Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Trang Sưu Tầm
Chủ đề: Huy Hiệu QLVNCH
Tác giả: BĐQ Đỗ Như Quyên

Huy Hiệu Biệt Khu Thủ Đô Sài Gòn - VNCH
LỮ ĐOÀN LIÊN BINH PHÒNG VỆ PHỦ TỔNG THỐNG VNCH


 

 

 

Huy Hiệu Biệt Khu Thủ Đô Sài Gòn

 

 

Huy hiệu Liên Đội An Ninh Danh Dự
thuộc Liên Đoàn An Ninh Thủ Đô Sài Gòn

 

 

 

Huy hiệu Liên Đoàn An Ninh
Thủ Đô Sài Gòn

 

 

Logo Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ
Phủ Tổng Thống VNCH

 

 

 

Logo/Huy hiệu Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ
Phủ Tổng Thống VNCH gắn trên nón Bê-rê

 

 

 

 

 

Huy Hiệu Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ
Phủ Tổng Thống VNCH
(Đầu rồng ngậm lá quốc kỳ VNCH,
hai chân trước cầm cây cung)

 

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

Lời Tác giả:

Kính thưa bạn đọc,

Để có được bài viết này, chúng tôi đã tìm đọc lại những cuốn hồi ký của các tướng lãnh
[đã] từng đảm trách các vai trò gần gũi với Tổng thống Ngô Đình Diệm, hoặc [đã] từng làm việc ở Dinh Độc Lập thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Những cuốn hồi ký đó tuy có nói đến Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, nhưng chỉ nói sơ qua không có nhiều chi tiết lắm, hơn nữa mỗi người lại nói một cách khác nhau theo vị trí trách nhiệm của mỗi người. Chúng tôi làm công việc này giống như “tìm đậu trong bồ luá”, cố gắng lượm lặt, nối lại từng sự kiện nhỏ, so sánh và đối chiếu để hoàn tất bài viết.

Chúng tôi cũng may mắn được đọc bốn bài viết có nói nhiều hơn về Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống
[1], Xin chân thành biết ơn các tác giả, tuy tuổi đã cao nhưng các vị đã cố gắng lưu lại cho hậu thế những ký ức của người lính thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa nên mới có bài viết này. Chúng tôi rất mong và rất vui mừng nếu có ai sau khi xem sẽ lên tiếng đính chánh những sai sót, hoặc góp thêm các chi tiết để bài viết này được đầy đủ hơn.

Trân Trọng
BĐQ Đỗ Như Quyên

 

Ngày 18 tháng 6 năm 1954, Quốc Trưởng Bảo Đại ký Sắc Lệnh 038/SL/QT, bổ nhiệm ông Ngô Đình Diệm làm thủ tướng chính phủ Quốc Gia Việt Nam. Ngày 26/6/1954, ông Ngô Đình Diệm về đến Sài Gòn, khó khăn thứ nhất mà ông gặp là chỗ làm việc. Lúc đó Phủ Toàn Quyền (Dinh Norodom) Tướng Paul Ely của Pháp đang tạm ở đó, nên Thủ tướng Ngô Đình Diệm chọn nơi làm việc là Dinh Thủ Hiến. Cũng trong ngày 26/6/1954, Quốc Trưởng Bảo Đại cho đổi Dinh Thủ Hiến thành Dinh Gia Long, con đường La Grandière phía trước cũng đổi thành đường Gia Long.

 

 

Nền Móng Ban Đầu Của Lực Lượng Liên Binh Phòng Vệ:

Ngày ông Ngô Đình Diệm về nước, ngoài tấm lòng vì Quốc Gia và Dân Tộc thì ông chẳng có gì cả. Ông không có quân đội làm hậu thuẫn, không có được một viên cảnh sát hoặc hiến binh bảo vệ cho ông. Trong lúc đó các giáo phái, phe phái chính trị, Bình Xuyên, quân đội, v.v. dưới quyền Tướng Nguyễn Văn Hinh đang chuẩn bị đối đầu với ông. Chỉ một ngày sau khi ông về tới Sài Gòn, ngày 27/6/1954 ông có khách đặc biệt đến chào ra mắt. Chúng tôi xin trích và dịch lại những nhận xét về ông Ngô Đình Diệm từ Đại tá Edward G. Lansdale, Phụ tá Tùy viên Không Quân của Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn, lúc ông cùng một viên chức ở sứ quán là ông George Hellyer đi tìm ông thủ tướng vừa nhậm chức:

...Công thự nhỏ bé (Dinh Gia Long) mà ông Diệm dùng làm văn phòng thật là vô trật tự và không có an ninh, khi tôi cùng Hellyer bước vào. Chẳng thấy lính gác, không có nhân viên tiếp khách. Một vài người vẻ mặt nhăn nhó khó chịu, tay ôm những chồng hồ sơ, giấy tờ, hoặc vật dụng văn phòng đi tới đi lui dòm ngó từ phòng này qua phòng khác để tìm một chỗ ngồi làm việc. Một trong những người đó cho chúng tôi biết thủ tướng ở trên lầu.

Chúng tôi đi lên tầng trên, cửa các phòng đều đóng kín, dọc theo hành lang không một bóng người. Chợt thấy có một phòng để cửa hé mở chúng tôi ghé đầu nhìn vào. Đó là một căn phòng hơi nhỏ, nhưng lại có một cái bàn thật to chất đầy hồ sơ choán gần hết căn phòng. Một người Việt Nam trung niên đang ngồi tại bàn chăm chú đọc giấy tờ, ông ta ngước nhìn lên lúc chúng tôi bước vào. Mới nhìn thoáng qua, ông ấy không có gì đặc biệt. Vóc dáng tròn trịa, mặc một bộ đồ com-lê bằng vải séc-kin màu trắng, chân không chấm đất. Tóc ông ta đen bóng và dầy, được chải rất tươm tất, khuôn mặt hơi lớn với điểm nổi bật là những khối thịt nhỏ tròn trên gò má tựa như lúc nào ông cũng cười. Tôi nhìn ông ta, cặp mắt linh động và thân thiện của ông ấy làm tôi có cảm nhận rằng đây là một người khác hẳn với những người chung quanh. Hellyer lên tiếng xin lỗi và ngỏ ý muốn tìm gặp vị thủ tướng. Ông ấy trả lờ
i: ‘Tôi là Ngô Đình Diệm’....”
(Trích dịch từ cuốn: “In the Midst of War - An Americans Mission to Southeast Asia”, tác giả Edward G. Lansdale. NXB Harper & Row, San Francisco 1972).

Ngày 27/6/1954, Đại tá Edward G. Lansdale đến chào Thủ tướng Ngô Đình Diệm ở Dinh Gia Long.

 

 

(Đại tá Edward G. Lansdale lúc đó đang chuẩn bị một kế hoạch quy mô cho chính phủ Mỹ và CIA, là soạn chương trình đưa người di cư vào miền Nam, tuyển mộ người tình nguyện ở lại miền Bắc hoạt động cho CIA qua kế hoạch bí mật mang tên là “Chiến Dịch Huynh Đệ” - “Operation Brotherhood”. Quý vị nào muốn biết thêm về kế hoạch này, xin tìm đọc bài “Sáu Mươi Năm Tìm Lại” của tác giả BĐQ Đỗ Như Quyên. Bài viết này đã phổ biến năm 2014 trên diễn đàn Biệt Động Quân và nhiều trang điện tử khác).

Sau khi đến chào thăm Thủ tướng Ngô Đình Diệm ở Dinh Gia Long, Đại tá E. G. Lansdale ra về mà lòng không yên tâm về vấn đề bảo vệ an ninh cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Ông ta đã nhờ Tòa Đại Sứ Mỹ liên lạc với Quốc Trưởng Bảo Đại, yêu cầu Quốc Trưởng quan tâm tới chuyện này. Ít nhất trước mắt phải đưa một đơn vị cấp Đại Đội đến bảo vệ cho thủ tướng. Việc này không thể thực hiện vì quân đội lúc đó đều nằm dưới sự chi phối của Tướng Nguyễn Văn Hinh, nhưng nếu nhờ “Công An Xung Phong” của Bình Xuyên đảm trách bảo vệ thì quá nguy hiểm. Mãi tới cuối tháng 8/1954, trước sự khuyến cáo từ Tòa Đại Sứ Mỹ, Quốc Trưởng Bảo Đại lệnh cho Đại tá Nguyễn Tuyên, Chỉ Huy Trưởng Ngự Lâm Quân Việt Nam điều động Tiểu Đoàn 2 Ngự Lâm Quân của Thiếu tá Đoàn Văn Quảng từ Đà Lạt về Sài Gòn bảo vệ an ninh cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm (Tiểu Đoàn 1 Ngự Lâm Quân đang ở Huế).

Ngày 7/7/1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm chính thức thành lập chính phủ với 18 vị Bộ Trưởng.

Ngày 7/9/1954, một buổi lễ bàn giao Phủ Cao Ủy (Phủ Toàn Quyền) cho Việt Nam được tổ chức ở Dinh Norodom, Thủ tướng Ngô Đình Diệm và Đại tướng Paul Ely có mặt tại buổi lễ.

Ngày 8/9/1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm cho đổi Dinh Norodom thành Dinh Độc Lập. Tuy nhiên ông vẫn ở Dinh Gia Long Long làm việc.

Giữa tháng 9/1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm cử Thiếu tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, đi công cán ngoại quốc trong sáu tháng để nghiên cứu việc cải tổ và phát triển Quân Đội Quốc Gia. Nhưng Tướng Nguyễn Văn Hinh cố tình kéo dài thời gian không chịu rời Việt Nam. Sau nhiều ngày âm thầm chuẩn bị, Tướng Nguyễn Văn Hinh dự tính thực hiện một cuộc đảo chánh bằng quân sự vào ngày 20/9/1954. Nhưng trước sự lơ là của Mỹ lẫn Pháp, Tướng Nguyễn Văn Hinh phải bỏ kế hoạch này.

Nhận thấy tình thế mỗi ngày thêm bất lợi về mặt an ninh cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm, đầu tháng 10/1954, Đại tá E. G. Lansdale bí mật qua Manila, tại đây ông gặp Tổng thống Ramon Magsaysay của Phi Luật Tân, yêu cầu ông này giúp đỡ tổ chức một đơn vị đặc biệt để bảo vệ Thủ tướng Ngô Đình Diệm tại Sài Sòn. Hai tuần sau, Tổng thống Ramon Magsaysay cử sang Việt Nam một toán sĩ quan bốn người thân cận và tinh nhuệ nhất của tổng thống, do Đại tá Napoleon D. Valeriano chỉ huy. Toán quân nhân này đến ở ngay trong Dinh Norodom (Phủ Cao Ủy) cùng với Tiểu Đoàn 2 Ngự Lâm Quân Việt Nam. Họ nhờ Đại tá Nguyễn Văn Vỹ (chưa lên tướng) đặc biệt tuyển chọn những quân nhân Việt Nam có vóc dáng cao lớn, biết võ thuật và lý lịch phải tuyệt đối minh bạch. Tất cả các quân nhân này cùng với đơn vị Ngự Lâm Quân nói trên được huấn luyện đặc biệt, được tố chức thành ba Đại Đội Bảo Vệ, một Chi Đội Thiết Giáp Xa, một Pháo Đội Súng Nặng và một Trung Đội Truyền Tin.

Giữa tháng 12/1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm chính thức dời đến Dinh Độc Lập. Trong năm 1955, vấn đề bảo vệ an ninh cho thủ tướng cũng như cá nhân các vị Bộ Trưởng, v.v. trong chính phủ đã được cải thiện rất nhiều. Tuy vậy, sự bất ổn vẫn còn cho đến khi Lực Lượng Bình Xuyên hoàn toàn bị quét sạch khỏi thủ đô Sài Gòn từ tháng 4 tới tháng 9 năm 1955.

Ngày 12/5/1955, danh xưng Ngự Lâm Quân Việt Nam được bãi bỏ. Tiểu Đoàn 2 Ngự Lâm Quân trở thành Tiểu Đoàn Bảo Vệ Tổng Thống Phủ, Bộ Chỉ Huy đặt ở Thành Cộng Hòa. Tiểu Đoàn 1 Ngự Lâm Quân giải tán và sáp nhập vào các đơn vị của quân đội.

Ngày 7/7/1955, nhân kỷ niệm đúng một năm ngày chấp chánh của Thủ tướng Ngô Đình Diệm, chính phủ loan báo trước ngày 23/10/1955 sẽ cho tổ chức một cuộc “Trưng Cầu Dân Ý”, người dân sẽ bỏ phiếu chọn lựa giữa chính thể Quân Chủ và chính thể Cộng Hòa.

Ngày 26/10/1955, sau cuộc “Trưng Cầu Dân Ý”, chính thể Quân Chủ với Quốc Trưởng Bảo Đại bị thua phiếu, Thủ tướng Ngô Đình Diệm chính thức trở thành tổng thống với chính thể Cộng Hòa. Đất nước từ lúc này đã có nhiều thay đổi quan trọng, trong đó có tên nước đổi từ Quốc Gia Việt Nam sang Việt Nam Cộng Hòa, Quân Đội Quốc Gia Việt Nam trở thành Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.

 



 

Giai Đoạn Hình Thành Lực Lượng Liên Binh Phòng Vệ:

Ngày 31/12/1955, Tổng thống Ngô Đình Diệm ký quyết định thành lập Tiểu Đoàn Bảo Vệ An Ninh Tổng Thống Phủ, do Trung tá Lý Thế Như làm Tiểu Đoàn Trưởng. Tiểu đoàn đặt trực thuộc vào Bộ Quốc Phòng và Phủ Tổng Thống. Đơn vị đặc biệt này có quân số khoảng 1,200 quân nhân với bốn Đại Đội Bảo Vệ, một Chi Đội Thiết Giáp Xa, một Pháo Đội Súng Nặng, Đại Đội Quân Nhạc-Nghi Lễ và Trung Đội Truyền Tin.

Năm 1956, Tiểu Đoàn An Ninh Tổng Thống Phủ do Trung tá Nguyễn Văn Kiểm làm Tiểu Đoàn Trưởng.

Năm 1957, Tiểu Đoàn An Ninh Tổng Thống Phủ được cải tổ và phát triển thành Liên Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, do Trung tá Hoàng Văn Lạc làm Tư Lệnh, Tham Mưu Trưởng: Thiếu tá Đặng Thiện Ngôn, Tham Mưu Phó: Thiếu tá Lý Trọng Lễ.

26/11/1957-12/11/1960, Trung tá Lê Ngọc Triển: Tư Lệnh, Tham Mưu Trưởng: Thiếu tá Phan Đình Tùng, Tham Mưu Phó: Thiếu tá Phạm Văn Hưởng.

Lúc này Liên Đoàn đã có quân số gần 2,000 quân nhân, năm Đại Đội Bộ Binh:

Đại Đội Chỉ Huy Công Vụ

Liên Đội Pháo Binh (Pháo Đội 105ly (bốn súng), Pháo Đội Cận Yểm (bốn súng cối 81ly, bốn đại bác không giật 57ly).

Liên đội trưởng Pháo Binh: Đại úy Phạm Văn Tài, LĐT kế nhiệm: Đại úy Nguyễn Khắc Thiệu.

Liên đội phó: Trung úy Bùi Thông Tiêm (ông bị tử thương vào ngày 2/11/1963 ở Dinh Gia Long).

Pháo đội trưởng PĐ105ly: Trung úy Chu Gia Thoại, PĐP Thiếu úy Nguyễn Đức Giang.

Pháo đội trưởng PĐ Cận Yểm: Trung úy Nguyễn Đạt Sinh, PĐP: Thiếu úy Thái Thành Giang.

Các sĩ quan Pháo Binh yểm trợ: Trung úy Nguyễn Tấn Bạch, Trung úy Nguyễn Thành Tiên, Trung úy Lê Châu Lộc, Chuẩn úy Lê Văn Đức và Chuẩn úy Bảo Thái.

Liên Chi đội trưởng Thiết Giáp: Đại úy Nhan Nhật Chương (được trang bị các loại thiết vận xa, thiết giáp hạng nhẹ để tuần tiễu hoặc phòng thủ như: M-3, M-8, M-706, V-100 Commando; về sau có thêm M-113)

Đại Đội Truyền Tin: Đại úy Nguyễn Văn Lung.

Đại Đội Quân Nhạc: Đại úy Nguyễn Văn Tín.

Ban Quân Y: Thiếu tá Lưu Thế Tế: Y sĩ trưởng, sĩ quan Trợ Y: Chuẩn úy Nguyễn Quang Hiền.

Đại Đội Cận Vệ gồm hai trung đội:

-Trung Đội Xe Mô-tô gồm 21 chiếc Harley Davidson giữ nhiệm vụ chạy che quanh xe tổng thống hay quốc khách,

-Trung Đội Cận Vệ gồm những người rất được tin cậy, giỏi võ nghệ, phản ứng nhanh, v.v. Lúc tổng thống ra ngoài thì họ mặc thường phục đi theo bảo vệ, những lúc không ra ngoài thì đứng canh gác lối ra vào trong dinh, các cửa phòng, kể cả phòng của tổng thống hoặc gia đình ông Ngô Đình Nhu.

Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống đặt tại Thành Cộng Hòa, số 2 đường Thống Nhất, Quận 1 Sài Gòn.

Quân phục của Liên Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống có ba loại: Khaki trắng, Khaki vàng và Xanh ô-liu. Các loại quân phục được phát 4 bộ cho mỗi người (12 bộ tất cả), 4 đôi giày (nghi lễ 2 đôi, trực chiến 1 đôi và 1 đôi loại thể thao). Quân nhân đội nón nỉ bê-rê màu đen, huy hiệu trên nón hình tròn nền trắng, mang hình một thân trúc lá xanh, lá cờ Việt Nam Cộng Hòa ở phía trên (xem hình).

 







 

Ngày 11/11/1960 tại thủ đô Sài Gòn đã xảy ra một biến cố quan trọng, đó là cuộc “binh biến” làm đảo chánh lật đổ chính phủ do các ông:

Vương Văn Đông (Nhảy Dù),
Phan Lạc Tuyên (Biệt Động Quân),
Nguyễn Triệu Hồng (Nhảy Dù) và
Nguyễn Chánh Thi (Nhảy Dù) chủ xướng
.

Tuy nhiên, âm mưu đảo chánh đã bị thất bại, hầu hết những người chủ chốt đã trốn thoát sang Cam-bốt.

Ngày 14/11/1960, Trung tá Nguyễn Ngọc Khôi được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Liên Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ làm Tư Lệnh Phó (duy nhất) kiêm Tham Mưu Trưởng, Thiếu tá Phạm Văn Hưởng làm Tham Mưu Phó.

Liên đoàn bây giờ có năm (5) Đại Đội Bộ Binh (Đại Đội thứ 6 được thành lập đầu năm 1961):

Đại Đội 1: Trung úy Nguyễn Văn Tính Đại đội trưởng (ĐĐT),

Đại Đội 2: Trung úy Vũ Đức Lâm ĐĐT, Trung úy Nguyễn Văn Vọng Đại đội phó (ĐĐP),

Đại Đội 3: Đại úy Tôn Thất Tích ĐĐT (người kế nhiệm: Đại úy Phạm Hậu và Đại úy Nguyễn Văn Lê),

Đại Đội 4: Đại úy Đoàn Hữu Hành ĐĐT,

Đại Đội 5: Đại úy Trần Văn Lục ĐĐT,

Đại Đội Chỉ Huy Công Vụ: Đại úy Trần Minh Huy (cuối năm 1960 ông xin thuyên chuyển qua Biệt Động Quân),

Đại Đội Súng Nặng: Đại úy Nguyễn Tấn Bạch ĐĐT (người tiền nhiệm: Đại úy Phan Đình Tùng 1955-1957), Trung úy Nguyễn Đức Giang ĐĐP, sĩ quan Yểm Trợ: Trung úy Bùi Văn Tính và Thiếu úy Bảo Thái,

Liên Chi Đội Thiết Giáp: Đại úy Nguyễn Tấn Tui: Liên Chi đoàn trưởng (người kế nhiệm: Đại úy Phạm Minh Xuân),

Đại Đội Truyền Tin: Đại úy Nguyễn Văn Lung ĐĐT,

Đại Đội Quân Nhạc: Đại úy Trần Văn Tín ĐĐT, Trung úy Lý Trọng Cam ĐĐP,

Ban Quân Y: Đại úy Nguyễn Tuấn Anh Y sĩ trưởng, sĩ quan Trợ Y: Chuẩn úy Lê Văn Nhượng,

Đại Đội Cận Vệ: Thiếu tá Nguyễn Đức Xích ĐĐT (kế nhiệm là Thiếu tá Trần Đình Tư).

Bảng Điều Phối Thường Trực Các Đại Đội Bộ Binh:

(1): Một đại đội ở Dinh Độc Lập,

(2): Một đại đội ở Thành Cộng Hòa,

(3): Một đại đội ở Đà Lạt canh gác hai dinh thự 1 và 2,

(4): Một đại đội đảm trách chào kính và lễ nghi ở Dinh Độc Lập, ở phi trường Tân Sơn Nhất mỗi khi tổng thống đi hoặc về,

(5): Một đại đội phối hợp với thiết giáp và pháo binh,

(6): Một đại đội chia ra canh gác ở: Tham Mưu Biệt Bộ Phủ Tổng Thống (đường Hồng Thập Tự): Dinh Gia Long; công thự nội bộ (195 đường Công Lý) và các cư xá trực thuộc đơn vị.

Liên Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống có những cư xá như sau:

Cư xá Hiền Vương (sĩ quan cấp đơn vị trưởng),

Cư xá Thành Tín, số 4 đường Thống Nhất (sĩ quan cấp phó và sĩ quan độc thân),

Cư xá Nhân Vị, số 18 đường Hồng Thập Tự (hạ sĩ quan và binh sĩ),

Cư xá Cộng Đồng ở Thị Nghè (hạ sĩ quan và binh sĩ),

Cư xá Đồng Tiến, ngã ba đường Nguyễn Du-Cường Để (dành cho gia đình thuộc Đại Đội Cận Vệ).

Ngày 1/6/1961, Tổng thống Ngô Đình Diệm ký Sắc Lệnh số 098/QP cho đổi các Quân Khu thành Vùng Chiến Thuật, Quân Khu Thủ Đô đổi thành Biệt Khu Thủ Đô.

Ngày 1/7/1970, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho đổi các Vùng Chiến Thuật thành Quân Khu.

Cũng trong tháng 6/1961, Liên Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống tổ chức thành hai chiến đoàn: Chiến Đoàn 1 do Thiếu tá Phạm Văn Hưởng làm Chiến Đoàn Trưởng, có nhiệm vụ bảo vệ Dinh Độc Lập với Tiểu Đoàn A gồm ba Đại Đội Bộ Binh và một Chi Đội Thiết Giáp. Chiến Đoàn 2 do Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ làm Chiến Đoàn Trưởng, chịu trách nhiệm bảo vệ Thành Cộng Hòa với Tiểu Đoàn B gồm ba Đại Đội Bộ Binh, một Chi Đội Thiết Giáp và Đại Đội Chỉ Huy Công Vụ.

Ngày 1/3/1962, Đại Đội Súng Nặng thành lập thêm Pháo Đội Phòng Không. Vũ khí được trang bị gồm Đại Liên 50ly, Đại Bác 20ly của Hải Quân cung cấp, v.v. Các vị trí đặt súng nằm trên nóc những cao ốc như Thành Cộng Hòa, Dinh Gia Long, Bộ Quốc Phòng, Bộ Công Chánh và Dinh Độc Lập, v.v.

Pháo đội trưởng Pháo Đội Phòng Không: Đại úy Nguyễn Tấn Bạch, Pháo Đội Phó: Trung úy Bùi Văn Tín; các sĩ quan yểm trợ: Trung úy Nguyễn Đức Giang, Thiếu úy Trần Hữu Vạn, Thiếu úy Bảo Thái, Chuẩn úy Trần Công Thụ, Chuẩn úy Huỳnh Văn Ba, Chuẩn úy Phạm Duy Nhạ, Chuẩn úy Phan Văn Hy, Trung sĩ Nhất Đặng Việt Đàng, TS1 Trần Ngọc Khách, TS1 Vũ Thiện Chí và TS1 Nguyễn Viết Luật.

Ngày 25/2/1962, Liên Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống được tái tổ chức và đổi danh xưng là Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, KBC-4373. Quân số của đơn vị này đã hơn 2,500 quân nhân. Vũ khí cá nhân, súng cộng đồng, thiết giáp xa, máy truyền tin, v.v. của lữ đoàn này được trang bị những loại mới nhất nếu so với cấp Trung đoàn hay Liên đoàn khác trong quân đội vào lúc đó.

Ngày 27/2/1962, hai máy bay khu trục loại A-1H (Skyraider) đã bất ngờ thả bom Dinh Độc Lập. Hai phi công là Trung úy Phạm Phú Quốc và Trung úy Nguyễn Văn Cử thuộc Phi Đoàn 514 ở Biên Hòa. Trên đường bay đến yểm trợ cho một đơn vị tại Vùng 4 Chiến Thuật, hai người đã đổi hướng bay về Sài Gòn và biến cố đã xảy ra. Sau khi bất ngờ xuất hiện thả một quả bom trúng vào giữa phía trái của Dinh Độc Lập, hai chiếc khu trục phải tránh xa khu vực này vì hỏa lực phòng không quá dữ dội của lực lượng pháo binh và Hải Quân. Sau đó chiếc khu trục của Trung úy Phạm Phú Quốc bị trúng đạn phòng không rơi xuống sông Sài Gòn, phi công bị bắt. Trung úy Nguyễn Văn Cử lái máy bay qua Cam-bốt xin tỵ nạn.

 



 

Sau vụ Dinh Độc Lập bị thả bom, Tổng thống Ngô Đình Diệm phải tạm dời qua Dinh Gia Long. Ông quyết định cho đập bỏ luôn Dinh Độc Lập cũ, mời Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế đồ án và giao cho Cộng Binh Việt Nam xây Dinh Độc Lập mới.

 





 

Ngày 1/11/1963, một số tướng lãnh và sĩ quan cao cấp như các ông: Dương Văn Minh, Trần Thiện Khiêm, Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Mai Hữu Xuân, Nguyễn Khánh, Lê Văn Kim, Đỗ Mậu, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, v.v. đã được Mỹ bí mật khuyến khích thực hiện một cuộc đảo chánh tại thủ đô Sài Gòn.

Do sự chống trả quá dữ dội của Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống ở Thành Cộng Hòa và Dinh Gia Long, lực lượng làm đảo chánh phải kéo dài qua ngày 2/11/1963. Nhưng lúc 8 giờ 30 tối ngày 1/11/1963, Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông cố vấn Ngô Đình Nhu cùng hai sĩ quan Tùy viên là Đại úy Đỗ Thọ và Đại úy Bằng đã bí mật rời Dinh Gia Long đi vào Chợ Lớn, sau cùng đến nhà thờ Cha Tam.

 

 

Tại đây hai ông liên lạc và chấp nhận gặp các tướng phản loạn, lúc đó đang ở Bộ Tổng Tham Mưu. Hai người bị trói tay và đưa lên một thiết vận xa M-113, dọc đường đi các tướng đã ra lệnh thuộc cấp hạ sát hai ông một cách dã man.

 





 

Ngày 4/11/1963, sau một cuộc họp ở Bộ Tổng Tham Mưu, các tướng đồng ý giải tán Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống. Những Đại Đội Bộ Binh, Đại Đội Súng Nặng, Pháo Binh Phòng Không, Đại Đội Truyền Tin, Liên Chi Đội Thiết Giáp, Đại Đội Chỉ Huy Công Vụ, v.v. đều bị giái tán. Quân nhân cũng như cơ giới phụ thuộc các đơn vị vừa kể được trả về đơn vị gốc. Các tướng chỉ giữ lại Đại Đội Quân Nhạc, Đại Đội Cận Vệ và Ban Quân Y. Trung tá Lê Văn Đầy được chỉ định tạm thời chỉ huy các đại đội này dưới sự kiểm soát của Biệt Khu Thủ Đô. Những đơn vị nêu trên được tổ chức thành Liên Đội An Ninh Danh Dự (xem hình)

 

 

Ngày 2/7/1965, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (thủ tướng) ký Sắc Lệnh 124/SL/QP đổi Biệt Khu Thủ Đô thành Quân Khu Thủ Đô.

Ngày 26/7/1965, Bộ Tư Lệnh Quân Khu Thủ Đô cho thành lập Liên Đoàn An Ninh Thủ Đô, bao gồm cả Liên Đội An Ninh Danh Dự.

Ngày 18/7/1966, Tướng Nguyễn Cao Kỳ lại ký Sắc Lệnh 130/SL/QP cho đổi Quân Khu Thủ Đô trở lại Biệt Khu Thủ Đô như trước đó.

 









 

Liên Đoàn An Ninh Thủ Đô và Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô nằm trong trại Lê Văn Duyệt. Liên đoàn này có sáu (6) phòng:

Phòng 1: Tham Mưu - Nhân Viên,

Phòng 2: An Ninh - Khối Cận Vệ (Trưởng Khối Cân Vệ: Đại tá Nhan Văn Thiệt, người kế nhiệm: Đại tá Trần Thanh Điền HQ,

Phòng 3: Tác Chiến - Bộ Chỉ Huy Pháo Binh,

Phòng 4: Tiếp Liệu - Vận Tải,

Phòng 5: Tâm Lý Chiến - Chính Huấn,

Phòng 6: Truyền Tin - Radar.

Liên đoàn trưởng: Trung tá Nguyễn Văn Thụ, người kế nhiệm là Trung tá Võ Ngọc Lan.

Liên Đoàn An Ninh Thủ Đô có năm (5) Đại Đội: 306, 307, 308, 309 và 310. Các đại đội này có nhiệm vụ canh gác bên ngoài Dinh Độc Lập, Phủ Thủ Tướng, Bộ Quốc Phòng và Tối Cao Pháp Viện (Dinh Gia Long). Riêng bên trong khuôn viên Dinh Độc Lập, phần nghi lễ và an ninh thì do Liên Đội An Ninh Danh Dự đảm trách.

Các vị Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô qua nhiều giai đoạn:

Phạm Văn Đổng
Dương Văn Minh
Nguyễn Văn Là
Lê Nguyên Khang
Nguyễn Văn Giám
Thái Quang Hoàng
Trần Văn Hai
Phan Đình Thứ
Chung Tấn Cang
Nguyễn Văn Minh
Lâm Văn Phát
Lý Bá Hỷ.


BĐQ Đỗ Như Quyên

 

[1] Tác giả chú thích:

Nguồn tham khảo:

(1) Nguyễn Văn Lừng, “Kể Chuyện Pháo Binh Lữ Đoàn Phòng Vệ”;
(2) Đại tá Phạm Văn Hưởng, “Hai Cuộc Đảo Chánh 1960-1963”;
(3) Đại tá Nguyễn Hữu Duệ, “Nhớ Lại Những Ngày Ở Cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm”;
(4) Pháo Thủ Lê Châu Lộc, “Những Ngày Kề Cận Tổng Thống Ngô Đình Diệm”.

 

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Huy hiệu BKTĐSG QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by BĐQ Đỗ Như Quyên chuyển

 

Đăng ngày Thứ Năm, October 25, 2018
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang