Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy Bút
Chủ đề:
thu đi
Tác giả: BP

CHIẾC LÁ KHÔ CUỐI CÙNG

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

Bây giờ, trên những con đường tôi bước, những góc phố tôi qua, là xôn xao tiếng lá. Những chiếc lá, mới tháng rồi còn là những màu vàng, đỏ khác biệt, nằm cạnh bên nhau, xếp lên nhau, trò chuyện, lúc to nhỏ thì thầm, lúc cười vang khanh khách, có khi lại quấn vào nhau theo những vòng luân vũ, theo cơn gió ngang trời, buổi sáng, buổi chiều, đi trên những hè phố đó, tôi luôn cẩn thận, tránh không giẵm lên những chiếc lá khô vàng. Thế mà bây giờ chúng là 2 màu nâu sẫm, nhạt buồn hiu! Không biết tại sao người ta lại gọi những chiếc lá lìa cành là những chiếc lá chết? Dĩ nhiên, người có một đời người, cây có một đời cây, lá có một đời lá, nhưng đâu phải lá không còn trên cây thì có nghĩa là lá chết? Trong hàng triệu chiếc lá... Việt Nam lìa cành cây chữ S, bao nhiêu phiến đã tàn sau khi bay sang được hè phố khác? Hay chỉ thấy, dầu tản mác khắp nơi, đã trở lại xanh ngời những sắc lá vàng khô!

Bây giờ, tuy đang mùa trăng nhưng không biết sao, tôi cứ nhớ nhung cái màu sáng lung linh huyền ảo ngày xưa. Chợt nhớ đến ông bạn di tản khó tính của anh Nguyễn bá Trạc (Ngọn cỏ bồng), chuyên viên “chê”. Chê người Mỹ nhiều lông. Chê nhà Mỹ chọc trời, động đất là chết cả lũ! Chê biển Mỹ lạnh hơn biển Việt Nam, nước mưa ở Mỹ uống đắng cả mồm. Ông nhạc sĩ Anh Bằng thì chê hoàng hôn Mỹ buồn hơn hoàng hôn Sài Gòn, trăng Mỹ đục hơn trăng Sài Gòn (Cõi buồn), v.v. Những cái “chê” buồn cười, phản khoa học, chỉ cho thấy một tấm lòng da diết nhớ quê hương!

“Trăng vừa đủ sáng để gây mơ. Gió nhịp theo đêm không vội vàng. Khí trời quanh tôi làm bằng tơ. Khí trời quanh tôi làm bằng thơ” (Nhị Hồ). Những câu thơ Xuân Diệu, đọc lên thấy như trước mắt những bước valse nhẹ êm, lả lướt, nhịp nhàng như 2 con hạc trắng lưng trời. Như hai bé sanh đôi, câu 3 và câu 4 có thể hoán chuyển nhau mà không thay đổi điệu thơ, nhịp thơ, ý thơ. Không chỉ “tơ” mới sanh ra “thơ”, mà có lúc, “thơ” trước, “tơ” sau. Nếu với Xuân Diệu, “tơ” là nơi đi thì, sang Bích Khê, “thơ” là điểm đến: “Cây đàn yêu đương làm bằng thơ. Cây đàn yêu đương run trong mơ”. Trong thi ca Việt Nam, có lẽ Tỳ Bà là bài thơ đầu tiên (hay duy nhất?) chỉ có những tiếng bình thanh (dấu huyền hoặc không dấu). Viết ra thơ đã là khó, phổ sang nhạc thì càng cực khó! Bởi vì ngay chính bài thơ, khi đọc lên, đã là một bài hát. Thế mà, bằng đôi tay tài hoa và trái tim nhạy cảm, Phạm Duy đã phổ Tỳ Bà thành một ca khúc bất hủ, qua một tiếng hát bất tử: Thái Thanh. “Nàng ơi tay đêm đương giăng mềm. Trăng đan qua cành muôn tơ êm”... Xin cám ơn thi sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ đã mang tiếng “Tỳ bà” làm thăng hoa đời sống
(*)

Bây giờ, khu rừng cạnh nhà tôi, có những hôm, điểm tâm là những chiếc bánh–cuốn–sương–mù. Hay có nàng tiên nhỏ trên cao, lỡ tay, đánh rơi ly sữa lạnh? Hoặc một tiên ông râu bạc, tóc trắng nào, phà xuống đời những khói “pipe” thơm hương? Sương không làm tôi “mù” mà chỉ cho thấy cánh rừng thân quen bỗng trở nên huyền bí. Từ ngoài nhìn vào, sau màn trắng đục, lờ mờ những bóng cây như những gã khổng lồ cao lêu nghêu, canh gác tòa lâu đài có giai nhân đang sống cùng “quái nhân” (La Belle et la Bête), trong một cổ tích tôi rất yêu lúc “ngày xưa còn bé”, yêu giai nhân bé bỏng như yêu người mặt thú dễ thương, tử tế mà tôi chưa bao giờ thấy trong đời sống. Mà chỉ thấy... ngược lại!!!

Bây giờ, những buổi chiều tối nhanh, những sáng ngày lên chậm. “Sớm, ra đi sớm, hoa không biết. Đêm, trở về đêm, cành không hay” (Mai Thảo). Những sáng sớm, đêm khuya, những vì tường, bờ cỏ, khi người đi hay lúc người về: vẫn vậy! Vẫn vậy. Có nghĩa là không có dịp gởi nhau một câu chào, tiếng hỏi, hay một gật đầu, một nhoẻn cười thân thiện, trong cái không gian ngày ngắn, đêm dài. Chưa nói đến những hôm mưa! Mưa ướt ngoài trời, đôi khi, lạnh đến tận hồn! Đó là lúc một mình, đếm những bước khuya, đi giữa những đoạn đường mù mờ ánh điện! Nhớ gần rồi lại nghĩ xa. Về những khuôn mặt thân quen. Về những ngày tháng ấy. Cách hay nhất để quên quá khứ (buồn) là hướng đến tương lai (vui). Ở đó, sẽ có lúc người gặp lại người, cho ấm một vòng ôm, cho rộn vang tiếng cười, cho vỡ lòng giọt lệ đoàn viên. Sẽ có chăng, ngày ấy?!!

Bây giờ....

.... “Bây giờ là mùa thu. Chiều vắng khói sương mù”: 2 câu mở đầu ca khúc “Em đã quên mùa Thu” của Nam Lộc – Tùng Giang. Trong hồi ký, Tùng Giang kể: lúc ấy (đầu thập niên 70 ở Sài Gòn), là một quân nhân Sư đoàn 5 Bộ Binh, đóng ở Lai Khê, Nam Lộc thường về Sài Gòn gặp gỡ anh em. Một đêm ngủ lại phòng trọ Tùng Giang, Nam Lộc nằm hát vu vơ “Bây giờ là mùa thu. Chiều vắng khói sương mù”, nghe hay hay, Tùng Giang ngồi dậy ôm đàn hát tiếp. “Hàng cây khô trụi lá – Hiu hắt đứng trong mưa...”. Và chỉ 30 phút sau, ca khúc ra đời: một kết hợp tuyệt vời giữa 2 người bạn “nhạc trẻ”, và là ca khúc nhạc–trẻ–mùa–thu hay nhất, qua tiếng hát Khánh Hà.

Bây giờ, chắc chắn là vẫn còn những người (ngày càng thưa đi!!!), chưa quên mùa thu Hà Nội, từ lần vượt tuyến năm xưa. Càng chắc chắn hơn, có những người chưa quên mùa thu Sài Gòn, mặc dầu Sài Gòn không bao giờ “thu”. Kể từ mùa xuân năm ấy.

Bây giờ, có những ngày, đi dưới một bầu trời thấp mây, lạnh buốt, tôi chợt nhớ đến những mùa xuân, những mùa xuân đã đi qua quá vội vàng của những người–tuổi–trẻ–chúng–ta, ngày ấy....!

“Kiến nhất diệp lạc, nhi tri tuế chi tương mộ”. Thấy một chiếc lá rụng, biết là đã đến cuối năm.
(**) Có phải vì thế mà sáng nay, khi bước ra vườn, lòng chợt bồi hồi trước chiếc lá thu rơi. Chiếc lá khô cuối cùng trong khu vườn nhà tôi!

Mùa đông đang bước tới
Năm: cũng sắp tàn rồi
“Người ơi và tình ơi!”


BP
2024/12/15

Tác giả ghi chú:

(*) https://www.youtube.com/watch?v=7RYHmVb-xeI

(**) “Hoài Nam Tử”: tập hợp bài viết của một số học giả đầu đời Hán. Nguồn: Từ Mai Trần Huy Bích.

o0o

TỲ BÀ

Nàng ơi! Tay đêm đang giăng mềm
Trăng đan qua cành muôn tay êm
Mây nhung pha màu thu trên trời
Sương lam phơi màu thu muôn nơi
Vàng sao nằm im trên hoa gầy
Tương tư người xưa thôi qua đây
Ôi! Nàng năm xưa quên lời thề
Hoa vừa đưa hương gây đê mê
Tôi qua tim nàng vay du dương
Tôi mang lên lầu lên cung Thương
Tôi không bao giờ thôi yêu nàng
Tình tang tôi nghe như tình lang
Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi
Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi
Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi
Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi
Buồn lưu cây đào tìm hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông.


1939



Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by th chuyển

 

Đăng ngày Chúa  Nhật, December 15, 2024
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang