Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Thời sự CĐNVQGTNCS/HN
Chủ đề:
Nhân vật Vũ Thành An
Tác giả: người lính già ó-ri-gân
(oregon)
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Trong vở hài kịch nổi
tiếng của Molière, Tartuffe ou l’hypocrite (1664), nhân vật
chính, Tartuffe, là một gã vô lại, cơ hội chủ nghĩa, được Orgon,
thuộc giới trung lưu (bourgeois), rước về nhà với sự chấp thuận
của bà mẹ mộ đạo cuồng tín, Mme Pernelle, và hai mẹ con xem gã
như một thánh sống. Trong khi, ngược lại, cả gia đình, từ Elmire,
vợ kế của ông, đến Damis, con trai, đến Mariane, con gái, đến
người anh vợ, đến cô người làm trực tính, trực ngôn, đều khinh
ghét gã. Orgon, mỗi lần đi đâu về, đều ân cần vấn an Tartuffe
trước tiên. Và dự tính gả Mariane cho gã, mặc dù cô đã có người
yêu, là Valère. Trước mọi người, Tartuffe có thái độ khiêm cung,
nói năng nhỏ nhẹ, dáng vẻ nghiêm trang, miệng lúc nào cũng kêu
tên Chúa. Một hôm, có dịp gặp riêng Elmire, gã thả lời ong bướm.
Từ phòng bên, Damis nghe được, liền báo cho bố biết, nhưng
Tartuffe chối bay chối biến và tố ngược Damis vu khống, khiến
Orgon, vì quá mê gã, bèn từ con, đuổi đi, và viết giấy tặng hết
nhà cửa, tài sản cho gã. Còn Elmire giả vờ nói với gã, sẽ không
tiết lộ việc này nếu gã chịu từ bỏ Mariane để cho cô lấy Valère.
Rồi bày mưu, hẹn gặp Tartuffe tại phòng, làm như muốn đáp lại
tình yêu của gã, nhưng trước đó, đã sắp xếp cho Orgon núp dưới
bàn, nghe hết. Orgon bèn nổi giận lôi đình, đuổi gã ra khỏi nhà,
trong khi Mme Pernelle vẫn không tin. Nhưng Tartuffe lại đuổi
ngược gia chủ, sau khi trưng ra đầy đủ giấy tờ. Vua biết được câu
chuyện, ra lệnh bắt gã. Vở kịch kết thúc có hậu cho gia đình
Orgon với tin loan báo đám cưới của Mariane với Valère.
I. Tartuffe trong bối cảnh
Portland, Oregon:
Tôi kể sơ về nội dung vở hài kịch Pháp,
thế kỷ XVII, của Molière, để nhắc đến một vở hài kịch tương tự,
đương thời, mà nhân vật là người thế kỷ XXI, đang sống giữa Cộng
đồng của chúng tôi, tức Portland, Oregon. Anh là một nhạc sĩ nổi
tiếng, đối với người Việt tỵ nạn trên thế giới, mặc nhiên trở
thành người của quần chúng (public figure), nhưng tôi tạm gọi
“không tên”, cho có vẻ lập dị như những bài hát của anh. Từ lúc
chưa thành phó tế, anh nhạc sĩ không tên này luôn cư xử với mọi
người còn hơn một nhà tu hành thứ thiệt: lễ độ, tươi cười, nhã
nhặn, dáng vẻ e ấp như cô dâu mới về nhà chồng, và nhũn như con
chi chi. Một lần, trong bữa ăn tại nhà một người bạn tôi, vốn mê
những bài không tên, anh nhạc sĩ tuyên bố rằng anh đã có lời hứa
với Chúa là sẽ không bao giờ hát và làm nhạc đời nữa. Liền sau
đó, anh cầm đàn, hát một bài sặc mùi đạo, mà anh nói mới sáng
tác. Tôi quên tựa đề, nhưng nhớ mang máng nội dung, đầy tính
tượng trưng: một người leo lên dốc đá cheo leo, trượt chân ngã
xuống mấy bận, cuối cùng cũng thành công, nhờ Chúa giơ tay dắt
lên. Và kết thúc là một coda cao vút, ngân vang như tiếng kinh
cầu, ai nghe cũng cảm động.
Nhiều lần, trước đây, bạn bè, người
quen, và đồng hương Portland, Công giáo hay không, vốn dị ứng với
anh nhạc sĩ kiêm thầy tu này, cho anh là một tên đạo đức giả
thật. Biết tôi là con chiên trong giáo xứ Mỹ mà anh đang phục vụ,
họ đã mớm ý cho, và thúc giục, tôi viết một bài tố anh ta về ba
tội: làm ăng-ten [phiên âm từ chữ antenna] trong trại tù cải tạo,
làm thầy sáu mà không thuộc giáo lý, lợi dụng tiền bá tánh để làm
giàu cá nhân... Tôi từ chối, bác bỏ những lời buộc tội mà tôi cho
hoặc quá cũ, hoặc thiếu bằng chứng cụ thể, hoặc không đủ thuyết
phục. Và qua đó, vô tình đóng vai luật sư bào chữa cho anh ta –
điều mà anh chưa hề biết. Như sau:
A. Làm ăng ten trong tù?
Tôi nói với họ rằng tôi cũng đã ở tù
tám năm ngoài Bắc, nhưng không chung trại, chung đội với anh ta,
nên không chứng kiến tận mắt, và bởi vậy, không dám lên tiếng bàn
bạc về điều gì mình không rõ, không thấy, mặc dù đã đọc nhức mắt
nhiều bài viết ký tên tác giả đường hoàng, và nghe rát tai những
tin đồn nặc danh, nửa thực nửa hư, thuộc loại tabloids, rất tiêu
cực về anh. Tuy nhiên, tôi thắc mắc, về từ ngữ, khi các tác giả,
độc giả, và tù nhân cải tạo gọi anh là ăng-ten, không biết có
đúng (lắm) không. Bởi một lý do đơn giản: hệ thống ăng-ten trong
tù được bố trí ngầm – không, hoặc khó, có ai phát giác được, và
làm sao? – và đôi khi ăng-ten chính là thằng bạn tù tử tế, hiền
như ma sơ, nằm cạnh bên. Thông thường, bọn ăng-ten được giao phó
nhiệm vụ theo dõi và báo cáo, một cách bí mật, cho cán bộ trại về
những hành động, và tư tưởng, của đồng đội, đặc biệt âm mưu trốn
trại –là điều mà bọn cai tù lo sợ nhất. Nhưng để lập công, chúng
báo cáo, hoặc bịa ra, đủ thứ chuyện, thượng vàng hạ cám, kể cả
thở dài trong đêm, ngủ gật trong giờ “học tập”, hay lén hôn vợ
trong nhà thăm nuôi, v.v.
Riêng anh nhạc sĩ, qua lời của nhiều
nhân chứng, có thời gian được cử làm thi đua, và đội trưởng một
đội, với nhiệm vụ báo cáo một cách công khai, hợp pháp, về người
và việc trong trại, trong đội, và mặc tình hành hạ đồng tù. Tôi
nghĩ, đã là công khai thì không còn bị gọi ăng-ten nữa. Phải
chăng vì hành động hắc ám, muốn lấy điểm với cai tù, mà anh đã bị
những nạn nhân và nhân chứng quen miệng gán cho cái nickname
ăng-ten, là danh xưng nặng nề và bỉ ổi nhất, mặc dù về hậu quả,
tội làm ăng-ten hay làm đội trưởng, mà ác ôn, cũng ngang nhau,
bên tám lạng bên nửa cân? Hoặc giả, có thể ở trại này, anh ta làm
ăng-ten, ở trại nọ, làm đội trưởng ác ôn? Hoặc có thể ở cùng một
trại, có lúc anh làm đội trưởng ác ôn, có lúc làm ăng-ten, cho
nên lẫn lộn về chữ dùng chăng?
B. Làm thầy sáu dỏm?
1. Năm 1992, tôi đang nghỉ hè ở San
José. Anh nhạc sĩ không tên, lúc ấy mới qua Mỹ, dự định tổ chức
buổi tái ngộ với những fans của mình trong một hội trường gần đó
và anh ta bị một số cựu quân nhân cảnh cáo, tẩy chay, và dọa hành
hung, và cửa hội trường bị họ chận, cấm không cho ai vào dự, bởi
bất mãn với thành tích “ăng-ten” của anh. Cho nên, tôi biết rất
rõ. Anh bèn chạy lên Portland, để tỵ nạn. Tại đây, theo tin đồn
miệng, hay phổ biến trên Mạng, nhưng không ai dám xác nhận: đầu
tiên, anh ta vô chùa xin quy y. Bị chùa từ chối, anh bèn nhảy
sang nhà thờ Tin Lành. Bị từ chối nữa, anh chưa biết đi đâu, thì
bất ngờ được tiến cử lên LM chánh xứ La Vang bởi những người thân
cận của ông. Biết anh là nhạc sĩ nổi tiếng, LM chánh xứ nhận
ngay, cho vào ca đoàn và sau giữ chức “sứ vụ tông đồ mục vụ” (?),
nhưng anh rất mù mờ về giáo lý, khiến giáo dân bàn tán, khó chịu.
Về sau, không biết bằng cách nào, anh thuyết phục được ông LM
chấp thuận cho học làm thầy sáu, mà không qua thủ tục bắt buộc
cho tất cả ứng viên phó tế khác: phải đi học lấy bằng MA về Thần
học (theology) tại University of Portland. Vì kém Anh văn, lại
không có BA ở Mỹ, anh được Tòa Tổng Giám Mục Portland –thời đó,
còn quá dễ dãi– châm chước cho tham dự các lớp Kinh Thánh căn bản
do giáo phận tổ chức và học thần học “hàm thụ” tại chỗ với một LM
trẻ, đệ tử của LM chánh xứ, và với sự giúp đỡ làm homework của
một giáo viên dạy giáo lý tại La Vang. Năm 2001, anh được phong
chức phó tế. Theo thiển ý, anh làm thầy sáu ngang, tức là
[đi]
tắt, cũng như làm quan tắt, chứ không phải làm thầy sáu chui hay
dỏm, như dư luận dị nghị. Lúc ấy, LM chánh xứ đã đổi đi và một LM
khác lên thay, và với ý kiến của giáo dân, ông cha xứ mới này từ
chối, không nhận anh về giáo xứ La Vang, mặc dù đang rất cần một
phó tế người Việt.
2. Rồi thầy sáu Việt Nam này được Tòa
Tổng Giám Mục Portland bổ nhiệm về phục vụ một giáo xứ Mỹ, từ
2001 cho đến hôm nay.
a. Trong buổi lễ chiều Chúa Nhật, có
tôi, anh được cha xứ Mỹ mời đứng lên tự giới thiệu, trước giáo
dân Mỹ và thiểu số, gồm khá đông người Mễ, Phi, Nga... và lèo tèo
vài bổn đạo Việt Nam. Vì thế, anh tha hồ bốc phét, khiếp quá, tuy
không ác liệt như kho đạn Long Bình, hoặc văng miểng tới mây xanh
như vài vị thuộc hàng cự phách trong Làng Nổ Oregon, về thân thế
và lý lịch. Anh ta nói, và tôi còn nhớ rõ, tuy là một Trung úy
Phật tử, nhưng anh đã có ơn gọi đi tu theo Công giáo, từ lúc còn
ở Việt Nam trước 1975, sau khi một cô bạn gái dạy anh học kinh
Kính Mừng, và đi đánh trận [hồi nào?], nhờ đọc kinh Kính Mừng,
anh đã nhiều lần thoát chết, và sau 1975, trong tù VC, cũng nhờ
đọc kinh ấy, anh đã khỏi bệnh mất ngủ [sic]. Nào là qua Mỹ, bị
bệnh gần chết, anh đã nhờ Chúa và Đức Mẹ Maria cứu khỏi. Nào là
anh có bằng Cử Nhân Luật ở VN, đặt nhạc trữ tình, nhưng, anh
thêm, với thiên chức thầy sáu, từ nay anh sẽ quên đi “quá khứ sai
lầm” đó. Nào là, động trời hơn, chức vụ cuối cùng của anh, trước
ngày Sài Gòn sụp đổ, là chỉ huy Bộ Thông Tin của chính phủ Miền
Nam và dùng chữ minister –bởi, tôi tự hỏi, anh cố tình nổ sảng
hay không hiểu chữ đó có nghĩa “bộ trưởng”? Nào là anh bị giam
nhiều năm tại những trại tù khắc nghiệt của VC, và ở đó được bạn
bè rửa tội cho... Giáo dân Mỹ tò mò lắng nghe, không phản ứng,
một phần vì lịch sự, một phần vì không ở trong chăn nên anh nói
hươu nói vượn gì cũng tin tuốt luốt, một phần vì chỉ hiểu lõm
bõm, cũng như tôi, tiếng Anh đầy accent An Nam Mít của anh.
b. Trung bình mỗi tháng, anh đến nhà
thờ một lần để phụ giúp cha xứ làm lễ, và mỗi lần, trước và sau
lễ, thấy tôi, anh ta gật đầu chào, và ngược lại, nhưng không bắt
tay nhau, bởi mặc cảm từ cả hai phía. Tiếp xúc với anh, tôi cảm
thấy khó thoải mái, nếu không muốn nói khó chịu, vì cử chỉ và lời
ăn tiếng nói, khiêm nhường, hay nhún nhường quá đáng, của anh, có
cái vẻ gì đó không thật, nếu không muốn nói giả tạo, làm tôi nghĩ
đến vở kịch và nhân vật của Molière. Càng khó chịu hơn khi, sau
này, nghe tin về một phép lạ, được ai đó đồn ầm trên báo và Mạng
Việt Nam, đã xảy ra cho cặp kính mát của anh, nghĩa là giơ nó lên
ánh mặt trời người ta thấy có hình Đức Mẹ hiện ra rõ ràng. Phép
lạ nhảm nhí, lố bịch đó, ít lâu sau, không còn được ai nhắc nữa,
nhưng nhiều người vẫn nhớ, để kể lại với ít nhiều châm biếm, mỉa
mai.
C. Làm
giàu từ những hoạt động từ thiện?
(xem quảng cáo)
Tòa Tổng Giám Mục Portland và cha chánh
xứ cho anh thời gian rộng rãi để lo cho Hội Từ Thiện, mà anh sáng
lập năm 2005, và quảng cáo rầm rộ trong một flyer (đính kèm).
Phải công nhận anh điều hành Hội một
cách khoa học và qui mô, gồm cả việc bán điện thoại V247 và dược
thảo chữa bách bệnh (trong đó có thuốc “tăng cường hạnh phúc gia
đình”) và đã kiếm được tiền một cách hợp pháp, ít ra theo giấy tờ
và báo cáo. Được tờ The Sentinel của Giáo phận và cha xứ nhiệt
liệt ca ngợi, và anh mặc nhiên trở thành thầy sáu cưng của Tòa
Giám Mục Portland. Thậm chí, cũng năm ngoái, 2016, cha xứ đã đi
Manila, Philippines làm từ thiện, cùng với anh ta.
Có một điều làm đồng hương chê bai:
thành công như thế, nhưng anh không bao giờ tham gia sinh hoạt
Cộng Đồng, không đóng góp tài năng hay tài chánh cho Cộng Đồng
khi cần. Nhưng sau hai mươi năm, vẫn né, vẫn núp dưới chiếc veste
đen và cổ cồn trắng, và những ngày Chúa Nhật, dưới lễ phục –được
sử dụng như một áo giáp vững chắc. Và rất tự tin, tưởng rằng
người ta đã quên.
Nhưng người ta vẫn nhớ. Tôi thành thật
nói với những kẻ còn căm ghét anh rằng, dù có tội gì chăng nữa,
anh đã cải tà qui chánh và chọn con đường tu rồi thì hãy cho anh
ta một cơ hội làm lại cuộc đời. Bằng cách để yên cho anh tu hành,
leave him alone, như người Mỹ thường nói. Và tôi im lặng. Kiên
nhẫn chờ đợi, và cầu mong, một ngày anh sớm thành “chánh quả”.
II.
Áo gấm về làng:
Đùng một cái, có tin anh nhạc sĩ kiêm
thầy tu này trở về Việt Nam làm một tua ra mắt và bán sách
(Chuyện tình không tên) viết kể lại chuyện tình “hàm thụ” ngày
xưa một cách vô duyên, lẩm cẩm, vớ vẩn (đối với một người trên
bảy bó, quá tuổi hồi xuân, nếu không vớ vẩn, lẩm cẩm, vô duyên
thì còn là cái gì?), đồng thời tổ chức hát những bài không tên cũ
rích, cùng với những ca sĩ hải ngoại cóc nhái, vô liêm sỉ, mùa
chay nào cũng có nước mắt, cộng với vài ca sĩ lô-can
[phiên âm từ
chữ "local"] quốc nội, suốt tháng 8 này, tại Hà Nội, Đà Nẵng, Qui
Nhơn, Quảng Ngãi, và Sài Gòn. Tin được tung ra, chuyền đi nhanh
như tên bắn, làm mọi người sửng sốt, thất vọng, nhưng không ngạc
nhiên, vì bản chất là bản chất, ở đây, giả dối, và, như VC nói,
không bao giờ thay đổi. Đối với anh ta, vấn đề chỉ là thời gian
cho vở kịch bịp bợm, có lớp lang, dài đến hai mươi năm, hạ màn,
trót lọt.
Hôm
nay, tôi không còn chọn lựa, vì anh nhạc sĩ kiêm phó tế này đã
vượt qua lằn ranh đỏ (red line). Nhìn những bức ảnh của anh chụp
ngày 28/7 tại phi trường Nội Bài, và phổ biến tràn ngập trên
Mạng, mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao, hớn hở, khác xa hồi mới
đến Portland, vào đầu thập niên 90, còn lẻ loi, lêu bêu, bèo
nhèo, và cười nói tươi rói với các ca sĩ địa phương, bạn bè và
thân nhân ra đón, tặng hoa, níu lấy tay, khiến những người tỵ nạn
chống VC và các cựu tù binh cải tạo hiện ở hải ngoại không khỏi
thấy ngứa mắt và ứa gan.
Mặt nạ rơi xuống, anh ta hiện nguyên
hình một Tartuffe bằng xương bằng thịt đã đóng vai trò của mình
quá xuất sắc, và bây giờ, cụ thể hơn, đã trở thành một công cụ
ngu ngốc, nhưng hãnh diện, của VC, trong việc thực thi Nghị quyết
36, cũng như hơn bốn mươi năm trước, tại các trại tù, trong việc
đối xử ác độc với các sĩ quan VNCH đồng đội của anh. Vì sao?
1. Thời điểm trở về (tự nguyện, hay
được VC mời dụ?) của anh rất phù hợp với “ý đồ” và kế hoạch thâm
độc của VC và tình thế hiện tại trong nước. Xin nhắc, tháng 8 là
tháng VC kỷ niệm Hà Nội khởi nghĩa (19/8/1945), còn gọi là “Cánh
mạng tháng 8”. Không phải bởi trùng hợp, ngẫu nhiên, hay tự phát,
mà có đến hơn hai trăm người dân (ở không, rảnh quá sao?), được
gọi là fans, đội mưa hàng giờ để đón nhạc sĩ thần tượng, tại phi
trường, theo tin báo chí quốc nội –một vinh dự hãn hữu mà từ
trước đến nay, không có Việt Kiều nào được nhận lãnh... VC là một
lũ lưu manh, xảo quyệt, biết tận dụng mọi thủ đoạn. Khi cần đàn
áp biểu tình, hay đập phá nhà thờ, tu viện, chúng điều động hàng
trăm côn đồ, thay vì công an, và tuyên bố đó là “hành động tự
phát” của nhân dân. Làm sao có một “hành động tự phát” nào dưới
chế độ độc tài, đảng trị hiện nay, mà không được bọn lãnh đạo cho
phép, sắp xếp, cổ võ, hoặc ngược lại, mà không bị ngăn chận,
trừng phạt, đàn áp dã man?
Vai trò của anh này rất cần thiết cho
VC trong giai đoạn và bối cảnh hiện tại bởi anh ta là một phó tế
Công giáo và một nhạc sĩ nổi danh. Nhất cử lưỡng tiện. Như sau:
a. Về mặt nổi, anh ta trở về trong tư
cách nghệ sĩ trình diễn, được nhiều người hâm mộ tiếp đón –theo
dàn dựng của VC, là chuyện thường tình đối với công luận. Ngoài
ra, VC ngu gì mà không biết anh là cựu sĩ quan bị tù cải tạo nổi
tiếng, nhưng vẫn cho phép về trình diễn, mà không qua thủ tục
kiểm duyệt khắt khe, cấm cản gì ráo, không bắt “cởi quần áo khám
nghiệm” như những ca sĩ, nhạc sĩ hải ngoại khác (nghĩa bóng) về
nước trình diễn, hay những cô gái quê (nghĩa đen) muốn lấy chồng
Đại Hàn, Đài Loan, kể cả những thằng người nửa điên nửa khùng,
đui què sứt mẻ. Qua việc dành mọi ưu đãi cho anh nhạc sĩ này,
phải chăng chúng muốn tuyên truyền, một lần nữa, chính sách “hòa
hợp hòa giải”, “xóa bỏ hận thù” bịp bợm, mà chúng đã khổ công
khua chiêng gõ mõ ầm ĩ, nhưng vẫn thất bại, suốt bao năm qua?
b. Về mặt chìm, là phó tế, anh bị dùng
như một đối trọng (contrepoids) với những vị linh mục và giáo dân
dũng cảm trong nước, từ mấy tháng nay, đã và đang ngày đêm xuống
đường biểu tình chống tập đoàn Formosa và bọn lãnh đạo tham nhũng
bán nước cầu vinh, cũng như, ở hải ngoại, chúng đang sử dụng
những linh mục trẻ, quốc doanh, bố lếu bố láo, hay giả mạo, tại
Texas, Florida hay Connecticut –đã lợi dụng bục giảng để công
khai tuyên bố những lời mất dạy về VNCH và Ngày Quốc Hận 30/4.
Cho phép một nhà tu hành Công giáo, dù chỉ là phó tế, chức nhỏ
nhất trong hàng giáo phẩm, về nước ca hát, VC muốn chứng tỏ cho
cả thế giới thấy rằng chúng không kỳ thị tôn giáo, và qua đó, và
cùng với sự im lặng của Hội đồng Giám mục Việt Nam, chúng có thêm
đồng minh và phương tiện để tiêu diệt một cách tinh vi và mạnh mẽ
hơn những linh mục và giáo dân đang biểu tình phản kháng chúng.
Đã không ủng hộ họ thì chớ, mà vô tình (hay nhận lệnh) anh thầy
tu tắt này cũng không nhiều thì ít đã đồng lõa, tiếp tay triệt
tiêu sự chiến đấu đầy chính nghĩa của họ, trước công luận?
2. Ngoài ra, khi về VN trình diễn nhạc
đời, mà là nhạc tình sa đọa, đương nhiên anh ta đã tự lột bỏ chức
thánh cao quý và chiếc áo tu hành mà anh, một Xuân Tóc Đỏ mới, đã
may mắn vớ được –đã tạm thời che chở anh trước cơn thịnh nộ của
những đồng hương tỵ nạn và các sĩ quan tù nhân cải tạo, một thời
là nạn nhân trực tiếp, hay gián tiếp, của anh.
Thêm nữa, phải chăng vì chóa mắt trước
danh và lợi, và lòng trần chưa dứt bỏ được tham sân si, anh ta đã
vi phạm trầm trọng lời thề hứa, với Chúa, mà trong vai trò
Tartuffe, anh thường lớn tiếng rêu rao, khi có dịp, là từ bỏ
những bài trữ tình, dù có tên hay không tên, của anh?
Nhân tiện, NLGO tôi, trong tư cách một
khách thưởng ngoạn, xin có lời bàn nhỏ về những bài không tên:
nhạc thì ủy mị, rên siết, sướt mướt, nghĩa là tầm thường, và nội
dung bài nào, nhất là bài không tên cuối cùng, cũng xúi giục
người đàn bà có chồng ngoại tình, trong tư tưởng, với thằng bồ cũ
rất bựa, rất nham nhở, rất cà chớn và rất độc ác đã công khai
khoe khoang thành tích chơi gái, không biết giữ gìn thanh danh,
bảo vệ hạnh phúc gia đình cho người đã (lỡ dại) trao thân cho nó.
Tôi thực tình không hiểu nổi, về mặt nghệ thuật, và nhất là đạo
đức, não trạng nào đã khiến người ta, ở hải ngoại hay trong nước,
có thể mê mẩn những bài hát có nội dung vô luân đến thế, đến nỗi
phải tiến cử anh ta học làm thầy sáu, hoặc phải đứng hàng giờ
dưới mưa, chờ đón anh ta trở về nước, hoặc phải tranh nhau để
được hát chung trong cuộc lưu diễn này. Trước 1975, chẳng hạn,
một con bé hàng xóm của tôi, mới mười tuổi, thường nghêu ngao hát
những câu, “mưa bên chồng có làm em khóc... có làm em nhớ những
khi mình mặn nồng...”. Đúng là bệnh hoạn!
Tôi nghĩ rằng Tòa Tổng Giám Mục
Portland và cha xứ họ đạo Mỹ chưa biết mục đích thật sự về VN lần
này của anh. Nhưng tôi tin rồi họ cũng sẽ biết, kể cả việc làm
“ăng-ten”, bức hại đồng đội trong tù, và việc rửa tội chui, còn
là một nghi vấn đối với nhiều người. Vì tôi tin vào công lý tuyệt
đối của Thiên Chúa, hay luật nhân quả (karma) trong đời thường.
Còn anh dại gì mà khai thật. Họ cứ tưởng anh về VN lần này, cũng
như mọi lần trước (và chắc chắn đã được nêu lên trong đơn xin
phép của anh), là để làm từ thiện.
III. Thay cho lời kết:
Có lẽ sau bài viết này, tôi sẽ phải đi
lễ tại một nhà thờ khác trong khu vực. Lý do duy nhất là để tránh
nhìn thấy bộ mặt tởm lợm của một kẻ mà từ nay sẽ tiếp tục là chỗ
trú ẩn an toàn cho sự lừa bịp và gian dối hóa thân. Một Tartuffe
thời đại, mà những hành vi vừa qua tại Việt Nam có hậu quả rất
khốc hại và lâu dài trên cả nước –còn tồi tệ hơn chính nhân vật
đạo đức giả trong vở kịch của Molière.
Portland, 24/8/2017strong>
NLGO
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Hình quảng cáo Hội từ thiện của nhân vật Vũ Thành An
HẾT
Những
trang liên hệ
BIẾT RỒI, KHỔ LẮM, NÓI MÃI...
Trịch Thượng - Lộng Ngôn - Buôn Thần Bán Thánh
Thày Sáu Không Tên
Màn
kịch đã hạ
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: Bộ Huy hiệu Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E-mail by Nguyễn Quốc Đống chuyển
Đăng ngày Chúa Nhật, August 27, 2017
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang