Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện
ngắn
Chủ đề:
QH30–T4Đ
Tác giả:
Điệp Mỹ Linh
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Nhạc “Ngụy” bị cấm,
nhạc “cách mạng” thì cứ bao nhiêu bài đó, đàn hát hoài đến nhàm!
Nhưng điều khó xử là Trực nhất quyết không đàn hoặc hát nhạc
“cách mạng”! Kỳ này, nhân có phái đoàn cao cấp đến “tham quan”,
cần có vài tiết mục khác lạ để buổi văn nghệ thêm khởi sắc, ông
Chánh – Bố của Trực, ở tù cùng trại cải tạo với Trực – xin ban
quản giáo cho phép hát nhạc ngoại quốc. Cán bộ hỏi “nhạc ngoại
quốc” là nhạc gì? Ông Chánh đáp nhạc của Pháp, Anh, Mỹ. Cán bộ
bảo đó là “nhạc nước ngoài”. Ông Chánh không dám cười, chỉ “dạ”.
Cán bộ bảo nếu muốn như thế thì bảo ai hát bài gì, người đó phải
viết lời ca ra làm ba bản để ban quản giáo bảo ba người khác nhau
dịch sang tiếng Việt. Nếu cả ba lời dịch đều giống nhau, nghĩa là
không có ý đồ chống phá “cách mạng” thì cán bộ sẽ chấp thuận.
Sau khi Trực viết lời ca lên ba tờ giấy
khác nhau, thấy tựa đề, ông Chánh thở dài, vì hiểu Summer
là mùa Hè, có nơi gọi là Hạ. Vợ của Trực tên Ngọc Hạ! Trao ba tờ
giấy cho cán bộ, ông Chánh và Trực đều nghĩ rằng ban quản giáo sẽ
bảo “người của cách mạng” dịch; không ngờ, ba sĩ quan “Ngụy” được
gọi lên, ngồi ba nơi riêng rẽ để dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt
tình khúc Summer’s gone của Paul Anka.
Đêm trình diễn, trong hội trường được
lợp bằng tranh, vách bằng cây tre, tiếng hát nồng nàn của Trực
vang lên:
“Summer’s
gone and no songbirds are singing.
Because you’re gone, gone from my arms,
gone from my lips but you’re still in my heart...”
Mọi người bị tiếng ca nức nở của Trực
thu hút hoàn toàn. Trong khi những sĩ quan “Ngụy” cao cấp lặng
người, tưởng như được sống lại thời gian cuối thập niên 50 và đầu
thập niên 60, khi nhạc Mỹ và nhạc Pháp được phổ biến tràn ngập cả
miền Nam thì những sĩ quan “Ngụy” trẻ lại cảm thấy não lòng; vì
nhiều vị đã thầm thì “ngân nga” những lời ca ướt lệ này khi hay
tin vợ tử nạn trên đường thăm nuôi hay vợ vượt biển hoặc vợ lấy
cán bộ!
Riêng
Trực, theo tiếng guitar trầm trầm, đều đều trong giai
điệu slow và giọng ca nghẹn ngào của chính chàng:
“...
What to do?
Oh, I’m left here just
crying over you.
Oh, I’m so blue!
What can I do, now that you are gone?...”
Trực tưởng như chàng có thể thấy lại
được dòng người tuôn về Bộ Chỉ Huy Hải Quân Vùng I Duyên Hải để
tìm phương tiện di tản! Tiếng gào khóc của đoàn người khổ nạn
không thể nào át được tiếng hỏa tiễn 122ly của cộng sản Việt Nam
(csVN) bắn liên tục, bắn dai dẳng, bắn điên cuồng vào đoàn người
đang tìm đường lánh nạn! Trực “loay hoay” tìm Ngọc Hạ; nhưng tìm
không ra và chàng cứ bị sức đẩy của dòng người dồn về phía trước.
Mỗi khi hỏa tiễn của csVN rơi vào khoảng nào của dòng người thì
nhóm người nơi vùng đó gục xuống, tạo thành một khoảng trống với
xác người bầy nhầy và máu! Nhưng chỉ vài giây sau, đoàn người lại
dẫm cả lên xác người thân để chạy, hy vọng sẽ thoát được “lò sát
sinh” do csVN tạo nên! Là một sĩ quan chỉ phục vụ các đơn vị tác
chiến Hải Quân, Trực không còn lạ gì với máu và xác người. Nhưng
khi máu và xác người đó là của người dân không khí giới để tự vệ
thì sự phẫn uất ngập cả hồn chàng! Nhưng, Trực đành bất lực, để
dòng người xô đẩy...
Nghĩ đến đây, bao nhiêu thương nhớ trào
dâng ngập lòng, giọng Trực nghẹn ngào:
“...
The days, they prolong now that you’re gone.
My nights, they leave me blue (you’re so blue).
I don’t know why there are tears in my eyes.
Can it be that I’m still in love with you?...”
Khi Trực cúi chào, cả hội trường vẫn im
lặng; phải vài tích tắc sau tiếng vỗ tay mới vang lên dòn dã và
kéo dài cùng với nhiều tiếng “bis... bis... “ từ tù
nhân.
Nơi hàng
ghế đầu tiên, nhiều nhân vật quan trọng của “bên thắng cuộc” chợt
xôn xao:
–
Chúng nó “hô” cái gì thế?
Đại tá Bùi cười, vẻ mặt rất tự hào:
– Chúng nó yêu cầu hát lại hoặc hát
thêm đấy.
– Ui
giời! Sao đồng chí biết?
Ông Bùi chưa kịp trả lời thì Trực nói
vào micro:
– Xin cảm ơn quý vị và các bạn. Tiếp
theo đây, tôi xin trình bày ca khúc Diana cũng của Paul Anka.
Trong tiếng vỗ tay vang dội, tiếng
guitar của Trực dạo Cha Cha Cha rộn rã. Nhìn Trực
gật gật đầu, hai vai lắc lắc và đôi chân nhún nhảy liên hồi, tất
cả cán bộ và vệ binh hiện diện đều tự thẹn về những lúc nắm tay
nhau nhảy “xôn đố mì” chân đưa qua đưa lại như trẻ con nhảy “lò
cò”. Cả hội “trường tre” dường như sôi động hẳn lên. Những người
tù dường như quên những tháng ngày nhục nhằn, đói khổ để nhớ về
khoảng thời gian tươi trẻ trong một xã hội với nền giáo dục cao
và đầy nhân bản. Phải đến phân đoạn thứ hai tiếng vỗ tay mới lắng
xuống và mọi người mới nghe:
“...
Cause forever I will pray
You and I will
be as free as the birds up in the trees.
Oh, please stay by me, Diana...”
Sáng sớm hôm sau, Trực bị mời lên “làm
việc” với ban quản giáo. Trực thầm nghĩ, có lẽ vì bài Diana chưa
được dịch sang tiếng Việt để trình ban quản giáo và mấy chữ “You
and I will be as free as the birds up in the trees” làm cho ban
quản giáo nghĩ rằng Trực có ý tưởng phản động, muốn trốn trại.
Nhưng nghĩ lại, nếu ban quản giáo hiểu tiếng Anh thì họ đã không
gọi ba sĩ quan “Ngụy” dịch bài Summers gone! Ý nghĩ này
giúp Trực yên tâm.
Bước vào phòng, Trực nhận ra ngay người
ngồi sau chiếc bàn gỗ là Đại tá Bùi – người Trực đã gặp tại nhà
ông bà Chánh, sau khi Trực từ Đà Nẵng trở về bằng đường bộ. Trực
gật đầu chào. Ông Bùi chào lại, chỉ chiếc ghế:
– Anh ngồi đi, chúng ta nói chuyện.
Trực bình thản ngồi vào ghế, nhìn ông
Bùi, như sẵn sàng cho những hình phạt hoặc những lời lẽ nặng nề.
Ông Bùi thong thả:
– Anh nhận ra tôi chứ?
Làm sao Trực có thể quên được buổi
chiều, sau nhiều ngày theo đoàn người di tản bằng đường bộ, trên
lưng cõng cu Bê – đứa con đầu lòng – Trực về đến nhà, thấy một
Đại tá csVN đang ngồi “thù lù” cạnh ông Chánh nơi mái hiên trước
ngôi biệt thự của gia đình! Trong khi ông Chánh vui mừng, rối rít
gọi bà Chánh thì Trực “lừ lừ” bước lên mấy bậc cấp, nhìn ông Bùi
bằng ánh mắt đầy phẫn hận! Vờ như không thấy ánh nhìn của Trực,
ông Chánh giới thiệu Trực với Đại tá Bùi. Ông Bùi và Trực chỉ gật
đầu chào chứ không bắt tay. Ông Chánh cố ý vừa đẩy nhẹ Trực vào
nhà vừa nháy mắt với bà Chánh.
Bà Chánh theo Trực về phòng của bốn anh
em trai của Trực. Bà vội gỡ tấm khăn trải giường dùng để quấn
ngang lưng của Trực cho cu Bê khỏi tuột, rồi đóng cửa phòng, bế
cu Bê về phòng của ông bà, dỗ cho cu Bê ngủ tiếp.
Còn lại một mình, Trực cố nhớ lại những
lần ông Chánh kể chuyện với bạn hữu về thời gian Ông theo kháng
chiến chống Tây, vợ con đói khổ vì Việt Minh áp dụng chính sách
“bần cùng hóa nhân dân”, “tiêu thổ khán chiến” và Việt Minh cũng
quyết tâm cho những thành phần trí thức “ra rìa”.
Trong khi ông Chánh bị cấm dạy Pháp văn
cho học sinh thì, mỗi tối, nhiều cán bộ vẫn kín đáo đến nhà ông
Chánh học văn hóa, Pháp văn và nhạc; trong số cán bộ này có một
người trẻ rất ham học, tên Bùi. Bùi rất quý ông Chánh và Bùi cũng
thầm mê bà Chánh; vì, vào thời điểm đó, những thiếu phụ có văn
hóa và xuất thân từ tỉnh thành – như bà Chánh – rất khó tìm tại
Liên Khu V.
Bất ngờ Bùi hay tin ông Chánh trốn khỏi “vùng khán chiến”, đưa
gia đình về lại “vùng bị chiếm”. Bùi không ngạc nhiên, vì sau khi
nhận rõ bản chất bóc lột, tàn ác, dối trá và dã man của Việt
Minh, nhiều cán bộ – trong đó có Bùi – đã đổi danh từ “kháng
chiến” thành “khiến chán” và tìm cách trốn về Thành. Bùi nghĩ,
những người như ông Chánh, khi về Thành họ dễ hội nhập vào xã hội
văn minh; còn Bùi, lớn lên từ nơi “cày lên sỏi đá” và chỉ với số
vốn văn hóa và Pháp văn khiêm nhường nhờ ông Chánh dạy thì Bùi
chỉ có thể làm “cu ly”! Thôi, chi bằng Bùi cứ theo Việt Minh,
biết đâu “sống lâu lên lão làng”.
Năm 1954, Bùi tập kết ra Bắc. Thỉnh
thoảng nghe Bùi “xi lô xi la” vài câu tiếng Pháp, nhiều cán bộ
cao cấp nghĩ rằng Bùi thật sự có trình độ và họ đề nghị cấp Trên
cho Bùi sang Nga du học. Từ đó, con đường công danh của Bùi thênh
thang.
Sau
30/04/1975, nhân chuyến ghé thăm Bách – con của Đại tá Bùi – làm
trưởng Ty Công An, ông Bùi mới tìm ra ông Chánh. Bằng vào những
trải nghiệm đau lòng của chính mình suốt thời gian theo cộng sản,
ông Bùi đang trách ông Chánh tại sao không tìm cách đưa gia đình
di tản, thì Trực thất thểu bước vào nhà...
Bây giờ, bất ngờ gặp lại tên caVN đã
ngồi “chần dần” ngang hàng với Bố mình cách nay không lâu, Trực
hờ hững đáp:
–
Vâng.
– Anh có
tài, giống ông Cụ anh. Tôi không muốn tài nghệ của anh bị mai một
nơi xó núi này. Tôi đã đọc hồ sơ “ný nịch” của anh và biết anh
dạy Anh ngữ rồi bị động viên, đúng không?
– Vâng.
– Tôi muốn tạo điều kiện để anh có cơ
hội phát triển tài năng.
– Ba tôi, anh tôi, bạn tôi và tôi bị
kêu gọi đi học tập cải tạo, bảo đem theo tiền ăn cho 10 ngày;
nhưng đến bây giờ là bao nhiêu lần 10 ngày rồi, chúng tôi vẫn còn
trong tù? Vì vậy, tiếng Việt của “cách mạng” chúng tôi không
hiểu. Đại tá vui lòng nói rõ hơn.
– Tôi muốn đề nghị cấp trên cho anh về
thành phố – dưới sự giám sát chặt chẽ của công an khu vực – để
anh dạy tiếng Anh và dạy nhạc cho người của chúng tôi. Tôi cũng
muốn sẽ đề nghị cấp trên xét lại để hủy bỏ vấn đề cấm đoán nhạc
miền Nam và nhạc nước ngoài.
Im lặng! Ông Bùi tiếp:
– Anh nghĩ như thế nào?
– Nếu đó là lệnh, tôi phải vâng lời;
nếu không thì...
Trực mím môi, bỏ lửng câu nói. Tâm
trạng của Trực bây giờ cũng tương tự như tâm trạng của chàng vào
hôm chàng gặp Đại tá Bùi lần đầu tại nhà ông Chánh. Hôm đó, sau
khi bị ông Chánh đẩy xa ông Bùi, Trực ném về phía ông Bùi ánh mắt
đầy phẫn hận rồi đi thẳng vào phòng của mấy anh trai, gục đầu vào
lòng bàn tay trong niềm thống khổ và phẫn uất tột cùng! Một lúc
lâu vẫn không tự chế được, Trực đứng lên, vung tay đấm mạnh vào
mặt kính của tủ đựng quần áo! Tiếng động lớn, tiếp theo là tiếng
mảnh kính rơi khiến ông bà Chánh hốt hoảng chạy vào, thấy tay của
Trực rướm máu vì vết xước của kính. Tiếng động lớn rồi nhiều
tiếng “loảng xoảng” cùng thái độ của ông bà Chánh khiến ông Bùi
nghĩ đến ánh nhìn “tóe lửa” của Trực lúc nãy, ông Bùi cảm biết có
điều bất ổn, vội âm thầm rời nhà ông Chánh.
Nhớ ánh mắt đầy thống hận của Trực và
tiếng động tại nhà ông Chánh và bây giờ nghe câu trả lời miễn
cưỡng của Trực, ông Bùi có vẻ hơi “bức xúc”:
– Thì sao? Anh từ chối à?
– Vâng! Nếu có sự lựa chọn, tôi xin
được ở lại trại tù này!
– Tại sao anh lại hành động như thế?
Trực nhớ – sau khi ông Bùi rời nhà ông
bà Chánh – ông Chánh đã giải thích với Trực rằng ông Bùi rất thất
vọng khi biết đại gia đình ông bà Chánh không di tản! Ông Bùi
khuyên ông Chánh nên tìm mọi cách đưa gia đình “đi đi”; ở lại,
những thành phần như ông Chánh và bốn người con trai của Ông Bà
sẽ bị trả thù, khốn khổ đến ba đời, sống không nổi đâu!
Lý do ông Chánh không đưa gia đình di
tản vì bốn người con trai của Ông Bà bị kẹt ngoài Trung, ông
Chánh không nỡ ra đi; nhưng ông Chánh không dám nói thật với ông
Bùi mà ông Chánh lại bảo Ông không muốn di tản vì Ông còn tin
tưởng và chờ đợi những người bạn thời kháng chiến – như ông Bùi –
trở về! Ông Bùi cười khẩy, lắc đầu, bảo ông Chánh gặp khó khăn gì
thì “niên hệ” với Bách. Ông Bùi đã có những lời nhân nghĩa như
vậy; nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Trực đáp:
– Tôi đã mất tất cả. Vợ tôi thất lạc
khi quân của “cách mạng” nã hỏa tiễn 122ly vào đoàn người di tản,
không vũ khí tự vệ! “Cách mạng” đã tịch thu tất cả tài sản của
Cha Mẹ tôi, của các anh tôi, bắt Cha, các anh tôi và tôi đi tù
rồi đuổi Mẹ và các em gái của tôi đi kinh tế mới...
Ông Bùi cố giữ bình tĩnh, chận ngang:
– Những chuyện đó đã qua rồi. Hãy nhìn
vào thực tế và bản thân anh xem anh cần gì?
– Tôi chỉ còn Cha và ba người anh đang
ở tù. Tôi muốn ở lại đây để cùng chia xẻ những đắng cay, cơ cực
và nhục nhằn với Cha và các anh tôi.
Ông Bùi ngạc nhiên:
– Thế ông Chánh cũng cải tạo ở đây à?
– Ba tôi là Trưởng Ty Công Chánh, là
một công chức. Ba tôi không đích thân cầm súng bắn các ông thì Ba
tôi có tội gì mà phải cải tạo? Nếu Ba tôi có cầm súng – như chúng
tôi – để bắn các ông thì cũng vì các ông khởi đầu và cứ tiếp tục
cuộc chiến xâm lăng miền đất mà chính phe các ông đã ký vào Hiệp
Định Genève, đồng ý chia hai; rồi năm 1973, phe các ông lại ký
hiệp định ngưng bắn, rồi cũng chính phe các ông vi phạm nặng nề.
Thế thì tại sao gọi chúng tôi là kẻ có tội?
– Anh giữ mồm!
– Tôi là lính. Tôi không biết sợ. Người
lính miền Nam chỉ chiến đấu cho Tổ Quốc, cho Quê Hương chứ người
lính chúng tôi không bị nung nấu căm hờn để “thề
phanh thây uống máu quân thù”
(1)
chỉ với mục đích tôn vinh cá nhân ông Hồ hay đảng cộng sản!
Biết Trực nói đúng, nhưng bản chất cộng
sản bừng lên, ông Bùi đập bàn, quát:
– Anh dám xúc phạm đến Bác và Đảng! Quỳ
xuống, nhìn ảnh Bác mà xin lỗi!
Trực nhìn ông Bùi cũng với ánh nhìn
“tóe lửa” như khi chàng thấy ông Bùi lần đầu tại nhà ông Chánh:
– Tôi chỉ quỳ một lần – trong lễ mãn
khóa sĩ quan Hải Quân – để thề trung thành với Tổ Quốc thôi!
– Mày có quỳ hay không thì bảo?
– Tôi không quỳ!
Ông Bùi đập bàn, quát:
– Vệ binh!
Vệ binh bước vào. Ông Bùi vừa đứng lên
vừa bảo:
– “Xử
ný” nó!
******
Sau khi
trôi dạt từ Đà Nẵng vào Phú Quốc, rồi từ Phú Quốc đến Guam, trở
về bằng thương thuyền Việt Nam Thương Tín, vào tù – ngắn hạn – và
mãn tù, Ngọc Hạ tần ngần, đứng trước ngôi nhà mà đám cưới của
nàng và Trực được tổ chức rất trang trọng sau khi nàng tốt nghiệp
đại học sư phạm. Nghĩ rằng có thể Trực và cu Bê đã trở về đây,
nhưng sao Ngọc Hạ lại cảm thấy xa lạ quá! Nhìn quanh hàng xóm,
nàng không thấy một người quen! Giữa khi Ngọc Hạ bơ vơ, chưa biết
phải làm gì thì một người đàn ông trẻ, từ trong nhà bước ra, hỏi:
– Chị cần gì?
– Ông làm ơn cho biết ông bà Chánh còn
ở đây không?
–
Chị “nà” gì của cụ Chánh?
– Dạ, là dâu ạ!
– Thế thì mời chị vào. Cụ Chánh và Bố
tôi là bạn xưa đấy. Tôi tên Bách.
Câu nói của Bách làm Ngọc Hạ yên lòng.
Bách mở cổng, Ngọc Hạ vừa theo vào vừa đáp:
– Tôi tên Ngọc Hạ ạ!
Vẫn màu sơn ấy, vẫn bộ xa lông ấy, vẫn
bộ bàn ăn bằng gỗ lim ấy, vẫn chiếc TV nơi góc phòng và máy nghe
nhạc hiệu Sony nơi góc đối diện, nhưng gia đình Trực và cu Bê ở
đâu? Bách cho biết, mọi người đi đâu Bách không biết. Bách chỉ
biết Bách được “nhà nước” cấp cho ngôi nhà này!
Nhìn ra cửa, thấy màn đêm đang kéo về,
Ngọc Hạ khóc; vì nàng không biết sẽ làm gì và tá túc nơi đâu!
Bách nhỏ nhẹ an ủi:
– Chị bình tĩnh. Mọi việc sẽ “ổn” thôi,
vì có “cách mạng” “no”!
Ngọc Hạ vẫn im lặng, quẹt nước mắt!
Từ ngày vào Nam, thấy đa số phụ nữ miền
Nam xinh đẹp, tươi thắm, có học vấn và nhất là trông hiền lành,
đạo đức chứ không chua ngoa, đanh đá như những “cán bộ gái” mà
Đảng đã kết hợp để đảng viên hoặc cán bộ “quản lý”, Bách cứ dùng
dằng, chưa muốn đem vợ con vào. Bây giờ, bất ngờ thấy một thiếu
phụ trẻ, đẹp, trong tình cảnh khốn cùng, lòng Bách nảy sinh ý
tưởng...
Trong
khi Ngọc Hạ thút thít khóc, Bách ngỏ lời an ủi:
– Chuyện đâu còn có đó, không nên quá
buồn phiền.
Thái độ từ tốn, tử tế của Bách làm Ngọc Hạ hơi yên lòng, hỏi về
bốn người con trai của ông bà Chánh. Bách bảo bây giờ đất nước
“giải phóng” rồi, “cách mạng” kêu gọi quân đội Sài Gòn tụ họp lại
để “cách mạng” truyền đạt “ý tưởng cách mạng và tư tưởng bác Hồ”,
trong thời gian ngắn thôi, không có gì phải lo lắng; ngoài ra,
“cách mạng” cũng đã ân cần chăm sóc thân nhân của quân đội Sài
Gòn bằng cách chuyển họ về sống gần với thiên nhiên, có cuộc sống
tự túc, tốt đẹp. Ngọc Hạ lại hỏi làm thế nào để tìm ra ông Chánh
và các con của ông bà Chánh? Bách đem ông Bùi ra khoe rồi hứa sẽ
nhờ ông Bùi tìm giùm. Ngọc Hạ muốn tìm con, vội hỏi làm thế nào
để biết vùng nào mà gia đình bà Chánh dời đến? Bách bảo Bách
không biết nhưng sẽ cố giúp. Nhận thấy Ngọc Hạ có vẻ tin tưởng,
Bách mời nàng dùng cơm tối. Thấy Bách không sàm sở gì, lại nghe
Bố của Bách là bạn của ông Chánh, Ngọc Hạ cảm ơn và theo Bách qua
bàn ăn.
Nhìn
Ngọc Hạ ăn uống và nói chuyện rất từ tốn, lễ độ, Bách thầm nhủ:
Thảo nào những thằng cán bộ vào Nam đều cố chinh phục vợ của sĩ
quan “Ngụy”!
Vừa và được vài miếng cơm, Ngọc Hạ thấy một người đàn ông cao
tuổi bước vào. Bách vui mừng, đứng lên:
– Ơ kìa, Bố! Bố đi đâu...
Bách chưa dứt câu, chợt nhận ra ánh mắt
tò mò của ông Bùi liếc nhanh về phía Ngọc Hạ. Bách cười, nháy
mắt:
– Bố dùng
cơm chưa? Con vừa mới ngồi vào thôi. Mời Bố cùng ăn với chúng con
cho vui. Đây “nà” Ngọc Hạ, con mới quen.
Trong khi Bách quay ra sau, bảo osin
lấy thêm chén đũa, ông Bùi ngồi vào ghế, gật đầu chào Ngọc Hạ.
Ngọc Hạ hơi nhổm người lên, chào lại. Ông Bùi thầm nghĩ, thằng
này “gớm” thật, mới đó mà hắn tìm đâu ra “con bé” xinh gái mà lại
trông lành thế này!
Trong bữa ăn, vì những điều xảy ra tại
trại cải tạo Nghĩa Phú làm ông bị “bức xúc” từ hôm qua đến nay,
lòng cảm thấy bất nhẫn, ông Bùi cứ lầm lỳ ăn, nét mặt đăm chiêu.
Nhận ra thái độ của ông Bùi và cũng vì cố tình không muốn ông Bùi
biết Ngọc Hạ là dâu của ông bà Chánh – vì ngại ông Bùi sẽ ngăn
cản ý đồ riêng của bách – Bách hỏi:
– Bố có gì khó nghĩ, phải không?
– Cũng chả có gì! Một thằng thì quá
bướng... Ừ, mà tại sao đa số bọn sĩ quan của “Ngụy” đều bướng và
chả biết sợ, nhẩy!
Bách nhìn ông Bùi,
chẳng hiểu gì cả. Ông Bùi tiếp:
– Mấy thằng vệ binh của mình cũng dã
man thật, hễ được dịp “nà” bọn vệ binh trả thù! Bảo chúng nó “xử
ný” thôi, thế mà chúng nó đánh chết con người ta!
– Con ai thế, Bố?
– Con của người bạn thời kháng chiến
với Bố, thế mới tội!
– Con của cụ Chánh à, Bố?
Ngọc Hạ giật mình, ngưng nhai, trố mắt
nhìn ông Bùi. Ông Bùi khẽ gật đầu. Bách xúc động về tình cảnh gia
đình của chủ ngôi biệt thự mà chàng đang chiếm ngụ, tò mò hỏi
tiếp:
– Thế
bốn thằng con của cụ Chánh thì thằng nào bị vệ binh đánh chết,
Bố?
– Thằng
Trực Hải Quân đấy!
Ngọc Hạ hét lên, vất chén đũa, tung ghế
chạy ra đường. Bách chạy theo trước ánh mắt ngỡ ngàng của ông
Bùi.
******
Nhiều
người lên Tháp Bà xin xăm cho những chuyến vượt biên đều thấy một
thiếu phụ trẻ, gầy gò, áo quần rách rưới, thường ngồi trên tảng
đá hát nghêu ngao, không đầu không đuôi, từ bài này bắt sang bài
khác:
“Giặc
từ miền Bắc vô đây,
bàn tay dính máu
đồng bào.
Giặc từ miền Bắc vô đây,
bàn tay vấy máu anh em...
Hận thù đó
chất cao trong lòng người!...”(2)
Trẻ em gọi thiếu phụ này là bà Điên.
Khi người nào đến gần, cử chỉ thân thiện hay cho tiền hoặc bánh
trái, bà Điên đều hỏi:
– Biết anh Trực chôn ở đâu không?
Ban ngày bà Điên chỉ hỏi câu đó. Nhưng
khi đêm về, nhìn dòng sông Cái xuôi ra biển, bà Điên chợt nhớ
khoảng không gian bao la của biển khơi vào những đêm dài trên
thương thuyền Việt Nam Thương Tín từ Guam trở về. Những đêm đó,
thương con, nhớ chồng, Bà Điên vừa quẹt nước mắt vừa “ngân nga”
những lời tình tự:
“...
Lonely rivers flow to the sea, to the sea...
Lonely rivers sigh Wait for me, wait for me.
I’ll be coming home, wait for me...”
(3).
Nghe báo cáo, nhóm công an lên bắt bà
Điên, còng tay. Bà Điên vẫn cười, hỏi:
– Biết anh Trực chôn ở đâu không?
Đám công an nạt:
– Địt mẹ, câm mồm!
Khi bị dẫn ngang nhiều người lớn và trẻ
em tò mò đứng dọc theo bậc cấp dẫn xuống đường, bà Điên vẫn cười
và hát.
“...
Người Việt Nam quên nòi giống.
Một ngục tù nuôi da vàng.
Người Việt nằm
nhớ nước non...”
(4).
Vì bà Điên thường hát tới hát lui bài
này, đám trẻ con thuộc. Thấy bà Điên bị tống vào xe, người lớn
thở dài xót thương trong khi đám trẻ con hát vang:
“Một
người già trong công viên.
Một người
điên trong thành phố.
Một người nằm
không hơi thở...”
(5).
Chiếc xe vừa nổ máy, những người tò mò
thấy bà Điên cố nhoài người ra, vừa cười vừa hát:
“...
Một ngục tù trên quê hương.
Người Việt
Nam quên nòi giống.
Người từng ngày xây
uất hận.
Rồi hình hài khuất núi non!...”(6).
Bà Điên vừa hát đến đây, mọi người thấy
một bàn tay bụm miệng Bà và một bàn tay khác nắm tóc Bà, ghì
xuống!...
ĐIỆP MỸ LINH
http://www.diepmylinh.com
(1) –
Quốc ca
cộng sản V.N.
(2)
– Giặc Cờ Đỏ của Cục
Chính Huấn VNCH
(3)
– Unchained Melody của H. Zaret, A. North
(4), (5), (6)
– Ngày Dài Trên Quê Hương của Trịnh Công Sơn
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Điệp Mỹ Linh chuyển
Đăng ngày Chúa Nhật, February 20,
2022
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang