Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bút
Ký
Chủ đề:
đời hoa tiêu
Tác giả:
Kha Lăng Đa
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Dấu chàng theo lớp mây đưa,
Thiếp nhìn rặng núi, ngẩn ngơ nỗi nhà.
–(Chinh phụ ngâm)
Thật đúng là hữu
duyên thiên lý năng tương ngộ nên nguyệt lão khiến xui tôi từ Phi
Đoàn 114 ở Nha Trang đổi ra Phi Đoàn Thiên Phong 110 (Đà Nẵng) mà
Quảng Ngãi, quê của người yêu tôi là biệt đội của đơn vị này. Rồi
đây lửa gần rơm chắc thế nào cũng bén!
Đến đơn vị mới được vài tuần, tôi nhận
sự vụ lệnh đi biệt phái ra miền sông Hương, núi Ngự rồi đến Đông
Hà – Quảng Trị. Lúc này chiến trường đang ngút lửa ở phía Tây của
Cố Đô Huế, trong dãy Trường Sơn và vùng hỏa tuyến Gio Linh – Bến
Hải. Cộng quân ngày đêm pháo kích những căn cứ Mỹ gần cầu Hiền
Lương và quận Đông Hà, cái quận nghèo nàn đường sá đầy bụi bặm,
cây cối xác xơ. Khí hậu ở đây rất nghiệt ngã, ngày nắng như thiêu
đốt, đêm lạnh thấu xương. Dân vùng này sống rất khổ: chiến tranh,
thời tiết, việc mưu sinh. Họ cam chịu mọi bất hạnh mà trời đã
dành cho họ, một sự cam chịu đến lì lợm, phó mặc cho định mệnh.
Những đêm trời lạnh sắt se, có khi
khoảng 6 độ bách phân, biệt đội chúng tôi dùng cái thùng phuy đặt
giữa nhà làm cái lò sưởi mà chất đốt là ván gỗ thông lấy từ những
thùng đựng rốc–kết. Đêm nào chúng tôi cũng ngồi quây quần bên lò
sưởi, ăn bánh khoái, uống lai rai rượu Rum–đê–ô–đa cho ấm lòng...
chiến sĩ, kể chuyện tiếu lâm, chuyện các nàng cho tới khuya mới
đi ngủ. Có hôm lạnh quá sau một ngày làm việc, chúng tôi phải bay
về đáp ở phi trường Tây Lộc trong thành nội Huế để trú lạnh, sáng
sớm hôm sau lại bay trở ra Đông Hà.
Những lần ra biệt đội Huế, bay yểm trợ
cho Sư Đoàn 1 Bộ Binh thì rất vui vì có nhiều tiết mục hấp dẫn
nào là ngồi quán Lộ Thiên, quán cà phê Dung, điểm tâm bún bò giò
heo ở cửa Thượng Tứ, qua cồn Hến ăn cơm hến, ngủ đêm trên đò cắm
sào giữa sông Hương trong cảnh gió mát, trăng thanh. Biệt đội
chúng tôi ăn cơm trưa và chiều ở quán cơm Đập Đá, bên kia cầu
Trường Tiền. Thỉnh thoảng cả băng rủ nhau đi ăn bánh bèo ở thôn
Vĩ Dạ. Có lần chúng tôi đi chơi tận ngoài cửa Thuận An.
Lần đầu tôi đi biệt phái Huế thì anh
Nhơn “Nước” làm biệt đội trưởng. Anh này là một cao thủ binh xập
xám luyện được tuyệt chiêu đánh đâu thắng đó. Tôi và tiểu đệ Hồ
Quang Bá không thuộc môn phái này nhưng thường đi “ếch–cọt” anh
ta trong những trận giao đấu với các cao thủ Bộ Binh. Đi biệt
phái với Nhơn “Nước” thì thật là... huy hoàng vì anh ta thường
làm lễ khao quân khi thắng trận. Sở dĩ được mang biệt danh Nhơn
“Nước” vì anh ta “nhẩm xà” như rồng lấy nước và uống liền liền
cho nên Nhơn “Nước”, mập nước. Tôi với anh ta rất là tâm đắc vì
cả hai rặc ri Nam cờ, thích ca 6 câu vọng cổ.
Từ Vùng II Chiến Thuật, tôi theo những
lớp mây trời trôi nổi ra Vùng I Chiến Thuật, đi chào sân ở Huế,
bung ra tới Vĩ Tuyến 17, lộn ngược ra Quảng Nam, Tam Kỳ rồi mới
biệt phái cho Sư Đoàn 2 Bộ Binh mà bộ chỉ huy nằm ở trại Hoa Lư
trong tỉnh Quảng Ngãi, nơi người yêu của tôi đang sống với cha mẹ
nuôi. Lần nào về núi Thiên Ấn, sông Trà Khúc này tôi cũng bén mùi
chim mía và rượu bách nhựt của Cẩm Thành (và bén mùi... người yêu
nữa chớ)! Tôi xin biệt phái dài hạn, 1–2 tháng mới chịu trở về
đơn vị.
Nghe
theo lời dụ dỗ của... con tim, tôi quyết định cưới vợ. Đám cưới
của tôi do anh Mạnh, Phi Đoàn Trưởng (Biệt danh là Captain Le
Fort) làm chủ hôn. Một số bạn bè ở Đà Nẵng và ở biệt đội Quảng
Ngãi đến chia vui. Trong tiệc cưới có nhạc sống nổi tưng bừng. Đã
biết cưới vợ là bế mạc cuộc sống độc thân bay nhảy như chim mà
tôi vẫn tỉnh bơ như con sáo sành đứng hót trước đường nhắm đúng
của một tay thiện xạ ná dây thun. Rồi đây tôi sẽ phải khổ vì mang
trách nhiệm làm chồng, làm cha, nặng nề mà còn làm người bạn trăm
năm phải khổ lây theo tôi.
Trong thời chiến tranh này, những người
chinh phụ như vợ tôi thật đáng thương. Mỗi sáng thức dậy đi bay,
tôi đã đọc được nỗi lo âu trong đôi mắt vợ tôi. Chiều nào về hơi
trễ cũng thấy nàng đứng trước cửa nhà, ngó mong vì đã có nhiều
người bạn của tôi ra đi không trở lại. Phi Đoàn 110 có cái huông
rất kỳ lạ như bị lời chúc dữ linh thiêng. Khi xảy ra một tai nạn
thì sẽ có thêm một tai nạn thứ hai sau đó không lâu và có 1 phi
hành đoàn mất tích thì sẽ kéo theo 1 phi hành đoàn nữa. Bởi vậy
khi đơn vị có tin buồn thì các phu nhân của nhân viên phi hành
thắc thỏm lo âu, không biết phu quân của mình có rơi vào cái
huông ác nghiệt ấy chăng! Cái khổ còn lây qua cho những đứa con
của tôi.
Cư xá
tôi nằm ở gần phi đạo. Đêm đêm, con tôi ngủ không yên giấc. Chúng
thường bị giật mình khóc thét lên vì phi cơ phản lực cất cánh gây
tiếng động ầm ầm như sấm sét, xé tan màn đêm tĩnh mịch. Đã vậy mà
Việt cộng nhiều lần dùng hỏa tiễn 122ly pháo kích phi trường. Còi
báo động hú lên inh ỏi. Vợ chồng tôi phải vội vã bồng con chui
vào hầm trú ẩn trong phòng ngủ. May mắn là tôi được làm lính
thành phố, còn những anh em ở những đơn vị Bộ Binh hay những đơn
vị tác chiến khác phải chịu gian khổ hơn tôi nhiều. Có khi họ đem
cả vợ con theo ở trong đồn bót, căn cứ. Tôi nhớ mãi chuyện Việt
cộng tấn công 1 đồn của Địa Phương Quân giữa đêm khuya. Anh
thượng sĩ thủ súng đại liên bị trọng thương. Vợ của anh ta thay
thế chồng, quyết tử chiến với quân thù. Chị đã đẩy lui được địch
kịp lúc trời rạng đông. Đúng là giặc đến nhà đàn bà phải đánh.
Riêng những người chinh phụ, vợ của
nhân viên phi hành thì khi chiều hôm nhạt nắng, nàng đứng tựa cửa
nhìn mây bay theo gió mà trông chờ cánh chim ở chốn xa xăm bay về
tổ ấm. Tôi đã khóc trước cảnh tử biệt đau thương của những người
bạn thân gãy cánh nửa chừng xuân, thi hài không nguyên vẹn, nhưng
sau đó tôi lại lao vào vòng khói lửa mà lòng không nao núng.
Những người đã nằm xuống cho lý tưởng Bảo Quốc Trấn Không luôn
được kẻ còn lại tiếc thương, ca tụng, nhắc nhở và noi gương.
Nghiệp bay ở miền Trung gắn liền với sự
nguy hiểm khôn lường vì núi cao, mây mù. Năm nào cũng có phi cơ
bị mất tích vì thời tiết xấu. Những trận mưa dai dẳng kéo dài đến
mươi ngày, nửa tháng. Mây xám ôm ấp dãy Trường Sơn. Mùa này tôi
thường được ở nhà gần gũi vợ con. Dân bay Đà Nẵng đã đặt một câu
tục ngữ về thời tiết rất đúng:
Mây phủ Sơn Chà,
về nhà đánh bạc.
Ở Phi Đoàn 110 được hơn 1 năm thì tôi
lại được chọn qua Toán SF (Special Force) biệt phái cho trại Lực
Lượng Đặc Biệt B15 ở gần bờ sông Dakpla – Kontum. Toán này do Đại
úy Trần Văn Vinh chỉ huy, gồm có 3 phi hành đoàn và 2 cơ khí
viên, dùng loại phi cơ Cessna U17 để thi hành phi vụ. Nhiệm vụ
của chúng tôi là chở những anh Mỹ trưởng toán biệt kích, bay đến
vùng biên giới Lào để quan sát, xác định tọa độ của 1 bãi đáp
chánh và 1 bãi đáp phụ cho phi cơ trực thăng H34 của Phi Đoàn 219
thả những toán biệt kích xuống dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh.
Mỗi toán của họ chỉ có 6 người, đa số là lính Thượng.
Thường khi đi nhảy toán, họ trang bị
súng AK và cải trang như Việt cộng. Chúng tôi được Mỹ trả lương
tính theo phi vụ vượt biên giới đã thực hiện được, nửa tháng trả
tiền một lần và dĩ nhiên chúng tôi vẫn được lãnh lương mình ở đơn
vị. Bay những phi vụ đặc biệt này là đối diện với tử thần. Biệt
đội của chúng tôi có 2 phi hành đoàn bị mất tích. Biệt đội trực
thăng H34 của Phi Đoàn 219 có mấy chiếc bị địch bắn rớt và bị mất
tích. Vùng hoạt động của chúng tôi nằm dọc theo biên giới
Lào–Việt nhứt là vùng Benhet – Dakto.
Tôi đi cặp với Trung úy Đoàn Cao Đoán
vừa mới cưới vợ. Cặp bài trùng của chúng tôi đã hai lần thoát
chết, một lần nôn nóng về gặp bà xã đã bay lọt vào mây CB, loại
mây tạo thành cơn giông, phi cơ bị gió đánh tưởng đâu gãy lìa đôi
cánh. Một lần suýt bị Pháo Đài Bay B52 thả bom trên... lưng.
Chúng tôi vừa bay ra khỏi vùng oanh kích tự do thì một trận mưa
bom GP750 trút đổ xuống, khiến chiếc Cessna bị chao đảo như cánh
bướm trước cơn gió lốc.
Bộ chỉ huy phối hợp Việt–Mỹ của trại
B15, trong đó có Thiếu tá Rỉnh, Đại úy Thụ, Đại úy Bích rất yêu
mến Không Quân, nhứt là anh em trực thăng vì đã có mấy toán biệt
kích bị lâm nguy được các phi hành đoàn của biệt đội H34 cảm tử
lao vào vùng địch bốc họ về trại. Những toán này thường vào câu
lạc bộ đãi mọi người uống bia mệt nghỉ. Bên trong câu lạc bộ có
treo một cái chuông. Theo qui định ai đi vào mà không giở nón sẽ
bị phạt trả tiền cho tất cả ẩm khách đang uống rượu trong câu lạc
bộ.
Người nào
thấy được kẻ phạm lỗi không dở nón khi vào câu lạc bộ thì đến
giựt chuông báo phạt. Ngoài cửa câu lạc bộ có 1 phòng nhỏ cho 1
cô gái Việt Nam bán bia thùng và thuốc lá cây. Cô này đẹp nhưng
rất là... quỷ quái. Cô ta mặc áo dài kín đáo nhưng nói chuyện thì
rất sex khiến người đối diện tưởng cô ta đang... thoát y. Lần nào
sắp về đơn vị, tôi cũng đến mua 1 thùng bia và 1 cây thuốc lá để
đãi bạn bè. Lần nào tôi cũng nghe người con gái bạo mồm, bạo
miệng này nói những lời khêu tình khiến tôi phải... đỏ mặt, tía
tai. (Con gái gì mà chì quá trời quá đất)!
Vì đã ngán thức ăn Mẽo trong trại nên
Đoán và tôi chiều nào cũng ra phố Kontum ăn cơm Việt Nam mà hai
món chánh là canh chua, cá kho. Tôi tìm đến nhà 1 người con gái
có tài thổi... tiêu mà tôi đã quen từ 3 năm trước lúc tôi còn ở
Phi Đoàn 114, thì nàng đã vắng dạng xa hình. Nhà nàng cửa đóng
kín bít. Tôi nhìn qua khe hở của vách ván, thấy trong nhà tơ nhện
phủ giăng. Tiếng mọt gỗ vọng ra như tiếng võng sầu đưa kẽo kẹt.
Thềm nhà xanh sắc rêu, xác lá vàng nằm chồng chất ngập sân. Nhớ
đêm gặp gỡ đầu tiên, nàng đã thổi tiêu cho tôi nghe. (Con gái mà
thích thổi mới ngộ chớ)! Không biết bây giờ em trôi dạt về đâu.
Tôi thẫn thờ trở gót, nghe như tiếng tiêu buồn còn văng vẳng đâu
đây.
Sau 15
ngày biệt phái cho B15 trở về đơn vị, chúng tôi đi bay phi vụ đặc
biệt cho trại biệt kích ở Sơn Chà hay trại biệt kích ở phi trường
Phú Bài, phía Nam cố đô Huế mà vùng hoạt động là biên giới phía
Tây Ashau, A Lưới. Những anh biệt kích Mỹ gọi vùng này là Oméga
vì nó có một nhánh sông Mékong uốn khúc thành hình móng ngựa. Con
đường mòn Hồ Chí Minh nơi đây có nhiều ngả rẽ vào núi rừng phía
Đông. Có một hôm chúng tôi khám phá được một đoàn xe Motolova của
Cộng sản Bắc Việt đang di chuyển về phía Nam. Anh Mỹ được chúng
tôi chở đi quan sát bãi đáp trực thăng để sẽ nhảy toán bèn báo
cáo về Bộ Chỉ Huy. Khoảng 20 phút sau, 2 chiếc F100 bay đến oanh
kích đoàn xe của địch tan tành.
Một lần bay ở vùng Lao Bảo–Khe Sanh,
chúng tôi lọt qua phía Bắc Vĩ Tuyến 17, sát biên giới Lào nhìn
thấy Đồng Hới xa xa. Vùng này núi non hùng vĩ, vách đá thẳng đứng
cheo leo. Có những quả núi hình dạng kỳ quái như con khủng long
đang nằm ngủ. Chúng tôi đang tìm bãi đáp trực thăng cho anh biệt
kích Mỹ thì bỗng từ xa phía dưới thung lũng, 1 chiếc phi cơ phản
lực sơn màu đen bay lên ngang cao độ và ngược chiều với phi cơ
của chúng tôi. Chúng tôi đang hoảng hốt vì sợ gặp phải phi cơ
MIG21 của Bắc Việt và chưa kịp có phản ứng gì thì nó đã đến gần.
Nhìn lại thì nó là chiếc F100 của Mỹ. Chắc nó cũng đang thi hành
phi vụ đặc biệt nên bay rất thấp, lượn lách trong hẻm núi. (Hú
hồn, hú vía! Rủi ro mà gặp MIG21 trên vùng đất địch thì chắc
chúng tôi sẽ đi không ai tìm xác rơi).
Khi tôi còn ở Phi Đoàn 114 Nha Trang
thì Đại úy Trần Trọng Khương làm Phi Đoàn Phó, Thiếu tá Đặng Văn
Hậu làm Phi Đoàn Trưởng. Lúc tôi ra Đà Nẵng được hơn 1 năm thì
anh Khương cũng đổi ra Phi Đoàn 110 và cũng giữ chức vụ Phi Đoàn
Phó. Gần 1 năm sau do đà bành trướng của Không Quân từ cấp Không
Đoàn lên đến cấp Sư Đoàn, anh Khương được Bộ Tư Lệnh cất nhắc lên
làm Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 122 tân lập thuộc Sư Đoàn IV Không
Quân ở phi trường Trà Nóc–Cần Thơ. Từ lâu tôi đã mộng ước ấp ủ về
phục vụ ở miền Nam để được gần mẹ tôi tuổi đã già nua. Nhân cơ
hội này, tôi xin đầu quân vào Phi Đoàn 122. (Trước mang danh hiệu
Thần Tiễn, sau đổi lại là Họa Mi).
Tôi đưa vợ con tôi về miền đất lành
chim đậu. Tuy bước đầu phải gặp nhiều khó khăn vì tôi chưa xin
được cư xá nhưng tâm hồn tôi cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng, rộng
mở khi nhìn những cánh đồng lúa xanh trải tận chân trời. Miền Nam
trong hoàn cảnh chiến tranh nhưng nhân dân vẫn được ấm no, hạnh
phúc. Tôi được sống lại trong cái phong thổ thích hợp với tôi. Vợ
tôi tuy có bỡ ngỡ vì lạ cảnh, lạ quê nhưng rồi cũng hân hoan hội
nhập với xã hội miền Nam. Các con tôi không còn bị giựt mình vì
tiếng thét gầm của phi cơ phản lực cất cánh ban đêm nữa. Không
còn chui vào hầm trốn pháo kích nữa nhưng vợ tôi thì vẫn mang
nặng nỗi lo âu khi sáng sớm tôi đi bay và vẫn tựa cửa trông tôi
về khi trời rũ bóng hoàng hôn.
Phi Đoàn 122 là nơi hội tụ nhiều tay
hảo hán từ các phi đoàn khác đến như Lý Tống, Trọng Khùng, Thám
Tử Lê Phong, Vũ Hiếu Mưu (Biệt danh là người Thượng Cổ), Kiệt Gà,
Yến Fulro, Nguyễn Văn Sao, Phan Tấn Khải, Hưng Râu, Nguyễn Văn
Công, Hình Thại Thu, Phước Chảy, Bá Hiệp Sĩ Mù... 2 tháng sau
ngày thành lập, Phi Đoàn 122 mang tên nữ ca sĩ Họa Mi đã sát cánh
với Phi Đoàn bạn 116 (Danh hiệu Sơn Ca) bay yểm trợ cho Biệt khu
44 – Cao Lãnh, Sư Đoàn 7 và Sư Đoàn 9 Bộ Binh ở căn cứ Đồng
Tâm–Mỹ Tho, Tiểu Khu Vĩnh Bình, Vĩnh Long, Mộc Hóa, Châu Đốc, Vị
Thanh, Kiên Giang, căn cứ Hải Quân Năm Căn và Đặc Khu Phú Quốc.
Tôi có dịp đến nhiều tỉnh lỵ của miền
Nam trái ngọt cây lành, được chiêm ngưỡng dung nhan của những
nàng con gái sông Tiền, sông Hậu xinh tươi trong chiếc áo bà ba.
Được các em nữ sinh dẫn vào vườn mận, vườn xoài ăn trái ngọt miền
Nam. Có những đêm sáng trăng tôi đã cùng người bạn Trương Văn
Sang, chỉ huy trưởng Lực Lượng Giang Cảnh ở bến phà Tân Tịch–Cao
Lãnh xuôi tàu trên sông Tiền Giang để cùng nhau đối ẩm, đờn ca cổ
nhạc miền Nam. Chúng tôi ngồi trên mui tàu, ăn cá linh nhúng dấm,
cụng ly nhau, uống cạn từng ly rượu đậm đà tình thân ái, nhìn ánh
trăng lung linh trên mặt sông phẳng lặng. Tôi đã bay xuống tận
vùng trời cuối Việt và tại căn cứ Hải Quân ở Năm Căn, tôi đã gặp
lại người bạn học Ngô Văn Trì đang giữ chức vụ Chỉ Huy Phó Tiền
Doanh. Tôi đã xin phép Phi Đoàn Trưởng ở lại với anh vài ngày để
cùng nhau tâm sự.
Anh đã đãi tôi ăn đặc sản tôm cua, cá
chẽm và thịt rừng của vùng Năm Căn. Tôi và Yến Fulro đã chở con
kỳ đà nặng gần 5 ký do Trì tặng, đem về Trà Nóc, nấu cà ri đãi
anh em đồng nghiệp nhậu say túy lúy, trong khi dân bay rất kỵ và
sợ con kỳ đà cản mũi sẽ gieo nhiều tai họa. Mấy hôm sau đi hướng
dẫn khu trục oanh kích ở gần Vị Thanh, phi cơ của tôi bị Việt
cộng bắn thủng cánh 2, 3 lỗ. Anh em trong đơn vị đồn vang tôi bị
xui xẻo vì đã dám chở con kỳ đà về ăn thịt.
Mỗi lần đi biệt phái cho Đặc Khu Phú
Quốc, tôi lên cân ít nhất là 3 ký lô vì được Trung tá Thơ – Hải
Quân, thường đãi chúng tôi ăn hải vị thượng hạng của đảo Phú
Quốc. Chúng tôi thương kính Trung tá Thơ như một người anh cả.
Anh cũng rất mến chúng tôi. Anh là thành viên của Tổng Hội Săn
Bắn Dưới Biển. Tủ lạnh lớn của anh luôn chứa đầy những loại cá
ngon mà anh đã săn được trong sự chọn lựa. Chiều chiều, anh cùng
Yến Fulro và tôi làm món cá hấp hay cá nướng, đặt bàn nhậu trên
bờ biển sau nhà anh đang ở rồi chúng tôi nằm trên ghế bố nhậu lai
rai chờ trăng lên. Khi đêm đã vào khuya, gió biển thổi về thấm
lạnh, chúng tôi dọn bàn vào nhà và tiếp tục vui say. Bỗng anh
phải giã từ chúng tôi đi làm Tùy Viên Quân Sự ở Tây Đức.
Những chiều cuối tuần ở hải đảo Phú
Quốc, chiếc L19 của chúng tôi biến thành chiếc tàu đò đi lại
nhiều chuyến mới chở hết bạn bè trong Đặc Khu, cất cánh tại phi
trường An Thới bay lên Dương Đông đá gà nòi. Sau những độ kê
chiến kịch liệt, cả băng kéo nhau đi nhậu đến hoàng hôn mới trở
lại An Thới. Có khi về trễ phải gọi người lái xe ra đầu phi đạo
pha đèn cho chiếc L19 mảnh khảnh mà rán chở tới 3 người vào đáp
gió ngang, gió giật. Yến Fulro là 1 hảo hán không chê những sân
bay chật hẹp. Lần nào đi Phú Quốc về, phi cơ của chúng tôi cũng
chở đầy quà tặng của thân hữu, toàn là khô cá thiều và nước mắm
hảo hạng của hãng Nam Phong, Hồng Đại. Có lần chúng tôi chở về
đơn vị 1 giỏ cần xế ghẹ biển chất đầy chiếc Cessna, phân phát cho
cả đại gia đình Họa Mi ăn... lấy thảo.
Để đáp lại lòng thương mến của anh em ở
hải đảo, nhân chuyến đi thăm biệt đội vào ngày đầu Xuân, tôi và
Yến Fulro đã mua 6 con rùa ở Cần Thơ đem ra Phú Quốc để làm món
rùa rang muối đãi thân hữu. Đại úy Phước “Chảy”, Trưởng Phòng
Hành Quân đòi đi theo chúng tôi ra đảo nhưng khi nhìn thấy cái
bao cát đựng 6 con rùa trên chiếc Cessna U17B của tôi và Yến sắp
đi du xuân thì ông ta lắc đầu, le lưỡi và vội vàng rút lui vì sợ
những cái mu rùa nhẵn nhụi sẽ mang đến vận đen cho ông. (Vậy thì
bớt đi người phá mồi nhậu, càng tốt)!
Bỗng Việt kiều ở Kampuchia bị Miên “cáp
duồn”, tôi đã nhận lệnh bay hộ tống cho chiếc HQ5 của Hải Quân ta
đang chở đồng bào lâm nạn về nước theo thủy lộ sông Cửu Long.
Nhìn họ ngồi xúm xít trên boong tàu sau khi thoát khỏi cảnh chết
chóc đau thương, tôi nghe lòng căm hận bọn người dã man, tàn bạo.
Biết bao cảnh vợ chồng chia lìa, trẻ thơ vô tội phải chịu mồ côi
cha mẹ, sống vất vưởng lang thang. Nếu được phép trừng trị bọn
người hiếu sát kia thì tôi nhứt định đánh thẳng tay để trả thù
cho đồng bào ruột thịt đã bị họ giết hại.
Về miền đồng bằng, chúng tôi cảm thấy
đường bay rộng mở thênh thang, không bị cản trở bởi núi non trùng
điệp khi mây xuống thấp. Mục tiêu cũng dễ thanh toán hơn miền
Trung. Chiến trường ở Vùng IV Chiến Thuật đang nóng bỏng ở nhiều
nơi như khu vực Tháp Mười, Tân Thành, Cái Cái, Sầm Giang, Long
Toàn, U Minh Thượng, và khu vực Thất Sơn. Phi vụ mà tôi khó quên
là phi vụ hướng dẫn 1 phi tuần A37 trang bị bom CBU55, oanh kích
đỉnh núi Tròn nằm trong Thất Sơn, tiêu diệt địch quân chiếm cứ
đỉnh quân sự này đã lâu ngày mà lực lượng Biệt Động Quân ta không
hạ chúng được. Mỗi lần quân ta leo lên tới sườn núi, chúng thả
“Bê–ta” có dù bọc, bay lơ lửng và nổ chụp xuống khiến Biệt Động
Quân thiệt hại nặng nề về nhân mạng. Bị thả bom đặc biệt (mà Bắc
Việt đã gọi nó là bom nguyên tử cỡ nhỏ), Việt cộng chết nằm la
liệt, xác nào cũng chảy máu miệng, máu lỗ tai, lỗ mũi. Quân ta
tiến chiếm lại đỉnh núi Tròn.
Lúc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tiến qua
Kampuchia để triệt hạ sào huyệt của Việt cộng là lúc tôi được cấp
cư xá trong phi trường Trà Nóc–Cần Thơ. Vợ chồng tôi hớn hở dọn
về nhà mới. Các con tôi có sân chơi trước nhà để nô đùa thỏa
thích và đi học lớp mẫu giáo ở trường tiểu học ngoài cổng phi
trường do Sư Đoàn IV Không Quân xây cất. Rời xa cảnh gạo chợ nước
sông, vợ tôi đỡ bớt nhọc nhằn trong công việc nội trợ hằng ngày
nhờ cư xá có điện, nước xài tự do. Tôi thấy an tâm trên đường
chinh chiến, đi biệt phái qua Phnom–Pênh để yểm trợ cho những
cuộc hành quân của quân ta, quét sạch cứ điểm địch trên đất Miên.
Ngoài những cuộc hành quân ở Kompong Trapek, Kompong Rou,
Svay–riêng ở gần biên giới, tôi và anh em đồng đội còn bay bao
vùng hành quân ở trên lãnh thổ của xứ Chùa Tháp như Banam,
Preyveng, Kompong Cham, Kompong Trach, Snoul và đồn điền Chup.
Khi ấy chính phủ Lonol dùng nhà hàng
Thái San để chiêu đãi Không Quân Việt Nam và một số chuyên viên
kỹ thuật, tiếp vận, kiến tạo của ta sang giúp họ. Chúng tôi ở
trong phi trường Phnom–Pênh, chiều chiều lái xe ra phố ăn cơm rồi
đến chợ Mới, chợ Cũ gặp những cô Việt kiều ở những gian hàng bán
trái cây để tán gẫu hoặc đi dạo phố, mua quà kỷ niệm cho người
thân. Đêm nào cảm thấy ngứa chân thì cả biệt đội xuống vũ trường
nổi La Lune trên sông Cửu Long gần Hoàng Cung để nhảy đầm. Có đêm
chúng tôi rủ nhau vào Snack Bar để uống bia, nghe nhạc kích động
Kampuchia. Các nàng Khờ Me đến bao quanh chúng tôi, miệng nói xí
xô xí xào. Chúng tôi có dẫn theo một anh phu xe xích lô người
Miên biết nói tiếng Việt Nam làm thông dịch viên. Tôi hỏi anh ta:
– Mấy cô gái nói gì vậy anh?
Bằng giọng nói Giao Chỉ cứng ngắc như
không có bỏ dấu, anh ta trả lời:
– Mấy cô nói mặt mấy ông... tốt lắm.
(Đẹp lắm chớ không phải tốt đâu ông nội ơi)!
Sông Cửu Long lúc đó tàu Panama tấp nập
ra vào Phnom–Pênh. Một đơn vị cộng quân đã đóng chốt ở phía Bắc
Hồng Ngự sát bờ sông, đã bắn chìm 1 tàu kéo theo sau 1 sà lan dài
khoảng 30 thước. Cả khối lượng lớn đạn dược được chất trên sà lan
cũng bị bắn nổ tung. Khói lửa bốc lên ngút trời. Tôi đã hướng dẫn
Khu Trục phản lực A37 dội bom ngay trên vị trí địch quân đặt
súng. Sau đó, trực thăng HU1 đã thả 1 lực lượng Bộ Binh của Sư
Đoàn 7 xuống chiếm mục tiêu. Theo lời báo cáo kết quả của quân
bạn thì họ thu được 1 đại bác 75ly không giật, 1 đại liên Đông
Đức, 5 giàn hỏa tiễn AT3, 14 súng AK và 23 cộng quân bị tử
thương.
Hôm
nọ, anh Khương gọi tôi vào phòng trình diện. Anh vui vẻ nói:
– Kỳ này tôi đề nghị anh dự tuyển chiến
sĩ xuất sắc của Sư Đoàn IV Không Quân. Anh nghĩ sao?
Tôi thản nhiên trả lời:
– Thưa Trung tá, xin Trung tá hãy đề
nghị anh em trẻ tuổi của phi đoàn để khích lệ tinh thần chiến đấu
của họ.
Anh
Khương thân mật vỗ vai tôi:
– Tại sao phần vinh quang của anh mà
anh lại nhường cho người khác? Nếu được hưởng cái phần thưởng quí
giá này, họ có chịu nhường cho anh không? Tôi đã xét kỹ rồi, chỉ
có anh mới có thể dự tranh cuộc tuyển lựa chiến sĩ xuất sắc này
vì phải được 2 huy chương Anh Dũng Bội Tinh ở chiến trường
Kampuchia. Anh thì chắc đủ hay thừa điều kiện. Vậy anh hãy lên
phòng Tổng Quản Trị lục và sao 2 bản quyết định ân thưởng Anh
Dũng Bội Tinh rồi đem về đây gấp cho tôi. Nếu được 3 huy chương
càng tốt.
Tôi
cỡi xe Honda chạy về hướng Phòng Nhân Viên của Sư Đoàn, lòng miên
man suy nghĩ về việc tự mình đi lục huy chương để nâng mình lên
đài danh vọng, sao tôi thấy tự thẹn với sự bon chen của tôi quá.
Tôi bỗng quay xe về cư xá vui chơi với các con tôi trước nhà,
việc kia thì hạ hồi phân giải. Đến chiều tôi mới trở lên đơn vị
để xem bảng phi lệnh cắt đặt phi vụ cho ngày mai. Gặp lại anh
Khương, tôi lúng túng chưa biết phải nói sao thì anh đã tươi cười
nói:
– Chờ anh
đi lục huy chương lâu quá nên tôi đã sai Đại úy Hiệp, sĩ quan văn
thư đi lấy về rồi. Quả thật vậy, anh hội đủ điều kiện. Hồ sơ dự
tuyển tôi đã chuyển đi. Tôi chắc là anh sẽ được chọn.
– Cám ơn Trung tá.
Tôi nghe mừng vui lẫn xúc cảm trước sự
ưu ái của anh Khương đối với tôi. Tôi tự trách mình không chân
thật với chính mình. Nếu như anh Khương chấp nhận sự nhượng bộ
của tôi để người khác trong đơn vị thay thế tôi, chắc sau đó tôi
sẽ vô cùng nuối tiếc vì cái vinh quang của mình để cho tha nhân
được hưởng. Tôi rút kinh nghiệm cho bản thân tôi phải có chừng
mực trong sự khiêm nhường, đừng để nó quá lố khiến mình thành kẻ
yếu hèn, an phận làm đà cho người khác giẵm lên lưng mình để được
thăng tiến.
Tôi được chọn làm Chiến Sĩ Xuất Sắc của Sư Đoàn IV Không Quân
cùng với 1 vị Thiếu tá hoa tiêu A37, được đưa về Sài Gòn trước
ngày Quân Lực 19/6/73 mười ngày. Thoạt tiên, ban tổ chức chụp
hình từng người, ghi lý lịch và thành tích chiến đấu để đưa vào
chương trình Ánh Sao Đơn Vị của Đài Vô Tuyến Truyền Hình Việt
Nam. Sau đó, họ phân chia chỗ ở. Chiến Sĩ Xuất Sắc của Không Quân
và Pháo Binh được chỉ định ở khách sạn Palace. Có tất cả 211
người thuộc các quân, binh chủng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
được chọn về thủ đô trình diện Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và
được ân thưởng Ưu Dũng Bội Tinh.
Đại tiệc đầu tiên do Phủ Tổng Thống
biệt đãi chúng tôi trong Dinh Độc Lập có chương trình văn nghệ
giúp vui rất đặc sắc. Những món ăn rất cầu kỳ, sang trọng toàn là
sơn hào, hải vị. Mỗi người chúng tôi đều được mang 1 băng vải có
đề dòng chữ nổi bật Chiến Sĩ Xuất Sắc choàng từ vai trái qua hông
phải như các nàng hoa hậu. Kế tiếp những ngày sau, Thượng Nghị
Viện, Hạ Nghị Viện, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị và nhiều cơ
quan khác mở tiệc linh đình chiêu đãi chúng tôi. Tiệm bánh bao
Ông Cả Cần cũng có mời chúng tôi đến ăn sáng. Chỗ nào họ cũng có
tặng quà trong bữa tiệc. Đặc biệt hãng Hàng Không Dân Sự Air
Vietnam chiêu đãi riêng anh em Chiến Sĩ Xuất Sắc Không Quân. Tôi
lại được dịp ngắm nhìn thật gần các cô chiêu đãi viên hàng không
đẹp tha thướt trong những chiếc áo dài màu thiên thanh.
Sáng ngày 19/6/73, chúng tôi được ngồi
trên khán đài danh dự để xem cuộc diễn hành vĩ đại của các binh
chủng thuộc QLVNCH biểu dương lực lượng giữa thành đô rợp bóng cờ
vàng và giữa tiếng hoan hô vang dội của nhân dân. Tôi hãnh diện
nhìn lên nền trời xanh khi các loại phi cơ của Không Lực Việt Nam
bay qua khán đài trong đội hình phi diễn đẹp mắt, thả khói màu
tạo thành hình cờ tổ quốc.
Tôi được ưu tiên xin thuyên chuyển về
Bộ Tư Lệnh Không Quân. Nếu được vậy, tôi sẽ làm việc ở các Phòng
các Ban chớ không còn đi bay nữa. Tôi sẽ đưa vợ con về cư xá sĩ
quan trong phi trường Tân Sơn Nhứt hoặc ở nhà mẹ ruột của vợ tôi
nằm trên đường Trương Minh Giảng. Rồi tôi sẽ tạo một mái ấm gia
đình thuộc quyền sở hữu của vợ chồng tôi ở vùng ngoại ô Sài Gòn
hay ở Thủ Đức. Tôi sẽ tìm nghề tay trái thích hợp với sở năng để
nâng cao mức sống gia đình, cho các con tôi rộng đường ăn học.
Mộng ước tương lai khiến tôi mang nặng
suy tư trong suốt chuyến phi cơ trở về đơn vị. Rồi đây tôi sẽ rời
Phi Đoàn Họa Mi 122, xa bạn bè thân mến với bao kỷ niệm êm đẹp
trong chuỗi ngày chiến đấu và vui sống bên nhau. Tôi sẽ không còn
cùng anh em đi biệt phái ở các tỉnh miền sông Tiền, sông Hậu và
hải đảo Phú Quốc nữa. Tôi sẽ giã biệt Tây Đô hiền hòa trong cuộc
đời hạnh phúc mà niềm tin yêu của người Cần Thơ lai láng như cơn
nước rong trên bến Ninh Kiều thơ mộng.
Về đơn vị, vào một buổi sáng tôi mời
tất cả anh em trong Phi Đoàn đi ăn điểm tâm và tường thuật lại
những ngày vui vừa qua. Tôi có tiết lộ cho anh Khương và bạn bè
nghe việc tôi được ưu tiên đổi về Bộ Tư Lệnh. Gương mặt anh
Khương bỗng thoáng nét buồn khi biết được dự tính tương lai của
tôi. Anh ôn tồn nói:
– Không lẽ anh được hưởng vinh quang
rồi lìa bỏ tôi và anh em sao?
Tôi bỗng nghe nỗi nghẹn ngào, xúc động
dâng lên trong lòng. Chưa chia ly mà sao tôi nghe bùi ngùi, bịn
rịn. Tình cảm quyến luyến anh em trong đơn vị khiến lòng tôi quặn
thắt khi nghĩ đến dự tính của mình. Tôi phải chọn con đường nào
đây? Tôi cắn môi, nhìn lên bầu trời xanh qua khung cửa sổ.
Từng đám mây trắng trôi bồng bềnh về
phương vô định giữa không gian đẹp nắng mai. Hình như có một đàn
chim vỗ cánh bay ngang, tôi run run nói với anh Khương:
– Thưa Trung tá, tôi không về Bộ Tư
Lệnh, tôi ở lại với anh em...
Kha Lăng Đa
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by cathy chuyển
Đăng ngày Chúa Nhật, February 25,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang