Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bút
ký
Chủ đề:
Mother’s Day
Tác giả:
Điệp Mỹ Linh
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Thành kính tưởng niệm Má
tôi
Nhận
được email của một độc giả, với hai đoạn trích dẫn và câu hỏi: “Chị
Điệp Mỹ Linh! Vì cũng là người Dalat, khi đọc truyện ngắn Cuộc
Tình Xót Xa, trong tập truyện Tìm Vết Chân Xưa, tôi ngạc nhiên,
tự hỏi: Hai đoạn văn trích dẫn sau đây là hư cấu, viết theo lời
kể của ai hay là chị viết về kỷ niệm tuổi thơ của chị mà sao lại
giống hoàn cảnh của tôi?...”
“...Nhìn ngôi biệt thự có hai hàng hồng
dọc theo con dốc nhỏ, Bảo–Trân tưởng như nàng có thể thấy được
đứa bé gái mặc áo đầm trắng, mang giày đỏ, chiếc nơ cài trên mái
tóc bum–bê cũng màu đỏ, đang níu tay Ngoại, đòi đi mua kẹo kéo.
Như mọi hôm, Ngoại bảo cậu Út, khoảng hơn mười tuổi, gọi chú tài
lái xe đưa hai cậu cháu đi xuống phố mua kẹo kéo...”
“...Khi cậu bé trở lại xe, tay cầm mẫu
kẹo kéo, đứa bé gái vỗ hai tay vào nhau, gương mặt rạng rỡ. Ðón
nhận mẫu kẹo từ tay người cậu xong, đứa bé lại vòi vĩnh: ‘Cậu
cho em xuống ngồi chỗ bậc cấp coi Ba Má đi xe đạp, nhen, cậu!’
Cậu bé giả vờ nghiêm nét mặt, mắt lườm lườm để thị oai với cháu:
‘Mày cứ lộn xộn, nhõng nhẽo không hà! Chiều nào cũng bắt tao
dẫn đi mua kẹo kéo, rồi lại đòi tới bậc cấp ngồi, để tối về mày
bị sổ mũi cho tao bị la, hả?’ Thấy đứa bé gái rơm rớm nước
mắt, môi trề ra như sắp khóc, cậu bé vừa mở cửa ngồi vào băng sau
vừa cười: ‘Cho tao cắn một miếng kẹo kéo thì tao cho đi.’
Ðứa bé gái dấu mẫu kẹo sau lưng, lắc đầu. Cậu bé năn nỉ: ‘Cho
cậu cắn một tý thôi, rồi cậu cho đi.’ Ðứa bé gái đưa mẫu kẹo
ra phía trước, ngắm nghía rồi bậm môi, lắc đầu. Người cậu che
mặt, giả vờ khóc. Ðứa bé nhìn cậu bằng đôi mắt buồn hiu, rồi đưa
mẫu kẹo cho cậu: ‘Nè, em cho cậu cắn miếng đó; mà cậu cắn
chút xíu thôi, nhen!’”
(Hết trích).
Đọc xong email của vị độc giả cùng quê
và hai phân đoạn trích dẫn, tự dưng tôi cảm thấy tim tôi nhói
đau! Tại sao tôi có thể nhớ và diễn tả rõ ràng hình ảnh của đứa
bé gái mà tôi lại không nhớ và không viết tí gì về người đã sinh
ra đứa bé gái; cũng chính người đó đã mỗi ngày tự tay thay quần
áo, mang giày, chải tóc, thắt nơ cho đứa bé ấy – chứ không để bà
vú làm công việc đó?
Tôi nhận ra rằng: Quả thật, đã hơn một
lần tôi viết về Ba tôi; nhưng chưa bao giờ tôi viết về Má tôi!
Điều này cũng dễ hiểu, vì Ba tôi đã truyền cho tôi chút nghệ sĩ
tính trong dòng máu và một tầm hồn ướt lệ; còn cá tính chân thật,
cứng rắn và bộc trực, tôi thừa hưởng từ Má tôi.
Khi cả hai nhân vật đều có cá tính cứng
rắn và bộc trực mà cùng sống dưới một mái nhà thì điều gì sẽ xảy
ra?
Dù sao đi
nữa, tôi cũng vẫn có lỗi đối với Má tôi!
Buồn quá, tôi nhìn qua khung cửa sổ,
trên lầu. Vừa khi đó, hình ảnh Ba Má tôi đạp xe đạp cùng với mấy
“ông Tây, bà Đầm”, quanh Hồ Xuân Hương, Đà Lạt, vào những chiều
xưa, lại hiện về...
Tôi thở dài! Cuộc sống của Má tôi,
trong “vùng tạm chiếm” – danh từ do Việt Minh (tiền thân của cộng
sản Việt Nam) thường dùng – thì “tân thời” đến như thế; nhưng khi
Ba tôi theo kháng chiến chống Tây, cuộc sống của Má tôi trở nên
bi thảm đến không ngờ!
Tôi vẫn nhớ, câu than thở duy nhất của
Má tôi mỗi khi Má tôi buồn là: “Đi mần chi mà khổ như ri,
Trời!” Dù cuộc sống cơ cực đến thế nào đi nữa, Má tôi cũng
chỉ bán từ từ số nữ trang Má tôi đem theo; còn quần áo Má tôi vẫn
giữ lại và mặc hằng ngày.
Vào một buổi tối, Ba tôi đi đâu tôi
không biết; khi trở về, Ba tôi đốt điếu “thuốc rê”, ngồi trên
chiếc “đòn ngồi”, nơi sân trước, mắt dõi về phương xa – thời điểm
đó tôi chưa biết phân biệt phương hướng Đông/Tây/Nam/Bắc – thở
dài từng hồi.
Khi đi ngủ, vì nhà chỉ có một chiếc
giường tre, tôi và Linh – em tôi – được ngủ chung với Ba Má tôi.
Tôi nghe Ba tôi thì thầm với Má tôi:
– Em cất hết quần áo của em và của con
đi. Em tìm người may cho mẹ con em vài bộ bà ba, mặc cho giống
người ta.
– Bộ
“tụi hắn” – Việt Minh – cũng kiểm soát cả chuyện mặc áo quần nữa
sao?
– “Tụi
nó” kết tội anh là chưa “giác ngộ”, còn mang tư tưởng và hành
động “tiểu tư sản”, cho con mặc áo đầm, vợ ăn mặc không đúng tiêu
chuẩn!
– Trời!
Thường dân mặc áo quần mà cũng phải theo tiêu chuẩn!
– Anh biết anh nhầm! Em đừng buồn nữa!
Anh sẽ tìm mọi cách để đưa em và các con trở về, kịp để các con
đi học.
Không
biết Ba tôi có “tìm cách để trở về” hay không, nhưng tôi vẫn thấy
Ba tôi thường vắng nhà; vì phải đưa đoàn văn nghệ đi trình diễn
xa để ủy lạo bộ đội. Má tôi vừa là Mẹ vừa là bà giúp việc để nuôi
dạy chị em tôi vừa cưỡng lại sự cám dỗ của nhiều cán bộ cao cấp.
Những khi Ba tôi không đưa ban văn nghệ
lưu diễn xa, nhiều cán bộ cao cấp, mỗi chiều đều cỡi ngựa, đeo
súng lục bên hông, đến nhà Ba Má tôi học Pháp văn, do Ba tôi dạy.
Sau khi các cán bộ vào nhà, họ bảo tôi hoặc Linh đóng cửa nhanh
để khỏi ai thấy.
Hôm nào Ba tôi phải đi công tác, một số
trong nhóm cán bộ cao cấp đó – từng người – thường đến nhà Ba Má
tôi, cũng bằng ngựa và đeo súng lục.
Linh và tôi không được chơi với ai cả;
suốt ngày, ăn xong, ra ngồi chơi cạnh hầm tròn, trước nhà, để dễ
nhảy xuống hầm khi nghe máy bay đến. Từ vị trí này, khi nào cán
bộ đến, cột giây cương của con ngựa vào gốc tre, tôi cũng thấy và
hỏi:
– Bác à!
Ba con không có ở nhà mà sao bác cứ tới nhà con hoài vậy?
Thế là cán bộ bị “quê xệ”, mở giây
cương, leo lên lưng ngựa, đi.
Nhiều khi chị em tôi ham chơi, không để
ý, đến khi thấy cán bộ đi vào nhà, Linh “phóng cái vù”, đứng
chàng hảng, hai tay giăng ngang cửa, nghếch mặt nhìn cán bộ trong
khi cán bộ gọi:
– Chị Ngữ ơi! (Ngữ là tên của Ba tôi).
Khi nào cũng vậy, thấy tư thế của Linh,
Má tôi cũng ôm Linh, hôn rồi bảo:
– Con khoanh tay chào bác, đi!
Linh không chào mà lại òa lên khóc! Thế
là cán bộ trở ra, mở giây, lên ngựa, đi.
Trong “vùng kháng chiến”, mọi người đều
ăn cơm độn – người địa phương gọi là “ghé” – khoai mì; riêng chị
em tôi, Má tôi cho ăn cơm không “ghé” khoai mì và căn dặn:
– Nhớ đừng cho ai thấy các con ăn cơm
trắng, nghe chưa! “Tụi hắn” mà biết được thì “tụi hắn” “nạo”
Ba... trắng xương!
Tôi không hiểu hết nghĩa, nhưng, bằng
vào ba tiếng rất tượng hình “nạo... trắng xương” cùng ánh mắt lo
sợ, nhìn quanh và giọng nói thì thầm của Má tôi, tôi hiểu mức độ
quan trọng của sự việc chị em tôi được ăn cơm trắng! Nhiều khi
tôi hỏi Ba Má tôi:
– Sao Ba Má ăn cơm “ghé” khoai mì mà
con với Linh không được ăn?
Ba tôi cười, xoa đầu tôi, đáp:
– Cha mày! Vì con và Linh còn nhỏ, răng
không mạnh bằng răng của Ba Má.
Tôi cứ tin rằng Ba tôi nói thật!
Một thời gian sau, Má tôi bắt đầu dạy
tôi học “a, b, c...” phát âm theo tiếng Tây. Ba tôi dạy tôi đàn
Mandoline và tập cho tôi hát.
Khi tập cho tôi hát bài nào Ba tôi cũng
giải thích cho tôi hiểu ý nghĩa của lời ca rồi tập cho tôi diễn
đạt ý nghĩa của lời ca qua giọng hát, bằng ánh mắt và bằng nét
mặt. Từ đó, Ba tôi thường dẫn tôi theo để mấy cô chú trong ban
văn nghệ nghe tôi hát rồi hát theo, tập cách biết lấy hơi, ngân
dài và giữ nhịp. Thỉnh thoảng, trong những dịp lễ, tôi thường
“solo” – động từ ngày đó thường dùng – những ca khúc có âm vực
cao, khó hát.
Thời gian Ba tôi là Trưởng Ban Văn Nghệ Sở Quân Giới Liên Khu V,
gia đình tôi sống tại làng Sơn Tịnh, Quảng Ngãi.
Trước hôm Ban Văn Nghệ trình diễn để
toàn thể bộ đội và nhân viên Sở Quân Giới Liên Khu V thưởng thức,
Ba tôi dẫn tôi theo để tôi cùng tập với ban nhạc đàn giây ca khúc
Quê Nghèo của Phạm Duy.
Trong buổi tập chung kết đó, tôi thấy
một cô tên Ngộ, tóc chải phồng hình chữ “S” ngay phía trên trán.
Cô Ngộ rất tử tế với tôi và đặc biệt là cô Ngộ không rời Ba tôi.
Không hiểu tại sao – ngay khi nhận ra cô Ngộ không rời Ba tôi –
tôi bỗng cảm thấy tức giận và ghét cô Ngộ!
Về nhà, tôi thầm thì mách lại Má tôi về
việc cô Ngộ. Má tôi im lặng, khóc!
Thấy Má tôi khóc, tôi thương Má tôi
quá, nhưng tôi không biết làm thế nào để an ủi Má tôi!
Ngày đó, tôi không biết phải làm gì để
an ủi Má tôi khi Má tôi hờn ghen.
Thế mà, sau khi tôi lập gia đình – với
một sĩ quan tác chiến, rất “đào hoa”, rất “ba gai”, chẳng biết
“ngán” ai, nhưng lại tốt bụng với mọi người và với Ba Má tôi –
không biết bao nhiêu lần Má tôi đã an ủi, khuyên nhủ tôi:
– Đàn ông mà, con! “Lá rụng về cội”,
con à! Con phải kiên nhẫn, dịu dàng, mềm mỏng, dùng tình yêu
thương để giữ hạnh phúc gia đình; đừng bắt chước những người đàn
bà hung dữ, nóng nảy, làm mất thể diện chồng con, chỉ vô tình
“đẩy” chồng vào tay tình địch thôi.
Tôi ngạc nhiên:
– Làm thế nào Má biết chuyện của tụi
con?
– Má sinh
con ra, nuôi con hai mươi năm mà Má không hiểu con thì ai hiểu
con?
– Con
biết con đã nhầm. Con xin lỗi Ba Má. Con làm thì con chịu! Con đã
nộp đơn ly dị tại tòa án Gia Định rồi!
– Con ly dị là con chỉ biết nghĩ đến
bản thân của con; còn mấy đứa con của con, con tính sao?
– Thì con đi làm nuôi tụi nó!
– Con nên nhớ, một đứa bé lớn lên, trở
thành người hữu dụng trong xã hội không phải chỉ nhờ miếng ăn...
– Con biết mà!
– Con biết thì con nên “dẹp” tự ái của
con để con của con có Cha.
Im lặng. Má tôi tiếp:
– Con có biết là Ông Bà mình dạy: “Con
không Cha như nhà không nóc” hay không?
Tôi “ngớ” ra, nhìn Má tôi. Như chợt nhớ
rằng tôi không có căn bản tiếng Việt, Má tôi cười:
– Trời! Nhè đứa xuất thân nội trú
trường bà Sơ mà cứ đề cập về danh ngôn Việt Nam!
– Lúc nãy Má nói “lá rơi, lá rụng” gì
đó, con cũng đâu hiểu rõ!
Má tôi lại cười, giải thích vắn tắt –
cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – cho tôi hiểu câu “Lá rụng về cội”.
Sau đó, Má tôi tiếp:
– Con có biết rằng, trong những gia
đình đổ vỡ, đàn con bị tổn thương nặng nhất hay không?
– Má nói như vậy, rủi ảnh chết trận thì
sao?
– Hai sự
mất mát và tổn thương giữa người Cha tử trận và gia đình đổ vỡ
hoàn toàn khác nhau.
– Hồi đó, chính Ba Má cản, không muốn
con “lấy” ảnh mà tại sao bây giờ con ly dị ảnh thì Má lại cản?
– Đúng! Ngày đó Ba Má không tán thành
cuộc hôn nhân của con; vì Ba Má không thể hiểu, tại sao con được
nhiều thanh niên có địa vị và học thức cao theo đuổi mà con lại
không chịu?
–
Con tin vào duyên số!
– Chuyện cũ, đừng nhắc nữa! Má chỉ muốn
đề cập đến tình trạng gia đình của con hiện tại mà thôi.
– Chuyện của tụi con, Má để tụi con lo.
– Nếu không vì các cháu, Ba Má sẽ “đứng
ngoài”, để con tự quyết định.
– Thì con đã quyết định rồi!
– Quyết định ly dị là một quyết định
nông nỗi và ích kỷ! Con có con thì con có bổn phận phải giữ người
Cha cho các con của con!
– Tự ảnh muốn thì con “cho” ảnh đi chứ
đâu phải tại con xua đuổi ảnh.
– Lòng vị tha của con để ở đâu? Vợ
chồng thì nên tha thứ cho nhau!
Im lặng, vì tôi vẫn còn “ấm ức”. Má tôi
tiếp:
– À, con
nhớ chuyện cô Ngộ thời gia đình mình sống tại Sơn Tịnh không?
– Dạ, sao, Má?
– Ngày đó, nếu Má vì tự ái – Má biết Má
hơn cô Ngộ về mọi phương diện – Má bỏ Ba để “sa” vào vòng tay của
một trong mấy cán bộ cao cấp đó thì hậu quả sẽ ra sao? Có phải là
tự tay Má “dâng tặng” cô Ngộ món quà mà cô Ngộ ước mơ hay không?
Rồi cũng chính Má đón nhận một trong những người mà Linh và con
không thương yêu, không kính trọng hay không?
Tôi giật mình, nhìn sững Má tôi. Má tôi
cười hiền hòa:
– Con nghe lời Má, đến tòa án Gia Định
rút đơn ly dị lại. Đây là thời điểm thích hợp nhất để con thể
hiện sự cao thượng, lòng vị tha và tình thương yêu sâu đậm của
con dành cho chồng và con của con.
Viết ngang đây, tôi lại nhìn qua cửa sổ
và thấy bốn chiếc SUV quen thuộc từ từ dừng trước nhà tôi. Tôi
chợt nhớ, các con của tôi đã hẹn chiều nay đưa tôi lên chùa viếng
hài cốt của Bố các con tôi; sau đó sẽ đi ăn, mừng Mothers Day,
sớm một ngày.
Xin mượn câu danh ngôn của Tổng Thống Hoa Kỳ – Abraham Lincoln –
để dâng lên Má tôi Lời Biết Ơn Muộn Màng: “All that I am, or
ever hope to be, I owe to my angel Mother.”
ĐIỆP MỸ LINH
https://www.diepmylinh.com
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Điệp Mỹ Linh chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy, May 7,
2022
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang