Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bút
Ký chiến trường
Chủ đề:
Chiến trận MT–68/Huế
Tác giả:
Frank
Blazich
Dịch:
tkd
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Phần 1
Một năm trước đây, có một vị
khách đến xem cuộc triển lãm Cái Giá của Tự Do: Sở lưu trữ tài
liệu Americans at War viết cho tôi rằng có một bộ quân phục Sư
Đoàn Nhảy Dù/VN của một sĩ quan cố vấn Mỹ đang được trưng bày
“rất có thể... nó là của anh tôi.” Qua cuộc trò chuyện sau đó,
câu chuyện và con người đằng sau bộ quân phục này đã được đem ra
ánh sáng sau gần 50 năm. Người chủ cũ của bộ quân phục, là một
Trung tá bộ binh Mỹ về hưu tên James K. Redding, giọng đọc đằng
sau của bộ quân phục giải thích thế. Thu thập một ít ký ức của
ông Redding, tôi bắt đầu dựng lại kinh nghiệm của ông ngay trong
lòng của một trong những chiến trận đẫm máu nhất trong chiến
tranh Việt Nam, Trận đánh tại Huế.
Quê ở thành phố Portsmouth, tiểu bang
Ohio, ngày ấy Trung úy Redding đã đến Việt Nam vào ngày 7 tháng
Giêng, năm 1968, và được chỉ định làm phụ tá cố vấn Mỹ cho Tiểu
Đoàn 7, Sư Đoàn Nhảy Dù/VN (SĐND/VN), do Thiếu tá Lê Minh Ngọc
làm Tiểu đoàn trưởng. Được biết dưới danh hiệu “Thiên Thần Mũ
Đỏ,” các chiến binh Nhảy Dù thuộc SĐND/VN đại diện cho đoàn quân
thiện chiến nhất của Quân đội miền nam Việt Nam, là một lực lượng
hoàn toàn tình nguyện khởi nguyên từ thời Pháp thuộc năm 1951.
Làm việc bên cạnh cố vấn Mỹ thâm niên, Đại úy Charles Jackson,
Redding nhận ra ông đã mau chóng đắm chìm vào những cuộc hành
quân của tiểu đoàn. Những cố vấn quân sự như Redding đã dùng biệt
tài chuyên nghiệp để hướng dẫn, cố vấn, và giúp đỡ những đồng
nghiệp phía QLVNCH của họ trong khả năng huấn luyện quân sự, cả
lúc nghỉ ngơi lẫn lúc đang đụng trận. Trong các cuộc hành quân
đụng độ, những cố vấn Mỹ điều hợp pháo binh và phi pháo cận phòng
dùng phương tiện trực thăng hoặc oanh tạc cơ/phóng pháo cơ để yểm
trợ hỏa lực cho các lực lượng Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa (Army of
the Republic of Vietnam/ARVN) và làm cầu nối giữa hai quân đội
Việt–Mỹ.
Vào
hạ tuần tháng Giêng năm 1968, đa số các lực lượng quân đội Mỹ và
VNCH không hề hay biết gì, thì quân cộng sản Bắc Việt[csBV]
và
Việt cộng[v+]
trong nam (MTGPMN) âm thầm sửa soạn một chiến dịch
quân sự ồ ạt. Chiến dịch này, gọi là “Tổng công kích, Tổng nổi
dậy,” sẽ diễn ra vào dịp Tết Nguyên Đán, và vì thế nó được gọi là
Tet Offensive. Tet Offensive mở màn với hàng loạt những cuộc tấn
công cùng một lúc nhắm vào các thành phố chính của miền nam, thủ
phủ của các tỉnh, và những căn cứ quân sự của liên quân Việt–Mỹ.
Qua tuyên truyền và những tin chiến thắng quân sự, bọn cộng sản
đã hy vọng chúng có thể truyền cảm hứng đến người dân miền nam
Việt Nam để làm cuộc tổng nổi dậy chống lại chính phủ miền nam để
buộc quân đồng minh Mỹ phải rút khỏi miền nam Việt Nam.
Sau đêm giao thừa 30 tháng Giêng, các
lực lượng cộng sản mở màn một loạt các cuộc tấn công khắp nơi
trên miền nam. Vi phạm hiệp ước ngưng chiến vào ngày nghỉ lễ Tết
Nguyên Đán, các lực lượng csBV & v+ đánh vào thủ phủ 36 của 44
tỉnh thành miền nam, ước lượng 3 phần của toàn thể những thị trấn
& quận lỵ, 5/6 thành phố biệt lập/tự trị, và thủ đô Sài Gòn. Về
phía bắc của miền nam, csBV đã chiếm thành phố Huế. Huế Cách Khu
Phi Quân sự về hướng bắc 31 dặm (~ 50km), nơi chia đôi Nam–Bắc,
Huế là thành phố lớn thứ ba với dân số khoảng 140,000. Đây là thủ
phủ của triều đại nhà Nguyễn xưa, thành phố này được bao bọc bởi
một thành lũy/kinh thành bằng đá, một pháo đài xây ở thế kỷ 19,
cao 26 bộ(~ 8m) và rộng 3 bộ(~ 1m), bao quanh 2 dặm vuông đất
đai. Thành phố Huế giáp giới sông Hương và một hào nước, bên
trong thành chứa khoảng nửa tổng số dân của thành phố và có thể
liên lạc bằng đường hàng không hay 11 cổng có cầu
[bắc qua hào].
CsBV & v+ tràn vào và kiểm soát phần
lớn Huế và thành nội vào buổi sáng. Một khu quan trọng nằm phía
đông bắc của thành đã không bị chiếm. Thành Mang Cá, nơi đặt Bộ
chỉ huy của Sư Đoàn 1 Bộ Binh/VNCH, do Chuẩn tướng Ngô Quang
Trưởng làm Tư lệnh, đã tận dụng tất cả binh sĩ hiện diện trong
một cuộc chiến tuyệt vọng, kể cả đánh xáp lá cà, để chống lại
cuộc tấn công của csBV. Bên trong phần còn lại của hoàng thành,
quân cộng sản đã sửa soạn cho việc phòng thủ các vị trí và ngay
những ngày sau đó đã bắt đầu truy lùng quân nhân VNCH (ARVN),
nhân viên dân sự, những nhà lãnh đạo chính trị, giáo viên, những
công dân quốc tế, và những nhà lãnh đạo tôn giáo. Sở Lịch sử của
quân đội Mỹ về trận chiến ở Huế ước tính có khoảng trên 3,000 dân
sự bị csBV & v+ giết hay hành hình trong suốt 25 ngày của chiến
trận. Dân chúng trong thành phố đã không tổng nổi dậy chống chính
phủ miền nam Việt Nam, và hầu hết mọi người tìm hầm trú ẩn và
trốn lánh csBV & v+.
Kinh nghiệm cuả cố vấn Redding ở Huế đã
sớm bắt đầu sau khi thành phố này mất. Khoảng 10.5 dặm phía bắc
thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên, Lực Lượng Đặc Nhiệm 1 Nhảy dù gồm
các TĐ2ND, TĐ7ND, và TĐ9ND, nhận lệnh khoảng 4:30g sáng đến Huế
để giải tỏa áp lực cho những Bộ chỉ huy QLVNCH (ARVN). Mang trên
vai họ là những ba–lô, Redding và 350 binh sĩ của tiểu đoàn tiến
về hướng nam dọc Quốc lộ 1 được hộ tống bởi đoàn xe bọc thép
thuộc Chi đội 3/Thiết đoàn 7 Kỵ Binh Việt Nam do Trung úy Trần
Văn Minh chỉ huy. Không quá 500 yards (~ 457m) từ bức tường của
hoàng thành, tiểu đoàn chạm trán với một lực lượng csBV mà quân
số gấp đôi đã phục sẵn ở một nghĩa địa lớn dọc Quốc lộ 1. Chiếc
xe bọc thép APC đầu tiên lãnh một quả róc–két cầm tay của địch,
khiến đạn dược trong xe bị cháy, giết chết 8 kỵ binh trên xe.
Tiền quân TĐ7ND sau đó lãnh đạn từ nghĩa địa.
Ngọc & Minh bàn kế tấn công. Những chiếc xe bọc thép APC
không thể xoay sở được trong nghĩa địa, vì các bia đá và ụ của mồ
mả
[làm chướng ngại vật],
cả hai người đồng ý cho các xe này nằm tại chỗ bắn yểm trợ cho
các binh sĩ Nhảy Dù xung phong bằng chân. Thẳng tiến với đầu đội
bê–rết đỏ, các chiến binh TĐ7ND đã chiếm phân nửa nghĩa địa trước
khi bị đốn ngã bởi màn hỏa lực rất cường bạo. Nhìn các chiến binh
Nhảy Dù từng người gục ngã, Đại úy Jack Chase, cố vấn Mỹ của
Thiết đội 3/Thiết đoàn 7 Kỵ Binh đã tả cuộc tấn công này na ná
như trận Pickett’s Charge at Gettysburg. Redding sống sót trận
tấn công mở màn dữ dội này và đã tìm được nơi ẩn nấp trong một ao
cá trong nghĩa địa. Trong suốt 3 giờ đồng hồ lẩn trốn quân csBV
khi chúng ngồi chỉ cách ông chưa quá 3 bộ (~ 0.9m), những con đỉa
đói dưới ao bu vào chân, ngực, và lưng của ông hút máu. Có lúc
một tên cán binh cộng sản tiểu
[đái]
xuống ao chỉ cách ông 1 bộ (~ 0.3m) mà hắn lại không nhìn thấy
ông. Xem ra may mắn ở phía ông, nhưng khi Redding vừa ý thức nhận
ra, chiến trận Huế sẽ là cuộc chiến dài, đẫm máu, và ông ta cùng
đồng đội vẫn chưa vào được kinh thành Huế.
Phần 2
Trận xung phong đầu của TĐ7ND/VN tại nghĩa địa ngoại
ô Huế đã thất bại. Những người còn sống sót – bao gồm Trung úy
James Redding – đã phải tự tìm đường sống bằng mọi cách có thể,
giúp thương binh, và chiến đấu để sống còn. Buổi chiều hôm đó,
TĐ2ND/VN đã đến để tăng cường cho TĐ7ND/VN và cùng nhau quét sạch
lũ cộng sản ra khỏi nghĩa địa. Cả hai tiểu đoàn tiếp tục chiến
đấu với địch quân cho đến hết buổi chiều và đến sập tối thì đã
làm chủ được khu nghĩa địa trong lúc địch quân chém vè rút đi.
Với con đường đến Huế đã được mở, TĐ7ND/VN tiếp tục sứ mạng vào
sáng ngày mùng 1 tháng 2 và đã vào được kinh thành Huế sau buổi
trưa, đây là đơn vị bạn đầu tiên tiến vào thành phố. Cái giá phải
trả thật là cao. Redding nói “Chúng tôi hy sinh một đại đội để
chỉ vào được thành phố này.” Lịch sử chính thức của TĐ7ND/VN ghi
30 tử trận và 82 bị thương, với 270 quân địch chết tại trận và 5
bị bắt sống.
Khi vào được hoàng thành, Chuẩn tướng Ngô Quang Trưởng ban lệnh
cho các chiến binh Nhảy Dù giải tỏa bức tường phía tây bắc để mở
rộng chu vi Đồn Mang Cá. Từ chiều ngày 1 tháng 2 đến chiều ngày 4
tháng 2, Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù/VN có 16 chiến binh tử trận và 74 bị
thương trong nỗ lực đánh bật địch quân ra khỏi khoảng 4,500 bộ (~
1.38km) bất động sản của hoàng thành. Cùng với các lực lượng VNCH
khác, TĐ7ND đã tái chiếm phi trường Tây Lộc. Tác chiến thành thị
trong thành phố Huế, từng ngôi nhà, từng con đường, là cuộc chiến
đẫm máu, vất vả có lớp lang. Đạn địch bắn liên tục không ngừng từ
những họng súng liên thanh, hỏa tiễn cầm tay, đạn cối, và lựu đạn
trộn với cát bụi và khói khiến bất cứ cuộc tiến quân nào cũng
phải trả giá.
Chiến trận đã bắt đầu lắng dịu khi sự kiệt sức và bế tắc
[tiến
thoái lưỡng nan]
bắt đầu. Redding nhớ lại rằng đồng đội của ông
ta và phía csBV đã duy trì một cuộc ngưng bắn không chính thức.
Cả hai bên đều kiệt sức không còn tiến nổi nữa, quân địch vẫn
bắn. Ngày 2 tháng 2, cả hai ông, Tiểu đoàn trưởng
[TĐ7ND/VN]
Lê
Minh Ngọc và cố vấn trưởng Mỹ Đại úy Charles Jackson đều bị
thương và phải tản thương khỏi trận địa. Redding được đôn lên làm
quyền cố vấn trưởng cố vấn Mỹ
[cho TĐ7ND/VN].
Chính Redding suýt
nữa cũng nằm trong danh sách thương vong. Số là, trong lúc đứng
chung với một toán binh sĩ Nhảy Dù khoảng 8–10 người, ông đã
quyết định tách sang phía bên kia của một tòa nhà để kiểm soát
lại quân trang quân dụng của ông, thì một quả cối rơi ngay toán
binh sĩ ông vừa rời khỏi, gây thương vong cho cả toán. Đến ngày 5 tháng 2, Tướng Trưởng điều động 3 Tiểu đoàn Nhảy
Dù/VN của Lữ Đoàn 1 Đặc Nhiệm Nhảy Dù, nay sức mạnh đã giảm hơn
phân nửa, từ phi trường Tây Lộc đến khu tây nam của hoàng thành.
Nơi đây các Mũ Đỏ phải đối mặt với một lực lượng địch mạnh và đầy
đủ công sự hầm hố.
Kém cả về 2 phương diện nhân lực và vũ
khí, các chiến binh Nhảy Dù không vì thế mà nao núng khi tiếp
liệu giảm một cách trầm trọng. Đoàn quân Nhảy Dù/VN được chỉ huy
bởi những sĩ quan dày dạn chiến trường, huấn luyện bài bản, có
khả năng cùng với những hạ sĩ quan, đoàn kết trong tinh thần Huynh Đệ
Chi Binh và can đảm – giống như phía quân đội Mỹ – không thể nghĩ
khác. Chiến sĩ VNCH (ARVN) và toán cố vấn Mỹ đã không được tiếp
tế trong 10 ngày đầu của chiến trận. Đói! Redding đã phải vào một
ngôi chùa khi màn đêm xuống để xin trái cây cho ông và đồng đội
dùng tạm. Một số lính Nhảy Dù khác đã phải ném lựu đạn xuống các
ao để vớt bất cứ giống cá nào nổi trên mặt nước để ăn. Dân cư ở
gần chỗ đóng quân của trại lính cũng đã chia sẻ những bánh trái
và thức ăn ngày Tết của họ cho binh sĩ khi có thể. Khi đạn súng
M16 của Binh sĩ Nhảy Dù cạn kiệt, các Mũ Đỏ dùng vũ khí tịch thu
được của quân địch.
Ngày 12 tháng 2, hai Tiểu Đoàn Thủy
Quân Lục Chiến/VN đến thay thế cho Mũ Đỏ sau hơn 12 ngày chiến
đấu man rợ. Từ cuộc chiến tiến vào hoàng thành Huế và những cuộc
hành quân để bung rộng chu vi Đồn Mang Cá và tái chiếm phi trường
Tây Lộc, Lữ Đoàn 1 Đặc Nhiệm Nhảy Dù giờ đây như một con ngựa què. Rời vùng bằng
phi cơ, chặng đầu đến phi trường Phú Bài, rồi bay về Sài Gòn,
thống kê thiệt hại về nhân mạng đã được chính thức phổ biến. Lực
lượng chịu sự tổn thất với 119 binh sĩ tử trận và 396 bị thương
trong khi phía địch có 910 bị hạ tại trận. Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù/VN
hy sinh 47 binh sĩ và 163 bị thương, và TĐ9ND/VN mất 55 binh sĩ
và 125 bị thương, trong lúc TĐ2ND/VN hy sinh 17 và 115 bị thương.
Hoàng thành sau cùng cũng đã được giải
tỏa vào ngày 25 tháng 2, mặc dù vẫn còn vài trận đánh kéo dài ở
Huế cho đến ngày 2 tháng 3. Chiến trận ở Huế
[MT–68]
đã gây tổn
thất và hủy hoại phần lớn hoàng thành và những công trình
kiến trúc bên trong và những khu lân cận trong nội thành Huế.
Thiệt hại phía Bộ binh và TQLC Mỹ gồm 216 binh sĩ tử trận và
1,584 bị thương, với 452 binh sĩ VNCH tử trận và 2,123 bị thương.
Con số thiệt hại phía csBV & v+ vẫn chưa rõ, người ta ước tính có
từ 2,800 đến 8,100 địch quân bị hạ tại trận. Trận Tổng công Kích
Tết MT–68 đã thất bại về quân sự, địch quân csBV và v+ chịu thiệt
hại nặng nề. Người dân miền nam Việt Nam đã không tham gia cuộc
Tổng Nổi Dậy chống chính quyền của họ, nhưng tính dã man và tàn
bạo của cuộc chiến đã ảnh hưởng nhiều đến sự ủng hộ Cuộc chiến
Việt Nam của dân chúng Mỹ. Mậu Thân 68 đã để lộ, Mặt trận Huế đã
trở thành một trong vô số những sự kiện ồn ào trong một năm.
Đối với Redding và TĐ7ND/VN, cuộc chiến
đấu chống cộng sản vẫn tiếp tục trong năm. Tháng 8/1968,
Redding ghé một tiệm may ở Sài Gòn và có mua một bộ quân phục màu
huyết dụ Nhảy Dù/VN để mặc trong những buổi lễ nhà binh. Tháng
12, Redding nhận lệnh mới thuyên chuyển về Lữ Đoàn 173 Nhảy Dù
Mỹ, điều này có nghĩa ông phải mặc quân phục quân đội Mỹ. Tháng 1
năm 1969, Redding mặc bộ quân phục Nhảy Dù/VN viá một lần cuối để
nhận huy chương đã phục vụ tại TĐ7ND/VN. Ngay sau buổi lễ trao
tặng huy chương, Redding tặng bộ quân phục Nhảy Dù/VN cho một sĩ
quan bộ binh đồng ngũ, người này đã có nhã ý trao tặng bộ quân
phục lại cho Bảo Tàng Viện Bộ Binh Mỹ tại trường Huấn luyện Bộ
binh Fort Benning ở tiểu bang Georgia. Vì những lý do nào đó mà
điều này đã không xảy ra, và vào năm 1970, bộ quân phục cố vấn Mỹ
của Redding lại được gửi đến Bảo Tàng Viện Lịch sử & Kỹ thuật
Quốc gia, nay là Bảo Tàng Viện Lịch sử Quốc Gia Người Mỹ.
Năm 2017, Redding viếng thăm Bảo tàng
viện để vinh danh bộ quân phục Nhảy Dù/VN của ông và cũng để nhìn lại cuộc đấu tranh tàn bạo tại hoàng thành Huế, và những
chiến binh can đảm mà ông đã chiến đấu bên cạnh họ. Ông cũng đã
tặng chiếc Mũ Đỏ Nhảy Dù/VN mà ông đã trân quý trong nhiều năm,
bảo đảm rằng lòng can đảm và danh dự của đồng đội ông, những
“Thiên Thần Mũ Đỏ” sẽ được đại diện đúng phong cách dành cho những
khách thăm viếng sau này.
Frank Blazich Jr.
Nguồn:
Phần 1,
Phần 2
Frank Blazich Jr. là chuyên viên
phụ trách của Sở Quân sử Mỹ. Trước kia ông đã viết về cuộc đời và
di sản của Hạ sĩ William T. Perkins Jr., một Thủy Quân Lục Chiến
Mỹ đã sang Việt Nam với nhiệm vụ một Nhiếp ảnh gia Chiến trường.
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by MĐ Anothony Huỳnh chuyển
Đăng ngày Thứ Năm, February 29, 2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang