Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện
Ngắn
Chủ đề:
qh30t4đ
Tác giả:
Hà Kỳ Lam
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Núi
Vẫn Xanh là tên một tập truyện của nhà văn Hà
Kỳ Lam, trong đó tác giả thuật lại chuyện một sĩ quan Mũ
Xanh, chỉ huy một toán thám sát bị địch quân bao vây. Sau
khi chống cự kịch liệt, bị quân địch tràn ngập với quân số
gấp trăm lần quân mình, nghĩ không thể thoát được, ông gọi
máy bay dội bom ngay trên đầu mình... Hai bên đều tan nát.
May mắn bất ngờ, ông và một đệ tử sống sót. Sau nhiều ngày
đêm vượt núi rừng về gần tới trại thì được dân chúng cho
biết tin tan hàng, cờ địch đã treo trước trại. Ông sững sờ
nghĩ đến sự hy sinh vô ích của mình cùng các bạn đồng ngũ.
Người chiến sĩ Mũ Xanh quay nhìn lại núi rừng, nơi còn
nguyên thân xác các bạn đồng đội. Ông không đang tâm trở lại
thị thành một mình. Tất cả đều đã thay đổi, nhưng lòng ông
không thể đổi thay. Ông lặng lẽ trở lại núi rừng, nơi đất
nước đồng đội Ông còn nằm lại. Chỉ ở nơi đó, Ông thấy không
có gì thay đổi, Núi Vẫn Xanh như thuở nào.
Bài thơ
dưới đây cảm tác sau khi đọc xong đoạn kết tuyệt vời câu
chuyện kể trên. Bài thơ để tặng những chiến sĩ vô danh đã
nằm xuống cho xanh núi rừng, và riêng tặng tác giả tập
truyện, nhà văn Hà Kỳ Lam.
Núi Vẫn Xanh
Đất nước ta: đất nước hữu tình,
Lịch sử bao phen đã chuyển mình,
Lòng người thay đổi theo hồn nước
Núi vẫn muôn đời núi
vẫn xanh.
Nước vẫn chảy xuôi, nước một dòng,
Lòng
người chung thuỷ một con sông.
Nào ai yêu nước ai bán
nước,
Ai đẩy đưa ai đến khốn cùng?!
Núi vẫn xanh... và
gã chiến binh
Giờ tàn cuộc chiến đứng chênh vênh,
Bạn
bè quân ngũ ai còn mất?
Ta kẻ lạc loài, núi vẫn xanh.
Ta biết về đâu? Hỡi Lạc Hồn!
Hỡi dòng máu nóng giống Tiên
Long!
Từ đây ta hóa vào sông núi,
Núi vẫn xanh hoài,
suối vẫn trong...
–Nguyễn Tường Vân
Cả 4 tay súng của toán thám sát Biệt Cách Nhảy Dù vẫn bố
trí lưng chừng đồi theo hình cánh cung để bảo vệ người toán
trưởng và hiệu thính viên đằng sau lưng họ trên đỉnh đồi từ
nãy giờ đang hướng mặt về phía đối diện để quan sát đám
người lố nhố dưới kia, trong thung lũng trải dài hai bên
con suối ngoằn ngoèo như con rắn bạc lấp lánh dưới ánh nắng
ban trưa chói chan của một ngày đẹp trời tháng tư. Hết quan
sát những người xê dịch dưới thung lũng lại cúi nhìn đồng
hồ, người trưởng toán có vẻ nôn nóng:
– Ít nhất là 1
tiểu đoàn. Có thể là K25B công binh như tin tình báo cho
hay. Mẹ kiếp, máy bay lên chậm thế này để chúng di chuyển
hết thì hoài công.
– Không sao đâu, ông thầy. Bọn này
có vẻ còn ở đây lâu đấy, vì nhiều tên còn đang tắm, thậm chí
giặt giũ nữa kia.
Bỗng hiệu thính viên Thịnh đưa ống
liên hợp cho Thiếu úy Tuấn:
– Thằng L19 đang lên vùng
và cần gặp ông thầy.
Tuấn bóp chặt ống liên hợp, đưa
lên miệng:
– Họa Mi đây Thạch Ðộ, trả lời.
Giọng miền Nam của viên phi công vang lên trong ống nghe:
– Thạch Ðộ đây Họa Mi, bạn điều chỉnh hướng bay khi bắt
đầu thấy tôi để xác định vị trí bạn, trả lời.
– Họa
Mi đây Thạch Ðộ. Tình thế khẩn cấp lắm, tôi sẽ nháy mắt để
anh có thể thấy tôi nhanh hơn, trả lời.
– Tôi nhận
bạn 5 trên 5, và trực máy.
Tuấn đưa tay vẫy Tâm, một
toán viên dưới lưng chừng đồi đang ngoái đầu nhìn lên anh.
Khi người lính vừa bò đến gần, Tuấn khẽ ra lệnh:
–
Mày ra chỗ lúc nãy chờ, khi thấy thằng L19 thì chiếu kiếng
cho nó thấy mình.
Lần hành quân nào cũng vậy, Tuấn
chỉ giao công tác chỉ điểm này cho Tâm. Không hẳn vì anh
chàng làm công việc này giỏi hơn các toán viên khác – Tuấn
có bao giờ sát hạch môn này cho cả toán đâu mà chấm điểm
được – nhưng tình cờ một lần giao công việc này cho anh lính
và thấy được việc nên Tuấn chẳng muốn “thay đổi nhân sự”.
Gài khẩu M16 vào khoen leo núi móc gần vai bên phải, Tâm
bò về phía mõm đồi cỏ tranh cách xa bên trái của Tuấn khoảng
100 thước. Lúc mọi người vừa thoáng thấy chiếc máy bay quan
sát màu trắng ở nẻo xa thì Tâm cũng vừa quỳ tại bãi cỏ
tranh ngập nắng, rút từ túi áo trên cái kiếng hình chữ nhật
chỉ hơi lớn hơn chiếc hộp quẹt Zippo và nâng lên ngang mắt,
nhìn từ phía sau kiếng qua lỗ nhắm ở trung tâm kiếng để
hướng cái chấm đỏ của tia mặt trời nằm thẳng hàng với phi cơ
đang bay. Ðoạn anh ta khẽ lắc nhẹ để tạo sự nhấp nháy. Bỗng
một tràng tiếng nổ giòn vang lên, cùng lúc Tâm bật ngửa ra
sau rồi nằm bất động. Cả toán biết điều không lành đã đến
với người đồng đội, ghìm súng ở tư thế đối đầu với mọi
hướng. Thịnh nằm cạnh Tuấn khẽ nói:
– Ð.M. tụi nó ở
đầy cả rừng rồi!
Tuấn chưa kịp đáp lời người lính
mang máy truyền tin thì những trái đạn sơn pháo 75ly, đạn
cối 82ly, và những loạt AK47 thi nhau đổ về phía toán đang
bố trí trên đồi. Cành cây, đất đá bắn tung tóe vào thầy trò
Tuấn. Không cần lệnh của người toán trưởng, mỗi toán viên
nằm thủ tại chỗ. Họ biết trong tình thế loại này tháo chạy
hoặc co cụm lại với nhau chỉ tổ lãnh thêm thiệt hại. Tuấn
nhìn qua các toán viên và thấy tất cả còn “nguyên”. Thịnh
trao ống liên hợp cho Tuấn:
– L19 gọi.
Tuấn
chụp máy:
– Họa Mi đây Thạch Ðộ.
– Ðây Họa Mi,
tôi vẫn chưa thấy bạn nhưng thấy nhiều cột khói và nhiều lằn
chớp dưới đó.
– Ðang bị ném đá. Tôi đang ở hướng 3
giờ của anh.
Sau hai lần “bẻ góc” nữa, chiếc máy bay
quan sát từ xa gióng chính hướng ngọn đồi lướt tới. Tuấn cho
viên phi công biết đang bay đúng hướng và sẽ báo cho anh ta
biết khi nào máy bay vừa ngang qua đỉnh đồi. Súng địch vẫn
nổ giòn, mưa đạn vẫn tới tấp đổ về ngọn đồi, khiến công việc
điều không của anh càng khó khăn. Nằm dài trên mặt đồi để
tránh tầm đạn đi, bên chiếc máy truyền tin, tay cầm ống nói
áp sát một bên tai, mắt vẫn ngước lên dõi theo chiếc L19
trên không đang tiến gần vị trí mình, rồi ngay lúc nó vừa ở
trên đầu, Tuấn bóp ống liên hợp, nói như reo:
– Họa
Mi, anh đang ở ngay trên đầu tôi, trả lời!
– Thạch độ
đây Họa Mi. Nhận bạn rõ 5. Rất tốt.
– Họa Mi đây
Thạch Ðộ. Cứ trực máy, tôi sẽ có việc cho anh.
Tuấn
vừa trao ống liên hợp cho Thịnh tiếp tục liên lạc với máy
bay để bò gần về phía bìa rừng quan sát trảng cỏ tranh, thì
thình lình tiếng súng im bặt. Mấy giây sau cả rừng vang
tiếng thét “xung phong”. Rồi trước mặt Tuấn, từ hướng mõm
đồi cỏ tranh nơi Tâm quỳ chỉ điểm cho phi cơ vừa rồi, và từ
hướng trước mặt toán lố nhố người cứ ùn ùn tiến tới. Hóa ra
đợt bắn phá vừa rồi là trò đánh phủ đầu để bộ binh tiến sát.
Bóng dáng những bộ quân phục ka–ki màu lá cây, nón tai bèo
cứ xông lên bất kể những tràng đạn M16 đốn ngã từng đợt
người. Khoảng 1 trung đội địch tiến hàng ngang đã lên tới
đỉnh đồi, cách bọn anh không đến 10 thước, với tiểu liên AK
kẹp nách bắn xối xả. Một tên địch gần Tuấn hơn ria một tràng
đạn về phía anh, nhưng, như một phép lạ, anh vô sự. Thịnh
nhanh tay siết cò súng hạ hắn đo đất. Nhiều tràng M16 đáp lễ
ngăn được chốc lát sự “tiếp cận” kia. Lúc này 2 chiếc A37
cũng vừa xuất hiện và bay cao hơn chiếc L19. Trung sĩ Hiến
báo cáo 2 sự kiện dồn dập:
Châu bị nguyên 1 tràng đạn
AK vào ngực, chết ngay trên đồi, và địch bây giờ tràn lên
đông hơn. Tuấn ra lệnh cả toán rút xuống triền dốc về phía
thung lũng. Anh biết thung lũng đang có 1 đơn vị lớn của
địch. Anh chỉ muốn bỏ ngọn đồi, men theo triền dốc, rồi xin
phi pháo đánh ngay trên đồi để toán tiện bôn tẩu. Nhưng di
chuyển một đoạn ngắn thì nhiều tràng AK từ dưới chân đồi
khạc đạn xối xả về phía bọn anh. Không xong. Tứ bề thọ địch.
Chỉ vỏn vẹn 4 tay súng mà tử thủ với biển người hay liều
mạng phá vòng vây trùng trùng của địch thì phỏng ích lợi gì?
Tuấn bấm ống liên hợp:
– Họa Mi đây Thạch độ.
– Họa Mi nghe. Bạn cho biết cần gì?
– Anh cho đánh
ngay trên đầu chúng tôi.
– Không được! Bạn xác nhận
lại, đánh ở đâu?
– Tôi, thẩm quyền Thạch Ðộ nhắc lại
đánh ngay trên đầu chúng tôi và bất cứ chỗ nào có người.
Ðịch tràn ngập rồi, không chần chờ gì nữa. Ðánh ngay đi.
Dứt!
Tuấn trả máy cho Thịnh trước vẻ mặt hốt hoảng
của anh này. Không có thì giờ và cũng không cần giải thích
về quyết định của mình với người lính truyền tin của toán,
Tuấn nép sau một thân cây to để tránh các tràng tiểu liên AK
từ dưới chân đồi vẫn không ngừng quạt lên. Trên đỉnh đồi bây
giờ đã lố nhố người của đối phương. 4 người thám sát Biệt
Cách Dù chỉ còn biết tử thủ: Hiến và Sắc chĩa súng về hướng
đỉnh đồi, còn Tuấn và Thịnh quay súng xuống chân đồi. Cả 4
tay súng chiến đấu trong một ô vuông mỗi cạnh khoảng 10
thước. Họ bắn dè xẻn từng ba phát một nhưng rất hiệu quả,
và nhờ vậy đã làm chậm bước tiến của địch. Trong khi đó
chiếc L19 vẫn chưa chịu thi hành điều Tuấn yêu cầu, cứ bay
lòng vòng bên trên. Anh “thông cảm” cho người phi công,
nhưng không khỏi tức giận vì cảnh dầu sôi lửa bỏng của mình.
Anh ta phải xin lệnh từ Trung Tâm Không Trợ về điều yêu cầu
“điên khùng” kia, và chắc đang chờ trả lời. Tuấn cũng lấy
làm lạ lần này không có biệt đội trưởng hay một sĩ quan của
Liên Ðoàn bay L19 hay trực thăng C&C như mọi lần. Thình lình
mọi người cùng nghe rõ âm thanh “chéo–éo–éo... đoành!” Một
cột khói trắng bốc cao và cuồn cuộn tỏa ra như một đám mây,
vươn lên khỏi tàn cây rừng ngay đỉnh đồi mà toán thám sát
vừa rời bỏ. Tuấn biết viên phi công quan sát vừa bắn một
trái khói chỉ điểm mục tiêu oanh kích. Ðiều yêu cầu của anh
đang được đáp ứng. Tuấn vẫn nép sau thân cây. Rồi anh bỗng
thấy hành động nấp sau thân cây rõ lẩm cẩm vì biết bom sẽ
rơi hướng nào. Nhưng đành phó mặc cho may rủi, anh cứ ngồi
bên gốc cây. Tuấn tưởng chừng như anh đang gồng mình lại,
các bắp thịt toàn thân như rắn lại, chờ đợi sấm sét giết
người từ trời cao...
Chiếc oanh tạc cơ thứ nhất đâm
bổ xuống ngay trên đầu Tuấn, rồi hẳn nhiên đã đạt tới một độ
thấp vừa đủ, con chim sắt ấy lại vút lên cao vài giây trước
khi 2 trái bom từ dưới cánh đâm thẳng xuống quả đồi của anh.
Tuấn không dám tiếp tục ngẩng nhìn lên trời. Anh nằm cúi mặt
xuống, thân chịu trên hai cùi chỏ để tránh áp ngực với mặt
đất. Anh thấy vài con kiến ung dung bò trên nền lá khô. Thốt
nhiên Tuấn cảm nhận được cái mong manh của thân xác mình lúc
này – khác gì những cái kiến kia! Chỉ có mỗi một khác biệt
là anh đau khổ chờ đón cái chết chóc, cái hủy diệt, còn
chúng thì không hay biết gì cả, vẫn thản nhiên, vẫn ung dung
cho đến khi nào cái chết xảy ra là xong, không còn cảm giác
nữa. Chúng hạnh phúc hơn anh trong lúc này. Từng khuôn mặt
thân yêu trong gia đình diễn hành nhanh qua trí anh: mẹ anh,
các em, và chị. Rồi anh nghĩ đến Trinh thật xa xăm và cũng
thật gần. Anh có còn trở lại cổng trường Trưng Vương nữa
không? Rồi bên tai anh nghe mơ hồ giọng 1 ca sĩ quen thuộc
với:
“em hỏi
anh, em hỏi anh bao giờ trở lại.
Xin trả lời mai mốt anh
về...”
Tuấn
lại nghĩ đến tập thể tuổi trẻ Sài Gòn: không có anh trong
đó! Và trong cái khoảnh khắc chờ đón 1 sự hủy diệt khủng
khiếp sắp giáng xuống mọi người, 1 khoảnh khắc rất ngắn
nhưng cũng rất thiên thu, giác quan anh đón nhận cả 1 trình
tự ngoại vật lướt qua chóng vánh: âm thanh động cơ phản lực
gầm thét qua đầu, tiếng bom xé gió, hàng loạt tia chớp lóe
lên, từng tràng tiếng nổ kinh hồn, và mặt đất rung chuyển.
Tuấn bị nhiều nguồn lực từ mọi hướng đẩy bật ngửa rồi xô
tới trước hoặc xoay vòng; anh có cảm giác ngực bị ai đấm 1
quả rõ mạnh, tức đến khó thở. Ðất, sỏi ùn lên hắt vào người
anh. Khói đen tỏa ra chung quanh, không khí khét lẹt mùi
thuốc nổ. Tuấn biết 1 trái bom đã đáp cách anh không xa, đào
1 hố rõ to và làm dạt một mớ cây nhỏ bên trái anh, tung tóe
đất lên quần áo anh. Riêng thân cây to vẫn đứng vững và hiển
nhiên đã hứng hết những mảnh bom, đất đá, và sức ép cho
anh. Anh sờ khắp người để thấy mình vô sự. Trái bom khác rơi
trên đỉnh đồi đã bật gốc 1 cây cổ thụ, tạo nên một âm thanh
phụ nghe đánh ầm và làm trống hẳn một khoảng rừng.
Tuấn bò qua những cành cây gãy đổ ngổn ngang, tìm Thịnh
nhưng không thấy hắn đâu cả. Trong mọi tình huống anh phải
có máy bên cạnh mình. Nhưng chiếc A37 lại đang đâm bổ xuống
đầu Tuấn một lần nữa. Anh vội ngồi nấp sau một thân cây. Có
lẽ đây là chiếc thứ hai, đang theo gót phi tuần trưởng của
nó vừa rồi. Dù sao thì anh sắp hứng chịu một “trận đòn thù”
nữa. Lại “ầm! ầm!” rồi mấy tiếng “ầm” phụ nổi lên. Tuấn lại
bị lộn nhào một lần nữa, và anh giật bắn người khi thấy một
cây cổ thụ vừa bật gốc ngã xóng xoài cách anh không đầy 1
thước. Giá mà nó phang ngay anh thì còn gì nữa! Ngọn đồi
bỗng “đổi mới”; cây ngã la liệt. Tuấn vẫn tìm Thịnh, tìm
Trung sĩ Hiến – người toán phó – và Sắc. Toán may ra thì còn
được 4 mạng, kể cả anh. Tâm và Châu đã ra đi rồi! Nhưng sao
thế này: im phăng phắc – địch đâu rồi, và ta đâu rồi? Bỗng
lá cây lay động sột soạt sau lưng. Tuấn quay phắt lại, khẩu
M18 dưới nách chỉ thẳng vào bóng người từ trong bụi rậm vừa
đứng lên.
– Sắc đây ông thầy.
Tuấn thở phào
một cách dễ chịu. Anh khẽ nói:
– Mày không sao chứ?
Anh lính khẽ lắc đầu thay lời đáp. Tuấn biết mình vừa
hỏi một câu không cần trả lời; nó chỉ có nghĩa của một câu
xác định, “à, may quá còn có mày.” Anh đang lo cho số phận
của các toán viên.
– Trung sĩ Hiến và Thịnh có sao
không?
Sắc vừa nói vừa đưa tay chỉ về hướng hơi chếch
đỉnh đồi:
– Ông Hiến bị thương nằm ở đằng kia. Ổng
hỏi thăm ông thầy, và bảo em đi tìm.
Tuấn muốn đến
gặp ngay Trung sĩ Hiến xem tình trạng thương tích của ông ta
ra sao, nhưng anh phải tìm Thịnh trước vì máy móc truyền tin
là linh hồn của toán. 2 chiếc phản lực bây giờ đang ở tít
trên mây; tiếng động cơ của chúng nghe rất xa và đứt đoạn.
Chiếc L19 vẫn quần trên đầu hai người. Có lẽ viên phi công
đang gọi Thạch Ðộ khàn cả tiếng, Tuấn nghĩ thế. Quái, Thịnh
biến đâu mất với chiếc máy truyền tin. Tuấn vẫn nhớ hắn chạy
theo sau anh và nấp gần đây trước khi bom rơi. Tuấn bỗng nảy
ra ý nghĩ bới tìm trong mớ cây cối đổ ngổn ngang ngay cạnh
hố bom. Và trong lúc hai thầy trò đang len lỏi bò vào từng
đống cây lá nằm bên trên hoặc bị vùi lấp dưới lớp đất mới
thì phía trảng cỏ tranh một tiếng nổ phát ra và một cột khói
trắng bốc cao. Anh biết viên phi công máy bay quan sát vừa
bắn 1 trái chỉ điểm cho phản lực đánh bom xuống nơi anh ta
vừa thấy địch ẩn núp đâu đó. Trong tiếng rít của 2 chiếc A37
trên đầu, tiếng rền và chấn động liên hồi của bom, Tuấn chợt
nghe giọng gọi đầy khích động của Sắc:
– Ông thầy ơi.
Tuấn nguớc nhìn theo ngón tay trỏ của người lính và thấy
cách họ vài thước khúc cần ăng–ten của chiếc máy PRC25 nhú
ra khỏi mớ đất vàng tươi mới tinh khôi dưới mấy cành cây phủ
lên. Anh lặng người mấy giây, cảm thấy đôi chân như không
đứng vững nổi. Giọng nói Tuấn nghe yếu ớt qua hơi thở:
– Moi đất ra.
Hai người hì hục lôi các cành cây
bỏ sang một bên, dùng tay bới mớ đất bột lên. Chiếc máy
truyền tin bị thủng, móp méo, vỡ nhiều chỗ, từ từ lộ ra, rồi
màu áo rằn ri bày ra, dính đất và máu. Tuấn và Sắc cùng nâng
người Thịnh đang nằm sấp lên. Xông pha trận mạc đã nhiều, đã
trông thấy bao nhiêu xác chết của cả đôi bên, nhưng anh phải
nhận chưa bao giờ thấy một xác người như thế này, nói chi
xác ấy là đồng đội, là thuộc cấp của mình. Cả người Thịnh từ
bụng lên vai bị mất tùng mảng thịt lớn, và xương vai một
bên bị gãy. Nhưng cái chân, ôi cái chân trái, anh không biết
phải nói thế nào... đứt đến trên đầu gối, chỉ còn dính tòn
teng với toàn thân bằng một mảnh da rộng bằng một bàn tay,
và thịt chỗ hai đầu bị cắt lìa trở nên xám đen giống như vừa
bị nướng trên lửa!
Sắc mở thử máy truyền tin. Chỉ là
một cục kim khí im thin thít vô dụng. Chợt nhớ tới Trung sĩ
Hiến, hai người thận trọng di chuyển, và Sắc dẫn đường ngược
lên đồi. Họ bước qua nhiều xác lính Bắc Việt nằm đủ vị thế –
nghiêng, ngửa, sấp, hay cong queo. Tuấn cúi xuống bên người
toán phó, xem xét vết thương ở bụng. Có vẻ một mảnh bom đã
cứa một đường dài và sâu trước bụng. Anh thử xốc người
thương binh lên nhưng anh ta nhăn nhó một cách đau đớn:
– Ối, ông thầy để tôi nằm đi.
– Trước khi bom nổ
anh đã rút xuống triền dốc với toán mà sao lại ở đây?
Trên gương mặt tái xanh vì mất nhiều máu của Hiến, Tuấn
thấy một sự cố gắng dùng sức mới bật ra thành tiếng:
– Tôi chạy lên để... kéo xác thằng Châu xuống... kẻo bom dần
nát mất nhưng...
Hiến ngưng nói, vẻ mệt nhọc, đưa
lưỡi liếm quanh vành môi tái nhợt và khô khốc. Sắc mở nắp
bi–đông, khẽ nâng đầu anh lên và kề miệng bình nước vào
môi. Tuấn nhắc:
– Cho uống ít thôi để giữ cho máu bớt
chảy.
Trong khi tháo cuộn băng cá nhân để băng cho
Trung sĩ Hiến, Tuấn vẫn thận trọng quan sát chung quanh. Anh
thấy nhiều xác chết đối phương rải rác khắp nơi. Xác Châu
nằm cách Trung sĩ Hiến khoảng 5 thước, mắt còn nhìn lên
trừng trừng. Anh rón rén bò đến bên người toán viên vẫn hay
di chuyển hàng đầu trong các cuộc xâm nhập của toán, đoạn từ
từ vuốt cho đôi mắt nhắm lại. Rừng im phăng phắc. Có lẽ
chúng chỉ di tản những kẻ bị thương. Những người nằm kia đều
“câm nín”. Sau khi đảo lại mấy vòng để bắn rocket và đại
liên 12.7ly xuống một điểm mới dưới thung lũng do phi cơ
quan sát chỉ điểm, 2 chiếc phản lực đã rời vùng. Chiếc L19
vẫn còn lượn trên không phận hành quân. Tuấn vừa quay sang
bảo Sắc lấy chiếc pa–nô tìm cách trải để ra hiệu cho máy
bay biết mình có mặt tại chỗ thì bỗng rừng núi lại rền vang
từng tràng nổ. Tuấn nói:
– 12.7ly.
Chiếc L19
vụt cất cao lên và mất hút vào khoảng không. Tuấn đề nghị
khiêng Trung sĩ Hiến men theo triền dốc về hướng Bắc cho xa
vùng giao tranh được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Anh đoán
địch sẽ chiếm lại đồi này. Bỗng dưng Trung sĩ Hiến quàng một
tay ôm chặt chân Tuấn và thều thào nói:
– Ông thầy đi
đâu anh em cũng đi theo ông thầy. Bây giờ ông thầy bỏ anh
em...
Tuấn định thốt một lời an ủi, hay trấn an
nhưng bàn tay Trung sĩ Hiến đã buông rơi khỏi cổ chân anh,
đầu ngoẹo sang một bên, mắt nhắm nghiền như đi vào một giấc
ngủ. Anh lay mạnh vai Hiến:
– Anh Hiến! Anh Hiến!
Chỉ có tiếng gió ngàn xào xạc đáp lại. Rừng chiều hửng
nắng ở những đồi xa. Sắc bỗng vỗ vào cạnh sườn Tuấn và chỉ
về hướng trảng cỏ tranh. Lố nhố một đoàn quân dàn hàng
ngang đang tiến lên đồi của anh. Họ vận ka–ki xanh, nón tai
bèo, súng kẹp nách, vai đeo ba lô. Hai thầy trò vội lom khom
chạy về phía triền dốc, rồi di chuyển về hướng Bắc men theo
sườn đồi.
Ði được 1 giờ, vượt qua vài con suối, mấy
quả đồi thấp, Tuấn dừng lại xem bản đồ, đoạn bảo Sắc đổi
hướng, đi về đông theo phương giác 1800. 5 giờ chiều. Ðêm
rừng bao giờ cũng đến nhanh. Trong ánh sáng nhá nhem 2 thầy
trò kẻ trước người sau cứ tiếp tục luồn lách qua cây lá, bụi
rậm. Rồi sực nhớ phải có 1 độ quan sát tối thiểu mới có thể
chọn 1 vị trí ngủ đêm an toàn, Tuấn khẽ nói với người toán
viên đồng hành:
– Ta lên đỉnh đồi trước mặt tìm chỗ
nghỉ đêm.
Mới hơn 4:00g sáng Tuấn đã thức giấc. Bao
giờ người lính hành quân cũng thức giấc sớm, vì giấc ngủ đến
vào khoảng 7:00g chiều thay vì 1–2 giờ sáng ở những “đêm đô
thị”. Trời còn tối mịt. Anh nằm nghe ngóng một lát, đoạn đưa
tay sờ lưng võng của Sắc. Một giọng nói rất khẽ:
–
Ông thầy thức rồi hả?
Rồi ánh sáng nhờ nhờ đổi dần
sang trắng đục. Rồi mọi vật bỗng hiện rõ trước một ngày đang
lên. Có vài tiếng chim hót. Có vài tiếng hú đâu đó bên một
ngọn đồi khác, rồi không biết bao nhiêu tiếng hú cất lên
vang cả một vùng đồi núi, cơ hồ như tiếng hú này lây sang
tiếng hú khác, và cứ thế truyền đi khắp nơi. Tuấn đã quá
quen với các tấu khúc bình minh của rừng núi. Hai người cuốn
võng bỏ vào ba lô, dọn dẹp “sạch sẽ” chỗ đất dưới chân, lùa
mớ lá cây chung quanh phủ lên, không để lại một dấu vết nào
có thể tố cáo sự hiện diện của 2 thầy trò. Sắc mở 1 bịch gạo
sấy, rót nước từ bi–đông vào bao làm một bữa ăn sáng. Tuấn
chẳng thấy đói, tuy suốt ngày hôm qua anh chỉ ăn có một gói
cơm sấy vào buổi sáng.
Tâm trí anh quay về với những
gì đã xảy ra. Bị lộ, trận oanh kích, những xác đồng đội bị
bỏ lại, và bây giờ 2 nguời lạc lõng giữa rừng không máy móc
liên lạc để biệt đội biết tung tích. Anh có trách nhiệm gì
với những thuộc cấp vừa ra đi vĩnh viễn kia? “Ông thầy đi
đâu anh em cũng theo ông thầy. Bây giờ ông thầy bỏ anh
em...” Tuấn thấy miệng đắng khi nuốt nước bọt. Anh thèm một
điếu thuốc, và một ly cà phê. Anh nhìn Sắc đang ngồi ăn,
nhìn xuống khẩu M18 gác trên đùi mình, ngước nhìn bầu trời
xanh biếc ban mai. Sắc vụt hỏi:
– Bây giờ tính sao,
ông thầy?
– Không có máy móc, không biết ở nhà thế
nào, còn ở nhà cũng chẳng biết mình sống chết ra sao. Cứ
tiếp tục đi về hướng Ðông, được bao nhiêu hay bấy nhiêu,
càng gần nhà càng tốt. Có trực thăng thì trải pa–nô cho nó
thấy mình. Thế nào biệt đội cũng cho máy bay đi tìm.
– Cha con nó bị thiệt hại nặng. 2 chiếc A37 đánh hiệu quả
thật. Sườn đồi bên kia và trảng cỏ tranh lãnh trọn mấy trái
bom. Em thấy chung quanh chỗ ông Hiến nằm ít nhất cũng cả
chục xác nằm la liệt. Ông thầy có để ý không? Ðợt bom đầu
tiên chận đứng ngay cuộc tấn công. Em nghĩ có lẽ chúng kêu
phòng không đến tiếp cứu sau này, vì suốt trong khi oanh
kích đâu có khẩu 12.7ly nào hoạt động đâu.
Tuấn đồng
ý với phần lớn những lập luận của Sắc, nhưng anh chẳng thấy
hứng thú bàn luận về chiến trận vừa qua. Tỷ số tử vong của
chiến trường và tỷ số tử vong của lòng mình, cái nào làm nên
chiến thắng? Ðợi cho người lính ăn xong và đào đất lấp mọi
dấu vết, Tuấn đề nghị lên đường.
Sang đến ngày thứ ba
2 người vẫn tiếp tục băng rừng, ngày đi đêm nghỉ. Còn khoảng
20 cây số đường chim bay nữa mới về đến bộ chỉ huy của Liên
Ðoàn. Cả hai đều thấy ngao ngán. 20 cây số đường chim bay,
điều đó có nghĩa là 4–5 mươi cây số đường núi, mà tốc độ di
chuyển băng rừng – chứ không phải theo đường mòn – có nhanh
lắm cũng chỉ đạt tới 7 cây số một ngày.
Nhưng điều bất ổn
trong lòng họ không phải đường về diệu vợi, đầy đe dọa, bất
trắc, lương thực cạn. Cái bất ổn là không trung vắng lặng.
Từ cái buổi sáng đầu tiên sau khi bỏ ngọn đồi và đồng đội ở
lại, anh và Sắc không hề thấy thấp thoáng, dù xa, bóng dáng
một chiếc máy bay. Lạ thật. Không 1 chiếc trực thăng, không
1 chiếc L19, không 1 chiếc vận tải, không 1 chiếc oanh tạc
cơ phản lực, thậm chí không 1 chiếc máy bay dân sự, không có
gì ráo trên bầu trời quang đãng. Chưa bao giờ như thế, ít
ra từ ngày Tuấn vào lính; chưa bao giờ có một ngày không có
một hoạt động nào của Không Quân. Anh ngồi nghỉ mệt trên một
ngọn đồi, tựa lưng vào một thân cây, dựng súng bên cạnh. Sắc
ngồi xếp bằng trên mặt đất, cạnh Tuấn. Người lính cảm thấy
bồn chồn khi nhìn vẻ tư lự của người chỉ huy. Anh ta không
dám hỏi bất cứ điều gì lúc này. Tại sao bầu trời vắng lặng
thế này? Sao không nghe một tiếng đại bác, một tiếng bom nổ
xa xa? Và vân vân. Cuối cùng, không nén nổi những băn khoăn
trong lòng, Sắc lên tiếng:
– Em thật không hiểu nổi.
Chắc có chuyện gì đây, chứ không thể nào Liên Ðoàn đem con
bỏ chợ như thế này.
– Tao cũng chịu thua, không hiểu
nổi. Ðành rằng mình không có phương tiện liên lạc, không
biết tình hình ở nhà hay các đơn vị bạn ra sao, nhưng Liên
Ðoàn vẫn có thể cho trực thăng đi tìm. Ðằng này bặt vô âm
tín. Mà cái điều lạ lùng nhất là không có bóng dáng một
chiếc máy bay nào cả, chứ đừng nói trực thăng C&C của biệt
đội. Tao cũng nghĩ như mày: chắc có biến cố gì đây. Ðiều cần
nhất bây giờ là bằng mọi cách phải gắng về tới bộ chỉ huy
Liên Ðoàn. Mầy còn mấy gói gạo sấy?
– Dạ 3 gói, và
không tới nửa chai xì dầu.
– Tao còn 5 gói. Tao sẽ
đưa thêm cho mày 1 gói. Mỗi thằng như vậy có 4 gói. Tao ước
tính từ đây về tới Liên Ðoàn có thể mất 6–7 ngày nữa. Bây
giờ tao tạm ấn định kỷ luật dùng lương khô là mỗi thằng chỉ
được ăn nửa gói một ngày. Cố gắng chịu đựng như vậy thì mới
đủ sức mà lết về tới nhà. Tao nói 6–7 ngày là trong giả
thuyết di chuyển vô sự, không đụng địch.
Ðiều Tuấn
nói sau cùng nhắc lại sự bất an của hai người. Trong 3 ngày
qua thầy trò anh đã né tránh mấy đoàn quân dài dằng dặc.
Trong đời nhảy toán của mình Tuấn chưa bao giờ thấy địch
chuyển quân rầm rộ như thế. Một điều lạ lùng nữa là những
đoàn người cứ nườm nượp hướng về Ðông, cùng chiều với anh và
Sắc, chỉ khác là họ dùng đường mòn. Tuấn đứng dậy tháo ba lô
đặt xuống đất, lôi một gói gạo sấy đưa cho Sắc, đoạn cả hai
lên đường.
Tuấn nhìn đồng hồ tay: 3:00g chiều. Tuy
gần cuối ngày, cái nắng như nung như đốt của tiết trời miền
Nam đầu tháng Năm vẫn chưa dịu đi chút nào. Ðưa bi đông lên
miệng tu một ngụm nước xong, anh xoay xoay tấm bản đồ, nhìn
thật kỹ những vòng cao độ nâu lẫn xanh nhạt, rồi ngước nhìn
địa thế chung quanh. Cho chắc chắn, anh mở cái địa bàn, xoay
cho hướng bắc của bản đồ trùng với hướng mũi tên của địa
bàn, đoạn anh đối chiếu chi tiết bản đồ với địa thế một lần
nữa. Anh hân hoan nói với Sắc:
– Tới vùng Tân Uyên
rồi!
– Chắc không, ông thầy?
– Bảo đảm!
Hai thầy trò bỗng thấy khỏe khoắn trong người, mặc dù
mới trước đó mấy phút họ cảm thấy gần kiệt sức sau 6 ngày
băng rừng lội suối với những cơn đói triền miên làm bủn rủn
chân tay, hoa cả mắt. Nhìn lại đoạn đường dài gian nan, hiểm
nguy, Tuấn thấy thương hại Sắc. Hắn ta to con, ăn khỏe, nên
trong mấy ngày qua quả thật là một chuỗi ngày khốn khổ “tận
cùng bằng số” đối với hắn. Tuấn bảo:
– Bây giờ mày có
thể ăn nốt nửa bịch gạo sấy cuối cùng cho đỡ đói. Còn vài
cây số nữa là tới chi khu rồi, tha hồ mà gọi mì, phở, hủ
tiếu...
– Lạ thật, không thấy thèm nữa ông thầy ơi.
Thôi, mình đi lẹ tới chi khu đặng báo Liên Ðoàn đón.
2 người lội qua một con suối, tiếp tục đi về Ðông. Họ bước
đi vững vàng hơn những ngày còn lếch thếch giữa rừng. Sau
khoảng 1 tiếng đồng hồ di chuyển, nhìn xuyên qua một khoảng
rừng thưa, 2 người thoáng thấy mấy nóc nhà lợp tôn của chi
khu Tân Uyên ở tít đằng xa, bên kia sông. Cùng với bước tiến
của Tuấn và Sắc, mọi vật rõ dần. Rồi lá cờ phấp phới trên
trụ cờ tuy vẫn còn mờ mờ trong quãng xa nhưng đã đủ để thấy
không phải lá cờ vàng ba sọc đỏ quen thuộc. Hai người không
tin nổi mắt mình: làm thế nào mà lá cờ nửa đỏ nửa xanh với
ngôi sao ở giữa lại ngang nhiên tung bay nơi này. Thầy trò
nhìn nhau, nhưng mỗi người theo đuổi những suy nghĩ riêng.
Sắc bỗng vỗ vai Tuấn chỉ về phía con sông trước mặt, vẫn ở
nẻo xa và chen vào giữa khoảng cách từ chỗ họ đến chi khu:
vài chiếc ghe cũng treo loại cờ đó. Nhìn qua mấy mái nhà
tranh gần bờ sông cũng lại thấy những lá cờ đó. Sắc khẽ
nói:
– Chắc chúng chiếm vùng Tân Uyên rồi. Không khéo
Biên Hòa cũng di tản chiến thuật nốt.
Tuấn nói, để tự
trấn an hơn là làm yên lòng người thuộc cấp:
– Không
thể có chuyện đó được.
Chợt nhìn bên trái, qua một
khoảng rừng chồi lưa thưa, thấy có mấy người nông dân đang
cuốc đất trong một thửa ruộng, anh chợt nảy ra ý nghĩ đến
tiếp xúc họ để dò hỏi tình hình. Tiến sát mảnh ruộng, để
Sắc ngồi lại trong một bụi cây yểm trợ, Tuấn cầm khẩu M18
trong tay phải, bước đến bên 4 người đang làm việc đồng áng.
Họ ngừng tay, nhìn anh chằm chặp. Tuấn hỏi người lớn tuổi
nhất trong nhóm người, một ông già khoảng 50, xương xẩu
nhưng còn nhanh nhẹn:
– Thưa Bác, hình như chi khu đã
rút đi rồi, phải không ạ?
Gương mặt thoáng bối rối,
ông nhìn Tuấn từ đầu đến chân rồi nói rất khẽ:
– Chú
là Biệt kích 81 trong rừng mới ra hả?
– Dạ phải.
– Ông Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng từ 5–6 ngày nay
rồi, từ hôm 30 tháng Tư. Ai nấy đều buông súng trở về nhà
hết. Chính phủ Cách Mạng chẳng làm khó dễ gì cả. Anh em còn
bao nhiêu người?
Tuấn chẳng còn nghe rõ ông già hỏi
gì nữa. Anh cúi đầu rất lâu. Dòng ý thức của anh bỗng như
ngừng lại – không hẳn là nó đặc quánh lại, cũng không hẳn nó
trống rỗng, chỉ biết nó tuồng như không còn khả năng suy
nghĩ rõ ràng, mạch lạc nữa. Tuấn có cảm tưởng sau bao nhiêu
suy đoán, thắc mắc, giờ đây được thực tế trả lời, trí não
mình bỗng thấy “no” rồi, không đòi hỏi nữa, cũng không nhận
dữ kiện nào từ ngoại giới nữa! Sắc từ trong bụi vội bước ra.
Nhìn dáng điệu của người toán trưởng anh đã đoán tình hình
hẳn là rất xấu. Trong ánh mắt ái ngại, ông cụ lặp lại cho
người lính thứ hai nghe:
– Ông Dương Văn Minh ra lệnh
đầu hàng hôm 30 tháng Tư rồi. Các chú nên bỏ súng ống đi,
trở về gia đình thôi.
Ðến lượt Sắc đứng đờ người ra.
Lúc ngồi trong bụi anh đã đoán tình hình phải xấu, anh đã lờ
mờ phác họa một vài viễn cảnh tệ hại, nhưng “xấu” như ông
già này cho biết thì thật vượt quá xa dự tưởng của anh.
Ðột nhiên Tuấn ngước lên chào từ giã:
– Tụi cháu
cám ơn Bác. Thôi, tụi cháu về.
Tuấn bước đi trước, và
Sắc theo sau. Họ tiến về phía bờ sông. Hai người đứng nhìn
dòng sông êm ả, trong vắt một hồi lâu. Rồi Tuấn nhìn Sắc,
ngập ngừng vài giây, nói với một giọng hơi lạc đi, nhưng
không kém dứt khoát:
– Qua bên kia sông, có thể đi bộ
ra đến xa lộ, từ đó đón xe về Sài Gòn. Sắc, thôi thầy trò
mình chia tay. Kể từ giờ phút này tao không còn là trưởng
toán của mày nữa. Cứ tự do về với gia đình. Tao chỉ muốn nói
một điều. Trong những ngày mày theo toán, nếu tao có làm
những gì khiến mày buồn lòng, hoặc vì trách nhiệm, hoặc vì
sai lầm, tao mong mày bỏ qua cho. Cầu chúc mày thật nhiều
may mắn.
Sắc cố bậm môi để giữ cho miệng khỏi bị méo
xệch. Anh ta muốn nói cả nghìn lời nhưng không thốt được một
tiếng. Cúi gầm mặt xuống một lúc như cố đè cơn xúc động cứ
chực bật ra thành tiếng nấc, cuối cùng anh ta hỏi:
–
Còn ông thầy?
– Tao không thể bỏ toán còn nằm lại
trong đó.
– Nhưng họ chết hết rồi mà.
– Chính
vì vậy mà tao thấy mình không thể về nhà được. Lời nói sau
cùng của Trung sĩ Hiến rất đúng.
Tuấn ngập ngừng một
lát, định nói thêm điều gì nữa nhưng lại thôi. Anh sẽ mang
những đắng cay trong lòng mình vào rừng núi. Có lẽ anh chỉ
cần nói điều đó với toán của anh vẫn còn lại trong rừng:
người lính ở đâu cũng thế, chỉ là công cụ; thắng bại không
phải do họ định đoạt, và vinh quang của chiến thắng cũng
không thuộc về họ – có thuộc về họ chăng chỉ là những đau
khổ của chiến bại và của hy sinh!
Tuấn quay lưng đi
về hướng khi nãy hai thầy trò từ trong rừng ra. Trong một
thoáng cõi lòng Sắc như hứng chịu bão táp tơi bời từ mọi
hướng. Tìm về xa lộ sao ngập ngừng bước chân. Anh muốn rảo
bước theo sau người toán trưởng, nhưng hình ảnh những đường
phố Sài Gòn thân thuộc giờ đây không xa lắm như níu chân
anh, dù anh nghĩ nơi ấy chắc cũng đang phấp phới những lá cờ
này. Rồi hình ảnh mẹ anh hiện ra thật rõ và bao trùm cả
không gian. Sắc gọi:
– Ông thầy!
Tuấn quay
lại. Sắc đứng ở thế nghiêm, đưa bàn tay phải lên ngang mày
chào. Tuấn chào đáp lễ, đoạn quay gót tiến bước. Người lính
đứng nhìn theo cái dáng gầy, phong sương xa dần rồi khuất
sau ngàn lá. Anh ta lại nhìn những dãy núi xa xa ở chân
trời.
Núi ở chân trời bao giờ cũng
xanh lơ. Chắc toán của anh đang nằm trên một trong những dãy
núi đó. Chắc người trưởng toán lại trèo lên nơi ấy. Sắc
không sao ngăn nổi mấy giọt nước mắt từ từ lăn xuống, quyện
với mồ hôi làm lưỡi anh mặn chát.
Hà Kỳ Lam
thiên sứ micae – thánh bổn mạng sđnd qlvnch
|
hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
nguồn: internet eMail by cathy chuyển
Đăng ngày Thứ
Ba, April 8, 2025
tkd (thư ký dù). Khoá 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH