Bắc đẩu tinh

 

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bút ký
Chủ đề: 30–T4–Đ
Tác giả: Hồng Ngọc Đoàn

NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

Tháng 3/1975 Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù rút khỏi Thường Đức thuộc tỉnh Quảng Nam sau gần ba tháng giao tranh để giành giật ngọn đồi có cao điểm 1062m. Cả hai bên đều bị thiệt hại nặng nề, Sư Đoàn Nhảy Dù đã hy sinh hàng ngàn chiến sĩ dũng mãnh và pháo đội tôi cũng cùng chung số phận nghiệt ngã này, quân số xuống thật thấp, không có lính bổ sung. Nay phải tăng cường cho mặt trận Khánh Dương. Thật tình tôi đã quá mệt mỏi trước sự tin tưởng của cấp cao hơn, làm sao một Lữ đoàn bị tổn thất nặng nề có thể chặn đứng đường tiến quân của các sư đoàn F10, F320 và F316 việt cộng đang đổ dồn từ cao nguyên xuống miền duyên hải. Tội nghiệp những người lính nhảy dù của tôi như thiên lôi chỉ đâu đánh đó, ngay cả tôi trong hoàn cảnh trớ trêu này cũng không làm gì được.

Hải vận hạm HQ504 và HQ404 của hải quân chở toàn bộ Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù trên đường về Sài Gòn được lệnh của Bộ tổng tham mưu đổ quân xuống Nha Trang lúc 3 giờ chiều để chuẩn bị lập phòng tuyến mới tại Khánh Dương. Nghỉ ngơi hai tiếng đồng hồ cho tỉnh táo con người, chúng tôi bắt đầu di chuyển ra Dục Mỹ (Ninh Hòa). Nơi đây năm 1968 tôi đã học căn bản pháo binh tại trường Pháo binh Dục Mỹ và cũng có một mối tình nho nhỏ với con ông chủ tiệm vàng độc nhất tại đây, con bé khoảng 13 tuổi tóc bỏ đuôi gà, đôi mắt bồ câu, hàm răng trắng đều, đôi môi mỏng của tuổi dậy thì. Năm nay 1975 tôi trở lại con bé ngày nào, mới có 7 năm nay đã là thiếu nữ hai mươi tuổi, lông mày rậm, mũi cao, môi hơi mỏng, đẹp tuyệt trần, chúng tôi chỉ tâm sự có vài tiếng vì sáng mai phải lên đường ra trận, lành dữ không biết như thế nào.

Sáng nay toàn bộ Lữ đoàn nằm trên vùng chạm tuyến, pháo đội đóng tại đèo M’Drak quốc lộ 21 cách Dục Mỹ khoảng 40km. Sau 3 ngày thiết lập công sự chờ việt cộng đánh xuống. Trung đội Pháo đóng sau tôi 300 mét bị việt cộng tấn công đầu tiên, trung đội phá 2 khẩu 105ly trước khi trở về Pháo đội. Lệnh tiểu đoàn bắt rút đêm nay về đóng quân tại đèo Phượng Hoàng. Việt cộng chận đường tiếp tế của quân Dù tại suối nước nóng khoảng giữa đèo Phượng Hoàng và yếu khu Dục Mỹ và tấn công vào pháo đội từ cánh rừng bên trái đèo, bị đánh bất ngờ tôi chỉ kịp hô phá súng bằng lựu đạn lửa và cùng anh em binh sĩ rút chạy lên núi, vượt qua 1 vài quả núi đã thấy quốc lộ 1. Nghỉ mệt 1 chút, kiểm soát lại quân số tôi còn lại 8 người, một số thuộc Tiểu đoàn 2 Nhảy Dù, vài anh em địa phương quân và thiết giáp, tổng cộng 20 người. Viên trung úy sĩ quan tác xạ và 2 binh sĩ của pháo đội mở đường đi trước báo cho tôi biết có xác của 1 con trâu chết đã lâu chỉ còn cặp sừng và bộ da có lẽ đã vướng mìn của vịêt cộng. Vừa định chạy lên xem thình lình tôi nghe 1 tiếng nổ ầm, đầu óc tôi quay cuồng ngã xuống đất, viên trung úy và 2 người lính té nằm dưới đất. Gả y tá chạy đỡ tôi dậy, tôi vội nói lo cho 3 anh em bị thương trước, một vài anh em năn nỉ đích thân đừng bỏ tụi em. Trời! Sống chết với nhau mà giờ này tụi bây hỏi gì lạ vậy. Mà thật vậy nếu tôi bỏ anh em binh sĩ chạy 1 mình giờ này tôi đã có mặt tại Nha Trang và không chừng cũng lên máy bay về Sài Gòn rồi. Nhưng với cương vị chỉ huy làm sao tôi có thể làm như vậy được. Chúng tôi tìm được 1 cái nhà của bọn VC đã bỏ đi, người binh sĩ địa phương quân cho tôi biết chúng tôi đã lọt vào mật khu Hòn Hèo. Tôi mỉm cười nói Hòn Đá cũng không ăn nhằm gì.

Cả ngày hôm nay trời đổ mưa như trút nước, áo quần ướt nhẹp. Viên sĩ quan bị thương nặng nhất, anh nhìn tôi đầy vẻ chán chường thất vọng cũng có lẽ biết mình sẽ là gánh nặng nên anh xin 1 vài trái lựu đạn nằm lại, biết là anh sẽ tự tử nên tôi an ủi anh, tôi sẽ đưa anh về, nhứt định không bỏ anh.

Qua 1 ngày mệt nhọc, tôi thức dậy khoảng 7 giờ 30, cơn mưa đã chấm dứt hồi nửa đêm, hầu như không ai có thể ngủ được vì những con mạt nhỏ xíu hút máu no nê. Một anh lính chạy vào báo có một bầy bò và 1 con nhỏ chăn bò đang tiến vào hướng chúng tôi. Tôi lấy làm lạ mật khu này đầy mìn bẫy sao nó có thể đưa bò vào ăn tỉnh bơ. Tôi nói anh em núp hết trong nhà và đừng bắn bò, tôi mang theo 1 con dao găm và núp sau bụi tre nằm chờ, 1 vài con bò đi trước thấy tôi nên tránh qua 1 bên, phía sau là con bé khoảng 12 tuổi đi từ từ tới, trên tay cầm 1 cây tre nhỏ để đuổi bò, nhanh như chóp tôi xông ra từ phía sau, 1 tay kẹp cổ, 1 tay cầm dao nhắc bổng con bé vào bụi rậm nằm đè lên người nó với con dao đâm ngay cuống họng, một thoáng trôi qua mặt mày con nhỏ xanh như tàu lá chuối, nước mắt trào ra: Ông ơi đừng giết con, rồi khóc lóc thảm thiết.

Đỡ con bé dậy, tôi an ủi nó, nói đi tình hình bên ngoài thế nào? Con bé nói mấy ông cách mạng về, tôi nạt nó cách mạng là ai, nó nói cách mạng là mấy ông cộng sản đó. Nó nói tiếp hôm qua ở ngoài đó đã biết trong này đạp mìn chắc có người chết. Mấy ông lính nghĩa quân đem súng nạp cho họ và trở về nhà. Tôi cho con bé vào trong với bầy bò. Quay trở vào trong nhà, tôi quyết định 6 người khiêng 3 người bị thương ra làng nhờ dân chúng lo dùm, chúng tôi hồi hộp theo dõi toán chuyển thương binh ra ngoài làng. Bỗng nhiên tôi thấy viên trung sĩ toán trưởng và sáu người lính đặt thương binh xuống đất chạy vội vã vào, tôi chạy ra khỏi bìa rừng băng qua 3 đám ruộng người mệt nhoài thở dốc, miệng la thật lớn hỏi tại sao? Trung sĩ Hớn trả lời “Em sợ quá”. Lần đầu tiên tôi nghe tiếng sợ từ 1 người lính nhảy dù. Họ đã cùng tôi tham dự mấy chục trận lớn có, nhỏ có. Trận nào cũng có người chết, người bị thương mà có ai mất tinh thần đâu.

Nhìn lại phía sau thấy anh em trong rừng chạy ra hết, có lẽ họ sợ tôi bỏ lại, tôi ra lệnh dàn hàng tiến ra quốc lộ, vì đêm hôm qua tôi nghe tiếng xe chạy bên ngoài, trong đầu đang nghĩ phải chận xe đò về Nha Trang và nếu lỡ gặp việt cộng bắn từ nhà dân phải bắn trả và xung phong chiếm rìa làng. 14 người dàn hàng ngang chỉ độ 20 mét. Thật không ngờ, bọn việt cộng không bắn, chờ chúng tôi đến xát nhà dân, đứng lên đồng loạt hô hàng sống kháng chết. Tiếng la hét làm tôi giật cả mình không kịp phản ứng và như đàn ong vỡ tổ vây chúng tôi vào giữa, phía trước mặt hai bên hông và đằng sau, tôi nghe tiếng hô bỏ súng xuống. Anh em binh sĩ chờ lệnh, bọn việt cộng ngưng la. Tôi quay lại và nói bỏ súng xuống đi, ba tên việt cộng nhào tới nhìn tôi, không hằn học tức tối, 1 tên nói cho tôi xin cái đèn pin, tên kia xin cái địa bàn M1, tên còn lại nói tên chỉ huy của bọn chúng đây. Trong khi việt cộng ghi biên bản tịch thu vũ khí, tôi không phải khai vì 2 tên việt cộng đã dặn trước. Chúng “hộ tống” anh em ra QL1, dân tới xem rất đông, 2 thúng cơm và 1 tô muối bọt được gánh đến. Ăn xong chúng tập trung anh em vào 1 nhà dân bỏ trống. Riêng tôi được chúng chiếu cố đặc biệt, nhốt trong trạm y tế dơ dáy, bẩn thỉu. Buổi chiều 1 người lính mang cho tôi bát cơm, theo sau là tên du kích 75 có lẽ mới theo nên cũng dễ.

Sau khi trao đổi 1 ít tin từ bên ngoài, tôi mới biết có 1 toán nhảy dù bị du kích bắt, bọn chúng không trói chờ người lên dẫn về, toán này thừa lúc bọn chúng không để ý đã giết chết 3 tên, tha con du kích chỉ trói nằm tênh hênh, đến chiều bọn chúng lên thay, con du kích khai hết. Tên việt cộng khi bắt tôi nó nhìn thật kỹ theo mô tả của con du kích việt cộng cái. Người giết chúng là 1 thằng đại úy ốm cao, nước da đen, còn tôi cũng vậy nhưng nhỏ con và trắng, thêm 1 cái may nếu sáng nay tôi cho lính bắn đám bò và giết chết con nhỏ chăn bò, có lẽ chúng bắn chết hết anh em nhảy dù rồi. Người lính nói nhỏ hơn “Ông ơi có bà già dẫn theo con nhỏ chăn bò hỏi thăm ông, con nhỏ nhất định đòi gặp ông. Tụi em nói VC dẫn ông đi, không có đây.” Tuy nhiên tôi vẫn nói khi gặp con nhỏ hoặc má nó nói tôi bị giam ở đây để cho họ xử tôi cho rồi.

Sau 1 đêm làm bạn với muỗi và rệp tôi ngủ 1 giấc tới sáng, nghe tiếng mở khóa tôi ngồi dậy, tên du kích 75 biết tôi là người chỉ huy đám lính Dù nên có vẻ nhỏ nhẹ: Ông ra ngoài đi. Anh em thấy tôi mừng rỡ. Sáng nay bọn VC tập họp chúng tôi lúc 7:30 sáng di chuyển đi nơi khác.

Hôm nay 2/4/1975: Một buổi sáng trời đẹp, trận mưa ngày hôm qua vẫn còn ngập đất, quần áo hoa rừng bắt đầu khô. Trước khi lên xe đò để đi qua địa điểm giam cầm khác. Bọn chúng bắt cởi giày bỏ lại, đồng hồ tiền bạc chúng không thu. Nhìn lại bản trạm y tế ấp Lạc an, xã Ninh an, quận Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa làm tôi nhớ mãi địa danh này. Dân chúng đa phần là những bà già trầu tới an ủi nào là cách mạng về hết chiến tranh, về nhà làm ăn cho tốt. Tôi đang nhìn xung quanh, bất thình lình con nhỏ chăn bò cũng có mặt đến hỏi tôi: “Ông còn nhớ con không,” 1 chút nhíu mày thì ra là con khỉ chăn bò sáng hôm qua. Tôi nhìn nó thật kỹ, con bé ốm tông teo, nhỏ xíu vậy mà nó chịu sức nặng 50kg đè trên người mà không than 1 câu, “Ông nặng quá,” chỉ khóc vì con dao đè trên cổ họng. Tôi mỉm cười nói nhớ chứ con nhỏ chăn bò. Nó lấy trên tay mẹ nó 1 gói lá chuối nhỏ có 2 củ khoai mì đưa cho tôi. Nhìn 2 mẹ con, tôi nói tiếng cám ơn, tên du kich 75 không nói gì.

Có lẽ bây giờ con bé cũng trên 50 tuổi, nếu số nó tốt thì đang ở trên thiên đàng Mỹ quốc, còn số con rận chắc chết vì bệnh hoạn, dẵm bãi mìn ở mật khu Hòn Hèo hoặc lấy phải thằng việt cộng cụt 2 cẳng, đui 1 con mắt, gẫy 1 cánh tay và cuối đời vẫn khổ vì VC.

Xe chở chúng tôi qua Đại điền nam (Thành–Nha Trang) nhốt tất cả vào 1 nhà dân, đóng cửa, bên ngoài có du kích canh gác. Tôi gặp bà chủ nhà và đứa con gái và nhờ bà mua dùm bông băng, thuốc đỏ, muối để rửa vết thương vì tôi có 3 người lính bị thương nặng. Nói xong tôi móc đưa cho bà 1 xắp tiền. Mới có mấy ngày mà vết thương đã có dòi khủng khiếp quá, nhờ có 1 người y tá nhảy dù rửa vết thương nên không còn dòi.

Tối lại có 1 tên VC bộ đội bắc kỳ già xuống nói chuyện tào lao với anh em nhảy dù. Sau 1 hơi thuốc lào lấy giọng hắn nói thao thao về miền bắc XHCN ưu việt, bác Hồ kính yêu của lão. Ngồi đằng xa nhưng tôi nghe và biết hắn nói dóc. Dân ở trong rừng mấy chục năm thoát chết là may lắm rồi biết gì về miền bắc XHCN đầy máu và nước mắt ngày nay. Bọn lính dù đâu cần biết hắn nói gì, mỗi đứa cứ thuốc lào của lão để sẵn mà hút. Hút xong tên nào cũng buông điếu trợn trừng con mắt, té ngửa làm tên VC già khoái chí đưa hàm răng vẩu đóng bợn thuốc đen xì gớm giếc cười ha hả, hút đi anh nào chưa biết cứ thử. Bác Hồ hồi ở bên Pháp cũng hút thứ này đấy. Hắn nói hút từ từ vào, sau đó kéo thật mạnh cho nó kêu rét rét, ém hơi và thả khói ra tự nhiên, mơ về miền bắc XHCN thế là bọn Dù té lăn lóc không biết ông bà ông vãi đâu nữa, tôi nằm gần 3 người bị thương, khi thấy tôi đứng dậy đi tiểu hắn vội vã thu đồ nghề và nói thôi hôm nay ta sinh hoạt thế tốt rồi và đi ra với tên du kich 75.

Ngày 3/4/1975: Ánh mặt trời đã chiếu sáng qua khung cửa, sau 1 đêm ngủ dài say sưa, tôi nghe có người chạy xung quanh căn nhà, tiếng súng AK lên đạn, cửa mở, 1 số tên du kích 75 và bọn bộ đội miền Bắc hối thúc mọi người dậy, ngồi ngay ngắn. Sau đó có 1 tên VC mang súng K54, trên tay bồng đứa nhỏ khoảng 3 tuổi bước vào nhà, y nhìn quanh, đi lên đi xuống quan sát cẩn thận và bước ra ngoài, sau khi hỏi tên du kích 75: “Nó đâu.” Ông ngồi ở cuối, lưng dựa vào tường gần 3 người bị thương, trên cổ áo có 3 cái bông đen, tất cả ngần ấy cuộc đối thoại và cái nhìn của tên du kích tôi thấy và nghe rõ ràng. Thằng VC đưa đứa nhỏ cho tên du kích, bước vào nhà với vẻ đắc chí. Y cười 1 cách nham hiểm làm như muốn ăn tươi nuốt sống ai đó, cả nhà yên lặng, mọi cặp mắt đều hướng về y. Nó đi qua hàng bên kia, liếc nhìn tôi 1 cách kín đáo, tôi biết nó đang đánh giá đối tượng đặc biệt này, tên sĩ quan nhảy dù gian ác. Nó bước thẳng tới tôi, bao nhiêu cặp mắt đang nhìn đích thân, phải cho họ biết không được hèn với giặc. Tên VC đến sát gần tôi, tôi đứng dậy, y lùi 1 bước, tiếng súng AK lên đạn, ngưởi lính ngồi bên cạnh kéo tôi ngồi xuống. Y nói: “Không, anh cứ ngồi xuống.” Như lấy lại bình tĩnh vì quá bất ngờ, y hỏi tôi anh là cấp chỉ huy ở đây? Bọn ngụy trả anh bao nhiêu tiền 1 tháng? Tôi gật đầu và cố ý nói nhỏ 34, nó bắt đầu lớn tiếng sau khi đã lui ra vài bước và hỏi lại: chỉ có 34 đồng thôi à? Không 34,000 ngàn. Nó bắt đầu mở máy chạy hết công suất với giọng điệu mất dạy cố hữu như con vẹt, y bắt đầu lên lớp. Thế chứ, bọn Mỹ Ngụy đào tạo các anh ra cầm súng giết hại nhân dân, đánh phá cách mạng, đang chửi bới hăng tiết vịt, y không ngờ tôi hỏi lại: “Cách mạng là ai và tôi cũng chưa hề bắn lầm người dân nào, chúng tôi luôn tìm mấy anh ở trong rừng mà trong rừng làm gì có dân.” Thật sự tôi đã nghe con nhỏ chăn bò nói cách mạng là VC rồi. Sau khi chửi rủa cho đã cái miệng thúi, trước khi ra về y cảnh cáo hôm nay sẽ học chính sách của cách mạng trong vùng giải phóng và ai không ký vào danh sách tham gia cách mạng sẽ bị trừng trị. Ngay khi tên VC ra về, tôi nhắn với mấy anh em nhảy dù không người nào được ký theo bọn VC.

Ngày 4/4/1975: Chúng di chuyển toàn bộ tù binh qua bên trường tiểu học gần đó. Ở đây anh em vui đùa thoải mái chờ ngày trao trả, tới giờ ăn mỗi người được 1 chén cơm và vài cục muối hột. Khoảng 11 giờ sáng, 1 chiếc xe lam chở 5 tên mặc quần áo dân sự xuống nhốt chung. Nhìn qua, đúng là 1 lũ cướp, tay chân xâm hình sọ ngựa tùm lum. Thấy đám Dủ bọn chúng khép nép sợ đám này làm thịt. Vài tiếng sau có 1 xe lam chở vài phụ nữ tiếp tế cho bọn này, thôi thì đồ ăn thuốc lá xin mời mấy anh nhảy dù ăn cho vui, tên tướng cướp to lớn mập mạp trên mình xâm đủ loại hình y đảo mắt 1 vòng, tôi đang ngồi với các anh em khác, y đứng dậy và đến gần tôi, thấy tôi vẫn còn mang cấp bậc trên cổ áo y mỉm cười xã giao nói: “Em có chút quà anh ăn với tụi em cho vui.” Tôi lắc đầu.

Khoảng 3 giờ chiều, hai tên bộ đội và tên du kích 75 bước vào cổng trường, không khí ngột ngạt bắt đầu khi súng AK lên đạn. Tên du kích gọi đích danh tôi đi, tôi nghe tiếng nói chắc VC đem ổng đi bắn. Tôi đi trước, hai tên bộ đội đi sau, chúng dẫn tôi vào 1 căn nhà ngói có 3 tên cô hồn răng đen mã tấu ngồi sẵn chờ tôi, khi tôi bước vào 1 tên chỉ tôi ngồi vào chiếc ghế đẩu nhỏ, thấp hơn chỗ chúng ngồi.

Buổi hỏi cung đầu tiên giữa tôi và 3 tên VC. Hai tên ngồi trên bàn hút thuốc lào, tên ngồi giữa hút thuốc vấn bằng giấy báo, thứ giấy người dân quê dùng để chùi đít khi đi ngoài. Y hỏi tôi: anh hút thuốc không, tôi lắc nhẹ đầu, môi hơi mím lại mắt nhìn chăm chăm vào đuôi thuốc y đang vấn bằng giấy báo. Bây giờ ta bắt đầu làm việc, anh phải nghiêm túc, thật thà khai báo những gì chúng tôi yêu cầu. Như anh biết việc liên quan đến chính trị là chết sống nên chúng tôi yêu cầu anh hợp tác, y bắt đầu đe dọa tôi. Tên thứ 2 nói về 9 điểm 10 điều gì đó trong vùng tiếp thu, họ nói như cái máy không ngừng nghỉ. Tên thứ 3 ngồi lặng lẽ ghi chép, thỉnh thoảng họ ngừng hỏi, kêu tên VC dẫn tôi ra ngoài và rồi kéo thuốc lào o... o. Sau đó gọi tôi trở lại. Tên vấn thuốc có lẽ chỉ huy, y nói anh phát biểu đi. Tôi nói trước hết, mấy anh nói tiếng Bắc Việt nam nhanh quá hơn nữa có nhiều chử mấy anh dùng tôi không biết và để chúng đừng tức giận, tôi xuống nước xin lỗi lần đầu tiếp xúc với các anh nói giọng miền Bắc, tôi nghĩ rồi sẽ quen và không còn khó nghe nữa. Tên hút thuốc lào đập bàn la lối, là phản động, ngoan cố, giờ này còn chống đối cách mạng phải mang ra bắn để làm gương. Tên ngồi giữa chờ tên kia chửi xong và nói: “Hôm nay ta làm việc tới đây thôi.” Kêu bọn bộ đội đưa tôi về.

Tôi trở về lúc anh em bắt đầu ăn cơm chiều, mọi người mừng rỡ vì thấy chúng không bắn tôi, tôi an ủi họ, các anh em đừng sợ, tôi đã nói với họ (việt cộng), là người chỉ huy trực tiếp, mọi trách nhiệm tôi chịu, anh em binh sĩ là lính phải nghe lệnh của tôi thôi. Vài tên cướp mang đồ ăn đến cho tôi nhưng tôi mệt quá hơn nữa tinh thần căng thẳng sau khi bị hỏi cung. Tôi tâm sự với họ vài ba câu chuyện vô thưởng vô phạt và ngủ một giấc tới sáng.

Chiều nay 4 tên bộ đội “hộ tống” tôi đi lên phòng hỏi cung lần nữa. Cũng 3 tên ngồi trên bàn nhưng chúng đổi tên đập bàn hôm qua bằng tên nói tiếng Nghệ An. Cũng tên ngồi giữa thẩm vấn, 1 tên ghi chép, và tên xứ Nghệ nhìn tôi đăm đăm. Câu đầu tiên hắn hỏi tôi đã có bao nhiêu lần đánh nhau với cách mạng ở cao nguyên? Tôi trả lời nhiều lắm, hầu như năm nào các anh mở chiến dịch ở cao nguyên tôi đều có tham dự. Chỉ duy nhất trận này bị bắt làm tù binh vì hết đạn, y gật cái đầu. Thoáng nhìn hắn qua vài câu hỏi tôi biết hắn là tên chỉ huy của 2 tên hỏi cung tôi. Lần đầu gặp y hỏi cung tôi đã có cảm tình vì dù không cùng chung chiến tuyến nhưng vói tư cách 2 người đối nghịch trên trận tuyến, mới thấy y là người quân nhân thật sự không bốc phét, chính miệng y cũng thú nhận đánh nhau với quân nhảy dù rất căng. Y thích hỏi tôi về những trận đánh trên cao nguyên mà tôi vả y cùng tham dự, cùng bắn vào nhau.

Trưa hôm nay có chiếc xe chở 5 người tù binh nhảy dù bị bắt tại quận Ninh Hòa, trong đó có 1 người rất đặc biệt, hắn mặc quần áo nông dân, cái áo màu đen bạc màu tay dài nay chỉ dài tới cùi chõ, cái quần xà lỏn ngắn tới háng, hắn lượm ở đâu cái túi đeo lủng lẳng bên hông trông giống như thằng việt cộng sexy.

Tên họ và cấp bậc đầy đủ của hắn là Đại úy Nguyễn Hiền Triết, trưởng Ban 3 Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù, cao 1 thước 93, người vạm vỡ như con trâu, mắt to và lồi, với hàm râu gần 1 tuần chưa cạo, thoáng nhìn gương mặt hắn giống như 1 tên Hồi giáo cực đoan, dân chúng đổ xô ra xem rất đông, tôi nghe có nhiều tiếng la “Mỹ đen, Mỹ đen”, nhìn thấy hắn trong hoàn cảnh này, tôi cười bò lăn, bò càng. Câu đầu tiên hắn hỏi: “Tôi tưởng anh thoát về Sài Gòn rồi”, tôi chỉ đám anh em binh sĩ nhảy dù đang bu quanh mấy người mới đến và cười “kẹt đám nhỏ này bỏ đi sao đành”. Mấy tên cướp mang đồ ăn đến mời Triết, tôi yên lặng không phản đối.

 

 

Năm 1968 Triết bị thương trong trận đánh nhau với việt cộng tại tỉnh Tây ninh, tên việt cộng thay vì bắn thằng cố vấn Mỹ da trắng nhưng thấy Triết cao và to, tưởng thằng cố vấn da đen, bắn cho Triết một băng AK 47 banh ruột. Sau gần một năm nằm bệnh viện, được thuyên chuyển về phủ Tổng thống, có lẽ chán sống cảnh ngày 2 bữa đi làm như công chức, hơn nữa máu đánh đấm nhảy dù “thà một xanh cỏ, hai đỏ ngực” nên xin thuyên chuyển về lại Sư Đoàn Nhảy Dù và rồi mới có duyên cùng gặp cảnh làm tù binh ở nơi đây.

Đêm 31/4/1975 tôi ngồi uống rượu với vị tiểu đoàn trưởng của Triết, tôi mời hắn 1 ly, y lắc đầu nói nhỏ “Mình không phải Kinh Kha sang Tần nên không muốn chia vui trước giờ xung trận”. Hôm nay nằm gần hắn trong hoàn cảnh này, tôi hỏi hắn có lẽ khi thằng việt cộng nó chĩa súng bắt anh nó tưởng anh sẽ có giá trị bằng chiếc máy cầy và khi đó chắc anh cũng nói toàn tiếng Mỹ nên thằng con ú ớ không bắn anh đúng không? Hắn cười hề hề, thôi đi cha nội giờ này mà còn giỡn được tôi phục anh sát đất.

Sáng nay 4/4/1975 được lệnh di chuyển, họ tách rời 3 người bị thương đem đi chỗ khác, 1 chuyến xe chở thẳng chúng tôi vào trung tâm huấn luyện Lam Sơn (Dục–mỹ), và ở cách biệt với anh chị em tự nguyện trình diện đi học tâp 4 ngày. Cho đến giờ phút này, bọn bộ đội vẫn còn tử tế với tù binh Dù, hàng tháng vẫn có tiền tiêu vặt, kem đánh răng hiệu Thăng Long, 1 hộp sữa mà họ nói đó là quy chế tù binh. Và đến 1 ngày trong lúc đi làm vệ sinh 1 anh hạ sĩ và 2 anh lính lượm 1 tấm hình VC, hình để cho các tân binh bắn bia ở các quân trường, đem về chỗ ở, căng tấm hình lên, bắt đầu dùng lưỡi lê phóng vào con mắt. Đang reo hò ầm ĩ, 1 tên VC đi ngang qua thấy tấm hình của ông cố nội nó đang nhăn răng bị bọn Dù chơi đểu, chỉ 5 phút sau, anh hạ sĩ và anh đang cầm lưỡi lê chuẩn bị phóng bị đưa lên trại. Tôi an ủi anh em đừng lo, cùng lắm chúng sẽ chửi cho 1 trận. Tôi tin vì bọn chúng vẫn xuống chơi với anh em hằng đêm, tính tình, cử chỉ cho đến hành động của anh em Dù chúng đều nắm rõ. Sau 3 tiếng đồng hồ mắng chửi chúng trả họ về trại.

Hôm nay, ngày 1/5/1975 ngày lễ Lao động của khối xã hội chủ nghĩa, bọn tù binh chúng tôi đươc lệnh tập họp lên hội trường. Trong hội trường đã có hơn 800 người thuộc đủ mọi thành phần công chức, nữ quân nhân, quân đội thuộc chính quyền VNCH ra trình diện học tập mà họ gọi là tàn binh. Trong hội trường đang ồn ào bỗng nhiên im lặng khi họ thấy anh em nhảy dù đi vào và được hướng dẫn ngồi bẹp trên sân khấu. Tên chính trị viên VC giới thiệu: Hôm nay cùng học tập với chúng ta có 1 số anh tù binh nhảy dù bị bắt tại mặt trận Khánh Dương tham dự, khi hắn giới thiệu xong cả hội trường bắt đầu ồn ào, tôi nhìn thấy mọi người nhìn lên và bắt đầu chỉ trỏ. Có tiếng tên VC la lớn: “Các anh chị giữ trât tự, yêu cầu yên lặng.”

Bọn VC lúc nào cũng rình rập tìm mọi khuyết điểm để trừng trị đám hàng binh chuyên nói chuyện gẫu, kể chuyện đời xưa, xuyên tạc bài ca cách mạng, tổ chức bài bạc, ăn thua nổi nóng và họ quên rằng bên cạnh còn có những thằng tàn binh giác ngộ cách mạng quá sớm, những thằng VC được gài vào làm chó săn vừa hại mình vừa hại người. Thì đây dịp may bằng vàng đã đến, bọn chúng tập họp tất cả tù binh Dù, hàng binh ngụy và tuyên bố như đinh đóng cột kể từ nay các anh là tù binh. Một số anh em xuýt ngã xỉu vì 2 chữ “tù binh” trắng trợn này. Riêng tôi vẫn bộ đồ dù duy nhất ăn cơm tù không có ai tiếp tế.

Trại cải tạo, địa ngục trần gian có thật, nó biến con người khác chính kiến, không cùng giai cấp, trái ý thức hệ trở thành những con thú hoang dễ dạy cùng nhốt chung trong 1 cái chuồng để thuần hóa hoặc để giết dần con người mà không bị mang tiếng là chế độ khát máu độc tài cộng sản. Nó là cứu cánh của chủ nghĩa Mác lê mà các nhà nước cộng sản áp đặt có hệ thống để tiêu diệt đối kháng qua cách đày đọa con người với mỹ từ “LAO ĐỘNG LÀ VINH QUANG” mà ngay chính những người cộng sản cũng không thoát khỏi luật chơi khắc nghiệt này. Những ai chống đối sẽ bị bạo lực cách mạng banh thây, bánh xe lịch sử nghiền nát cả dòng họ 3 đời.

Hàng trăm ngàn người của chế độ VNCH đã chết thảm thiết trong các trại cải tạo vì đói triền miên, vì lạnh, vì bệnh tật, vì chống đối, vì trốn trại. Bây giờ ra hải ngoại ăn no rửng mỡ, mỡ lợn che mờ con mắt, 1 số trí thức ngu đần, một số hội đồng hương các tỉnh, hội ái hữu, hội bác sĩ, dược sĩ, với tôn chỉ chúng tôi không chống cộng, không dính dáng đến chính trị, vẫn tiếp tục tin vào cái bánh vẽ to tướng: “Độc lập–tự do–hạnh phúc” vì dân tộc, vì đạo pháp, vì muốn chứng tỏ ta đây đang đồng hành với dân tộc. Tôi còn nhớ lời của 1 tên VC nói với anh em tù binh Nhảy dù. Rồi đây bọn sĩ quan ngụy sẽ sống gần hết cuộc đời trong các trại cải tạo. Gần hết có nghĩa là gần chết mới được thả về.

Giờ này có lẽ Ba má, anh chị em tôi đã khóc khô nước mắt rồi và khi nhận 12 tháng lương chết trận, mẹ tôi vất vả đi tìm thầy bói, thầy mo, thầy cúng bất cứ ở đâu nghe đồn có “thầy” mẹ tôi đến ngay. Tội nghiệp mẹ tôi khi thấy tôi đi lính Nhảy dù, má tôi nói câu cảm động: “con đi lính Nhảy dù má hết sợ vì thứ lính này dữ lắm.”

***

 

Hôm nay 31/03/1975, Chỉ còn vài tiếng đồng hồ sẽ hết tháng 3, vận số không qua nổi, quả đúng như lời anh lính Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù nói đang lúc giao tranh, cả Pháo đội chưa biết ai còn ai mất còn hơi đâu tin chuyện bá láp nhưng tôi cũng ừ đại cho anh vui vì đang bắn phản pháo. Sau khi dứt pháo, tôi nói với người lính pha cho tôi 2 tách cà phê. Rít 1 hơi thuốc Capstan anh nói: “Tướng ông thầy rất sáng, nhưng đường binh nghiệp không kéo dài qua tháng 3 này.” Chỉ còn 3 tuần nữa sẽ hết tháng 3, thằng nói dóc không tin được.

Vậy mà anh nói đúng: “Ông thầy sẽ ra đi nhưng dù ở đâu số ông cũng sướng”. Đơn vị tôi bị đánh tan tành, bị việt cộng bắt làm tù binh, đưa vô tù cải tạo, thả về lấy vợ đẹp, gia đình êm ấm, qua Mỹ tôi cũng sướng. Thằng nói hay thật.

Ngày này đã chấm dứt cuộc đời tung hoành trên các vùng chiến thuật, từ giã chiếc mũ đỏ đã từng kiêu hãnh đội trên đầu với hai dãy băng đen phía sau, người sống để tang người chết. Bạn bè tôi nhiều người chết và bị thương nhớ sao cho hết, chỉ tội nghiệp cho những góa phụ sớm để tang chồng trong lúc tuổi đời còn quá trẻ. May mắn cho tôi cứ lo xông pha lửa đạn mà quên hẳn chuyện lập gia đình.

Cơn mưa chiều nay tuy không thấm đất nhưng cũng làm tê lạnh trong tâm hồn, nhìn những giọt mưa còn đọng đầy trên hàng lá, tự nhiên tôi cảm thấy nhớ nhà. Quá khứ như 1 cuộn phim quay lại dòng suy nghĩ miên man hiện dần trong đầu.

Ba Má có 1 đứa con đi lính nhảy dù coi như vất đi, những ngày phép dành cho gia đình quá ít ỏi làm sao nói lên được chữ hiếu.

Những người tình “Anh yêu em nhất đời” chỉ làm quên đi người tình trước nhớ người tình sau. Dòng suy nghĩ miên man kéo dài cho đến khi nhớ đến người con gái chưa hề nói “Anh yêu em nhất đời” trên đầu môi chót lưỡi, trên những trang thư tình phải có ở đoạn cuối thư. Đó là người vẫn đợi chờ mòn mỏi trong mười năm, hơn 30 tuổi nhưng vẫn còn đẹp: “Thôi mình cưới nhau đi em”.

HỒNG NGỌC ĐOÀN

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: phong cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by MĐ Nguyễn Minh Hoàng  chuyển

 

Đăng ngày Thứ Sáu, November 27, 2020
Ban kỹ thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang