Bắc đẩu tinh

 

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy Bút
Chủ đề: Đức Tin
Tác giả: Chu Tất Tiến

Chuyện tù cải tạo và niềm tin Công Giáo

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

Tôi vốn là một người Công Giáo, đạo gốc, nghĩa là được rửa tội từ khi sinh ra, tuy nhiên, vì không được học Đạo nhiều, nên niềm tin của tôi lúc có, lúc không. Khi được chuyện vui thì cám ơn Chúa, khi gặp chuyện xui, thì bỏ nhà thờ, và hậm hực với Chúa, đôi khi bỏ Chúa luôn. Thời thanh niên, vì giận gia đình, hận đời, tôi đã đi “bụi” gần hai năm, sống lang bạt kỳ hồ, ngủ ngoài hè đường, dưới gầm xe đò, trên những chiếc xích lô đậu ngoài ngõ.

Có khi ngủ ngay trong hành lang trước cửa nhà ông anh Cả, mà không thèm gõ cửa. Đợi đến khoảng 11 giờ đêm, cả nhà đi ngủ hết, tôi nhảy qua bức tường thấp trước cửa nhà, rồi nằm ngay đó, hai bàn tay thủ túi quần, mặt đắp chiếc khăn mù–xoa cho khỏi muỗi cắn, rồi ngủ thẳng cẳng vài tiếng đồng hồ, không động đậy cho đến khi nghe thấy tiếng xe xích lô máy rồ máy xa xa, thì ngồi dậy, leo qua tường, dáo dác kiếm cột đèn nào vắng vắng, xả nước ra đó, rồi lẳng lặng bước đi không định hướng.

Khi mặt trời lên cao, thì tới nhà thằng bạn thân, gõ cửa. Bạn nhìn thấy tôi, không nói một lời, mặc áo vào, và đi trước đến xe bánh mì gần đó, mua cho tôi một ổ bánh mì 5 đồng, có May–don–ne (kem), đưa cho tôi rồi đi về. Tôi lại tiếp tục giang hồ, khi đói khi no. Một lần tôi đói quá, xỉu ngay trên đường Bàn Cờ. Một bà Tiên dựng tôi dậy, xoa dầu, và khi biết tôi đói đã mua cho tôi một ổ bánh mì. Lúc khỏe thì ghé qua hai ông anh họ, có trái tim rất to, để được chút tiền và những lời khuyên tốt lành. Hai ông anh họ con ông bác tôi, anh T., anh Kh., tốt vô cùng tận, có tiền thì cho tiền, hết tiền thì dúi cho tôi đồng hồ, áo vét. Anh cười:

“Tao hôm nay hết tiền, mày cầm lấy cái đồng hồ này (cái áo vét này) đi ra tiệm, cầm, mua bánh mì mà ăn. Khi nào tao có tiền, tao chuộc sau!”

Một hôm, tôi tới nhà ông bác. Ông bác tính khó khăn vô cùng, vừa nhìn thấy tôi đeo cái đồng hồ của anh, ông bác tôi nói lớn:

“Thằng T! Mày có cái quần xi líp cũng mang cho thằng Tiến đi!” Tôi bật khóc, tháo đồng hồ ra, vất lại trên bàn rồi cúi đầu bước ra. Anh tôi chạy theo, dúi cái đồng hồ vào túi quần đã rách của tôi, gằn giọng:

“Cái này là của tao, tao cho mày, không phải bác cho. Mày phải cầm lấy! Không cầm thì tao với mày đếch còn tình nghĩa!”

Đẽo hai ông anh họ nghèo hoài, tôi cũng ngại nên đôi khi tôi tìm đến mấy ông bạn học của ông anh cả, để lại có vài trăm đút túi. Bạn học của anh tôi, ai cũng thương tôi, nhưng không ai có thể giúp tôi sống mãi. Các anh Thông, Tế, Bối... là những Bồ Tát hiện thân, hễ thấy cái mặt thất thểu của tôi đến thì luôn nhỏ nhẹ:

“Chú Tiến đấy à! Vào đây uống cà phê với anh!”

Hoặc: “Hôm nay có phim hay lắm, chú đi với anh nhé!”

Hoặc: “Tối nay có chỗ ngủ không, lại nhà anh ngủ nhé! Sáng mai, anh em mình đi ăn.”

Khi không còn chỗ nào đến nữa, và thấy đói, tôi lầm lũi đứng chờ ở góc đường Hiền Vương, Hai Bà Trưng, Trần Nhật Duật, Mạc Đăng Dung, chờ chàng công tử bột nào đi qua, mặc áo sơ mi trắng, bỏ ngoài quần ống túm, đeo dây chuyền vàng, đồng hồ vàng, bút Pilot vàng, thì bất thình lình nhào ra, làm việc. Tay trái chụp lấy dây chuyền, tay phải tung một quả đấm thép vào mặt, miệng chửi lớn:

“Đ.m mày! Du đãng hả?”

Rồi đấm thêm vài quả nữa, trong khi tay trái giật đứt dây chuyền, hoặc đồng hồ, hoặc bút máy, rồi bỏ chạy thục mạng vào trong các ngõ hẻm Đa Kao, Tân Định. Chàng công tử bị đấm bất ngờ, mắt thấy toàn sao trên trời, làm sao rượt theo kịp? Tên du đãng vặt chạy thẳng đến tiệm cầm đồ trên đường Hai Bà Trưng, Phú Nhuận, nơi bà chủ không bao giờ hỏi biên lai, trao cho một nắm tiền. Làm việc này đôi khi cũng hết hồn, bị cảnh sát thổi còi rượt, nhưng không ai chạy lại người đang cơn đói!

Đôi khi hết tiền mà không gặp “con địa”, thì đến nhà một thằng bạn thân đã lấy gái điếm, ngủ nhờ. Cô điếm tốt bụng nấu cho tôi một tô cháo trứng vịt muối. Ngược lại, lúc trúng mánh, thì ngồi suốt đêm chơi bài, có khi hai ngày liền tù tì. Đói thì chủ sòng cho tô cháo gà, buồn ngủ thì ra sa lông, nhắm mắt chừng một tiếng, lại ngồi chơi tiếp, cạnh mấy em ăn mặc nghèo nàn, phô ra hết cả những cái gì lòng thòng bên trong.

Thời gian “bụi” đó, tội lỗi ngập đầu, không chuyện gì bạy bạ mà tôi không làm! Tôi nếm đủ mùi Tứ đổ tường líu lo, không hề nghĩ tới Chúa. Thật ra, chẳng nhớ mình là người Công Giáo luôn. Cho đến một ngày, nghe lời khuyên của ông anh họ, anh Kh.:

“Mày muốn trả thù đời thì phải học! Ít nhất là có bằng đại học, thì thiên hạ không khinh mình! Mày sẽ không phải lang thang, bụi đời như vầy nữa!”

Thế là tôi mượn sách bạn, tối ra ngồi dưới cột đèn, học suốt đêm, bất chấp kiến cắn, muỗi đốt, dế cạp sưng mông... Và rồi nộp đơn xin thi “Thí sinh tự do”, rồi thi đỗ, đi làm.

Đi làm rồi, máu du đãng vẫn còn. Chơi với lũ bạn giang hồ, đánh lộn hoài, lần nào cũng suýt chết, sau này nghĩ lại, biết Chúa tiếp tay. Vì võ nghệ của tôi chưa tới đâu, mà chém lộn hai lần, mỗi lần bị cả chục con dao chém xuống tua tủa mà không chết! Một lần ở Xóm Mới, Gò Vấp, một mình đụng với lũ côn đồ, chúng xúm lại chém bằng dao chặt cám lợn, mã tấu, xích sắt, gạch, đá... mà thoát, để lại trận địa 3 thằng nằm gục. Còn bản thân thì mang theo 5 vết chém, có một nhát ngay ngực, gần tim.

Một lần đụng với nhóm du đãng Tân sơn Nhất, cũng cả hơn chục đứa, thằng cầm gậy sắt, gậy gỗ, thằng dao bầu, dao găm mà mình cũng chỉ bị hớt mất một mảng tóc, một cái đầu gối bị vỡ nát bét, một cú gậy sắt vào gáy thôi. Bọn kia chạy tứ tán mang thương tích đầy mình. Nghĩ lại thấy rùng mình, không hiểu sao lại không bị bọn kia bằm ra nhiều mảnh...

Rồi đi lính, lấy vợ, và đi tù. Vào tù rồi, mới có cơ hội suy nghĩ về Chúa. Sau gần một năm ở Trảng Lớn, ăn như ruồi mà làm như trâu, tôi ngã bệnh, nằm thẳng, không mở mắt được, không mở miệng được. Bạn bè đổ cho từng muỗng nước cháo, tuy đầu óc tỉnh táo, nhưng bắp thịt cứng đơ.

Lúc đó, tôi mới nhớ đến Chúa và đọc kinh cầu nguyện thầm thì trong đầu. “Lạy Chúa, nếu Chúa trừng phạt con vì tội lỗi đầy mình, xin cho con ra đi thanh thản. Nhưng nếu Chúa chưa muốn con chết, xin cho con hơi thở và sức sống”.

Chúa nhận lời. Buổi sáng hôm đó, hai Thiên Thần hiện xuống nhập vào anh Đoàn Lân, Bác sĩ Quân Y, Bộ Tư Lệnh Không Quân, và anh Phượng, cũng Quân Y sĩ, vẫn nằm cạnh tôi. Nhìn thấy tôi thở càng ngày càng yếu, hai anh bàn với nhau:

“Mình không thể để cho Tiến chết như thế này được. Cố khiêng hắn đi lên trạm xá y tế lần cuối cùng!”

Thế là hai ông bác sĩ hì hục cõng tôi lên trạm. Tới nơi, anh Lân báo cáo với tên y tá rừng là tình trạng của tôi đã đến lúc khiêng ra nằm trong miếng đất trống ngoài trại, nếu không có thuốc. (Hồi đó, tù chết thì chỉ có bó chiếu. Tử tế lắm thì được nằm trong một cái thùng gỗ, đinh đóng tùm lum, lòi đầu đinh trên dưới.) Tên y tá gầm gừ:

“Cho nó uống thuốc khắc phục!”

Anh Lân ngao ngán: “Thuốc khắc phục là thuốc gì?”

Tên kia nhún vai, suy nghĩ rồi hất hàm: “Ra hái cho nói mấy lá xoài non, nấu cho nó uống!”

Không có chọn lựa nào khác, hai ông bác sĩ lại cõng tôi đi. Trên đường về trại, chợt thấy có cây xoài, anh Lân suy nghĩ: “Xoài có vitamin C, nếu không có trái thì lá cũng có thể là một vị thuốc. Biết đâu?” Thế là anh bỏ tôi nằm dưới đất, vin cành tính trèo lên. Vừa lúc đó, có tiếng quát lớn:

“Anh kia! Nàm gì thế? Sao nại neo nên cây?”

Hai anh đứng yên, báo cáo là “cán bộ y tế nói chúng tôi ra hái lá xoài để cứu người bệnh!” Người vừa quát là một anh y tá, gốc dân tộc Thái, trắng trẻo, mặc áo lính mới tinh, đi xe đạp Phượng Hoàng xanh biếc, cáo cạnh
[mới cáu/mới toanh], nghe xong, thì tiến lại chỗ tôi, ngồi xuống, vành [vạch] mắt tôi ra xem rồi phán:

“Địt mẹ! Ló bảo uống ná xoài nà ló muốn anh lày chết cho nẹ! Đang đói mà uống ná xoài thì đi ỉa một hồi nà chết niền!”

Đứng dậy, phủi quần xong, rồi phán tiếp: “Thôi, về trại đi! Ở khu lào? Đội lào? Chút lữa tôi xuống xem!”

Hai ông bác sĩ, Thiên Thần hộ mệnh của tôi, mừng quá, vội khiêng, vác tôi về lán. Chừng nửa tiếng sau, anh y tá bộ đội, cũng được một người trời nhập vào, chạy xe đạp Phượng Hoàng xuống, mang theo ống nghe, ống chích và thuốc bổ. Anh bảo Bác sĩ Lân cởi áo tôi ra cho anh nghe ngực xong rồi rút ống thuốc Vitamin B12 đỏ ra, cho vào ống tiêm, rồi chuẩn bị tiêm ngay vào ngực tôi. Anh Lân hốt hoảng, giơ tay ngăn:

“Đừng! Nếu anh bơm thuốc vào tim là bệnh nhân chết liền!”

Anh y tá rừng cười: “Địt mẹ! Đằng lào ló cũng sắp chết rồi. Chích vào đây, một sống, hai chết!”

Thế là anh ta cắm kim tiêm vào ngay ngực tôi, bơm hết ống thuốc trong khi hai ông bác sĩ mặt xanh lè, nín thở! Ý Chúa chưa muốn tôi chết để viết văn, nên tim tôi vẫn đập bình thường! Đứng dậy, anh y tá tốt bụng này gọi “quản cơm” đến, ra lệnh: “Anh cấp cho anh lày mỗi bữa một non cám! Ngày hai non nhé!”

Thời gian ấy, gạo nấu cho tù là gạo của Trung Cộng tiếp tế cho bộ đội, thả xuống sông, vùi trong rừng sâu cả mấy năm, nên toàn là sâu, mọt đen xì. Vo gạo trong thùng đạn, gạo nổi lên hết vì rỗng ruột bên cạnh giòi và mọt bò lổm nhổm. Được một lon cám thật là tiên trên trời, mà tôi lại được mỗi ngày hai lon cám, anh em khoắng vào thùng đạn, nấu lên rồi đổ cho tôi uống, trong khi đó, anh y tá kia mỗi ngày vẫn đến chích thuốc bổ cho tôi, lần sau thì chích vào vai, chỉ chừng một tuần lễ là tôi khỏe re, con bò kéo xe. (Cám ơn anh y tá bộ đội cấp Trung Đoàn, trại Trảng Lớn, đi xe đạp Phượng Hoàng xanh biếc)

Lần thứ hai, Chúa cũng cứu tôi lạ lùng. Hôm đó, ở Cà Tum, đi rừng, chặt cây mà mặc quần cụt (quần dài rách te tua, nên tôi lấy dao cắt cụt cho đỡ vướng), bắp vế phải của tôi vấp phải một cái gai độc, sước một chút bằng một đốt ngón tay. Tôi tỉnh bơ, coi như chuyện ruồi bu, kiến cắn bình thường, không rửa, cứ đi làm nốt chỉ tiêu. Hai ngày sau, cũng chẳng thấy gì.

Đến ngày thứ ba, đang cưa cây, đột nhiên tôi chóng mặt, lảo đảo, ngã xuống, mê man. Anh em xúm lại khiêng về trại. Nằm trên chõng rồi, tôi mới tỉnh lại, nhìn xuống chân và kinh hãi vì cả cái chân của tôi, mới sáng còn trắng, giờ này đã thâm đen như quả cà tím, từ ngón chân, qua bắp vế, qua đầu gối và một nửa đùi! Một anh bạn học cùng lớp ngày xưa, Bác sĩ Hiếu, Quân Y, nghe tin tôi xỉu, chạy đến, sờ trán, nhìn chân tôi và nói một câu nghe lạnh người:

“Mày đang sốt cao. Bị hoại huyết rồi! Chân mày đã bị nhiễm trùng. Không có thuốc. Chỉ còn cách cưa ngay lập tức! Nếu để chậm, máu độc lan lên háng là hết cưa!”

Tôi lắp bắp: “Có... có... cứu tao được không?”

Bạn tôi lắc đầu: “Để tao lên trạm xá, hỏi xem.”

Rồi Hiếu chạy đi ngay. Không còn cách nào hơn, tôi nhắm mắt lại, và cầu nguyện. Một lúc sau, Hiếu quay về, cũng lắc đầu, nói: “Trạm xá nói chỉ có cách là cưa chân ngay.”

Tôi rùng mình, nhớ đến một anh bạn bị sưng ruột thừa, phải mổ. Không có thuốc mê, chỉ có dây thừng và vải. Anh bị cột chặt vào giường, miệng nhét vải, bác sĩ dùng dao cắt tiết lợn, rạch bụng anh ra và mổ sống...

Bây giờ tôi cũng sẽ bị cưa bằng cái cưa gỗ vẫn dùng đi rừng và không có thuốc mê! Tôi toát mồ hôi, nhắm mắt cầu Chúa, cầu Đức Mẹ, cầu Các Thánh... liên miên bất tận. Bạn tôi quầy quả chạy đi đâu không rõ. Một lúc sau, anh trở về, trên tay chừng vài chục viên thuốc đủ mầu. Anh nói:

“Tao chạy đi từng láng, kêu gọi anh em, mỗi người cho mày một viên trụ sinh, không biết là trụ sinh gì! Mày uống một lèo khoảng hai chục viên này. Tao còn có mỗi một ống Penicillin cuối cùng, chích cho mày luôn! Số mày sống thì thoát, mà số mày đến lúc tận thì chết, chứ cưa sống kiểu này thì mày cũng chết vì đau!”

Bạn tôi đưa cho một ly nước, tôi ực hết một hơi khoảng hai chục viên thuốc đủ mầu xanh, trắng, đỏ đó trong khi bạn tôi rút ống chích ra, lụi vào đùi tôi. Tôi lại nhắm mắt cầu nguyện và ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Tỉnh dậy, thấy trời mờ tối. Nhìn xuống chân, thì thấy phép lạ: Chân tôi đã dần trắng trắng trở lại! Những đường tím tím, đỏ đỏ chạy chéo qua chéo lại đã biến mất! Nhiệt độ trong người tôi đã trở lại bình thường! Lạy Chúa, tạ ơn Ngài! Tôi đã qua khỏi cơn hoại huyết một cách kỳ lạ. Chúa đã gửi bạn tôi đến cứu tôi.

Một phép lạ nữa chứng tỏ niềm tin của tôi đúng hướng. Hôm đó, tôi nhận công tác đi lấy mây để cột giường cho tù, làm ghế và đan giỏ cho cán bộ. Công tác lấy mây đáng sợ hơn chặt cây, vác gỗ, vì dây mây khó kiếm, nằm lẫn trong lùm bụi tùm xùm, và lớp gai nhọn bên ngoài sắc và độc như nọc bọ cạp. Bị một cái gai mây cắm vào thịt là khóc cả tuần lễ, có khi sưng mủ, nếu không có nước muối rửa sạch. Khi thấy một bụi mây rồi, là lấy trong bao cát mang theo, hai cái áo may–ô rách, quấn thật chặt vào hai bàn tay, rồi leo lên cây, chặt đứt đầu mấy sợi mây xong, là leo xuống, chặt chân mây, rồi rút ra khỏi bụi.

Mây là giống cây lì lợm, chúng ỉ mình có gai nhọn chung quanh, nên cứ trì kéo lại, người chặt mây phải bó chặt tay rồi nghiến răng kéo, rút, vật nhau với dây mây cả tiếng đồng hồ mới có được vài sợi, mà chỉ tiêu là 12 sợi, mỗi sợi 10 mét trở lên. Kéo được dây mây ra ngoài rồi dùng sống dao đập đập cho vỏ mây có gai vỡ ra, rồi mới rút ruột mây thon nhỏ, trơn lu (như những sợi mây bện bàn ghế) ra, cột túm lại, để lên một đầu vai rồi hai bàn tay túm lấy đầu bịch dây mây, gò lưng, kéo lê chúng về trại.

Hôm ấy, vừa túm được một chùm mây xong thì nghe có tiếng la: “Cháy! Cháy rừng! Anh em ơi! Chạy mau!”

Nhìn lại thấy khói bung ra gần đấy, càng lúc càng mạnh. Anh em tù ở khắp nơi hò nhau, bỏ của chạy lấy người... Tiếng hò gọi nhau một lúc thì tàn, còn lại tiếng lửa đốt cây rôm rốp vang lên dần gần lại chỗ tôi. Những ngọn lửa vàng quần quật xông tới, hung dữ hơn cọp, beo... Không hiểu sao, tự nhiên tôi thấy chán đời quá! Mẹ kiếp! Tù khổ sai cực hơn chó! Ngày nào như ngày nấy, cứ quần quật, quần quật, không biết ngày mai ra sao... Thôi, chết mẹ nó đi cho khỏe! Chạy làm cái quái gì! Tôi bật khóc nức nở và muốn ngồi luôn tại chỗ cho chết luôn! Nhưng bất ngờ, tôi lại nhớ đến Chúa.

Tôi gào lên: “Chúa ơi! Chúa muốn con chết thì cho chết luôn đi! Sống khổ quá, Chúa ơi!” Rồi, nước mắt dàn dụa, tôi lững thững kéo chùm mây đi như một cái xác không hồn, mặc cho hơi nóng bắt đầu tràn đến. Khói tràn vào mũi tôi. Hơi thở tôi gấp rút, tôi vẫn cứ lê đi, nhất định không chạy, hai tay vẫn níu lấy chùm mây, đi tàn tàn giữa hai bên là lửa, là khói. Vừa đi vừa khóc, lại nhớ vợ, nhớ con. “Em ơi! Từ giã! Ráng sống nuôi con... Chúa ơi! Cho con chết nhanh lên...”

Cứ thế, tôi lê đi, lê đi giữa khói và lửa. Nóng và nóng đến nỗi, nước mắt vừa chảy ra là bốc hơi liền. Nhưng, vì Chúa không muốn tôi chết lúc đó, nên đi giữa hai hàng khói mù mịt mà không chết! Một lúc lâu sau, tự nhiên thấy trời sáng dần... tôi đã ra tới cửa rừng! Rồi qua khỏi rừng, đến bãi cỏ trống, nhìn thấy xa xa là lán trại... Đến gần lán, tôi thấy anh em đang đứng thành hàng ngang nhìn vào rừng, họ nghĩ là tôi đã chết cháy rồi! Khi đến gần, thì có tiếng bật lên: “Thằng Tiến chưa chết! Thằng Tiến chưa chết!” rồi tiếng hò vui. Một vài anh chạy ra đỡ chùm mây trên vai tôi. Vừa lúc đó, tôi ngã lăn ra vì mệt, vì căng thẳng và ngộp thở... Từ đó, tôi lại thương Chúa hơn.

Từ đó, tôi biết Ngài luôn ở bên tôi, cho nên tôi không còn biết sợ bất cứ chuyện gì, và nguyện lòng phải làm chuyện tốt để trả ơn Ngài. Vừa khi nhận được thăm nuôi, vợ gửi cho 1 hộp sữa bò, một thứ xa xỉ trong thời gian đó, tôi nghiến răng cho luôn anh bạn tên Lưu, “con bà phước”, không có thăm nuôi, nằm bệnh liên miên. Lúc đó, Lưu đã mê sảng. Một đêm, đang ngủ, anh bỗng giật mình vì có tiếng cú rúc trên nóc nhà, anh choàng dậy, vớ lấy cái áo, xua xua trên đầu và nói: “Cú kêu! Cú kêu! Sắp chết rồi!” rồi anh gục xuống giường. Tôi vội lấy lon sữa hộp quý giá ra, đục một lỗ, rồi nâng đầu anh dậy, cố đổ vào miệng anh từng giọt, từng giọt. Anh uống chừng một phần rồi nằm, thở ra, ngủ say.

Ngày hôm sau, tôi bơm nốt cho anh hộp sữa. Thế là anh khỏe lại, và đi làm ruộng được. Nhưng vì tính oán hờn trong anh lúc nào cũng cao, nên mỗi khi nhận công đất để cuốc, anh thường phân bì, cãi lộn, miếng đất của anh nhiều hơn miếng bạn. Một lần, anh sừng sộ, vác cuốc định bổ vào đầu toán trưởng, tôi gạt anh ra và nói: “Thôi, anh còn yếu, ngồi nghỉ đi! Tôi cuốc luôn phần của anh!” Và tôi làm luôn 2 công đất, toát mồ hôi, sôi nước mắt.

Mỗi tối, các nhà đều phải ngồi kiểm điểm công tác trong ngày. Trong đội tôi, có Ngạn, thầy giáo tiểu học, người thấp xỉn, cao chừng thước rưỡi, tay chân bé tí, chúng tôi vẫn gọi là “Ngạn lùn”. Anh này không có sức lao động, nên các công tác chia cho anh, đều không bao giờ đạt. Mà công tác được giao chung cho cả nhà, nếu một người làm không được, thì cả nhà bị cai tù, đội trưởng chửi mắng. Vì thế, cứ đến buổi tối ngồi kiểm điểm là “Ngạn lùn” chỉ biết khóc!

Tôi động lòng, giơ tay nói: “Thôi! Anh em đừng mắng anh ta nữa! Mắng chửi mãi cũng vậy thôi. Ngày mai, để tôi làm luôn phần của Ngạn lùn luôn!”

Từ đó, mỗi ngày tôi làm hai công. Nếu một người phải đi chặt 10 cây đòn dông làm nhà, dài 3 thước, thì tôi nhận 20 cây. Nếu hôm đó là 1 cây cột nhà, cao 3 thước, đường kính tối thiểu 10cm, tôi chơi luôn 2 cây! Nếu là 20 cây tre, tôi nhận 40 cây!

Thật ra, một công tác được giao cho một người đã “ná thở” rồi, mà nhận hai công tác thì, nếu không có Chúa giúp sức, tôi đã quỵ ngã và chết trong rừng rồi. Từ trại tù ra đến rừng, một lúc cả ngàn người đổ đi khắp hướng, nên kiếm được một cây thẳng đứng là rất khó, phải đi vòng quanh cây, nhắm đủ bốn hướng, thấy bốn bên đều thẳng, mới chặt xuống, róc vỏ, chặt cành, rồi vác lên vai.

Nếu nộp cây cong, thì coi như công ngày hôm đó, bỏ, hôm sau phải làm bù. Làm không được, thì tối bị giũa, nhục nhã vô cùng. Mà làm lại thì chao ôi, cho dù kiếm đủ cây thì khi vác về, đi quanh co trong rừng với cái cây dài ngang vai cũng là một chuyện nước mắt, mồ hôi mặn miệng.

Vậy mà tôi dám nhận hai công tác cả năm trời giúp cho “Ngạn Lùn”, chỉ vì tôi muốn trả ơn Chúa cứu tôi. Còn Ngạn Lùn làm chi? Việc của hắn là đi theo tôi, đến giữa rừng thì ngồi lại, hát um xùm để giữ hướng cho tôi khỏi đi lạc! Từ chỗ Ngạn ngồi, tôi bổ đi kiếm cây, chặt xong thì lắng nghe tiếng hát của Ngạn mà bò về chỗ hắn ngồi, thả cây xuống, rồi đi tìm cây khác. Cứ thế, tôi đi lung tung tìm cây, chặt, bỏ cành rồi mang về cho Ngạn lùn ngồi róc vỏ. Xong rồi thì cột nhóm cây lại, hai thằng hai đầu, tửng tửng tìm đường về trại. Ngạn Lùn phía sau, vừa đi vừa hát.

Thật ra, tôi muốn tạo cho Ngạn lùn sức khỏe nên bảo hắn vác phụ, dù rằng vác hai người như thế, thì khổ tôi thêm. Tưởng tượng một thằng lùn, một thằng cao cùng vác chung một chùm gỗ, thì thằng cao vất vả vì cây cứ tuột xuống dưới, phải dùng sức ghì chặt cây vào vai và kéo nó lên... Tôi cứ làm vậy vì tình bạn nhưng đôi khi quá sức, mệt quá, tôi văng tục: “Mày ăn gian quá! Mày đ... khiêng gì, cứ dựa vào tao!”

Ngạn chỉ cười hì hì, cải chính. Thằng Lùn này tính hiền, ít cãi, hay khóc. Nói nặng nhẹ với hắn là hắn khóc như con nít.
Vậy mà cũng qua khỏi tù đày.

Mấy năm sau, ra khỏi tù, tôi bất ngờ gặp Ngạn lùn đang mua đồ ở tiệm tạp hóa. Tôi mừng quá, gọi giật giọng: “Ngạn! Về lâu chưa?” Ngạn quay lại, nhìn tôi, như nhìn người lạ, rồi tiếp tục mua hàng. Tôi đứng sững người, quê xệ. Giận quá, tôi định văng ra một tràng tiếng “Đan Mạch,” nhưng lại chợt nhớ đến Chúa đã tha cho tôi tội lỗi gấp ngàn lần tên Ngạn Lùn này, nên tôi chỉ thở dài, quay đi.

Cuộc đời dần trôi. Tuổi tôi giờ đã cao. Tóc đã bạc. Nhớ lại những thành công, những thất bại trong cuộc đời, tôi khẳng định là Chúa luôn ở bên cạnh những ai có lòng tín thác nơi Ngài. Và tôi thầm thì hát: “Dù trần truồng, đói khát, dù khổ đau, con vẫn ngợi khen Ngài.”

(Cuối tháng Năm 2020)
CHU TẤT TIẾN

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by vietnguyen/psxh  chuyển

 

Đăng ngày Thứ Bảy, May 30, 2020
Ban kỹ thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang