Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bài
Phóng sự
Chủ đề:
mở cửa lại nhà thờ đức
bà paris
Tác giả:
BP
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Tối qua, tôi nghĩ đến chim Phượng Hoàng!
Một trong những “điểm” chung của hai
nền văn hóa Đông–Tây là chim Phượng Hoàng. Nếu trong thần thoại
phương Đông, Phượng Hoàng là một trong Tứ Linh: Long, Ly, Quy,
Phượng (Phụng), tồn tại trên quả địa cầu từ thời ông Bàn Cổ thì,
trong thần thoại phương Tây, nó là biểu tượng của sự tái sinh:
sau khi chết, cơ thể nó bốc cháy để rồi tái sinh từ đống tro tàn
xương cốt của chính mình.
Tôi nghĩ đến chim Phượng Hoàng khi nghe
câu “renait de ses cendres”, tái sinh từ đống tro tàn, của một
bình luận viên (đài LCI/Pháp) trong buổi truyền hình trực tiếp lễ
mở cửa trở lại Nhà Thờ Đức Bà Paris tối qua, 19h, 7/12/2024.
Trên 40 nguyên thủ, lãnh đạo các quốc
gia (đa số “công giáo”) đã hiện diện trong buổi lễ này. Ngoài 2
khuôn mặt “nổi bật” nhất: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky
và Tổng thống (cũng “tái sinh”) Hoa Kỳ Donald Trump (20/1/2025),
còn là đương kim Đệ Nhất Phu Nhân Jill Biden, Hoàng Hậu Na–uy,
Tổng thống Đức, Ý, v.v. Còn là các nhà lãnh đạo: Bỉ, Đức, Ý (Thủ
tướng), Hy, Monaco, Luxembourg, Maroc, Congo, hai cựu Tổng thống
Pháp Hollande, Sarkozy, các cựu Thủ tướng Pháp, bộ trưởng, cựu bộ
trưởng, v.v. Những khuôn mặt nổi tiếng trong chính trường, kinh
tế Pháp, và quốc tế (Tân Bộ Trưởng Mỹ Elon Musk chẳng hạn). Sự
hiện diện của họ cho thấy tầm quan trọng của buổi lễ này. Điều
đáng nói là khi bước vào nhà thờ, Tổng thống Volodymyr đã nhận
được những tràng pháo tay nồng nhiệt chào đón. Như một tín hiệu
gởi đến “Ác Quán Mãn Doanh” Putin!
Khởi xây từ năm 1163 (ở Việt Nam, là
triều đại vua Lý Anh Tông/1138–1175 với sự phục vụ đắc lực của
Thái úy Tô Hiến Thành) kéo dài gần 200 năm. Với kiến trúc
Gothic, những vòm cong, những tháp nhọn, những trần cao, những ô
kính, v.v. ngần ấy thứ đã khiến Nhà Thờ Đức Bà Paris là một trong
những biểu tượng của Paris, đã đi vào văn học sử Pháp mà, nổi
tiếng nhất, là “Thằng gù ở Nhà Thờ Đức Bà” Quasimodo của Hugo! Bị
hủy hoại trong thời điểm Cách Mạng 1789 Pháp (một cuộc Cách Mạng
đúng nghĩa, của chính người dân, mà không cần một... Đảng nào
“lãnh đạo” cả) chỉ còn mấy bức tường, Nhà thờ đã được trùng tu,
dưới sự điều khiển của kiến trúc sư Eugène Viollet–le–Duc (tôi
rất ngạc nhiên khi chưa thấy “con đường (nào) mang tên ông” cả!).
Mãi đến cuối thế kỷ 19 mới xong! Và Nhà thờ Đức Bà là một trong
những nơi đón nhận nhiều du khách ghé Paris!
Ngày 15/4/2019, tai ương đã xảy đến cho
nước Pháp, cho du khách thế giới! Nhà thờ bị cháy, 2/3 đỉnh mái
nhà thờ trở thành tro than! Nhớ chiều đó, trên đường từ sở về
nhà, nghe tin này, tôi đã bàng hoàng. Tối đến, xem truyền hình,
đến đoạn đỉnh tháp Nhà thờ rơi xuống, như biết bao nhiêu người ở
hiện trường, tôi đã bật khóc! Gần 400 lính cứu hỏa đã cố gắng làm
mọi cách để cứu vãn. Cũng tối đó, phát biểu trước các ống kính
truyền hình, người Tổng thống 2 năm (đắc cử 2017) Macron đã nói,
đại khái, “Chúng ta sẽ cùng nhau dựng lại Nhà thờ. Trong 5 năm
nữa, Nhà thờ sẽ tái sinh, cửa Nhà thờ sẽ rộng mở lại. Bởi vì đó
là một phần ‘vận mệnh’ nước Pháp”. Không biết ông Macron dựa vào
đâu mà đưa ra con số 5 năm? Theo các chuyên viên trong nghề, phải
cần đến, ít nhất, cũng 20 năm để kiến tạo lại. Giảm xuống ¾ thời
gian, cái chỉ tiêu 5 năm mà ông Macron đưa ra, không biết là cái
“tiêu để chỉ” hay là cái “chỉ để tiêu...” cái tuyên bố “sảng”
này? Vậy đó mà cũng xong! Chả nhẽ một trong những cố vấn của ông
Macron là Khổng Minh đầu thai, tính toán như... Gia cát Lượng
hay ông Macron nằm mộng thấy Nostradamus hiện về nói: “phải làm
như vầy, như vầy...”?!
340,000 người từ các công ty, xí
nghiệp, v.v. ở Pháp cũng như trên 150 quốc gia đã ủng hộ tài
chánh cho việc trùng tu lại Nhà thờ: trên 880 triệu đô la! 250
xí nghiệp, hãng xưởng, 2,000 chuyên viên, thợ thuyền các ngành
nghề, đã làm việc ngày đêm, trong 5 năm qua, ngay cả dưới thời
“cô lập Covid”, để “5 năm rồi trở lại”, cỏ hoang không đầy lối
“giáo đường”. Mà trái lại. Nhà thờ Đức Bà đã tái sinh. Và mới mẻ,
sạch sẽ, đẹp đẽ còn hơn 5 năm trước. Từ ngoài vào trong.
Vì trở trời bất ngờ, gió mưa tơi tả,
nên chương trình đã được thay đổi cấp tốc ngày trước, Tổng thống
Pháp sẽ phát biểu trong Nhà thờ thay ví trước sân (parvis de la
cathedrale).
18h50, Tổng thống và phu nhân đứng đón quan khách trước Nhà thờ.
19h09, như tiếng khóc oe oe chào đời,
chuông Nhà Thờ bắt đầu đổ (trong 4 phút?), buổi lễ bắt đầu.
19h13, Tổng thống Macron và phu nhân,
cùng bà Thị trưởng Paris Hidalgo nghiêm trang đứng trước Nhà thờ,
dự nghi lễ khai mạc, chờ Đức Tổng Giám Mục Paris Laurent Ulrich,
xin phép Đức Bà để mở cửa, Nhà thờ. Đức Tổng Giám Mục đã dùng cây
trượng (làm từ một cây xà nhà còn sót lại sau đám cháy) gõ cửa
Nhà thờ 3 lần, mỗi lần thì có một bài thánh ca được ca đoàn thiếu
nhi từ bên trong đáp lại.
19h40, sau đoạn phim ngắn nói về trận
hỏa hoạn 15/4/2019 và công cuộc tái thiết, là tấu khúc
“Passcaille” của G.F. Handel qua phần trình diễn của hai anh em,
nhạc sĩ vĩ cầm và đại vĩ cầm, nổi tiếng: Renaud & Gautier
Capuçon.
19h47. Trong diễn văn đọc trước quan khách, ông Macron đã “bày tỏ
lòng biết ơn của nước Pháp đến các ân nhân, những người đã trực
tiếp (chuyên viên, thợ thuyền) và gián tiếp (hỗ trợ tài chánh)
tái thiết Nhà thờ. Ông nhắc lại một phần lịch sử của Nhà thờ, nơi
những hồi chuông đã đổ lên, từ Henri IV, Louis 13, 14, Napoléon
sang đến Victor Hugo, Claudel. Chuông đổ mừng nước Pháp được giải
phóng khỏi họng súng Quốc Xã. Ông cũng nói lên sự huyền diệu,
phép nhiệm mầu, khi tượng Đức Bà, suýt bị đập vỡ, khi đỉnh tháp
(fleche) rơi xuống cách tượng chỉ vài centimetres! ‘Defigurée mái
sauvée’! Một giây phút tưởng niệm đến tướng Georgelin, cựu Tổng
Tham Mưu Trưởng Quân Lực Pháp; đã được giao trách nhiệm chỉ huy
cuộc trùng tu, đã ‘ra đi’ hôm 18/8/2023! Tên của ông được khắc
trên đỉnh tháp!”
20h21. Một Đức Tổng Giám Mục đọc thông
điệp của Đức Giáo Hoàng, trong đó, Ngài nói đến “những biểu hiện
các giá trị thiêng liêng vẫn luôn được con người cảm nhận”.
20h26. Cây đàn “orgue” lớn nhất nước
Pháp, gồm 8,000 ống, 5 bộ phím, sau khi đã “tai qua, nạn khỏi” đã
được tháo ra toàn bộ, lau chùi, đánh bóng lại, tối qua, sau khi
được đức Tổng Giám Mục ban phép lành, đã trổi cao tiếng nhạc (đệm
theo “cảm hứng” của nhạc sĩ) sau trên 5 năm im tiếng!
Sự tái sinh của Nhà Thờ Đức Bà Paris
trong một thời gian kỷ lục, theo nhiều người, là một phép lạ! Với
tôi, phép lạ đó đến từ con người, mà trước nhất là của người (và
chính quyền) Pháp. Từ trái tim, khối óc, hay, nói một cách khác,
từ sự quyết tâm, sáng tạo, từ lòng can đảm, hy sinh.
Ở Sài Gòn cũng có Nhà Thờ Đức Bà, do
giám mục Isidore Colombert đặt viên đá đầu tiên ngày 7/10/1877.
Theo wikipedia “Năm 1958, Linh mục Giuse Phạm Văn Thiên, cai quản
Giáo xứ Sài Gòn thời ấy, đã đặt tạc một Tượng Đức Bà Hòa Bình
bằng loại đá cẩm thạch trắng Carrara của Ý. Tượng được tạc tại
Pietrasanta cách Roma khoảng 500km. Khí tượng hoàn tất thì được
đưa xuống tàu Oyalox vào ngày 8 tháng 1 năm 1959 từ hải cảng
Gênes chở tượng qua Việt Nam và tới Sài Gòn ngày 15 tháng 2 năm
1959. Sau đó, công ty Société d’Entreprises đã dựng tượng Đức Mẹ
lên bệ đá vốn còn để trống kể từ năm 1945 trước nhà thờ. Tự tay
linh mục viết câu kinh cầu nguyện ‘Xin Đức Mẹ cho Việt Nam được
hòa bình’ rồi đọc trước đông đảo quan khách có mặt hôm ấy. Ngày
hôm sau, Hồng y Krikor Bedros XV Aghagianian từ Roma qua Sài Gòn
để chủ tọa lễ bế mạc Đại hội Thánh Mẫu Toàn Quốc, đã làm phép bức
tượng này vào buổi chiều ngày 17 tháng 2 năm 1959. Từ sự kiện này
mà từ đó nhà thờ có tên gọi là Nhà thờ Đức Bà. Ngày 5 tháng 12
năm 1959, Tòa Thánh đã cho phép làm lễ ‘xức dầu’, tấn phong Nhà
thờ chính tòa Sài Gòn lên hàng tiểu Vương cung thánh đường
(basilique). Từ đó, tên gọi chính thức của thánh đường là Vương
cung thánh đường Đức Bà Sài Gòn. Năm 1960, Tòa Thánh thành lập
hàng giáo phẩm Việt Nam với ba tòa Tổng Giám mục tại Hà Nội, Huế,
và Sài Gòn. Nhà thờ trở thành nhà thờ chính tòa của vị tổng giám
mục Sài Gòn cho đến ngày nay. Sau ngày 30/4/1975, thì Nhà Thờ Đức
Bà ‘im tiếng’”!
Gần 50 năm qua rồi, chuông Nhà thờ Đức
Bà Sài Gòn chắc cũng đã đổ vang hồi nhưng, tôi biết, đó chỉ là
những tiếng vang kim khí! Khác với những hồi chuông tái sinh “oe
oe” của Nhà thờ Đức Bà Paris tối qua!
Bao giờ thì Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn sẽ
tái sinh như Nhà thờ Đức Bà Paris?! Để tiếng chuông bên kia sẽ
“có hồn” như tiếng đổ bên này!
BP
8/12/2024
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by th chuyển
Đăng ngày Chúa Nhật, December 8,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang