Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy
Bút
Chủ đề:
lính LLĐB
Tác giả:
Đinh Quân
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Dáng người nhỏ, da đen sạm, 25
tuổi, độc thân, sinh tại Hà Tây, Quảng Ngãi, 8 tuổi lính, từ Bộ
Binh qua Biệt Kích rồi Thám Kích Tiền Phong. Đó là những nét đầu
tiên tôi ghi nhận nơi Đinh Đó, người Toán phó Thám Kích/Lực Lượng
Đặc Biệt, bị bọn giặc cướp cộng sản Bắc Việt giam giữ suốt 45
ngày, nhưng đã can đảm và mưu trí thoát vùng tử địa và hướng dẫn
oanh kích sào huyệt lũ cộng phỉ Bắc Việt gây tổn thất nặng nề cho
bọn chúng.
Trong không khí yên lặng buổi ban mai đẹp trời, nơi chiếc ghế
băng ngoài sân Trung Tâm Hành Quân Delta, tôi được Đinh Đó kể lại
quãng thời gian 45 ngày chung sống với bọn giặc cướp xâm lược
cộng sản Bắc Việt trong thung lũng tử thần Ashau.
Cuộc đối thoại không mang tính cách
phỏng vấn, mà là một buổi trao đổi tâm tình cởi mở.
Nhảy vào vùng tử địa:
A–Shau nằm cách biên giới Việt–Lào
không đầy 10 cây số và cách thị trấn Huế trên 40 cây số về phía
Tây.
Với địa
thế núi rừng hiểm trở, mây mù bao phủ quanh năm, tiện đường
chuyển vận quân và vũ khí của bọn cộng phỉ từ phương bắc vào xâm
lăng ăn cướp Miền Nam Việt Nam. Qua nhiều năm, bọn cộng phỉ dùng
nơi đây làm sào huyệt xuất phát những trận đánh phá nhiều tỉnh
thuộc Vùng I Chiến Thuật. Nơi cộng phỉ cho là bất khả xâm phạm,
với địa thế lòng chảo, một tiền đồn và một phi trường bỏ hoang
còn ghi dấu lại.
Nhưng đối với các chiến sĩ LLĐB và BKQ
thì danh từ “Vùng tử địa” hay “Bất khả xâm phạm” cũng bị xoá bỏ.
Chính nơi thung lũng tử thần này, tháng 3/1968, các chiến sĩ Tiểu
Đoàn 91 Biệt Cách Dù đã phục kích phá tan đoàn xe của bọn cộng
phỉ gồm 8 chiếc chuyển vũ khí lương thực xâm nhập ăn cướp Miền
Nam. Đến nay trong khuôn khổ hành quân Delta vẫn còn nối tiếp,
các toán Delta và Thám Kích Tiền Phong luôn được tung vào hoạt
động trong vùng rừng núi tử thần này.
Trưa ngày 2/4/1969, 1 toán Thám Kích
Tiền Phong gồm: Toán trưởng Nguyễn Văn Son, Toán phó Đinh Đó và 2
Toán viên Lê Văn Bang cùng Đinh Đức, được trực thăng thả bằng
thang dây xuống hoạt động tại vùng thung lũng Ashau. 4 chiến sĩ
được trang bị súng AK, y phục ka–ki, đi dép râu, đầu trần giống
như bọn cộng quân.
Buổi trưa bầu trời quang đãng không có
những lớp mây mù giăng phủ như thường ngày, nhưng khí rừng vẫn
xông lên hơi lạnh ẩm ướt. Đứng dưới hố bom, Toán trưởng mở bản đồ
để xác nhận lại vị trí và ra lệnh cả toán gióng hướng Bắc 32 độ.
Núi rừng âm u, tàn cây che kín chỉ để lọt xuống những khoảng nắng
nhỏ, im lặng đến nỗi nghe rõ từng tiếng chim gõ mõ từ xa vọng lại
và cả tiếng chân mình khua động lá rừng cùng hơi thở đồng đội.
Ở đây núi đồi không cao lắm, chỉ dưới
ngàn thước, nhưng đường đi chênh vênh dốc và vướng mắc nhiều rễ
cây rất khó di chuyển. Mồ hôi đã thấm lưng áo, nhỏ giọt từ trán
xuống, 4 người dừng nghỉ. Rừng chiều xuống, những đám mây giăng
trên đầu và sương rừng bắt đầu rơi lạnh.
Son ra hiệu cho các bạn tiếp tục lên
đường để tìm một vị trí an toàn nghỉ đêm. Màn đêm chụp xuống thật
mau, xóa nhòa cảnh vật chung quanh. 4 người dò dẫm đi gần nhau,
vì chỉ một khúc quanh, một hốc núi, một gốc cây là lạc nhau. Son
đứng lại và cả toán dừng theo.
– Đêm nay nghỉ tạm trong hốc núi này!
Son ghé tai nói với Đinh Đó, anh gật
đầu đồng ý và cả toán dừng theo.
Đêm rừng âm u huyền bí lạ thường. Bốn
bề yên lặng nghe rõ tiếng côn trùng rên rỉ dưới cỏ, sương rơi
trên lá. Những con đom đóm rừng bay vật vờ ma quái. Tiếng vỗ cánh
của con chim say ngủ. Khí lạnh từ trong lòng đất và hang đá toát
ra khiến mọi người rùng mình vội kéo tấm áo lạnh khoác vào người.
Đêm đầu tiên dựa vào nhau mà ngủ cho ấm
và để dễ liên lạc. Một người ôm súng canh chừng cho 3 người ngủ.
Cứ thế thay phiên nhau tới khi những tia nắng đầu tiên lọt qua
khe đá dội xuống. Cả bọn tiếp tục lên đường. Cứ ngày đi đêm nghỉ
băng qua nhiều đồi núi.
Tới ngày thứ ba, cả toán đang đi bỗng
trời xám dần, rừng cây lay động mạnh. Những cơn gió ào ào xoáy
lốc giật lá cây trút xuống, những tia chớp loé lên kèm theo tiếng
nổ vang động núi rừng. Cơn mưa đổ như trút nước. 4 người nép mình
vào hốc đá vẫn không tránh khỏi ướt sũng. Trận mưa dai dẳng kéo
dài suốt đêm. Một đêm giấc ngủ chập chờn với những tiếng động ầm
ầm của đất trời và núi rừng.
Hai lần thoát chết trong gang tấc:
Sáng ngày 5/4/1969, trận mưa đêm dứt
hẳn, nhưng lá cây còn ướt sũng, thỉnh thoảng rùng mình trút nước
dưới những cơn gió ào ào. Một dòng suối róc rách chảy đâu đây, cả
toán tiếp tục lên đường. Đổ đồi thật vất vả, ướt và trơn tượt,
phải níu vào rễ cây mà đi xuống.
Đó dừng lại, chú ý đám cỏ thấp nghiêng
rạp hai bên. Anh giơ tay chỉ một nhánh cây non mới bị bẻ gẫy. Dấu
người vừa đi qua gần đây, anh nhìn khả nghi lùm cây phía trước,
đưa mắt ra hiệu đồng bạn thận trọng.
Bỗng 1 tràng AK từ trên đồi dội xuống,
Đó nhanh nhẹn lăn mình vào hốc cây, ria 1 băng đáp trả. Rồi từng
loạt đạn từ bốn phía thi nhau nổ giòn. Địch hình như phát giác
được quân số phía toán. Tiếng đạn rít lên từng hồi dữ dội, tiếng
hô xung phong bắt sống, phá tan bầu khí yên tĩnh ban mai của núi
rừng.
4 tay
súng vẫn can đảm chống trả quyết liệt, nhưng không thể cầm chân
bọn địch quá đông từ bốn phía tràn lên. Vài tên cộng phỉ Bắc Việt
trúng đạn, rú lên những tiếng đau đớn bi thảm trước khi ngã vật
ra chết.
Tíếng
súng dưới chân đồi thưa dần, chứng tỏ địch đã cận kề. Phải mở một
đường máu liều chết để thoát ra ngoài. Son ra hiệu dồn hỏa lực về
phía trước để cầm chân địch. 4 khẩu AK nổ giòn. Cả toán lăn nhanh
xuống đồi như những con sóc rừng. Từng loạt đạn vút theo. Hai
tiếng hét phía sau: Bang và Đức trúng đạn chúi xuống, một loạt
đạn bồi theo.
Toán trưởng Son và Toán phó Đinh Đó biết là 2 toán viên đã bị hạ,
nhưng không sao tiếp cứu nổi, vì những loạt đạn vẫn nối tiếp đuổi
theo với tiếng hò hét phía sau. Son và Đó thoát xuống chân đồi,
lẩn vào khu rừng kế cận. Tiếng súng xa dần...
Nắng lên cao, nhưng hai người vẫn không
dám dừng chân nghỉ, vì biết địch còn bám sát phía sau.
Gói cơm chiều hôm trước còn dở hai
người chia nhau vừa đi vừa ăn. Đó hỏi Son:
– Bây giờ tính sao?
– Chúng ta đã mất 2, còn 2 lạc hướng
không thể nào tiếp tục như kế hoạch đã định trước.
Máy truyền tin mất, phải tìm một vị trí
dựng “pano” báo hiệu phi cơ đến tiếp cứu.
Đó chỉ ngọn núi phía trước, hai người
trực chỉ. Phải lên tới đỉnh núi trước khi trời tối mới hy vọng.
Ngọn núi trông xa sườn thoai thoải,
nhưng tới gần dốc đứng, lên thật vất vả, vô ý một chút là trượt
chân té xuống vực. Gần 5 giờ 2 người mới lên tới đỉnh. Sương mù
xuống lạnh, giăng giăng trên đỉnh che khuất ánh nắng chiều. Cố
lắng nghe tiếng phi cơ từ xa vọng lại, nhưng im vắng bao phủ
triền miên núi rừng.
2 người tháo ba lô lấy thức ăn. Gói cơm
lạnh ngắt, mùi cá hộp tanh nồng nhưng cố nuốt. Thèm một ngụm cà
phê, một điếu thuốc biết chừng nào! Nhưng giữa cảnh núi rừng này,
tìm đâu ra.
Son giơ “bi đông” nước lên uống một ngụm, dòng nước chưa kịp trôi
xuống cổ họng thì anh bị 1 viên đạn bắn trúng đầu gục xuống.
Nhanh như cắt, Đó chụp lấy khẩu AK ria một loạt về phía tên cộng
phỉ vừa từ dưới bò lên. Tên địch trúng đạn chới với bật ngửa lăn
xuống phía dưới. Đó vội giựt khẩu AK trên đùi Son rồi biến mất.
Anh không kịp mang ba lô theo và biến vào sương chiều đang vây
phủ núi rừng. Có tiếng nói lao xao phía trên. Anh nép mình vào
hốc đá và thoáng nghĩ “đây là lần thứ hai mình phải bỏ đồng đội ở
lại. Thế là mất ba, chỉ còn một mình, chắc khó thoát. Nhưng dù
sao cũng phải cố gắng ra khỏi vùng này ngay trong đêm nay”.
Đó lần mò trong bóng đêm. Một hòn đá
lăn dưới chân, một con đom đóm đêm cũng đủ làm anh giật mình.
Thật là một đêm kinh hoàng nhất trong đời quân ngũ. Anh đã từng
xông pha nguy hiểm nhiều lần, nhưng chưa bao giờ anh phải chiến
đấu đơn độc như lần này, nói đúng hơn là anh phải tự bảo vệ cho
mình.
Khi
tiếng chim rừng hót vang anh mới biết trời đã sáng. Anh nhớ bao
đạn đã tuột mất và khẩu AK đã bắn hết viên đạn cuối cùng. Thật là
vô dụng mang theo thêm nặng, anh tìm một hốc đá vùi xuống và lấp
lá cây lên. Giờ thì nhẹ nhõm, nhưng mạng sống đành trao cho số
mệnh. Lúc này có thể gặp bất cứ ai bạn hay thù.
Người Toán phó Thám Kích cứ lầm lũi đi
theo bóng mặt trời lên. Người mệt lả, bụng đói vì hết lương thực,
mắt mờ đi, tay chân bủn rủn....
45 ngày sống với phỉ quân cộng sản:
Buổi trưa, Đó dừng lại đang lấy tay vục
nuớc uống từ một dòng suối chảy qua khe đá, bỗng có tiếng quát
lớn phía sau:
– Giơ tay lên!
Như một cái máy, anh quay lại từ từ
đứng lên giơ tay cao. Lúc này không còn thoát được nữa. 2 tên
cộng phỉ Bắc Việt mặc ka–ki vàng cầm súng AK từ sau hốc đá nhảy
vọt ra. Chúng lục soát người anh thấy không tìm được gì quan
trọng, liền bắt anh cởi bỏ quần áo, chỉ cho mặc chiếc quần cụt và
dùng dây trói tay quặt về phía sau.
Không đầy một phút sau, một toán chừng
20 tên kéo đến. Tất cả đều ăn mặc và trang bị giống như 2 tên
trước. Tên mang khẩu Colt Trung Cộng, chắc là cấp chỉ huy, lên
tiếng hỏi:
–
Bắt được có một tên hay sao?
– Vâng chỉ có một tên thưa đồng chí!
Tên kia đã bị bắn chết trên núi, chỉ còn tên này trốn thoát.
Nghe tên kia trả lời, Đó biết là chúng
đã cho 1 trung đội theo sát Son và anh trong mấy ngày nay. Tên
chỉ huy hỏi anh:
– Mày là lính Biệt Kích Mỹ?
– Không, tôi là Biệt Kích Việt Nam.
– Súng đạn đâu?
– Tôi đánh mất tất cả.
– Tên mày và chức vụ?
– Đinh Đó, Toán phó Thám Kích.
Hỏi mấy câu vắn tắt, rồi hắn hất hàm ra
lệnh:
– Thôi
giải hắn đi!
Toán người do tên chỉ huy hướng dẫn đi trước và Đinh Đó được 4
tên áp giải theo sau. Đoàn người theo đường mòn mà đi, hình như
chúng đã thông thuộc với những lối đi quanh co này. Trưa hôm đó
tới 1 căn nhà dùng làm trạm giao liên. Đây không có người ở, chỉ
dùng làm chỗ dừng chân nghỉ ngơi. Cả bọn ăn cơm và 1 tên mang đến
cho Đó 1 chén cơm với ít muối. Ăn xong chúng ngồi nói chuyện một
lúc rồi tiếp tục lên đường.
Khi trời vừa tối tới trạm giao liên thứ
hai. Trạm này có chừng 1 trung đội đang đóng giữ. Sau khi trao
đổi vài câu cùng trưởng trạm, chúng nghỉ đêm tại đây... Cứ như
thế, tiếp tục ngày đi đêm nghỉ và tiến về hướng đông.
Dọc đường, anh để ý cứ 2 trạm bỏ trống
tới 1 trạm có người, mỗi trạm cách nhau từ 2 tới 3 cây số. Anh
được biết trong câu chuyện chúng trao đổi, đơn vị này thuộc tiểu
đoàn 50 cs BV và chúng đang áp giải anh về bộ chỉ huy trung đoàn
của bọn chúng.
Qua ngày thứ ba, anh được lãnh mỗi ngày
nửa lon gạo và một gói muối nhỏ, trong khi chúng lãnh mỗi tên 1
lon gạo kèm 1 gói đồ ăn khô. Giờ chúng để anh thong thả hơn vì
đây là vùng hoạt động của chúng.
Ban ngày anh được cởi trói, tự nấu lấy
cơm dưới sự giám sát của 4 tên. Đêm đến chúng trói lại và nằm
cạnh để canh giữ....
5 ngày qua đã tới BCH trung đoàn của
chúng. Nơi đây không 1 hàng chữ, không 1 cổng ra vào vì 4 phía
đều trống trải. 5 dãy nhà mỗi dãy chừng 10 căn cách nhau từ 50
đến 100 mét. Nhà dựng sơ sài bằng cây, lợp lá rừng trông đã cũ.
Anh thấy những tên lính qua lại còn rất trẻ chừng 15, 16 tới 21,
22 tuổi là nhiều; đứa mặc quần áo, đứa cởi trần, tỏ ra rất thong
thả. Có vài người chống nạng hay bó tay chân. Anh thoáng thấy có
cả mấy tên nữ cán bộ, nhưng không biết họ làm nhiệm vụ gì ở đây.
Các cô mặc quần đen, áo nâu, chít khăn theo lối người miền Bắc.
Nhưng một đặc điểm là bọn này người nào cũng gầy gò da vàng bủng.
Anh đoán chừng đây là cơ sở hậu cần trung đoàn. Những người qua
lại đưa mắt tò mò nhìn anh rồi bỏ đi. Một tên bước tới hỏi:
– Mày là lính ở đâu?
– Lính Việt Nam Cộng Hòa.
– Đi lính có sướng không?
– Không đến nỗi khổ cực.
– Quần áo và ăn uống thế nào?
– Đầy đủ.
– Hút thuốc này?
Tên cán bộ vừa nói vừa giơ điếu thuốc
cuốn theo lối đồng bào Thượng thường dùng.
– Không! Tôi hút Salem.
– Ồ khá nhỉ!
Hắn thoáng lộ nụ cười với nét mặt nham
hiểm và ra lệnh:
– Đưa vào khu 1, không cho tiếp xúc với
bộ đội.
Chúng
dẫn anh vào phòng số 1 trong khu đầu tiên. Trong nhà không có
giường chiếu, không bàn ghế, chỉ có bóng tối tràn ngập... Anh bị
giam tại đây đúng 5 ngày. Chỉ được ra ngoài giờ ăn và lo vệ sinh
cá nhân, có người đi theo giám sát. Đó đã nghĩ đến cách trốn
thoát, nhưng vì bị kiểm soát chặt chẽ và anh cũng chưa định ra vị
trí nơi mình bị giam nên chưa thể quyết định được. Qua ngày thứ
6, chúng tiếp tục áp giải anh đi về hướng đông. Anh bỡ ngỡ không
hiểu chúng đưa mình đi đâu...
Vào cuối tháng, cả trung đội tới trạm
giao liên nằm duới chân ngọn đồi và xa xa phía bên kia là một con
sông chảy ngang qua. Trong khi dừng đợi, anh đã nhận ra vị trí
nơi đây. Cách một tháng trước anh đã bay qua vùng này, khi Toán
Thám Kích của anh ngồi trên trực thăng tìm vị trí đổ quân.
Đó là dòng sông chia đôi vùng ranh giới
giữa Quốc Gia và bọn việt cộng, thuộc quận Đức Dục, cách thị xã
An Hòa chưa đầy 20 cây số. Trong những cuộc hành quân trước đây
những toán Delta và Thám Kích đã quen thuộc địa thế vùng này.
Một tia hy vọng lóe trong đầu, anh phải
tìm cách trốn thoát. Cần chờ thời gian thuận tiện và lúc địch sơ
hở.
Đây là
trạm tiếp liên, chúng chờ tiếp tế hơn 10 ngày. Vào một buổi sáng,
chúng bắt anh đi vác gạo từ bờ sông về. Chắc gạo được chuyển từ
vùng Quốc Gia vào đây. Được tiếp tế rồi chúng vẫn đóng lại chờ
lệnh.
Thoát
vùng tử địa:
Trong những đêm nằm tại đây, Đinh Đó để ý thấy 4 tên áp giải càng
ngày càng tỏ ra không lưu tâm đến anh như trước. Nhiều lúc trông
coi anh qua loa và đêm đến lại nằm cách xa... 2 tuần trôi qua....
Vào 1 đêm tối trời, sau khi 1 tên trói
anh lại và tìm 1 góc tối nằm ngủ. Anh giả vờ nhắm mắt, rồi một
lát sau ngáy gỗ. Về khuya, 4 bề im lặng chỉ còn nghe tiếng côn
trùng và tiếng người thở đều đều. Anh mở rộng đôi mắt nhìn vào
màn đêm, những bóng đen bất động. Bọn chúng đã ngủ say như chết.
Đó khẽ cựa mình trút bỏ sợi dây buộc tay lỏng lẻo. Anh tìm 1 cục
đá ném về tên áp giải nằm gần, không có phản ứng gì. Anh từ từ bò
về phía trước rất nhẹ và nín thở. Thoát chốc anh đã lẩn vào bóng
đêm tiến về phía sông.
Con sông không rộng lắm nên chỉ một lúc
sau anh đã sang tới bờ bên kia. Thế là yên tâm, vì bên này vào
vùng kiểm soát của Quốc Gia. Xa xa có ánh lửa, anh lầm lũi về
phía đó. 1 ngôi nhà nhỏ có tiếng từ trong vọng ra. Có cả tiếng
Radio. Anh cố gắng lắng nghe những bài ca và giọng nói quen thuộc
Đài Quốc Gia. Anh vững tâm gõ cửa. Tiếng người bên trong hỏi vọng
ra:
– Ai ngoài
đó?
– Thưa
tôi.
– Tôi là
ai?
– Tôi đi
lạc đường.
Tiếng dép lẹp xẹp, một người đàn ông chừng ngoài 40 ra mở cửa:
– Mời vào trong.
Ông đưa mắt nhìn bỡ ngỡ vì thấy người
anh còn ướt và mặc độc nhất chiếc quần đùi. Anh vội lên tiếng:
– Thưa ông đây là đâu?
– Vùng Quốc Gia kiểm soát.
– Có quân đội...
– Không có lính bên kia, chỉ có Quân
Đội VNCH đóng thôi. Vậy anh là...?
– Thưa ông tôi là lính Cộng Hoà bị bắt,
trốn thoát và đi lạc. Tôi đói ông có gì cho ăn...
– Được anh ngồi đợi đó.
Rồi ông xuống bếp lấy cơm và đồ ăn mang
lên. Vì đói nên anh ăn rất ngon lành không cần khách sáo. Anh rất
cảm động về thái độ của ông đối với mình:
– Chắc anh bị lính bên mặt trận bắt và
tìm cách trốn?
– Dạ vâng.
– Thế giờ anh định về đâu?
– Tôi sẽ nhờ chính quyền địa phương
giúp trở về đơn vị.
– Ở Đức Dục, gần Khu Kỹ Nghệ Nông Sơn.
Thôi để trời sáng, tôi sẽ đưa anh lên trình diện Hội Đồng Xã,
quận Đức Dục gần đây.
– Cám ơn ông nhiều.
Sáng sớm, người đàn ông dẫn anh lên
trình diện Hội Đồng Xã. May mắn dọc đường anh gặp 1 chiếc xe nhà
binh, anh nhận ra ngay chiếc xe Toán Delta thường lên Quận. Xe
dừng lại đưa anh về căn cứ hành quân Đức Dục. Cấp chỉ huy và đồng
đội rất ngỡ ngàng khi thấy anh trở về. Họ tưởng anh mất tích hay
đã chết rồi. Đồng đội hân hoan bao quanh hỏi thăm sức khỏe và tin
tức. Anh cảm động biết bao khi gặp lại mọi người trong tình huynh
đệ nồng nàn đầm ấm.
Người chiến sĩ Thám Kích Tiền Phong ghi
công đầu:
Ngay
trưa hôm ấy, Đinh Đó ngồi trên trực thăng cùng Thiếu tá Chỉ Huy
Trưởng Trung Tâm Hành Quân Delta đi thám sát khu vực địch đóng
quân anh đã ghi nhận đêm trước. Căn cứ địch đóng phía bên kia
sông cách làng An Hòa chưa đầy 10 cây số, nằm dưới chân một ngọn
đồi. Anh đã nhận ra vị trí.
Chiếc HU1B bay lượn vòng phía trên rồi
lao xuống thấp dần. Dấu vết của lũ cộng phỉ được xác nhận. 1 loạt
AK phía dưới bắn vọt lên, 2 khẩu đại liên từ trên phi cơ liền đáp
trả lập tức với những tràng đạn giòn vang.
Vài tiếng sau chiều hôm ấy, 18/5/1969,
pháo binh ta đã nã vào vùng địch hàng trăm trái đạn đại pháo.
Tiếp theo là những phi vụ B52 oanh kích rung chuyển núi đồi...
Chắc chắn những phi vụ oanh kích và trọng pháo đã gây cho bọn
cộng phỉ những tổn thất nặng nề. Đó cũng là nhờ công lao của Toán
phó Đinh Đó.
–
Người chiến sĩ gan dạ Thám Kích Tiền Phong đã 2 lần lọt vào tay
bọn cộng phỉ (lần trước bị bắt giam 7 ngày trong cuộc hành quân
Delta năm 1967, anh cũng trốn thoát được).
– Một lần bị thương trong cuộc hành
quân Tết Mậu Thân 1968 tại Nha Trang.
– Chính tay anh trong đời binh nghiệp
đã hạ 30 tên việt cộng.
Nhưng anh đã san sẻ vinh dự cho đồng
đội và chỉ nhận một số huy chương thật khiêm tốn gồm: Một Ngôi
Sao Bạc – Một Chiến Thương Bội Tinh cùng một số tiền thưởng do
Thiếu tá Phan Văn Huấn CHT/TTHQ/Delta trao tặng trong dịp trốn
thoát vừa qua.
Tôi nhìn huy hiệu anh mang trước ngực:
Chiếc dù mở rộng phía trên đôi cánh chim đại bàng bạt gió, chiếc
sọ người dấu tử thần cùng lưỡi lửa biểu hiệu lòng nhiệt thành quả
cảm, 3 tia sét tượng trưng 3 lối xâm nhập: Không–Thủy–Bộ và hàng
chữ dưới cùng Thám Kích Tiền Phong.
Anh nở một nụ cười tươi trong dáng điệu
còn mỏi mệt vì đang thời gian nghỉ bồi dưỡng sức khỏe.
Tôi ghi nhớ câu anh nói khi chia tay
tạm biệt:
–
Nghỉ ngơi sau ít ngày phép, tôi sẽ trở về cùng đồng đội tiếp tục
cuộc sống như cũ.
Nghĩa là anh lại đi toán vô rừng, tiếp
tục gian khổ và có thể lại bị bắt, thất lạc, mất tích hay ra đi
vĩnh viễn... nhưng anh chấp nhận tất cả, vì cuộc sống của những
chiến sĩ Delta hay Thám Kích Tiền Phong LLĐB luôn là thế. Huy
hiệu anh và các bạn mang trên ngực áo đã nói lên lòng quả cảm và
sự hy sinh của tuổi trẻ dâng hiến cho Quê Hương Tổ Quốc./.
Đinh Quân
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by cathy chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy, May 18,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang