Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bút
Ký
Chủ đề:
Mao Trạch Đông
Tác giả:
Phạm Văn Tuấn
(Đặc San Lâm Viên)
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Mao Trạch Đông là nhà lãnh đạo xuất
sắc của nước Trung Hoa Cộng Sản, đã tham dự rất nhiều trận mạc
trong thời kỳ nội chiến, đã đưa Đảng Cộng Sản Trung Hoa tới thắng
lợi và đẩy lui Quốc Dân Đảng cùng quân đội của Tướng Tưởng Giới
Thạch (Jiang Jieshi) qua hòn đảo Đài Loan. Kể từ năm 1943, Mao
Trạch Đông đã duy trì một địa vị độc tôn trong Bộ Chính Trị của
Đảng Cộng Sản Trung Hoa và từ năm 1945, là nhân vật không thể bị
thay thế trong Ủy Ban Trung Ương của đảng C.S. kể trên.
Vào ngày 01 tháng 10 năm 1949 tại Quảng
Trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh (Tiananmen), Mao Trạch Đông đã
công bố cho toàn thế giới biết việc thành lập nước Cộng Hòa Nhân
Dân Trung Hoa (the People’s Republic of China) rồi kể từ năm đó,
Mao không ngừng theo đuổi công việc cải tiến nước Trung Hoa thành
một xứ sở hùng mạnh và thịnh vượng.
Tuy nhiên, các phong trào hay chiến
dịch cải cách của Mao, chẳng hạn như chiến dịch “Chống Cánh Hữu”
(the Anti–Rightist Campaign), phong trào “Bước Đại Nhảy Vọt” (the
Great Leap Forward) (1958–59) và cuộc “Cách Mạng Văn Hóa” (the
Cultural Revolution) (1966–69) đã đưa nước Trung Hoa vào các mê
hồn trận của ý thức hệ, khiến cho đất nước này tụt hậu so với các
nước đang phát triển.
Kể từ cuộc Chiến Tranh Nha Phiến
(1839–42), Trung Hoa đã bị nhiều nước bên ngoài chèn ép. Mao
Trạch Đông đã dùng nhiều chiến thuật và quân đội nhân dân trang
bị ý thức hệ Cộng sản để chiếm chính quyền, chấm dứt cảnh nghèo
khó của người dân, xóa đi các tàn tích xâm lăng của phương tây.
Vào lúc đầu của thời kỳ cách mạng, Liên Xô đã giúp đỡ rất tích
cực Trung Hoa và đảng cộng sản của Mao, nhưng quan hệ này dần dần
trở nên căng thẳng và bị chấm dứt trước khi xảy ra cuộc Cách Mạng
Văn Hóa.
Từ
khi là Chủ Tịch của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Mao Trạch
Đông đã được tôn thờ cá nhân, được gọi là “Vị Lãnh Tụ vĩ đại”,
“Vị Cứu Rỗi của nước Trung Hoa” (Savior of China)... Sự tôn thờ
vì sức mạnh ý thức hệ này còn lan ra bên ngoài đất nước khiến cho
Trung Hoa mất đi nhiều cơ hội phát triển kinh tế.
1/ Thuở Thiếu Thời.
Mao Trạch Đông sinh ngày 26 tháng 12
năm 1893, trong một gia đình trung lưu, thuộc làng Thiểu Sơn
(Shaoshan) huyện Tương Đoàn (Xiangtan) tỉnh Hồ Nam (Hunan). Ông
Tổ của Mao đã từ tỉnh Giang Tây (Jiangxi) di cư tới đây trong
thời đại nhà Minh, lập gia đình với người địa phương và làm nghề
nông.
Thân phụ
của Mao là Mao Châu Thẩm, một nông dân có tính tình vừa tiết
kiệm, vừa tham lam và bà mẹ tên là Vương Kim Muội, một người đàn
bà siêng năng, hiểu biết và tốt bụng. Mao Trạch Đông là con
trưởng, được cha cho đi học vì ông ta vốn mù chữ, cần tới người
con biết viết để giúp đỡ ông khi ghi chép công việc thương mại.
Trong cuộc Cách Mạng Năm 1911, Mao đã
tham gia vào quân đội địa phương của tỉnh Hồ Nam, nhưng vì không
thích hợp với binh nghiệp, nên Mao đã trở về đi học tại Trường Sa
(Changsha) và tốt nghiệp trường Sư Phạm vào năm 1918. Vào dịp
Phong Trào Ngũ Tứ (the May Fourth Movement), Mao đã cùng với ông
thầy dạy trung học khi trước là Dương Trường Tế (Yang Changji) đi
lên Bắc Kinh.
Sau đó, ông Dương trở thành một nhân viên trong Đại Học Bắc Kinh,
nên đã giới thiệu Mao Trạch Đông làm nhân viên phụ tá thư viện
của trường đại học, giúp việc Lý Đại Siêu (Li Dazhao) khi đó làm
quản thủ thư viện. Vào thời gian này, Mao đã theo học tại trường
đại học, được đọc nhiều bài văn của một số nhà trí thức danh
tiếng như Trần Độc Tú (Chen Duxiu), Hồ Thích (Hu Shi) và Tiền
Tuyển Đồng (Qian Xuantong)...
Cũng tại thư viện của trường, Mao đã
đọc nhiều sách viết ra do các nhà trí thức danh tiếng đương thời
là Khang Hữu Vi (Kang Youwei) và Lương Khải Siêu (Liang Qichao),
cũng như các bản dịch sang tiếng Hoa của các vị này từ các sách
của J.J. Rousseau, Montesquieu..., tìm hiểu các tư tưởng của nhà
cách mạng Tôn Dật Tiên (Sun Yatsen) và học thêm lý thuyết cộng
sản.
Vào thời
gian này, Mao đã kết hôn với người bạn học là cô Dương Khai Tuệ
(Yang Khaihui), con gái của giáo sư Dương Trường Tế kể trên, mặc
dù Mao có một người vợ tại quê nhà và đã không chấp nhận người
này vì trước kia khi mới 14 tuổi, bị cha bắt ép kết hôn với người
vợ lớn hơn 4 tuổi đời.
Sau đó, Mao đã không đi du học tại nước
Pháp vì nhà nghèo. Mao đã nói về sau rằng sở dĩ ông không muốn ra
khỏi nước bởi vì tin tưởng rằng các vấn đề khó khăn của Trung Hoa
phải được nghiên cứu và giải quyết bên trong nước này và Mao đã
tìm hiểu giới nông dân là đa số quần chúng rồi bắt đầu một cuộc
đời theo cách mạng cộng sản.
Vào ngày 23 tháng 7 năm 1921, khi ở lứa
tuổi 27, Mao đã tham dự Hội Nghị Toàn Quốc của Đảng Cộng Sản họp
tại thành phố Thượng Hải (Shanghai) và hai năm sau, trong kỳ họp
thứ ba của Hội Nghị kể trên, Mao được bầu làm một trong năm ủy
viên của Ủy Ban Trung Ương Đảng.
Mao đã sống tại thành phố Thượng Hải
trong một thời gian bởi vì đảng Cộng sản muốn cuộc cách mạng xảy
ra tại nơi này. Nhưng sau khi đảng này gặp nhiều khó khăn vì tổ
chức các phong trào lao động và khi tiếp xúc với phe Trung Hoa
Quốc Gia, Mao đã vỡ mộng về cuộc cách mạng, nên đã dời về quê nhà
là Thiểu Sơn. Tại nơi này, Mao được báo tin về các cuộc nổi dậy
vào năm 1925 tại Thượng Hải và Quảng Châu. Sau đó, Mao đi Quảng
Đông là căn cứ của Quốc Dân Đảng, tham gia vào việc chuẩn bị kỳ
họp lần thứ hai của Đại Hội Quốc Gia của Quốc Dân Đảng.
Vào đầu năm 1927, Mao trở lại Hồ Nam
rồi trong một kỳ họp của đảng Cộng sản, đã báo cáo về các khảo
cứu các cuộc nổi dậy của giới nông dân, đây là bước khởi đầu và
quyết định để Mao áp dụng các lý thuyết cách mạng của mình tại
Trung Hoa.
2/
Tư tưởng Cộng sản.
Tại Bắc Kinh và trước khi kết hôn với
Dương Khai Tuệ, Mao đã đọc ba cuốn sách dẫn dắt tới niềm tin vào
chủ nghĩa Mác Xít trong số này có cuốn Bản Tuyên Ngôn của đảng
Cộng sản (the Manisfesto of the Communist Party). Tuy nhiên, Mao
dần dần trở nên con người Mác Xít sau khi đã đọc nhiều sách báo
khác và vào năm 1920, Mao đã viết nhiều bài báo biện hộ cho quyền
tự trị của tỉnh Hồ Nam bởi vì Mao tin tưởng rằng mỗi tỉnh tự trị
sẽ làm cho nước Trung Hoa giàu có và hùng mạnh hơn.
Cũng do đọc cuốn truyện Thủy Hử
(Outlaws of the Marsh), một trong bốn tác phẩm lớn của văn chương
cổ điển Trung Hoa, Mao đã đồng ý nên dùng cách mạng bạo lực phối
hợp với các kinh nghiệm của cuộc Cách Mạng Nga, để giai cấp vô
sản dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng sản, sẽ lật đổ chế độ phong
kiến và đế quốc. Vào năm 1920, Mao đã giúp công vào việc nghiên
cứu, tuyên truyền và tổ chức các cuộc đấu tranh của giai cấp công
nhân thành thị, nhưng vì giới này chỉ gồm một số nhỏ quần chúng,
và các cuộc nổi dậy không võ trang không thể giải quyết được các
vấn đề. Vì thế, Mao bắt đầu trông cậy vào giới nông dân, điều
chỉnh lý thuyết và thay đổi cách áp dụng chiến lược, khiến cho họ
trở thành các kẻ ủng hộ đường lối cách mạng bạo động, đây là sự
khác biệt giữa Mao và các người Trung Hoa theo cộng sản trước kia
và cùng thời.
3/ Cách Mạng Và Chiến Tranh.
Vào năm 1927, Mao Trạch Đông là người
chỉ huy cuộc Nổi Dậy Mùa Thu (the Autumn Harvest Uprising) tại
Trường Sa, thuộc tỉnh Hồ Nam, nhưng cuộc bạo động này đã bị chính
quyền địa phương dẹp tan và Mao cùng với một số đồng chí còn lại
đã bỏ chạy qua khu miền núi Tỉnh Cương Sơn (Jinggang Mountains).
Trên con đường rút lui, Mao đã tổ chức lại đám tàn quân, thiết
lập cách tổ chức quân sự mới, chủ trương bình đẳng giữa sĩ quan
và binh lính và đảng Cộng sản có quyền tuyệt đối chỉ huy quân
lực.
Tại Tỉnh
Cương Sơn, Mao đã thuyết phục được hai tướng cướp địa phương là
Viên Văn Tài và Vương Tá theo mình đồng thời toán quân của Chu
Đức (Zhu De) cũng đến nơi này và sau đó, lập nên Đệ Tứ Quân Đoàn
của Hồng Quân Trung Hoa (the Red Army) gồm các nông dân và công
nhân.
Trong
khoảng thời gian từ 1931 tới 1934, Mao giúp công vào việc thành
lập khu vực Xô Viết của Trung Hoa và được bầu làm chủ tịch. Vào
giai đoạn này, Mao kết hôn với Hà Tú Trân (He Zizhen) vì người vợ
trước là Dương Khai Tuệ đã bị quân Quốc Dân Đảng bắt và giết vào
năm 1930. Tại vùng Xô Viết bị bao vây này, Mao đã biến nơi đây
thành nơi ẩn náu của các người cộng sản đã bỏ chạy khỏi thành
phố, cùng với Chu Đức đào tạo một đạo quân tuy nhỏ nhưng tinh
nhuệ, theo đuổi đường lối “du kích chiến” (youji zhan). Nhưng rồi
do áp lực của nhóm đảng viên gọi là “28 người Bôn Xê Vích” (28
Bolsheviks) chủ trương theo đường lối cộng sản của Liên Xô, trong
đó có cả Chu Ân Lai (Zhou Enlai), Mao Trạch Đông đã mất địa vị
chỉ huy quan trọng.
Sau cuộc
Bắc Phạt (the Northern Expedition), Tướng Tưởng Giới Thạch quyết
định trừ bỏ các người cộng sản. Vào tháng 10 năm 1934, quân đội
cộng sản bị bao vây và bị tấn công, phải bỏ chạy trong cuộc Vạn
Lý Trường Chinh (the Long March), rút lui từ tỉnh Giang Tây
(Jiangxi) ở phía đông nam, về tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi) thuộc miền
tây bắc của Trung Hoa. Trong cuộc hành trình dài 9,600 cây số
này, Mao đã tỏ ra là nhà lãnh đạo rồi sau đó lại được Chu Ân Lai
chạy theo, phụ giúp. Trong kỳ đại hội đảng Tuân Nghĩa (the Zunyi
Conference) họp vào tháng 1 năm 1935 tại tỉnh Quý Châu, Mao Trạch
Đông được bầu vào Ủy Ban Thường Trực của Bộ Chính Trị của đảng
Cộng sản Trung Hoa (the Standing Committee of the Politburo of
the Communist Party of China).
Từ căn cứ Diên An (Yan’an), Mao Trạch
Đông đã chỉ huy cuộc kháng chiến của lực lượng cộng sản chống lại
quân đội Nhật Bản trong cuộc chiến tranh Hoa Nhật lần thứ hai
(1937–45) và trong thời gian này, đã củng cố địa vị của mình vào
năm 1942 bằng cách phát động chiến dịch Chỉnh Phong (Cheng Feng)
để loại ra các đối thủ của mình, trong số này có các đảng viên
cộng sản như Vương Minh (Wang Ming), Vương Thế Duy (Wang Shiwei)
và Đinh Ling (Ding Ling). Cũng tại Diên An, Mao đã ly dị Hà Tú
Trân (He Zizhen) và kết hôn với một nữ diễn viên sân khấu tên là
Lam Tần (Lan Ping), người mà sau này được biết bằng tên Giang
Thanh (Jiang Qing).
Trong cuộc chiến tranh Hoa Nhật, các
chiến lược của Mao là chống lại phe Quốc Dân Đảng của Tướng Tưởng
Giới Thạch và chống Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã coi Tướng Tưởng là một đồng
minh quan trọng, có thể đánh bại quân đội Nhật Bản, sớm làm kết
thúc chiến tranh trong khi Tưởng Giới Thạch cũng tìm cách củng cố
quân đội Quốc Dân Đảng để đối đầu với lực lượng cộng sản sau Thế
Chiến Thứ Hai. Cả hai phe phái này đã bị chỉ trích là đều tìm
cách đánh phá lẫn nhau hơn là chống lại quân xâm lăng Nhật.
Về sau, nhà sử học Willy Lam đã xác
nhận rằng trong cuộc chiến chống Nhật Bản: “Đa số các tổn thất do
quân đội Quốc Dân Đảng phải chịu đựng, mà không phải là các sư
đoàn cộng sản. Mao và các nhà lãnh đạo du kích khác đã quyết định
vào thời gian đó rằng cần phải bảo toàn sức mạnh để dùng cho một
cuộc ‘đấu tranh to lớn hơn’ diễn ra tại khắp nơi trên miền đất
Trung Hoa một khi quân đội của đế quốc Nhật Bản đã bị tiêu diệt
bởi các lực lượng đồng minh do Hoa Kỳ chỉ huy”.
Sau khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, Hoa
Kỳ vẫn tiếp tục ủng hộ Tướng Tưởng Giới Thạch để ngăn chặn làn
sóng cộng sản và từ nay bắt đầu cuộc nội chiến. Đồng thời, Liên
Xô cũng tiếp tế một cách kín đáo cho Hồng Quân Trung Cộng, với tư
cách là một nước lân bang mà không phải là một nước đồng minh,
bởi vì Liên Xô muốn tránh đi các tranh chấp có thể xảy ra với Hoa
Kỳ.
Vào ngày
21 tháng 1 năm 1949, lực lượng quân sự Quốc Dân Đảng bị tổn thất
nặng nề trước Hồng Quân của Mao Trạch Đông rồi vào sáng ngày 10
tháng 12 năm 1949, Hồng Quân đã bao vây Thành Đô (Chengdu) là căn
cứ cuối cùng của lực lượng Quốc Dân Đảng. Tướng Tưởng Giới Thạch
và toàn thể quân dân đi theo phải di tản qua hòn đảo Đài Loan vào
cùng ngày này.
4/ Lãnh Đạo Nước Trung Hoa.
Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được
thành lập vào ngày 01 tháng 10 năm 1949 sau 2 thập niên nội chiến
và chiến tranh quốc tế. Mao Trạch Đông đã là Chủ Tịch (Chairman)
của nước cộng hòa này từ năm 1954 tới năm 1959 và thường được gọi
là Mao Chủ Tịch (Chairman Mao) hay Vị Lãnh Tụ Vĩ Đại Mao Chủ Tịch
(the Great Leader Chairman Mao). Kể từ ngày thành lập kể trên,
đảng Cộng sản Trung Hoa đã kiểm soát toàn thể các phương tiện
truyền thông và dùng các phương tiện này vào việc quảng cáo hình
ảnh của Mao Chủ Tịch và của Đảng trong khi đó cũng bôi nhọ Tướng
Tưởng Giới Thạch và các quốc gia khác như Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Đảng Cộng sản cũng hô hào người dân
Trung Hoa phải dốc toàn lực để xây dựng và củng cố đất nước. Mỗi
người dân đều được cấp phát một cuốn sách nhỏ gọi là “Mao Tuyển”
(the Quotations from Chairman Mao Tse–Tung) để học thuộc lòng các
lời dạy của Mao Chủ Tịch và để thảo luận tại trường học cũng như
tại nơi làm việc, bởi vì đảng Cộng sản Trung Hoa cho rằng cuốn
sách nhỏ này chứa đựng sự thật không thể sai lầm.
Từ năm 1949, Mao Chủ Tịch cư ngụ trong
khu vực Trung Nam Hải (Zhongnanhai), bên cạnh Cấm Thành (the
Forbidden City) trong thành phố Bắc Kinh. Mao thường làm việc
trên giường hay bên cạnh một hồ bơi xây bên trong nhà. Sau khi đã
nắm quyền lực, Mao đã phát động chiến dịch tập thể hóa ruộng đất
(collectivization) cho đến năm 1958, đất đai của các địa chủ và
nông dân giàu có đều bị tịch thu và đảng Cộng sản Trung Hoa bắt
đầu kiểm soát giá cả, ấn định cách viết chữ “giản thể” (character
simplification) để làm giảm đi nạn mù chữ. Các dự án kỹ nghệ hóa
cũng được bắt đầu.
Ngoài các chương trình xóa bỏ tư hữu,
thay đổi các kiến trúc hạ tầng, còn có Chiến Dịch Trăm Hoa Đua Nở
(the Hundred Flowers Campaign) qua đó Mao đã cho người dân biết
rằng họ có thể đóng góp các ý kiến khác nhau về cách quản trị đất
nước Trung Hoa. Vì được tự do bày tỏ quan điểm, các nhà trí thức
hay các đảng viên cấp tiến bắt đầu phản đối đảng Cộng sản và đặt
nhiều vấn đề với giai cấp lãnh đạo.
Vào lúc đầu, công việc đóng góp ý kiến
còn được dung thứ và ngay cả khuyến khích nhưng vài tháng sau,
chính quyền cộng sản liền trở mặt và đã hành hạ 500,000 người,
đây là các người dám chỉ trích hay dự tính phê bình Đảng. Nhiều
nhà sử học cho rằng chiến dịch Chống Cánh Hữu (the Anti–Rightist
Movement) này là một quỷ kế để nhổ tận gốc các tư tưởng “nguy
hiểm”. Các học giả khác như Bác sĩ Lý Chí Tuy (Dr. Li Zhisui) lại
tin rằng vào lúc đầu, Mao muốn dùng cách này để làm lộ ra các
đảng viên chống đối mình rồi khi phong trào chỉ trích lan rộng
thêm, thì đây là phương pháp để nhận diện và rồi hành hạ các kẻ
dám chống đối chính quyền.
5/ Phong Trào “Bước Đại Nhảy Vọt”.
Vào tháng 1 năm 1958, Mao Trạch Đông
phát động một kế hoạch 5 năm, được gọi là phong trào Bước Đại
Nhảy Vọt (the Great Leap Foward). Đây là một kiểu mẫu phát triển
kinh tế khác biệt với kiểu mẫu của Liên Xô chú trọng vào kỹ nghệ
nặng mà một số đồng chí trong Đảng đã ủng hộ. Theo chương trình
kinh tế này, các tập thể nông nghiệp nhỏ sẽ được tập hợp thành
các công xã nhân dân (people’s communes) to lớn hơn nhiều, tại
nơi đây các nông dân được lệnh phải làm việc trong các dự án hạ
tầng cơ sở lớn lao và trong các nơi sản xuất sắt thép nhỏ. Tất cả
sản xuất thực phẩm tư nhân đều bị cấm đoán, gia súc và dụng cụ
nông nghiệp được tập trung và sở hữu tập thể.
Trong phong trào Bước Đại Nhảy Vọt này,
Mao và một số lãnh tụ đảng đã ra nhiều mệnh lệnh bổ túc về các kỹ
thuật nông nghiệp mới, cho các công xã mới, nhưng các kỹ thuật kể
trên chưa từng được thí nghiệm và không đủ tính khoa học, thêm
vào, cách phân bố lao động cho sản xuất thép và các dự án hạ tầng
cơ sở, cùng với hệ thống công xã mới mẻ, đã làm cho sản lượng
thực phẩm giảm đi 15% vào năm 1959 và giảm 10% vào năm 1960.
Để lấy lòng các cấp trên và để tránh bị
thanh trừng vì không hoàn thành chỉ tiêu, các cán bộ cấp dưới đã
ngụy tạo các thành quả tốt đẹp, thổi phồng sản lượng lúa gạo. Kết
quả của cách báo cáo sai, sự ưu tiên dành nông phẩm cho xuất cảng
hay khu vực thành thị, cộng với các vụ hạn hán tại một số địa
phương, các trận ngập lụt tại các nơi khác, đã khiến cho nông dân
của nhiều tỉnh đã không có đủ ăn, hàng chục triệu (tens of
millions) người dân đã bị chết đói trong các năm từ 1959 tới năm
1962 và đây là nạn chết đói lớn nhất của nhân loại.
Trong khi đó, dù cho định số thép sản
xuất có gia tăng, nhưng loại sắt thép này đã trở thành vô dụng vì
được nấu ra từ mọi loại sắt vụn tại các lò đúc trong sân sau nhà
mà không có kỹ thuật chế tạo đúng cách. Theo anh Trương Nhung Mỹ
(Zhang Rongmei), một giáo viên thuộc miền quê Thượng Hải cho biết
trong thời kỳ này: “chúng tôi gom tất cả các nồi niêu soong chảo
hiện có trong nhà, và các người láng giềng cũng làm như vậy,
chúng tôi bỏ tất cả vào ngọn lửa lớn để làm chảy ra thành kim
loại”.
Phong
trào Bước Đại Nhảy Vọt đã là một “thảm họa” cho nước Trung Hoa,
ngay cả với các đập nước, các kênh đào hay các dự án hạ tầng cơ
sở mà hàng triệu nông dân và tù nhân đã phải làm việc cực khổ và
một số đã phải bỏ mạng, tất cả đã trở thành vô dụng vì không được
xây dựng theo đúng kỹ thuật do các kỹ sư có khả năng, bởi vì
những người này đã bị Mao loại bỏ vì thiếu niềm tin ý thức hệ.
Vào thời kỳ đó, một số nhà báo phương
tây chỉ được tới thăm các công xã kiểu mẫu và đã bị lường gạt về
thành tích của các vụ thu hoạch. Cho tới năm 1984, nhà nhân chủng
học người Mỹ là Giáo Sư Judith Banister tin rằng số người Trung
Hoa chết đói sau năm 1959 là 30 triệu, trong khi các nguồn tin
khác lại cho các con số tử vong từ 20 tới 43 triệu.
Trong kỳ Đại Hội Đảng họp tại Lư Sơn
(Lushan) trong các tháng 7 và 8 năm 1959, nhiều lãnh tụ đảng cho
biết Bước Đại Nhảy Vọt đã không thành công như dự trù. Mao đã đổ
lỗi sự thất bại này là do Bộ Trưởng Quốc Phòng Bành Đức Hoài
(Peng Dehuai) và các người dưới quyền của ông ta.
Về phương diện quốc tế, sau khi Stalin
qua đời vào năm 1953 và Krushchev lên thay thế, nước Trung Hoa bị
cô lập nhiều hơn vì sự rạn nứt Trung Xô (the Sino–Soviet split)
với kết quả là Krushchev đã ra lệnh rút tất cả các chuyên viên kỹ
thuật và các trợ giúp của Liên Xô ra khỏi Trung Cộng.
Sự rạn nứt này do các tranh chấp biên
giới, do các tranh cãi về ai có quyền kiểm soát và đặt hướng đi
cho tổ chức Cộng sản Quốc tế và các tranh chấp liên quan tới
chính sách ngoại giao.
Từ lâu trước khi Mao Trạch Đông kiểm
soát được đảng Cộng sản Trung Hoa, Stalin đã tự coi mình là người
kế thừa xứng đáng của Lenin với các tư tưởng Mác Xít chính thống
và đúng đắn, và trong khi Stalin còn sống, Mao Trạch Đông không
hề dám thách đố về chủ nghĩa với Stalin. Nhưng sau khi Stalin đã
qua đời, Mao tin tưởng rằng quyền lãnh đạo đường lối Cộng sản
Quốc tế sẽ truyền tới tay Mao, một phần vì thâm niên trong hệ
thống đảng, một phần cũng do Mao tin rằng mình hiểu rõ hơn về ý
thức hệ Mác Xít.
Trong khi đó Krushchev đang đứng đầu
một chính quyền có ưu thế hơn cả về chính trị lẫn quân sự, vì vậy
đã có sự căng thẳng giữa hai nhân vật cấp cao này và sự liên lạc
giữa Liên Xô và Trung Cộng bị suy giảm và tới lúc này, Trung cộng
phải đối đầu với các đe dọa mới từ Liên Xô tại phía bắc và phía
tây. Trung cộng còn bị bao vây một phần do các căn cứ quân sự của
Hoa Kỳ đặt tại Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Okinawa và Đài Loan.
Sau các thất bại của chương trình Bước
Đại Nhảy Vọt, Bộ Chính Trị của Trung cộng họp vào tháng 1 năm
1961 và đã quyết định đặt Mao Trạch Đông vào vị trí phía sau, và
các nhà lãnh đạo ôn hòa hơn như Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqi) và Đặng
Tiểu Bình (Deng Xiaoping), sẽ cứu vãn nền kinh tế bằng cách giải
tán các công xã nhân dân (people’s communes), cho phép nông dân
có quyền kiểm soát một mảnh đất nhỏ, và nhà nước Trung cộng đã
nhập cảng ngũ cốc từ nước Canada và châu Úc để giảm bớt các ảnh
hưởng xấu của nạn đói.
6/ Cuộc Cách Mạng Văn Hóa.
Sau các thất bại của phong trào Bước
Đại Nhảy Vọt khiến cho 30 triệu người dân chết đói và đây là nạn
đói lớn lao nhất trong lịch sử của nhân loại, các nhân viên cao
cấp của đảng Cộng sản Trung Hoa, kể cả Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu
Bình, đã quyết định rằng Mao không được nắm thực quyền mà chỉ giữ
vai trò tượng trưng và nghi lễ. Vào năm 1959, Lưu Thiếu Kỳ trở
nên Chủ Tịch Nước còn Mao vẫn là Chủ Tịch (Chairman). Lưu Thiếu
Kỳ và một số cộng sự viên bắt đầu cứu xét các hoàn cảnh của đất
nước Trung Hoa một cách thực tế hơn và như vậy, đã loại bớt các
lý tưởng mà Mao đã từng mong đợi.
Đứng trước viễn ảnh bị mất đi địa vị
chính trị, Mao Trạch Đông đã phản ứng lại các công tác của Lưu
Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình bằng cách phát động cuộc Cách Mạng Văn
Hóa (the Cultural Revolution) vào năm 1966. Bằng cách này, Mao đã
không dùng tới hệ thống đẳng cấp của đảng Cộng sản, mà điều khiển
trực tiếp các thanh niên trẻ dưới 20 tuổi, gọi là Hồng Vệ Binh
(the Red Guards), để họ lập nên các tòa án xét xử riêng.
Cuộc cách mạng này đã đưa tới hậu quả
là Hồng Vệ Binh đã tàn phá phần lớn các di sản văn hóa của Trung
Hoa, đã hành hạ và nhốt tù một số rất lớn các cựu đảng viên và
các nhà trí thức, đồng thời tạo nên các tình trạng hỗn loạn về
kinh tế và xã hội tại tất cả các thành phố và miền quê. Hàng
triệu người đã bỏ mạng trong giai đoạn này.
Cũng vào giai đoạn Cách Mạng Văn Hóa,
Mao đã chọn Lâm Bưu (Lin Biao) là người kế vị của mình. Người ta
không biết rõ có phải Lâm Bưu dự trù một cuộc đảo chánh hay một
kế hoạch ám sát Mao hay không, nhưng kết quả là Lâm Bưu bị chết
trong một tai nạn máy bay rớt trên miền sa mạc của Mông Cổ. Tại
Trung Hoa, người ta đã công bố rằng Lâm Bưu dự tính hạ bệ Mao, vì
vậy sau khi chết, ông ta đã bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung
Hoa. Vào lúc này, Mao Trạch Đông không còn tin tưởng các nhân vật
hàng đầu của đảng Cộng sản.
Cuộc Cách Mạng Văn Hóa được Mao công bố
chấm dứt vào năm 1969, nhưng các nhà sử học của Cộng Hòa Nhân Dân
Trung Hoa lại cho rằng cuộc cách mạng này kết thúc vào năm 1976
khi Mao qua đời.
Trong các năm cuối của cuộc đời, Mao
gặp cảnh sức khỏe suy kém một phần do bệnh Parkinson, một phần do
bệnh dây thần kinh (motor neurone disease) (theo như lời của Bác
sĩ riêng Lý Chí Tuy), cộng với bệnh tim và bệnh phổi do hút nhiều
thuốc lá. Vào thời gian này, Mao đành thụ động, khiến cho các phe
nhóm trong đảng Cộng sản Tầu tranh giành quyền lực.
7/ Mao Qua Đời.
Trong nhiều tháng trường trước khi
chết, sức khỏe của Mao đã suy giảm và ông ta không thể xuất hiện
trước công chúng. Mao qua đời, thọ 82 tuổi, vào ngày 9 tháng 9
năm 1976, lúc 10 phút quá nửa đêm, tại Bắc Kinh. Thi hài của Mao
được quàn tại Đại Sảnh Đường Nhân Dân (the Great Hall of the
People) và một buổi lễ Tưởng Niệm được tổ chức tại Quảng Trường
Thiên An Môn vào ngày 18/9/1976.
Về sau, xác của Mao được đặt trong
“Lăng Mao Trạch Đông” (the Mausoleum of Mao Zedong) mặc dù trước
kia, ông ta đã từng ước mong được hỏa táng theo như đề nghị vào
tháng 11 năm 1956, là các nhà lãnh đạo trung ương sẽ được hỏa
táng sau khi chết (the Proposal that all Central Leaders be
cremated after death).
Sau khi Mao qua đời và theo như nhiều
người tiên đoán, đã có một cuộc tranh giành quyền lực giữa các
phe nhóm để kiểm soát nước Trung Hoa. Một bên, được gọi là các kẻ
khuynh tả (the leftists) do nhóm Tứ Nhân Bang (the Gang of Four =
Bè Lũ Bốn Tên) đứng đầu là Giang Thanh, những người này muốn tiếp
tục chính sách quần chúng cách mạng đấu tranh. Phía bên kia là
các kẻ khuynh hữu (the rightists) gồm hai nhóm: nhóm thứ nhất do
Hoa Quốc Phong (Hua Guofeng) chủ trương trở về phương pháp hoạch
định trung ương (central planning) cùng với kiểu mẫu Liên Xô,
nhóm thứ hai là các người cải tổ(reformers) do Đặng Tiểu Bình dẫn
đầu, muốn canh tân nền kinh tế của Trung Hoa căn cứ vào các chính
sách hướng về thị trường (market–oriented policies) và không đề
cao các “ý thức hệ Mao–ít” khi quyết định các chính sách kinh tế
và chính trị.
Cuối cùng, nhóm ôn hòa và Đặng Tiểu Bình đã thắng nhóm Tứ Nhân
Bang và nhóm Hoa Quốc Phong trong một cuộc tranh quyền không đổ
máu.
8/ Tôn
Thờ Lãnh Tụ Mao.
Nhiều người Trung Hoa cho rằng Mao
Trạch Đông là một đại lãnh tụ trong phần trước nhưng hư hỏng vào
phần sau của cuộc đời. Khi còn sống, Mao đã khiến cho mọi người
dân phải tôn thờ mình. Mao đã tạo nên các hình ảnh chứng tỏ rằng
mình là kẻ thù của các địa chủ, của các thương gia, kẻ thù của
các đế quốc Hoa Kỳ và phương Tây, đồng thời là bạn của các nông
dân và công nhân nghèo khó. Khi sự tôn thờ lên tới điểm cao nhất,
Mao được người dân ca tụng là Bậc Thầy vĩ đại, Vị Lãnh Tụ vĩ đại,
Vị Chỉ Huy Tối Cao vĩ đại và Nhà Dìu Dắt vĩ đại (the Four Greats:
Great Teacher, Great Leader, Great Supreme Commander, Great
Helmsman).
Có
người cho rằng sự tôn thờ cá nhân đi ngược với các ý tưởng căn
bản của chủ nghĩa Mác Xít. Tuy thế, Stalin đã bắt đầu các công
việc ca tụng chính mình và Lenin, mặc dù Lenin đã nói không muốn
hậu thế dựng nên các đài kỷ niệm sau khi ông ta qua đời.
Nhân cuộc Đại Hội Đảng năm 1958 họp tại
Thành Đô (Chengdu), Mao đã nói: “Có hai loại tôn thờ cá nhân. Một
loại tôn thờ tốt, đó là đề cao các nhân vật như Marx, Engels,
Lenin và Stalin, bởi vì họ đã cầm được chân lý trong tay (they
hold the truth in their hands). Loại kia là tôn thờ xấu nghĩa là
tôn thờ không phân tích và mù quáng”.
Vào năm 1962, Mao đề nghị Phong Trào
Giáo Dục Xã Hội Chủ Nghĩa (the Socialist Education Movement) để
bảo vệ giới nông dân khỏi bị chế độ phong kiến cám dỗ và tránh
khỏi mầm mống của chế độ tư bản mà ông ta đã nhìn thấy hiện đang
nhú lên tại các miền quê.
9/ Đời Tư Của Mao Trạch Đông.
Các đảng viên Cộng sản cao cấp là những
kẻ được hưởng rất nhiều đặc quyền, đặc lợi một cách rất kín đáo,
nên đời tư của họ không được người dân biết đến. Họ thường là
những con người tàn bạo, nhiều thủ đoạn, phạm nhiều tội lỗi, tham
nhũng, dâm đãng và hư hỏng nhưng khéo léo che giấu bên ngoài và
thường được mô tả sai sự thực. Mao Trạch Đông cũng không ra ngoài
thông lệ này và các bí ẩn về đời sống của Mao đã được mô tả một
phần do vị y sĩ riêng là Bác sĩ Lý Chí Tuy.
Mao Trạch Đông đã bị mất anh em, vợ và
các con vì chiến tranh và cách mạng, nên trở thành con người
không xúc động trước các đau khổ của người khác. Hàng triệu người
dân Trung Hoa chết đói sau phong trào Bước Đại Nhảy Vọt, các thảm
cảnh xảy ra cho người yêu cũ, cho các đồng chí cũ như các trường
hợp bi thương của Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài, Hạ Long... đã
không hề làm Mao bận tâm, và các người phục vụ cho Mao đều bị
quản chế, không cho tiếp xúc với bên ngoài để có thể tiết lộ đời
tư của nhà độc tài dâm đãng này.
Các cựu đồng chí hay nhân viên dưới
quyền đã từng cộng tác hay phục vụ Mao khi không tuân hành mệnh
lệnh, thường bị loại bỏ, nhốt tù, nhiều khi bị tiêu diệt do các
chỉ thị gián tiếp của Mao và trong hoàn cảnh Mao cần đến tài năng
của họ, vài người nếu còn sống sót có thể được gọi trở lại để
phục vụ một cách lạnh lùng như đối với những người chưa hề quen
biết. Mao đã từng đọc nhiều sách viết về các hoàng đế Trung Hoa
khi trước, nên biết rõ các cách tàn bạo của cổ nhân.
Đối với quần chúng bên ngoài, Mao cho
thấy mình sống rất giản dị nhưng thực ra, đã hưởng thụ rất nhiều
xa hoa. Mao sống trong một tòa nhà có hồ bơi bên trong, trong khu
vực Trung Nam Hải và không tiếp xúc với dân chúng đói khổ bên
ngoài, những hiểu biết về dân tình là do các nhân viên tin cậy
của Mao cung cấp sau khi họ đi điều tra sự việc. Sau khi nắm chức
vụ tối cao, Mao chỉ ra ngoài bằng xe lửa riêng, chế tạo đặc biệt
với các tiện nghi xa hoa tại Đông Đức. Trong thời kỳ nạn đói
khủng khiếp, các cán bộ địa phương đã trồng gấp các ruộng lúa
tươi tốt dọc theo hai bên đường xe lửa mà Mao sắp đi qua để xác
nhận các thành quả rực rỡ do chính sách nông nghiệp khôn ngoan
của vị Đại Lãnh Tụ. Cũng thế, nhiều tỉnh ủy địa phương cạnh tranh
nhau trong việc xây dựng các tòa nhà riêng đầy đủ tiện nghi dành
cho Mao Chủ Tịch, nhiều tòa nhà này chưa từng được Mao đến thăm.
Mao chỉ ngủ trên một chiếc giường gỗ to
lớn, chế tạo đặc biệt, được chở đi bằng xe lửa khi Mao đi du
hành, kê vào trong tòa nhà khi Mao nghỉ qua đêm và chuyên chở
bằng máy bay tới Moscow khi Mao thăm viếng Liên Xô. Đồ ăn đăc
biệt trồng trọt trong một nông trại gần Bắc Kinh cũng được chở
tới nơi Mao đang đi công tác và các món ăn đều được nếm thử
trước. Mao ưa thích ăn bánh bao (bao zi) và một loại cơm hấp, với
nước tương (soy sauce).
Nhiều người tin rằng Mao sống một cuộc
đời không có bạn bè, vì vậy đảng và các cơ quan chính trị thường
hay cạnh tranh với nhau trong việc tuyển lựa các thiếu nữ trẻ
đẹp, có nguồn gốc nông dân vô sản, có cơ thể khỏe mạnh để mua vui
cho vị Đại Lãnh Tụ. Hàng tuần vào chiều ngày Thứ Tư, một buổi dạ
vũ được tổ chức để Mao thoải mái và trong khung cảnh vui tươi
này, Mao sẽ chọn một thiếu nữ để ngủ qua đêm bởi vì Mao là một
con người rất dâm đãng. Ngoài ra còn có các cuộc tranh tài bóng
bàn tổ chức bên trong tòa lâu đài để Mao giải trí.
Sức khỏe của Mao là một bí mật tuyệt
đối nhưng cũng là điều mà mọi người muốn biết khi vị đại lãnh tụ
này còn sống. Mao mắc bệnh lo lắng, trầm cảm, mất ngủ, thường
xuyên phải dùng thuốc an thần với liều lượng cao và không hề quan
tâm tới thời gian trong ngày, bởi thế các nhân viên thân cận của
Mao phải túc trực vì có thể bị gọi trình diện bất cứ lúc nào khi
cần, không cần biết ngày hay đêm. Mao hiếm khi tiếp đón các chính
khách nước ngoài.
Mao không bao giờ tắm, thường lau mình
bằng khăn tẩm nước nóng vì vậy, theo cuốn sách “Đời Tư của Mao
Chủ Tịch” (the Private Life of Chairman Mao) của Bác sĩ Lý Chí
Tuy, Mao đã truyền bệnh hoa liễu cho hàng ngàn thiếu nữ, khiến
cho các bác sĩ luôn luôn bận việc chữa trị cho họ. Trong cả đời,
Mao không bao giờ chải răng mà ưa thích xúc miệng bằng nước trà
xanh, khiến cho răng lợi bị nhiễm trùng. Sức khỏe suy yếu của Mao
đã được giấu kín tối đa, lại được quảng cáo bằng các hình ảnh Mao
bơi lội trên dòng sông Dương Tử.
10/ Di Sản Của Mao Trạch Đông.
Nhiều người đã tranh luận về di sản của
Mao Trạch Đông kể từ khi Mao qua đời vào năm 1976. Các người Hoa
hiện đang sinh sống trên lục địa tiếp tục coi Mao là vị kiến trúc
sư chính đã xây dựng lại nước Trung Hoa mới. Họ tin rằng Mao là
một lãnh tu vĩ đại lúc ban đầu nhưng bị hư hỏng (corrupt) và đã
phạm phải các lỗi lầm to lớn khi đã nắm quyền lực và nhất là về
phần cuối đời. Theo ông Đặng Tiểu Bình, Mao đúng 70% và sai 30%,
và phần đóng góp được coi là chính, phần lỗi lầm bị coi là phụ.
Một số đảng viên cộng sản lại coi Mao chịu trách nhiệm về việc
kéo nước Trung Hoa ra xa nước đồng minh cộng sản là Liên Xô trong
khi các người chủ trương tách khỏi Liên Xô bị coi là theo con
đường tư bản chủ nghĩa.
Có người chỉ trích Mao đã không khuyến
khích việc kiểm soát sinh đẻ vì trong khoảng thời gian từ cuộc
Chiến Tranh Nha Phiến tới cuộc Nội Chiến, dân số Trung Hoa là 400
triệu đã tăng lên 57% thành 700 triệu, và về sau các nhà lãnh đạo
kế tiếp đã phải đưa ra chính sách “mỗi gia đình một con”. Nói
chung, mọi người đều công nhận rằng phong trào “Bước Đại Nhảy
Vọt” và cuộc “Cách Mạng Văn Hóa” đã là các “thảm họa” chính do
các chính sách của Mao.
Những người ủng hộ Mao cho rằng nhờ có
Mao, nước Trung Hoa chấm dứt được “100 Năm Tủi Nhục” (a Century
of Humiliation) khỏi các đế quốc tây phương và trở nên một cường
quốc, và nền kinh tế và xã hội của nước Trung Hoa được phát
triển. Họ cho rằng trước năm 1949, tỉ lệ mù chữ ở lục địa Trung
Hoa là 80% và tuổi thọ ở mức 35 tuổi, nhưng sau khi Mao qua đời,
tỉ lệ mù chữ còn 7% và người dân sống lâu trên 70 tuổi. Mao cũng
được coi là có công trong việc cải tiến các quyền lợi của phụ nữ,
bằng cách tiêu hủy nạn mãi dâm và nạn này đã quay trở lại khi ông
Đặng Tiểu Binh và các nhà lãnh đạo Trung Quốc sau Mao, đã cho
phép nền kinh tế được hưởng tự do. Thực ra, nạn mù chữ và tuổi
thọ đều được cải tiến tại các quốc gia gần với Trung Hoa như Đài
Loan, Ấn Độ, nhưng Trung Hoa tiến bộ hơn về nền y tế nông thôn và
công việc phân phối thực phẩm công cộng.
Mao còn được coi là nhà chiến thuật và
chính trị xuất sắc trong cuộc Nội Chiến và chiến tranh Triều
Tiên, với các bài viết về quân sự đã ảnh hưởng lớn tới những
người muốn tạo ra các cuộc nổi loạn cũng như tìm hiểu cách dẹp
nổi loạn, và trái lại, ý thức hệ của Mao thì không thể áp dụng
được vì thường gây ra kinh hoàng. Loại ý thức hệ này đã ảnh hưởng
tới vài quốc gia cộng sản kể cả các phong trào nổi dậy của các
quốc gia thuộc thế giới thứ ba, như miền Bắc Việt Nam, Căm Bốt
(Khmer Đỏ), Peru (Con Đường Sáng = Shinning Path), Nepal với
phong trào cách mạng, với kết quả là cảnh tàn sát hàng triệu sinh
mạng như tại Căm Bốt, cảnh giết hàng trăm ngàn nạn nhân vô tội
trong cuộc đấu tố địa chủ tại miền Bắc Việt Nam, và đặc biệt
trong trận chiến tranh Triều Tiên (1950–1953), do sự chấp thuận
của Mao, Bắc Hàn đã xâm lăng Nam Hàn gây ra cảnh đổ máu, với một
triệu binh lính Trung Cộng chết vì chiến đấu cho Bắc Hàn, trong
số này có cả người con trai của Mao là Mao Ngạn Anh (Mao Anying).
Từ khi Mao qua đời, nước Trung Hoa đã
đi lệch khỏi “chủ nghĩa Mao Ít” (Maoism) và nhiều người cho rằng
các cải tiến do ông Đặng Tiểu Bình là cách phản bội những di sản
(legacy) của Mao Trạch Đông.
Một cuốn sách đã chỉ trích Mao Trạch
Đông nặng nề, đó là cuốn “Mao: Câu Chuyện Chưa Biết” (Mao: the
Unknown Story) do Jung Chang và Jon Halliday. Các tác giả này tin
rằng Mao đã “chế tạo” ra các huyền thoại về quá khứ và tuổi trẻ
của mình, làm tốt đẹp hình ảnh mình biến thành một “anh hùng của
nhân dân” (people’s hero) trong khi thực sự, Mao là một con người
tàn ác, và các biến cố của cuộc Vạn Lý Trường Chinh đều sai sự
thực.
Qua thế kỷ
21, người dân Trung Hoa không còn phải học hỏi các lý thuyết cộng
sản của Mao nữa. Trong lần kỷ niệm ngày Giỗ thứ 25 của Mao, chính
quyền Trung Cộng chỉ nhắc nhở sơ sài đến “Mao Chủ Tịch”, trái hẳn
với các cuộc mít tinh và hội thảo được tổ chức rầm rộ vào năm
1993 nhân 100 ngày Sinh của Mao.
Không giống như Nikita Khrushchev đã
từng lên án “chế độ bạo tàn” của Joseph Stalin, chính quyền Trung
Cộng không chính thức phủ nhận các chiến thuật của Mao.
Vào giữa thập niên 1990, hình chân dung
của Mao Trạch Đông đã được in trên loại tiền “nhân dân tệ”
(renminbi) nhưng vào ngày 13 tháng 3 năm 2006, tờ Nhân Dân Nhật
Báo (the People’s Daily) tường thuật rằng đã có đề nghị thay thế
chân dung của Mao trên loại tiền nhân dân tệ kể trên, bằng các
chân dung của hai ông Tôn Dật Tiên và Đặng Tiểu Bình.
Phạm Văn Tuấn
(Đặc San Lâm Viên)
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia.
https://en.wikipedia.org/wiki/Mao_Zedong
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by ĐSLV chuyển
Đăng ngày Thứ Ba, November 15, 2022
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang