Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy
Bút
Chủ đề:
mất bạn
Tác giả:
BP
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Cô sinh
năm 1962, năm 75 cô mới 13. “Tuổi của nàng, tôi nhớ chỉ 13”.
Đó là cái tuổi “mơ được
làm tiên nữ, mơ hát xây mộng cho người”
(tuổi mộng mơ / Phạm Duy).
Lúc bạn tôi quen cô thì cô 14. “Tuổi
của nàng, tôi nhớ chỉ... 14”. Người hát câu đó là ông bạn, tôi
quen “bên đây”: Vũ H.Th.Th. và tôi bằng tuổi nhau. Chúng tôi có
chung nhau một tuổi trẻ Việt Nam và một thời mới lớn “Sài Gòn”.
Dù Th. học chương trình Tây, tôi trường Việt!
Cô là đầm lai, cùng gia đình sang Pháp
năm 76. Cô quen bạn tôi, cũng sang Pháp theo diện “quốc tịch” nơi
này. Nhớ, có lần cô nói với tôi: “Em hồi đó ngây thơ lắm, 16 tuổi
là biết yêu rồi!” Trời đất! 16 tuổi biết yêu mà bảo là ngây thơ
thì đúng là “ngây thơ... cụ!”. Có lẽ cô định nói là bị bạn tôi
“dụ khị” nên biết yêu sớm. Tôi không biết 2 người cưới nhau lúc
nào nhưng sớm nhất cũng là lúc cô 18 tuổi. Hôm qua, 7/3, bạn tôi
nói: “chúng tôi có 48 năm cùng nhau chia ngọt, xẻ bùi”, chắc là
bạn tôi tính luôn 2 năm “anh quen bé”, chứ 14 tuổi thì sớm quá,
mặc dầu, so với các cụ ta ngày xưa, thì cô cũng quá tiêu chuẩn
rồi.
“Anh lấy
em từ thuở 13
Lên năm 18 thiếp đà 5
con”.
Cô lấy
chồng năm 18 (?), nhưng chỉ (?!) có 3 con với anh bạn tôi thôi.
Trong mấy cô bạn của vợ chồng tôi, ở
đây hay ở... đâu, cô là người mảnh khảnh nhất (so với tỷ lệ chiều
cao/số cân). Quen vợ chồng cô 20 năm nay, lúc nào tôi thấy cô
cũng vậy. Chưa có cô bạn nào thua cô về số kí–lô!
Côte de bœuf thì không thể nào “đi” với
nước mắm. Nhưng mấy cô Việt Nam lai Pháp thì hầu như cô nào
cũng... xinh! Cô bạn tôi vừa xinh lại vừa hát hay. Hát hay nhưng
cô chỉ hát “chùa”, hát cho các hội đoàn “phe–ta”, hát trong các
chương trình gây quỹ xã hội, từ thiện, v.v. Cô ốm yếu nhưng tiếng
hát cô thật khỏe, và trái tim cô thật to (hát “từ thiện”)!
Hôm qua, các con cô nói “Chúng cháu rất
hãnh diện khi có được một người mẹ như mẹ cháu”. Chồng cô cũng
nói: “Tôi rất hãnh diện có người vợ là em”. Những người bạn thân
của cô cũng nói như thế. Chúng tôi thân với vợ chồng cô nhưng, dù
là một thân quen chưa đủ để “trút hết tâm tình”, chúng tôi cũng
hãnh diện khi được quen cô.
Năm 2005, biết chúng tôi tổ chức ăn Tết
ở nhà, có ăn, có uống, có nhạc, có nhảy, một anh bạn bỏ nhỏ:
“Hey, ông, tui biết có cô này hát rất là hay, nếu được, ông mời
vợ chồng cô tới chơi luôn.” Tôi chọc anh bạn: “Hát không hay
như... anh, tui còn mời, nói gì tới hát hay. OK, cho xin số điện
thoại đi, sếp”. Thế là quen nhau! Từ đó, tổ chức ca hát nào của
chúng tôi cũng đều có mặt cô, một trong những “ca sĩ” chánh.
Thường thì cô hát nhạc vui, nhạc ngoại
quốc (tôi rất thích cô hát “If you love me let me know”) nhưng có
một lần, hôm đó cả đám đi “quậy” ở một nơi không xa nhà chúng tôi
mấy. Tàn tiệc, khoảng 5, 6 cặp kéo về nhà chúng tôi ăn cháo
khuya, lần đó, không biết sao, cô nhờ tôi đệm (piano) cho cô hát
“Nửa hồn thương đau”. Không biết vì tiếng hát, hay vì lâu quá
không nghe ca khúc này, mà tôi “nhập” vào ca khúc (?). Lời ca
chấm dứt rồi mà lòng tôi vẫn còn rung cảm. Có ai còn tin “những
người khóc lẻ loi một mình?” Tôi chưa có dịp nói lời cám ơn cô
đêm đó (2006?). Và cũng sẽ không bao giờ có dịp nói với cô lời
cám ơn đó. Bởi vì, thứ tư 28/2 rồi, cô đã vĩnh viễn ra đi!
Khi phát hiện bị ung thư máu (?), cô
vào bệnh viện gần 3 tháng nay. Với một tâm hồn yêu đời (và yêu
người) cô luôn lạc quan (hay vì không muốn cho người thân lo
lắng) trước cơn bệnh. “Trước mấy hôm chị ấy mất, em gọi thăm thì
nghe giọng chị rất bình thường, không có gì mệt nhọc cả”, một cô
bạn kể chúng tôi nghe. Ông anh ruột cô cũng kể, mấy cái SMS cuối
cùng cô gởi cho anh, vẫn là những emojis quen thuộc: nụ cười, bắp
thịt (muscle), chắp tay nguyện cầu, v.v.
Trưa qua, đám tang cô được tổ chức
trong nhà thờ nơi vợ chồng cô cư ngụ với sự hiện diện của gia
đình cô và rất nhiều bè bạn. Tôi chưa bao giờ dự một lễ tang có
đông người như thế. Sau đó, là đưa cô đến nhà thiêu. Lần này số
người tham dự lại càng đông hơn. Nhiều người phải đứng ở bên
ngoài để dự lễ. Nói đến số người tham dự, tôi chỉ muốn nói lên,
lúc sinh tiền, cô đã được rất nhiều người yêu mến. Vì đã mang cái
tâm, cái tài của mình ra giúp đời, giúp người.
Nghe kể lại, trước khi ra đi vĩnh viễn,
đã có lúc trái tim cô ngưng đập trong gần 2 phút. Khi được cứu
sống, cô đã nói với người thân: “tự nhiên không biết gì nữa,
giống như vừa ngủ dậy”, và cô thêm “nếu chết mà như thế, thì đâu
có gì để sợ”. Nhưng, vài hôm sau thì cô “đi” thật. Đang nói
chuyện thì cô bỗng kêu lên tự nhiên mệt quá! Và cô thiếp đi, cô
“đi” trong tay hai cô bạn gái đến thăm!
Cô tên Martine, tháng 5 tới là sinh
nhật năm thứ 62 của cô! Lúc trước, tôi làm cô cười ngất khi tôi
đùa “anh em mình khác họ nhưng cùng tên. Em là Martine còn anh là
Mạt rệp, lên không nổi!”.
Martine làm tôi liên tưởng đến Ngọc
Lan, cả hai đều hát hay và đều “ra đi”. Nói theo một số người,
thì Ngọc Lan hưởng dương năm 45 tuổi (1956–2001) Martine hưởng
thọ 62 (1962–2024). Nghe thì thấy “già” nhưng ai biết Martine rồi
thì đều nghĩ là cô chết trẻ. Thời gian không có tác dụng gì nhiều
lên cô. Điều đó càng thấy rõ hơn khi hôm qua, trong nhà thiêu,
thân nhân cho xem lại các đoạn phim, các hình ảnh của cô với
người thân, bè bạn, v.v.
Hôm qua, gặp Th., tôi ôm bạn mà lòng vô
cùng xúc động. Lần đầu tiên tôi thấy bạn tôi khóc, lần đầu tiên
tôi thấy bạn tôi không “lắm lời”, lần đầu tiên tôi thấy bạn tôi
sao già quá đỗi! Dường như, Th. về hưu chưa được 1 năm nay, nghe
nói vợ chồng có nhiều dự tính đi chơi, du lịch, v.v. Thế mà bây
giờ... Martine mất đi, Th. không còn gì để mất nữa! Cầu nguyện
cho bạn tôi nhiều nghị lực để vượt qua cơn bão tố đau thương này!
Từ vụ covid đến nay, tôi gặp vợ chồng
Martine–Th. Hai lần. Một lần, tháng 5/2020, sau cơn bão đợt đầu
Covid, chúng tôi mời vài cặp đến nhà ăn ngoài vườn, cho bõ những
ngày bị cấm cung. Lần đó chỉ ăn uống chuyện vãn cho vui, không
hát hò chi cả. Lần thứ hai năm rồi, tháng 9, tháng 10 chi đó,
Martine tham gia chương trình văn nghệ ở chùa Khánh Anh. Cô hát
bài “Và con tim đã vui trở lại” thật hay, thật tới. Đáng lẽ hát
tiếp thì cô ngưng, cô xuống sân khấu, tìm nhà–tôi và nói “em đói
quá, chùa có gì cho em ăn tí không chị?”. Có phải lúc đó là khởi
đầu của cơn bệnh?
Sinh thời, nói chuyện với tôi, Martine
hoặc xưng em, hoặc xưng “Tine” (tin–nờ). Hôm rồi, mẹ cháu nói tôi
làm tấm carte nhỏ, ghi tên một số bạn “nhóm–chúng–tôi” chia buồn
với Th..., trong cơn xúc động tôi có viết dăm hàng gởi cô em vắn
số.
Gởi
Martine
Từ đây, hết thấy em cười
Hết nghe em
nói, hết mời em ca
Bây giờ hương khói
chia xa
Em theo cánh hạc bay qua cuộc
đời
Từ đây, đàn nín câm rồi
Khi “Tine” trở lại cõi trời với... tiên!
7/3/2024
8/3 là ngày Quốc tế Phụ nữ. Xin được
nói với bạn–ta về người phụ nữ Martine, cô bạn của chúng tôi.
“Chúng
ta mất hết chỉ còn nhau”
là một câu thơ của thi bá Vũ Hoàng Chương. Nhưng “còn
nhau”, là còn bao
nhiêu, thì không nghe thi nhân nói.
Thế hệ chúng ta, những người tị nạn năm
xưa:
Khi bỏ nước ra đi là mất hết.
Ở xứ người, chỉ còn lại nhau thôi!
Bây
giờ: còn lại bao nhiêu?!
BP
08/03/2024
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by th chuyển
Đăng ngày Thứ Sáu, March 8,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang