Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tản
mạn Hè
Chủ đề:
Ngày QL19–T6
Tác giả:
BP
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Tháng
sáu năm nay, ở Pháp, là một tháng sáu đặc biệt. Đặc biệt vì nhiều
biến động lớn, không hẹn mà cùng rủ nhau về. Không nói đến các lễ
hội (festival), “chương trình” (événement) phải có: âm nhạc (fête
de la musique), rượu vang (Vinexpo / Bordeaux), quần vợt Roland
Garros, đua xe “24H” ở Le Mans, “Film” ở Cabourg, v.v. Từ “biến
động” chiến tranh Ukraine–Nga ở Châu Âu cho đến “biến động” chính
trị qua cuộc bầu cử Hạ Viện: liên minh “Ensemble”, ủng hộ Tổng
Thống Macron, với 245 ghế, tuy nắm ưu thế nhưng đã mất đi cái “đa
số tuyệt đối (289 ghế) để có thể”, “một mình một chợ”, thông qua
các đạo luật của chính phủ. Từ cái “mưa xuân phơi phới bay” của
Nguyễn Bính đến cái nắng... “canicule” nóng nóng ghê (39–40°C)
của cụ Dương bá Trạc (không phải Nguyễn Khuyến như nhiều sách đã
ghi), khiến nhiều trường học phải đóng cửa. Rồi những trận cuồng
phong giết người, những cơn mưa đá tàn phá nhà cửa, xe cộ mấy
ngày vừa qua!
Tháng sáu năm nay, ngày vui, ngày buồn trộn lẫn.
Vui. Như lễ kỷ niệm 70 năm vương miện
của nữ hoàng Elizabeth II (1926), không chỉ là của Vương quốc
Anh, mà còn là vị “nguyên thủ” (Chef de l’Etat) của 15 quốc gia
trong khối “Thịnh Vượng chung” (Commonwealth): Gia nã Đại, Úc,
Tân Tây Lan, v.v. Như nhiều quốc gia khác, người Pháp cũng “tham
gia” vào lễ kỷ niệm này, như một vinh danh cho vị nguyên thủ, nói
chung, vị Nữ Hoàng, nói riêng, đầu tiên trên thế giới, đã trị vì
hơn 70 năm. Báo chí, các đài truyền thanh, truyền hình, đã đăng
nhiều bài viết, tường trình trực tiếp, v.v. về mấy ngày lễ
“Eliza” này. Viết đến đây lại nhớ mấy câu hát của Gainsbourg:
“Elisa / Elisa / Elisa saute–moi au cou / Elisa / Elisa / Elisa /
cherche–moi des poux /... Fais–moi quelques anglaises...”. Vâng,
không ngón tay quấn tròn lọn tóc (les anglaises), chỉ xin được
viết lên đây sự ngưỡng mộ của tôi về vị Nữ Hoàng “anglaise” này!
Buồn. Như sự ra đi của tài tử
Jean–Louis Trintignant (ở tuổi 91), một tài tử mà tôi rất yêu
mến. Không “ngầu” như Gabin, không “sang” như Piccoli, không đàn
ông như Ventura, không khuấy động như Belmondo, không “kiểu cách”
(?) như Delon, Trintignant là một người “kín đáo”, không thích
nói về mình. Dù cái “ta” của ông có nhiều điều đáng (để) nói.
“Tầm ngầm mà đánh chết voi”, người đàn ông tầm thước đó, “dung
nhan” bình thường, ít nói, ít đùa, thế mà đóng chung với Brigitte
Bardot xong cuốn film “Et Dieu créa la femme” (1956) của Vadim,
thì nàng bỏ ông chồng đạo diễn Vadim, chàng bỏ cô vợ S. Audran
mới cưới 2 năm trước, để “Et... Vadim crée notre couple”! Từng
xuất hiện bên cạnh các minh tinh gạo cội: Bardot, Deneuve,
Schneider, Ardan, Huppert, Aimée... trong một số phim nổi tiếng
nhưng tôi yêu Trintignant nhất ở “Một người đàn ông và một người
đàn bà” (Un homme et une femme), một thành công của Claude
Lelouch (Palme d’Or, Cannes 1966 / Oscar, USA 1967). Cuốn phim
mà, với tôi, dường như chỉ dành cho Trintignant (dù ông không
đoạt được một giải nào). Như vai Tạ Tốn (Cô gái Đồ Long) chỉ dành
cho Thanh Sang, tướng cướp Thi Đằng (Tiếng hạc trong trăng) chỉ
dành cho Thành Được. Hôm rồi, qua TV, nhìn ông khóc khi phát biểu
trong đám tang cô con gái Marie Trintignant (2003), tôi không dằn
được xúc động. Kín đáo như ông mà phải khóc trước công chúng thì
đủ biết là ông “đau”, đau đến dường nào! Kính chúc hương hồn ông
sớm về cõi vĩnh hằng.
Nếu mỗi người “miền Nam” chúng ta đều
có một ngày tháng Tư để khóc, thì cũng có chung một ngày tháng
Sáu để buồn: ngày 19/6. Ngày 19/6 là ngày Quân Lực Việt Nam Cộng
Hòa.
“Ngày
11/5/1950, thủ tướng Trần văn Hữu tuyên bố thành lập Vệ Binh Quốc
Gia Việt Nam (không Cộng sản), với quân số là 60,000 người”
(wikipedia). Ngày 8/12/1950, Quân Đội Quốc Gia được chính thức
thành lập. Dưới thời đệ nhất Cộng Hòa (1955 – 1963), Quân Đội
Quốc Gia được đổi tên là Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Ngày
19/6/1965, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa được Hội Đồng Quân Lực đổi
tên thành Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Trong “Hán Việt từ điển” của Đào duy
Anh chỉ có chữ “quân đội” = đoàn thể binh lính để dùng trong việc
chiến tranh. Nên tôi nghĩ “quân lực” là tiếng Nôm. Trong “Đại Tự
điển tiếng Việt” của Nguyễn như Ý, quân – lực = lực lượng quân –
đội bao gồm quân số và trang bị vũ khí. Quân–đội hay quân–lực,
người Lính miền Nam vẫn phục vụ chế độ Cộng Hòa. Khác xa với cái
gọi là “Quân Đội Nhân Dân Việt Nam” (mà người dân gọi mỉa là
“Quân Đội Nhăn Răng Việt Nam” thời bao cấp đói kém 75–88). Đã
“quân đội” lại còn thêm “nhân dân” là nghĩa gì? Dân mà đi lính
thì dân đâu còn là “dân” nữa. Nếu vừa quân, vừa dân thì phải gọi
là “Quân Dân đội Việt Nam”, tuy quê nhưng cũng “hợp cảnh, hợp
tình” với mấy đồng chí lắm, cần gì phải thêm Nhân Dân, sặc mùi
vịt Bắc Kinh?! Mà nếu đã dùng Nhân Dân thì cũng phải dùng Nhân
Quân. Chả nhẽ chỉ có dân mới là... người à? Không chơi thì thôi,
chơi thì, không cần chơi đẹp, nhưng phải chơi cho trúng: “Quân
Nhân Đội Nhân Dân Việt Nam”. Đó là chưa nói đến cái tên “Lực
lượng Vũ trang nhân dân”, nghe cứ tưởng là một đám... người–dân
mặc đồ đi... múa! Chữ nghĩa ưu việt có khác!
Với người Lính miền Nam, “đội” hay
“lực” không quan trọng, mà “huynh đệ chi binh” là cái chính,
“không bỏ anh em, không quên đồng đội” là phương châm của người
Lính Việt Nam. Như “Tổ quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm” là tâm
nguyện của người Lính Cộng Hòa. Người miền Nam không cần lấy
“nhân–dân” làm phông cho chế độ, không cần “nhân–dân đẹp thứ tên
người” (đẹp nhất đã bị Bác xí rồi). Bởi quân–ta từ dân–ta mà ra.
Dân–ta nhờ quân–ta mà sống (an vui). Miền Nam, vỏn vẹn, chỉ là
“tình quân–dân cá nước” như một câu hát trong “Người đẹp Bích La
thôn” (Hoài Linh). Giản dị mà thâm thúy. Bởi nước là quân. Và cá
là dân. Có nước, cá được tung tăng, nhởn nhơ bơi lội! Có cá, nước
không chỉ là nước, mà còn là sự sống. Mất nước là mất quân! Mất
Lính, dân mất Tự Do, mất nhà, mất gạo, mất “Nhạc vàng”, mất “văn
chương, nghệ thuật”, mất “hội họa”, mất “kịch nghệ”, mất “phim
ảnh”, mất “báo chí”, mất “Người cày có ruộng”, mất “Người ở có
nhà”... Mất nước, đến cả ông chuẩn–tướng nằm vùng, nguyên Tổng
Tham mưu phó QLVNCH giờ thứ 25, cuối đời cũng phải ra nghĩa địa
Tiền Giang mà sống! Cho hay Hữu Hạnh mà... Vô Hạnh / Cuối đời
phải ở với hồn ma!
Trước 75, 19/6 là ngày Quân Lực VNCH.
Sau 75, người ta vẫn kỷ niệm nó. Công An có hạch sách thì họ bảo
là “ăn đầy tháng... Bác (19/5)”
Tháng 6, giữa biến động đời, biến động
trời, chợt nhớ lại đời người –miền– Nam cũng quá nhiều “biến
động”! “Phong trần đến cả sơn khê / Tang thương đến cả hoa kia cỏ
này”, nói gì đến người “ra đi” kia, kẻ “ở lại” đó! Nhất là những
người Lính miền Nam. Người thua trận di tản “khép mắt cố quên đời
chiến sĩ” hay người thua trận tội tù “làm thân cây cỏ gục ven bờ”
(Thanh Nam). Người sống không yên thân, người chết cũng chẳng yên
mồ. Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, bộ đội nuôi heo gà, thải phân
lên mả, đạp đổ mộ bia!
1975–2022: đã 47 năm! Trung tướng Tổng
Tư Lệnh Nguyễn văn Thiệu đã mất. Các ông: Tổng Tham mưu trưởng
(Cao văn Viên), Tổng Tham mưu phó (Nguyễn văn Mạnh) cũng không
còn. 4 vị Tư Lệnh vùng: 2 vị tự sát, 2 vị từ trần ở hải ngoại
(tướng Trưởng, tướng Toàn). Các Tư Lệnh Sư đoàn thì chỉ còn đếm
trên đầu ngón tay: Thiếu tướng Nguyễn duy Hinh (Sư đoàn 3), Thiếu
tướng Phan đình Niệm (Sư đoàn 22), Chuẩn tướng Huỳnh Văn Lạc (Sư
đoàn 9), Đại tá Phan văn Huấn (Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù), v.v.
Người Lính trẻ tuổi nhất trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (18, 19
tuổi năm 1975) hôm nay, cũng đã 65, 66 tuổi! Tam thập nhi lập, tứ
thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ
thuận, v.v. Tuổi 60 là tuổi không còn chướng tai, gai mắt. Nhưng
đó là tuổi 60 với... ai kia kìa. Với người Lính VNCH, khi “cuộc
chiến chưa tàn” thì cách gì mà hết nghe chướng tai những tuyên
truyền láo khoét, mà thôi ngứa mắt trước đám “sao vàng bảng đỏ /
sang giàu bỏ Đảng ?! Một ngày Quân Lực là một đời Quân Lực”!
“Có những người anh tuy chưa biết
tên” (*)
nhưng:
Mỗi năm, tháng sáu, ngày
Quân Lực
Tôi thắp hương lòng ơn các Anh!
BP
24/06/2022
(*)
https://www.youtube.com/watch?v=3V8smnMUtwM
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by BP chuyển
Đăng ngày Thứ Sáu, June 24,
2022
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang