Bắc đẩu tinh

 

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Thời sự Thế giới
Chủ đề: Kỳ thị
Tác giả: BP

CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

Chưa bao giờ mà tôi bị cái màu xanh ám ảnh như gần 2 tuần nay!

Trong khi toàn quốc (trừ hai vùng hải ngoại: Guyane và Mayotte) là một màu xanh lá cây tươi mắt thì vùng “Ile de France” chúng tôi vẫn hết đỏ rồi cam! Nghĩa là nhà hàng, quán giải khát chỉ được đón khách ngoài sân; rạp chiếu bóng, hồ bơi, v.v. vẫn chưa được mở lại. Ôi màu xanh lá cây. Màu rừng, màu vườn, màu hy vọng.

Nhưng sáng qua, 15/6, thì “hy vọng đã vươn lên” rồi. Sau cái bật đèn xanh của người Tổng Thống Macron qua diễn văn đọc trên truyền hình tối chủ nhật 14.

Chỉ mới sáng qua, 15/6, thủ đô Paris và các vùng phụ cận mới bắt đầu trở lại cái sinh hoạt bình thường như các nơi khác. Bắt đầu thôi, chứ “bình thường” như “những ngày chưa Covid” (những ngày xưa thân ái!) thì không ai xác quyết được khi nào. Sớm nhất, chắc cũng phải năm tới, mặc dầu, có thể, sẽ có thuốc chủng ngừa vào mùa thu này.

Để ngăn ngừa đại dịch, mọi tụ họp trên 10 người đều bị cấm đoán. Thứ bảy 13/6, Hội Đồng Tư Vấn Quốc Gia (conseil d’Etat) cho phép biểu tình lại, thì cùng ngày, 15 ngàn người đã “hẹn hò” nhau tụ tập ở công trường Cộng Hòa, Paris để phản đối “bạo lực và kỳ thị trong giới cảnh sát Pháp”, qua cái chết của Adama Traoré, một thanh niên da đen Pháp, cách đây 4 năm, khi bị câu lưu sau cuộc rượt bắt với nhân viên.

Theo luật sư De Castelnau, trên tờ “Marianne”, khi cảnh sát đến bắt người anh/em của Adama là Bagui Traoré về tội tống tiền những người yếu đuối, “nhẹ dạ” (dễ bị tổn thương / vulnerable) thì Adama, vừa ra tù được 1 tháng, bỏ chạy. Sau cuộc rượt bắt, cảnh sát tìm thấy trên người Adama 1300€ và “drogue” (cần sa? bạch phiến?...). Adama từ trần sau khi bị điệu về bót thành phố Persan
(https://www.marianne.net/debattons/billets/affaire-traore-la-foi-le-reel-et-le-droit). 3 kết quả giảo nghiệm tử thi không cho thấy Adama chết vì bạo lực cảnh sát mà do bị bệnh tim (malaise cardiaque).

Không chỉ ở thủ đô, hàng ngàn người đã xuống đường trong nhiều thành phố lớn khác: Marseille, Lyon, Nantes, Bordeaux, Nice, v.v. “Kinh khủng” nhất là ngay thứ ba 2/6, bất chấp tình trạng “khẩn cấp y tế”, khi Covid–Vũ Hán vẫn còn giết nhiều người ở vùng “Ile de France”, khi khoảng–cách–y–tế vẫn phải được tôn trọng, khi mọi cuộc biểu tình đều bị cấm đoán. Thì đã có 20 ngàn người vai sát vai, tay trong tay, tập trung trước toà án Paris kêu gọi công lý cho Adama Traoré.

Nhưng, có phải bạo lực chỉ xuất phát từ nhân viên công lực?! Còn đám đông biểu tình đều hiền khô, chỉ biết giơ cao biểu ngữ, hô vang khẩu hiệu, lần lượt đi tuần hành? Không có ai đốt xe cảnh sát với người ngồi bên trong? Không có ai ném đá, lấy thanh sắt quất túi bụi vào các hiến binh? Không có một vô địch quyền anh nào đấm những quả tận tình vào đầu, móc những cú “revers” ngoạn mục vào mặt một nhân viên cảnh sát? Các cửa tiệm, hàng quán, xe cộ bên lề đường, ngân hàng, v.v. không hề bị đập nát, đốt phá, hôi của trên “con đường (biểu) tình ta đi”?

Hay chính “bạo lực trả lời bạo lực”?!

Dĩ nhiên, lỗi không phải ở đa số những người biểu tình “chân chính”. Nhưng đằng sau họ, là đám côn đồ, bọn vô–chánh–phủ, lấy sự đốt phá, đập đổ, đả thương nhân viên cảnh sát làm “niềm vui”. Một “con sâu làm rầu nồi canh”. Và trong cái nồi canh “biểu tình” bát nháo đó, làm sao biết ai lương dân, ai sâu bọ côn đồ?

Dĩ nhiên, sự kỳ thị là có thật trong giới cảnh sát Pháp. Bộ trưởng Nội Vụ Castaner đã ra lệnh truy tố groupe Facebook “TN Rabiot Police Officiel” (8000 hội viên) do, theo tiết lộ trên mạng của “Streetpress”, đã có những phát biểu, lời lẽ tục tằn, kỳ thị.

Nhưng kỳ thị không chỉ dừng lại ở đây. Mà nó là khắp nơi trong xã hội Pháp. Khi nộp đơn xin việc. Khi đi mướn nhà. Khi dùng phương tiện giao thông công cộng, v.v. Ngay cả khi đi mua hàng, đi ăn tiệm! Còn tại sao kỳ thị? – Vì màu da (như bọn KKK) hay vì... sợ (?) thì đó là một chuyện khác.

Dĩ nhiên, không phải ông cảnh sát nào cũng là “bạn người dân / trực tiếp giúp đỡ khó khăn mọi bề” cả. Với những người làm cho cảnh sát khó khăn mọi bề, bảo cảnh sát coi họ như bạn, thì bạn thế quái nào được?! Ví dụ như ông F. hàng xóm tôi, 79 tuổi, một di dân Ý, cựu nhân viên... cảnh sát, nghỉ hưu từ năm 1995.

Ông F. đúng là người mà tục ngữ ta khuyên “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Cần gì tôi cũng chạy qua ông, nhất là về bricolage. Khi tôi mới dọn về đây, ông là người đầu tiên gõ cửa nhà “chào mừng” gia đình tôi. Từ đó thân nhau luôn. Có dịp, là chúng tôi mời ông bà sang dùng cơm. Khi thì chỉ 4 người chúng tôi, khi thì có thêm vài bạn ta. Mời ông vài lần thì tôi ớn, ít dám mời chung với người khác, mặc dầu ông là người vui tánh hay pha trò. Thứ nhất là ông nói nhiều. Thứ nhì là ông “nghĩ sao, nói vậy”, bà xã ngồi khều chân, nháy mắt cũng bị ông quạt luôn! Khổ nhất là chuyện ông công khai “kỳ thị”: nhất “(ả) Rập”, nhì “Đen”. Nguyên do là mấy trự “thủ khoa, á khoa” này đã làm ông khổ sở khi còn là cảnh sát! 10 chuyện thì hết 10 là... “tụi nó” cả. Có lần chúng tôi mời ông bà dùng cơm chung với một cặp bạn Tây khác. Cặp này cỡ tuổi tôi, không “thực dân” như bố già hàng xóm. Khi nghe bố già dùng chữ “raton” để gọi những người “ngoại quốc” (Ả Rập, Phi Châu) quậy phá, ăn bám xã hội thì “thằng Tây” phản ứng. Càng lúc, càng găng, nên tôi phải nhảy vào, pha trò, giảng hòa. Rồi thì cũng qua. Nhưng từ đó tôi phải chọn mặt mới dám gởi vàng bố già.

Bố già hàng xóm có dùng bạo lực “trấn áp” những người bị ông bắt không, tôi không rõ. Nhưng chắc chắn ông không phải là người mời điếu thuốc, pha cà phê cho mấy đứa đã làm khổ ông.

Dĩ nhiên không phải người da màu nào cũng là du đãng, trộm cắp, buôn bạch phiến, ăn bám xã hội. Tôi đã kể bạn nghe chuyện tôi mang ơn một ông Ả Rập đã “bắt” tôi lên xe để ông chở tận về nhà giữa cơn mưa tuyết. Tôi chưa kể bạn nghe về rất nhiều đóng góp của các nhân viên y tế gốc Ả Rập, từ bà bác sĩ đến anh y công, từ ông y tá đến chị giúp việc, trong cuộc chạy đua với Covid–VH nhằm cứu sống những nạn nhân.

Là một người “da màu” sống nơi xứ người, tôi chống kỳ thị. Là một đứa bé lớn lên trong chiến tranh, rồi chịu đựng 4 năm cộng sản, tôi chống bạo lực.

Ai trong chúng ta mà không một lần bị “kỳ thị”, lộ liễu hay kín đáo? Nhưng, ở xứ Pháp này, có bao nhiêu người Việt bị “bạo lực và kỳ thị của cảnh sát”?

– Tôi nghĩ là rất ít. Bởi vì nói đến “cảnh sát, câu lưu” là nói đến “phạm tội”, mà đa số người Việt ở đây xuất thân là thành phần đã được hấp thụ lễ giáo Việt Nam, biết “nhập gia tùy tục”, biết “một câu nhịn, chín câu lành”, v.v. Trừ đám “buôn người, trồng cần sa” mới qua sau này.

Ở Pháp, tôi chưa nghe một tội phạm nào mang tên Việt, ngược lại, một trong những ông “cò” (Commissaire divisionnaire) nổi tiếng nhất là ông cò Lộc, Nguyễn văn Lộc (1933–2008), hung thần của bọn khủng bố, bán bạch phiến, đám lưu manh, du đãng Marseillais.

Là một trong những biểu tượng của Marseille, ông Lộc được ân thưởng nhiều huân chương cao quý của nước Pháp. Ngoài 6 quyển tự truyện “Le Chinois” (1989–1992) / “Thằng Chệt” là “tên” của các băng, đảng (kiểu Mafia) gọi ông, ông còn đóng vai chánh trong “phim–tập–TV” (série télévisée) Van Loc, từ 1992 đến 1998.

Chuyện biểu tình rầm rộ chống “bạo lực cảnh sát và kỳ thị” xuất hiện ở một số thành phố lớn, trong một số nước “tây–phương” (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Bỉ, Đan Mạch...) là do “ảnh hưởng” cuộc biểu tình chống “bạo lực cảnh sát và kỳ thị” ở Mỹ, sau cái chết của ông G. Floyd. Không có cái chết nghẹt thở vì bị “chèn cổ” của ông Floyd, nhất là không có đoạn video quay cảnh này, thì sẽ không có “cuộc biểu tình ở Mỹ”. Không có “cuộc biểu tình ở Mỹ” thì sẽ không nổ ra các cuộc biểu tình ở các thành phố “văn minh”. Nhất là khi Covid–Vũ Hán vẫn còn giết người!

Tôi cố tìm một giải thích để không nghĩ rằng tuổi trẻ các nước “văn minh tiên tiến” đang bị một thế lực nào đó, vì một mục đích (chính trị?) nào đó, “giật dây”, qua các mạng xã hội?! Chứ khi khổng khi không, “tự nhiên” lương tâm cắn rứt, “tự nhiên” chịu không nổi. Chuyện “bạo lực cảnh sát và kỳ thị” ở Hoa Kỳ đâu phải mới đây đâu. Bao nhiêu người da màu đã bị cảnh sát Mỹ bắn chết vì kỳ thị từ mấy chục năm nay?

Từ trước, rồi sau bài diễn văn rúng động “I have a dream” của mục sư Martin Luther King (1963), những nạn nhân da màu vẫn bị đám cảnh sát kỳ thị bắn hay đánh đập đến chết ở Mỹ, ngay cả dưới thời ông Tổng Thống da màu Obama. Thế sao không ai “rầm rộ” cả? Tuổi trẻ thời nào, ở đâu, mà chả mang bầu nhiệt huyết, muốn làm sạch xã hội, thay đổi thế giới? Có đâu chỉ có tuổi trẻ thời này, ở các nước “tiên tiến” này?

Người ta có thể bảo “cái chết của Floyd lần này là giọt nước làm tràn ly”? “Muốn... tràn là tràn, đợi tràn, đến bao giờ mới tràn?” Ai có lợi trong các cuộc biểu tình tuổi trẻ rầm rộ này? – Khối Liên Âu? – Hoa Kỳ? – Nga? Hay... Tàu? Còn ai trồng khoai đất này?!!!

Cũng có thể là do bị cấm túc quá lâu, cuồng chân, nay được thả lỏng, lại gặp ngày đẹp trời, thì “nào anh em ta / cùng nhau đi ra / xuống đàng / kiếm nguồn tươi sáng (?)”?!!!

Nhìn cảnh thiên hạ xuống đường chống “bạo lực cảnh sát và kỳ thị” ở Pháp mà chán. Và bực!

Thứ nhất: cảnh sát Hoa Kỳ khác cảnh sát Pháp. Cũng như cảnh sát Pháp khác với... công an Việt Nam. Sánh đã không ổn thì làm sao so?!

Thứ nhì: “bạo lực cảnh sát”, ở thời điểm này, thì nhằm nhò gì với bạo lực... Covid–Vũ–Hán? Sao không xuống đường chống con Covid–Vũ Hán đã giết trên 400 ngàn người, chống cái đứa giấu nhẹm thế giới, chờ cho bị lây tùm lum rồi mới la hoảng? Vả lại, nếu bị cảnh sát bắt, nếu không hung hăng kháng cự thì làm gì bị chèn cổ? Tôi không bênh vực giới cảnh sát. Nhưng tôi cũng không quơ đũa cả nắm! Nhiệm vụ của cảnh sát là thiết lập và bảo đảm an ninh cho người dân. Có bao nhiêu người cảnh sát Pháp kỳ thị, sử dụng bạo lực với phạm nhân? Chuyện cha Lý bị công an dùng bạo lực bịt miệng trước tòa, sao không thấy người trẻ nào xuống đường phản đối?!

Thứ ba, nếu bị Covid–VH tấn công, lây lan cả đám thì ai “lãnh đủ” nếu không là các nhân viên y tế? Và nếu phải “cấm túc” (confinement) lần nữa thì đất nước sẽ ra sao? – Gần 30,000 người chết. Nợ mấy trăm tỷ. Bao nhiêu xí nghiệp đóng cửa, bao nhiêu nhà buôn phá sản, bao nhiêu người thất nghiệp. Chừng ấy chưa đủ sao? Nếu có người đòi hỏi trách nhiệm ở những người xuống đường đòi hỏi công lý, thì họ sẽ trả lời sao? Nếu có nạn nhân chết vì bị người biểu tình lây Covid–VH thì ai sẽ đi đòi công lý cho những oan hồn đó?

Thứ tư, mới mấy tuần trước đây thôi, còn ngồi ở balcon, đứng trước cửa sổ, vỗ tay, huýt sáo, tôn vinh những “Thiên thần áo trắng”. Bây giờ, mới vừa được thả lỏng tí, tưởng đâu sẽ ào ạt xuống đường, hoan hô, cám ơn những người đã tận lực cứu mình, đã chết vì mình, thì lại quay sang đi biểu tình đòi hỏi công lý cho một cái chết cách đây 4 năm?! Muốn... đòi thì đòi lúc nào mà chả được. Tại sao phải đợi đến 4 năm mới đòi? Đợi thêm vài tháng nữa, “qua cơn mê Covid”, có chết thằng tây nào không?

Cho hay: cứu vật, vật trả ơn nhưng cứu nhơn thì chỉ được nghe vỗ tay một lúc. Rồi thôi!

Hay những người biểu tình lần này là những kẻ bị bệnh mau quên?!

BP

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: phong  cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by th chuyển

 

Đăng ngày Thứ Ba, June 16, 2020
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang