Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy
Bút
Chủ đề:
30T4Đ
Tác giả:
Mai Thanh Truyết
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Không
biết tự lúc nào sau ngày 30 tháng tư năm 1975, mỗi năm vào dịp
này lòng tôi lại thêm một lần chùng xuống sâu hơn. Trước khi về
hưu vào năm 2012, công việc hàng ngày vẫn chu toàn 8 giờ để trả
nợ áo cơm, một vài giờ cho dịch vụ tư vấn về môi trường của tôi,
cũng như thì giờ cho các buổi phỏng vấn hay ngồi suy tư và viết
bài hoặc đi đó đi đây... tôi đã cảm nhận được một nỗi niềm u uẩn
nào đó trong tôi. Nhưng bây giờ, mặc dù đã giã từ nợ áo cơm,
nhưng niềm u uẩn trên vẫn tiếp tục còn trong tôi ngày càng... dai
dẳng hơn thêm.
Tại sao lại có hiện tượng như vậy trong
tôi?
Có lẽ, vì
tuổi đời ngày càng cao, và niềm hy vọng về một ngày mùa xuân nở
hoa trên quê hương vẫn còn xa vời vợi... cho nên nỗi buồn của tôi
càng thêm ray rứt và dường như còn điểm thêm đôi nét tuyệt vọng
trong tâm tư... (?)
Cũng có lẽ, sức cùng lực tận, không còn
khả năng chiến đấu kiên cường trong hơn 30 năm qua nữa chăng?
Hoặc có lẽ, có lẽ tôi đã... bất khiển
dụng rồi chăng?
Bỏ qua những ngày tháng nghiệt ngã sau
30/4/1975 lúc còn ở lại Việt Nam trước khi vượt biên, phải thành
thật mà nói, lúc đó tôi không có thì giờ để “buồn” như hôm nay,
vì miếng cơm manh áo và mãi lo “tìm đường ra đi” (cứu thân) cho
một gánh nặng gia đình với 4 đứa con dại...
Bỏ qua những năm đầu tiên sống đời tị
nạn, tôi cũng chưa thực sự quan tâm gì mấy cũng như không có thì
giờ để buồn... như nỗi buồn hôm nay vì một đời sống tạm dung nơi
xứ người.
Nhưng chỉ trong vòng 30 năm trở lại đây, khi gia đình tương đối
ổn định và sau khi bắt đầu bước vào con đường tranh đấu cho Việt
Nam qua ngã môi trường, tôi mới thực sự cảm thấy buồn. Và mỗi năm
nỗi buồn đó càng se thắt hơn, ngậm ngùi hơn và sâu đậm hơn.
Buồn để mà buồn một mình!
Không thể nào nói tôi buồn không hiểu
vì sao tôi buồn được. Mà tôi hiểu và hiểu rất rõ nỗi buồn thực sự
của tôi vì hai lý do:
– Ðất Nước còn điêu linh, và
– Bà con mình vẫn còn chìm đắm trong
nỗi nhục nhằn làm công dân hạng hai cho một chế độ phản dân tộc
chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam.
Làm sao không buồn được khi một đất
nước xuất cảng hàng năm 6, 7 triệu tấn gạo, nhưng người dân trong
nước vẫn thiếu ăn, ngay cả chính nơi sản xuất gạo là Ðồng bằng
Sông Cửu Long vẫn phải mua gạo lậu... từ Cambodia!
Nhìn lại những ngày bắt đầu từ giữa
tháng tư năm 1975, có thể nói cả thành phố Sài Gòn đang lên cơn
sốt. Nào là chạy đôn chạy đáo thăm dò tình hình... mặc dù biết
rằng miền Nam đang trong cơn hấp hối, nhưng cũng mong tìm và hy
vọng một phép lạ. Nào là, đối với những người có chút tiền, lo
chạy đi đổi tiền, làm... áp phe, hay dò la tin tức tìm đường ra
đi.
Tin tức
đồn đãi nhiều khi trái ngược nhau, tin vui lẫn với tin buồn. Các
hãng thông tin ngoại lại đưa tin trái ngược nhau. Ðài BBC lại đưa
tin CS Bắc Việt tiến như “chẻ tre”, chiếm thành phố Nha Trang làm
cho dân chúng bỏ chạy trước khi người lính cộng đặt chân vào
thành phố ngày 1/3/1975.
Nhưng nỗi buồn của tôi thực sự buồn khi
rời trụ sở USAID ở đường Lê Văn Duyệt sau khi làm “thủ tục”... ra
đi. Cầm tấm thẻ vô tri có hình của một “ông giáo trẻ” đầy nhiệt
huyết, khi về lại Việt Nam năm 1973, nguyện sẽ làm một cái gì cho
thanh niên Việt. Tôi không thiết ăn cơm chiều hôm đó. Nếu tôi nhớ
không lầm, đó là ngày thứ tư 09/4/1975.
Tới thứ hai tuần sau đó vào khoảng tuần
lễ thứ hai của tháng tư, lên Ðại học Cao Ðài Tây Ninh, tôi lại
được mấy anh chàng “CIA” trẻ đóng trên đài phát tuyến ở đỉnh Núi
Bà cho tôi biết rằng ngày mai, họ sẽ rút về Mỹ và khuyên tôi nên
rời bỏ quê hương qua một giọng Bắc rất rành rọt. Suốt các buổi
lên lớp sau đó, tôi nói như người mất hồn, một tâm trạng mà chính
giờ phút viết lên dòng chữ này, tôi lại thêm một lần “phiêu diêu”
nữa.
Ði hay Ở?
Hai chữ này ám ảnh mãi nơi tôi trong
suốt thời gian còn lại cho đến ngày 30/4 năm đó. Nhớ lại, trong
những buổi hoàng hôn trước ngày 30/4/1975, tâm trạng một thanh
niên trẻ, mang bầu nhiệt huyết hầu mong đóng góp một chút gì cho
quê hương, đang bị giằng co bởi ý tưởng ÐI hay Ở. Sau cùng quyết
định ở lại đã chiến thắng, xóa đi nỗi khắc khoải của nội tâm vì
một suy nghĩ rất “lãng mạn” rằng: “Cho dù CS Bắc Việt có chiếm
miền Nam đi nữa, mình cũng có thể đối thoại được với họ, vì cùng
chung chủng tộc và cùng một ngôn ngữ”.
Nhưng tôi đã lầm, cũng như nhiều người
đã lầm, vì họ và tôi không nói cùng một tiếng nói mặc dù cùng
phát âm tiếng Việt. Trước bế tắc của cuộc sống và tương lai con
cái, phải đành liều chết vượt biên mà thôi. Không còn một giải
pháp nào khác.
Hình ảnh Ba tôi lẩn quẩn trong đầu.
Hình ảnh một ông giáo già đã về hưu, căm cụi viết thư cho con
mình đi du học mỗi buổi sáng thứ năm trong tuần, để rồi, sang
sáng thứ bảy đem thư ra Bưu diện gửi đi cho kịp chuyến máy bay
Air France bay về Pháp, để cho con mình nhận được thư đúng ngày
thứ hai. Việc này xảy ra đúng như in, không hề sai sót suốt hơn
hai năm trời sau khi tôi du học bên Pháp cho đến khi Ba tôi mất.
Ba tôi mất ngày Chủ nhựt và thứ hai sau đó tôi vẫn nhận được thư
ba viết trước khi nhận được điện tín của anh tôi.
Còn Má tôi. Một người mẹ già vừa gặp
lại sau 10 năm xa quê và sống chung với con chưa đầy hai năm...
Mà cũng chính trong thời gian này, tôi luôn bận bịu với những
“đam mê” cho cuộc sống, chuẩn bị cho con đường “công danh” của
mình... thì làm sao tôi có thì giờ chăm sóc hay hỏi han đến mẹ
già. Và mỗi khi nhìn lại mình, chính tôi cũng phải tự thú rằng
mình cũng không có thì giờ để nghĩ đến mẹ mình nữa trong thời
gian này. Tôi thật có lỗi với má tôi nhiều và nỗi ân hận vẫn còn
ray rứt mãi trong tôi. Và giờ đây, khi viết những dòng chữ này,
tôi chỉ còn biết mỗi đêm nhìn ảnh mẹ để sám hối.
Trở lại thời gian giữa tháng 4 năm xưa.
Tâm trí tôi luôn bị ray rứt với tâm trạng nửa Ở, nửa Ði. Và tôi
đã sai lầm khi quyết định Ở lại dù có đủ phương tiện để ra đi
trước khi “chúng nó” vào Sài Gòn.
Cái sai lầm này cũng giống như cái sai
lầm của người thầy giáo Tạ Ký khi đi học tập về cùng ngồi uống
rượu với Gs Tôn Thất Trung Nghĩa và tôi tại Chợ Ðuổi nằm tại góc
đường Lê Văn Duyệt và Trần Quý Cáp năm 1981 như sau:
“Hai mươi năm mới biết chuyện xưa lầm.
Thì tuổi trẻ đã biến thành uất hận!”
Chiều thứ hai 28/4, khi một tên phi
công (tôi không muốn nhắc tới tên này lên đây, vì làm sao tôi
quên được tên những kẻ phản bội quê hương) dội bom dinh Ðộc Lập,
và từ đó lịnh giới nghiêm 24/24 được ban hành. Tôi liền chạy lên
nhà một người bạn vong niên trên cư xá giáo chức đại học ở đường
Tự Ðức.
Qua
ngày thứ năm 1/5, lệnh trên radio yêu cầu (bắt buộc thì đúng hơn)
mọi công chức phải đến trình diện tại trụ sở làm việc của mình.
Sáng đó, tại cư xá có mặt Ông Khoa trưởng, Ông Phó Khoa trưởng và
một số giáo sư, tôi và một giảng nghiệm viên tình nguyện vào
Trường Sư phạm xem tình hình.
Mọi sự có vẻ êm xuôi vì “họ” chưa có
người vào tiếp quản, ngoài một số “cơ sở” địa phương thôi. Nhưng
một hình ảnh khác làm bẽ bàng và làm đảo lộn những suy nghĩ tốt
đẹp trong tôi khi nhìn thấy một số đồng nghiệp của mình mới chỉ
vừa cách đây một ngày, nay đã mang “băng đỏ cách mạng” từ cung
cách hướng dẫn chỗ để xe, cho tới thái độ trong lúc nói chuyện.
Ðáng phỉ nhổ nhứt là những người này ngày nào thưa anh, xưng em
với tôi, mà nay trở mặt dương dương tự đắc tự xưng tôi, tôi, anh,
anh một cách trơ trẽn.
Có những chị giáo sư thướt tha, dịu
hiền trong khi lên lớp mà nay ngoài băng đỏ, thậm chí còn để lá
cờ vàng ba sọc đỏ dưới chân bàn đạp ga xe nữa. Và hơn nữa, có
giáo sư trong suốt thời gian chưa đầy hai năm ngắn ngủi của tôi,
đã xem tôi như “thần tượng” mặc dù biết tôi đã lập gia đình rồi,
thường xuyên đi ăn uống chung; thậm chí đã dám cùng tôi “nhậu
thịt chó” nữa... Người đó bây giờ là một “công thần” của chế độ.
Làm sao tôi quên được lần đổi tiền đợt
I ngày 22/9/1975, đổi 1đ tiền “chính phủ cách mạng lâm thời miền
Nam” tức tiền “ngân hàng Việt Nam” lấy 500đ tiền Việt Nam Cộng
Hòa hay “tiền Ngân hàng Quốc gia Việt Nam”.
Người dân chỉ đổi được mỗi gia đình
100,000đ mà thôi.
Làm sao tôi quên được cảnh đốt sách tại
một khu phố ở Sài Gòn trong tháng 5/1975.
“Một cửa hiệu chuyên cho thuê truyện
tại đường Huỳnh Quang Tiên bên cạnh nhà thờ Ba Chuông tại Phú
Nhuận phát nổ khi đoàn thu gom sách mang băng đỏ xâm nhập tiệm.
Ông chủ nhà sách mời tất cả vào nhà. Rồi một trái lựu đạn nổ.
Chuyện xảy ra không ai ngờ. Ðương nhiên là có đổ máu... Cả chủ
tiệm cũng vong mạng”.
Câu chuyện ông chủ hiệu sách uất ức thà
chết còn hơn nhìn “băng đỏ” gom và ném sách đi đốt chỉ là một
trong những bi kịch của miền Nam sau 1975.
Làm sao tôi quên được lần đổi tiền đợt
II ngày 3/5/1978, đổi 1đ “tiền thống nhứt XHCN” tức tiền “ngân
hàng nhà nước” lấy 1đ tiền “ngân hàng Việt Nam” và mỗi gia đình
chỉ được đổi 100đ mà thôi.
Làm sao tôi quên được lần đổi tiền đợt
III ngày 14/9/1985, đổi 1đ tiền ngân hàng nhà nước cũ lấy 1đ tiền
ngân hàng nhà nước mới (tiền thống nhứt Bắc Nam).
Làm sao tôi quên được lần đánh tư sản
đợt I ngày 11/9/1975, cướp của và tịch thu nhà những người được
cho là tư sản cùng bắt đi vùng kinh tế mới. Chiến dịch này gọi là
X1.
Làm sao
tôi quên được lần đánh tư sản đợt II, tức chiến dịch X2, từ tháng
3/1978 tới cuối năm 1990 nhắm vào tư sản tiểu thương, những nhà
tiểu thủ công nghệ, ước tính trên 14,000 gia đình tại Sài Gòn.
Làm sao tôi quên được lần đánh tư sản
đợt III tức chiến dịch X3, song hành với chiến dịch X2 tại Sài
Gòn nhằm mục đích trục xuất người cũ ra khỏi nơi ở và điền khuyết
vào bằng gia đình cán bộ ngoài Bắc vào. Ðây là một âm mưu thâm
độc nhằm “Bắc kỳ hóa” thành phố Sài Gòn. Tính đến tháng 9/1989,
ước tính có đến 950,000 người bị đuổi khỏi Sài Gòn, và có khoảng
150,000 gia đình cán bộ Bắc Việt được điền khuyết vào.
Làm sao tôi quên được những đợt học tập
cải tạo, đáng kể nhứt là đợt cuối cùng vào tháng 6/1975, kêu gọi
công quân cán chính tập trung mang theo lương thực cho một
tháng... để rồi tất cả bị lường gạt và phải chịu lao động khổ sai
từ một hai năm cho đến hơn 17 năm đối với những cán bộ hành chánh
và quân đội cao cấp của Việt Nam Cộng hòa...
Trên đây, xin diễn lại bức tranh vân
cẩu chập chùng những ý nghĩ lộn xộn trong những ngày quốc phá gia
vong.
Xin chia
sẻ cùng bà con.
Ðây không phải là lời tự thú hay than
thở, hay nói về mình.
Nơi đây tôi chỉ muốn nói lên vài điều
suy nghĩ của một người con Việt mà thôi.
Ðó là:
• Truyết, đừng bao giờ mơ tưởng những
người cộng sản Bắc Việt là người Việt Nam.
• Martin Luther King từng nói: “Trong
thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời
nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người
tốt”...
Từ đó,
chắc chắn sẽ có một ngày tất cả người con Việt và Tuổi Trẻ trong
nước cùng vùng lên... đứng dậy đòi lại quyền sống và quyền làm
người theo Ðiều 3 của luật Quốc tế Nhân quyền “Mọi người đều có
quyền sống, tự do và an toàn cá nhân”.
Và với những chuyển biến trên thế giới
hiện tại, nhứt là thế giới cộng sản đang đi vào giai đoạn cuối
của một niềm tin không tưởng, thời điểm này chính là cơ hội ngàn
vàng cho chúng ta, những người con Việt trong và ngoài nước...
làm LỊCH SỬ.
Nói với những người cộng sản Bắc Việt đang cầm quyền ở Việt Nam.
Xin nói ngay là những dòng chữ sau đây
không phải là lời nhắn gửi hay trao đổi với họ mà chính là một
vài suy nghĩ về họ trong cung cách quản lý toàn thể đất nước hơn
46 năm qua.
Trong suốt hơn 30 năm thực sự dấn thân vào con đường tranh đấu dù
dưới danh nghĩa cá nhân hay thành viên của Hội Khoa học & Kỹ
thuật Việt Nam (VAST) hay dưới danh nghĩa Ðại Việt, hay Nhóm
Chống Tàu Diệt Việt cộng, hay Hội Bảo Vệ Môi Trường Việt Nam, qua
trên 40 cuốn sách viết riêng hay viết chung với các bạn như GS
Trần Minh Xuân, TS Phan Văn Song, tôi đã trang trải trong đó, nỗi
lòng của người con Việt, nói lên những vấn nạn môi trường do sự
phát triển không ứng hợp với chiều hướng toàn cầu hóa và bảo vệ
môi trường cùng những chính sách y tế, giáo dục hoàn toàn đi
ngược lại trào lưu tiến bộ của văn minh thế giới.
Từ đó, đưa đến tệ trạng là Ðất và Nước
ngày hôm nay đang đứng bên bờ vực thẳm về phát triển, chưa nói
đến vấn nạn làm
“nô lệ” cho Trung cộng
qua các thỏa hiệp ngầm giữa hai đảng cộng sản Việt và Trung. Hiện
nay, trên thực tế và dưới sự quản lý của đảng cộng sản Bắc Việt,
Việt Nam vô hình trung đã là một tỉnh phía Nam của Trung cộng từ
lâu rồi!
Ngày
hôm nay, nhân danh cá nhân của một người con Việt, nếu còn lại
một chút nhứt điểm lương tâm, những người CS Bắc Việt hãy trở về
với dân tộc đúng nghĩa thật sự.
Tài sản và quyền lực chỉ là phù du!
Hãy can đảm vứt bỏ VÔ MINH trong tâm
khảm để trở về với dân tộc đúng nghĩa. Một khi nhắm mắt và ngừng
hơi thở, quyền lực sẽ là hư không và tài sản sẽ trở về cát bụi mà
thôi!
Sẽ có
một ngày, những người con Việt trong và ngoài nước về dựng lại cờ
vàng trên Cổ thành Quảng Trị!
Niềm hy vọng trên sẽ trở thành một
quyết tâm khiến mỗi người trong chúng ta tiếp tục giữ ngọn lửa
thiêng của Dân Tộc luôn tỏa sáng trên quê hương thân yêu.
Giờ khởi hành đã điểm!
MAI THANH TRUYẾT
Quốc hận 2024
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by peter tran chuyển
Đăng ngày Thứ Hai, April 1,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang