Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bút
ký
Chủ đề:
QH30–T4Đ/TPBVNCH
Tác giả:
Trần Mộng Tú
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Hai người phụ nữ chở nhau trên chiếc xe gắn máy đi vào
thành nội Huế, dưới cơn mưa đầu tháng 11. Nước ngập ngang xe, người
chở xe là một Ma xơ trẻ, quay đầu lại nói với người ngồi phía sau:
– Cô à, mình xuống dắt xe đi bộ, kẻo nước
vô trong máy xe, tắt máy bây giờ thì khổ lắm.
Cả hai xuống xe, trời tối, mưa trên đầu,
nước lụt ngang bắp chân, hai người đàn bà vừa đi vừa tìm số nhà.
Ma xơ, người địa phương, còn trẻ lắm, và
tôi đến (hay về) từ một nơi bên kia địa cầu. Ma xơ chắc đã quen với
mưa lũ, và đường phố nên đi nhanh hơn trong khi tôi vừa lạnh vừa dò
dẫm trong nước, bước hụt vào một cái ổ gà hay vấp vào vỉa hè, chao
đi xuýt ngã mấy lần. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được số nhà muốn
tìm. Có người đàn bà đang tát nước ra ngoài lối đi. Tôi hỏi bà:
– Thưa có phải nhà của ông Hồng không ạ?
– Dạ phải, mời bà vào.
Bà mở cổng, chúng tôi vào một lối đi dài,
bên phải là mặt chính của nhà, bên trái có năm ba bụi cây cao thấp,
trời tối quá không nhìn rõ những chiếc lá, bóng tối làm bụi cây
trông như những cái dù to mầu đen. Bà chủ nhà như được báo trước sẽ
có khách, mời khách đi thẳng vào cuối nhà, chỉ tay lên chiếc gác
lửng:
– Em tôi ở
trên đó, bà cứ leo lên.
Bà nói xong đi ra, tiếp tục cúi xuống tát
nước từ trong nhà ra ngoài đường. Ma xơ ở bên ngoài trông xe, tôi
đứng tần ngần nhìn chiếc cầu thang, rồi rụt rè leo lên những bực gỗ
nhỏ. Một người đàn ông đang ngồi trên đó đón tôi bằng khuôn mặt rạng
rỡ:
– Em có nhận
được phôn từ hai hôm nay ở Sài Gòn, nói là sẽ có người ở bên đó đến
thăm (Anh dùng chữ bên đó để chỉ người ở nước ngoài về).
Tôi xin lỗi đến trễ một hôm, tôi đã lỡ
chuyến máy bay Sài Gòn–Huế hôm trước vì phi trường Phú Bài ngập
nước, máy bay không hạ cánh được và chúng tôi mới đến chiều nay. Sau
khi lấy phòng ở khách sạn tôi đã may mắn nhờ ngay được một Ma xơ còn
trẻ, nhanh nhẹn tìm nhà hộ, nếu không thì chắc sáng mai mới tới
được.
Tôi ngồi
xuống sàn gác đối diện với anh, hai chân tôi vướng víu vì dài quá và
ống quần bị ướt sũng. Trước mặt tôi là người đàn ông trung niên,
khỏe mạnh, tươi tỉnh, cụt cả hai chân sát đến thân, ngồi giữa những
đồ dùng cá nhân của anh, tôi không nhìn kỹ và nhớ anh có những gì
chung quanh, hình như có mấy cuốn sổ lớn nhỏ, cái bình thủy, bình
trà, cái radio, quần áo, chăn gối và cái điện thoại cầm tay. Thế
giới của anh thu gọn trên gian gác khoảng ba thước vuông. Người lính
Thủy Quân Lục Chiến này, không may mắn bị thương tháng 1 năm 1975.
Vì mất cả hai chân nên anh không “được” đi cải tạo, vì không được đi
cải tạo nên anh không vào được danh sách H.O. Tôi hỏi thăm gia cảnh,
được biết anh ở đây với gia đình người chị, anh bị thương khi còn
trẻ quá chưa có cơ hội lập gia đình. Anh cho tôi một danh sách của
những người bạn cùng hoàn cảnh như anh, so với danh sách tôi nhận
được ở Sài Gòn thì có một vài tên khác nhau. Anh nói, phải cẩn thận
vì có thể họ không phải là những người Thương Phế Binh thật. Tôi
nói, không sao cả miễn là những người này cần được giúp đỡ. Tôi chia
tay anh, hẹn trưa ngày mai sẽ gặp mặt mọi người. Anh cầm điện thoại,
mở sổ, liên lạc ngay với các bạn, giọng anh dồn dập, gọi từng người:
– Trưa mai, 1 giờ nghe, đến nhận quà, có
người bên đó qua thăm.
Tôi và Ma xơ lội nước về khách sạn. Tin
tức khí tượng cho biết cơn lũ vẫn tiếp tục dâng. Lũ năm nay là lũ
ngâm, có nghĩa là hết cơn nọ, tiếp cơn kia, nên nước không rút kịp,
cứ giữ hoài một mực ở những nơi trũng và ở sông Hương. Nước sông
Hương đục ngầu vì pha đất bùn. Cả thành phố Huế gầy gò, run rẩy
trong mưa lũ, tôi đi ngủ thấy mình bồng bềnh trong câu hát Quê hương
em nghèo lắm ai ơi! Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn. Trời hành,
Trời làm cơn lụt mỗi năm....
Cả đêm trời mưa, đến sáng đổ xuống một cơn
mưa lớn, nước trôi phăng phăng trên đường Đống Đa, trước cửa khách
sạn. Tôi mặc áo dài, trùm áo mưa, bối rối lội nước đi lễ ở nhà thờ
Dòng Thánh Tâm trên đường Phan Đình Phùng, đi trong nước và gió,
tưởng như sắp bị cuốn xuống con nước sông Hương đã dâng mấp mé mặt
đường. Nhưng may quá, đến trưa mưa tạnh, nước rút bớt ở một vài con
phố. Tôi nhờ Ma xơ chở lại căn nhà hôm qua.
Đến nơi tôi thấy ở gian trước, đã có năm
bảy người đàn ông đang ngồi chung quanh chiếc bàn nhỏ chờ tôi tới.
Mới thoáng nhìn tất cả mọi người, tôi biết ngay là họ phải có thân
nhân chở tới chứ không thể tự di chuyển được. Thấy tôi đến họ bối
rối không biết mời tôi ngồi đâu, tôi đề nghị ngồi cả xuống sàn nhà
cho rộng, tôi bỏ giầy vào ngồi chung với họ. Ngồi trước mặt họ, tôi
thấy có điều gì không ổn, hình như đối với những người đang quây
quần nơi này, tôi là người dị tật. Tôi dư hai cái chân. Tôi lúng
túng không biết để hai cái chân thừa này vào đâu. Bảy người bạn này,
không ai có chân cả, có người lại mất thêm một cánh tay, có một
người mù. Chúng tôi nói chuyện với nhau. Tôi hỏi han từng người. Các
anh cho biết, phần đông bị thương ở Mùa Hè Đỏ Lửa (1972) có người bị
thương ngay đầu năm 1975, lúc đó đang nằm ở Quân Y Viện bị đuổi ra
đường. Tôi ngập ngừng hỏi:
– Làm sao mà các anh sống còn cho đến bây
giờ, nhất là trong thời gian những năm ngay sau ngày 30 tháng 4.
Các anh cười (đặc biệt lúc nào họ cũng có
nụ cười trên miệng)
– Khổ lắm chị ơi! Nhưng chúng em nhất định
sống, người thì nương vào vợ con, người thì nương vào cha mẹ, anh
chị. Thế rồi chúng em cũng qua được hết. Vài năm mới đây, các anh em
ở Sài Gòn nhận được quà của các anh chị bên đó gửi về trước, rồi đến
chúng em ở Huế. Mỗi lần lễ tết chúng em có quà cũng có bữa tiệc nhậu
nhẹt với nhau, vui lắm, nhưng vẫn phải giữ gìn, kín đáo.
Anh cụt một tay, đưa mẩu tay cụt gần đến
khuỷu ra khoe với tôi.
– Em không có hai chân, cụt một tay em vẫn
làm thợ lò rèn được, em cuốn dây thép ngay vào chỗ này, để cái phần
thép dư ra trên cái đe, tay còn lại em cầm búa đập cho dẹp ra. Cũng
kiếm được hai chén cơm một ngày.
Tôi không nói được câu nào, nhìn xuống
phần quắt queo của cái tay gẫy, tưởng tượng ra sợi thép to bản quấn
nghiến vào đó, ngậm ngùi, thán phục.
Đang nói chuyện thì có một anh đi xe lăn
đến, anh bị liệt từ lưng trở xuống. Anh không xuống xe, anh ngồi yên
trước cửa nhà. Cũng không thấy ai có ý đỡ anh xuống đất ngồi. Anh
nói ít, nét mặt buồn buồn, những người bạn khác cho biết. Anh phải
nhờ giúp đỡ hoàn toàn về lên, xuống xe, làm vệ sinh, vì anh không
thể nào tự đứng lên trên hai chân được. Tụi em tuy cụt cả hai chân,
nhưng lê trên hai mông và khỏe hơn anh, nên tự túc vệ sinh cá nhân
được.
Tôi ngồi
ngắm họ, tám người đàn ông này, vào năm 1975 họ còn trẻ lắm (Ngưới
lớn tuổi nhất sinh năm 1939, người trẻ nhất sinh 1954) họ mất cả hai
chân, có anh còn mất thêm một cánh tay, có anh vừa không chân vừa
mù. Làm sao mà họ sống còn được với cơn lốc hậu chiến! Ngay cả người
lính còn đủ mắt, mũi, chân tay đã điêu đứng lắm rồi!
Vậy mà sau bao nhiêu khổ nhục họ vẫn tìm
đến nhau, dựa lưng vào nhau để tồn tại.
Đây là những câu thơ họ viết cho nhau đọc:
Tháng tư gẫy
súng hao gầy
Vòng tay khói thuốc tháng ngày
hư hao. –(Hồng Trần)
Cũng đôi lần đi qua đường cũ
Núi rừng xưa loang lỗ chừ đã xanh cây
Rừng
xanh lá còn đời tôi héo úa
Cũng đôi lần đi
qua thành phố cũ
Vết chiến tranh chừ đã tân
trang
Phố vươn mình thay da đổi thịt
Riêng đời tôi cứ mãi cơ hàn. –(Nguyễn Nghệ)
Tôi thương cảm và kính phục họ, trong hoàn
cảnh khốn cùng nhất, bằng cách nào đó, họ vẫn đứng vững (không cần
chân) và duy trì được tinh thần đồng đội, thái độ bất khuất của
những người lính.
Tôi tặng mỗi người một phong bì, một phần
thuốc bổ. Khi tôi trao vào tay từng người món quà nhỏ đó lòng tôi
thật rưng rưng, nước mắt ứa ra (mặc dù tôi cố cầm lòng).
Tôi không biết mình muốn nói lời gì để cảm
ơn những người lính này? Họ là dấu tích, là niềm tự cao của một thời
hòa bình bên này; hay là huy chương, là tinh thần anh dũng của một
thời chiến tranh bên kia. Người Việt Nam đứng ở hai bên vĩ tuyến 17,
xác định bên này, bên kia theo tiêu chuẩn nào?
Tôi trao đổi địa chỉ với những người bạn
mới này, xin số phôn liên lạc và danh sách của những anh em ở Quảng
Trị. Khi ra về, tôi hứa sẽ không quên họ (?)
Sáng hôm sau trời vẫn còn mưa tầm tã, tôi
liên lạc, hẹn gặp được với anh Sự ở Quảng Trị và thuê xe đi La Vang,
Quảng Trị. Trên đường từ Huế ra La Vang nước sông dâng cao, có chỗ
mấp mé mặt đường, có chỗ ngập tràn tóe nước trên bánh xe chạy. Nhà
cửa ruộng vườn hai bên ở thụt xuống nên nước ngập cao cả thước,
thỉnh thoảng có một chiếc thuyền chở mấy đứa nhỏ từ trong nhà lên
mặt đường, chúng ướt như mấy con thỏ nhỏ vừa bị tuột lông, trông
thương quá! Giữa vùng nước bát ngát tôi đọc được trên một tấm bảng
dài, sơn đỏ, kẻ chữ vàng: “Việt Nam Dân Chủ Ấm No Quang Vinh Hạnh
Phúc”. Tấm bảng đứng ngơ ngáo như một kịch sĩ ra trình diễn không
đúng lúc.
Trận
Mùa Hè Đỏ Lửa, ngôi giáo đường La Vang bị tàn phá nặng nề, tượng Đức
Mẹ thương tích đến xót xa. Tôi đứng trước tượng, bức tượng nhợt nhạt
trong mưa, những thương tích còn y nguyên, đôi mắt Mẹ buồn bã cúi
nhìn. Tôi biết Đức Mẹ đã hiểu lòng tôi, tôi không cầu nguyện gì
riêng cho mình cả, tôi đã dư đến hai cái chân, làm sao dám xin thêm
một thứ gì nữa.
Tôi cũng ngạc nhiên là mình không bị cảm lần này. Lại đi trong mưa,
trong gió, ghé vào Quảng Trị. Vùng đất Quảng Trị nơi người dân Việt
có cuộc sống hẩm hiu nhất, vừa nghèo, chó ăn đá gà ăn muối, vừa hứng
chịu những trận đánh khốc liệt. Nơi mỗi tấc đất đều thấm máu người
trong thời chiến tranh huynh đệ.
Anh Sự hẹn tôi ở khúc đường, cách cầu
Thạch Hãn 200 thước, anh đứng trong mưa, trùm chiếc áo mưa đỏ cho dễ
nhận. Khi xe dừng lại anh cho biết đã hẹn những anh khác đang đến.
Trời vẫn đổ mưa, không vào nhà anh Sự ở sâu trong ngõ được, tụ tập
ngay ở quán cà phê bên đường, quán này cũng lại vừa là một cái chợ
nhỏ, có người mặc chiếc áo mưa vàng, trên lưng in chữ CATP ghé vào.
Anh Sự hơi lộ vẻ lo lắng trên mặt, chữ đó có nghĩa Công An Thành
Phố, nhưng ông công an này chỉ ghé vào mua một trái mướp nhỏ trong
khi đang công tác, rồi đi.
Lần lượt những chiếc xe ôm thả tám người
vào quán. Tôi theo họ vào, họ không mất hai chân như các anh ở Huế,
nhưng mỗi người có một bàn chân gỗ thò ra dưới ống quần nhầu nhĩ. Họ
trông thảm hại, thiếu thốn quá! Chắc lúc khô ráo đã thảm hại rồi,
mưa ướt còn làm tăng thêm nỗi nghèo khổ. Họ không được lạc quan như
các anh ở Huế, có anh mang theo cả Chứng Minh Thư có số quân của
ngày tháng cũ. Tôi thấy đau lòng quá. Tôi cũng chẳng nói gì với họ
được lâu, vì còn phải quay lại Huế, trời thì mưa, lạnh, chỗ đứng
trong quán chật hẹp, người ra vào mua bán, và hình như họ cũng không
dám tụ họp lâu. Trông họ bồn chồn quá! Tôi ghi tên họ xuống (chỉ lấy
tên, không lấy họ) Có hai thanh niên trẻ đi nhận quà cho cha mình.
Tôi có địa chỉ và điện thoại của anh Sự rồi. Tôi hứa với lòng là sẽ
gọi một vài người bạn rất thân ở ngoài nước giúp những người bạn
trong nước này có cái quần, cái áo ấm hơn trong những ngày mưa lụt,
có miếng thịt miếng cá to hơn trong ngày lễ tết.
Khi quay xe ra về, tôi nói anh tài xế cho
tôi ngừng lại ít phút ở cầu Thạch Hãn. Nơi đây Mùa Hè Đỏ Lửa đã là
mồ chôn của bao nhiêu người lính của cả hai miền Bắc Nam.
Một tượng đài được dựng ngay bên cầu Thạch
Hãn có mô hình những giọt máu đỏ đang chảy xuống. Tôi hy vọng khi
treo những giọt máu này lên tượng đài, ai đó đã hiểu là những giọt
máu này không phân biệt Bắc Nam, và chắc chắn một điều, nước dòng
sông Thạch Hãn đã hòa máu, nước mắt của dân, quân cả hai miền.
Anh tài xế nói, vụ đánh mùa hè 1972, nơi
đây không còn gì sót lại. Không nhà, không chó, không mèo, không
người, một vùng đất chết. Tôi nhớ đến câu thơ của Giuseppe Ungarette
(Thi sĩ Ý 1888–1970) viết về một ngôi làng bị tàn phá trong chiến
tranh. Những bức tường bị cào nát, người thân chết hết. Không còn gì
cả ngoài thánh giá trong tim But in my heart/No cross is missing/My
heart is the most tortured village. Trái tim tôi là một ngôi làng bị
tra tấn nặng nhất.
Tôi trở về Mỹ mang theo hình ảnh và địa
chỉ của những người lính cũ. Trái tim tôi có phải là một ngôi làng
đang được chúc phúc hay không?
Trần Mộng Tú
Huế–Quảng Trị – Tháng 11/2007
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Phat nguyen chuyển
Đăng ngày Thứ Hai Phục Sinh,
April 10, 2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang