Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tạp
ghi
Chủ đề:
thần đồng
Tác giả:
BP
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Trong một bài viết (thập niên
80s?), ông Giao Chỉ (Vũ văn Lộc) nhắc lại một câu nói của ông
Nguyễn Cao Kỳ “đàn ông trên 35 (?) tuổi thì coi như... ‘vô dụng’”
(tôi không nhớ rõ nhưng đại khái là như thế). Ông Kỳ nói câu này
lúc mới nhậm chức thủ tướng năm 1965 (ông sanh năm 1930). Cho đến
nay, ông Nguyễn cao Kỳ vẫn là vị thủ tướng trẻ tuổi nhất, 35
tuổi, trong lịch sử Việt Nam!
Tuần rồi, 9/1/2024, lịch sử Pháp quốc
cũng mới có vị thủ tướng trẻ tuổi nhất: ông Gabriel Attal, 34
tuổi! Đang là Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục, ông được ông Macron (tổng
thống trẻ tuổi nhất của Pháp), chỉ định chức thủ tướng thay thế
bà Elisabeth Borne (“Borne OUT”, như titre một tờ báo loan tin
này!). Ông Attal cũng là một vị thủ tướng Pháp “đồng tính” (công
khai) đầu tiên, tuy trước đó đã chung sống với nữ ca sĩ Joyce
Jonathan (“Ôi đàn bà / là những niềm đau!”?)
Nhưng vị thủ tướng trẻ nhất thế giới,
cho đến nay, không phải Attal, mà là ông Sebastian Kurz (Áo),
nhậm chức năm 31 tuổi!
Không nói đến những người cha truyền
con nối (Kim Jong–Un chẳng hạn), nhà lãnh đạo trẻ nhất thể giới
có lẽ là... giai nhân Sanna Marin, trở thành Tổng Thống Phần Lan
ở tuổi 34!
Ngược lại với
bà Marin, ông Mahathir Mohamad, nhậm chức Thủ tướng Mã Lai (lần
2) ở tuổi... 92!
Về quân sự, theo wikipédia, vị tướng
trẻ nhất thế giới là ông Galusha Pennypacker (1844–1916): vinh
thăng tướng lúc 20 tuổi (Nội chiến Hoa Kỳ). Trong QLVNCH, ông
Dương văn Đức là vị tướng trẻ nhất (31 tuổi / 1956). Người hùng
mũ nâu tử thủ Tống Lê Chân (512 ngày!) Lê văn Ngôn, người anh cả
Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân, là vị trung tá trẻ nhất (27 tuổi),
vỏn vẹn 6 năm sau khi tốt nghiệp khóa 21 Võ bị Đà Lạt (cùng khóa
với Đại úy “Khủng Long” / Mai Bá Long / của TĐ11 Nhảy Dù). Nhưng
“người trai khói lửa” không chết trên chiến trường, mà chết trong
ngục tù “cải tạo”, 2 năm sau “hòa bình”!
Cùng với “The Voice”, “Danse avec les
Stars”, “Prodiges” là một chương trình TV “nhạc cổ điển” mà tôi
chưa bao giờ xem “hụt”. Lúc nào biết không xem được thì tôi
programmer thu.
Bắt đầu năm 2014, “Prodiges” là một
chương trình tuyển lựa tài năng trẻ dành cho các thí sinh tuổi
7–16, trong 3 lãnh vực: hát, nhạc cụ, múa (ballet). Bảo đảm là
những người sợ nhạc “cổ điển” (còn hơn sợ nghe kiểng đổ), khó có
thể mà... ngủ gục khi xem chương trình này. Đây là một trong
những chương trình lấy... nước mắt của tôi!
“Enfant prodige”, ta gọi là thần đồng.
Theo wikipédia “Thần đồng được định nghĩa trong tài liệu nghiên
cứu tâm lý là một người dưới mười tuổi tạo ra kết quả có ý nghĩa
trong một lĩnh vực nào đó ở cấp độ của một người chuyên nghiệp ở
độ tuổi trưởng thành”.
Như thế:
Thần đồng âm nhạc nổi tiếng nhất thế
giới là Mozart, bắt đầu sáng tác lúc 5 tuổi, 8 tuổi viết giao
hưởng!
Thần
đồng văn sĩ Saeed Rashed al–Mheiri (Emirats arabes unis) ra mắt
tác phẩm “L’éléphant Saeed et l’ours” lúc được 4 tuổi!
Michael Kearney là người tốt nghiệp đại
học (San marin High School, California) trẻ nhất thế giới, lúc 6
tuổi (1990).
Hoạ sĩ “pro” trẻ nhất thế giới tên Aelita Andre (2007/Úc). Từ năm
2 tuổi, em đã có các tác phẩm được bán ra ở giá 24,000.00USD,
v.v.
Việt Nam
ta cũng có lắm thần đồng. Nhất là về văn học.
Trạng nguyên trẻ tuổi nhất là Nguyễn
Hiền (1234–1256?), thi đỗ năm 13 tuổi.
Tuy đỗ Trạng Nguyên năm 33 tuổi nhưng
ông Lương thế Vinh (1430–1510?) cũng nổi tiếng là một thần đồng.
Chuyện kể, lúc còn bé, đang chơi ngoài đường, có một người Tàu
(?) muốn thử trí thông minh nhi đồng Việt nên lấy trái bưởi bỏ
xuống hố, đố “làm sao lấy trái bưởi lên mà không dùng tay hay đồ
vật, thì sẽ được thưởng tiền”, ông Vinh nói bạn múc nước đổ vào:
trái bưởi nổi lên!
Trong quyển Giai Thoại Làng Nho, ông
Lãng Nhân kể chuyện ông Ngô Thời (đúng ra là “Thì”, nhưng người
sau này, vì kiêng tên vua Tự Đức, Nguyễn phúc Thì, nên đọc ra
“Thời”) Nhiệm, 5 tuổi đã biết tự đặt tên. Chả là đầu năm, bố ông
Nhiệm “tân niên khai bút”, ký tên Ngô–thời Sĩ, xong, gọi con ra
để đặt tên (?). Cậu bé lém lỉnh hỏi “tên thầy là gì?”, bố chỉ vào
chữ Sĩ, thế là cậu cầm bút, phẩy thêm một nét lên chữ Sĩ, thành
ra chữ Nhiệm! Ông cực kỳ thông minh, ngoài 20 đã đỗ tiến sĩ, được
Chúa Trịnh Sâm dời vào phủ dạy thế tử Trịnh Khải. Thời Tây Sơn,
vua Quang Trung tín cẩn, dùng làm “cố vấn” (quân sư).
Nói đến Ngô thời Nhiệm, là nói đến câu
(đối) trả lời ông Đặng trần Thường, một người trước đây cầu cạnh
ông Ngô xin một chức dưới trướng (Tây Sơn) nhưng bị ông Ngô từ
chối vì không ưa thái độ khúm núm của Thường. Bất bình, Thường
vào Nam đầu chúa Nguyễn. Khi nhà Nguyễn hạ được Tây Sơn, ông
Nhiệm bị tù giải ra Bắc. Người ngồi xử ông Nhiệm là ông Thường.
Đang “lên voi”, Thường hiu hiu tự đắc, “móc lò” ông tù... “cải
tạo” đang đứng giữa sân “Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần
ai, ai dễ biết ai”. Không chút ngại ngần, Nhiệm hiên ngang đối
lại “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải
thế”. “Đau” quá, Thường ngầm ra lệnh cho thủ hạ đánh Nhiệm đến
chết!
Chuyện
các thần đồng VN kể trên chỉ là giai thoại nhưng đến ông Nguyễn
văn Cẩm thì không còn là thêu dệt cho vui nữa. Mà có thật.
Ông Nguyễn văn Cẩm (1875–1929), người
Thái Bình, nổi tiếng thần đồng, lên 6 tuổi, đọc sách chỉ một lần
là nhớ, mỗi ngày học đến trăm trang. Tên “Kỳ Đồng” do vua Tự Đức
ban, cho thấy ông thật sự là thần đồng (Tự Đức mất năm 1883, như
thế tên Kỳ Đồng được đặt, trễ nhất, cũng là lúc bé Cẩm 8 tuổi).
Năm 13 tuổi, do liên quan đến một cuộc biểu tình (rước cờ) ở Nam
Định nhưng vì trọng nhân tài nên người Pháp đã gởi ông sang
Algérie học. Ông là người Việt Nam đầu tiên đỗ tú tài (ban Khoa
học) ở tuổi 21 (1896). Về nước, sau một thời gian, biết ông tìm
cách liên lạc với “Hùm thiêng Yên Thế”, 1898, nhà cầm quyền thuộc
địa đã “đày” ông sang Tahiti, rồi quần đảo Marquises. Ở đây, ông
kết bạn với danh họa Paul Gauguin và soạn vở kịch “Les amours
d’un vieux peintre aux Marquises” đùa ông bạn già họa sĩ!
Lập gia đình với một phụ nữ bản xứ, ông
bà có một trai, một gái: Pierre Văn Cẩm và Bernadette Văn Cẩm.
Trước 1975, người “miền Nam” biết Kỳ
Đồng là tên một anh hùng, danh nhân lịch sử dù (có thể) không
biết Nguyễn văn Cẩm là ai. Bởi vì có nhiều con đường mang tên Kỳ
Đồng mà không có đường nào mang tên Nguyễn văn Cẩm.
Sau 1975, người “miền Nam” không biết
Lê văn Tám là ai, mà nhiều tên đường miền Nam bị đổi thành “con
đường mang tên... em (!)”, nhiều trường học bị buộc mang tên
Tám?! Ở Sài Gòn, thân nhân những người nằm trong nghĩa trang Mạc
đĩnh Chi được lệnh dời mộ. Nhà Nước ta lấy tha ma làm công viên
Lê văn Tám. Chẳng những thế, “Lê văn Tám” còn được cho vào học
đường Xã Hội Chủ Nghĩa, in trong sách giáo khoa, cho “các thiếu
nhi học gương anh Tám”. Gương gì? – Gương tẩm... xăng vô mình,
châm lửa, làm “cây đuốc sống”, lao vào phá nổ kho đạn Thị Nghè,
tháng 10/1945!
(nguồn: RFA)
Kho đạn Thị Nghè ở miền Nam. Trước
1975, chắc có nhiều người lớn tuổi miền Nam còn nhớ chuyện “nổ
kho đạn Thị Nghè” nhưng không người miền Nam nào biết Lê văn Tám
là ai. Không biết cũng phải, vì đó là sản phẩm tưởng tượng của
ông Trần huy Liệu: Bộ Trưởng Bộ Tuyên Truyền (1945, 46) trong
chính phủ Hồ chí Minh.
Tuy có nhiều đoạn không đồng ý với lập
luận của tác giả nhưng tôi cũng xin ghi lại, trong tạp chí “Xưa
và Nay”, số tháng 10/2009, Giáo sư sử học (miền Bắc) Phan Huy Lê
(1934–2018), của dòng họ Phan Huy nổi tiếng (Phan huy Ích, Phan
huy Chú, Phan Huy Vịnh, v.v.), em trai cựu Thủ tướng VNCH Phan
huy Quát, tiết lộ rằng: “Về câu chuyện Lê Văn Tám, tôi xin được
tóm lược một cách đầy đủ lời kể và lời dặn của GS Trần Huy Liệu
mà tôi đã lĩnh hội như sau: Nhân vụ kho xăng của địch ở Thị Nghè
bị đốt cháy vào khoảng tháng 10/1945 và được loan tin rộng rãi
trên báo chí trong nước và đài phát thanh của Pháp, đài BBC của
Anh; nhưng không biết ai là người tổ chức và trực tiếp đốt kho
xăng nên tôi (GS Trần Huy Liệu) đã ‘dựng’ lên câu chuyện thiếu
niên Lê Văn Tám tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho xăng địch
cách đấy mấy chục mét.”
Kể cho ông Lê nghe xong, ông Liệu còn
tự trách là “bịa mà bịa chưa đến chốn nên lòi cái... dốt ra”: “GS
Trần Huy Liệu còn cho biết là sau khi ta phát tin này thì đài BBC
đưa tin ngay, và hôm sau bình luận: Một cậu bé tẩm xăng vào người
rồi tự đốt cháy thì sẽ gục ngay tại chỗ, hay nhiều lắm là chỉ lảo
đảo được mấy bước, không thể chạy được mấy chục mét đến kho
xăng.” GS đã tự trách là vì thiếu cân nhắc về khoa học nên có chỗ
chưa hợp lý. Đây là ý kiến của GS Trần Huy Liệu mà sau này tôi có
trao đổi với vài bác sĩ để xác nhận thêm... Điều căn dặn của GS
Trần Huy Liệu là: “Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử
học, nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa.”
Sau tiết lộ sự thật phũ phàng, ông Lê
bị báo chí Đảng dũa tơi bời, cho là ông dựng chuyện, bôi bẩn anh
Tám. Và “tiểu sử” Lê văn Tám, một sớm, một chiều được chữa lại
năm sinh: từ “không biết năm sinh” thành “1932” (cho phù hợp với
thiếu niên 13 tuổi đốt kho đạn)!
Theo “RFA” (**), nhận định về bài viết
về buổi lễ giỗ (!) Lê Văn Tám do tờ báo Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí
Minh tường thuật, cũng như những ý kiến cho rằng Lê Văn Tám là có
thật, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động dân sự tại Hà Nội nói
rằng đừng xem sự việc đó là quá lớn:
“Có một cái nhóm xung quanh cái tờ Văn
nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, đấy là một nhóm thực sự là cực đoan.
Mình không nên đánh giá quá cao cái việc ấy, nó cũng giống như là
dư luận viên. Nếu không phải 90% thì cũng là 80 mấy phần trăm
người ta tin ông Phan Huy Lê hơn là các ông cảnh sát tư tưởng.”
Nhưng tại sao lại cho “cây đuốc sống”
(chữ của báo chí CS) mang tên Lê văn Tám thì Trần Huy Liệu giải
thích “dựng” chuyện thiếu niên Lê Văn Tám là nghĩ đến biểu tượng
cậu bé anh hùng làng Gióng (Phù Đổng Thiên Vương), còn việc đặt
tên Lê Văn Tám là vì họ Lê Văn rất phổ biến ở nước ta, và Tám là
nghĩ đến “Cách mạng tháng Tám”.
Ông Trần huy Liệu không... liệu sức
mình, dám mang thánh Gióng, một ông tướng nhà Trời, đuổi giặc Ân,
cho các vua Hùng tiếp tục dựng nước và giữ nước, để làm ra Lê văn
Tám: một “cây đuốc sống” ở tuổi 13, khuyến khích trẻ thơ lao vào
lửa đạn, chết cho một nước Việt Nam chưa bao giờ thật sự “Bắc Nam
thống nhất”?!
Trong “Luận Ngữ – Tử hãn” có ghi: Khổng Tử viết:
“Hậu sinh khả úy
yên tri lai giả
chi bất như kim dã?
Tứ thập, ngũ thập
nhi vô văn yên,
tư diệc bất túc úy dã dĩ.”
Những người thế hệ sau rất đáng kính
phục, làm sao mới biết thế hệ sau không bằng thế hệ trước đây?
Nếu đến lúc 40, 50 tuổi mà vẫn không có danh tiếng gì, vậy thì họ
sẽ chẳng còn gì phải kính sợ rồi. (https://tuhoctiengtrung.vn)
Nếu Kỳ Đồng Nguyễn văn Cẩm là một “hậu
sinh khả úy” thì Lê văn Tám là một “hậu sinh chả úy”.
Muốn úy cũng không được. Có thật đâu mà úy?!
Nghèo mà ham! Bỏ đi Tám!
BP
17/1/2024
Nguồn:
RFA
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by th chuyển
Đăng ngày Thứ Tư, January 17,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang