Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tự
truyện
Chủ đề:
lính kể chuyện chiến trường
Tác giả:
MĐ Bùi Ðức Lạc
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Sau gần 2 tháng trong chiến trường Hạ Lào tham dự hành quân
Lam Sơn 719, trong suốt cuộc hành quân này tôi bị cơn đau bao tử
hành hạ mệt lả, có lúc tưởng chừng như không còn sức chịu đựng
được nữa, Bác sĩ Trần văn Tính Y sĩ Trưởng LĐIND (hiện nay BS
Tính đang ở Houston, TX) đã đề nghị di tản tôi khỏi vùng hành
quân Hạ Lào, tôi phản đối vì nếu làm như vậy thiên hạ sẽ cho là
tôi lạnh cẳng, hơn nữa sau này chắc chắn sẽ là đề tài trong lúc
trà dư tửu hậu, như vậy thì còn ra thể thống gì nữa, cho nên mỗi
lần cơn đau bao tử hành hạ, tôi không nhờ Quân Y giúp đỡ, mà tự
chẩn bệnh rồi cho thuốc như sau: một ly Martell sếch
[rượu Tây
nguyên chất rót từ chai, chất cồn có khả năng diệt khuẩn], cơn
đau bao tử im ngay, không những vậy còn cảm thấy đời nên thơ nữa.
Khi từ vùng Hạ Lào ra tới Đông Hà, người tôi mệt lả đi không muốn
vững, đó chính là kết quả của gần 2 tháng thiếu ngủ, 2 tháng đầy
thử thách, 2 tháng tự chữa bệnh bao tử, nhưng chỉ không đầy 3
ngày nghỉ ngơi, sức khỏe hồi phục mau chóng. Nằm tại Đông Hà càng
thấy vô duyên, tiếng là nghỉ nhưng thật sự là đang bị hành hạ,
chúng tôi ai cũng có chung một tâm trạng nhớ Sài Gòn da diết, nhớ
người yêu đến bồn chồn, nhớ điệu nhảy đến ngất ngây.
Ngày 1 tháng 4 năm 1971, tôi có lệnh
trên thuyên chuyển qua Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh Nhảy Dù, và làm
Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn này, cùng ngày Sư Đoàn Nhảy Dù
Việt Nam có một biến cố vô cùng lớn lao là:
12 đơn vị thay đổi Đơn Vị Trưởng như
sau:
Trung tá
Nguyễn Văn Tường thay thế Trung tá Huỳnh Long Phi, Chỉ huy trưởng
Pháo Binh Sư Đoàn Nhảy Dù.
Trung tá Nguyễn Văn Phước thay thế Đại
tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn III Nhảy Dù.
Thiếu tá Tôn Thất Hiếu chính thức giữ
chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn Truyền Tin Nhảy Dù.
Thiếu tá Vương Đình Thuyết chính thức
giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn Công Binh Nhảy Dù.
Thiếu tá Bùi Đức Lạc thay thế Trung tá
Nguyễn Văn Tường, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh
Nhảy Dù.
Đại
úy Nguyễn Văn Nghi thay thế Trung tá Bùi Văn Châu, Tiểu đoàn
trưởng Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Nhảy Dù.
Thiếu tá La Trịnh Tường thay thế cố
Trung tá Nguyễn văn Phan, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 1 Nhảy
Dù.
Thiếu tá
Nguyễn Văn Mạnh thay thế Trung tá Trần Kim Thạch, Tiểu đoàn
trưởng Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù.
Thiếu tá Trần Văn Sơn thay thế Trung tá
Lê Văn Phát, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù.
Thiếu tá Nguyễn Văn Đĩnh thay thế Trung
tá Nguyễn Văn Phước, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù.
Thiếu tá Trần Đăng Khôi thay thế Thiếu
tá Lê Minh Ngọc, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù.
Thiếu tá Trần Hữu Phú thay thế Trung tá
Nguyễn Văn Trí, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù.
5 đơn vị vẫn giữ nguyên đơn vị trưởng
là:
Lữ Đoàn I
Nhảy Dù, Đại tá Lê Quang Lưỡng.
Lữ Đoàn II Nhảy Dù, Đại tá Trần Quốc
Lịch.
Tiểu
Đoàn 5 Nhảy Dù, Trung tá Nguyễn Chí Hiếu.
Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù, Trung tá Văn Bá
Ninh.
Tiểu
Đoàn 11 Nhảy Dù, Trung tá Ngô Lê Tĩnh.
Tôi thắc mắc không hiểu sao thượng cấp
không cho chúng tôi về Sài Gòn nghỉ vài ba bữa, cho giãn gân giãn
cốt, cho đời lính thơ thới hân hoan, tôi lấy thư của vợ con ra
đọc, niềm an ủi quí giá nhất của ngưòi lính là đọc thư người yêu,
bên cạnh ly cà phê, trên tay điếu thuốc chăm chú đọc thư, nhìn
làn chữ tung tăng, như nét môi cười tình tự, như ánh mắt đưa
duyên, còn niềm vui nào hơn, ôi thú vị biết bao, tình ơi là tình,
nhưng niềm vui nhỏ nhoi đã bị cơn nóng hành hạ làm cho tan loãng;
cái nắng gay gắt của miền địa đầu giới tuyến mà phải trú ngụ
trong căn lều vải trên sườn đồi cát, làm cho xoay tròn ý nghĩ
thấy nhớ một ly bia lạnh Sài Gòn lạ lùng, một bài ca trữ tình nên
thơ, một hơi thở tươi mát của người yêu, là những thứ chúng tôi
đang khao khát, cơn nóng đang vùi dập chúng tôi, không một thú
giải trí hợp thời trang, không lẽ uống rượu suốt ngày hay sao
đây, mà mỗi lần uống rượu là tôi thấy xót xa cho những đứa em,
những bạn bè mới cùng tôi uống: vài ngày, vài tuần, vài tháng
trước đây, ánh mắt thân thiết, câu nói ân tình không còn nữa, đầu
óc chúng tôi đang nặng trĩu tang thương thì một vài buổi văn nghệ
vô duyên, lấy lệ, còn làm cho chúng tôi khó chịu hơn; Nguyễn văn
Thọ mới đi hỏi vợ bị thất bại, tôi nhớ miệng bà mẹ người yêu của
Thọ trề ra phân trần với tôi:
– “Thưa ông, tôi thương cháu Thọ lắm,
hai cháu nó thương nhau tôi biết, con tôi mà lấy được cháu Thọ là
có phước cho gia đình tôi rồi, tôi bằng lòng nhưng với một điều
kiện là...”
–
Tôi lên tiếng hỏi, thưa bà điều kiện gì?
– Bà ta chậm rãi trả lời: Điều kiện là
cháu Thọ phải xin ra khỏi Nhảy Dù.
Tôi nghĩ thầm đúng là bà già lựu đạn,
đã vậy bà còn bồi thêm:
– Người nhà tôi có thể xin cho cháu Thọ
về làm việc tại Sài Gòn, nhưng cháu không chịu.
Tôi biết không bao giờ một quân nhân
Nhảy Dù lại muốn ra khỏi binh chủng, Thọ không chịu cũng đúng
thôi, tôi còn biết chắc rằng bà Thanh sẽ thất bại, lần nào chúng
tôi về Sài Gòn, người yêu của Thọ cũng gặp Thọ tại phòng độc thân
của đơn vị. Tôi chép miệng thở dài: Bây giờ thì bà ta đúng, Thọ
đã ra đi tại Hạ Lào; Hoàng Cơ Thụy Hạnh vào thay Thọ, làm Sĩ Quan
liên lạc cho Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù, Hạnh cũng đi theo Thọ, 2 đứa
em này cùng khoá 21 Thủ Đức, tụi nó thương nhau lắm, (các em
cùng về bên kia thế giới, nhớ về bên đó đừng quậy nữa); Hạnh còn
đang đi phép thăm gia đình tại thủ đô Lào, ông thân sinh của Hạnh
đang làm Đại Sứ tại đó, Hạnh còn phép nhưng nghe tin đơn vị tham
chiến tại Hạ Lào, Hạnh cấp tốc trở về cùng chia cay nuốt mật với
đơn vị, có lần Hạnh tâm sự với tôi:
– Đích thân ơi... Em mê đơn vị còn hơn
gia đình nữa, bây giờ nếu em muốn về chỗ (ấm thân) dễ lắm, cuộc
sống như vậy thì nhạt nhẽo lắm, làm trai cho đáng mặt trai, phải
không đích thân?
Tôi tin Hạnh nói đúng, với thân thế của
gia đình Hạnh thì về chỗ ấm thân không khó, lúc rút ra khỏi Hạ
Lào tôi có đi ngang qua chỗ Hạnh nằm trong chiếc Thiết Quân Vận
đã bị cháy rục, tôi nghiêm chỉnh chào đứa em thân yêu trong đơn
vị, không sao tránh khỏi giọt nước mắt lăn dài trên gò má khô
cằn, đã nhuốm bụi chiến trường, tôi bước vội xa chỗ Hạnh nằm, cơn
đau bao tử hành hạ đến toát mồ hôi, làm tôi phải ngồi xuống, đó
cũng là dịp tôi tạ từ Hạnh trong bước chân lê lết tại rừng núi xứ
người....
Thật
tình tôi thương những đứa em trong đơn vị như ruột thịt vậy; mà
không thương sao được, chúng chân tình và quyến luyến như người
yêu, nhiều lúc ham chơi với chúng quên cả mọi sự.... Quốc lộ số 1
trước mặt, xa xa cây cầu xiêu vẹo nơi Nguyễn Văn Hòa cùng khoá 7
Thủ Đức với tôi bị bắn sẻ, anh gục chết ngay trên ghế trưởng xa,
sau khi cả một Chiến Đoàn Nhảy Dù chạy trối chết để tránh bốc
[box]
B52 tại vùng DMZ (phi quân sự) năm 1966. Nay thân xác Hòa
đã tan theo cỏ cây, vợ con Hòa không biết ra sao, tôi đâm ra tin
nhảm nhí, Hòa chết có lẽ tại chụp hình 3 người, Hòa lại đứng
giữa, tôi đứng bên cạnh, cả 3 chúng tôi cùng cười vui như tết,
tuổi trẻ là như thế cả, tôi bảo đừng chụp ba người, Hòa còn cho
là tôi tin nhảm nhí, nhưng nhiều lúc cũng phải có tin mới có
lành?
Cơn gió
Tây đầu mùa nhẹ nhàng thổi không đủ sức lùa hơi nóng trong căn
lều chỉ huy ra ngoài, mặc dầu chỉ là buổi ban mai; gạt mồ hôi
trên trán, máy điện thoại dành riêng cho tôi reo chuông, tôi cầm
điện thoại nghe sĩ quan trực của Pháo Binh Sư Đoàn Nhảy Dù chuyển
lệnh họp hành quân, tôi nghi ngờ hỏi lại và được anh nói rõ ràng:
– Thưa đích thân, đúng như vậy, còn 10
phút nữa là 09:30g mời đích thân tới phòng hành quân của
BTL/SĐND/HQ, họp cho cuộc hành quân kế tiếp.
Tôi thật không hiểu tình hình lại xoay
chuyển sao đây? Không lẽ thượng cấp không hiểu chúng tôi mệt mỏi
lắm rồi hay sao? Chỉ cần cho chúng tôi về Sài Gòn nghỉ vài ngày
thôi là xong ngay. Về quân dụng, ngay cả mấy khẩu Pháo 105ly kiểu
M102 nhẹ nhàng của riêng binh chủng Nhảy Dù cũng chưa được sửa
chữa đến nơi đến chốn, mấy bánh súng hư hại hoàn toàn, khi kéo
súng từ Hạ Lào ra, đa phần bánh súng bị xẹp lép vì trúng đạn pháo
kích, nhưng vẫn móc vào thiết vận xa kéo ra Khe Sanh, thì làm sao
bánh súng không hư cho được, cả súng đại bác nữa vì bánh súng bị
xẹp, kéo súng trên đường xấu nên độ chính xác không hiểu có bị
hại gì hay không, rồi một số súng cá nhân bị pháo của địch làm hư
báng súng, cũng chưa được thay thế báng súng xong, còn một vấn đề
quan trọng khác là ngay cả chính tôi cũng không còn quần áo lành
lặn ra hồn nữa, huống chi là anh em thuộc cấp, làm sao đây? Quân
số hao hụt, như vậy mà hành quân làm sao nổi nữa? Các Tiểu Đoàn
Nhảy Dù mới hôm qua được trình bày không 1 đơn vị nào có quân số
được 400 quân nhân thì hành quân nỗi gì?
Tiểu Đoàn pháo binh không Tiểu Đoàn
nào quân số trên 250, vô lý! Chắc Trung tướng Tư Lệnh họp, ban
lệnh trước khi được không vận về Sài Gòn, tối thiểu cũng phải
nghỉ ít ngày rồi húc đâu thì húc chứ? Tự chấp nhận với câu trả
lời như vậy, tôi lên chiếc xe đậu sẵn trước lều chỉ huy, tài xế
theo lệnh trực chỉ BTL hành quân của SĐND đang đồn trú trong
doanh trại của 1 Trung Đoàn Bộ Binh tại Đông Hà, ngồi trên xe tôi
thầm mong sao sĩ quan trực chuyển lệnh lầm, chúng tôi đã mệt mỏi
lắm rồi cần nghỉ ngơi cho giãn gân giãn cốt, tôi thả hồn theo Sài
Gòn, giờ này chắc hẳn mọi người đang tấp nập sinh hoạt cho một
ngày mới, các con tôi giờ này chắc đang ngồi yên trên ghế nhà
trường, vợ tôi giờ này chắc đã cúng nguyện xong, dân chúng đang
yên vui lo chạy áp phe, chiến trường không có gì bận tâm với họ.
Bước vào phòng hành quân mọi việc trắng
đen rõ ràng, hành quân thật chứ không phải về Sài Gòn; Nhảy Dù là
như vậy, nay đây mai đó không chừng được, các đơn vị khác đều
được nghỉ xả hơi, nhưng chúng tôi (Nhảy Dù) lại lên đường nhận
thêm nhiệm vụ hành quân nữa.
“Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.”
–(Nguyễn Du)
Báo chí nói
chúng tôi QLVNCH thua trận Hạ Lào, thôi cũng đành chấp nhận như
vậy, khi về Sài Gòn tôi có trách anh Chu Tử (sự thực anh Chu Tử
đáng tuổi cha, tuổi chú tôi, nhưng anh muốn làm anh tôi, anh muốn
làm bạn tôi, bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu, tôi ân cần chào hỏi
anh, là anh có những cử chỉ lời nói độ lượng của một người anh
với tôi, hồi mới quen có một lần chỗ đông người, tôi cũng ngại
nên chào anh bằng chú, anh quay mặt đi làm như không nghe thấy
lời chào của tôi, lúc đó trông khuôn mặt anh thật đáng ghét, sự
thực thì tôi kính trọng anh hơn thế, khi đổi cách xưng hô chào
anh là anh, anh ôm lấy tôi vui mừng, những lần gặp chào anh, anh
rất vui mừng, đôi khi cao hứng anh móc túi cho tiền tôi, tôi dư
biết anh không có tiền, trong túi tôi còn có nhiều tiền hơn anh,
nhưng nếu không cầm lấy tiền thì anh nộ khí xung thiên ngay, anh
có nhiều tính nết “không giống ai”, lúc nào tôi cũng quí mến anh
hơn cả những tiếng gọi thông thường, rất tiếc khi anh lìa đời tôi
không được chào anh lần cuối). Anh Chu Tử tức lắm anh muốn viết
thật nhiều về việc này, rồi nội bộ cuả anh sao đó tôi không hiểu,
vì lúc sau này tôi ít có dịp được gặp anh, nên tôi cũng chưa nói
cho anh nắm vững vấn đề; mà báo chí Sài Gòn nói cũng phải thôi,
trước mắt họ là cả một không gian bại trận đang bao trùm, cái lý
bại trận dễ viết hơn, dễ cho người đọc thông cảm hơn, dễ chấp
nhận hơn, và một lý do hùng hồn nữa là không có tài liệu ngoại
quốc để mà tham khảo, để mà viết cho đúng với thực trạng đây! Vả
lại biết bao nhiêu vành khăn tang mới tại Thủ Đô, tại khắp nẻo
đường đất nước; còn trận nào thảm khốc hơn, bằng chứng rành rành,
thua là cái chắc rồi, mặt khác bọn phản chiến rêu rao, báo chí,
và các cơ quan truyền thông ngoại quốc loan tin đầy ác ý, sự thực
họ chẳng có ác ý, mà họ làm việc theo lệnh chủ của họ, ăn cây nào
rào cây ấy.
Đành chấp nhận tang thương đánh thêm trận nữa vậy! Ờ nhỉ, nếu
thua sao chúng tôi lại lên đường hành quân đây? Không lẽ mang
tinh thần bại trận đi đánh nữa hay sao đây? Có đoàn quân nào từ
cổ chí kim vừa thất trận xong lại có thể được cử đi nghênh chiến
với địch quân đông hơn mình, đang chờ mình tới để tiêu diệt hay
không nhỉ? Xong đoàn quân bị cho là bại trận lại tốc chiến, tốc
thắng vẻ vang không nhỉ? Nếu thua, ít ra cũng phải có ít ngày
dưỡng quân, ngày giờ thao luyện lại, ngày giờ khích động tinh
thần đã chứ?! Mặc kệ họ, con dao báo chí Sài Gòn tiếp tục đâm sau
lưng chúng tôi thê thảm... Tôi hận, và thật sự chúng tôi hận ngay
chính những người bạn, đang say sưa giũa chúng tôi, cho nên đó
cũng chính là lý do tôi không nặng tay với mấy đứa em phá phách
vì họ bị phản bội chồng chất, tôi bị coi là nuông chiều thuộc
cấp, nhưng họ anh hùng như vậy, dũng cảm như vậy, tại chiến
trường họ như con mãnh hổ, khi về nơi an toàn lỡ ham vui phạm lỗi
nhỏ, phải tha thứ cho họ mới công bằng chứ, đạo đức bình thường
của con người để đâu, bạn bè khăng khít mới đó quay đi quay lại
thân xác đã gói trọn trong poncho, chén ly bôi chưa khô miệng
chén đã gạt nước mắt tiễn đưa, khi về thành thị nhìn thấy những
người vung tiền như rơm rác họ cũng thấy ngứa mắt, ngứa tay chân,
đành rằng phải răn đe, nếu không họ làm tới cũng mang tiếng đơn
vị, nhiều người cho rằng con sâu làm rầu nồi canh, toàn là đạo
đức giả, chẳng có con sâu nào làm rầu nồi canh cả, mà chỉ có bọn
hèn nhát núp bóng mới làm cho tập thể hoen ố, ê chề, cấp dưới tất
cả họ có trình độ, nên họ ngoan như một nhà tu hành, nhiều lúc họ
khóc như một đứa trẻ, nhưng ngoài chiến trường họ anh dũng như
Triệu Tử Long, như vậy không thương sao được. Tôi tự cười thầm
hãnh diện với binh chủng mình đã chọn lựa, đúng với ước nguyện
của đời trai thời chinh chiến, nay đây mai đó trên khắp nẻo đường
đất nước, còn vùng nào chông gai mà không có bước chân của chúng
tôi, tôi nhẹ nhàng huýt sáo một bài ca ôm gọn tình lính, đậm đà
nhưng xa vắng.
Rồi nhớ tới ca sĩ Anh Ngọc, lời ca của
anh trầm ấm, thấm sâu vào tâm hồn chúng tôi, dịu dàng thay, lãng
mạng thay:
“Chờ anh em nhé,
Giết xong giặc anh về.”
Còn lời ca nào nên thơ hơn, còn ý tứ
nào gói trọn tâm hồn chúng tôi hơn, còn tiếng nhạc nào trữ tình
hơn, hơi ấm vợ hiền con thơ như phảng phất đâu đây, vì lời ca dễ
thương quá cho nên bất cứ ca sĩ nào ca bản này cùng dễ trở thành
thân thương với lính chiến là vậy, nhưng tới bao giờ thì giết
xong giặc đây.
Chạy nhanh vào phòng họp; liếc nhìn bản
đồ rồi ghé sát tai Trung tá trưởng Phòng 3 SĐND đang loay hoay
với bản đồ hành quân mới, liếc qua bản đồ tôi hiểu ngay:
– Thưa Trung tá lại Vùng II à?
– Ừ, nhưng 1 Lữ Đoàn thôi.
– Ai vậy Trung tá?
– Trung tướng chưa quyết định, ông ấy
sẽ cho lệnh miệng ngay bây giờ, hiện giờ chưa ai biết cả.
Lúc đó các đơn vị trưởng từ cấp Tiểu
Đoàn trở lên, lần lượt có mặt đầy đủ bàn tán xôn xao, giống như
chợ phiên, chung qui lại ai cũng than:
– Không để nghỉ xả hơi thêm ít ngày
nữa.
Rồi có
người lại thêm:
– Tình hình chiến trường đâu có chiều
lòng người, theo đài phát thanh VOA và BBC, nên chúng tôi ai cũng
biết tình hình Vùng II đang nóng bỏng tại CCHL [Căn cứ Hỏa Lực]
số 6; bắt đầu lại đấu láo vô tội vạ.
– Không lẽ không còn đơn vị nào khả dĩ
ở Vùng II hay sao?
– Nhảy Dù mà, phải đi chữa cháy chứ!
– Chắc cực chẳng đã bộ TTM mới phải sử
dụng mình.
–
Tại gái Pleiku, Kontum đẹp, và thương Nhảy Dù.
– Chỉ có TĐ3 là cần nghỉ thôi, còn tất
cả ai mà chẳng sẵn sàng.
Thiếu tá Trần văn Sơn, Tiểu đoàn
trưởng TĐ3ND khoái chí cười mỉm chi.
Sau tiếng hô dõng dạc của Đại tá
TMT/SĐND, tiếng ồn ào mất hút, im lặng, mọi người nghiêm chỉnh
chào vị huynh trưởng của đơn vị, Trung tướng Tư Lệnh cho lệnh mọi
người ngồi xuống, hôm nay trông ông thanh thản không nghiêm khắc
như mọi khi, ông chậm rãi ban lệnh:
– Chúng ta đã thành công mỹ mãn trong
cuộc hành quân Lam Sơn 719 vừa qua, đó là nhờ công lao của tất cả
các đơn vị tham chiến, riêng SĐND của chúng ta tôi thành thật
khen ngợi tất cả các anh em đã làm tròn nhiệm vụ của mình, tôi
cũng nhắc nhở các anh em, chúng ta không được quên thuộc cấp, các
anh em phải chú ý tới họ và cả gia đình của họ, đã là đơn vị
trưởng anh em phải chú ý đến từng gia đình của những người đã hy
sinh, các anh em bị thương tật.
Ông ngừng lại nhìn từng gương mặt thân
quen xong ông nói tiếp:
– Tại chiến trường Hạ Lào, tất cả các
cơ sở tiếp liệu, tiếp vận của địch quân, đều bị chúng ta giẵm
nát, nếu địch quân muốn phục hồi cũng phải có thời gian dài, ít
nhất là từ 6 tháng trở lên, nguồn tiếp tế từ Bắc vào Nam tê liệt,
tan nát, nhưng địch quân muốn cho thế giới thấy rằng nguồn tiếp
tế này không hề bị ngăn trở bởi cuộc hành quân vào Hạ Lào của
chúng ta, nên địch đã mở cuộc tấn công vào CCHL số 6 nằm ở hướng
tây của cứ điểm Tân Cảnh, Kontum. Theo tin tức của BTL/QĐII thì
địch đã sử dụng 2 Trung Đoàn chính quy Bắc Việt, các đơn vị này
đã được ém sẵn tại đây từ thời gian trước, đã được nhận tiếp vận
đầy đủ, chính thức tấn công Căn cứ này từ trung tuần tháng 3;
BTL/QĐII đã sử dụng các Trung Đoàn Bộ Binh của SĐ22BB và SĐ23BB,
cũng như các Liên Đoàn Biệt Động Quân cơ hữu của Vùng II Chiến
Thuật, để bẻ gẫy kế hoạch của địch, nhưng các đơn vị này vẫn chưa
làm tròn được phận sự giải tỏa được áp lực của địch chung quanh
Căn cứ, cho tới hôm nay địch quân cố gắng dứt điểm CCHL số 6,
chúng chưa làm được việc đó, đơn vị của ta vẫn còn giữ được Căn
cứ này, nhưng tình hình rất nguy kịch, đó chính là lý do cần anh
em Nhảy Dù có mặt để giải tỏa áp lực địch tại CCHL số 6. Chúng ta
là Nhảy Dù – chúng ta phải Cố Gắng. Tôi nghĩ rằng chúng ta làm
được, không một lực lượng nào có thể cản bước chúng ta, tìm địch
để tiêu diệt tương đối khó, nhưng đã có địch để cho chúng ta
đánh, với địch tình như tôi vừa trình bày thì nó không còn khó
với chúng ta nữa. Tôi tin chắc rằng chúng ta làm được, tôi biết
sức lực của chúng ta, chúng ta chỉ cần 1 Lữ Đoàn là làm xong
việc, tất cả anh em có đồng ý như vậy hay không?
Ông im lặng như dò hỏi, nhưng có ai dám
trái ý của ông bao giờ đâu, nên ông tiếp tục:
– Tôi quyết định như sau: Lữ Đoàn I
Nhảy Dù...
Nói
tới đây ông ngưng lại một chút, mọi người nhìn Đại tá Lê Quang
Lưỡng ái ngại. Tôi thở ra nhẹ nhõm, tự nhủ thầm nếu LĐIND tham
chiến thì mình được nghỉ, có loài cọp nào lại sợ rừng sâu, có
lính Nhảy Dù nào lại sợ hành quân, nhưng được nghỉ xả hơi thì vẫn
thú vị hơn, nếu phải tham chiến ngay tôi rất ngại đơn vị của tôi
quân trang quân dụng vẫn chưa thay thế cũng như sửa chữa xong,
quân số mỗi pháo đội chỉ còn vỏn vẹn có 5, 6 chục quân nhân, đó
chính là những điều làm tôi e ngại, nhưng thoát nạn rồi; một điều
tôi quên đó là tình trạng chung của các đơn vị PBND lúc bấy giờ,
Trung tướng Tư Lệnh chậm rãi cho lệnh tiếp:
– Về Sài Gòn nghỉ dưỡng quân.
Dạo này ông chơi trò hú tim chi vậy,
ông làm chúng tôi muốn đứng tim, hôm nay trời đi vắng cho nên ông
cũng cười mỉm chi, tôi thấy ông không đẹp trai bằng lúc mới bước
chân vào phòng, dù sao chăng nữa, trong các vị Tư Lệnh của Nhảy
Dù ông là người trong sạch nhất, không bè phái, không tham nhũng,
không kỳ thị Nam Bắc, một ưu điểm mà các vị tư lệnh khác không
có, ông hơi nóng tính nhưng rất độ lượng, con người mà; làm sao
vừa lòng mọi người cho được; nên ông được chúng tôi quí trọng,
rồi ông lại chậm rãi:
– Lữ Đoàn II Nhảy Dù gồm TĐ5ND, TĐ6ND,
TĐ11ND, TĐ2PBND, ĐĐ2TSND, ĐĐ2QYND, ĐĐ2CBND...
(Ông nói tới đây niềm vui bé nhỏ của
tôi tan tành theo mây theo gió, hình ảnh con thơ mừng rỡ ra ôm
chân Bố, hun hút xa dần, tôi thật sự đang thèm nụ cười của vợ
hiền, giọng nũng nịu của con thơ vòi đi ăn, xin đi coi ciné).
– Tham chiến tại Vùng II Chiến Thuật,
các đơn vị này phải được bổ sung quân số, cấp phát quân trang,
sửa chữa quân dụng trước khi tham chiến.
Tới đây có gì
trở ngại hay không?
Ông lặp lại câu có gì trở ngại hay
không? (ý ông muốn hỏi các phòng sở) ông ngừng lại một chút, cả
hội trường im phăng phắc, chứng tỏ những điều ông vừa cho lệnh
không có gì trở ngại, mà lệnh của ông từ trước đến nay có bao giờ
trở ngại đâu, tôi chưa thấy ai dám trình bày có trở ngại, vì lệnh
của ông thường trong khả năng, chỉ là khó khăn vượt qua, nếu có
Cố Gắng thì đều làm được. Ông nói tiếp:
– Lệnh này tuyệt đối giữ bí mật.
Hành quân, hai chữ dính liền với chúng
tôi như hình với bóng, trong vòng 3 năm, đây là lần thứ hai, sau
cuộc hành quân cam go chúng tôi không được nghỉ ngơi ít ngày,
phải tham chiến ngay.
Lần thứ nhất là trận đánh tết Mậu Thân
tại Huế. Tại Huế đơn vị chúng tôi bị bỏ rơi ra sao? Quân đội Hoa
Kỳ làm ngơ như thế nào? Pháo Đội C Nhảy Dù hết đạn xin tiếp tế
3000 đạn nổ lại nhận được 3000 đạn khói! Các TĐ2, TĐ7, TĐ9ND
chiến đấu không phi pháo yểm trợ. Các em bé tại nội thành Huế đã
tiếp tế đạn dược và lương thực cho tiền quân của các đơn vị Nhảy
Dù, nên đã bị thương và tử thương tại chỗ! Tôi sẽ viết Mậu Thân
tại Huế khi thuân tiện, sau trận này vừa về đến Sài Gòn, chúng
tôi không được nghỉ ngơi, vừa về đến hậu cứ chưa gặp mặt vợ con
là lên đường hành quân giải tỏa áp lực địch tại Cần Thơ (lúc đó
vợ con tôi đang ở nhà ông bà ngoại tại Long Thành–Biên Hòa). Đây
là lần thứ hai trong vòng 3 năm chúng tôi phải thi hành lệnh hành
quân quái đản như vậy, tôi không hiểu vợ con tôi có thất vọng về
tin này lắm không đây? Thật xót xa cho những người vợ lính, dầu
sao chúng tôi thân trai, chai đá, chấp nhận mọi trớ trêu. Tôi tự
an ủi vợ con lính Nhảy Dù thì cũng quen rồi, tự an ủi đó nhưng
lòng nào yên (tại sao lại thương lính Nhảy Dù làm chi cho khổ, em
ơi!).
Trên
đường về vị trí, tôi ngồi bất động trên xe, tự cảm thấy nhẹ
nhàng, là dầu sao năm nay cũng đã may mắn hơn những năm trước,
được ăn tết bên cạnh gia đình tại Sài Gòn, đó chẳng là một đặc ân
rồi hay sao? Bây giờ có thêm cuộc hành quân nữa cũng chẳng sao;
Quân Đoàn II cũng đã biết chúng tôi vất vả ở Hạ Lào, nhưng vẫn
xin chúng tôi tăng cường Hành Quân, có lẽ chẳng đặng đừng.
Về đến trung tâm hành quân của LĐIIND
chúng tôi nhận được lệnh vắn tắt của Đại tá Lữ đoàn trưởng: Ngày
hôm sau không vận theo thứ tự như sau:
TĐ5ND, TĐ6ND, BCH/LĐII, TĐ2PBND,
TĐ11ND, các đơn vị còn lại theo lệnh của Trung tá Lữ đoàn phó,
sau đó ông quay sang Cố Vấn Mỹ và tôi cho lệnh tiếp là ngày hôm
sau: ĐT/LĐT, Cố vấn trưởng, tôi mỗi người mang theo 1 nhân viên
mang máy, sẽ bay chuyến máy bay đầu tiên đến Pleiku trước để họp
cùng BTL/QĐII và BTL/SĐ22BB. Để quí độc giả nắm vững tình hình
các đơn vị tham chiến, vậy xin giới thiệu tên tuổi của các cấp
chỉ huy và các đơn vị tham chiến trận này:
– LĐIIND, Lữ đoàn trưởng Đại tá Trần
quốc Lịch, Lữ đoàn phó Trung tá Nguyễn văn Vỹ.
– TĐ5ND, Tiểu đoàn trưởng Trung tá
Nguyễn chí Hiếu, Tiểu đoàn phó Thiếu tá Lê Hồng.
– TĐ6ND, Tiểu đoàn trưởng Thiếu tá
Nguyễn văn Đĩnh, Tiểu đoàn phó Thiếu tá Nguyễn đình Ngọc.
– TĐ11ND, Tiểu đoàn trưởng Trung tá
Ngô lê Tĩnh, Tiểu đoàn phó Thiếu tá Lê văn Mễ.
– TĐ2PBND, Tiểu đoàn trưởng Thiếu tá Bùi đức Lạc, Tiểu đoàn
phó Thiếu tá Lâm quang Thường.
Các Pháo đội trưởng của TĐ2PBND:
1. Pháo đội trưởng PĐA2/ND Đại úy
Nguyễn Ngọc Triệu.
2. Pháo đội trưởng
PĐB2/ND Đại úy Nguyễn Văn Hải.
3. Pháo
đội trưởng PĐC2/ND Đại úy Nguyễn Bá Trí.
4. Pháo đội trưởng PĐCH2/ND Đại úy Nguyễn Văn Thạnh.
Sáng sớm ngày 4/4/1971 các đơn vị thuộc
LĐIIND được khởi hành không vận từ phi trường Đông Hà lên Pleiku
bằng phi cơ C141 của Hoa Kỳ, tới lúc chuẩn bị lên phi cơ tại phi
trường Đông Hà, các cấp Pháo đội trưởng mới biết được là không
vận đi Pleiku, còn tất cả còn lại đều yên trí là về Sài Gòn nghỉ
dưỡng quân. Lác đác đâu đây nón bài thơ được gói ghém kỹ càng,
món thủ công dễ thương của xứ Huế, món quà tặng người yêu thương.
Họ đâu có biết món quà này chưa đến tay người yêu thương nay mai
được, mà suôn sẻ cũng vài tuần nữa, nếu vì một sự rủi ro nào đó,
chắc gì gặp lại được người mình thương mến. Vì nơi nào cần có sự
hiện diện của chúng tôi thì nơi đó cũng đã tàn khốc kinh hoàng.
Chúng tôi đến để mang lại yêu thương, hòa bình cho mọi người,
niềm vui của bạn mối lo của thù, tôi chợt nhớ một câu thơ dễ
thương của một quân nhân Nhảy Dù (quên tên) trong Quân Đoàn 18
Nhảy Dù Hoa Kỳ thuộc Lộ Quân Nhảy Dù Đồng Minh nhảy xuống Hòa Lan
trong trận Đệ Nhị Thế Chiến (đây là trận hành quân Nhảy Dù lớn
nhất thế giới từ cổ chí kim, với 2 Quân Đoàn Nhảy Dù của Hoa Kỳ
và của quân đội Đồng Minh đã phối hợp cùng nhảy xuống trận địa):
“Don't fear
When paratroopers are here.”
Đại tá Trần Quốc Lịch, Cố Vấn Hoa Kỳ
Trung tá Peter Kama, tôi, 3 nhân viên mang máy PRC25 tháp tùng
chuyến máy bay đầu tiên của TĐ5ND. Xứ “con gái má đỏ môi hồng”
hiện dần dưới bụng máy bay, đồi núi Pleiku hiền hòa, xanh ngát,
nắng Pleiku mơn trớn nhẹ nhàng không phũ phàng như Quảng Trị. Vừa
bước chân xuống máy bay, chúng tôi được 2 xe jeep của Quân Đoàn
II đưa thẳng vào phòng thuyết trình hành quân của Bộ Tư Lệnh Quân
Đoàn và được thuyết trình sơ lược tình hình như sau:
– Địch quân gồm 2 Trung Đoàn được tăng
cường, Tiểu Đoàn đặc công, Tiểu Đoàn súng nặng, Tiểu Đoàn
phòng không, chúng dùng 2 Tiểu Đoàn đánh CCHL số 6, với chiến
thuật pháo+đặc công, hoặc tiền pháo hậu xung, 4 Tiểu Đoàn còn
lại chận đánh các đơn vị đến giải tỏa, (nhưng khi chạm địch,
chúng tôi, các đơn vị Nhảy Dù khai thác tù binh được biết địch
gồm 1 Sư Đoàn, trong trận chiến này chúng sử dụng 1 trung đoàn có
tăng cường đặc công, phòng không, súng nặng tấn công CCHL số 6,
thời gian này chúng chưa có pháo binh tại Vùng II Chiến Thuật, 1
trung đoàn tăng cường thêm 1 Tiểu Đoàn bộ binh chận viện, đây
là đơn vị làm quân ta thiệt hại nhiều nhất, khi BTL/SĐ22BB sử
dụng các đơn vị cấp trung đoàn giải tỏa áp lực địch, 1 trung đoàn
làm trừ bị, Sư Đoàn tham chiến trong trận này là Sư Đoàn 986),
sau đó Trung tướng Tư Lệnh Quân Đoàn cho biết, hiện nay Quân Đoàn
không còn đơn vị nào khả dĩ có thể hoàn thành nhiệm vụ này, cho
nên phải xin bộ TTM tăng cường lực lượng tổng trừ bị đến, LĐIIND
được đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Thiếu tướng Tư Lệnh
SĐ22BB, vậy bây giờ các anh em sử dụng trực thăng đang chờ ngoài
sân để lên gặp BTL/SĐ22BB đang đồn trú tại Tân Cảnh, tại đó sẽ
cho anh em chi tiết hơn. Trung tướng Tư Lệnh Quân Đoàn còn nhắn
nhủ thêm là:
–
Tuy các anh em tăng phái cho SĐ22BB nhưng tôi vẫn chú tâm theo
dõi cuộc tiến quân của anh em, nếu các anh em làm tròn phận sự,
các đơn vị trưởng sẽ có tưởng thưởng đặc biệt.
Chúng tôi từ giã Trung tướng Tư lệnh
trong niềm vui, và tự tin thành công.
Chúng tôi sử dụng trực thăng của Hoa Kỳ
đang chờ sẵn ngoài sân bay của BTL/QĐII để đến Tân Cảnh khoảng
13:00g, được BTL/SĐ22BB thuyết trình tỉ mỉ hơn, phòng hành quân
tuy nhỏ nhưng lại rộng thênh thang vì chúng tôi vỏn vẹn chỉ có 3
người, Đại tá Lê đức Đạt Tư Lệnh Phó SĐ22BB, cho chúng tôi biết
lần đầu tiên tại chiến trường Quân Khu II ghi nhận, tại một vùng
hành quân địch sử dụng gần 20 cây phòng không, chung quanh CCHL
số 6 địch đào hầm hàm ếch để phòng thủ, chống lại hỏa lực của
không quân và pháo binh, đồng thời những hầm hàm ếch lại rất lợi
thế cho địch, chính nó còn dùng để chiến đấu với đơn vị đến giải
tỏa. Vì vậy các đơn vị đến giải tỏa, tiến quân từ dưới lên đều bị
cầm chân không tiến được, để rồi bị thiệt hại do súng cối và súng
75ly không giật. Chung quanh CCHL số 6 địch có 7 vị trí súng cối
và các loại súng nặng.
Tôi vội vàng ghi rõ từng vị trí: súng
phòng không, súng cối, những khu vực có hầm hàm ếch, những nơi ta
đã bị chận đánh, cấp số, và đơn vị của địch; sau khi nghe thuyết
trình xong, là đến lượt đơn vị hành quân đặt câu hỏi. Đại tá Trần
quốc Lịch LĐT/LĐIIND đăm chiêu nhìn bản đồ, ông là một trong
những Lữ đoàn trưởng lanh lợi nhất ngoài chiến trường, (trong
trận mùa hè đỏ lửa, nhiều báo chí ngoại quốc như tờ News week
chẳng hạn đã phải nhìn nhận rằng ông là 1 Trung đoàn trưởng lỗi
lạc nhất của QLVNCH, quả thật không ngoa, ông có tài điều quân và
phối hợp hỏa lực rất nhịp nhàng, cấp dưới ít ai có thể phê bình
lệnh hành quân của ông), sau ít phút suy tư ông quay sang Thiếu
tướng Lê ngọc Triển:
– Thưa Thiếu tướng, xin Thiếu tướng cho
biết những đơn vị trước Thiếu tướng đã sử dụng họ như thế nào, và
họ điều động quân ra làm sao mà không giải tỏa được? Ý định của
Thiếu tướng muốn chúng tôi điều quân ra làm sao?
Sau đó Đại tá Trần Quốc Lịch quay
sang bộ tham mưu sư đoàn nhẹ nhàng hỏi:
– Xin Phòng 2 cho biết thật sự địch có
20 cây phòng không hay không?
– Địch có hầm hàm ếch chung quanh Căn
cứ hay là chỉ một vài chỗ mà thôi?
– Chúng ta đã bắt được tù binh hay
chưa?
– Có lấy
được tài liệu nào của địch, hay tử thi địch để có thể xác định
được đơn vị tham chiến của địch hay không?
Thiếu tướng tư lệnh rất từ tốn, lấy
phong thái của một đàn anh trả lời:
– 5 đơn vị trước (cấp trung đoàn và
liên đoàn) họ tiến quân như sau...
Ông dùng gậy chỉ lên bản đồ hành quân,
chỉ đường tiến quân của từng đơn vị và cách điều quân của những
đơn vị này, xong ông kết luận:
– Nhưng họ đều thất bại nặng, không thể
hoàn thành nhiệm vụ giải tỏa được nữa; tôi tin tưởng anh em Nhảy
Dù có thể làm tròn nhiệm vụ này được.
– Địch thật sự có hầm hàm ếch, khi
chúng ta sử dụng phi pháo chúng rút vào trong, vừa dứt phi pháo
chúng ra ngoài chống trả đơn vị của ta ngay, những sự kiện này
các đơn vị chạm địch đã xác nhận, vì vậy đây là tin khả tín.
– Địch có 1 Tiểu Đoàn Phòng Không,
đây là tin của Phòng 2 Quân Đoàn thông báo cho các đơn vị biết
trước, sau những lần chạm địch chúng ta thấy phòng không địch
xuất hiện đúng như tin của Phòng 2 Quân Đoàn.
– Các cánh quân chạm địch chưa bắt được
tù binh, chưa lấy được tài liệu nào để xác nhận ra đơn vị địch,
đơn vị địch mà chúng ta biết là do tin tức tình báo.
– LĐIIND toàn quyền đặt kế hoạch hành
quân của mình, BTL/SĐ22BB sẽ yểm trợ kế hoạch đó trong khả năng,
hoặc sẽ xin Quân Đoàn yểm trợ.
Phần vụ của tôi nên tôi đặt câu hỏi
liên quan đến pháo binh của ta, các loại súng nặng của địch như
sau:
– Địch
quân có chận đánh đoàn xe tiếp tế của ta hay không?
– Địch quân có pháo binh hay không? Nếu
chỉ có súng cối mà thôi, thì là loại súng cối nào? Khả năng pháo
“súng cối” của địch?
– Các đơn vị Pháo binh của ta gần đây
có bị địch pháo hay đánh đặc công lần nào hay không?
– Các Pháo đội trong tầm chúng tôi có
được sử dụng hay không, và quyền cho tiêu thụ đạn dược là bao
nhiêu, có hạn chế hay không?
– Xin được cấp phát đạn dược và các
loại tiếp liệu khác tại điểm tiếp liệu Tân Cảnh, vì chúng tôi
không có khả năng đi xa.
Chúng tôi được Trung tá Trịnh lê Triển
(năm 1961 khi tôi là Pháo đội trưởng Pháo Đội B/TĐ2PB thuộc Sư
Đoàn 2 Bộ Binh, hậu cứ tại đồi Hòa Cầm, Đà Nẵng thì ông là Trung
úy Tiểu đoàn phó của tôi, dưới quyền Tiểu đoàn trưởng Đại
úy Nguyễn văn Thiệu, sau Đại úy Chung văn Xôm thay thế Đại úy
Thiệu, ông là cấp chỉ huy lúc nào cũng vui vẻ, điềm đạm, kỹ thuật
pháo binh cao), Chỉ huy trưởng Pháo Binh Sư Đoàn, với vóc dáng
nhỏ nhắn, giọng nói thật thân mật ông trả lời như sau:
– Địch chưa đánh đoàn xe tiếp tế.
– Địch chưa có Pháo Binh hoạt động tại
vùng này, cũng chưa thấy có các loại súng cối hạng nặng, mà chỉ
có 2 loại 82ly và 61ly, khả năng cối của địch, đã có lần chúng
bắn từ 7 vị trí súng tới một mục tiêu, những mục tiêu này là trên
đường tiến quân của ta.
Ông chỉ lên bản đồ, trong lúc đó ban 3
Pháo Binh SĐ22BB cho tôi phóng đồ những gì Trung tá Triển trình
bày ngày hôm đó; ông nhấn mạnh đã có lần chúng bắn hàng trăm đạn
súng cối vào một vị trí của 1 đơn vị cấp Tiểu Đoàn đang tiến
quân, ông chỉ 7 vị trí súng cối của địch và vị trí bị bắn.
– Các Pháo Đội trong tầm Nhảy Dù có thể
sử dụng được, mức độ tiêu thụ đạn dược một ngày cho mỗi pháo
đội...
Ông
nhìn sang Thiếu tướng Tư Lệnh, được Thiếu tướng trả lời không hạn
chế, Thiếu tướng Tư Lệnh cố ý nhấn mạnh cho mọi người cùng nghe.
– Chưa có Pháo Đội nào bị địch tấn công
bằng Súng Cối cũng như bằng đặc công.
Ông lưu ý thêm là chúng tôi sẽ được
tăng cường 1 Pháo Đội 155ly và được quyền sử dụng các pháo đội
trong tầm khi cần, khi muốn sử dụng các pháo đội này, Pháo Binh
Nhảy Dù vào hệ thống tác xạ của Pháo Binh SĐ22BB để xin tác xạ.
– Vấn đề tiếp liệu chúng tôi được thỏa
mãn ngay, theo yêu cầu điểm tiếp liệu tạm thời là ngay tại Tân
Cảnh.
Khi
Trung tá Trịnh lê Triển vừa dứt lời, Thiếu tướng Nguyễn văn Triển
cho lệnh bổ khuyết là các pháo đội của SĐ22BB trong vùng, có tầm
bắn tới vùng hành quân của anh em Nhảy Dù, phải vào hệ thống tác
xạ của PBND khi được yêu cầu, phải thi hành tác xạ ngay, không
cần xin lệnh, nói cho rõ ràng hơn thi hành lệnh tác xạ của Pháo
Binh Nhảy Dù khi có lời yêu cầu.
Bước ra khỏi phòng họp tôi đã có ngay ý
nghĩ không chủ quan là: Viên Tư Lệnh chiến trường của địch cũng
tầm thường mà thôi, chúng chỉ biết áp dụng chiến thuật xưa như
trái đất là công đồn đả viện, mà không khai triển gì khác, vẫn để
yên cho các vị trí Pháo Binh hoạt động, không gây khó khăn cho
các đơn vị tiếp vận, trong khi hai việc này rất dễ làm tại vùng
núi non hiểm trở, nếu chúng làm như vậy, sẽ ảnh hưởng vô cùng
mạnh đến yếu tố tinh thần chiến đấu của toàn vùng. Tôi vừa đi vừa
nghĩ miên man phải làm sao đây? Phải yểm trợ làm sao? Chúng tôi
dùng cơm trưa bằng C–ration do Cố Vấn Mỹ của LĐIIND đãi, tại Câu
lạc bộ riêng của cố vấn SĐ22BB, bữa ăn tuy đơn sơ nhưng mấy hộp
bia lạnh làm chúng tôi tỉnh người, vừa dùng trưa vừa bàn thảo kế
hoạch hành quân, thời gian không cho phép chúng tôi trì hoãn hơn,
Đại tá Trần Quốc Lịch quay sang Cố Vấn, lên tiếng trước:
– Kama! anh thấy chúng ta phải điều
quân ra làm sao?
Anh chàng Cố Vấn bị hỏi bất chợt nên
luống cuống chưa biết trả lời sao cho ổn; ông liền quay sang tôi
hỏi tương tự, tôi đã quen tính tình ông nên đã chuẩn bị trước,
tôi rất thích ông ở điểm luôn hỏi ý kiến mọi người trước rồi mới
có quyết định sau, nhưng lệnh của ông như đinh đóng cột, tôi trả
lời ngay:
–
Thưa Đại tá chúng ta nên đánh từ trên xuống, chúng ta phải cố
gắng làm vô hiệu, hoặc tiêu diệt các ổ phòng không, nếu không
chúng ta không thể đánh từ trên xuống được, nếu một chiến trường
do địch lựa chọn, đó là chúng ta đánh từ dưới lên, như vậy vô
cùng bất lợi, chỉ làm trò đùa cho chúng, chúng ta không thể làm
như vậy được.
Sau đó Đại tá Lịch ôn tồn bàn:
– Có hai kế hoạch chúng ta có thể dùng
được, thứ nhất đánh như các đơn vị trước đã đánh, nếu như vậy thì
chúng ta phải đánh ban đêm, thấy không được ổn cho lắm, dầu đánh
ban ngày hay ban đêm thì địch quân cũng đã có những hỏa tập
trước, ấm ớ là nhừ đòn ngay, thứ hai là chúng ta trực thăng vận,
nếu TTV, vấn đề khó khăn là chúng ta phải chọn LZ (landing zone,
bãi đáp).
Ông
nói bằng tiếng Mỹ chậm chạp dễ hiểu, anh Tây Peter Kama Cố vấn
trưởng của Lữ Đoàn, ngồi im như một thuộc cấp chăm chú nghe lệnh,
hay một học sinh chăm chú nghe giảng bài, Đại tá Lữ đoàn trưởng
lại tiếp:
–
Quan sát trên bản đồ khả dĩ chúng ta chỉ có 2 bãi đáp có thể sử
dụng được, bãi số 1 ngay trên đỉnh 1250, tức tiền đồn của CCHL số
6, nay đã bị địch chiếm, theo Phòng 2 của SĐ22BB thì chung quanh
đây có tới 20 cây phòng không, bãi số 2 ngay tại CCHL số 6 với
cao độ 1200. Tại bãi số 2 bất lợi nhiều hơn vì địch đã điều chỉnh
sẵn cối từ nhiều vị trí khác nhau vào CCHL số 6, cũng như phòng
không của địch đã chuẩn bị sẵn sàng để hạ máy bay khi đáp xuống
Căn cứ.
Sau
những phút im lặng; tôi thấy nhất quyết phải đổ quân từ trên đánh
xuống, cho nên bãi số 1 (tiền đồn đang bị địch chiếm) có nhiều
thuận lợi hơn, địch quân chưa có pháo vào đây lần nào nên chưa có
yếu tố tác xạ, (theo như Pháo Binh Sư Đoàn 22 Bộ Binh, địch có
khả năng dùng súng cối từ 7 nơi khác nhau, mỗi lần có khả năng
pháo hàng trăm quả, đây là một tai họa lớn, nếu đổ quân vào trong
Căn cứ, còn tiền đồn là vị trí của chúng, nên chúng chưa có yếu
tố sử dụng súng cối bắn vào đây) chỉ cần làm tê liệt phòng không,
phối hợp hỏa lực cho đúng là thành công, bãi số 2 (tức Căn cứ số
6) vô cùng bất lợi, địch đã pháo nhiều lần vào Căn cứ, cho nên đã
có yếu tố tác xạ, khi máy bay đổ quân xuống, thì cả máy bay lẫn
đơn vị xuống đất đều làm mồi cho quân thù, nếu chưa dẹp được
phòng không thì đây thêm một tai họa nữa. Tôi đang miên man suy
tính; Đại tá LĐT lên tiếng đánh tan bầu không khí im lặng:
– Bây giờ chúng ta không thám trước đã,
sau chúng ta hãy lấy quyết định.
Bay trên vùng trời của CCHL số 6 bằng
CNC của Hoa Kỳ, chúng tôi như là một thượng khách của địch, Phòng
không dàn chào thật tận tình, khi 2 xạ thủ đại liên được lệnh xạ
kích vào vị trí phòng không của chúng, trên hệ thống inter 2, xạ
thủ này cho biết họ biết vùng có vị trí phòng không của địch, các
vị trí này mỗi ngày có thay đổi nhưng chung quy vẫn chung quanh
tiền đồn cũ của ta mà thôi, vì họ bay trên vùng trời này quá
nhiều lần, nên họ thuộc lòng. Tôi tự thắc mắc biết rõ vị trí
phòng không của địch như vậy, tại sao Pháo Binh cũng như Không
Quân lại để yên cho chúng, nhưng tôi một pháo thủ Mũ Đỏ trong lứa
tuổi nghề cũng đã gần 15 năm, đang say sưa với nghề và đủ kinh
nghiệm chiến trường chắc chắn không bao giờ để yên cho chúng như
vậy. Tôi chấm từng vị trí phòng không trên bản đồ bằng mực, vì
chấm bằng chì mỡ sợ lem mất, tôi yêu cầu 2 xạ thủ đại liên làm
lại một lần nữa để nhận diện địa thế vững chắc, ngày mai các Pháo
Đội của tôi vào vùng tôi sẽ tính tội chúng, trên hệ thống inter
Đại tá Lịch cho tôi những chỉ thị cần thiết; trong đời quân ngũ
vì thân cô thế cô, tôi bước từng bước chậm chạp trong nghề pháo
thủ, các nhiệm vụ thấp nhất của một pháo thủ, tôi đều lần lượt đi
qua từng bước, tay nghề của tôi không xuất sắc nhưng vững chắc,
nên chưa lần nào tôi thấy địch mà địch thoát được, không thấy
địch thì khó nhưng nay thấy địch thì không khó với chúng tôi,
những chàng trai đã đội trên đầu chiếc nón vinh quang màu Đỏ, lấy
sự yên vui no ấm của đồng bào làm lẽ sống của mình, lấy sự yêu
mến của các đơn vị bạn làm phương châm làm việc, không bao giờ có
thể lùi bước được.
Tôi không quên yêu cầu pilot bay một
vòng theo trục lộ, để có khái niệm các vị trí cho các pháo đội
của tôi vào vùng sẽ đóng tại đâu. Bước xuống máy bay vừa đi tôi
vừa cởi chiếc áo saut khoác ngoài, trộn lẫn với những ý nghĩ
không ổn cho những lý do thiệt hại của những đơn vị trước đến
giải tỏa, tại sao như vậy? Họ tiến quân từ dưới lên thì cầm chắc
là thất bại, tại sao họ lại tiến quân như vậy để chịu thiệt hại
cho đơn vị, tình hình địch như vậy, địa thế như vậy có điên mới
tiến quân bằng đường bộ, địch quân dùng đá lăn xuống cũng đã
thiệt hại rồi! Nếu muốn tiến quân bằng đường bộ thì phải đột kích
ban đêm chiếm lại tiền đồn, rồi từ đó làm bàn đạp để hoàn thành
nhiệm vụ, mà trực thăng vận thì cũng chỉ có một đường duy nhất
phải làm là chiếm tiền đồn, cũng như địch quân muốn đánh Căn cứ
là phải chiếm tiền đồn đó là yếu tố chính yếu (key) cho mặt trận
này, nói vắn tắt dù điều quân cách nào chăng nữa mục tiêu chính
của cuộc đánh này là phải dứt điểm tiền đồn trước, rồi sau đó mới
làm ăn khác được; sung sướng như tìm thấy đáp số của bài toán
khó, tôi đi hơi nhanh nên Đại tá Lịch gọi tôi giật lại và nói:
– Này mấy thằng phòng không nhởn nhơ
quá, ngày mai anh phải thịt tụi nó như anh đã làm ở Campuchia
nghe không. Tại sao pháo binh không dập tụi nó. Anh thấy sao?
– Dạ cái đó không khó, pháo binh có thể
làm được, mỗi cây phòng không cao giá lắm là 100 đạn là phải tiêu
diệt được, nếu không cũng không cho chúng nhởn nhơ như vậy, nhất
là có pháo đội 155ly sử dụng Tác Xạ Tiêu Hủy lại còn làm thịt
chúng dễ dàng hơn nữa. Chiều mai khi các pháo đội của tôi vào
vùng, chúng ta chiêu niệm chúng là vừa.
Chúng tôi vào phòng Cố Vấn của SĐ22BB
bàn kế hoạch hành quân, sau hồi bàn cãi kế hoạch trực thăng vận
được chọn lựa, Peter Kama vui cười nói:
– Họ là Bộ Binh họ đánh từ dưới đánh
lên; mình là Nhảy Dù phải đánh từ trên đánh xuống, và cùng đồng ý
phải đánh lừa địch, để cho địch quân hiểu là chúng ta sẽ đánh từ
dưới đánh lên như các đơn vị trước đã thử lửa.
Sau đó chúng tôi đi bộ sang phòng hành
quân của BTL/SĐ22BB, tại đây vì được báo trước cho nên các vị: Tư
lệnh, Tư lệnh phó, Chỉ huy trưởng pháo binh, ban cố vấn SĐ22BB,
các trưởng phòng đã chờ sẵn chúng tôi ở đó; tôi đương nhiên trở
thành sĩ quan hành quân của Lữ Đoàn II Nhảy Dù, trình bày kế
hoạch hành quân của Lữ Đoàn. Tất cả cùng e ngại về kế hoạch trực
thăng vận và cho rằng kế hoạch này quá táo bạo, vì cả rừng phòng
không tại đó, nhưng chúng tôi nắm vững những gì phải làm nên rất
tin tưởng, có một điều chúng tôi sợ là kế hoạch bị bại lộ mà
thôi! Chính Cố vấn trưởng của SĐ22BB cũng rất e ngại (tôi quên
tên của vị Đại tá Cố vấn trưởng, ngày 20/3/1988 tôi có gặp lại
Peter Kama tại Fremont California hỏi thăm nhưng anh ta cũng
không nhớ). Đại tá LĐT gọi Hotline trình bày với Tướng Tư Lệnh
Quân Đoàn sơ lược kế hoạch hành quân để xin yểm trợ phương tiện,
Trung tướng Tư Lệnh Quân Đoàn hứa không trở ngại.
Chúng tôi trở về Pleiku khoảng hơn
17:00g, các đơn vị Nhảy Dù đã không vận xong xuôi, chúng tôi vòng
sang phi trường để quan sát các đơn vị di chuyển về vị trí tập
trung, đâu đây nón bài thơ bị xé nát vứt văng vãi, ngay cả một
vài hộp mè xửng cũng chịu chung số phận, hậu quả cơn giận dữ của
những chàng trai yêu đời thật dễ thương và tội nghiệp, chúng tôi
cúi xuống lượm những chiếc nón xác xơ kém duyên phận, thấy vậy 1
Trung Đội Nhảy Dù của đủ mọi đơn vị, họ dàn hàng ngang làm sạch
khu tập họp, trả lại sạch sẽ cho phi trường. Mặt trời đã ngả dài
trên đỉnh núi phía Tây, trông giống như một buổi bình minh đẹp
trời chứ không phải buổi hoàng hôn, không có tiên đoán thời tiết
của đài khí tượng, nhưng theo kinh nghiệm, hoàng hôn trong sáng
như vậy thì thời tiết các ngày sau sẽ tốt, trời thương chúng tôi.
Cuộc họp với Quân Đoàn mà chính yếu là
phương tiện yểm trợ hoàn toàn thuận lợi cho chúng tôi, Lữ Đoàn sẽ
được sử dụng khoảng 45 trực thăng chở quân, 2 trực thăng CNC, 1
pháo đội Cobra cùng trực thăng võ trang cơ hữu của các phi đoàn
trực thăng Hoa Kỳ và Việt Nam, Không quân sẽ đánh liên tục theo
đúng kế hoạch hỏa yểm của LĐIIND, chúng tôi trở về căn trại bỏ
không của Hoa Kỳ để lại, nơi các đơn vị Nhảy Dù nghỉ đêm tại đây,
chính vì yếu tố bảo mật cho nên nơi này xa phố xá biệt lập hẳn
với dân chúng, vấn đề bảo mật là một yếu tố sanh tử, cho nên
không bao giờ xao nhãng, không một quân nhân Nhảy Dù nào có thể
tiếp xúc với dân chúng được, hơn nữa những anh em Nhảy Dù cũng
không biết nhiệm vụ của mình phải làm gì để mà tiết lộ, tôi không
hiểu sao dân chúng tại đây biết chúng tôi có mặt tại Pleiku, vì
chưa có 1 quân nhân ra phố, đám đông dân chúng cũng bu quanh cổng
trại để hỏi thăm thân nhân của họ phục vụ trong binh chủng Nhảy
Dù tham dự trận Hạ Lào vừa qua, đơn vị nào cũng bị nặng nên họ lo
lắng vô cùng, ai cũng vậy muốn biết tin thân nhân, qua một trận
khốc liệt không hiểu có còn hay không, nhất là những người có
thân nhân phục vụ trong những đơn vị đang có mặt tại Pleiku ngày
hôm nay!!!
Những thắc mắc của họ được trả lời cho qua chuyện, nhưng không
gặp được những người cần gặp, lệnh là lệnh mà. Nhận xong những
chỉ thị cần thiết của Đại tá LĐT, tôi trở về BCH/TĐ2PBND cho lệnh
ban 3 làm kế hoạch hỏa yểm để ngày hôm sau tôi có thể trình bày
kế hoạch này với những đơn vị tham dự tại BTL/SĐ22BB, tôi nhấn
mạnh sự quan trọng của kế hoạch GAP (Ground and Air Preparation),
vì kế hoạch này bao gồm hỏa lực của: Không Quân, Không Pháo, Pháo
Binh, và hỏa lực của Gunship cơ hữu của các Phi Đoàn trực thăng
Hoa Kỳ cũng như Việt Nam, và đường bay an toàn cho các trực thăng
đổ quân để không thể có tai nạn khi đổ quân đợt đầu. Lúc 23:30g,
kiểm soát lại lần chót việc làm của ban 3, tôi thật bằng lòng với
việc làm của Trung úy Tùng phụ tá ban 3, tuy cấp bậc nhỏ nhưng
nắm vững lệnh của tôi để thi hành (Thiếu tá Vinh trưởng ban 3 đã
bị thương nặng tại Lao Bảo, vào tháng trước).
Ngả lưng trên chiếc ghế bố lúc 24:00g,
tôi giật mình chợt nhớ hôm nay 4/4/1971, ngày sinh nhật của vợ
tôi, tôi thấy xót xa thương nhớ vợ con, lấy cuốn nhật ký trên đầu
ghế ghi vội như một chút quà sinh nhật cho người yêu dấu:
“Em thương mến,
Như vậy là 6 lần sinh nhật của em, anh
không được gần em và các con, cả quà sinh nhật cũng không có nữa;
anh thật có lỗi, nhưng biết làm sao đây? Giờ này em đang làm gì
nhỉ, em đang ngủ ngon hay đang quỳ trước bàn thờ cầu nguyện cho
anh được an lành. Các con ngủ ngon chưa? Hay chúng lén lút quỳ
sau em để cùng cầu nguyện cho anh. Anh rất sung sướng thấy lúc
nào các con cũng ngoan ngoãn, toàn do sự dạy bảo của em; nhìn em
lúc nào cũng vui tươi, lúc nào cũng kiêu hãnh với năm tháng thiệt
thòi đơn lẻ của người vợ lính Mũ Đỏ, làm anh cảm thấy thiếu bổn
phận với em và các con. Em có biết em và các con chính là nguồn
an ủi vô song cho anh, còn anh là mối suy tư nặng nề cho em và
các con! Cảm ơn Trời Phật, cảm ơn gia đình đã dành em cho anh.
Quà sinh nhật của em là thêm một chiến thắng của đoàn quân Mũ Đỏ,
chờ anh em nhé, giết xong giặc anh về.”
Sáng sớm ngày 5/4/1971, các đơn vị vào
vùng hành quân bằng đường bộ, xe bắt đầu lăn bánh lúc 6:00g ngoại
trừ TĐ5 và TĐ6ND ở lại để trực thăng vận thẳng vào mục tiêu, tôi
dặn dò Thiếu tá Tiểu đoàn phó cùng các Pháo đội trưởng về an
ninh khi di chuyển đường bộ, sau đó chúng tôi lên 2 trực thăng
trực chỉ Tân Cảnh, đến nơi mọi người chưa tỉnh hẳn, ban 3 của
LĐIIND và TĐ2PBND vào phòng hành quân chuẩn bị thuyết trình, tôi
qua BCH/PB/SĐ22BB phối hợp lần chót, để có thì giờ cho sĩ quan
truyền tin xin 4 pháo đội 105 trong tầm, và pháo đội 155 vào hệ
thống chỉ huy của tôi khi chúng tôi đến vị trí ấn định, và sẵn
sàng đạn dược, mọi việc ổn thỏa vì không có đơn vị nào đang hoạt
động trong tầm của những pháo đội này.
Đúng 7:00g, các vị chỉ huy hành quân và
yểm trợ hiện diện đầy đủ. Khởi sự các phòng sở của SĐ22BB trình
bày, nhất là tình hình địch được Phòng 2 trình bày rất cặn kẽ, vì
bữa nay có thêm ban 3 và các vị Tiểu đoàn trưởng Nhảy Dù;
ngoài ra còn có sự hiện diện của các đơn vị không quân Hoa Kỳ và
Việt Nam. Sau đó là phần trình bày của Đại tá LĐT/LĐIIND, ông
trình bày ý định điều quân của ông. Nhìn trong hội trường, về
phía Việt Nam nhất là Không quân có vẻ hoài nghi, nhưng về phía
Hoa Kỳ thì có vẻ bình thường, họ đã được Trung tá Peter Kama
thuyết trình sơ lược tại phòng Cố Vấn. Sau đó là tôi trình bày kế
hoạch hỏa yểm, tôi chậm rãi thuyết trình:
Ngày 5/4/1971, pháo binh gồm 8 pháo
đội, 7 pháo đội 105ly và 1 pháo đội 155ly, vào hệ thống chỉ huy.
Từ 14:00g bắt đầu bằng những tác xạ tiêu hủy trên các ổ phòng
không của địch do quan sát viên điều chỉnh, mỗi pháo đội sẽ chịu
trách nhiệm một mục tiêu, dùng khẩu chuẩn để thi hành tác xạ, sau
đó dùng yếu tố này, tác xạ quấy rối liên tục và bất thường cho
đến giờ G ngày N, (có nghĩa là cứ 1 hoặc 2 hoặc 5, 10 phút lại có
1 trái đạn nổ trên từng vị trí mỗi ổ phòng không, các vị trí
phòng không này tôi đã ghi nhận được từ ngày 4/4/1971, như vậy
trên vùng mục tiêu lúc nào cũng có 1 viên đạn của ta nổ).
Lúc 18:00g, kế hoạch tác xạ TOT (time
on target) bắt đầu, tác xạ vào những vị trí súng cộng đồng của
địch và những trí đóng quân của địch; khi thuyết trình tôi chỉ rõ
từng mục tiêu có điều chỉnh, cũng như mục tiêu không có điều
chỉnh. Tới kế hoạch GAP (ground and air preparation), đây là kế
hoạch Hỏa Yểm phối hợp tất cả hỏa lực có trong vùng để yểm trợ
cho cuộc đổ quân an toàn (kế hoạch này chỉ có Sư Đoàn 1 Không Kỵ
Hoa Kỳ dùng cho nên chỉ những quân nhân nào kể cả Hoa Kỳ, đã hành
quân phối hợp đơn vị này mới biết mà thôi, vì đơn vị này có Không
quân, Không pháo, và trực thăng cơ hữu của đơn vị bay khắp vùng
hành quân, nếu không phối hợp nhịp nhàng thì hậu quả rất tai
hại). Tôi trình bày cặn kẽ bằng tiếng Việt, tôi không phải trình
bày bằng tiếng Anh vì đã có thông dịch viên, nhưng Peter Kama Cố
vấn trưởng của LĐIIND yêu cầu tôi trình bày bằng tiếng Mỹ (khi ra
khỏi phòng họp tôi cự nự và yêu cầu anh nếu muốn tôi trình bày
bằng tiếng Anh phải cho tôi biết trước, nhưng anh ta chỉ cười
xòa, và nói kế hoạch GAP khó, sợ thông dịch sai nên anh phải yêu
cầu tôi diễn võ). Tôi giật mình vì đây là điều ngoài dự liệu, nên
tôi hoàn toàn không chuẩn bị, hơn nữa chân tay tôi to lớn cũng
tạm được nếu phải trình bày bằng tiếng Mỹ chân tay nó kịch cỡm
hơn thật khó coi. Nhưng Lính mà! Nhảy Dù Cố Gắng! Khó khăn nào
cũng phải vuợt qua, việc gì cũng phải làm được, làm đến nơi đến
chốn, và đúng mức. Đây là lần thứ hai trong đời tôi phải thuyết
trình bằng tiếng Anh trước một cử tọa đông đảo như thế này, vào
cuối năm 1968 tôi đang làm Pháo đội trưởng Pháo Đội C Nhảy Dù,
được lệnh bổ nhiệm về làm Tiểu đoàn phó TĐPB/SĐND kiêm sĩ quan
ban 3 cho Thiếu tá Huỳnh Long Phi, khi Pháo Binh Sư Đoàn Nhảy Dù
bành trướng; Tiểu Đoàn này đổi thành TĐ1PBND thì Thiếu tá Trần
Thanh Liêm thay thế làm Tiểu đoàn trưởng để Trung tá Phi lên
làm Chỉ huy trưởng Pháo Binh Sư Đoàn Nhảy Dù Việt Nam.
Năm 1969 khi đơn vị hành quân tại chiên
khu “C” Tây Ninh, đây là lần đầu tiên các đơn vị Nhảy Dù Việt Nam
hành quân phối hợp với Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ, bên Lữ Đoàn 1
Kỵ Binh Hoa Kỳ tăng phái cho Lữ Đoàn III Nhảy Dù Việt Nam 1 Tiểu
Đoàn, rồi ngược lại 1 Tiểu Đoàn Nhảy Dù Việt Nam tăng phái cho
LĐIKB Hoa Kỳ; bên Pháo Binh cũng phải làm tương tự, chúng tôi
phải chỉ huy 1 pháo đội Hoa Kỳ và phải tăng phái ngược lại như
vậy. Tôi phải thuyết trình kế hoạch Hỏa Yểm 1 Căn cứ khi bị địch
tấn công, cùng thời điểm đó các phương tiện sau đây vẫn hoạt
động liên tục không ngừng nghỉ, Không Quân, Không Pháo, Hải Pháo,
Trực Thăng Võ Trang, Trực Thăng Tản Thương, nếu cần có cả Trực
Thăng Tiếp Tế và 2 Pháo Đội Pháo Binh tác xạ cùng một lúc, và 2
vị trí Pháo Binh ở hai hướng khác nhau, kế hoạch này do Trung Tâm
Phối Hợp Hỏa Lực soạn thảo hay nói khác hơn là do Tiểu Đoàn
Pháo Binh yểm trợ trực tiếp làm. Sự thực buổi thuyết trình này Tư
Lệnh Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ, sau khi đã lấn lướt Sư Đoàn Nhảy
Dù Việt Nam về Trực Thăng Vận, tại chiến trường Tây Ninh trung
bình một ngày 1 Tiểu Đoàn của SĐ1KK/HK hành quân trực thăng vận
là 10 lần, chúng ta không có trực thăng nhiều như vậy, cho nên
chưa bao giờ 1 Tiểu Đoàn của chúng ta hành quân trực thăng vận
quá 2 lần. Sau khi họ lấn lướt về TTV, nay họ muốn chúng ta phải
học họ về yểm trợ hỏa lực nên mới có buổi thuyết trình này, buổi
thuyết trình này vô cùng ly kỳ, khi nào thuận tiện tôi sẽ trình
bày tỷ mỷ hơn. Khán giả có 3 vị Tướng Hoa Kỳ là Tư Lệnh SĐ1KB,
Phụ Tá Hành Quân, Tư Lệnh Phó, và Trung tướng Tư Lệnh SĐND/Việt
Nam cùng các sĩ quan trong 2 bộ tư lệnh, lần đó tôi cũng bị hành
hạ tuy có thông dịch viên nhưng cũng phải thuyết trình bằng tiếng
Anh, dầu sao chăng nữa thì cũng còn có chuẩn bị, còn giờ đây bài
tuy thuộc đó, nhưng vốn liếng tiếng Anh vay mượn, chưa được du
học nên khổ sở vô cùng. Đại để tôi phải dùng tiếng Quốc Tế nhiều
hơn tiếng Anh để diễn tả như thế này:
– Ngày N giờ G, cánh quân đầu tiên của
TĐ6ND sẽ đáp xuống LZ (bãi đáp, landing zone) vì bãi đáp chính là
tiền đồn của CCHL6, chung quanh này vị trí phòng không của địch;
nên ngay từ chiều ngày hôm nay, chính tôi sẽ bay điều chỉnh từng
khẩu đội bắn vào từng vị trí phòng không của địch, yếu tố này
chúng tôi sẽ bắn quấy rối suốt đêm nay, như vậy trung bình cứ 3
hay 5 phút lại có 1 viên đạn pháo binh của ta nổ trên 1 vị trí
phòng không của địch tại LZ cho đến sáng ngày hôm sau, chúng ta
sẽ có những tác xạ T.O.T xuống vùng tập trung quân và súng cối
của địch, chúng tôi dự trù bắn vào 7 mục tiêu, mỗi mục tiêu dự
trù tiêu thụ 700 đạn 105 và 40 đạn 155ly. Ngày N giờ G trừ 35 đến
giờ G trừ 25, không quân oanh tạc các vị trí phòng không tại LZ.
Từ giờ G trừ 25 cho đến G trừ 10 pháo binh dã chiến tác xạ vào
các vị trí phòng không bằng các yếu tố đã được điều chỉnh từ
trước, gồm 4 pháo đội 105 và 1 pháo đội 155, mỗi pháo đội 105
tiêu thụ 100 đạn nổ mạnh, pháo đội 155 tiêu thụ 50 đạn nổ mạnh,
mỗi pháo đội chấm dứt bằng 1 trái đạn khói lúc G trừ 10, sau đó
chuyển xạ bắn vào các vị trí súng cối và vùng tập trung quân nghi
ngờ Bộ Chỉ Huy của địch. Từ giờ G trừ 10, khi đó sẽ có 5 trái đạn
khói nổ trên mục tiêu, thì không pháo (Cobra đây là loại trực
thăng có hỏa lực chính là giàn hỏa tiễn, còn được gọi là không
pháo, có khả năng bay nhanh, bắn chính xác, hỏa lực mạnh hơn trực
thăng võ trang, các sĩ quan Pháo Binh của Nhảy Dù Việt Nam, một
số anh em đã được bay thử, và sử dụng các loại vũ khí trên mỗi
khẩu đội Không Pháo này tại chiến trường Tây Ninh mùa hè năm
1970) vào đánh dọc hai bên bãi đáp theo hướng Bắc–Nam, lưu ý khi
Không pháo vào đánh nên vào bằng liên đội mỗi khẩu đội đánh một
bên, và chấm dứt lúc giờ G trừ 7. Từ giờ G trừ 7 đến G trừ 0,
Tiểu Đoàn Pháo Binh Nhảy Dù chính thức thi hành kế hoạch G.A.P.
cho đến Giờ G trừ 0, sẽ có 3 trái đạn khói nổ trên LZ thì toàn bộ
đơn vị Không pháo vào đánh hai bên bãi đáp và trực thăng đổ quân
vào LZ, người lính Nhảy Dù đầu tiên sẽ đạp chân xuống LZ đúng G
trừ 0, Pháo binh dã chiến tiếp tục bắn vào các mục tiêu nghi ngờ
là vị trí súng cối hay các bộ chỉ huy của địch; Không Quân tiếp
tục oanh tạc theo hướng Đông–Tây tại các mục tiêu súng cối của
địch từ G trừ 7 cho đến khi đổ quân xong.
Tôi vừa thao diễn võ nghệ xong, theo
đúng thủ tục (của một võ sĩ) trước khi tháo chạy, phải buông một
câu thòng any question? Trời đất ơi cả chục cánh tay dơ lên.
Không Quân Việt Nam cho rằng đổ quân
như vậy rất nguy hiểm, chưa chắc Pháo Binh đã chấm dứt tác xạ
đúng vào giờ G trừ 0. Tôi đã trả lời nhất định là phải đúng vì
chúng tôi đã thi hành cả ngàn lần kế hoạch GAP này, thực vậy mỗi
ngày một Tiểu Đoàn pháo binh của chúng tôi đã thi hành từ 20
cho đến 30 lần kế hoạch GAP, chúng tôi đã hành quân như vậy 2 năm
với SĐ1KK/HK, nhưng chúng tôi chỉ thi hành nhiệm vụ này với trực
thăng của Hoa Kỳ, hay nói khác hơn chúng tôi chỉ mới hành quân
phối hợp với Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ mà thôi, chưa bao giờ
chúng tôi phối hợp thi hành kế hoạch GAP với các đơn vị trực
thăng Việt Nam.
Đại tá Griffin (tôi cũng không chắc nhớ
đúng tên) chỉ huy các đơn vị trực thăng của Hoa Kỳ tại Vùng II
chiến thuật cũng hoài nghi và hỏi:
– Kế hoạch hay nhưng có gì chắc là
chúng ta thi hành được đúng như kế hoạch này.
Tôi nhanh nhẹn trả lời:
– Thưa Đại tá nhìn vào huy hiệu Sư Đoàn
1 Không Kỵ đeo trên áo của Đại tá, nên tôi chắc rằng chúng ta
phối hợp không trở ngại gì.
Tôi lại phải giới thiệu lại là tôi đã
hành quân phối hợp với SĐ1KK Hoa Kỳ trong thời gian 2 năm, mỗi
ngày trung bình mỗi pháo đội của chúng tôi phải thi hành từ 8 cho
đến 12 lần kế hoạch GAP tương tự như lần này; vì vậy không có gì
là khó khăn hay mới mẻ với chúng tôi. Anh Peter Kama lúc này mới
thấy làm một việc đúng với nhiệm vụ của anh, là xác nhận những gì
tôi nói, nên Đại tá Griffin rất vui vẻ và nói:
– Tôi đồng ý nhận nhiệm vụ này, tôi
chắc chắn rằng Pháo Binh Nhảy Dù làm được, nhưng tôi có một thắc
mắc là tại sao các đơn vị Pháo Binh ở đây lại không chịu áp dụng
kế hoạch này, vì nó an toàn cho đơn vị đổ quân. Để phối hợp được
nhịp nhàng và hữu hiệu tôi sẽ cho các trực thăng Hoa Kỳ đổ quân
đợt đầu, sau đó các đơn vị trực thăng Việt Nam sẽ tiếp tục; nhưng
khi đổ quân tôi muốn Đại tá Lịch và anh bay theo CNC với tôi.
Tôi nhìn Đại tá LĐT hội ý, xong tôi
nhận lời:
–
Cảm ơn Đại tá chúng tôi sẽ làm như vậy, xin Đại tá có mặt tại
Trung Tâm Hành Quân LĐIIND tại Dak Motlop đúng giờ G trừ 60 để
chúng tôi bắt đầu có mặt trên không phận vào giờ này.
Tôi chỉ lên bản đồ vị trí của Dak
motlop:
– Thưa
quí vị, nếu không còn câu hỏi nào thì bây giờ là 13:15g, xin quí
vị vặn đồng hồ theo tôi.
Nhưng thật sự lúc bấy giờ là 10:15g,
tất cả dơ tay lên vặn đồng hồ theo giờ tôi vừa nói:
– Chúng ta sẽ đổ quân vào đúng giờ G,
giờ G là 11:00g (như vậy giờ G thật là 8:00g, đây là một phương
thức bảo mật giờ của Hoa Kỳ, họ áp dụng cho tất cả các cuộc hành
quân, chính vì vậy nếu sơ ý nói bạch văn cũng không bị lộ).
Chúng tôi có nhiều điều thuận lợi vì
may mắn thời tiết rất tốt, dân chúng kể cả đồng bào thiểu số, và
anh em quân nhân rất thương mến chúng tôi, gặp ai cũng được chào
hỏi như đã quen nhau lâu ngày. Địa thế thì... nếu mọi điều tốt
đẹp, đây sẽ là một vị trí lý tưởng, chúng ta sẽ đánh từ trên đầu
địch đánh xuống, chúng ta phối hợp hỏa lực tinh vi thì chúng ta
sẽ thành công dễ dàng; như vậy Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hòa
chúng ta đều có hỏi sao lại không thành công? Hơn nữa chúng ta
lại đánh lừa được địch quân. Địch quân không ngờ chúng ta làm như
vậy, nhất là TĐ11ND bung ngay vào trận địa, sẽ cố gây áp lực sườn
đông của Căn cứ Hỏa Lực số 6, để địch hiểu lầm rằng chúng ta sẽ
đánh bằng đường bộ như những đơn vị trước đã làm. Thực tế nếu
chúng ta đánh bằng đường bộ thì nguyên Sư Đoàn Nhảy Dù cũng phải
vất vả, chứ nói chi đến một Lữ Đoàn Nhảy Dù. Sự chiến thắng phải
do tinh thần kỷ luật cao, kỹ thuật chiến đấu giỏi, phối hợp hỏa
lực nhịp nhàng. Điều đáng quan tâm nhất của chúng tôi lúc đó, là
làm sao phải triệt hạ ngay những cây phòng không, ngay chiều nay
tức ngày 5 tháng 4 năm 1971, tôi sẽ lên không phận và cho chúng
biết sự lợi hại của những chàng trai Mũ Đỏ.
Tôi đang miên man suy nghĩ, trong lúc
ban 3 Lữ Đoàn II Nhảy Dù đang chuẩn bị phóng đồ hành quân để
thuyết trình kế hoạch đổ quân, Đại tá Griffin gọi tôi lại trước
mặt các Cố Vấn và các Hoa Tiêu Hoa Kỳ, ông hỏi:
– Anh học trường Pháo Binh nào mà anh
biết bắn GAP?
– Thưa Đại tá Trường Pháo Binh của QLVNCH.
– Các Sĩ Quan Pháo Binh ở Vùng II này
họ học ở đâu?
– Họ học cùng trường với tôi, và đa số họ đã được du học tại Hoa
Kỳ.
– Anh có
biết tại Fort Sill Hoa Kỳ có dạy cách bắn GAP hay không?
– Tôi chưa học Fort Sill nhưng tôi nghĩ
rằng không.
(Sở dĩ tôi trả lời không vì ngay như những sĩ quan Pháo Binh Hoa
Kỳ cũng chưa chắc hiểu GAP là gì? Nếu họ không phải là quân nhân
đã phục vụ ở các đơn vị Nhảy Dù hay Không kỵ; GAP nó đã trở thành
danh từ riêng của Nhảy Dù Hoa Kỳ).
– Vậy tại sao họ không biết cách bắn
GAP?
– Họ biết
đấy chứ, nhưng không có thì giờ huấn luyện thuộc cấp, nên không
dám bắn GAP.
Ngay lúc đó tôi được báo cáo các Pháo Đội của tôi đã sẵn sàng,
tôi cáo lỗi phải đi bay để điều chỉnh một vài tác xạ cần thiết,
tiêu diệt phòng không của địch, nhưng một vị sĩ quan thuộc trực
thăng Hoa Kỳ, sau này tôi mới biết ông là Pháo đội trưởng Không
Pháo, ông hỏi:
– Tại sao trong kế hoạch GAP lúc giờ G
trừ 10, sau khi pháo binh dã chiến bắn xong, anh lại cần Không
pháo vào đánh hai bên bãi đáp?
Tôi không do dự trả lời ngay:
– Đó chính là một kế hoạch đánh lừa
địch quân, địch cứ tin rằng sau khi pháo binh chấm dứt là bắn đạn
khói đó là lúc Không pháo vào đánh nên địch quân tiếp tục núp
dưới hầm; lúc đổ quân là giờ G trừ 0 cũng vừa chấm dứt pháo là
bắn đạn khói rồi Không pháo và trực thăng võ trang vào đánh, lúc
đó địch quân tiếp tục núp dưới hầm để tránh Không pháo và trực
thăng võ trang, lợi dụng lúc địch đang núp dưới hầm, trực thăng
chở quân vào đổ quân, địch quân sẽ không kịp trở tay, khi địch
biết ý định của ta thì đã muộn rồi, lúc đó quân ta đã làm chủ
tình hình.
Ông
ta dơ ngón tay cái biểu lộ đồng ý. Đại tá Griffin hỏi:
– Anh bay bằng CNC của Việt Nam?
– Vâng, tôi có CNC đang chờ sẵn.
– Anh bảo họ nghỉ, tôi muốn bay với
anh, gọi cả ĐT/LĐT bay cùng với chúng ta luôn.
Nhưng lúc đó Đại tá Lữ đoàn trưởng còn
bận ra lệnh cho các vị Tiểu đoàn trưởng Nhảy Dù. Tôi và người
mang máy ra CNC, còn sĩ quan ban 3 của tôi, phải ở lại để ghi
những chỉ thị cần thiết trong lúc tôi vắng mặt, đơn vị tôi lúc đó
có một vài sĩ quan có thể làm quan sát viên phi cơ được, nhưng
chúng tôi đang thiếu sĩ quan, hơn nữa những mục tiêu tôi đã nhận
diện được không thể nói lại cho người khác một cách chính xác,
nhất là phải bắn cùng lúc tới 8 Pháo Đội, quan sát viên phải có
kinh nghiệm và phải có cấp bậc cao, mới có thể điều hành các tác
xạ này được, tôi tin tưởng tôi làm sẽ nhanh hơn và chu đáo hơn,
thường mỗi khi thi hành tác xạ nếu pháo đội sẵn sàng phải báo cho
quan sát viên phi cơ và bắn theo lệnh của QSVPC, chứ không theo
lệnh Sĩ Quan Tác Xạ như các tác xạ mà Tiền sát viên dưới đất, các
pháo đội bắn rồi phải báo cáo đạn đi và đạn sắp nổ, đó là bắn với
1 pháo đội, còn bắn với nhiều Pháo Đội thì nhiêu khê hơn nhiều,
nhưng chúng tôi vẫn phải làm và làm được rất hữu hiệu, kết quả
đem lại rõ ràng, chúng tôi có quyền hãnh diện đã làm rạng danh
QLVNCH với quân đội Đồng Minh Hoa Kỳ, (thời gian giữ chức vụ
Trưởng Ban Kế Hoạch Chương Trình và Điều Hành Huấn Luyện Trường
Pháo Binh QLVNCH, năm 1964 một khoá Quan Sát Viên Phi Cơ của
Không Quân Việt Nam thụ huấn tại Trường Pháo Binh, đúng vào lúc
các huấn luyện viên của ban Tác Xạ Đại Cương, có khả năng huấn
luyện Quan Sát Viên Phi Cơ, bận chương trình huấn luyện các khoá
khác, tuy không phải là trách nhiệm của tôi, vì có bằng QSVPC nên
tôi đã nhận huấn luyện khoá này, trước đó tôi đã bay nhiều lần
QSVPC tại chiến trường, cho nên khi phải bay và bắn với nhiều
pháo đội cùng một lúc tôi không ngỡ ngàng), khi ra tới máy bay,
tôi trình bày cùng Đại tá Griffin vị trí các pháo đội sẽ thi hành
tác xạ, đường tên của các pháo đội, “đường tên là đường đỉnh của
đạn đạo Pháo Binh”, những mục tiêu tôi sẽ điều chỉnh tiêu hủy
chính xác, những mục tiêu tôi sẽ điều chỉnh tác xạ trên miền, yếu
tố này sẽ là yếu tố tác xạ quấy rối và kế hoạch GAP cho ngày hôm
sau, tôi phải làm thủ tục này, vì có như vậy hoa tiêu mới biết
hướng bay sao cho an toàn, phải bay sao cho quan sát viên phi cơ
dễ dàng quan sát các tác xạ.
Máy bay lượn một vòng qua khu phố nghèo
nàn Tân Cảnh để lấy cao độ, những em bé thơ dại vẫy tay chào,
những người dân bản xứ hiền hòa lưng đeo gùi ngẩng mặt nhìn trực
thăng, tất cả đều mong thanh bình để yên ổn học hành, làm ăn,
không so đo hơn thiệt, không cạnh tranh nham hiểm, ước mơ tối
thiểu của quyền làm người biết đến bao giờ họ mới thực hiện được,
chiến tranh còn tàn phá gây tang thương cho dân tộc tôi đến bao
giờ?
Máy bay
vừa lấy đủ cao độ, người mang máy của tôi cũng vừa liên lạc xong
với 8 pháo đội, Căn cứ Hỏa Lực số 6 cũng vừa trong tầm quan sát,
và các khẩu phòng không của địch quân cũng bắt đầu khai hỏa,
những viên đạn 24ly thi nhau tạo vệt lửa đỏ hướng về máy bay, sau
khi tôi nhận diện thêm được một vài vị trí nữa, cũng còn may trời
thương nên chúng chưa có hỏa tiễn phòng không trong vùng, nhưng
các xạ thủ đại liên cũng sẵn sàng hỏa châu chống hỏa tiễn phòng
không của địch. Tôi biết nếu lúc này Pháo Binh bắn là phòng không
của chúng im ngay, nên tôi thận trọng nhận diện những vị trí đã
ghi nhận ngày hôm trước và hiện tại, cộng lại tôi chỉ mới nhận
diện được tất cả là 5 vị trí phòng không, thôi như vậy cũng tạm
đủ, tôi xin tác xạ 5 Pháo Đội có hướng súng thuận lợi cho máy bay
dạt về một bên, 5 viên đạn đi cách nhau 5 giây, cứ thế điều chỉnh
từng khẩu trúng mục tiêu, sau đó những chỗ có thể đặt phòng không
là có đạn pháo binh điều chỉnh vào đó, không may lúc đó Pháo Đội
155ly bị trục trặc nên buộc lòng phải sử dụng tác xạ tiêu hủy
bằng các pháo đội 105ly, hơi tréo cẳng ngỗng nhưng cũng vẫn có
hiệu quả tốt, từng viên đạn pháo binh thi nhau bay tới cày nát
mục tiêu, đây là lúc các Pháo đội trưởng có trình độ kỹ thuật
cao, được dịp thi thố tài năng của họ. Sau khi bắn trúng mỗi mục
tiêu khoảng 20 đạn, họ được lệnh bắn cấm chỉ và bắn quấy rối bằng
chính khẩu đội đã điều chỉnh liên tục cho tới ngày N giờ G. Dùng
ám danh đàm thoại tôi cho lệnh bắn quấy rối xen kẽ để cứ khoảng 5
phút thì lại có 1 viên đạn pháo binh nổ trên vùng mục tiêu, vì
bắn xen kẽ cho nên địch không biết mục tiêu nào bị ta bắn, địch
chắc chắn phải điêu đứng vì những loạt đạn quấy rối chính xác
này, đồng thời đây cũng chính là một trong những yếu tố của kế
hoạch GAP.
Chúng tôi trở lại Tân Cảnh sau khi máy bay hết xăng, Đại tá
Griffin cũng phải về để cho lệnh đơn vị của ông, ông rất hài lòng
về việc sử dụng Pháo Binh ngày hôm nay, ông nói ông không ngờ
chúng tôi có thể làm việc hữu hiệu như vậy, ông tin chắc rằng sau
kế hoạch GAP trực thăng đổ quân sẽ an toàn. Sau khi dùng cơm trưa
bằng lương khô, chúng tôi lại sang máy bay CNC của Việt Nam tăng
phái riêng cho chúng tôi để sử dụng chiều nay, mục đích là điều
chỉnh các tác xạ trên miền vào những điểm nghi ngờ súng cối và
những vùng tập trung quân hay Bộ Chỉ Huy của địch.
Lần này phòng không chúng không dàn
chào nữa, chúng sợ bị nhận diện và bị tiêu diệt, hoặc chúng có
thể đã bị tê liệt hay bị tiêu diệt rồi, lý do chính nữa là chúng
nhận được chúng tôi là Quan Sát Viên Phi Cơ nên chúng vào hệ
thống phá làm cản trở việc liên lạc, chúng dùng nhiều lời lẽ thô
tục; nhưng không ai trả lời, tất cả để tâm vào việc điều hành tác
xạ, sau khi điều chỉnh vào mỗi mục tiêu bằng 3 pháo đội tác xạ
theo chỉ thị của Đại tá Lữ đoàn trưởng, sau đó hệ thống tác xạ
im lặng, 15 phút sau các pháo đội thi hành TOT (time on target)
vào các điểm đã điều chỉnh mỗi mục tiêu thi hành 400 đạn nổ mạnh
cho mỗi pháo đội để thay thế cho B52, những mục tiêu này đã được
điều chỉnh kỹ càng cộng thêm vào sự tản đạn, 1200 đạn nổ mạnh, đủ
kiểu, đủ loại dội xuống mỗi mục tiêu, chắc chắn địch quân phải
thấm đòn bằng hỏa lực vũ bão này. Có một số vị trí súng cối sát
chân núi về phía tây của Căn cứ Hỏa Lực số 6 từ xưa đến nay chúng
chưa bị ai hỏi thăm chúng, làm sao chúng tôi có thể để chúng yên
ổn được, tôi cho lệnh các pháo đội bắn góc cao, trong pháo binh
thường nói quan sát viên phi cơ có điên mới cho các pháo đội bắn
góc cao, vì tai nạn rất dễ xảy ra, đạn nổ bất thường trên không
trung, do vậy có thể là tự sát, kinh nghiệm xương máu của pháo
thủ được đem ra chiêm nghiệm, máy bay trườn sang sườn tây của Căn
cứ, 3000 đạn pháo binh đủ loại sau khi được điều chỉnh, trải dài
như tấm thảm B52.
Suốt đêm hôm đó, TĐ11ND vùng vẫy như
muốn đánh thẳng lên Căn cứ số 6 sau khi đã được tác xạ pháo binh
mở đường, nên địch rất hoang mang và tin tưởng rằng chúng ta sẽ
đánh từ dưới đánh lên, dù vậy cũng chỉ gặp sức kháng cự của bộ
binh địch, không bị súng cối địch làm khó khăn như những cánh
quân trước, không hiểu chúng đã bị đo ván trong những loạt đạn
TOT, hay im lặng chưa cần khai hỏa, lúc đó tôi nghĩ rằng chúng
cũng đã nhận diện ra chúng tôi một địch thủ lợi hại rồi. Suốt đêm
đạn pháo của ta rớt liên tục trên LZ và những vùng khác nghi ngờ
có địch, lần đầu tiên chúng bị mất ăn mất ngủ, để sáng hôm sau
chúng được nếm đòn dứt điểm của các chiến sĩ Mũ Đỏ, những con yêu
của tổ quốc Việt Nam.
Ngày N (mồng 6 tháng 4 năm 1971), mọi
người còn đang ngái ngủ, nhưng chúng tôi BCH/LĐIIND và
BCH/TĐ2PBND đã thức làm việc, liên lạc, phối hợp. Tôi khoác vội
chiếc áo Saut cũ rích ra máy bay, hôm nay tôi và Đại tá Lữ đoàn
trưởng không đi chung máy bay, tôi phải điều chỉnh tác xạ nên
máy bay lượn qua lượn lại rất mệt, Đại tá Griffin muốn bay với
tôi, có lẽ ông ta chưa tin tài bắn GAP của các pháo thủ Mũ Đỏ,
nên ngồi chung với tôi có gì phối hợp đổ quân nhịp nhàng hơn, vì
đơn vị trực thăng Hoa Kỳ là đơn vị đổ quân đầu tiên xuống LZ,
đúng giờ G–0 rất nguy hiểm nếu phối hợp lạng quạng là sưng đầu
ngay (xin được giải thích rõ ràng hơn, phải tính toán làm sao để
khi trái đạn khói nổ trên LZ đúng G–0 vì chỉ 1 giây sau là máy
bay đầu tiên hạ cánh, người chiến sĩ đầu tiên bước chân ra khỏi
máy bay, phải di chuyển như từ trong cột khói chui ra, chúng tôi
đã làm cả ngàn lần như vậy tại chiến trường Tây Ninh và Cam Bốt).
Đúng 10:30g (tức 7:30g), mặt trời vừa
ló dạng chúng tôi đã đưa các loạt đạn vào mục tiêu theo ý muốn.
Trong cùng lúc đó Không Quân Việt Nam vào vùng đánh vào các mục
tiêu theo đúng kế hoạch hỏa yểm. Giờ G trừ 25, các loạt pháo binh
đầu tiên nổ trên LZ, những vùng địch ngụy trang kín đáo, pháo
binh đã bóc trần lộ liễu, có cây súng phòng không đã trơ trên đồi
trống trải. Giờ G trừ 10 năm trái đạn khói trên LZ, pháo đội
Cobra sà vào LZ đánh dọc hai bên sườn, không một phản ứng của
địch quân, chúng đã bị hỏa lực của ta vùi dập không dám ngóc đầu
dậy. Đại tá Griffin cho máy bay xuống thấp hơn, bây giờ chúng tôi
đang bay trong tầm của phòng không địch, nhưng những tên phòng
không chết nhát đang lẩn trốn vì bị ăn đạn liên tục từ hôm qua
đến nay đã mệt nhừ, hoặc giả có thể chúng bị tiêu diệt rồi, như
vậy là kế hoạch hỏa yểm đã thành công. Giờ G trừ 7 những loạt đạn
nổ nhanh, vũ bão của TĐ2PBND ào ạt dội trên mục tiêu lúc đó LZ
bụi đỏ bốc lên bay mù mịt, máy bay CNC lại xuống thấp hơn nữa,
rồi 3 trái khói nổ trên LZ, Pháo đội Không pháo và liên đội trực
thăng võ trang kèm hai bên đoàn trực thăng chở quân sà vào LZ,
đạn đại liên và hỏa tiễn của Không pháo và trực thăng võ trang
đánh nát hai bên LZ. Tôi nhìn rõ những anh em của tôi, những
chiến sĩ Mũ Đỏ kiêu hùng của TĐ6ND phóng mình ra khỏi trực thăng
đuổi theo lằn đạn của Không pháo, chui dưới làn khói của đạn pháo
binh nổ lúc G–0 tới các vị trí phòng không của địch, nhanh như
đàn chim cắt, lẹ như đàn chim ó săn mồi, hoàn toàn không nghe
tiếng súng cá nhân cũng như lựu đạn, tôi mừng rỡ nhảy tưng lên
nhưng bị dây an toàn giật lại chỗ ngồi. Tôi đếm từng trực thăng
xuống, tiếng báo cáo quen thuộc của 2 Tiền sát viên pháo binh đi
với 2 Đại Đội xuống bãi đáp, báo cáo về pháo đội điểm đứng và
tình hình vô sự, xen lẫn tiếng hô xung phong của các Thiên Thần
Mũ Đỏ TĐ6ND Việt Nam vang vang trong ống liên hợp.
Ngay đợt đầu ta hoàn toàn vô sự, bắt
sống 12 địch quân còn đang chúi đầu tránh pháo, và 6 cây phòng
không, rồi cứ từng bậc từng bậc các Trung Đội Nhảy Dù của TĐ6ND
bung rộng ra. Tiếng báo cáo thu chiến lợi phẩm vang trên hệ thống
chỉ huy của TĐ6ND, tiếng Tiểu đoàn trưởng TĐ6ND dõng dạc điều
quân trong hệ thống nội bộ, tôi muốn nghe cả 3 hệ thống nhưng chỉ
có một máy vặn qua vặn lại. Trong lúc đó Pháo Binh cũng như Không
Quân di chuyển hỏa lực sang các mục tiêu định sẵn trong kế hoạch
hỏa yểm, tôi vỗ vai Đại tá Griffin, ông cũng nghe được hệ thống
nội bộ của các cố vấn, ông cũng rõ tình hình, ra dấu chữ V bằng
hai ngón tay chỉ sự chiến thắng vinh quang, đợt thứ hai đổ quân
toàn bộ TĐ6ND xuống cũng vô sự, không một tiếng súng lớn của
địch, sau đó TĐ6ND theo đúng kế hoạch hành quân đánh sang sườn
phía tây của Căn cứ Hỏa Lực số 6, Đại tá LĐT muốn TĐ6ND ngay 15
phút đầu phải thanh toán xong toàn bộ các vị trí phòng không của
địch, không một trở ngại khi toàn bộ TĐ5ND xuống bãi đáp xong, và
tiến song song với TĐ6ND về hướng đông của Căn cứ, 2 đơn vị Mũ Đỏ
tiến cách LZ khoảng 600 mét thì đụng độ dữ dội với đơn vị địch.
Tôi thở ra nhẹ nhõm biết chắc chúng tôi
sẽ thành công dễ dàng, sau khi đơn vị đầu xuống LZ tôi nhường hệ
thống tác xạ cho các Tiền sát viên Pháo Binh làm việc, (đây là
những Sĩ Quan Pháo Binh đi theo từng Đại Đội Nhảy Dù, họ đi ngay
trên tuyến đầu cùng Đại Đội trưởng để điều chỉnh các loạt đạn
pháo binh khi hữu sự). Vì chúng tôi đánh ngang hông địch, địch
quân luống cuống bỏ chạy thoát thân, thương thay tất cả công sự
chiến đấu của địch quân đều đào hướng xuống chân núi, hoặc hướng
lên Căn cứ 6, không có một hầm nào hướng ngang hông cả, vì vậy
nay không sử dụng được chỉ còn nước tẩu là thượng sách, địch quân
hoàn toàn mất tinh thần, lớp chết lớp bỏ chạy tán loạn hàng ngũ,
bỏ lại cả xác cấp chỉ huy nằm vắt ngang giao thông hào, nhất là
đối đầu với chúng lại là đơn vị Thiên Thần Sát Cộng, đánh như vũ
bão không cho chúng kịp thở.
Chúng tôi đáp xuống BTL/SĐ22BB tại Tân
Cảnh báo tin chiến thắng, Đại tá Tư Lệnh Phó SĐ22BB có mặt, ông
sung sướng bắt tay chúng tôi và thốt ra một câu tự đáy lòng:
– Thật không thể ngờ các anh chiến
thắng nhanh như vậy, Nhảy Dù quả danh bất hư truyền.
Tôi biết ông từ trước, tôi biết đây là
những lời thành thực của ông, tôi nghe lòng mình chùng xuống vì
cảm động, danh dự này đứng đắn nhất phải dành cho các anh em
khinh binh xuống đợt đầu. Chúng tôi ra sân cờ, 6 khẩu phòng không
được chở trên 6 máy bay đổ quân, cùng 12 tù binh, món quà đầu
tiên cho SĐ22BB. Cùng lúc đó Đại tá Trần Quốc Lịch cũng đáp xuống
để quan sát chiến lợi phẩm; bắt được tù binh chúng tôi mới chắc
chắn rằng đơn vị tham chiến là Sư Đoàn 986 chính quy Bắc Việt;
hiện đang thuộc mặt trận B3.
Đại tá Griffin tay cầm hai lon bia lạnh
tặng Đại tá LĐT và tôi, ông nói trong niềm kiêu hãnh:
– Phối hợp với các anh quên cả mệt
nhọc.
Xong ông
hỏi gặng tôi thêm một lần nữa:
– Anh du học Mỹ lần nào chưa?
– Quả thật chưa.
– Tại sao anh phối hợp hỏa lực như Mỹ
vậy?
– Vì tôi
đã làm việc này quá nhiều khi hành quân chung với SĐ1KK Hoa Kỳ.
Ông hiểu ý siết tay tôi thật chặt. Sau
trận này, chúng tôi vô cùng hãnh diện; chúng tôi đã làm rạng danh
QLVNCH, chúng tôi chứng tỏ cho các cấp chỉ huy của Hoa Kỳ thấy
khả năng hành quân của QLVNCH, chúng tôi muốn nhờ họ gửi thông
diệp đến bọn phản chiến là chúng tôi chiến đấu để bảo vệ đất đai
và đồng bào của chúng tôi, chúng tôi không hiếu chiến, chúng tôi
lại càng không hèn nhát trước bất cứ một lực lượng hiếu sát nào,
chúng tôi đã mang niềm tin cho quân dân các cấp của khắp vùng
chiến thuật chứ không riêng gì Vùng II chiến thuật, nơi nào
chúng tôi đến là mang niềm vui đến cho mọi người, mang an bình
đến cho xứ sở, tôi nhẹ nhàng đọc vần thơ tiếng Anh mà tôi tin
rằng Đại tá Chỉ Huy Trực Thăng của Hoa Kỳ tại Vùng II đã được
nghe qua.
“Don't fear
When paratroopers here.”
Trời đất như vui mừng trước chiến thắng
của đoàn quân Mũ Đỏ, cỏ hoa muôn màu muôn sắc rộ lên đón ánh nắng
chan hòa, ấm áp của tháng đầu mùa hạ.
Máy bay CNC do Phi đoàn trưởng (Bạch
Tượng) đưa chúng tôi trở lại vùng hành quân, anh cố tình bay thấp
chung quanh phi trường Phượng Hoàng để thưởng thức bức họa thiên
nhiên; T/T Bính vui mừng ra mặt, anh lên tiếng trong hệ thống
inter:
– Tôi
không thể ngờ các anh lại thành công nhanh như vậy, bí quyết nào
để các anh đánh như vào chỗ không người?
– Ra trận cũng như võ sĩ lên đài đấu
vậy, tiên hạ thủ vi cường, kẻ nào tấn công trước, tấn công đúng,
tấn công mạnh, làm cho địch thủ phải lao đao mất tinh thần, để
địch thủ không còn tinh thần trả đòn nữa, nếu làm được như vậy
thì kẻ đó sẽ chiến thắng trong tầm tay. Muốn được như vậy chúng
ta phải biết sử dụng sức mạnh của chúng ta, tinh thần chúng ta
phải cao, kỹ thuật tác chiến của chúng ta phải nhuyễn, tránh dùng
sở đoản của ta.
– Thế nào là sở trường, thế nào là sở
đoản của các anh?
– Có gì đâu, sở trường của Nhảy Dù là
tốc chiến tốc thắng, bây giờ mà bắt chúng tôi bò đánh từ dưới
đánh lên đó là sở đoản đó, hoặc bắt chúng tôi đóng đồn, gác cầu
là sở đoản đó, tuy vậy cũng phải lựa chọn kỹ càng trước, không
phải nhắm mắt đặt kế hoạch.
– Đi bay với các anh chúng tôi thấy
thích thú, không còn thấy nguy hiểm nữa.
– Anh thấy có nguy hiểm gì đâu, sáng
nay đổ quân không một tiếng súng phòng không của địch.
– Tại các anh đánh phủ đầu, quan trọng
nhất là các anh đã đập tan các khẩu phòng không, rồi đổ quân ào
ạt, địch quân không ngờ nên không kịp phản ứng, phải công nhận kỹ
thuật của các anh cao, tôi chưa gặp 1 đơn vị nào tốc chiến tốc
thắng như các anh, nhất là chưa có đơn vị nào ở vùng này áp dụng
kế hoạch đổ quân táo bạo, chính xác, và có hiệu quả tốt đẹp như
vậy.
– Cách đổ
quân này không khó khăn gì, nhưng phải nhuần nhuyễn từ trên xuống
dưới, từ các khẩu đội Pháo Binh trở lên phải được huấn luyện kỹ
càng, bất cứ khâu nào không chu đáo là vô cùng tai hại cho mình
ngay.
Nói
chuyện một hồi, Bính cùng là dân Nguyễn Trãi, Chu Văn An cả, nên
từ đó câu chuyện thân mật, đượm tình thân hơn.
Máy bay lấy cao độ vào vùng hành quân,
trên không phận sườn đông của Căn cứ Hỏa Lực số 6, vùng trách
nhiệm của TĐ5ND, lúc đó TĐ5ND đánh đè bẹp quân thù như mèo vờn
chuột, địch quân dùng 3 Tiểu Đoàn tấn công CCHL số 6, nhưng
cũng không nuốt nổi khúc xương khó gặm này, chứng tỏ sức chiến
đấu của anh em chiến sĩ SĐ22BB trong Căn cứ thật đáng nể, quân số
không bằng một phần tư vậy mà địch không dứt điểm được.
Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù quả không hổ là
một trong những Tiểu Đoàn có sức chiến đấu hàng đầu của Sư Đoàn
Mũ Đỏ, với những Tiểu đoàn trưởng như Mũ Đỏ Ngô Xuân Soạn, Mũ
Đỏ Ngô Quang Trưởng, Mũ Đỏ Nguyễn Khoa Nam, v.v. Hôm nay TĐ5ND
lại đánh từ trên đánh xuống, từ ngang sườn đánh sang, một Đại
Đội của TĐ5ND đánh ngay trên đường đỉnh vào bắt tay với đơn vị
phòng thủ CCHL số 6; còn lại 3 Đại Đội tác chiến và Đại Đội chỉ
huy tiếp tục thọc ngang sườn địch. Làm gì có thêm một trận đánh
êm ái như vậy, địch quân ở địa thế hoàn toàn bất lợi, hỏa lực yểm
trợ của địch bị ta đánh tê liệt bởi những hỏa tập TOT chiều hôm
ngày N trừ 1, công sự phòng thủ không sử dụng được, vì bị bất ngờ
đơn vị phòng không tê liệt, trước tình hình thất bại nặng nề đó,
cho nên tinh thần chiến đấu của địch quân không còn, tháo chạy
tán loạn, bỏ lại cả xác Tiểu đoàn trưởng, tù binh vừa bắt được
là khai hết sự thật, không giấu giếm đơn vị, võ khí, và tình hình
lụn bại của địch, là những thứ ta cần khai thác ngay tại chỗ, đó
chính là yếu tố giúp ta chiến thắng dễ dàng tránh gây thiệt hại
cho ta.
Tiểu
Đoàn 6 Nhảy Dù bọc sườn Tây của Căn cứ, tình hình cũng tương tự
như TĐ5ND, nên cũng xông xáo như cọp vào giữa đàn nai, đơn vị có
dây biểu chương màu Tam Hợp, đã được các cấp chỉ huy như Mũ Đỏ Đỗ
Cao Trí, Mũ Đỏ Đỗ Kế Giai, Mũ Đỏ Dư Quốc Đống, v.v. Mặc dầu phải
đương đầu với Tiểu Đoàn Phòng Không và 2 Tiểu Đoàn tác chiến
của địch, nhưng cũng vẫn vững vàng tiến song song với TĐ5ND tiếp
tục gây cho địch những đòn sấm sét. Điểm thua lỗ chính yếu của
địch là: Địch trải 3 Tiểu Đoàn vây Căn cứ, ta đánh ngang sườn
cho nên chỗ nào khả dĩ đông quân nhất là có quân số cấp Đại Đội.
– Tù binh khai: Địch tin tưởng rằng nếu
ta đổ quân bằng trực thăng thì bắt buộc phải đổ quân vào trong
Căn cứ, rồi từ Căn cứ đánh ra, hoặc là đánh từ dưới chân núi đánh
lên, cho nên khi bị ta thọc ngang hông là điều hoàn toàn không
ngờ, tình hình ngoài sự tiên liệu của địch, hơn thế nữa là hệ
thống liên lạc với các Bộ Chỉ Huy cao hơn bị cắt đứt, không hiểu
vì lý do gì, ngay cả hỏa lực yểm trợ cũng không còn, các đơn vị
như rắn không đầu đang hoang mang, lại phải chiến đấu với một đơn
vị tinh nhuệ, tiến quá nhanh, hỏa lực quá mạnh, nên hầu như chỗ
nào cũng vậy hoặc chạy tháo thân hoặc đầu hàng. Tù binh cho biết,
chúng không biết đơn vị nào đang chạm trán với chúng, chúng than
rằng pháo chùm làm đơn vị Phòng Không của chúng hoàn toàn tê
liệt, lần đầu tiên trong đời những tù binh này bị Pháo nặng nề
như vậy, đến khi thấy vật gì lạnh ấn vào gáy chúng, cùng tiếng hô
giơ tay lên, chúng mới biết là chúng còn sống và bị bắt.
Ngay trong đêm 5 tháng 4 năm 1971, Pháo
Đội A2 Nhảy Dù, đơn vị có Pháo đội trưởng thâm niên nhất, Đại úy
Nguyễn Ngọc Triệu, thủ khoa Pháo Binh của khoá 11 Sĩ Quan Trừ Bị
Thủ Đức, năm 1973 là Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 2
Pháo Binh Nhảy Dù, hiện nay gia đình anh đang ở Houston, Texas.
Tôi cho đóng vị trí gần Căn cứ Hỏa Lực số 6 nhất, khoảng 12:00g
đêm, Pháo đội trưởng xin lệnh Tiểu Đoàn cho Test Fire, đây là
phương thức bắn thực tập, tất cả các loại súng cơ hữu của đơn vị
đều bắn như có địch tấn công vị trí kể cả súng pháo binh đều quay
nòng ngang bắn vào nơi nghi ngờ hoặc đạn nổ cao ghi thời nổ 2
giây, viên đạn pháo binh ra khỏi nòng 2 giây sau nổ, tất cả mảnh
đạn tạt về hướng trước nòng súng, do sức đi tới của viên đạn; tác
xạ này dùng để chống biển người, Test Fire cũng là một cách bắn
thực tập của Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ, đây không phải là phương
pháp thực tập mới mẻ gì, rất may cho pháo đội này là: Đúng lúc đó
1 đơn vị địch không rõ quân số đang định tấn công vị trí pháo
đội, địch tưởng bị lộ khai hỏa chống trả yếu ớt rồi rút lui, sáng
hôm sau, lục soát chung quanh vị trí thấy rất nhiều vết máu và
nhiều chất nổ bỏ lại, tôi hỏi Đại úy Triệu tại sao lại xin Test
Fire, có thấy dấu hiệu gì khác lạ hay không, anh cho biết tự
nhiên anh thấy nóng ruột rồi xin lệnh Test Fire, lúc đó không có
một dấu hiệu nào là địch chuẩn bị tấn công đơn vị của anh, trong
bất cứ trận chiến nào, chúng ta thoát chết là do “CÔ” che chở,
chúng tôi thường dùng chữ CÔ là để chỉ một sự việc huyền bí nào
đó không diễn tả nổi, mỗi khi ai đó thoát chết trong gang tấc đều
nói vui đùa với nhau là có CÔ che, danh từ riêng này cũng bị lạm
dụng, mỗi khi thắng canh bạc nào đó cũng khoe là có CÔ độ, tôi
không tin CÔ độ như vậy, nếu hôm đó PĐA2ND không xin Test Fire
thì hậu quả không ai có thể tiên đoán trước được.
Tâm lý chung của các đơn vị Mũ Đỏ là
muốn thanh toán chiến trường cho thật nhanh để còn về nghỉ tại
Sài Gòn, biết bao mong đợi ở đó, biết bao nhiêu huy hoàng ở đó,
chỉ một vài ngày ở lại Sài Gòn thôi, biết bao nhiêu thú vị với
mong chờ đầy vơi, cho nên khi tiến tới tấn công mục tiêu nào
chăng nữa, cũng thanh toán nhanh chóng, tiến cho lẹ để còn về
nghỉ, ánh đèn màu hấp dẫn làm sao! Nụ hôn người yêu nồng cháy
ngút trời, tiếng con thơ dịu dàng quyến luyến, đêm hẹn hò thần
tiên khó quên còn hơn bia đá, những thứ này còn hấp dẫn hơn huy
chương, huy hoàng hơn tưởng thưởng khao quân. Năm 1967 khi Chiến
Đoàn 2 Nhảy Dù có lệnh về Sài Gòn nghỉ dưỡng quân tại Sài Gòn, vị
tư lệnh chiến trường nói với vị Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 2
Nhảy Dù như sau:
– Anh ở lại thêm ít ngày nữa sẽ có Tổng
thống ra đây gắn huy chương cho anh.
Vị Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 2 Nhảy
Dù đã nhanh nhẹn trả lời như sau:
– Không được, có lệnh là tôi về, không
huy chương nào lớn hơn vợ con tôi.
Sau đó ít ngày một Chiến Đoàn khác ra
thay thế.
Sài
Gòn hay hậu cứ đơn vị, chính là động lực khích động tinh thần
chiến đấu đơn vị Mũ Đỏ. Cho nên khi gặp các đơn vị ngang cơ nghĩa
là một chọi một, thì cháu bác Hồ gặp đơn vị Mũ Đỏ ngày nào thì
ngày ấy chính là ngày giỗ vậy. Trong trận này ngày đầu 1 Trung
Đội Địch phải đương đầu với 1 Đại Đội Mũ Đỏ, (vì các Tiểu Đoàn
Nhảy Dù tham dự các cuộc hành quân tương tự chỉ để 1 Đại Đội đi
đầu mà thôi, hằng ngày các Đại Đội thay phiên nhau đi đầu, hoặc
tình hình đặc biệt mới có sự thay đổi khác đi) như vậy hỏi làm
sao chúng tôi không chiến thắng dễ dàng cho được, bất cứ 1 đơn vị
nào của QLVNCH gặp địch như chúng tôi gặp tại CCHL số 6, kế hoạch
hành quân cũng tương tự, kể cả lực lượng Nhân Dân Tự Vệ ở Sài Gòn
tham chiến thì cũng chiến thắng oanh liệt tương tự như vậy, còn
những ngày sau thì địch không còn 1 đơn vị nào có cấp số nữa,
hoang mang không chỉ huy, không tiếp tế, không tản thương, chiến
đấu trong cô đơn, lẻ tẻ thay phiên nhau chém vè hoặc đầu hàng.
TĐ11ND ngày N trừ 1 được điều động sang sườn phía đông của Căn cứ
Hỏa Lực số 6, ngay ngày hôm đó cố gắng vùng vẫy như muốn tiến
thẳng lên CCHL số 6, để đánh lừa địch không chú ý đến ý định điều
quân của ta, ngày N–0 được điều động sang hướng bắc của Căn cứ
mục đích chậnn đường chém vè của địch quân, và cũng chính là lực
lượng trừ bị cho cuộc hành quân. Chính nhờ nhiệm vụ chận đường
này mà TĐ11ND tuy chỉ là đơn vị trừ bị, nhưng cũng đã gặt hái
được kết quả tốt đẹp; khi địch quân tháo chạy về hướng này. Khi
khai thác tù binh tại chỗ chúng tôi biết địch phối trí đơn vị
đánh CCHL số 6 như sau:
– Tiểu Đoàn Phòng Không gồm 12 súng
phòng không, nhưng đã bị tổn thất, chỉ còn 10 súng đại liên phòng
không tham chiến mà thôi, đơn vị này chưa được trang bị hỏa tiễn
phòng không, được bố trí chung quanh tiền đồn của Căn cứ vì đó là
điểm cao nhất, chính đó là nơi đổ quân của ta, ngay giờ phút đầu
TĐ6ND đã tịch thu 6 khẩu nguyên vẹn, nhân viên phần đông đã bị
chết, số còn lại bị bắt sống. 4 khẩu còn lại bị TĐ6ND tiêu diệt
cả súng và nhân viên 3 khẩu; TĐ5ND tiêu diệt 1 khẩu, như vậy toàn
bộ Tiểu Đoàn phòng không bị tiêu diệt hoàn toàn.
– 1 Trung Đoàn cộng 1 đơn vị đặc công
vây quanh Căn cứ, chúng chia ra: 1 Tiểu Đoàn cộng đơn vị đặc
công, tấn công và bố trí ở sườn đông của Căn cứ, hướng tiến quân
của TĐ5ND, 2 Tiểu Đoàn và bộ chỉ huy trung đoàn, tấn công và bố
trí ở hướng tây Căn cứ, hướng tiến quân của TĐ6ND, riêng bộ chỉ
huy trung đoàn bị thiệt hại nặng vì hỏa tập TOT chiều ngày N trừ
1, và vì vậy đã mất liên lạc với các đơn vị trực thuộc. Tù binh
còn cho biết mỗi Tiểu Đoàn chiến đấu của chúng quân số có
khoảng trên 300 người. Sang ngày N cộng 1 tuy không còn chạm địch
nặng nữa, nhưng bay trên không vẫn thấy súng lớn nhỏ nổ đều đặn,
nghe như vẫn chạm địch nặng, nhưng thật sự thì các đơn vị Mũ Đỏ
đã dùng B40, B41, và súng cộng đồng tịch thu được bắn theo địch
quân bỏ chạy, để nhẹ nhàng khi mang chiến lợi phẩm về.
Tổng kết 2 ngày đầu: Tiểu Đoàn phòng
không bị tiêu diệt hoàn toàn, trung đoàn bị thiệt hại ½ quân số,
số còn lại như rắn không đầu, tinh thần chiến đấu không còn, đa
số tháo chạy trối chết, chỉ những đơn vị không còn đường chạy mới
phải đương đầu với các đơn vị Mũ Đỏ. Hai trung đoàn còn lại một
trung đoàn, được tăng cường thêm một Tiểu Đoàn nữa, chận đánh
quân đến tiếp viện, chúng bố trí tại những nơi mà chúng tiên đoán
các đơn vị của ta sẽ tiến quân, Trung Đoàn trừ còn lại là đơn vị
trừ bị của Sư Đoàn, khi các hỏa tập TOT ngày N trừ 1 trúng ngay
Trung Đoàn trừ bị, Trung Đoàn chận viện và bộ tư lệnh Sư Đoàn,
nên Trung Đoàn trừ bị Trung Đoàn chận viện và bộ tư lệnh Sư Đoàn
đã rút lui ngay đêm ngày N cộng 2, chúng sợ ở lại sẽ bị tổn thất
thêm, vì vậy các đơn vị Mũ Đỏ thật sự chỉ chạm trán với Tiểu
Đoàn phòng không, Tiểu Đoàn đặc công, và 3 Tiểu Đoàn chiến
đấu, nếu điều quân đánh từ dưới đánh lên, các đơn vị Nhảy Dù sẽ
phải đương đầu với 4 Tiểu Đoàn chận viện, sau đó đụng với 1
trung đoàn có đặc công tăng cường, và 1 Tiểu Đoàn phòng không,
nếu tiến quân như vậy một vài tháng không hiểu có làm nên cơm
cháo gì hay không, đường về Sài Gòn quả thật là mờ mịt, hơn thế
nữa cuộc chiến càng kéo dài thì tinh thần chiến đấu càng xuống
thấp, việc quyết định của cấp chỉ huy vô cùng lợi hại cho đơn vị,
may nhờ rủi chịu vậy thôi.
Sau khi nghe thuyết trình của Quân Đoàn
II/SĐ22BB và sau khi bay quan sát, Đại tá Lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn
II Nhảy Dù đã có ngay quyết định, phải xin máy bay chiến lược B52
vào những điểm ông nghi ngờ là vùng tập trung quân của địch, sau
khi được Quân Đoàn II trả lời không có B52, ông quay sang cho
lệnh tôi phải sử dụng Pháo Binh thay thế B52, ông nói:
– Mình chơi mỗi Box 1000 đạn pháo binh
thì cũng như B52, cái quan trọng là có xin được đạn Pháo Binh hay
không? Tôi thấy cần phải đánh ngay lên đầu đơn vị đã chận đánh
các đơn vị trước, các vị trí súng cối, những đường thông thủy
chúng sẽ ém quân tại đó, sườn tây của CCHL số 6 cần phải pháo
mạnh không thì đây chính là nơi an toàn của chúng.
Tôi đã có sẵn câu trả lời: là Pháo Binh
có thể làm thay thế B52 được và có đạn, vì ngay từ buổi đầu tôi
đã đặt câu hỏi này với Trung tá Trịnh Lê Triển, Chỉ huy trưởng
Pháo Binh SĐ22BB và đã được Thiếu tướng Tư Lệnh SĐ22BB trả lời là
không hạn chế đạn Pháo Binh, không những vậy những mục tiêu này
lại được quan sát và điều chỉnh bằng Quan Sát Viên Phi Cơ, cho
nên nó có kết quả vô cùng tốt đẹp là Trung Đoàn Trừ Bị, Trung
Đoàn chận viện, và Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn của Cộng quân phải bị di
tản không kèn không trống, mất cả liên lạc với các đơn vị tuyến
đầu. Chắc chắn sau này Phòng 2 của Quân Đoàn II phải có tin tức
thiệt hại bởi những trận pháo quy mô này của ta, rất tiếc sau này
hành quân liên miên, không ngóc đầu lên được, thời giờ đâu có thể
phối kiểm tin tức không đâu này, thật ra nếu biết rõ sự thiệt hại
của địch quân, tin tức này chỉ có lợi cho các đơn vị diện địa,
còn chúng tôi xa vời vợi, nay đây mai đó, chúng tôi lại phải
đương đầu với đơn vị địch mới, địa thế khác, tình hình bạn cũng
khác xa.
Cuộc
chiến tuy kéo dài 13 ngày, nhưng các đơn vị Mũ Đỏ thật sự chỉ
chạm địch mạnh có 2 ngày đầu, còn những ngày sau tuy có chạm địch
đấy nhưng không đáng kể nữa, nhiệm vụ còn lại là đi kiếm để phối
kiểm xem địch quân có đào hầm hàm ếch hay không, nhưng không thấy
loại hầm này, mà chỉ thấy giao thông hào chung quanh Căn cứ, các
công sự chiến đấu bình thường như các chiến trường khác, có một
vài nơi có hầm đào ngay dưới những tảng đá lớn có lẽ là hầm chỉ
huy.
Lúc đó
chúng tôi cũng biết SĐ22BB thật tình muốn cầm chân các đơn vị
Nhảy Dù ở lại, để có thời gian củng cố hệ thống phòng thủ CCHL số
6, nhất là khu tiền đồn không thể lơ là được, và muốn sử dụng các
đơn vị Nhảy Dù để truy kích địch, nhưng Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH
biết rằng chúng tôi quá mệt mỏi, nên đã cho lệnh Quân Đoàn II
phải sử dụng các đơn vị cơ hữu của Quân Đoàn để truy kích địch
quân, vì vậy 1 Liên Đoàn Biệt Động Quân được điều động thay thế
Lữ Đoàn II Nhảy Dù, chúng tôi thơ thới hân hoan trở về Sài Gòn,
với bao nhiêu thương nhớ đầy vơi, biết bao nhiêu mong chờ được ôm
trọn thương yêu, giọt lệ em gái hậu phương đã có người ân cần
chấm cho vơi đi sầu nhớ.
Sau khi Lữ Đoàn II Nhảy Dù về Sài Gòn
nghỉ xả hơi, khoảng vài tháng sau, cũng đơn vị này, sư đoàn 986
chính quy của quân đội miền Bắc, bị thiệt hại nặng nề khi tham
chiến tại Căn cứ Hỏa Lực Số 6, nay được bổ sung quân số và vũ
khí, trở lại đánh Căn cứ Hỏa Lực số 5, nằm phía Tây–Nam của Căn
cứ Hỏa Lực số 6, khoảng 6 cây số đường chim bay, nhưng lần này
không được tăng cường Tiểu Đoàn Phòng Không như lần đánh Căn cứ
Hỏa Lực Số 6, các đơn vị của Quân Đoàn II lại một lần nữa không
tự lực giải tỏa cho Căn cứ Hỏa Lực số 5 được, nên Nhảy Dù lại
phải lên đường Tây Nguyên một lần nữa. Khi Tiểu Đoàn 2 Pháo
Binh Nhảy Dù về đến Sài Gòn, cấp trên lại điều động tôi trở lại
Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh Nhảy Dù, đơn vị mà cấp trên biết tôi gần
gũi hơn, tuy chỉ được nghỉ ngắn ngủi, nhưng Sài Gòn đã thỏa mãn
cho tôi mọi mong chờ, chân tay mềm dẻo không còn cứng đơ như
trong Hạ Lào hay Kontum.
Lần này không phải Lữ Đoàn II
Nhảy Dù mà là Lữ Đoàn I Nhảy Dù, Đại tá Lê Quang Lưỡng lên đường
giải tỏa áp lực địch tại CCHL số 5, với những thành phần như sau:
LĐIND, Đại tá Lê Quang Lưỡng Lữ đoàn
trưởng, Trung tá Lê Văn Ngọc Lữ đoàn phó.
TĐ1ND, Thiếu tá La Trịnh Tường Tiểu
đoàn trưởng, Thiếu tá Nguyễn Văn Nhỏ Tiểu đoàn phó.
TĐ8ND, Trung tá Văn Bá Ninh Tiểu đoàn
trưởng, Thiếu tá Đào Thiện Tuyển Tiểu đoàn phó.
TĐ9ND, Thiếu tá Trần Hữu Phú Tiểu
đoàn trưởng, Thiếu tá Võ Thanh Đồng Tiểu đoàn phó.
TĐ1PBND, Thiếu tá Bùi Đức Lạc Tiểu
đoàn trưởng, Thiếu tá Nguyễn Văn Thông Tiểu đoàn phó.
PĐA1ND, Đại úy Nguyễn Thành Tựu Pháo
đội trưởng.
PĐB1ND, Đại úy Hoàng Văn Thái Pháo đội trưởng.
PĐC1ND, Đại úy Nguyễn Cẩn Ngọc Pháo đội
trưởng.
PĐCH1ND, Đại úy Nguyễn Kim Việt Pháo đội trưởng.
Bất cứ lần xuất quân nào của các đơn vị
Mũ Đỏ cũng chạm trán nảy lửa, nếu trận mạc bình thường thì các
Quân Đoàn không cần xin đơn vị Tổng Trừ Bị, mà các đơn vị cơ hữu
của Quân Đoàn đều có thể giải quyết chiến trường được. Đơn vị
Nhảy Dù đến đâu là, chắc chắn xương máu của chúng tôi phải đổ
thay cho các đơn vị đang tham chiến tại chỗ, đem bình yên đến cho
đồng bào, đem niềm vui đến cho các đơn vị bạn, đem kinh hoàng đến
cho quân thù, nhưng chưa một lần chúng tôi được quyền kiêu hãnh,
chúng tôi coi đây chính là nhiệm vụ của mình phải hoàn thành,
nhiệm vụ của đơn vị Tổng Trừ Bị, là nhiệm vụ chiến đấu trải dài
trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Đã tròn 13
năm, các chiến sĩ Mũ Đỏ không còn được tung hoành trên khắp nẻo
đường đất nước, không còn được lấy súng làm vợ lấy đạn làm con,
những cánh Thiên Thần không còn tung bay để diệt trừ loài quỷ
hại dân hại nước, mà chim Nam lúc nào cũng phải đậu cành Nam,
ngậm đắng nuốt cay nhìn về cố quốc.
“Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn
đây”
Tháng 4 năm 1988
MĐ Bùi Ðức Lạc
Hoàn chỉnh tháng 4 năm 2004
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by cathy chuyển
Đăng ngày Chúa Nhật, February 9, 2025
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang