Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy
Bút
Chủ đề:
chiếc phong cầm
Tác giả:
Điệp Mỹ Linh
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Hình này do một vị
khán giả tốt bụng đã tham dự Đại Hội Quốc Học Đồng Khánh, năm
1987, tại Washington, D.C., chụp, rồi gửi đến bác sĩ Trần Đoàn,
nhờ chuyển đến Điệp Mỹ Linh.
Đang
“lang thang” tìm tin tức trên internet, tôi chợt để ý bảng tin về
sức khỏe tâm thần của những “vị cao niên”. Danh từ hoa mỹ “cao
niên” thường được nhiều người dùng để chỉ người già. Riêng tôi,
vì tính “thẳng như ruột ngựa”, tôi nhận thấy danh từ “người già”
là chính xác nhất và cũng không xúc phạm ai cả. Lúc này tôi mới
nhận ra tôi cũng là một trong những người già.
Vì cũng là người già, cho nên, tôi cũng
lo ngại về vấn đề sức khỏe tâm thần. Tôi tìm đọc về vài phương
thức phòng ngừa căn bệnh quái ác Dementia. Bất ngờ một câu trong
bài của bác sĩ Damien Marie khiến tôi bớt âu lo. Câu ấy như thế
này:
“Learning
to play an instrument or actively listening to music are
cross–modal activities, eliciting not only the closely related
sensorimotor domains (close or near transfer, e.g., auditory
processing) but also more distant ones, for instance, processing
speed, affective domains, memory, language, executive function,
or abstract reasoning, etc.”
Đọc đến đây, không hiểu tại sao tôi lại
nghĩ ngay đến Ba tôi – cụ Điệp Linh Nguyễn Văn Ngữ, Trưởng ban ca
nhạc Bình Minh đài phát thanh Nha Trang và cũng là Trưởng ban văn
nghệ Khu Công Chánh miền Nam Trung nguyên trung phần, vào giữa
thập niên 50 đến đầu thập niên 60 – với lòng biết ơn vô tận!
Tôi biết ơn Ba tôi nhiều không chỉ vì
công ơn sinh thành dưỡng dục mà còn vì Ba tôi đã “đưa” tôi vào
thế giới âm nhạc từ khi tôi chỉ vừa biết đánh vần, trong thời kỳ
Ba tôi theo kháng chiến chống Tây.
Thời theo kháng chiến chống Tây, Ba tôi
là Trưởng ban văn nghệ Sở Trừng Giới Liên Khu V. Lúc đó tôi là
“cái đuôi” – danh từ bà Ngoại của tôi đặt cho tôi – của Ba tôi.
Trong giờ làm việc, Ba tôi đến văn phòng để hướng dẫn thành viên
tập kịch/tập hát/tập hợp tấu, v.v. Ba tôi đi một mình. Ngoài ra,
bất cứ đi đâu ngoài giờ làm việc, Ba tôi cũng dẫn tôi theo. Khi
nào đi theo Ba tôi, tôi cũng nắm chặt ngón tay trỏ nơi bàn tay
phải của Ba tôi rồi vừa đi vừa nhảy “cà tưng” thì mới theo kịp
bước chân sải dài của Ba tôi.
Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên Ba tôi dạy tôi
về ký âm pháp. Ba tôi kẻ 05 hàng thẳng, khoảng cách đều nhau, với
bảy chấm, bên dưới viết rõ “do/ré/mi/fa/sol/la/si”, bắt tôi học
thuộc lòng bằng cách đọc xuôi và đọc ngược. Trong khi tôi vui
thích đọc, bà Ngoại của tôi lên tiếng:
– Ui chao! Hắn là con gái, để Mạ hắn
dạy cho hắn may vá/thêu thùa/nấu nướng chứ con dạy hắn cái chi mà
“rề(ré)/la/mi/xi”, nghe... dị òm!
Ba tôi chỉ cười, “nheo mắt” với tôi. Má
tôi từ dưới bếp bước lên, tiếp:
– Tôi nói ông hoài mà ông không nghe!
Nhà tôi không có thứ “xướng ca vô loài”, ông đừng “đưa” “con tôi”
vào con đường đó!
Lúc này tôi mới hiểu lý do tại sao khi
một bài thơ hay một nhạc phẩm của Ba tôi “ra đời” thì Má tôi và
Ba tôi cũng bất hòa! Cuối cùng không một nhạc khúc/một bài thơ
nào của Ba tôi được ban văn nghệ Sở Trừng Giới Liên Khu V trình
diễn!
Sau này,
suốt thời gian ban Bình Minh phụ trách văn nghệ cho đài phát
thanh Nha Trang, tôi cũng không hiểu tại sao Ba tôi không bao giờ
cho phổ biến bất cứ tác phẩm nào của Ba tôi? Thời điểm đó tôi sắp
“bước” vào tuổi “dậy thì”, cho nên, tôi rất thích những câu thơ
lãng mạn như hai câu sau đây của Ba tôi:
“Mắt
trinh nữ lệ mờ bên sông cũ,
Đợi cung đàn
nghệ sĩ vắng bao thu!”
Một thời gian ngắn sau, vì muốn
khoe/muốn “dựa hơi” Ba tôi, tôi “đòi” hát những tình khúc của
Điệp Linh. Ba tôi chỉ cười buồn, lắc đầu, bảo:
– Thôi, con!
– Sao kỳ vậy, Ba?
– Má không thích!
Tôi nói những gì tôi nghĩ:
– Má không thích thì Má đừng nghe.
Ba tôi “xỉa” ngón tay trỏ vào trán tôi:
– “Cha mày”! Tội nghiệp Má, con à! Má
là con nhà khuê các. Thời gian Ba trông coi sở trà Transpire của
ông Ngoại, Ba bị “tụi nó” – Việt Minh – tuyên truyền/chiêu dụ
theo kháng chiến chống Tây. Ba đem Má và con theo. Bà Ngoại
thương con và thương Má, bà Ngoại đi theo luôn. Không ngờ Ba đã
đưa gia đình vào nơi khổ nạn/đầy nguy hiểm. Con bị mất một đứa em
trong thời kháng chiến. Má rất đau khổ! Ba có lỗi với Má. Con
hiểu chưa?
Sau
khi hiểu rõ, tôi không còn thầm trách Má tôi nữa. Nhưng tôi rất
tiếc thương những tình khúc như Bến Thu/Khánh Hòa Niềm
Thương/Người Tản Cư, Bên Sông Cũ, v.v. và những dòng thơ ướt lệ
của Ba tôi phải chìm vào quên lãng. Bây giờ tôi chỉ nhớ được vài
câu thơ – mà tôi lại không nhớ được tưạ đề! Tôi nhận ra tôi cũng
có lỗi với Ba tôi vì tôi chỉ bận bịu vun bồi sở thích của tôi mà
tôi không gìn giữ được những lưu niệm hiếm quý của Ba tôi. Sau
đây là hai câu thơ từ một bài thơ trữ tình khác của Ba tôi mà tôi
cũng không nhớ tựa:
“Nghe
gió lùa trong đêm vắng,
Em mơ thấy chàng
bên sông mờ trăng...”
Vừa viết đến đây, tôi nghe tiếng “kịch”
rất nhỏ rồi computer tắt! Sau một lúc “nhấn nút này/nhấn nút kia”
– như lời con tôi từng hướng dẫn – mà computer cũng vẫn không
hoạt động, tôi điện thoại cho người con làm việc gần khu vực tôi
cư ngụ. May quá, con tôi sắp rời nhiệm sở, có thể khoảng 5/10
phút nữa sẽ ghé nhà tôi.
Sau khi ngồi trước computer, con tôi
“nhấn nút này/nhấn nút kia”, màn ảnh computer hiện lên cùng với
niềm vui của tôi. Vừa rời bàn computer con tôi vừa đùa, “nửa Tây
nửa Ta”:
–
Xong rồi đó, “bà Già”! “Bà Già” đang viết về cái gì vậy?
– Về sự liên hệ giữa bệnh Dementia và
người già.
–
Hay đó, Măng! Trong khi chỉnh computer cho Măng, con đã thấy câu
Măng trích của bác sĩ Damien Marie. Măng tìm đề tài như vậy mà
viết; đừng thèm “đụng” đến cộng sản Việt Nam (csVN) nữa, phí thì
giờ!
– Ý tưởng
của con như vậy là do lỗi của Măng và “ông Già”!
– Tại sao?
– Tại vì người cộng sản Việt Nam –
ngoài việc đưa trẻ em 13/14 tuổi ra chiến trận – lúc nào người
csVN cũng dạy con cháu của họ nuôi căm thù. Trái lại, người miền
Nam Việt Nam giáo dục con cháu theo đạo đức và lễ nghĩa.
– Người csVN bị chết nhiều quá, thiếu
quân thì họ phải dùng con nít. Còn người cộng sản dạy con cháu
của họ nuôi căm thù, làm thế nào Măng biết được?
– Thời gian trong “vùng kháng chiến”,
ông Ngoại mở lớp dạy học. Cán bộ cộng sản chỉ thị ông Ngoại phải
dạy mấy đứa bé theo dõi xem Cha Mẹ mấy đứa bé ăn gì/nói gì/làm
gì/gặp ai, v.v. rồi mách lại cho ông Ngoại; ông Ngoại phải làm
phúc trình, trình cho cán bộ địa phương. Thế là ông Ngoại sợ Măng
và cậu Linh bị “đầu độc”, vội đưa gia đình trốn về lại Đà Lạt.
– Vậy là ông Ngoại may mắn quá rồi!
– May mắn? Con nói cái gì vậy? Nói
tiếng Anh đi!
– Mommy! Con biết câu này con dùng đúng chữ Việt.
– Tại sao con dùng chữ “may mắn”?
– Măng nghĩ đi! Ít nhất là người csVN
biết tận dụng khả năng âm nhạc/kịch nghệ và Pháp văn của ông
Ngoại để đặt ông Ngoại vào đúng vị thế chứ csVN không đưa súng,
bắt ông Ngoại phải bắn giết người đồng chủng – như ông Hồ Chí
Minh đã buộc bộ đội của ông ấy thực hiện!
– Nhận xét của con chỉ đúng một phần;
phần còn lại... con chưa biết gì về cộng sản.
– Phần còn lại là gì?
– Con nghĩ xem! Người Việt Nam – cũng
như đa số nhân loại trên thế giới – đều do Cha Mẹ sinh ra và nuôi
dạy chứ người csVN có sinh đẻ và nuôi dạy người Việt Nam nào đâu;
thế mà mỗi khi muốn khiêu chiến, người csVN bắt chước Trung cộng,
cứ cổ xúy/kêu gào/ra lệnh/đe dọa “đánh cho đến người Việt Nam
cuối cùng”?
–
Con hiểu rồi. Tàn bạo quá! Sorry, Măng!
– Con được sinh trưởng trong một gia
đình lễ giáo, lại nội trú trường Bà Sơ thì sự suy nghĩ đầy nhân
đạo của con không có gì đáng trách cả. Thôi, con về đi kẻo đến
giờ kẹt xe.
–
Măng tập đàn lại đi. Măng nhớ câu của bác sĩ Damien Marie hay
không?
– Nhớ
mà! Nhưng mỗi khi nghe tiếng Accordéon hay là một nhạc khúc mà
ngày xưa Măng thường đàn, Măng chịu không được! Như hôm trước
tham dự họp mặt Nha Trang, bất ngờ một ông đơn ca tình khúc La
Paloma. Măng ngồi chết lặng, nhưng trái tim lại thổn thức từng
hồi; vì kỷ niệm tươi đẹp với ban ca nhạc Bình Minh bừng sống rất
mãnh liệt!
–
Măng gắng vượt qua. Có người không chơi nhạc mà khi biết âm nhạc
ảnh hưởng tốt đến bộ não như thế nào thì người đó học nhạc; Măng
biết mà bỏ thì uổng.
– Lâu quá không đàn, bây giờ già, cây
đàn nặng quá, Măng lấy ra không nổi!
Vừa đáp lời tôi con tôi vừa đến bên
thùng đàn Accordéon – mà chính con tôi đã dùng “paycheck” đầu
tiên của con tôi, mua tặng tôi – lấy thùng đàn từ “closet” ra.
Nhìn thùng đàn, thấy tấm giấy trắng dán
ngay ngắn, với nét chữ của tôi, tôi ngậm ngùi nhớ lại lần đầu
tiên đến Washington , D.C. – dường như năm 1987, tôi không nhớ rõ
– để tham dự đại hội Quốc Học Đồng Khánh.
Bố của các con tôi – cố Hải Quân Trung
tá Hồ Quang Minh – là cựu học sinh trường Quốc Học và cũng là bạn
thân của Bác sĩ Trần Đoàn. Vợ của Bác sĩ Trần Đoàn là Dược sĩ
Phan Thị Nhơn lại cùng sinh hoạt với tôi trong Ban Văn Nghệ
trường trung học Võ Tánh Nha Trang. Vì tình thân, anh Đoàn điện
thoại cho Minh.
Sau khi gác điện thoại, Minh cho tôi
biết, anh Đoàn mời và dặn Minh, đến Washington, D.C. thì nghỉ lại
nhà anh chị Đoàn Nhơn. Điều quan trọng là nhờ Điệp Mỹ Linh đem
theo Accordéon và giữ một mục đọc tấu. Tôi hỏi Minh:
– Rồi ông trả lời anh Đoàn như thế nào?
– Thì anh “okay” chứ trả lời gì nữa?
– Sao ông “ngon” vậy? Đàn/hát hoặc bất
cứ bộ môn nghệ thuật nào cũng phải thường xuyên tập dượt. Đằng
này, mỗi khi tôi đàn, ông “cự nự”. Tôi tự ái, bỏ đàn. Thấy tôi
buồn hoài, Ba tôi hỏi, tôi không thể nói dối; thế là Ba tôi dạy
tôi viết văn. Ông cũng bảo “Viết lách làm chi, dẹp đi cho rồi!”.
Vậy mà, hễ ai mời/yêu cầu tôi đàn/hát hoặc điện thoại xin bài thì
ông nhận lời ngay. Có phải ông chỉ muốn tôi đàn/hát “dở ẹc” để
không ai thèm mời tôi nữa hay không?
– Thôi mà, anh đã nhận lời rồi, đừng
làm anh bị “quê xệ”!
Thế là – như bao nhiêu lần trước – tôi
“chịu thua”, phải tập đàn trong thời gian ngắn nhất, rồi đem
Accordéon theo. Muốn cho nhân viên hàng không cẩn thận khi chuyển
hàng, tôi phải gián tấm giấy lớn bên ngoài thùng đàn rồi viết:
This side is up. Very fragile, be careful, please!
Dòng hoài niệm của tôi vừa đến đây,
tiếng của con tôi đưa tôi trở về thực tại:
– Măng vẫn đi “Gym” đều chứ?
Tôi gật đầu. Con tôi “nủa đùa nửa thật”
bảo:
– Mommy!
Mommy có ông Mỹ già nào cho vui!
Tôi giật mình trợn mắt nhìn con tôi!
Con tôi đổi giọng:
– Sorry, Mommy! Thôi, Mommy có Bác nào
cho vui.
– Từ
khi con khôn lớn cho đến khi “ông Già” mất, có bao giờ con thấy
“ông Già” đem giùm bao rác ra ngoài cho Măng hay không?
Im lặng. Con tôi xoay vào “closette”,
chuyển đề tài:
– A, để con mở thùng đàn, bưng
Accordéon để sẵn trên bàn, khi nào Măng đàn thì đàn; khi không
đàn, Măng lấy khăn phủ lên cho bụi khỏi bám vào, nhen!
Sau khi để Accordéon lên bàn, con tôi
nói:
– Okay,
Mommy! Con về chứ gần giờ kẹt xe.
Từ cửa sổ trên lầu, tôi quyến luyến
nhìn theo chiếc xe của con tôi. Khi chiếc xe khuất nơi ngã tư,
tôi quay lại, nhìn Accordéon. Chính lúc đó, tự dưng niềm xúc động
dạt dào dâng lên, rồi một tình khúc xưa âm thầm trổi dậy, ray rứt
hồn tôi!
“...
Cuộc đời biết bao nhiêu
đắng cay!
Muốn xa quên đàn,
Quên đi cho hết đau thương giận hờn.
Nhưng thôi ta có đành quên được nào!
Ðời
mà thiếu em ta vắng vui...”
(1)
Tôi thở dài! Vừa nhẹ nhàng tựa vào
Accordéon tôi vừa lấy “kleenex” thấm hai hàng nước mắt đang lăn
dài trên khuôn mặt cằn cỗi của tôi!
Điệp Mỹ Linh
https://www.diepmylinh.com
1 – * Nghệ Sĩ
Với Cây Đàn của Nguyễn Văn Khánh.
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Điệp Mỹ Linh chuyển
Đăng ngày Thứ Tư, August 9,
2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang