Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện
ngắn
Chủ đề:
Xuân
Tác giả:
Điệp Mỹ Linh
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Kéo
seat belt xong, nghe tiếng hát từ CD, bà Vân ngạc nhiên, hỏi
Kimberly – con gái của Bà – bằng tiếng Anh; vì Kimberly sinh tại Mỹ:
–Kim! Con nghe nhạc Việt à?
Vừa cho xe chạy từ từ Kim vừa “dạ”.
–Làm thế nào con hiểu được?
–Hiểu lời ca hay không, không thành vấn
đề; vấn đề là nhạc hay thì con nghe.
–Con nói đúng. Nền âm nhạc Việt Nam trước
năm 1975 là một kho tàng nghệ thuật.
Kim im lặng lái xe. Bài hát dứt. Tình khúc
kế tiếp được bắt đầu bằng dòng nhạc nghe rất quen; rồi bà Vân nghe
tiếng hát ngọt ngào:
“Mây cuốn
mịt mù che khuất ánh sao.
Lạnh lùng sương
xuống đã lâu...”
Bà Vân thở dài, nhìn ra khoảng không gian
mênh mông của một chiều Xuân nhạt nắng, như muốn tìm lại hình ảnh
Quân – người yêu thời thơ dại của Bà. Tiếng hát vẫn tha thiết, dịu
dàng:
“...
Nhìn sao thề rằng yêu mãi người ơi!
Dù nhiều giông tố trong đời;
dù cho ngàn
sao đổi ngôi!...”
Bà Vân xoay mặt sang phải để Kim không
thấy mắt Bà đang nhòa lệ.
Theo dòng nước mắt hoen mờ, bà Vân tưởng
như thấy được hình ảnh Quân lung linh trong nắng chiều. Không gian
đã khác, thời gian đã lâu, nhưng hình ảnh của Quân vẫn hiên ngang –
pha chút ngạo mạn – như buổi chiều Xuân xưa, nơi “tòa án nhân dân” ở
kinh tế mới Xuân Hưng!
Bìa rừng tại kinh tế mới Xuân Hưng là nơi
con cháu của “Ngụy” mỗi ngày phải vào, tìm bất cứ thứ gì để phụ vào
kinh tế gia đình.
Thời bao cấp đó, Áng Vân chỉ là cô gái
thành thị, vừa chớm tuổi “dậy thì”. Áng Vân chẳng hiểu tại sao “bỗng
dưng (!)” Mẹ và ba chị em của nàng phải vào sống nơi rừng thiêng
nước độc này để Mẹ và chị phải “buôn đầu ngược, bán đầu xuôi”, Tuấn
– em của nàng – và nàng phải trở thành hai đứa trẻ mót củi/mót
khoai.
Áng Vân,
Tuấn và nhóm người mót củi/mót khoai thường ăn trưa chỉ với củ khoai
lang hay một khúc khoai mì. Như thường lệ, Áng Vân bảo Tuấn ăn xong
nên tựa bao cát đựng khoai để nghỉ trưa và cũng như canh chừng khoai
để người ta khỏi ăn cắp; rồi nàng đi xa xa khỏi nhóm người, tìm nơi
vắng vẻ, ngồi ăn một mình và suy gẫm về những điều mà khối óc non
nớt của nàng không thể hiểu được!
Vì không hiểu được những uẩn khúc của dòng
đời, Áng Vân cảm thấy buồn thương và tiếc nhớ những ngày tháng sum
vầy, hạnh phúc đã qua. Đôi khi buồn quá, Áng Vân “ngân nga” những
câu hát chợt đến trong hồn.
Một hôm đang “ngân nga” đến đoạn:
“... Nhưng
đã muộn làm sao níu giấc mơ,
tìm làm sao
những phút xưa...
Giờ đây ngoài trời im
vắng mình tôi,
tìm vì sao khuất bên trời,
thầm mơ một tinh tú rơi...”
Áng Vân chợt nghe tiếng lá khô xào xạc từ
phía sau. Quay lui, Áng Vân thấy một thanh niên cao, da sậm màu, mặc
quần đùi, áo thun rách, đang nhìn nàng và cười một cách rất thân
thiện. Áng Vân chỉ im lặng, nhìn thanh niên đó. Thanh niên vừa bước
đến gần vừa khen:
–Cô bé hát hay lắm. Mấy hôm nay anh nghe
văng vẳng hoài mà không biết ai hát.
–Sao chú không nghĩ đó là tiếng hát từ
radio?
Thanh niên
ngồi đối diện với nàng, đáp:
–Khắp vùng kinh tế mới này ai còn được cái
radio nào đâu mà nghe nhạc! Thêm nữa, nhạc “Ngụy” bị tụi nó cấm, đâu
ai dám nghe! Còn nếu tiếng hát từ radio thì phải có tiếng nhạc hòa
theo.
–Bộ chú
biết nhạc sao?
–Biết chút chút. Còn cô bé, chắc cô bé chơi đàn? Đàn gì, nói anh
nghe đi.
–Sao chú
biết em chơi đàn?
–Thấy ngón tay của cô bé dài và suông đuộc
thì biết chứ. Em chơi đàn gì?
–Dạ, hồi đó em chơi piano.
–Bây giờ cơm còn chưa có mà ăn thì làm sao
còn piano để em đàn! Tội nghiệp em!
Áng Vân cười buồn. Thấy nét mặt và ánh mắt
của Quân có vẻ như xa vắng, nàng hỏi:
–Hồi trước chú làm gì?
–Anh học Dược. Ồ, xin lỗi, chưa tự giới
thiệu với cô bé. Anh tên Quân. Em tên gì?
–Dạ, Áng Vân.
–Nhà anh ở ấp 11. Nhà em ở ấp mấy?
–Dạ, ấp 5.
–Gần mà. Hôm nào em “mót” được nhiều
củi/nhiều khoai, cho anh biết, anh xách về giùm. Anh đi rừng chặt
cây bán cho lò hầm than mỗi ngày.
–Chú xách củi và khoai của em rồi ai vác
cây cho chú? Em vác không nổi đâu!
–Người xinh như cô bé ai nỡ bắt vác cây
đâu mà lo! À, anh đâu đã già, tại sao em gọi anh bằng chú?
Áng Vân nhăn mũi, cười, lộ chiếc răng
khểnh rất dễ thương. Quân cũng cười, tiếp:
–Cho anh làm anh cô bé, được không? Anh
không có anh em gì hết.
Áng Vân cúi mặt, lặng im. Chỉ một thoáng
sau, Áng Vân đưa tay che mặt. Quân bối rối:
–Áng Vân! Tại sao tự dưng Áng Vân buồn quá
vậy? Anh không cố ý làm em buồn. Cho anh xin lỗi, nha, cô bé?
Im lặng. Nhưng Quân nghe tiếng Áng Vân
“thút thít”. Quân lúng túng:
–Cho anh xin lỗi. Nếu cô bé không cho anh
làm anh của em thì thôi, đừng khóc!
–Không phải lỗi của chú; chú đừng xin lỗi
nữa!
–Thế thì tại
sao Áng Vân khóc?
Vì tâm trạng bất an, Áng Vân vô tình đáp:
–Tại vì anh làm em nhớ anh của em!
–Ô, anh của em vượt biển rồi, phải không?
–Dạ. Ông anh vượt biển, bị công an biên
phòng bắn chết! Hai người anh khác bị Việt cộng nhốt trong trại cải
tạo; một người trốn trại, bị bắn chết!
Áng Vân cúi mặt, khóc tức tưởi. Quân thở
dài:
–Bố của anh
cũng bị Việt cộng nhốt tù rồi, cô bé ơi!
–Ba em cũng bị Việt cộng nhốt tù nữa! Sao
Việt cộng ác quá vậy, Trời!
–Thôi, đừng khóc nữa, cô bé!
Áng Vân quẹt nước mắt, nhìn Quân như dò
xét. Quân cười:
–Làm gì mà quan sát anh kỹ vậy?
–Em nghĩ, có lẽ chú cũng cỡ tuổi với ông
anh thứ ba của em.
–Thế à? Thế hồi trước anh ấy làm việc ở
đâu?
–Dạ, anh ấy
là trung úy Hải Quân.
–Ô, sĩ quan cỡ đó thì Việt cộng không tha
đâu.
–Còn chú?
Tại sao Việt cộng lại tha chú?
Chợt nhớ tiếng “anh” mà lúc nãy Áng Vân
gọi chàng, Quân nghịch:
–Gọi anh bằng anh đi rồi anh trả lời.
Áng Vâng e thẹn, cúi mặt. Quân tiếp:
–Cô bé đoán anh cỡ tuổi với người anh
trung úy Hải Quân của cô bé mà tại sao cô bé không gọi anh bằng anh?
Áng Vân cười. Quân tiếp:
–Cô bé tập cho anh hát bài mà em thường
hát đó, được không?
–Dạ, bài đó tựa là Tìm Một Ánh Sao; dễ hát
lắm.
–Dễ thì tập
cho anh đi.
–Em
tập cho chú hát thì chú phải cho em biết tại sao Việt cộng không bỏ
tù chú, nhen?
–Rồi. Cô bé hát trước từng câu, anh hát theo.
Sau khi Quân thuộc bài hát, Áng Vân nhắc:
–Bây giờ chú trả lời em đi.
Quân lập lại câu nói lúc nãy:
–Gọi anh bằng anh đi rồi anh trả lời.
Vừa khi đó Tuấn chạy nhanh đến:
–Chị đi đâu em tìm quá chừng! Trở ra rẫy,
không thôi họ lượm hết, còn đâu mà mót.
Áng Vân bảo Tuấn:
–Tuấn! Chào chú Quân đi, em!
Tuấn cúi đầu:
–Dạ, chào chú Quân.
–Chào em Tuấn...
Quân chưa nói dứt câu, Áng Vân vội đứng
lên, nói:
–Thôi,
chú không nói thì thôi. Em chào chú. Em phải trở ra rẫy khoai mì.
Quân cũng đứng lên, nhưng lại khom xuống
ngay để lấy chiếc nón lá rách đội lên cho Áng Vân, đáp:
–Sao dễ giận quá vậy? Anh trả lời cô bé
nè! Vì anh là con trai duy nhất trong gia đình, được miễn quân dịch.
Đó là luật của chính thể Việt Nam Cộng Hòa.
Áng Vân chậm bước theo Tuấn rồi quay sang
hỏi Quân:
–Thật
không, chú?
Quân
cũng bước theo nàng, đáp:
–Thật mà! Không bao giờ anh dối em đâu. Ô,
mai cô bé có đến chỗ hồi nãy để ăn trưa hay không?
Như ngầm hiểu sự thừa thãi về sự hiện diện
của mình, Tuấn vừa chạy vừa nói vọng lại:
–Em ra rẫy trước, nhen, chị!
Áng Vân nhìn theo Tuấn, cười rồi đáp lời
Quân:
–Dạ, em
chưa biết.
Giọng
Quân trở nên tha thiết:
–Trưa mai cô bé tới chỗ đó đi. Mình ăn
trưa/nói về âm nhạc/về ca hát, nhé! Anh chờ.
Nhìn nụ cười đôn hậu và ánh mắt trìu mến
của Quân, Áng Vân cảm nhận được những rung động thần tiên trong
lòng. Nàng e thẹn, “dạ” nho nhỏ.
Từ đó, sau khi ăn trưa, Quân và Áng Vân
nói chuyện về nhạc thì ít mà Quân dạy Anh văn cho Áng Vân thì nhiều.
Gần Tết, năm 1976, đến chỗ ăn trưa, thấy
Quân đang săm soi cây mai nhỏ nhưng đầy hoa, được trồng trong cái
“soon” lũng, Áng Vân ngạc nhiên:
–Cây mai ở đâu mà đẹp quá vậy, chú?
–Anh gieo hột, lâu rồi. Đây là lần đầu
tiên cây mai trổ hoa. Anh tặng em làm quà Tết.
Áng Vân thật sự xúc động, quên “giữ kẽ”,
reo mừng:
–Làm
thế nào anh trồng được cây mai đẹp “dữ” vậy?
Quân cười thầm khi nghe tiếng “anh”; nhưng
chàng giả vờ không biết để Áng Vân khỏi ngượng:
–Anh đem cây mai đến cho cô bé thấy trước.
Chiều anh sẽ đem cây mai đến nhà cho em; vì chậu hoa nặng, anh không
muốn em bưng.
–Làm sao anh biết nhà em mà đến?
–Biết mà! Thôi, lo ăn trưa đi để anh còn
dò bài cho em.
Trong lúc hai người ăn trưa – dường như đã nhận ra tình cảm của Quân
dành cho nàng – Áng Vân hỏi:
–Có khi nào anh nhớ thời gian anh đi học
hay không?
–Có!
Nhớ nhiều lắm. Còn em?
–Từ ngày Việt cộng vô đây, họ đã cướp tất
cả mọi thứ quý hóa trong đời em rồi!
–Cả miền Nam mình ai cũng bị như vậy chứ
không phải một mình em hay là một mình anh. Mà thôi, chính trị không
phải là chuyện của cô bé. Nói về ca/hát đi!
–Anh muốn nói về nhạc phẩm nào?
–Anh muốn em và anh nên chọn bài Tìm Một
Ánh Sao làm “nhạc hiệu”.
–Nhạc hiệu là một phân đoạn của một bản
nhạc, được dạo lên trước một chương trình nào đó; còn bài Tìm Một
Ánh Sao làm nhạc hiệu cho cái gì?
Quân muốn đáp “nhạc hiệu của tình yêu”,
nhưng nhận ra thời gian chưa thuận tiện, vội nói khác:
–“Nhạc hiệu” của em và anh để
chúng ta nhận ra nhau. Khi nào em nghe tiếng chàng nào hát bài Tìm
Một Ánh Sao thì em biết rằng anh đang tìm em. Ngược lại, khi nào cô
bé muốn tìm anh thì cô bé cũng hát bài đó, anh sẽ nhận biết và tìm
em. Đồng ý không?
Cách nói chuyện và đặt câu của Quân không
thể nào cô bé ngây thơ như Áng Vân có thể chối từ. Nàng im lặng, cúi
mặt, cười.
Từ đó,
sau bữa ăn chiều – bằng bo bo – Quân thường đi ngang nhà Áng Vân và
hát nho nhỏ:
“...
Tôi muốn tìm về vang bóng lúc xưa,
mà lòng sao mãi ngẩn ngơ.
Tàn đêm qua tôi
nằm mơ...”
Áng Vân nhận ra “nhạc hiệu”, vội xin Mẹ
đến nhà bạn chơi. Mẹ dặn:
–Con phải về trước khi trời tối, nha!
Chiều mùng Ba Tết, theo “nhạc hiệu” của
Quân, chàng và nàng lại gặp nhau, cùng đi chầm chậm trên con đường
mòn dẫn ra đường cái quan. Quân cũng chỉ nói những điều vui vui làm
Áng Vân cười. Thấy mọi nhà lên đèn, Áng vân tỏ ý cáo từ. Quân cầm
tay nàng, đắm đuối nhìn vào mắt nàng:
–Trưa mai anh có chuyện quan trọng muốn
nói với em!
Áng
Vân chưa kịp hỏi tại sao Quân phải chờ đến mai, thì Quân đã kéo nàng
vào lòng. Áng Vân lã người trong vòng tay của chàng. Quân hơi khom
xuống, đặt lên môi nàng nụ hôn thật dịu dàng. Quân từ từ buông nàng
ra, khẻ nói:
–Em
về đi, kẻo Mẹ trông.
Áng Vân vẫn còn ngơ ngác, tưởng như nàng
còn ngây ngất/bềnh bồng trong giấc mơ tuyệt vời!
Đêm đó Áng Vân ngủ không được! Lòng nàng
cứ lâng lâng trong niềm hạnh phúc vô biên, nhờ dư vị của nụ hôn đầu
đời.
Trưa hôm
sau, Áng Vân đến chỗ cũ, chờ cả buổi cũng vẫn không thấy Quân. Áng
Vân tủi thân, khóc! Bất ngờ nàng thấy một mảnh giấy được xếp nhỏ,
gắn nơi cành cây, ngay chỗ lần đầu tiên Quân ngồi đối diện với nàng.
Mở mảnh giấy ra, nàng thấy nét chữ của Quân:
“Áng Vân
thương yêu!
Rất
tiếc, anh không thể gặp em như đã hứa! Anh chỉ mong em hiểu rằng anh
thương em nhiều lắm; nhiều hơn anh thương bản thân anh nữa!...”
... Dòng hồi tưởng của bà Vân vừa đến đây,
điện thoại cầm tay của Bà “rung”. Nhấn nút, thấy số điện thoại của
Danny Trần – chồng của bà Vân, đang sống bên Việt Nam – giọng Bà
không vui:
–Ông
cần gì?
–Gọi thăm
em với mấy đứa nhỏ chứ có cần gì đâu.
–Mấy đứa nhỏ “mạnh khù”; tôi chưa chết!
Còn gì hỏi nữa không?
–Mỗi lần điện thoại thăm em, em cứ nói
“xóc họng” không hà!
–Vậy thì đừng gọi. Tôi đâu bảo ông gọi
tôi.
–Anh ở bên
này vì muốn giữ gìn tài sản của mình để khỏi bị gạt đến trắng tay vì
cái nạn nhờ bà con đứng tên nhà cửa giùm chứ có phải anh ham chơi
bời đâu.
–Giờ này
mà ông còn bảo tôi tin lời ông hay sao?
–Vợ chồng gì nói chuyện với nhau cứ như
“dùi đục chấm mắm nêm”!
–Ông là thợ mộc, không cần “dùi đục” thì
cần cái gì?
–Bye!
Bà Vân thở mạnh như vừa trút được gánh
nặng! Lúc nãy, nhớ đến Quân, tình cảm của bà Vân lênh láng, tràn
ngập yêu thương. Bây giờ, chỉ sau vài phút điện đàm với Danny, lòng
bà Vân lại dâng lên không biết bao nhiêu niềm cay đắng!
Không cay đắng sao được khi mà, suốt bao
nhiêu năm dài, từ năm 1977, nhiều thanh niên – ngay cả cán bộ/công
an – trong các ấp ở Xuân Hưng đều để ý đến Áng Vân nhưng bị nàng
lặng lẽ chối từ. Thấy chị của Áng Vân và Tuấn đều lập gia đình, có
cháu cho Mẹ bế mà Áng Vâng cứ lủi thủi một mình, Mẹ rất buồn!
Cuối thập niên 90/đầu thập niên 20, “phong
trào” về Việt Nam tìm vợ cho con hoặc mấy ông già về Việt Nam thụ
hưởng trên thân xác của những cô gái chỉ đáng tuổi con cháu của mấy
ông ấy thì Danny về hưu và cũng muốn “gặm cỏ non”. Để cho oai, mỗi
lần về Việt Nam, Danny đem theo danh thiếp, in bằng tiếng Anh: Mr.
Danny Tran, chuyên thầu xây cất. Sau nhiều lần khuyên giải/cản ngăn
không được, vợ của Danny đưa đơn ly dị.
Khi người quen giới thiệu Danny với gia
đình Áng Vân, Mẹ bằng lòng ngay; vì Bà nghĩ, Bà không có tiền để
“chạy” cho Áng Vân xuất khẩu lao động hoặc lấy chồng Đại Hàn/Trung
cộng; do đó, bất cứ ai đem Áng Vân thoát khỏi cảnh sống cùng cực ở
Việt Nam Bà cũng nhận lời.
Áng Vân khóc rất nhiều. Nhưng rồi nàng
nghĩ, Quân không còn nữa, vậy thì, nếu tấm thân của nàng có thể đem
đến cho Mẹ và chị em đủ cơm ăn/áo mặc thì nàng chấp nhận; chỉ với
điều kiện là phải đưa nàng sang Mỹ – vì nàng kỳ vọng rằng nàng sẽ từ
từ đem được Mẹ và chị em sang sau.
Sau đám cưới, Danny đưa Áng Vân về Mỹ để
khoe. Nhưng, sau khi Áng Vân sinh hai đứa con, Danny lại ở Việt Nam
sáu tháng, về Mỹ vài tuần. Lúc này Áng Vân mới vô tình biết rằng, tờ
giấy bằng tiếng Anh mà Danny kèm theo, buộc nàng ký khi làm hôn thú
với Danny là tờ Prenuptial Agreement
(1).
Áng Vân không còn lý do gì để sống với Danny nữa; nhưng nàng muốn
chờ hai con học hành/đỗ đạt xong, nàng sẽ lìa xa Danny...
Thấy bà Vân như miên man trong sự suy tư
nào đó, Kim hỏi:
–Mommy! Mommy okay chứ?
–Bài hát đó gợi lại trong lòng Măng thời
đói khổ ở kinh tế mới cho nên Măng buồn.
Cho xe dừng ngay chỗ dành riêng cho khách,
Kim nhấn nút, lấy CD ra, bỏ vào hộp nhựa có tên bản nhạc, trao cho
bà Vân:
–Tặng
Mommy đó.
–Cảm ơn
con.
Bà Vân bước
xuống:
–Con trở
lại trường đi.
–Dạ, bye, Mommy!
Sau khi trả tiền, lấy hóa đơn, bà Vân thấy chiếc xe của Bà được lái
đến, đậu cùng hàng với những xe đã sửa xong.
Cho xe nổ máy xong, bà Vân lấy CD Kim mới
tặng, cho vào máy. Chiếc xe chạy êm ả trong dòng xe dập dìu. Lúc
tiếng hát đến đoạn:
“... Năm
ấy mình thường đi dưới ánh sao.
Hẹn rằng
khi thấy nhớ nhau,
mình ra bên song tìm sao...”
... thì nước mắt của bà Vân lại lã chã
rơi! Vừa quẹt nước mắt bà Vân vừa nhớ lại tâm trạng của Áng Vân, vào
mùa Xuân xưa.
Mùa
Xuân năm ấy, sau thời gian dài vắng tin Quân, không biết bao nhiêu
lần Áng Vân muốn đến ấp 11, hỏi thăm nhà của gia đình Quân để dò tin
tức xem điều gì đã xảy ra cho Quân; nhưng vì biết tính Mẹ nghiêm
khắc, nàng không dám. Cuối cùng, Áng Vân nghĩ rằng, có thể Quân cùng
với gia đình đã vượt biên. Ý nghĩ này làm cho nàng buồn nhưng lại
giúp nàng bình tâm và nàng thầm cầu nguyện cho Quân cùng gia đình
chàng được đến bến bờ Tự Do.
Chiều 27 Tết, đang săm soi cây mai do Quân
tặng, Áng Vân nghe “loa phường” yêu cầu đồng bào, đúng ba giờ chiều,
đến “tòa án nhân dân” xem “xử ný” tên “phản động”! Áng Vân chẳng để
ý. Nhưng không hiểu tại sao Mẹ lại lo lắng, gọi Tuấn nhiều lần, vẫn
không nghe Tuấn lên tiếng. Mẹ than:
–Tình hình chính trị chưa yên. Tụi Việt
cộng chưa hoàn toàn kiểm soát được vấn đề an ninh. Mẹ nghe đồn kháng
chiến nổi lên “rần rần”. Bây giờ loa phường lại kêu đi xem xử án.
Không biết xử con ai mà thằng Tuấn đi đâu mất biệt!
Nghe Mẹ nói, Áng Vân cũng cảm thấy lo cho
em:
–Để con đi
tìm xem Tuấn đang ở đâu.
Mẹ chưa kịp cản, Áng Vân đã chạy ra sân.
Vừa qua khỏi bụi chuối, Áng Vân thấy Tuấn – với vẻ hoảng hốt tột
cùng – chạy “như bay” về phía nàng, kéo tay nàng:
–Đi! Mau lên, chị! Tới xem. Tụi Việt cộng
dã man thiệt!
Từ
xa xa, Áng Vân thấy dân chúng đứng thành vòng tròn nơi sân đá banh.
Đến gần, Áng Vân thấy một người đàn ông bị còng tay, mắt bịt kín
bằng tấm vải, bị “tống” từ trên xe xuống đất. Sau khi gượng đứng
lên, ông ấy bị hai tên công an kẹp hai bên, đưa đến cọc gỗ rồi cột
tay của ông ấy vào cọc gỗ. Mọi người nghe giọng sang sảng của ông
ta:
–Yêu cầu đừng
bịt mắt. Tôi không sợ chết!
Một cán bộ đến mở băng bịt mắt cho người
đàn ông. Chiếc băng bịt mắt của ông ấy vừa được lấy đi thì Áng Vân
hoa mắt, tay chân run rẩy và khối óc như muốn vỡ tung trong nỗi hãi
hùng! Cán bộ quát lớn:
–Ai có “niên hệ” với tên Quân phản động
này thì bước ra khỏi đám đông, nhìn hắn “nần” cuối.
Với ánh mắt lạc thần và nét mặt ngơ ngác
như trong cơn mê, Áng Vân lừng lững bước ra. Trong khi Tuấn không
biết phải phản ứng như thế nào thì Quân cong người, vừa giật mạnh
cọc gỗ như muốn nhổ cọc gỗ lên, vừa gào lớn:
–Áng Vân! Đừng! Đừng làm như thế cô bé ơi!
Một tên công an chạy đến, bịt miệng Quân
lại và một cán bộ chạy đến, giữ chặt cánh tay của Áng Vân trong khi
mọi người dân quanh hiện trường đều sửng người, đứng yên như tượng
đá!
Áng Vân nhìn
Quân chăm chăm như nhìn vào một hiện tượng kỳ bí của thiên nhiên.
Nàng hoàn toàn bị phân tâm, đứng im, chỉ nghe lao xao mơ hồ như ai
nói gì đó – rất lớn và rất lâu – rồi một cán bộ rút súng lục, đến
bên Quân. Quân vừa hô lớn “Việt Nam Cộng Hòa muô...” thì tiếng đạn
nổ! Quân gục xuống!...
Khi nào nỗi đau thương sống lại trong hồn
bà Vân thì lòng vị tha của Bà cũng bị “khoét” đi một mảnh! Bà Vân
thở dài, quẹt nước mắt. Vừa khi đó, với hành động vô thức, bà Vân
lái xe chầm chậm ngang một ngôi chùa. Nghe tiếng chuông vang vọng,
bà Vân quẹo xe vào sân chùa, với ý niệm sẽ cầu nguyện cho linh hồn
những người thân yêu!
Quỳ nơi góc chánh điện, bà Vân chắp hai
tay, hướng tâm về Phật Bà Quan Thế Âm, niệm danh hiệu Phật Bà. Sau
một lúc lắng lòng cho đau thương tràn về, bà Vân bùi ngùi rời chánh
điện. Đi ngang phòng ăn, bà Vân chợt thấy chậu mai vàng rực rỡ được
để cạnh hồ nước nhỏ. Giữa hồ là tượng Phật Bà Quan Thế Âm.
Bà Vân khom xuống, nâng niu từng cành mai,
lòng nhớ đến người xưa. Trong niềm thương nhớ vô bờ, bà Vân tưởng
như thấy được nhân dáng hiên ngang/ngạo mạn của Quân – vào buổi
chiều Xuân xưa nơi kinh tế mới Xuân Hưng – chờn vờn trên mặt hồ
phẳng lặng.
Chiếc
lá vàng từ đâu bay đến, chao lượn, rồi rơi xuống mặt hồ. Bóng Quân
giao động, lung linh, rồi tan loãng. Vừa khi ấy, bà Vân tưởng như
tiếng hát của Quân văng vẳng trong sân chùa và trong lòng Bà:
“... Tê
tái lặng nhìn năm tháng lướt mau.
Nghẹn
ngào như mới vắng nhau,
hồn mênh mang mơ về
đâu?
Mộng xưa tàn rồi tôi vẫn còn mơ...”
(2)
Một cách kín đáo, bà Vân vẫy tay tạ từ
hình bóng Quân. Cung cách của bà Vân lần này cũng quyến luyến/tiếc
thương chẳng khác chi ngày xưa, lúc Bà thăm mộ của Quân lần cuối,
trước khi Bà theo Danny sang Mỹ!
ĐIỆP MỸ LINH
http://www.diepmylinh.com
(1)
Giấy thỏa thuận trước khi kết hôn.
(2) Tất cả lời
ca trong truyện ngắn này được trích từ “Tìm Một Ánh Sao”
của Hoàng Trọng.
|
Hình nền: xuân phú sĩ sơn. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Điệp Mỹ Linh chuyển
Đăng ngày Thức Ba,
February 9, 2021
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang