Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bút Ký
Chủ đề:
Tướng Trương Quang Ân
Tác giả: Lê Quốc Toản
Mục
lục
Phóng
sự hình ảnh Ngày CSTV
2017
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Kể
từ khi mất nước, sau ngày cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam,
tôi đi ở tù, cũng từ ngày đó tôi tâm nguyện không viết lách gì nữa
về những ngày binh lửa năm xưa, viết chỉ gợi lên vết thương chiến
tranh trong lòng làm tôi thêm buồn.
Năm mươi năm về trước, tôi là sĩ quan phụ
trách kế hoạch hành quân của Quân Đoàn II, đồn trú ở Tây Nguyên, tất
cả những vui buồn về các cuộc hành quân lớn nhỏ thời đó (từ
1968-1975) tôi cũng được chia sẻ, đặc biệt các cuộc hành quân giải
tỏa Đức cơ, Tân cảnh, Pleime, Kontum, Buprang, Đức lập, v.v.
Mỗi khi nhắc lại, lòng cảm thấy buồn vô
hạn vì bao nhiêu trận đánh hào hùng của các đơn vị lãnh thổ Sư đoàn
22, Sư Đoàn 23BB, Thiết đoàn 3 Kỵ binh, Liên đoàn 2 Biệt Động Quân
và của các lực lượng tổng trừ bị kiêu hùng như Sư Đoàn Nhảy Dù, các
Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến tại vùng Cao nguyên ngày xưa cùng máu
xương của họ đổ trên đó nay chỉ còn là hoài niệm, có mấy ai nhắc
nhở?
Thế nhưng
tâm nguyện kia tôi không thể thực hiện được mỗi khi nhớ đến Cố Thiếu
tướng TRƯƠNG QUANG ÂN, một vị tướng suốt đời tận tụy với binh
nghiệp, rất mực thanh liêm, cho đến khi nằm xuống chỉ với hai bàn
tay không , không nhà không cửa. Tướng quân và phu nhân (nữ sĩ quan
binh chủng Nhảy dù) tạm cư tại cư xá Lữ Gia đường Lê đại Hành, ngôi
nhà chật hẹp đến nỗi không đủ để quàn hai quan tài của hai Người đưa
về sau khi hy sinh tại chiến trường BUPRANG-ĐỨC LẬP mùa thu năm
1968.
Tôi có cơ
duyên được gần gũi Thiếu tướng trong những trường hợp đặc biệt, ngay
cả khi bị Thiếu tướng rầy la như một đàn anh vì đàn em lầm lỗi, và
cả khi trong trận chiến ác liệt tôi được ở cạnh Ông. Trong trái tim
tôi, Thiếu tướng mãi mãi là một cấp chỉ huy tài ba, quên mình cho
đại cuộc, và tư cách thanh liêm hiếm ai bì được! Những gì tôi biết
được về Thiếu tướng tôi xin viết ra đây, viết từ con tim gần đất xa
trời của tôi. Bởi nếu tôi không viết những gì về Tướng quân mà tôi
biết được thì khi ra đi về bên kia thế giới chắc tôi vẫn còn ân hận.
Tôi xuất thân khóa 20 Võ bị Đà lạt sau
Tướng quân 13 khóa. Khóa tôi mãn khóa ngày 20/10/1965. Tôi trình
diện Tướng quân cũng trong trường hợp đặc biệt nếu không nói là quá
ngượng ngùng.
Số
là tết năm 1966, đại đội tôi đồn trú tại thị xã Bảo lộc thuộc tỉnh
Lâm đồng, không biết trời xui đất khiến chi sáng mồng một tết, lính
của tôi ra ngoài phố đánh bầu cua cá cọp cùng với lính của Chi đoàn
2/8 Thiết kỵ, cũng đang biệt phái cho Tiểu khu, chẳng biết đỏ đen ra
sao, cuối cùng cãi lộn nhau, sinh ẩu đả. Chúng đánh lộn nhau rùm
trời chẳng may lính của tôi nó uýnh luôn Đại úy chi đoàn trưởng của
Chi đoàn 2/8. Sáng ngày mồng một Tết tôi vào chúc tết binh sĩ và gia
đình, mới nghe thượng sĩ thường vụ báo cáo thì chuyện đã rồi. Vì tôi
là đại đội trưởng, nên cấp trên qui trách cho tôi phải gánh chịu hết
trách nhiệm. Cũng cần nói thêm, đại đội tôi phụ trách là Đại đội 3,
Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 44 thuộc Sư đoàn 23BB, mà lúc bấy giờ Đại tá
Trương Quang Ân đang làm tư lệnh.
Sáng mồng 4 Tết tôi được Tiểu khu cho biết
khoảng 10 giờ sáng Đại tá Trương Quang Ân, Tư lệnh SĐ23BB sẽ xuống
giải quyết sự việc.
Tất nhiên là tôi lo lắng lắm, nhưng tâm
nguyện sẽ im lặng nghe lời giáo huấn của vị tư lệnh, cũng là một vị
niên trưởng đáng kính, sẽ không viện cớ bất cứ điều gì.
Rồi việc gì đến cũng phải đến. Chiếc trực
thăng H34 từ trên trời từ từ đáp xuống, đại đội đã chuẩn bị thật kỹ
lưỡng từ quân phục, giày, mũ , vũ khí... thế mà tôi vẫn cứ lo, không
biết vị Tư lệnh sẽ phân xử ra sao đây? Đó là lần thứ nhất trong đời
tôi trình diện vị chỉ huy cấp cao, và cũng là cơ duyên tôi được diện
kiến Trương Tướng quân.
Chiếc H34 đáp xuống cách toán quân dàn
chào khoảng một trăm mét, người bước xuống đấu tiên là Đại tá Tư
lệnh Trương Quang Ân, uy nghiêm nhưng nhanh nhẹn, tôi bị điếng hồn
vì cái nhìn đầu tiên của vị niên trưởng tài ba nghiêm khắc mà tôi đã
“nghiên cứu” tìm hiểu trước khi trình diện. Tự động như một cái lò
xo, tôi hô ‘đại đội nghiêm, súng chào bắt”. Khi vị Tư lệnh vừa đến
trước hàng quân, tôi thật sự mất tinh thần mà vừa lúng túng. Trong
phút giây đó tôi nhớ lời nói đầu tiên của vị Tư lệnh khi đứng trước
đại đội là “các bạn có mang thẻ bài đầy đủ không, có ai quên không
mang không?” Tiếp theo vị Tư lệnh đề cập đến vấn đề quân trang quân
dụng có được cấp phát đầy đủ không, có ai có thắc mắc vấn đề gì
không? Sau cùng Ông nghiêm trang phê bình hành động không thể chấp
nhận cho binh sĩ nào đã tham gia cuộc đánh lộn vô kỷ luật và gây mất
trật tự trong buổi sáng mồng một vừa qua. Toàn thể binh sĩ trong đại
đội lặng yên nghe giáo huấn, và thành kính nhận biết lỗi lầm của
mình trước lời lẽ cứng rắn nhưng giàu tình huynh đệ của người anh cả
Sư Đoàn. Sau đó, Đại tá Tư lênh tiến gần đến tôi, nghiêm trang ngắn
gọn quở trách: “chẳng lẽ ngôi trường Võ Bị đào tạo trung úy ra chỉ
để đánh lộn với đơn vị bạn thôi sao? Trung úy có biết vị Đại úy
Thiết giáp bị lính của Trung úy đánh là niên trưởng của Trung úy
không?” Oan ơi ông địa! chúng nó oánh lộn ngoài phố tôi có hay biết
gì đâu, nhưng mà trước Niên trưởng Tư lệnh tôi tự hứa trong lòng là
không minh oan này nọ, để sau này sẽ có người khác minh oan cho tôi.
Đó là lần thứ nhất tôi diện kiến vị Tư lệnh tài ba, cả về việc điều
binh lẫn trong học tập. Trước khi về nắm giữ chức vụ Tư lệnh SĐ23BB
thay Chuẩn tướng Nguyễn văn Mạnh cuối năm 1966, Đại tá Trương Quang
Ân từng kinh qua các chức vụ từ trung đội trưởng đến chiến đoàn
trưởng của Sư đoàn Nhảy dù lừng danh của QLVNCH.
Ông đã tốt nghiệp thủ khoa của tất cả các
khóa quân sự và tham mưu theo học, từ khóa Thiếu Sinh Quân, khóa 7
Ngô Quyền tại trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, đến hai lần thủ khoa
khóa tham mưu cao cấp, một ở Việt Nam và một ở Hoa Kỳ.
Buổi diện kiến chấm dứt, lòng tôi cảm thấy
ray rức vì đã làm cho người anh cả của Sư đoàn phải bận tâm trong
lúc có biết bao nhiêu quân vụ nhiêu khê khắp Vùng Chiến Thuật. Tôi
cũng có chút thắc mắc tại sao vị đàn anh kính mến đó lại quan tâm
đến chiếc thẻ bài như thế, vì trước khi huấn lệnh Ông nhắc nhở về
chiếc thẻ bài trước mọi vấn đề. Sau này khi có dịp gặp lại các bạn
đồng môn cùng khóa về cùng phục vụ tại Sư Đoàn 23BB dưới sự chỉ huy
của Trương tướng quân, anh em cũng có chung nhận xét như vậy.
Ông thường xuyên kiểm tra thẻ bài từ người
lính đến sĩ quan mỗi khi đến thăm đơn vị.
Nhưng nghiệm ra, trên thế gian này mọi
việc xảy ra dù lớn dù nhỏ đều có lý do của nó. Lý do Trương tướng
quân quan tâm đến chiếc thẻ bài cũng không nằm ngoài cái lẽ bất dịch
đó. Mãi hơn hai năm sau, trong một buổi chiều mưa lạnh tại Pleiku,
lúc bấy giờ tôi là sĩ quan phụ trách về kế hoạch hành quân của Phòng
3 Bộ tư lệnh Quân đoàn II, chính buổi chiều đáng nhớ đó vào lúc
khoảng 4 giờ, Thiếu tá Nguyễn Văn Đệ, Trưởng ban nghiêng mình qua
tôi nghiêm trọng nói nhỏ “Chuẩn tướng Trương Quang Ân và Phu nhân đã
tử nạn do chiếc trực thăng H34 bị phát hỏa khi vừa rời khỏi tiền đồn
Đức Lập”. Nhận hung tin tôi sửng sốt, Trương tướng quân và phu nhân
ra đi vào khoảng 10 giờ 30 sáng ngày 8 tháng 9 năm 1968 trên bước
đường quân vụ. Ông hy sinh lúc 36 tuổi, còn quá trẻ. Quân đội đã mất
đi một vị tướng tài, trong sạch, tiếc thay!
Chiếc H34 bị nạn, phát hỏa, ngoài hai xạ
thủ bị văng ra bị thương nhưng còn sống, tất cả các người khác ngồi
trên máy bay có cả vị Đại tá Cố vấn trưởng của Sư đoàn đều chết
cháy, biến dạng, và tất cả xác được nhận ra là nhờ các chiếc thẻ bài
mang trên người! Âu cũng là những chiếc thẻ bài huyền diệu mà lúc
sinh thời Trương tướng quân thường xuyên nhắc nhở mỗi khi đến thăm
các đơn vị thuộc quyền.
Trước đó chừng 7 tháng, tôi cũng đã được
gặp Tướng quân, khi ông còn là Đại tá tư lệnh, trong trận chiến khốc
liệt tết Mậu Thân tại Phan Thiết, Tiểu khu Bình Thuận.
Ngày 26 thàng 2 năm 1968 Việt cộng mở
chiến dịch tổng tấn công Mậu thân đợt 2 trên toàn đất nước ta, riêng
tại Quân khu 2, chúng tấn công ác liệt các thành phố Ban Mê Thuột,
Kontum trên cao nguyên và thành phố Phan Thiết thuộc vùng duyên hải.
Tại Phan Thiết, chúng huy động một lực
lượng hùng hậu áp đảo quân số tại chỗ của Tiểu khu Bình Thuận. Lực
lượng của chúng gồm các tiểu đoàn 480, 482 chính quy, C481 đặc công,
C430, C450 chủ lực tỉnh cùng C485 pháo, do chính Trung tướng Năm Ngà
tư lệnh Quân khu 6 việt cộng đích thân chỉ huy.
Tại thời điểm này tôi đang chỉ huy Đại đội
3, Tiểu đoàn 3 thuộcTrung đoàn 44/SĐ23BB, đang hành quân săn diệt
địch tại mật khu Lê hồng Phong, Bình Thuận. Sáng 27 tháng 2/1968
chúng tôi được lệnh khẩn cấp tiến về cứu nguy thị xã Phan Thiết đang
bị các lực lượng Việt cộng vây hãm và đã chiếm được một số nơi trong
thị xã, đặc biệt lao xá Phan Thiết nằm cạnh Tiểu khu vừa bị C481 đặc
công CS đánh chiếm giải thoát khoảng 70 tù binh của chúng.
Rất may là những tù binh CS quan trọng đã
được Tiểu Khu cho di chuyển đến một nơi khác trước đó. Tại cuộc hành
quân ác liệt và hào hùng này của đơn vị chúng tôi, tôi đã gặp lại
Đại tá Tư Lệnh Trương Quang Ân, người hùng, chiến sĩ can trường, một
cấp chỉ huy thao lược, đang uy nghi sát cánh với chúng tôi trong
trận chiến ác liệt này.
Lao xá Phan Thiết đã bị giặc chiếm, chúng
đang đào hầm củng cố hệ thống phòng thủ để chờ chúng tôi, Tiểu đoàn
3/44, đến để tử chiến! Tôi, đại đội trưởng và toàn thể đại đội có
mặt trước lao xá lúc 4 giờ chiều ngày 27 tháng 2 năm 1968 để sẵn
sàng tử chiến tiêu diệt bọn cộng nô, chiếm lại lao xá.
Theo kế hoach của thượng cấp, đại đội tôi
tấn công vào mặt tiền lao xá, Đại đội 2 do Trung úy Vũ Phúc Sinh làm
đại đội trưởng, tấn công vào mặt hậu lao xá. Sinh cùng khóa và cùng
đại đội D với tôi ở trường Võ bị Đà Lạt. Tại trận này Sinh xử dụng
súng cối 60ly nòng gần như thẳng đứng, vì địch quân chỉ cách chúng
tôi tiền hậu khoảng 100 thước, Sinh xử dụng cối 60ly xuất thần, có
lẽ bắn hơn 500 quả trong khoảng thời gian ngắn ngủi để góp phần
chiếm lại lao xá, gây kinh hoàng cho địch quân, vì khoảng cách ta
với địch quá gần nên Pháo binh và Không quân bạn không thể yểm trợ
chúng tôi trong trận chiến này.
Đại đội 3 chúng tôi tấn công mặt chính vào
lao xá, từ 4 giờ 30 đến năm giờ chiều hôm đó. Thăm dò cách bố trí
của địch bên trong, tôi cho các trung đôi xử dụng tối đa hỏa lực để
phá vỡ các mảng phòng thủ của địch, đặc biệt xài M79 phá vỡ các ổ
kháng cự của địch trước khi toàn thể đại đội tấn công vào sào huyệt
chúng. Khoảng 5 giờ chiều tôi ra lệnh đại đội rời vị trí đứng lên
tiến công diệt địch chiếm lấy lao xá đợt 1 nhưng không thành, vì
địch phòng thủ khá kỹ, hỏa lực của chúng hùng hậu đặc biệt B40,
chúng chưa thấm đòn hỏa lực của chúng tôi và đặc biệt hai cây súng
cối 60ly mà Trung úy Sinh đang tài tình rót vào chúng, tôi nói thầm
trong bụng hãy đợi đấy!
Khoảng 5 giờ 30 chiều hôm đó địch quân coi
bộ say đòn vì hỏa lực ác liệt hiệu quả cùng sự phối hợp chiến đấu ăn
ý của hai đại đội chúng tôi nên cộng quân trong lao xá ít vùng vẫy
hơn.
Đây là thời
cơ để chúng tôi mở đợt tấn công quyết định sau cùng tái chiếm lao xá
Phan Thiết theo mệnh lệnh của thượng cấp! Ngay giây phút đó, tôi
ngoái lại ngay phía sau lưng và xiết bao kinh ngạc: Đại tá Trương
Quang Ân uy nghi xuất hiện với quần áo trận oai phong, súng colt 45
và bidon nước bên mình. Ông xem bọn cộng quân trước mặt như cỏ rác.
Tôi vội đến chào vị tư lệnh và lắng nghe huấn lệnh. Không ngờ đây
cũng là lần cuối tôi được diện kiến vị chỉ huy, cũng là người niên
trưởng tài ba của ngôi trường Võ Bị Đà lạt.
Tôi liên lạc với Trung úy Sinh và cùng
phát lệnh tấn công ngay sau đó. Cả đại đội dàn hàng ngang xung
phong, tiếng súng hòa lẫn tiếng thét căm hờn của chiến sĩ Đại đội
3/3/44 chúng tôi như nước vỡ bờ, khiến quân cộng sản kinh hồn. Có lẽ
vì thế chúng phản công rất yếu ớt, đi đến tan rã và cuối cùng chúng
phải đầu hàng!
Hai đại đội chúng tôi bắt tay nhau, lục soát trận địa, tôi chứng
kiến bọn cộng quân ôm nhau chết, có lẽ chúng chết trong kinh hoàng,
đặc biệt đa số bọn chúng tuổi có đứa chỉ mới khoảng 15, 16 mà thôi.
Cuộc tấn công của chúng tôi thắng lợi lớn
là nhờ tinh thần chiến đấu anh dũng của toàn đơn vị và sự hiện diện
của Đại tá Tư lệnh SĐ23, trong cơn dầu sôi lửa bỏng đã khích lệ tinh
thần binh sĩ góp phần đáng kể trong chiến thắng của chúng tôi chiều
hôm đó!
Xin tiếp
tục sơ lược về Trương tướng quân.
Phu nhân của Ông là Bà Dương thị Kim
Thanh, nguyên là một trong 9 nữ quân nhân Nhảy dù đầu tiên của Quân
đội quốc gia Viet Nam. Ông bà có 3 người con 1 trai 2 gái, và mẹ già
cùng một cô em gái.
Đầu
tháng 9 năm 1968 cộng sản Bắc việt mở chiến dịch thu-đông khắp
lãnh thổ Vùng 2 chiến thuật. Chúng vây hãm căn cứ Buprang-Đức Lập
thuộc tỉnh Quảng Đức, nhưng trước tinh thần chiến đấu kiên cường
của toàn thể chiến sĩ trong hai tiền đồn cộng với sự chỉ huy tài
giỏi không biết mệt mỏi của người anh cả Tư lệnh SĐ23BB, cộng
quân bao lần tấn công vào căn cứ đều bị đánh trả quyết liệt.
Tiếc thay ngày 8 tháng 9 năm 1968 lúc
10 giờ 30 sáng trong lúc vừa đến ủy lạo chiến sĩ của hai căn cứ
này, chiếc trực thăng H34 vừa mới rời khỏi căn cứ Đức Lập thì bị
nạn, phát hỏa. Chuẩn tướng Trương Quang Ân và Phu nhân đều tử
nạn. Cùng tử nạn với hai Ông Bà còn có 3 quân nhân Hoa kỳ, trong
đó có vị đại tá cố vấn trưởng SĐ23BB, hai sĩ quan phi công, cùng
hai sĩ quan Việt Nam tùy tùng. Tất cả đều bị chết cháy, chỉ phân
biệt được xác từng người là nhờ các tấm thẻ bài trên người họ,
những chiếc thẻ bài mà ngày trước mỗi khi đến thăm các đơn vị
Tướng Quân thường đặc biệt nhắc nhở trước tiên.
Sáng ngày 10 tháng 9 năm 1968 tôi tháp
tùng tướng Tư lệnh QĐII dự tang lễ của Trương tướng quân và phu
nhân tại cư xá Lê đại Hành.
Hai quan tài của nhị vị khiêm tốn đặt ở
trong sân trước nhà, lòng tôi chạnh nghĩ trong lúc đó các tướng
tham có nhà này biệt thự nó, nhìn hai chiếc quan tài bây giờ lòng
tôi bỗng quặn đau!
Tham dự tang lễ hôm ấy có:
-Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
-Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ
-Thủ tướng
Trần Văn Hương
-Đại tướng Cao Văn Viên,
Tổng tham mưu trưởng QLVNCH
-Đại tướng
Creigton W. Abrams, Tổng tư lệnh quân lực Hoa Kỳ tại Việt Nam
-Thiếu tướng Lữ Lan, Tư lệnh Quân đoàn II Quân khu 2.
Tại
tang lễ Chuẩn tướng Trương Quang Ân được truy thăng Thiếu tướng
và truy tặng Đệ tam đẳng BẢO QUỐC HUÂN CHƯƠNG. Phu nhân, Bà Dương
Thị Kim Thanh, được truy tặng Đệ ngũ đẳng BẢO QUỐC HUÂN CHƯƠNG.
Buổi chiều cùng ngày tang lễ tiễn đưa
Ông Bà được tổ chức trọng thể, an táng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh
Chi. Hai quan tài được chở trên hai thiết vận xa M113. Tôi tháp
tùng theo với đoàn người đưa tiễn, có một điều lạ lùng là trời
đang trong xanh thế nhưng lúc hạ huyệt quan tài của Nhị Vị mây
đen phủ tứ bề sấm chớp và mưa bỗng dưng đổ xuống, trong phút giây
đó tôi nghĩ thầm trong thâm tâm phải chăng trời đất cũng thương
tiếc lúc tiễn đưa Trương tướng quân và Phu nhân ra đi chăng?
Thương tiếc lắm thay!
Tết trung thu năm sau 1969, tôi được
đại diện BTL/QĐII, mang quà trung thu biếu cho các con của cố
Thiếu tướng. Ngôi nhà quạnh hiu buồn bã làm sao! Một bà già (tôi
đoán là mẹ của cố Thiếu tướng) đang nhẫn nại un luống khoai lang,
không nhận ra tôi, các cháu đi học chưa về, duy nhất chỉ có cô em
gái của cố Thiếu tướng đón tôi. Nói chung là nhà trông đạm bạc
lắm, không có vẻ gì là nhà của một tướng lãnh ngày trước, mà cũng
phải thôi, Trương tướng quân ngày xưa là một cấp chỉ huy sống
chết vì Quân đội vì xã tắc, Người có bao giờ nghĩ đến lợi danh,
sống trong sạch. Tiếng thơm vẫn còn đây, lưu tryền trong quân sử
của QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA.
Tôi chào cô và nêu lý do đến gặp gỡ gia
đình. Đại tang còn mới quá, tôi thấy cô rớm lệ khi chào tôi làm
tôi cảm thấy áy náy như khơi lại cho cô một hoài niệm buồn mà
thời gian khó phai mờ. Tôi xin phép cô để thắp nén nhang cho
người quá cố. Buồn làm sao cho cả chủ và khách trong giây phút
này!
Đốt xong
nén nhang tôi nhìn vọng ra bàn thờ phía sau bỗng tôi giật mình.
Ôi! sao có di ảnh của Phạm văn Ngô lại thờ ở đây? Tôi có nhìn lầm
chăng? Ngô là bạn đồng khóa và cùng đại đội với tôi thời sinh
viên sĩ quan Võ bị Đà Lạt. Từ ngày ra trường Ngô về SĐ7/BB còn
tôi thì về SĐ23/BB đứa nào cũng nặng nợ binh nghiệp, đâu có thời
gian để biết tin nhau!
Sau khi đốt nhang và van vái trước anh
linh của Liệt vị xong tôi trở lại chỗ ngồi, tiếp tục vấn an sức
khỏe của thân mẫu và hỏi thăm các cháu về học hành. Chuyện càng
về sau càng cởi mở nhân cơ hội này tôi xin phép hỏi cô về trường
hợp của Phạm văn Ngô liên hệ thế nào mà được thờ chung ở đây. Câu
hỏi này làm cô rớm lệ và ngậm ngùi trả lời: anh Ngô là vị hôn phu
của tôi, nhưng anh đã hy sinh trước khi đám cưới của chúng tôi
được tiến hành. Trong một đêm tối trời anh họp các sĩ quan để ban
hành lệnh hành quân thì bị bọn nội tuyến tung lựu đạn và anh đã
bị tử thương! Sinh thời tôi thương anh Ngô lắm lại sợ anh phục vụ
ở đơn vị tác chiến nguy hiểm nên tôi cũng đã có lần trình xin anh
Ân cho anh Ngô về bộ tham mưu làm việc chung với anh khi anh làm
Tư lệnh SĐ23BB, nhưng anh Ân một mực từ chối. Mỗi lần tôi đề cập
đến chuyện này anh Ân đều nghiêm nghị trả lời: “làm trai phải
đáng thân trai, Ngô là sĩ quan tốt nghiệp từ trường VÕ BỊ QUỐC
GIA ĐÀ LẠT, đất nước đang bị cộng quân xâm chiếm nhiễu nhương
khắp nơi, lẽ nào khi tất cả chiến sĩ của ta đều ra trận mạc ngày
đêm đối đầu với giặc, anh lại vì tình riêng lợi dụng quân quyền
mà đưa Ngô về làm tham mưu cho an toàn thì coi sao được, làm trai
thời chinh chiến phải chết sống ngoài trận mạc với đồng đội “da
ngựa bọc thây”, em đừng làm nhụt chí nam nhi của Ngô, hãy để Ngô
sống xứng đáng với người trai xuất thân từ trường Võ bị.”
Nói đến đây bỗng cô khóc thành tiếng,
có lẽ cô nhớ đến Ngô, người hôn phu không bao giờ cưới , cô nhớ
đến người anh anh dũng với tinh thần “quân bất vị thân” áp dụng
trong suốt đời binh nghiệp của Ông. Tôi chạnh nghĩ mà xót xa
trong dạ, chỉ trong vòng hai năm mà cô mất đi đến ba người thân
ruột thịt, với tuổi đời còn trẻ như thế làm sao cô chịu đựng
được.
Hoàng
hôn dần khuất bóng, ngoài kia phố xá đã lên đèn, tôi từ giã cô và
từ giã Chư vị đã khuất trong tâm trạng u buồn, tôi tự hứa với
lòng tôi mai sau cuộc chiến tàn, nếu tôi còn sống thì dù có ở
chân trời gốc bể nào, và dù chữ nghĩa của tôi có hạn chế thế nào
tôi cũng không ngại sẽ viết những gì về tấm gương sáng ngời, vị
nước vong thân của Tướng quân TRƯƠNG QUANG ÂN mà tôi biết được,
và hôm nay tôi đã mạnh dạng thực hiện tâm huyết đó cho dù văn
viết đôi khi còn lủng củng lắm thì cũng xin Qúy vị niệm tình tha
thứ vì đó là cái “tâm” của tôi đối với người đã khuất, âu đây
cũng là nén nhang của một người lính và của một đàn em đốt lên để
tưởng nhớ anh linh người chiến sĩ một thời quên mình vì đại cuộc,
vì xã tắc mà vong thân, thương tiếc lắm thay!
Khóa 22B, khóa đầu
tiên có học trình đủ 4 năm của Trường Võ Bị Quốc Gia đã vinh dự
được mang tên vị tướng tài ba, liêm chính này:
Khóa Trương Quang Ân
Portland Oregon ngày 11 tháng 5,
năm 2017
Viết xong lúc 8:35 sáng
Khuongle LÊ Q TOẢN
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
HẾT
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: Mùa CSTV-2017. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E-mail by MĐ Trần Hồng Minh chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy,
May 27, 2017
Ban Kỹ Thuật Khóa
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang