Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tự Truyện
Chủ đề:
đời hoa tiêu
Tác giả: Song Chùy

NHỚ MÃI NHỮNG PHI VỤ

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 


Ngày xưa khi mới về phi đoàn tôi đươc huấn luyện bay gunship [trực thăng/máy bay vũ trang]; các đàn anh cũng mới từ H–34 chuyển qua UH–1 và hệ thống tổ chức chưa được chia ra thành các phi đội như sau này. Hạ Lào là chiến trường đầu tiên để chúng tôi thao luyện.

HQ/LAM SƠN 719 đến trong sự hồi hộp lẫn với niềm hãnh diện của những phi công thời chiến. Đúng hơn, có lẽ đó là khí phách ngang tàng của tuổi trẻ lúc bấy giờ. Vì nhu cầu chiến trường, các đàn anh đề nghị cho mấy đứa chúng tôi dùng giờ HQ
[hành quân] thế cho huấn luyện và tôi cũng vui vẻ chấp nhận ngay. Cả đời bay của tôi từ HTC đến TPC và IP đều thay thế bằng giờ HQ, với những kỷ niệm không bao giờ quên của một đời phi công dù đã gần 40 năm qua đi.

Vùng Hoả Tuyến, địa đầu giới tuyến... những danh từ thật hấp dẫn với lứa tuổi thanh niên điếc không sợ súng. Buổi sáng cất cánh từ Đông Hà, một thành phố sa mạc như Casabalanca bên Phi Châu thời Đệ Nhị Thế Chiến với tất cả màu sắc của chiến tranh. Quốc lộ 1 chia Đông Hà làm hai; hướng Tây là các đồn bót và căn cứ quân sự của TQLC
[Thủy Quân Lục Chiến] Mỹ, phiá đông nhà dân chúng sống lẫn lộn với chợ buá và hàng quán. Quân xa và thiết giáp vận chuyển suốt ngày đêm, đất đỏ mù mịt như sương mù bao trùm cả thành phố. Ở giữa chợ còn một chiếc T–54 có lẽ là di tích sau Tết Mậu Thân để cho trẻ em làm đồ chơi giải trí. Miền Trung, những ngày đầu xuân mưa phùn gió bấc, lạnh run cầm cập, gió lùa vào thân tầu. Từng đoàn trực thăng nối tiếp nhau trên bầu trời như những toa xe lửa bò theo con thung lũng ngoằn ngoèo cắt ngang Trường Sơn dẫn vào KHE SANH, một trong những căn cứ hoả lực quan trọng và lớn nhất của Mỹ nằm sát biên giới LÀO. Nhờ bộ đồ ấm mới mang từ Mỹ về, lại thêm khăn lông quàng cổ và áo jacket còn thơm mùi tiếp liệu mà vẫn không hết lạnh. Tự hỏi lòng mình trời lạnh hay lạnh cẳng? Vùng trời Hạ Lào ngày nắng cháy, đêm sương lạnh thấu da thịt y như Đông Hà, Quảng Trị. Đèo LAO BẢO đánh dấu biên giới giữa hai nước. Quốc lộ 9 dẫn qua đèo tượng trưng cho sự giao dịch hai bên những ngày chưa có chiến tranh. Cây lá phủ kín chằng chịt cùng hệ thống đường mòn HCM lúc ẩn lúc hiện đâm sâu vào nội địa LÀO, âm u và bí ẩn đầy cạm bẫy đang chờ đón bước tiến của quân ta.

Ngày đầu vượt biên tôi bay với anh Tr. L. Tiến hộ tống cho hai đơn vị Thiết giáp và Nhảy Dù một lượt xuất hành qua đèo Lao Bảo trên QL–9. Các địa danh kế tiếp như Bravo, Alpha, A Lưới, Sophia đều nằm cạnh đường số 9, và Tchepone là mục tiêu cuối cùng. Bản đồ HQ phát cho ngày hôm ấy chỉ giới hạn theo đà tiến của các đơn vị bạn. Những bước chân gian nan chậm chạp của người chiến binh BB tiến mãi mà chẳng được bao xa; chúng tôi phải vòng mấy tours
[bận/lần] mới kịp. Âm thanh rộn ràng, ầm ĩ của trực thăng trên [bầu] trời và thiết vận xa dưới đất phá tan không gian tĩnh mịch của vùng núi đồi Hạ Lào; mình cũng can đảm hơn lên, vui nhiều hơn sợ.

Ngày còn học quân trường tôi rất mê môn Địa Hình, bây giờ là lúc trắc nghiệm khả năng. Các anh Thanh, Châu, Tiến đều thích tôi bay chung. Nơi xứ lạ các anh yên trí cầm tay lái còn tôi chấm đường bay, anh em rất hợp rơ.

Một hôm, CT/UBHP/TU
[chủ tịch ủy ban hành pháp trung ương] Ng. C. Kỳ ra thăm. Ông mặc bộ đồ lãnh tụ [Model (mốt) của HCM & Chu Ân Lai] màu trắng toát nổi bật hẳn lên giữa vùng đồn điền café đất đỏ bùn lầy. Đám cận vệ đàn em của ông thì mặc đồng phục đen như những tên Ninja, mặt đầy sát khí, còn chĩa súng thẳng vào mặt Phi hành đoàn đang chờ phi vụ. Ông quên những thằng đàn em ngày đêm hy sinh gian lao nơi chiến trường để bảo vệ Quê Hương và các đàn anh ở hậu phương. Nỗi tủi hận tràn dâng vì người anh bạc bẽo! Cái máu ái mộ VC của ông ngày ấy đã có sẵn nhưng chưa có dịp lộ diện như bây giờ.

Sau này quen dần, mỗi lần qua Lào chẳng cần bản đồ nữa. Đường mòn HCM chằng chịt như lưới nhện; quân ta chiếm cứ các cao điểm Tchepone, Đồi 30, Đồi 31, v.v. Chúng tôi thường xuyên nhận phi vụ túc trực yểm trợ tác xạ cho các đơn vị DÙ trên vùng trời Căn Cứ Hoả Lực 31, hướng Tây Bắc cách Khe Sanh độ 20 phút bay. Một hôm chờ cả buổi sáng không có missions
[nhiệm vụ] nào; bay lòng vòng chờ đợi buồn chán. Buổi trưa về Khe Sanh đổ xăng và ăn trưa xong rồi lên vùng lại. Vẫn cảnh chờ đánh không gì chán bằng làm nản chí người trai chinh chiến. Chiến trường hôm ấy sao yên lặng lạ thường. Đến chiều, trước khi ra về, anh Hg. N. Châu [TPC] liên lạc với DÙ để kiếm mục tiêu gọi là điều chỉnh tác xạ, anh em thao dợt cho đỡ buồn. Target [mục tiêu] là ngọn đồi nho nhỏ dưới thung lũng phiá Tây Nam của CC/31. Anh để tôi dợt trước. Sau khi đã định hướng mục tiêu và điều chỉnh gunsight [ống nhòm], lao mình sẵn sàng nhả đạn thì anh đòi take over control [quyền điều khiển], nghi tôi nhắm trật. Tôi vội bấm nút release [nhả] thật lẹ, không ngờ từ dưới chân đồi lửa và khói bùng lên một góc rừng. Quân bạn xác định mục tiêu phá huỷ là kho nhiên liệu của địch. Sau LAM SƠN 719, báo Chiến Sĩ Cộng Hoà có ghi thành tích của Không Quân VN đã phá huỷ một kho dự trữ nhiên liệu của địch tại Hạ Lào.

Một đóng góp nho nhỏ của Trực Thăng bên cạnh những chiến công lẫy lừng của các anh A–37 và F5{?}. Quả là trường hợp chó ngáp phải ruồi nhưng là true story
[chuyện có thật]. Và là kỷ niệm sống mãi trong lòng tôi.

Sáng hôm ấy, một buổi sáng mùa Đông năm 1972, bầu trời Đà Nẵng quang đãng mát mẻ. Mỗi lần ra HUẾ mà Trời không mây lòng mình cũng thoải mái nhẹ nhõm. Từ Đà Nẵng cất cánh, lấy hướng North West
[tây bắc] một chút và băng qua đèo Hải Vân rồi Phú Lộc nữa là có thể thấy phi trường Phú Bài và Huế.

Vừa qua khỏi đèo, nhìn xuống chân núi, khu Lăng Cô xinh xắn rải rác vài xóm nhà mái ngói đỏ chói bên những hàng cau xanh tươi xen lẫn với hàng dương liễu trải bóng dài trên mặt đầm lai láng; tựa hồ như bức tranh sơn thuỷ thiên nhiên tuyệt đẹp mà người hoạ sĩ tài ba nào đó còn khéo léo linh động thêm với chiếc UH–1 lơ lửng giữa nền trời trong xanh.

Vùng bờ biển Lăng Cô sáng nay lô nhô những bao ụ gì đó có vẻ khả nghi lạ thường. Tôi đảo một vòng low level
[thấp] rồi đáp xuống; thì ra dân chúng đang lượm những bao đồ trôi lềnh bềnh trên mặt biển. Năm ấy hải cảng Hải Phòng bị Mỹ phong toả [blockage] vào dịp NOEL. Những bao gạo của Trung cộng bọc bằng nylon được thả cho trôi vào miền Bắc nhưng lại dạt xuống bờ biển miền Trung. Chúng tôi cũng lượm 2 bao chở tới Phú Lộc đổi ra tiền rồi bay tiếp ra Huế, phi vụ trực HQ cho BTL [bộ tư lệnh] Tiền Phương QĐ–I trong nội thành Mang Cá, một cổ thành còn lại từ thời Pháp. Ngoài PHĐ [phi hành đoàn] hôm ấy còn có một em gái hậu phương nho nhỏ xinh xinh xin ra Huế ghi danh học. Với tuổi trẻ bấy giờ ai nỡ lòng từ chối được! Tôi mượn xe Jeep của anh L. V. Bình [thiếu tá TPHQCC/QĐ] bên Không Trợ 1. Vì là hàng xóm cùng khu cư xá Bắc Phạt lại thân tình nữa nên anh vui vẻ giao cho chià khoá xe. Tôi giao cho Vân [ngố] lái với CP/XT nữa đưa em ra phố, xài tiền vừa đổi 2 tạ gạo. Còn mình tôi ngồi đọc sách chờ phi vụ và cứ đinh ninh bọn hắn sẽ về kịp.

Chừng nưả giờ sau tôi nhận phi vụ đưa một trung tướng KQ Mỹ từ BCH/Tiền Phương/QĐ–I về Đà Nẵng. Không dám nhìn kỹ, chỉ thấy 3 sao sáng chói, trong bộ quân phục xanh xếp ly thẳng mướt. Còn tôi với bộ Nomex đã cũ, nhăn nhó hôi hám [2 ngày chưa giặt một lần để bớt phai màu]. Lúc mới về trình diện phi đoàn Tiếp Liệu cho ký lãnh mỗi người một bộ đồ bay, một đôi giầy, và một Jacket. Sau đó hình như TL cũng giả quên luôn chẳng bao giờ phát lại. Hằng năm phải tự ra phố mua thêm mới đủ mặc. Riêng tôi nhiều lúc còn không có tiền mua lon. Áo bay tôi không có phù hiệu, ngoại trừ cái nón ca–lô. Đời lính năm xưa rất nghèo nên tôi chọn chuyện HQ làm vui, ra ngoài tha hồ ngang tàng phá phách.

Cái chuyện rất may cho tôi hôm ấy là Ông [tướng] đi không có SQ Tuỳ Viên nên không có ai hạch hỏi gì thêm. Tôi không dám ngó thẳng coi Ông bay loại gì? Một mình solo, không PHĐ lại không mang lon nên Ông không biết tôi cấp bậc gì mà dám liều kiểu này; có thể vậy mà Ông bớt sợ? Tàu tôi HQ không trang bị ghế VIP, hai cửa mở rộng thênh thang. Gió núi lồng lộng luà vào boong tàu có thể đã cho Ông những cảm giác thú vị mới lạ khác với những lần đi tàu VIP cửa kín bít bùng nóng nực. Tôi vẫn bình tĩnh giữ nụ cười xã giao chào Ông sau khi đã êm ái hạ tàu trước bãi VIP của SƯ ĐOÀN. Và thấy bớt lo khi Ông cười với lời “Thank You” trước khi chạy lại xe đón đang chờ sẵn.

Trên đường bay trở ra Mang Cá có giờ suy nghĩ, bây giờ tôi mới biết sợ cho sự liều lĩnh của mình. Khi bay ngang qua phiá Đông phi trường Phú Bài, con tàu tự dưng rung mạnh như có vật gì rớt khỏi phi cơ. Sau khi đáp xuống Mang Cá tôi phát hiện đã rớt mất thùng đạn đại liên phiá sau. May mắn thay khẩu đại liên vẫn còn nguyên; nếu không tôi đã đi tù trước khi có chương trình cải tạo. Thầm tạ ơn Trời phù hộ. Thùng đạn có lẽ đã rớt giữa những thưả ruộng vuông vức như những ô cờ bên cạnh phi trường PHÚ BÀI.

Chiều hôm ấy Trung tá Hoạt [sếp của anh BÌNH] Trưởng Phòng K. TR/QĐ–I đã biết được. Chắc Ông Tướng kể lại cho ai nghe và báo cáo lên Quân Đoàn nên Trung tá Hoạt liên lạc qua tần số kêu tôi vào trinh diện tối nay, tôi trả lời phải trở về Đà Nẵng vì trời sắp tối. Thế là tôi thoát nạn.

Về tới gần Đà Nẵng, tôi liên lạc xin đáp. Đang tà tà thả hồn mơ mộng theo dòng sông Hàn để vào đường bay 35N [Phi đạo Đà Nẵng có 2 đường 170s và 350n] thì một trực thăng khác kè sẵn bên nách không chịu nhả. Tôi cắm mũi múc một màn ngoạn mục ngay dưới bụng và lùi về sau để coi tàu nào? Sau khi vô ụ parking
[bãi đậu]; tiếng ĐT/KĐT từ HQCC liên lạc ra hỏi:

– “Thằng nào khi nãy dám ngon MÚC tao, còn chở gái nữa? Vô trình diện gấp!”

– Tôi vô chào xin lỗi NT. Lợi dụng Phòng Kế Hoạch mới cho học tập về sự phòng ngừa phi cơ địch sau vụ MIG của BV đã có lần vô dò thử trên vùng trời Đà Nẵng? Tôi tưởng phi cơ địch nên phải nhào lộn để né tránh.

Thế mà Ông tin và tha cho. Giờ này nghĩ lại thấy thương Ông như người Cha Già trong đại gia đình KĐ51CT
[không đoàn 51 chiến thuật] năm xưa, rất ít khi phạt đàn em. Ông hay chửi thề [miền Nam] xong rồi cơn giận cũng nguôi theo. Cả KĐ, mỗi phi đoàn trực thăng đều như một gia đình, các anh em luôn mến thương vui vẻ cả nhà. Ngày cuối cùng di tản khỏi Đà Nẵng tôi cứ lưu luyến lẩn quẩn mãi trên bầu trời cho đến hết xăng mà không đành giã từ; chút xíu nữa đã ở lại làm tù binh!

Từ ngày qua đây Tôi vẫn mong tìm được cuốn Hồi Ký của vị Tướng KQ Mỹ năm xưa mà không biết tên để xem Ông viết gì về kỷ niệm ấy? Có lẽ Ông còn liều hơn khi dám tự tin giao mạng sống cho Tôi mà không hề thắc mắc hỏi han điều gì.

Ngày 27/01/1973, ngày Hiệp Định PARIS chính thức có hiệu lực. Buổi chiều hôm trước, sau khi hoàn tất mấy phi vụ tiếp tế & tải thưong cho TQLC ở Hải Lăng và Hương Điền vùng phía bắc Huế, vị sĩ quan a–lô
[gọi] cho biết lệnh của HQCC yêu cầu chúng tôi trở lại đáp xuống CHARLIE, BCH/TP/Dù nằm tại cây số 17 bên cạnh QL–1 để nhận lệnh tiếp.

Vị SQHQ Dù nhấn mạnh với chúng tôi “đây là giờ thứ 25”. Kêu gọi sự hy sinh của anh em cùng với các đơn vị Dù đêm nay làm tròn sứ mệnh mà Tổ Quốc giao phó. Nhiệm vụ chính yếu là bảo vệ lãnh thổ cố đô Huế vì tầm quan trọng của Huế cũng không thua gì Sài Gòn và Hà Nội. Nếu mất Huế chúng ta sẽ không thể giành lại theo thoả ước ngưng chiến da beo mà 2 bên đã thoả thuận. Mỗi phe sẽ làm chủ những phần đất mà mình chiếm đóng trước 12:00g đêm nay. Suốt đêm hôm ấy, sau bữa cơm tối vội vã, chúng tôi liên tục di tản chiến thuật hết Tiểu đoàn Dù từ trong vùng núi phía tây THÁNH ĐỊA LA VANG về Charlie vừa để phòng thủ Huế vừa bảo vệ BTL; phòng ngừa trường hợp địch làm một màn tấn công chót trước giờ đình chiến. Dưới ánh trăng mờ sáng, sương đêm phủ trên các ngọn đồi bạc trắng long lanh như tuyết phủ. Tạ N. Chí [PĐ233] gunship theo hộ tống, báo cáo vừa bị bắn thì cũng vừa lúc tôi cất cánh chuyến chót nên ra lệnh cho anh em nghỉ luôn. Tuy mệt mỏi nhưng mọi người đều vui mừng hãnh diện vì được đóng góp vào giây phút thiêng liêng của lịch sử.

Sau hiệp định Paris, bắt đầu có những phi vụ bay cho Uỷ Ban Liên Hợp Quân Sự, với tàu không trang bị súng đạn còn sơn màu cam [orange] ở mũi và bụng. Những vùng ngày xưa gọi là mật khu VC, mỗi lần hành quân tha hồ tác xạ tự do dù tìm mãi mà không thấy thằng nào. Ngược lại bây giờ chúng tự do bò ra như kiến vỡ tổ; vừa canh tác ruộng rẫy vừa dựng chòi canh gác phòng thủ. Vẫn mang bộ đồng phục ka–ki Nam Định màu luá xanh cố hữu và chân dép râu, đầu đội nón cối. Một lần tôi chở ĐT Cảo và các SQ phe ta trong BLH/Vùng I Chiến Thuật vào họp với chúng trong vùng mật khu phiá Tây của TIÊN PHƯỚC, khu rừng quế ngày xưa [đã một thời nổi danh cả nước với vụ Quế Tướng Công]. Cùng đi chung trong phái đoàn của ta còn có một nàng Nữ Quân Nhân trẻ đẽp. Trong buổi họp mặt xã giao đầu tiên của 2 phe, cô ngồi giữa tôi và anh thiếu tá VC. Tôi liếc thấy bàn tay thèm thuồng của hắn cứ tự do HQ trên cặp đùi nõn nà của nàng mà tâm thần tôi cũng bồn chồn theo. Sau buổi họp, Tôi hỏi Hắn: “Bên các anh có Nữ Quân Nhân không?”. Hắn hứa lần tới vô lại, hắn sẽ mời tôi ở lại đêm và sẽ mang các em tới. Hoá ra hai kẻ đồng tâm nói ít mà hiểu nhiều. Rất tiếc ít lâu sau đó ĐT Cảo bị chết vì tai nạn ngày Ông về Sài Gòn, trên một chuyến AIR–VN bị không tặc là một thiếu tá CSQG từ Đà Nẵng vô Sài Gòn đã đòi phi cơ bay ra Hà Nội và sau đó hắn cho phi cơ nổ trên không phận PHAN RANG. Những ngày ĐT Cảo còn sống, thỉnh thoảng vào mùa Hè Ông cho gia đình ra Huế chơi; Ông có cô con gái đang tuổi 17, 18 rất xinh đẹp. Sau đó các phi vụ cho BLH/QS/Vùng I cũng chấm dứt luôn. Tôi chẳng bao giờ có dịp gặp những nàng Nữ QN mà anh thiếu tá VC đã hứa cho tôi. Anh chàng quê Quảng Ngãi đã ra tập kết ngoài Bắc nhiều năm nên nói giọng Bắc sành sõi nhưng khi nói chuyện riêng thỉnh thoảng hắn vẫn không mất giọng Quảng. Hắn tặng tôi một chai rượu Luá Mới[Vodka VN] sản xuất ở Nam Định gần quê tôi ở Thái Bình. Hắn thân mật khơi lại hình ảnh thân yêu của quê tôi với giọng tuyên truyền: “Thái Bình Năm Tãn”, ý nói quê tôi là nơi luá gạo trù phú của miền Bắc.

Sau phi vụ ấy, về phi đoàn tôi bị PĐT cảnh cáo liền. Có một Sĩ Quan An Ninh nào đó bên QĐ cùng đi chung trong phái đoàn đã để ý sự thân mật của tôi, đòi tôi nạp lại các hình ảnh lưu niệm ở mật khu mà tôi đã mang theo máy để chụp.

 

o0o

 

Sau Hạ Lào thì tôi chuyển qua bay Slick [loại trực thăng vận tải trơn/không vũ trang] thú vị hơn vì tính chất đa dụng của nó; đồng thời cũng vừa lúc tôi ra HTC một lượt với Tài [méo] và Hoàng [guitar]; ba đứa chúng tôi về trình diện Phi Đoàn một lượt, ngày 6 tháng 8 năm 1970.

HQ–Lam Sơn 720 nối tiếp sau Lam Sơn 719, vì những trận đánh đẫm máu khốc liệt ngay trong lòng Trường Sơn. Không biết vì lý do gì sử sách rất ít nhắc đến Lam Sơn 720. Ta đã dồn địch về nội địa để diệt hết những tàn quân còn sót lại hay Địch dí theo Ta sau cuộc triệt thoái từ Hạ Lào?

Chờ hơn một tuần lễ sau mới vô tải thương được thì xác đã rữa ra; giòi bọ giăng tung toé lên bubbles, áo bay, và helmets
[nón], v.v. Các cửa trước sau đều tháo gỡ hết mà vẫn không tránh khỏi mùi hôi. Nghĩ thương cho mình thì ít mà tội nghiệp cho những người bạn bất hạnh thân xác gói gém trong những ponchoes màu olive xanh đậm, chất đầy trên sàn tàu.

Trận chiến kéo dài cả tháng mới dứt, suốt theo biên giới Việt–Lào từ giáp vĩ tuyến xuống tới mật khu Ba Lòng ở phía Nam. Đường vào Ba Lòng thâm sâu hiểm hóc như vào hang cọp. Hai bên là những vách đá sừng sững như núi chẻ làm đôi. Thung lũng âm u lờ mờ uốn mình theo con đường mòn nối dài với Ashau ở phiá Tây Nam Huế. Con tàu bé bỏng như con chuồn chuồn tí teo đang bị nuốt trửng giữa núi đồi trùng điệp. Vừa bay vừa nhớ lại câu nói của thằng bạn tên Mai ngày còn chung quân trường. Nó luôn tự hào lải nhải câu văn của danh nhân nào đó: “Vũ trụ bao la nhưng bé nhỏ trong tầm tay người phi công.”

Sư Đoàn 3BB được thành lập sau HQ Lam Sơn 719 để án ngữ vùng địa đầu tuyến, và Ba Lòng là tuyến phòng thủ nặng nhất nhưng quân số chỉ đủ phân tán mỏng cho mấy tiền đồn lạc lõng giữa núi rừng bao la. Các cao điểm phía tây bắc như Sarge, Fuller, Rockpile đều bỏ dần. Bản doanh BTL/SĐ ở tại Ái Tử, một căn cứ của TQLC Mỹ để lại nằm giữa hai thị xã Đông Hà và Quảng Trị. Những LZ
[landing zone/bãi đáp] nhỏ bé, loe tròn trên miệng núi, chỉ đủ tầm cánh quạt. Phải hover [bay lơ lửng] cho chính xác xong thả lỗ xuống là cách đáp duy nhất. Con tầu mất hút như vừa bị nuốt sống sau mỗi cú landing [đáp].

Một hôm Trời lạnh bay chung với Phù C. Thuận, núi cao mà hắn mở heater–on quên tắt. Lúc đáp, từ cao độ tàu tự nhiên rớt rất lẹ như mất power. May mà phản ứng kịp không thì 2 thằng đã bị nuốt trửng trong chốn núi rừng ấy như hạt cát giữa sa mạc, bạn bè không tài nào tìm được. Từ độ cao mấy ngàn bộ mà khó tìm một khoảng trống khả dĩ có thể đáp emergency
[khẩn cấp]. Núi và rừng lúc nào cũng như đua nhau vươn lên Trời cao, chen lấn chập chùng bao la bất tận. Nhiều năm qua đây, có mấy lần trải qua cơn ác mộng mơ thấy mình bay lạc trong vùng Ba Lòng vừa bị hoả lực địch bắn xối xả cắm mũi chạy! Nhờ giật mình thức giấc mới thoát khỏi giấc mơ kinh hoàng.

Hôm nay nhớ đến Thuận với những kỷ niệm năm xưa. Hắn chung ĐĐ52/ĐTH ở Quang Trung, nhưng học bay sau mấy khoá, và may mắn về cùng phi đoàn. Hắn giỏi văn thơ âm nhạc, cùng gốc Huế, và dòng máu văn nghệ như TCS. Hắn với Xuân Điềm từng viết nhạc cho ĐĐ tập hát lúc ở quân trường. Một lần khác cũng hai đứa bay chung: phi vụ chở nhóm BS và Y tá người Đức thuộc tàu Bệnh Viện HOPE, là một bệnh viện nổi và từ thiện của Tây Đức ở ngoài khơi Đà Nẵng. Họ muốn bay lòng vòng quanh vùng Đà Nẵng/Hội An để ngắm nhìn lần chót trước khi từ giã về Tây Đức. Tãt cả đều mặc đồng phục trắng nõn nà, nhất là những nàng Y tá đẫy đà bơ sữa. Khi các nàng trèo lên tàu, quần bó sát quá chịu không nổi đã bung ra làm đôi, để lộ một vùng LZ hồng hồng đen đen sau lớp màn satin
[vải xa-tanh] trắng mỏng hấp dẫn tột cùng làm cho thần kinh 2 thằng như muốn vỡ tung! Thuận phát giác trước, hắn thèm thuồng chiêm ngưỡng đã mắt rồi mới nhường cho tôi. Trao tay lái cho hắn xong, Tôi quay lại say mê quan sát mục tiêu... Cô nàng tức quá bèn mượn đỡ cái nón ca–lô của tôi đang để trên dash board [bảng điều khiển phi cơ] úp che chỗ ấy gọn gẽ vừa vặn. Tội nghiệp cái nón tôi thương! Còn Tôi từ ngày đó thành thân tàn ma dại. Về nhà bị thua xiểng liểng vì cờ bạc, đánh đâu thua đó! Sau cùng một hôm [trong khu cư xá Butler] tôi đành kê 2 hòn gạch làm bếp, ban đêm mang cái nón thiêu chung với cặp bông mai sáng chói để xả cho hết ám khí của Nàng.

Ở Vùng I CT, phiá Bắc đèo Hải Vân gồm thành phố Huế, tỉnh Quảng Trị, và Đông Hà thường “HOT” hơn nên KĐ giao cho PĐ213 phụ trách. Những khi có HQ lớn thì phối hợp chung cả Không Đoàn.

Tuần lễ cuối tháng Chạp trước Tết năm 1972, Tôi dẫn 3 chiếc ra nằm trấn thủ phi trường ÁI Tử/Quảng Trị, biệt phái cho SĐ3BB. Đa số các anh em trong PĐ gốc miền Trung nên ai cũng muốn gần gia đình mấy ngày đầu Xuân, tôi vui vẻ nhường cho họ. Sau Hạ Lào và từ ngày có SĐ3BB, quân đội Mỹ đã lùi dần về phía Nam nên phi trường Ái Tử cũng bỏ ngỏ. Fixed Wings
[máy bay cánh cố định] ngưng đáp, chỉ còn trực thăng; không có Air Control [đài kiểm soát không lưu] mà báo cáo. Mùa đông, ban đêm sương mù/ground fog dầy đặc sát mặt đất đi bộ còn đụng nhau. Mỗi đêm SĐ3BB cho một tiểu đội qua bảo vệ an ninh cho chúng tôi. Ranh giới phiá Đông Bắc và Đông Nam phi trường là con sông Thạch Hãn nơi trao trả tù binh sau này. Chỉ có lớp rào kẽm gai sơ sài làm vòng đai bảo vệ phi trường.

Hôm giao thừa, Phi Đoàn gởi cho 10 ngàn để ăn Tết ở Biệt đội. Trưa hôm ấy tôi dẫn 3 PHĐ [12 người] và mời thêm người tài xế SĐ3BB ra phố Quảng Trị ăn Tết với chúng tôi cho vui. Tôi không hề để ý con số 13 nhưng một người HSQ [tên NGÃI] đã để ý mà không nói trước. Khi tới tiệm ăn tôi mới phát giác thiếu một người. Ngãi đến sau cho biết: vì có 13 người nên hắn vô xóm tìm nơi xả xui vừa xong. Tôi đồng ý thay đổi lại để giải toả con số 13 bằng cách chia làm 2 bàn sáu [6] và bảy [7] rồi nói anh em tự chi tiền và tôi sẽ hoàn trả lại.

Sau bữa cơm trưa vui nhộn, coi như biệt đội đã ăn Tết xong, chúng tôi trở về khu barrack
[doanh trại] vắng vẻ. Cả một căn cứ QS lớn của Mỹ ngày xưa giờ đây hoang phế điêu tàn chỉ có 12 đứa chúng tôi chiếm một căn với 3 phi cơ đậu ngay trước sân. Đến gần chiều mới có phi vụ liên lạc, qua BTL/SĐ3BB đón tướng Vũ V. Giai đi uỷ lạo các đơn vị bạn đang tăng phái trong vùng lãnh thổ trách nhiệm của Ông. Tôi phái Đinh N. Hoàng/Ng. T. Sỹ cất cánh. Khi lên Trời mới biết phi vụ thay đổi để chở toán phát lương TQLC tới Cam Lộ [Camp Carrol] ở phiá Tây Bắc phi trường Ái Tử chừng vài dặm. Một căn cứ nhỏ cũng do TQLC Mỹ để lại, có runway [phi đạo] ngắn cho trực thăng và Chinooks đổ xăng những ngày chiến trường còn sôi động. Sau khi Hoàng & Sỹ c/c rời Cam Lộ ít phút để trở về thì tàu bị nổ trên Trời rớt xuống ngoài vòng đai phiá Đông Nam. Tất cả PHĐ đều bị cháy theo với tàu, trong đó có NGÃI người XT [xạ thủ] đã linh tính biết trước mạng số mình mà không làm sao tránh được. Ai cũng nghĩ con số 13 xui xẻo, có lúc PĐ gặp nạn nhiều quá muốn xin đổi số. Phần tôi con số ấy lại rất hợp nên tôi đã gặp nhiều vận may hơn rủi. Mỗi buổi chiều cắt bay lúc Đại úy Tr. L. Tiến [TPHQ] còn sống, trên bảng Phi Vụ Lệnh, gặp King Star 13 bạn bè tìm cách tránh né, và Anh lại bỏ tên tôi vào. Mỗi khi thoát nạn rồi, tôi mới nghiệm thấy con số 13 là con số hộ mạng cho tôi. Nhiều người tìm cách đổi đi các PĐ khác còn tôi cứ ôm lấy 213 như ôm người Mẹ hiền không muốn xa cách. Trong cuộc chiến vừa qua có ai dám tự hào sống sót vì Tài mà chỉ vì sự hên may của mỗi người.

Hoàng Sỹ mất rồi mới phát giác tàu bị gài chất nổ. Ban đêm, lợi dụng sương mù và Trời lạnh toán lính phòng thủ cũng chui vào bunker
[hầm] ngủ hết, bọn du kich đã bò tới gài chất nổ trên phi cơ. Rất may, nếu chúng ném thêm một trái lựu đạn vào barrack thì biết đâu còn nhiều người đã mất mạng vào ngày ấy rồi. Nhờ cái xui mình mới nhận ra điều hên.

Ngày hôm sau KĐ cho lệnh Tôi rút biệt đội về Dạ Lê [Camp Eagle] ở phiá Tây Nam Huế; từ đó không còn BĐ nào ra nằm ở Ái Tử nữa. Tình hình chiến sự cũng thay đổi đột ngột... Vài tuần lễ sau đó cộng quân tràn qua vùng Phi Quân Sự, mở màn cho mùa Hè Đỏ lửa: SĐ3BB rút lui, Quảng Trị thất thủ, Tướng Vũ V. Giai bị cách chức, v.v. PĐ233 một chiếc đáp BTL/SĐ3BB bị pháo banh xác, hình như Thanh [hô] & Sửu bay phi vụ ấy.

Ngày Trần T. Vinh bị bắn rớt, Trời mù mây thấp, những phi tuần AD6 của các anh phải low level vào vùng ngang cao độ với trực thăng; chúng tôi được lệnh stand by
[chờ] ở Hải Lăng, một quận lỵ bên bờ phía Nam sông Thạch Hãn.

Suốt đại lộ kinh hoàng từ Quảng Trị vào Huế hai bên cháy trụi xác xơ tiêu điều. Quân ta rút về hướng Nam sông Mỹ Chánh, con sông cắt ngang QL–1, uốn khúc sau lưng quận Phong Điền, xác trôi lềnh bềnh ra Phá Tam Giang. Bên kia bờ hướng Đông là quận Hương Điền, phòng tuyến của BTL/HQ/TQLC được phân tán mỏng sau những luỹ tre xanh; giống hệt hình ảnh quê tôi ở miền Bắc năm xưa khi lính Tây HQ về làng hồi trước Hiệp Định Geneve. Trên khu đồi cát trải dài từ Hải Lăng về Hương Điền một trận chiến ác liệt đã để lại mấy chục xác BĐQ còn dấu xe tăng VC đè bẹp trên cát. Cát phủ xác người chỉ thấy mũi súng, ba–lô, và nón sắt nhấp nhô như đánh dấu cho chúng tôi đáp mà lượm [bay chung với Lê V. Tân?]. Tôi lượm mớ M–16 về cư xá giữ phòng thân.

Sau khi Tướng Ngô Q. Trưởng ra
[thay] thế tướng Hoàng X. Lãm, Ông đặt nặng việc bảo vệ Cố Đô Huế nên các cuộc HQ cũng lùi dần vào các tuyến phiá trong nhất là mặt núi phía Tây và Tây Bắc. Quân ta oai hùng lấy lại Cổ Thành Quảng Trị để rồi bỏ ngỏ, chỉ còn là một thành phố hoang tàn đổ nát. Ngày tái chiếm Quảng Trị, toàn bộ KĐ/Trực Thăng túc trực ở Phú Bài. Trung tá Trương V. Vinh leads [dẫn đầu], tôi theo chiếc trail [sau đuôi]. Mặt Trời chưa ló dạng chúng tôi đã cất cánh để giữ yếu tố bất ngờ. Hợp đoàn cả trăm chiếc nhưng không được mở đèn. Phi vụ hoàn tất trở về đáp Phú Bài rồi mặt Trời vẫn chưa mọc. Chiến thắng Quảng Trị là chiến thắng danh dự nhiều hơn vì chiến lược. Sau này chúng tôi không bao giờ có dịp trở lại thành phố thân yêu ấy với biết bao kỷ niệm còn vấn vương...

Với cuộc bố trí mới: TQLC ngăn chặn mặt Đông Bắc từ Cửa Việt xuống Hải Lăng, Hương Điền. Góc Tây Bắc là các đơn vị Dù [Mỹ Chánh, Camp Evans, c/c Barbara], vùng núi góc Tây Nam do SĐ1BB phòng thủ ngăn chặn sự tấn công của địch từ Ashau qua ngả Bastogne, King & Birmingham, v.v. SĐ3BB di chuyển chiến thuật vào vòng tuyến Tây Nam phi trường Đà Nẵng và vùng Duy Xuyên, Đại Lộc, Thượng Đức phối hợp cùng Đặc Khu Quảng Đà [Quảng Nam–Hội An].

Quân bạn đến đâu cánh chim Song Chuỳ ở đó cùng nhau chia sẻ gian nguy cho đến giây phút cuối cùng của cuộc chiến.

 

o0o

 

Thị xã Đà Nẵng ở phía Nam đèo Hải Vân, nằm giữa Huế và Quảng Ngãi, là trung tâm điểm chia Vùng I Chiến Thuật làm hai phần cả về quân sự lẫn địa lý. Do đó Đà Nẵng luôn giữ một vai trò quan trọng trong chiến tranh VN và càng quan trọng hơn sau khi quân đội Mỹ đã rút lui. Bộ máy Chỉ huy Chiến tranh toàn Quân Khu I với vai trò ngăn chặn sự xâm lăng của quân đội Bắc Việt nơi vùng địa đầu giới tuyến được đặt tại Đà Nẵng; gồm có BTL/QĐ–I, BTL/HQ/VIDH [Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải], SĐIKQ, SĐ3BB, BCH/TIẾP VẬN I, và các BCH/BĐQ, BCH/PB, BĐQ/BP, LL/BIỆT HẢI, LÔI HỔ Vùng I, v.v. Chỉ có cơ quan hành chánh như Toà Đại Biểu CP/Vùng I thì nằm ở Huế.

Sư Đoàn 3BB từ Quảng Trị di tản chiến thuật vào vùng phiá Tây Phi trường Đà Nẵng cùng với Biệt Khu Quảng Đà trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh lãnh thổ cho tỉnh Quảng Nam và đặc biệt thị xã Đà Nẵng. Tướng Ng. Duy Hinh được cử làm tư lệnh thay thế tướng Vũ V. Giai vừa bị phạt ra HĐKL
[hội đồng kỷ luật] sau vụ triệt thoái khỏi Quảng Trị. Phi đoàn cắt anh Ng. H. H. Phước [kiêm TPAP/PĐ] bay chiếc VIP cho Ông. Tàu được chùi rửa tươm tất, có gắn 2 ngôi sao bạc bóng loáng, PHĐ luôn chỉnh tề... Anh thuộc lớp đàn anh, đã bị thương trong một tai nạn trên sông Hương vào một ngày mưa gió lớn ở Huế, khi đó tôi còn là một hoa tiêu trẻ mới về.

Một hôm anh Phước đi vắng về Sài Gòn khám sức khoẻ, tôi bay thế qua BTL/SĐ3BB. Không may tàu riêng của Ông Tướng bị hư cần bảo trì. Tôi mang tàu HQ qua đón, Ông tỏ vẻ không hài lòng lắm còn hạch hỏi tàu không có sao [**] và ghế VIP?

Trong phi vụ thăm viếng mấy tiền đồn nho nhỏ quanh vùng Đại Lộc, Duy Xuyên sau khi hoàn tất Ông muốn tôi bay xa hơn xuống phiá Nam QL–1 gần Baldy/Quế Sơn rồi sẽ vòng lại. Vị SQ tuỳ viên truyền lệnh Ô. Tướng muốn tôi giữ bên lề trái quốc lộ để Ông quan sát. Vốn sẵn đang bực mình vì sự hạch hỏi của Ông buổi sáng, Tôi mời thiếu tướng qua ghế trái cho tiện để tôi bay theo lề phải cho được an toàn vì không phải trong vùng HQ. Ông nhất định không chịu. Suốt một tuần lễ sau đó, hễ thấy bản mặt dễ ghét của tôi qua đáp túc trực chờ ông trên ngọn đồi trọc phiá sau BTL là ông cho SQTV mời tôi xuống bãi dưới; thà không đi và nhất định chờ đến khi anh Phước về. Ông báo cáo sự việc qua QĐ và SĐ. Rất may Trung tướng Ngô Q. Trưởng mới biết bay trực thăng nên Ông đã bênh vực quyết định của tôi. Bùi M. Kim [mập] là pilot riêng của Ông, hắn nói lại cho hay và khuyên tôi đừng liều “lính mà dám chọi với tướng!”.

Đa số các phi vụ HQ thuộc SĐ1KQ đều nằm trong vùng rừng núi. Mặt Tây là Trương Sơn cao vút, dân chúng sống rải rác ven các thung lũng và phần đồng bằng gầy gò khô cằn sỏi đá chỉ vỏn vẹn trong tầm mắt, ruộng đất chia như những ô cờ vuông vức. Sau mỗi cuộc HQ bay ra vùng đồng bằng kể như an toàn, tâm hồn nhẹ nhõm thoải mái trở về hậu cứ.

Ngày còn học Hunter, tập đáp núi bằng những pinnacles
[đỉnh] đắp ụ lên cỡ 100 feet đã khó khăn. Bây giờ thực hành trên chóp núi vời vợi quá trần mây, với cao độ 4–5 ngàn bộ còn thêm turbulences [sự nhiễu loạn không khí] từ Biển Đông lùa vào và phòng không luôn chờ sẵn. Khi đáp, thầy dạy collective down [hạ] rồi flare [điều chỉnh độ nghiêng] lại một chút, cứ từ từ mà hạ cánh. Nếu vâng lời thầy không chắc mấy đứa còn sống sót. Vào vùng HQ sau khi đã nắm vững toạ độ xác định mục tiêu [LZ], cắm mũi lả lướt vài đường zig zag [chữ chi] vừa tránh đạn vừa giảm cao độ và tốc độ một lượt. Vô short final cho lẹ làng xong còn rút lui, bất kể headwind hay tailwind [gió ngươc/xuôi]. Nhiều LZ phải cất cánh ngược [backward] chỉ có một chiều an toàn để ra vô. Niềm hãnh diện nho nhỏ le lói trong tâm hồn sau mỗi phi vụ hoàn tất nếu may mắn vô sự. Chiến thuật bay low level [thấp] và dùng thế zig zag, trong chiến tranh IRAQ, các phi công TT Mỹ sau khi bị bắn tả tơi và cuộc chiến gần tàn mới chịu áp dụng cách đây mấy tháng.

Một hôm, trong phi vụ tải thương cho một đơn vị BĐQ ở vùng An Hoà gần khu mỏ than Nông Sơn phiá Tây Nam Đà Nẵng. Quân bạn dọn tạm bãi đáp dã chiến trên đỉnh một ngọn đồi, vừa đủ tầm xoay của cánh quạt. Gốc cây còn lổm chổm làm chỗ để gác tạm skids
[càng đáp]. Phải hover ngay trên đầu ngọn cây rồi thả lỗ [rơi] mà xuống, xê xích trái phải đều sẽ chém cây. Sau khi gác nhẹ skids trên đám cành cây tạm bợ trong thế dập dình nửa vời. Chẳng may môt càng skid móc vào nhánh cây như lưỡi câu, không cho cất cánh mà tắt máy cũng không được, thân tàu cứ dập dình muốn lật ngược. Cuối cùng tôi nghĩ chỉ còn cách cho Lê Q. Hiến [HTP] và PHĐ nhảy ra rồi sẽ tắt máy để tàu lăn xuống sườn núi, phó mặc định mệnh! Rất may con tàu dùng dằng đã tự gỡ khỏi cái móc cây, thế là tôi thoát nạn. Chút nữa đã phải mua giá kinh nghiệm bằng cặp giò không biết sau này phận số ra sao?

Nông Sơn là một khu kỹ nghệ nhẹ khai thác mỏ than, còn gọi bằng tên khu kỹ nghệ An Hoà. Mỏ than nằm ngay dưới chân núi bên cạnh sông Thu Bồn, nước suối đục lờ đờ chảy ra biển. Có cây cầu Tự Do [Liberty Bridge] nối qua quận Đại Lộc và đường xe lửa đi từ Duy Xuyên bò theo trườn núi, ngang Trà Kiệu vào tới mỏ than thì chấm dứt. Nhìn lên hướng Đông Bắc một chút là khu Đỉnh Cối Xay. Hình bóng cái chết của Bùi Đ. Lưu & Lãm bị lãnh đủ trái pháo oan nghiệt trên Đỉnh Cối Xay như nhắc nhở thêm sự phòng ngừa. Giữa đỉnh núi là một phiến đá lớn bằng phẳng, nhẵn nhụi, quyến rũ!... Một LZ lý tưởng giữa những chóp nhọn cao vút mà anh em thường gọi bằng Đỉnh Gió Hú, làm sao không hấp dẫn? Không ngờ địch lúc nào cũng tinh ranh hơn trí tưởng của mình nên đã nằm chờ sẵn... Từ đỉnh nhìn xuống phiá bên kia là Quận Thượng Đức, nằm sát ven núi, với dòng suối hiền hoà từ thung lũng chảy ra như dòng sữa Mẹ nên mới có tên gọi Sông Vú Gia[?]

Phi trường An Hoà nằm ở phiá Đông dưới chân Nông Sơn. Những ngày còn quân đội Mỹ rất nhộn nhịp. Trực thăng đổ xăng, C47, L19, C123 cũng có thể đáp được. Sau khi Mỹ rút, khung cảnh trở nên vắng vẻ đìu hiu rất ít có cơ hội bay vào. Mãi đến tuần lễ cuối tháng Ba năm 1975 tôi mới có dịp trở lại không ngờ cũng là lần cuối cùng.

Buổi sáng hôm ấy tôi vô đón Trung tá Phất, CHT/Liên Đoàn BĐQ mà BCH nằm ngay trên đỉnh Nông Sơn. Núi đất trọc lóc, cao chừng ngàn bộ nằm trơ trọi một mình tách rời với dãy Trường Sơn rậm rạp phiá sau. Buổi sáng sớm đã thấy dân chúng lũ lượt gánh vác chen chúc từ các làng mạc dưới chân đồi đi ra hướng Đại Lộc. Tôi nghĩ có lẽ là cảnh bình thường của miền quê nên không báo cáo về TTHQ... Hôm ấy Trời quang và gió lớn, tôi đáp xuống helipad
[sân đáp trực thăng]/BCH như thường lệ nhưng gió lớn quá làm rotors [chong chóng] không chịu ngừng, phải quay máy lại để standby/chờ. Chừng nửa giờ sau Ông cho tuỳ viên ra nói tôi về Đà Nẵng nếu cần ông sẽ gọi lại... Một vài giờ sau được hung tin BCH/BĐQ bị overun [tràn ngập]. Ông bị bắt hay bị tử thương trong cuộc chiến đấu cuối cùng ấy, giờ phút chót làm sao biết được. Một anh hùng vô danh và luôn là người bạn thân quen của 213. Hình như ông cùng khoá Đà lạt với Trung tá PĐT, có dịp ông thường ghé thăm PĐ. Nếu không nhờ phước may, biết đâu tôi đã bị bắt cùng với Ông hôm ấy. Hơn tuần lễ sau cả Quân Khu I di tản vào Nam, để lại sau lưng cuộc chiến dang dở chưa phân thắng bại...

Năm đầu khi mới từ Mỹ về, đa số các phi vụ HQ/Trực Thăng Vận gọi là đổ diều hâu [search & destroy] được thực hiện mỗi ngày tại vùng này với Trung Đoàn 51 Biệt Lập [Đại tá Thục] BCH trên đồi 55. Thỉnh thoảng sau mỗi phi vụ, các anh Toàn và Tiến lại show up
[có mặt] vài cú đáp thật ngoạn mục và những đường bay lả lướt; anh em vỗ tay hâm mộ các huynh trưởng quá xá! Tuy phi đoàn mới chuyển từ H–34 qua nhưng đã có rất nhiều tay lái UH “super” như các anh Tr. V. Vinh, Ng. A. Toàn, Tr .L. Tiến, Hg. N. Châu, Tr. G. Bào, Võ T. Hảo, Ng. V. Xuân, v.v.

Ngày mới trình diện PĐ, tủi thân chẳng ai để ý, chúng tôi không dám mơ ước có ngày bắt chước được những đường bay lả lướt như các đàn anh. Mỗi khi lên PĐ nhìn các anh oai hùng trong bộ đồ bay đen với khăn tím quàng cổ, quây quần bên bàn xập xám mà anh Vinh [PĐP] đang làm cái, sau bức màn mỏng kéo ngang phòng khánh tiết PĐ, là lòng tôi thèm thuồng ao ước... Ngày nào được nhập bàn tức là được các anh công nhận sự hiện hữu của mình.

Giấc mơ đơn sơ chỉ có thế nên tôi rán học đánh bài. Đam mê quá đến ngày mất nước chỉ còn chiếc xe đạp mini, của đứa em vợ cho mượn đạp lên PĐ mỗi ngày, phải bỏ lại lúc di tản. Sau mỗi lần thua bài, lên Trời tâm hồn nhẹ nhõm thoải mái lạ lùng như đang du hồn vào cõi thần tiên nào khác. Một cảm giác thú vị nhất trong đời pilot trực thăng của tôi.

Cái Tết cuối cùng năm 1974, tình cờ đêm giao thừa, anh chị Khôi kêu qua nhà chơi. Có anh chị Thức[BS/KQ], Đại tá KĐT, và anh chị Luân [PĐT 253]; lần đầu tiên tôi học thêm món bài gọi là “Xúp–băng–cô” gần giống với bài tiến lên của VC sau này. Mỗi năm Tết đến lòng tôi lại bùi ngùi nhớ Tết năm xưa, nhớ những người Huynh Trưởng tôi luôn mến thương, nhớ những cái Tết đơn sơ mà vui đời Lính, nhớ những người bạn đã bao năm cùng tôi chia sẻ gian nguy nơi chiến trường.

 

o0o

 

Cùng với đà phát triển của QLVNCH nói chung và KQVN nói riêng, Sư đoàn I KQ được thành lập; Liên đoàn 51 Tác Chiến đổi thành Không Đoàn 51 Chiến Thuật bao gồm 7 phi đoàn trực thăng [PĐ213, 219, 233, 239, 253, PĐ257 tải thương, và PĐ247 Chinook]

Đại tá Đ.V. Phước khi ấy còn thiếu tá, mới nhận chức vụ KĐT KĐ51CT. Vào dịp Tết, Ông muốn qua Vùng II thăm Biệt Đội 219 đang biệt phái ở vùng Dakto–Kontum. Tôi tháp tùng ông, phi cơ chỉ có hai người không mang theo cơ phi, xạ thủ.

Niên Trưởng tuy giỏi về H–34 nhưng ít bay UH–1. Sau khi quay máy xong tôi để NT bay. Vừa hồi hộp để ý các phi cụ, tôi quên ngó bên ngoài. Lúc cất cánh [17S] chút xíu nữa hai thày trò bị chiếc L–19, đang quẹo ngược chiều vào đường bay 35N, đâm thẳng tới head on
[giáp mặt], may mắn né kịp. Thời ấy Đà Nẵng/Air Control mới được chuyển giao cho VN và bắt đầu cho dùng Việt ngữ; có lẽ vì vậy mà có sự quờ quạng cho phi cơ đáp hai chiều. Ông hú hồn chửi thề: “Đà Nẵng đài, đây Thiếu tá Phước – KĐT/51 CT. ĐM... có thằng L–19 nào ẩu quá, chút xíu nữa nó đụng tao rồi.”

Vào tới Quảng Ngãi tôi đổi tay lái, đáp đổ xăng xong, cất cánh. Vô tới quận Nghĩa Hành gần Mộ Đức tôi chọn phi trình ngắn nhất qua Minh Long, Ba–tơ, Gia Vực. Giữ cao độ thấp sát mặt rừng, băng núi lấy hướng tây trực chỉ Dakto. Tôi không để lộ vẻ lo lắng gì trên nét mặt, mặc dù đây là lần đầu tiên tôi qua Vùng II, nên Ông cũng yên trí phó mặc cho tôi.

Khi ngang qua vùng thung lũng phân ranh giữa hai Quân Khu I & II [hình như đó là vùng thung lũng nối liền với An Lão/Hiếu Nhơn/Bình Định], con tàu bất ngờ chơi vơi giữa không trung mênh mông. Từ độ cao 4, 5 ngàn bộ nhìn xuống thung lũng sâu thẳm; từng đoàn Motolova khá dài đang di chuyển theo hướng Nam Bắc, từ trái qua phải. Hoảng hốt, hai thày trò cắm mũi tối đa cho mau qua bờ núi bên kia để tránh né, nhưng con tàu bé bỏng cứ đứng yên như hover tại chỗ. Rất may, có lẽ vì muốn giữ bí mật nên chúng làm ngơ không gởi phòng không lên “hỏi thăm sức khỏe”. Chúng tôi cấp tốc liên lạc Panama báo cáo; có lẽ ít nhất cũng phải đợi vài tuần sau mới có khu trục lên thì địch quân đã qua tới Lào hay về tới Hà Nội rồi. Hồi đó tự điển quân sự chưa có những từ ngữ gọi là “real time”
[ngay] như bây giờ, các phản ứng đều mất đi giá trị thời gian tính.

Ngang qua hết rặng Trường Sơn thì vào lãnh thổ Vùng II [Kontum]. Rừng già cây thấp lưa thưa, đồi đất một màu đỏ chói trọc lóc. Vẫn giữ tầm bay ngang ngọn cây; từng đàn voi hốt hoảng chạy tán loạn vì tiếng động cơ và cánh quạt dồn dập như săn đuổi.

Buổi chiều trở về bằng đường bay cũ, thung lũng đã lên đèn như con rắn lửa ngoằn ngoèo trong đêm tối. Về tới Đà Nẵng thì Trời đã khuya mà sinh hoạt vẫn nhộn nhịp. Sau này hay có pháo kích, phi trường mới có lệnh giới nghiêm lúc 12:00g đêm.

Những năm sau tôi không có dịp bay với Ông, nhưng một lần Thiếu tá Tôn T. Khánh [TP–An Phi KĐ] liên lạc xuống phi đoàn nhờ tôi kiếm cho Ông một tàu [good] để Ông bay. Tôi qua hangar
[nhà chứa máy bay] trước mặt PĐ lấy một chiếc, quay máy xong sửa soạn hover qua sân KĐ cho Ông, tôi mới phát giác tàu trống rỗng, kỹ thuật chưa gắn một phi cụ nào hết. May mà phát giác kịp không thì sẽ bị Niên Trưởng cho nghe tiếng “miền Nam...” mệt nghỉ.

Nghĩ lại những năm đầu thanh bình, bay vào vùng núi thật là thú vị. Thung lũng phì nhiêu, hoa lá xanh tươi. Mỗi vùng, mỗi miền có nét vẻ đẹp riêng, của thiên nhiên ban cho.

Sau này vô tới núi là phải cảnh giác đề phòng. Phòng địch và phòng không!

Tỉnh Quảng Ngãi có rất nhiều quận trong vùng núi và thung lũng như: Trà Bồng, Khâm Đức, Hà Thanh, Minh Long, Ba–tơ, Gia Vực. Vùng nào cũng núi non trùng điệp, cao vời vợi.

Có lần trực thăng Mỹ làm rớt khẩu đại bác 155ly ở Trà Bồng, chúng tôi bay tìm mấy ngày không thấy. Núi cao rừng rậm biết mô mà mò? Ngày xưa hình như chiếc C–47 của anh Đỗ Thọ, tuỳ viên TT. Diệm cũng rớt mất tích trong vùng Trà Bồng năm 1964, sau đảo chánh. Thượng nguồn sông Trà Bồng từ vùng núi chảy ra quận Bình Sơn, có xóm đạo hiền hòa bên dòng sông xanh xanh, nằm cạnh Quốc Lộ 1. Gần quận Bình Sơn có căn cứ Chu Lai Base của Mỹ và BCH/Trung Đoàn 6–SĐ2BB [Đại tá Lai] ở Tuần Dưỡng, bên cạnh Liên đoàn Thiết Gíap của Trung tá Phan H. Hiệp [lai] sau trở thành tướng TL/SĐ2BB. Khi ông còn chỉ huy Liên Đoàn TG, hễ có phi vụ mọi người lại nhường cho anh Ngọc [lai]. Hai người cùng “lai” nên thân tình như cha con. Rất tiếc lúc ông lên tướng thì anh Trần v. Ngọc [đại úy] đã chuyển qua Chinook và đổi vào Phù Cát.

Quận Hà Thanh nằm kế bên Trà Bồng, phía Nam sát hóc núi. Từ Quảng Ngãi vào Hà Thanh chỉ có phương tiện máy bay, bay qua tiền đồn Núi Tròn là đến. PĐ213 hễ có phi vụ cho Tiểu Khu Quảng Ngãi [Đại tá Lợi] thế nào cũng có dịp vào Hà Thanh. Xong phi vụ nghỉ ăn trưa ở BẮC HÀ, đặc biệt mùa Hè nóng nực vẫn có món “thịt đông” của Bắc Kỳ ăn với dưa chua. Có lần làm việc ở Hà Thanh, quân bạn tặng cho tạ gạo, Đại úy Phạm A. Tuấn [TPHQ] bay gunship lòng vòng trên Trời còn nhắn xuống “chia cho tao với”. Về nhà đổi được 16 ngàn, đánh bài thua hết. Tới tháng lãnh lương phải giấu vợ để chia cho anh một nửa; đau lòng nhưng không muốn thất hứa.

Phi Vụ Cuối Cùng vào lại núi Tròn tải thương [Biệt Đội Chu Lai tháng 3/1975]. Tiền đồn trong cơn hấp hối, ba mặt bị địch bao vây. Quân bạn báo cáo “địch quân đã điều chỉnh tọa độ bãi đáp”. Đặng H. Hào & Đào V. Tưa [gunships] escort
[hộ tống]. Từ quận Sơn Tịnh ba chiếc sà sát mặt đường, ngang tầm những hàng chuối đang mùa trổ bông, theo con lộ dẫn vào Hà Thanh. Xóm làng im lìm vắng vẻ; âm thanh vang dội, hùng hổ xông vào trận địa. Cơ phi xạ thủ trong thế sẵn sàng nhả đạn. Có Lê T. Đại mới thế cho Trung úy Luật, ngồi bên phải. Phía sau, Đặng Cường báo cáo “mấy thằng du kích hốt hoảng ôm súng chạy trốn!”. Từ sườn núi múc lên bằng cyclic [cần điều khiển chu kỳ], lẹ làng vừa giảm tốc độ vừa lấy lại cao độ. Con tàu khựng lại trong thế sẵn sàng rồi nhẹ nhàng hạ cánh giữa khoảng trống bên cạnh những túp lều xiêu vẹo vì sức ép của cánh quạt. Hai gunships [Hào và Tưa] nhào lộn quanh mặt núi phía Tây để uy hiếp những ổ pháo đang sẵn sàng nhả đạn vào bãi đáp; bảo vệ cho đến lúc cất cánh.

Đang kỳ biệt phái, Luật xin về Đà Nẵng? Gốc từ Phi Đoàn 233 đổi qua; khi còn ở PĐ cũ có một lần rớt tàu bị bắt sống. Nhờ giỏi Vovinam anh đã áp đảo bọn du kích vừa trốn thoát vừa lấy được vũ khí địch mang về, xứng đáng là anh hùng KQ. Mấy ngày bay chung, Luật thấy tôi liều quá có lẽ lo ngại có ngày sẽ bị nạp mạng cho bọn du kich lần nữa nên xin đổi? Và phi đoàn gởi Đại ra thế. Ngược lại, thầy bói lại bảo với Đặng Cường phải đi chung với tôi mới tránh được tai ương. Thế là định mệnh cứ gắn liền chúng tôi với nhau; lang thang từ Chu Lai, Đà Nẵng xuống Cần Thơ, rồi Đệ Thất Hạm Đội đến Guam rồi Savannah [GA]. Lên đến Subic Bay, Cường mới chịu vất đi lá bùa hộ mạng màu đỏ thầy bói cho còn giấu trong túi vai áo bay. Lính Mỹ tưởng giấu thuốc phiện đòi khám rồi bỏ thùng rác.

Không ngờ Phi Vụ Cuối Cùng kết thúc đời HQ của tôi cũng tại nơi tôi đã bay phi vụ HQ đầu tiên năm xưa [tháng 8/1970] với anh Võ T. Hảo trong một phi vụ đổ quân bên cạnh con suối khô cằn lổm chổm sỏi đá bắt nhánh vào sông Trà Khúc Quảng Ngãi. Từ núi Tròn nhìn xuống hướng Tây Nam độ 5 miles
[dặm] ngay khúc quẹo vào Hà Thanh. Mỗi lần có dịp bay qua tôi đều nhớ lại. Lần ấy tôi còn khờ khạo chưa biết phân biệt tiếng đạn AK bắn tới và M-60 của mình bắn đi. Mỗi lần nghe tiếng súng xạ thủ bắn đi làm tôi giật mình, tim đập hoảng sợ!

Ba quận Minh Long, Ba–tơ, Gia Vực khuất sâu trong miền núi phía Tây Nam tỉnh Quảng Ngãi. Sau này đường vào trắc trở, phi vụ cũng ít. Mỗi quận có đơn vị BĐQ Biên Phòng bảo vệ an ninh. Trên ngọn núi phía Nam ngó xuống quận Ba–tơ có tiền đồn BĐQ do Thiếu tá Dư chỉ huy. Mỗi lần tiếp tế súng đạn thì ít, nhưng rượu thuốc thì nhiều. Đời lính tiền đồn, niềm vui bay bổng trong khói thuốc và men rượu.

Trong trận Ba–tơ bị bao vây, Phi hành đoàn Trung úy Hoàng V. Vũ & Toản [PĐ239] tử nạn. Nhà Toản ngay đối diện nhà tôi trong khu cư xá Bắc Phạt. Sau đó v/c Chấn [PĐ233] dọn đến ở căn nhà của v/c Toản, Chấn người trắng trẻo hiền lành. Một hôm vào đêm giao thừa, bạn bè bên nhà tôi nhậu say; Ba Bụng [Phan N. Trước] xúi Dũng Mexico qua bưng trái dưa hấu của Chấn đang cúng giao thừa bên nhà đối diện. Hắn vừa cúi lạy, nhịp lên nhịp xuống... đến nhịp thứ hai thì Dũng bưng mất trái dưa hấu. Cả xóm cười ầm! Chấn tức quá mang M–16 ra sẵn sàng nhả đạn. Tôi phải chạy qua vừa ôm vừa xin lỗi Chấn mới bỏ qua.

Vài ngày sau phi vụ của Vũ & Toản, Không Đoàn cho mấy phi đoàn phối hợp đổ quân giải toả Ba–tơ. Tôi lead hợp đoàn 213 dẫn đầu, Trần V. Hòa, Ng. V. Huyền... bay kế sau. Chỉ có Trần T. Sơn báo cáo bị “chip detector”
[máy bị phát hiện mảnh kim loại] nên cho nghỉ nằm chờ ở phi trường Đức Phổ. Trung tá Nguyễn A. Toàn [239] và Tướng Trần V. Nhựt [TL/SĐ2BB] bay C/C[?]. Quận lỵ Ba–tơ nằm trong vùng thung lũng, bốn bề núi rừng bao bọc. Tỉnh lộ duy nhất từ quận Nghĩa Hành vào nối liền 3 quận Minh Long, Ba–tơ, Gia vực với nhau. Khi bị bao vây, địch đã khôn ngoan chiếm giữ các cao điểm hai bên lối vào từ Nghĩa Hành, cắt đứt cả đường tiếp viện lẫn đường rút lui; chỉ còn trực thăng là phương tiện duy nhất có thể giải cứu Ba–tơ. Dựa theo tình hình lúc đó, tôi chọn đường bay mới từ Đức Phổ cất cánh, vòng xuống phía Nam ngang qua tiền đồn BĐQ của Thiếu tá Dư. Hợp đoàn [formation] như con rắn dài khổng lồ uốn mình trên mặt rừng bò vào hướng Tây quẹo lên phía Bắc rồi ngược trở lại hướng Đông theo thung lũng dẫn ra Ba–tơ lại. Đang lúc ấy, Trung tá Cao Q. Khôi [PĐT 213] từ Đà Nẵng bay ra vùng HQ thăm anh em. Qua quận Nghĩa Hành, anh đâm thẳng vô Ba–tơ theo con đường quen thuộc ngày xưa. Rất may anh bay cao và lẹ nên đã né được một loạt [3] SA–7 như 3 sọc cờ màu cam nổi bật giữa nền Trời dí theo đuôi anh, từ sườn núi phía Đông phóng lên. Chúng tôi thấy nguy mà không biết sao liên lạc kịp thời. Tôi ra lệnh hợp đoàn bám sát triền núi để tránh đạn. Tới nơi, từ núi đâm thẳng xuống đám ruộng ngay sát vòng đai. Phi vụ hoàn tất tốt đẹp nhưng không biết quân bạn có giải tỏa được Ba–tơ hay không? Dần dần quân ta mất hết các quận lỵ hẻo lánh chỉ còn lại phần đồng bằng nhỏ nhoi.

Sau này tình hình thay đổi, chiến trận lan dần ra vùng đồng bằng như lớp dầu loang. Các quận Mộ Đức, Sa Huỳnh, Đức Phổ... đâu đâu cũng đụng độ. Ngày ký Hiệp Định Paris 27/01/1973, cộng quân chiếm giữ Sa Huỳnh, cắt ngang QL–1, mưu đồ tách rời Vùng I với Vùng II. Phi hành đoàn của Lã Q. Đức [đại úy] & Bửu bị rớt tử thương trong mặt trận Đức Phổ. Trung tá Cao Q. Khôi [PĐT], người anh cả của gia đình Song Chùy, bay xuống bốc xác các anh về mai táng. Trong đám hoa tiêu trẻ sau này, Đức là một trong những “top gun” của Song Chùy cùng với các tay “gun” cừ khôi khác như Phan t. Thành [cối], Đào V. Quang, Chiến, Nghị, Hoàng [T], Hào, Tưa, v.v. Ngày Đức & Bửu mất tôi đang bận rộn với biệt đội ở tuyến phía Bắc, vùng Phú Bài, Dạ Lê–Huế. Anh em tiễn các anh về Sài Gòn với gia đình trong lớp quan tài bọc thép; thêm một cánh chim Song Chùy vừa vỗ cánh lìa đàn!

Song Chùy



Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by nghiêm nguyễn chuyển

 

Đăng ngày Thứ Bảy, October 19, 2024
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang