Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
Truyện ngắn
Chủ đề: Xuân & Huynh Đệ Chi Binh
Tác giả: Thành Giang
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Viết tặng Các Chiến hữu thuộc GĐMĐVN/HTĐ&PC,
Thân tặng quý
chị “Dù Gái” đã từng nhảy dù với C-7A Caribou,
Phi đoàn Phượng
Long 431, Tân Sơn Nhứt.
Lý
do chính yếu Sư đoàn Dù tọa lạc trong phi trường Tân Sơn Nhứt, vì
Sư đoàn Nhảy Dù luôn luôn gắn bó bên cạnh các phi đoàn vận tải cơ
của Không lực VNCH thuộc Sư đoàn 5 KQ. Có Không quân mới có lính
Nhảy dù vì sự liên hệ mật thiết giữa phi cơ của Không quân và
binh chủng Nhảy Dù.
Muốn có bằng dù để hưởng thêm lương
bổng nhảy dù, mỗi người chiến sĩ nhảy dù phải tập nhảy đủ 5 lần
nhảy dù (5 sô [saut]) trên phi cơ, sẽ được cấp phát bằng dù. Công
việc huấn luyện thả dù cho binh chủng Nhảy dù của Quân lực VNCH
là công việc chính của các phi đoàn vận tải cơ. Mỗi khi Sư đoàn
Dù có nhu cầu thả dù: khóa sinh thực tập, nhảy dù lấy bằng, hay
nhân viên nhảy dù cơ hữu hoặc huấn luyện viên Dù cần phải nhảy
“bồi dưỡng” chu kỳ hằng năm. Các phi đoàn vận tải của Không quân
VNCH có nhiệm vụ cung ứng các phi vụ thả dù, thỏa mãn nhu cầu
huấn luyện cho binh chủng Nhảy Dù.
Chúng tôi đã có nhiều dịp hoạt động thả
dù cho các chiến hữu Dù từ hồi còn làm việc cho phi đoàn Xích
Long 413, C-119, rồi sang phi đoàn Thanh Long 415, C-47, sau khi
hai phi đoàn này giải tán giữa năm 1972. Phi đoàn Phượng Long
431, C-7A Caribou của chúng tôi từ phi trường Phù Cát dời về đóng
ở Tân Sơn Nhứt, tọa lạc ở văn phòng cũ của phi đoàn 415. Phi đoàn
Phượng Long 431 đã tiếp tục đảm trách các phi vụ thả dù cho Sư
Đoàn Dù bạn.
Lúc chúng tôi còn làm việc trên phi cơ C-119 và C-47. Các chiến
sĩ Dù phải nhảy cửa hông phi cơ. Hầu như quý anh chiến sĩ Dù ít
ai thích nhảy dù C-47 với lý do lúc nào các anh cũng lo ngại cánh
dù sẽ bị móc vào bánh đuôi hay cánh lái sau, lên xuống của phi
cơ.
Những
người chiến sĩ Dù thích nhảy dù cửa sau của hai loại phi cơ
C-130, thích nhất là loại phi cơ C-7A Caribou, nhảy cửa sau tiện
lợi, cánh dù không bị vướng víu, tốc độ phi cơ bay chậm, khi nhảy
ra không gian êm ái hơn, chỉ sau vài lần đu đưa, cánh dù nhanh
chóng trở về vị trí cân bằng, không bị sức gió thổi mạnh như
C-130 thổi các anh bồng bềnh đu đưa lâu hơn trên không trung.
Ngoài các giai đoạn học tập căn bản
quân sự. Các quân nhân Nhảy Dù phải qua các giai đoạn huấn luyện
nhảy dù và lấy bằng. Giai đoạn 1: thực tập nhảy dù dưới đất, địa
huấn, chúng ta thường nghe nói học “nhảy dù chuồng cu”, bãi nhảy
dù thực tập “chuồng cu” nằm ở sân sau Sư đoàn Dù của trại Hoàng
Hoa Thám, trong phi trường Tân Sơn Nhứt. Các quân nhân Dù phải
tập nhảy và cách té nhuần nhuyễn với những thế nhảy “hạ thổ” an
toàn, tránh bị gãy chân gãy tay, bị thương tật, trước khi qua học
giai đoạn 2, nhảy dù thực sự trên không từ các loại phi cơ vận
tải, lấy bằng và hưởng lương nhảy dù, để trở thành những người
lính Nhảy Dù chuyên nghiệp.
Thực tập chính thức nhảy dù các khóa sinh Dù. Mỗi đợt vận tải cơ
C-7A Caribou chuyên chở 25 lính Dù với các trang bị dụng cụ dù cá
nhân. Phi cơ C-7A thường phải di chuyển ra bãi đậu “hot cargo”
nằm hướng bắc, bên ngoài phi đạo Tân Sơn Nhứt để các anh lên tàu.
Bãi nhảy dù thực tập chính của các anh là bãi nhảy dù Ấp Đồn, nằm
khoảng giữa Trung Chánh và Quận Hốc Môn. Trên Trung Tâm Huấn
Luyện Quang Trung. Là một khoảng đất trống, dùng làm sân nhảy của
Sư đoàn Dù.
Mỗi khi các khóa sinh dù đã lên phi cơ cùng với các huấn luyện
viên Nhảy Dù của họ, các huấn luyện viên phải cho các khóa sinh
hát vang những bản nhạc hùng ca, mục đích giúp cho các anh bớt bị
căng thẳng và quên đi những sự lo âu không cần thiết, tránh bị ám
ảnh bởi câu vè độc địa hù doạ: “anh em ơi! Đừng đi lính nhảy dù,
dù không bọc té lòi c...!” Không lòi C... đâu, (mấy chị dù gái
làm gì có) té mềm xương đấy! Mặc dù,
các anh đã được hát để quên đời lơ lửng giữa không trung, gương
mặt các anh khóa sinh nào cũng xanh lét, trong đầu chứa đầy những
sự lo lắng, mắt cứ lấm lét liếc nhìn xuống đất, sao mà sâu thăm
thẳm, gớm thật! Bao nỗi lo sợ không biết mình nhảy có bình yên
hay không? Cầu trời cho mình đừng bị tai nạn, chẳng may dù trục
trặc không bọc hay bất cẩn đáp xuống đất bị gãy tay gãy chân, sợ
nhất là bị cây nhọn thọc vào người, gây thương tật là “giấc mộng
Thiên Thần Mũ Đỏ” kể như tan vỡ, uổng phí công lao đã đeo đuổi,
cực khổ học tập bấy lâu, mất bằng, lãnh lương thấp.
Huấn luyện viên khôn khéo, họ chọn
những anh đứng đầu hàng là những người bạo dạn, nhảy đầu làm
gương cho mấy anh theo sau, tiếp tục bị lùa, đẩy và nhảy theo cho
đến người cuối cùng, phải rơi đúng ngay trong bãi sân nhảy. Khi
nghe phi hành đoàn báo hiệu sắp đến giờ nhảy “show time” “green
light” và chuông reo, mặt anh nào cũng đầy lo lắng, cố xua tan
những sự sợ hãi, khi mường tượng đến thân người bị treo lơ lửng
giữa không gian.
Đôi khi hàng lính nhảy dù đang di
chuyển ngon lành ra cửa sau của phi cơ để nhảy dù, có một anh
khóa sinh nào đó nhìn xuống đất sâu thăm thẳm, chùn bước, khựng
lại. Có thể làm cản trở lớn đến các khóa sinh còn lại, nếu phi cơ
di chuyển ra khỏi mục tiêu, bên ngoài bãi nhảy, sẽ rất nguy hiểm
cho họ, khóa sinh có thể bị rơi trên nhà cửa, cây cối lởm chởm,
nguy hiểm cho tánh mạng. Các huấn luyện viên đã chuẩn bị sẵn
sàng. Đạp ngay vào đít khóa sinh nhút nhát đó rơi ra ngoài không
gian, để cuộc nhảy dù của họ tiến triển được êm xuôi, các khóa
sinh phải rơi đúng bên trong sân nhảy, một bãi cỏ trống an toàn.
Sau khi thả dù xong, phi cơ chúng tôi
bay vòng lại quan sát xem các anh nhảy có đúng vị trí trong bãi
nhảy hay không. Có một số anh bị gió bê ra ngoài sân cỏ, rơi trên
mái nhà tôn, lộn nhào xuống đất. Chắc là đau đớn lắm! Hầu hết các
anh đều rơi và đáp êm xuôi trên bãi sân cỏ của sân nhảy dù Ấp
đồn. Tập họp lại và chờ xe GMC chở về hậu cứ Sư đoàn Dù.
Khóa sinh thực tập nhảy dù thì bao giờ
cũng đông hơn, mỗi đợt 25 người, họ nhảy dù lưng, tự động, nhân
viên cơ hữu hay huấn luyện viên “nhảy dù bồi dưỡng” định kỳ hằng
năm thường chỉ dăm ba người nhảy, họ thường nhảy dù bụng, tự họ
bung dù. Đôi lúc họ trang bị đầy đủ với súng trường, như đang
tham dự ngoài mặt trận thật vậy.
“Anh em ơi! Đừng đi lính nhảy dù, dù
không bọc té mềm xương!” không phải đó là câu vè hù dọa đâu
nghe, đừng tưởng đùa cho vui à nha! Chết mềm xương thiệt đó! Năm
1973, chúng tôi thi hành phi vụ thả dù với Đại úy Nguyễn Văn Sáu,
Trưởng phi cơ, phi đoàn 431, C-7A. Khi đoàn lính dù đã nhảy ra
khỏi phi cơ, trong đoàn nhảy dù gồm 25 cây dù, có một cục đen rơi
thẳng xuống mặt đất, thoạt đầu, chúng tôi ngỡ đó là cái nón sắt
của một anh lính dù nào đã bị sút ra, làm rơi xuống đất. Khi nghe
toán lính dù dưới đất báo cáo có một lính dù gặp tai nạn, dù đã
không bọc rơi xuống đất chết tốt.
Một lần khác, “dù không bọc té
mềm xương!”. Anh này là một lính dù cơ hữu dù, nhảy “bồi dưỡng định
kỳ” anh là chiến sĩ Dù dầy kinh nghiệm, nhảy cao độ, người nhảy
tự điều khiển “bung dù” của mình. Anh “cá độ” với người bạn thế
nào, chỉ bung dù khi gần tới đất. Trời xui khiến anh gặp tai nạn.
Có thể do anh ước tính sai cao độ, hay không tính được tốc độ
rơi, hoặc bị khủng hoảng tâm thần chi đó, bối rối không bung dù
đúng lúc, với thời gian rơi quá nhanh từ 600 bộ tối thiểu phải
bung dù, Nhanh lắm! Tốc độ rơi chỉ là 5 hay 6 giây đồng hồ thôi!
Hoặc anh đã bị trục trặc vì cây dù của anh bị kẹt không mở dù
được đúng lúc, anh đã đi vào miên viễn với câu “dù không bọc té
mềm xương”. Được biết, các huấn luyện viên dù thường phải học và
tự mình xếp dù lấy cho chính mình. Không do chuyên viên xếp dù
của Sư đoàn Nhảy dù đảm trách. Tự xếp dù cho chính mình sẽ an tâm
hơn, nhưng xếp dù sai gây tại nạn tự “lãnh thẹo” không trách được
ai cả. Nhân viên xếp dù là những người quan tâm và lo lắng nhất
khi, tên của mình bị ghi vào sổ, chẳng may các cây dù do mình đã
xếp xảy ra tại nạn, sẽ bị điều tra lôi thôi, nhiều phiền toái.
Tương tự như những chuyên viên sửa chữa máy bay, phi cơ rơi, một
phần trách nhiệm của người đảm trách và chăm sóc nó.
Không quân chúng tôi thành thật chia
buồn cùng các chiến sĩ Nhảy Dù đã “sinh nghề tử nghiệp” lúc tuổi
đời hãy còn non trẻ. Cũng như những người Không quân yêu chuộng
phi cơ, chẳng may chết thảm vì máy bay.
Khác hẵn các khóa sinh Nhảy Dù, nhân
viên cơ hữu và huấn luyện viên là những chuyên viên nhảy dù lão
luyện hơn. Xem chuyện nhảy dù là một bộ môn thể thao, vui thú.
Các anh không tỏ ra một chút sợ sệt như các khóa sinh. Các anh
rất bình thản, vui tươi, chờ đèn báo hiệu nhảy dù “green light”
và chuông reo, mỉm cười chào phi hành đoàn, phóng mình ra không
trung, đôi khi biểu diễn lộn nhào trên không, bung hai tay hai
chân cản gió, trọng lượng thân người rơi vùn vụt trên không như
tảng đá cuội rơi xuống đất. Chúng tôi dõi mắt trông theo cho đến
khi nhìn thấy các anh bung dù, lơ lửng, nhẹ nhàng rơi xuống mặt
đất mới an lòng.
Chưa đâu, gặp phải “lính Dù gái” mới ngầu. Mấy chị nhảy dù nhiều
sô nên tỉnh queo, còn chọc phá trên phi cơ nữa chứ! Có một chị
“Nhảy Dù gái” tinh nghịch, chọc anh áp tải phi hành của phi hành
đoàn. Chị nắm tay anh áp tải kéo lại gần cửa nhảy dù. Anh áp tải
không có mang dù nhìn xuống lòng đất sâu thăm thẳm, kinh hoàng la
ơi ới, tay bấu chặt thành ghế trên phi cơ.
Chị xoay qua
anh áp tải của phi hành đoàn cùng mấy người bạn nhảy dù đồng
nghiệp quay quanh, cô ta cất giọng hát bài CON GÁI NHẢY DÙ, cô ta
đã chế biến từ bản nhạc Đám Cưới Nhà Binh của nhạc sĩ Vũ Chương và
nhạc sĩ Minh
kỳ, cô nở nụ cười duyên dáng chỉ vào anh Áp tải phi hành đẹp
trai, cô hát:
Đừng chê con gái, nhút nhát nhà
binh, anh ơi!
Em sẽ là hoa: Thiên Thần
Mũ Đỏ tuyệt vời,
Người yêu của em, chẳng
thiết xa hoa giàu sang, (đâu)
Ao ước tự
do, vui đời mây gió.
Cô quay sang kéo cô bạn gái dù đến gần
và chỉ vào anh bạn dù nam giới, hất mặt “kênh đời” hát tiếp:
Bạn em
không thiếu trong đám nữ nhi, hiên ngang,
Chẳng muốn tình yêu, không thích bạc vàng,
Đoàn nữ nhi tụi em, dấn bước thật sang
Từ mây hạ giới, vui vẻ cả làng (hay: giữ vững xóm làng).
Nàng chỉ hai tay lên ngực mình, cất
giọng ngọt ngào:
Một
nàng tiên trong dáng “đồ bông”,
cười
duyên liếc chiến binh đa tình,
ngời đôi
mắt biếc xuân thanh bình,
nghe trong tim
tràn niềm yêu lính.
Bước đến cặp tay anh lính dù đồng
nghiệp, nhắn nhủ:
Rồi sau
“sô” nhảy, em sẽ cùng anh, vui chơi,
Hai
đứa tụi ta, dạo phố Đô thành,
Nhà đơn vị
của ta, Hoa Thám đẹp xinh,
Mở rộng hai bàn tay hướng ra bầu trời
xanh bao la, cô chấm dứt một hơi dài
Trời
mây một cõi, riêng của bọn mình.
(xin phép quý thầy cố nhạc sĩ Minh Kỳ,
nhạc sĩ Vũ Chương cho phép chúng em sửa đổi lại bản nhạc Đám Cưới Nhà
Binh của các thầy, làm cho bài viết hấp dẫn hơn, cũng làm cho
phong phú thêm bản nhạc, sinh sản ra một nhạc phẩm mới vui nhộn
cho binh chủng Nhảy Dù. Quý anh chị ca sĩ có thêm một bài hát
giúp vui cho các chương trình văn nghệ của các hội đoàn quân đội,
không ngoài mục đích “GIẢI TRÍ”. Chân thành cám ơn các thầy).
Vừa hát xong, đèn xanh và còi báo hiệu nhảy dù cũng vang lên. Chị quay sang anh áp tải mỉm cười duyên, đưa tay chào tạm biệt, đặt bàn tay lên môi hôn chào các người bạn dù: “chút nữa tái ngộ dưới trần gian nha các bạn”, rồi nàng quay lưng nhảy tỏm ra ngoài không gian, cả đội dù 7 người, đồng loạt cùng “giỡn mặt tử thần” nhảy theo, họ rơi vùn vụt trong không khí. Ngầu thiệt à nha! Ngán chưa “Lính Dù mái” VNCH đấy?
Kể từ thời đệ Nhị VNCH trở về sau. Chiến tranh Việt nam trở nên
khốc liệt. Ngành trực thăng đa dụng được sử dụng trên khắp chiến
trường Việt nam. Tiện lợi, nhanh chóng, còn hữu hiệu, giúp cho
Lục quân VNCH những sự yểm trợ hỏa lực hùng hậu, chính xác. Việc
nhảy dù trên chiến trường bằng vận tải cơ không còn thích hợp
nữa, mất nhiều thì giờ, tốn kém vật liệu và không an toàn. Vận
tải cơ KLVNCH chỉ đóng vai trò huấn luyện chiến sĩ Nhảy dù học
tập lấy bằng hay bồi dưỡng. Vận tải cơ cũng đóng góp một phần
trong các cuộc di chuyển quân nhân Dù đến các phi trường cần
thiết, cho các trực thăng nhanh chóng chuyển vận chiến sĩ Dù đến
thẳng các mặt trận.
Người chiến sĩ Nhảy Dù đã trở thành là
những nhân viên làm việc gần gũi, thân tình với các anh chiến sĩ
trực thăng của Không lực VNCH, ngành trực thăng đã phục vụ đắc
lực cho các chiến sĩ Dù: chóp nhoáng đưa họ vào các trận chiến,
tản thương khi cần thiết và oanh kích giải tỏa các bãi chiến
trường, giải vây, trực thăng cũng đã mang các anh lính dù ra khỏi
các bãi chiến trường nguy ngập. Các phi hành đoàn Trực thăng trở
thành là những người bạn trân quý nhất của Binh chủng Nhảy Dù.
Trực thăng đã mang đến cho các anh nhiều thứ cần thiết: di
chuyển, tiếp tế và còn yểm trợ hỏa lực mạnh mẽ, giúp các anh vững
niềm tin trong sự chiến đấu, chia sẻ gian nguy bên cạnh những
người bạn không gian, luôn túc trực bên nhau, giúp các anh hoàn
thành trách nhiệm chiến đấu và giữ nước.
Cả hai Nhảy Dù và Không Quân VNCH đã làm nên biết bao trang sử oanh liệt trong chiến tranh Việt nam. Trong tinh thần Chiến sĩ Nhảy dù và chiến sĩ Không quân “huynh đệ một nhà”. Lý do chính Sư Đoàn Nhảy Dù nằm trong Căn cứ Tân Sơn Nhứt của Không lực VNCH! Tiện việc phối hợp hoạt động trong trách nhiệm giữ nước.
LỜI TRI ÂN NHỮNG CHIẾN SĨ HOA DÙ ANH DŨNG
Vài năm trước đây, chúng tôi có một cuộc tiếp xúc và hầu chuyện
với người anh hùng Không quân VNCH Nguyễn Văn Chín, anh là người
duy nhất đã sống sót trong phi vụ Tinh Long 07, bảo vệ Thủ đô Sài
Gòn. Chiếc Vận tải cơ chiến đấu
AC-119K của anh đã bị phòng không của CSBV, loại hỏa tiễn tầm
nhiệt SA-7 bắn gãy phi cơ làm đôi trên không phận phi trường Tân
Sơn Nhứt, 8 giờ sáng, ngày 29-4-1975.
Anh nghẹn ngào xúc
động trả lời câu hỏi cuối cùng của chúng tôi, hầu cung cấp cho
chúng tôi một ít tài liệu lịch sử để hoàn thành bài viết Tinh
Long Rực Sáng. Rươm rướm nước mắt, anh hồi tưởng lại giây phút
cuối cùng khi anh may mắn thoát chết trong phi vụ Tinh Long 07.
Phi cơ của anh đã rơi bên trong vòng đai đông bắc phi trường Tân
Sơn Nhứt. Vết thương trầm trọng, gãy chân trái và chấn thương cột
sống. Nằm quằn quại bên cạnh xác chiếc phi cơ AC-119K của anh,
đang bốc cháy dữ dội, thiêu xác 8 đồng đội tử nạn của anh bên
trong thân tàu.
Cảm nghĩ của anh lúc đó rất cô đơn, lẫn sợ
hãi. Anh đã bị trọng thương giữa lúc tình trạng bi đát của Miền
Nam Việt Nam đang bị bại trận. Chính phủ VNCH đã tan rã, Quân đội
VNCH cũng đang tan rã, người dân VNCH cũng không ai còn đủ tinh
thần để sống, mạnh ai nấy tìm đường bôn tẩu. Tình huynh đệ chi
binh gần như đã biến mất. Anh đã chịu đựng cơn đau đớn nằm cạnh
đống thép cháy đen, trong sự tuyệt vọng, lo lắng không còn ai sẽ
tìm cứu mình!
Đôi mắt anh bừng sáng khi nghe âm thanh
chiếc xe jeep đang hướng về hiện trường nơi xảy ra tai nạn. Anh
gắng gượng ngước nhìn, mừng rỡ, thì thào: “Thiên thần Mũ Đỏ! Chỉ
có Thiên Thần Mũ Đỏ!” 3 người lính trong trang phục “bông dù”
quen thuộc, đã xuất hiện thường xuyên trong căn cứ Tân Sơn Nhứt.
Các anh dũng cảm, không quản ngại bị pháo kích, lái xe từ trại
Hoàng Hoa Thám băng qua phi đạo, đến tìm cứu những đồng đội Không
quân, những anh hùng Tinh Long 07 đã săn lùng và phá hủy các khẩu
trọng pháo của quân thù đang hủy diệt “căn nhà” chung của: Không
quân – Nhảy dù trong phi trường Tân Sơn Nhứt. Các anh không thể
làm ngơ khi nhìn thấy những cây dù hy vọng, tương tự như những
cánh hoa dù của chính các anh, đã rơi ra khỏi chiếc phi cơ lâm
nạn.
Mặc dù, Chính phủ, Quân đội và nhân dân VNCH đã tan
rã. Duy nhất chỉ còn lại một thứ không bao giờ tan biến, tình
“huynh đệ chi binh” trong tâm tư của những người lính dù anh
dũng, không bao giờ tan rã.
Anh Chín đã tạc dạ ghi ơn 3
anh lính dù cuối cùng, đã mang băng ca cứu giúp anh, đưa anh về
bệnh xá Không quân an toàn. Anh hối tiếc, trong giây phút rối ren
của đất nước, các anh đã vội vã từ biệt, trở về Sư Đoàn Dù tiếp
tục cuộc chiến đấu. 3 người lính Dù cứu tinh anh dũng, ân nhân
của anh Chín đã không có dịp để lại tên tuổi của các anh.
Anh Chín mang trong lòng một nỗi buồn ray rứt, với khát vọng được
tái ngộ, để có lời tạ ơn cùng những anh hùng Nhảy Dù năm xưa, đã
cứu anh giữa lúc đất nước VNCH đang trong tình trạng dầu sôi lửa
bỏng.
Đôi dòng tâm tư này thay cho lời cám ơn của anh
Nguyễn Văn Chín gửi đến những vị anh hùng cứu tinh vô danh của
Binh chủng Nhảy dù của QLVNCH, các anh hiện đang sinh sống đâu
đó, khi đọc được những lời tâm tình này. Vui lòng ghi nhận lời
tri ân của anh Nguyễn Văn Chín.
Ghi chú: Tác giả là người Không quân viết bài này trong lãnh vực Nhảy dù, với mục đích GIẢI TRÍ nếu có những sự sai sót, ngoài ý muốn, xin quý độc giả vui lòng sửa chữa và niệm tình tha thứ. Chân thành cám ơn.
Thành Giang
Phụ Lục - Hành trang Chiến binh Nhảy Dù
Dù T-10 đeo sau lưng, đây là chiếc dù chính có màu xanh nhà binh
Dù T-10, dù cấp cứu nhỏ hơn, đeo trước bụng, dù có mầu trắng tinh
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Trung tâm lưu trữ những buổi lễ Mừng Thánh Tổ SĐND/QLVNCH
|
Hình nền: Xuân Đinh Dậu trên chiếc VTC Caribou C-7A. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E-mail by Thành Giang chuyển
Đăng ngày Thứ Ba,
January 10, 2017
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang