Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy
Bút
Chủ đề:
Tên phi công Phản trắc
Tác giả:
KQ Lê Phiếu
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Chuyện cách đây đã hơn 45
năm, ngày 8/4/1975 một phi công của Không quân VNCH đã sử dụng
phi cơ F5 thả hai trái bom xuống dinh Độc Lập trong lúc miền Nam
đang hấp hối, sự việc xảy ra đã lâu nhưng không chìm vào dĩ
vãng... tuy nhiên đã để lại trong đầu óc các thế hệ sau những suy
nghĩ lệch lạc không đúng sự thật của lịch sử.
Tôi năm nay đã 70 tuổi ngày xưa nhập
ngũ cùng ngày (1/6/69 K4/69 KQ) cùng học bay ở England AFB
Louisiana Hoa Kỳ và tốt nghiệp A37, sau đó cùng xuyên huấn trở
thành phi công F5 cuối tháng 12/1972, đương sự ở Biên Hoà còn tôi
chuyển ra Đà Nẵng. Bài góp ý này tôi đã viết cách đây 5 năm đúng
vào ngày tưởng niệm TC đánh chiếm đảo Hoàng sa của VN và sau khi
đọc bài trả lời phỏng vấn của NTT tôi quá ức lòng, bài viết của
tôi có đăng trên Hội quán Phi dũng và hôm nay xin được chia sẻ...
Nguyễn thành Trung là ai?
Một sự kiện cách đây đã 40 năm mà hầu
như ai cũng chưa quên, và mới đây báo Thanh niên (trong nước) đã
đưa ra một bài viết về sự tiết lộ một bí mật mà NTT đã dấu kín
trong suốt 40 năm qua “kế hoạch các phi công F5 không kích nhấn
chìm 40 tàu Trung Quốc tái chiếm Hoàng Sa” khiến các độc giả nhất
là giới trẻ, thế hệ sau của cả hai miền với bầu nhiệt huyết, lòng
yêu nước trung thực và truyền thống chống ngoại xâm của cha ông,
nức lòng và nuối tiếc.
Các cháu góp ý... đọc xong các cháu xúc
động muốn khóc và thầm oán trách Tổng Thống miền Nam Nguyễn Văn
Thiệu lúc đó tại sao không “tiền trảm hậu tấu” bỏ dở kế hoạch nửa
chừng, đừng tin vào Mỹ, v.v. Anh hùng phi công huyền thoại NTT
còn kết thúc câu chuyện rất tâm lý “... đã để lại cái gánh nặng,
nếu không thì thế hệ mai sau đỡ vất vả dường nào, v.v.” các cháu
đã khóc thật lòng vì quá cảm kích câu nói này. Chính tôi đây cũng
muốn khóc vì mình cũng là người trong cuộc, hôm nay đang được các
cháu chiêm ngưỡng, nhưng cách đây 39 năm, khi các chiến hữu lần
lượt cất cánh, tôi đã tự nguyện từ trên chiếc F5 leo xuống và ở
lại, vẫn bị người anh em bên thắng cuộc tù đày đi kinh tế mới khổ
sai gần 20 năm...
Tôi đã khóc không phải
vì nuối tiếc cuộc đời mà chỉ tức tưởi không biết nói làm sao cho
thế hệ con cháu ngày sau hiểu được dòng lịch sử nghiệt ngã hôm
nay của dân tộc mà sự hủ lậu đã thắng nền văn minh, kẻ độc ác đã
thắng nhân bản, khoan dung... Qua bài viết về NTT của tờ báo
Thanh niên, với tư cách một người đồng môn, đồng khóa 4/69 KQ và
thời gian học bay A37 căn cứ England AFB, LA với NTT. Tôi xin góp
ý vài nhận xét như sau:
Tôi đã đọc bài viết của Long Ly Hồng
Tiễn 538 và gần đây tiếng nói của Thiếu tá Hồ kim Giàu phi đoàn
trưởng của tôi và chỉ huy trực tiếp kế hoạch không kích trả đũa
(không nghe nói tái chiếm) rất chính xác trung thực, tôi còn nhớ
anh em dấu cả vợ con người thân, ngồi bên nhau tâm tình tới hơn
nửa đêm, Thiếu tá Giàu còn nói nửa đùa nửa thật “chúng mình ăn
tết trước” (ý nói, ra đi có thể không trở về). Ngay cả vị chỉ huy
trực tiếp trận đánh mà kế hoạch cho biết chỉ trước một ngày, vậy
mà NTT lúc đó chỉ mới thiếu úy (ngày 28/6/1974 tôi mới được thăng
cấp trung úy) đã nắm kế hoạch bí mật dấu kín suốt 40 năm? Chỉ có
Phi Đoàn Hồng Tiễn 538 đảm trách chọn 10 trong số 18 hoa tiêu cho
cuộc không kích, NTT tăng lên năm phi đoàn, đương sự còn nói dối
không ngượng miệng “các đại tá, trung tá tuyên bố ‘đánh VC chỉ để
đánh chơi thôi’”. NTT còn biết được như vậy, còn VC thì sao? Cùng
người VN nhưng thà giết lầm hơn bỏ sót, chôn sống hằng ngàn người
dân vô tội kể cả học sinh ở Huế. Trung Cộng cưỡng chiếm Hoàng Sa
là do ai? Nước Việt Nam Theo đúng nghĩa chỉ tạm thời chia cắt,
nhưng cả miền Bắc đứng đầu là Hồ Chí Minh lúc đó... Trung Cộng đã
là quan thầy. Với hai gọng kềm, vừa thù trong, vừa giặc ngoài cấu
kết. Miền Nam có thể làm gì được? Nhưng cuộc hải chiến ngắn ngủi
đẫm máu vẫn đã xảy ra ngày 19/1/1974 mặc dù không tương quan lực
lượng đã làm rúng động lòng người. Thiếu tá Ngụy Văn Thà và 70
chiến hữu của Hải Quân VNCH đã tử trận rất bi hùng. Biết sẽ chết
vẫn chiến đấu tới cùng! Miền Bắc lúc bấy giờ im lặng nhưng cả
miền Nam sôi sục...
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có lẽ trong
giây phút quá kích động đã quyết định trả đủa bằng một trận không
kích mạo hiểm F5 (điều kiện và địa hình rất khó khăn chứ không
phải như NTT nói phét 100% là thắng) không thành công thì cũng
thành nhân, nhưng vào phút cuối, tôi tin rằng Tổng thống đã hủy
bỏ vì không muốn hy sinh thêm nữa xương máu của chiến hữu. Về mặt
quốc tế, hình như Mỹ không thể tham dự hay hậu thuẫn trong trường
hợp này chứ không phải không muốn can thiệp?
Qua hai bài viết, một là cuộc phỏng vấn
của báo Thanh Niên với NTT về kế hoạch phản công của các phi công
F5 đã tiết lộ những bí mật mà anh hùng phi công huyền thoại NTT
đã dấu kín trong suốt 40 năm qua... và bài thứ hai cuộc thảo luận
với nhân vật sống Thiếu tá Hồ Kim Giàu Phi Đoàn Trưởng Hồng Tiễn
538, trực tiếp chỉ huy phi vụ không kích đã lên phương án chu
đáo, sẵn sàng cất cánh nếu vào phút cuối kế hoạch không hủy bỏ.
Tôi không thể hiểu nổi với dụng ý gì? Và NTT đã suy nghĩ thế nào?
Ai đã đứng sau lưng? Hay đã đến lúc tuổi già lẩm cẩm? Mà đương sự
dám dựng lên sự kiện với những chi tiết láo khoét hết sức lố
bịch.
Nguyễn
thành Trung thật sự là ai? Một anh hùng phi công huyền thoại hay
chỉ là nhân vật thức thời cơ hội? Lúc mới nhập ngũ tại TTHL Quang
Trung ngày 1/6/69 Đại Đội 44, Tiểu Đoàn Nguyễn Huệ. Các bạn nào
thuộc khóa 4/69KQ hẳn chưa quên danh hiệu “Trung gà tre” do cái
dáng đi, kiểu cách ăn nói và khuôn mặt phảng phất nét gian manh
của đương sự (ngay cả bây giờ khi ngồi gác chân trên ghế sofa).
Hành động của NTT thả đại hai quả bom xuống Dinh Độc Lập đã tác
hại cho ai và ảnh hưởng những gì trong lúc cuộc chiến sắp tàn mà
phần thắng đã 100% nghiêng về CS miền Bắc? Sau đó còn kéo thêm
một số trở cờ theo gió bay A37 dội bom phi cảng TSN trong lúc
người dân đang đau khổ chạy loạn. Thử hỏi đó là hành động anh
hùng, quân tử hay độc ác dã man? Có cần thiết hay không? Và phi
vụ mà NTT đã phản nghịch dội bom Dinh Độc Lập hôm đó không phải
chính thức của đương sự trực bay mà đây chỉ là tình cờ, Thiếu úy
Nguyễn Văn Lượm (hiện đang ở Seatlle, WA) từ Sài Gòn lên trễ và
NTT đã bay thế.
Không có sự chuẩn bị trước nào cả, bởi
vậy khi về đáp ở Phước Long ban đầu phi cơ vẫn bị bắn. Lúc còn ở
trong trại tù tôi quên mất là năm nào, nhưng tôi đã tâm sự cùng
một số bạn tù thân tín, rất tức giận khi học tập qua báo chí, đã
bịa đặt ca ngợi anh hùng NTT đã dám đứng lên ca vang những bài
hát ca ngợi “cách mạng” trong thời gian du học ở Mỹ nhân dip vui
Tết năm Tân Hợi (1971) mà lúc đó tôi cùng có mặt. Nếu đương sự là
nội tuyến được đảng CS gài đặt thì trong suốt hơn ba năm kể từ
lúc chính thức trở thành một phi công A37 rồi F5 đương sự đã gây
được những tác hại gì cho Quân Lực VNCH? Ở vào thời điểm 1972
trận chiến đang giai đoạn cao điếm khốc liệt, tiêu diệt được một
phi công, nhất là đánh bom là cả một thành công và mơ ước lớn của
CS Bắc Việt (một phần vì lòng căm thù) cũng như tổn thất nặng nề
cho Quân Lực VNCH (đào tạo mất nhiều thời gian và rất tốn kém).
CS Bắc Việt có thể cho đặt bom sát hại hằng chục nhân mạng vào
mỗi sáng hoặc buổi họp hằng tuần. Tất cả hoa tiêu có mặt đầy đủ
mà NTT với bộ đồ bay thực thụ rất dễ thực hiện? Hoặc phá hủy hằng
loạt máy bay, cần gì hôm nay đương sự phải dối trá theo lối trẻ
con “cố ý đáp mạnh cho hư” còn việc Long Ly cho rằng NTT cố ý bay
tụt hậu, dùng đại bác bắn Ng Thăng Long rồi nhảy dù phi tang.
Tôi, Phiếu 538 hoàn toàn không đồng ý
với bạn, NTT không can đảm được như thế, hơn nữa đương sự có muốn
thủ tiêu phải chờ cơ hội, cỡ như Trung táá Đàm Thượng Vũ hoặc
Thiếu tá Hồ Kim Giàu nhà mình, còn Ng Thăng Long mới ra trường,
đang huấn luyện đâu có nhiều “nợ máu”. Thật ra đây là lỗi của
NTT, thiếu kinh nghiệm, làm chết tan xác wingman của mình. Theo
nguyên tắc bay hợp đoàn, hai đầu cánh phi cơ cách nhau không quá
1 mét. Và số 2 phải luôn thấp hơn khoảng hai tấc. Đổi tần số,
leader phải chờ số hai click trước. Đằng này có lẽ cả hai cùng
làm một lúc nên mới xảy ra “sự cố”. Khi đã va chạm vào nhau, số
một ở vị trí phía trước còn có khoảng thời gian 10 giây để nhảy
dù... nên NTT đã thoát chết, còn phi cơ của Ng Thăng Long bị chạm
ở phần đầu nên vỡ tung tức khắc.
Long Ly nói đúng, NTT tưởng rằng dân
bay F5 chỉ còn độc nhất là mình nên đương sự đã nói láo trắng
trợn. Đổi tai nạn do thiếu kinh nghiệm thành cố ý đáp đường băng
ngắn. Đã làm hư hại hai phi cơ. Dù cho rằng NTT là người do CS
Bắc Việt đã gài đặt, thì trong thời gian 72–75, với nhiệm vụ một
phi công A37. Đương sự phải thi hành bao nhiêu phi vụ, thực hiện
bao nhiêu lần đánh bom để bảo toàn thân phận? Lẽ dĩ nhiên đương
sự không thể đánh sai mục tiêu. Vì có máy ảnh chụp kết quả, L19
chỉ dẫn. Quân bạn chứng kiến, leader hoặc wingman theo dõi từng
pass một. Tóm lại NTT không thể không trút bom xuống đồng đội
mình (VC). Thử hỏi NTT đã mang một sứ mệnh, trọng trách ghê gớm
gì mà đồng đội phải hy sinh như thế để bảo toàn thân phận cho
đương sự!??
Trong suốt gần 40 năm qua, báo chí thường nhắc đến NTT với danh
xưng một anh hùng phi công huyền thoại, theo tôi nghĩ, dù ở chiến
tuyến nào, chủ nghĩa CS hay tư bản, hành động của một cá nhân dám
hy sinh cả tánh mạng, bất chấp mọi tai ương để mang lại đại nghĩa
cho lý tưởng của mình đó mới được gọi là anh hùng, một thành quả,
một ý chí, đòi hỏi sự tài ba, xuất chúng không ai làm được. Tự nó
sẽ đi vào huyền thoại... trong lòng mọi người...
Anh hùng Lý Tống, một phi công A37 của
QLVNCH, vượt thoát lao tù CS, qua đến Mỹ bằng đường bộ, trở lại
VN dùng phi cơ dân sự rải truyền đơn kêu gọi toàn dân đứng dậy
đòi tự do, nhảy dù bị bắt bi gán tội không tặc, ở tù nhiều năm
nhưng được cả thế giới ngưỡng mộ. Ra tù trở về Mỹ lại mướn máy
bay rải truyền đơn thách thức cả nước CS Cuba. Lại tiếp tục dùng
máy bay từ Thailand bay qua VN rải truyền đơn lại ở tù. Đời người
có được bao nhiêu cái thập niên mà Lý Tống đã đếm hơn hai cái
trong các lao tù khắc nghiệt, bình tĩnh thong thả đếm như chiêm
ngưỡng một thành quả, một cái giá đương nhiên mà anh phải trả.
Biết đâu anh đang mỉm cười tự nhủ “không chết, vẫn còn hên”.
Hành động phi thường của Lý Tống vẫn
chưa dám đi vào huyền thoại, còn NTT vội vã trút bỏ hai trái bom
để giết Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, trong lúc miền Nam đang dẫy
chết, rồi ào ạt thả bom xuống phi cảng TSN bất chấp người dân
đang đau khổ chạy trốn. Một hành động mà bất kỳ người phi công
khu trục nào cũng làm được nếu mất nhân tính. Người phi công F5
phản bội Nguyễn Thành Trung, anh hùng ở chỗ nào? Huyền thoại ở
đâu?
Lê Phiếu,
Cựu Phi công F5,
Phi đoàn
538–Hồng Tiễn
Nguồn:
https://hoiquanphidung.com/echo/index.php/vnaf/item/577-s-th-t-v-ten-phi-cong-nguy-n-thanh-trung-kq-le-phi-u
Comments
Hello Phiếu
Tất cả những gì NTT nói toàn là
không có, tôi đã được xem qua đã lâu rồi.
Tôi
cùng phi đoàn 540 Hắc Ưng tại căn cứ Biên Hòa. 4 phi tuần từ Biên
Hòa ra Đà Nẵng nhập chung 1 phi tuần ở Đà Nẵng tổng cộng 5 phi
tuần đánh Hoàng Sa. Chúng tôi được nghe 1 trung tá trong hành
quân chiến cuộc thuyết trình F5 sẽ ra đánh Hoàng Sa. Từ Biên Hòa
bay ra Đà Nẵng rồi lấy xăng dầu đầy đủ với 3 bình xăng phụ chỉ
mang theo 2 quả 250lb. Tính khoảng cách từ Đà Nẵng ra Hoàng Sa
phải dùng bình xăng phụ trước rồi eject thì mới đủ để về đáp. Nếu
bay tới mục tiêu mà phải tìm kiếm e có trở ngại về đáp vì không
đủ xăng.
Sau khi nghe thuyết trình xong về phi đoàn chờ
lệnh đến chiều hôm mồng 2 Tết thì được bỏ lệnh hành quân.
Vũ Kim Bài
PĐ–540 Hắc Ưng
(30/06/2020)
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: phong cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by psxh chuyển
Đăng ngày Thứ Hai, July 6, 2020
Ban kỹ thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang