Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tạp
ghi
Chủ đề:
Thích Tuệ Sỹ
Tác giả:
BP
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp
đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười
với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa
đông mai mùa hạ buồn chăng
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó
lại bốn vách tường ủ rũ
Suối rừng xa
ngược nước xuôi ngàn.
Những câu thơ đã theo tôi từ trên 50
năm nay, từ thuở học sinh tóc xanh mắt sáng cho đến lúc sắp “rửa
tay, gác kiếm lên rừng”, từ những ngày mộng mơ đầy ắp, cho đến
khi mộng vét không còn! Tôi không nhớ đã đọc chúng ở đâu, lúc
nào, nhưng chính 4 câu mở đầu đã khiến tôi yêu cả bài thơ “Không
đề” và chính bài thơ này đã khiến gã “tân sinh viên” mày mò đi
tìm thân thế tác giả. Để rồi sau đó được đọc thêm một tác phẩm
của người: “Tô Đông Pha, những phương trời viễn mộng”. “Người” là
Tuệ Sỹ,”thiền sư” Thích Tuệ Sỹ (Phạm văn Thương / năm sinh thật
1945), 8 tuổi đã được gia đình gởi vào chùa Trang Nghiêm, Paksé
(Lào), 9 tuổi, chính thức xuất gia (wikipédia).
Theo triết gia Phạm công Thiện (một
người rất gần thầy Tuệ Sỹ), Tuệ Sỹ là pháp hiệu do ông tự đặt ra
“có lẽ vì muốn theo gương của vị Đại Thiền Sư đời Trần Tuệ Trung
Thượng Sỹ?”(PCT). Ông viết những câu thơ “Không đề” này ở tuổi
hai mươi, trễ nhất cũng là 1969, là năm thi sĩ Bùi Giáng ca tụng:
“Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ Đường
Thi Trung Hoa tới Siêu Thực Tây Phương!”. Tốt nghiệp phân khoa
Phật Học, đại học Vạn Hạnh, năm 1965, năm 1970 ông được Thượng
Tọa Thích Minh Châu, Viện Trưởng, mời làm Khoa Trưởng Phật Học và
tư tưởng Đông Phương (1970–1973). Trước 75, về thầy Tuệ Sỹ, tôi
chỉ biết có chừng đó!
Mãi đến 11/1988, tôi mới nghe lại tin
thầy, qua một tuyên cáo chấn động của Trung Tâm Văn Bút VN, đăng
trên báo Văn Học (số 34) của anh Nguyễn Mộng Giác: thầy Tuệ Sỹ
Phạm văn Thương và thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát (tù CS từ 1/4/1984)
vừa bị nhà nước CS Hà Nội (9/1988) tuyên án tử hình, thêm 17 tăng
ni (trong đó có ni sư Trí Hải Phùng Khánh, “thần tượng” của trung
niên thi sĩ Bùi Giáng) và 2 sĩ quan VNCH (Phan văn Tri, Tôn thất
Kỳ), bị kêu án, từ 4 năm đến tù chung thân khổ sai, với lý do “âm
mưu lật đổ chính quyền”! Sự kiện này cho thấy cái lếu láo, ấu trĩ
của luật pháp một chế độ tự xưng “ưu việt”: hai người Lính cầm
súng, không bị án tử hình như hai nhà Sư cầm bút! Và cái tội
trạng “âm mưu lật đổ chính quyền” đưa ra, thật sự là cái tội
“muốn giữ sự độc lập của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
(miền Nam)”, không chịu sự kiểm soát của chính quyền. Thống Nhất
không có nghĩa là “Quốc Doanh”!
Vụ án “Già Lam” là một trò hề lố bịch,
một dàn dựng rẻ tiền, của một chính thể độc tài!
Theo “quangduc.com”, “Do sự tranh đấu
tích cực của các nhân sĩ trong và ngoài nước, cùng sự can thiệp
của các cơ quan nhân quyền quốc tế, Hà Nội phải vội vã giảm án
hai Thầy xuống còn 20 năm khổ sai, đem giam HT tại Xuân Lộc, Đồng
Nai, sau đó chuyển riêng HT ra trại A–20 tỉnh Phú Yên. Tháng
10/1994, với sự phản kháng trong tù, HT bị nhà cầm quyền tách đưa
ra trại giam Ba Sao, miền Bắc. Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã được Tổ
chức Human Rights Watch trao giải thưởng tranh đấu nhân quyền
(Hellman–Hammett Awards) cùng với 7 nhà đấu tranh khác vào ngày
03/8/1998.
Năm
1998, Hà Nội trả tự do cho Hòa thượng, cùng với một số người
khác. Trước đó, HT đã tuyệt thực trong tù. Vì trước khi thả, nhà
cầm quyền áp lực buộc HT ký vào lá đơn gửi ông Chủ tịch nước ‘xin
khoan hồng’, HT đã trả lời nội dung: ‘Chúng tôi đã không công
nhận giá trị của phiên tòa này, tính pháp lý của bản án này, các
ông không có quyền giam giữ chúng tôi thì sao lại có quyền khoan
hồng hay ân xá chúng tôi.’ Công an thuyết phục: không viết đơn
thì không có lý do để thả được. HT đã khẳng khái đáp: ‘Đó là việc
của các ông; nhưng nếu các ông cứ áp lực buộc chúng tôi ký đơn,
tôi sẽ tuyệt thực phản đối.’ Và Hà Nội đã phải trả tự do cho HT
vào ngày 01/9/1998, sau 10 ngày Thầy không ăn và tiếp theo cả
không uống, tổng cộng 14 ngày. Hòa thượng Tuệ Sỹ tuyệt thực một
mình, không có tổ chức, bên ngoài không biết. Thấy sức khoẻ HT
suy sụp nhanh chóng, chính quyền đã vội đưa bác sĩ vào xin điều
trị, và đưa Thầy ra khỏi trại giam.
Ngày 02/9/1998, lúc 10:45g, Hòa thượng
Tuệ Sỹ được đưa lên xe lửa về Nam. Ngồi suốt 36 tiếng đồng hồ
trên xe với sức khỏe rất yếu sau khi tuyệt thực trong tù, HT
không chịu nổi nên được đưa xuống ga Nha Trang, về tạm ở Phật học
viện Hải Đức. Ít lâu sau công an lại ra lệnh HT phải về chùa Già
Lam ở Sài Gòn, không được phép ở Nha Trang. Hòa thượng từ chối,
viết một lá thư gửi cho nhà cầm quyền, nói ‘một là tôi tự do ở
đâu tôi muốn, hai là vào tù trở lại, chứ mấy ông không thể thả
tôi ra khỏi nhà tù nhỏ để nhốt tôi vào nhà tù lớn hơn là cả đất
nước này’. Tin này lập tức được loan truyền trên báo chí hải
ngoại thời đó.
Trước sau, Hòa thượng đã lãnh một án tử
hình, 17 năm tù đày và ba lần bị quản thúc, trải qua các nhà tù
khắc nghiệt khắp nam trung bắc.”
Dù ốm yếu, hom hem (<45kg) hai Đại Đức:
Tuệ Sỹ, Trí Siêu “thâm niên tù vụ” cũng “cao cấp” như một số hiếm
hoi tướng lãnh VNCH: Trần bá Di, Lê minh Đảo, Đỗ kế Giai, Lê văn
Thân, Trần quang Khôi, Mạch văn Trường! Dũng tướng và dũng tăng
gặp nhau ở con số 17 (năm tù).
Trong một bài viết trên Khởi Hành hải
ngoại, nhà thơ Viên Linh nhớ lại Vạn Hạnh “Ngũ Bá” (chữ của VL)
thời xa xưa. Với Trung thần Thông (Viện trưởng) Thích Minh Châu,
Bắc Cái Bùi Giáng, Tây Độc Phạm công Thiện, Nam “Đế” Ngô Trọng
Anh (cựu Bộ Trưởng trong chánh phủ Nguyễn cao Kỳ, Phó viện trưởng
Vạn Hạnh) và Đông Tà Tuệ Sỹ! Với ai, ông ký giả Viên Linh cũng có
thể bông đùa, nhưng với Đông Tà “thì lòng tôi cứ trùng xuống, nói
năng nhẹ đi, và cái nhìn của tôi không còn sắc cạnh nữa” (Khởi
Hành 5/1999). Bởi vì người bạn Tuệ Sỹ (cùng trong ban Biên tập
“Thời Tập” với Viên Linh) khác với tăng chúng mà ông gặp. “Đó là
một người thật, và còn vượt hơn cả cái thật của con người.” (VL)
Tôi nghĩ, ông Viên Linh gọi người bạn
(văn chương) Đại Đức là Đông “Tà”, không phải vì bạn có tánh tình
“cổ quái”, mà vì có lắm tài hoa như Hoàng Dược Sư! Theo Viên
Linh, thầy Tuệ Sỹ không những là một học giả uyên bác về Phật
Giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa, rất tinh thông chữ Hán, rành Pháp,
Anh ngữ, đọc Đức ngữ, đọc được chữ Phạn, chữ Pali mà, ngoài tài
văn, thơ, ông chủ bút tạp chí Tư Tưởng của Vạn Hạnh còn thổi sáo,
chơi tây ban cầm, dương cầm! Thượng Tọa Thích Mẫn Giác, phó Viện
Trưởng Vạn Hạnh, lúc sinh tiền, vẫn hay nói “Tuệ Sỹ đã tu từ ngàn
kiếp trước, Phật Giáo Việt Nam phải đợi tới 350 năm mới có một
Thiền sư uyên bác như Tuệ Sỹ”. Cùng một ý nghĩ đó, học giả Đào
Duy Anh, sau 1975 (6/1976), đã vào Nha Trang thăm Thầy và cũng đã
cầm tay Thầy mà nói “Thầy là viên ngọc quý của Phật giáo và của
Việt Nam.” (*)
Chỉ khi sang đây, tôi mới biết mặt Thầy
Tuệ Sỹ qua một số ảnh đăng trên tờ Khởi Hành (hải ngoại). Sau
này, trên internet, được xem nhiều ảnh Thầy, nhưng tấm tôi thích
nhất là tấm Thầy chụp với thi sĩ (lớn) Sao Trên Rừng Nguyễn đức
Sơn khi Thầy lặn lội lên Phương Bối Am (Bảo Lộc) thăm bạn. Kẻ
tục, người tăng cùng chia nhau một nụ cười con trẻ!
Thầy Tuệ Sỹ thân với anh Sao–Trên–Rừng
có lẽ vì cả hai đều yêu thơ. Không những thế, theo tôi, đó là 2
tài thơ lớn. Anh Sao Trên Rừng có một chỗ đứng riêng trong thi ca
Việt Nam (như Tô Thùy Yên, Du tử Lê, Bùi Giáng, v.v.) Thầy Tuệ Sỹ
cũng vậy. Thầy là vị lãnh đạo Phật Giáo đầu tiên (Xử lý thường vụ
Viện Tăng Thống) có những sáng tác thơ văn “Đạo–Đời” nổi tiếng!
Chưa có điều kiện tìm đọc các sáng tác
văn chương, xin ghi lại đây vài bài thơ của Thầy, nhặt được trên
internet:
Thất
ngưu
Ngưu
thượng ngưu hề đồng thượng đồng,
Đồng
ngưu bối hướng các tây đông.
Tiêm trần
bất cách hà tiêu nhưỡng,
Khoáng kiếp lai
kim uổng tự mông.
Cự Triệt thiền sư
Bản dịch Tuệ Sỹ:
Mất trâu
Chú, trâu, này chú nọ trâu
Chú, trâu hai ngả hai đầu đông tây
Bụi
hồng cách một rèm mây
Thiên thu lơ láo
những ngày lang thang.
(nguồn: thivien)
Thu Lai
Đồng phong kinh tâm tráng sĩ khổ
Suy đăng lạc vĩ đề hàn tố
Thùy khan
thanh giản nhất thiên thơ
Bất khiển hoa
trùng phấn không đố
Tư khiên kim dạ
trường ưng trực
Vũ lãnh hương hồn điếu
khách thơ
Thu phần quỉ xướng bảo gia thi
Hận huyết thiên niên thổ trung bích.
Lý Hạ
Tuệ Sỹ dịch nghĩa:
Gió heo may rợn hồn tráng sĩ
Lạnh se da, dế rỉ đèn lu.
Dở trang bóng
chữ lờ mờ
Mấy rây mọt phấn ơ hờ điểm
hoa.
Buồn ray rứt kéo ra ruột thẳng
Khóc người thơ, mưa lạnh hồn ma
Tanh hôi
giọng quỉ trên gò
Máu hờn thiên cổ xanh
mồ cỏ thu.
(Tuệ Sỹ, Thời Tập, 1973)
Như dịch giả ghi chú, đây chỉ là dịch
nghĩa. Dịch giả dùng thể song thất lục bát, hai câu bảy, rồi một
câu lục một câu bát. Câu thứ ba có hai chữ tuyệt vời: Bóng Chữ.
Phải chăng nhà thơ Lê Đạt ở Hà Nội đã đọc bài này trước khi in
tập thơ Bóng Chữ cách đây vài năm? (nguồn: Khởi Hành 5/1999/Viên
Linh)
Và một
vài câu thơ trích trong bài viết của một người “bạn” Thầy: nhà
văn Trần hữu Thục (Trần Doãn Nho) (***)
“... Trong ta là núi là rừng
Là trăm tiếng hát đã dừng trên môi”
(Thân phận/trong Tô Đông
Pha).
Ngược
xuôi nhớ nửa cung đàn
Ai đem quán trọ mà
ngăn nẻo về (Lô Sơn/trong Tô Đông Pha).
Ngày mai sư xuống núi
Áo mỏng sờn đôi vai
Chuỗi hạt mòn năm
tháng
Hương trầm lỡ cuộc say
Bình minh sư xuống núi
Tóc trắng hờn sơn
nhai
Phương đông mặt trời đỏ
Mùa hạ không mây bay
Ngày mai sư xuống
núi
Phố thị bước đường cùng
Sư ho trong bóng tối
Điện Phật trầm mông
lung
Bình minh sư xuống núi
Khóe mắt còn rưng rưng
Vì sư yêu bóng
tối
Ác mộng giữa đường rừng
...
Thời gian đi khấp khiểng
Để rụng phấn rơi hồng
Tơ nắng dài tâm sự
Bồi hồi mộng vẫn không
– Đã mấy nghìn năm đợi mỏi mòn
Bóng người cô độc giẵm hoàng hôn
Bởi ta
hồn đá phơi màu nắng
Ôm trọn bờ lau kín
nỗi buồn
– Từ
thuở hồng hoang ta ở đâu
Quanh ta cây lá
đã thay màu
Chợt nghe xao xuyến từng hơi
thở
Thấp thoáng hồn ai trong khóm lau
Khi về anh nhớ cài quai nón
Mưa lạnh đèo cao không cõi người...
Sẽ không ít người nhăn mặt khi đọc
những bài thơ tình của một tu sĩ (?). Có gọi là nhân duyên không,
khi 3 ông tu sĩ miền Nam: nổi tiếng, làm thơ tình hay làm thơ
tình nổi tiếng, đều họ Phạm, mà tên lại bắt đầu bằng “Th” (tuy
Phạm thiên Thư tên thật là Phạm Kim Long nhưng dường như không ai
biết tên này cả?)! Trước 1975, ông tu sĩ nhờ thơ tình mà nổi
tiếng. Là Phạm thiên Thư. Một ông tu sĩ khác nổi tiếng về Triết
nhưng có những bài thơ tình không nổi tiếng. Là Phạm công Thiện.
Bây giờ, qua anh Trần Doãn Nho, tôi lại được biết thêm Thầy Tuệ
Sỹ (Phạm văn Thương) cũng sáng tác thơ “tình” nhưng, theo anh
Thục, đó là những bài thơ tình “thắm thiết, da diết, nồng nàn”.
Mắt em nhỏ ngại ngùng song cửa
Nghe tình ca trên giọt sương tan
Bóng
tôi xa đêm dài phố thị
Nhớ con đường
thơm ngọt môi em
...
Ôi nhớ làm sao, Em nhỏ ơi!
Từng đêm ngục tối mộng
Em cười Ta hôn
tay áo thay làn tóc
Nghe đắng môi hồng
lạnh tím người!
...
Cho ta chút nắng bên song cửa
Ðể vẽ hình Em theo bóng mây. (Cho ta chép nốt bài thơ ấy)
Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao
Như
cò trắng giữa đồng xanh bát ngát
Ta yêu
người vì khoảnh khắc chiêm bao. (Thoáng chốc)
Công Nương bỏ quên chút hờn trên dấu
lặng
Chuỗi cadence ray rứt ngón tay
Ấn sâu xuống ưu phiền trên phím trắng
Nửa phím cung chỏi nhịp lưu đày (Những điệp khúc cho dương cầm).
Trích thì trích, đăng thì đăng nhưng,
có lẽ để viết riêng cho những ông bà khó tánh, anh Thục “chua”
thêm:
“Dẫu
vậy, như ta biết, trong đời sống, Tuệ Sỹ không hề vướng vào con
đường tục lụy. Lời thơ, tuy rất tình, nhưng nếu đọc kỹ, chúng
chẳng hề mang mùi tục lụy. ‘Em’, ‘tóc rối’, ‘môi em’ hay ‘nụ hôn’
chứa đựng vẻ tinh khôi của một thứ tình cảm lý tưởng. ‘Yêu’ mà
không ‘lụy’. ‘Tình’ nhưng không ‘dục’. Đó là ‘tình yêu thuần
khiết’ (amour platonique), thứ tình cảm trai gái hoàn toàn không
dính líu đến quan hệ thân xác hay những hình thức lãng mạn khác
(hẹn hò, quà tặng...). Điều này không phải là hiếm hoi đối với
những người hiến mình cho con đường tu tập, dù thuộc bất cứ tôn
giáo nào. Một tình yêu như thế thường xuất phát từ sự tự chế hay
từ sự ‘thăng hoa’ (sublimation), hiểu theo nghĩa phân tâm học.
Yêu một người mà như yêu mọi người.”
Có lẽ qua kinh nghiệm sống nên anh Thục
thêm vài hàng giải thích. Chứ theo tôi, cũng chả cần thiết mấy.
Ai cũng biết Thầy Tuệ Sỹ cả rồi! Ngay cả cái nhà cầm quyền Hà
Nội! 3 ông tu sĩ làm thơ tình, thì đã ông Thiện, ông Thư hoàn
tục. Chỉ còn ông Thương tiếp tục bước Chân Như.
Tánh “khó” thì đã “khó” rồi
Viết thêm cũng chả khiến người bớt... nhăn!
Chính những bài thơ, những tấm ảnh (như
trên đây), những đoạn video thu lúc Thầy đàn, mới cho tôi, một
người “tục rất nhiều, chỉ một chút thanh... thanh (!)”, thấy gần
Thầy. Không thấy Thầy như một Cao tăng, đạo cao, đức trọng mà
thấy Thầy như một người anh trong gia đình (Thầy bằng tuổi người
chị thứ Sáu của tôi: đứa em út thứ 11), một người anh hòa nhã,
bao dung. Đúng như nhận xét của anh Viên Linh (ở trên): “Đó là
một người thật, và còn vượt hơn cả cái thật của con người”.
Mấy tuần nay tôi đi chơi xa, cùng với
một nhóm bạn mới quen: những anh chị làm “công quả” cho một ngôi
chùa vùng ngoại ô Paris. Trong bữa dinner tối thứ năm (?) 23/11,
trò chuyện với anh bạn ngồi kế bên, không biết sao chúng tôi nói
sang Thầy Tuệ Sỹ. Tôi khoe đã đọc Thầy từ ngày còn học Lycee. Và
“ca”: Thầy là một viên ngọc quý của Phật Giáo “chúng ta”, trăm
năm mới có một! Anh bạn đồng ý 100%, và cũng cho biết thêm, bà xã
anh (cũng người Quảng Bình, sinh ở Paksé) có cô bạn gái là em
ruột Thầy Tuệ Sỹ. Lúc đó, tôi hoàn toàn không hay biết là Thầy đã
bị bệnh nặng, phải vào nhà thương từ tháng 9! Trưa hôm sau, thứ
sáu (?) 24/11, đang déjeuner trong nhà hàng, thì anh bạn đến khều
vai cho hay: mới nghe tin Thầy Tuệ Sỹ “ra đi”! Bàng hoàng, tôi ú
ớ, không biết nói gì. Rồi tiếp tục lầm lũi ăn, mà cũng chả biết
đang ăn gì! Tin Thầy Tuệ Sỹ đi đột ngột quá!
Những người tôi yêu mến
Ngày càng xa rời tôi
Mốt mai ngồi ngoảnh
lại
Biết còn ai quanh đời?
Mặt Trời không có thật
(Phạm Công
Thiện)
Nên Mặt
Trời im hơi
Thầy Tuệ Sỹ có thật
Đã hương trầm lên khơi!!!
Sắc nào tức thị Sắc?
Không nào tức thị Không?
Sắc, Không nào
cũng sẽ
Tan biến vào hư không!
Về lại nhà gần 1 tuần nay, khuya nào
tôi cũng giật mình thức giấc! Những tin tôi biết về Thầy, những
hình ảnh của Thầy cứ lởn vởn trong đầu. Ngủ lại không được, tôi
qua phòng sách đối diện, bật máy, đọc một số bài viết về Thầy Tuệ
Sỹ!
“Chuyện đã
kể rồi hồng hoang lững thững
Vẫy tay
chào nối gót chẳng buồn trông”.
Chuyện sống, chuyện chết. Chuyện hết,
chuyện còn. Chuyện kinh, chuyện tụng. Chuyện nhạc, chuyện thơ.
Chuyện tù, chuyện bệnh. Chuyện bạn, chuyện thầy, v.v. Cuộc đời
Thầy, ngoài những chuyện đã kể rồi, dẫu cuối cuộc đời, cũng vẫn
còn quá nhiều điều để kể. Biết đến bao giờ mới hết?! Có câu
chuyện nào mà không có kết thúc? Thôi thì
“‘Không–kết–thúc’
cũng là một kết–thúc
Vẫy tay chào nối
gót chẳng buồn trông”!
Thầy ơi,
“Khi đi Thầy có cài quai nón
Mưa ở Thiên Đàng, biết lạnh không?”
BP
1/12/2023
(*) “Tuệ Sỹ, viên ngọc quý”/Nguyễn Hiền & Đức/2020
(**)
https://thuvienphatviet.com/tran-huu-thuc-thich-tue-sy-khuon-mat-tieu-bieu-cua-van-hoa-viet-nam
(***)
https://www.youtube.com/watch?v=cNbq_meZt88. Thầy
Tuệ Sỹ đàn dương cầm.
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by th chuyển
Đăng ngày Thứ Sáu, December 1,
2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang