pháo binh, khi hữu sự, sẽ phải đánh như đơn vị khinh
chiến).
Đoàn xe
đến, LĐ4ND “xuất hành” trận đầu tay, trực chỉ lên hướng Tây Ninh.
Đến “Thành Ông Năm” (Một trại Công Binh trên Quốc lộ 13), xuống xe,
lấy đội hình hướng về mục tiêu Vàm Cỏ Đông.
Quần thảo 2 ngày ven bờ con sông nổi
tiếng, đẩy lui được đầu cầu vẹm về bên kia, tái chiếm được Lương
Hòa, an ninh lại trục lộ. Trận đầu tay này, cũng như những lần chạm
địch mấy tháng sau đó, LĐ4ND đã “đánh khô”, vì không có pháo cối yểm
trợ.
Hai Tiểu
Đoàn 12 và 14ND bắt được rất nhiều vũ khí đạn dược, dọc theo dãy lùm
bụi, ngay vùng đầu cầu mà địch vượt sông hai đêm trước, còn nguyên
trong nhiều thùng gỗ bọc giấy dầu, bôi đầy mỡ bò màu vàng của Trung
cộng: AK47, B–41, và “Thượng liên nồi” mới toanh (Hộp băng đạn bự và
tròn).
Tôi cho
Ban 2 và Ban 5 đi tìm, liên lạc với giới chức địa phương, để phối
hợp việc an ninh, cứu trợ và bình định. Tưởng là ai, hóa ra người
trai khói lửa, lại là Thiếu tá Tô Công Thất, cùng khóa 16 với tôi ở
Đà Lạt!
Bắt tay
bắt chân qua loa, hỏi cần gì không? M–79, M–26, Claymore! Tôi kêu đệ
tử để hết các loại này lại, rồi bái biệt người trai khói lửa, lội
ngược ra Quốc lộ, vì truyền tin báo có Chuẩn tướng Trần Đình Thọ sắp
lên Thành Ông Năm.
Tướng Thọ bắt tay tôi: “Đơn vị anh không
cần huấn luyện nữa. Vả lại, tình hình không cho phép”.
Và ông xỉa cho tôi một phóng đồ hành quân,
cho đất đai làm ăn, án ngữ về hướng Bắc và tây Bắc Thủ đô.
Một Quân Cảnh
Nhảy Dù đang dìu một phụ nữ bị thương tại Xuân Lộc,
phía sau là trực thăng Chinook chuyển quân Dù đến mặt trận
LĐ1ND vừa đặt chân đến hậu cứ khoảng giữa
tháng 3/75, là liền được bổ sung, tái tiếp tế nhanh chóng. Và Trung
tá Nguyễn Văn Đỉnh được lệnh trực chỉ lên Xuân Lộc ngay, để tăng
cường cho SĐ18BB. Theo dõi phần thuyết trình hằng ngày, tôi được
biết TĐ8ND của Thanh Râu, tức Thiếu tá Nguyễn Viết Thanh K19VB, đã
làm ăn một trận để đời tại “Vườn cây Ông Tỵ”.
Trong tháng này, có Trung tá Nguyễn Đình
Ngọc cầm công điện mang tay, về trình diện tại Thành Ông Năm. Nội
dung công điện: “Chỉ định Trung tá NĐ Ngọc giữ chức vụ Phụ tá Hành
Quân LĐ4ND. Quyết định hợp thức hóa Lữ Đoàn Phó sẽ theo sau”. Có ông
này về, thật đỡ cho tôi quá. K19VB, nguyên TĐT/TĐ2ND ngày còn ở Động
Ông Đô với LĐ3ND hai năm trước.
Giữa tháng 3, Biệt Khu Thủ Đô cũng có yêu
cầu đến giúp Tiểu Khu Gia Định, giải tỏa xóm Cư Xá Thanh Đa (Bị một
đại đội đặc công xâm nhập), đến đầu cầu Thương cảng Xa lộ. Thiếu tá
Nguyễn trọng Nhi K20VB được gởi đi với 2 đại đội của TĐ12ND, và đã
thanh toán xong trong cùng ngày 22 tháng 3.
Ngày 10 tháng 4, tôi được gọi về họp ở
BTL/BKTĐ. Tại đây, tôi gặp Trung tá Trần Đăng Khôi, LĐT/LĐ3ND, cũng
đến họp nhận lệnh.
Lữ Đoàn 3 được tăng cường hoạt động cho
BKTĐ, thay thế LĐ4ND. Còn tôi được lệnh di quân LĐ4ND xuống tăng
phái cho BTL/Quân Đoàn III, trách nhiệm khu vực từ Tam Hiệp, Biên
Hòa, vắt qua sông Đồng Nai, hướng về Long Thành. Đấy là lần sau cùng
tôi gặp, lần cuối tôi thấy LĐ3ND điều động đi thi hành một nhiệm vụ
chiến thuật khác: bảo vệ khu kho xăng Nhà Bè, và an ninh trục thủy
lộ Rừng Sát.
Tối
13 tháng 4, tôi được tin LĐ2ND chạm địch nặng nề tại Bửu Sơn Phan
Rang. Lực lượng tấn công, vẫn là Sư Đoàn F–10, bị chận khựng lại.
Ngày 15 tháng 4, Sư Đoàn 325 Cộng Sản Bắc
Việt từ quốc lộ 11 tăng cường đến, cùng với đông đảo chiến xa và
pháo nặng. Tối 16 rạng ngày 17, Đại tá Nguyễn Thu Lương và Trung tá
Trần văn Sơn bị báo cáo mất tích, cùng với Trung tướng Nguyễn Vĩnh
Nghi và Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang KQ.
Bửu Sơn thất thủ, tiếp theo là Tháp Chàm
và Phan rang!
Sau
cùng, LĐ3ND cũng đã buông súng, cùng với tất cả các đơn vị khác, khi
hai ông Vũ Văn Mẫu và Dương văn Minh tuần tự cho lệnh buông súng
chiều 29 và sáng 30 tháng 4 năm 1975.
Tôi không phải là người xa lạ đối với
LĐ3ND. Mặc dù vậy, để bảo đảm sự chính xác của dữ kiện, tôi vẫn điện
thoại kiểm chứng chi tiết kỹ lưỡng với những nhân vật trong cuộc,
trước khi viết lại những diễn tiến cuối cùng của cuộc chiến, mà các
đơn vị Nhảy Dù VN có can dự.
Tất cả vẫn còn đấy, chỉ trừ có Chuẩn tướng
Phạm Ngọc Sang SĐ6KQ đã qua đời cách đây 3 năm, và “Moshe Dayan”
Trung tá Trần Văn Sơn đã nằm xuống trong những năm tháng tù đày
ngoài Bắc.
Bây
giờ, mời Quý Vị hãy nhìn lại câu chuyện, kể về cùng một đơn vị đó,
trong cùng thời gian đó, bởi đại ký giả chiến trường Phạm Huấn trong
cuốn “Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên”, đã phổ biến khắp thế giới, để mà
ngán ngẫm cho điều mà chính các ngài viết lách này, gọi là... Lương
Tâm Ngòi Bút: “Buông súng trưa ngày 1.4.1975, sau khi vỡ tuyến, bị
tràn ngập... Lữ Đoàn 3 Nhẩy Dù trong những ngày sau cùng trên chiến
trường Cao Nguyên, Pleiku, Kontum, Nha Trang: Chưa đánh đã bỏ chạy!
Đúng!”!!!
Trong
khi đó, chính Đại tá Nguyễn văn Đại BĐQ, người cùng có mặt tại trận
với LĐ3ND lúc bấy giờ, hiện đang cư ngụ tại Oregon, vừa nói điện
thoại với tôi đêm qua:
“Tình hình đó, địa thế đó, nhiệm vụ đó,
LĐ3ND đã làm quá sức mình. Và Đại tá Phát còn về ổn định lại Phan
Rang Tháp Chàm, giúp tướng Phạm Ngọc Sang, tướng Nguyễn Vĩnh Nghi
nữa, trước khi được thay thế..”.
Đến tháng cuối cùng của chiến cuộc, tác
giả Phạm Huấn vẫn còn lĩnh lương thiếu tá của QLVNCH, sao lại có thể
ăn nói khinh bạc đến vậy? Đành rằng, chung cuộc vẫn là sự sụp đổ của
Miền Nam Việt Nam, nhưng vẫn phải xin để cho, sự thật còn được là sự
thật...
Chỉ trong
một đoạn viết ngắn khoảng nửa trang giấy, tác giả đã đề cập đến diễn
tiến và số phận của mấy chục đơn vị, một cách ngắn gọn, dễ dàng và
tàn nhẫn: Thảm sát hết: “Từ các trung đoàn 41, 42, 47 Bộ Binh, mấy
Liên đoàn BĐQ, Lữ đoàn 2 Thiết kỵ, Liên đoàn 6 Công Binh Chiến Đấu,
các đơn vị Pháo Binh, đến các đơn vị Lôi Hổ, Thám kích và LĐ3ND”.
Các chiến sĩ
Nhảy Dù bảo vệ Thủ đô Sài Gòn tháng 4/1975
Đơn vị Nhảy Dù này, sự thật ra sao, tôi là
người trong cuộc, đã vừa thưa cùng Quý Vị.
Từ sau ngày rời Trường Võ Bị Quốc Gia Việt
Nam, tôi về trình diện Liên Đoàn Nhảy Dù Việt Nam. Và tuần tự phục
vụ qua các TĐ3ND, TĐ7ND, LĐ3ND, LĐ2ND, LĐ4ND. Tôi chưa hề được gặp
gỡ ký giả chiến trường Phạm Huấn lần nào. Chỉ thỉnh thoảng đọc sách,
thấy hình ông ta mặc quân phục Nhảy Dù!
Còn mấy chục đơn vị khác, mà Phạm Huấn nêu
tên ra trên đây, thì sao? Tôi không rõ là Phạm Huấn hiểu biết thế
nào về các đơn vị đó. Và càng không biết, các đơn vị đó, có được
Phạm Huấn đến thăm viếng lần nào chưa. Nhưng khi trên giấy trắng mực
đen, Phạm Huấn đã viết truyện chiến trường như đoạn viết về LĐ3ND
trên đây, thì nếu người đời họ có chọn “Cuộc Triệt Thoái Cao
Nguyên”, để sắp chung với “Đại Thắng Mùa Xuân” của Văn Tiến Dũng,
cũng là điều hiểu được mà thôi!
Thiếu tá Phạm Huấn suốt đời ở thiên cung,
mới trở thành tiên đọa xuống trần gian Quân Khu II, chỉ vài tháng
trước cuộc dầu sôi lửa bỏng, làm sao nắm vững được từng ấy tin tức
dữ kiện? Rừng dữ kiện này, nếu được trình bày bởi các Vị Đại tá,
chức vụ tối thiểu từ Trưởng Phòng Nhì, Trưởng Phòng 3 Quân Đoàn trở
lên, thì họa may mới khả tín...
Chua chát chưa chịu dừng lại tại đó.
Mãi đến nay, vài chục năm sau, tại hải
ngoại, vẫn có những nhà văn, nhà báo, viết theo, lên án gắt gao tất
cả, từ lãnh đạo đến thứ dân, từ tướng xuống Quân! Và khôi hài đen ở
chỗ là, hầu hết đều nhập đề bằng câu “Có đọc Phạm Huấn, chúng ta mới
thấy...”, hoặc là: “Cuốn Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên” của tác giả
Phạm Huấn đã phơi bày ra tất cả “Sự thật...”!
Với các ông gọi là Nhà báo, Nhà bình luận
này, chữ nghĩa cẩu thả trên đây của Phạm Huấn, đã trở thành chữ
nghĩa của Thánh kinh! Rồi tất cả những văn chương, tư tưởng siêu
việt này, rốt cuộc hội tụ về một đoạn tiểu sử, được phổ biến rộng
rãi trên khắp các mạng lưới toàn cầu.
Xin chép lại nguyên văn, để Quý Vị thưởng
lãm:
“Phạm Huấn
là một nhà báo quân đội và trong ‘Bộ Biên Tập Diều Hâu’, Thành viên
Ban Liên Hợp Quân Sự 4 Bên và 2 Bên, đặc trách về Báo Chí, khi Hiệp
Định Paris 1973 được ký kết, Chủ tịch Hội Phóng Viên Chiến Tranh
Việt Nam, 1972–1975.
Tác giả đã theo học... Trường Đại Học Quân
Sự năm 1963. Và cả Trường Quân sự tại Hoa Kỳ: Infantry School (Fort
Benning, GA, 1958), Civil Affairs School (Fort Gordon, GA) và
Special Warfare School (Fort Braggs, NC, 1965)...
Trong nghề Phóng viên Chiến tranh, Phạm
Huấn có một chỗ đứng riêng biệt, dù đi chung với những Phóng viên
nổi tiếng hàng đầu của thế giới như Moshe Dayan, Dickey Chapel, hay
chỉ đi có một mình, bao giờ anh cũng được đón nhận nồng nhiệt của
mọi chiến hữu ở ngoài mặt trận...”
Đọc qua đoạn trên, quý vị có thấy độc giả
bị coi thường quá hay không?
Cùng một “Văn phong” này, tôi nhớ đã được
đọc đâu đó vài lần.
Lần đầu, năm 2005 thì phải. Anh Bùi Đăng,
bạn cùng khóa 16 Đà Lạt với tôi, ở San Jose bắc Cali, gởi cho tôi
nguyên một trang Nhật báo Việt Ngữ khổ lớn. Nguyên trang báo, là bài
Phân Ưu Trung tá Phạm Huấn. Với nửa trang trên, đầy đủ sự nghiệp vĩ
đại của người nằm xuống. Toàn là các khóa du học Ngoại quốc, và các
việc Văn phòng. Anh Huấn quả đã được Quân đội đãi ngộ, ưu ái, và đầu
tư vào kỹ hơn ai hết.
Và nửa trang dưới, đầy đủ tên tuổi Quân
nhân Nhảy Dù, từ Đại tướng Cao văn Viên, Trung tướng Nguyễn Chánh
Thi... cho đến em út cấp Úy, trong đó có tên tôi. Cầm tờ báo, tôi
mới hay tin ông anh qua đời vì bạo bệnh.
Anh bạn Bùi Đăng gởi báo cho tôi, không họ
Bùi, mà cũng chẳng tên Đăng. Mùa hè 1972, anh dẫn TĐ6ND nhảy xuống
Đồi Gió Bình Long, mở đường máu vào cứu An Lộc. Bị trận địa pháo,
Phạm Kim Bằng bỏ lại Đồi Gió một con mắt, đi vào An Lộc với một con.
Trở thành Bằng đui, nhưng Bùi Đăng không chịu rời tiểu đoàn tác
chiến Nhảy Dù.
Đầu năm 2007, Trung tướng Ngô Quang Trưởng lại ra đi.
Trên Internet và báo chí, liền ngay dưới
sự nghiệp của Trung tướng Trưởng, lại có hàng chữ: “tài liệu của Đại
tá Phạm Huấn, Chủ Tịch Hiệp Hội Ký Giả Chiến Trường”(!).
Ông lỏi tì nào đó ơi, “Văn phong” này nặng
mùi lắm, xin ông dừng tay lại, đừng đem tên tuổi của ông anh mình ra
mà diễu dở. Cấp bậc, thì ai cho bằng Thiếu tướng Nguyễn cao Kỳ và
Đại tướng Nguyễn Khánh. Chức vụ, thì ai sánh nổi với Quốc trưởng
Nguyễn Khánh và Thủ tướng Nguyễn cao Kỳ! Có thơm tho chi đâu. Phải
nói ngay từ bây giờ, kẻo nay mai, có một vì sao sáng nào khác rơi
rụng, ông lỏi tì lại lôi ông anh Phạm Huấn dậy, mà truy thăng lên
chuẩn tướng! Tội nghiệp cho ông anh.
Ông anh đã và đang sám hối về cuốn “Cuộc
Triệt Thoái Cao Nguyên” dưới kia. Khó ăn, khó ở khi “hội ngộ” với
anh em lính tráng người phàm, đã tham dự Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên
ngày xưa lắm.
Hỡi
ông lỏi tì ơi, hãy để cho ông anh được yên nghỉ.
Dậu đổ, bìm leo. Viết lách chửi bới, mạt
sát, mọi thứ thuộc Miền Nam Việt Nam ngày trước, đã và vẫn đang là
kiểu thời trang thịnh hành.
Có nhiều người viết, để vẽ lên hình ảnh
mình là... người hùng! Một số khác viết lên, để tỏ ra mình là người
trí giả, là nhà tư tưởng, dựa vào cuốn Kinh Tân Ước Phạm Huấn! Riêng
nhà báo vĩ đại Phạm Huấn, thì hùng dũng tỏ ra mình là nhà siêu Quân
sự, siêu lãnh đạo, chê bai xoa đầu từ trên xuống dưới, chả chừa một
ai.
Chỉ nửa trang
giấy, dẹp hết cả lực lượng một Quân đoàn. Phạm Huấn luận về các ông
anh, ông thầy, các ân nhân của chính anh ta, như Gia Cát Khổng Minh
nói về các mạt tướng Trương Phi, Ngụy Diên!
Anh Phạm Huấn chỉ quên có một đôi điều nho
nhỏ. Thật nhỏ. Nhỏ xíu. Vì tầm mắt anh không thấy. Mặc dù anh vẫn
mặc Quân phục tác chiến Nhảy Dù, mang lon thiếu tá của QLVNCH làm
việc tại Ủy Ban Quân Sự 2 bên, 4 bên. Đó là việc Lập Pháp Mỹ, qua
Quốc Hội Dân Chủ ngày đó, đã cúp hết Viện trợ Quân sự cho QLVNCH từ
mùa Hè 1973!
Đó
là việc Hành Pháp Mỹ, qua tên Do Thái nói ngọng Henry Kissinger, đã
công khai đứng về phía Lê Đức Thọ và Nguyễn Thị Bình, để bức thúc
Hòa Đàm Ba Lê, bức tử VNCH. Cho nên, chuyện gì phải đến, đã đến.
Theo Mỹ và Trung Cộng, chuyện đó, đáng lẽ phải xảy ra sớm hơn...
Trong hoàn cảnh đó, nếu rước đại Ký giả
Phạm Huấn vào Dinh Độc Lập, liệu đương sự gồng được mấy phút? Trong
hoàn cảnh đó, nếu mời nhà báo Phạm Huấn sang Bộ Ngoại Giao, liệu ông
anh gồng được mấy giờ? Trong hoàn cảnh đó, nếu phong cho Thiếu tá
Phạm Huấn thay thế Đại tướng Cao Văn Viên, Thiếu tá Huấn có lãnh đạo
một Tiểu đội ngày giờ nào chưa?
Các ông lính thợ vịn, ăn lương Quân đội
Miền Nam, mạt sát các đơn vị Quân đội Miền Nam, nhưng chả bao giờ
biết chút gì về các Đơn vị này. Mạt sát, vì ganh tị, vì mất mát.
Bất cứ ai thật sự có trải qua những tháng
ngày gạo sấy nước ruộng, đều biết rằng, cùng một cỡ Đơn vị, cùng hỏa
lực xấp xỉ nhau, Bộ đội Cộng sản chưa hề là đối thủ của Quân Đội
Quốc Gia, dù là Chính quy, hay Địa phương, dù là TQLC, BĐQ, hay Bộ
Binh, Không Quân, Hải Quân. Chiến thuật của Cộng sản, có hai chữ
“biển người”, là vì vậy.
Một phần ba thế kỷ đã trôi qua, bao nhiêu
tài liệu đã được giải mật. Henry Kissinger trước sau ba lần thú
nhận, đã bán đứng Nam Việt Nam. Lính tráng chúng tôi, là người phàm
mắt thịt, chả nói làm chi. Còn các ông nhà văn, nhà báo, nhà bình
luận: chất xám các ông để đâu, nấu bún ốc hết rồi sao? Bây giờ không
có bom rơi đạn réo, mà còn phù thịnh, còn nói vuốt theo Văn Tiến
Dũng, thì làm sao ngày xưa các ông dám phù suy, mà đỡ đần phần tí ti
nào cho Quân Dân Miền Nam? Bây giờ mà còn nói vuốt theo Văn Tiến
Dũng, là vô liêm, là bất trí...
Thảm cảnh tháng Tư, người khách quan,
không ganh tị, không càm ràm bệnh hoạn, ai cũng thấy là vì hai lý
do: Thứ nhất: Dân chúng nghe quân cộng sản tiến đến gần, đã kinh
hoảng, đưa tới náo loạn. Có đúng vậy không, thưa Quý Vị? Và thứ hai:
các đơn vị Quân đội lại không có được những tiếp liệu, yểm trợ và
hỏa lực tối thiểu nữa, để chu toàn nhiệm vụ chiến thuật được giao
phó, vì QLVNCH đã bị cúp Quân viện từ năm 1973, chỉ còn cầm hơi,
“Liệu cơm gắp mắm”.
Mùa Hè năm sau, Trung tướng Tùy Viên Quân
Sự tòa Đại Sứ Anh Quốc ra thăm hỏa tuyến, có ghé qua Bộ Chỉ
Huy/LĐ2ND ở phía Nam sông Thạch Hãn. Nghe thuyết trình xong, ông
đứng lên trước bản đồ, quay lại nói trước mặt tôi và đông đủ Sĩ quan
Tham mưu hiện diện: “Giới quan sát Quốc tế
cho rằng, các ông không tồn tại nổi quá 6 tháng, sau Hiệp Định Ba
Lê. Bây giờ, hơn một năm đã trôi qua.”. Bấy giờ, là tháng 7 năm
1974.
Nón sắt của một Tử sĩ QLVNCH
Suốt chiều dài cuộc chiến, người lính mồ
hôi, xương máu. Người dân quằn quại, thống khổ điêu linh.
Còn các ông thợ vịn, lính kiểng, sống phè
phỡn ngay trong lòng Hòn Ngọc Viễn Đông, ăn tục nói phét, làm chơi
ăn thiệt. Bây giờ, mồ ma Miền Nam Việt Nam không còn nữa, các ông
muốn ăn thiệt, thì phải bò ra làm thiệt, dù là ăn... welfare! Nên
các ông tiếc nuối cái thời vàng son, sáng Thanh Thế, trưa Givral,
chiều Đồng Khánh. Và các ông cay cú, các ông hằn học...
Có nhiều lý do làm sụp đổ Miền Nam.
Trước hết, là bàn tay lông lá của Mỹ Nga
Tàu, và xuẩn vọng của tên đồ tể họ Hồ.
Kế đến, là những tham nhũng thối nát, mà
các ông đã ngoắc mồm ra chửi bới hơn ba chục năm qua.
Mỹ, Pháp, Nga, Tàu, và nhất là Cộng sản
Việt Nam bây giờ, có thối nát tham nhũng hay không?
Lý do thứ ba là ai? Là đám làm chơi ăn
thiệt, là lũ kiêu binh hàm thụ. Là đám sâu bọ, dòi mọt, cặn bã của
một Quân Đội hào hùng. Quân Đội “cao số” đã bị lịch sử cận đại trao
cho một sứ mạng oan khiên, một “Mission impossible”... Những tên né
tránh, đánh bóng chữ thọ, những bụi chùm gởi nặng trĩu trên thân cây
gầy yếu Nam Việt Nam trước cơn giông bão, không có tư cách mở mồm về
đoàn quân này...
Các cụ thường nói “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Các ông suốt đời
chỉ trích ta bà thế giới. Sao các ông không dám nói, chính các ông
mới là thủ phạm, mới là tội đồ thiên thu, làm Miền Nam nước Việt sụp
đổ vào tay cộng sản.
Nhân vô thập toàn, ai cũng có lúc lầm lỗi.
Vả lại, cái “lỗi lầm” của Miền Nam Việt Nam, nếu có, là phần chính
do cái thân phận nhược tiểu mà ra. Hàng trăm nước nhỏ trên thế giới,
đã và còn đang đau khổ về cái “lỗi lầm” này. Miền Nam Việt Nam không
còn nữa. Bây giờ đây, trách nhiệm đối với Lịch sử và Dân tộc, đang
treo trên đầu bọn cầm quyền ở Hà Nội.
Năm 1965, tôi đi học khóa “Tác Chiến Trong
Rừng” ở Mã Lai, Singapore. Việt Nam lúc bấy giờ đang khói lửa mịt
mùng, nhưng tôi thấy vẫn còn “văn minh” hơn năm nước Đông Nam Á. Bây
giờ, các nước đó đã là “Ngũ Long Thái Bình Dương”. Cộng sản chiếm
trọn lãnh thổ hình chữ “S” đã một phần ba thế kỷ qua, không còn
chiến tranh, lại được “Việt Kiều Phản Động” hằng năm giúp nhiều tỷ
đô–la. Vậy mà bọn cầm quyền cộng sản đã đưa Việt Nam, cũng vào thứ
hạng số 5 trên thế giới: nhưng là thứ năm, đếm từ dưới lên trên!
Tiếng nói của Hải ngoại rất cần thiết. Quý
Vị nào có sức, có trí, có “gu”, muốn phân tách, muốn sửa sai, muốn
dạy dỗ, thì Hà Nội mới là hướng để quý vị trổ tài. Xin hãy thôi đè
Miền Nam Việt Nam ra mà xỉa xói, mà kiêu binh cái lỗ mồm! Thê thảm
thay, chỉ vì một lý do: dối gạt luôn chính lòng mình. Tôi không dám
nói là, dối gạt chính lương tâm mình! Vì chỉ có trời, họa chăng mới
biết, các ông có lương tâm hay không!
Tội nghiệp cho Miền Nam Việt Nam, đã bao
năm tháng cưu mang, nâng niu, đãi ngộ các ông, kaki cũng như dân
chính! Hít thở không khí tự do của Miền Nam, Trịnh Công Sơn đã dệt
lên được những tình khúc bất hủ. Ngày Miền Nam sụp đổ, Trịnh Công
Sơn lên đài phát thanh, phừng phừng Guitar hát bài “Nối Vòng Tay
Lớn”. Rồi lặn ngụp trong vòng tay lớn của Xã hội Chủ nghĩa một thời
gian, Trịnh Công Sơn đã mửa ra một ca khúc, chưa bao giờ nghe thấy
trong Âm nhạc nhân gian: “Tiến Thối Lưỡng Nan”!
Sau cùng, trên đỉnh cao trí tuệ của thời
trang mạt sát Miền Nam Việt Nam, là các... Chiến lược gia.
Thôi thì, Xuân Thu nhị kỳ, luận đủ thứ
chuyện chiến lược Thiên trời địa đất. Cũng chỉ cùng một kiểu: mạt
sát hết mọi sự của Miền Nam Việt Nam. Để mình cố nhón cao lên. Vì
biết chắc rằng mình không đủ cao. Để tỏ ra mình là người thức giả.
Vì biết mình đang tơ lơ mơ, không thức thật. Càng phải trực diện với
việc áo cơm thân phận hằng ngày, nỗi nuối tiếc mất mát thời vàng
son, càng điên cuồng gào thét, dằn vặt, gậm nhắm.
Khổ một điều, không biết đọc địa bàn, nên
không phân biệt nổi hướng Đông với hướng Tây, để mà bắn cái hỉ–nộ
ái–ố vô duyên đó đi. Và cứ nhằm mọi thứ của Miền Nam Việt Nam mà
phạng...
Đại Sứ
Graham Martin, không như vậy. Ông đâu có muốn sự nghiệp Ngoại giao
trọn đời của ông, kết thúc cái kiểu này. Giờ phút cuối của Miền Nam
Việt Nam, ông cũng chỉ kịp cuốn lấy lá cờ hoa. Bộ Tư Lệnh Quân Sự Mỹ
(MACV) tại Sài Gòn, thì đã nhanh chân “Rút lui trong danh dự” ra
soái hạm của Đệ Thất Hạm Đội từ năm trước!
Cho nên, xin lỗi Quý Vị, ông Đại Sứ cũng
chạy sút quần, ra tàu USS Blue Ridge ngoài biển Đông, bước đến boong
tàu ngồi thở. Được cái là, ông Đại Sứ biết đọc địa bàn. Ông biết rõ
phương, để mà ngậm ngùi. Ông biết rõ hướng, để mà trách móc. Thở
xong, ông chỉ vào lá cờ hoa, mà mắng cho mấy mắng:
“That’s not the way I saw American Honor”!
Trung tá Lê minh Ngọc – Thiếu tá Nguyễn đức Tâm
Tháng tư 2007.
https://ongvove.wordpress.com/2014/04/20/cac-lu-doan-nhay-du-trong-thang-ngay-cuoi-cung
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Danh sách những bài viết trong trang nhà GĐMĐVM/DMV
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: bkt sưu tầm
Đăng ngày Thứ Hai, February 21,
2022
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang