Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tạp
ghi
Chủ đề:
Tháng ngày cũ
Tác giả:
BP
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Tháng 9. Những cánh cổng
đã được đẩy ra, những cửa sổ đã không còn khép lại. Từ sáng ngày
thứ hai 4/9/2023, ở Pháp, những cổng trường và những cửa lớp của
gần 60,000 trường học đã được mở ra, đón 12 triệu học trò “tung
cánh chim tìm về tổ ấm”! Trên khắp các nẻo đường, từ phố thị đến
thôn làng, là những vòng xe quay, những bước chân rộn rã. Giữa
những xôn xao cười nói, tay bắt, mặt mừng, có cả những tiếng
khóc... thét của các đấng nhi đồng tí hon, lần đầu đi... mẫu
giáo! Trong con số 12 triệu năm nay, là 6 triệu tiểu học, 3.5
triệu đệ nhất cấp, 2.3 triệu đệ nhị cấp (tính cả sinh viên các
lớp “prépa” / “dự bị”, để thi vào các trường kỹ sư). Ngoài 12
triệu học sinh, là 1 triệu cô, thầy và các nhân viên phòng ốc,
cantine, v.v.
2 tuần sau,18/9, sẽ là ngày tựu trường của 3 triệu sinh viên (+
tân sinh viên)!
Giống như ngày bãi trường, ngày tựu
trường cũng là một ngày vui. Vui vì gặp lại bạn bè. Vui vì có
người chơi với. Khác chăng là cái tâm trạng hồi hộp trước “tương
lai”: bạn cũ nào sẽ học chung lớp? thầy cô mới có khó tánh không?
Nhất là những cô cậu bị đổi trường do gia đình đổi chỗ ở.
Tháng 9. Tuy mùa hè vẫn còn nhưng không
phải vì thế mà tháng 9 phải có những ngày nóng muốn... điên luôn.
Như những ngày hôm nay, với cái nhiệt độ lòng vòng ở con số 32,
33°C!!! Nắng gắt như thế này, buổi trưa đã không có một vạt lụa
Hà Đông nào để cho người tha hương “đi mà chợt mát” mà cả buổi
chiều, cái nóng ngoài vườn vẫn làm cho bữa cơm không còn “bon
appétit” sau một ngày cấy cày mệt nghỉ, vẫn đánh thức người giữa
khuya vì “càng nóng bao nhiêu càng muốn... uống / một lon bia
lạnh: mát vòng ôm!”. Khổ nhất là khi xe buýt, xe lửa không có máy
lạnh, mà phải bị ngồi gần mấy ông bà áo đẫm mồ... “hôi”!
Tháng 9. Nóng như thế này càng làm nhớ
thêm cái tháng 9 ở đảo Air–Raya (Nam Dương), tháng cho rừng xanh
thêm xanh, cho biển buồn thêm buồn, với “mùa mưa tháng 9”. Mưa ào
ào, mưa rì rào, lúc chậm, lúc nhanh nhưng nhịp điệu nào thì cũng
nghe buồn bã. Tiếng mưa rớt trên mái tranh kéo về tiếng mưa rơi
trên mái tôn hàng xóm “bên nhà”. Chính những cơn mưa tháng 9 này
đã khiến tôi viết ca khúc đầu tiên ở hải ngoại: “Hát, đêm dài
Air–Raya” mà sau này có anh “nhạc sĩ”, không biết tự trọng, trong
một cuộc nói chuyện với Jimmy Nhật Hạ, đã trơ trẽn nhận là một
“sáng tác” của anh ta! “Hát cho đồng hương nghe / mùa mưa tháng 9
đã về”. Câu hát mở đầu đó, khi rời đảo sang đây, tôi đã viết lại
thành “mùa mưa xa xứ đã về” cho phù hợp với thực tại!
(*)
Tháng 9. Tôi không biết ngôi biệt thự
“đó” bây giờ ra sao? Chắc chắn là khóm cúc vàng tươi trước sân
nhà đã không còn nhưng người ta có phá bỏ cái villa xinh xắn đó
thay vào các cao ốc, hàng quán, mở rộng phố xá, v.v.? Lên Sài Gòn
những năm cuối trung học, tôi đã chưa biết hết Sài Gòn (Gia
Định), lại thêm 44 năm xa quê hương, Sài Gòn bây giờ, với tôi,
chỉ còn là một vài khu phố chính. Nên, tôi không nhớ căn biệt thự
đó ở đâu, dường như nó ở Gia Định (?), chỉ biết là trước nhà có
đường rầy xe lửa và có những chuyến tàu thỉnh thoảng qua ngang.
Sống trong biệt thự là 5 người phụ nữ.
Bà mẹ và 4 cô con gái, cô thứ hai 19 (nhưng còn học terminale!),
cô thứ ba 17, cô Út 15. Bác gái là đầm lai (Bố Tây, Mẹ Nam Kỳ).
Bác trai là Tây. Nên mấy đứa con gái đều y như... “đầm”(75%).
Khi tôi theo người bạn đến chơi nhà,
đầu 1976, thì Bác trai đã dẫn cậu con trai sang Pháp và đang lo
giấy tờ để mang cả gia đình sang. Tôi không nhớ rõ lần đầu gặp
mấy “hoa” là ngày nào nhưng chắc chắn phải là trước ngày mồng 2
Tết (1976), ngày mà bạn tôi và tôi được Bác gái kêu đến ăn Tết
cho vui, nhất là để hát nhạc “quốc cấm”. Mấy kiều nữ đều là dân
“Cút” (Marie Curie), nhưng anh con trai trường Việt là tôi thì
xem như “ne pas”, tỉnh bơ hát mấy bài tủ bằng cái accent–Hai–Lúa
của mình (!): La maladie d’amour (Sardou); Mal, Oh mon amour, Nue
comme la mer... (Christophe), Adieux sois heureuse, Ensemble...
(Art Sullivan), La Musica (Patrick Juvet), Un belle histoire
(Fugain), C’est ma prière, Rien qu’une larme (M. Brant), v.v.
Xong, để thay đổi không khí, lại lôi mấy “Tình ca nhạc trẻ” (nhạc
ngoại quốc lời Việt) của các ông Phạm Duy, Vũ Xuân Hùng, Nguyễn
Duy Biên, Trường Kỳ, v.v. Khán giả và “ban nhạc” ca hát, cười
giỡn rất tận tình. Bác gái vui lắm, nên khui chai rượu tây khai
vị (dường như là Martini?) mời 2 “nhạc sĩ” nhất xị mở mang trí
tuệ. Nào ngờ, 2 anh sinh viên cù lần, chưa bao giờ uống “rượu
tây”, thấy ngọt ngọt nên cạn ly đầy, đầy ly cạn. Rốt cuộc nằm lăn
quay ngủ trên canape, đến 12h đêm mới tỉnh giấc, nhờ Bác gái còn
thức, nên mở cửa cho về! Nếu không, chẳng biết làm sao cho đỡ quê
với mấy kiều nữ sáng mồng 3!!!
Tháng 9/1976. Một buổi trưa, không biết
sao, tôi đạp xe lên ngôi biệt thự “hoàng hoa”, bùi ngùi nhìn cảnh
cũ, nhớ quay quắt “người xưa”, “người” vẫn xem tôi như một ông
anh vui tánh, nên hồn nhiên đùa giỡn, ca hát với “anh”, đâu biết
rằng “anh” đã nhiều đêm mất ngủ vì “người”!
Biệt
thự “Hoàng hoa”
gởi A.
Khi bé về...
yên một chốn xa
Con tàu ngơ ngác kéo
từng toa
Toa đầy, nhưng có bao nhiêu
khách
Nhớ bé ngồi mơ mộng trước nhà?
Anh đạp xe
lên, để... đạp về!
Dẫu đường không một
cánh tay che
Dẫu căn nhà cũ vàng hoa cúc
Đã bắt đầu xanh những lá me!
Vói cây đàn mục rã âm thanh
Anh hát, rồi nghe ngóng một mình
Bé ơi,
ngày bé xa quê mẹ
Có thấy buồn khi hết
thấy... anh?!
Khi trở về...
anh gom nhớ thương
Ủ vào trong hộp, cất
trong rương
Mốt mai, mất hết trong đời
sống
Thì vẫn còn hương khóm cúc hoàng!
9/1976
BP
(*)
The Jimmy Show | Nhạc sĩ Ngọc Trọng | YouTube (phút 9:15)
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by th chuyển
Đăng ngày Thứ Năm, September 7,
2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang