Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tự Truyện
Chủ đề:
tình lính
Tác giả: Vương Mộng Long/K20

ĐAK–TÔ và EM

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

Loan em,

Thật là hấp tấp vội vàng viết những dòng này. Anh biết nếu không, sẽ chẳng bao giờ còn có can đảm mà viết được nữa. Anh yêu Loan như tình cờ bắt gặp một cái đích, mà từ đã bao lâu, mình tìm kiếm hoài công. Tình yêu đến như bão chớp. Anh sợ là tình đơn phương. Như cách biệt giữa một phương trời, giữa một tâm hồn và một vì sao vừa khám phá, đặt tên.

Đừng cười anh, ‘lính gì mà đa cảm!’ gặp người có một lần mà đã không thể nào quên được.

Có thể là tầm bậy, Loan ạ. Nhưng dối sao được với chính mình? Biết khổ thế này, thà đừng đi họp là hơn. Để người khác đi thay lại đỡ rộn lòng. Có lúc nghĩ lại, đừng cười, phải cám ơn cái ông Trung úy Ninh đã lựa HĐKL/SĐ23 mà ra xét xử.

Nói cho cùng, cũng chỉ là thiên mệnh.

Bây giờ thì anh dừng lại ở em, ở Loan, cảm thấy mình mệt mỏi, không muốn đi tìm nữa. Có một điều, sợ lời mình chỉ là độc thoại, cô đơn đến thế đó, Loan ơi! Nhưng dù thế nào cũng viết, cho nó vơi đi! Như nước sông đầy, đổ về biển, lòng biển rộng bao la Loan ạ!

Yêu người, thấy hồn mình chợt đau, đau êm ái, nhưng thật sâu, và thật đậm đà. Ngày tháng ở đây thật là dài, từ hôm về, từ hôm xa Loan, tất cả thành xa lạ, ngay chính trong phòng của mình. Chỉ còn nhớ, và nhớ cao vọi đỉnh trời. Nhớ kinh hồn!

Hôm em đi học, nằm nhà anh đọc ‘Ung Thư’ trong Văn, thấy anh chàng (quên tên) gọi tên người yêu vang dội cả xóm, anh cười. Chiều qua, mưa như bão, một mình lái xe ra Biển Hồ, đứng trên đồi cao, bắc loa tay gào thật lớn ‘Loan ơi! Loan ơi!’ lúc đó mới thấy chàng ta có lý.

‘Loan ơi!’ tên em bay tung trên mặt hồ, đập vào vách núi, dội lại, và tan trên sóng nước, mưa lớn vô cùng, gọi tên em trong mưa, ướt như ma mà lòng ấm áp dị thường. Loan ơi! Ừ đó! anh lại gọi tên em bây giờ, khi đang ngồi viết, gọi nhẹ trong hồn mà nó âm vang len vào từng cơ trong thân.

Anh Biện mới lấy xe đi phố, anh trốn Biện vào phòng viết cho Loan, gọi tên em trên giấy. Viết rồi lại xé, đốt tên em, thả gió cho bay tít chín từng trời. Biện biết chuyện rồi. Tối qua ngồi kể chuyện Loan cho anh nghe. Biện không trách gì anh cả. Hai đêm rồi, ngồi với nhau đến một, hai giờ sáng mới ngủ.

Anh rửa ảnh em thật lớn, có thể ngày mai, ngày kia hoặc chiều nay đem theo hình bóng êm đềm thương yêu nhất vào trận đánh khốc liệt đang đợi chờ. Chắc khi em đang đọc thư này thì anh đã đi hành quân rồi, một cuộc hành quân lớn nhất từ đầu năm tới giờ. Đồng thời mẹ anh cũng đang đọc thơ anh, người mẹ thương con hơn cả bản thân mình, anh đã gọi tên Loan bên tai mẹ trong thơ, chắc mẹ sẽ mừng và mẹ sẽ lo, mẹ sợ con bà chưa hội đủ những ước mơ cao vời của Loan, sợ sự cách biệt sang hèn giữa hai nhà. Nhưng anh phải cho mẹ biết, vì anh đã quyết định rồi. Anh chỉ xin mẹ một lần, và nếu không thành, anh sẽ vác ảnh Loan theo bên mình đúng một trăm năm.

Ừ, anh sẽ yêu Loan suốt một trăm năm. Loan ạ!

Sống thiếu bao nhiêu năm, xuống dưới lòng đất, sau cuộc đời này, còn phải trả cho em đủ số, và hơn thế nữa. Thật là kỳ lạ! Trí óc anh hồi này nó thế nào ấy! Đừng cười anh nghe Loan. Yêu Loan thật nặng và thật sâu. Nhưng từ biệt không nói được gì, ở gần không nói được gì – Khổ thật! Muốn nói, nhưng nói làm sao? Đứng trơ ra cũng kỳ! Kịp khi lên máy bay còn muốn trở về, mong chuyến bay hủy bỏ.

Gọi tên Loan cả ngày, Loan có biết đâu? Loan có biết được đâu?

Anh Biện đi suốt buổi trưa, chắc ra quán ‘Sương’ với ông Thiếu úy Vy để nghe ‘Tình Nhớ’ rồi, Biện biết anh đang nhớ Loan, Biện để anh yên một mình ở nhà, ở nhà buổi trưa thật im lặng, nhớ em, yêu em đến điên hồn Loan ơi!

Long.

Trên đây là lá thư năm trang rưỡi, viết bằng bút bi mực xanh trên giấy mỏng. Lá tình thư này là một trong những kỷ vật hiếm hoi còn sót lại của gia đình tôi. Những tờ giấy pơ–lua (pelure) rách góc, rạn nứt, ố vàng. Chữ viết trong thư trông như những con giun, rất khó đọc. Có nhiều chữ, bây giờ (2009), tác giả của nó phải nhờ người nhận thư đọc dùm cho, mới biết ngày ấy, bốn mươi năm trước, mình đã viết gì. Kèm với lá thư xưa, còn có, hai tấm ảnh, mặt sau ghi đầy những dòng chữ xanh mù mịt, một thiệp cưới, năm tờ sách xé từ quyển “Let’s Learn English”, một trang chúc mừng đám cưới của Tòa Soạn “Nguyệt San Biệt Động Quân” số tháng 10 năm 1970, và một quẻ xăm.

Vào một ngày đầu mùa mưa Pleiku năm 1969, tôi đã viết lá thư này. Tôi đã viết một hơi, không ngừng nghỉ, từ dòng đầu, tới dòng cuối. Tôi cũng không đọc lại, để duyệt lỗi chấm câu, lỗi chính tả. Tôi sợ rằng, nếu đọc lại, tôi sẽ thấy những điều không ổn, tôi sẽ xé nó đi, và không có can đảm viết lại lần nữa.

Cái bì thư đề tên người nhận là cô Đinh Thị Loan 14 A Khu Độc–Lập A Ban–Mê–Thuột, đã dán tem, tôi còn đắn đo với bao nhiêu là câu hỏi nảy ra trong đầu: Có nên gửi lá thư đi không? Nếu thư tới tay Loan mà cô ấy xé nó đi? Nếu thư tới tay Loan mà cô ấy đã có người yêu? Nếu thư tới tay Loan mà tôi không còn sống sót trở về? Nếu tôi trở về mà chiến trường đã lấy mất một phần thân thể, tôi thành phế nhân? Nếu...

Cuối cùng, tôi đánh liều, trao nó cho ông Bưu Tín Viên KBC–4047 của Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân, một ngày trước khi lên trực thăng nhảy vào chiến trường Đak–tô. Cùng lúc, tôi cũng gửi thư cho mẹ tôi và cho bác Đinh Văn Võ, thân sinh của Loan và Biện.

Truyện tình của tôi bắt đầu từ một chiều Thu 1968. Hôm đó, trên Núi Voi, Đà Lạt, một chiếc trực thăng tải thương đáp xuống vị trí của Đại Đội 1/TĐ11/BĐQ để bốc đi những quân nhân đang lên cơn sốt vì bị ong vò vẽ đánh. Chuyến bay này cũng đem tới cho chúng tôi một bao cát sách báo, thư từ. Cả tháng trường lội núi, băng rừng, không thấy thôn làng, phố xá, vừa thấy cái bao cát mang tin tức hậu phương, chúng tôi mừng quá. Tôi cho đơn vị dừng quân.

Sau khi an bài vị trí trú quân đêm, tôi cho phép anh em đốt lửa sưởi và hong giày vớ. Bên bếp than hồng, quan tâm sự với quan, lính tâm sự với lính. Chuyện cửa, chuyện nhà, chuyện gì cũng dốc hết cho nhau nghe. Thiếu úy Duyên, Chuẩn úy Biện, và Thượng sĩ Ngọ có thư. Thư của Biện có cả hình ảnh gia đình. Tựa lưng vào một gốc thông, anh chàng vừa đọc thư vừa tủm tỉm cười. Tôi không có thư, tôi xin đọc ké thư của Biện. Biện không cho. Biện móc trong bì thư, đưa cho tôi xem một tấm ảnh đứa em gái của Biện:

– Tôi có năm đứa em gái. Tôi thương con bé này nhất, nó tên là Loan. Nó hiền lắm, hết giờ học là nó ở nhà phụ giúp me tôi. Me tôi tin cẩn nó lắm, tiền bạc trong nhà giao cho nó quản thủ. Không suy chuyển một xu.

Trong ảnh là một cô nữ sinh, cỡ mười bốn, mười lăm tuổi. Cô bé mặc áo dài trắng, tay phải ôm chồng vở trước ngực. Bàn tay trái đang làm điệu, cong cong, ngoéo về đằng sau. Cô bé cười, cái miệng và cặp mắt thực dễ thương. Chẳng hiểu vì sao, tự nhiên, tôi thấy có cảm tình với người trong ảnh ngay. Cầm tấm ảnh, tôi chợt nhớ gia đình... Tôi đang nhớ mẹ tôi. Mẹ tôi đang ở ngoài Hội An...

“Ở trong đó, con thương đứa nào, nhớ báo cho mẹ biết. Mẹ sẽ vào hỏi vợ cho con.”

Mỗi lần về thăm mẹ, mẹ tôi thường căn dặn tôi câu đó.

Đưa ngón tay trỏ ra móc ngoéo tay Biện, tôi đùa:

– Ông cho tôi “gởi bao gạo” được không?

– Chỉ sợ trung úy không có công chờ. Em nó còn nhỏ quá mà! Nó đang học lớp Đệ Tứ Trung Học Ban Mê Thuột.

– Đệ Tứ thì Đệ Tứ! Chờ thì chờ! Có sao đâu? Để có dịp nào ghé qua Ban Mê Thuột, tôi sẽ tới nhà ông “coi mắt” người đẹp này.

Tôi trả lại cái ảnh cho Biện, và rồi hai đứa chúng tôi cũng quên mất chuyện này.

Trước Tết năm đó, sau khi chấm dứt hành quân mở đường Đức Lập, Gia Nghĩa, đơn vị tôi đã có dịp ghé Ban Mê Thuột. Chúng tôi phải trú quân ở phi trường Phụng Dực hai ngày để chờ phương tiện chuyên chở về Pleiku.

Phụng Dực chỉ cách Khu Cư Xá Độc Lập của Sư Đoàn 23 Bộ Binh chừng vài cây số. Gia đình anh Biện cư ngụ tại đây. Ông cụ thân sinh của Biện đang là Thiếu tá Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh Sư Đoàn.

Ấy vậy, mà tôi quên khuấy lời hứa “gởi bao gạo” cho nhà anh. Tôi cứ nằm khoèo ở sân bay, đọc truyện “chưởng”, giao chiếc jeep cho các ông sĩ quan đại đội đi đâu thì đi. Tôi cũng quên cả lời hứa sẽ ghé “coi mắt” cô nữ sinh lớp Đệ Tứ Trung Học Ban Mê Thuột.

Rồi một ngày, khăn gói gió đưa, tôi về qua thành phố cao nguyên sương mù bụi đỏ...

Đầu tháng Năm năm 1969, Trung úy Vương Mộng Long bị chỉ định đích danh, đại diện Liên Đoàn 2 Biệt Động Quân đi họp Hội Đồng Kỷ Luật tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh để xử phạt Trung úy Ninh vừa từ quân lao về đáo nhậm liên đoàn. Tôi tới Ban Mê Thuột cùng ngày anh Biện (đã lên thiếu úy) từ Dục Mỹ tạt về thăm gia đình, trước khi nhập khóa Viễn Thám Dục Mỹ. Tôi cùng Thiếu úy Biện đi đón em gái anh, khi cô ta chấm dứt giờ học nhóm ở nhà người bạn gái cùng lớp.

Lúc đó là năm giờ chiều ngày 12 tháng Năm năm 1969.

Vừa thấy mặt em gái anh Biện, tôi nhận ra ngay cô bé này là người trong cái ảnh mà Biện đã cho tôi xem vào buổi chiều Đại Đội 1/11 BĐQ bị ong vò vẽ đánh chạy có cờ trên đỉnh núi Voi, Đà Lạt.

Khi người con gái ấy bước lên xe, không hiểu vì sao tim tôi hồi hộp lạ. Tôi có cảm tưởng như tôi đã quen người này lâu lắm rồi. Lúc ấy, lòng tôi háo hức như tâm trạng một người đi xa về, vừa gặp lại người thân. Tôi nghe nơi đáy tim mình có một niềm vui rộn ràng, dào dạt, lâng lâng...

Sáng Thứ Hai, Hội Đồng Kỷ Luật do Trung tá Phùng chủ tọa, chỉ diễn ra chưa tới hai tiếng đồng hồ. Sau khi đóng dấu chứng thực trên sự vụ lệnh, tôi quay lại nhà anh Biện nghỉ ngơi, chờ máy bay đi Pleiku.

Bác Võ gái bận việc dưới Qui Nhơn chưa về, nên hai hôm sau, khi anh Biện đi Dục Mỹ rồi, thì trong nhà chỉ còn tôi, bác Võ trai, Loan, với một đứa em trai, và ba đứa em gái.

Ngoài anh Biện đã đi lính, Loan còn một người chị gái và hai người anh trai hiện sống xa nhà. Do đó mọi việc trong nhà hầu như đều do một tay Loan quán xuyến. Tôi thấy cô ấy quả là một người nội trợ đảm đang. Sáng nào cô ấy cũng dậy thật sớm, pha cà phê cho ông bố, cho tôi, rồi cho bốn đứa em ăn điểm tâm. Sau đó cô bé mới ăn sáng, vừa ăn vừa học bài. Trưa về, cô lại dọn cơm cho cả gia đình, đút cơm cho bé Hồng, xong rồi cô ấy mới ăn cơm. Nhà có u già, nhưng tối tối, tôi thấy cô bé cũng phụ giặt quần áo cho các em. Tôi ngạc nhiên vì sao trong một gia đình khá giả như thế, mà cô ta không hề tỏ ra chút gì kênh kiệu, tự kiêu.

Buổi tối, tôi ngồi ngây, cả giờ, ngắm nhìn Loan ngồi học bài. Cái nét dịu dàng, giản dị, trong sáng, và thơ ngây ấy vừa mong manh, vừa quyến rũ, đã khiến trái tim tôi rung động thực tình. Tôi muốn được ngồi ngắm người ấy suốt đêm. Tôi muốn dang tay ra ôm cái đẹp mơ màng, như sương, như mây ấy vào lòng, nhưng lại sợ rằng một cử chỉ mạnh tay, có thể làm cho nó tan đi mất. Hai chúng tôi không nói chuyện với nhau. Đôi lúc mắt tôi và mắt Loan gặp nhau, cô chớp mắt rồi cúi xuống vở. Mỗi lần như thế, tim tôi lại đập liên hồi. Tôi chẳng biết cô ấy nghĩ gì. Không hiểu cô ấy có thấy cảnh tôi đang bối rối hay không?

Ở Pleiku, khi tiếp xúc với những cô bạn nữ sinh Minh Đức hay Bồ Đề, tôi có ấp úng bao giờ đâu? Ở nhà các cô Minh Đức, tôi đã từng thao thao cho các cô nghe truyện Chúa Jésus hóa phép khiến nước biển cạn tới đáy để dẫn con chiên qua Hồng Hải. Còn khi ngồi với các cô Bồ Đề, tôi lại làu làu giảng giải sự tích cây bồ đề của Phật Thích Ca. Những lần ấy, tôi nói năng suôn sẻ lắm. Truyện Chúa cũng rành, mà truyện Phật cũng thông! Vậy mà, trong chuyến đi Ban Mê Thuột lần này, cái lưỡi của tôi dở tệ! Gần chục ngày ở đây, tôi chẳng nói với cô ta được câu nào cho ra chuyện. Có vài dịp đối diện, tôi định khen cô ấy dễ thương. Tôi muốn nói cho cô ấy biết rằng, nếu tôi được nhìn cô ấy mỗi ngày, tôi sẽ cảm thấy đời hạnh phúc lắm. Nhưng đến lúc cần mở miệng nhất, tôi lại đâm ra bối rối, nói chẳng thành lời.

Những ngày sống trong gia đình này, với tôi, thật là êm đềm và hạnh phúc. Tôi ước gì được ở mãi Ban Mê Thuột, không về. Trong một tuần lễ dài, sáng sáng tôi đứng nhìn cô ta lên xe đi học. Rồi đi quanh quẩn trong nhà, đọc sách, nhớ nhung. Tôi chỉ mong sao cho mau tới giờ cô ta tan trường về.

Ở Pleiku, tôi cũng đã quen vài cô học trò trung học, cùng trang lứa với Loan. Nhưng với họ, tôi chỉ tiến tới nửa vời, chưa bao giờ mở miệng với cô nào câu “tôi yêu...” Vậy mà, vừa gặp Loan, tôi đã thấy tim mình rộn ràng, đã cảm thấy cuộc đời mình sẽ bị cột chặt vào đời người con gái đó, gỡ không ra. Tôi tự nhủ thầm rằng, tôi đã tìm thấy người mà mình trông đợi bấy lâu nay rồi. Tôi tự hứa sẽ yêu cô ta trọn đời. Cô ấy hiền lành dễ thương như thế, nếu mai đây tôi lấy được cô ấy, chắc những đứa con tôi cũng sẽ rất dễ thương...

Sự vụ lệnh của tôi cho phép tôi có một ngày họp, và hai ngày đi đường. Đúng lý ra, sau ngày họp, tôi phải trở về Pleiku ngay. Nhưng tôi cảm thấy, tôi không thể rời xa Loan ngay được. Tôi cứ nấn ná ở lại trong nhà cô ta, được ngày nào, hay ngày nấy.

Tôi ở Ban Mê Thuột đến ngày thứ năm thì ông Tiểu đoàn trưởng, Đại úy Hồ Khắc Đàm (K16 VB), điện thoại gọi tôi về để đi hành quân gấp, ông nói rằng vì tôi bận đi công tác xa, tiểu đoàn thiếu đại đội trưởng, nên ông xin trì hoãn lệnh nhảy vào Đak–tô.

Qua tin tức từ Đài BBC, Đài Sài Gòn và Đài Quân Đội, tôi cũng biết chuyện Liên Đoàn 2 Biệt Động Quân đang chạm nặng và chờ đợi tăng viện, nhưng tôi cứ phớt lờ.

Tôi ù lì tới mức, ông Trung tá Tiến, Trưởng Phòng 4/SĐ23/Bộ Binh phải đích thân lái xe ra Cư xá Độc Lập A, tới tận nhà ông Thiếu tá Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh Sư Đoàn để gặp tôi. Ông giao hẹn rằng, đúng ngày Thứ Hai tuần sau tôi phải theo chuyến Beaver đặc biệt để về lại Pleiku. Ông Tiến còn hăm, nếu tôi không chịu về đi hành quân thì ông ta sẽ cho Quân Cảnh áp tải tôi ra máy bay. Đến nước này tôi mới chịu thua.

Sáng ngày 20 tháng Năm năm 1969, dự trù tài xế sẽ chở tôi ra phi trường trước, rồi quay về đón Loan cùng các em đi học. Tới giờ hẹn, tôi nấn ná không chịu đi. Tay cầm cái kiếng mát Ray–ban, tôi cứ quay quay cái gọng kính, đi đi, lại lại, quanh nhà. Có vài lần, tôi tới bên bàn học của Loan, ngập ngừng định ngỏ lời: “Loan ơi! Anh yêu Loan!” nhưng miệng tôi cứ ấp úng, không nói được. Sau cùng do có điện thoại thúc giục của ông Trung tá Tiến, tôi đành miễn cưỡng leo lên xe ra phi trường L19. Ông Trung tá Trưởng Phòng 4 Sư Đoàn đang đứng chờ tôi bên chiếc máy bay, ông cằn nhằn:

– Tiểu đoàn đang chờ cậu về hành quân, mà cậu cứ cà rề, cà rề hoài. Nếu cậu không phải là con ông Võ thì tao đưa cậu ra hội đồng kỷ luật rồi đó!

Trung tá Tiến là bạn của Thiếu tá Võ. Ông ta tưởng tôi là con trai bác Võ! Bởi vậy ông đã thân mật xưng “tao” và gọi tôi là “cậu.”

Tôi nghĩ bụng: “Như thế cũng hay! Biết đâu mai mốt mình trở thành con rể bác Võ?”

Chiếc Beaver rộng thênh thang, tôi là hành khách độc nhất. Anh Trung úy pilot Mỹ cho tôi biết, anh ta sẽ bay thẳng về đáp bên phi trường Holloway, Pleiku. Tôi tâm sự với anh rằng tôi phải về đơn vị để đi hành quân gấp. Tôi không biết ra đi lần này có còn sống sót hay không. Tôi nhờ anh đảo trên nóc trường Trung Học Ban Mê Thuột cho tôi vài vòng, hy vọng tôi có thể nhìn thấy người tôi yêu lần cuối cùng.

Nghe tôi tả oán, anh phi công Mỹ động lòng. Chiếc máy bay rà sát ngọn cột cờ trên sân trường Trung Học Ban Mê Thuột hai vòng, rồi mới ngóc đầu bay về phương bắc. Trong sân trường đầy học trò. Có nhiều nam nữ sinh ngửa mặt nhìn lên. Tôi chẳng phân biệt được ai với ai.

Về Pleiku, tôi cứ buồn vẩn vơ, nhớ nhung người ở xa. Ngày tháng trở nên dài đằng đẵng. Tiểu đoàn còn nằm ứng chiến chờ lệnh. Ngày nào cũng có những chuyến Chinook tải thương binh từ Kontum về Quân Y Viện Pleiku. Nghe đâu, Tiểu Đoàn 22 Biệt Động Quân bị thiệt hại khá nặng, vừa được rút ra Tân Cảnh. Tiểu Đoàn 23 Biệt Động Quân còn kẹt lại trong vùng. Tiểu Đoàn 23 Biệt Động Quân đang bị một trung đoàn Cộng sản bao vây. Có lúc tôi thấy mình thật là mềm yếu khi nghe tin không vui truyền về từ chiến trường.

Trong tâm trạng rối bời, tôi viết lung tung trên từng trang giấy của quyển Anh Văn “Let’s Learn English” những dòng chẳng ăn nhập gì với nhau:

Anh vẫn biết yêu em là một phiêu lưu nguy hiểm.
Mà sao anh vẫn bắt buộc phải phiêu lưu?


“Bé Loan, sao mình lại nhớ con bé ấy được nhỉ? Đẹp ở cái mục nào? mà mình lại có vẻ muốn láng quáng? Hiền! ừ hiền! dám nhụt chí anh hùng kỳ này cũng nên! Sắp hành quân, đừng nghĩ bậy!”

“Đak–tô! Đak–tô! Nghe như một tiếng gọi thật buồn. Ngày mai anh đi. Bên cái chết, anh sẽ nghĩ gì về em? Loan ơi!”

Cuối trang này, tôi đã ghi lại hai chữ “Loan ơi!” tới mười tám lần!

Và sau khi nhận lệnh hành quân, tôi viết tiếp:

“Đak–tô! Đak–tô! Tôi sẽ gọi tên Loan suốt ngày để tìm một nhiệm mầu của tình yêu, hướng dẫn đại đội tôi, trong suốt cuộc hành quân đầy đe dọa này!”

“Đinh thị Loan! Đak–tô!”

Tôi đã tô thật đậm tên Đinh Thị Loan và địa danh Đak–tô trên trang giấy cuối cùng của quyển sách, rồi yên tâm chuẩn bị lên đường.

Trưa 24 tháng Năm, tôi tập họp đại đội, cho lệnh cấm quân, và trang bị sẵn sàng.

Sáng 25 tháng Năm chúng tôi tới tuyến xuất phát.

Từ Căn Cứ 6 và Căn Cứ Đak–mot pháo binh Hoa Kỳ bắn không ngừng.

Ngồi chờ trực thăng nơi cuối phi trường Phượng Hoàng, tôi thấy xa xa, núi rừng hướng nam, những cột khói bụi bốc cao ngút trời. Trong vùng lửa đạn mù mịt ấy, Trung Đoàn 28/Mặt Trận B3 Cộng sản và Tiểu Đoàn 23 Biệt Động Quân đang quần thảo. Vài phút nữa, tôi sẽ bay vào tiếp tay cho quân bạn.

Chúng tôi lên tàu vào lúc buổi trưa. Đại đội tôi lại đi đầu. Bãi đáp sẽ là triền tây bắc của ngọn Ngok Dơrlang, cao 882 mét, nằm cách quận lỵ Đak–tô chừng 15 cây số về hướng tây nam.

Trực thăng chuyển quân và võ trang bay nườm nượp như ong. Đoàn máy bay chui vào vùng khói bụi. Chưa tới mục tiêu, chúng tôi đã nghe phòng không địch “Toác! Toác! Toác!” giòn giã.

Bốn chiếc Cobra đảo lên, chúc xuống. Rocket theo nhau xịt khói “Oành! Oành!”. Phòng không của Việt cộng tạm thời ngưng hoạt động.

Dưới bãi đáp, thương binh nằm la liệt. Trung tá Daniels, cố vấn trưởng của liên đoàn nhảy theo đại đội tôi để tiếp tay quân y Biệt Động Quân. Hai đại đội trưởng của Tiểu Đoàn 23 Biệt Động Quân vừa bị loại khỏi vòng chiến. Họ được chiếc tàu thả tôi xuống, tải thương đi. Một trong hai sĩ quan đó là Đại úy Nguyễn Thới Tân, bạn cùng Khóa 20 Võ Bị của tôi. Tân bị gãy tay. Tôi chỉ kịp vỗ vai bạn một cái, rồi vội vàng chia tay.

Đạn pháo địch rơi không biết cơ man nào mà kể. Tiếng réo 105ly của Việt cộng cứ “Xèo! Xèo!” trên đầu. Đại đội tôi chưa đổ bộ hết, đã có người bị thương vì pháo.

Kiểm quân xong là :

“Xung phong!... Sát!”
“Biệt Động!... Sát!”

Vừa tràn xuống chân đồi, chúng tôi đã gặp B40. Địch thật là chịu chơi! Dám ra mặt nghênh chiến giữa ban ngày.

Lợi dụng hỏa lực hùng hậu của Cobra yểm trợ, Biệt Động Quân tiến lên ào ạt. Từng đợt, từng đợt, chúng tôi mở rộng vòng đai kiểm soát ra xa.

Hết Cobra, quân ta ngừng, chờ F4C Phantom. Từ lúc đặt chân xuống đất, cho tới khi tiểu đoàn hoàn tất việc chuyển quân, đã có ít nhứt sáu phi xuất F4C và hai phi xuất Skyraiders được sử dụng chỉ riêng cho mặt trận hướng đông nam của tôi.

Đại đội tôi đánh nhanh như vũ bão. Đánh bao vùng từ Nam lên Bắc. Cứ thế, chúng tôi đánh nhau với địch cho tới khi trời tối.

Ra quân ngày đầu, đại đội tôi hạ sát được gần ba chục địch quân, thu gần hai chục vũ khí. Chúng tôi thiệt mất bảy người bị thương, không có người chết. Tôi thầm cám ơn Niên trưởng Lê Phú Đào (K10VB) vì lời chúc lành, ông đã nói với tôi, khi tiễn tôi lên tàu: “Chúc chú mi gặp nhiều may mắn. Kỳ này tha hồ mà lượm súng!”

Đêm ấy, Đại Đội 1/11 có nhiệm vụ phòng thủ tuyến nam của đồi 882. Tôi không thể chợp mắt được một phút nào. Tôi cùng Thiếu úy Vy và Thượng sĩ Thống, thường vụ đại đội, luân phiên đi tuần tra các trạm gác giặc. Sau đó, tôi trở lại, ngồi bó gối trong lều. Điếu thuốc trên môi, mắt dõi theo đóm hỏa châu chập chờn, lòng tôi trĩu trong nỗi nhớ.

Nửa khuya, tôi cắm cái écouteur vào chiếc máy thu thanh nhỏ để nghe tin tức. Lúc ấy, trên làn sóng ngắn của Đài Phát Thanh Quân Đội, đang là chương trình Dạ Lan. Giọng một nữ ca sĩ nỉ non:

Ngày nao, trên quê hương,
vó ngựa hồng gục ngã.
Em nhắc đến tên anh,
với điệu buồn xa lạ
...”

Chiếc AC–47 rời vùng, hỏa châu ngừng soi, pháo binh của ta lại bắt đầu làm việc. Chiến địa sục sôi không ngừng nghỉ phút nào. Đạn đại bác bay vèo vèo. Trong màn đêm, trên các hỏa tập tiên liệu xung quanh Ngok Dơrlang, những đóm lửa bừng lên rồi tắt.

Qua một đêm không ngủ, sáng 26 tháng Năm tôi được lệnh mở đợt tấn công mới về hướng chính đông. Đại Đội 4 theo chân đại đội tôi, sẵn sàng tiếp cứu khi đơn vị tôi chạm nặng. Suốt ngày hôm ấy, “Thẩm Quyền 5” đã bay trên đầu, vào tần số nội bộ của tiểu đoàn, theo dõi và cổ vũ cho cánh quân đi tiên phong. “Thẩm Quyền 5” là danh xưng truyền tin của Đại tá Nguyễn Bá Liên, Tư Lệnh Biệt Khu 24.

Trong năm tiếng đồng hồ, đánh lên, tụt xuống một ngọn đồi không tên tuổi, tôi chiếm được vị trí đóng quân cấp tiểu đoàn của địch.

Trên ngọn đồi cỏ tranh này, các hố cá nhân cũng như cộng đồng của Việt cộng, không có bờ đất làm ụ súng. Địch đã san đất cho sát mặt cỏ, rồi ngụy trang miệng hố bằng cành lá khô để tránh sự phát hiện của phi cơ. Vì thế, việc kiểm soát rất khó khăn. Trong khi lục soát mục tiêu, Hạ sĩ Nghết và Thiếu úy Vy, đã chết vì một loạt đạn AK bắn lên từ một hố cá nhân phía sau lưng.

Tài liệu trên xác địch, cho tôi hay, đơn vị địch đang đương cự với Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân bây giờ là Trung Đoàn 66 của Mặt Trận B3. Đó là đơn vị xuất sắc số 1 của Cộng quân trên chiến trường Tây Nguyên trong thời gian này.

Chiến trường la liệt xác giặc. Hàng trăm vũ khí của địch bị tịch thu chất thành đống nơi đỉnh đồi. Chiến thắng lớn, nhưng lòng tôi buồn vô cùng. Mới vào trận được hai ngày, tôi đã mất một số thuộc cấp thân cận nhứt. Ngoài Thiếu úy Vy, và Hạ sĩ Nghết, tôi còn thiệt mất tám người chết và năm bị thương. Hạ sĩ Trần Đợi, xạ thủ M60, cùng hai người mang máy truyền tin cho tôi là Binh nhứt Nguyễn Thiên và Binh nhứt Nguyễn Cưởng nằm trong số những người chết này.

Với tôi, Vy là một người bạn khá tương đắc, đồng thời là một trợ thủ xuất sắc. Anh là người bà con gần của Đại tá Liên. Nhiều lần Vy từ chối đề nghị thuyên chuyển về làm việc ở Bộ Tư Lệnh Biệt Khu 24. Bạn tôi nằm đó, nằm yên như đang ngủ. Viên đạn xuyên qua tim một người chiến sĩ ở chiến trường, ngày mai, khi tin về, viên đạn sẽ xuyên qua tim một người vợ trẻ đang chờ chồng ở cư xá Trần Quý Cáp, Pleiku. Vợ của Vy đang mang thai đứa con đầu. Vết thương trong tim người góa phụ không biết tới bao giờ mới thôi nhỏ máu?

Trước ngày hành quân, đại đội tôi có năm sĩ quan. Hai người đang đi thụ huấn là Thiếu úy Đinh Quang Biện và Chuẩn úy Đàm Quang Hạ Long, còn lại ba người. Tới tuyến xuất phát, anh sĩ quan đại đội phó của tôi, Thiếu úy Trần Dân Chủ được điều động sang xử lý Đại Đội 4 thay Đại úy Nguyễn Lạn (K20 VB) để anh Lạn lên xử lý chức vụ tiểu đoàn phó. Thiếu úy Vy tử trận, tôi không còn sĩ quan nào dưới tay. Từ giờ phút này, tôi vừa làm đại đội trưởng, vừa kiêm chức Trung Đội Trưởng Trung Đội 2. Trách nhiệm đè nặng trên vai con chim đầu đàn của đơn vị.

Đêm 26 tháng Năm, tin tình báo kỹ thuật cho hay, địch đang tăng cường lực lượng để bao vây và tấn công tiêu hao các đơn vị Biệt Động Quân trong khu vực. Một đơn vị Cộng sản đã có mặt trên cái yên ngựa hướng Đông Nam và nhiều cuộc chạm súng rất ác liệt đã xảy ra bên hướng Tiểu Đoàn 23 Biệt Động Quân. Cũng trong đêm đó, một đơn vị Đặc công của Việt cộng xâm nhập vùng hướng Nam đồi 882 nhưng bị chúng tôi đẩy lui. Gần sáng, một lực lượng đông đảo của Cộng quân chuyển dịch áp sát chân ngọn đồi do đại đội tôi phòng thủ. Sáng 27 tôi được lệnh xuống núi ngăn chặn mũi dùi này của địch. Thời tiết rất xấu. Mưa to gió lớn. Không yểm giới hạn. Trận đánh cứ giằng co mãi. Chúng tôi đã hạ được hơn hai chục tên giặc, nhưng đại đội tôi cũng hụt thêm gần chục người, vừa chết vừa bị thương.

Sau khi thấy tôi không thể tiến xa hơn lằn ranh kiểm soát ngày hôm trước, Đại úy Tiểu Đoàn Trưởng ra lệnh cho Đại úy Lạn dẫn Đại Đội 4/11 lên thay nhiệm vụ của đại đội tôi. Cánh quân này cũng chỉ chịu đựng được nửa giờ, rồi đành phải dội ngược trở lại. Tới chiều, Đại úy Tiểu Đoàn Trưởng đành rút chúng tôi về vị trí cũ, phòng thủ chung tuyến với tiểu đoàn.

Khi quân ta co cụm lại thì địch tung quân chốt chặn tất cả các điểm nước. Tình hình trở nên trầm trọng. Coi như hai tiểu đoàn Biệt Động Quân đã bị bao vây bởi một sư đoàn Cộng sản gồm Trung Đoàn 40 Pháo và hai Trung Đoàn Bộ binh 28 và 66 của Mặt Trận B3.

Suốt ba ngày ròng rã, từ khi đơn vị tôi nhảy xuống đất, pháo địch không ngừng tàn phá những ngọn đồi chúng tôi trấn giữ. Địch pháo đủ loại, liên tục từ khi mặt trời ló dạng, cho tới khi chạng vạng, nghĩa là khi tiền sát viên Cộng sản không còn nhìn thấy mục tiêu để mà điều chỉnh pháo được nữa.

Pháo binh Hoa Kỳ từ Căn Cứ Hỏa Lực Đak–mot và Căn Cứ Hỏa Lực số 6 (Ngok Ring Rua) chỉ có thể phủ vùng xung quanh chúng tôi chừng năm cây số. Pháo 105ly của địch nằm về hướng biên giới Bắc Cambode, ngoài tầm phản pháo của quân bạn, vì vậy địch tha hồ tưới đạn lên đầu quân ta mà không sợ bị phản pháo.

Mặt khác, lưới phòng không 12.7ly càng lúc càng chằng chịt thêm, không chừa một khe hở nào cho trực thăng có thể xuống. Quanh bãi đáp, hàng chục thương binh của hai Tiểu Đoàn 11 và 23 Biệt Động Quân đang nằm chờ phương tiện. Giữa bãi là năm sáu cái xác Biệt Động Quân cuộn trong poncho, có cái bị đạn trái phá đánh tung xuống triền đồi. Mùi thối của tử thi bốc lên nồng nặc. Chưa có tải thương thì chúng tôi chưa được phép bỏ ngọn đồi này.

Đêm nay không có dấu hiệu gì của Đặc công, nhưng trận đánh này quá căng thẳng, nên anh em không ai ngủ yên được. Tôi ngồi dựa lưng vào một gốc cây khô. Dưới kia là thung lũng sâu, mờ mờ. Trăng thượng tuần bị mây mù che khuất. Trời trở gió. Tôi chui vào lều, bật cái đèn nhỏ cắm từ cục pin PRC25, tìm tấm bản đồ. Mặt sau cái bao bản đồ hành quân là hai cái ảnh của Loan. Hôm chúng tôi đi chơi thăm Lâm Tuyền Cốc, Ban Mê Thuột, Loan đã chụp một cái ảnh đứng một mình, và một cái khác ngồi trên tảng đá, bên cạnh anh Biện. Về Pleiku, tôi phóng hai tấm ảnh lớn ra, cắt bỏ hình anh Biện, giữ hình Loan lại. Ngày lên đường vào Đak–tô, tôi để hai ảnh Loan đàng sau tấm bản đồ. Lần đầu trong đời, tôi nặng lòng thương nhớ một người con gái. Vào chiến trường, với hai tấm ảnh của nàng, tôi cảm như nàng đang ở bên tôi. Tôi thấy đôi mắt to đen đang nhìn tôi, và miệng nàng đang cười chúm chím. Không biết hôm nay Loan đã nhận được thư của tôi chưa? Không biết sáng mai em đi học, trời mưa hay nắng? Không biết em có nhớ gì tôi không?
Tôi mở ba lô, lấy quyển sổ tay, ghi lại tâm sự của mình:

Đêm trên đồi 882
(Gởi người tình nhỏ ở Ban Mê Thuột)


Từ ba ngày nay
Trực thăng không dám xuống bãi này.
Những viên trái phá đã rơi và sẽ còn rơi...
Tiếng “départ” từ vùng Ba Biên Giới,

Chẳng còn gì để sợ, nhưng nghe thật buồn.
Và nắp hầm trú mỗi ngày mỗi dầy thêm
Như những nấm mồ. Rồi cũng thành những nấm mồ!
Cho những người vĩnh viễn nằm xuống,

Trong trận đánh tuần qua, ngày qua...
Nếu tuần sau, ngày sau,
Bãi đáp này không còn ai dám hạ.
Tôi mồi điếu Lucky cuối cùng

Để thấy thấm dần, đầu lưỡi đắng cay...
Bây giờ em đang làm gì ở Ban Mê Thuột?
Cầu trời
Đừng ai kể cho em nghe

Tôi đang nghĩ về nỗi chết
Nghĩ về ngày em đi lấy chồng...
và nỗi buồn vô cùng
Buổi tối

Trên đồi 882
Những viên trái phá đã thôi rơi
hay những viên trái phá chỉ ngưng rơi?
Màu trắng dưới thung lũng này

Màu áo của em
Hay chỉ là màu trắng của sương?
Trời tháng Năm
Hướng đông thật tối

và hướng tây cũng thật tối
Tôi gọi thầm
Giờ này, em đang làm gì ở Ban Mê Thuột?
Em ơi!

Rồi hình như tôi đã thở dài
Hay tôi vừa nghe người lính gác thở dài!...


Nửa đêm, B52 đánh ầm ầm vùng Tam Biên. Sau đó Spooky bao vùng, liên tục bắn phá những vị trí phòng không trên các chỏm núi.

Mờ sáng ngày 28 tháng Năm, hai chiếc HU1D bất thình lình rà sát đọt cây, ào xuống đem hết thương binh đi. Tôi được lệnh mở đường xuống núi. Bên trái trục tiến của đại đội tôi có cánh quân của Đại úy Nông Đức Chiêu, Tiểu Đoàn Phó TĐ 23/BĐQ. Bên phải trục tiến của đại đội tôi có cánh quân của Đại úy Nguyễn Thông (K17VB), Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 23/BĐQ. Đại đội tôi giữ vai trò tiên phong trong đội hình tam giác mũi trước.

Hai tiểu đoàn Biệt Động Quân dựa lưng vào nhau, tìm mọi cách để đục thủng vòng vây của hai trung đoàn địch. Chúng tôi vượt qua một cái yên ngựa rồi leo lên ngọn 843.

Hôm sau, 29 tháng Năm, chúng tôi đổ dốc về hướng Tây Bắc. Chúng tôi di chuyển trong một địa thế tối nguy hiểm, hai bên là núi cao vách đứng, rừng rậm, tầm quan sát thật là hạn chế. Trưa hôm đó, đoàn quân chui vào một khu rừng rậm rạp nằm về hướng tây bắc cao điểm 785.

Tới chiều thì chúng tôi bị địch phát giác, chúng âm thầm chuyển quân bôn tập. Nơi ngã ba một con đường mòn chúng tôi bị địch chận đánh dữ dội. Phi pháo hoàn toàn bất lực vì mây mù, rừng rậm, cây cao.

Tôi nỗ lực đánh bật một gọng kìm của địch bên cánh phải. Đại Đội 1/11 thoát ra ngoài vòng vây. Sau khi chiếm được một ngọn đồi nhỏ, tôi cho quân bố trí chờ quân bạn. Phía sau lưng tôi thật là hỗn loạn, súng nổ như pháo rang. Chúng tôi mất liên lạc với bộ chỉ huy tiểu đoàn trong thời gian hơn một tiếng đồng hồ. Tới khi tái liên lạc được, ông tiểu đoàn trưởng bắt tôi dẫn quân đánh ngược trở lại, cứu tiểu đoàn. Sau nửa giờ liều mạng, đánh vùi, tôi mới phá vỡ được vòng vây, bắt tay được cánh quân của Đại úy Đàm.

Trong cuộc hỗn chiến vừa qua, Trung úy Khuê Khúc Khanh, Đại Đội Trưởng Đại Đội 2/11 và Thiếu úy Trần Dân Chủ, Xử Lý Thường Vụ Đại Đội Trưởng Đại Đội 4/11 đã bị thương nặng. Đại đội tôi thiệt hại khoảng mười người chết, và gần chục người khác bị thương.

Đêm 29 tháng Năm, khi tình hình tạm yên, tôi cho lệnh chôn cất những anh em vừa tử trận ngay trên ngọn đồi chúng tôi đang chiếm ngự. Bố quân xong, tôi lại đem hai cái ảnh ra, viết sau bức hình thứ nhứt:

Đak–tô, Tân Cảnh

29/5. Mặt trận thật khốc liệt. Đại đội tôi chết và bị thương hết một nửa rồi. 9 giờ đêm, địch pháo kích dài dài. Đơn vị tôi đã bị bao vây, mười phần chỉ còn hy vọng có một phần thoát được. Tôi đem ảnh Loan ra ngắm. Lạy trời! ngày mai sáng sủa hơn. Tôi yêu Loan vô cùng. Loan hiền lành và đôn hậu. Tôi phải vượt được trận này để về gặp vợ tôi. Vợ tôi, Loan yêu quý của tôi
.”

Thật là lạ lùng! Tôi chưa nói với cô ấy một lời nào, mà sao tôi có cảm tưởng như cô ấy đã là một phần của cuộc đời mình, như cô ấy đã là vợ mình, từ lâu lắm rồi. Cô ấy như một cái đích khiến tôi phải phấn đấu, để sống còn, để trở về. Mỗi khi nghĩ tới cô ấy, tôi lại thấy lên tinh thần. Trong tình thế này, tôi như con thuyền trong bão tố, Loan như ngọn hải đăng. Loan trở thành ánh lửa hy vọng, dẫn lối đưa đường cho tôi vượt qua hiểm nghèo. Hôm sau tôi viết tiếp:

Đak–tô, Tân Cảnh 30/5. Sáng ra thấy một ngày thê thảm nữa. Anh em bị thương quá nhiều. Anh mang ảnh Loan ra ngắm, để tìm những hy vọng mong manh. Anh vẫn còn tin tưởng, có thể mở đường máu mà ra. Anh phải ra được để về với Loan, Loan yêu của anh. Những giờ phút đau khổ và tuyệt vọng nhất là những lúc anh yêu Loan nhất. Loan ơi! Loan!

Khi sương mù chưa tan, tôi đã phải đi quanh vị trí, kiểm điểm quân số, an ủi những người bị thương, tác động tinh thần thuộc cấp, chuẩn bị lên đường. Vì số người bị thương khá nhiều, nên tôi cố tránh né giao tranh. Khi qua một con suối, vì hai bên là núi cao, nên cánh quân bên phải của Tiểu Đoàn 23 Biệt Động Quân do Đại úy Nguyễn Thông chỉ huy đã nhập vào cánh quân của đại đội tôi.

Trưa 30 tháng Năm, chúng tôi chạm địch trở lại. Dưới chân ngọn đồi không tên, có cao độ 700 mét, trận ác chiến đã kéo dài tới năm giờ chiều. Địch dàn hàng đông như kiến. Chúng cố dồn chúng tôi vào một thung lũng hẹp để dễ bề tiêu diệt. Vì sợ bị sa lầy trong vòng vây, chúng tôi phải xin pháo binh bắn liên tục tiếp cận, tạo một hàng rào chắn, rồi rút sang khu rừng bên hướng đông, ém quân chờ đêm xuống.

Trong tình cảnh nguy ngập này, hai tiểu đoàn Biệt Động Quân phải tách ra, rút theo hai hướng khác nhau. Đại úy Thông dẫn quân rẽ sang trái, tìm cách bắt tay với Đại úy Chiêu, nhưng toán cố vấn Hoa Kỳ của anh đã không theo kịp đơn vị, nên họ nhập chung vào toán cố vấn của Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân, vì thế, cánh quân của Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân có tới sáu cố vấn Mỹ.

Tối 30 tháng Năm, lợi dụng ánh trăng, tôi cho quân tiếp tục di chuyển chậm.

Đường đi thật là chật vật, gian nan. Chúng tôi đi qua hai vị trí đóng quân cấp tiểu đoàn của địch, những vị trí này có cần anten cao, dây điện thoại, và nhà bếp với những cái chảo nấu ăn rất lớn.

Lúc chúng tôi vượt qua một con suối sâu thì cánh quân của Đại úy Tiểu Đoàn Trưởng bị lính gác của Cộng sản phát giác. Ông tiểu đoàn trưởng bị một tên giặc nắm tay hỏi mật khẩu, ông ta bèn dùng giọng Bắc Kỳ trả lời:

– Bạn đây mà! Buông tôi ra!

Nhờ có bóng đêm che chở và giọng nói miền Bắc, ông tiểu đoàn trưởng thoát hiểm.

Đến khi toán quân đoạn hậu và đoàn tải thương tới bờ suối thì địch nổ súng. Đại đội tôi được lệnh dừng lại yểm trợ cho bộ chỉ huy tiểu đoàn và các đại đội bạn vượt lên phía trước. Địch không truy kích, nhưng trong tình thế nguy kịch này, ông tiểu đoàn trưởng không dám cho đơn vị quay lại cứu những quân nhân bị thương còn kẹt lại bên kia bờ. Kể từ giờ phút đó, một số thương binh, trong đó có hai ông Đại Đội Trưởng Đại Đội 2/11 và 4/11 coi như bị mất tích.

Rạng sáng ngày 31 tháng Năm, tôi rơi vào vị trí trú quân cấp đại đội của địch. Địch còn ngủ. Tôi ngửi được mùi khói do bùi nhùi chống muỗi của địch bốc lên từ các hầm hố cá nhân. Vì trời đã sáng, thế chẳng đặng đừng, chúng tôi bắt buộc phải xung phong. Lựu đạn nổ ầm ầm. Tất cả các hầm hố địch đều bung lên. Chỉ có vài tên địch sống sót, bỏ súng, chạy thoát thân.

Chúng tôi nhanh chóng thiết lập công sự phòng thủ, vì các đơn vị địch quanh vùng đang bắn báo động và bắt đầu chuyển dịch chặn đường tiến của chúng tôi.

“Xè!... Xè!... Oành!”

Những viên cối địch đã bắt đầu rơi trên tuyến dàn quân của tiểu đoàn.

Khi tôi đang đi quanh vòng đai để đốc thúc anh em đào hầm hố thì một mảnh 82ly cắm phập vào vai trái, xô tôi về phía trước. Tôi thấy tay chân rũ liệt, mắt hoa, đầu óc tối xầm. Toàn thân tôi chợt nặng như chì. Tôi gục xuống như con chim bị ná. Y tá Đào lăn xả tới bên. Anh nhanh tay cởi cái áo “Sô” của tôi ra. Anh cắt bỏ phần trên chiếc áo trận tôi đang mặc để dễ bề băng bó vết thương cho tôi. Hạ sĩ Nguyễn Phượng Hoàng và Hạ sĩ Phạm Công Cường đặt tôi ngồi trong một hố cá nhân.

Pháo địch tăng nhịp tới tấp. Mỗi lúc đạn bay “xè! xè!” tới gần, hai người đàn em này lại nằm đè lên miệng hố, dùng thân mình che chắn đạn, bảo vệ cấp chỉ huy của họ. Cái tình thày trò, huynh đệ chi binh ấy thật là cao quý, biết lấy gì so sánh nổi?

Sau đó chừng nửa giờ, địch phát động đợt xung phong mở đầu cho một ngày kịch chiến. Hướng Đại Đội 4/11 và bộ chỉ huy tiểu đoàn bị đánh rất dữ dội. Mỗi khi địch tạm ngưng tấn công thì pháo cối của địch lại tái hoạt động. Cứ thế tình trạng tái diễn liên tục từ sáng cho tới xế chiều. Cũng may, hôm ấy trời quang mây tạnh, không quân Mỹ đã yểm trợ tiếp cận rất chính xác và hiệu quả, chặn đứng mọi đợt biển người của Cộng quân.

Tôi bị lên cơn sốt cao. Chú Đào chích cho tôi 1 triệu đơn vị Pénicillin để phòng ngừa uốn ván. Sau đó chú Đào dùng băng cá nhân cột chặt tay trái tôi vào với thân mình, để cho tôi bớt cảm giác đau đớn. Chú Cường nấu vội cho tôi một ly cà phê.

Tôi để cái bản đồ trước mặt. Vừa uống cà phê, tôi vừa ngắm nhìn cái ảnh của Loan. Lúc này, trong trí óc tôi hiện ra hình ảnh hai người đàn bà, mẹ tôi và Loan. Tay tôi cầm bút, và lòng tôi chùng hẳn xuống:

“31/5 Tôi bị thương nặng rồi, thế là hết hy vọng em ơi! Loan ơi!”

Rồi những dòng chữ nhảy múa trước mắt tôi. Có lẽ vì đói bụng và vì mất quá nhiều máu, tôi ngất đi. Tôi ngất đi, rồi tỉnh lại, vài ba lần. Tới khi gunships yểm trợ cận phòng, y tá Đào mới dám bò sang để chích thêm một mũi Vitamin C cho tôi. Vết thương bắt đầu hành. Tôi run lập cập vì lên cơn sốt.

Tới năm giờ chiều, Đại úy Tiểu Đoàn Trưởng gọi tôi lên máy. Anh nói rằng sẽ cho y tá xuống khiêng tôi, và đại đội tôi sẽ mở đường máu rút trước, để bộ chỉ huy tiểu đoàn theo sau. Tôi từ chối đề nghị này. Tôi nói với anh Đàm rằng tôi tình nguyện đánh cản cho các đại đội bạn và bộ chỉ huy thoát chạy. Còn đơn vị tôi, tôi sẽ có kế sách sau.

Khoảng mười phút sau, Đại úy Đàm và Đại úy Lạn bò sang vị trí Đại Đội 1/11. Hai người dơ tay chào tôi, mắt hai anh đỏ ngầu, lệ lăn trên má:

– Vĩnh biệt Long nhé!

Tôi ra lệnh cho đơn vị mình đồng loạt tác xạ yểm trợ cho các đại đội bạn tháo chạy. Khi quân bạn không còn trên vị trí, tôi mới chuẩn bị cho đại đội mở đường máu.

Sức tôi đã yếu lắm rồi. Tôi không thể tự di chuyển được. Trong tình trạng này, nếu thuộc cấp mang cáng tôi theo, tôi sẽ là gánh nặng cho họ. Hiện thời tôi còn một tay phải có thể sử dụng. Với ba khẩu M16 xếp trên miệng hố cùng gần hai chục băng đạn tôi có thể bắn cầm chừng trong mười phút để đồng đội rút đi.

Tôi ra lệnh cho chú Cường bò về phía trung đội súng nặng mời Thượng sĩ Thống, thường vụ đại đội lên gặp tôi ngay.

Đạn địch nổ như bắp rang, vậy mà người hạ sĩ quan già vẫn, bước xổng lưng, không chịu bò:

– Trung úy có bớt đau không? Hai cây đại liên hết đạn. Thằng Ngẫu (trưởng khẩu cối) cũng bị thương rồi. Hướng trung đội chỉ huy địch bắn rát quá, chắc tụi nó sắp xung phong. Tôi không bỏ tuyến lâu được đâu. Không có người chỉ huy, sợ vỡ tuyến mất. Trung úy có lệnh gì cho tôi vậy?

– Ông Đàm và ông Lạn chạy rồi. Bây giờ tôi ra lệnh cho ông hướng dẫn Trung Đội 2 và ban chỉ huy đại đội mở đường máu. Thượng sĩ Ngọ Trung Đội 1 và Thượng sĩ Lược Trung Đội 3 sẽ tiếp theo sau khẩu cối. Tôi bị thương nặng, không đi nổi. Tôi không muốn anh em chết lây vì tôi. Tôi sẽ ở lại, bắn yểm trợ cho ông và anh em rút đi. Làm ngay! Mau đi!

Thượng sĩ Thống chụp lấy cánh tay tôi, ông la lớn:

– Ủa! Trung úy điên hả? Trung úy ra lệnh cho tôi bỏ cấp chỉ huy mà chạy hả? Trung úy khinh tôi vừa thôi chứ! Trung úy nhớ lại đi! Ngày trung úy xuất viện trở về Đại Đội 1, tôi đang giữ chức thường vụ tiểu đoàn cho Đại úy Đàm. Tôi đã xin về làm thường vụ đại đội cho trung úy. Chỉ vì tôi quý mến trung úy. Mình đã sống cùng sống, chết cùng chết, bao lâu rồi! Vậy mà gặp lúc hiểm nghèo, trung úy ra lệnh cho tôi rút lui, để trung úy ở lại... Trung úy coi rẻ tôi! Trung úy nỡ lòng nào đối xử với tôi như thế? Đau khổ quá đi! Trung úy ơi!... hu...hu.. hu...

Ông thường vụ già khóc rống lên. Tôi cảm động, dơ tay bịt mồm ông ta lại:

– Rồi! Tôi hiểu rồi! Được rồi! Ông ở lại với tôi! Chúng mình bắn cản đường cho anh em chạy.

Thượng sĩ Thống nắm chặt tay tôi rồi la lớn:

– Tao với trung úy sẽ bắn cản cho tụi mày, đứa nào muốn chạy thì chạy về hướng triền đồi bên trái! Nhanh lên! Nhanh lên!

Tôi thấy từ tuyến phòng thủ bên trái, Thượng sĩ Ngọ và vài người nữa ôm súng đâm bổ xuống đồi. Một anh cố vấn Mỹ phóng theo những người này, miệng anh ta lảm nhảm như đang cơn mê sảng:

– My Lieutenant! My Lieutenant!

Hình như anh ta đã phát điên? Có lẽ người chỉ huy của anh ta đã chết hay thất lạc đâu rồi. Dưới chân đồi, hướng toán quân vừa rút chạy, từng tràng RPD nổ giòn. Tôi không rõ số phận anh lính Mỹ và Thượng sĩ Ngọ ra sao.

Mặc dù Thượng sĩ Thống đã hai, ba lần lớn tiếng ra lệnh cho đại đội rút chạy, nhưng tôi thấy không còn ai muốn rời vị trí nữa. Tôi kêu những quân nhân còn lại của Trung Đội 1 di chuyển sang lấp chỗ trống của những người chết nơi trung đội chỉ huy.

Súng lớn, súng nhỏ lại rền vang. Những quả lựu đạn chày tới tấp rơi trên vị trí của Đại Đội 1/11 cùng tiếng quân reo. Hình như bọn địch đang tiến lên thuộc sắc dân thiểu số Tày, Nùng, Thượng Du Bắc Việt:

“Xung phóng xưởng! Xung phóng xưởng! Giết! Giết! Giết!...” Nhiều tiếng thét đồng loạt, rợn người.

“Xung phóng xưởng! Xung phóng xưởng! Giết! Giết! Giết!...” Tiếng thét nghe thật lạ tai, thật man rợ.

Nhưng những quân nhân Biệt Động Quân còn trụ lại trên ngọn đồi này vẫn kiên trì, không nao núng.

Chú Hoàng và chú Cường núp sau cái thân cây nằm ngã ngang ngay trước miệng hố cá nhân của tôi. Hai tay súng dày dạn này cứ từ tốn, đốn từng tên địch xuất hiện trong tầm ngắm.

Năm sáu quả lựu đạn chày bay tới, chạm thân cây gỗ, tưng lên, rơi ngược trở lại. Chừng một phút sau là những ánh lửa chớp nhóa, cùng với tiếng “Oành! Oành!...” rào rào, mưa đất đá, khói đen bốc cao.

Tôi cảnh cáo hai đứa đàn em:

– Coi chừng tụi nó nhào tới đó nghe Hoàng, Cường!

Thình lình một cái nón cối nhô lên, đối diện ngay mặt tôi, bên kia thân súc gỗ. Thấy tôi ngồi dưới hố nhìn lên, có lẽ tên lính Bắc Việt giật mình, quay đầu tránh họng M16 đang chĩa ngay mặt nó.

Tôi bóp cò. Một thân người cao lớn bật lên. Tên Bắc quân ngã ngửa, vắt người trên thân cây gỗ, đầu chổng ngược xuống đất, cái nón cối treo tòn ten ngay cổ. Hố cá nhân của tôi nằm sau cây gỗ, nên mặt tôi bất ngờ đối diện với một cái mặt nát bét, máu me, với đôi mắt lòi tròng nhìn tôi trân trân. Máu từ cái đầu vỡ phun xuống cái nón cối, rồi từ đó đổ xuống ngực tôi. Máu nóng tưới ướt hết phần trên ngực áo tôi. Cái băng cột tay trái tôi với người tôi trở thành màu đỏ. Chú Hoàng vội nhoài người đẩy cái thây ma đó về hướng bên kia thân cây gỗ súc.

Hai đợt biển người của địch bị đẩy lui. Đợt thứ ba mở đầu với hàng loạt pháo 82ly tập trung. Cối địch nhiều không biết cơ man nào mà kể, từ tứ phương, tám hướng, nã đạn xuống đầu chúng tôi. Cối vừa dứt, tiếng xung phong đã ở sát chân đồi. Trên tuyến phòng thủ bên phải tôi, khói M26 và khói thủ pháo đen kịt, mù mịt. Nhiều bóng người chạy qua, chạy lại, lên, xuống.

Hướng bên trái, là nơi Trung Đội 1 của Thượng sĩ Ngọ đã bỏ trống, súng cũng nổ loạn xạ. Rồi xảy ra các cuộc vật lộn, tiếng “Huỳnh huỵch!... Huỳnh huỵch!” lẫn với tiếng la hét. Thì ra hai cánh quân của địch, từ hai hướng khác nhau, cùng xung phong lên một mục tiêu, đang đánh lầm nhau! Như vậy là, chúng đã tràn ngập vị trí đại đội tôi rồi!

Tôi để cái máy PRC25 trên đùi, vào tần số không lục. Có tiếng điều không tiền tuyến Hoa Kỳ từ L19 đang gọi các toán cố vấn của Tiểu Đoàn 11/BĐQ và Tiểu Đoàn 23/BĐQ. Không có tiếng trả lời.

Tôi đánh liều, kêu cứu bằng bạch văn:

– Mayday! Mayday!

– Who are you?

– A Ranger Commander!

– Any American is there?

Giờ phút này, tôi không thể cho người đi xác nhận xem có còn cố vấn Mỹ nào trên ngọn đồi này không. Tôi đáp liều:

– No one! We’ve been overrun! Bomb on the target! Please!

– Verify your name! Okay?

– Long! Lieutenant Long!

Một phút sau:

– Okay! Give me a target!

– Red smoke, Okay?

– Okay!

– Thank you!

Trái khói đỏ kẹp giữa hai đùi, tôi móc ngón tay trỏ vào khóa an toàn, rút chốt...

Tôi đặt quả khói hướng về phía địch đang tiến lên.

“Boóc!”

Khói phụt ra cuồn cuộn. Khói cuồn cuộn, đỏ tươi như máu...

Tôi chợt thấy lòng mình nhẹ tênh, nhẹ tênh, như buổi nào một mình dạo chơi thư thái bên bờ Biển Hồ nắng hanh, hiu hiu gió. Mắt tôi mờ đi:

– Mẹ ơi! Mẹ ơi! Con là đứa con bất hiếu! Mẹ ơi!

Gió đưa khói bay lên, tới ngọn cây, chênh chếch về hướng tây...

– Em Loan ơi! Thôi nhé! Từ nay, chúng mình sẽ chẳng còn nhìn thấy nhau nữa! Cầu trời phù hộ cho em hạnh phúc một đời! Vĩnh biệt! Em ơi!...

Trái rocket từ L19 đã đánh trúng tàn cây trên đầu tôi. Khói trắng phủ một góc ngọn đồi. Có tiếng Phantom F4C trên cao. Rồi một ánh chớp chói lòa ào tới, mắt tôi bỗng tối om. Tôi lơ mơ như lạc trong cõi đầy sương mù. Tôi thấy Loan mặc áo dài trắng, tay ôm tập vở, từ sân trường bước ra, tiến về phía xe tôi đang chờ. Tôi thấy miệng người mình yêu dấu đang cười. Nụ cười của nàng thật là đôn hậu...

Tôi không biết rằng mình đã hôn mê trong bao lâu. Tôi tỉnh dậy, cựa mình, khi nghe tiếng chú Hoàng sụt sịt:

– Ông thày ơi! Ông thày bỏ tụi em sao? Ông thày ơi!...hu... hu... hu...

Thấy tôi nhúc nhích, chú Hoàng la bài hãi như bé con thấy mẹ về chợ:

– Ông thày còn sống! Thái Sơn còn sống! Anh em ơi!

Chú Cường đỡ tôi ngồi lên miệng hố. Tôi mở mắt ra. Trời đã tối. Dưới ánh sáng mờ mờ, vài khuôn mặt đang chăm chú quan sát tôi. Tôi không nhìn rõ mặt từng người, nhưng tôi cảm thấy rằng, những đôi mắt nhìn tôi đang ướt lệ. Hỏa châu lập lòe soi trên chiến địa hoang tàn. Ngọn đồi giờ này trông thực ghê rợn, thê lương. Trên đồi, quân ta và quân địch chết xen kẽ nhau, không phân biệt được đâu là xác bạn, đâu là xác địch.

Những tử thi đè lên nhau, có xác còn găm vào lưỡi lê gắn trên đầu súng AK hoặc M16. Một vài xác Biệt Động Quân cụt đầu, không rõ vì bị chém bằng dao đi rừng hay bằng mã tấu? Nhiều đợt sáp lá cà đã diễn ra, ngay sau khi Đại úy Đàm và ba đại đội bạn rút chạy. Cây gỗ chặn ngang trước hố cá nhân của tôi đã bị bom đánh văng đi đâu mất tiêu. Chú Hoàng và chú Cường bị sức bom đẩy lăn xuống cái hố bom cũ sau lưng tôi. Chú Cường trở thành người điếc, không nghe được nữa. Vạt rừng hướng Tây trước mặt tôi bị bom cày nát bươm. Thì ra, lúc khói trắng của trái rocket bốc lên, gió đổi chiều đông tây. Bom đã đánh nhích về hướng chân đồi vài chục mét. Nhiều đợt bom đã ồ ạt dội trên đội hình của Cộng quân. Trận mưa bom này khiến quân địch tán loạn.

Có những tiếng rên nho nhỏ của người bị thương nằm rải rác đâu đây. Tôi cho lệnh chú Hoàng và Thượng sĩ Thống đi tìm những quân nhân còn sống, hoặc bị thương. Tôi không có thời giờ kiểm kê xem có bao nhiêu quân nhân Biệt Động Quân đã chết. Mười phút sau chúng tôi tập họp được hai mươi sáu người của Đại Đội 1/11. Bên bộ chỉ huy tiểu đoàn còn vài ba quân nhân, trong đó có Trung úy Hồ Bé, sĩ quan Ban 3, anh này bị sốt rét, đang lên cơn, nằm mê man dưới hố cá nhân. Anh Bé không biết rằng bộ chỉ huy tiểu đoàn và ba Đại Đội 2, 3, 4/11 đã mở đường máu rút đi rồi. Trên sườn đồi hướng đông, chúng tôi tìm được ba cố vấn Mỹ sống sót, hai bị thương nặng. Các đại đội khác còn khoảng trên dưới mười người, đa phần bị thương vì thủ pháo và súng bắn tay.

Những Biệt Động Quân thoát chết, mặt mũi người nào cũng nám đen vì khói bụi. Tôi cho lệnh số người còn lại này bố trí thành một vòng cung nơi triền Tây Bắc của ngọn đồi. Ban Quân Y của tiểu đoàn còn hai nhân viên. Họ bị thương không nặng lắm, nên có thể tiếp tay với y tá của Đại Độí 1/11 băng bó tạm thời cho thương binh.

Sau trận chiến, không còn cái máy truyền tin nào nguyên vẹn có thể sử dụng được. Thượng sĩ Thống và Binh nhì Mãng lãnh nhiệm vụ đi thu lượm những máy PRC còn vương vãi trên chiến trường. Sau đó chúng tôi săn nhặt các bộ phận còn sử dụng được của các máy truyền tin, lắp ráp được ba cái, đủ để liên lạc khi di chuyển. Tôi liên lạc được với Trung tá Trịnh Văn Bé, Liên Đoàn Phó Liên Đoàn 2 Biệt Động Quân. Trung tá Bé nằm trên Căn Cứ Hỏa Lực số 6. Căn Cứ 6 nằm trên cao độ 1001 mét nên liên lạc truyền tin với chúng tôi rất dễ dàng. Trung tá Bé cho tôi tần số của một tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn 42 Bộ Binh nằm cách chúng tôi chừng năm cây số.

Thì giờ cấp bách lắm rồi! Nếu không di chuyển khỏi nơi này gấp, địch sẽ quay lại, và cái chết coi như cầm chắc trong tay. Lúc kiểm kê số người bị thương hiện diện, tôi phát hiện ra hai cán binh Bắc Việt bị thương nặng, nằm lẫn trong đám thương binh Việt Nam Cộng Hòa. Tôi không nỡ ra tay giết hai thương binh Cộng sản, nhưng chúng tôi không thể khiêng cáng họ theo được. Tôi cho lệnh băng bó, chích thuốc Penicillin cho họ, rồi để họ nằm lại trên chiến trường, không rõ ngày mai họ sẽ ra sao.

Lúc tôi ra lệnh di chuyển thì xảy ra chuyện rắc rối. Anh Trung sĩ Cố Vấn Terry Walker bò tới mượn tôi cái máy truyền tin để anh ta liên lạc với cấp chỉ huy của anh. Sau khi liên lạc được với Trung tá John Daniels, cố vấn trưởng, Trung sĩ Walker đề nghị tôi đóng quân tại chỗ, chờ ngày hôm sau sẽ có trực thăng tải thương, vì Trung sĩ Attaya bị đạn vỡ xương hông, và viên sĩ quan pháo binh Hoa Kỳ (tôi không biết tên) cũng bị mảnh B40 ghim đầy mình, không thể đi theo chúng tôi được. Tôi trả lời anh ta rằng, mọi người phải đi khỏi nơi này, càng nhanh càng tốt. Vì nếu chúng ta nấn ná không đi, địch sẽ quay lại, rất nguy hiểm.

Sau khi trao đổi với cấp chỉ huy của anh ta vài lời, Trung sĩ Walker rút súng Colt ra, chĩa nòng ngay ngực tôi, cảnh cáo:

– Nếu ông di chuyển, buộc lòng tôi phải giết ông!

Tôi cười:

– Anh không phải là người mới tới làm việc với chúng tôi. Anh đã biết tôi là người thế nào rồi. Tôi sẽ cho người luân phiên dìu những người bị thương nặng, kể cả hai người Mỹ.

Rồi tôi đổi giọng, dõng dạc:

– Hiện giờ tôi là cấp chỉ huy ở đây! Tôi ra lệnh cho tất cả di chuyển! Ai không tuân lệnh, tôi sẽ bỏ lại trận địa. Hãy cất súng đi và thi hành lệnh! Nếu không, anh sẽ không còn dịp để hối hận!

Nghe tôi trả lời dứt khoát như vậy, anh Trung sĩ Mỹ ngẩn mặt ra. Anh ta cũng đã nhìn thấy, dù trong ánh hỏa châu lập loè, có năm sáu họng súng M16 đang chĩa vào đầu anh ta. Anh thất vọng cúi đầu:

– Tôi xin lỗi ông!

Tôi cắt hai người phụ với Walker dìu hai viên cố vấn Mỹ bị thương. Rồi người lành dìu người què, chúng tôi lên đường. Tôi nằm trên võng, tấm bản đồ trên ngực, cái địa bàn trên tay. Tôi điều chỉnh hướng đi. Thượng sĩ Nguyễn Hữu Thống và Hạ sĩ Voòng A Mãng mở đường. Bốn người (Hạ sĩ Cường, Hạ sĩ Hoàng, Hạ sĩ Xét và Binh nhì Vở) luân phiên khiêng võng cho tôi. Đoàn thương binh tiến rất chậm, nhưng đội hình tác chiến vẫn sẵn sàng. Trên đường, chúng tôi phải nổ súng hai lần để vượt qua hai trạm báo động của địch quân. Gần sáng, chúng tôi gặp địch vài lần nữa, nhưng vừa tao ngộ, chúng đã tháo chạy vào rừng. Hình như những toán Việt cộng đi lẻ trong khu vực cũng đang thất lạc đơn vị?

Sáng Mồng Một tháng Sáu, đoàn quân của tôi bắt tay được một cánh quân của Trung Đoàn 42 Bộ Binh, do Đại úy Nguyễn Thanh Danh (K19 VB) chỉ huy. Một giờ sau, đoàn tàu tải thương Hoa Kỳ được điều động tới để di tản thương binh đi. Chiếc tàu thứ nhứt do Trung tá Daniels chỉ huy dành riêng cho tôi và hai thương binh Hoa Kỳ.

Khi chúng tôi bốc lên cao khỏi ngọn cây thì phòng không Việt cộng bắt đầu tấn công bãi đáp. Việc tản thương bị gián đoạn khá lâu.

Chiếc trực thăng vừa đáp trên phi đạo Phượng Hoàng, Trung tá Daniels liền nhảy xuống trước; ông nhoài người vào lòng tàu để kéo tôi ra ngoài. Ông bế tôi trên tay rồi lúp xúp chạy về hướng khu nhà vòm của trạm y tế nơi đầu phi đạo. Được nửa đường, ông Daniels chuyền tôi sang tay một sĩ quan Mỹ vừa từ khu nhà tôn chạy ra tiếp sức. Người này cao lớn hơn ông Daniels, nhưng không nặng nề như ông Daniels. Ông ta bế tôi gọn lỏn. Nằm áp mặt sát cái bảng tên, tôi đọc được tên người đang bế mình là “Clark”. Trên ve áo của ông thêu con ó màu đen. Trên ngực ông thêu ba bông mai trắng với đế vàng. Ông đại tá cố vấn đặt tôi lên bàn để nhân viên y tế Mỹ cấp cứu, rồi quay ra ngay.

Sau khi băng bó lại vết thương cho tôi xong, y tá đặt tôi lên cáng rồi khiêng tôi ra sân trực thăng chờ Chinook.

Lúc này, có lẽ đoàn trực thăng tản thương đã bốc được thêm người, và đang quay trở lại. Năm, sáu chiếc HU1D nối đuôi, đáp hàng dài theo phi đạo. Cánh quạt máy bay cuốn bụi lốc, cuồn cuộn, mịt mù.

Cùng lúc đó, vang vọng lại những tiếng “Ùm! ùm! ùm!...” từ thung lũng hướng Tây Nam: Địch bắt đầu một trận pháo kích bằng hỏa tiễn 122ly và 107ly!

“Xèo! Xèo! Xèo!..., Oành! Oành! Oành!...” Ước lượng có khoảng gần hai chục trái hỏa tiễn địch đang xé gió bay tới.

Thương binh nhảy vội ra khỏi tàu, nằm rạp xuống đất. Vài chiếc trực thăng cố gắng bốc nhanh lên cao tránh đạn. Tôi thấy trong màn khói, Đại tá Clark đang xốc nách Hạ sĩ Ngẫu, xạ thủ cối 60ly của tôi, dìu anh đi về hướng trạm xá. Một trái rocket nổ sát bên, ông đại tá ngã xuống, anh hạ sĩ ngã xuống theo: họ trúng thương rồi!

Hai người nằm đè lên nhau. Máu của họ hòa vào nhau, tràn trên mặt cỏ, thấm vào lòng đất. Có tiếng gọi nhau ơi ới từ khu nhà tôn. Rồi một toán bốn y tá chạy vội ra; họ xốc nách, dìu ông Đại tá Mỹ và anh Hạ sĩ Việt Nam về trạm cấp cứu. Khi đi ngang chỗ tôi, thấy tôi dơ tay chào, ông đại tá mỉm cười đáp lại. Lúc ấy máu từ đầu ông đang tràn qua mặt, xuống cằm, rồi rơi trên ngực, nhuộm đỏ cả ba bông mai trắng với cái đế kim tuyến màu vàng.

Nhiều năm qua đi, nhưng trong trí óc tôi vẫn chưa quên được khúc phim bi hùng đã xảy ra trên phi đạo Phượng Hoàng ngày hôm ấy. Xế trưa, Chinook đưa tôi và bốn chục thương binh khác về tới Quân Y Viện Pleiku. Tới chiều, hậu cứ tiểu đoàn ở Biển Hồ cũng nhận được tin cánh quân của Đại úy Đàm đã tới được vị trí quân bạn.

Cũng như lần bị thương trước, tôi từ chối nằm trong phòng dành cho sĩ quan của Quân Y Viện Pleiku. Tôi muốn được nằm nơi phòng chính, cùng với những thương binh hạ sĩ quan và binh sĩ. Phòng chính thì đông vui hơn phòng sĩ quan nhiều. Tôi để hai cái ảnh của Loan dựa vào cái gối trên đầu giường bịnh của mình.

Hai ngày sau, một toán ba người đại diện Sư Đoàn 4 Hoa Kỳ vào thăm Trại Ngoại Thương 2/Quân Y Viện Pleiku. Họ đi thẳng tới giường tôi. Ông Tướng một sao Hoa Kỳ, cao ngỏng, cao nghều, siết chặt tay tôi khen ngợi:

– Trung úy rất xuất sắc! Tôi thay mặt quân đội Mỹ và thân nhân của hai thương binh Mỹ xin gửi tới trung úy lời cám ơn đã cứu mạng hai thương binh Mỹ trong trận đánh vừa qua ở Đak–tô. Đại diện Đại Tướng... tôi xin trao tặng trung úy một huy chương Hoa Kỳ. Trung úy có thể ngồi dậy cho tôi choàng huy chương lên cổ trung úy được không?

Thấy hai tấm ảnh của Loan trên đầu giường, ông hỏi:

– Ai đấy? Có phải em gái trung úy đó không?

– Thưa Chuẩn tướng. Cô ấy là người tôi yêu. Cô ấy là động cơ giúp tôi vượt qua trận này. Ông hãy choàng huy chương cho cô ấy đi!

Ông Tướng cười lớn:

– Trung úy nói phải đó. Đôi khi những người thân ở hậu phương có ảnh hưởng rất quan trọng tới vận mệnh của chiến trường.

Sau khi một sĩ quan Mỹ tuyên đọc cái công lệnh ân thưởng huy chương cho tôi, ông Tướng Mỹ đặt cái hộp màu xanh đựng tấm huy chương đồng với chữ “V” xuống đầu giường, rồi nghiêm chỉnh choàng sợi dây đeo huy chương đó lên hình cô nữ sinh Đệ Tứ Trung Học Ban Mê Thuột. Ông cũng trao tặng tôi vài số báo Anh Ngữ có bài tường thuật chi tiết trận chiến đẫm máu vừa xảy ra ở Đak–tô. Xong việc, ông lui lại một bước, đứng nghiêm, giơ tay chào tôi. Tôi lễ phép giơ tay chào lại. Tôi cám ơn ông đã tới thăm tôi và nhờ ông chuyển lời cám ơn của tôi tới quân đội Hoa Kỳ vì họ đã tích cực yểm trợ chúng tôi qua trận đánh này.

Hôm sau nữa, phái đoàn ủy lạo của Quân Dân Chính Pleiku và Quân Khu II do Trung Tướng Lữ Lan, Tư Lệnh Quân đoàn II dẫn đầu, cũng tới thăm viếng thương binh. Ông Tướng Vùng đã có lần giáp mặt tôi khi ông đi thị sát chiến trường sau một trận đánh trong khu rừng già vùng hướng nam phi trường Cam Ly, vào mùa mưa năm 1968.

Ông Tướng choàng lên cổ tôi một sợi dây tòn ten tấm huy chương có gắn nhành dương liễu, rồi vỗ vai tôi, thân mật:

– Chú mi khá lắm!

– Vâng! Thưa Niên trưởng, tôi còn sống đây!

Ông Tướng là Võ Bị khóa đàn anh, còn tôi là Võ Bị khóa đàn em khá xa. Anh em chúng tôi trao đổi với nhau bằng ngôn từ Võ Bị. Người ngoài nhìn vào, khó thông cảm nổi.

Trong đoàn nữ sinh đi ủy lạo thương binh hôm ấy có vài ba cô học trò đã từng thăm Ngoại Thương 2 trong dịp Tết Mậu Thân. Vừa bước vào phòng, các cô đã nhận ra người quen:

– Tội nghiệp! Anh trung úy này lại bị thương nữa rồi!

Các cô bu quanh hai cái ảnh tôi để trên đầu giường, xầm xì với nhau:

– Em gái anh ấy trông dễ thương quá!

Tôi lại được một cô hát cho nghe:

Kiếp nào có yêu nhau, thì xin hẹn tới mai sau.
Hoa xanh khi chưa nở, tình xanh khi chưa lo sợ
...”

Sau đó, các cô em gái hậu phương ân cần trao cho tôi gói quà ủy lạo.

Thời gian này, bạn bè khóa 20 Võ Bị của tôi đều đã lên cấp đại úy, kể cả những bạn từ khi ra trường, chỉ ngồi trong các văn phòng ở Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II.

Riêng tôi (bị phạt vì vụ Phật Giáo Miền Trung 1966), sau bao lần vào sinh, ra tử, vẫn còn lận đận, mang cái lon trung úy nhiệm chức. Còn năm tháng nữa tôi mới hết hạn phạt treo lon trung úy thực thụ. Do đó, những tấm huy chương, những lời ngợi khen của thượng cấp, những bài ca của người hậu phương, là niềm an ủi lớn lao cho tôi, sau mỗi lần bị thương nặng phải nằm quân y viện.

Tôi đã từ chối ký tên vào Bản Y Bạ do Hội Đồng Y Khoa đề nghị ra Loại 2 không tác chiến. Tình huynh đệ chi binh đã giữ chân tôi ở lại với binh chủng Biệt Động Quân. Tình quân dân, hậu phương, tiền tuyến, của người Pleiku đã giữ chân tôi ở lại với Vùng II gió bụi mưa bùn.

Cuối năm 1969 tôi hết án phạt treo lon, được tính hồi tố cấp trung úy thực thụ kể từ ngày 1 tháng 11 năm 1967.

Giữa năm 1970 tôi được lên đại úy nhiệm chức. Dịp này, Trung tá Bùi Văn Sâm, Liên Đoàn Trưởng LĐ2/BĐQ, đã hứa với tôi trong bữa tiệc khao lon ở vũ trường Mimosa, Pleiku, do ông khoản đãi:

– Một ngày sau khi ông có nghị định lên đại úy thực thụ, tôi sẽ giao tiểu đoàn cho ông.

Đầu năm 1971, Trung tá Sâm đã giữ lời, cho tôi chỉ huy tiểu đoàn, không qua chức tiểu đoàn phó.

Năm 1981, trước khi trút hơi thở sau cùng trong trại tù “cải tạo” Z30C, ông đã nài nỉ cán bộ Công an Cộng sản chỉ huy trại giam cho phép ông được thấy mặt tôi lần cuối cùng. Tôi bị giam ở bên “Nhà Đỏ” cách khu “Nhà Trắng” của ông một cái sân rộng và bốn lớp rào kẽm gai. Cán bộ Việt cộng cương quyết từ chối, không cho tôi sang thăm ông. Ông đã ra đi vào một ngày cuối đông. Trung tá Bùi Văn Sâm là một trong vài cấp chỉ huy nặng nghĩa, nặng tình, mà tôi không thể quên.

Sau trận Đak–tô, những ngày còn nghỉ dưỡng thương, những ngày nghỉ hành quân, tôi lại tìm cách ghé Ban Mê Thuột thăm Loan. Tôi miệt mài vun đắp tấm tình yêu tôi dành cho nàng.

Tôi và anh Biện sau đó không còn ở chung đơn vị. Nhưng dù ở cách xa nhau, bạn tôi đã thấy tôi giữ lời: “Chờ thì chờ, có sao đâu...” nên bạn tôi hết lòng ra sức giúp đỡ cho mối tình của tôi và em gái anh sớm đơm bông.

Và từ đó, mỗi lần tôi về Hội An thăm mẹ, mẹ tôi không còn nhắc câu: “Ở trong đó, con thương đứa nào, nhớ báo cho mẹ biết.” Vì con bà đã báo cho bà biết nó thương ai rồi.

Mẹ tôi đã không quản công khó đường xa, thường xuyên, đi, về, thăm gia đình bác Võ. Mỗi khi gặp xóm giềng, mẹ tôi thường hãnh diện khoe:

“Con bé ấy con nhà giàu mà thật là đẹp người, đẹp nết. Một mình nó quán xuyến công việc trong nhà đâu vào đấy. Nó đã nhu mì hiền hậu, mà còn học giỏi nữa chứ! Thằng Long nhà tôi thật là có phúc...”

Gần hai năm sau, khi vừa thi xong kỳ thi đệ nhứt lục cá nguyệt lớp Đệ Nhị, mười bảy tuổi rưỡi, Loan lên xe hoa về làm dâu Võ Bị.

Sau trận Đak–Tô, lâu lâu tôi lại gửi đăng trên Nguyệt San Biệt Động Quân vài bài thơ viết từ chiến địa. Ngày nhận tờ giấy cho phép kết hôn từ Bộ Tổng Tham Mưu, tôi hí hửng thông báo cho ông Đại úy chủ bút Hàng Vĩnh Xuân biết tin này; anh Xuân bèn phong cho tôi chức “Thi Nhân” trong lời chúc mừng tôi cưới vợ in trên Nguyệt San Biệt Động Quân số 10 năm 1970.

Mối tình của chúng tôi đã trưởng thành, nở hoa, kết trái trong khói lửa chiến tranh. Chiến tranh càng leo thang, chiến tranh càng khốc liệt, chúng tôi càng cảm thấy yêu nhau hơn.

Mãi sau này, vợ tôi kể lại:

Nhận được thư anh, ba cứ cằn nhằn me mãi. Ba hỏi me rằng me có hứa hẹn gì với anh không mà anh dám gửi thư cho ba, cho em? Ngày đó em đã biết yêu là gì đâu? Đọc thư anh xong, em đã để lá thư trên bàn, mấy đứa em của em cũng len lén thay nhau đọc. Em còn đem lá thư đó hỏi ý kiến con Chên, bạn em, để tìm phương cách đối phó. Bởi thế, thư trả lời anh, em tô đậm câu, ‘em mong được làm em của anh thôi. Em chưa nghĩ tới việc lấy chồng.’

Sau đó, mẹ anh từ Hội An vào thăm nhà. Mẹ anh nói vì anh sớm mồ côi cha, mẹ mong có cháu nối dõi. Mẹ anh cứ đi đi, về về, năn nỉ ba me. Me em thì thấy anh hiền lành, lại thương anh côi cút, ý me cũng muốn nhận anh làm con rể.

Thời gian này, em cũng chợt nhận ra, có điều gì là lạ đang thay đổi trong em. Em nghe quen tiếng anh nói, giọng anh cười, ánh mắt anh nhìn. Em thầm trách anh đã làm đời em xáo trộn. Em chỉ mong sống lại thời còn bé tí, vô tư. Em đã viết đầy trên bìa vở, những câu, ‘ước gì ta nhỏ lại năm bảy tuổi...tuổi ấu thơ là tuổi thần tiên... tại ai mà mình cứ thương cứ nhớ, không học hành gì được cả...’ Nhưng những lúc vắng anh, em lại thấy buồn, thấy nhớ. Những ngày anh đi hành quân, em thấy lo. Từ khi biết yêu anh rồi, em tự nhủ thầm rằng, suốt đời em sẽ yêu mình anh thôi.

Ngày mẹ anh được ba em nhận lời cho em sẽ làm dâu của mẹ, em và mấy đứa bạn lên chùa Dược Sư xin xăm. Được quẻ xăm, em dấu biến. Quẻ xăm thật là dễ sợ! Em không dám cho ai coi, kể cả anh. Mãi tới khi anh được tha về sau 13 năm tù cải tạo, tai ương qua rồi, em mới để anh xem Phật đã dạy gì trên lá xăm đó.

Trong suốt bao nhiêu năm, nuôi con, chờ chồng, em đã làm theo lời khuyên trên quẻ, ‘Nhẫn tâm theo dõi con đường trượng phu.’

Và Trời Phật đã thương tình, ngó lại, phù hộ cho gia đình mình được xum họp, vẹn toàn, vạn sự bình an
.”

Ba đứa con gái đầu của chúng tôi đều sinh ra vào những ngày tôi lặn lội nơi chiến trường. Tội nghiệp nhứt là thằng con trai út, chào đời ba tháng sau ngày Sài Gòn thất thủ. Tới năm nó tròn mười hai tuổi, tôi mới bằng lòng cho thằng bé lên trại tù Z30D thăm bố lần đầu; năm sau tôi được thả ra khỏi trại.

Chúng tôi đã cống hiến trọn vẹn tuổi trẻ của mình cho đất nước quê hương. Nay quê hương đất nước không còn, phải sống cuộc đời lưu vong, người lính Biệt Động Quân và cô nữ sinh Ban Mê Thuột năm nào đã thành ông bà, nội, ngoại.

Không biết thời gian còn được bao lâu nữa? Cho tôi có thể trả nợ cho người tôi yêu, như tôi đã hứa trong bức thư tỏ tình bốn mươi năm về trước?

Ừ, anh sẽ yêu Loan suốt một trăm năm. Loan ạ!
Sống thiếu bao nhiêu năm,
xuống dưới lòng đất,
sau cuộc đời này,
còn phải trả cho em đủ số,
và hơn thế nữa
.”

Vương Mộng Long
Seattle, tháng 5 năm 2009
(Nguồn: Vinh Danh QLVNCH và Bảo Vệ cờ Vàng)



Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by nghiêm nguyễn chuyển

 

Đăng ngày Thứ  Tư, May 1, 2024
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang