Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện
ngắn
Chủ đề:
những mảnh đời sau 30T4Đ
Tác giả:
Minh Thảo
Elizabeth Hoàng
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Lời tác giả: Tưởng nhớ đến ngày 30 tháng tư, tôi
cảm thấy bùi ngùi thương xót những thanh niên trai trẻ của VNCH
đã hy sinh vì đất nước, bỏ lại vợ và con thơ ở nhà. Những thiếu
phụ tuổi đời còn quá trẻ đã phải tần tảo nuôi con nhỏ, không đủ
cơm ăn áo mặc. Nhiều người vì bịnh tật, đau ốm không đủ tiền chữa
trị đã rời bỏ trần thế để lại những đứa trẻ vô tội, không nhà
không cửa, lê lết đầu đường xó chợ, không nơi nương tựa. Thật đau
lòng.
Tôi cảm
hứng nên viết mẩu chuyện tưởng tượng “Số Mệnh”. Tôi chắc rằng có
nhiều truyện xảy ra còn tang thương hơn cả câu chuyện tôi tưởng
tượng viết ra mà chúng ta không hề biết.
–Minh Thảo
Đã trên 20 năm, hôm nay Lệ lại trở về
Việt Nam để bốc mộ phần của Bố Mẹ Lệ đem tro cốt về Mỹ. Lệ cố
gắng nhắm mắt dỗ giấc ngủ trên chuyến bay dài đằng đẵng gần một
ngày trời, nhưng không tài nào Lệ chợp được mắt. Nàng vẫn mơ mơ
màng màng, rồi những hình ảnh cuộc sống của gia đình Lệ trước kia
lần lượt sống lại trong ký ức của nàng. Lệ nghe văng vẳng tiếng
nói, lời kể chuyện của Mẹ nàng như đang thủ thỉ bên tai.
Lệ nghiêng đầu áp má vào chiếc gối trên
ghế máy bay tưởng như đang áp vào lồng ngực ấm áp của người Mẹ
yêu dấu, để nghe mẹ kể về mối tình đầu nồng thắm của Bố Mẹ Lệ.
Ba của Lệ là
con thứ hai của một gia đình trung lưu sống tại Sài Gòn. Sau khi
Ba lấy được mảnh bằng Phổ Thông, học hết bậc Trung Học, Ba theo
học trường Sư Phạm và được thuyên chuyển đi dạy tại một trường
tiểu học ở tỉnh Vĩnh Bình.
Ba mướn một căn nhà một từng gồm có một
phòng khách, một phòng ngủ và phòng ăn chung với nhà bếp vừa đủ
tiện nghi dễ sinh sống. Căn nhà tuy không lớn nhưng rất xinh xắn
được bao bọc bởi hàng rào với những hàng cây xanh được cắt ngắn
bao quanh nhà. Trước mặt nhà có một lối đi vào lát gạch. Căn nhà
này ở kế cận tỉnh Vĩnh Bình, cách khoảng một cây số nơi Ba dạy
học. Hàng ngày Ba đi xe đạp tới trường để dạy.
Ba đã cố gắng dành dụm được một số tiền
để làm đám cưới với mẹ của Lệ. Nhưng khi xin phép ông bà Nội để
cưới mẹ thì không được chấp nhận vì ông bà nội phản kháng rất
quyết liệt và nói sẽ từ Ba nếu Ba lấy Mẹ vì mẹ là con mồ côi.
Những tình cảm của Ba Mẹ Lệ rất sâu đậm
họ đã quen nhau, yêu thương nhau say đắm đã mấy năm qua từ ngày
Ba con cắp sách đi học khi còn ở Sài Gòn. Năn nỉ ông bà Nội nhiều
lần không được, Ba đành âm thầm làm đám cưới với mẹ và nhờ bác Cả
là người nuôi nấng mẹ Lệ thay mặt cha mẹ Lệ đứng ra làm lễ cưới.
Đám cưới của Ba Mẹ diễn ra rất đơn giản gồm gia đình bác Cả và
vài người quen thuộc trong gia đình. Ngày làm đám cưới, Ba của Lệ
mới 23 tuổi và mẹ của Lệ mới 21 tuổi.
Hoàn cảnh của mẹ thật tội nghiệp. Gia
đình Mẹ của Lệ là người miền Bắc, sinh sống tại một làng gần tỉnh
Sơn Tây và làm nghề dệt vải nên gia đình mẹ của Lệ thuộc hàng khá
giả trong làng. Mẹ Lệ là con độc nhất trong gia đình nên được bố
mẹ rất thương yêu. Dù trường học xa nhà nhưng ông bà ngoại của Lệ
vẫn gửi mẹ của Lệ tới trường để học và mong mẹ của Lệ có một
tương lai sáng lạng.
Cuộc sống đang an lành yên vui thì
chiến tranh Pháp–Việt bùng nổ. Chẳng may một trái bom đã rớt
trúng vào xóm nhà nơi gia đình của mẹ Lệ ở. Thế là ông Bà Ngoại
đã ra đi không lời từ giã với mẹ của Lệ.
Mẹ của Lệ sống sót nhờ lúc đó đang ở
trường học nên tránh được tai nạn thảm khốc. Sau khi nghe tin ông
bà ngoại qua đời. Anh của ông bà ngoại của Lệ ở Hà Nội là bác Cả
vội tới để lo chôn cất em và mang mẹ của Lệ về nuôi. Vì vậy mà mẹ
Lệ đã trở thành đứa trẻ mồ côi.
Từ đó mẹ Lệ được đùm bọc chung sống
trong gia đình bác Cả và được hai bác nuôi nấng cho đi học cùng
với các anh chị con của bác. Cuộc sống trong gia đình bác Cả cũng
đủ ăn, bình thường. Nhưng khi Mẹ sống với hai bác Cả được ít năm
thì chiến tranh chấm dứt, nước Việt nam chia đôi hai miền. Rất
nhiều gia đình di cư vào miền Nam để tránh nạn cộng sản. Mới đầu
bác Cả không muốn di cư vào Nam vì còn luyến tiếc nhà cửa công ăn
việc làm đã quen thuộc, xây dựng bao nhiêu năm trời. Nhưng khi
bác Cả trai về quê thăm họ hàng, bác đã chứng kiến những cảnh đấu
tố dã man của Việt Minh đối với các điền chủ, dân làng nên bác
quyết định đưa gia đình di cư vào Sài Gòn. Cũng nhờ có chút vốn
liếng mang theo hai bác đã mướn được một căn nhà ở đường Nguyễn
thiện Thuật vừa ở vừa mở cửa bán hàng tạp hóa và nhận may sửa
quần áo như khi hai bác ở Hà Nội đã làm. Hai bác có 3 người con,
2 trai một gái, kể cả Lệ là 4. Vì mẹ của Lệ lớn hơn con gái bác,
nên sau khi mẹ học lên đến trung học thì mẹ phải nghỉ học ở nhà
giúp bác gái công việc nhà và cắt may. Chính nhờ nghề may cắt này
đã nuôi sống mẹ và Lệ sau này.
Mẹ là một cô gái rất hiền hòa, vui vẻ,
dễ thương nên được lối xóm thương yêu. Mẹ có khuôn mặt trái soan,
nước da trắng của gái miền Bắc, nhất là đôi mắt to tròn, người
mảnh khảnh. Cũng chính vì những điểm đặc biệt đó mà lần đầu tiên
Ba của Lệ đi lấy áo dài may cho bà Nội khi gặp mẹ của Lệ, Ba đã
có cảm tình ngay với mẹ. Rồi từ đó Ba cứ lấy cớ khi may áo, khi
sửa quần để gặp mẹ Lệ. Hai người đã trở nên quen biết thân mật từ
đó. Còn Ba của Lệ dáng dấp cao ráo, có vẻ đẹp của một người thanh
niên mạnh mẽ với nước da ngăm ngăm.
Sau khi làm đám cưới Ba đã đưa mẹ về
Vĩnh Bình cùng chung sống hạnh phúc bên nhau.
Ba rất chịu khó siêng năng và rất
thương yêu mẹ, ba thường giúp mẹ công việc sau giờ dạy học. Cả
hai đã sống với nhau rất hạnh phúc đầm ấm, không một lời to
tiếng. Hàng ngày Ba đi dạy học, Mẹ thì ở nhà nhận may cắt áo quần
do các tiệm đưa và khách hàng mang tới may nên cuộc sống của gia
đình cũng thoải mái đầy đủ. Lấy nhau khoảng một năm thì Mẹ có
thai Lệ. Ba Mẹ rất vui mừng và đã cùng nhau đặt tên cho con
trước. Ba nói nếu là trai thì lấy tên theo vần Ba tức là Thiên vì
ba là Thịnh, nếu là gái thì lấy tên Thu Lệ vì Mẹ là Thu Lan.
Cuộc sống gia đình của Ba Mẹ đang đầm
ấm yên vui thì có lệnh động viên, Ba phải nhập ngũ ra chiến
trường. Khi tiễn chân chồng, mẹ đã khóc sưng cả mắt vì lo lắng.
Hàng ngày mẹ đều trông ngóng thư của Ba gửi về, mỗi lần nhận được
thư của Ba, Mẹ vui hẳn lên và cảm thấy ấm áp trong lòng bớt nỗi
nhớ nhung và hàng đêm mẹ thường cầu nguyện cho Ba được bình an
nơi chiến trường. Lúc này bụng mẹ đã lớn chỉ còn 2 tháng nữa là
đến ngày sanh nở. Khi được tin Mẹ sanh Lệ, Ba xin nghỉ được 3
ngày phép để về thăm mẹ cũng như để biết mặt con gái. Rồi ba lại
phải trở lại chiến trường. Ai ngờ ngày đó cũng là ngày cuối cùng
của Ba xum họp với gia đình và cũng là ngày cuối cùng nhìn được
mặt con gái còn đỏ hỏn nằm trong nôi.
Khi Lệ vừa được 3 tháng thì Mẹ Lệ đã
nhận được hung tin báo ba đã tử trận tại chiến trường, Mẹ đã xỉu
khi nhận được hung tin.
Lúc Ba vĩnh viễn ra đi Lệ mới được 3
tháng, không được thấy Ba bằng xương bằng thịt ngoài việc xem
hình Ba và lời Mẹ mô tả về Ba mỗi tối khi mẹ ôm Lệ trong vòng
tay. Mẹ để hình của Ba trên bàn thờ và mẹ nắm tay Lệ dẫn tới
trước bàn thờ để Lệ thắp nhang cho Ba và mẹ thường hay cầu
nguyện, nói chuyện với Ba trong hình, cũng như xin Ba che chở mẹ
và Lệ được bình an. Lúc Ba còn sống Ba đã nói với mẹ khi nào con
sanh ra đủ cứng cáp biết đi, anh sẽ đưa em và con về thăm ông bà
Nội. Thấy cháu nội dễ thương chắc ông bà Nội sẽ tha thứ. Những
lời mong ước của ba đã không được như ý.
Sau khi chôn cất Ba, mẹ đã ốm đi rất
nhiều và không còn vui vẻ như trước, phần vì thương nhớ chồng,
phần vì phải lo thức khuya dậy sớm tảo tần lo làm việc để sinh
sống nuôi con.
Sau đó thời thế đổi thay, cuộc sống trở
nên khó khăn, mọi người đều vất vả, chật vật không đủ ăn đủ mặc
như trước. Vì vậy không còn có người may mặc, sửa đồ như trước
nên mẹ của Lệ cũng rơi vào trong hoàn cảnh túng thiếu. Cũng may
nhờ Ông bà chủ nhà rất tốt bụng, thấy hoàn cảnh đáng thương của
Mẹ một thiếu nữ còn quá trẻ mà đã góa chồng nên bà chủ nhà thương
tới thăm mẹ con của Lệ giúp đỡ thêm những rau trái trong vườn của
bà. Nhà của bà chủ ở ngay kế cận cạnh nhà Ba Mẹ mướn nên rất tiện
việc giúp đỡ.
Khi Lệ lên 5 tuổi thì mẹ cho Lệ đi học. Mỗi đêm mẹ thường kèm Lệ
tập đọc, tập viết, kể truyện cổ tích và nhất là mẹ hay kể và nhắc
tới chuyện của Ba Mẹ với những kỷ niệm thật tuyệt vời của thời
mới quen nhau mà Mẹ không thể nào quên được. Mẹ thường ôm Lệ vào
lòng hôn trên mái tóc, lên má Lệ và khuyên nhủ dặn dò Lệ đủ điều,
dù lúc đó Lệ mới 6 tuổi nhưng có lẽ vì hoàn cảnh nghèo khó nên Lệ
đã hiểu biết hơn so sánh với những đứa trẻ cùng tuổi. Lệ cũng
đoán hiểu sự đơn chiếc lo âu, thương yêu của mẹ dành cho Lệ.
Những lúc như vậy Lệ chỉ biết sà vào lòng mẹ, ôm mẹ và nói “Con
thương Mẹ nhiều lắm.” Mỗi tối trước khi đi ngủ mẹ thường xoa lưng
cho Lệ để Lệ dễ rơi vào giấc ngủ. Mỗi ngày vào buổi sáng Mẹ đưa
Lệ đi học rồi trở về nhà để tiếp tục may đồ, đến trưa tới giờ tan
học mẹ đã đứng sẵn cổng trường đón Lệ về. Ngày nào cũng như ngày
đó Lệ tung tăng nắm tay đi bên cạnh mẹ, huyên thuyên nói chuyện
một cách thật hồn nhiên. Lệ rất thông minh và học rất chăm chỉ
nên được cô giáo ở trường yêu thương khen thưởng. Mỗi lần có giấy
ban khen mẹ của Lệ rơi nước mắt hôn Lệ và nói “con ngoan của Mẹ.
Mẹ vui lắm” và thưởng cho Lệ một cái áo mới do chính tay mẹ may
cắt. Lệ thích lắm rúc đầu vào lòng mẹ nũng nịu, ôm mẹ hôn liên
hồi để cảm ơn mẹ. Hai mẹ con Lệ sống quấn quít bên nhau rất thắm
thiết.
Mẹ cũng
được mấy thanh niên trong tỉnh, trong làng dòm ngó có ý muốn kết
hôn cùng Mẹ, nhưng Mẹ đã từ chối và một lòng chung thủy cùng Ba
và Mẹ nói với Lệ “Mẹ có Lệ bên cạnh là đủ rồi, con là nguồn sống
của Mẹ”. Lệ thương Mẹ lắm nên cố gắng học và giúp mẹ công việc
vặt trong nhà, phụ mẹ nấu ăn. Hai Mẹ con hú hí sống bên nhau rất
hạnh phúc. Nhưng không may đã xảy ra cho người dân Việt khi miền
Nam Việt Nam lại lọt vào tay Cộng sản, dưới sự thống trị độc ác
càn quét những người làm việc dưới chế độ Cộng Hòa, đã cầm tù họ
và gây ra không biết bao nhiêu tang tóc khổ sở, điêu linh, nhà
tan cửa nát cho nhiều gia đình. Đời sống của mọi người lúc đó
thật vất vả khó khăn, dù mọi người đã phải thắt lưng buộc bụng
nhưng cũng không đủ sinh sống. Ngay những gia đình khá giả cũng
trở thành hai bàn tay trắng. Họ đã phải buôn thúng bán bưng, đàn
ông thì phải đi lao động, tù đày. Nếu may mắn được thả cũng chỉ
đi đạp xích lô hoặc làm những nghề lao động nặng nhọc để kiếm
miếng cơm nuôi gia đình. Cuộc sống của phần lớn mọi người đều rơi
vào cảnh túng thiếu, bữa no bữa đói. Mẹ Lệ cũng không tránh khỏi
cuộc sống khó khăn đó. Vì không có tiền nên không còn nhiều người
may mặc như trước nữa, nên Mẹ của Lệ phải nấu chè sương sa hạt
lựu mang ra bến xe đò bán thêm để kiếm sống. Mẹ đã phải mang Lệ
theo khi đi bán vào ban ngày, tối về thì Mẹ may, sửa chữa quần áo
cho khách. Mẹ cũng làm thêm một khay gỗ nhỏ cho Lệ đeo trên cổ
bày bán ít bánh kẹo cho khách trên xe đò lên xuống ngay cho Mẹ
ngồi bán, để Mẹ có thể coi chừng an ninh cho Lệ. Cuộc sống tuy
cực khổ, túng thiếu nhưng mẹ vẫn tảo tần kiên nhẫn lo cho Lệ đầy
đủ. Cuộc sống vất vả đã làm cho Lệ hiểu biết hơn trước tuổi của
Lệ.
Đến một
ngày nọ mẹ Lệ đi tới trường đón Lệ đã bất thần gặp ngay một trận
mưa rất lớn đã làm quần áo của Mẹ ướt đẫm nước mưa, nhưng Mẹ vẫn
cố gắng tới trường để đón Lệ cho kịp giờ tan học. Từ hôm đó mẹ Lệ
ngã bịnh vì bị sưng phổi. Bác sĩ nói phải nằm tĩnh dưỡng uống
thuốc mới khỏi được. Nhưng Mẹ Lệ nào được tĩnh dưỡng, thuốc chữa
trị không đủ tiền để mua. Đã vậy Mẹ vẫn phải làm việc rất khuya
để may cắt mới đủ tiền trả tiền nhà mua đồ ăn uống. Nhiều khi
không nhận được nhiều đồ may mẹ của Lệ đã không đủ tiền để trả
tiền nhà cho ông bà Sáu chủ nhà. Ông Bà Sáu hiểu tình cảnh khó
khăn của Mẹ nên cũng cho mẹ Lệ khất trả sau. Tính Mẹ lại rất ngại
khi thiếu tiền nhà của bà Sáu, nên Mẹ đã thức khuya cố gắng làm
việc không ngừng vì vậy bệnh mẹ mỗi ngày trở nên nặng thêm. Đến
một ngày kia bệnh của mẹ quá nặng, mẹ không ăn uống được như
trước, mỗi ngày một yếu đi. Lệ lúc đó mới 7 tuổi chẳng biết làm
gì hơn là ôm mẹ khóc và Mẹ cũng xiết chặt ôm Lệ trong vòng tay
yếu ớt mà không cầm được nước mắt.
Nhờ Lệ hay vào bếp phụ mẹ nên Lệ cũng
biết thổi cơm, nấu cháo để mẹ ăn. Thấy mẹ nằm thiêm thiếp trên
giường Lệ ôm mẹ khóc và nói “mẹ cố gắng ăn cháo đi, con sợ lắm”.
Mẹ Lệ cố gắng húp ít muỗng cháo để Lệ an lòng và căn dặn Lệ cố
gắng học hành và nếu mẹ có mệnh hệ nào thì Lệ về Sài Gòn tìm gặp
hai bác Cả giúp đỡ. Lúc Lệ còn bé Mẹ có bồng Lệ về thăm gia đình
bác Cả mấy lần, nhưng tình cảnh của gia đình bác Cả cũng thiếu
hụt và cuộc sống cũng rất thiếu thốn sau ngày Việt cộng chiếm
miền Nam. Vì vậy Mẹ không về thăm Bác Cả nữa sợ bác lo lắng cho
mẹ cũng như Mẹ không còn khả năng để mua vé xe đò đi về Sài Gòn
thăm Bác.
Mẹ
trải qua mấy tuần nằm trên giường bịnh, không còn ăn uống được
nữa. Rồi một sáng kia khi Lệ tỉnh dậy, vội đi hâm cháo nóng để mẹ
ăn, nhưng thấy mẹ nằm yên lặng. Lệ tưởng đâu mẹ mệt không dám
đánh thức. Nhưng thấy lâu quá chẳng thấy mẹ dậy, Lệ rón rén đến
bên cạnh mẹ lay gọi, nhưng mẹ đã không trả lời và người mẹ đã
lạnh ngắt. Lệ sợ quá khóc òa lên và chạy sang nhà bà Sáu ở kế bên
thông báo. Thế là Mẹ Lệ đã qua đời, Lệ khóc thảm thiết bên xác
mẹ. Bà Chủ nhà và hàng xóm đã xúm lại giúp Lệ và đem bán đồ đạc
trong nhà của Mẹ để lấy tiền chôn cất cho mẹ. Đám ma diễn ra thật
buồn thảm, tang thương chỉ có một đứa bé gái nhỏ xíu đi sau quan
tài với vài người hàng xóm của bố mẹ, không trống không kèn,
không hoa, không quả. Mẹ của Lệ đã được chôn bên cạnh mộ của Ba.
Thế là ngàn thu vĩnh biệt Mẹ, Mẹ đã bỏ Lệ lại bơ vơ một mình.
Trước kia Ba mất còn có Mẹ. Nay Lệ biết nương tựa ai đây. Lệ khóc
sướt mướt sưng cả mắt kêu gào mẹ. Ông bà Sáu thấy Lệ không nơi
nương tựa nên đã đưa Lệ vào một cô nhi viện ở tỉnh. Cô nhi viện
này là của một nhà thờ do Các Cha và Dì Phước chăm lo. Lệ sống
trong cô nhi viện khoảng một năm và Lệ nay đã gần 8 tuổi. Lệ rất
ngoan, luôn luôn cố gắng chăm chỉ nghe những lời giảng dạy của
các Dì Phước. Ngoài giờ học Lệ giúp những công việc vặt trong cô
nhi viện. Một bữa kia Lệ đang loay hoy quét dọn trong phòng thì
được Cha bề trên cho biết có một cặp vợ chồng ở Mỹ muốn xin Lệ về
làm con nuôi và đương làm thủ tục giấy tờ cho Lệ đi Mỹ. Sau đó Lệ
được một người thuộc hội con nuôi tới đón đưa Lệ đi Mỹ.
Trên đường tới Mỹ, trải qua một chuyến
bay dài đằng đẵng, tuy mệt mỏi nhưng Lệ không tài nào ngủ được
phần vì hồi hộp, phần vì sung sướng được qua Mỹ, được sống với
cha mẹ nuôi. Cuối cùng máy bay đã đáp xuống phi trường Dulles ở
Mỹ. Khi xuống máy bay, Bố Mẹ nuôi của Lệ đã đứng đợi và đón Lệ
ngay tại cổng ra. Mẹ nuôi đã mang và khoác cho Lệ một chiếc áo
coat màu đỏ rất đẹp, vì lúc đó vào cuối tháng hai thời tiết vẫn
còn lạnh. Còn Ba nuôi thì đưa cho Lệ một con gấu nhồi bông trắng
phau, trên cổ có thắt một chiếc nơ careau rất dễ thương. Cha mẹ
nuôi xách hành lý của Lệ và đưa Lệ ra xe. Nói là hành lý chứ sự
thật gia tài của Lệ mang theo chỉ có chiếc cặp đi học trong đó Lệ
để mấy tấm hình của Ba Mẹ chụp chung nhau khi đám cưới, hình của
Mẹ bồng Lệ và 2 bộ quần áo cũ của Lệ, vỏn vẹn gia tài của Lệ chỉ
có vậy.
Ba
nuôi nhấc Lệ vào xe hơi và cài giây an toàn cho Lệ và để Lệ ngồi
ở phía sau xe. Ngồi trên xe nhìn qua cửa sổ Lệ thấy đường sá ở Mỹ
sao rộng lớn quá, những chiếc cầu vắt chạy chồng lên nhau mà Lệ
được các Dì Phước chỉ dạy cho học sinh trong sách tiếng Anh khi ở
Việt Nam. Nay Lệ đã thấy tận mắt và Lệ thấy nó còn đồ sộ hơn
trong hình rất nhiều, Lệ ngơ ngác nhìn tưởng như mình đang mơ
đang lạc vào thế giới thần tiên mà Lệ không bao giờ dám nghĩ tới.
Khoảng nửa tiếng lái xe thì về tới nhà
của bố mẹ nuôi. Xe vừa chạy tới trước nhà thì 2 cổng sắt từ từ mở
rộng để xe chạy vào mà không có người mở cửa, xe chạy trên một
drive way lát gạch. Ba nuôi ngừng xe ngay trước cửa nhà rồi xuống
xe mở cửa dắt Lệ vào nhà. Lệ thấy ngôi nhà của Ba Mẹ nuôi đồ sộ
và lớn quá, Lệ trố mắt nhìn tưởng như một lâu đài trong truyện cổ
tích. Mẹ nuôi nắm tay Lệ đưa vào trong nhà và dẫn Lệ lên lầu để
chỉ phòng ngủ của Lệ. Lúc đó Lệ đâu có biết nói tiếng Anh, Lệ chỉ
học được ít câu tiếng Anh ở nhà thờdạy cho Lệ trước khi đi Mỹ.
Nhưng nghe mẹ nuôi và cử chỉ của mẹ nuôi Lệ cũng đoán biết được
bà muốn nói gì. Khi lên hết chiếc cầu thang thì mẹ nuôi đưa Lệ
tới một căn phòng phía trái gần cuối hành lang, bà mở cửa đưa Lệ
vào phòng và nói đây là phòng của con. Lệ liếc nhìn đồ đạc trang
trí trong phòng, Lệ chưng hửng như từ trên cung trăng rớt xuống
và tưởng như đây là một giấc chiêm bao. Căn phòng ngủ của Lệ còn
lớn hơn cả căn nhà của Ba Má Lệ ở VN ngày xưa. Một chiếc giường
sơn trắng, nệm được phủ bởi một cái comforter với ruffer màu
trắng pha màu hồng rất thanh nhã với mấy chiếc gối chồng lên nhau
rất mỹ thuật bày trên đầu giường. Hai bên đầu giường là 2 cái bàn
nhỏ, mỗi bên có một cây đèn, bên trái gần chiếc giường là một tủ
đựng quần áo có 4 ngăn kéo, bên phải là một cái dresseur trên có
một tấm kiếng rất lớn và một chiếc ghế ngồi để trang điểm, chải
tóc. Kế cận gần cửa sổ là một cái bàn học, trên có để bút và
những dụng cụ cho học sinh và một chiếc đèn nhỏ để trên bàn. Lệ
bàng hoàng và cảm động muốn rơi nước mắt trước sự chăm lo quá đầy
đủ của Bố Mẹ Nuôi. Nàng quả thật may mắn đã được ơn trên phù hộ.
Tuần lễ đầu tiên, Mẹ nuôi đưa Lệ đi mua
sắm áo quần, dụng cụ cần thiết và đưa Lệ đi làm thủ tục để nhập
học. Lệ bắt đầu nhập vào cuộc sống mới ở Mỹ mà Lệ không dám mơ
tưởng tới.
Ba
Má nuôi của Lệ khoảng trên 40 tuổi. Ba nuôi là một bác sĩ có
phòng mạch riêng ở tỉnh Great Falls, gần nhà. Mẹ nuôi là một giáo
sư dạy trung học. Tuy Ba nuôi có phòng mạch riêng, công việc rất
khá, nhưng Mẹ nuôi vẫn muốn đi dạy học.
Trong thời gian Lệ học tiểu học thì Mẹ
nuôi đưa đón Lệ. Khi Lệ lên đến trung học thì Lệ đi xe buýt nhà
trường đưa đón. Vì được Mẹ nuôi kèm và nhờ sự thông minh trời cho
nên Lệ học rất giỏi và Lệ đã được học lớp dành riêng cho những
học trò giỏi.
Thấm thoắt đã đến ngày Lệ vào đại học, Lệ được mấy đại học nổi
tiếng như Havard nhận, nhưng Lệ không muốn ở xa cha mẹ nuôi, nên
Lệ đã theo học trường UVA ở Charlottsvill và ở nội trú. Cuối tuần
Ba Mẹ nuôi hay tới đón Lệ ra ngoài đi ăn uống hay ngày lễ thì đón
Lệ về nhà. Mỗi năm vào dịp lễ hay nghỉ hè Ba Mẹ nuôi thường đi du
lịch và mang Lệ theo, đi thăm viếng thưởng lãm thắng cảnh ở các
nơi như Âu Châu, Ý, Spain, Hawaii và nhất là hay đi biển trong
nước Mỹ. Ba Mẹ nuôi rất thương yêu Lệ như con ruột và mỗi khi nói
chuyện với bạn bè hai người luôn luôn giới thiệu đây là con gái
tôi, không bao giờ ông bà nói Lệ là con nuôi. Lệ rất cảm động và
sung sướng đã được sự thương yêu chăm sóc của Ba Mẹ nuôi, nên Lệ
đã cố gắng học hành và ngoan ngoãn nghe lời dạy dỗ của ông bà để
không phụ công ơn dưỡng dục của bố mẹ nuôi.
Thấm thoắt Lệ đã ra trường và trở thành
một vị bác sĩ như ba nuôi. Lệ đã làm việc tại một nhà thương vùng
Fairfax ở gần nhà. Bây giờ Lệ không còn ốm yếu gầy còm nữa, Lệ đã
là một cô gái cao lớn gần 6 feet và có một vẻ đẹp thanh tao, dịu
hiền. Tính tình vui vẻ thân thiện giống y như mẹ của Lệ.
Sau một năm ra trường làm việc Lệ ngỏ
lời xin phép Bố Mẹ nuôi cho Lệ về Việt Nam bốc mộ ba mẹ Lệ để
mang tro sang Mỹ mà Lệ cùng Ba mẹ nuôi đã khổ công tìm kiếm khá
lâu mới kiếm ra mộ của ba mẹ của Lệ qua sự liên lạc những người ở
tỉnh Vĩnh Bình và nhà thờ nơi nuôi Lệ trước kia. Một phần cũng
may vì nơi chôn Bố Mẹ không phải là nơi thắng cảnh nên chưa bị
san bằng thay đổi.
Lệ đang mơ màng thì nghe tiếng cô chiêu
đãi viên hàng không nói trên loa máy bay sắp sửa đáp xuống phi
trường Tân Sơn Nhất trong ít phút. Xin quý vị cài giây an toàn và
để ghế thẳng lên. Lệ giật mình mở mắt ngồi ngay ngắn lại, nàng
vội lấy khăn thấm những dòng nước mắt còn đang lan trên hai gò má
nàng.
Khi Lệ
tới tỉnh Vĩnh Bình, Lệ được người hướng dẫn và cô con gái lớn của
bà Sáu chủ nhà trước kia đưa Lệ tới mộ phần của Ba Mẹ Lệ. Trên
con đường ngoằn ngoèo lồi lõm chỉ đủ hai người đi song song, hai
bên vệ đường cây cỏ hoang dại rậm rạp nghiêng ngả không người thu
dọn. Người hướng dẫn phải cầm dao phát những nhành cây cỏ dại
trên đường để lấy lối đi. Trời hôm đó thật oi bức nóng nực làm da
mặt Lệ nóng rát, mồ hôi chảy nhễ nhại mặc dù Lệ đã đội nón. Khi
tới mộ phần của bố mẹ, người hướng dẫn phải phát cỏ mọc cao phủ
đầy hai ngôi mộ Lệ mới thấy hai tấm mộ bia khắc tên bố mẹ nằm
trồi lên mặt đất chỉ khoảng hai gang tay vì mộ phần đã bị lún sâu
dưới mặt đất. Lệ nghẹn ngào, đau thắt trong lòng, nước mắt tuôn
trào khi thấy mộ của Ba Mẹ. Cuối cùng Lệ đã mang tro cốt của Ba
Mẹ Lệ về Mỹ và đem chôn 2 hũ tro trong một nghĩa trang ở Fairfax
để Lệ có thể lui tới thăm viếng.
Lệ thường hay đi làm những công tác từ
thiện tới các nước nghèo để giúp đỡ khám bịnh, chữa trị cho những
trẻ mồ côi ở các cô nhi viện, các làng xóm hẻo lánh như ở Việt
Nam, nhất là nơi tỉnh cũ ngày xưa gia đình Lệ ở. Đôi khi Lệ sang
tận Ấn Độ, Phi Châu để đi làm công tác từ thiện. Cũng trong một
chuyến đi công tác từ thiện Lệ đã gặp một bác sĩ người Mỹ có cùng
chí hướng với nàng. Họ đã yêu nhau và kết hôn cùng nhau và nay đã
có 2 đứa con. Gia đình Lệ ở cùng tiểu bang với Ba Mẹ nuôi và họ
thường xuyên đến thăm Ba Mẹ nuôi và ông bà cũng rất thương yêu
mấy đứa con của vợ chồng Lệ.
Lệ luôn luôn ghi tạc lòng thương yêu
dạy dỗ của Ba Mẹ nuôi nên Lệ mới có ngày nay và nàng ghi khắc
trong lòng sẽ ở gần cha mẹ nuôi để giúp ông bà khi tuổi già sức
yếu. Lệ cũng cảm ơn nước Mỹ đã có một hệ thống giáo dục tân tiến
nên Lệ đã có được thành quả của ngày hôm nay. Chắc Ba Mẹ Lệ nơi
suối vàng đang mỉm cười sung sướng hãnh diện về đứa con gái thân
yêu của mình.
Chỉ tiếc thương và đau lòng cho những người thiếu may mắn đã sanh
ra ở một nước nghèo nàn, chậm tiến không có phương tiện để những
đứa trẻ sinh ra có cơ hội phát triển tài năng, có một cuộc sống
an lành.
Minh Thảo Elizabeth Hoàng
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by elizabeth hoàng chuyển
Đăng ngày Thứ Hai, April 29,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang