Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tự Truyện
Chủ đề:
chuyện tình đẹp
Tác giả: Tôn Thất Cường

THUYỀN LẠI BẾN XƯA

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

đời không gì đẹp bằng tình yêu. Một nhà văn ngoại quốc từng nói: “Cuộc đời thiếu ái tình chẳng khác nào một mảnh vườn thiếu hoa, một đêm thiếu trăng và một ngày thiếu ánh sáng mặt trời.”

Tình yêu nhất định phải cao thượng chung thủy vì nếu thiếu tình yêu thì con người sẽ không còn lạc thú nữa. Tình yêu đối với tôi vẫn là một vật đẹp muôn màu.

Nhưng có mấy ai được tận hưởng hết những mật ngọt yêu thương trong vườn hoa tình ái của cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, hay lặng yên nhìn tim mình rỉ máu với nỗi đau hằn sâu trong ký ức?

Mối tình đầu của tôi bắt đầu từ khi còn ở trại Bạch Đằng II đến sau mùa Noel 1971, khi chiến hạm HQ231 về bến sau chuyến công tác 3 tháng 10 ngày và tôi được biết người yêu của tôi đã đi lấy chồng.

Mối tình không thật sự chấm dứt ở đây nhưng vẫn còn tiếp diễn mãi. Cho dù không gian có chia phôi nhưng thời gian đã không thể xóa nhòa được trong tâm trí của tôi những kỷ niệm của một thời đã yêu và đã chết.

Theo thời gian cuộc tình lắng dần trong tận cùng sâu thẳm, nhưng nó vẫn cứ như những đợt sóng ngầm chỉ chợt chờ giây phút nào đó rồi dâng trào như thác đổ.

Thời gian trôi qua với bao nhiêu biến đổi, thấm thoát mà đã 35 năm. Ngày hôm nay mắt đã mờ, trí đã mòn và tóc đã bạc, nhưng những kỷ niệm xưa như vẫn còn vương vấn mãi trong tôi.

Chuyện tình như gió qua truông
Tuởng rằng đã lỡ... vẫn luôn mặn nồng.
Bỗng nhiên rực rỡ nắng hồng
Bỗng nhiên rạo rực tình trong bất ngờ

Bây giờ tàu lại bến xưa
Bao nhiêu âu yếm cho vừa nhớ thương
Hoa xưa một bóng đêm trường
Tình xưa vẫn ngát trầm hương thuở nào
. –(Thơ Hoa Trùng Dương)

Tôi trở về Việt Nam vào dịp Noel năm 2005 sau hơn 30 năm xa cách để thăm lại người cậu ruột ở Huế và người O ở Sài Gòn. Tôi chỉ ở Sài Gòn có 3 ngày để thăm người O và chờ đợi đưa O đi bệnh viện cứu cấp; người O đã mất một ngày sau khi tôi trở về Hoa Kỳ. Thời gian rất eo hẹp vì tôi chỉ có hơn một tuần để thăm Việt Nam, thật là quá ngắn ngủi đối với tôi hầu như trong mọi vấn đề.

Tuy vậy, tôi đã có dịp trở lại căn nhà xưa cũ của người yêu ở bên kia cầu chữ Y, nhưng không có tin tức gì mới của cố nhân. Chủ nhà mới cho biết đã mua căn nhà này từ nhà nước và cùng một câu trả lời với người chị dâu của tôi cách nay trên 10 năm: “Gia đình chủ cũ của căn nhà này đã vượt biên mất tích.”

Vào ngày cuối ở Sài Gòn, tôi theo xe Honda người cháu đi mua băng keo dán thùng hành lý và tình cờ thấy lại con đường Bùi hữu Nghĩa quen thuộc năm xưa đã dẫn dắt tôi tìm đến địa chỉ nhà Tuyết Hà, bạn của Thùy Linh.

Căn nhà đã được đổi chủ sau năm 1975; nhờ dò hỏi hàng xóm, tôi gặp được anh Hai của Hà. Anh Hai cho biết: “Thùy Linh đã đi kinh tế mới” và chỉ dẫn cho tôi tìm gặp được cô Hà ở Chợ Lớn Mới. Tôi thật vui mừng khi Hà cho biết Thùy Linh đã có ba cháu ngoại và hiện sống chung với gia đình con gái lớn ở Mỹ. Cầm trên tay tấm check ghi tên người xưa, tôi như khộng tin vào mắt mình và nghe tim mình xao động như sống lại với những kỷ niệm của một thời hai đứa bên nhau. Mọi chuyện trở về thật nhanh trong tôi.

Cách đây gần 35 năm, một buổi chiều sau dịp Noel năm 1971, trợ chiến hạm Nguyễn Ðức Bổng, HQ231 (LSSL 231, Landing ship support large) của tôi trở về bến hạm đội sau chuyến công tác 100 ngày, tôi đã ghé nhà thăm gia đình Thùy Linh.

Vừa bước chân vào nhà, tôi chợt đứng lặng người, mọi vật như quay cuồng trước mặt. Tôi không nghĩ đây là sự thật, nhưng đó đã là sự thật trong căn phòng còn vương dấu vết trang hoàng của ngày cưới – Thùy Linh đã lấy chồng. Tai tôi như nghe tiếng văng vẳng đâu đây tiếng nói của Thùy Linh: “Thùy Linh rất thương anh và mình yêu nhau, nhưng vì tự ái và danh dự của gia đình, Thùy Linh không bao giờ về làm dâu gia đình anh hết”.

Tai tôi lại nghe như có tiếng nói của ông hàng xóm: “Cường, tao nói cho mầy biết, trước sau gì mầy cũng về căn nhà này, mầy liệu hồn tao nghen Cường!”

Từ nhà sau ở chiếc bàn, Ba má và các em của Thùy Linh đều ngừng ăn và nhìn tôi. Ông bà tiến ra phòng khách và chúng tôi cùng ngồi xuống trong bầu không khi thật im lặng.

Tôi được nghe má của Linh nhắc lại những câu nói yêu thương: “Kỳ này tàu anh Cường sao lâu về hả má?” Bà cho biết một ngày trước khi lấy chồng, Thùy Linh đã lấy thư của tôi ra đốt và khóc.

Tôi hỏi Ba của Thùy Linh:

– “Thưa bác, chồng Thùy Linh là ai vậy?”

– “Con trai bạn thân của bác”.

Tôi hỏi tiếp:

– “Thùy Linh có vui không?”

Qua giọng ngập ngừng, ông nói:

– “Thấy nó cũng vui vậy”.

Tôi trả lời theo trực giác:

– “Nếu đời Thùy Linh có gì, hai bác trách nhiệm; dù sao cháu cũng cầu cho Thùy Linh hạnh phúc”.

Ba Thùy Linh ôm vai tôi và nói:

– “Yêu như vậy mới là yêu chứ; cháu có học, bác tiếc quá”.

Ông nói tiếp:

– “Vợ chồng là duyên số; con có biết ông tơ bà nguyệt, họ se duyên?” Cũng như Thùy Linh đã từng nói: “Định mệnh cho mình duyên gặp gỡ, nhưng nợ vợ chồng chắc không có”.

Điều này thật đúng với sự hiểu biết của tôi hôm nay.

Ðời sống con người đều bị chi phối bởi luật nhân quả. Kinh Thánh đã nói rõ điều này: “The law of universe manifest in him.” – trong câu chuyện người mù. Luật của vũ trụ tức là luật của tình thương và luật của nhân quả. Ở thế giới này, chúng ta phải tuân theo luật nhân quả, đó là ý nghĩa của câu “As you sow shall you reap/Gieo gì gặt đó”. Vợ chồng là duyên số và số mệnh hay định mệnh không thể thay đổi được. Song lúc đó tôi cũng móc bác một câu: “Thưa bác, người ta hay lạm dụng hai chữ duyên nợ để che lấp lỗi lầm của mình trong quá khứ”. Hai bác đã đưa tiễn tôi ra cửa và nhìn theo cho đến lúc chiếc xe lam đón tôi xa khuất.

Bản nhạc “Thúy đã đi rồi” mà tôi thường hay hát thời còn học thi trong Đại nội Huế chợt vang vang trong tôi:

Thúy đã đi rồi biết làm sao cho nhớ thương nguôi...
Thúy quá vô tình, ví dù em có hay dỗi hờn,
cũng vẫn hơn là bến tình anh lê gót cô đơn
.”

Xe đến bến Phạm ngũ Lão lúc nào tôi không hay khi có người lên tiếng nhắc tôi bước xuống. Tôi đi vòng qua chợ Bến Thành và bước vào một tiệm mì ở đường Lê Thánh Tôn, gọi hai chai Bireleys – loại nước Thùy Linh thường thích; tôi vẫn làm thế cho dù Thùy Linh không có mặt. Tôi không nuốt được sợi mì và lần đầu tiên tôi cảm thấy đau nhói ở tim.

Đốt điếu thuốc trên môi, tôi thả bộ trên đường phố hướng về đường Tự do để ra công trường Mê Linh. Ðến đường Tự do, tôi chợt nhớ về mùa Noel năm trước, cũng con đường này tôi đã đưa Thùy Linh đến nhà thờ Ðức Bà để cầu xin Ðức Mẹ cho chúng tôi suốt đời có nhau. Một kỷ niệm thật đẹp đã được Thùy Linh nhắc nhở, nhưng tôi chỉ đưa Thùy Linh vào giáo đường có một lần và chỉ một lần rồi vĩnh viễn chia tay.

Ðang hoài kỷ niệm, bất chợt một chiếc xe Honda trờ tới.

– “Thiếu úy về đâu?”, một hạ sĩ hải quân lên tiếng.
– “Anh cho tôi về cầu H”.

Tối đó tôi ngủ tại tàu.

Hôm sau tôi gặp Tuyết Hà; Hà đã cho tôi xem tấm hình Thùy Linh đang chắp tay trước bàn thờ với nét mặt và ánh mắt u buồn bên cạnh chồng trong ngày cưới. Hà nói: “Đám cưới thật lớn, song nếu tàu anh về kịp thì ngày cưới chắc sẽ không diễn ra”.

Tấm hình làm tôi xúc động và Hà đã tặng tôi tấm hình này. Tôi lưu giữ nó như một kỷ vật nói lên nỗi đau chung – (Tấm hình này cùng chiếc áo dài của Thùy Linh tặng cho tôi nằm trong sac marine bị bỏ lại Việt Nam ngày tôi phải di tản vào năm 1975).

Tôi đã nhờ Hà trao lại cho Thùy Linh một chiếc thuyền bằng mây đã mua từ Nam Vang và bức hoạ chân dung của Thùy Linh do tôi vẽ trong chuyến công tác vừa qua tại Năm Căn.

Tôi không muốn tin vào mệnh số nhưng trước những diễn biến đổi thay, gặp rồi yêu, tan vỡ rồi lại sum họp của cuộc tình mình; mọi chuyện xảy ra như một đoạn phim buồn mà chúng tôi là những nhân vật chính phải đóng cho xong vai trò của mình.

Tôi cũng muốn không tin vào nghiệp lực vô hình; nhưng nhớ nhung nuối tiếc mãi không nguôi; vòng dây yêu thương đó như rút ngắn lại, trả chúng tôi về với nhau.

Ngày Ba của tôi đến gặp Ba của Thùy Linh đã tạo nên một niềm tin vui trong gia đình. Họ hàng của Thùy Linh chờ đợi ngày vui của chúng tôi, nhưng ngày ấy không bao giờ đến, vì Ba của tôi đổi ý sau đó, không tán thành cuộc hôn nhân của chúng tôi. Ba tôi muốn tôi về Huế làm việc và lấy vợ để gần gia đình.

Có người xin hỏi cưới Thùy Linh cho nên Ba của Thùy Linh không muốn tôi đến nhà nữa. Thùy Linh là con gái đầu; ông muốn Thùy Linh đi lấy chồng.

“Con gái không để quá tuổi 25”, Ông nói thế.

Một ngày trước khi tàu đi công tác, tôi hẹn gặp Thùy Linh để hỏi thăm về ý định của Ba Thùy Linh như thế nào? Bận việc nhà, Thùy Linh đến trễ và cho biết Ba không bằng lòng chờ đợi. Vì là sĩ quan trực của HQ231, tôi đã từ chối không nhận lời đi chơi với Thùy Linh lúc đó – Sau này tôi mới biết Thùy Linh muốn đi với tôi để tìm cách giải quyết... hay một niềm tin của tôi cho nàng, nhưng tôi đã bỏ lỡ một cơ hội – một cơ hội cuối cùng của hai đứa.

Đã quá giờ điểm danh tôi phải vội vã trở về tàu. Một chiếc xe jeep đi kiểm soát chiến hạm của Bộ tư lệnh hạm đội vừa chạy ngang trước mặt tôi, lúc tôi đang tiến gần HQ231. Sáng hôm sau, tôi trình diện HQ Trung tá Bùi kim Nguyệt, Tư lệnh phó kiêm Tham mưu trưởng hạm đội.

Lúc trình diện, ông ta hỏi tôi một câu:

– “Sĩ quan trực có quyền rời tàu không?”
– “Không”, tôi đáp.
– “8 ngày trọng cấm!”

Một trung sĩ quân cảnh 201 nói: “Mấy bữa nay Tổng tham mưu không nhận sĩ quan nữa, thiếu úy về đi.” Tối hôm đó, trước khi theo tàu đi công tác, tôi ghé thăm Thùy Linh và hứa xong công tác sẽ đi Huế thuyết phục gia đình xin cưới.

Lúc từ giã, tôi nghe tiếng Thùy Linh gọi giật ngược lại; vừa xoay người thì nhận được một nụ hôn phớt nhẹ trên má. Cái nụ hôn này đã cho tôi nhớ khắc khoải suốt cả cuộc đời còn lại về sau. Cũng ngay lúc đó Thùy Linh bỏ trong tay tôi một sợi dây chuyền duy nhất trên cổ, có hình trái tim và chiếc chìa khoá như gởi trao những yêu thương còn lại cho tôi trước khi Thùy Linh âm thầm quyết định ra đi. Tôi là người sau cùng kịp bước lên tàu đúng lúc tàu đang từ từ tách bến.

Trong thời gian tàu đi công tác, tôi có dịp ghé bưu điện ở Tân Châu gởi cho Thùy Linh hai lá thư, một trong hai lá thư tôi cho biết sẽ có mặt ở Sài Gòn vào dịp Noel nhưng những lá thư này đã không đến tay Thùy Linh.

Tàu dời vùng hoạt dộng về Năm Căn và trong thời gian này tôi không hề nhận được thư nào của Thùy Linh. Buồn chán, tôi dành thì giờ vào phòng hành quân vẽ chân dung Thùy Linh cho đến lúc tàu về bến.

Ðây là chuyến đi rất thanh bình không hề đụng trận nhưng lại là một chuyến đi lâu nhất trong thời gian tôi phục vụ trên HQ231, kéo dài 3 tháng 10 ngày. Lúc tàu sắp mãn công tác, tôi nhận được lệnh thuyên chuyển đến đơn vị mới: Ðài kiểm báo 101 tại cù lao Ré thuộc Vùng I; phải chăng định mệnh đã an bài?

Sau chuyến công tác này, tôi muốn sớm rời khỏi thành phố Sài Gòn, nơi mà lúc mới ra trường tôi đã chọn HQ231 để có thể gặp lại Thùy Linh và gia đình sau mỗi chuyến công tác.

Ngày đầu tiên bước xuống chiến hạm HQ231, tôi đã chứng kiến cảnh tang tóc. Tàu trở về bến không có hạm trưởng sau khi bị phục kích ở Neakluong, Kampuchia, trên sông Mekong. Một thủy thủ đang rửa những vết máu còn dính lại trên sàn tàu. HQ Đại úy Trần ngọc Thạch Khóa 12 – Hạm trưởng – bị thương nặng và được giải ngũ sau đó. HQ Thiếu úy Nguyễn văn Xuân Khóa 18 cũng bị thương. Thủy thủ Lâm trọng pháo bị trúng đạn rơi xuống sông mất tích; Trung sĩ Tiêu trọng pháo bị thương nặng. Vách tả hạm trên sân thượng bị thủng một lỗ lớn và khẩu đại bác 41 (40ly đôi) bị đạn nên bất khiển dụng. Hạm phó HQ Trung úy Bùi văn Trung Khóa 16, Thiên xứng II Dương Mạnh Quân Khóa 19 và Thiếu úy Ngô Minh Xí đã đưa tàu về bến.

Một năm sau, tình hình chiến sự trở nên sôi động; địch gia tăng áp lực và thường xuyên phục kích tấn công các đoàn tàu tiếp tế Kampuchia. Tin chiến sự từ nhật báo Sóng Thần: “... Ðoàn convoy đi Nam Vang bị bắn, HQ231 bị phục kích tại Neakluong...”

Thật vậy, HQ231 đang trên đường từ Nam Vang đã bị địch phục kích vào 2 giờ sáng. Ðịch dùng hai mũi giáp công cốt để đánh đắm tàu từ thành phố Neakluong và trải dài cho đến nhà máy giấy gần biên giới Miên–Việt. Ngoại trừ khẩu 76.2ly, tất cả hỏa lực sẵn có trên tàu đều phản pháo ngay lập tức dọc hai bờ sông nơi có tiếng súng địch: hai khẩu bích kích pháo 80ly, bốn khẩu đại bác 20ly, bốn khẩu đại liên 12.7ly, hai khẩu đại bác 40ly đôi. Sau khi nhiệm sở tác chiến chấm dứt, tôi bước vào phòng lái; trong ánh đèn mờ nhạt, Trung sĩ Thanh vận chuyển la lên: “Máu! Thiếu úy Cường bị thương Hạm phó ơi!” Tiếng Hạm phó từ đài chỉ huy vọng xuống: “Gọi y tá!” Hạ sĩ y tá Minh chạy đến. Tôi chỉ bị thương nhẹ ở tay. Khẩu 20ly bị trúng đạn cho nên bất khiển dụng. Thủy thủ Tài gục ngã, được trực thăng tải về bệnh xá ở Long Xuyên cấp cứu. Đạn địch bắn ngay trên thùng đạn nồi của khẩu 20ly nơi tôi đã đứng trước đó không quá 30 giây. Sau đó tàu về neo ở Tân Châu, tôi nhận được thư của Thùy Linh với lời cầu chúc: “Dạo này tàu đi Kampuchia nhiều nguy hiểm, cầu mong ơn trên ban nhiều ơn lành đến với anh”.

Phố thị Sài Gòn không còn là khung trời hoa mộng của tôi nữa; nó chỉ còn lại đổ vỡ và mất mát. Nhờ Trung tá không quân Lê Hoàng – chồng của người chị họ – giúp đỡ, tôi được máy bay chở ra Đà Nẵng ngày hôm sau.

Tại Căn Cứ Yểm Trợ Tiếp Vận Ðà nẵng, tôi gặp lại HC2 Nguyễn ngọc Châu CK. Châu và HC2 Nguyễn văn Độ là hai người bạn đã cùng đi với tôi đến thăm Thùy Linh tại sở làm trong thời gian tạm trú tại Bạch Ðằng II. Lúc đó, Thùy Linh đi Velo Solex đến, nhoẻn miệng cười khi thấy tôi ngạo nghễ đứng chống hai tay và tréo hai chân, còn Châu thì cười khúc khích và vỗ nhẹ vào đầu tôi.

Ngày nay, 37 năm sau, tôi cho Châu biết đó là thế đứng của chàng Thiếu úy Allen Kennedy, nhân vật chính trong cuốn truyện “La fleur cachée/Đóa hoa thầm kín” của văn sĩ Pearl Buck – cuốn sách này do cố Thiên Xứng II Nguyễn văn Định, bạn học cùng trường cho tôi mượn đọc. Allen theo đoàn quân chiếm đóng tiến vào nước Nhật, trông thấy Josui Sakai lẫn trong đám người Nhật đứng nhìn từ bên vệ đường. Sau đó, Allen trở lại chốn cũ này, đứng trong tư thế tréo chân, chống tay khi thấy Josui đang đi ngang. Kết cuộc, Allen cưới được Josui sau khi đã vượt qua bao nhiêu chống đối của lễ giáo và phong tục khắt khe của người Nhật.

Cũng tại CCYTTV Đà Nẵng, tôi gặp lại Thủy thủ On, trước đây cũng từng phục vụ cùng đơn vị HQ231. Gặp lại tôi, On hỏi ngay:

– “Chị Thùy Linh đâu?”
– “Lấy chồng rồi”.

On sững sờ trố mắt nhìn tôi:

– “Ủa, sao vậy?”
– “Chuyện này dài lắm, thôi mầy tao kiếm cái gì uống trước đã”.

On là người đã từng đến nhà thay vỏ xe Velo solex cho Thùy Linh năm xưa và được Thùy Linh xem như em ruột.

Sau khi trình diện Phó Ðề Ðốc Hồ văn Kỳ Thoại, Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải, tôi ghé Trung tâm Kiểm soát Duyên Hải xin phương tiện ra đơn vị, gặp Thiên Xứng II Hồ Ngọc Hoa. Niên trưởng Hoa nói với tôi: “Đài kiểm báo 101 ở cù lao Ré đầy sương mù và buồn lắm; mầy ra đó uống rượu rồi ngồi trên đỉnh núi mà kêu ré ré....” Với tôi, nơi đồn trú ở đấy có lẽ là nơi làm việc thích hợp để tôi an dưỡng một cuộc tình chưa nguôi.

Ly Sơn gió lạnh không tình sưởi,
Rượu uống mềm môi chẳng vơi sầu
–(Hoa trùng Dương)

Từ Bộ Tư lệnh trở về, đang cùng Thủy thủ On và chị ruột đi dạo phố, tôi bị một tên tài xế say rượu lái xe húc văng, bất tỉnh trên đường Hoàng Diệu. Tôi được đưa vào Tổng y viện Duy Tân, phòng ngoại thương 1A. Lúc mở mắt, tôi thấy một cô y tá trong áo blouse trắng đang chụp quang tuyến vết thương trên đầu tôi. Sau đó tôi lại thiếp đi; trong giấc mơ tôi thấy Thùy Linh đến với tôi thật gần... Khoảng 3 giờ sáng tôi sực thức dậy, thì vỡ lẽ ra: đấy chỉ là một giấc mơ.

Sáng hôm sau tôi bị đánh thức bởi một lời chào có vẻ thân mật của một quân nhân cụt hai giò di chuyển trên xe lăn: “Ê! Thiếu úy hải quân. Mới vào hả? Cho xin điếu thuốc”. Xung quanh tôi toàn là những thương bệnh binh từ vùng chiến trận, chỉ ngoại trừ tôi. Y sĩ Trung úy Nguyễn văn Đức cho biết tôi không bị nứt sọ, nhưng chấn thương này bấy giờ đã làm tôi bị mất khả năng nghe và sự tập trung.

Thời gian ở bệnh viện này tôi có nhận được thư hỏi thăm của cô Hà nhưng tôi hiểu lời trong thư là ý của Thùy Linh: “Kẻ ở lại buồn đã đành, nhưng chưa chắc người ra đi đã vui trọn vẹn, kể như trong kiếp này không có Thùy Linh”. Tôi đã hồi âm thư cho Tuyết Hà với lời thư như sau: “Tự ái của người lớn – Ba của Thùy Linh – đã giết chết tình yêu chúng tôi.”

Sợ bị tổng công kích đợt hai và để chuẩn bị cho bệnh nhân mới có đủ giường nằm, tôi được sớm xuất viện vào chiều 29 Tết. Sau khi xuất viện, buồn vì tình duyên và chán ghét gia đình, tôi đã không về dưỡng bệnh và ăn Tết gia đình ở Huế. Mặc dầu, đầu còn quấn băng trắng mà tôi gọi là khăn tang cho tình yêu, và tuy vết thương chưa lành tôi vẫn qua Trung tâm Kiểm soát Duyên hải thuộc Bộ Tư lệnh HQ Vùng I Duyên Hải để xin phương tiện ra đơn vị. Chiều 30 Tết, tôi ngồi một mình trên cầu tàu BTL/HQ/V1ZH với sac marine. Trong tôi lúc bấy giờ là cả một nỗi thảm sầu; lòng tôi cảm thấy hoang vắng:

“Un seul être vous manque tout est dépeuplé”
“Chỉ thiếu một người cảnh trở thành hoang vắng”
–(“Le Lac”, Lamartine)

Màn đêm dần dần buông xuống, chiếc HQ703 của Đại úy Tâm khóa 16 lù lù rẽ sóng đến đón, đưa tôi qua đến cù lao Ré. Đêm giao thừa tàu neo tại cù lao Chàm, sóng nước đen ngòm, đúng là đêm trừ tịch 30. Chúng tôi, tất cả mọi người trên chiến hạm đơn giản đón Xuân với hạt dưa và nước trà. Trong dịp này Đại úy Tâm có kể cho tôi nghe về một mối tình dang dở của chính mình, nhờ vậy tôi cảm thấy bớt cô đơn. Sáng mồng một tôi dậy sớm; ngoại trừ lính gác tất cả đều đang say ngủ. Dựa thân tàu, nhìn cù lao Chàm trước mặt với sóng nước đưa những bọt biển trôi dạt vào bờ theo từng cơn sóng vỗ rồi tan biến đi. Tôi chợt nhớ lại ngày Thùy Linh trong chiếc áo dài màu xanh nước biển đến thăm HQ231 đang ứng chiến tại cầu A, trước Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Hôm đó tôi là sĩ quan trực chiến hạm đã đích thân hướng dẫn Thùy Linh đi thăm tàu. Tại đài chỉ huy, tình cờ Thùy Linh ngồi lên chiếc ghế Hạm trưởng. Tôi nhìn nàng và nói: “Ghế Hạm trưởng đó”. Xoay nghiêng người với nụ cười tươi, Thùy Linh nói: “Có sao đâu, mai kia Thùy Linh cũng là Hạm trưởng phu nhân kia mà”. Viễn ảnh một màu hồng hạnh phúc hiện ra trước mắt tôi sau câu nói đó. Dư âm xưa như còn văng vẳng đâu đây, nhưng Thùy Linh ơi, mình mất nhau từ bao giờ.

Sau này – vào năm 1975 – một đại úy hải quân cùng đi với cố Thiên Xứng II Nguyễn văn Định gặp tôi tại CCYTTV Đà Nẵng đã nhắc đến một kỷ niệm về Thùy Linh như là một giai nhân ngày nào trong chiếc áo dài màu xanh nước biển đến thăm HQ231. Hôm đó, chiếc PGM của anh ta cặp cạnh tàu của tôi tại cầu A, trước Bộ Tư Lệnh Hải Quân. (Xin liên lạc tôi qua địa chỉ e–mail của Đệ Nhị Hổ Cáp để chia sẻ niềm vui).

Trưa ngày mồng một Tết tôi đặt chân trên Ly Sơn – cù lao Ré, người Pháp đặt tên là “Poulo Canton” – nơi đây đang có cuộc đua ghe hào hứng vào ngày đầu năm.

Cù lao Ré còn có tên là Ly Sơn, nhưng người ta đọc trại ra Lý Sơn, nằm phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi. Ngũ Hành Sơn trên đảo gồm có hòn Tiền, hòn Tai, hòn Vung – vì dáng giống cái nắp nồi, hòn Sỏi và hòn cao nhất là hòn Thái Lới.

Hải quân Đài kiểm báo 101 đã đồn trú tại hòn Thái Lới – có vết tích miệng núi lửa – kể từ năm 1967 và đã thiết lập một đài radar TPS62. Đây là một đơn vị hành quân cố định, kiểm soát bằng radar các đối vật trên mặt biển để hỗ trợ cho các tàu tuần duyên Hải quân trong hải vực trách nhiệm nhằm mục đích chống sự xâm nhập của địch quân bằng đường biển. Nơi đây không hề có tiếng súng đì đùng, tiếng còi tịch tịch của nhiệm sở tác chiến, tiếng nổ lựu đạn MK3 chống mìn trôi, hay đặc công người nhái như lúc tôi phục vụ trên HQ231. Thật là một hải đảo thanh bình và cũng là nơi thường làm sống dậy trong tôi những kỷ niệm xưa của cuộc tình đã mất.

Khoảng hai tuần sau ngày tôi đáo nhậm đơn vị mới, HC2 Trương đình Quí – nhà thơ Hoa Trùng Dương – đến thăm tôi nhân dịp theo tàu từ Sài Gòn ra công tác ở Vùng I Duyên hải. Thấy Quí nhìn bức hình người yêu tôi chụp chung với chồng nàng trong ngày cưới, tôi đã tâm sự và kể cho Quí nghe về chuyện tình, chuyến tàu chiều 30 Tết và nếp sống ngày đầu năm tại cù lao Chàm. Hoa Trùng Dương liền cảm hứng viết xuống bài thơ tặng tôi:

Mùa Xuân Riêng Em

Sáng nay bỗng lạnh thân tàu,
Ô hay! Xuân đã nhuốm màu biển xanh.
Vọng vang sóng vỗ đầu ghềnh,
Nghe như em hỏi Tết anh có về.

Ngàn trùng sóng gió nhiêu khê,
Càng xa hải lý càng lê thê sầu.
Mai vàng nhớ cánh hải âu,
Có hoa nào nhớ con tàu anh không?

Bốn mùa vẫn biển mênh mông,
Bốn mùa vẫn thấy ngập lòng nhớ thương.
Xuân em xác pháo ngập đường,
Xuân anh chỉ có trùng dương mịt mù.


Tôi trở lại Sài Gòn vài tháng sau ngày Thùy Linh lấy chồng và theo dõi bước chân Thùy Linh. Qua lời tâm sự của các bạn nàng, điều đáng buồn là tôi được biết sự thật: Nàng đã miễn cưỡng lấy một người không thương yêu nên cuộc sống không có hạnh phúc.

Tôi đã tìm gặp Thùy Linh tại một sở mới của nàng. Lúc đó Thùy Linh đang có thai; nàng đã chảy nước mắt khi thấy hình của tôi và nàng vẫn còn giữ nguyên trong ví của tôi. Nơi đây không thuận tiện cho cuộc gặp gỡ cho nên Thùy Linh hẹn gặp tôi tại nhà Tuyết ở Khánh Hội vào buổi chiều ngày hôm sau, nhưng rồi Thùy Linh đã không đến. Sau này Thùy Linh cho biết sở dĩ như vậy là nhằm mục đích giúp tôi quên nàng vì nàng đã không còn gì cho tôi.

Một ngày trước khi trở về Đà Nẵng, tôi ghé chào mẹ Tuyết; tình cờ tôi gặp lại Thùy Linh tại đấy. Sau một khoảnh khắc bốn mắt nhìn nhau trong im lặng, tôi hỏi: “Sao Thùy Linh chẳng nói gì với anh hết vậy?”. Ðưa tay lấy chiếc áo mưa – chiếc áo mưa mà một thời hai đứa đã cùng che chung dưới mưa – Thùy Linh vừa nói: “Giữa anh và Thùy Linh không còn gì để nói nữa; anh Cường ở lại, Thùy Linh về nhé”. Lúc đó tôi không biết rõ đấy là lời oán trách hay là một câu nói tuyệt tình?

Thùy Linh vừa bước lên xe lam, tôi chào vội má Tuyết rồi phóng ngay lên chiếc xe lam kế tiếp. Khi xe đến bến Phạm Ngũ Lão, tôi đứng dang hai tay ngơ ngác, trố mắt nhìn khắp nơi nhưng chẳng thấy bóng dáng người thương! Trời lại đổ cơn mưa nhẹ, chân tôi muốn bước đi nhưng lòng lại nặng trĩu những ưu phiền; tôi có cảm tưởng như Thùy Linh vẫn còn quanh quẩn đâu đây. Trong khi đó ở một góc phố, Thùy Linh đã nhìn thấy tôi, nhưng nàng đành lặng câm.

Phố xá đã lên đèn, nón và quân phục của tôi ướt đẫm. Tôi uống từng giọt nước mưa trên môi mà nghe đắng cay. Phải ở trong cuộc tình mới thấu hiểu và cảm thông được nỗi đớn đau này.

Em trong vòng tay lạ.
Em thành đàn bà cho anh xót xa...
–(Dù tình yêu đã mất, Song Ngọc)

Một lúc sau, tôi đành thả bộ ra về dưới trời mưa. Tối hôm đó tôi bị sốt vì quân phục bị ướt. Sau khi nằm suy nghĩ, tôi đâm ra mang mặc cảm phạm tội vì vô tình cản bước Thùy Linh trở về nhà trong lúc nàng đang có thai.

Vì tôn trọng đời sống riêng tư và không muốn làm phiền Thùy Linh nữa; kể từ đó tôi không hề tìm gặp nàng dù sau này tôi có rất nhiều dịp trở lại Sài Gòn. Tôi bắt đầu khép kín một tuyệt tình nhưng không có nghĩa là tôi quên...

HUẾ “Tàn Nhẫn”

Thời gian hai đứa quen nhau, Thùy Linh thường thích nghe tôi đọc những bài thơ nói về Huế:

Đây xứ Huế

Đây xứ Huế đây bao cảnh đẹp thơ,
Nhiều lăng tẩm cổ lắm đền thờ.
Ai xa xứ Huế hằng mong nhớ,
Cảnh cũ người xưa vẫn đợi chờ.
Núi Ngự thông reo theo cát gió,
Sông Hương nước chảy lặng như tờ
.
–(Tôn thất Sang)

Nữ sinh Đồng Khánh

Muôn tà áo trắng bay như bướm,
Vạn bước chân thon bước nhịp nhàng.
Hoa nắng cười reo trong gió sớm,
Nhạc về ướp mộng nhớ mênh mang
.
–(Tôn thất Sang)

Trường Tiền sáu nhịp uốn cong cong,
Nước uốn lòn lưng thẳng một giòng.
Đêm đợi khách tình trên ngấn nước,
Ngày đưa kiều nữ lướt sang sông
.” –(Không rõ tác giả)

... Trai xứ Huế trang nghiêm và thầm lặng,
Thường hay buồn giữa lúc thế nhân vui.
Tâm sự nhiều nhưng chẳng hé trên môi,
Yêu tất cả thả hồn trên vạn nẻo...
Gái xứ Huế nghìn năm câm miệng hến,
Yêu không nồng mà ghét cũng chẳng cay...


Ngày hôm nay, tôi được nghe Thùy Linh viết về Huế như sau:

“Những lời thơ nói về Huế, trai Huế, gái Huế, v.v. Ừ! Tất cả đều đẹp và dễ thương... nhưng thực chất của Huế có đúng như vậy không? Sao riêng đối với mình, điều đó không đơn giản? Đối với Thùy Linh, Huế chỉ được diễn tả bằng hai chữ ‘Tàn nhẫn’”.

Suốt 30 năm dài trong vũng lầy nước mắt, Thùy Linh không muốn trách ai hết, nhưng sao vẫn nghe oán hận ngập lòng? Vẫn câu nói xưa: “Về Huế cưới vợ đi Cường. Thùy Linh không có nợ gì với anh sao cứ kiếm Thùy Linh để đòi?”

Hôm nay là ngày lễ của tình yêu, cám ơn anh đã gởi đến Thùy Linh những lời nói yêu thương ngọt ngào, mật ngọt của tình yêu hay là vị đắng của khổ đau? Sợ quá đi thôi khi nói đến Huế, dù biết rằng mình đang ở Mỹ. Anh nhắn dùm Thùy Linh, nói với Tôn Thất Cường về Huế cưới vợ đi. Ta về ta tắm ao ta vẫn hơn. Hết thương rồi từ dạo ấy. Giữa anh và Thùy Linh không còn gì để nói nữa hết. Đời buồn tênh như lỡ một cung đàn. Không còn gì nữa hết. Chúc anh một giấc ngủ say trong vòng tay người tình...

Gương bể lại lành

Một lá thư đầu tiên – sau bao nhiêu năm xa cách, tôi viết thật vội với những yêu thương còn đọng lại gởi đến Thùy Linh khi vừa đặt chân trở về đất Mỹ.

“Anh hiện sống với đứa con gái 16 tuổi từ thuở con anh lên năm; đứa con trai 20 tuổi hiện đang sống xa nhà để theo học năm thứ hai đại học. Tất cả cha con đều trường chay. Nếu không có gì thay đổi ở Thùy Linh, anh vẫn mong chúng ta sẽ nối tiếp lại cuộc tình sau 35 năm bị chia ly. Đó là một điều thật thú vị và đẹp nhất trong cuộc đời còn lại của chúng ta.”

Tôi mong đợi và mơ ước một tia hy vọng. Khi thấy nắng đẹp thì trời đã về chiều.

Thế rồi ngày vui đã đến – một tiếng điện thoại reo vang.

– “Xin lỗi ai ở đầu dây?”
– “Tôi, Cường đây”.

Chỉ còn tiếng im lặng ở phía bên kia.

– “Hello, hello...”

Tim tôi như muốn ngưng đập; tôi vội hỏi lớn:

– “Thùy Linh, Thùy Linh phải không?”
– “Phải, Thùy Linh đây!”

Tôi đưa tay lên ngực; không phải cái nhói tim như 35 năm về trước, nhưng một cảm giác nhẹ nhàng đang xâm chiếm trong tâm hồn. Hít một hơi dài và thở ra thật mạnh, mắt tôi sáng lên và thầm cám ơn Thượng Ðế đã cho tôi có ngày hôm nay. Thật quá bất ngờ và không tưởng tượng được. Rõ ràng trước mắt còn ngờ chiêm bao!

Sau cơn mưa nước mắt, trời đã tạnh đưa chúng tôi trở về với nhau. Bình minh ló dạng, bóng dáng hạnh phúc sáng rạng một góc trời. Ngày hôm sau tôi nhận được trên e–mail:

Chuyện huyền thoại một con tàu

Chuyện xa xưa có một con tàu tính vừa mới khởi hành, chưa ra khơi đã gặp sóng gió, phong ba của biển đời, của thác ghềnh Nam–Trung ngăn đường cản lối. Thời gian trôi, trôi dài với bao nhiêu biến động. Thời gian cũng như sóng nước đã bào mòn đi ghềnh thác nhưng không bào mòn nỗi khát khao của con tàu muốn tìm về bến đỗ và rồi một ngày, một ngày nhân định thắng thiên. Con tàu đã tìm được bến xưa. “Tàu anh dầu có trăm bến ghé, nhưng chẳng bao giờ quên ghé bến em đâu”.

Không có pháo cưới nổ giòn, nhưng những nhịp đập của con tim đã tạo nên “Bản tình ca muôn thuở” và những giọt nước mắt xưa kia giờ được đọng lại như những hạt kim cương lóng lánh bắt xây lại nhịp cầu, tuy muộn màng, nhưng mặn nồng. Cường ơi, bây chừ sao nghe thương anh chi lạ!

Bao nhiêu năm cách biệt ngày gặp lại nhau tôi chỉ mong được giải đáp? – 35 năm giữ mãi nỗi đau trong lòng, tôi vẫn không tìm ra dược câu trả lời, vì sao? Thùy Linh đã ra đi khi tôi còn đó và tình vẫn nồng?

Thật xót xa khi nghe câu trả lời: “Thùy Linh chỉ được một lần xin Ba cho về với anh, không có lần thứ hai khi Ba anh ngoảnh mặt làm ngơ. Riêng anh cúi mặt lặng yên. Thùy Linh làm sao chống nổi với hai đầu sóng gió? Càng không thể vì yêu mà đạp bừa lên lễ giáo, gia phong của nhà. Ngoảnh mặt xoay lưng, vội vã bước đi để trốn chạy một chuyện tình không đoạn kết. Níu kéo làm gì khi cả hai bên cha mẹ đều ngăn đường rẽ lối?”

Bây giờ đang đứng ở cuối con đường đời, Thùy Linh mãn nguyện được gặp lại anh để trao một kỷ vật – bức họa chân dung – một chân tình mà Thùy Linh đã gìn giữ suốt 30 năm trong cuộc đời làm vợ người.

Với chồng, Thùy Linh chỉ tròn chữ “nghĩa”.
Với anh, Thùy Linh giữ trọn “Cuộc tình”.
Riêng với gia đình, Thùy Linh xong chữ “Hiếu”
– một “đám cưới rộn ràng”.

Tôi cũng gởi lại Thùy Linh hai tấm hình Polaroids mà tôi đã cất giữ suốt 37 năm, kể từ năm 1969. Tôi cũng không biết phải nói gì với câu trả lời sau 35 năm của Thùy Linh.

Ngày xa xưa đó, tôi được Thùy Linh chọn lựa để yêu thương nhưng tôi bất lực và buông xuôi trước cái bảo thủ, phong kiến của Huế; vì thế tôi đã không bảo vệ được tình yêu. Tôi tự làm khổ chính mình và cả Thùy Linh nữa; vô tình tôi trở thành một tên tội phạm của cuộc tình và đẩy đưa Thùy Linh vào một con đường không lối thoát.

Biết nói sao? Lỡ sinh vào thời ly loạn, tôi không biết có bao nhiêu chuyện tình đã thăng trầm vì cuộc chiến, bao nhiều lần nổi trôi theo dòng đời, lang thang như đám lục bình trôi theo con nước lớn ròng rồi phải băng qua bao nhiêu khúc sông buồn mới được thênh thang ra biển cả, mới được ghép tên chung trên thiệp hồng?

Riêng tôi, tôi đã từng nếm đủ mặn ngọt cùng những vị chua chát đắng cay và hạnh phúc của tình yêu trong những đau khổ của nó đem lại. Dù mất nhau khi yêu thương còn đó, tôi vẫn không quên được những lời trong thư tình ngày nào, Thùy Linh viết cho tôi:

“... Còn gì đến với mình trong tương lai không? Tại sao ngày nào mình cũng gặp 5 phút cho Thùy Linh hả? Tụi bạn nó phá Thùy Linh hoài, bắt đền cho coi, hổng thôi Thùy Linh sẽ khóc; nước biển sẽ mặn hơn, sóng sẽ to hơn khi nước mắt của Thùy Linh pha vào thì tàu anh còn lâu mới đi được...”.

“Anh de moi” (lối viết đùa dễ thương, có nghĩa “mon frère”, anh của tôi)

“Với tuyết đông lành lạnh là môi trường trong suốt cho tình yêu nguyên thủy. Mượn tình yêu thánh thiện của Chúa Hài đồng nơi hang đá Bethlem gởi đến anh một lời cầu chúc... một đêm Noel hạnh phúc bên người tình.”

“Trời Sài Gòn dạo này lạnh ghê đi hở anh, mới có giao mùa mà trời lạnh thế. Đêm Noel, tuy là người ngoại đạo, nhưng Thùy Linh thích nghe chuông giáo đường, thích ngắm Đức Mẹ đêm Giáng sinh. Noel năm nay Thùy Linh sẽ cầu xin Chúa ban cho mọi hiểu lầm giữa anh và Thùy Linh không còn nữa. Vài dòng thăm anh, chúc anh sống trọn cuộc sống Tổ Quốc Đại Dương”.

Tôi yêu Thùy Linh với những mơ ước đơn giản dễ thương của nàng: “Yêu tức kính, không kính tức không yêu. Tài thắng đức vi tiểu nhân, đức thắng tài vi quân tử. Mớ học thức nghèo nàn của Thùy Linh tuy không đủ sức lừa lọc mánh khoé của người đời, nhưng đủ cho Thùy Linh nhận chân giá trị của những người thân. Gom tư tưởng gói trọn vào vòng rào quân trường, anh chỉ nhìn thấy có Thùy Linh, một ngày mai ra trường với chức thiếu úy đẹp trai, bao nhiêu rực rỡ vinh quang sẽ đến với anh, anh sẽ cảm thấy Thùy Linh như hạt cát trong sa mạc”.

Tất cả đã bị vùi chôn và tan nát như pháo cưới một ngày.

Ngày mới lớn, tập làm thơ, một bài thơ đầu đời được viết lên trong thời gian học lớp đệ nhị B, Trường tư thục Bình Linh, Huế (École Pellerin) niên khóa 1961–1962. Cùng trường với tôi có Ðệ nhị Hải Sư Trần Trọng An Sơn khóa 17 học trên tôi một lớp; Cố Thiên xứng Nguyễn văn Ðịnh, bạn thân, sau tôi một lớp. Bạn thân cùng lớp có sư huynh (frère) Trần Trọng An Phong, em ruột Trần Trọng An Sơn. Thời gian HQ231 ở bến hạm đội, tôi có dịp ghé thăm sư huynh tại trường Taberd. Ngày di tản gặp nhau trên chiếc thương thuyền “Greenville Victory”, đến nay chưa gặp lại. Thời gian này mặc dù còn trẻ, tôi đã viết nên một bài thơ lãng mạn như sau:

Không đề

T âm tình ướt lệ chiều nay
Ô hay người đẹp còn say mộng đời
N gày mai tàu mới ra khơi
T hơ thẩn buồn đi nhưng nhớ thương
H oa xưa đơn chiếc lạnh đêm trường
Ấ m cúng đôi lứa tình dang dở
T ha thiết ngày qua hoa ngát hương
C hinh nhân ơi lòng ta giờ rạo rực
Ư ơm duyên lành ta dệt bản tình ca
Ơ n tình đã năm tháng phôi pha
N gày mai gặp lại đầy vơi mộng đời
G ặp nhau hoa nắng rơi rơi...


Bài thơ báo trước cuộc đời hải nghiệp cũng như chuyện tình tan vỡ rồi sum họp. Nó khởi sự từ khi HC2 Nguyễn văn Ðộ vẽ hình trái tim rỉ máu có mũi tên xuyên qua trên sac marine của tôi. Lúc tôi bắt gặp, Ðộ nhếch miệng cười và nói: “Cho mày nếm mùi”.

Một ngày sau đó, HC2 Nguyễn minh Cang (bây chừ là Thiền sư tại Như Lai Thiền tự ở Houston) là sinh viên trực đại đội đã lên giảng đường gặp HQ Ðại úy Trương văn Ðăng đang dạy môn điện tử và xin gặp tôi.

Cang nói:

– “Cường, đại úy kiếm mày”.
– “Có chuyện gì không?”
– “Tao không biết”.

Trở về phòng, tôi thấy hình vẽ của Ðộ trên sac marine bị xoay ra ngoài, tôi đã hiểu. Gặp tôi, HQ Đại úy Võ thành Tâm, ÐÐT/ÐÐII/SVSQ gằn giọng nói:

– “Anh làm như cái quân trường này là ghê gớm lắm? Anh vẽ hình, hình quả tim rướm máu. Anh vác sac marine chạy cho tôi 2 vòng thao diễn trường và đưa lên cho mọi người thấy”.

Lúc đó khóa 19 đang tập chào nón để chuẩn bị lễ ra trường, hầu hết đều nhìn hình quả tim rướm máu trên sac marine của tôi trong sự ngạc nhiên. Ðiều này như đã báo trước sự đổ vỡ của một cuộc tình.

Ðịnh mệnh đã báo trước một sự tan vỡ, nhưng cũng đưa chúng tôi tìm về với nhau. Ðầu năm 2005 khi về đến Việt Nam, Thùy Linh tìm thăm lại Tuyết Hà (đã nhiều năm không gặp) và cho cô ta địa chỉ. Cuối năm 2005, vì lời nhắn nhủ của người cậu ruột và người O bệnh nặng tôi hối hả về thăm và tình cờ tìm gặp Tuyết Hà nên mới biết tin tức, địa chỉ của Thùy Linh.

Ruộng ai thì nấy đắp bờ,
Duyên ai nấy gặp đừng chờ uổng công
”.

Chữ “Duyên” ở đây, tôi phải chờ đến 35 năm mới được kết thành và đây mới là “Thiện duyên”.

Thanh Trúc, con gái đầu của Thùy Linh đã từng nghe mẹ kể một chuyện tình xưa, nên một buổi sáng khi thấy mẹ ngồi lặng yên suy tư với lá thư trong tay do tôi gởi đến, liền hỏi mẹ: “Chuyện gì vậy hả mẹ?” Khi nhìn thấy tên người gởi, Trúc giật mình nói: “Ủa đúng ông này hả mẹ?” Và hối thúc mẹ gọi điện thoại ngay cho tôi.

Nỗi vui mừng tràn ngập trong lòng, sau khi nhìn thấy mẹ tìm được lại được những yêu thương xưa. Trúc hỏi mẹ: “Chuyện tình của mẹ sao giống như tiểu thuyết vậy? Một tiểu thuyết có thật. Sau đó, Trúc đã kể lại chuyện tình này cho bạn bè trên điện thoại để rồi kết thúc nhân vật trong câu chuyện chính là mẹ của mình.”

Tái Ngộ

Xuân em nước mắt lưng tròng,
Xuân anh vẫn mãi trùng dương mịt mù.
Chừ giờ cách biệt đôi đường,
Ngàn năm thương nhớ vẫn hoài nhớ thương
.

“Chuyện ngày xưa đã là kỷ niệm. Ngày mai Thùy Linh đón anh ở phi trường và đưa anh trở về vùng trời xanh kỷ niệm, ở nơi đó chỉ có môi hôn và sự rung động của yêu thương. Thôi ngủ đi nghen Cường. Bây giờ thì giấc mơ của anh đã thành sự thật. Vui nha...”

Thùy Linh và vợ chồng Thanh Trúc đã đón tôi ở phi trường và đưa về nhà. Tại đây, tôi cũng đã gặp em trai và vợ chồng em gái của Thanh Trúc, các cháu ngoại của Thùy Linh. Căn nhà đã được sửa soạn và đón tiếp tôi trong cái không khí thân mật và đầm ấm như một người thân đi xa từ lâu năm mới trở về. Hoa tươi được đặt trên bàn và nhiều nơi trong nhà. Tất cả mọi người trong nhà đều cùng thưởng thức những món ăn chay ngon và bổ do Thanh Trúc nấu, trong hai ngày tôi lưu trú tại đây.

Ðể chia sẻ niềm vui cuối đời với các bạn Hổ Cáp II, tôi và Thùy Linh đã ra mắt và làm lễ tái ngộ trong đêm dạ tiệc July 22, 2006 tại Washington, D.C. Ngay trong đêm này, tôi thực hiện đúng lời hứa của 35 năm về trước đã không làm được đó là: trao nhẫn cưới cho người tôi yêu.

Cám ơn Thượng Ðế, cám ơn Thùy Linh, cám ơn cái chân tình bao nhiêu năm vẫn còn nguyên vẹn.

Cám ơn Trưởng ban tổ chức HC2 Huỳnh văn Bảnh, Trưởng ban nghi lễ HC2 Nguyễn văn Huấn cùng các bạn trong ban tổ chức, ban nghi lễ đã dành, giúp cho chúng tôi những giây phút cùng với quan khách và gia đình Ðệ Nhị Hổ Cáp quay về dĩ vãng một đám cưới nhà binh long trọng.

Thuyền tình đã trở về bến mộng sau 35 năm. Tôi xin đặt tên bài thơ không đề, một sáng tác mới của Hoa Trùng Dương qua cảm hứng bài thơ “Không đề” của tôi là: “Thuyền lại bến xưa”.

Thuyền lại bến xưa

Tâm tình bến cũ chiều nay,
Mới hay em vẫn còn say mộng đời!
Ngày mai tàu mới ra khơi,
Mà sao triền sóng đã vời vợi trông?

Anh đi nhớ má ai hồng,
Nhớ môi ai đỏ, phòng không lạnh lùng.
Em rồi xa cách nghìn trùng,
Thiết tha bãi vắng mênh mông sợi buồn.

Chuyện tình như gió qua truông,
Tưởng rằng đã lỡ vẫn luôn mặn nồng.
Bỗng nhiên rực rỡ nắng hồng,
Bỗng nhiên rạo rực tình trong bất ngờ.

Bây giờ tàu lại bến xưa,
Bao nhiêu âu yếm cho vừa nhớ thương?
Hoa xưa một bóng đêm trường,
Tình xưa vẫn ngát trầm hương thuở nào.


Tôi xin trân trọng gởi đến tất cả Hổ Cáp II một chuyện tình có đoạn kết của đời tôi, đã được ghi vội xuống như những trang nhật ký để mở đầu loạt bài: “Những mối tình dang dở của Hổ Cáp II” cho đặc san online của Ðệ Nhị Hổ Cáp.

Yêu ai yêu cả một đời.
Thân ái chào các bạn

HC2/TLBX/Tôn Thất Cường
07–2006


GÓP Ý:

Về bến Bồng Lai

Thế rồi Cường đã gặp Quyên
Hai người rốt cuộc kết duyên toại lòng
Trải bao trắc trở long đong
Trải bao nhung nhớ ngóng trông kiếm tìm
Thuyền tình cặp bến mộng mơ
Cường Quyên đẹp lứa nên thơ tuyệt vời
Chúc cho đôi bạn thảnh thơi
Quyên hưởng quả phước Cường gieo giống lành.

Ngọc Giang
21/07/2006


Đượm Tình

Tình tưởng như đã mất
Theo gió cuốn qua đi
Nhưng vẫn sâu đáy lòng
Bỗng Hoa Tình lại nở
Đượm Hạnh Phúc nắng hồng.

Blossomed Love

Love seems to be missing
It’s gone with the wind
But’s still in Deeping Hearts
Blossomed love suddenly returned
Happiness in Rosy Sun, burnt.

Võ Kim Mai
17/7/06



Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by batkhuat nguyen chuyển

 

Đăng ngày Chúa Nhật, February 25, 2024
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang