|
Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
Sưu
Tầm
Chủ đề:
Âm Nhạc Miền Nam * QH-30-T4-Đ
Tác giả: Cao Đức Tuấn
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Lời tác giả: Âm nhạc miền Nam trước ngày 30-4-1975
là một kho tàng nghệ thuật phong phú của Việt Nam, cho thấy mức sáng
tạo tuyệt vời, tinh thần tự do và nhân bản, phản ảnh tình người,
củng cố niềm tin, nhắc nhở tình thương yêu, và tô điểm lòng ái quốc
của người miền Nam. Tôi lựa ra 304 bài hát mà tôi rất ưa thích và
dùng nhan đề và các trích dẫn ngắn của những bài hát này, lồng vào
câu chuyện về cuộc đời, tình người, và quê hương, để đánh dấu ngày
30 tháng 4. Tôi chỉ chú trọng đến nội dung qua nhan đề của các bài
hát và không đề cập đến các khía cạnh âm nhạc (thí dụ: giai điệu,
tiết tấu), lời ca (thí dụ: cách dùng chữ, kỹ thuật), và tác giả. Một
số rất ít bài được viết trước năm 1954 ở miền Bắc, nhưng được lưu
hành rộng rãi ở miền Nam, và do đó được coi như thuộc về âm nhạc
miền Nam. Hẳn nhiên tôi có nhiều thiếu sót, nhưng tôi nghĩ những ca
khúc này thể hiện sức mạnh vô bờ bến tiềm tàng trong âm nhạc miền
Nam. Sức mạnh này vẫn còn mãi, nếu không muốn nói là ngày càng lớn
mạnh.
Cao Đắc Tuấn
Link:
https://www.youtube.com/watch?v=iastv7jSmpw
Hầu như bất cứ ai sinh sống trong miền Nam
trước ngày 30-4-1975 cũng nhận ra những ca khúc miền Nam thời ấy nói
lên cuộc sống họ trên các giai đoạn và khía cạnh của cuộc đời trước
ngày cộng sản chiếm đóng miền Nam vào ngày 30-4-1975. Đó là vì lời
ca tiếng nhạc miền Nam trước ngày 30-4-1975 là bài Hương ca vô
tận ru vào lòng người “những lời yêu đương,” “chuyện tình gãy gánh
giữa đường,” “nỗi buồn quê hương,” hay “mưa giăng thác đổ
đêm trường.” Âm
nhạc miền Nam còn có những tình ca quê hương diễn tả “quê hương tôi
ấp ủ Trường Sơn, quê hương tôi là đây nước chảy xuôi nguồn, sông cát
dài biển xanh Thái Bình.” Tiếng hò của hội trùng dương kết hợp tiếng
sông Hồng, tiếng sông Hương, và tiếng sông Cửu Long, “ba chị em là
ba miền, nhưng tình thương đã nối liền, gặp nhau bên trời biển Đông
thắm duyên...”
Tôi
không bao giờ quên những ngày xưa thân ái trong quãng thời gian tôi
sống trong miền Nam, từ tuổi thơ, tuổi học trò, tới tuổi yêu đương
và tuổi trưởng thành trong thời chiến tranh.
Link:
https://groups.google.com/forum/#!topic/banvang/6pVpm84-iuk
Ba mẹ tôi là người Bắc. Khi ba tôi gặp mẹ
tôi, thấy mẹ tôi là cô Bắc Kỳ nho nhỏ và có nét hiền lành, nên có
lòng thương yêu, và hai người lấy nhau. Ba mẹ tôi di cư vào Nam vào
năm 1955, khoảng 6 tháng sau ngày Hiệp Định Geneva năm 1954. Như
những gia đình theo chuyến đò vĩ tuyến hoặc con tàu khổng lồ chuyên
chở dân di cư vào Nam, gia đình chúng tôi là một phần của đoàn người
lữ thứ trốn chạy cộng sản vì “miền Bắc giờ đau thương tràn khắp đồng
sâu.” Đối với ba mẹ tôi, nỗi lòng người đi của hai người bấy giờ là
chỉ muốn thoát ly chế độ cộng sản tìm cuộc sống thanh bình tự do cho
gia đình. Sau này, ba mẹ tôi rất ngạc nhiên khi biết có những người
vợ ở trong miền Nam khắc khoải trong giấc ngủ cô đơn hàng đêm trông
chờ chồng tập kết ra Bắc trở về, kêu gọi “người bên vĩ tuyến, xin
nhớ quay về khung trời miền Nam sống trong tình thương.”
Ba mẹ tôi không vào thẳng Sài Gòn, lúc đầu
cư trú ở Đà Nẵng, Nha Trang, sau cùng mới định cư ở Sài Gòn cho tới
tháng 4 năm 1975. Vì còn quá nhỏ, tôi có rất ít trí nhớ về Đà Nẵng
và Nha Trang, “miền quê hương cát trắng.”
Mẹ tôi là một cô gái quê không được cho đi
học, nhưng mẹ tôi đã cho chúng tôi, và nhất là tôi, một mối tình ca
sâu đậm về tiếng Việt, khiến “tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra
đời.” Nếu tôi có chút khả năng và ý thích về nghệ thuật, văn chương,
và thi ca, đó là có từ mẹ tôi. Ba tôi rất nghiêm trong việc dậy dỗ
con cái trong khi mẹ tôi lúc nào cũng chiều các con, và lo lắng cho
các con mọi chuyện từ quần áo, ăn uống, thuốc men, đến học hành,
sách vở. Nếu anh em chúng tôi có được chút gì ngày nay, đó cũng là
do ơn nghĩa sinh thành vĩ đại của ba mẹ tôi. Tôi không nhớ tuổi đời
mẹ tôi chồng chất như thế nào, nhưng qua bao năm tháng, nhất là từ
khi sang định cư ở Hoa Kỳ, tôi càng biết rõ mẹ tôi “tóc xanh nhuộm
bạc tháng ngày,” và “bao năm nuôi đàn trẻ thơ nhỏ dại, cầu mong con
mình có một ngày mai.” Mỗi lúc dưới ánh đèn khuya, tôi “nhớ khi mẹ
lo sớm chiều, nhớ nụ cười khi nâng niu, đôi tay run run ánh mắt dịu
hiền.” Mẹ tôi tuổi con gà, lại càng làm tôi nghĩ đến hình ảnh bà mẹ
quê với:
“vườn
rau, vườn rau xanh ngắt một mầu;
có đàn, có
đàn gà con nương náu;
mẹ quê, mẹ quê vất vả
trăm chiều;
nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt
chiu.”
Link:
https://www.youtube.com/watch?v=cQb61QZCnkw
Ba mẹ tôi và tôi định cư tại Hoa Kỳ từ năm
1975 khi tôi đã trưởng thành, nhưng tôi nhớ mãi những kỷ niệm với mẹ
tôi những ngày tôi còn bé ở Việt Nam. Tôi thường tưởng tượng hình
ảnh quê mẹ “nơi chốn xưa có người mẹ hiền, tóc màu hoa bạc chiều
chiều mắt ngấn lệ vì con” và vui mừng khi còn bông hồng cài áo. Giờ
đây bông hồng không còn trên áo nữa nhưng tôi không thể nào quên
được lòng mẹ “bao la như biển Thái Bình dạt dào” với tình thương yêu
con cháu vô bờ bến.
Khi tôi lớn hơn, ý nghĩa chữ “mẹ” không
còn hạn hẹp trong căn nhà tôi ở, mà còn bao trùm toàn thể đất nước.
Lối về đất mẹ là “đường xưa còn ấp ủ bóng trăng gầy” và “mẹ ơi chỉ
còn đất mẹ mà thôi.” Tôi rất thích nghe mẹ tôi ru vì nghe như tám
điệp khúc với lời thề “Mẹ Việt Nam ơi! con xin ghi xin khắc nguyện
lời thề.” Những đóa hoa cài mái tóc khiến “Mẹ Việt Nam mắt ngời sáng
quắc.” Mẹ Việt Nam không chỉ là mẹ sông hồ, mẹ núi non, mà còn là Mẹ
trùng dương “cho con luôn luôn tôm to cá lớn tươi ngon đầy thuyền.”
Ngay cả tên nước Việt Nam! Việt Nam! cũng gắn bó với nôi bên mẹ vì
“Việt Nam Việt Nam nghe từ vào đời, Việt Nam hai câu nói bên vành
nôi.” Càng lớn lên trong miền Nam, tôi càng phát huy niềm hãnh diện
về đất nước Việt Nam quê hương ngạo nghễ với những hình ảnh kiêu
hùng của “máu ta từ thành Văn Lang dồn lại, xương da thịt này cha
ông ta miệt mài.”
Link:
https://groups.google.com/forum/#!topic/banvang/zwfqoVD0JZU
Tuổi thơ quả là một thiên đường. Dù không
sống ở vùng quê, tôi thường vẽ ra cảnh tượng tôi là em bé quê, ngất
ngưởng trên mình trâu nghêu ngao, “ai bảo chăn trâu là khổ, chăn
trâu sướng lắm chứ.” Tết Trung Thu là dịp vui đùa, khi đêm đến, tôi
và mấy đứa bạn rước đèn tháng tám quanh xóm, chỉ chỏ lên thằng cuội
trên trời, “bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già ôm
một mối mơ.”
Từ
lúc còn nhỏ, tôi đã biết đến những chuyện cổ tích và huyền thoại về
đất nước Việt Nam. Một mẹ trăm con là “truyện cũ trong tích xưa” với
“năm mươi con vượt đồi non” và “năm mươi con dọc Trường Sơn.” Tôi bị
mê hoặc bởi tích Hòn vọng phu về người vợ “bao nhiêu năm bồng con
đứng đợi chồng về” và những câu chuyện kỳ bí như chuyện tình Ngưu
Lang Chức Nữ và thiếu phụ Nam Xương. Các câu chuyện lịch sử ghi khắc
trong tâm khảm tôi mạnh mẽ. Tôi nhớ các trận trên Bạch Đằng Giang,
con sông “hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng.” Vào lớp Nhất tiểu học
(lớp 5), trường tôi tổ chức một buổi văn nghệ trong đó có màn nhạc
kịch về Hội Nghị Diên Hồng với diễn viên là học sinh trong trường.
Tôi hừng chí khi nghe mấy đứa bạn trên sân khấu đồng thanh quát to
“Hy sinh” sau câu hỏi “Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?”
Học đường là nơi dậy dỗ tôi nên người và
giúp tôi phát huy trí tuệ, đạo đức, và tình yêu thương đất nước.
Trong suốt các năm tiểu học, chúng tôi hát Quốc Ca, bài “Tiếng gọi
công dân” với giai điệu hùng hồn và lời kêu gọi thiết tha. Lên trung
học, chúng tôi chào cờ và hát quốc ca ngay giữa sân trường mỗi sáng
thứ hai cho những lớp học buổi sáng. Lá cờ vàng ba sọc đỏ in đậm
trong tâm khảm tôi từ đó. Tinh thần yêu nước được củng cố vào giờ
thể dục khi chúng tôi đồng ca bài “Khỏe vì nước” với lời kêu gọi:
“Thanh niên ơi,
hồn thiêng núi sông đợi chờ!
Nơi tay ta
toàn dân ngóng trông từng giờ...”
Khi lên trung học, trong cảnh chiến tranh
nhiều đứa bạn tôi bỏ học, gia nhập quân đội. Có nhiều kỷ niệm trường
cũ tình xưa, khi trở về trường cũ để biết
“bạn cũ xa rồi,
có người về đất buông xuôi,
năm ba đứa bạt
phương trời,
hai thằng chờ đầu quân năm
tới...”
Học đường
còn là nơi tôi có những mối tình nhỏ bé. Thực ra, ở tuổi học trò,
tình yêu thường được chớm nở trong tuổi dậy thì cho tới Đại Học. Ở
tuổi mười ba, cũng có thể có tình yêu khi “áo nàng vàng anh về yêu
hoa cúc, áo nàng xanh anh mến lá sân trường.” Hầu như ai cũng có dịp
đi qua con đường tình ta đi và các chàng trai kêu lên “hỡi người
tình Văn Khoa,” “lá đổ để đưa đường cho người tình Trưng Vương,” và
“hỡi người tình Gia Long.”
Link:
https://groups.google.com/forum/#!topic/banvang/asAs2LgCDzk
Thực ra, với tôi, mối “tình” đầu của tôi
không xảy ra ở trung học hay đại học, mà xảy ra ở tiểu học. Tôi
“yêu” một cô gái lúc tôi 9 tuổi. Tôi gặp em khi đi học lớp hè. Giây
phút đầu tiên tôi gặp em trong lớp, tôi ngây ngất vì em có tóc mai
sợi vắn sợi dài và làn da trắng. Tôi không bao giờ dám nói chuyện
với em, một phần vì em học trên tôi một lớp, một phần vì tôi quá
nhút nhát. Một hôm, khi thầy cho tan học sớm, tôi lẽo đẽo đi theo em
về nhà để điều tra nhà em ở đâu, y như trong cảnh ngày xưa Hoàng
thị. Quãng đường dài độ hai cây số. Khi sắp về đến nhà, em rẽ vào
một khu cư xá, nhưng tôi nhát quá nên không dám đi theo vào khu cư
xá. Thế rồi, lớp học hè mau chóng hết. Ngày cuối cùng, ông thầy cho
phép đám học trò ăn uống ca nhạc. Em hát bài “Nếu hai đứa mình.” Tôi
cứ nghĩ đến câu “nếu hai đứa mình không về cùng chung lối đường”
trong bài mà cảm thấy rộn niềm vui. Sau buổi tíệc cuối cùng đó, tôi
không còn gặp em nữa. Trong suốt hơn mười năm sau đó, tôi thường đi
trên con đường xưa em đi và qua khu cư xá, hy vọng gặp em đi ra,
nhưng cho tới ngày tôi rời Sài Gòn, con đường còn đó, mà bóng dáng
em vẫn bặt tăm. Tôi nhớ mái tóc em dài quá vai và tự hỏi về đâu mái
tóc người thương. Ngay cả cho đến bây giờ, quá nửa thế kỷ, nghìn
trùng xa cách, thỉnh thoảng tôi vẫn thắc mắc không biết em bây giờ
ra sao.
Nhà tôi ở
trong một ngõ rẽ từ một đại lộ. Tôi có được diễm phúc là hàng xóm
quanh nhà tôi có nhiều cô gái đẹp. Có cô láng giềng tuyệt đẹp có làn
da trắng bóc đã khiến “tôi mơ trời xuân bao tươi thắm, đôi mắt trong
đen màu hạt huyền, làn tóc mây chiều cùng gió ngàn dâng sóng.” Thế
rồi, thời gian trôi qua, gia đình cô dọn đi nơi khác, khiến anh em
chúng tôi tiếc rẻ vô vàn. Các cô khác trong xóm rồi cũng dần phai
mờ, có người có bồ, có người dọn đi. Ngoài các cô hàng xóm, tôi cũng
để ý các cô hàng nước, cô bán cuốn bò bía đầu ngõ nhà bạn tôi. Tuy
tôi chẳng có chuyện tình nào với họ, các cô gái xinh đẹp này cho tôi
những xúc cảm đậm đà đầu tiên về tình cảm trai gái.
Khi ba tôi cho tôi lái xe gắn máy, tôi bắt
đầu nổi loạn. Tuy nhiên, ban đầu tôi vẫn nhút nhát, chỉ dám gác cổng
các trường nữ nhìn các cô nữ sinh tan học mà không dám tán tỉnh. Thế
rồi, tôi thay đổi dần dần và trở nên bạo dạn hơn. Tôi theo đuổi một
cô nữ sinh Trường Nguyễn Bá Tòng, sau này chuyển sang Trường Lê Văn
Duyệt. Nàng không thật đẹp, không có cặp mắt như đôi mắt người Sơn
Tây “u uẩn chiều luân lạc,” nhưng nàng có nét dịu dàng thùy mị của
một cô gái miền Nam thuần túy. Tôi lẽo đẽo theo nàng cả tháng trời
đến độ ghi nhớ bảng số xe gắn máy của nàng cho đến bây giờ, mê mệt
tự hỏi bao giờ biết tương tư. Nàng biết tôi đi theo nhưng gặp nhau
làm ngơ dù nàng và tôi “chung một đường, kẻ trước, người sau” cả
tháng trời. Sau cùng, tôi thu hết can đảm chận xe nàng tại góc gần
nhà nàng, cạnh con đường nhà nàng thơ mộng rạp lá, lắp ba lắp bắp
ngỏ lời đầu tiên với nàng. Có lẽ sự vụng về của tôi động được lòng
nàng. Thế là từ đó, nàng là người yêu chính thức của tôi và con
đường nhà nàng trở thành con đường mang tên em.
Link:
https://www.youtube.com/watch?v=24eFvW9SsZc
Trong giai đoạn đầu, những chuyện hẹn hò
với nàng khiến tôi than vãn, “Hẹn chiều nay mà sao không thấy em,
gió hiu hiu, lòng bỗng nghe lạnh thêm.” Tôi vẫn thường bước những
bước chân âm thầm “khi người yêu không đến, tuổi xuân buồn lặng
căm.” Dần dà, chúng tôi thân thiện với nhau và gần gũi nhau nhiều
hơn, nhưng mối tình tôi với nàng rất ngây thơ trong trắng, không có
chuyện qua cầu gió bay mà như giấc mộng dưới hoa khi chúng tôi “gặp
nhau yêu chẳng hạn kỳ, mây ngàn gió núi đọng trên mi.” Nàng và tôi
yêu nhau một cách hiền lành, như hai người bạn. Tôi chẳng bao giờ
thắc mắc hỏi ai nói yêu em đêm nay hoặc đặt giả thiết nếu ta đừng
quen nhau. Chúng tôi yêu nhau trong sự kính trọng và không cần phải
có những hứa hẹn hoặc điều kiện trăng sáng vườn chè như “anh chưa
thi đỗ thì chưa... thì chưa động phòng...”
Như những người bạn thân, chúng tôi chở
nhau đi học, hẹn nhau sau giờ học, đùa nghịch với nhau vô tư, hỏi
nhau những câu hỏi ngu ngơ bây giờ tháng mấy “rồi hỡi em?” hoặc đố
nhau những câu đố ai cắc cớ, “đố trăng mấy tuổi trăng già, để em...
để em lên tiếng mặn mà... mặn mà yêu anh,” hoặc dựa đầu bên nhau
dưới gốc cây, ru em từng ngón xuân nồng với “bàn tay em năm ngón anh
ru ngàn năm.” Có những hôm nàng đến nhà tôi trong chiếc áo dài trắng
và nón lá mang hình ảnh người em không đợi khiến tôi xao xuyến. Tôi
không nhất thiết yêu nàng với đủ mười thương, nhưng chỉ cần “một
thương tóc xõa mơ màng, hai thương em ăn nói mặn mà có duyên” cũng
đủ làm tôi hạnh phúc. Chúng tôi cũng đề cập đến chuyện hôn nhân, đến
cảnh gia đình hạnh phúc dưới túp lều lý tưởng và hai trái tim vàng,
nhưng chỉ nói chuyện đó cho vui, chứ thực ra chúng tôi không dự tính
hôn nhân quá sớm. Thuở đầu tiên trong cuộc tình thật hạnh phúc, như
dư âm xa xưa “hẹn em từ muôn kiếp trước, nhớ em mấy thuở bạc đầu.”
Tôi yêu em “vì ta ghét buồn, yêu em vì ta ghét hờn, yêu em vì ta
khinh khi dối gian.” Với tôi, những tháng ngày đầu tiên của cuộc
tình thật nên thơ khi ngày đó chúng mình “có anh mơ lại mộng ngời,
và se tơ kết tóc giam em vào lòng thôi.” Lúc ấy, tôi nghĩ tôi sẽ yêu
nàng suốt đời và thường nói niệm khúc cuối, “dù cho mưa tôi xin đưa
em đến cuối cuộc đời.”
Nhưng rồi, một thời gian sau, khoảng 1-2
năm, tôi cảm thấy có thay đổi trong tình cảm tôi dành cho nàng, và
dằn vặt không hiểu tôi có ngộ nhận tình yêu hay không. Những cảm xúc
nồng nàn lúc ban đầu bớt dần. Tôi có cảm tưởng mối tình tôi với nàng
như tình là sợi tơ “mong manh.” Thỉnh thoảng có lúc tôi muốn gửi
nàng một tình khúc cho em “như hoa đem tin ngày buồn, như chim đau
quên mùa xuân” để cho nàng biết tôi muốn thoát ra khỏi vũng lầy của
chúng ta. Vào những tháng ngày cuối của chuyện tình không suy tư,
tôi nhận ra “tình yêu mới vừa hôm qua, mà nay mắt trông mắt cay.” Có
những buổi trưa chờ nàng tan học bên bàn bi-da, tôi ngậm ngùi nghĩ
đến “nắng chia nửa bãi chiều rồi, vườn hoang trinh nữ khép đôi lá
rầu.”
Tôi và nàng
không bao giờ chính thức nói lời xa nhau, nhưng hai người ít gặp
nhau hơn, cho tới ngày tôi và gia đình rời Sài Gòn. Tôi không rõ lý
do tại sao có sự xa nhau, nhưng có lẽ là lỗi của tôi, vì nàng là
người em sầu mộng, “là gái trong song cửa,” trong khi tôi “là mây
bốn phương trời” và “theo cánh gió chơi vơi.” Trong những tháng ngày
không liên lạc với nàng, tôi nghĩ tới nàng và muốn nói với nàng về
chuyện chúng mình. Có những đêm tôi thao thức, tự hỏi đêm nay ai đưa
em về và mơ đến dạ khúc cho tình nhân vào “ngày em thắp sao trời,
chờ trăng gió lên khơi.” Thỉnh thoảng, tôi coi mối tình với nàng như
trong ca khúc “Bài không tên số 2” vì “kỷ niệm xưa đã chết, cơn mê
đã chiều,” và “tình yêu đã hết,” nhưng không đến nỗi “xót xa đã
nhiều.” Tôi cũng vui là đối xử với nàng tốt đẹp, như trong ca khúc
“Bài không tên số 4” vì “đời con gái cũng cần dĩ vãng. Mà em tôi chỉ
còn tương lai,” và không để cho ngày em hai mươi tuổi là ngày khiến
em phải “tay cắt mái tóc thề, giã từ niềm vui nhé, buồn ơi hãy chào
mi.”
Tuy chuyện
tình giữa nàng và tôi chẳng có gì đẹp đẽ, nó cũng không tệ hại như
nhiều chuyện tình khác. Ít ra tôi nghe theo lời khuyên đừng nói xa
nhau, hoặc không van xin ai cho tôi tình yêu. Ngoài ra, tôi không bị
đau buồn vì người yêu đi lấy chồng, khiến mình tưởng như tôi đưa em
sang sông, hoặc lên cơn sầu tím thiệp hồng, luyến tiếc nhìn những tà
áo cưới. Tôi còn may mắn hơn nhiều người than khóc cho cuộc tình như
trong ca khúc “Bài không tên cuối cùng,” dằn vặt với câu hỏi “mưa
bên chồng, có làm em khóc, có làm em nhớ những khi mình mặn nồng,”
hoặc than thở cho duyên kiếp mình, “Em ơi nếu mộng không thành thì
sao, non cao đất rộng biết đâu mà tìm.”
Cũng may, cuộc tình hai ba năm đó của tôi
không đến nỗi là hai năm tình lận đận, và không có những hận thù
chua chát, muốn giết người trong mộng, tự trách mình là ta yêu em
lầm lỡ, nuối tiếc cho cuộc tình lỡ, hoặc than khóc cho tình đầu tình
cuối “khi một ngày một người đã ra đi,” hoặc đau khổ tê tái với nửa
hồn thương đau và “nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt.” So với
các chuyện tình của thiên hạ, tôi thấy nàng và tôi rất may mắn,
không đưa đến những kết cục bi thương như chuyện tình người trinh nữ
tên Thi, chuyện tình Lan và Điệp, hoặc Thúy đã đi rồi. Đôi khi tôi
nghĩ nàng và những cô gái khác là những mối tình xa, khi “từng người
tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ.” Họ là những người đi qua đời
tôi “trong những chiều đông sầu” và cho tôi cái ảo ảnh “yêu cho biết
sao đêm dài, cho quen với nồng cay” để rồi “cũng theo hư không mà
đi.”
Nói đến tình
yêu là phải nói đến phong cảnh và thiên nhiên. Tình người ăm ắp chứa
chan một phần vì miền Nam có phong cảnh hữu tình, đồng ruộng mênh
mông, bờ biển bát ngát, sông ngòi, rừng núi, vùng cao nguyên, và
vùng đồng bằng. Mây, gió, mưa, nắng, trăng, sao đóng góp thêm cho
nét thơ mộng của đất nước miền Nam.
Hàn Mặc Tử là người đầu tiên tự nhận là sở
hữu chủ của mặt trăng và rêu rao:
“Ai mua trăng,
tôi bán trăng cho;
trăng nằm im trên cành
liễu đợi chờ...” --Thơ Hàn Mặc Tử
Ánh trăng hiền hòa thể hiện trăng thanh
bình vẽ ra hình ảnh “một đêm ánh trăng thanh rọi xuống khắp đồng quê
bao la.” Trăng còn thường được coi là nhân chứng cho các lời thề
thốt có lẽ do bởi nét huyền bí của ánh trăng mơ màng trong đêm tối.
Do đó, lời trăng thề thường được nhắc nhở trong cuộc tình vào “một
đêm trăng sáng lung linh, bên đồn canh vắng im lìm.” Tại miền quê
miền Nam, trăng còn có ý nghĩa đặc biệt, thường được liên kết với
mùa màng và tình yêu. Với tình lúa duyên trăng, khung cảnh trở nên
thơ mộng:
“mây
bay qua, ánh trăng chiếu dần vào ruộng đồng bao la;
nghe xa xa, mấy câu hát vè vọng từ đầu thôn đưa về...”
Link:
https://www.youtube.com/watch?v=2VBO0u_2uxo
Những cảnh có vật di động trôi chảy như
như mây, nước, sông hồ, suối, biển làm tăng phần thơ mộng hoặc cảm
xúc cho con người. Còn gì thơ mộng hơn cảnh trăng mờ bên suối, ngắm
suối mơ, hoặc ngẩn ngơ nhìn những con thuyền không bến. Tại những
nơi hẻo lánh xa xôi, có những con đò chiều là “đò của người thôn nữ,
chờ đưa người viễn xứ.” Bãi biển bao la tạo nên nỗi biển nhớ “tên em
gọi về, gọi hồn liễu rũ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya.” Trong
những cơn mưa hồng, ta có thể cảm nhận “trời ươm nắng cho mây hồng,”
và “mây âm thầm mang gió lên.” Tất cả những cảnh vật thiên nhiên đó
tạo nên tình yêu thương quá Việt Nam nhẹ nhàng và đơn giản như “em
nghe gì không hỡi em, con chim nó hót vang đầu hè.”
Khi tôi có dịp đi tới vùng đồng quê miền
Nam, tôi mới biết được cảnh đẹp miền Nam qua những con sông nhỏ,
ruộng lúa phì nhiêu, và những cô thôn nữ xinh tươi ca hát những khúc
ca ngày mùa và tiếng hò miền Nam, và các em bé ca hát về
tía em má
em. Tôi có dịp lái xe gắn máy qua những con đường quê chật hẹp, băng
qua mấy nhịp cầu tre, rẽ vào đường về hai thôn, trải qua chiều làng
em, đi qua những mái tranh trong xóm khi nắng lên xóm nghèo, hoặc đi
vào lối về xóm nhỏ nơi có “vài cô gái nhỏ to vui chuyện trò.” Đêm
về, cuộc sống ruộng đồng trở nên mê hoặc, với ánh trăng về thôn dã
và hình ảnh gạo trắng trăng thanh với “tiếng chày khua” văng vẳng
đâu đây.
Tôi nghe
kể những mối tình của các chàng trai và các cô gái trong miền quê
qua những dịp gặp nhau nơi đồng ruộng. Những mối duyên quê thật đơn
sơ, chỉ cần “dăm miếng trầu cay một buồng cau trắng” mà nên vợ thành
chồng, hoặc tình thắm duyên quê với “tình nồng thắm xuyên qua bao
mái tranh,” dẫn đến đám cưới trên đường quê, với “cô dâu con con y
trang mỹ miều, cô dâu non non dung nhan mặn mà.” Có lần, sau cuộc
tình với nàng, tôi đến quê bạn tôi, nó có cô em gái thật dễ thương,
khiến lòng tôi xao xuyến, thầm ca khúc hát ân tình, mơ tưởng đến
“tình Bắc duyên Nam,” và lo lắng đến nụ tầm xuân, sợ lỡ duyên khi
nàng trách “sao anh không hỏi những ngày em còn không?”
Ngoài khoảng thời gian ngắn sống ở Đà Nẵng
và Nha Trang lúc tôi còn bé, tôi có đến miền Trung vài lần. Tôi đến
thăm viếng thành phố buồn Đà Lạt khi tôi 17 tuổi, và ngây ngất với
những cô nữ sinh đi học có cặp má đỏ hồng hồng trông thật dễ thương.
Nhưng ấn tượng mạnh mẽ nhất là cảnh Đà Lạt hoàng hôn khi ánh chiều
tà rải nhẹ trên đồi thoai thoải. Tôi không biết có ai lên xứ hoa đào
“dừng chân bên hồ nghe chiều rơi” nhưng tôi biết chắc tôi “nhìn
sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai.” Lúc bấy giờ tôi không
biết đến đồi thông hai mộ nên không ghé thăm để trải qua “một chiều
rừng gió lộng một chiều rừng.”
Tôi chưa từng bao giờ đến Huế, nhưng biết
đến Huế qua văn chương thi ca và nỗi đau thương trong Tết Mậu Thân
năm 1968. Những lời kêu gọi ai ra xứ Huế cho biết “bến Vân Lâu còn
sâu thương nhớ, thuyền Bến Ngự còn đợi anh về.” Có người thơ mộng
hóa cơn mưa trên phố Huế, cho biết “tiếng mưa còn vương kỷ niệm ngày
quen nhau dưới chân Thiên Mụ, anh còn nhớ không?”
Tôi đã tới Vĩnh Long, Cần Thơ, Thốt Nốt,
nhưng chưa đến Hà Tiên, và các tỉnh cao nguyên miền Trung. Tôi chỉ
biết những nơi đó qua trí tưởng tượng, nhìn cảnh Hà Tiên thật đẹp
với “những bóng dừa xanh mát biển khơi,” nghe văng vẳng tiếng hát
Mường Luông, ngắm nụ cười sơn cước, lắng nghe sơn nữ ca, thưởng thức
chiều lên bản Thượng, tiếc thương mối hận Đồ Bàn, và trân quý còn
một chút gì để nhớ tới Pleiku.
Tuy nhiên, cho dù Đà Lạt mộng mơ, Huế thùy
mị, và vùng đồng quê dễ thương, Sài Gòn vẫn ghi đậm trong tâm khảm
tôi. Khi tôi có dịp đi khắp nơi trong Sài Gòn, tôi mới ý thức được
tại sao Sài Gòn được mệnh danh “Hòn Ngọc Viễn Đông” bấy giờ. Thật
vậy, Sài Gòn đẹp lắm. Có những ngày tôi “dừng chân trên bến khi
chiều nắng chưa phai, từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay.” Những
con đường thơ mộng, bùng binh đông xe cộ, biệt thự im lìm tạo nên
những tương phản độc đáo. Tôi say mê với đêm đô thị khi “màn đêm
xuống dần, muôn ánh đèn đột nhiên như ngời sáng,” và nhớ mãi những
buổi chiều Sài Gòn thứ bảy “ngàn hoa trên đường.”
Link:
https://www.youtube.com/watch?v=0QWrG6CA61k
Sài Gòn là thành phố lớn, đông dân. Nhiều
người thuê mướn phòng hoặc gác ở trọ mang nặng nỗi buồn gác trọ vì
“gác lạnh về khuya cơn gió lùa, trăng gầy nghiêng bóng cài song
thưa,” hoặc có căn nhà ngoại ô, “một căn nhà xinh có hoa thơm trái
hiền; gần kề lối xóm, có cô bạn thân sớm hôm lo sách đèn.” Như tại
các thành phố lớn khác, Sài Gòn có đủ mọi hạng người và có những
thay đổi trắng đen bạc tình bạc nghĩa. Nhưng người miền Nam không
lấy làm chua chát hoặc có thái độ tiêu cực về thói đời gây ra “đường
thương đau đày ải nhân gian,” mà có một cái nhìn lạc quan bảo nhau
hãy ngước mặt nhìn đời và kêu gọi “cười lên đi em ơi, dù nước mắt
rớt trên vành môi.”
Tình cảm con người nhiều khi thay đổi theo
sinh hoạt ngoài đường và thời gian trong một ngày. Buổi sáng, khi
rạng đông, ta thường có ý chí phấn đấu, tưởng chừng nghe “cung kèn
rạng đông, đang uy linh lừng vang trên không, đang thiết tha hùng
hồn, khơi chí gan Lạc Hồng.” Buổi chiều thường diễn ra chậm chạp
trong ngày, ngắn dài tùy theo mùa. Đối với một người lữ khách, buổi
chiều có thể tạo nên một nỗi buồn man mác nào đó, “trên đường về nhớ
đầy, chiều chậm đưa chân ngày, tiếng buồn vang trong mây.” Buổi
chiều của mùa Thu còn gây nhiều xúc cảm, vang lại tiếng xưa. Khi
trời trở tối, sau một ngày mệt mỏi, ta cảm thấy cô đơn khi đi trong
xóm đêm hoặc buồn ngủ trong phố đêm. Nhưng không phải ai cũng muốn
ngủ vào ban đêm. Thực vậy, hoa nở về đêm là dịp để những người đang
yêu tìm ra được chân lý của tình yêu: “tình yêu đẹp nghìn đời là
tình yêu khi đơn côi.”
Sống trong miền Nam, nhất là Sài Gòn, mà
không nhắc đến chuyện mưa nắng là một việc thiếu sót. Ở miền Nam
thực ra chỉ có hai mùa: mưa và nắng.
Mưa ở Sài Gòn thường là những cơn mưa xối
xả, nhưng không kéo dài. Tôi không biết mẹ tôi, khi nhìn trời mưa,
có so sánh mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội hay không. Tôi chẳng bao giờ hỏi
và chỉ thưởng thức cơn mưa Sài Gòn theo ý thích tôi, nhất là nghe
những giọt mưa thu “thánh thót rơi” ngoài hiên, những giọt mưa trên
lá “bỡ ngỡ, xôn xao, cuống quít, dạt dào,” hoặc tiếng mưa rơi trong
“nhịp mưa rơi nhuộm tím bầu trời, gió đêm vi vu muôn ngàn lời.”
Nhiều khi, tôi thấy chẳng thà như giọt mưa còn sướng, vì chẳng phải
lo âu gì, mà lại được tự do, reo hò với lá cây. Tuy nhiên, mưa
thường không gợi ra niềm vui hạnh phúc, như trong ca khúc “Tuổi đá
buồn” khi “trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang, từng ngón tay buồn,
em mang em mang.” Mưa cũng khiến nhiều chàng trai nhớ đến người yêu,
như trong ca khúc “Diễm xưa” khi “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp
cổ.”
Có những cơn
mưa đêm ngoại ô tầm tã, hoặc những cơn mưa nửa đêm, khiến nhiều
người “đêm chưa ngủ nghe ngoài trời đổ mưa từng hạt rơi.” Có người
tưởng tượng mưa rừng có linh hồn của chính nó, và kêu gọi “Mưa rừng
ơi! Mưa rừng! Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên.” Cơn mưa cũng là dịp
các chàng trai thú tội với người em hiền như ma sœur khi “đưa em về
dưới mưa, nói năng chi cũng thừa.” Những cơn mưa lại càng làm nhiều
người đau buồn với kiếp nghèo, khi bước đi trên “đường về đêm nay
vắng tanh,” lắng nghe “rạt rào hạt mưa rớt nhanh.”
Nếu mưa làm nhiều người bực bội vì bị ướt
át, thì những tia nắng luôn luôn đem lại sức sống vui tươi. Thực
vậy, nắng đẹp miền Nam không những tô điểm miền Nam mà còn đem sức
sống và tình cảm cho con người miền Nam. Những tia nắng chiều gợi
lại chuyện tình ngày nào khi “qua bến nước xưa lá hoa về chiều, lạnh
lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa.” Những buổi chiều nhạt nắng làm
tăng tình yêu thương miền quê khi “hoàng hôn phai nắng, chân trời xa
vắng, còn đâu tiếng tiêu buông.” Những người lãng mạn tưởng tượng
giọt nắng hồng là “giọt nắng đi hoang vào mắt em buồn” và
nắng thủy
tinh có “màu nắng hay là màu mắt em.” Những kẻ thất tình, chơi vơi
riêng một góc trời nào đó nhưng vẫn ví von “tình yêu như nắng, nắng
đưa em về, bên dòng suối mơ.” Nhiều chàng trai lãng mạn nhớ người
yêu, khi “nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà
Đông.” Tuy nhiên, người miền Nam không bao giờ chịu nhận miền Nam
chỉ có hai mùa: mưa và nắng. Đất nước miền Nam thơ mộng quá, con
người miền Nam dễ thương quá, thì làm sao chỉ có hai mùa được? Nhiều
người tưởng tượng miền Nam có đủ cả bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Link:
https://www.youtube.com/watch?v=V4-l52heGRQ
Mùa Xuân dường như lúc nào cũng liên quan
đến Tết nhất. Mùa xuân miền Nam thật thơ mộng, lãng mạn. Trong không
khí vui nhộn của những ngày Tết, mọi người cùng nhấc ly rượu mừng,
“chúc người binh sĩ lên đàng, chiến đấu công thành,” đánh tan lũ
giặc Bắc cộng xâm lăng. Người dân miền Nam kể câu chuyện đầu năm,
khi người người “trên đường đi lễ Xuân đầu năm, qua một năm ruột rối
tơ tằm.” Có người hứa với người yêu rằng anh cho em mùa Xuân khi “nụ
hoa vàng mới nở,” và mơ tưởng mộng chiều xuân, tự hỏi, “mối tình đầu
xuân ai thấu chăng?” Nhiều người gửi những cánh thiệp đầu Xuân hỏi
nhau, “xuân đến rồi đây nào ai biết không?” Mùa Xuân cũng là mùa
thiên hạ cưới nhau. Có những đám cưới đầu xuân thật dễ thương, của
những đôi uyên ương là bạn từ bé. Một tục lệ người dân miền Nam
không quên là đi coi bói, hỏi về chuyện tình tài tương lai, nhất là
các cô muốn biết thiên duyên tiền định thế nào.
Trong cảnh chiến tranh, nhiều chiến sĩ đón
mừng xuân với nỗi niềm bâng khuâng thiếu thốn, đón Xuân trong phút
giao mùa, tiếc với người tình rằng “quà xuân anh chẳng có, gác giặc
từng giờ, đời lính chiến lấy gì gửi về em?” Người lính nơi tiền đồn,
trong phiên gác đêm Xuân, “đón giao thừa một phiên gác đêm, chào
xuân đến súng xa vang rền.” Người xa gia đình, viết thư cho mẹ cho
biết xuân này con không về hoặc viết lời cảm ơn về những món quà Tết
như “bánh chưng mẹ già tự tay gói gửi cho con.”
Mùa Hè là mùa vui tươi nhưng cũng là mùa
buồn cho tuổi học trò vì xa trường trong ba tháng. Mỗi độ hè về, hoa
phượng rực nở, trong khi mọi người vui vẻ vì “trời hồng hồng sáng
trong trong,” có những cô cậu học trò mang nặng nỗi buồn hoa phượng.
Có những thương ca mùa hạ, khi “tiếng ve nức nở chan chứa, sân
trường còn lại hai đứa.” Vào những ngày cuối năm học, các cô cậu học
trò thường ghi lại cảm nghĩ trong quyển lưu bút ngày xanh trước khi
xa nhau. Thế rồi, ngày họp mặt lần cuối đến, bạn bè bắt tay từ giã.
Ngày tạm biệt là ngày buồn cho mọi học sinh khi “bên xác hoa âu sầu
vì tả tơi, ngàn ve buông tiếng nỉ non như thương cho người đi.”
Trong cảnh chiến tranh, mùa Hè có nhiều ý nghĩa. Có người muốn
đưa
em vào hạ, hứa với người tình “mùa hè năm nay anh sẽ đưa em rời phố
chợ đôi ngày.” Mùa Hè còn là mùa nắng ngập, trắng xóa thiên nhiên,
gợi những cuộc tình dở dang. Nhiều chàng trai thương nhớ
hạ trắng,
“gọi nắng, trên vai em gầy đường xa áo bay.”
Từ mùa Hè qua mùa Thu có sự thay đổi của
sắc hoa màu nhớ khi “hoa phượng rơi đón mùa Thu tới.” Mùa Thu thường
đem lại nỗi buồn vì cảnh lá rơi ngập đường và màu sắc tàn úa của hoa
lá. Có người nhớ mùa thu chết khi “ngắt đi một cụm hoa thạch thảo.”
Tuy nhiên, có người không đồng ý, tin rằng mùa thu còn đó, và kêu
gọi, “Xin đừng nói, xin đừng nói thu chết rồi! Không, thu vẫn sống,
đem hình bóng cho cuộc đời.” Cho dù mùa Thu sống hay chết, vẫn có
những giọt nước mắt mùa thu “khóc ai trong chiều,” hoặc tiếc nuối
thu sầu, khi “mùa thu thưa nắng gió mang niềm nhớ, trời chiều man
mác buồn nát con tim.” Buổi chiều mùa Thu dễ tạo ra hoài cảm đến nỗi
“lòng cuồng điên vì nhớ, ôi đâu người, đâu ân tình cũ?” Cảnh thu
vàng gợi nhiều cảm xúc khi “lang thang trên đường; hoàng hôn xuống,
chiều thắm muôn hương.” Tình cảm do ngọn trúc đào còn ví von “mùa
thu lá rụng bay vào sân em.”
Nhưng không phải mùa Thu nào cũng gợi đến
buồn thương, chia ly, tang tóc. Người miền Nam là người yêu đời, vì
vậy thiên nhiên buồn bã không làm mất đi tinh thần vui tươi và lạc
quan. Mùa Thu đem đến ước mơ đoàn tụ, khi chàng trai tặng mùa thu
cho em, với những lời ngọt ngào lãng mạn, và ao ước “hai chúng ta sẽ
cùng chung lối, em với anh mơ mùa Thu ấy tình ta ngát hương.” Mùa
Thu còn được gọi là mùa thu yêu đương khi chàng trai muốn “đôi ta
mãi như người tình, vui đời hẹn hò, khi trên dòng suối, khi trên đồi
buồn.”
Cho dù mùa
Thu đem lại nỗi buồn chia ly hay vui đời lãng mạn, nó luôn luôn được
đi theo bởi mùa Đông lạnh lẽo khiến nhiều người cảm thấy cô đơn. Có
người ray rứt với chuyện tình dang dở, than thở mối sầu đông. Có
người tiếc nuối mùa đông của anh và luyến tiếc mối tình chết theo
mùa đông. Mùa đông cũng là mùa tiễn biệt và mong chờ hội ngộ, khi
sương lạnh chiều đông “vương tiếng thở của người nguyện đợi chờ
nghẹn ngào giờ tiễn đưa.” Thời tiết lạnh lẽo làm nhiều người lãng du
cô liêu nhớ đến người thương yêu trong cảnh đêm đông.
Tuy nhiên, mùa Đông còn là dịp Lễ Giáng
Sinh khi mọi người, bất kể tôn giáo, hân hoan mừng ngày Chúa sinh ra
đời. Tuy gia đình tôi theo Phật Giáo, tôi vẫn thường cùng các bạn đi
tới các nhà thờ quanh Sài Gòn, nhìn đám đông người, nhất là các cô
gái xinh xắn, đi dự lễ trước buổi ăn réveillon, ngắm nhìn cảnh vật
thu nhỏ trưng bày của hang Bê-lem, nơi “đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh
ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa,” và lắng
nghe bài thánh ca buồn, khi “Noel năm nào chúng mình có nhau.”
Thiên nhiên và khí hậu có ảnh hưởng đến tình cảm và cuộc sống người
miền Nam. Nhưng cho dù mưa nắng, xuân hạ thu đông, đa số người miền
Nam có tinh thần lạc quan, và nhẫn nại để vượt qua những khó khăn
của cuộc đời. Đối với họ, sức mấy mà buồn, và khi nỗi buồn đến, họ
chỉ nhún vai, “buồn ơi bỏ đi Tám,” hoặc
nghèo mà không ham, “nghèo
mình nghèo mà mình không ham.” Ngoài ra, người miền Nam ưa chuộng
cuộc sống tự do, nghệ sĩ. Chỉ cần có một cây đàn là cuộc sống trở
nên Ô-mê-ly “đời sống với cây đàn, tình tính tang dạo phím rồi ca
vang.” Có người thích cuộc sống lãng tử, không ràng buộc, để rồi
ngày nào đó, dừng bước giang hồ. Có người thích sống với thiên
nhiên, rừng núi, đốt ngọn lửa bừng sáng trong “màn đêm chơi vơi
buông lơi, gió rừng reo xuyến xao khung trời.” Những tay giang hồ
anh chị với cuộc đời phóng đãng có vết thù trên lưng ngựa hoang vì
họ là những con “ngựa hoang nào dẫm nát tơi bời, đồng cỏ nào xanh
ngát lưng trời.” Những thiếu nữ miền Nam còn được biểu hiện qua
thiên nhiên tạo nên huyền thoại người con gái với “loài ngọc đá mang
tên em,” “loài hoa trắng mang môi em,” hoặc “loài rêu biếc mang mắt
em.”
Trong khi
gia đình, học đường, tình yêu, con người, đất nước, và thiên nhiên
là những hình ảnh thơ mộng và tốt đẹp của miền Nam hiền hòa,
cuộc
chiến tranh tạo bởi cộng sản Bắc Việt là một thảm kịch bi thương cho
cả hai miền Nam-Bắc.
Hàng ngàn, triệu... thanh niên miền Bắc rời bỏ
gia đình quê nhà, theo lệnh đám lãnh đạo cộng sản dưới sự điều khiển
của cộng sản Nga Tàu, xâm lăng miền Nam bắt đầu từ cuối thập niên
1950 và leo thang dần dần, gieo rắc máu lửa kinh hoàng và tàn phá
đất nước khắp nơi.
Link:
https://www.youtube.com/watch?v=4Y3hqWD9rcs
Cực đỉnh của cuộc chiến có lẽ là
Tết Mậu
Thân năm 1968. Tại Sài Gòn, quân cộng sản bị đẩy lui, trà trộn vào
khu dân cư, khiến cuộc phản công của Quân Lực miền Nam Việt Nam Cộng
Hòa thật khó khăn. Nhà cửa cháy, dân bồng bế chạy thoát nơi giao
tranh trên khắp tám nẻo đường thành. Đó là lần đầu tiên tôi nghe
tiếng trực thăng quần trên không cả đêm và thấy những đóm mắt hỏa
châu “bừng lên trong màn tối.” Sự tàn ác dã man của những người cộng
sản được kể lại qua câu chuyện một đêm, khi lũ quân cộng sản bắn
giết đứa bé thơ, để bà mẹ đau thương “đưa môi hôn trán con yêu giá
lạnh, vuốt ve lần cuối trước khi xa con suốt đời.”
Trận chiến tại
Huế là trận khốc liệt nhất và cho thấy bản chất dã man vô nhân đạo
của cộng sản Bắc Việt qua cuộc thảm sát hàng ngàn người dân hiền
lành vô tội. Có người ngã vào cơn mê chiều khi lũ cộng sản là “đàn
con nay lớn khôn mang gươm đao vào xóm làng” khiến “đồi Ngự Bình
thịt xương khô sườn đá, Kim Long ơi, bờ lau ngóng, chuông chùa tắt
rồi.” Người dân Huế không quên câu chuyện một chiếc cầu đã gẫy khiến
cho “cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi, nón lá sầu khóc điệu Nam
Ai tiếc thương lời vắn dài.”
Sau cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân, Lệnh
Tổng Động Viên được ban hành. Tôi có những người anh họ gia nhập
quân đội trước đó. Một người anh trong nhà tôi gia nhập quân đội
dưới Lệnh Tổng Động Viên. Ba mẹ tôi không muốn anh đi chiến dịch
nhưng không làm sao hơn được. Trong những tháng ngày anh ở trong
trung tâm huấn luyện, gia đình chúng tôi thăm anh đều đặn và biết
đến Vườn Tao Ngộ qua những lần thăm viếng đó. Rồi sau đó, qua mấy
năm, những đứa bạn ngày nào cùng lớp trong trung học lần lượt gia
nhập quân đội, trong khi một số lớn khác, kể cả tôi, có hoãn dịch vì
lý do học vấn. Những cô gái có người yêu đi lính viết những
bức tâm
thư “nói rằng nước non đang mong, đi quân dịch là thương nòi giống.”
Chiến tranh đã cho người vào cuộc chiến, những thanh niên phải gác
bút thư sinh, giã từ những người thân yêu và nhất là người tình,
trả
lại em yêu “khung trời đại học, con đường Duy Tân cây dài bóng mát.”
Các người anh và các bạn tôi đi theo đủ
mọi binh chủng và các ngành đặc biệt và ở rải rác khắp nơi trên lãnh
thổ miền Nam. Những cô gái có người yêu đi lính thường hỏi giờ này
anh ở đâu? Nhưng dù họ thuộc binh chủng nào, họ là những người trai
xếp áo thư sinh, nguyện trên đầu súng “ta đi tổ quốc đã vươn mình,
trên lưỡi lê căm hờn hờn căm như triều sóng.”
Một đứa bạn tôi đi Hải Quân. Đối với nó,
cuộc đời chỉ là tình ca người đi biển, “chiều nay ra khơi, thoáng
thấy mắt em nhuốm buồn.” Con tàu lênh đênh trên đại dương vẽ ra
những cụm hoa biển trắng xóa. Khi người yêu trách móc không viết
thư, nó bào chữa lính mà em vì “tàu lắc lư làm sao viết thư tình.”
Những chàng phi công phản lực còn thấy tuyết trắng trên không khi
con chim sắt “vượt cao vút cao, mây trời kết thành một vùng tuyết
trắng ngần.” Những phi công lãng mạn lái phi cơ trong một
chuyến bay
đêm mơ màng tưởng tượng sứ mạng mình là “níu áo hằng nga, ngồi bên
dãy ngân hà.” Những chiến sĩ lục quân có lẽ thực tế hơn có thể vì họ
đối diện quân thù gần gũi hơn. Một người anh họ của tôi là sĩ quan
nhảy dù, nhưng anh rất hiền, nói năng nhỏ nhẹ. Tôi không thể hình
dung anh là thiên thần mũ đỏ:
“với áo hoa mũ đỏ
chân mang bốt-đờ-sô,
khi sa trường khi
trong thành phố...”
như nhiều lính dù lên điểm vì “là thiên
thần giữa trời mây.”
Có người đóng quân ở các tỉnh biên giới là
kẻ ở miền xa, trải qua những đêm trên vùng đất lạ, đối diện vùng
trước mặt của quê hương thân yêu đang bị giày xéo bởi đoàn quân xâm
lăng từ miền Bắc. Cảnh tượng nửa đêm biên giới khiến nhiều chiến sĩ
trẻ nhớ đến người mẹ hiền. Có người thức khuya qua đêm tiền đồn cô
đơn, lạnh lẽo, nghĩ đến gia đình và người yêu. Có người đi hành quân
trên các vùng núi non, gần làng quê gia đình, ngồi ôm súng gác trong
không khí dày dặc sương trắng miền quê Ngoại, và nhớ đến những ngày
họ ở bên người tình, ngồi bên nhau trong quán nhỏ tâm tình hoặc nằm
trên bãi cỏ đầy bông cỏ may, nhìn bầu trời trong xanh. Trong những
cuộc quân hành, họ “qua vùng khô cặn, mồ hôi thành biển mặn trên
môi,” hoặc qua những khu rừng lá thấp
với “rừng lá xanh xanh cây phủ
đường đi.” Với những người có bạn gái, họ có vài lời tình viết vội
cho người yêu trong những lúc nghỉ ngơi trong cuộc hành quân. Vì đi
xa lâu ngày, nhiều người lo âu người yêu sẽ quên mình. Họ thường hỏi
người yêu sao chưa thấy hồi âm và bày tỏ nỗi âu lo, khiến người yêu
vội viết thư để trả lời một câu hỏi “Anh vắng nhà hoài em có nhớ?”
Các anh, các bạn tôi, và những người chiến
sĩ Việt Nam Cộng Hòa, tham gia nhiều trận đánh kinh hồn trên bốn
vùng chiến thuật. Là lính trận xa nhà, họ rất nhớ gia đình, bạn bè,
người tình, và mong mỏi được nghỉ phép về thăm nhà. Họ không vui mỗi
khi bị cấm trại một trăm phần trăm không được đi phép. Họ khao khát
những ngày nghỉ phép và “mong những khi gần nhau dù không lâu là bao
nhưng sẽ đẹp bằng chuyện thần thoại hoang đường.” Có người được
24
giờ phép về thăm gia đình và bạn gái như người xa về thành phố. Có
người được ở lâu hơn, độ một tuần. Nhưng rồi, ngày vui qua mau, các
bạn tôi lại trở về chiến trường, bỏ lại thành phố sau lưng. Trước
khi các bạn tôi giã biệt Sài Gòn, chúng tôi thường gặp nhau
biệt
kinh kỳ tại các quán cà phê và uống ly cà phê cuối cùng vì không
biết chuyện gì sẽ xảy ra khi tụi nó trở lại chiến trường. Với những
người có người yêu hoặc vợ, mỗi lần ra đi là quyến luyến nói lời tạ
từ trong đêm và hứa hẹn không bao giờ ngăn cách. Có đứa chia sẻ
tâm
sự người lính trẻ với người yêu rằng “từ khi anh thôi học, từ khi
đôi lứa đôi đời, từ sông ngăn núi trở, tạ từ không nói nên lời.”
Link:
https://www.youtube.com/watch?v=gJW45YCwivI
Có những lúc trăng tàn trên hè phố tôi
thấy những “người trai nơi chiến tuyến, súng trên vai bước lê qua
đường phố.” Nhiều người là bạn thời còn đi học và tình cờ mười năm
tái ngộ tại đơn vị, vui mừng “suốt đêm không ngủ bên tách cà phê
đen, chúng ta ôn chuyện đời.” Những cảnh gặp nhau trước khi các
người lính lên đường làm đậm đà tình anh lính chiến. Họ không cần
phải nhắc nhở nhau xin anh giữ trọn tình quê vì ai cũng thề không
phản bội quê hương.
Đa số chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa có người
yêu thường có hai mối tình: Tình yêu tổ quốc và tình yêu trai gái.
Nhiều người tự hào về người tình và quê hương và tính chất đa tình
trong cuộc tình họ. Nhưng chuyện tình của những người chiến sĩ Việt
Nam Cộng Hòa thường có chuyện buồn thương vì xa cách và những hậu
quả đau thương của chiến tranh. Có những cặp vợ chồng khi hội ngộ
thường trộm nhìn nhau vì bỡ ngỡ ngại ngùng sau thời gian xa cách, và
người vợ “mơ thấy một ngày con níu chân cha.” Có người băn khoăn hỏi
người tình, nếu em không là người yêu của lính, thì “em sẽ nhớ ai
Chủ Nhật trời xinh?” Những người đi hành quân thường nghĩ đến người
yêu dọc đường, khi đi qua những đồi hoa sim “tím chiều hoang biền
biệt,” hoặc hái hoa trinh nữ khi “qua một rừng hoang gió núi theo
sang rũ bụi đường trên vai.” Nhiều khi, trong cuộc chiến, người ra
đi không phải là người lính trận mà là người em gái hậu phương của
họ, từ cô vợ trẻ khâu vá áo anh sứt chỉ đường tà cho tới người hôn
thê trong mối tình thiên thu.
Những lá thư viết từ KBC (Khu Bưu Chính)
còn là nhịp cầu tri âm móc nối những người lính và những người em
gái hậu phương. Những mối tình anh tiền tuyến em hậu phương nhiều
khi dẫn đến hôn nhân với đám cưới nhà binh khi “em sẽ là cô dâu đẹp
tuyệt vời.” Đôi khi, cuộc sống hôn nhân với người lính có những
chuyện ghen tuông, đưa đến cảnh hờn anh giận em, khiến anh chồng
lính phải van xin, “Anh đi lâu lâu mới về, yêu thương cho nhau dài
nhé, mười lăm ngày phép đi vèo buồn nhớ mang theo.”
Trong khi những người chiến sĩ Việt Nam
Cộng Hòa chiến đấu nơi tiền tuyến chống lại quân cộng sản xâm lăng,
thì những người thân yêu nơi hậu phương lo âu đêm ngày. Nhiều cô gái
xa vắng chồng hay người yêu đi ra ngoài chiến trường, nhớ thương
người yêu, “ngày anh xa vắng em không trang điểm đợi chờ, những đêm
gió lạnh đầu hè, khuê phòng phủ kín tâm tư,” hoặc bày tỏ
tình chàng
ý thiếp, “từ chàng xa vắng, lên đường ruổi rong chiến chinh.”
Nhờ những người vợ, người yêu, người em
nơi hậu phương, những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa trở nên cứng cáp và
có niềm tin mạnh mẽ. Những cô gái hậu phương, có người yêu là lính
hay không, thường ca ngợi lính, cho biết tôi nhớ tên anh bằng cách
“viết tên anh trên lá trên hoa,” “trong trái tim tôi,” “trên đá,
trên vôi,” hoặc “ngập nẻo đường đi ngàn lối.” Có người bày tỏ nỗi
lòng thương anh qua lời tri ân, “non sông cho sức trai xây đắp, đi
lên người chiến binh đất nước,” hoặc khẳng định tình yêu anh đâu em
đó.
Trong những
dịp đơn vị trở về thủ đô, những cô gái hậu phương vui mừng đón chào
anh về thủ đô “chúng tôi chờ mong, với vạn niềm tin với muôn tình
thương.” Những người em hậu tuyến này là những
cánh hoa thời loạn tô
điểm những “câu chuyện tình người hùng và giai nhân.” Do đó, tuy tay
cầm súng, những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa vẫn hiểu sức mạnh của
tình yêu và phải thốt lời đa tạ, “Tôi xin đa tạ ngày nao súng phải
thẹn thùng, ngày nao súng phải lạnh lùng.”
Không ai muốn là người chết trở về cho dù
“từ ngục tối hay mộ sâu,” nhưng đó không là một sự lựa chọn. Rất may
là những người anh và bạn bè tôi vẫn còn nguyên vẹn sau cuộc chiến,
trừ người anh họ đi lính Nhảy Dù tử trận. Có rất nhiều người không
được may mắn. Có người tặng kỷ vật cho em “là hòm gỗ cài hoa,” hoặc
“trên chiếc băng ca,” hoặc “đôi nạng gỗ.” Có người trở thành
thương
binh khi ngày trở về, “bước lê trên quãng đường đê đến bên lũy tre.”
Nhiều người nhớ người thương binh khi “chàng về, chàng về nay đã cụt
tay.” Nhiều người là những chiến sĩ vô danh, hoặc trở thành
người
tình không chân dung “để lại cái nón sắt trên bờ lau sậy này.” Có
những người vợ tưởng như còn người yêu cho dù “ngày mai đi nhận xác
chồng.”
Cuộc
chiến đã đưa nhiều người vào lịch sử. Bài hát “Huyền sử ca một người
mang tên Quốc” ghi nhớ phi công Phạm Phú Quốc. Ca khúc “Người ở lại
Charlie” tưởng nhớ Trung Tá Nhảy Dù Nguyễn Đình Bảo, tử thủ tại
chiến trường Charlie. Ca khúc “Anh không chết đâu anh” vinh danh
“người anh hùng mũ đỏ tên Đương.”
Trong cuộc chiến tranh khốc liệt, chính
phủ Việt Nam Cộng Hòa đặt ra Chương Trình Hồi Chánh kêu gọi ngày về
của những người lầm đường lạc lối theo cộng sản, “tung cánh chim tìm
về tổ ấm,” và đón chào họ về dưới mái nhà, “người ơi, mau về đây, về
bên bếp hồng tay cầm tay.” Chương trình này đã đem lại hạnh phúc cho
hàng trăm ngàn người cộng sản trở về với chính nghĩa quốc gia.
Link:
https://www.youtube.com/watch?v=4hgBtjRHzPc
Những ước mơ của người miền Nam rất đơn
giản. Có người chỉ mơ ước cho tôi được một lần “nhìn hoa giăng đầu
ngõ.” Có người biểu lộ ý tôi muốn “tìm đến thiên nhiên,” hoặc “sống
như loài hoa hiền.” Có người nguyện cầu qua
lá thư trần thế cầu mong
“an vui cho người đầu tuyến, trẻ thơ yên tâm sách đèn, để mẹ hiền
con hết ưu phiền.” Cho dù đất nước khốn khó và chiến tranh gây cảnh
điêu tàn, ai cũng xin chọn nơi này làm quê hương vì “ta còn những
người thật yêu nhau biết bao thiết tha.” Các người anh, các bạn tôi,
và tôi mong mỏi ngày nào qua cơn mê đời để trở về cuộc sống bình an.
Khi Hiệp Định Paris được ký vào năm 1973, ai cũng mơ ước
một mai giã
từ vũ khí để “trả súng đạn này, ôi sạch nợ sông núi rồi.” Nhưng cuộc
chiến cứ tiếp tục, ngày càng khốc liệt. Tôi đã gặp những người chiến
sĩ như các anh các bạn của tôi “trên khắp nẻo đường đất nước mến
yêu” và ai cũng có cùng một tinh thần chiến đấu bảo vệ đất nước như
nhau và mơ ngày đất nước thanh bình.
Nhưng giấc mơ thanh bình đó tiêu tan vào
ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi cuộc chiến tranh súng đạn chấm dứt, chỉ
để nhường lại những năm tháng đen tối nhất của người dân Việt Nam
trong ngục tù cộng sản. Những bài hát miền Nam trước ngày 30 tháng 4
năm 1975 là những ngọn nến soi sáng ngục tù tăm tối đó và khơi dậy
sức mạnh vĩ đại của tình yêu và tổ quốc Việt Nam.
304 bài hát ở trên
được chọn để nhớ ngày 30 tháng 4.
8-4-2017
Cao Đắc Tuấn
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Trung tâm lưu trữ những buổi lễ Mừng Thánh Tổ SĐND/QLVNCH
|
Hình nền: Biển Hà Tiên. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E-mail by ddcb chuyển
Đăng ngày Chúa Nhật, April 9, 2017
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang