Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tự
Truyện
Chủ đề:
thời sự miền Nam–VN/1975
Tác giả:
KB Hà Mai Việt
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Hà Mai Việt, cựu Đại tá Thiết Giáp, Quân Lực VNCH
Kể từ ngày
14/3/1975, sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, tình hình đất nước biến
đổi dồn dập và bất ngờ. Những cảnh thảm sát thường dân vô tội và
những tổn thất nặng nề của Quân Đoàn II diễn biến trên Liên tỉnh
lộ 7 đẫm máu đã làm cho toàn dân hoàn toàn thất vọng. Hầu như cả
nước không còn đặt niềm tin vào khả năng lãnh đạo của Chính quyền
và sức mạnh của Quân Lực VNCH nữa. Cho đến nay người ta vẫn không
hiểu tại sao vào cuối năm 1974, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lại
thay thế 3 Tư lệnh Quân Ðoàn trong cùng một lúc, làm tan nát Quân
đội?
Hiện
tượng nói trên đã tạo ra những làn sóng di tản dồn dập, lan tràn
như nước vỡ bờ, đổ nhanh trên Quốc lộ. Mọi người hướng về miền
Nam lánh nạn. Về phía Quân Lực VNCH, sau những cuộc lui binh hỗn
loạn chưa từng thấy trong chiến tranh Việt Nam, Tướng chạy đằng
Tướng, Quân chạy đằng Quân, mạnh ai nấy chạy. Kết cuộc là vào
ngày 16/4/1975, Phan Rang thất thủ, Quân Đoàn I và Quân Đoàn II
hoàn toàn tan rã. Vùng I và Vùng II Chiến thuật (CT) bỏ ngỏ, để
mặc cho quân Bắc Việt tự do tràn xuống. Miền nam Việt Nam chỉ còn
lại Vùng IV CT và một phần lãnh thổ thuộc Vùng III mà thôi.
Kể từ ngày Quân đội viễn chinh Pháp
thất trận tại Ðiện Biên Phủ, đây là một biến cố tồi tệ nhất trong
Quân sử VNCH, ngoài sức tưởng tượng của mọi người, ngay cả đối
phương cũng không thể ngờ được. Tại Hà Nội, nhận định thời cơ đã
đến, Đại tướng BV Võ Nguyên Giáp liền cho bộ Chính trị, Quân ủy
Trung ương và bộ Tổng tư lệnh nghiên cứu, đề bạt ý kiến về phương
án mở chiến dịch Tổng tiến công vào Sài Gòn, đánh nhanh trong mùa
khô và ngay cả trường hợp phải kéo dài đến hết mùa mưa. Ngoài một
số điểm cần gợi ý như bao vây, chia cắt, tiêu diệt vòng ngoài,
không cho địch co cụm vào Đô thành, Tướng Giáp còn khai thác
những tin tức từ các tù binh bắt được tại Phan Rang như Trung
tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và của các thành viên hai phái đoàn Quân
sự Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ở trại
Davis, trong phi trường Tân Sơn Nhứt, để thiết kế và chuyển quân
vào Nam cho kịp thời.
Theo Tướng Giáp kể lại thì: Lời khai
của Nguyễn Vĩnh Nghi cũng mang lại nhiều thông tin quan trọng.
Sau khi bị bắt ngày 16/4 tại Phan Rang, viên trung tướng này được
đưa ngay ra miền Bắc. Nguyễn Vĩnh Nghi đã tiết lộ nhiều điều, cho
thấy lực lượng phòng thủ của địch đã bị căng ra rất mỏng, lực
lượng dự bị còn rất ít. Trong nội đô, địch chỉ dựa vào lực lượng
Cảnh sát và Phòng vệ Dân sự. Hướng hiểm yếu nhất, theo y, là tiến
công từ Gò Dầu Hạ – Trảng Bàng. Trên hướng Ðông, địch có thể phá
các cầu để chặn bước tiến của quân ta. Ðịch bố trí các kho đạn
chính ở Nhà Bè và Cát Lái. Long Bình chỉ là kho tiếp liệu. Do
địch dựa vào chủ yếu là Không quân, nên các sân bay Tân Sơn Nhứt,
Biên Hòa và Cần Thơ giữ vai trò quan trọng, đặc biệt là sân bay
Biên Hòa, nơi đậu các máy bay cường kích F5 và A–37... Khi được
hỏi về thất bại của y tại Phan Rang, Nghi đổ lỗi cho binh lính
tinh thần sa sút, không chịu chiến đấu. Như còn nuối tiếc một ảo
vọng y nói: Chúng tôi thiếu tiếp liệu và thiếu thời gian. Nếu các
ông đánh chậm một tháng nữa thì chưa biết sẽ ra sao!
Tại Vùng IV Chiến Thuật, cho đến đầu
tháng Tư, tình hình tương đối yên tĩnh, nhưng các cuộc chạm súng
lẻ tẻ, tại những nơi xa xôi, hẻo lánh, vẫn còn tiếp diễn. Người
ta chưa thấy Hà Nội điều động một đơn vị CSBV đáng kể nào, ngoại
trừ tin Tình báo ngày 1/4/1975 cho biết Sư đoàn 4 Việt Cộng Hậu
Giang từ U–Minh đang di chuyển về Cần Thơ để phối hợp với 2 Tiểu
đoàn VC Tây Ðô tấn công vào thị xã trước ngày 8/4/1975.
Ðược tin nói trên, Thiếu tướng Nguyễn
Khoa Nam, Tư lệnh Quân Đoàn IV, liền điều động Sư đoàn 21 Bộ binh
và Thiết đoàn 9 Kỵ binh đang hành quân tại ven rừng U–Minh, do
Chuẩn tướng Mạch Văn Trường chỉ huy, về phòng thủ thị xã Cần Thơ.
Tại đây, Sư đoàn 21 còn được Trung đoàn 11 thuộc Sư đoàn 7 BB và
Trung đoàn 63 BB tăng cường, và Pháo binh Quân Đoàn yểm trợ trực
tiếp.
Ðêm 8,
rạng ngày 9/4/1975, Sư đoàn 4 VC Hậu Giang gồm các Trung đoàn 2,
10 và 20 VC và 2 Tiểu đoàn VC Tây Ðô lén lút xâm nhập và tấn công
vào vòng đai phòng thủ Ba Se, trấn đóng bởi các Trung đoàn 32, 63
BB và chi khu Phong Ðiền, nhưng quân bố phòng đã chống trả mãnh
liệt và Sư đoàn 4 KQ từ các phi trường Bình Thủy và Trà Nóc đã
lên vùng, xạ kích và oanh kích dữ dội vào mục tiêu khiến địch
quân tổn thất nặng. Chiến đoàn 933 do Trung tá TG Trần Hữu Thành
chỉ huy, nằm ở vòng ngoài (Thới Lai, Ô Môn) đã chặn viện và tiêu
diệt các đơn vị VC từ Vòng Cung rút ra. Hai hôm sau, ngày 10/4,
Bộ tư lệnh Miền và Quân Khu 9 phải lệnh cho Sư đoàn 4 VC lui
binh, nhưng đêm 12/4, từ quận Bình Minh, Vĩnh Long, VC lại pháo
50 trái 105ly vào thị xã Cần Thơ, gây hỏa hoạn cho khoảng 200 căn
nhà và sát hại hơn 100 thường dân vừa chết và bị thương.
Tại Vùng III CT, ngày 9/4/1975, khoảng
30,000 quân CSBV tiến đánh Xuân Lộc, thuộc tỉnh Long Khánh, cách
Sài Gòn khoảng 60 cây số. Sư đoàn 18 BB và Lữ Đoàn I Dù đã chặn
đứng các đợt tấn công liên tiếp của địch trong suốt hơn một tuần,
gây tổn thất nặng nề cho địch quân và buộc họ phải bỏ mục tiêu mà
bọc sang hướng Tây. Từ 11/4 đến ngày 25/4/1975, Lực Lượng Xung
Kích Quân Đoàn III (LLXK QÐ III), do Chuẩn tướng Trần Quang Khôi,
Tư lệnh Lữ Đoàn 3 Kỵ binh, chỉ huy, trong 14 ngày đêm liên tiếp
đã chặn đứng địch quân tại khu vực Dầu Giây. Ðặc biệt ngày 16/4,
trên tuyến Hưng lộc – Ngã ba Dầu Giây, Lực Lượng Xung Kích và
địch quân giằng co dữ dội khiến Tướng Khôi phải xin Trung tướng
Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân Đoàn III, cho sử dụng 2 trái bom
CBU 55 ném vào mục tiêu, hạ khoảng 1 Trung đoàn VC và chận đứng
mũi dùi tấn công của Quân Đoàn 4 BV đồng thời giải cứu Chiến đoàn
52 thuộc Sư đoàn 18 BB, do Đại tá Ngô Kỳ Dũng chỉ huy, khỏi bị
tiêu diệt. Sau đó Trung đoàn 52 BB rút về Long Bình, Biên Hòa.
Kể từ ngày 19/4/1975, áp lực của địch
đè nặng vào mặt trận phía Ðông. Quân Đoàn 2 và Quân Đoàn 4 BV
đang cố gắng tìm cách tiến sát vào vòng đai phòng thủ Sài Gòn,
đối phương chỉ còn cách Thủ đô khoảng 50 cây số.
Ngày 20/4/75, Trung tướng Nguyễn Văn
Toàn, Tư lệnh Quân Đoàn III, lệnh cho Chuẩn tướng Lê Minh Ðảo, Tư
lệnh Sư đoàn 18 BB, bỏ Xuân Lộc, rút quân theo Tỉnh lộ 2 qua ngả
Phước Tuy về căn cứ Long Bình, Biên Hòa để dưỡng quân và bổ xung
Quân số. Lữ Đoàn I Nhảy Dù, do Trung tá Nguyễn Văn Ðỉnh chỉ huy,
xuất phát khỏi Sư đoàn 18 BB, di chuyển xuống Vũng Tàu, tăng
cường cho khu vực này. Riêng LLXK QÐ III được tăng phái Trung
đoàn 8 thuộc SÐ5BB của Trung tá Nguyễn Bá Mạnh Hùng, án ngữ tại
mặt trận Dầu Giây – Hưng Lộc cho đến ngày 25/4/1975, là ngày Bộ
tư lệnh QÐ III dự trù cho Sư đoàn 18 BB (–) lên thay thế LLXK tại
chạm tuyến.
Tình hình mỗi ngày một khẩn trương và nguy ngập, nhưng giới hữu
trách trong chính quyền cũng như bộ Tổng tham mưu vẫn giữ im
lặng. Không ai nghe thấy một “Lệnh tử thủ” hay “Hịch” nào từ hàng
lãnh đạo, hay từ những người đại diện dân, có lẽ họ đang chờ Hoa
Kỳ bật đèn xanh hay đỏ hoặc mong đón nhận một nhân nhượng nào đó
từ phía CSBV. Bởi vậy, dân và quân cùng gia đình, chỉ còn cách bỏ
chạy sau khi nghe những tin tức không mấy chính xác, từ các đài
phát thanh BBC và VOA. Các đài này đã cố ý hay vô tình tiếp tay
địch quân một cách tàn nhẫn, làm suy sụp tinh thần Quân dân miền
Nam không ít.
Cũng trong ngày 20/4/1975, Đại sứ HK Graham Martin gặp Tổng thống
Nguyễn Văn Thiệu và “khuyên” ông Thiệu phải từ chức để ổn định
tình hình vì ông Martin cho rằng Tổng thống Thiệu không bao giờ
có thể thương thuyết với cộng sản.
Vào buổi chiều cùng ngày, tỉnh Phan
Thiết, nằm về phía Ðông Ðông–Bắc Sài Gòn khoảng 150 cây số, là
tỉnh lỵ cuối cùng tại miền Duyên hải Nam Việt Nam, bị Cộng quân
tiến chiếm. Dân chúng, Quân nhân và gia đình từ Phan Rang, Phan
Thiết hốt hoảng chạy về miền Nam, đã kể lại những điều tai nghe
mắt thấy, càng làm cho tinh thần Quân dân tại thủ đô cảm thấy bi
đát hơn, đa số những người có phương tiện đều chuẩn bị hành
trang, tìm đường di tản.
Sau các vụ vi phạm Hiệp định Paris tại
VNCH, để tìm hiểu lý do tại sao gia đình Quân, Cán, Chính và ngay
cả dân chúng địa phương lại có thể thi nhau bỏ chạy nhanh như
vậy? Bằng chứng là tại Quảng Trị, Thừa Thiên, Ðà Nẵng, Bình Ðịnh,
Tuy Hòa, Nha Trang và nhiều nơi khác nữa, người ta đã bỏ chạy
trước khi địch tấn công! Nhiều tỉnh lỵ hay thị xã như Nha Trang,
Ðà Lạt đã bỏ trống trong nhiều ngày, mặc dầu địch quân còn ở đằng
xa, chưa kịp thu quân! Qua các cuộc phỏng vấn người tỵ nạn từ khi
họ còn ở trong nước hay đã xuất ngoại, chúng tôi ghi nhận được
hai lý do sau đây:
1. Trong thời gian Tổng thống Nguyễn
Văn Thiệu lãnh đạo VNCH: Sau các cuộc xâm lấn trắng trợn tại Ban
Mê Thuột và rối loạn đẫm máu tại Liên tỉnh lộ 7, hầu hết người ta
nhận thấy rằng: Trong khi HK rút quân khỏi VN và cắt giảm quân
viện, thì ngược lại BV lại được Nga sô và Trung cộng viện trợ
chiến cụ nhiều hơn trước. Vậy nếu HK không còn yểm trợ hỏa lực
cho VNCH khi bị BV xâm lấn thì trước hay sau rồi miền Nam Việt
Nam cũng lọt vào tay CSBV vì rõ ràng là HK đã quyết định bỏ rơi
miền Nam. Hơn nữa, sau trên 20 năm chiến tranh, cho đến giờ chót
miền Nam vẫn chưa tìm ra người lãnh đạo có tài đức. Chính vì vậy
mà hầu như mọi người, mọi giới đã “Mất hết niềm tin” nên vội vã
di tản.
2. Sau
khi Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu đào thoát: Mặc dầu hầu hết người
dân miền Nam vẫn sống trong thầm lặng nhưng không ai lại không
hiểu rằng nếu Tướng Dương Văn Minh lên làm tổng thống, thì dù cho
có hay không có Chính phủ “Ba thành phần”, thì tương lai gần,
miền Nam VN cũng sẽ bị CSBV đồng hóa. Bởi vậy, bất chấp mọi hiểm
nghèo, người ta đã tìm đường tỵ nạn vì sợ sau này CS sẽ trả thù,
hành hạ hay kìm kẹp trong chế độ khát máu, bạo tàn. Nhận định này
cũng được Trung tướng Trần Văn Ðôn, phó thủ tướng VNCH, nhắc đến
trong hồi ký “Việt Nam Nhân Chứng”: Nghe tin ông Minh nhận chức
tổng thống dư luận chia làm hai: Một số nghĩ rằng sắp có cơ hội
thương thuyết để ngưng chiến, một số khác cho rằng chúng ta đang
mở cửa cho cộng sản nuốt trọn miền Nam.
Miền Nam như rắn mất đầu
Ngày 21/4/1975
Vào buổi sáng, Tổng thống Nguyễn Văn
Thiệu triệu tập nội các thu hẹp để trình bày lý do và ý định từ
chức sau khi ông đã tiếp xúc với Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin vào
ngày 20/4. Cũng vào buổi chiều hôm ấy, Tổng thống Thiệu cho mời
Tối cao Pháp viện, Quốc hội, Chính phủ và các tướng lãnh cao cấp
trong Quân Lực VNCH tới dinh Ðộc Lập để chứng kiến việc ông đọc
thông điệp gửi toàn thể đồng bào trên hệ thống truyền thanh và
truyền hình, sau gần 9 năm lãnh đạo miền Nam Việt Nam. Trong
thông điệp từ nhiệm, kéo dài khoảng 90 phút, Tổng thống Thiệu lên
án Hoa Kỳ đã nuốt lời hứa và bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa trong vai
trò chống Cộng, đồng thời ông cũng tiết lộ tình trạng Quân khí,
đạn dược và xăng dầu của Quân đội miền Nam thiếu hụt trầm trọng,
vì lý do Hoa Kỳ đã cắt giảm viện trợ. Theo Hiến pháp VNCH, Phó
tổng thống Trần văn Hương đương nhiên thay thế Trung tướng Nguyễn
văn Thiệu trong chức vụ tổng thống. Nhưng về phía CSBV và phe
trung lập lại chống đối Tổng thống Trần văn Hương vì họ cho rằng
Ông Hương cũng chỉ là tay chân của Tướng Thiệu.
Sự kiện nói trên đã làm cho tinh thần
chiến đấu của Quân sĩ và Nhân dân miền Nam suy nhược không ít và
ngược lại, đối phương thêm phấn khởi. Nhất là Tướng Thiệu lại đột
ngột đào thoát vào lúc quân Bắc Việt ở thế chủ động, nên địch
quân đã tập trung lực lượng, đánh mau, đánh mạnh vào các yếu
huyệt, ào ạt như nước vỡ bờ, không để Sài Gòn có thời giờ cầu xin
một giải pháp chính trị.
Tại Vùng II Chiến thuật, phòng tuyến
Phan Rang do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chỉ huy, đã bị tràn
ngập từ 11:00g trưa ngày 16/4/75, bởi Sư đoàn 3 Sao Vàng, Sư đoàn
325 BV và Ðoàn 968 VC từ hướng Bắc đánh xuống. Quân bố phòng rút
chạy tán loạn. Trước đó 3 ngày, Lữ Đoàn II Dù nằm trên chạm
tuyến, nhưng kể từ ngày 13/4/75, Lữ Đoàn II Dù được thay thế bởi
Liên Đoàn 31 BÐQ do Đại tá Nguyễn Văn Biết chỉ huy, Quân số còn
khoảng 1,300 người. Ngoài ra Phan Rang còn được tăng cường bởi Sư
đoàn 2 BB (–) do Chuẩn tướng Trần Văn Nhựt chỉ huy, Quân số của
cả 2 Trung đoàn 4 và 5 BB thuộc Sư đoàn này còn khoảng 900 người,
cùng 1 Chi đội Thiết vận xa và 2 Pháo đội 105ly.
Tất cả các đơn vị nói trên, còn đang
hoang mang, giao động vì mới vội vã rút về chờ bổ sung quân số,
nhưng lại được điều động ngay ra chạm tuyến để thay thế cho Lữ
Đoàn II Dù. Theo nguồn tin của một sĩ quan cao cấp, cùng bị giam
với Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, kể lại: Trung tướng Nghi cho
biết khi nhận lãnh trách nhiệm phòng thủ Phan Rang, Tổng thống
Nguyễn Văn Thiệu đã chấp thuận đề nghị của ông về việc xin gửi ra
Phan Rang những đơn vị chưa bị ảnh hưởng bởi việc tháo chạy, như
Sư đoàn 21BB thuộc QÐIV và Sư Đoàn Nhảy Dù chẳng hạn. Nhưng khi
ra tiền tuyến, ngày 1/4/1975, Tướng Nghi chỉ có Lữ Đoàn II Dù.
Ngày 12/4/75, Lữ Đoàn II Dù lại được thay thế bởi Liên đoàn 31
BÐQ. Ngày 13 và 14/4/1975, Tướng Nghi được tăng cường Sư đoàn 2
BB (–) nguyên từ Chu Lai chạy vào Bình Tuy. Cũng theo Tướng Nghi,
tuyến phòng thủ này phải cần tới 2 Sư đoàn BB mới có thể tạm
phòng thủ được.
Trong khi đó các vị lãnh đạo tối cao
của Quân Lực VNCH là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Đại tướng Cao
Văn Viên đã không có một kế hoạch khả thi nào để dồn nỗ lực vào
việc bảo vệ miền Nam, dù là chỉ trấn giữ trong một thời gian
ngắn, đủ để đổi ngược thế cờ. Ngược lại, Tổng tư lệnh Nguyễn Văn
Thiệu lại phó thác cho các tư lệnh chiến trường. Còn Đại tướng
Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên thì lúc nào cũng trông ngóng
vào Hoa Kỳ và chờ lệnh của Tổng thống Thiệu, nên ông vẫn để một
vài tướng lãnh tự ý điều động các đơn vị sẵn có trong tay, với
khả năng hạn hẹp và kế hoạch vá víu. Riêng bộ Tổng tham mưu thì
vẫn được điều hành như một hộp thơ, bởi những sĩ quan thiếu kinh
nghiệm chiến trường, từ trước đến sau vẫn vậy, không hơn không
kém. Người ta cho rằng, các Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Cao Văn
Viên không muốn làm phật ý Hoa Kỳ. Cho đến nay, sau 28 năm tỵ
nạn, người ta vẫn thường tự hỏi, tại sao sau gần 9 năm cầm quyền
Tướng Thiệu lại không sớm hành động cho thích ứng với tình thế
hay can đảm bàn giao việc lãnh đạo Quốc gia cho người khác trách
nhiệm mà lại để Quốc sản rớt vào tình trạng nghèo nàn và rách nát
như vậy?
Còn
Hoa Kỳ thì cứ để mặc cho Bắc Việt chiếm nhanh chừng nào hay chừng
nấy, miễn sao chấm dứt được chiến tranh Việt Nam, chứ Hoa Kỳ
không có một phản ứng nào như Tổng thống Nixon đã hứa hẹn. Tại
Hoa Thịnh Ðốn Eric Von Marbod và Tướng Weyand ra trước Tiểu ban
thuộc ủy ban Chuẩn chi Hạ viện HK điều trần để yêu cầu Quốc hội
chấp thuận ngân khoản 300 triệu Mỹ kim quân viện bổ túc và 170
triệu kinh viện nhưng đã tuyệt vọng.
Ngày 22/4/1975.
Sau khi Tổng thống Nguyễn văn Thiệu từ
chức, Đại tướng Cao Văn Viên và Trung tướng Ðặng Văn Quang vào
dinh Ðộc Lập để xin từ nhiệm. Tổng thống Trần Văn Hương chấp
thuận trên nguyên tắc, nhưng Đại tướng Viên phải chờ người thay
thế.
Tòa đại
sứ HK xác nhận vì thiếu máy bay nên việc di tản có phần chậm trễ
so với kế hoạch dự trù. Tuy nhiên theo nguồn tin chính thức cho
biết 3,300 người tỵ nạn đã rời Sài Gòn bằng phi cơ Quân sự HK
trong ngày 22/4/1975. Sự kiện “di tản” này đã làm mọi người hoang
mang tột độ, nhất là dựa theo kinh nghiệm người Mỹ bỏ chạy ở Nam
Vang trước đó.
Tại Vùng III Chiến thuật, VC pháo kích
và tấn công vào căn cứ Không quân Biên Hòa. tỉnh lỵ Xuân Lộc được
bỏ ngỏ mặc dầu Sư đoàn 18 BB và Lữ Đoàn I Dù đã tiêu diệt trên
5,000 quân Bắc Việt trong một trận chiến kéo dài gần 2 tuần lễ.
Quan sát viên Quân sự cho biết Xuân Lộc không còn là mục tiêu
trọng yếu của địch quân, họ đã vòng sang đường khác để tiến về
Sài Gòn nên Tướng Nguyễn Văn Toàn cho rút quân về Long Bình để
kịp thời ngăn chặn đối phương.
Tại Bắc Việt, cũng trong ngày 22/4, CS
cấp thời điều động Quân Đoàn 1 và 3 tung vào chiến trường miền
Nam, đồng thời Lê Duẩn thay mặt Chính trị Trung ương Ðảng CS, gửi
công điện vào Nam, mở cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn. Sau đó, Bộ
chỉ huy chiến dịch gồm Lê Ðức Thọ, đại diện Trung ương Ðảng, Phạm
Hùng, Chính ủy, và Đại tướng Văn Tiến Dũng, tư lệnh bộ chỉ huy
chiến dịch Hồ Chí Minh, duyệt lại lần chót kế hoạch tiến công vào
Sài Gòn–Gia Ðịnh theo các hướng Bắc, Tây–Bắc, Tây, Ðông và Nam.
Sau khi hoàn thành tổ chức hiệp đồng các hướng và Quân binh
chủng, Lê Ðức Thọ và Phạm Hùng ở lại hậu cứ Lộc Ninh điều khiển
các vấn đề liên quan đến Quân sự, Chính trị và ngoại giao.
Ngày 23/4/1975
Tại Sài Gòn, tân Tổng thống Trần Văn
Hương mời Đại tướng Dương Văn Minh làm thủ tướng toàn quyền.
Nhưng đến 5:00g chiều ngày hôm sau, 24/4/1975, Tướng Minh họp báo
từ chối, có lẽ vì ông thấy chưa hội đủ điều kiện để thương thảo.
Trong khi đó, một mặt Cộng quân ào ạt tạo áp lực tại các Vùng
quanh Sài Gòn như Hóc Môn, Long Thành, Biên Hòa. Mặt khác VC loan
tin xác nhận chỉ có Dương Văn Minh là người mà họ khả dĩ có thể
thương thuyết, ngoài ra những thân tín hay bộ hạ của Tướng Thiệu
hoàn toàn bị gạt bỏ, ám chỉ kể cả ông Hương.
Nhận thấy tình hình mỗi ngày một đen
tối, Đại sứ Pháp Mérillon đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Trần
Văn Hương nhường quyền bính lại cho Tướng Dương Văn Minh để ông
kịp tiếp tay Tướng Minh trong việc thành lập Chính phủ ba thành
phần hầu tránh đổ máu. Vào lúc này có nhiều nguồn tin cho rằng
nước Pháp muốn đứng ra làm trung gian liên lạc với Mặt Trận Giải
phóng miền Nam và Hà Nội hầu cứu vãn tình thế. Pháp muốn giữ miền
Nam bằng một Chính phủ trung lập, 3 thành phần, gồm: Quốc gia,
Ðối lập và Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Việc này Trung cộng đã
trả lời đồng ý trên nguyên tắc bằng miệng, nhưng Nga sô từ chối
và giành quyền quyết định cho Bắc Việt. Tại Ðông Nam Á, ngoại trừ
Nam Dương, còn các nước khác đều tán thành VN đình chiến trong
trung lập hơn là thống nhất trong Độc lập.
Lúc đầu Tổng thống Trần Văn Hương còn
do dự và ngần ngại về khả năng của Tướng Dương Văn Minh, nhưng
sau cùng ông Hương đành chọn giải pháp đưa vấn đề lựa người lãnh
đạo, có đủ điều kiện để hòa giải với cộng sản, cho Quốc hội biểu
quyết.
Cũng
trong thời điểm này, tại trường Đại học Tulane, ở New Orleans,
Hoa Kỳ, Tổng thống Gerald R. Ford tuyên bố đại ý như sau: Cuộc
chiến tại Việt Nam đối với người Hoa Kỳ coi như đã xong (đã chấm
dứt). Trong khi đó, tại Sài Gòn, Đại sứ Graham Anderson Martin
chính thức cho phép Nhân viên Việt Nam làm việc tại Sứ quán HK
được di tản.
Ngày
24/4/1975
Các
nước Anh, Tây Ðức, Hòa Lan, và Thái Lan đóng cửa tòa Đại sứ tại
Sài Gòn. Cả Tổng thống Hương và Đại tướng Minh, đều gửi sứ giả
của mình tới trại Davis. Họ được các đại diện của Mặt trận Giải
phóng tiếp đón lịch sự nhưng từ chối không cam kết. Cũng trong
ngày này, tại Ba Lê và Hà Nội, Mặt trận Giải phóng công bố một
bản tuyên cáo đại ý: Phải lập một chính quyền mới tại Sài Gòn và
trong chính quyền này không thể có một bộ mặt nào của bè lũ
Thiệu.
Ngày
25/4/1975
Sư
đoàn 18 BB từ Long Thành lên mặt trận Trảng Bom – Hưng Lộc – Ngã
Ba Dầu Giây thay thế cho Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III về
Biên Hòa dưỡng quân và đặt trong tình trạng trừ bị Quân Đoàn,
riêng Trung đoàn 8 thuộc Sư đoàn 5 BB được hoàn trả về Lai Khê.
Chiều ngày 25/4, Chiến đoàn 322 và 1 Tiểu đoàn TQLC do Trung tá
TG Nguyễn Văn Liên chỉ huy đã hạ 15 chiến xa T–54 VC trong nhiệm
vụ tiếp cứu trường Thiết giáp tại khu vực ngã ba Long Thành – căn
cứ Bear Cat.
Theo Tướng Văn Tiến Dũng dự trù thì chậm nhất là ngày 28/4, họ
phải lấy được căn cứ Nước Trong, quận Long Thành, dọn đường đánh
chiếm quận lỵ Nhơn Trạch hầu kéo đại pháo 130ly vào để khai triển
trận địa pháo, làm tê liệt phi trường Tân Sơn Nhứt và khóa chặt
sông Lòng Tàu, không cho đối phương dùng thủy lộ chạy ra biển.
Chiều ngày 25/4, Đại tá BV Hoàng Ngọc Diêu báo cáo phi công và
thợ máy tại Ðà Nẵng đã học xong cách lái và bảo trì phản lực cơ
A–37 lấy được của VNCH nên Tướng Văn Tiến Dũng quyết định đánh
Tân Sơn Nhứt bằng A–37.
Không đầy 4 hôm sau khi từ chức tổng
thống, để thỏa mãn ý định của Hoa Kỳ, vào lúc 9:30g tối ngày
25/4, Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu và Đại tướng Trần Thiện Khiêm,
cựu thủ tướng VNCH, đã được Đại sứ Martin tiễn chân lên phi cơ
C–118 của Không quân HK sang Ðài Loan ẩn náu an toàn, nhưng sự
thật là Hoa Kỳ đưa các ông ra khỏi Việt Nam để làm vừa lòng Bắc
Việt. Riêng gia đình của hai ông đã rời Việt Nam từ tháng trước.
Sau khi Tổng thống Thiệu rời Việt Nam
vào ngày hôm trước, thì hôm sau Trung tướng Trần Văn Ðôn gặp
Trung tướng Vĩnh Lộc tại nhà Đại tá Huyến, có ý muốn tiến cử
Tướng Vĩnh Lộc làm Tổng tham mưu trưởng nhưng ông khước từ và đề
nghị Trung tướng Nguyễn Ðức Thắng, là người có nhiều cảm tình với
binh sĩ, lên thay thế Đại tướng Cao Văn Viên.
Cựu Đại tá Hà Mai Việt,
Thiết Giáp/QLVNCH
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by batkhuat nguyen chuyển
Đăng ngày Chúa Nhật, March 10,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang