Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện
ngắn
Chủ đề:
2 AE hoa tiêu
Tác giả:
Nguyễn Mạnh Côn
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Trung
tá Trần Lương Phúc, còn gọi Phúc Hên, hôm nay đã ra khỏi quân
chủng. Đời người phi công, đến tuổi nào đó, sẽ mất dần tính chất
bén nhạy của phản ứng giác quan; đồng thời, cũng kém dần về sức
chịu đựng dẻo dai của thân thể. Đến lúc nào đó, hay tuổi nào đó;
một phi công chiến đấu sẽ không được lái tàu chiến đấu nữa. Đời
người phi công đến đây là chết mất quá một nửa. Anh ta sẽ tìm
cách xin biệt phái sang lái những chiếc tàu hạng ì–ạch, 3, 4 trăm
cây số/giờ; hoặc, lái những máy bay chở khách hạng trung, không
vượt quá nghìn cây số.
Trung tá Phúc khi phải chọn lựa, đã
không chọn cả 2 biện pháp. Ra khỏi hàng ngũ, anh tìm đến trú ngụ
tại một thị trấn nằm bên bờ biển. Mỗi buổi sáng mua nhiều cá thả
xuống một cái hồ nước nhỏ; và, mua thêm nhiều thứ ngô, đậu làm
thức ăn cho một giống chim trắng toát có vết đen nâu, có đôi cánh
rất rộng; thường bay chập chờn, rỡn chơi trên những làn sóng bạc
đầu vào những ngày biển động. Ở nhiều nơi, người ta gọi loài chim
đó là những con mố.
Mấy người thủy thủ Việt đi trên tàu
xuyên đại dương cũng gọi chúng như vậy.
Trung tá Phúc có người em trai, kém 1
tuổi, cũng tên Phúc, Trần Nhân Phúc; nhưng không phải là Phúc
Hên, vì hiện nay gọi là cố thiếu tá Phúc. Trong quân chủng, thiếu
tá Phúc là Phúc Em. Em ngã tàu vào một buổi chiều mưa. Ba tháng
sau, Phúc Hên không còn khả năng lái tàu chiến đấu nữa; nhưng anh
ta vẫn còn trong hàng ngũ được mấy năm, làm phi công vận tải. Rồi
sau đó, anh ta xin giải ngũ, ra ở ngoài bờ biển, ngày ngày nuôi
những con mố đó; thì, có một con là em anh ta. Hay nói cho đúng,
thì, có một con mố nào đó, ở một miền duyên hải nào đó của nước
Việt Nam, nơi trú ngụ của linh hồn Phúc Em.
Câu chuyện thực buồn nhưng không đến
nỗi đau khổ. Hai anh em Phúc cùng lớn lên trong một gia đình đoàn
tụ, nên rất thương yêu nhau. Phúc Em có phần thông minh hơn và
Phúc Em khỏe mạnh, to lớn hơn.
Phúc Em học giỏi, vượt theo kịp anh;
rồi vượt luôn trong bảng sắp hạng tam cá nguyệt. Nhưng Phúc Hên
không ghen với em, vì anh ta ham chơi hơn ham học – chơi, ở đây
chơi thể thao, đá banh, đánh quần vợt. Đấu võ, Phúc Hên có nhiều
dịp bênh em trong những cuộc tỉ thí; nguyên nhân không mấy khi là
ngoài mấy cô bạn gái xinh đẹp. Nhờ thế, anh ta không mang mặc cảm
đối với cậu em học giỏi; trong khi Phúc Em đã không dám coi
thường anh – ngược lại, còn biết ơn và kính phục Phúc Hên, như
một tay hiệp sĩ giang hồ.
Đến cuối ban trung học, Phúc Hên thi
trượt bằng Tú tài 2. Anh không ngần ngại tình nguyện vào không
quân. Phúc Em đậu cao, lên đại học được hơn 1 năm; rồi cũng tình
nguyện vào không quân, tình nguyện theo học lớp hoa tiêu. Người
ta có thể tin rằng thái độ sống ngang tàng, những cử chỉ hào hoa
phong nhã và, có lẽ cả bộ quân phục của Phúc Hên đã ảnh hưởng đến
em anh ta không ít. Người tuổi trẻ làm bạn với nhân vật trong
sách vở nhiều hơn với người đời, chắc hẳn đã qua người anh đã tạo
thành một mẫu mực lý tưởng cho cuộc sống.
Phúc Em vào không quân, tốt nghiệp sĩ
quan hoa tiêu, rồi nài nỉ xin về cùng đơn vị với anh. Và từ bấy
giờ, anh em không rời nhau lấy một giờ. Khi xuất trận thì cùng
một phi tuần, khi dạo phố cũng một đôi... Thậm chí khi gặp Mến,
cô sinh viên không bao giờ đánh phấn của đại học Y, Dược; thì,
anh em không ai bảo nhau, lại cùng mê nàng một lượt.
Mến có lần tâm sự với bạn thân:
– Thật khổ cho tao: chọn một, thì tao
biết chắc sẽ có một gia đình êm ấm; với người chồng thi gì cũng
đậu, làm gì cũng xứng đáng hết. Nhưng tao còn trẻ, việc lấy chồng
còn xa xôi; mà, ngay trước mắt lại có một người yêu lý tưởng, một
người yêu quàng tay dạo phố; tao biết chắc không thiếu gì có đứa
ghen tức, thèm thuồng. Băn khoăn quá, có lần tao đem đồng tiền xu
mang hình cụ Diệm để xin “âm dương” – ngửa chọn anh, xấp chọn em;
sau lại sợ, không dám...
Lời đứa bạn thân:
– Thì mày chỉ việc nhận lời tên nào nói
trước.
–
Nhưng, chưa có tên nào nói cả.
Đúng như thế, Phúc Hên không nói, Phúc
Em không nói. Thâm tâm, anh nào cũng yên chí Mến ngả về mình
nhiều hơn. Cả 2 anh em đều không nói ra, hình như họ quyết định
nhường cho nhau. Một người bạn là cấp trên có dịp được nghe Phúc
Em phân trần:
– Những kẻ đọc sách như tôi, nước ta không thiếu; mà thiếu những
người như anh tôi. Đối với tôi, may có điều kiện học thêm, cũng
đậu được cái bằng tiến sĩ, kỹ sư; rồi về nước, gặp hoàn cảnh thì
tôi cũng có thể làm đến tổng giám đốc một xí nghiệp nào đó. Chỉ
thế thôi, trừ phi tôi lao vào chính trị, cũng lừa lọc, gian dối
như ai; hẳn là cũng có thể có một chân trong chính phủ... Còn anh
tôi thì khác, đầu óc thực tế hơn, có tài tổ chức, lại chỉ huy
vững vàng. Anh có đủ khả năng tự bảo vệ, đủ khả năng tấn công bất
cứ ở đâu, lúc nào... nhất là trong công cuộc cải tạo xã hội;
chúng ta cần đến hạng người có khả năng lôi cuốn nhiều người
khác; hạng người tin tưởng vừa phải vào công lý; mà, cũng tin
tưởng vừa phải vào sự thật.
Rồi không biết liên tưởng thế nào, Phúc
Em nói tiếp:
–
Chính anh tôi mới đáng sống; cuộc chiến còn kéo dài, chưa biết ai
sẽ thoát được. Nhưng, nếu tôi có quyền gì, tôi sẽ nhường sự sống
cho anh ấy. Anh ấy đáng được hưởng hạnh phúc.
Câu nói cuối cùng kỳ lạ, có thể là lời
nói gở; Phúc Em gặp nạn sau đó ít bữa.
*****
Vào một buổi chiều vần vũ, trần mây
thấp, gió mạnh; có 1 phi tuần A1 trên đường về; lại chỉ có 2
chiếc tàu của anh em Phúc. Tàu tránh mây đen phải bay thấp, giữ
bình phi dưới 3000 bộ. Phúc Hên gọi em:
– Lốc Đen 2, đây 1, trả lời.
– 1, đây 2; nghe anh 5/5.
Tiếng cười ngắn trên làn sóng, đoạn:
– Phúc coi chừng, chúng mình đang bay
trên đất địch.
– Lốc Đen 1 yên chí lớn đi... mấy thằng
tay mơ không dám để lộ mục tiêu đâu!
– Nghe nói có SA7 tầm nhiệt phóng tay;
và 57ly phòng không đấy. Đừng khinh địch, Phúc.
Phúc Em cười thành một chuỗi dài:
– Phải rồi, ông bao giờ cũng thế, chỉ
lo cho tôi. Ông quên rằng địch chỉ lo nhắm bắn thằng đầu đàn.
– Nhưng tao là Phúc Hên, tao nhiều may
mắn, mày quên sao?
Phúc Hên bỗng khựng lại. Phi tuần có 2
anh em; mình hên thì ai xui đây? Một chút gì tê tái mới chớm lên
trong lòng, đã bị đè chặt xuống; Phúc gọi em bảo sang tần số của
phi tuần:
– À
này Phúc, tối nay về, đến chơi đằng Mến nhé.
– Nên lắm, nhưng ông đi một mình.
– Còn mày, sao không đi?
– Tôi hơi mệt.
– Láo. Mày phải đến, mày không đến, nó
buồn.
– Sức
mấy mà buồn!
–
Sao lại không! Mày không thấy ư, hễ có mày, Mến tới ngồi sát bên
mày suốt buổi sao?
– Phải rồi, ngồi suốt buổi để tập đàn
mà thôi. Còn ông, cứ ra ngoài đường, ai bám lấy tay ông kè kè
đấy?
– Thì...
thì... nhưng, tao là anh, tao có nhiều kinh nghiệm hơn mày. Tao
muốn mày...
Một tiếng cười dở dang, bỗng tắt lịm. Một lóe sáng bên cánh phải.
Một cách rất máy móc, Phúc Hên duỗi chân phải, co chân trái,
nghiêng một nửa thân tàu. Và liếc thật nhanh, thấy tàu Phúc Em
chao động.
–
Hello... Phúc, Phúc, có sao kh... ô... ng?
– Có.
Tiếng cười đứt đoạn được tiếp nối. Phúc
Hên mở thắng gió, nghiêng tàu trở lại. Tàu của Phúc Em chao động
mạnh, làn khói đen mù mịt phun về phía sau. Nơi chân, khói lửa
vàng liếm chung quanh cốc–pít.
– Phúc, Phúc... đừng cười, tàu nổ đến
nơi rồi, bấm dù mau đi.
– Thong thả...
Tiếng cười ngắt quãng, nhưng vẫn là
tiếng cười. Phúc Hên từ phía dưới nhìn lên, hình như Phúc Em quay
đầu lại tìm mình.
– Phúc! nhảy ngay đi!... Anh bắn cô–vơ,
đợi trực thăng đến bốc đi. Hello! Võng Mây, nghe thấy không? Trả
lời!
– Đây,
Võng Mây. Tôi nghe anh 5/5, mọi chuẩn bị đều sẵn sàng. Hãy cho
tôi tọa độ, tôi cho...
Tiếng Phúc Em cắt ngang, bình tĩnh:
– Lốc Đen 2 nói với Võng Mây... cảm ơn
bạn, quá muộn rồi. Chúng nó bắn tôi hơi đau. Pháo bắn ghế không
nổ... Tôi chỉ còn 1 tay...
Đoạn, bất thình lình:
– Anh! Anh Phúc! Địch ở 2 giờ, coi
chừng... để em xuống với chúng nó.
Tàu của Phúc Em bốc cháy phừng phừng,
bắt đầu nghiêng cánh phải. Từ một khoảng rừng thưa, màu xanh tươi
giữa biển cây xanh đen, có những đốm lửa bay lên, cách quãng nhau
khá xa. Tàu của Phúc Hên rung rinh, vì những tiếng nổ gần. Những
đám mây nhỏ nở hoa đen trắng trước cánh quạt, bên cánh đằng sau.
Đúng rồi, chúng nó phục 57ly kiểu mới của Nga ở đây, trước sau gì
cũng có anh em bị.
Phúc Em chắc hẳn cũng biết như vậy...
Nó đang lao xuống... cầu Trời cho tàu đừng nổ giữa đường. Át hẳn
những tiếng lục đục, tiếng của Phúc Em nhanh và nhẹ, như vui
tươi:
– Đúng
rồi anh ơi, đại bác 57ly kiểu mới, nòng cao hơn ngọn cây... Hai
thằng chập một, mấy tên áo vàng chạy như vịt. 300 bộ. Anh Phúc
ơi, cho em gửi lời chào chị Mến... chị Mến...
Lửa đỏ tóe lên, khói mù mịt. Một người
anh ngồi lặng trong tàu, chiếc tàu lượn quanh cột khói. Sáu bề im
lặng, rừng già bạt ngàn. Khói tan dần. Nhìn xuống dưới, Phúc Hên
chỉ thấy giữa một vòm xám đen, một khoảng đất trống ngổn ngang
những mảnh vụn. Đứa em yêu quí gần gũi đã đi rồi... Phúc Hên
không nghĩ gì không cảm thấy gì, cứ bay quanh vòng xám đen mãi
cho đến khi sương xuống, như một tấm màn tang sô gai bao la phủ
kín biển xanh mênh mông.
Trong khi đó, còn văng vẳng bên tai
chàng phi công thui thủi một mình, tìm về bãi đáp.
– Hello! Lốc Đen 1. Phượng Hoàng có
mặt... Đây Phượng Hoàng... chia buồn với anh. Mặt Trời biết, chia
buồn với anh...
*****
Tất cả anh em đều biết, dưới bề ngoài
vững chắc vui tươi; Phúc Hên là người giàu tình cảm. Phúc Hên
thương em vô cùng, trong tình thương có pha lẫn một niềm quí
trọng rõ rệt. Cứ mỗi khi 2 anh em cãi nhau về một điều gì, Phúc
bao giờ cũng chịu thua. Thua là thua, trong ánh mắt của Phúc,
thấy dày ngộp vui thích, hãnh diện. Phúc Em quả là con người rất
xuất sắc, rất đặc biệt. Nhưng con người ấy đã đi rồi.
Phúc Hên không ở lại đơn vị được vì anh
ân hận không nguôi, chính bởi anh nêu gương, khiến cho Phúc Em
vào không quân. Đủ tuổi học, thừa điều kiện “chớp” học bổng đi
ngoại quốc thì nó làm sao mà chết được... Càng nghĩ, Phúc Hên
càng thấy trách nhiệm quả là lớn lao, đâm ra oán giận luôn những
con tàu săn địch. Anh không muốn ngồi trong phòng lái, không muốn
đến gần, không nghe nói. Chuyến bay nào cũng trở thành miễn
cưỡng, tuy anh không muốn rời bỏ nghề bay. Chỉ còn cách thuyên
chuyển Phúc Hên sang một đơn vị vận tải nặng.
Với chức vụ hiện tại, Phúc Hên rất ít
khi phải đích thân lái tàu, trừ trường hợp khẩn cấp là thiếu hoa
tiêu nhiều quá. Như đã xảy ra, nhân vụ lụt năm xưa. Bao nhiêu máy
bay có thể cất cánh được đều bị bộ tổng tham mưu trưng tập để chở
thóc, gạo, cơm sấy quần áo, chăn màn ra miền Trung. Cho nên đến
lượt Phúc Hên phải lái chiếc tàu phản lực Boeing 727 chở một phái
đoàn đi ngoại quốc 24 giờ, rồi trở về ngay.
Phúc Hên lãnh đạm lên tàu, chuyến đi
không có gì trục trặc. Chuyến về, có mấy cô tiếp viên nữ bên dân
sự đi nhờ, và được trưởng phái đoàn thỏa thuận. Chiếc máy bay
Boeing 727 tới phi trường Đài Bắc khoảng xế chiều, rồi qua Hong
Kong đậu lại khoảng 10 tiếng đồng hồ. Lên đường trở lại vào nửa
đêm, Phúc Hên nói với trưởng phái đoàn:
– Gần sáng tàu về đến Sài Gòn.
– Sao lâu quá thế?
– Vì bay trên lộ trình VIP bảo đảm an
ninh 100% cho hành khách. Chúng tôi men xa ngoài mặt biển, ra
khỏi tầm của bất cứ loại vũ khí nào của địch, dù là thật hoặc
phỏng đoán.
–
Thế các máy bay bay đường quốc nội, thì sao?
– Cũng thế, từ Đà Nẵng hay Nha Trang
thì bay thẳng về phía Đông 50 cây số, rồi mới quay mũi xuống phía
Nam.
– Còn
những tàu khác, ví dụ như tàu tiếp tế ra ngoài Trung, nếu phải đi
vòng chẳng hóa ra phiền phức, tốn phí lắm sao?
– Thưa, không phải vậy, tàu thường đã
có một hành lang an toàn được định sẵn. An toàn tương đối thôi và
cũng thay đổi luôn, tùy theo hoạt động địch quân ở dưới đất.
– Người ta đi được, mình cũng đi được.
Nếu tôi không nhầm thì loại tàu này có thể lên cao 35 ngàn bộ;
không lẽ bay trên không phận của mình cũng sợ hỏa tiễn SAM sao?
Yêu cầu trung tá cho tàu đi theo hành lang đã được xác định.
– Thưa, tôi không được quyền, trừ phi
cụ ra lệnh. Tuy nhiên, tôi sẽ hỏi ý kiến Sài Gòn.
– Vâng, tôi ra lệnh.
Sài Gòn đồng ý, Phúc Hên cũng thấy vui
vui. Ai bảo “mấy ông già làm lớn thì đều nhát như thỏ đế”. Mấy
người trẻ họp nhau vào bàn tán trong căn phòng nơi cuối tàu. Họ
tự giới thiệu:
– Tôi là Loan.
– Tôi, Thu Thủy.
Một giọng vui cười tiếp theo:
– Quỳnh Châu quận chúa.
– “Quận chúa?” Tôi nhớ ở đâu đó, có một
cửa tiệm bán toàn hàng đắt tiền mang tên Quận chúa. Cô Quỳnh, có
phải...
–
Không phải đâu! Ba Quỳnh là công chức, mẹ Quỳnh ở nhà săn sóc các
em.
Một giọng
vui cười giải thích:
– Đúng thế đấy. Quỳnh Quận chúa, bởi
vì... đó là một quận chúa.
– Cô Quỳnh, người Huế, sao?
– Sai rồi! nghe một lời nói trong suốt
pha lê, cũng đủ biết cô Quỳnh ra đời trên bờ sông Nhị.
– Các cô để tôi đoán về cô Quỳnh này
nhé... tôi vừa thấy cô Quỳnh đi từ ngoài vào. Thân hình này, dáng
đi ấy thật quí phái!... Có phải vì thế, cô Quỳnh được “phong làm
quận chúa”, phải không?
– Đúng, đúng vậy đấy!
Quỳnh hỏi:
– Thế còn anh, tại sao họ gọi anh là
Phúc Hên? Bộ anh nhiều may mắn, lắm sao?
– Vâng, tôi có nhiều may mắn thật đấy,
quả là nhiều...
– Nói dại, có lần nào anh gặp nạn suýt
“toi mạng” không?
Câu hỏi giản dị, bình thường nhưng làm
cho Phúc Hên đứng dậy khẽ gật đầu, rồi lầm lũi mở cửa phòng, đi
lên phía trước. Tĩnh Thúy, nữ tiếp viên chính tàu này, cô không
muốn để cho mấy người bạn mới buồn, trả lời thay cho Phúc:
– Sự thật là 10 năm lái tàu chiến đấu,
hơn 2 năm lái tàu vận tải; Trung tá Phúc chưa gặp một khó khăn
nào đáng được gọi là nguy hiểm cả. Nhưng chị Quỳnh hỏi, làm anh
ấy nhớ lại một chuyện buồn. Ấy là người em anh ấy, phi công chiến
đấu, cấp bậc hoa tiêu thiếu tá, nickname Phúc Em. Hai người cùng
bay một phi tuần, địch quân ở dưới bắn lên thì tàu thiếu tá Phúc
(Em) bị trúng đạn. Có lẽ người anh tưởng mình cướp hết may mắn,
nên người em mới tử nạn.
Tĩnh Thúy nói về Phúc Hên có phần đúng.
Hai hàng hoa tiêu cùng bay; mà, may mắn đến thật cho nhiều người;
rủi ro đến cho ai đây? Trung tá Phúc thừa hiểu sự sống chết con
người, dù là phi công, không thể chỉ do may rủi mà thôi. Một thợ
máy giỏi, tận tụy tất nhiên thận trọng từ đích thân anh ta không
bao giờ có thể lơ là; thì mới là yếu tố quyết định về mạng sống
cho một phi công bay trên phi vụ – thật ra thì cũng còn điều kiện
khác nữa.
Ví
dụ như Phúc Em, sao nó luôn nói đến cái chết? Đành rằng thích học
triết, không phải vì thế mà mỗi khi gặp bạn vừa ý là cùng nhau
thức sáng đêm bàn chuyện linh hồn. Mà, cũng phải nhìn nhận là “nó
nói thật hay, làm người nghe vui thích theo dõi những ý tưởng
thật khô khốc”.
Có lần Phúc Em đi chơi về, dựng người
anh đang ngủ phải bật dậy, để nghe:
– Tôi vừa đến ông Hậu về. Ông ơi, ông
hãy nghe tôi hỏi đây, nhớ trả lời cho kỹ: “nếu tự nhiên ta mất
luôn cả tai, mắt, mũi, miệng và cả tay chân thì sao nhỉ?” Ông trả
lời xem sao?
–
Ô hay! Thì còn lại một cục thịt chứ sao?
– Nhưng, nếu mới ra đời đã vậy; thì sao
đây. Không nghe, không biết có tiếng nói, không nhìn, không biết
có hình ành, màu sắc; cũng không thể sờ mó, không thể xê dịch;
hẳn là không thể biết có ngoại cảnh. Như vậy thì “liệu cục thịt”
có linh hồn không?
– Có chứ, ít ra cũng biết nóng lạnh,
khô, ướt. Nếu cần ăn thì biết no, đói; nếu cần ánh sáng và không
khí; thì vào chỗ tối tăm, ngột ngạt, nó sẽ chết dần. Trước khi
chết, chắc chắn nó quằn quại, đau đớn.
– Đúng! Và, đó là một thứ linh hồn, một
phần của linh hồn. Bây giờ, tôi hỏi tiếp “nếu người ta bỏ một đứa
bé ra đời ở một nơi vắng vẻ; không cho nó thấy bóng một đồng loại
nào. Thì, nó sẽ ra sao đây?”
– Thì... thì nó cũng như một con vật:
không biết nói, không biết viết, không có kinh nghiệm gì về loài
người, qua mấy nghìn năm; cũng không biết tránh mưa nắng, không
biết cày cấy.
– Nếu có vợ, cũng y như nó, thì sao đây. Liệu có con? Nó có
thương yêu không?
– Chắc là không rồi. Nó không thể có ý
niệm gì về vợ, con. Trong khi đó thì thương con, yêu vợ; là điều
những đứa trẻ mới lớn được dạy dỗ, được đối xử; thấy người và
việc quanh mình; và, đọc trong sách vở... Nó cũng không nhớ được
lâu; vì, muốn nhớ phải biết gọi bằng tên; phải biết chắp nối được
nhiều hình ảnh có tên, thành một chuỗi dài sự kiện có ý nghĩ, có
tác dụng. Là quá khứ. Như vậy, giá nó đang ở với vợ con rồi bị
đưa đi chỗ khác, gặp người đàn bà và đứa trẻ khác, nó có thể nhận
ra ngay là vợ con nó...
– Trừ phi nó đánh hơi mà biết, có phải
vậy không? Nghĩa là: nó lại có thêm một phần linh hồn. Biết kiếm
ăn, biết giao hợp để sinh sản... biết chạy trước lửa cháy, biết
sống thành đàn; còn biết tranh nhau chức “chúa tể” nữa. Đó là một
thứ linh hồn hoàn toàn được cấu tạo thành, bởi những tin tức, do
giác quan cung cấp. Xong rồi! Bây giờ tôi hỏi ông... xin ông nhắm
mắt lại rồi hãy trả lời, nếu bất thình lình thân thể ông tàn rữa
đi hết mà ông vẫn còn sống, ông còn thấy được những gì?
– Còn những kỷ niệm, kỷ niệm về quá
khứ, về người thân, về công việc...
– Nhưng nếu không còn khối óc, không
còn tai, mắt; ông sẽ không giữ lâu được kỷ niệm về hình ảnh, về
tiếng động, ông sẽ quên hết nhiều thứ một cách nhanh chóng...
– Rất có thể vậy. Dầu sao tao cũng còn
giữ được kỷ niệm về những gì hoàn toàn trừu tượng. Trước hết, kỷ
niệm về tình cảm; dù yêu, dù ghét. Thứ 2, kỷ niệm về những điều
mình hiểu biết. Thứ 3: khả năng nhận thức và, động cơ của sự
nhìn, nghe, ngửi.
– Đúng! Đó là một phần nữa của linh
hồn. Phần cao nhất, phần của riêng loài người. Khi người ta chết
đi, phần linh hồn rời thể xác, bay lên cao, tìm đầu thai vào
những đứa trẻ mới ra đời. Hoặc giả vào các loại muông thú, làm
cho chúng nó tinh khôn hẳn lên. Nhưng nếu không có bàn tay dụng
cụ, không có sách vở, cũng đành chịu thôi.
Phúc Em ngưng lại, đoạn sau có một phút
suy nghĩ, bỗng mơ màng, nói tiếp:
– Loài chim là loài vật thông minh
nhất, hơn cả loài người – ông Hậu bảo thế – nếu em chết, em sẽ
đầu thai vào một con chim; một con chim thật thông minh, thật
đẹp.
Một kết
luận bất ngờ làm cho Phúc Hên vừa ngạc nhiên vừa tức bực. Anh gắt
lên:
– Mày ngu
như con bò. Phần linh hồn sau cùng làm gì có mắt; để cho mày chọn
con chim kia chứ?
– A ha! Anh nói phải, chắc hẳn lúc bấy
giờ linh hồn ấy mất mọi giác quan cụ; tất phải có một khả năng
nào mới, để nhận biết chung quanh một cách khác hẳn người sống.
Phải có thế mới đầu thai được chứ!
Rồi thêm một câu bất ngờ hơn cả:
– Giá mình làm thế nào thử được nhỉ?
Anh Phúc, anh có nhớ các cụ ngày trước hay nói đùa: “hễ chết thì
về cù chân nhau”. Em chết, em sẽ về cù chân anh.
Phúc Hên chưa muốn làm công việc nào rõ
rệt. Anh vẫn ở trong hàng ngũ, vẫn ngồi trong chiếc ghế lái êm ấm
này.
Đêm về
sáng mùa mưa, ngoài trời đã có sa mù thoang thoảng. Phòng hoa
tiêu hoàn toàn im lặng, không nghe tiếng gió, cũng không nghe
tiếng máy. Phúc Hên rất bình tĩnh quay qua nhìn hoa tiêu phụ đang
ngủ say, miệng ú ớ gọi tên một người con gái. Anh giảm bớt ánh
sáng từ ngọn đèn trên trần buông xuống, một tay móc bật lửa. Ngọn
lửa tóe sáng, anh nghiêng nghiêng cúi đầu.
Nhưng... quái lạ! Có một cái gì như
bóng trắng thấp thoáng. Phúc Hên tưởng mình bị hoa mắt – khi nhìn
lên, quả thật phía trước tàu có những vệt loang loáng như cánh
chim vỗ lẫn vào sương sa. Phúc Hên nhắm mắt, đếm đến 10; mở mắt
ra, vẫn thấy in như cũ. Và, thấy càng thêm rõ.
Một con chim trắng vỗ đôi cánh rộng
mênh mang lên xuống thật nhịp nhàng. Chim gì? Sao có thể vô lý
như thế? Con chim cất từ không trung lao xuống; đạt được vận tốc
400 cây số/giờ; chỉ cần trong khoảnh khắc mà thôi. Loài chim cánh
dài bay được xa, lượn giỏi; không con nào vượt được cây số, giờ,
đường trường. Con tàu này đang đọ bình phi, vận tốc không dưới
900 cây số/giờ... Phúc Hên dán mắt vào đôi cánh, nghe trong lòng
một trạng thái mời gọi cuốn hút kỳ lạ, vui tươi... như vui tươi,
như tha thiết.
Chàng hoa tiêu nhóm lên muốn rời khỏi
ghế, tiến tới; nhưng nhớ đến con tàu. Không quay lại, chỉ đưa tay
nắm lên đùi hoa tiêu phụ:
– Hoành, Hoành! Dậy mau đi.
– Cái gì thế?
Hoành chồm thân người về phía trước,
cánh tay phải đưa lên dụi mắt.
– Con chim, cậu có thấy con chim không?
Hoành vừa muốn hỏi con chim nào thì đôi
cánh trắng đột nhiên chao, chúc xuống. Phúc Hên mở lớn hai mắt,
đưa mạnh cần lái về phía trước, đạp chân bên trái. Con tàu đổ
theo cánh chim, Hoành giật mình, 2 tay vồ lấy cần lái, kéo trở
về:
– Ông, ông
làm gì thế?
Tiếng hỏi chưa dứt, trong khoảng không, một khối đen lao tới,
cùng những thấp thoáng xanh đỏ trắng ập tới. Đoạn vút cao lên.
Rồi đánh “ầm” một tiếng, làm rung chuyển cả thân tàu. Nhưng chỉ
thế rồi thôi. Phúc Hên tỉnh táo lấy lại quân bình dễ dàng.
Một người trẻ quần áo bảnh bao, hé cửa
hỏi:
– Có gì
thế các ông?
–
Chúng tôi cũng chưa rõ. Có lẽ tàu gặp cơn lốc nhọn, cũng có thể
không phải vậy. Để ông Hoành về phía sau xem sao!
Tĩnh Thúy đứng sau chàng trai vừa cất tiếng nói:
– Đằng sau vẫn yên, chỉ ly chén đổ lung
tung. Hình như đuôi tàu đụng hơi mạnh. Anh Phúc này, đèn tê–moan
ra sao anh?
–
Không có gì, 3 máy đều, lái đuôi vững. Không hiểu... không hiểu
tàu đụng phải cái gì. Biết đâu 1 SAM trúng vào, mà không nổ.
Người trong tàu không thể nào hay biết
được, nhưng viên sĩ quan vô tuyến giao liên đã biết:
– Anh Phúc, tôi vừa bắt được tần số
thằng Jack của bạn nước vĩ đại cho biết, “nó vừa sát nhẹ vào 1
phi cơ ngược chiều; sau khi thoát khỏi đụng thẳng mặt. Nó nói
ra–đa của nó nhận ra thì quá muộn; trong khi tàu trước mặt đã
chúc xuống về phía tay phải nó, vừa vặn kịp. Nó hỏi ‘có sao
không’; nó đang bay vòng lại, bay ở cao độ 40 ngàn bộ; nó hỏi ta
có can gì không; để nó còn báo về Cam Ranh... nó còn nói ta
‘năm–bờ–oăn’.”
– Mẹ nó, cậu hỏi tại sao nó đi vào
“way” này?
–
Nó xin lỗi, nó nói “cao độ kế” của nó bị hư.
– Mẹ nó, cậu cho nó biết chúng ta
“ô–kê”; trừ những hư hại có thể đến sau.
Vừa lúc đó, Phúc Hên ngước mắt nhìn,
thấy đèn sáng của chiếc khu trục.
– Cậu bảo, ta tha cho nó, đi đi. Nó có
theo mình cũng vô ích, lần sau thì tôi đập vỡ mặt nó ra.
Chuyến bay tiếp tục; mọi người vây
quanh hoa tiêu. Hỏi “tại sao anh tránh kịp?” Nhưng anh chỉ mỉm
cười, yên lặng, xa vắng; cho đến khi Tĩnh Thúy nói một câu thật
chính xác:
–
Thì anh ấy là Phúc Hên, Phúc Hên mà!
*****
Sáng hôm sau, Phúc Hên về đến nhà. Ăn
điểm tâm xong, ngồi hút thuốc lá ngoài hiên, nghe Mến kể:
– Lạ lắm anh, anh đi rồi thì có con
chim trắng đến đậu trên hàng rào. Em đuổi, nó không bay đi; mà,
em nói cái này, anh đừng cười em nhá... Em đến gần con chim, xua
nó; nó không sợ; hình như nó còn ngoẹo cái đầu; rồi nhắm một mắt
lại; y hệt chú... y hệt chú Hai trước kia, hay trêu em đó...
Phúc nhảy một bước xuống sàn, nhìn
quanh quẩn, hỏi:
– Đâu, nó đâu rồi...?
– Anh Trung tá Soạn bảo, “nó là con
mố”, giống nó ở biển, khi vào đất liền là xui lắm, lấy súng bắn
nó. Bắn hụt hoài, hình như nó có vẻ quyến luyến nhà mình. Nhưng
săn nó mãi rồi nó cũng bay đi luôn.
– Mẹ nó, thằng khốn nạn!
Mến ngạc nhiên, qua câu chửi rủa quá
nặng. Nhưng nàng vẫn không ngạc nhiên bằng việc thấy Phúc nói,
“xin giải ngũ, rồi bán nhà, ra biển lập nghiệp, để mỗi buổi cho
chim ăn... như cố tìm lại ‘một con chim biết nhắm một mắt, ngoẹo
đầu’ – là cố tìm thấy dấu vết người em thân mến xưa kia....”
Nguyễn Mạnh Côn
(trong “Tập Thơ Truyện Không Quân Thời Chiến”)
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by cathy chuyển
Đăng ngày Chúa Nhật, March 3,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang