Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bút
Ký
Chủ đề:
chương trình phụng hoàng
Tác giả:
Edward Miller
Dịch:
Phan Nguyên
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Vào cuối tháng 12/1967, Chính phủ
Nam Việt Nam tuyên bố tái tổ chức nỗ lực chiến tranh của mình
nhằm chống lại phong trào nổi dậy của lực lượng cộng sản. Có hiệu
lực ngay lập tức, tất cả các hoạt động chống nổi dậy của Nam Việt
Nam đều trở thành một phần của một chương trình mới được gọi là
Phụng Hoàng, tên của một loài chim linh thiêng gắn liền với hoàng
gia và quyền lực trong truyền thống văn hóa Việt Nam và Trung
Hoa. Đáp lại động thái của Nam Việt Nam, các quan chức Hoa Kỳ ở
Việt Nam bắt đầu gọi các nỗ lực phối hợp chống nổi dậy của họ với
tên gọi Phoenix, tên gọi gần gũi nhất trong văn hóa phương Tây
với loài vật huyền thoại này.
Chương trình Phụng Hoàng sẽ trở thành
một trong những khía cạnh gây tranh cãi nhất trong cuộc chiến của
Hoa Kỳ tại Việt Nam. Được bảo trợ bởi Cục Tình báo Trung ương
(CIA), Chương trình Phụng Hoàng sử dụng các lực lượng bán quân sự
nhằm tấn công các đặc vụ cộng sản nằm vùng tại các thôn làng khắp
Nam Việt Nam. Các nhân chứng cáo buộc rằng các thành viên của
chương trình cùng các cố vấn Hoa Kỳ của họ thường xuyên tiến hành
tra tấn, sát hại và ám sát, những cáo buộc mà các quan chức Mỹ đã
bác bỏ.
Cho
tới ngày nay, cuộc tranh luận về Chương trình Phụng Hoàng vẫn tập
trung chủ yếu vào vai trò của CIA và các cá nhân người Mỹ trong
chương trình này. Nhưng đại bộ phận nhân sự của Chương trình
Phụng Hoàng, như binh sĩ, thẩm vấn viên và nhà phân tích, đều là
người Việt Nam. Tìm hiểu vai trò của các nhân sự Việt Nam trong
chương trình Phụng Hoàng mang lại những góc nhìn khác biệt về
nguồn gốc và tầm quan trọng của chương trình này.
Trong tất cả những người Việt Nam đóng
góp cho Chương trình Phụng Hoàng, có lẽ nhân vật nhiều ảnh hưởng
nhất là một sĩ quan quân đội Nam Việt Nam tên là Trần Ngọc Châu.
Lúc còn trẻ, ông Châu đã đi theo phong trào độc lập Việt Minh và
nhà lãnh đạo cuốn hút của phong trào này là Hồ Chí Minh. Ông từ
chối gia nhập Đảng cộng sản của ông Hồ và trở nên khó chịu với
việc Việt Minh ngày càng nhấn mạnh đấu tranh giai cấp. Năm 1950,
ông đào ngũ sang phía chính phủ chống cộng do Pháp hậu thuẫn.
Ông Châu cuối cùng đã thu hút được sự
chú ý của Tổng thống Ngô Đình Diệm, người giao cho ông làm về
chiến lược và chiến thuật chống nổi dậy. Năm 1962, ông Diệm bổ
nhiệm ông Châu làm tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre ngày nay – ND),
một tỉnh lớn thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Châu dành phần
lớn trong khoảng thời gian 3 năm ở Kiến Hòa để thử nghiệm các
phương pháp chống nổi dậy khác nhau.
Ông Châu nhanh chóng nhận thấy chính
phủ đối mặt với một số vấn đề liên quan tới nhau ở Kiến Hòa. Tỉnh
này được coi là “chiếc nôi của cách mạng” bởi vì các cán bộ cộng
sản đã tổ chức một trong những cuộc nổi dậy địa phương đầu tiên
chống lại Diệm tại một trong những huyện của tỉnh này vào năm
1960. Hơn nữa, ông Châu sau này hồi tưởng lại rằng hệ thống tình
báo của chính phủ “như một trò đùa” bởi vì nó phụ thuộc vào những
người cung cấp tin đã làm cho nhà nước trong nhiều năm và thường
được cung cấp tin giả bởi kẻ thù. Do đó, các lực lượng chính phủ
tại Kiến Hòa thường không biết những người nổi dậy là ai và họ
đang hoạt động tại đâu. Thay vì tiến hành các chiến dịch có mục
tiêu chọn lọc dựa trên các thông tin tình báo chính xác, các chỉ
huy thường sử dụng các chiến dịch hỏa lực mạnh làm chết hoặc bị
thương người dân địa phương. Dân làng càng trở nên tức giận hơn
bởi các quan chức và sĩ quan cảnh sát địa phương, nhiều người
trong số đó rất bất tài, tham nhũng, hoặc cả hai.
Để khắc phục những vấn đề này, ông Châu
đã thiết kế nên chương trình Điều tra dân số kết hợp khảo sát ý
kiến về các bất bình của người dân (Census – Grievance – sau đây
gọi là Chương trình điều tra – khảo sát). Thông qua sáng kiến
này, các nhóm cán bộ được phái xuống các thôn làng do chính phủ
kiểm soát. Sau khi tiến hành điều tra dân số, các thành viên bắt
đầu tiến hành hàng ngày các cuộc phỏng vấn bắt buộc đối với từng
người lớn. Các câu hỏi có vẻ như vô thưởng vô phạt, ví dụ như ông
bà có nhận thấy điều gì bất thường gần đây không, hay chính phủ
có thể làm gì để giúp đỡ ông bà và gia đình. Các câu hỏi này một
phần là nhằm tạo điều kiện cho người dân nêu lên những bất bình
về các quan chức địa phương tham nhũng, những người mà ông Châu
sau đó có thể kỷ luật hoặc cách chức. Nhưng mục tiêu cuối cùng là
nhằm thu thập thêm các thông tin chính xác hơn về kẻ thù.
Sáng tạo thứ hai của ông Châu là việc
tạo ra cái mà ông gọi là các Đội chống
Khủng bố, tiền thân của
Chương trình Phụng Hoàng. Được thành lập với sự hỗ trợ từ CIA,
các đội nhóm này bao gồm các nhóm nhỏ nhân viên được huấn luyện
để tiến hành các chiến dịch bí mật trong các vùng lãnh thổ do kẻ
thù kiểm soát. Khi ông Châu nhận được tin tức tình báo về nhân
dạng và vị trí của các đặc vụ kẻ thù, ông liền cử Đội chống Khủng
bố tới giết hoặc bắt sống họ. Theo cách này, ông Châu và các đối
tác CIA hy vọng có thể làm tiêu hao và tiêu diệt những gì mà sau
này họ gọi là cấu trúc Việt cộng, tức mạng lưới các cán bộ và đặc
vụ cộng sản nằm vùng trong dân cư nông thôn.
Ông Châu nhận thức rất rõ rằng các
phương pháp của mình rất dễ bị lạm dụng. Một chủ doanh nghiệp bất
lương trong làng có thể lợi dụng chương trình Điều tra – khảo sát
để thuyết phục chính phủ rằng đối thủ địa phương của mình là một
người cộng sản. Và các thành viên của Đội chống Khủng bố nếu
không được huấn luyện và giám sát kỹ lưỡng có thể cảm thấy và
hành động như thể họ được phép tiến hành giết người. Nhằm chống
lại những vấn đề như vậy, ông Châu đã bổ nhiệm các thanh tra viên
để điều tra các báo cáo về các sai phạm của cán bộ, quan chức.
Ông cũng tuyên bố rằng việc sử dụng các lực lượng sát thủ sẽ chỉ
là phương thức cuối cùng, chỉ được áp dụng sau khi các nỗ lực
nhằm thuyết phục các đặc vụ của kẻ thù đào ngũ sang phe Chính phủ
thất bại.
Mặc
dù ông Châu nói tiếng Anh với giọng nặng nhưng ông có thể trình
bày các ý tưởng của mình về chống nổi dậy theo một phương thức
đơn giản và dễ hiểu, khiến cho ông trở nên nổi tiếng với các cố
vấn Hoa Kỳ. Daniel Ellsberg, nhà phân tích của Công ty RAND mà
sau này trở thành một nhà hoạt động phản chiến, đã gặp ông Châu
khoảng giữa những năm 1960 và coi ông là chuyên gia Việt Nam hàng
đầu về quy trình bình định hóa. Ông Châu cũng tương tác và làm
việc với John Paul Vann, William Colby, Edward Lansdale và những
nhân vật tiêu biểu khác trong đội ngũ chống nổi dậy của Hoa Kỳ.
Những người Mỹ này đặc biệt thích việc ông Châu khẳng định rằng
có thể tiến hành chống nổi dậy theo một phương thức nhân văn, có
đạo đức, và làm giảm các thiệt hại không mong muốn đối với sinh
mạng và tài sản của thường dân.
Nhờ một phần vào sự hỗ trợ của các bạn
bè Hoa Kỳ, ông Châu đã được bổ nhiệm vào cuối năm 1965 làm lãnh
đạo một chương trình huấn luyện chống nổi dậy mới dành cho cán bộ
Nam Việt Nam. Sự đề bạt của ông là một phần trong nỗ lực của CIA
nhằm thiết kế một chiến lược chống nổi dậy trên cả nước dành cho
Nam Việt Nam, những nỗ lực mà cuối cùng dẫn tới sự hình thành
Chương trình Phụng Hoàng. Trong quá trình thiết kế Chương trình
Phụng Hoàng, các quan chức CIA đã đưa vào các ý tưởng của chương
trình Điều tra – Khảo sát nhằm thu thập thông tin tình báo từ dân
làng. Ảnh hưởng của ông Châu cũng rất rõ ràng trong bộ phận sau
này trở thành phần gây tranh cãi nhất của Chương trình Phụng
Hoàng, đó là các biệt đội chống khủng bố tinh nhuệ được gọi là
các Đơn vị Thám sát Tỉnh (PRU). Được tuyển mộ và huấn luyện bởi
CIA, các đơn vị này tiến hành hàng chục nghìn vụ “bắt và giết”
các đặc vụ của kẻ thù từ năm 1968 tới năm 1972.
Tuy nhiên, có phần bất ngờ khi ông Châu
không thực sự tham gia vào việc thiết kế hay thực hiện Chương
trình Phụng Hoàng. Với tư cách là người đứng đầu của chương trình
đào tạo cán bộ quốc gia Nam Việt Nam, ông sớm trở nên thất vọng
với tình trạng đấu đá chính trị bất tận giữa các lãnh đạo cấp
cao. Năm 1967, ông Châu rời bỏ vị trí chính thức của mình và
giành được một ghế dân biểu trong Quốc hội Nam Việt Nam.
Sau đợt Tổng tiến công Tết Mậu Thân
1968, ông Châu bắt đầu kêu gọi một giải pháp thương lượng dành
cho cuộc chiến. Điều này khiến ông trở thành kẻ thù của Tổng
thống Nguyễn Văn Thiệu, người cho bắt giam, xét xử và tống giam
ông về tội phản quốc. Ông sống phần thời gian còn lại của cuộc
chiến trong tù hoặc trong tình trạng quản thúc tại gia. Sau chiến
thắng của miền Bắc năm 1975, ông bị tống giam một lần nữa, lần
này là trong một trại cải tạo của cộng sản. Ông được cho ra tù
năm 1978 và di cư sang Mỹ cùng với gia đình.
Trong những thập niên sau khi Chiến
tranh Việt Nam kết thúc, ông Châu và những người Mỹ ủng hộ ông đã
than phiền rằng việc ông bị hạ bệ vừa là một sự phản bội vừa là
một cơ hội bị bỏ lỡ. Theo quan điểm của họ, ông Châu đã thiết kế
nên một công thức chống nổi dậy có hiệu quả: Bằng cách lôi kéo
người dân địa phương ở Kiến Hòa tham dự thông qua các chương
trình Điều tra – khảo sát, ông đã giành được trái tim và lý trí
của họ trong khi vẫn có thể tiếp tục thu thập được các thông tin
tình báo mà các Đội chống Khủng bố sử dụng để truy tìm các mạng
lưới bí mật của kẻ thù. Tuy nhiên, ông Châu cũng tin rằng lãnh
đạo cấp cao của CIA đã không thể hiểu được những thành tố cốt lõi
trong cách tiếp cận của ông.
Mặc dù Chương trình Phụng Hoàng vay
mượn một số khía cạnh của mô hình Kiến Hòa, ông kết luận rằng nó
quá nhấn mạnh sử dụng vũ lực và không coi trọng việc huy động
người dân. Kết quả là ông Châu và các bạn bè người Mỹ của ông coi
Chương trình Phụng Hoàng như là một sự “suy đồi hóa” các ý tưởng
ban đầu của ông Châu. Ông Châu đã trình bày cách diễn giải này
trong các cuộc phỏng vấn, trong cuốn hồi ký bằng tiếng Anh xuất
bản năm 2012 của ông, và trong bộ phim tài liệu gần đây The
Vietnam War của Ken Burns và Lynn Novick.
Nhưng ông Châu đã thực sự đạt được
những thành tựu gì ở Kiến Hòa? Những người ủng hộ ông thường dẫn
các số liệu chính thức để chứng minh cho thành công của ông:
Trong năm đầu tiên ông làm tỉnh trưởng, ước tính số dân thường
sống trong vùng chính phủ kiểm soát của tỉnh đã tăng từ 80,000
lên 220,000 trong tổng dân số khoảng hơn nửa triệu người. Tuy
nhiên, chính ông Châu cũng thường nói rằng những thành tựu đó ít
có ý nghĩa nếu người dân địa phương không ủng hộ chính phủ và các
tuyên bố của chính phủ về bảo đảm chủ quyền quốc gia – một nhiệm
vụ tỏ ra quá khó khăn tại Nam Việt Nam trong thời kỳ giữa những
năm 1960. Tính chất ngắn ngủi trong các thành quả của ông Châu đã
bộc lộ rõ sau khi ông rời tỉnh Kiến Hòa: lực lượng cộng sản nhanh
chóng giành lại phần lớn lãnh thổ và dân cư mà họ đã mất.
Thành quả cụ thể nhất của ông Châu tại
Kiến Hòa đó là chương trình Điều tra – khảo sát dân cư. Như một
sử gia của CIA sau này ghi nhận, chương trình tỏ ra là một công
cụ hiệu quả nhằm tạo ra các thông tin tình báo khả dụng về các
lực lượng và đặc vụ của kẻ thù. Nhưng hiệu quả của nó bắt nguồn
chủ yếu không phải từ việc giành được sự ủng hộ của công chúng là
từ việc giám sát họ.
Thực sự, chương trình không chỉ thu
thập thông tin tình báo về “cấu trúc Việt cộng”, nó còn tổng hợp
các thông tin chi tiết về mọi cư dân tại từng thôn ấp nơi chương
trình được khai triển. Những thông tin này bao gồm dữ liệu về
quan hệ họ hàng, các mối liên quan chính trị, tôn giáo, và cả
tình trạng sở hữu tài sản. Như ông Châu thừa nhận, các thông tin
này thường được sử dụng để gây áp lực lên các gia đình và toàn bộ
cộng đồng buộc họ tuân theo các chỉ thị của chính phủ. Về khía
cạnh này, chương trình ít tích cực và mang nhiều tính cưỡng bức
hơn so với những người thúc đẩy nó thừa nhận.
Việc sử dụng các đội chống khủng bố ở
Kiến Hòa cũng đôi lần không thể tuân theo các nguyên tắc tốt đẹp
mà ông Châu đã đề ra. Bằng cách nhắm vào những cán bộ cộng sản cụ
thể để “vô hiệu hóa” họ, chương trình đã làm gia tăng sức ép quân
sự và tâm lý lên kẻ thù. Các chỉ huy cộng sản phản ứng lại bằng
cách treo thưởng đặc biệt cho bất cứ người nào trong đơn vị của
họ có thể tiêu diệt được một thành viên của đội chống khủng bố.
Cuộc đấu tranh giữa hai bên nhanh chóng trở thành cuộc nội chiến
ở cấp độ cộng đồng mà trong đó lời hứa của ông Châu rằng sẽ chỉ
sử dụng vũ lực như là phương tiện cuối cùng thường bị phá vỡ. Khi
một tuyên truyền viên cộng sản phân phối các tờ truyền đơn ca
ngợi một người bắn tỉa du kích tiêu diệt được một cố vấn quân sự
Mỹ ở Kiến Hòa, ông Châu đã ra lệnh cho Đội chống Khủng bố thâm
nhập vào thôn do kẻ thù kiểm soát nơi người lính bắn tỉa đang
sống. Các thành viên của nhóm đã giết chết người lính bắn tỉa
bằng cách tung lựu đạn vào nhà của anh ta trong lúc anh ta đang
ngủ.
Những
người chỉ trích hoạt động chống nổi dậy ở Việt Nam nhiều khả năng
sẽ coi câu chuyện tiêu diệt tay súng bắn tỉa trên như là bằng
chứng cho thấy các hoạt động của ông Châu ở Kiến Hòa đơn thuần
chỉ là một chương trình ám sát. Ông Châu và những người bảo vệ
ông có thể phản bác rằng những hành động giết chóc như vậy là cần
thiết và được biện minh bởi việc những người cộng sản sử dụng
biện pháp ám sát có chọn lọc, và rằng việc thi thoảng khai triển
những chiến thuật như vậy nên được nhìn nhận trong bối cảnh những
nỗ lực rộng lớn hơn của ông nhằm giành được trái tim và khối óc
của người dân. Nhưng cả hai lập luận này làm giảm ý nghĩa của
những thành tố cốt lõi trong chiến tranh chống nổi dậy được tiến
hành tại Việt Nam.
Ông Châu không đề xuất đánh bại cộng
sản ở Kiến Hòa chỉ bằng cách ám sát họ. Ông tạo ra các đội Điều
tra – khảo sát như là một phương tiện để thu hút sự ủng hộ của
người dân trong cuộc chiến chống lại kẻ thù. Tuy nhiên, quy trình
mà ông đề xuất nhằm giành được sự hợp tác của người dân không dựa
vào việc giành được sự đồng thuận hay sự tự nguyện tham gia của
họ. Các đội Điều tra – khảo sát đã mang lại cho chính phủ một
phương thức áp đặt một hệ thống giám sát và kiểm soát lên toàn bộ
các cộng đồng dân cư và thu thập các thông tin tình báo từ mỗi
người dân. Trong khi ông Châu hy vọng rằng người dân sẽ cung cấp
những thông tin tình báo này một cách tự nguyện, mục tiêu bao
trùm của ông là thu được thông tin cần thiết để phát hiện và phá
hủy các mạng lưới bí mật của kẻ thù. Hơn nữa, dù việc theo đuổi
mục tiêu này bao gồm các nỗ lực nhằm bắt giữ những đặc vụ của kẻ
thù hoặc thuyết phục họ đầu hàng, nó cũng bao gồm rất nhiều vũ
lực, bao gồm một số vụ ám sát. Trong tất cả những khía cạnh này,
mô hình mà ông Châu thiết kế nên tại Kiến Hòa có nhiều điểm tương
đồng với Chương trình Phụng Hoàng sau này.
Sự nghiệp của Trần Ngọc Châu chỉ ra một
sự thật lớn hơn về hoạt động chống nổi dậy ở Việt Nam về lịch sử
của chiến tranh chống nổi dậy nói chung. Giống như các đối tác
người Mỹ của mình, ông Châu đã thúc đẩy cái mà bây giờ được gọi
là phương thức chống nổi dậy lấy dân cư làm trung tâm, một cách
tiếp cận nhấn mạnh việc bảo vệ và kiểm soát dân cư dân sự. Những
người ủng hộ cách tiếp cận này thường mô tả nó như là một phương
thức chiến tranh nhân bản, hoàn toàn phù hợp với pháp luật về
chiến tranh, và với các lý tưởng tự do của người Mỹ.
Cách tiếp cận của ông Châu rõ ràng ít
mang tính hủy diệt hơn so với những chiến thuật mà các chỉ huy
Hoa Kỳ và Nam Việt Nam ưa thích, đó là chiến đấu với kẻ thù bằng
đạn pháo và các cuộc không kích. Nhưng các phương pháp của ông
cũng không hoàn toàn không đổ máu và chiến thắng mà ông muốn đạt
được không dựa vào việc giành được trái tim và khối óc của người
dân. Thay vào đó, cách tiếp cận của ông dựa rất nhiều vào việc
thao túng, cưỡng ép, đe dọa và ám sát. Người Mỹ cần ghi nhớ những
điều này khi nghĩ về các cuộc chiến tranh chống nổi dậy mà Mỹ
tiếp tục tiến hành ngày nay.
(Edward Miller là phó giáo sư lịch sử
tại Dartmouth College và là tác giả cuốn “Misalliance: Ngo Dinh
Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam”.)
*****
Đọc thêm về Chương trình Phụng Hoàng
qua bài viết của Toàn Như (Phía VNCH)
Chương trình này được sự tham gia của
nhiều cơ quan quân sự và dân sự của VNCH mà trong đó nòng cốt là
lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia, nhằm vô hiệu hóa các tổ chức hạ tầng
cơ sở của Việt cộng. Chương trình này khởi thủy được phía Mỹ thực
hiện từ năm 1967 dưới tên Phoenix Program, và sau đó chính phủ
VNCH tiếp nối dưới tên Chương Trình Phượng Hoàng từ tháng 7,
1968, sau khi đã đẩy lui được cuộc tổng tấn công của cộng sản
trong Tết Mậu Thân.
Trong chiến tranh VN một mạng lưới bí
mật và phức tạp của Việt cộng đã từ lâu tồn tại ở Việt Nam để cố
chứng tỏ uy quyền của nó đối với dân chúng qua sự khủng bố và đe
dọa. Mạng lưới này được gọi là hạ tầng cơ sở Việt cộng (HTCSVC)
nhằm để cung cấp những sự kiểm soát và chỉ đạo chính trị cũng như
quân sự của chúng tại các xã ấp.
Hạ tầng cơ sở Việt cộng đã cung cấp nơi
ẩn náu cho các cán binh xâm nhập đến từ các mật khu ở biên giới,
nó cũng cung cấp những sự hướng dẫn cùng những tin tức tình báo
cho các tân binh Bắc Việt vào Nam lần đầu tiên; đồng thời nó cũng
còn thu thuế, khủng bố và tuyển mộ các thanh niên cho các lực
lượng võ trang của nó. Trong năm 1969, quân khủng bố (VC) đã giết
hại hơn 6,000 người, trong số đó có 1,200 người đã được chúng lựa
chọn để ám sát. Ngoài ra còn có khoảng 15,000 người đã bị chúng
gây thương tích. Trong số những người bị giết có khoảng 90 xã
trưởng và các viên chức xã, 240 người là trưởng ấp và các viên
chức ấp, 229 người là dân tị nạn (từ địa phương khác tới) và
4,350 thường dân.
Trong khoảng thời gian từ cuối năm
1963, sau vụ đảo chánh Tổng thống Ngô Ðình Diệm, đến khoảng giữa
năm 1965 với sự xuất hiện của các tướng lãnh, mọi cố gắng ngăn
chặn chiến tranh của Miền Nam Việt Nam dường như đã bị chậm lại
bởi sự bất ổn chính trị. Trong khoảng 19 tháng đó, những chương
trình bình định xem ra cũng không hoạt động và sự an ninh tại
nông thôn lại càng trở nên tồi tệ hơn bởi các HTCSVC đã biết lợi
dụng sự bất ổn tại Sài Gòn. Cho đến năm 1965, tình hình đã trở
nên nghiêm trọng đến nỗi các giới chức Mỹ và Việt Nam đã kết luận
rằng, mọi cố gắng cho đến lúc đó – bao gồm các chương trình bình
định, các cuộc hành quân tiễu trừ phiến Cộng và công cuộc cải tổ
Quân Lực VNCH – chưa đủ để làm thất bại các hoạt động của cộng
sản.
Tháng 3,
1966, Tổng Thống Lyndon B. Johnson chỉ định ông Robert W. Komer
làm phụ tá đặc biệt tại Washington để hướng đẫn, phối hợp và giám
sát các chương trình không quân sự (mà ông gọi là một “cuộc chiến
tranh khác”).
Ðiều này đã chứng tỏ sự ưu tiên hàng đầu TT Johnson nhắm vào là
sự bình định. Sau vài chuyến viếng thăm Việt Nam, Komer đã báo
cáo rằng công cuộc bình định đang gặp bế tắc và đã đề nghị lên TT
Johnson một số biện pháp để giải quyết. Theo Komer, cách tốt nhất
làm suy yếu Việt cộng là củng cố việc trợ giúp của Mỹ dưới một
người quản lý duy nhất có quyền hạn rộng rãi.
Ngày 29 tháng 6, 1967, cơ quan tình báo
MACV (tức Bộ Chỉ Huy Quân Sự Mỹ tại Việt Nam) đã tóm tắt một bản
nghiên cứu về chiến lược của địch. Bản nghiên cứu đã dựa trên sự
phân tích những bản phúc trình các nguồn tin, các báo cáo thẩm
vấn và các tài liệu bắt được từ các hồ sơ lưu trữ của Mỹ và
QLVNCH. Nó cho thấy HTCSVC là một mối đe dọa cho việc chiến thắng
tại Việt Nam. Cũng trong năm đó, cơ quan tình báo CIA đã đề nghị
tất cả các cơ quan tình báo Mỹ phải chú tâm vào việc thu thập các
tin tức về HTCSVC ở các tỉnh, quận và Sài Gòn. Phượng Hoàng
(Phoenix) (theo người Tây phương, là tên một loài chim trong
huyền thoại Ai Cập đã chết đi rồi sống lại từ đống xác tro của
nó) đã trở thành một ám danh cho một chương trình nhằm vô hiệu
hóa những hoạt động của địch.
Các giới chức tình báo Mỹ đã định nghĩa
Phượng Hoàng như một nỗ lực nhằm hệ thống hóa việc phối hợp và
khai thác các hoạt động tình báo. Thí dụ như trước khi có kế
hoạch Phượng Hoàng, một quận có thể có tới 11 mạng lưới tình báo
về phía đồng minh hoạt động riêng rẽ. Một số nhà quan sát đã cho
rằng quận hạt đã có số người đưa tin và mật báo viên cho phía
đồng minh được trả lương nhiều hơn là số lượng HTCSVC chính qui
đã xâm nhập phải theo dõi.
Nhờ có chiến dịch Phượng Hoàng, tính
đến tháng 6 năm 1970, đã có 91% trên tổng số 10,944 ấp được coi
là an ninh hay tương đối an ninh, và 7.2% đang còn tranh chấp, và
chỉ có 1.4% được coi như là do Việt cộng kiểm soát.
Những con số đó đã chứng tỏ một sự suy
giảm ảnh hưởng của HTCSVC.
Không ai biết được đã có bao nhiêu Việt
cộng đã điều hành “cái được gọi” là chính quyền trong bóng tối
(tức là chính quyền do Việt cộng thiết lập trong những vùng nông
thôn ở Miền Nam Việt Nam; thường được hiểu là Chính quyền về
Ðêm), nhưng vào tháng 12, 1967, khi chương trình Phượng Hoàng
được tung ra, người ta ước lượng rằng có khoảng 80,000 cán bộ
trong đội ngũ HTCSVC. Ngay trong năm đầu tiên, mặc dù những cuộc
tấn công của cộng sản trong tháng 2 và tháng 5, 1968 (Tết Mậu
Thân) Phượng Hoàng đã loại bỏ gần 16,000 người khỏi những vị trí
cơ sở của chúng.
Phượng Hoàng đã phối hợp sử dụng các
nguồn tin từ các ủy ban tình báo hỗn hợp của chính quyền các cấp
cho tới cấp quận. Các cố vấn Mỹ, kể cả CIA, đã tham dự trong nỗ
lực gạn lọc các nguồn tin từ các mật báo viên, các người cho tin,
các tù binh và nhiều nguồn khác. Việc khai triển được thực hiện
bởi các đơn vị quân sự hay bán quân sự thi hành các nhiệm vụ bí
mật với các toán đơn vị nhỏ xâm nhập vào các vùng do Việt cộng
kiểm soát, thường thường vào ban đêm.
Lúc ban đầu, Phượng Hoàng đã khuấy động
sự nhiệt tình trong các người Mỹ hơn là người Việt Nam. Một sĩ
quan chiến trường Mỹ đã nói trong năm 1968 là: “Chúng tôi đã trải
qua hàng tháng để đưa ra những kế hoạch, những cố vấn, thiết lập
các hồ sơ, các sự an toàn cho các tỉnh và quận – để rồi các bạn
đặt tên cho nó – Ðây là một chương trình của người Mỹ chứ không
phải là một nỗ lực của chính phủ Việt Nam.” Thế nhưng điều này đã
nhanh chóng chuyển đổi.
Trong một tỉnh gần Sài Gòn, dựa vào tin
tức tình báo trong khoảng 2 tháng đã đưa đến việc bắt giữ hay ám
sát 6 thành viên trong ủy ban HTCSVC cấp tỉnh, 3 thủ lãnh HTCSVC
cấp quận, 9 viên chức HTCSVC cấp quận khác và 31 cán binh xã ấp.
Các cán bộ đã được huấn luyện, đặc biệt là ở cấp tỉnh, muốn thay
thế họ cũng không phải là chuyện dễ.
Tổng thống Johnson đã ủy nhiệm cho
Tướng Westmoreland, tư lệnh MACV, kiểm soát cả hai lãnh vực dân
sự và quân sự về bình định, và đồng thời chỉ định Komer làm phó
cho Westmoreland đặc trách về bình định. Komer đứng đầu một cơ
quan mới thành lập (từ tháng 5, 1967) được đặt tên là Civil
Operations and Revolutionary Development Support gọi tắt là CORDS
(cơ quan này chúng ta vẫn gọi là Cơ Quan Dân Sự Vụ Hoa Kỳ) để
thống nhất các nỗ lực về quân sự và dân sự trên mọi cấp.
Cộng sản ở Việt Nam đã có nhiều năm
kinh nghiệm trong những hoạt động bí mật. Ðể đối phó với loại
hoạt động này, chính phủ VNCH sau vụ tấn công Tết Mậu Thân 1968,
cũng đã khai triển một chương trình gọi là Phượng Hoàng (cũng là
tên một loài chim trong cổ tích Việt Nam có sức mạnh huyền diệu).
Bộ Lục Quân Mỹ đã đệ trình một bản phúc trình lên Thượng Nghị Sĩ
William J. Fulbright, chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện, nói
rằng:
“Phượng
Hoàng là một kế hoạch của chính phủ Việt Nam nhằm mục đích tập
trung và phối hợp mọi nỗ lực của các cơ quan quân sự và dân sự
nhằm vô hiệu hóa các HTCSVC... Phượng Hoàng là một chính sách
nhằm bảo vệ dân chúng khỏi sự khủng bố... Nền tảng của chương
trình là một cố gắng phối hợp đầy đủ các hoạt động về tình báo
của tất cả các cơ quan của chính phủ Việt Nam và của Mỹ nhắm vào
các HTCSVC với mục đích muốn vô hiệu hóa những ảnh hưởng và sự
kiểm soát của nó (HTCSVC) trên dân chúng.”
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu công bố
chương trình này vào ngày 1 tháng 7, 1968, ngay sau cuộc tổng tấn
công của Việt cộng vừa chấm dứt. Tuy nhiên ông không nói cho biết
rằng Phượng Hoàng chính là sự mở rộng chương trình Phượng Hoàng
của Mỹ.
Chính
phủ Việt Nam đã qui định những mức độ khác nhau về sự tham gia
các hoạt động chính trị của Việt cộng. Có 3 mức độ tham gia với
những hình phạt khác nhau đã được ấn định. Loại A là các đảng
viên, các viên chức địa phương hay cán bộ mặt trận quan trọng, sẽ
nhận bản án là 2 năm. Loại B là các cán bộ quan trọng ở một trong
các ủy ban nòng cốt như thu thuế hay tổ trưởng du kích, sẽ nhận
bản án tối thiểu là một năm và tối đa là 2 năm. Loại C hay các
cảm tình viên cộng sản nói chung, các cán bộ giao liên hay phụ tá
hậu cần, hoặc là thành viên trong một tổ chức bán quân sự, sẽ
nhận một bản án không quá một năm. Hầu hết những người loại C
thường nhanh chóng được thả.
Chỉ tiêu do cơ quan CORDS đưa ra thường
chỉ áp dụng cho loại A và B, chứ không áp dụng cho loại C. Các cố
vấn Mỹ ước lượng có khoảng 20% các nghi can bị kết án trong năm
1969 và chỉ một tỷ lệ nhỏ trong số đó nhận bản án tối đa là 2
năm. Hầu hết họ chỉ bị án từ 3 đến 6 tháng.
Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã công
khai hóa sự cần thiết của chương trình này nhằm bảo vệ dân chúng
khỏi sự khủng bố, và kêu gọi dân chúng trợ giúp bằng cách cung
cấp những thông tin cần thiết. Chương trình Phượng Hoàng Mỹ
(Phoenix Program) được đặt dưới sự điều hành của cơ quan CORDS
thuộc MACV. Người kế nhiệm Komer chỉ huy CORDS là Ðại sứ William
E. Colby kể từ ngày 6 tháng 11, 1968.
Ông Colby từng làm trưởng phòng CIA ở
Sài Gòn. Sự hiểu biết của ông đối với công việc của cơ quan CORDS
thật là tuyệt vời. Trong Thế Chiến II, ông là thành viên OSS đã
từng nhảy dù xuống ngay sau phòng tuyến để phối hợp hoạt động với
các kháng chiến quân và hướng dẫn các cuộc hành quân phá hoại ở
Na–Uy và Pháp đang do Ðức chiếm đóng. Ông Colby sau đó đảm nhiệm
chức vụ giám đốc CIA (tại Washington, D.C.).
Toàn bộ chương trình Phượng Hoàng nhắm
vào công việc bình định. Công việc này bao gồm cả chương trình
Chiêu Hồi của VNCH đã bắt đầu từ năm 1962. Ðây là một chương
trình có tính cách ân xá nhằm làm suy giảm lực lượng võ trang của
Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. Trong năm 1969, đã có
47,000 cán binh Việt cộng tự nguyện qui thuận chính phủ, họ đã
được chăm sóc y tế, giúp đỡ về kinh tế và huấn nghệ trước khi
được thả trở về đời sống dân sự hoặc được phép gia nhập vào quân
đội VNCH. Năm 1970, con số đó là 32,000 người.
Chiến dịch Phượng Hoàng không phải là
một chương trình ám sát mà là một chương trình tình báo... được
thực hiện theo luật thời chiến. Sự hướng dẫn có đoạn nói: “Chương
trình Phượng Hoàng (Mỹ) là một sự cố vấn, yểm trợ và giúp đỡ cho
chương trình Phượng Hoàng của chính phủ Việt Nam nhằm làm giảm
bớt ảnh hưởng và hiệu quả của các HTCSVC ở Miền Nam Việt Nam...
Các cuộc hành quân chống HTCSVC bao gồm công việc thu thập tin
tức tình báo để xác định lý lịch các thành viên kể cả những người
đã bỏ hàng ngũ Việt cộng trở về với chính phủ, bắt họ hoặc câu
lưu họ để đưa họ ra trước một Ủy Ban An Ninh tỉnh để kết án theo
luật định, và biện pháp cuối cùng, là sử dụng lực lượng quân sự
và cảnh sát, nếu không còn cách nào khác, để ngăn ngừa họ thi
hành các hoạt động bất hợp pháp có thể xảy ra.”
Một trong những yếu tố gây nên tranh
cãi nhất của chương trình Phượng Hoàng là những chỉ tiêu về
HTCSVC. Xuất hiện trước Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện vào năm
1970, Colby đã được hỏi: “Tiền có phải là động lực kích thích
người Việt Nam hoạt động cho chương trình hay không?” Ðại Sứ
Colby đã trả lời: “Tiền đó không dành cho những người Việt điều
hành chương trình. Ðó là những phần thưởng được đặt ra công khai
về những cá nhân nào đó đang bị truy nã. Có những bích chương và
truyền đơn công bố một người nào đó đang bị truy nã bởi vì nó là
thành viên của hạ tầng cơ sở và đã tham gia vào một hoạt động
khủng bố và nếu tin tức được cung cấp đưa đến việc bắt giữ người
ấy thì chắc chắn sẽ được tưởng thưởng... Tuy nhiên chính phủ Việt
Nam đã cố gắng hết sức để có thể bắt sống hơn là giết chết bởi vì
người sống có nhiều tin tức trong đầu sẽ giúp chúng ta được nhiều
hơn trong tương lai.”
Ðược hỏi về những lý do đưa đến những
con số HTCSVC bị giết hay bị loại ra khỏi cuộc chiến khá cao,
Colby cho biết, “Trong năm 1969, con số bị bắt là 8,515 người,
tái phối trí 4,832 người, và giết 6,187 người, nâng tổng số lên
tới 19,534 người, 30% trong số đó đã bị giết. Con số bị giết bao
gồm cả số người đã bị giết rồi mới phát hiện họ là những HTCSVC.
Chẳng hạn, đã có những người bị giết trong một cuộc phục kích vào
ban đêm ở ngoài một ngôi làng cùng với một số người có võ trang,
hay trong một cuộc giao tranh với một đơn vị du kích cộng sản.
Căn cứ vào các giấy tờ tùy thân, lúc đó
người ta mới xác nhận được những người bị giết chính là các
HTCSVC. Mặc dù các cuộc hành quân không nhắm vào họ lúc ban
đầu...”
Báo
Washington Post ra ngày 17 tháng 2, 1970, Robert G. Kaiser, Jr.
đã tường thuật buổi điều trần của Colby. Bài báo chỉ trích chương
trình Phượng Hoàng, và đã mô tả chương trình như đã diễn tiến như
sau: “Các văn phòng Phượng Hoàng ở 44 tỉnh và phần nhiều trong số
242 quận của Miền Nam Việt Nam (tất cả đều có cố vấn Mỹ) đã lưu
trữ những hồ sơ liên quan đến các viên chức Việt cộng trong vùng
và cả một danh sách bí mật những đàn ông và phụ nữ bị truy nã.
Ngành Cảnh Sát Ðặc Biệt (đơn vị tình báo của ngành Cảnh Sát Quốc
Gia), các binh sĩ địa phương và các đơn vị Thám Sát Tỉnh
(Provincial Reconnaissance Unit, viết tắt là PRUs) gồm 18 người
đã thực hiện những cuộc hành quân bắt giữ những người bị truy nã
này. Những người bị bắt sẽ bị thẩm vấn. Khi có bằng chứng liên hệ
với Việt cộng, họ sẽ bị đem ra xét xử trước Ủy Ban An Ninh Tỉnh.
Những người bị tình nghi cao hơn thì bị đưa ra Tòa Án Quân Sự Mặt
Trận.” Bài báo còn nói rằng, “Phượng Hoàng đối với nhiều người ở
Mỹ, thường được coi như là một Công Ty Ám Sát Người Việt
(Vietnamese Murder Inc.)”
Phượng Hoàng được điều hành ở địa
phương, nơi mà các vấn đề thường khởi sự. Mỗi trung tâm hành quân
và phối hợp tình báo quận có những toán, thông thường gồm có một
sĩ quan Quân Báo VNCH, một cố vấn tình báo Mỹ (thường là cấp úy),
các nhân viên Cảnh Sát Ðặc Biệt và các cán bộ bình định địa
phương để thu thập các tin tức tình báo và thiết lập các hồ sơ về
những người bị tình nghi là Việt cộng trong phạm vi. Khi hồ sơ
được hoàn tất, kẻ tình nghi sẽ bị bắt giữ.
Dưới cấp quận là cấp xã. Chủ trương
chính là nhắm vào cấp xã. Tính đến năm 1969, 95% các xã đã có bầu
cử xã trưởng và các Hội Ðồng Xã. Các chính quyền xã nắm quyền
kiểm soát các lực lượng võ trang địa phương, bao gồm các Cán Bộ
Phát Triển Nông Thôn, lực lượng Cảnh Sát, lực lượng Nhân Dân Tự
Vệ, và lực lượng Nghĩa Quân. Phần lớn các nhiệm vụ của Phượng
Hoàng ở cấp này được thi hành bởi các lực lượng nói trên.
Cũng có nhiều người bị tình nghi chỉ 1
hay 2 giờ sau khi bị bắt đã được thả. Nếu kẻ bị tình nghi không
được thả ở cấp địa phương, nó sẽ bị giải đến Trung Tâm Thẩm Vấn
tỉnh để thẩm tra và lập hồ sơ đưa ra trước Ủy Ban An Ninh tỉnh,
tại đây các bằng chứng sẽ được xem xét và kẻ tình nghi sẽ bị kết
án hay được tha. Ở một vài nơi, bởi vì nhiều đơn vị tỏ ra kém
hiệu quả trong việc thi hành nhiệm vụ này, các cố vấn Mỹ đã tin
tưởng vào các đơn vị thám sát tỉnh để nhắm vào các mục tiêu
HTCSVC.
Các
đơn vị thám sát tỉnh có vẻ Mỹ nhiều hơn Việt Nam. Họ được tuyển
mộ, huấn luyện, trả lương và điều hành bởi CIA; họ được huấn
luyện kỹ như là những lính đánh thuê, được tuyển chọn từ những
nhóm dân thiểu số Việt Nam, như người Nùng, người Miên hoặc từ
những cán binh Việt cộng đã ra đầu thú. Các đơn vị người nhái Hải
Quân Mỹ làm việc với CIA thường chỉ đạo những cuộc hành quân này.
Các thành viên của các đơn vị này được trả lương 15,000 đồng một
tháng (1 người lính thường chỉ được lãnh có 4,000 đồng/tháng).
Cuối năm 1968, đơn vị CIA ở Sài Gòn
thông báo cho cơ quan CORDS về dự định rút số nhân viên đang thi
hành công việc cố vấn và điều hợp nhiệm vụ trong chương trình
Phượng Hoàng. Cơ quan CORDS đã thay thế ngay lập tức bằng các sĩ
quan cấp úy đã có huấn luyện. Sự thay đổi này đã tái xác nhận tầm
quan trọng của việc thu thập tin tức tình báo độc lập như là
nhiệm vụ cổ điển của CIA trong bất cứ tình huống nào có liên quan
đến lợi ích quốc gia của Mỹ ở hải ngoại. CIA đã tạo ra cái khuynh
hướng đứng ngoài các công tác chống nổi loạn.
Chương trình Phượng Hoàng Mỹ đã bất
động khi Bắc Việt tung ra cuộc tấn công Mùa Hè Ðỏ Lửa năm 1972,
nhưng nó đã không ngưng hẳn hoạt động mãi cho tới năm 1973. Trong
nỗ lực của nó nhằm vô hiệu hóa các HTCSVC, chương trình Phượng
Hoàng đã sử dụng 450 nhân viên cố vấn quân sự Mỹ, trong số đó 262
người đã phục vụ trong những cuộc hành quân then chốt tại cấp
quận. Theo Colby, chương trình Phượng Hoàng đã có kết quả là làm
rã ngũ 17,000 cán binh VC, bắt giữ 28,000 kẻ bị tình nghi và làm
thiệt mạng khoảng 20,000 người khác. Ông cũng nói rằng, 85% số
người bị thiệt mạng bởi trong khi giao chiến với các lực lượng
quân sự và bán quân sự của Việt Nam và Mỹ, trong số đó chỉ có 12%
bị giết bởi các lực lượng cảnh sát và an ninh. Con số 12% đó, hầu
hết bị chết trong lúc giao tranh, hay kháng cự lại sự bắt giữ.
Edward Miller
Dịch: Phan Nguyên
Nguồn: “Behind the Phoenix Program”, The New York Times,
29/12/2017
Toàn Như
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by batkhuat nguyen chuyển
Đăng ngày Thứ Sáu, March 15,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang