Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tuyện
ngắn
Chủ đề:
lính & em gái hậu phương
Tác giả:
KB Nguyễn Hiếu
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Lời giới thiệu: Thời chinh chiến có chuyện tình
vui cũng có chuyện tình buồn. Chuyện tình buồn: Năm năm rồi trở
lại. Một màu tang ngút trời. Tình buồn là anh trở về dang dở đời
em. Là hình ảnh chỉ một chiếc khăn sô đã làm tang tóc cả khung
chiều. Em đi qua cầu có gió bay theo. Thổi bùng khăn tang trắng
giữa khung chiều. Cũng ngọn gió vô tình đó đã... thổi lòng em xa
đến mãi nơi nào. Là hình ảnh người vợ: Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng
người yêu. Tình vui chỉ trong phút giây mà ý sầu thì ngút ngàn
suốt đời. Nhưng cũng có hình ảnh người yêu tay trong tay dung
dăng dung dẻ. Hình ảnh người thủy thủ muốn viết thư cho người
yêu nhưng không thể vì tàu lắc lư trong biển trăng tình tứ. Có
chuyện tình nở hoa bên thép súng nhưng chuyện tình của Kỵ Binh
Nguyễn Hiếu lại nở hoa bên tách cà–phê thơm ngát trong khói thuốc
huyền ảo và một quán cà–phê nho nhỏ nhưng ấm áp tình nồng. Nơi đó
có chàng Kỵ Binh và cô hàng cà–phê. Không giống như chàng trai si
tình trong cô hàng cà–phê của nhạc sĩ Canh Thân, Kỵ Binh Nguyễn
Hiếu đã đem tình yêu em đến chiến trường máu lửa. Tàn trận chiến
lại về bên em, bên tách cà–phê kể chuyện chiến trường với môi em
ngọt ngào. Chuyện chiến trường máu lửa, chuyện tình yêu chất ngất
hòa quyện lẫn nhau tạo thành một bức tranh đặc thù: Chuyện Tình
Thời Chinh Chiến.
Năm tháng rồi sẽ qua đi. Chiến tranh rồi
sẽ chấm dứt... Các cuộc cách mạng sẽ thôi bùng nổ. Chỉ còn lại
trong tim ta tình em không phôi pha ngàn đời bất diệt. Thôi thì
dẫu mộng không thành thì cũng xin giữ lấy tình yêu ngày đó như
một kỷ niệm đẹp của một thời chinh chiến đã qua. Xin trân trọng
giới thiệu cùng quý độc giả, quý chiến hữu chuyện tình dang dở
của Kỵ Binh Nguyễn Hiếu trong thời chinh chiến xa xưa....
–Kỵ Binh Nguyễn Hiếu
Những
ngày tháng Giêng, năm 1973 đơn vị tôi đóng quân tại quận Phú
Giáo, tỉnh Bình Dương khoảng hơn 2 tháng. Ta và địch đặt trong
tình trạng án binh bất động của Hiệp Định Ngưng Bắn da beo. Trong
thời gian dưỡng quân này, tôi thường ra chợ Phú Giáo uống cà–phê
nghe nhạc tại một quán nhỏ. Ở đây có một cô bé thường bưng cà–phê
cho tôi trông rất dễ thương. Cô ta tên KO, con của chủ quán.
Mỗi lần đến uống cà–phê, cô ta mở nhạc từ giàn máy AKAI, vào
thời đó là số một rồi. Cô thường cho tôi nghe nhạc Phạm Duy qua
giọng ca Lệ Thu, nhạc Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An qua giọng ca
Khánh Ly. Từ đó tôi bắt đầu ghiền nhạc. Có lần KO hỏi tôi thích
loại nhạc gì, của ai? Tôi nói:
– Trời sinh Phạm Duy, trời
sinh Lệ Thu. Trời sinh Trịnh Công Sơn, trời sinh Khánh Ly. Trời
sinh Hiếu, trời sinh KO.
KO nói:
– Chắc anh đá banh
hay lắm, anh lừa banh vòng vòng rồi anh đá ngay chóc vào khung
thành.
Tôi cười đúng ý.
Những lúc vắng khách, tôi
thường kể chuyện chiến trường cho KO nghe, cô rất thích. Đặc biệt
nhất là mỗi lần kể chuyện, KO thường tặng tôi thêm một ly cà–phê.
Những ngày cuối tháng không có tiền, KO vẫn bán thiếu và ghi vào
sổ nợ. Đầu tháng lãnh lương, tôi mang tiền ra trả và nói:
– Anh với KO không còn nợ nần gì nhau nữa nhé!
KO không
lấy tiền và nói:
– KO muốn anh thiếu nợ KO suốt đời.
Tôi và KO cùng nhìn mưa rơi bên ngoài, từ máy AKAI với giọng
Lệ Thu: “Tình vui trong phút giây thôi, ý sầu nuôi suốt đời...”
Nghe xong bài hát, KO muốn nghe chuyện chiến trường. Nghe xong,
KO nói:
– Tội nghiệp mấy anh lính quá!
Tôi nói:
– Anh đã quen rồi chuyện đi, và quen xa ánh đèn phố thị...
Nay anh trấn tiền đồn Ben Het, ngày mai anh băng rừng sang Hạ
Lào, thì anh đâu có gì cho em ước mơ!
KO nói:
– Em
có đòi hỏi gì đâu, đã biết rằng anh bàn tay trắng đi vào đời...
Ôi! Tình yêu thật mầu nhiệm, chỉ có tình yêu mới làm vơi đi
những nhọc nhằn, gian khổ của người lính. Không có tình yêu nào
nhiều mong đợi, nhớ nhung bằng tình lính, không có lời thơ nào
đẹp hơn những lời thơ mà người lính viết về cho người yêu bé nhỏ
từ phương trời xa xôi, diệu vợi, từ tiền đồn heo hút, từ chiến
trận vừa tàn.
Ở Phú Giáo được hơn 2 tháng, đơn vị tôi phải
đi hành quân vùng Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Tôi tới từ giã KO,
may là ba má của cô đi chợ Bình Dương để mua hàng. KO đóng cửa
quán, tôi ôm KO vào lòng. Tôi nhớ hôm đó KO khóc nhiều nhưng nói
ít. Tôi hôn lên má KO, và mãi tới bây giờ tôi vẫn không quên nụ
hôn cùng những bài Tình Ca lúc quen KO.
“Em
hỏi anh bao giờ trở lại,
anh trả lời mai mốt anh về...”
–Kỷ vật cho em (nhạc:
Phạm Duy; thơ: Linh Phương)
Chúng tôi vừa đến chiến trường Tân Uyên thì trời đã tối, nghỉ
ngơi qua đêm. Sáng hôm sau, cơm nước xong là bắt đầu rời tuyến
xuất phát vào vùng hành quân. Vừa đi được khoảng 1 tiếng đồng hồ
thì địch đồng loạt nổ súng. Tiếng đạn AK47, tiếng xé gió B40, đại
bác 57ly, thượng liên 12.8ly và cối 82ly đồng khai hỏa cùng một
lúc để áp đảo tinh thần chúng tôi. Nhưng những người lính Kỵ Binh
trẻ vẫn không nao núng. Sau hơn 2 giờ giao tranh ác liệt, chúng
tôi làm chủ chiến trường. Địch để lại nhiều vũ khí và xác chết
vung vãi khắp nơi. Chúng tôi đã chiếm được mục tiêu với số bị
thương của anh em không đáng kể. Anh em lục soát mục tiêu, thu
dọn chiến trường thì phát hiện ra đây là hậu cần của địch. Nhiều
chảo cơm to cùng thịt heo kho còn nóng hổi, không kịp mang theo
vì bị đánh bất ngờ. Phần thì vừa mệt, vừa đói bụng, tôi thấy anh
em ăn ngon lành, tôi cũng nhập cuộc cho trọn tình trọn nghĩa, có
chết thì chết chung cho có bạn và được làm ma no, khỏi cúng.
Chiều xuống, đơn vị di chuyển ra đường Liên Tỉnh Lộ để bố trí và
đóng quân.
Nằm trên ghế bố phì phà thuốc lá, tôi lại nhớ
đến KO.
“Anh nhớ
tiếng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh
Anh nhớ em, anh nhớ lắm em
ơi!
Anh nhớ em của ngày tháng xa khơi
Nhớ đôi môi đang cười
ở phương trời
Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm
Em xích lại
và đưa tay anh nắm
Gió bao lần, từng trận nhớ thương đi...”
KO ơi! Em nhớ anh bao nhiêu buổi, anh nhớ em bấy nhiêu ngày.
Những bài Tình Ca mà anh và em đã nghe qua bây giờ sao thắm thía
vô cùng.
“Ta thấy
em đang ngồi khóc,
khi rừng chiều đổ mưa...”
–Rừng Xưa Đã Khép (nhạc:
Quang Dũng)
KO ơi! Anh muốn trở lại những ngày hạnh phúc, êm đềm bên em. Ở đó
không có tiếng súng. Ở đây rừng chiều buồn lắm em ơi! Nhưng mơ
ước chỉ là ước mơ.
“Áo
em bây giờ mờ xa nẻo mây....”
–Hạ Trắng (nhạc: Quang Dũng)
Có chuyến tiếp tế từ hậu cứ lên vùng hành quân và tôi đã nhận
được thư của KO. Tôi ôm thư vào lòng và nhắm mắt lại để tận hưởng
trọn vẹn cái cảm giác sung sướng đó. Nhận được thư người yêu
trong vùng hành quân, đó là niềm hạnh phúc vô biên của những
người lính xa nhà, xa người yêu. Tôi thường hôn lá thư trước khi
mở ra đọc để tìm lại mùi hương của người yêu. “Nhớ tới mùa thu
năm nao gửi nhau phong thư ngào ngạt hương...” Tôi đọc ngấu
nghiến không biết bao nhiêu lần, nhất là những lời yêu thương
nồng ấm. Trong thư KO có nói là vẫn thường nghe bài hát
“Tình
vui trong phút giây thôi,
ý sầu nuôi suốt đời...
Lệ rơi lắp
mấy tuổi tôi,
mấy tuổi xa người...”
–Tình Khúc Thứ Nhất (nhạc:
Vũ Thành An)
Sau chiến thắng Tân Uyên, cầm trong tay tờ giấy phép 72 giờ,
tôi thấy lòng mình tưng bừng, rộn rã. Tôi phải tranh thủ thời
gian cho gia đình và người yêu.
“4
giờ đi
lại thêm 4 giờ về,
thời gian còn lại,
anh cho em
tất cả em ơi!...”
–24 Giờ Phép (nhạc: Trúc
Phương)
Thật
đúng là người yêu của lính sống bằng 24 giờ phép, bằng 7 ngày đợi
mong, bằng sau ngày hành quân, nhưng không bao giờ ngăn cách,
không bao giờ quên anh. Cho dù anh có trở về trên đôi nạng gỗ, em
vẫn bên anh dạo phố mùa Xuân, vẫn là người tình chung thủy như
loài hoa không vỡ.
Vừa về đến nhà, mẹ tôi nắm thật chặt
tay tôi và hỏi han đủ thứ. Hôm nay mẹ tôi nấu món cá rô kho tộ,
canh chua cá bông lau, là món mà tôi thích nhất, tôi nghĩ chắc
các bạn cũng thích nữa. Tối đến mấy đứa cháu, con bà chị ngồi
quây quần bên nồi chè trôi nước, và nghe tôi kể chuyện chiến
trường. Có đứa nói lớn lên đi lính Thủy Quân Lục Chiến, có đứa
thích Nhảy Dù, đứa thì thích Không Quân.
Tôi hỏi: “Tại sao
không đứa nào thích Thiết Giáp hết vậy?”
Chúng nói: “Đi
Thiết Giáp dễ bị chết cháy lắm!”
Tôi nói: “Không dễ đâu,
Thiết Giáp là mình đồng, da sắt, còn của quý thì bằng xi măng.”
Chúng cười!
Sáng sớm hôm sau, tôi vọt Honda lên Phú
Giáo thăm nàng. Gần tới nhà sao trái tim Thiết Giáp lại đập mạnh
như trống liên hồi tan học. Tôi gõ cửa, KO ra mở cửa và mừng rỡ,
tôi vào nhà chào ba mẹ của nàng. KO cho tôi biết là đã nói chuyện
hai đứa cho ba mẹ biết rồi, và bảo tôi xin phép cho hai đứa đi
chơi. Mẹ nàng nói: “Đi chơi chiều phải về sớm để ăn cơm.” Nghe
câu đó, tôi thấy lòng mình lâng lâng lên một niềm vui sướng.
Chúng tôi rời Phú Giáo, theo QL 13 để đi Lái Thiêu. Tôi thầm
trân trọng cái hạnh phúc bên người yêu, và tình yêu của lính là
thứ tình nồng nàn hơn tình yêu dân sự, một thứ tình nhiều nhung
nhớ vì thường xa cách nhau.
“Hạnh phúc như đôi chim
uyên
tung bay giữa trời nắng ấm,
hạnh phúc như sương ban
mai
long lanh đầu cành lá thắm...”
–Cô Đơn (Nguyễn Ánh 9)
Đến Lái Thiêu, chúng tôi vào một vườn trái cây bát ngát, bao
la thưởng thức những đặc sản như măng cụt, bòn bon, dâu, sầu
riêng... Ăn xong tôi và KO ngồi tựa vào nhau cùng nói chuyện
tương lai.
“Mình
tựa vào nhau cho thuyền ghé bến,
sưởi ấm đời nhau bằng những
môi hôn,
mình cầm tay nhau nghe tình dâng sóng nổi,
hãy
biến cuộc đời thành những tối tân hôn...”
–Tháng Sáu Trời Mưa (nhạc:
Hoàng Thanh Tâm; thơ: Nguyên Sa)
Thật ra thì nói để cho có chuyện nói, chớ đời lính thì làm gì
có tương lai mà tính! Tôi kể chuyện chiến trường Tân Uyên cho
nàng nghe. KO nói:
“Em
đang nghĩ tới một điều em sợ không dám nghĩ,
tới một người đi
giữa chiến chinh,
lại nghĩ tới anh, nghĩ tới anh...”
–Chiều Trên Phá Tam Giang
(nhạc: Trần Thiện Thanh; lời: Tô Thùy Yên)
Chiều xuống mau quá, ôm em trong tay để tận hưởng những giờ
phút heo hút vì biết chắc mai đây anh lại nhớ em, tôi nói trong
rung động:
“Thôi... mình... về... em!”
Tôi lại đặt
lên má nàng một cái hôn thật dài, thật nồng nàn.
Vào đầu
tháng Năm 1974, đơn vị có nhiệm vụ giải tỏa mặt trận An Điền
thuộc quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương, đồng thời đánh thốc lên Căn
Cứ 82, Rạch Bắp, hướng lên Trị Tâm, tỉnh Tây Ninh. Đây là những
địa danh khét tiếng thuộc Quân Đoàn III trong mùa hè 1974. Chi
Đoàn Kỵ Binh chúng tôi di chuyển suốt đêm dọc theo Quốc Lộ 13,
đến tờ mờ sáng chúng tôi đến bố trí bên này sông Thị Tính, gần
chợ Bến Cát. Các đơn vị thuộc Trung Đoàn 52/SĐ18BB, của Đại tá
Ngô Kỳ Dũng đánh cầm cự để Công Binh bắc cầu phao qua An Điền.
Đây là một công việc hết sức cam go cho Công Binh.
Đợt
đầu, khi Thiết Giáp qua cầu phao vượt sông Thị Tính, cầu phao
nghiêng qua, nghiêng lại vì 1 chiến xa M41 bị bắn ngay pháo tháp,
sau đó rớt xuống sông. Chúng tôi phải trở lại bên này sông tái bố
trí để chờ Công Binh sửa cầu lại. Cầu sửa xong, các đơn vị Bộ
Binh tiến qua bên kia cầu đánh yểm trợ để Thiết Giáp vượt qua.
Vừa qua khỏi cầu, thì cũng là lúc bắt đầu một trận đánh khốc liệt
với hơn 1 Trung Đoàn BV cùng xe tăng T54, PT76, và đại pháo
130ly. Chúng tôi vừa đội pháo, vừa đánh chiếm An Điền, một mục
tiêu phải chiếm lại bằng mọi giá, trước khi nói tới Căn Cứ 82,
Rạch Bắp. Địa hình xung quanh mục tiêu toàn là ruộng rẫy, không
phải chiến trường lý tưởng cho Thiết Giáp. Pháo địch tàn khốc hơn
Xà Bang, Bình Giã, phải đánh vất vả hơn Tân Uyên. Sau khi chiếm
lại được An Điền, tôi đứng trên M113 nhìn xung quanh đổ nát,
nhiều xác địch sình thối mà tưởng chừng đây là địa ngục trần
gian. 2 chiếc T54 sụp xuống một cống nước, và bị Bộ Binh bắt
sống. 1 chiếc T54 sau này được đưa về Dinh Độc Lập để trưng bày
ngay trước cổng dinh.
Sáng hôm sau thức dậy, tôi cảm thấy
vui mừng là vì biết mình còn sống qua một ngày mới, sau nhiều
ngày giao tranh với quân thù. Hình hài này là do cha mẹ tạo ra,
nhưng chiến tranh quyết định sự sống còn! Thật, có chồng lính
chiến dễ trở thành góa phụ.
“Em
không nhìn được xác chàng,
anh thêm lon giữa hai hàng nến
trong,
mùi hương cứ tưởng hơi chồng,
ôm mồ cứ tưởng ôm vòng
người yêu...”
–Tưởng Như Còn Người Yêu
(nhạc: Phạm Duy; thơ: Lê thị Ý)
Trong thời chiến, có những người vợ rất trẻ, khoảng ngoài đôi
mươi đã trở thành góa phụ. Cho tới những ước mơ nho nhỏ, bình
thường của người lính mà cũng không có được.
“Trả
súng đạn này,
khi sạch nợ sông núi rồi,
anh trở về quê
tìm tuổi thơ mất năm nao...”
–Một Mai Giã Từ Vũ Khí (nhạc
& lời: Trịnh Lâm Ngân)
KO ơi! Em phải biết rằng em đang hạnh phúc hơn nhiều người,
vì sau trận chiến, nhiều bạn bè anh đã nằm xuống, vĩnh viễn xa
người yêu. Và anh vẫn còn sống để trở về bên em, để yêu em nhiều
hơn, và để được nghe em hờn dỗi.
“Được
hờn nhau sung sướng biết bao nhiêu
Anh một mình nghe tất cả
buổi chiều
Vào chầm chậm ở trong hồn hiu quạnh...”
Vào những ngày đầu tháng 3, 1975, chiến trường bắt đầu gia
tăng cường độ khắp nơi, chúng tấn công bằng nhiều đơn vị chủ lực
chính quy. Đơn vị chúng tôi cùng các lực lượng Bộ Binh thuộc
Trung Đoàn 52/SĐ18BB phải trải ra rất mỏng từ cầu La Ngà đến ngã
ba Dầu Giây–Long Khánh để bảo vệ QL 20, đường lên Đà Lạt...
Trong lúc Chi Đoàn chúng tôi cùng 1 Tiểu Đoàn Bộ Binh đang mở
đường và đánh thốc lên hướng Xuân Lộc, thì chiếc M113 chỉ huy của
chúng tôi nằm lại ở tiền trạm để giữ 1 xe GMC đầy những phuy
xăng, cùng với một lực lượng trừ bị Bộ Binh. Trong đêm đó, tôi
cùng Thiếu úy C. không ngủ được, như có một linh tính báo trước.
Chúng tôi thức trắng đêm hút thuốc lá và uống cà–phê.
Thiếu úy C. nói với tôi: “Trận này chắc mình thua quá Hiếu ơi!”
Thiếu úy C. nói tiếp bằng một giọng thật buồn: “Hơn 3 tháng
rồi chưa được đi phép, nhớ nhà quá!”
Mãi tới bây giờ trong
lúc viết bài này, tôi vẫn còn nghe câu nói ấy văng vẳng bên tai
tôi. À! Tôi còn quên một việc nữa là Thiếu úy C. cùng tuổi với
tôi. Sáng sớm vừa nhận lệnh là dẫn xe xăng lên tiếp tế, vì áo của
Thiếu úy C. còn ướt nên mượn áo tôi. Trong xe chỉ huy có Thiếu
úy C, tôi, Hạ sĩ Đ, Hạ sĩ B., và Hạ sĩ Th. Dẫn xe xăng vừa băng
qua QL 1, tại ngã ba Dầu Giây, nhìn về phía tay phải khoảng 200
mét, tôi thấy mấy bụi cây nhúc nhích mặc dù trời không có gió.
Tôi nhảy xuống xe định kéo Hạ Sĩ B. xuống để chui vào pháo tháp
quay đại liên bắn vào những bụi cây thì... Oành... Oành... Oành,
3 trái đạn B40, đại bác không giật 57ly trước khi chạm nổ các cây
cao su thì hai đầu của Thiếu úy C. và Hạ sĩ Th. bể nát, tài xế
xe GMC cũng bị chết tại chỗ. Khi Hạ sĩ Th. bật người ra, chân đá
vào bá súng đại liên 30, thì nòng súng đập vào ngực tôi đau nhói.
Hạ sĩ B. ôm chân tôi hoảng hốt, tôi nói: “Đừng sợ, hồi nãy
tụi nó nhắm kỹ mà mình không chết, thì bây giờ không chết đâu.”
Quả thật đúng như lời tôi nói. Tôi kéo hai xác vào xe vì sợ
xe chạy rồi rớt xuống đất. Nhìn lên túi áo đầy máu của Thiếu úy
C. tôi thấy tên tôi. Tôi nghĩ nhanh là Thiếu úy C. chết thay
tôi.
Địch tưởng trong xe chết hết, chúng la to: “Các đồng
chí xung phong!” Chúng ùa ra, tôi bảo tài xế Đ. chạy ngược ra
đồng thời tôi quay đại liên 30 qua quạt chúng, tôi thấy nhiều
thân người trúng đạn, dựng đứng rồi té xuống. Chúng tôi chạy
thoát về tiền trạm và được trực thăng tải thương về Biên Hòa.
Trong lúc trực thăng bay lên, chúng bắn theo nhưng không trúng.
“Anh trở về hàng cây
nghiêng ngã,
anh trở về người đã bị thương...”
Về bệnh viện Biên Hòa điều trị vì ho ra máu, tôi nhờ y tá
đánh điện về cho KO, tôi không dám gửi điện tín về gia đình vì sợ
mẹ tôi xúc động mạnh.
3 ngày sau KO tới thăm, nàng khóc
thật nhiều. Tối ra Biên Hòa ở nhà cô, sáng KO mua quà vào thăm và
ở lại cho đến tối.
KO nói: “Nghĩ
đến một điều em sợ không dám nghĩ, lại nghĩ tới anh...”
Cuối tháng 3/1975, sau khi xuất viện, tôi trở lại đơn vị. Lần
này cuộc chiến ác liệt hơn, ngày nào cũng đánh, 1 chọi 4, 5. Mãi
tới ngày 24, 25/4/1975, Chi Đoàn chúng tôi phải cứu Chiến Đoàn 52
và mở đường máu ra, rút khỏi Long Khánh để thả 2 trái bom CBU
tiêu diệt khoảng 4, 5 ngàn quân BV.
Bây giờ Chi Đoàn nhập
vào Thiết Đoàn rút về lập tuyến phòng thủ mới ở Trảng Bom. Ban
ngày đóng quân bên trái quốc lộ, tối đến di chuyển vào vườn
chuối, bên phải quốc lộ. Lúc 6:00g sáng, cả Trung Đoàn lính BV,
khoảng hơn 3 ngàn quân di chuyển ngang qua nơi đóng quân khoảng
100 mét. Chúng tôi xóa sổ hết cả 1 Trung Đoàn hơn 3 ngàn quân.
Xác đầy cả mặt đất. Chúng liền điều nguyên một Sư Đoàn có chiến
xa T54 tấn công biển người, và chúng cứ tiếp tục chết. Vì quân BV
quá đông, chúng tôi phải gọi máy bay oanh kích, đồng thời rút về
căn cứ Long Bình để lập tuyến phòng thủ mới.
Trận này, tôi
lại bị thương thêm một lần nữa ở tay phải. Trên đường rút về, tôi
nằm trong xe cứu thương M113 và chiếc xe này bị B40 bắn cháy, tất
cả trong xe chết hết, tôi phóng nhanh ra khỏi xe và nhảy qua
đường rầy xe lửa. Đơn vị đến giải cứu, tôi được đưa về Tổng Y
Viện Cộng Hòa điều trị. Được 2 ngày thì ông Dương Văn Minh tuyên
bố đầu hàng. Tất cả thương phế binh có người còn máu rỉ ra trong
băng phải lết ra khỏi bệnh viện, vì họ đuổi ra hết để có chỗ cho
lính BV.
“Thế chiến
quốc, thế xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.”
–Nguyễn Trãi
“Ai công hầu, ai khanh
tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai.”
–Nguyễn Du (truyện Kiều)
Sau khi ra tù, đi đâu cũng phải báo cáo công an địa phương.
Một hôm tôi quyết định đi thăm KO. Sự nhớ thương bất chấp những
bất trắc xảy ra cho mình, tôi thức dậy thật sớm để đi Phú Giáo.
Tới nơi, tôi gõ cửa, một người đàn ông với giọng Bắc hỏi:
“Ông muốn tìm ai?”
Tôi nói: “Tôi muốn gặp gia đình của chủ
nhà trước ạ.”
Ông ta nói: “Chủ trước đã trốn đi nước ngoài
rồi.”
Tôi thẫn thờ bước ra.
“Khi
tôi về, bồi hồi trong nắng,
tưởng gặp người em hân hoan đứng
đón anh về,
nào ngờ người em ra đi
[sang ngang]
khi xuân chưa tàn,
con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng...”
–Đường Xưa Lối Cũ (nhạc:
Hoàng Thi Thơ)
Lúc ra đi lòng bồi hồi bao nhiêu, khi trở về buồn bấy nhiêu.
Tôi cũng thầm cầu mong sao cho nàng ra đi được bình yên. Trên
đường về, cũng đoạn đường này, ngày xưa bên KO tôi thấy ngắn, mà
bây giờ thì xa diệu vợi! Những hình ảnh thân yêu ngày xưa thi
nhau trở về trong tiềm thức với con đường nhiều kỷ niệm. Bản tình
ca lúc ban đầu là một sự báo trước của dang dở.
“Tình
vui trong phút giây thôi,
ý sầu nuôi suốt đời,
thì xin giữ
lấy niềm tin,
dẫu mộng không thành...”
Tôi bắt đầu tính chuyện vượt biển, thứ nhất là xa cái đất
nước bây giờ trở thành xa lạ, thứ hai là hy vọng gặp lại được KO
ở một nơi nào đó! Thời gian tìm đường vượt biển, có những lúc
lang thang ở bến bắc Cần Thơ, có lúc ở lại đêm tại bến bắc Mỹ
Thuận, có những buổi chiều buồn thật buồn ở bãi biển Vũng Tàu.
“Nghìn trùng xa cách,
người đã đi rồi...
Gửi hết về người,
chuyện cũ tuyệt vời,
chuyện của đôi ta, buồn ít hơn vui...”
–Nghìn Trùng Xa Cách (nhạc &
lời: Phạm Duy)
Một hôm tôi trở lại Sài Gòn thì gặp một người em họ, con của
người dì, cô hỏi:
“Lúc này anh ra sao?”
Tôi nói:
“Tù về không tìm được việc làm.”
Cô em nói: “Chồng em có
tàu, đang tìm đường ra đi, anh có thể giúp một tay.”
Và
chuyến này tôi đi thoát được.
Sau 4 ngày 4 đêm gặp biển
yên, chúng tôi đã tới đảo Pulau Bidong ở Mã Lai. Vì là cựu quân
nhân, tôi được xếp vào diện ưu tiên một. Ở đảo chỉ có 2 tháng,
tôi đến Mỹ ngày 16 tháng 7, năm 1981.
Từ đó về sau tôi
không còn gặp KO nữa cũng không có tin tức gì về nàng. Một chuyện
tình không đoạn kết cách nay gần 40 năm mà tưởng chừng như ngày
hôm qua. Bây giờ tóc đã bạc gần nửa mái đầu mà mỗi lần nghĩ đến
lòng mình vẫn rộn rã.Tôi cũng hy vọng ở 1 phương trời nào đó, KO
đọc được bài viết này là bằng chứng yêu em! Em yêu! Anh đã xây
nhiều mộng đẹp về em nhưng lại xây trên sóng biển, trên cát. Than
ôi! Thủy triều đã cuốn hết mộng đẹp của anh đổ vào lòng đại dương
chỉ để lại cho anh 1 nỗi buồn mà không có ngôn từ nào diễn tả,
nỗi buồn anh đang mang trong lòng...
“Nếu có khi nào
nhớ đến anh
Thì xin một phút lặng sau mành
Từ nay anh sẽ
không yêu nữa
Để giữ trong tim một bóng hình.”
Kỵ Binh Nguyễn
Hiếu
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by cathy chuyển
Đăng ngày Thứ Ba, December 10,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang