Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy
Bút
Chủ đề:
Thư cho con
Tác giả:
Minh Thảo
Elizabeth Hoàng
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Con thân yêu,
Mấy năm trước đây, mẹ có viết cho con một lá thủ với một niềm mong
ước là con tuy sinh trường và lớn lên trong khuôn khổ của văn hóa
và giáo dục Hoa Kỳ, nhưng con sẽ dành đôi chút thì giờ để tìm
hiểu về văn hóa Việt Nam. Mẹ đã hy vọng con sẽ nói và đọc tiếng
Việt mỗi ngày một giỏi hơn. Mẹ thật vui sướng khi con đã nghe lời
mẹ. Cuộc sống ở Hoa Kỳ của mẹ con ta đều quá bận rộn ít khi cho
mẹ con mình có thì giờ tâm sự với nhau. Mẹ nhớ lại một câu hỏi
của con trong dịp con về nhà vào dịp lễ. Mẹ con ta cùng xem cuốn
album gia đình của nhiều năm qua và con chợt hỏi mẹ một câu làm
mẹ bất ngờ nhưng thích thú. Con muốn được biết đến một khung
trời, một khung cảnh Việt Nam thuần túy, nơi đó mẹ của con đã
sống và lớn lên, con muốn biết những kỷ niệm nào đã ghi sâu đậm
trong lòng mẹ thuở xa xưa ở Viet Nam.
Tối nay không hiểu
vì sao mẹ chợt nhớ lại điều con đã hỏi mẹ. Có lẽ đĩa CD với những
bản nhạc tiền chiến ở Việt Nam đã đưa mẹ trở lại dĩ vãng. Nói
chung cuộc đời của mẹ từ thuở ấu thơ cho đến khi bước chân ra đời
đều bị ảnh hưởng nhiều bởi chiến tranh. Do đó tuổi hoa niên, tuổi
học trò, tuổi ô mai đã không còn là cái tuổi thần tiên thực sự.
Chiến tranh gần như liên tục, lúc nào cũng như một cơn giông tố
đe dọa mọi người.
Về Đời sống của mẹ lúc còn nhỏ ở VN chắc
chắn có nhiều điều khác lạ so với đời sống của các con ở Hoa Kỳ.
Mẹ nói ra chắc con khó lòng hình dung ra được cuộc đời niên thiếu
của mẹ.
Kỷ niệm đầu tiên đáng nhớ nhất của Mẹ đó là lúc Mẹ
khoảng 5 tuổi, đất nước loạn lạc, nhiều gia đình phải tạm rời
thành phố, tản cư về miền quê để tránh bom đạn. Mẹ không đi bộ
được xa, bà ngoại đã phải mướn người gánh Mẹ. Mẹ ngồi vào một bên
thúng, còn bên kia thúng chị của Mẹ ngồi. Người đàn bà để cây đòn
gánh trên vai của bà ta, hai đầu đòn gánh là 2 cái thúng, bà ta
vừa đi vừa như chạy. Cái thúng lắc lư theo nhịp chân của người
gánh làm mẹ sợ hãi, muốn khóc mà không giám khóc. Vào một ngày
khác, nơi đó bà Ngoại không mướn được người gánh, Mẹ phải đi bộ,
người thì đông đúc, chen chúc nhau đi trên một con đê nhỏ bé,
dưới bờ đê nước sông chảy cuồn cuộn. Chẳng may có một cô gái lưng
vác bọc quần áo đi tới gần Mẹ, bỗng nhiên cô ta lách lên để đi
phía trước, đụng ngay Mẹ, làm Mẹ té lăn xuống bờ đê. Với phản ứng
tự nhiên mẹ đã nắm được đám cỏ rậm rạp mọc trên bờ đê nhờ vậy mẹ
đã không rơi xuống sông. Khi được kéo lên, mẹ sợ quá, chỉ còn
biết khóc trong vòng tay siết chặt của bà ngoại.
Đời sống
được an bình hơn khi gia đình trở về thành phố và mẹ được đi học
trở lại.
Kỷ niệm đáng nhớ thứ hai là thời gian sinh sống ở
Hà Nội đã để lại vào ký ức của mẹ biết bao kỷ niệm của tuổi hoa
niên. Mẹ vẫn hình dung được những hình ảnh thơ
mộng của Hà Nội ngàn năm văn hiến với 36 phố Phường, nào hồ Hoàn
Kiếm với huyền thoại tháp rùa thần Kim Qui, nào hồ Trúc Bạch,
chùa Một Cột, đền Quan Thánh, v.v. là những nơi mà Mẹ và các bạn
của Mẹ đã từng tụ tập đi chơi cùng với nhau qua sự tổ chức của
nhà trường. Làm sao quên được những ly kem chanh thơm phức mùi
chanh tươi mát rượi mùa hè nóng bỏng, những đĩa thịt bò khô cay
ngọt, những chiếc bánh tôm nóng hổi giòn tan.
Hàng ngày đi
học Mẹ và các bạn Mẹ thường đi bộ chung cả nhóm với nhau không
người đưa đón dù lúc đó mẹ và các bạn đương học tiểu học, vì phố
phường ở Hà Nội rất ngắn từ phố này qua phố kia quốc bộ chỉ vài
phút đồng hồ. Nhất là thời đó rất thưa thớt xe hơi, mọi người qua
lại rất vắng vẻ, không đông đúc. Đường xá rất sạch sẽ và an ninh.
Kỷ niệm thứ ba là kỷ niệm đã làm Mẹ buồn nhiều hơn vui, đó là
năm 1954, đất nước Việt Nam bị chia đôi đã làm chia rẽ ly tán rất
nhiều gia đình, kẻ đi người ở lại. Gia đình mẹ cũng như phần lớn
những gia đình khác di cư vào miền Nam Tự Do, trù phú. Mẹ không
còn gặp lại những người bạn cũ thân yêu của Mẹ nữa và tới bây giờ
không biết Mẹ gặp lại bạn của mẹ hay bạn Mẹ gặp lại Mẹ có còn
nhận ra nhau nữa không? Đã qua hơn nửa thế kỷ rồi.
Khi đặt
chân tới thành phố Sài Gòn được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông
của Việt Nam, Mẹ đã may mắn được đặt chân vào ngưỡng cửa của
trường Nữ Trung Học GIA LONG, là một ngôi trường lớn nhất và nổi
tiếng nhất của Sài Gòn thưở ấy mà các cô gái ai cũng mơ ước được
theo học. Sự lựa chọn thi cử để được vào học phải qua một kỳ thi
chọn lựa cũng gắt gao và những kỷ luật của trường cũng rất nghiêm
khắc. Nhờ vậy trường Gia Long đã đào tạo ra rất nhiều nhân tài,
những phụ nữ đảm trách nhiều nhiệm vụ trong các lãnh vực khác
nhau.
Tuy nhiên mẹ vẫn giữ tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo dù
một thời đã nem nép sợ hãi.
Mẹ vẫn nhớ mãi cái cảnh náo
nhiệt nơi sân trường. Các nữ sinh áo dài trắng tụm năm tụm ba
dưới các hàng cây rợp bóng, hoặc ngồi trên những bãi cỏ xanh nói
cười giòn giã bên nhau. Vào cuối năm học, khi các hàng cây Phượng
Vĩ bắt đầu trổ bông đỏ thắm, báo hiệu mùa hè đến. Đó là lúc Mẹ và
các bạn của mẹ bắt đầu tặng ảnh và viết cho nhau một vài hàng chữ
ngắn ghi lại cảm tình, nỗi nhớ nhung trên các cuốn sổ nho nhỏ gọi
là tập Lưu Bút Ngày Xanh. Các tập Lưu Bút này về nội dung tương
tự như cuốn Yearbook của các con, nhưng hình thức thật sơ sài.
Dù đã sắp bước chân vào ngưỡng cửa đại học, các bạn của Mẹ
cũng như Mẹ vẫn không được trang điểm phấn son. Ăn mặc phải gọn
gàng tươm tất, tóc tai phải chải gọn ghẽ không bù xù. Có một vài
nữ sinh đã phạm những điều này khi gặp Giáo Sư khó tính đã bắt
lên đứng trước mặt mọi người trong lớp để khiển trách.
Ngay như có bạn trai cũng phải giấu giếm không lộ diện trước công
cộng. Đó là thế hệ của Mẹ, còn như thế hệ của bà nội bà ngoại các
con lại còn khắt khe hơn thế nhiều. Đó cũng là những phong tục cổ
xưa của Việt Nam thời bấy giờ.
Khi mẹ theo học Đại Học
Luật Khoa, trường không đủ chỗ ngồi cho các sinh viên tới nghe
giảng. Mẹ và các sinh viên khác đã phải dậy sớm trước giờ dậy cả
tiếng đồng hồ để giữ chỗ, nhiều sinh viên không có chỗ phải đứng
la liệt chung quanh phòng rất khó khăn để lấy note. Mẹ phải ghi
chép lời giảng dạy của giáo sư rất nhanh và ngắn gọn như tốc ký
để lấy bài về tự học chứ không có đầy đủ sách vở hay tài liệu như
các con ở Mỹ. Nhiều lần mẹ đi trễ đã may mắn được mấy nam sinh
viên tử tế nhường chỗ ngồi nên lần nào đi học mẹ cũng có chỗ ngồi
ghi chép thoải mái.
Có nhiều sinh viên vì hoàn cảnh khó
khăn phải đi làm để sinh sống đã không tới trường thường xuyên
nên phải mua lại những ghi chú lời giảng của Giáo Sư do một vài sinh
viên khác ghi chép rồi quay lại trên giấy roneo để bán cho những
sinh viên nào không có thì giờ tới trường. Mấy sinh viên làm
những công việc này gọi là Lái Cua. Tức là người bán bài vở. Chữ
Cua xuất xứ từ chữ Cours của tiếng Pháp.
Đã có một vị giáo
sư của trường luật muốn kiểm soát xem sinh viên viện nào thường
xuyên đến lớp học nên khi vào vấn đáp, ông đã bắt các sinh viên
phải xuất trình bài vở mà họ đã ghi chép ở trường để tùy theo vào
đó cho điểm cao hay thấp.
Thi cử ở Việt Nam thời đó rất
khó khăn không có các câu hỏi trả lời đúng sai, thường là một đề
tài tổng quát.
Tình thầy trò ở Việt Nam thời của mẹ không
được thân thiện, gần gũi, cho nên học trò cảm thấy xa cách với
thầy cô. Trái lại ở Mỹ học trò, sinh viên được tự do, thoải mái
bàn luận với thầy cô về những đề tài đang học. Tình thầy trò ở Mỹ
rất thân mật và bình thường, thầy cô ở Mỹ rất tôn trọng ý kiến
của học trò. Còn ở Việt Nam cũng như ở các nước Á Dông sự giáo
dục rất nặng về lý thuyết và học trò không có phương tiện để tham
khảo những thắc mắc về những đề tài theo học.
Thời của mẹ
chương trình dạy học rất thiếu thốn, không đầy đủ tiện nghi đã
làm giảm bước tiến thân của các giới trẻ thời bấy giờ, nhất là
những gia đình nghèo. Nếu so sánh những phương tiện tân tiến ở Mỹ
như các con đã thụ hưởng thật là cả một trời một vực khác nhau
nếu so với Việt Nam.
Kỷ niệm thứ tư cũng là một kỷ niệm
khó quên của mẹ. Tuy theo học đại học Luật Khoa, nhưng thực sự mẹ
muốn sống một cuộc đời có dịp bay nhảy nhiều hơn, được đi ra nước
ngoài để mở rộng thêm tầm mắt.
Hồi mẹ còn nhỏ mẹ thích thú
đọc những bài mô tả về những thành phố lớn trên thế
giới. Mẹ cầu mong sao có dịp được đặt chân tới những nơi mơ mộng
đó. Một hôm chị bạn thân của mẹ cũng học luật trước mẹ làm ở văn
phòng hành chánh của Air Việt Nam cho mẹ biết có cuộc thi tuyển
Tiếp Viên Hàng Không. Mẹ vội ghi tên ngay và mẹ đã trúng tuyển.
Nhưng sau khi thực sự đi bay mẹ thấy nghề này cũng có nhiều sự
nguy hiểm vì máy bay của Air Việt Nam hồi đó mua và mướn của Đài
Loan rất cũ nên hay bị trục trặc. Chỉ có các đường bay quốc tế
mới có máy bay lớn và mới. Đôi khi mẹ đã gặp phải cái cảnh máy
bay bị trục trặc trong những chuyến bay quốc nội.
Lần đáng
ghi nhớ nhất là lần mẹ làm việc trên chiếc DC 4 từ Sài Gòn đi Đà
Nẵng Khi máy bay đáp xuống phi trường thì thắng không ăn, nên ban
cấp cứu đã quăng những giây cáp bằng sắt để giữ máy bay lại đã
làm một bánh xe của máy bay bị gãy. Phi Trưởng đã nhanh trí cho
máy bay chạy trên sân cỏ sát ngay phi đạo nên bụng máy bay đã xục
xuống đất, và dừng lại. Xe cứu hỏa, xe cứu thương bóp còi inh ỏi,
rầm rộ chạy tới giúp mọi người thoát khỏi máy bay để tránh hỏa
hoạn. Cảnh tượng đó không khác gi những cảnh phi cơ lâm nạn chiếu
trên màn ảnh.
May mắn tất cả hành khách và phi hành đoàn đều an toàn, chỉ
có vài người bị thương nhẹ.
Mẹ cám ơn Thượng Đế đã cho mẹ
thoát khỏi tai nạn này.
Trong lòng mẹ thật bối rối và sợ
hãi nhưng mẹ vẫn phải cố gắng bình tĩnh trấn an hành khách và
giúp họ để tránh cảnh xô đẩy nhau. Mẹ tiếp tục làm việc cho tới
khi lập gia đình với Bố của con.
Mẹ rất vui khi thấy trong
con dù đã trưởng thành trong xã hội Hoa Kỳ nhưng vẫn tiềm ẩn mối
lưu tâm tìm hiểu gốc gác Việt Nam của con. Mẹ mong rằng với thời
gian con sẽ tìm được cái mà con mong muốn. Hy vọng rằng ở nơi con
sẽ có một sự hòa hợp của hai văn hóa Koa Kỳ và Việt Nam, trong
cái thế thăng bằng và bổ túc cho nhau cái tinh hoa của hai nền
văn hóa. Niềm ước mơ này có quá cao xa hay không, mẹ ước mong là
không, vì mẹ tin vào con, con đã chứng tỏ con đã bước đi một bước
khá dài, mẹ con ta ngày nay đã có thể tâm sự với nhau bằng tiếng
Việt. Đó là điều mà Bố Mẹ vô cùng thích thú và hãnh diện.
Mẹ luôn cảm tạ Thượng Đế đã ban phước lành cho gia đình chúng ta
được đoàn tụ sinh sống ở Mỹ một nước Tự Do Dân Chủ đứng đầu thế
giới.
Mẹ của con,
Minh Thảo Elizabeth Hoàng
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Elizabeth Hoàng chuyển
Đăng ngày Thứ Ba, May 2, 2023
Cập nhật ngày Thứ Hai, May 8, 2023
Cập nhật ngày Thứ Bảy, May 6, 2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang