Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện ngắn
Chủ đề: Xuân và Mai…
Tác giả: Huy Văn

MỘT BUỔI CHIỀU XUÂN

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

Chiếc xe Lam rề rà chạy ngang Hòa Mỹ rồi rời quốc lộ 1, rẽ qua ngã ba Huế để vào phố Đà Nẵng. Nhìn đoạn đường – bây giờ đã trở nên quá quen thuộc – tôi thấy nhớ ngày chân ướt chân ráo theo các đàn anh đến nhà Đại úy Trần Văn Vương chúc Tết đúng một năm về trước, rồi lại nhớ Thiếu úy Vũ Văn Giáp và những đêm cùng anh ghé thăm gia đình người bà con vai em, có chồng là một trung tá ngành Quân Sản Tạo Tác trong cư xá Đoàn Kết. “Khi nào về dưỡng quân thì bác Giáp và chú Huy cứ tự nhiên ra đây. Người nhà cả mà!” Lời ân cần chào đón của bà mẹ đã xóa ngay sự bỡ ngỡ của lần đầu diện kiến cả nhà. Nhờ vậy, không khí gia đình trở nên thân mật hơn, nụ cười cũng tự nhiên hơn và những câu chuyện thăm hỏi bỗng dưng thân tình chi lạ! Tiếng dương cầm và bài hát Mộng Chiều Xuân của ngày mùng 4 Tết vẫn còn vang vọng đâu đây, nhưng đôi bàn tay ngà và tà áo dài mang huy hiệu trường Nữ bây giờ đang du học phương nào bên vùng trời Âu Mỹ? Có ai còn nhớ buổi tối lắc bầu cua rồi xì dách và bài cào do anh chàng chuẩn úy chỉ cười nhiều hơn nói làm cái không nhỉ?

Phố chiều ngày cận Tết thì nơi nào cũng như nhau: rộn ràng, tất bật. Đà Nẵng cũng không ngoại lệ. Kẹt xe tại ngã ba Cây Lan là chuyện đương nhiên. Chiếc xe Lam nối theo đủ loại phương tiện giao thông để nhích từng thước đường nhựa. Xe không chạy được trên lề nhưng người thì len, lách giữa mấy “con rùa hai bánh, ba bánh, bốn bánh...” một cách thoải mái. Cũng không còn bao xa là tới bến Chợ Cồn nên tôi xuống xe, thả theo dòng người trên đường Hùng Vương để vào phố chính. Tôi chợt thấy mình trở về thời mới lớn, thời của lứa dậy thì, của những mơ mộng trên trời dưới đất thật viễn vông mà cũng thật hồn nhiên, nhớ cả lúc lạng xe, ngồi quán cà-phê hay bát phố, nhứt là những lần dạo phố xuân với một màu mắt nhung của võ đường Hoa Lư, nơi có Hội Quán Cây Tre nổi tiếng trên đường Đinh Tiên Hoàng. Lãng mạn làm sao khi mấy mùa dạo phố đều không có đến một lần đan tay, dù tình cảm đã quá đủ để nói lên tiếng lòng... “trong như đã”! Đường hoa, phố tết, chợ khuya, phút giao thừa trên đường Nguyễn Huệ sau thánh lễ nửa đêm. Ngần ấy cơ hội để “đầu tư” một mái tóc dài, hay một đôi mắt biếc, đều đến rồi đi suốt mấy năm liền. Cho đến hôm qua, khi từ giã Sài Gòn để trở ra đây, thì trong tôi mơ ước vẫn còn là ước mơ.

Nhưng cảm giác cô đơn vì thiếu bàn tay đan dần dà nhường chỗ cho thoáng chạnh lòng khi nghĩ đến những đồng đội còn đang miệt mài trong vùng lửa đạn. Họ không có mùa xuân đích thực. Nàng xuân chỉ đến qua làn sóng phát thanh với những bài hát quen thuộc đến nằm lòng. Mùa xuân của Lính là những gói quà nho nhỏ và những cánh thư từ hậu phương gởi ra tiền tuyến. Những nét chữ học trò, dù mang cùng một nội dung, đã là hạnh phúc thật ấm lòng cho những người “lăn lóc gió sương”. May mắn lắm Lính mới nhận được vài chữ không nằm trong “bản sao” đã được ai đó viết sẵn. Tuy đó chỉ là vài dòng mộc mạc với lời chúc an lành trong mùa xuân mới, nhưng cũng đủ để Lính khoan khoái đem khoe rầm trời với đồng đội của mình. Ngày mai, họ sẽ nhận được những niềm vui nho nhỏ ấy để càng thêm nhớ nhà, nhớ phố, nhớ bạn hữu gần, xa. Đồng đội của tôi đang ở tuyến đầu, còn tôi may mắn hưởng xuân nơi phố thị và đang miên man nhớ họ: những người chỉ mới một năm trước đây đã cùng tôi lòng vòng phố lính này. Bây giờ thì họ, hoặc đã về với cát bụi, hoặc đã an phận đời thường sau khi đã bỏ lại một phần thân thể nơi chiến địa. Lúc tôi bàn giao trung đội cho một trung sĩ I để về Sài Gòn học khóa 5/74 Tiếp Liệu Binh Đoàn hồi tháng 10 năm ngoái, thì số anh em kỳ cựu còn lại sau gần một năm cùng tôi chiến đấu chỉ đếm được trên đầu một bàn tay. Buồn thay!

Bước chân vô định đưa tôi đến chợ Cồn, qua Ông Ích Khiêm, Nguyễn Hoàng, Duy Tân rồi vòng lại rạp xi-nê Trưng Vương trên đường Hùng Vương. Những con đường và góc phố quen thuộc gợi nhớ ngày đầu cùng các “quai chảo” ra trình diện Bộ Chỉ Huy BĐQ vùng I để nhận đơn vị. Khách sạn OK ở gần góc Yên Bái – Hùng Vương, nhà sách Lan Dung khiêm nhường trong chợ Hàn, quán cơm bình dân mà tôi đặt tên là quán “Lính” trên đường Phan Chu Trinh, là những nơi đã từng chứng kiến cảnh các “quan nhí” kiêm đồng đội quân trường xả láng mấy ngày thân mật sau cùng, trước khi mỗi người đi về một hướng. Trong số những chuẩn úy của hơn một năm trước, có người đã nằm xuống để “làm phân xanh cây lá”, có người phải “giã từ cuộc chơi” sau khi để lại một phần thân thể của mình tại chiến trường, những người còn lại thì đang đón xuân ngoài chiến hào, tại một tuyến đầu heo hút nào đó. Họ đang làm gì, nghĩ gì? Có ai nhớ Đà Nẵng và những ngày vui đã qua không nhỉ?!

Tôi đang thả bước chân tư lự qua khách sạn Trung Nam trên đường Nguyễn Thái Học thì có người đến kề bên, reo lên một cách mừng rỡ:

– Thì ra anh ở ngay đây!

Tôi vừa nhận ra Hoài An thì nàng đã níu tay áo, vừa bước đi vừa nói:

– Tìm anh gần cả năm rồi, bây giờ mới gặp!

– Anh cũng đến tìm em và cả nhà. Nhưng...

– Anh ghé qua lúc nào?

– Mới cách đây chừng một tiếng đồng hồ thôi! Nhà em mới xây cất thêm gì đó phải không?

Hoài An chợt dừng chân, mặt đượm nét buồn.

– Nhà bán rồi anh! Người chủ mới đã dời cửa và tường ra ngoài hàng ba cho căn nhà được rộng thêm.

– Vậy... Mẹ em, Nhơn và em Sơn đang ở đâu?

Hoài An lay nhẹ cánh tay tôi:

– Chuyện dài lắm! Mình tìm một nơi nghỉ chân đi anh!

Tôi gật đầu, đỡ lấy giỏ đi chợ và một túi nylon từ tay Hoài An rồi chỉ qua bên kia đường Hùng Vương:

– Có một quán quen trong dãy này. Nhạc nghe được lắm!...

Chiếc bàn nằm gọn trong góc, cạnh quầy thâu ngân. Đây là vị trí lý tưởng để nhìn toàn cảnh trong quán và cả ngoài đường lộ. Quán quen, người cũng không xa lạ nên cô tiếp viên kiêm thâu ngân chỉ đến hỏi một mình Hoài An rồi quay vào trong ngay.

– Sao chị ấy không hỏi anh dùng gì?! Hoài An tròn mắt hỏi tôi.

– Quán quen mà!

Tôi đáp gọn và cũng vừa đúng lúc cô gái mang ly cà-phê đến.

– Cam vắt của chị sẽ có trong giây lát. Còn cà-phê thì hy vọng sẽ không quá ngọt như lần trước.

Cô gái nói xong là quay lưng đi ngay. Tôi nâng cái “phin” lên, khuấy vài muỗng, không nhìn nhưng cũng biết đôi mắt của Hoài An đang tròn xoe nhìn tôi thay cho câu hỏi.

– Thì đã nói là quen mà!

Đôi mắt vẫn nhìn tôi, chưa hài lòng với câu trả lời nên tôi giải thích thêm.

– Mỗi khi về dưỡng quân thì nếu đi uống cà-phê là anh chỉ tới Lộng Ngọc, hay quán Kim, hoặc nơi này. Riết rồi họ biết thói quen của anh.

– Vì thích nghe nhạc, ghiền cà-phê họ pha, hay vì mái tóc dài như chị này?

– Có lẽ là cả ba!

Tôi cười sau câu trả lời. Bên kia bàn, đôi mắt bỗng trở nên đăm chiêu. Tôi biết là đã đến lúc mình cần nghe hơn nói.

“Em có ý chờ anh hồi âm lá thư em gửi ngay lúc anh cùng đơn vị vào Quảng Ngãi hồi tháng 4 năm ngoái. Nhưng bặt vô âm tín. Em biết anh bận hành quân, nhưng không lẽ vài chữ cũng chẳng có thì giờ!? Cả nhà đều biết em lo lắng. Anh Nhơn cứ trấn an em hoài. Tháng 5, nghe nói tiểu đoàn anh đụng nặng. Vừa xong trận Mộ Đức là vào ngay Quảng Tín. Trận Tiên Phước ở Quảng Tín làm cho Đà Nẵng xôn xao không ít vì đánh lớn quá! Út Sơn và em vào ngay hậu cứ của Tiểu Đoàn anh để hỏi thăm tin tức. Hôm đó, thân nhân và gia đình binh sĩ cũng dồn dập ra, vào. Hai chị em hỏi tin anh, thì ông trung úy Chỉ Huy hậu cứ nói là chưa biết rõ và còn đang chờ tin từ đơn vị ngoài hành quân và từ Tổng Y Viện Duy Tân. Nghe nói vậy là hai chị em lật đật chạy trở ra Đà Nẵng, nhưng dò hỏi khắp các Phòng, Ban mà cũng không nơi nào có tên anh trong danh sách nhập viện. Hai chị em định hỏi mấy người thương binh, nhưng nhìn thấy họ băng bó đầy mình nên không dám. Lúc ra cổng thì chúng em gặp vợ chồng một anh thiếu úy cùng đơn vị với anh cũng đang ra về. Hai ông bà cũng vào Duy Tân tìm anh. Họ nói có một người lính cho biết là anh bị thương và đã được đưa về Đà Nẵng. Anh chị ấy cũng đã dò hỏi khắp nơi trong bệnh viện, kể cả Nhà Xác, mà cũng không tìm thấy anh. Khi chia tay, em có cho họ địa chỉ và dặn là nếu có tin của anh thì báo cho cả nhà em biết. Phải đến đầu tháng 8 em mới nhận được vài chữ của chị vợ anh Thiếu úy Công. Chị cho biết anh đang hành quân trong quận Đức Dục và vùng Nông Sơn. Anh Nhơn và em có gửi chung một lá thư thăm anh, nhưng rồi cũng bặt tin như lá thư trước. Không ai hiểu vì sao nhưng cũng mừng là vì biết anh an lành. Sau đó thì hàng loạt biến chuyển trọng đại xảy ra trong gia đình nên em cũng không còn tâm trí đâu mà chờ tin của anh...”

Hoài An chợt dừng, dán mắt vào hai bàn tay đang khoanh tròn ly nước, không giấu diếm sự xúc động trên nét mặt và trong ánh mắt. Đến lúc này tôi mới để ý thấy chiếc nhẫn cưới trên bàn tay trái của nàng. Biến chuyển trọng đại mà Hoài An vừa nói tới có lẽ là chuyện liên quan tới chiếc nhẫn này không chừng. Nhưng tôi không hỏi, mà chỉ kể sơ chuyện đơn vị hành quân liên tục suốt từ tháng 4 cho đến cuối tháng 10/1974 là lúc tôi về Huấn Khu Thủ Đức học khóa Sĩ Quan Tiếp Liệu Binh Đoàn. Trong suốt khoảng thời gian này, Tiểu Đoàn 37BĐQ chỉ về hậu cứ đúng một ngày vào cuối tháng 7 để bổ sung quân số và quân trang, đạn dược rồi trở ra vùng hành quân ngay lập tức để kịp thời giải tỏa áp lực địch tại quận Đức Dục và chuẩn bị tái chiếm Nông Sơn. Tháng 8, khi Hoài An nhận tin của tôi từ chị Hương, vợ anh Công, thì cả Liên Đoàn 12BĐQ đang cự địch trong vùng Nông Sơn và sau đó thì làm nhiệm vụ bảo vệ Chi Khu và quận lỵ Đức Dục, đồng thời giữ an ninh cạnh sườn tại vùng đồng bằng Hà Nha thuộc quận Đại Lộc cho hai đại đơn vị Nhảy Dù rồi Thủy Quân Lục Chiến để họ rảnh tay quần thảo với bắc quân ở mặt trận Thường Đức, tại cao điểm 1062. Tôi nhận lá thư đầu tiên của Hoài An khi đang cùng trung đội dò dẫm theo từng bước chân rà mìn ròng rã trong suốt một tháng tại xã Đức Lương của quận Mộ Đức–Quảng Ngãi. Căng thẳng cùng cực khi mỗi ngày phải hồi hộp đối diện với tử thần nên lá thư nằm im trong túi áo rồi chìm vào quên lãng vì những trận đánh dồn dập suốt mùa hè và cuối năm 1974 của cả Liên Đoàn 12 BĐQ: Thạch Trụ, Mộ Đức, Suối Đá–Tam Kỳ, Nông Sơn, Điện Bàn, Đại Lộc rồi trở lại Nông Sơn để cầm chân địch tại cửa ngõ Đức Dục. Ngần ấy gian nguy đã làm tôi cảm thấy không còn hứng thú trong việc trao đổi thư tín với những hồng nhan lẽ ra đã trở thành tri kỷ. Với gia đình cũng vậy, nhiều lắm là ghi mấy hàng cho cả nhà biết mình còn mạnh khỏe rồi thôi. Những vấn vương đây đó khi còn an lành chốn hậu phương chuyển ngay thành căng thẳng nơi chiến trường nên thư tín cứ thế mà rề rà rồi đâm ra lười biếng lúc nào không biết. Một khi thời gian tính đã không còn thì cảm nhận trong lời lẽ yêu đương chỉ có tính cách máy móc. Do đó không phải chỉ một mình Hoài An, mà những tri âm, tri kỷ và thân chủ thư tín của tôi đều dài cổ chờ đợi hồi âm. Nụ cười trong rừng mai Duy Xuyên, tà áo trắng trên đường làng Thạch Trụ, mái tóc dài trong đêm trăng Phú Lộc đều nằm trong đáy ba lô hoặc “ngự” trên túi áo để “... Thỉnh thoảng ngắm nhìn khi tư lự cho vơi thầm nhung nhớ lúc dừng quân...” Thật là không công bằng khi nhận thư mà không một lời hồi đáp, nhưng biết làm sao bây giờ?! Lính mà... Em!

“Lúc em nhận tin anh từ chị Hương thì em đã quen chồng em được gần 2 tháng. Chỉ là tình cờ thôi! Bất ngờ và gần giống như khi em gặp anh ở nhà sách Lan Dung vậy đó! Nhưng có lẽ là duyên nợ nên sau đó thì cơ hội cho chúng em gặp nhau xảy ra thường xuyên hơn. Đó cũng là lúc anh Nhơn được Hội Đồng Giám Định Y Khoa phân loại Thương Binh rồi cho giải ngũ và sau đó không lâu thì em Sơn thi đậu vào trường Sư Phạm Qui Nhơn. Út Sơn không chọn học ở Huế mà vào Qui Nhơn là vì bác Hai em ra thăm cả nhà rồi ngỏ ý đưa Mẹ về Ghềnh Ráng là nơi có đất hương hỏa của dòng họ nội tại xã Qui Hòa. Phần em thì vì công việc không thể bỏ ngang, mặt khác, em quen với việc làm hiện tại rồi. Đi đâu cũng khó lòng tìm được một chỗ vừa nhàn lại vừa có lương hậu hỷ như vậy lắm! Riêng về chuyện liên quan tới ‘anh ấy’ thì... cũng tại anh thôi! Anh đến bất ngờ. Ra đi cũng biền biệt. Nói cách khác, anh biến khỏi đời em sau một tháng ào ạt ‘thả lưới’ để rồi buông bỏ tình cảm ngay khi trở ra mặt trận. Anh thật khó hiểu và là dấu hỏi cả đời em không thể tìm được câu trả lời. Anh chưa lần nào nói tiếng yêu em, nhưng ngần ấy kỷ niệm, ngần ấy thân tình – với em và với cả gia đình – cũng đủ thay lời bày tỏ. Mọi người đều bênh vực và bào chữa cho anh mỗi lần em nói tới cái chất nghệ sĩ trong màu áo lính của anh. Em không dùng hai chữ lãng mạn. Nghệ sĩ mới đúng! Vì nghệ sĩ là hình tượng của một đời sống muôn màu, muôn vẻ, cũng có nghĩa là lãng đãng và... không có thật! Anh Nhơn ngạo em hoài cũng vì cái chất ‘nghệ sĩ’ mà em kết luận về anh. Anh Nhơn cho là em khéo tưởng tượng thì thôi! Đã là Lính thì làm gì có thì giờ ‘đầu tư’ tình cảm để mà thay đổi! Mẹ cũng đồng tình với anh Hai. Mẹ nói ‘... Con nghĩ ngợi nhiều quá! Nó là Lính. Rày đây mai đó. Con nên kiên nhẫn mới đúng!’ Kiên nhẫn?! Thì giờ đâu nữa mà kiên nhẫn!? Mọi thứ đều dồn dập đến một lượt. Trước hết, tương lai của cả nhà sẽ khá ổn định nếu dọn về trong Ghềnh Ráng. Mẹ không còn phụ em ‘chạy gạo’ mà chỉ cần chung sức với bác gái chăm sóc vườn tược và nhà cửa trong Qui Hòa. Em Sơn thì không cần phải tốn tiền mướn chỗ trọ vì từ Ghềnh Ráng vào Qui Nhơn chỉ có vài ba cây số thôi, còn anh Nhơn thì làm cho bác Hai rồi tương lai sẽ cai quản cái tiệm sửa xe gắn máy ngay cạnh Trường Tiểu Học Ghềnh Ráng. Kế đến là tình cảm của ‘anh ấy’ dành cho em càng ngày càng thêm... cường độ mà anh thì cứ biệt tăm. Cho nên...”

Cho nên nàng chọn con đường hôn nhân để khỏi trở thành một gánh nặng cho gia đình và cũng để cho mẹ mình yên lòng trở về sống nơi quê chồng. Yêu một chinh nhân cũng có nghĩa là đặt cuộc đời mình vào một canh bạc. Người mẹ đã trải qua kinh nghiệm đau buồn khi trở thành quả phụ lúc hãy còn son nên đã rất an tâm khi rời Đà Nẵng ngay sau đám cưới của cô con gái. Thiệp cưới kèm theo một lá thư thật ngắn được chính người bạn thân gởi về địa chỉ gia đình tôi tại Sài Gòn. Bạn cũng là Lính nên biết là thư ra chiến trường thường hay bị thất lạc, do đó gởi thẳng về nhà để ít ra cũng còn có người thân trong gia đình lưu giữ. Tôi nhận tin vui của Hoài An ngay sau khi hàn huyên với gia đình trong ngày đầu tiên về tới Sài Gòn. Trong thư, bạn tôi chỉ ghi vỏn vẹn một câu “Có DUYÊN nhưng không NỢ. Biết sao bây giờ!”. Có thoáng hụt hẫng, có phút chạnh lòng, nhưng rồi phiền muộn cũng tan dần vào nhịp độ của sinh hoạt thường ngày tại hậu phương lớn, trong đó việc theo học khóa Tiếp Liệu Binh Đoàn là mối bận tâm lớn nhứt. Có lẽ vì vậy mà trong 3 tháng nhàn hạ ở Sài Gòn, nỗi nhớ về Đà Nẵng đã không có dịp gặm nhấm trong lòng tôi. Nhưng vừa xuống phi cơ rồi khi nhìn lại con đường vào hậu cứ là tôi đã thấy bồi hồi, rưng rức. Nỗi niềm cứ thế trải dần theo cảm xúc. Những hồng nhan của mùa xuân trước tưởng đã ngàn trùng xa, không ngờ vẫn còn có mái tóc quá vai đang đối diện với tôi trong góc quán. Năm ngoái là xuân tươi với những đóa hoa lòng nở vội. Ngày vào xuân hôm nay lại là một cuộc hạnh ngộ đáng lẽ không nên có, bởi lẽ tiếng lòng chỉ còn lại dư âm và tôi không biết phải giải thích như thế nào để Hoài An hiểu là nàng không cần phải ray rứt khi cứ nghĩ mình có lỗi vì đã quyết định lấy chồng chỉ sau vài tháng quen biết.

– Em mong là anh không trách em quá vội vàng!

Hoài An lên tiếng sau khi chúng tôi cùng im lặng hồi lâu.

– Anh chưa hề có ý trách em! Mỗi người đều có một hoàn cảnh để suy nghĩ rồi quyết định. Anh nghĩ là em đã chọn cách vẹn toàn nhứt.

– Nhưng...

– Em không nên tự trách mình.

– Ý em muốn nói là còn có một giải pháp khác nhưng em đã chọn ở lại đây với “anh ấy”...

– Anh hiểu em muốn nói gì. Nhưng nếu em theo cả nhà vào Qui Nhơn thì tình cảm của mình lại càng bấp bênh hơn.

– Tại sao?

– Tại vì anh đã bặt tin khá lâu, mà sự mỏi mòn nào cũng có giới hạn thời gian của nó. Sẽ rất bất công nếu như em cứ chờ đợi mà anh thì... biệt tăm dài dài. Mặc khác, tình yêu phải đi đến hôn nhân mà anh thì không muốn em thành góa phụ quá sớm.

– Nhưng em muốn biết là anh có trách em hay không?

– Không bao giờ! Thôi đừng thắc mắc gì về chuyện này nữa. Theo anh thấy thì em đang hạnh phúc. Đúng không?

Hoài An gật đầu, không nói gì thêm. Như vậy cũng đủ để tôi hiểu là nàng đã gặp may mắn trong cuộc sống hiện tại và không thấy quá hiu quạnh mặc dù không có người thân nào bên cạnh. Câu chuyện hàn huyên sau đó chỉ là những tin tức về sinh hoạt hiện tại của gia đình nàng và của bạn tôi tại Qui Nhơn. Khi chúng tôi rời quán thì phố xá cũng vừa lên đèn. Đường về bến xe Lam ở Chợ Cồn tấp nập người qua lại hơn cả lúc ban chiều. Cảnh sinh hoạt làm tôi nhớ những bước chân rộn rã và một hạnh phúc thật ấm lòng khi rời nhà Hoài An sau lần gặp lại Hoài Nhơn, anh của nàng. Mới đó mà đã một năm qua rồi! Thời gian trôi, hoàn cảnh và con người đều thay đổi. Chuyện đời không phải như trong tiểu thuyết và phim ảnh. Những lần gặp gỡ trong mấy tuần dưỡng quân hồi tháng 3 năm ngoái chỉ mới là bước khởi đầu nên chưa đủ để gọi là đã mang lại tình yêu đích thực. “Không phải tại anh. Cũng không phải tại em...” Hai vị nhạc sĩ (Lê Dinh và Minh Kỳ) quả đã khéo lên tiếng giùm những ai đi “chưa trọn cuộc tình” của họ...

– Anh có đi chung để về Phú Lộc không?

Hoài An hỏi khi chúng tôi vừa tới bến xe Lam ở Chợ Cồn.

– Không!

Tôi đáp gọn rồi trao cho nàng giỏ xách và chiếc túi nylon khi nàng đã lên xe ngồi ngay ngoài cùng.

– Mai mốt khi nào ra Đà Nẵng uống cà-phê thì mời anh ghé nhà em nha.

Nói xong, Hoài An đọc cho tôi địa chỉ rồi thở phào:

– Cám ơn anh đã xách giỏ dùm em nãy giờ. Vừa “mang” lại vừa xách thật là mau mệt quá chừng.

Thấy nàng nhìn xuống bụng thì tôi chợt hiểu.

– Chúc mừng em!

– Được hơn 3 tháng rồi! Bà và hai cậu không có ở đây. Coi như anh là người thân duy nhất của hai mẹ con rồi đó!

Hoài An vừa nói xong thì xe lăn bánh. Nàng nhắc lại lời mời, rồi đưa tay vẫy. Trong cảnh nhá nhem của đèn đường vừa bật sáng và sau màn khói đang lan tỏa, dường như đôi mắt trên xe không muốn rời chiếc bóng bên đường. Tôi đứng tần ngần nhìn theo, lòng thầm nghĩ đến câu nói sau cùng của Hoài An rồi đến lá thư của cô giáo có nụ cười “đẹp như đóa mãn khai” còn nằm trong túi áo. “Một người quen đã đi lấy chồng. Một người thương thôi đã sang sông...” Đã có trải qua kinh nghiệm này hay chưa mà sao lời của nhạc sĩ Xuân Vinh viết cho Cuộc Tình Đã Mất lại trùng hợp với hoàn cảnh của tôi trong ngày hôm nay đến như vậy!? Tôi lại thấy mình lạc lõng trong sự huyên náo của Đà Nẵng lúc vào xuân. Vẫn là những bước chân không định hướng như những lần dạo phố Tết trước đây. Đến khi nhìn lại mới hay là mình đang thả chân bước trở về phía Chợ Hàn. Con đường Hùng Vương vẫn đều một nhịp rộn ràng với rừng xe và người không ngớt ngược xuôi. Trong ánh sáng lóa mắt của ánh đèn xe và giữa những tiếng máy nổ đủ loại, là tiếng nói cười, là bàn tay đan trên vỉa hè cùng vòng tay ôm trên những chiếc xe gắn máy đang di chuyển rất nhàn nhã dưới lòng đường. Vừa gặp Hoài An khi nãy, bây giờ đã thấy mình lại về ngang dãy quán cà-phê Diên Hồng ở góc đường Hùng Vương – Yên Bái từ lúc nào không biết. Mới đó mà đã qua một buổi chiều xuân! Đà Nẵng khi vào tối càng thêm khởi sắc nhưng lòng tôi thì không biết phải hướng về đâu. Gia đình và người thân thì ở quá xa. Bạn bè và đồng đội đang chuẩn bị đón xuân nơi tuyến đầu còn gia đình của họ trong trại gia binh cũng đã về quê đón Tết từ mấy ngày trước. Nhìn đồng hồ thì thấy đã trễ chuyến xe Lam cuối cùng để về Hòa Khánh. Qua đêm trong khách sạn thì tôi không thấy hứng thú.

Còn đang lưỡng lự chưa biết phải làm gì thì có tiếng xe dừng lại ngay bên cạnh.

– Đang đứng làm thơ hay sao đây?

Tôi chưa kịp trả lời Tuấn thì người yêu của bạn đã tiếp lời:

– Nếu không có hẹn với ai thì mời anh ghé về nhà Vy ăn tối với gia đình. Bố mẹ sẽ rất vui khi gặp lại anh đấy!

Câu nói của Tường Vy làm tôi nhớ tới người công chức có biệt tài gõ máy đánh chữ nhanh như... tiếng mưa rơi trên mái nhà! Ông có thói quen ăn cơm tối xong là phải nhâm nhi hết một ấm trà, uống một mình, hoặc đối ẩm với khách đến ăn tối với gia đình, còn mẹ của nàng là một nội trợ có tài nấu nướng và cũng là hình ảnh của một nội tướng đúng nghĩa nhứt. Đón xuân trong không khí gia đình của cả nhà Tường Vy quả rất thú vị. Tôi vừa gật đầu thì Tuấn đã rồ máy xe vọt ngay.

– Tụi này vọt trước nghe! Từ đây qua Tòa Thị Chính không xa. Tí nữa gặp lại!

Tôi nhìn theo mà thấy vui lây với hạnh phúc của người bạn đồng môn quân trường. Nếu nói mùa Xuân là mùa của Tình Yêu thì quả là bạn đang tận hưởng những giờ phút nồng nàn nhứt của “mùa hoa tình ái”. Nghĩ đến lúc bạn thoải mái nói đến chuyện bàn giao hậu cứ cho tôi để trở lại đơn vị ngoài hành quân, tiếp tục nhiệm vụ chiến đấu trong khi chờ đợi đi học một khóa chuyên môn, mà tôi thấy ngưỡng mộ thần thái ung dung thật hiếm có. Người yêu của bạn cũng can đảm không kém! Chấp nhận làm người yêu rồi trở thành vợ của một chiến binh là cả một quyết định sâu sắc của con tim lẫn khối óc. Tường Vy chắc chắn đã nhiều lần theo Đỗ Anh Tuấn đến nghiêng mình lần cuối trước “hòm gỗ cài hoa” của những tử sĩ và cũng là bạn bè của cả hai khi còn học chung một mái trường. Nhưng Vy vẫn chấp nhận và bố mẹ nàng cũng không phản đối dù họ biết rất rõ là “Lính đồ bông thường sống hùng, sống mạnh nên... sống không lâu!”... Bước chân giờ có chủ đích đã không còn tư lự, rề rà như lúc trước. Đường Bạch Đằng muôn thuở nằm nghe sông Hàn khua sóng vỗ. Ánh sáng chói chang và âm thanh hỗn tạp của phố phường đang vào xuân đã nhường chỗ cho sự trầm lắng cố hữu của con đường đẹp nhứt vào ban ngày và thơ mộng nhứt vào ban đêm của Đà Nẵng. Hơi lạnh từ Trường Sơn ập xuống, từ hướng biển tỏa lên tạo thành một màn sương ẻo lả quấn quýt bên ánh sáng của những ngọn đèn đường tạo thêm cảm giác mờ ảo của đêm xuân. Trời trở lạnh nhưng lòng người đang ấm áp! Vì bóng Xuân đang từng bước về với thế trần hay vì lòng tôi đang thoáng lâng lâng khi nhìn thấy vòm sáng từ trong ngôi nhà của cư xá công chức trải lan ra ngoài thềm? Hạnh phúc không ở đâu xa! Hạnh phúc đang ở quanh ta! Ai đã nói câu này nhỉ?!

Huy Văn

 

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

Trang Thi-Văn Huy Văn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Bộ Huy hiệu Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by hv chuyển

 

Đăng ngày Chúa Nhật, February 17, 2019
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang