Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện
ngắn
Chủ đề:
QH30–T4Đ
Tác giả:
Hạo Nhiên Nguyễn
Tấn Ích
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Anh bạn Thông là dân HO mang qua Mỹ 1 vợ và 2 con,
để lại Việt Nam 4 đứa lớn đã có gia đình. Vợ chồng dành dụm tiền
già gởi về tiếp tế cho đàn cháu 8 đứa đói meo, sống nheo nhóc,
chui rúc dưới những mái nhà lá ọp ẹp vùng Long Khánh.
Trước kia, Thông ghiền cà phê phin,
thuốc điếu Capstan, vào tù chuyển sang hút thuốc lào. Qua Mỹ, anh
nghe lời vợ khuyên bỏ luôn cà phê, thuốc lá, chắt chiu chút ít
tiền còm trợ cấp, cứ 3 tháng một lần mang ra công ty chuyển tiền
HP.
Thông rất
quý trọng tình bè bạn nhưng lại có máu “Trương Phi”. Người bạn
cùng binh chủng thiết giáp trước năm 1975 cảm thông hoàn cảnh đa
đoan một cảnh hai quê của vợ chồng Thông nên đã trốn không gởi
thiệp mời đám cưới của con gái mình. Khi hay tin này Thông lái xe
mất gần tiếng đồng hồ đến tận nhà thằng bạn sắp gả con gái lấy
chồng. Cửa vừa hé mở là Thông đã xông vào nhà nắm bâu áo thằng
bạn hét lên:
–
Không ngờ mầy khinh rẻ tao. Dựng vợ gả chồng cho con mầy thì có
khác gì con tao. Đó là niềm vui chung, tại sao mầy không mời vợ
chồng tao đến uống ly rượu mừng?
Người bạn lên tiếng phân trần:
– Bọn mình thấy vợ chồng ông quá chật
vật với đám con cháu bên nhà, nên trốn ông. Định hôm nào xong
xuôi sẽ đưa 2 cháu đến nhà ông bà tạ lỗi...
– Mầy nói như thế mà nghe được hả Lê?
Thông ngắt lời bạn:
– Dù tao có nghèo kiết xác cũng chạy
vạy được trăm bạc đến mừng cho cháu. Mầy coi đồng tiền lớn hơn
tình bạn sao Lê? Mầy quên những ngày hành quân ở Quảng trị, Thừa
Thiên, thiết đoàn của tao cùng thiết đoàn của mầy đã cùng hợp
đồng tác chiến chết sống bên nhau như thế nào. Rồi những tháng
năm trong tù cũng tao với mầy âm thầm tổ chức trốn trại bị phát
giác. Mầy bị bọn cai tù tra khảo chết đi sống lại mấy lần. Phần
tao cũng có thua gì mầy sau khi chúng nó cho đi “máy bay tàu
ngầm” đã đời rồi cùm sấp 2 chân suốt 1 tháng trời vậy mà chúng
mình không hề khai cho 1 người thứ 2. Ngày được thả ra khỏi hầm
kỷ luật, tao ở hầm bên này, mầy hầm bên kia, 2 chân đứa nào cũng
bị tê liệt không đi được đã bò từ 2 cửa hầm đến ôm nhau mà khóc.
Mình khóc không vì đau đớn tủi nhục mà khóc vì vui mừng 2 ta còn
sống để còn nhìn thấy nhau...
Nói đến đây bỗng nước mắt 2 người ứa ra
rồi ôm chầm lấy nhau.
Hôm lễ đưa dâu, người ta thấy vợ chồng
Thông hiện diện trong đám họ đàng gái. Nhân dịp này Thông cũng
chia xẻ vài kỷ niệm của tình bạn tri kỷ và nhắc nhở cô dâu chú rể
đừng quên những năm tháng cha ở trong tù, mẹ phải lận đận tảo tần
nuôi đàn con dại suốt 10 năm dài. Hình ảnh cũ đã khiến cho cô dâu
rơi nước mắt và 2 họ đều xúc động.
*****
Ngày mới đến Hoa Kỳ tôi được người bạn
cũ qua Mỹ từ năm 1975 mời dự đám cưới của đứa con gái lấy chồng
là dân Mỹ trắng chính hiệu. Lễ cưới được tổ chức tại nhà thờ Tin
Lành. Sau lễ là buổi tiệc mừng tân lang và tân giai nhân tổ chức
tại khu khánh tiết bên cạnh Thánh đường. Phòng tiệc trang hoàng
khá lộng lẫy với 2 dãy bàn dài trải khăn trắng muốt, với những
bình hoa tươi đầy nghệ thuật. Trên bàn của mỗi thực khách có đặt
giàn ly đủ cỡ bằng pha lê trong suốt. Đây là ly dùng rượu vang,
kia là ly dùng champagne, ly khác dùng nước ngọt, tách uống trà,
tách dùng cà phê cùng các loại muỗng nĩa và dao. Loại nào cũng
bằng bạc sáng choang soi mặt được.
Tôi và người bạn tù mới qua Mỹ thật sự
choáng ngợp như Mán lạc xuống đồng, bối rối trước đống ly tách
chẳng biết dùng để làm gì mà nhiều thế. Nhìn đám khách Mỹ tự động
đến quày giải khát, kẻ uống cocktails người ăn trái cây, tôi đứng
lên định lấy một món gì uống cho đỡ cơn xót bụng, nhưng người bạn
ngồi bên kéo tay tôi nhủ thầm:
– Này, cậu để bụng mà dùng những món ăn
chính chứ. Mình cũng đói lắm đấy nhưng cố gắng chờ.
Theo lời bạn khuyên, tôi lại ngồi xuống
ghế chờ thêm nửa giờ thì thức ăn được bưng ra. Đầu tiên là 1 đĩa
xà lách tưới dressing, sau đó là đĩa bít–tết. Miếng thịt bò chiên
lớn cỡ bàn tay trẻ con có kèm theo vài củ khoai tây luộc.
Tiệc cưới mãn. Tôi và người bạn cùng
bàn ghé nhà ăn với nhau vài chén cơm nguội mới lấp đầy cái khoảng
trống lưng lửng trong bao tử như ngày nào trong tù với tiêu chuẩn
1 chén sắn lát khô cõng cơm.
Sau này có dịp tham dự những tiệc cưới
của người Việt, tôi thấy tiếc ngẩn, tiếc ngơ những món ăn dư
thừa. Cả chục món ăn dành cho mỗi bàn 10 người. Đĩa thức ăn nào
cũng vun cao. Dù không được trang trí đẹp mắt như nem công chả
phụng của ông bà ta ngày xưa nhưng chất bổ dưỡng thì tuyệt vời.
Bạn nào mang bệnh tiểu đường, áp huyết,
cao mỡ trong máu, bệnh gao... phải tuân theo “bảng phong thần”
của bác sĩ gia đình liệt kê món ăn nào phải kiêng cữ thì đành
chống đũa đợi chờ.
Năm tháng ở quê nhà, từ trại tù đến khu
kinh tế mới chúng tôi trở thành người nông dân cầm cuốc phá rẫy
trồng ngô khoai, đi chân đất, ngủ sàn nứa, ăn cơm bát, uống nước
gàu. Chỉ trên 10 năm mà chế độ của “giai cấp vô sản” đã biến giới
trí thức miền Nam trở thành giới lao động chân tay thuần thục.
Thời điểm trước 1975 tôi quen với 1 vị
bác sĩ quân y nổi tiếng giữ vệ sinh hết tầm cỡ. Ông ít khi bắt
tay ai. Vạn bất đắc dĩ phải nắm tay người khác. Sau đó ông phải
rửa tay bằng xà phòng hay xát rượu cồn 90 độ. Khi vào tù tôi được
hân hạnh sống chung đội với ngài y sĩ này. Một hôm, bạn cùng lán
cho chén chè nếp, ông y sĩ cất dành qua đêm. Không may chén chè
bị chuột thò mõm ăn, quậy phá vung vãi. Sáng ngày hôm sau, ông
thầy thuốc điềm nhiên bưng chén chè ngồi ăn một cách vô tư. Bạn
bè thắc mắc hỏi:
– Ăn như thế không sợ lây nhiễm hạch
chuột sao?
Ông
bảo:
– Hạch
chuột là do bọ chét chuột cắn vào người truyền bệnh còn miệng
lưỡi chuột không có ảnh hưởng gì.
Một lần khác ông đốc tờ bốc phân chuồng
trộn đất giâm dây khoai lang trên đám đất trồng rau xanh. Toán
thợ mộc mời ông 1 miếng sắn luộc nhân bữa ăn bồi dưỡng. Mắt sáng
lên, ông y sĩ vội vội vàng vàng lau tay vào vạt áo trước ngực rồi
cầm khúc sắn nhai ngấu nghiến. Bạn tù hỏi sao không rửa tay trước
khi ăn. Ông cười, lý giải:
– Ăn như thế này là tạo sức mạnh cho vi
trùng nội tiết. Vi trùng bên ngoài có xâm nhập vào người là bị
đoàn quân kháng thể tiêu diệt ngay!
Anh em cười xòa thông cảm cho cơn đói
đang hành hạ ông thầy thuốc nên đã có lập luận rất ư là “phản
khoa học” của những tên “đỉnh cao trí tuệ”!
Đi dự tiệc cưới còn là dịp gặp lại bạn
bè xưa. Niềm vui của những người lớn tuổi là nhắc lại những kỷ
niệm thời thơ ấu còn học chung trường. Ôn lại một thời cùng chiến
đấu bên nhau hoặc hỏi thăm nhau về tin tức nơi quê nhà.
Bữa ăn đáng lẽ có bầu không khí yên
tĩnh, bạn bè tâm sự hàn huyên và thưởng thức hương vị các món ăn.
Thế nhưng, trên đất Mỹ này cha mẹ bị lệ thuộc vào con cái. Chúng
thích nhạc thời trang, đờn trống xập xình, ca sĩ thì gào thét
xoáy vào tai thực khách. Ta ăn để mà ăn, uống để đẩy trôi thức ăn
chực mắc nghẹn trong cổ họng vì âm thanh lớn quá cỡ của mấy chiếc
loa khiến hai tai lùng bùng. Nói chuyện với nhau phải hét vào tai
người đối diện.
Hôm nào không may ngồi trúng bàn gần
chiếc loa lớn, coi như suốt buổi tiệc phải chịu cực hình. Người
đánh đàn thì muốn cho mọi người nghe tiếng đàn điêu luyện của họ.
Ca sĩ cũng muốn khán giả thưởng thức tiếng hát đầy truyền cảm của
mình thành ra họ thi nhau kẻ gào người khảy khiến cho chiếc loa
muốn vỡ ra, thử hỏi lỗ tai người làm sao chịu nổi!
Có một lần duy nhất trên đất Mỹ này,
tiệc cưới của con trai ông thầy cũ mà tôi đến dự, từ lúc khai mạc
cho đến suốt bữa ăn chỉ có những bản nhạc Việt tiền chiến và nhạc
Pháp hòa tấu dìu dịu êm êm giúp cho tâm hồn thực khách lắng đọng
và hương vị món ăn càng ý vị hơn.
Vài tháng trước đây, bất ngờ tôi nhận
được 1 thiệp mời dự tiệc thành hôn của con trai người bạn cùng
quê, cùng ngồi chung trường trung học đã biệt tăm gần 40 chục
năm.
Vào
khoảng năm 1967–1968 không biết từ đâu anh về Quảng Ngãi ngồi ghế
trưởng ty Chiêu Hồi. Mấy năm sau lại biến mất. Thấy tên anh xuất
hiện trên cánh thiệp hồng, tôi mừng vô kể. Đến ngày hẹn, vợ chồng
tôi từ San Jose lên xe đi Santa Ana vào sáng sớm thứ bảy. Sau mấy
tiếng đồng hồ dạo chơi khu Phước Lộc Thọ, ghé thăm nhà vài người
bạn thân, chúng tôi mới đến nhà hàng Paracel Seafood. Vừa xuất
hiện nơi cửa ra vào là Dũng đã vồn vã đến ôm vai tôi bảo:
– Ôi, mới đó mà bọn mình lạc nhau gần
40 năm. Mình không ngờ tóc cậu bạc trắng như Ngũ Tử Tư thức trắng
sau một đêm qua ải.
Dũng chào vợ tôi rồi đích thân đưa
chúng tôi vào chỗ ngồi. Chợt từ chiếc bàn bên góc trái, anh
Nguyễn Chí đứng lên gọi tên tôi rồi vội vã lách mình đến kéo tay
tôi bảo:
– Cậu
đến ngồi chung bàn với bọn mình, đều là bạn tù với nhau cả.
Tôi yêu cầu Dũng được đổi bàn để chuyện
trò với Chí. Chí là bạn tù cùng tôi từ Kỳ Sơn cho đến An Điềm.
Hai đứa chúng tôi có 1 kỷ niệm mà không thể nào quên được.
Lúc ấy, trại bắt Chí làm trưởng ban báo
tường – tốt nghiệp Đại học Báo chí mà lị! Còn tôi thì làm tà lọt
cho hắn. Tết năm ấy, trại tổ chức đón Giao thừa bằng buổi văn
nghệ trong đêm 30. Nguyễn Chí có nhiệm vụ biên soạn 1 vở kịch.
Qua mấy ngày được miễn lao động, anh viết xong vở kịch lấy nhan
đề “Tiếng Trống Thăng Long”.
Anh giao tôi đảm trách vai chính là 1
sĩ phu yêu nước vận động dân chúng Bắc Hà chuẩn bị lực lượng tiếp
ứng cuộc tiến quân của Quang Trung Nguyễn Huệ. Tôi còn nhớ trong
vở kịch có câu nói của vai chính: “Lòng yêu nước không một ai
được giành độc quyền!” Các vai diễn xuất khá xuất sắc, vở kịch đã
tạo xúc động cho toàn thể tù nhân.
Sáng ngày mồng 1 Tết, 3 anh em chúng
tôi gồm Nguyễn Chí, Trần Văn và tôi được lệnh trình diện ban giám
thị. Niềm vui chưa kịp thấm và quà thưởng chưa được hưởng bị ngay
1 trận quát tháo, lăng nhục của tay chính ủy Trung đoàn rằng là
vở kịch có vấn đề, hắn bảo:
– Các anh tưởng rằng các anh che mắt
được chúng tôi cái tư tưởng phản động của các anh hay sao? Lợi
dụng lòng yêu nước để nổi loạn à? Nội dung vở kịch, lời lẽ toàn
ngấm ngầm xúi dục chống phá cách mạng. 3 anh về viết kiểm điểm
ngày mai nộp cho tôi.
Thế là mất toi ngày nghỉ Tết duy nhất
năm đó. Hậu quả là 3 người chủ chốt bị cùm 3 ngày, cấm thăm nuôi
6 tháng. Đây là hình phạt có phần giảm khinh. Lý do vở kịch đã
được quản giáo đội duyệt xét trước khi trình diễn chính thức. Từ
đó, bạn tù sửa lại tên vở kịch là “Tiếng Trống Cum huyền” (nói
kín đáo chữ Cùm).
Bàn tiệc gồm 10 người. Ngồi bên phải là
nhà tôi, bên trái là Nguyễn Chí và vợ chồng người bạn cùng làm
chung với Chí trong tòa soạn VB. Đối diện tôi là cụ già rất khó
đoán tuổi, đầu đội chiếc mũ nồi màu đen. Gương mặt ông tái nhợt,
mắt cứ dán vào tờ báo đặt trên bàn. Chí hỏi nhỏ vào tai tôi:
– Cậu có biết người đội bê–rê là ai
không?
–
Không!
Tôi trả
lời, rồi quan sát ông cụ một lần nữa.
Chí kéo tôi đứng dậy ra ngoài parking
lot, bảo:
–
Phan Văn M. đấy.
Tôi giật mình và mặt tôi bỗng nóng ran,
tim tôi đập liên hồi, Chí tiếp:
– Tớ biết giờ đây cậu vẫn chưa nguôi
những ngày cậu bị nhốt hầm kỷ luật, vợ cậu té xe rớt xuống đèo
may là thoát chết, cũng vì hắn. Nhưng giờ đây còn gì để giận hờn.
Hắn bị ung thư phổi sau mấy tuần vật vã chemotherapy, đầu tóc hắn
rụng từng mảng, giờ không còn một sợi, chẳng biết sống được bao
lâu nữa. Điều quan trọng là cậu tha thứ cho hắn trước khi hắn ra
đi với tâm hồn thanh thản.
Thực sự tôi đâu cần Chí kêu gọi đến
lòng vị tha của tôi mà ngay từ lúc biết cụ già đó là Phan văn M.
bị ung thư... với số tuổi 60 mà trông hắn như 1 cụ ông là lòng
tôi đã chùng xuống. Tôi nhờ Chí mời M. ra bãi đậu xe gặp tôi.
Từ trong nhà hàng, Văn M. lê đôi chân
chậm chạp, mặt vẫn cúi gằm xuống đất đến đứng trước mặt tôi.
– Anh M. à.
Tôi cất tiếng gọi tên hắn và đưa tay
bắt.
M. ngước
nhìn tôi và đưa tay nắm bàn tay tôi đang chìa sẵn.
– Bịnh tình cậu được điều trị đến nay
kết quả ra sao?
Tôi thân mật hỏi thăm.
– Cảm ơn anh.
Hắn vừa trả lời vừa lấy chiếc mũ nồi ra
khỏi đầu:
–
Bệnh viện làm xạ trị đã được vài tháng rồi, đang chờ tái khám.
Nhìn chiếc đầu nhẵn thín không một sợi
tóc của hắn, khiến lòng tôi thương cảm vô cùng. Hắn tiếp:
– Tôi ân hận đã có hành động không tốt
với anh. Ngày trong tù, tôi đã báo cáo với quản giáo là anh hát
“nhạc vàng”. Không ngờ chúng nó chụp cho anh cái tội phản động.
Tôi vỗ vai M. an ủi:
– “Con phượng thì múa, con nghê thì
chầu”. Ngày đó chúng sắp đặt cậu làm đội trưởng đội tù chẳng khác
gì cục đất sét nén thành ông táo. Tất nhiên cậu phải cam chịu
phận đội nồi và chịu đựng lửa đốt, thế thôi. Quá khứ dù là sai
lầm hay đúng hướng, tất cả là bài học cho hiện tại và tương lai.
Nói xong, tôi cầm tay M. cùng vào bàn
tiệc.
Suốt bữa
ăn, lòng tôi cứ băn khoăn tự hỏi có nên chỉ cho vợ tôi biết người
đã báo cáo tôi hát nhạc vàng lúc trong tù?
Sự việc xảy ra như sau:
Vào buổi sáng mùa đông tại trại tù An
Điềm. Tiếng kẻng báo đến giờ đi lao động trong lúc trời đang mưa
tầm tã. Tưởng còn một mình trong lán, tôi bèn cất tiếng hát:
“Tung cánh chim tìm về tổ ấm, nơi sống bao ngày dài đằm thắm...”
trong bản nhạc “Ngày Về” của nhạc sĩ Hoàng Giác. Không ngờ đội
trưởng tù M. từ trong cầu tiêu đi ra.
Tại hiện trường lao động, tôi bị quản
giáo đội gọi trình diện. Ông ta tra hỏi sự việc đã vi phạm, tôi
thành thật khai báo. Sau đó, tôi phải chịu 2 đêm liên tiếp phê
bình kiểm điểm trước đội và toàn trại. Cuối cùng tôi bị hình phạt
cùm 2 tuần lễ, cấm thăm nuôi 1 năm với tội danh “Tư tưởng còn
nặng quá khứ và mang ý đồ trốn trại, hát nhạc phản động trên đài
phát thanh Ngụy quyền Sài Gòn trước kia.” Ngày sau, vợ tôi lên
thăm bị cán bộ không cho nhận quà thăm nuôi lại còn hăm dọa:
“Chồng chị hát nhạc vàng lại có ý đồ trốn trại. Mang tư tưởng
trông chờ bọn phản quốc nước ngoài quay trở lại. Tội đó, chồng
chị còn phải cải tạo lâu dài, khó có ngày đoàn tụ.”
Trên đường về, vợ tôi quá đau buồn và
lo âu nên đã lạc tay lái rớt xuống đèo, chiếc xe đạp gãy đôi,
được xe chở gạch ngói cứu sống. Ngày đó, tôi đặt Phan Văn M. vào
danh sách kẻ thù và có ý định ngày ra tù sẽ trừng trị hắn.
Khi bắt tay từ biệt rời nhà hàng, Văn
M. đã giữ tay tôi khá lâu, hắn nói:
– Không có nỗi đau nào thấm thía và
nhục nhã bằng nỗi đau của Bùi Đình Thi (**). Mình cảm ơn ông đã
thể hiện một tấm lòng cao thượng.
Tâm hồn tôi như vừa thoát tục, nhẹ
nhàng, thanh thản nhờ quyết định không nói cho vợ tôi biết hắn là
ai.
*****
Hồi còn ở Việt Nam, tôi được cô em họ
mời dự lễ cưới của đứa cháu gái. Lễ rước dâu tổ chức khá trang
trọng. Bà con láng giềng tham dự đông đúc. Họ đàng trai toàn là
cán bộ có chức có quyền. Sau buổi lễ là tiệc khoản đãi hai họ.
Rượu vô lời ra, bên đàng trai có người
kể câu chuyện bác Hồ bắt gián điệp như sau:
“Thường lệ, mỗi buổi sáng, người phục
vụ mang lên bàn ăn 1 bát cháo, đĩa cá cơm rang dòn và 1 đôi đũa.
Nhưng hôm đó bác Hồ bảo đem thêm 1 bát cháo, đôi đũa và muỗng.
Người phục vụ rất ngạc nhiên vì không thấy vị khách nào. Một khắc
sau bác Hồ nhìn lên máng xối gọi: ‘Này chú Đề, hãy xuống đây dùng
điểm tâm với tôi.’” Tạ Đình Đề là tình báo CIA của đế quốc Mỹ
lãnh trọng trách ám sát vị chủ tịch nước ta. Nhưng khi nghe bác
Hồ gọi thì sợ quá từ trên máng xối vội ném súng xuống trước rồi
nhảy xuống đất đến quỳ dưới chân Bác xin tha tội chết và tỏ lòng
ngưỡng mộ tài đức của “đấng cha già dân tộc”.
Câu chuyện này đối với những người đã
từng học tập cải tạo không có gì mới. Cán bộ các cấp từ chính trị
viên Trung đoàn cho đến các chính ủy Sư đoàn, Quân ủy trung ương
đều đưa vào đề tài thuyết trình của họ trước đám tù nhân.
Chuyện kể vừa dứt, bỗng từ góc bàn bên
kia 1 cụ già trông dáng người không lấy gì là oai phong cho lắm
nhưng rượu đã nung đỏ khuôn mặt xương xẩu của ông, đứng lên đấm
vào ngực mình lớn tiếng:
– Đồng chí nói như thế là coi thường
khả năng của lực lượng bảo vệ an ninh cho vị chủ tịch đảng kiêm
chủ tịch nước hay sao. Cả 1 trung đoàn ngày đêm chỉ có 1 nhiệm vụ
duy nhất là bảo vệ an toàn cho phủ chủ tịch. Xin lỗi quý ông nhé,
1 con ruồi cũng không thể lọt được vào trong vòng đai huống hồ
cái tên Tạ Đình Đề.
Mọi người ngồi trên mấy dãy bàn tiệc
đều sửng sốt lẫn hồi họp trước phản ứng bất ngờ của ông lão.
Vị cán bộ kể chuyện dường như bị hụt
hẫng bèn đứng lên hỏi:
– Ông là ai mà dám đi ngược lại quan
điểm của câu chuyện đã được trung ương duyệt xét và phổ biến.
Ông lão nở nụ cười móm mém để lộ hàm
răng cửa vàng khè, xiên xẹo long gần hết trả lời:
– Tôi chịu trách nhiệm lời nói của tôi,
lời nói của người chiến sĩ có 40 tuổi đảng, 9 năm chống thực dân
Pháp và 7 năm giữ trọng trách bảo vệ dinh chủ tịch. Đó là chuyện
hoang đường của các nhà văn chuyên viết truyện trinh thám. Tạ
Đình Đề là lính bảo vệ “Bác” Hồ lúc còn ở Hoa Nam, Trung Quốc từ
năm 1940, sau cùng về hang Pác pó với Bác. Năm 1949 được đưa đi
học khóa sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn.
(*)
Đấy là chuyện thâm cung bí sử của chế
độ Hà Nội mà lần đầu tiên tôi chứng kiến được 1 người cán bộ cộng
sản đầy can đảm dám phản bác 1 câu chuyện có tinh thần thánh hóa
lãnh tụ đã thâm căn cố đế trong lòng quần chúng miền Bắc. Sau này
tôi cố tìm hiểu vị cán bộ lão thành đó là ai.
Được biết ông là cựu Đại tá Đặng Văn
Lựa, Trung đoàn Phó, Trung đoàn bảo vệ Thủ đô và Phủ chủ tịch đã
giải ngũ nghỉ hưu trước 1975.
Ngày miền Nam đổi chủ ông cựu đại tá
trở về làng sống cuộc đời mộc mạc ở nông thôn. Khi chính sách quy
hoạch ruộng đất vào hợp tác xã được phát động, chính quyền địa
phương cưỡng bức dân chúng nạp ruộng đất, trâu bò và phương tiện
sản xuất cho chính quyền. Nông dân chỉ làm công chấm điểm. Nhà
nước quản lý và cung cấp lương thực, thực phẩm theo đầu người.
Ông cụ là người nhận đơn của nông dân
chuyển lên chính quyền xin ra khỏi Hợp tác xã. Ông giải thích:
Việc vào làm ăn tập thể là chủ trương của Đảng và nhà nước trong
tinh thần tự nguyện, tự giác. Ai am hiểu quyền lợi thì làm đơn
xin vào, ai không muốn thì có quyền làm ăn riêng rẽ, ai bị ép
buộc vào hợp tác thì làm đơn xin ra.
Kết quả, dân làng ông đều đứng ngoài
hợp tác xã nông nghiệp. Nhờ vậy mà cánh đồng quê ông sản lượng 2
mùa lúa liên tiếp bội thu nhờ canh tác cá thể so với cánh đồng
làng bên đã vào Hợp tác. (*)
Đúng 1 năm sau chính quyền tỉnh kết tội
ông cựu đại tá là phá hoại chính sách của đảng và nhà nước, bắt
ông vào tù theo diện tập trung cải tạo và tước luôn thẻ đảng.
Khi chính sách Đổi mới–Cởi mở, Trung
ương quyết định trả lại thẻ Đảng nhưng ông Đại tá từ chối không
nhận.
Sau khi
khối cộng sản Đông Âu và Liên Sô sụp đổ, tại quốc nội mới thấy rộ
lên phong trào đòi dân chủ, nhân quyền với các tên tuổi như Trần
Độ, Hoàng Minh Chính, Trần Khuê, Tiêu Dao bảo Cự, Lê Hồng Hà, Hà
Sĩ Phu... với câu nói độc đáo: “Trước
năm 1945 ai không tham gia chống Pháp, người đó không có trái
tim, sau 1975 ai còn theo Cộng sản, kẻ đó không có óc”.
So với những nhà Dân chủ kể trên, ông
Đặng Văn Lựa là người đi trước thời cuộc, tiên phong vạch trần
những bí mật lừa gạt nhân dân của chế độ cộng sản mà không một kẻ
nào dám bật mí trong giai đoạn cực kỳ đen tối của đất nước.
Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích
Trích trong “Kỷ Niệm Khó Quên”
của tác giả
Tác giả chú thích:
(*)
Theo Andy Vu, Một Nhà Tù Ba Ông
Đại Tá đăng trong ĐSXQN
(**)
Bùi Đình Thi, tù nhân hành hạ tù
nhân (CTMS của LM Nguyễn Hữu Lễ)
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Cathy chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy, March 18,
2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang