Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tự Truyện
Chủ đề: Cuộc đời Quân Y sĩ
Tác Giả: MĐ BS Trần Đoàn
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
50
năm, một nửa thế kỷ của cuộc đời đã trôi qua từ khi tôi về đảm
nhận chức vụ
Y sĩ Trưởng Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù (TĐ2ND).
Trí nhớ cũng phôi pha theo thời gian. Thế nhưng một chặng đường
gần 6 năm đội chiếc Mũ Đỏ vẫn là một dấu ấn khó quên, vì đó là
một giai đoạn của tuổi thanh niên đầy nhựa sống, tích cực hăng
hái đóng góp bàn tay bảo vệ Tự do cho Quê hương, vừa gian lao
vừa hãnh diện.
Chiến tranh Quốc Gia – Cộng Sản từ năm
1965 bắt đầu sôi động dữ dội. Rối loạn chính trị miền Nam tạo cơ
hội thuận tiện cho quân chính qui Bắc Việt dễ dàng xâm nhập khắp
thôn ấp và các vùng ven đô thị.
Sau 7 năm dùi mài kinh sử, chúng tôi
là sinh viên quân y hay dân y trưng tập đều được phân phối về
các đơn vị chiến đấu hay các bệnh viện dã chiến để băng bó các
vết thương của bom đạn.
Làm sao tránh khỏi lo âu và xúc động
khi chỉ nội trong năm 1964–65 mà đã có 7 y sĩ hy sinh tại chiến
trường:
– BS
Đoàn Mạnh Hoạch ngã gục trước lằn đạn địch ở Quảng Ngãi 1964.
– BS Trương Bá Hân, Thuỷ Quân Lục
Chiến, tử trận ở Bình Giã 1964.
Các đàn anh chỉ hơn tôi có một lớp,
mới ngày nào cùng nhau thực tập trong Bệnh viện Chợ Rẫy, Bình
Dân, v.v. có anh là nội trú xuất sắc, xứng đáng là bậc thầy
trong Y nghiệp, hứa hẹn một tương lai xán lạn, thế mà cũng bị hy
sinh tại trận địa mấy tháng sau khi đáo nhậm đơn vị.
Sinh viên Quân y vào năm cuối được
liên tục luân phiên gác xác các đàn anh tử trận trong năm 1965.
– BS Phạm Bá Lương ngã gục ở Bầu Bàng.
– BS Nguyễn Văn Nhứt tử thương khi đoàn
xe di chuyển bị phục kích ở rừng cao su Dầu Tiếng.
– BS Trần Thái hy sinh tại Bà Rịa.
– BS Trần Ngọc Minh, Y sĩ Trưởng
TĐ5/TQLC bị đâm vào ngực trong một trận xáp lá cà với Việt cộng
tại Thăng Bình.
– BS Đỗ Vinh, Y sĩ Trưởng TĐ5ND bị mảnh
pháo trúng ngay vào đầu khi đang săn sóc thương binh. Ngày đưa
tang, Thiếu tá TĐT/TĐ5ND Ngô Quang Trưởng và quân nhân các cấp,
các đơn vị bạn ngậm ngùi thương tiếc tiễn anh ra mộ huyệt. Tôi
vẫy tay chào anh, từ bỏ anh em quá sớm.
Chiếc áo Hoa rừng và Mũ Đỏ của Binh
chủng hào hùng thiện chiến vẫn có một mãnh lực hấp dẫn máu giang
hồ, điếc không sợ súng của chúng tôi, ba thằng bạn xuất thân từ
xứ Huế, học cùng lớp, ăn cùng mâm, ở cùng phòng trong trường
Quân y ở Chợ Lớn:
– Lê Văn Châu, con của Tướng Lê Văn
Nghiêm, tức là nhà văn Trang Châu, còn có biệt danh là “Châu cá
ngựa” vì anh có mặt tại trường đua Phú Thọ hằng tuần.
– Đoàn Văn Bá, tục gọi là “Bá điên” còn
được gọi là “I‘homme des situations difficiles” vì anh bạo ăn
bạo nói, chỗ nào gặp khó khăn với cấp trên là có anh. Anh bị kẹt
lại ở Huế trong chuyến nghỉ phép về thăm nhà, tại trận Mậu Thân,
được quân đội Mỹ giải cứu trong gang tấc, đưa anh về căn cứ
MAC–V, giúp giải phẫu cứu mạng rất nhiều Quân nhân Mỹ bị trọng
thương và được tuyên dương tưởng thưởng Huy chương Bronze Star
Hoa Kỳ.
– Còn
tôi, Trần Đoàn, được các bạn gán cho biệt danh “Đoàn cái bướm”
vì tôi viết bài “Thằng cu hay Cái bướm” đăng nhiều kỳ trong Đặc
san Tình Thương của Sinh viên Y Khoa thời ấy.
Bảng hiệu “BỆNH XÁ ĐỖ VINH” nền trắng
chữ đỏ mới toanh, còn ướt màu sơn treo trên khu nhà bằng gạch
hai tầng của Bệnh xá Nhảy Dù 50 giường không làm chúng tôi sợ
sệt mà còn cảm thấy một cái gì vinh quang khi trình diện thụ
huấn Khóa 68 Nhảy Dù vào tháng 8 năm 1965.
Ba thằng bạn thân, không ai dám rủ ai
vào nơi nguy hiểm, đều có mặt. Cổng trại Hoàng Hoa Thám thẳng
tắp con đường tráng nhựa rợp bóng mát của hai hàng cây đưa đến
các dãy doanh trại xây bằng gạch vững chắc sơn màu vàng, ngay
ngắn sạch sẽ, là con đường quen thuộc, thân thương của chúng tôi
từ dạo ấy.
Bóng dáng các đàn anh đeo bằng “Nhảy dù điều khiển” như BS Văn
Văn Của, BS Trần Tấn Phát... kích thích lòng tự ái liều lĩnh của
chúng tôi trong niềm cảm phục kính nể. Chiếc mũ đỏ được đội lên
đầu sau 3 tuần huấn luyện ướt đẫm mồ hôi, bò lết, hít đất, nhảy
chuồng cu, và 6 “sauts” nhảy dù ở Hốc Môn–Củ Chi.
Cánh hoa dù T10 xoẹt mở rộng lộng gió
tung bay mát rượi trong bầu trời trong xanh ôm trọn một phần của
vũ trụ bao la là những giây phút thần tiên ngắn ngủi của người
lính Mũ Đỏ. Sau đó thì nguy hiểm bắt đầu rình rập. Saut đêm bị
hủy bỏ vào phút chót vì tình hình an ninh bãi nhảy không cho
phép, có người lính nhảy xuống bị mất tích không tìm ra dấu vết.
“NHẢY DÙ – CỐ GẮNG” là một khẩu hiệu
có mãnh lực xô chúng tôi phóng ra cửa máy bay sau tiếng hét “Go”
của Huấn luyện viên, và là châm ngôn giúp chúng tôi vượt qua
chặng đường hành quân vất vả, cực nhọc. “Nhảy Dù – Cố Gắng” gắn
bó theo giúp chúng tôi suốt cả cuộc đời, nào là khi bị hành hạ
xài xể trong trại tù cộng sản, nào là khi gặp sóng gió, bão tố,
ói mửa trong chiếc ghe nhỏ trên đường vượt biển tìm tự do, khi
lao động chân tay để có tiền mua sách học lấy lại mảnh bằng hành
nghề, khi đau ốm bệnh hoạn và cả khi tu tập chuyển hóa tâm linh.
BS Lê Trọng Tín biệt phái về làm Y sĩ
Trưởng TĐ1ND – Lê Văn Châu TĐ6ND – Đoàn Văn Bá về TĐ7ND – Trần
Trọng Nghị về TĐ9ND và tôi về TĐ2ND.
TĐ2ND là 1 tiểu đoàn tân lập đóng ở Bà
Quẹo, sát nách phi trường Tân Sơn Nhứt, không xa cổng trại Hoàng
Hoa Thám. Thế là tôi may mắn được ở ngay Sài Gòn, sớm tối được
về chăm sóc vợ đang mang bầu. Vợ tôi còn là sinh viên trường
Dược. Lương Y sĩ Nhảy Dù phải gói gém lắm mới đủ sống.
Lần xuất quân thử thách đầu tiên của
tôi vào cuối năm 1965 lại là với chức vụ Y sĩ Trưởng TĐ3ND thay
thế BS Nguyễn Đức Liên đi phép về hậu cứ. Trời Sài Gòn 4 giờ
sáng còn mờ sương, chiếc C–123 rồ máy xé tan bầu không khí tĩnh
lặng, lạnh lùng cất cánh rồi đáp xuống phi trường Qui Nhơn sau
hơn một giờ bay. Phi cơ há miệng đằng đuôi nhả ra hơn trăm binh
sĩ súng đạn đầy mình (bỏ: sẵn sàng) ra bổ sung cho chiến trường
Tam Quan, Bồng Sơn.
Phi đội trực thăng tiếp tới gắp chúng
tôi đưa thẳng vào chiến địa còn hôi tanh mùi máu và thuốc súng,
bay sà sát rừng dừa xơ xác ngả nghiêng cháy xám. Y sĩ Trưởng,
Thiếu tá Hoàng Cơ Lân, dẫn tôi vào chào Tướng Tư Lệnh Dư Quốc
Đống trong một căn lều. Ông đang ở trần, mặc quần xà lỏn, đen
đui đủi, vây quanh bởi các sĩ quan của Bộ chỉ huy, mồ hôi nhễ
nhại. BS Liên đưa tôi về trạm cứu thương TĐ3ND tạm trú dưới một
mái nhà tôn đầy dấu đạn.
Các y tá còn bận rộn thu dọn y cụ vì
công việc tản thương vừa mới được hoàn tất tối hôm qua. Thiếu tá
Hưng, Tiểu đoàn trưởng, nước da sạm nắng có vẻ âu lo. Đại úy TĐP
Trần Quốc Lịch người cao to, đầu trọc lóc trông rất “ngầu”, sau
này ông lên đến cấp tướng chỉ huy sư đoàn. Hằng ngày tôi làm dân
sự vụ, khám bệnh, phát thuốc, chăm sóc ngay cả các bà đang có
bầu mà tác giả không ai khác là những du kích địa phương. Lòng
nhân đạo của người y sĩ không phân biệt bạn hay thù. Tôi thương
người dân, tôi thương những trẻ em lớn lên ở vùng đất mất an
ninh này, không biết đâu mà lựa chọn. Tôi thông cảm nỗi khổ của
họ khi sinh sống trong vùng xôi đậu.
Đồi 10, một ngọn đồi nổi tiếng khó
tiến chiếm vì Cộng quân đào hầm địa đạo từ chân đồi lên đến đỉnh
đồi và đặt thượng liên nhắm bắn vào trực thăng bao vùng xạ kích
yểm trợ – Một ngọn đồi đẫm máu được ghi vào Chiến sử.
Chuẩn úy Lê Hồng, xuất thân từ hạ sĩ
quan, là sĩ quan Ban 3 Tiểu đoàn sau khi thụ huấn xong khóa sĩ
quan đặc biệt về. Người anh nhỏ con nhưng giọng nói Nghệ An rõ
ràng chắc nịch qua máy truyền tin vang to suốt cả ngày đêm để
điều động các đại đội đang lục soát quanh vùng. Là người lính
chăm chỉ, gan dạ và khuôn phép, anh leo dần lên đến chức vụ
TĐT/TĐ1ND, rồi Trung tá Lữ đoàn phó khi tàn cuộc chiến.
Sau này, khi qua định cư tại Mỹ, tôi
cảm phục sự nhẫn nhục của anh khi thấy anh bất chấp nặng nhọc
lao động khuân vác trong một tiệm tạp hóa vùng Arlington, VA, để
sinh sống và nuôi ý chí cương quyết về giải phóng Quê hương
thoát khỏi gông cùm Cộng sản. Ước nguyện không thành, anh bỏ xác
tại vùng biên giới Việt–Lào trong niềm thương tiếc khôn cùng của
đồng đội.
Trạm Y tế TĐ2ND nằm trong một gian nhà tiền chế của doanh trại,
mái tôn nền đất. Y tá trưởng, Thượng sĩ “Hưng mù”, đeo kính cận
dầy cộm, có nhiều kinh nghiệm từ hồi còn là y tá trong quân đội
Pháp, tháo vát và khéo xã giao, giúp tôi và đội y tá trên dưới
20 người dọn dẹp phòng ốc, sắp đặt dụng cụ thuốc men. Vài ba anh
lính trẻ khai bệnh lậu đái ra mủ vì không được hướng dẫn dùng
bao cao su khi giao hợp với “chị em ta” phân trần: “Đời lính xa
nhà mà Bác Sĩ!”. Tôi làm quen dần với các sĩ quan bộ Chỉ huy và
các đại đội.
Chuẩn úy Võ Văn Thu, nguyên là y tá TĐ5ND, vừa thụ huấn khóa Sĩ
quan Thủ Đức trở về nắm giữ chức vụ Sĩ quan Hậu cứ, thường lui
tới thăm hỏi và giúp đỡ trạm Y tế. Anh được ông TĐT, cũng xuất
thân từ TĐ5ND, tin cậy thương mến và nâng đỡ vì tinh thần phục
vụ đắc lực của anh. Chức vụ cuối cùng của anh là TĐT/TĐ Yểm
trợ/SĐND với cấp bậc Trung tá.
Nghe nói ngày di tản qua Mỹ, sống ở
Washington state [tiểu bang], nơi xứ lạ quê người, tinh thần anh bị suy sụp.
Anh cạo gió cho con anh khi nó bị ho cảm. Mấy lằn vết đỏ sau
lưng và trước ngực làm cho cô giáo nghi anh đánh đập ngược đãi
trẻ con. Anh phản kháng khi cảnh sát đến còng tay anh. Vì quá
uất ức, anh treo cổ tự tử trong tù.
Đại úy Lê Quang Lưỡng, vừa mới được
thăng chức thiếu tá mấy tháng trước, nắm chức vụ TĐT/TĐ2ND. Ông
là người chiến binh mang nhiều thương tích và chiến tích, vào
sinh ra tử biết bao nhiêu lần với những chiến công oanh liệt vẻ
vang tại mặt trận An Lộc, Huế trong dịp Tết Mậu Thân, Hạ Lào,
v.v. Ông đã được thăng cấp chuẩn tướng và được bổ nhiệm làm Tư
Lệnh/SĐND vào năm 1973 (?) bởi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Ngày đoàn quân xa trên 30 chiếc chở
Tiểu đoàn tân lập về Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp–Bà Rịa, để
thụ huấn, chưa kịp ra tới đầu xa lộ Biên Hòa thì xui xẻo gặp lúc
cộng sản pháo kích vào thành phố Sài Gòn. Vài ba quả nổ tung toé
ngay trên đường Phan Thanh Giản giữa lúc dân chúng tấp nập đi
làm buổi sáng. Cảnh tượng lúc ấy thật hỗn độn vì mọi người hoảng
hốt chạy tìm chỗ ẩn núp sau mấy gốc cây. Đoàn xe bị khựng lại,
mãi hơn giờ sau mới tiếp tục lộ trình về đến nơi đến chốn an
toàn.
Sau 3
tháng huấn luyện, Tiểu đoàn được chuyển về đóng quân ở vòng đai
Sài Gòn, vùng Tân Quí, Hóc Môn, Bà Điểm.
Tiểu Đoàn phó, Đại úy Trần Kim Thạch,
nhỏ con, bị thương ở háng nên khó khăn khi ngồi vệ sinh. Ông
xuất thân từ hạ sĩ quan của Nhảy Dù Pháp, vui tính, lanh lẹ và
can đảm. Một buổi chiều, trời chạng vạng tối, tôi thấy ông vừa
cười vang vừa hối hả chạy bộ thình thịch về Bộ Chỉ huy với hai
người lính cận vệ, trên vai mỗi người đều mang thêm một khẩu AK.
Tiểu đoàn phó mà chịu chơi nằm lại phục kích bên bờ lau sậy sau
khi cả Tiểu đoàn tảo thanh lùng địch đã rút trở về.
Hai năm sau ông nắm chức vụ TĐT/TĐ2ND
ghi thêm nhiều chiến công oanh liệt cho Tiểu đoàn. TĐ2ND đã đủ
lớn mạnh để chuyển vận ra vùng địa đầu giới tuyến.
Ngày quân xa chở Tiểu đoàn từ Huế ra
Quảng Trị, một đoạn đường dài hơn cả cây số khi gần đến làng Mỹ
Chánh, bị cày nát và còn nóng hổi vết tích bom đạn đầy mảnh vụn
của xe bị cháy đen hòa với máu đỏ. Ruộng lúa hai bên xơ xác tơi
bời ngả nghiêng, dấu vết của TĐ2/TQLC bị phục kích mới ngày hôm
qua. Thiếu tá TĐT/TĐ2 Trâu Điên Lê Hằng Minh hy sinh ngay từ
phút đầu. Đoàn quân xa dè dặt, thận trọng chậm rãi di chuyển
trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Không khí ngột ngạt. Đến thành phố
Quảng Trị, tôi bị choáng váng, ngộp thở vì ngọn gió Lào độc địa
thổi về. Hôm sau, trực thăng vận thả Tiểu đoàn xuống các ngọn
đồi trống vùng Cùa, những ngọn đồi mọc đầy những bụi hoa sim
tím. Những cánh hoa còn ướt sương mai lóng lánh trong nắng sớm.
Tôi ngắt hoa ép vào quyển nhật ký hành quân và thầm đọc bài thơ
“Những đồi hoa sim tím” của Thi sĩ Hữu Loan, mong rằng ngày tôi
về vẫn còn gặp nàng...
Toán Tiền sát báo cáo bắt được một cán
binh Việt cộng đang ngơ ngác cầm bản đồ và ống nhòm quan sát
trận địa. Khai thác cho biết Tiểu đoàn cộng sản đang trên đường
xâm nhập. Chiều về, Tiểu đoàn di chuyển ra khỏi làng và đóng
quân trên dãy đồi cao thấp nối tiếp thoai thoải. Chập tối, Ban 3
Tiểu đoàn báo cáo mất liên lạc với Tiểu đội nằm lại phục kích
trong làng. Tôi duỗi chân nằm thẳng trên cỏ, đếm sao nhấp nhánh
trên trời và thiếp đi, rã rời chân tay. Thình lình nửa khuya,
địch nổ súng ồ ạt la hét “hàng sống, chống chết” bò lên tấn
công. Giao tranh cận chiến ác liệt. May thay cây thượng liên của
chúng đặt trên đồi cao hướng về Bộ Chỉ huy và Toán quân y kế cận
chưa kịp khai hỏa thì bị binh sĩ Nhảy Dù tiêu diệt. Phi cơ phản
lực liên tiếp thả bom Napalm vào khu rừng dưới đồi. Xác địch
banh thây cách chỗ tôi nằm không quá 50 thước. Băng bó, tản
thương không ngừng tay.
Ngay tối hôm đó, đài cộng sản oang
oang nêu thành tích là đã giết được 15 lính ngụy Dù, một con số
chính xác mà Ban 3 Tiểu đoàn vừa mới báo cáo thiệt hại về Sư
Đoàn buổi sáng sớm. Phải chăng có nội tuyến nằm ngay trong
BTL/SĐND? Tôi đắn đo suy nghĩ.
Về trạm dưỡng quân ở Đông Hà, tôi gặp
BS Vũ khắc Niệm, Y Sĩ trưởng TĐ8ND. Hai anh em rủ nhau đi uống
bia cho đỡ thèm khát dưới cái nắng nóng gay gắt của miền Trung.
Một chai bia cao hiệu con cọp ướp lạnh giá 50 đồng. Tôi lục lọi
mãi hết trong các túi bộ đồ trận lôi ra đếm được 49 đồng. BS
Niệm cho tôi thêm 1 đồng.
Tiếng nổ của cây súng AK nghe có phần
chát chúa và khiếp đảm hơn cây súng Carbine M1, M2, cổ lỗ sĩ hay
bị kẹt đạn. Trung cộng và Liên xô âm thầm trang bị cho Bắc Việt
vũ khí ngày càng tối tân hơn. Đến cuối năm 1966, khi đóng quân ở
làng An Hòa ngoài thành phố Huế, TĐ2ND mới được Ngũ Giác Đài phê
chuẩn viện trợ súng AR–15, AR–16 thay thế.
Hạnh phúc của người lính trận lội bộ
dài ngày khi được về dưỡng quân vùng khá an ninh rất đơn giản là
tháo được đôi giày trận và đôi vớ hâm hẩm hôi thối, chùi được
các ngón chân mốc meo, rửa được bộ sinh dục bầy nhầy và lắm khi
là móc được cục phân cứng như đá ra khỏi hậu môn vì ăn thiếu
rau, uống thiếu nước, không có thì giờ đi đại tiện.
Lính Nhảy Dù bị bệnh trĩ nhiều là vì
nguyên do như thế. Bộ đồ trận tanh tanh mồ hôi và dơ bẩn giặt
phơi chưa kịp ráo thì có lệnh di chuyển. Một tuần phát lương khô
gạo sấy chất vào ba–lô. Tình báo cho biết địch vượt sông Bến Hải
xâm nhập vào phía nam vùng phi quân sự. Tiểu đoàn lại được trực
thăng vận đổ quân xuống sát hàng rào McNamara. Xa xa về phía
tây, bụi khói bay ngút trời do B52 rải bom ầm ầm nghe ghê rợn.
Cả tiểu đoàn di chuyển đội hình hàng
một xuyên rừng rậm đầy gai góc theo bước chân của khinh binh đi
trước phát quang. Chim chóc và côn trùng vắng tiếng hót. Cái im
lặng khá rùng rợn khi dừng chân ngủ đêm. Thằng Y tá tên Dân thân
cận của tôi sửa soạn đào hầm cá nhân cho “ông thầy”. Một nhát
xẻng nhấn xuống là một ánh lửa loé lên vì chạm vào đất đầy sỏi
đá. Tôi không đành thấy nó hì hục cực nhọc nên ngăn nó dừng tay,
chấp nhận số mạng rủi ro.
Chiếc võng treo thấp đu đưa ru tôi vào
giấc ngủ đầy mộng mị chết chóc. Vào khoảng 2 giờ sáng, địch pháo
kích hàng loạt súng cối, tung tóe sấm sét vào vùng đóng quân.
Một quả 60ly chớp nổ cách chiếc võng khoảng 10 thước, hất tôi
lăn ngã xuống đất. Tôi cảm thấy đau rát nơi hai mông, đưa tay sờ
vào thì đỏ ướt máu. Tôi đã bị thương nhưng biết mình còn sống.
Giọng ông TĐT vang lớn giữa những tiếng pháo kích còn nổ vang:
– Bác sĩ, bác sĩ, tôi bị thương.
Tôi do dự định chạy đến nhưng thằng Y
tá cận vệ thấy nguy hiểm níu tôi lại và trả lời lớn:
– Thưa thiếu tá, BS cũng bị thương.
Đại đội trưởng Thạch Văn Thịnh xui xẻo
bị một quả rơi đúng chỗ ông nằm. Doanh trại từ đó mang tên của
người Đại đội trưởng đầu tiên của TĐ2ND bị tử trận. Trung đội
trưởng Trần Công Hạnh dẫn Trung đội ngang Bộ chỉ huy và tiến về
phía địch, nơi đặt pháo. Chiến đoàn trưởng Đào Trọng Hùng la hét
điều quân. Ông nổi tiếng là người chỉ huy can đảm không bao giờ
khom lưng tránh né đạn khi lâm trận mà đạn biết tránh né ông.
Chiếc khăn đỏ quấn quanh cổ được xem
như là bùa hộ mạng. Một bên lưng đeo khẩu súng lục chỉ huy, một
bên kia đeo một bi đông rượu đế, đường đường một đấng. Bác sĩ Hà
tục gọi là “Hà chảy”, người ông dong dỏng cao, Y sĩ trưởng
TĐ8ND, vừa đi vừa ôm bàn tay bị thương vừa chửi thề: “Địt mẹ,
tao có muốn về Nhảy Dù đâu mà bị thương như thế này”. BS “Hà
chảy” là dân y trưng tập, học cùng lớp với tôi, chưa kịp bổ đi
đơn vị nào khi ra trường thì lại miễn cưỡng bị trưng dụng tạm
thời vì Nhảy Dù thiếu y sĩ. Y tá xuôi ngược chăm sóc thương
binh, trực thăng liên tiếp đáp xuống tản thương.
Mỗi lần hành quân 2–3 tháng về hậu cứ
là quân số Tiểu đoàn hao hụt hơn phân nửa. Tiểu đoàn Vương Mộng
Hồng – Khối Bổ Sung phân phối về Tiểu đoàn nhiều tân binh chưa
kịp hoàn tất xong khóa Nhảy Dù.
Vùng I, vùng giới tuyến sùng sục dầu
sôi lửa bỏng. Hành quân bấy giờ không còn là cấp tiểu đoàn lẻ tẻ
mà là chiến đoàn gồm 2–3 tiểu đoàn che chở yểm trợ cho nhau.
Hành quân với thiết vận xa của Việt Nam Cộng Hòa hay với chiến
xa lội nước của Hạm Đội 7 Hoa Kỳ tăng cường thường dễ dàng hơn
khi tiến chiếm mục tiêu và ít bị thiệt hại.
Cuộc hành quân “Nhảy Dù trận” của
TĐ2ND xuống đồng bằng sông Cửu Long vào giữa năm 1966 có lẽ là
Saut nhảy xuống trận địa cuối cùng của Binh chủng Nhảy Dù vì sau
đó trực thăng là phương tiện đổ quân nhanh chóng và ít nguy
hiểm. Cả một rừng chiếc “Nấm” úp xuống khoảng ruộng nước bao la.
Tôi xếp dù an toàn gom vào một chỗ với Đại đội 20 rồi tiếp tục
bì bõm tiến theo đoàn quân. Vì bất ngờ nên địch quân không kịp
bắn lên trong lúc chúng tôi còn lơ lửng trên trời trong buổi
sáng sớm như trong phim “The longest day” khi quân đồng minh
nhảy dù xuống Normandie. Chạm súng lẻ tẻ với du kích, địch tránh
né rút vào rừng tràm. Vũng nước nào cũng có tôm có cá giúp cho
chúng tôi có thêm thực phẩm tươi bồi dưỡng.
Tổ chức SĐ Nhảy Dù từ năm 1966 đã nâng
cấp số từ Liên đoàn thành Sư Đoàn. Đại đội Quân y Nhảy Dù thành
Tiểu đoàn Quân y Nhảy Dù. Bệnh xá Đỗ Vinh 50 giường thành Bệnh
viện Đỗ Vinh 100 giường. Pháo binh, Truyền tin... nâng quân số
từ Đại đội lên Tiểu đoàn. Chiến đoàn đổi thành Lữ Đoàn gồm ít ra
là 3 tiểu đoàn khi hành quân cho kịp với đà leo thang chiến
tranh ngày càng khốc liệt.
Lữ Đoàn III ND của Trung tá Nguyễn Khoa
Nam đóng gần Bộ chỉ huy TĐ2ND ở vùng Tân Quí. Các Đại đội phân
chia đóng ở các thôn ấp chung quanh. Tình báo cho hay Tiểu đoàn
đặc công cộng sản mò về sát vòng đai Sài Gòn, thuộc xã Vĩnh
Hạnh–Vĩnh Lộc. Lịnh hành quân lục soát ban ra. Trung đội tiền
phong do Trung đội trưởng Trần Công Thọ vừa ra trường khóa 20 Võ
Bị Đà Lạt chạm súng. Cả Tiểu đoàn tiến lên tốc chiến tốc thắng
đẩy địch bỏ chạy rút vào vùng kinh lạch Đức Hòa, Đức Huệ để lại
gần 100 xác và súng ống đủ loại.
Thiếu úy Trần Công Thọ bị ngay một
viên đạn giữa đỉnh trán, chết ngọt lịm không kịp trăng trối, nằm
cách chỗ tôi không quá 20 thước. Tôi đưa tay vuốt mắt anh, không
thấy chảy máu, mặt anh còn tươi tắn như thiên thần ngủ quên.
Nhạc phẩm “Tạ từ trong đêm” của Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết
lên để riêng tặng anh. BS Bùi Thế Cầu, nguyên Thiếu tá Y sĩ
trưởng TĐ5ND, đang nắm giữ chức vụ Tỉnh trưởng tỉnh Gia Định
cùng giới chức hành chánh dân sự cao cấp và báo chí tháp tùng
trực thăng xuống ngay trận địa để chứng kiến tận mắt và tán
dương. Danh tiếng TĐ2ND nổi như cồn trên trang đầu các tờ báo
Sài Gòn. Đại đội 23 tập hợp nhiều trung đội trưởng họ “TRẦN” trẻ
trung, gan dạ, thương mến nhau như anh em ruột thịt. Một Trần
Công Thọ đã rơi rụng.
Một Trần Duy Phước cũng rụng rơi năm
sau đó, còn lại Trần Công Hạnh leo dần đến chức vụ Tiểu đoàn
trưởng TĐ2ND. Đại đội trưởng Trần Công Danh rời Tiểu đoàn chuyển
hoán về đơn vị khác – Đại đội trưởng Phạm Kim Bằng bị thương hư
một mắt – Đại đội trưởng Trần Như Tăng bị thương gãy chân – Đại
đội trưởng Nguyễn Văn Được giã từ vũ khí ở vòng đai Sài Gòn.
Ngày tiễn anh ra mộ huyệt có 3 bà mặc áo quần đen dài chít khăn
tang trắng sụt sùi sau quan tài – Đại đội trưởng Lê Văn Mạnh Đại
đội 20 lên cầm quyền chỉ huy TĐ2ND một thời gian.
Toán Y tá của tôi gần 2 năm trời không
ai bị hy sinh trừ một vài bị thương nhẹ. Tôi khâm phục tinh thần
gan dạ của Y tá Nhảy Dù, luôn luôn xông vào tuyến đầu ngay dưới
lằn đạn địch để băng bó vết thương cho đồng đội. Y tá trưởng
Thượng sĩ Hưng “Mù” được Y tá trưởng Trung sĩ nhất Be về thay
thế. Anh Y tá trưởng mới này cũng thuộc loại “chì” không kém.
Hành quân vùng Củ Chi – Hậu Nghĩa
thường bị mìn bẫy nguy hiểm. Một chiếc Chinook chở gần cả Đại
đội bay sà sà sát mặt đất để tránh khỏi bị bắn tỉa khi đổ quân.
Thế mà xui thay, viên Đại úy Cố vấn Mỹ mới về Tiểu đoàn, ngồi
cạnh ông Tiểu đoàn trưởng, là người duy nhất bị trúng một viên
đạn bắn lên xuyên qua, chết ngay tại chỗ.
Vùng I Chiến thuật lại khẩn điện về Bộ
Tổng Tham Mưu cầu viện các Binh chủng tổng trừ bị như Nhảy Dù,
Thủy Quân Lục Chiến. Dân chúng vùng Huế, Quảng Trị, Đông Hà an
tâm khi có sự hiện diện của các binh chủng này. Tổng trừ bị gì
mà ăn dầm ở dề tháng này qua tháng nọ giống như là Địa Phương
Quân.
TĐ2ND
trở lại Huế, hành quân lần này có Trung đội Thiết giáp M–113 yểm
trợ. Những “Con cua khổng lồ” dàn hàng ngang dậm chân trước một
địa thế nghi ngờ. Trung đội khinh binh tiến sát vào hàng rào tre
cao vút dày đặc của làng Đông Xuyên–Mỹ Xá, quận Quảng Điền. Im
lặng đến ngộp thở. Chưa thấy động tĩnh thế nào cả. Bộ chỉ huy
Tiểu đoàn dè dặt từng bước. Đợi đến khi thấy các cần câu của máy
truyền tin PRC–25 của Bộ Chỉ huy gần kề thì địch khai hỏa. Thiết
giáp đã dàn hàng ngang rồi ầm ầm nhào tới khạc đạn đại liên xối
xả vào mục tiêu.
Lính Nhảy Dù xung phong như sóng vỡ
bờ. Lựu đạn thi nhau ném vào các hầm hố mới thanh toán được các
ổ thượng liên mà xạ thủ bị còng chân tử thủ với nhau. Lựa đến
khi trời tối địch nương theo kinh rạch để mà chém vè, rút sâu
vào làng. Nhiều xác địch và vết máu để lại trên đường tháo chạy.
Nhiều binh sĩ mang máy theo Bộ chỉ huy bị thiệt hại tính mạng.
Ông Tiểu đoàn trưởng vẫn bình tĩnh điều quân. Thiết giáp không
bị hư hại chiếc nào cả. Trực thăng rọi đèn tải thương trong đêm
tối. Mồ mả quanh bờ làng là nơi che chở cho chúng tôi gối đầu
qua đêm.
BS
Trần Lâm Cao tháp tùng các sĩ quan Bộ Tư lệnh Sư Đoàn 1 theo
trực thăng tản thương từ Quân Y viện Nguyễn Tri Phương đáp xuống
trận địa khi chiến trường đã thu dọn xong buổi sáng. Một chiến
thắng quân địch sát nách thành phố Huế làm chấn động người dân
thị thành. Chiến thắng nào mà không đổi lại bằng xương máu.
Viết đến đây lòng tôi bỗng chùng vì
xúc động. Những khuôn mặt người lính thân thương đó hiện rõ
trong ký ức của tôi. Họ nằm xuống vì vết đạn vào đầu, vào tim,
vào phổi nằm la liệt trước mặt tôi. Người Y sĩ Tiểu đoàn hoàn
toàn bất lực trước những vết thương không có phương tiện cứu
chữa. Tôi xin cầu nguyện cho các anh an giấc ngàn thu và không
hận thù. Chúng ta đều chia sẻ một đau thương chung của vận nước
nổi trôi.
Tôi
bàn giao toán Y tá cho BS Trần Lâm Cao làm tân Y sĩ trưởng TĐ2ND
vì đáo hạn nhiệm kỳ 2 năm phục vụ Tiểu đoàn.
Tôi được thăng cấp đại úy và nhận
nhiệm vụ mới là Y sĩ trưởng Đại đội 3/QYND, thường đóng chung
với Bộ chỉ huy Lữ Đoàn III ND của Trung tá Nguyễn Khoa Nam khi đi
hành quân. Sau này ông là Tướng Tư lệnh vùng 4 và tuẫn tiết
không chịu đầu hàng địch. Danh thơm của ông ấy còn vang mãi
trong hậu thế.
Tin dữ từ mặt trận đưa về: BS Nghiêm
sĩ Tuấn học cùng lớp, là BS dân y trưng tập, tình nguyện về
TĐ6ND, cũng chỉ còn một tháng nữa là mãn nhiệm kỳ phục vụ cấp
Tiểu đoàn bị tử trận tại Khe Sanh khi đang săn sóc thương binh.
Anh đã 2 lần bị thương, một ở Dakto, một ở Cao Lãnh. BS Lê Hữu
Sanh, bạn cùng khóa, người thường được chọn cầm cờ đi hàng đầu
trong các cuộc diễn hành của trường Quân y vì dáng anh cao lớn,
tử trận khi anh đang làm Y sĩ trưởng một Tiểu đoàn TQLC.
Cuối năm 1970, tôi giữ chức vụ Y sĩ
trưởng Bệnh viện Đỗ Vinh/SĐND và được thăng cấp thiếu tá.
Khoảng tháng 3/1971, tôi đang thụ huấn
tại Bệnh viện Brooks Hospital, thành phố San Antonio, Texas thì
nhận được tin nhiều Y tá/TĐ2ND hy sinh tại mặt trận Hạ Lào. Lòng
tôi quặn thắt.
Tôi rời Binh chủng Nhảy Dù về phục vụ
tại Quân Y viện Nha Trang để được gần gia đình. Chiếc Mũ Đỏ và
bộ hoa dù vẫn còn quyến luyến cho đến khi tôi giải ngũ vì đắc cử
Nghị viên Thành phố Nha Trang năm 1974.
Viết những dòng kỷ niệm của nửa thế kỷ
trước không sao tránh khỏi thiếu sót và nhầm lẫn, rất mong các
bạn đọc đính chính và thông cảm.
Tôi xin nghiêng mình tưởng niệm những
Quân nhân Binh chủng Nhảy Dù đã nằm xuống, những người lính chỉ
biết tiến không lùi dù trước hỏa lực mạnh của địch quân.
Tôi xin cảm phục và tưởng niệm người
lính Chiến sĩ Vô danh của Nhảy Dù bắn súng vào họng tự sát khi
miệng còn nhai cơm sáng 30 tháng 4 tại hẻm tôi ở 147/8 Trần Quốc
Toản, một hình ảnh hào hùng không thể quên.
Tiếp nối làm Y sĩ trưởng TĐ2ND là BS
Vương Bình Dzương, BS Bùi Văn Đạt, BS Tôn Thất Sơn, BS Lê Minh
Tâm, BS Nguyễn Đức Mạnh, BS Nguyễn Kiêm, các anh hứng pháo cộng
sản sau này còn dữ dội hơn tôi nhiều.
Trước tôi, BS Võ Đạm là một trong 3 Sĩ
quan thuộc Bộ chỉ huy TĐ7ND còn sống sót trong trận Đồng Xoài.
Sau tôi, BS Tô Phạm Liệu, ông BS cầm súng như dân tác chiến,
cũng là 1 trong 3 sĩ quan thuộc Bộ Chỉ huy còn sống sót ở ngọn
đồi Charlie, ngọn đồi đẫm máu chôn xác TĐT/TĐ11ND Nguyễn Đình
Bảo.
– BS Đường
Thiện Đồng sống sót trận Hạ Lào, hốc hác lội bộ về thấu tiền
trạm.
– BS Vũ
Văn Quýnh, BS Nguyễn Văn Thường, v.v. trốn tù cải tạo bị xử
bắn... và còn, còn rất nhiều nữa mà người Y sĩ Nhảy Dù đã chia
sẻ.
Tôi xin
thán phục tinh thần Nhảy Dù bền bỉ của các BS Mũ Đỏ Trần Văn
Tính, Phạm Gia Cổn, Lê Quang Tiến... nắm giữ chức vụ Chủ tịch
BCH/TƯ/GĐMĐVN/Hải Ngoại để nối vòng tay lớn, tương thân, tương
trợ.
Tôi
không thấy ngượng ngùng khi BS Mũ xanh Trần Xuân Dũng ca tụng
các Y sĩ Nhảy Dù, Y sĩ TQLC là “Những Hiệp sĩ của thời đại,
những Đường Sơn Đại Huynh trên tiền tuyến lửa.”
Tôi không quên cám ơn các Chi Hội
trưởng GĐMĐVN vùng Hoa Thịnh Đốn như anh Nguyễn Văn Mùi, Lý
Thanh Phi... thường nhắc tôi tham dự buổi cơm cuối năm của Gia
Đình Mũ Đỏ tổ chức để góp chút tình gửi về cho Thương Phế Binh
Nhảy Dù còn ở quê nhà.
Tôi cũng không thể nào quên nhắc đến
tên các đàn anh như Y sĩ Đại tá Hoàng Cơ Lân, người anh cả
nghiêm minh và vui tươi, Y sĩ Đại tá Bùi Thiều, con người tài
hoa và là người điều hành xây dựng Bệnh viện địa đạo ngay trong
căn cứ Khe Sanh mà báo chí Mỹ khen phục.
Bốn chữ “Giữ Đời Cho Nhau” của BS Lê
quang Tiến nhắn trong Đặc San 70 để thực hiện số báo đặc biệt về
QYND/SĐND làm sống dậy trong tôi những năm tháng đùa với tử
thần.
Có nếm
mùi cực khổ, tù đày rồi mới thấy Độc lập – Tự Do là quí. Có lâm
vào cảnh đói rách, nguy hiểm rồi mới thấy tình Huynh Đệ Chi Binh
là quí.
Xin
nói thêm vài lời nữa là nếu không đọc quyển “Y Sĩ Tiền Tuyến”
của Trang Châu, không đọc bài viết của Phan Nhật Nam, của Trương
Đăng Sĩ trong Đặc San Mũ Đỏ – 70 thì e cũng khó ngồi mài miệt cả
tuần để viết nên những trang giấy này.
TRẦN ĐOÀN
*PS: BS Trần Đoàn sau sang được Mỹ, ở
tiểu bang Virginia, tu đạo Phật thành cư sĩ, rất có công trùng
tu chùa Hoa Nghiêm ở đây.
Bác sĩ Trần Đoàn là quân y sĩ trong
binh chủng Nhảy Dù VNCH. BS Trần Đoàn có hai người con cũng là
sĩ quan y sĩ của Không lực Hoa Kỳ là:
* BS Trần Đại vừa được thăng thưởng
lên cấp bậc Y sĩ Đại tá, và
* BS Huỳnh Trần Mylene, Nữ Y sĩ Đại
tá, Giám đốc Chương trình Y khoa quốc tế của không quân Hoa Kỳ
(The Air Force International Specialist Program) Hai người này
hiện đã giải ngủ trở về đời sống dân sự bình thường sau khi BS
Trần Đoàn qua đời ở tiểu bang VA.
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by th chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy, January 27, 2018
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang