Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tản
mạn Xuân
Chủ đề:
Xuân
Tác giả:
BP
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Hôm
nay là thứ tư 18/1/2023 nhằm ngày 27 tháng chạp năm Nhâm Dần. Còn
vài ngày nữa là bước qua năm Quý Mão. Chủ nhật 22/1/2023 là mồng
Một.
Năm Mão
thì xung với tuổi gì? Lúc nhỏ tôi đã nghe người ta nói về “tứ
hành xung” nghĩa là 4 con giáp cơ bản mệnh xung khắc nhau. Không
phải xung khắc về... “nhan sắc”, mà về tính khí, quan điểm, suy
luận, v.v.
Tuy
Tử Vi xuất phát từ Tàu nhưng tôi không biết họ có áp dụng nó vào
đời sống không, nhất là trong chuyện dựng vợ, gả chồng như đa số
(?) người Việt. Đọc truyện Tàu, từ Tam quốc Chí, Thủy Hử, Hán Sở
tranh hùng, v.v. ngày xưa cho đến các quyển võ hiệp sau này, tôi
không thấy Quan Công, Trương Phi hễ gặp nhau là lớn tiếng, Nhạc
Linh San khắc khẩu với Lệnh Hồ Xung, v.v.!
Dần Thân Tỵ Hợi, Thìn Tuất Sửu Mùi, Tý
Ngọ Mẹo Dậu là 3 xóm “tứ hành xung”: mấy người ở chung một “xóm”
thì ai cũng khan... tiếng, đổ lệ cả. Do gây lộn cả ngày! Ông Hợi
cự bà Thân. Cô Tuất cãi lộn với anh Mùi!!! Điếc tai, mệt óc, vỏn
vẹn chỉ vì không hợp tuổi nhau! Nhưng có vẻ “tứ hành xung” thì
cũng “tứ hành... sung” luôn. Vì tôi để ý thấy cặp nào càng hay
cãi nhau lại càng đông... con. Ban ngày xung khắc liên miên / Ban
đêm sung... hạp: thuyền quyên, anh hùng?!
Ngược lại với “tứ hành xung” là “tam
hạp”, là “thôn” của an bình, hạnh phúc, của mưa thuận, gió hòa,
của chén dĩa xài mấy chục năm vẫn không bể. “Khúc hoan ca” rộn cả
ngày, không cần gì phải “về thôn xưa” mới hát. Trong “thập nhị...
giáp quân”, tam hạp được chia thành 4 “thôn”: Ngọ–Tuất–Dần /
Mão–Mùi–Hợi / Tý–Thìn–Thân / Sửu–Tỵ–Dậu. Mấy anh tuổi Ngọ, Tuất
không có gì phải e dè với em gái tuổi Dần cả: nữ chúa sơn lâm
hiền khô à! Bà Xếp tuổi Dậu chọn anh tài xế tuổi Sửu thì bảo đảm
“an toàn trên xa lộ, thanh lịch trong thành phố, tiện lợi khi đi
vào ngõ hẹp”, v.v.
Tin hay không là tùy mỗi người nhưng
không nên khe khắt quá. Như một số gia đình ở Việt Nam khi xưa,
không cho con lấy người mình yêu vì không hợp tuổi!
Dĩ nhiên, khi mới quen, mới yêu nhau,
thì ai cũng đều dễ thương cả, không chỉ “3” mà 12 con giáp, con
nào cũng hợp hết. Chàng nào cũng hiền như bụt, nàng nào cũng
ngoan hơn thỏ! Cuộc đời là màu hồng. Cuộc tình là màu xanh. Cho
đến ngày đưa nhau về “dinh”: đời không như là mơ và tình thôi như
là thơ! “Tứ, tam” gì cũng... đụng độ như nhau! Trừ 3 ngày Tết là
lệnh ngưng bắn luôn luôn có hiệu lực, nhiều khi ngưng từ cả tuần
trước. “Cảnh vui người có gây nhau bao giờ”.
Nhớ, ở miền Nam ngày xưa (trước 75), từ
23 Tết là đã thấy vui rồi. Vui từ phố phường vui vào lớp học. Vui
từ công sở vui đến tiệm buôn. Mặc dầu đất nước trong tình trạng
chiến tranh nhưng cái không khí vui vẻ, nhộn nhịp đó, nó không
chỉ có riêng ở thành phố, mà nó cùng khắp thôn làng, xã ấp miền
Nam, khắp 4 vùng chiến thuật. Những ngày “này”, chưa đến Tết, đã
nghe đời rộn ràng, “nâng chén” chúc nhau. Chúc từ hậu phương chúc
ra tiền tuyến. Chúc bác nông phu, chúc anh chiến sĩ, chúc người
thương gia, chúc bé học trò, v.v. Hương thanh bình thơm khắp nửa
miền đất nước. Trừ Tết Mậu Thân! Hai cái Tết đẫm máu trong lịch
sử mà tôi biết là Tết Kỷ Dậu (1789) và Tết Mậu Thân (1968). Nếu
Tết Kỷ Dậu máu giặc Tàu nhuộm đỏ đất Bắc khi vua Quang Trung đại
phá quân Thanh thì Tết Mậu Thân, không tôn trọng hưu chiến Hà Nội
xua quân đánh lén, máu người Việt đổ nhiều ở miền Trung (nhất là
Huế!), miền Nam!
Tết Ất Mão (1975). Mồng 1 Tết là ngày
11/2/1975, dù đã mất Phước Long tháng trước, nhưng, với “20 năm
chiến tranh” và “kinh nghiệm” của mùa–hè–đỏ–lửa, người miền Nam
vẫn tin là “quân ta rồi sẽ trở về”, Phước Long rồi sẽ được chiếm
lại. Trên 4 vùng chiến thuật, hoa và người vẫn nô nức, tưng bừng
đón xuân. Ngờ đâu, chỉ đúng một tháng sau đó, 11/3/1975, Ban Mê
Thuột lọt vào tay giặc! Từ đó, đến ngày mất nước, vỏn vẹn chỉ là
một tháng rưỡi!!! Cái Tết Ất Mão 1975 là cái Tết Tự Do cuối cùng
của miền Nam. Cũng như bài “Khai Xuân Thạch Vấn” xuất hiện trên
tạp chí “Nhà Văn”, số Xuân Ất Mão, là bài thơ Xuân (đăng báo)
cuối cùng của thi bá Vũ Hoàng Chương, nguyên bản và bản dịch của
chính tác giả:
(http://nhilinhblog.blogspot.com/2013/02/trung-bay-sach-1-thi-si-vu-hoang-chuong.html#more)
Khai Xuân Thạch Vấn
Tường vân mãn
tọa nguyệt bôi minh
Hy chúc xuân khai dạ
bán quỳnh.
Đông liễu Tây đào song tận
mỹ,
Tần tang Yên thảo nhất hà thanh!
Tẫn giao cố quốc hoài kim phấn,
Tự hữu
cuồng ngôn xuất thạch bình!
Đồi ngọa, dữ
sa trường túy ngọa,
Cổ lai thùy dã chiếm
cao danh?
ĐÁ
MỞ LỜI XUÂN
Bạn đầy mây, chén đầy trăng,
Xuân vào
đêm, giữa lòng băng nở quỳnh.
Liễu tơ
đào gấm như tranh,
Dâu Tần biếc, cỏ Yên
xanh, một trời.
Quê xưa phấn rụng vàng
rơi
Có nghe vách đá vang lời hỏi duyên:
Say nằm trước ngõ là tiên,
Hoặc say nằm
cát ngoài biên mới hào?
VŨ HOÀNG CHƯƠNG
trên thềm Tết Ất Mão
“Đồi ngọa, dữ sa trường túy ngọa / Cổ
lai thùy dã chiếm cao danh?”. Không biết có phải là “điềm” hay
không mà trong bài khai bút của thi sĩ lại có mấy câu lấy ý từ
“Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu / Cổ lai chinh chiến kỷ nhân
hồi” của Vương Hàn (Lương Châu Từ). Đành rằng ở đây, cụ Vũ tự hỏi
“giữa một người say nằm trước ngõ và một người say nơi sa trường,
ai ‘cao danh’ hơn ai?” Tôi thắc mắc: làm sao so sánh cái
say–nằm–ngõ với cái say–trận–tiền, là hai cái say không liên quan
gì đến nhau? – Một bên hết say thì tỉnh, một bên say xong chưa
chắc còn lúc để say. Nhưng, nếu cái tựa đã là “khai xuân hỏi đá”
thì chiến–sĩ say hay thi–sĩ say cũng không khác gì nhau. Việt Nam
sau 1975, chinh chiến hay tù ngục, cũng “không mấy ai về!!!” Sau
5 tháng nằm “nhà đá”, thi sĩ được thả về ngày 1/9/1976. 5 ngày
sau thì chết!
May mắn hơn ông Vũ Hoàng Chương, nhà–văn–nhà–giáo Doãn Quốc Sỹ
(ông vẫn thường nói “nhà giáo là nghề, nhà văn là nghiệp”), tuy
bị cầm tù hai lần, tổng cộng trên 13 năm, nhưng vẫn còn sống sót,
để rồi được định cư tại Houston từ 1995.
17/2 tới là ngày tuổi ông Doãn lên 3
số, tính theo âm lịch thì ông đã qua “trăm”. Ngày 10/12/2022, 5
hội đoàn “giáo chức” và “môn sinh” đã hợp nhau tổ chức lễ chúc
thọ “bách tuế” cho ông Thầy–nhà–văn ở Little Saigon. Trong buổi
lễ, thi sĩ Đỗ Quý Toàn đã nói về ông “... Cả đời Doãn Quốc Sỹ vẫn
cười khà khà, mắt không trợn lên, lông mày không chau lại. Không
để cái được, cái mất, cái may, cái rủi làm động tâm. Thường ai
cũng muốn tu tập công phu để đạt tới trạng thái này. Hình như
Doãn Quốc Sỹ sống tự nhiên như vậy, không hề cố gắng. Ông viết
cuốn ‘Vào Thiền’, tái bản nhiều lần. Bị cộng sản bắt bỏ tù, vào
trong tù ông ngồi thiền. Quản giáo bắt đi nghe gì thì đi. Có gì
ăn thì ăn, lúc nào được ngủ thì ngủ. Bị bắt lần thứ hai, vẫn như
vậy, lại ngồi thiền. Thở vào, thở ra, nhẹ như mây bay, vững như
núi đá...”. Cách đây, mấy chục năm, trong số Văn Học chủ đề “Doãn
quốc Sỹ” (thực hiện khi ông Sỹ bị CS kết án lần thứ nhì: 9 năm
tù), nhà văn Nguyễn Mộng Giác cũng đã viết “... Tôi hỏi thăm ông
về những năm tháng ở trại Gia Trung, nhân tiện hỏi hư thực về tin
đồn bên ngoài bảo rằng từ khi bị bắt, Doãn Quốc Sỹ cương quyết
quay mặt vào tường, tọa thiền diện bích, từ chối không trả lời
những câu hỏi của cán bộ chấp pháp. Ông cười, rồi nói:
– Anh em ở ngoài vì thương nên đồn đãi
như vậy. Mình ở trong tay họ, làm vậy có ích gì! Cái cốt yếu là
giữ được tư cách dù ở trong tay họ.
Ông nói câu ấy với giọng bình thường,
không cao giọng, không bậm môi rướn cổ. Ánh đèn từ trong nhà lọt
qua cửa kính, khuôn mặt của ông trông xương xương hơn xưa, nhưng
ánh mắt vẫn sáng vui” (*).
Doãn quốc Sỹ sống như cái tên của ông
“Quốc Sỹ (sĩ)”: sỹ khí của một “kẻ Sĩ”, của một người cầm bút
Việt Nam: uy vũ bất năng khuất!
Nhưng, nói về Doãn quốc Sỹ, chắc không
ai bằng người bạn thân “Sáng Tạo” Mai Thảo: “...
Ở giữa, trung
dung, bình nguyên, như một tập hợp hiền hòa, hóa giải được mọi
tỏa hiệp quá khích là ‘ông giáo’, là Doãn Quốc Sỹ. Giữa chúng
tôi, một khác biệt hẳn. Ông không mở ‘những phòng thí nghiệm trên
cỏ’, danh từ này của Tô Thùy Yên, để pha chế những hợp kim mới
cho ngôn ngữ mới, như chúng tôi. Khi với tờ Người Việt rồi tờ
Sáng Tạo, chúng tôi náo nhiệt bàn tới những vận động làm mới văn
chương, làm mới tình yêu, làm mới tâm hồn, ông chỉ cười. Không
phản đối cũng không hưởng ứng. Chỉ ung dung ở yên trong cõi viết
bình dị, đầy đặn, hồn hậu của mình, một cõi viết không mảy may
giao động trước một hiện tượng văn chương thế kỷ nào, một cõi
viết ở đó là con người, không nửa người nửa thú, con người là chủ
thể, là nhân sinh tính bản thiện, là một hòa đối mãi mãi và không
cùng với tạo vật và thiên nhiên. Con người. Trước hết. Chỉ con
người thôi. Đúng vậy. Với ông giáo. Như yêu thích điều gì, ông
thường vỗ đùi và luôn miệng thốt lên tiếng humain, humain (rất
người, rất người). Khiến gọi ông là giáo, chúng tôi còn gọi đùa
là ‘me–sừ humain’, mỗi khi có chuyện gì nói tới Doãn Quốc Sỹ”.
Ông Doãn quốc Sỹ là một nhà văn “lớn”.
“Lớn” ở tuổi đời, “lớn” về tác phẩm, “lớn” ở nhân cách. Ông viết
cuốn “Người Việt đáng yêu” vì ông là một trong những người Việt
đáng yêu nhất!
(nguồn: Trịnh Thanh Thủy /
viendongdaily.com)
Năm 2023 này, không chỉ bên Sư Phạm mới
có Thầy Sỹ lên bách tuế. Mà bên Y giới cũng có Thầy Ninh: Giáo sư
(GS) Bác sĩ Trần ngọc Ninh, sinh ngày 6/11/1923 (Hà Nội).
Như ông Doãn,
GS Trần ngọc Ninh là một tên tuổi “lớn” (nghĩa bóng lẫn nghĩa
đen) của Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng, khác với ông Doãn, Giáo Sư
Ninh hoạt động trong nhiều lãnh vực. Dựa theo bài viết của một
người học trò GS: BS nhà văn Ngô Thế Vinh, tôi tạm chia ra thành
4 lãnh vực chính: Y Khoa (Thạc Sĩ Y Khoa Pháp/1961), Chính trường
(Tổng Trưởng Văn Hóa Xã Hội đặc trách Giáo Dục / 1966–1967), Giáo
Dục (Giáo Sư Đại Học Y Khoa Sài Gòn / 1961–1967 / Giáo sư đại học
Vạn Hạnh)(Văn minh đại cương và Văn Hóa Việt Nam) / 1966–1975),
Ngữ học: Viện Trưởng Viện Việt Học / Westminster (2003–2008). Sau
2 năm làm việc với các “đỉnh cao trí tuệ”, tuy được trọng dụng
nhưng vì quá chán ngán, ông cùng gia đình vượt biên năm 1977!
Dù công việc bề bộn, ngoài hàng trăm
bài khảo cứu chuyên khoa đăng trong các tạp chí Y Khoa, GS Ninh
còn cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị về Văn Hóa, Y Học, Việt
Học, v.v.
(nguồn: internet)
Lúc còn ở Việt Nam, tôi không có dịp
đọc Giáo Sư Ninh! Ngược lại, tôi hay đọc những bình luận, nhận
định của 2 nhà báo: Nam Đình (Đuốc Nhà Nam) và Trần Việt Sơn
(Chính Luận). Qua đây, đọc bài Giáo Sư viết trên Khởi Hành (số
29), tôi mới biết Trần Việt Sơn là bút hiệu của Trần Ngọc Lập,
anh ruột Giáo Sư. Ông Lập là một người tài hoa: học giỏi, đàn
hay, vẽ đẹp, v.v. Ông mất năm 1983 sau một thời gian bị giam
trong ngục tù CS!
“Nhìn” học trò biết Thầy. Trong “Chân
Dung Nghệ Thuật & Văn Hóa / Tuyển tập 2” anh Vinh có nhắc đến tên
một số môn sinh (nổi tiếng trước 1975) của GS: Trần xuân Ninh, Võ
thành Phụng, Nguyễn lương Tuyền, Nguyễn văn Quang, v.v. Đó là các
học trò “ruột” của GS. Là một trong những GS chính của ban Giảng
Huấn Đại Học Y Khoa, hầu như các BS tốt nghiệp ở miền Nam đều là
học trò GS Ninh. Võ có (Quân Y), Văn có (nhà văn). Qua các bài
viết liên quan đến GS Ninh, người đọc thấy rõ, dù bao nhiêu tuổi,
danh vọng, địa vị đến thế nào, các học trò của Giáo Sư luôn tôn
kính, yêu mến Thầy. Tôi thấy được điều đó khi đọc các bài viết
của các BS: Nguyễn xuân Quang, Ngô Thế Vinh, Việt Nguyên, Đặng
phú Ân, v.v. Cái Tình đó, cái Lòng đó, cái Lễ Nghĩa đó, có khác
gì các học trò Khổng Khâu?
Trong Tập San Y Sĩ (số 226 năm 2022 /
Hội Y Sĩ VN Canada). BS Đặng Phú Ân kể lại, đầu tháng 8 năm rồi,
trong chuyến nghỉ Hè ở Honolulu, trên đường về lại Montreal, lợi
dụng 11 tiếng chờ chuyến bay ở Los Angeles, vợ chồng ông (có hẹn
trước) đã lấy taxi đi thăm Thầy Ninh. Trong cuộc hàn huyên, thấy
Thầy mình, dù ở tuổi 100, vẫn nói chuyện rõ ràng, trí óc minh mẫn
sáng suốt, ông hỏi Thầy... “bí quyết”:
“... Điểm đặc biệt nhất: Bao nhiêu lần
đến kính thăm Thầy, tới nay, 100 tuổi, tôi thấy Thầy vẫn minh
mẫn, trí óc sáng suốt, trí nhớ thì thật siêu đẳng, lần lượt chúng
ta sẽ nghe Thầy kể chuyện dưới đây!
Tôi hỏi:
– Thưa Thầy, làm sao Thầy vẫn giữ được
trí óc minh mẫn và sáng suốt.
Thầy nói như đang giảng cho sinh viên
tại phòng 10 Bệnh viện Bình Dân ngày nào:
– Ân biết là bộ óc rất cần oxygen, nên
tôi tập thở là chính, một vài động tác, 5, 7 lần mỗi ngày, khi
nằm cũng tập như khi ngồi. Giơ hai tay lên đầu, giơ hai tay
ngang, giơ hai tay xuống chân thì cũng như phổi có 3 thùy, thùy
trên, thùy trung, thùy dưới. Thầy làm cử chỉ động tác ngay lúc đó
cho chúng tôi xem, tôi có quay video giữ lại.
Tôi hỏi tiếp:
– Thưa Thầy, mỗi động tác như vậy 2
lần?
Thầy sửa
lưng tôi ngay:
– 20 lần mỗi động tác, cũng như trong
Kung Fu, khí công tập thở là chính...”
Như thế, “sống lâu trăm tuổi” không...
khó gì nhiều. Chỉ cần học cách THỞ như hai Giáo Sư: Doãn & Ninh.
“Hậu Sinh Khả
Úy”. Đối với 2 Thầy Doãn quốc Sỹ và Trần Ngọc Ninh, cho đến bây
giờ, có thể do kiến thức hạn hẹp, tôi vẫn chưa thấy “hậu sinh”
nào “khả úy” hơn hai vị! Nhân cách và hoạt động của 2 Giáo Sư là
tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.
Xin kính chúc hai Giáo Sư tiếp tục mạnh
khỏe, an vui trên con đường bách tuế!
Ất Mão 1975 là năm cuối cùng, năm Mão
cuối cùng, của những ngày “Nắng đẹp miền Nam”! Gần 3 tháng sau là
bóng đêm chụp xuống. Mặt trời Tự Do đã theo đoàn người di tản khi
lũ mèo hoang, từ rừng sâu túa ra, từ vĩ tuyến tràn xuống. Sau một
thời gian cắn xé, cào rách miền Nam, đám mèo rừng đã nhà cao, cửa
rộng, đã ngựa xe sang trọng, đã yến tiệc linh đình, v.v. Nhưng đi
đâu,ở đâu, làm gì... cũng không giấu được cái đuôi “Mán ngồi xe
xịn”, “dốt hay khoe chữ”, “trưởng giả học làm sang”, v.v.!
Đinh Mão 1987, Kỷ Mão 1999, Tân Mão
2011 và Quý Mão 2023. Sắp đến 48 năm, 4 “can” Mão sắp qua. Thương
hải có biến vi tang điền.
Nhưng mèo kia thì vẫn hoàn mèo!
BP
18/01/2023
27 Tết Quý Mão
(*)
https://nguyenmonggiac.com/tap-chi-van-hoc/494-doan-quoc-sy-nguoi-anh-kha-kinh.html
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by th chuyển
Đăng ngày Thứ Tư, January 18, 2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang