Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
LIÊN ĐOÀN NGƯỜI NHÁI HẢI QUÂN-QLVNCH

NGƯỜI CẬN VỆ
NỀN ĐỆ NHỊ VIỆT NAM CỘNG HÒA

Hồi ký NN Lê Đình An

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

Khởi đầu nhiệm kỳ 1 Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa vào cuối năm 1967, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu là vị Tổng Thống đầu tiên của Nền Đệ Nhị Cộng Hòa từ cuối năm 1967 cho đến ngày 30-4-1975.

Nhiều vụ mưu sát hay ám sát Tổng Thống với những lý do về chính trị... đã từng xảy ra khắp nơi trên thế giới kể cả tại một số quốc gia tương đối ổn định về an ninh không có chiến tranh. Trong những vụ ám sát xảy ra đó, những người Cận Vệ Tổng Thống đã hy sinh cũng không ít. Điều này đã nói lên sự khó khăn biết bao của ngành an ninh bảo vệ vị Nguyên Thủ Quốc Gia.

Đất nước Việt Nam trước năm 1975, đang trong thời chiến tranh lại càng hung hiểm hơn, mạng sống của vị Nguyên Thủ Quốc Gia như chỉ mành treo chuông, nhất là thời gần cuối Nền Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa, vì phải chịu áp lực nhiều phía tấn công từ người bạn Đồng Minh trở mặt, từ thành phần thứ ba và từ kẻ thù Cộng Sản, v.v.

Bài viết này chỉ xin ghi lại một vài việc đã xảy ra trong thời gian trực tiếp phần nhiệm Cận Vệ của mình qua phần hồi ký này mà thôi.

 

Bộ Tư Lệnh Hải Quân biệt phái toán Người Nhái đầu tiên về Khối Cận Vệ Phủ Tổng Thống VNCH.

Vào khoảng tháng 9 năm 1967. Thi hành thượng lệnh, Bộ Tư Lệnh Hải Quân P1 [Phòng 1] tuyển chọn một số Người Nhái ưu tú, đã có kinh nghiệm chiến trường, có thành tích, giỏi võ thuật và tác chiến của LĐNN [Liên Đoàn Người Nhái] để biệt phái về Khối Cận Vệ Tổng Thống Phủ.

Nhận Sự Vụ Lệnh BTL/HQ/P1. Toán NN được tuyển chọn, lên trình diện Tham Mưu Biệt Bộ Phủ Tổng Thống. Khi đến Dinh Độc Lập chúng tôi trình diện Thiếu tá Nhan Văn Thiệt Trưởng khối Cận Vệ, còn HQ [Hải Quân] Trung úy Nguyễn Văn Tư trưởng toán NN được đưa lên văn phòng TT để trình diện Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Trưởng khối cận vệ Thiếu tá Nhan Văn Thiệt cho chúng tôi biết tình hình hiện tại của Phủ Tổng Thống, v.v.

Thiếu tá Thiệt nói: Tình hình hiện nay rất khó khăn, Tổng Thống mới nhậm chức chưa ổn định, Khối Cận Vệ chưa tổ chức được an ninh bảo vệ TT nên rất nhiều nguy hiểm có thể xảy ra cho vị Nguyên Thủ Quốc Gia. Thiếu tá Thiệt tiếp: Vì sự an nguy của Tổng Thống xin nhờ các anh cố gắng bảo vệ cho ông. Và đây là nhiệm vụ chung của quân nhân đối với vị Nguyên Thủ Quốc Gia và cũng là vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao của Quân Đội!

Bản tính hiên ngang bất khuất của Toán Người Nhái Cận Vệ mới đáo nhậm

Sau đó chúng tôi qua Đại đội canh phòng tại 124 đường Hồng Thập Tự trình diện Trung úy TNV để sắp xếp nơi cư ngụ. Trung úy V lược qua công việc của Đại đội canh phòng và cho chúng tôi biết sẽ sát nhập danh sách chúng tôi vào đại đội, ngoài giờ canh gác thì phải làm tạp dịch như tất cả nhân viên nơi đây. Sau cùng Trung úy V hỏi chúng tôi có ý kiến gì không?

Tôi giơ tay xin có ý kiến: Xin phép Trung úy cho chúng tôi tham khảo lại rồi sẽ trình cho Trung úy biết sau. Trung úy V đồng ý, chúng tôi ra ngoài sân họp nhau lại. Anh em trong toán cùng bàn thảo: Chúng ta nhận Sự Vụ Lệnh của BTL/HQ lên Phủ Tổng Thống với nhiệm vụ là Cận Vệ, nếu bây giờ Đại đội canh phòng sắp xếp chúng ta canh gác và làm tạp dịch thì chúng ta đâu còn sức để làm nhiệm vụ nữa?

Sau khi bàn thảo xong tôi đại diện cho anh em vào gặp Trung úy V, tôi trình bày nhiệm vụ của chúng tôi là cận vệ cần phải giữ gìn sức khỏe để hoàn thành công tác nên xin được miễn canh gác hoặc làm tạp dịch, xin Trung úy xem lại. Trung úy V phủ quyết: Các anh về đây thì cũng giống như tất cả nhân viên ở đây vì tất cả đều là cận vệ. Tôi bình tĩnh nói: Nếu Trung úy nói tất cả nhân viên ở đây đều là cận vệ thì đâu cần đến anh em chúng tôi biệt phái về đây để làm cận vệ? Chúng tôi tạm thời xin phép không nhận việc, nếu Trung úy thấy không cần chúng tôi thì xin hãy trả chúng tôi về lại BTL Hải Quân. Nói xong tôi chào rồi bước ra ngoài, Trung úy V vội gọi tôi trở lại có vẻ bực tức nói: anh đứng lại đây chờ tôi gọi điện thoại qua ông Trưởng Khối Cận Vệ.

Khi điện thoại reo Trung úy V mở Speaker cho tôi cùng nghe, có tiếng Thiếu tá Thiệt. Trung úy V báo cáo: Thưa Thiếu tá mấy thằng em Hải Quân lên đây “V” sắp cho tụi nó canh gác và làm tạp dịch tụi nó không chịu. Tụi nó nói là lên đây để làm cận vệ chớ không làm tạp dịch hoặc canh gác đó Thiếu tá.

Tiếng Thiếu tá Trưởng Khối vang lên: Ờ! Phải đó V “Moa” xin Hải Quân cho NN tụi nó lên đây để lo cho “Ông già” (Tổng Thống) – “Toa” nhớ là đừng sắp tụi nó tạp dịch hay canh gác gì hết, phải để anh em NN đầy đủ sức khỏe để bảo vệ Tổng Thống đó!

Trung úy V Cúp điện thoại xong, Trung úy V quay qua tôi dịu giọng: Thôi anh nói với anh em vào trong phòng nghỉ đi...

(Trung úy V và anh em Cận Vệ chúng tôi thông cảm vì sự việc đã qua và rất thân với nhau khi cùng đi công tác. Trung úy V cho biết việc xảy ra đó, Thiếu tá Thiệt có nói với Trung úy là Thiếu tá rất thích vì có được những NN Hải Quân tính khí ngang tàng như vậy mới đúng là người “Cận Vệ” vì họ dám nhận lãnh trách nhiệm của mình, khi hành sự họ sẽ không sợ bất cứ một áp lực nào và bất cứ từ đâu tới. Trung úy V là một sĩ quan an ninh địa điểm, sắp xếp kế hoạch và điều động nhân viên rất giỏi của Khối Cận Vệ PTT. Cấp bậc sau cùng là Trung tá Trưởng Ty Cảnh Sát Gia Định cho đến ngày 30-4-75.)

 

 

Bắt đầu vào công việc mới, Khối Cận Vệ còn phôi thai, toán NN là những người Cận Vệ đầu tiên của Phủ Tổng Thống. Chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng túc trực với 2 chiếc xe Jeep để hộ tống cùng với xe Quân Cảnh mở đường đưa Tổng Thống đi đến Dinh Độc Lập để làm việc, và rước về tư dinh trong cư xá Tổng Tham Mưu.

Tết Mậu Thân lại đến trong máu lửa rực trời do bọn cộng sản không giữ lời cam kết để cho dân hai miền được vui xuân. Bọn Việt cộng đã tấn công và chiếm giữ 44 tỉnh của Miền Nam. Bọn Việt cộng chiếm đóng và ẩn mình trên các cao ốc trong thành phố Sài Gòn, ngay cổng hậu đường Nguyễn Du cũng bị VC chiếm đóng ngôi cao ốc 3 tầng đang xây cất chưa xong, đối diện với cổng hông sau của Dinh Độc Lập. (Sau khi tiêu diệt các chốt của VC, 2 ngày sau cao ốc này được giải tỏa.)

Trong những ngày đầy nguy hiểm này vì VC có thể núp trong các cao ốc bắn sẻ, chúng tôi vẫn hộ tống Tổng Thống đi và về đường bộ dưới các cao ốc dọc theo đường từ Tư Dinh ở Tổng Tham Mưu đến Dinh Độc Lập. (Vì sau ngày Tổng Thống Tuyên Thệ nhậm chức cho đến Tết Mậu Thân. Phủ Tổng Thống chưa có trực thăng riêng và phi hành đoàn lái trực thăng, các chuyến bay đều do Bộ Tư Lệnh Không Quân ra chỉ thị cho Đại úy Nguyễn Mạnh Thường và Nguyễn Văn Phú Hiệp đảm trách.)

Về chiến sự. Tổng Thống họp cùng các Tướng Lảnh. Sau khi được báo cáo đầy đủ, TT ra lệnh Tổng phản công để tiêu diệt và đẩy lui VC ra khỏi 44 Tỉnh của Miền Nam. Sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân của VC, kết quả là dân, quân, cán, chính VNCH đã tiêu diệt trên dưới 200 ngàn quân VC, v.v.

Khối Cận Vệ Phủ Tổng Thống Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa từ 1967 đến 1975

Cơ quan thẩm quyền trong Dinh Độc Lập bắt đầu thiết lập các cơ sở cần thiết để bảo vệ Tổng Thống và gia đình, sau đó tất cả gia đình Tổng Thống từ cư xá Tổng Tham Mưu di chuyển về Dinh Độc Lập. Toán Cận Vệ chúng tôi cũng di chuyển vào trú ngụ trong Dinh.

Hệ thống điều hành Phủ Tổng Thống gồm có Văn Phòng và Võ Phòng. Tổ chức trong Dinh Độc Lập chia ra nhiều phần hành được ngăn cách và riêng biệt để giữ bí mật. Văn Phòng TT trong hệ thống điều hành có Phòng Tùy Viên TT, Khối Cận Vệ và vài cơ quan khác... Phần kiểm soát an ninh toàn dinh đều do Khối Cận Vệ đảm trách. Trong và ngoài khuôn viên dinh Độc Lập thì do Liên Đoàn An Ninh Danh Dự canh phòng, ngoài ra còn một đội Thiết Giáp Kỵ binh án ngữ con đường phía sau Dinh Độc Lập nối liền giữa đường Hồng Thập Tự và Nguyễn Du, một Tiểu Đoàn Nhảy Dù trú đóng ở Sân Tao Đàn cùng với nhiều đơn vị như Cảnh Sát Đặc Biệt, Biệt Đoàn 222 Cảnh Sát Dã Chiến, Biệt Đoàn 5 Cảnh Sát Dã Chiến, và Biệt Khu Thủ Đô, v.v.

Khối Cận Vệ Phủ Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa được thành lập để bảo vệ vị Nguyên Thủ Quốc Gia không phải riêng cho một vị Tổng Thống. Khi vị Tổng Thống đương nhiệm theo hiến định mãn nhiệm kỳ và Tân Tống Thống đăng quang, Khối Cận Vệ vẫn tiếp tục nhiệm vụ của mình với vị Tổng Thống mới.

Khối Cận Vệ Phủ Tổng Thống nhận thức nếu có sự không may xảy đến cho vị Nguyên Thủ Quốc Gia như bị ám sát hoặc đảo chánh, thì đất nước sẽ hỗn loạn và phân hóa đưa đến nguy cơ miền Nam tự do sẽ bị diệt vong vì lọt vào tay Cộng Sản Bắc Việt....

Nhiệm vụ: Khối Cận Vệ Phủ Tổng Thống có nhiệm vụ là bảo vệ Tổng Thống, vị Nguyên Thủ Quốc Gia, cũng là vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và gia đình của Tổng Thống. Nhiệm vụ đòi hỏi người Cận Vệ phải “tuyệt đối” trung thành với Quốc Gia, không được sơ hở trong khi hành sự.

Cận Vệ Viên: Đất nước đang thời chiến cho nên Cận Vệ Viên được tuyển chọn trong thành phần quân nhân trong các Quân Binh Chủng Hải, Lục và Không Quân QLVNCH, qua phần an ninh lý lịch rất kỹ lưỡng. Là thành phần ưu tú có thể năng, giỏi võ thuật và tác xạ trong các đơn vị thiện chiến của quân đội như Lôi Hổ, Biệt Kích Dù, Lực Lượng Đặc Biệt, Biệt Động Quân, Người Nhái, v.v. Các nhân tài võ thuật đương thời trong các đơn vị khác như Trương Đức Hiếu, Thạch Cẩm Tòng vô địch Việt Nam về môn Nhu Đạo, và các huyền đai xuất sắc xuất thân từ Trung Tâm Võ Thuật Thái Cực Đạo Thủ Đức do các võ sư của phái bộ quân sự võ thuật Thái Cực Đạo Nam Hàn huấn luyện, đều được tuyển chọn về Khối Cận Vệ.

• Được Hoa Kỳ huấn luyện qua khóa đặc biệt Dignitary Protection Course, do OSI (Office of Special Investigations) dưới đây là tài liệu và hình ảnh buổi lễ mãn khóa.

 

 

 

LỄ MÃN KHÓA HUẤN LUYỆN BẢO VỆ YẾU NHÂN
CỦA KHỐI CẬN VỆ PHỦ TỔNG THỐNG VNCH

 

 

Trưởng Khối CV Đại tá Nhan Văn Thiệt trình diện nhân viên Cận Vệ
Tại phòng Khánh Tiết Dinh Độc Lập ngày 14-11-1970

 

 

Tổng Thống VNCH và Đại Tướng Tư Lệnh Đệ Thất Không Lực HK
Chủ tọa lễ mãn khóa Dignitary Protection (BVYN)

 

 

Cơ Quan OSI trên Internet

 

Dignitary Protection Course, do OSI (Office of Special Investigations)
Huấn Luyện cho nhân viên Khối Cận Vệ Phủ Tổng Thống.

 

Chữ Bảo Vệ Yếu Nhân (BVYN), theo tôi được biết, là chữ Việt được dịch ra lần đầu tiên từ tên của khóa huấn luyện Dignitary Protection Course, do OSI thực hiện nhằm giúp canh tân kỹ thuật và trang bị chuyên môn như vũ khí, hệ thống truyền tin, máy liên lạc cầm tay (Motorola) cho Khối Cận Vệ Phủ Tổng Thống VNCH. Từ thời điểm này chữ Bảo Vệ Yếu Nhân trở thành thuật ngữ trong ngành an ninh cận vệ.

 

 

Đại diện cơ quan OSI tường trình lên Tổng Thống kết quả của
khóa huấn luyện Dignitary Protection Bảo vệ Yếu Nhân.

 

Hình trên:

• Bên quan khách Việt Nam: Có các Tướng lãnh và các Yếu Nhân trong chính phủ như: Cố Vấn TT Trung Tướng Đặng Văn Quang, Ông CV Nguyễn Văn Hướng, Ông Bí Thư Hoàng Đức Nhã, TGĐ Cảnh Sát Quốc Gia Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Chánh Văn Phòng Đại tá Võ Văn Cầm, Chánh Võ Phòng Đại tá Vũ Quang Chiêm, và các cấp thẩm quyền trong dinh Độc Lập.

• Bên phía Hoa Kỳ: Tất cả HLV là sĩ quan cấp tá, đặc trách ngành Bảo Vệ Yếu Nhân, trực thuộc Bộ Chỉ Huy OSI Trung Ương tại Washington D.C. Toán người Mỹ mặc thường phục ngồi hàng ghế phía sau cũng là sĩ quan KQ thuộc Bộ Chỉ Huy OSI Vùng 50 tại Sài Gòn. Theo quy định của cơ quan, họ phải mặc đồ dân sự và xưng tên thay vì cấp bậc quân đội để dễ dàng giao tiếp làm việc với mọi cấp chính quyền bất cứ ở đâu, kể cả tại Hoa Kỳ. (Cơ Quan OSI biệt lập không phải CIA hay Secret Service).


Vì OSI (Office of Special Investigations) là cơ quan an ninh chiến lược của Không Quân Hoa Kỳ, vị Đại Tướng Tư Lệnh Ðệ Thất Không Lực HK tại Việt Nam đã đến dự lễ mãn Khóa BVYN để tăng thêm phần long trọng và ngầm cho thấy sự ủng hộ chính thể VNCH của giới quân sự HK vào thời đó. Khối Cận Vệ Phủ Tổng Thống VNCH đã được huấn luyện BVYN và trang bị với phẩm chất chuyên nghiệp thượng thặng, ngang hàng với Secret Service của Tòa Bạch Ốc.

 

 

Tổng Thống trao tặng huy chương cho
Sĩ Quan HLV Dignitary Protection (14-Nov-70)

 

 

Cơ Quan OSI Trao tặng Tổng Thống dàn máy
Closed Circuit Monitor (14-Nov-70)

 

 

Nhân viên CV các cấp trong buổi Giảng Lý Thuyết, (06-Nov-70)

 

Distinguished Visitor Protection Course, (Huấn luyện cho Cảnh Sát Quốc Gia)

Khoảng một tháng sau đó, đoàn sĩ quan OSI tiến hành thêm một khóa huấn luyện nữa mang tên Distinguished Visitor Protection Course, trong chương trình đào tạo, trang bị máy móc truyền tin, vũ khí cận vệ và yểm trợ tổng quát cho Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia (1970) trong việc thành lập Sở Bảo Vệ Yếu Nhân Distinguished Visitor Protection có thể dịch là Bảo Vệ Thượng Khách, nhưng danh xưng Bảo Vệ Yếu Nhân do OSI đề nghị đã được chọn.

 

 

Chuẩn Tướng Trần Văn Hai
Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia 1970

 

Chính vì sắp mở khóa huấn luyện BVYN cho Cảnh Sát Quốc Gia nên Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Tổng Giám Ðốc CSQG, đã đến tham dự Lễ mãn khóa BVYN tại Dinh Độc Lập cùng với đoàn Huấn Luyện Viên HK mặc quân phục KQ (*).

• Học tập và rút kinh nghiệm riêng cho mình qua các phim ảnh và tài liệu “Tối Mật” về các cuộc mưu sát và ám sát các vị Tổng Thống và các Nguyên thủ quốc gia trên thế giới.

• Được huấn luyện kỹ thuật tác xạ với các đương kim vô địch tác xạ đã từng tranh giải với quân đội Đồng Minh. (Phòng tác xạ được thiết lập trong tầng nền dinh Độc Lập để Cận Vệ Viên tập luyện hàng ngày).

 

 

Bằng cấp thiện xạ Trường Bộ Binh Thủ Đức

 

 

1975 đến 1990
15 năm sau, trắc ngiệm lại tại Hoa Kỳ

 

• Về võ thuật, từ Đại tá Trưởng Khối đến các Cận Vệ Viên đều có riêng mình một môn võ như Võ Lâm Hậu Giang, võ Phái Tân Khánh Bà Trà, võ Bình Định, Thiếu Lâm, Nhu Đạo, Hiệp Khí Đạo và Kiếm Đạo, v.v.

• Tất cả đều được huấn luyện thêm về môn Thái Cực Đạo Đại Hàn do các võ sư cận vệ của phủ Tổng Thống Nam Hàn thời Tổng Thống Phác Chính Hy (Park Chung Hee) biệt phái qua để huấn luyện cận vệ Việt Nam với phương pháp huấn luyện riêng với những thế võ cận chiến đặc biệt nguy hiểm, và cấm không được phổ biến ra ngoài.

Võ thuật và tác xạ là môn chính yếu cận vệ viên đều phải tập luyện thường xuyên hàng ngày. Có thể nói Khối Cận Vệ Phủ Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa là nơi tập trung cao thủ võ thuật và thiện xạ nhiều nhất trong thời điểm đó.

 

 

Ảnh từ trái qua: Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, đang bắt tay
HQ Đại tá Trần Thanh Điền Trưởng Khối Cận Vệ, giữa là Bí thư Hoàng Đức Nhã,
Thiếu tá KQ Nguyễn Mạnh Thường, năm 1974. Hình tài liệu VPTT.

 

Về sau Đại tá Nhan Văn Thiệt Trưởng Khối Cận Vệ được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Cảnh Sát vùng 4. Hải Quân Đại tá Trần Thanh Điền Tùy Viên Tổng Thống thay thế nhiệm vụ Trưởng Khối Cận Vệ Phủ Tổng Thống, kiêm chức vụ Chủ Tịch Tổng Cuộc Thái Cực Đạo Việt Nam. Ông có ý định phối hợp các môn võ Việt Nam và võ Đại Hàn để trở thành môn võ thuật “Thái Cực Đạo Việt Nam”.

Thành phần Cận Vệ Viên là những cảm tử quân, với lý tưởng Tổ Quốc, Trách Nhiệm và Danh Dự của quân nhân, khi hữu sự họ trở thành những “tấm lá chắn” bằng xương bằng thịt của mình để che chở và bảo vệ cho vị Nguyên Thủ Quốc Gia cũng là Tổng Tư Lệnh Tối Cao của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và gia đình của TT.

Khi hành sự, nhiệm vụ tối quan trọng của Cận Vệ là bảo vệ vị Nguyên Thủ Quốc Gia, “không vị nể cấp bậc” họ có thể hạ tất cả những chướng ngại chung quanh để hoàn thành nhiệm vụ.

Cận Vệ Viên phải trải qua nhiều cuộc thử nghiệm về khả năng phản ứng cá nhân khi hữu sự. Được tập luyện những chiến thuật và các phương pháp bảo vệ kết nối nhau như những “Mắt xích” uyển chuyển vô hình và cũng tùy theo tình hình, địa thế và hoàn cảnh tại nơi đó như:

• Nơi tổ chức cuộc lễ dân sự, Tổng Thống sẽ tiếp cận với dân chúng. Cận Vệ Viên giỏi võ thuật cận chiến sẽ đảm nhiệm công tác (vòng trong) cận sát với Tổng Thống.

• Tổng Thống thị sát nơi mặt trận ủy lạo anh em binh sĩ thì Cận Vệ Viên sẽ là những tay thiện xạ của các đơn vị thiện chiến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, v.v.

 

 

Tổng Thống Thiệu thị sát mặt trận

 

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu xuất thân là quân nhân, ông rất can trường đảm lược, trong thời gian làm Tổng Thống, ông thường đi thị sát chiến trường giữa lúc 2 bên còn đang giao tranh như các trận chiến nổi danh Bình Long Anh Dũng, Trị Thiên vùng dậy, Kontum kiêu hùng, v.v. Có lần Tổng Thống đáp Trực thăng xuống một căn cứ còn đang giao tranh với địch quân để ủng hộ tinh thần chiến đấu của binh sĩ, đạn pháo của Việt cộng đã rớt xuống gần bên Tổng Thống làm tử thương một Đại úy Hoa Kỳ cố vấn của căn cứ nơi đó. Vì tình thương “Huynh đệ chi binh” ông đã không quản ngại gì nguy hiểm xông pha nơi lửa đạn, và dĩ nhiên Cận Vệ Viên cũng đã cùng Tổng Thống đồng cam cộng khổ.

 

 

 

TT Nguyễn Văn Thiệu trong ngày lễ ban hành luật Người cày có ruộng. 26/3/1973

 

Tóm lại tùy theo tình hình an ninh nơi đó mà ấn định công tác nếu thấy cần thiết sẽ tạo thêm những vòng “lá chắn” Cận Vệ chung quanh vị Tổng Thống.

 

 

Vì đất nước đang có chiến tranh cho nên Cận Vệ VNCH cảnh giác về sự an nguy cho Tổng Thống rất cao độ, họ được huấn luyện phương pháp dùng ám hiệu, thủ hiệu riêng của Khối Cận Vệ. Để tránh phân tâm cho cận vệ viên trong khi hành sự, máy Walkie-Talkie liên lạc chỉ dành riêng cho các trưởng toán khi cần, còn toán viên sau khi đã nhận lệnh theo kế hoạch tự động liên kết trong toán như sợi dây vô hình bao bọc vị “Yếu Nhân,” không dùng máy móc mà chỉ dùng đầu óc bén nhạy, và phản ứng nhanh chóng trong ngành nghề khi hữu sự qua ám hiệu hoặc thủ hiệu của Trưởng Toán mà thôi.

Mặc dầu Khối Cận Vệ Phủ Tổng Thống VNCH được Hoa Kỳ huấn luyện kỹ thuật về ngành Cận Vệ trang bị vũ khí và hệ thống máy móc truyền tin, v.v. nhưng khi thi hành công tác, Khối Cận Vệ đều dùng mật mã riêng thay đổi liên tục và bất thường để tránh Tổng Đài khác kiểm soát và theo dõi. Phối hợp học hỏi kỹ thuật qua các tài liệu ám sát các vị Tổng Thống trên thế giới cộng thêm với những kinh nghiệm và phương thức phòng bị riêng của mình, Khối Cận Vệ tự tạo những phương pháp, kỹ thuật và chiến thuật hoạt động riêng.

Một vài hành động tiêu biểu của Khối Cận Vệ Phủ Tổng Thống thời Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa:

1. Phá vỡ cuộc mưu sát Tổng Thống tại tòa Đô Chánh


Vào thời điểm 1970, tình hình chính trị khó khăn rối loạn. Việt Nam Cộng Hòa theo thể chế tự do dân chủ, các phe phái trong nước đang vận động ứng cử và bầu cử Tổng Thống vào năm 1971. Một số chính khách được ngoại bang thân Pháp và thân Cộng ngầm tài trợ để phá vỡ tình đoàn kết quân dân theo mưu đồ đục nước béo cò... Vào thời đó chúng ta thường nghe phong trào “Thương phế binh cắm dùi” cất những căn chòi trên các lề đường trong thành phố, đòi chính phủ cho nhà ở, v.v. do Tướng Nguyễn Cao Kỳ, đối lập trong chính quyền, đứng phía sau giật dây với mưu đồ tạo khó khăn cho chính phủ đương nhiệm... (Tương kế tựu kế có lý do để giúp đỡ Thương Phế Binh, Nội Các chính phủ yêu cầu Quốc Hội phê chuẩn để cho xây dựng làng Thương Phế Binh tại Thủ Đức.)

Tại buổi lễ tại tòa Đô Chánh Sài Gòn, Đô Trưởng mời Tổng Thống chủ tọa. Trong khi tiếp tân, Tổng Thống đi xen lẫn vào đám đông quan khách để bắt tay chào hỏi. Một thương binh “giả” chống nạng, trên tay cầm nạng ẩn vào hông một tờ báo xếp lại, đang trà trộn len lỏi vào hàng quan khách. Hắn không thoát được cặp mắt nghề nghiệp của một Cận Vệ tại địa điểm “Vòng thứ 3” đã theo dõi từ đầu những cử chỉ khả nghi nên cặp sát kế bên nhưng tên này không hay. Khi còn cách Tổng Thống vài người, tên thương binh “giả” đổi tay cầm nạng, buông tờ báo xuống đất để lòi ra một lưỡi dao yếm rất bén, mỏng dài khoảng 5 tấc. Cận Vệ Viên cấp tốc dùng thế võ cận chiến khóa chặt tay cầm dao ra sau lưng, một tay kẹp ngang cổ tên mưu sát đem ra khỏi phòng giao lại cho cảnh sát an ninh đem đi.

2. Trong ngày bầu cử Tổng nhiệm kỳ 2 năm 1971

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đi bỏ phiếu tại tòa Đô Chánh Sài Gòn, nơi đây từ sáng sớm đã có các nhân viên an ninh, cảnh sát trật tự và truyền thông báo chí trong và ngoài nước, nhân viên ủy ban giám sát bầu cử của Liên Hiệp Quốc đã có mặt để theo dõi cuộc bầu cử.

Trong phòng phiếu cũng có một số người dân trong thành phố đang đi bỏ phiếu. Tổng Thống Thiệu vẫy tay chào tất cả mọi người đang có mặt trong phòng phiếu rồi ông cầm lá phiếu bước đến thùng phiếu để bỏ vào, bất thình lình một người vượt ra khỏi hàng cảnh sát giữ trật tự bước thật nhanh đến phía Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, nhân viên cảnh sát không kịp chận lại, một Cận Vệ Viên tiến lên với một thế đòn chân Nhu Đạo quét chân người này ngã chúi xuống sàn nền, cùng lúc đó 4 Cận Vệ Viên đã xoay quanh Tổng Thống.

Nhân viên an ninh đến dìu người bị té đứng lên thì mới biết ông ta là người Nhật, có đeo bảng tên là nhân viên ủy ban giám sát bầu cử của Liên Hiệp Quốc, ông cho biết ông muốn đến để chào Tổng Thống mà thôi. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bước đến vui vẻ bắt tay chào ông... Ông ta cũng xin lỗi vì vui mừng được gặp Tổng Thống mà quên đi vấn đề an ninh của TT...

3. Phu nhân TT Nguyễn Văn Thiệu

Trách nhiệm khối Cận Vệ là bảo vệ vị nguyên thủ quốc gia bao gồm luôn cả gia đình, vì nếu có việc không may xảy ra cho gia đình thì vị nguyên thủ cũng không thể an tâm để lo đại sự. Phu nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là một phụ nữ gia giáo miền Nam, bản tính hiền hòa khiêm tốn không muốn phô trương, bà không muốn có an ninh Cận Vệ rình rang và xô lấn ngoài đường phố, đã có vài lần bà từ chối không cho an ninh Cận Vệ đi theo. Vì vậy trong việc bảo vệ an ninh cho phu nhân Tổng Thống, anh em Cận Vệ gặp rất nhiều khó khăn trong khi công tác. Có lần Tổng Thống Thiệu cũng phải khuyên phu nhân: Bà đi ra ngoài rất nguy hiểm bà hãy để cho mấy chú (Cận Vệ) làm việc.

Khối Cận Vệ đã có nhiều phiên họp để tìm phương pháp, và đã thay đổi vài sĩ quan thân cận để tìm người hiểu ý của bà thì mới có thể lo việc an ninh cho gia đình vị nguyên thủ được. Khối Cận Vệ vừa phải bảo đảm an ninh vừa phải làm sao cho vị yếu nhân cảm thấy thoải mái như bình thường không bị gò bó trong những lúc tham dự các lễ hội, hội họp với các vị phu nhân trong hội Phụ Nữ Phụng Sự Xã Hội hoặc ra ngoài tiếp xúc với mọi người trong dân chúng.

Sau cùng một sĩ quan trưởng toán Cận Vệ được bà đồng ý để đi theo giúp bà như một người thân trong gia đình. Với ý thức tránh mọi phiền phức cho phu nhân, người Sĩ Quan Trưởng Toán đã tổ chức uyển chuyển hệ thống bảo vệ ngầm, cận vệ trong toán đều mặc thường phục có mặt trước tại địa điểm những nơi bà Tổng Thống sẽ đến, trên đường đi các Cận Vệ trên 2 chiếc xe du lịch hộ tống cũng mặc thường phục chạy theo sau cách xa vừa tầm với xe của bà Tổng Thống, thong thả như các xe khác đang di chuyển, trên 2 chiếc xe đều có máy walkie-talkie trực tiếp báo cáo hoặc nhận lệnh khi cần thiết với Trưởng Toán đang ngồi ghế phía trước chung xe với Tổng Thống Phu nhân. (dùng headphone để giữ im lặng).

Thời điểm từ năm 1973 trở đi, tình hình chính trị và quân sự Việt Nam Cộng Hòa đang bị áp lực nặng nề tứ phía. Trên thế giới cũng nhiều biến động. Tại Nam Hàn, Phu Nhân Tổng Thống Phác Chánh Hy vừa bị ám sát vào ngày 15-8-1974. Những tin tức đó làm cho Khối Cận Vệ càng thêm cảnh giác vì có nhiều nghi vấn rất mờ ám về bạn hay là kẻ thù qua vụ ám sát này?

Một chuyến đi về Mỹ Tho thăm nhà của Phu nhân Tổng Thống, nguy hiểm xảy ra...

Thỉnh thoảng Tổng Thống phu nhân về thăm quê nhà tại thị xã Mỹ Tho. Trưởng Toán Cận Vệ, như thường lệ ngồi phía trước xe với bác Hồng tài xế. Phía sau chiếc xe bà Tổng Thống có 2 chiếc du lịch hộ tống với 8 Cận Vệ Viên trang bị đầy đủ vũ khí đạn dược, chạy cách khoảng cần thiết 150 đến 200 thước.

Khi chiếc xe du lịch của bà Tổng Thống vừa qua khỏi ngã 3 Phú Lâm, An Lạc thì Thiếu úy Trưởng Toán được xe Hộ Tống 1 báo cáo qua máy:

- Báo cáo Thiếu úy: 1 chiếc xe du lịch Mỹ, kiếng xe nhuộm màu đen, không nhìn thấy phía trong xe, xung quanh vành kiếng xe có gắn 8-9 ăng-ten nhỏ, khi thấy xe bà Tổng Thống vừa qua thì nó vọt theo sau! Xin chỉ thị!

- Trưởng Toán ra lệnh: Chiếc Hộ Tống 1 vượt nhanh lên qua mặt chiếc xe lạ đó rồi tấp vào phía sau xe bà để tạo khoảng ngăn cách xe lạ.

- Chiếc Hộ Tống 2 vượt lên “khóa đít” chiếc xe lạ và kềm giữ không cho chiếc xe đó vượt vòng kiềm tỏa của 2 xe hộ tống. Tất cả vũ khí sẵn sàng tác chiến.

Hai xe hộ tống vượt nhanh lên làm đúng theo kế hoạch kẹp chiếc xe lạ vào giữa, trong lúc đó trưởng toán liên lạc báo cáo về Trung Tâm Truyền Tin phủ Tổng Thống và Tiểu Khu Tỉnh Định Tường để theo dõi.

Chiếc xe màu đen như đã biết bị kẹp vào giữa nên muốn vượt lên để thoát khỏi bao vây.

- Chiếc Hộ Tống số 1 báo cáo: Báo cáo “Nó” muốn vượt lên đó Thiếu úy.

Trong lúc cấp bách nên Trưởng Toán phải nhanh chóng quyết định: Xe Hộ Tống số 1 lái lách đầu xe ra chận lại không cho nó vượt qua, anh em đưa súng lên cho xe lạ đó thấy và ra lệnh cho nó phải nép vào phía sau xe Hộ Tống 1.

- Xe Hộ Tống số 2 sẵn sàng khai hỏa nếu chiếc xe lạ không tuân hành.

- 2 xe Hộ Tống trả lời: Nhận rõ.

Tất cả toán Cận Vệ tinh thần đều căng thẳng làm theo lệnh.

Chiếc xe đó đã thấy biết không thể thoát ra được nên không dám vượt lên nữa. Khoảng chừng 15 phút sau, đoàn xe chạy đến ngã 3 Trung Lương, chiếc xe du lịch màu đen này tách ra quẹo phải chạy về hướng Vàm Cống, đoàn xe của bà Tổng Thống vẫn tiếp tục hướng về Thị Xã Mỹ Tho...

Những công tác đặc biệt khéo léo như trên đã tránh làm kinh động, ngầm bảo vệ yếu nhân của Cận Vệ Viên, đôi khi vị yếu nhân được bảo vệ cũng không hay biết gì về các diễn biến đã xảy ra.

4. Ngày lễ Quân Lực 19-6-1973

Với cuộc Diễn Binh lớn nhất từ trước đến nay để biểu dương lực lượng của QLVNCH. Và đó cũng là ngày nguy hiểm nhất cho vị Nguyên Thủ Quốc Gia. Vì các thành phần chống đối có thể lợi dụng trong ngày này tổ chức khủng bố, ám sát và đảo chánh rất dễ dàng. (Sau này vào ngày 6-10-1981, trong buổi Diễn Binh kỷ niệm ngày quân đội Ai Cập vượt qua kênh đào Suez vào năm 1973. Tổng Thống Ai Cập Anwar el-Sadat đã bị ám sát bởi thành phần Hồi giáo cực đoan. Khi đoàn diễn hành đến khán đài đã xả súng bắn vào khán đài)

Tất cả hệ thống an ninh của quốc gia bao gồm nhiều thành phần, cảnh sát và quân đội, v.v. đều tập trung và phối hợp soạn thảo chương trình nhằm bảo đảm cho buổi lễ được thành công. Về phần các đơn vị diễn hành, tất cả súng ống đều phải qua hệ thống an ninh quân đội kiểm soát tại nơi chuẩn bị trước giờ di chuyển.

Riêng về Khối cận vệ cũng chuẩn bị thật kỹ, sắp xếp nhân sự cận vệ, tại địa điểm hành lễ, hộ tống lúc đi và về, v.v. Một đội Thiết Kỵ đặc biệt do Đại úy Thạch Lafick chỉ huy đang đóng phía sau Dinh Độc Lập, được điều động để án ngữ phía sau khán đài tại đường Nguyễn Thái Học, và trực tiếp với một sĩ quan cận vệ có trách nhiệm hộ tống Tổng Thống, đề phòng khi có biến động.

Ngày Quân Lực 19-6-1973 đã thành công rực rỡ cho đến bây giờ chúng ta vẫn hãnh diện là ngày Diễn Binh vĩ đại nhất, biểu dương sức mạnh của QLVNCH mà cả vùng Đông Nam Á thời điểm đó đều thán phục. Trong đó có cả một công trình an ninh phòng vệ thật chu đáo từ gần đến xa mà chẳng ai được biết đến.

5. Khối Cận Vệ Phủ Tổng Thống hành động mạnh đối với ký giả ngoại quốc khinh thường luật pháp Việt Nam không tuân hành theo lệnh

Việt Nam Cộng Hòa là nước Tự Do Dân Chủ. Theo lệnh cấp trên từ trước đến giờ ngành bảo vệ yếu nhân, kể cả cảnh sát và nhân viên an ninh trật tự được lệnh phải xử sự hòa nhã lịch sự đối với ngành truyền thông báo chí để tạo cảm tình mặc dầu ngành an ninh, Cảnh Sát trật tự đã gặp nhiều trở ngại, bởi vì các thông tín viên ngoại quốc to con lớn xác có ý khinh thường không nghe theo sự hướng dẫn của nhân viên an ninh của Việt Nam, và cũng vì tình hình chính trị và chiến sự càng lúc càng suy đồi. Các Thông Tín Viên ngoại quốc lại càng lộng hành vì ỷ lại vào đệ tứ quyền.

Để chuẩn bị cho ngày Quân Lực 19-6-74, một buổi họp đặc biệt của Khối Cận Vệ Phủ Tổng Thống được triệu tập để phân nhiệm công tác. Đại tá Trưởng khối Cận Vệ chỉ thị cho tất cả nhân viên Cận Vệ phải cứng rắn từ giờ phút này đối với phóng viên ký giả ngành truyền thông báo chí của ngoại quốc. Thậm chí nếu phải dùng đến võ lực nếu thấy cần để giữ an ninh trật tự, bảo vệ danh dự cho khối cận vệ, vì họ đã coi thường trật tự luật pháp của Việt Nam càng lúc càng quá đáng. Ngày Quân Lực 19-6-1974 không có diễn binh như năm 1973. Ba ngành Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp, Nội Các chính phủ cùng nhiều phái đoàn quân, cán, chính đi viếng thăm ủy lạo các chiến sĩ và thương bệnh binh trong các bệnh viện khắp nơi.

Khoảng 8 giờ sáng, phái đoàn Tổng Thống, Nội Các chính phủ và các vị phu nhân cùng tháp tùng đến Tổng Y Viện Cộng Hòa viếng thăm và ủy lạo các anh em thương bệnh binh đang nằm điều trị tại đây. Sau đó phái đoàn Tổng Thống rời Tổng Y Viện Cộng Hòa đi lên phi trường để lên Trực thăng đến Nghĩa Trang Quân Đội dự lễ tưởng niệm truy điệu Chiến sĩ Trận Vong. Đoàn xe hộ tống đưa phái đoàn đến phi trường. Tổng Thống và phái đoàn duyệt qua hàng quân danh dự. Ngoài toán an ninh tại địa điểm ra, Toán Cận vệ viên theo đội hình “Cài răng lược” bao bọc các yếu nhân và cả phía sau hàng quân danh dự và đoàn truyền thông báo chí. Đại tá Trưởng khối và 2 Cận Vệ đi trước Tổng Thống vài bước mở đường sát với hàng quân danh dự.

Khi sắp đến hàng phóng viên báo chí, một phóng viên quay phim ngoại quốc cầm máy ảnh có ống kính té-lé rất dài đang đưa ngang ra khỏi hàng. Đại tá Trưởng Khối đi trước đưa tay đẩy ống té-lé vào trong cho rộng đường quan khách đi tới, tên phóng viên liền quay ngang vung mạnh ống kính té-lé của máy ảnh đập thẳng vào mặt Đại tá Trưởng Khối, ông vội đưa tay lên đỡ ống té-lé. Ngay lúc đó một tiếng “bốp” vang lên, tên phóng viên bị trúng vào hàm hạ một cùi chõ của một cận vệ viên đang đi ở phía sau hàng phóng viên, tên phóng viên lảo đảo ngã xuống, liền lúc đó anh cận vệ này nắm lấy cổ áo tên phóng viên ngoại quốc này kéo vào sau hàng truyền thông báo chí. (Sự việc xảy ra không quá 10 giây đồng hồ.) Phái đoàn Tổng Thống và quan khách đi tới mà không hay biết vì mọi việc đã ổn định như không có việc gì xảy ra.

Đến Nghĩa Trang Quân Đội, sau phần nghi lễ truy điệu chiến sĩ trận vong. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn lên xe vào sâu trong Nghĩa Trang để viếng thăm các phần mộ chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc được an táng nơi đây. Chiếc xe Jeep của Quân Cảnh hướng dẫn chạy trước mở đường, đoàn phóng viên ký giả túa ra giữa đường làm cản trở đoàn xe của Tổng Thống. Xe Quân Cảnh thổi còi ra lệnh cho toán phóng viên tránh đường, toán phóng viên tránh vào vệ đường khi xe quân cảnh vừa chạy qua thì đoàn xe hộ tống xe Tổng Thống sắp tới, một phóng viên Hoa Kỳ thân hình to lớn khoảng 200 ký lô mang máy quay phim chạy ra đứng giữa đường để quay, tên phóng viên này bất chấp lệnh của nhân viên Cận Vệ trên xe hộ tống, cứ đứng giữa đường như thách thức.

Một xe hộ tống tách rời đoàn xe Tổng Thống vượt nhanh lên trước, khi đến tên phóng viên, tài xế với “kỹ thuật lái xe hộ tống” vẫn giữ nguyên tốc độ lách xéo xe qua phải cùng lúc đó một Cận Vệ Viên theo đà bay ra khỏi xe với đòn đá song phi mãnh liệt bay đến tên phóng viên, cạnh bàn chân trái trúng vào xương quai hàm, bàn chân phải trúng vào hông. Tên phóng viên như diều đứt dây văng vào lề đường đè lên mình tên phụ tá phóng viên đang xách bình điện cho máy quay, đồ phụ tùng và máy quay phim văng tứ tung. Còn cận vệ viên sau khi tấn công theo đà lộn một vòng dưới đất rồi chạy theo nhảy lên xe trở lại đội hình hộ tống...

 

 

Đá bay trên mục tiêu bất động

 

Khoảng sau một tuần, báo New York Times Hoa Kỳ loan tin trên trang nhất với hàng chữ “Khỉ Đột Việt Nam tấn công ký giả ngoại quốc” (Báo chí Việt Nam đăng lại).

Vài tuần sau, nhân dịp có một buổi họp báo của phòng báo chí Phủ Tổng Thống. Tất cả phóng viên ký giả trong và ngoài nước được mời, đi vào cổng sau bên đường Nguyễn Du, và sau khi qua phần kiểm soát an ninh của phòng đặc tra Phủ Tổng Thống, tất cả được nhân viên an ninh hướng dẫn vào trong phòng khánh tiết Dinh Độc Lập.

Đại tá Trưởng Khối Cận Vệ Phủ Tổng Thống họp tất cả phóng viên báo chí lại và thông báo cho tất cả biết. Ông nói: - Vì trách nhiệm bảo vệ yếu nhân, nhân viên Cận Vệ đã nhiều lần yêu cầu các anh giữ trật tự trong giới hạn. Nhưng các anh đã khinh thường luật pháp Việt Nam. Như trong trường hợp trong ngày lễ Quân Lực 19-6 vừa qua, các anh đã không tuân hành theo lệnh của an ninh Cận Vệ Tổng Thống. Nhân viên Cận Vệ chúng tôi đã phải hành động đúng nhiệm vụ. Các anh lại đưa lên báo chí bêu xấu nhân viên Cận Vệ chúng tôi như trên tờ báo New York Times. Ông đưa cao tờ báo cho tất cả xem.

Đại tá Trưởng Khối Cận Vệ nghiêm mặt giọng cứng rắn: Kể từ bây giờ trở đi, nếu các anh (Truyền thông báo chí) không tuân hành lệnh của Cận Vệ chúng tôi trong lúc thi hành nhiệm vụ thì các anh sẽ phải lãnh chịu hậu quả.

 

Và cũng từ ngày đó uy quyền an ninh trật tự tương đối được tái lập trong những cuộc lễ, họp báo hoặc những công tác do Khối Cận Vệ trách nhiệm đều được suông sẻ vì các phóng viên ký giả trong và ngoài nước đều nghe theo hướng dẫn của Cận Vệ “chỉ đâu thì đứng đó”, không còn dám cãi lại như trước, mãi cho đến ngày 30-4-75.

 

Ngày 8-4-75. Dinh Độc Lập bị dội bom

Do tên phi công Nguyễn Thành Trung (VC nằm vùng), lái máy bay Phản lực mang bom dội xuống Dinh Độc Lập. Một trái Bom rơi cạnh sân Trực thăng trên nóc Dinh nhưng chỉ nổ phần đầu cắm xuống làm lún sạt một khoảng nhỏ, còn phân nửa trái Bom phần đuôi còn nguyên, trái bom thứ hai rớt xuống vườn bên hông dinh ĐL lún xuống đất không nổ nên không gây thiệt hại nào, vì lúc đó hai chiếc Trực thăng đang đậu dưới các tàng cây bên cánh trái dinh Độc Lập. Khi chiếc F-5 vòng lại định xạ kích thì bị toán phòng không trên nóc dinh Độc Lập bắn chận nên không dám xuống thấp và đã bay đi luôn.

Không đầy 10 phút sau, một Toán Cận Vệ theo lệnh Tổng Thống đã đưa phu nhân Tổng Thống rời khỏi Dinh đề phòng cuộc chính biến, còn ông ở lại trong Dinh Độc Lập để điều hành quốc sự... Việc dội bom này xảy ra như báo hiệu miền Nam VNCH đã lâm vào con đường cùng... Nhưng tất cả quân nhân các cấp trong Khối Cận Vệ vẫn giữ trách nhiệm của mình còn ở lại trong Dinh Độc Lập cho đến ngày sụp đổ 30-4-1975.

Rồi... tất cả Cận Vệ chúng tôi cũng đành phải nổi trôi theo vận nước suy vong! Những sĩ quan thì bị quân cộng sản trả thù đưa vào tù cải tạo suốt trong mười mấy năm, và cũng đã có người gục ngã trong lao tù cải tạo.

Người Cận Vệ Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa

Trong tình thế dầu sôi lửa bỏng của đất nước đang có chiến tranh. Khối Cận Vệ có quyền hãnh diện vì đã làm tròn Trách nhiệm của mình đối với Quốc Gia và Quân Đội giao phó, làm tròn bổn phận bảo vệ yếu nhân trong chín năm bảo vệ an toàn cho 3 vị nguyên thủ quốc gia, cũng là vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

1. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
2. Tổng Thống Trần Văn Hương
3. Tổng Thống Dương Văn Minh

 

 

Đến nay đã có nhiều tài liệu của các chính khách VNCH và tài liệu CIA được giải mật, đã phổ biến trên các trang nhà Internet cho mọi người thấy qua nhiều khía cạnh chìm hoặc nổi của các vụ mưu sát Tổng Thống đã xảy ra trong thời Đệ Nhị VNCH. Và tài liệu do GS Nguyễn Tiến Hưng tiết lộ trong bài TÂM TƯ TỔNG THỐNG THIỆU chương 18. Thoát chết lúc ra đi... Với nhiều cuộc âm mưu Đảo Chánh và ám sát. Cũng đã thể hiện những nguy hiểm trùng trùng của vị Tổng Thống mà chung quanh ông là những người Cận Vệ chúng tôi.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975

Từ khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu rời khỏi đất nước đêm 25-4-75, Việt Nam đang trong cơn hấp hối ngút ngàn khói lửa, ông đến Đài Loan thì chiến cuộc Việt Nam đã tàn với ngày 30 tháng 4 năm 1975. Một bức màn đen tối ảm đạm đã phủ trùm lên cả miền Nam đau thương vì lệnh đầu hàng của TT Dương Văn Minh, vị Tổng Thống cuối cùng của Nền Đệ Nhị VNCH. Sau đó TT Thiệu cùng gia đình đi định cư nơi Anh Quốc và cuối cùng ông bà sống trong âm thầm lặng lẽ tại tiểu bang Massachusetts Hoa Kỳ.

Nơi hải ngoại trải qua bao thăng trầm u uất của đời sống lưu vong... Vào ngày 29 tháng 9 năm 2001, tại thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts Hoa Kỳ. Trong cơn bạo bệnh, vị Tổng Thống của Nền Đệ Nhị VNCH, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu đã ra đi về miền vĩnh cữu trong niềm tủi hận vì vong quốc!

 

 

Ba mươi bốn năm sau, kể từ ngày 30-4-1975 đến 3-10-2009, tại Thủ Đô của người Việt Hải Ngoại (Little Sài Gòn) tiểu bang California đã làm lễ Tưởng Niệm Cố TT Nguyễn Văn Thiệu.

Bài tường thuật Lễ giỗ cố TT Nguyễn Văn Thiệu
(Trích đoạn bài tường thuật của chiến hữu Nguyễn Phương Hùng)
KBC, Hải Ngoại online

 

Hằng năm sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu qua đời ngày 29-9-2001 thì cộng đồng người Việt hải ngoại thường có 2 buổi lễ giỗ Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào đầu tháng 11 Dương Lịch và cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cuối tháng 10 Dương Lịch. Hai cuộc đời, một cái chết chỉ cách nhau chưa đầy 1 tuần lễ của 2 vị cựu nguyên thủ Quốc Gia và đều được người đời mến phục và ngưỡng mộ. Lẽ dĩ nhiên nhân vô thập toàn, cũng giống như các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới cũng có người thích kẻ chê. Ai cũng có ưu và và khuyết điểm. Người ta có thể phê bình một vài lỗi lầm của 2 nhà lãnh đạo này tùy hoàn cảnh tùy môi trường và tùy nhận định theo cảm tính cá nhân. Nhưng chắc chắn cả hai vị cố Tổng Thống của đệ nhất và nhị Công Hòa đều được đa số người Việt Quốc Gia ngưỡng mộ vì cả 2 người đều là những người yêu nước nhiệt thành, có khả năng lãnh đạo và lèo lái quốc gia trong những giai đoạn phôi thai của chế độ Cộng Hòa miền Nam (Ngô Đình Diệm) và giai đoạn dầu sôi lửa bỏng của chiến tranh (Nguyễn Văn Thiệu.)

 

 

Nghi lễ tưởng niệm tại tượng đài
Việt-Mỹ Little Sài Gòn California

 

Năm nay, nam California được vinh dự đứng ra tổ chức lễ giỗ húy nhật lần thứ 8 cố TT Nguyễn Văn Thiệu. Buổi lễ đã được long trọng cử hành trang nghiêm tại nhà hàng Regent West, Santa Ana bằng lễ nghi quân cách và tế lễ cổ truyền dân tộc. Cách Phước Lộc Thọ khoảng 2 dặm Anh về hướng đông trên đại lộ Bolsa, vào trưa thứ Bảy, ngày 3 tháng 10 năm 2009 tại nhà hàng Regent West khu đậu xe chật cứng, những người tham dự đã phải đậu xe [ở] nhiều khu phố lân cận. Khoảng 10 giờ sáng thời tiết California chỉ còn khoảng 75 độ F, ánh nắng chan hòa nhưng mát mẻ, rất lý tưởng cho các buổi hội họp, sinh hoạt.

 

 

Từ sáng sớm những anh em trong Ban Tổ Chức đã có mặt để chuẩn bị chương trình. Chúng tôi đặc phái viên Việt Star có mặt đúng 11 giờ theo lời mời của Ban Tổ Chức. Trên sân khấu một bàn thờ lộng lẫy uy nghi với ly hương, nhang đèn, hoa quả, cờ phướn, 2 lọng vàng 2 bên. Hội trường đã đầy chật quan khách. Trên hàng ghế đầu chúng tôi nhận thấy sự hiện diện của Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, cựu Thứ Trưởng Giáo Dục và cũng là Trưởng Ban Tổ Chức, Dân biểu Trần Thái Văn, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, cựu Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình, Đại tá Hải Quân Trần Thanh Điền Trưởng Khối Cận Vệ Tổng Thống Phủ, bà quả phụ Trung tướng Lê Nguyên Khang, bà quả phụ Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, rất đông các dân biểu (Nguyễn Thị Hai, Bùi Văn Nhân...), nghị sĩ (Cựu Thiếu tướng Công Binh Nguyễn Văn Chức...), cựu bộ và thứ trưởng, các cựu quân nhân QLVNCH thuộc Liên Hội Cựu Chiến Sĩ và Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại, Hội đoàn và thân hào nhân sĩ trong cộng đồng. Khoảng hơn 600 người ngồi và đứng chật hội trường và một số phải đứng bên ngoài vì hết chỗ. Ngay từ bên ngoài hội trường chúng tôi đã thấy một biểu ngữ với hàng chữ quen thuộc, một câu châm ngôn nằm lòng cho dân quân cán chính VNCH: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm.” Một tấm bảng lớn treo trên nóc nhà hàng với chân dung của cố Tổng Thống và hàng chữ Lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu...

------------------------------
Nguyễn Phương Hùng

 

 

Nhân dịp lễ tưởng niệm lần thứ 8 này, lần đầu tiên nơi hải ngoại một số anh em trong Khối Cận Vệ Phủ Tổng Thống hiện đang sống khắp nơi trên các tiểu bang Hoa Kỳ, đã cùng gia đình về họp mặt với nhau, tay bắt mặt mừng, ôn lại chuyện cũ... và cùng đêm đó dự bữa cơm hội ngộ...

Ngày hôm sau cùng nhau tham dự buổi lễ tưởng niệm húy nhật TT Nguyễn Văn Thiệu. Tại hội trường Regent West.

Với lễ nghi trang trọng. GS Nguyễn Thanh Liêm đại diện ban tổ chức đưa bà Tổng Thống phu nhân duyệt qua hàng nữ quân nhân mặc quân phục dàn chào. Anh em cận vệ như đã sống lại thời trước năm 75. Tất cả đều tự động vào vị trí địa điểm, và đội hình bảo vệ yếu nhân như ngày trước để đưa Tổng Thống phu nhân vào hội trường để hành lễ...

Buổi lễ tưởng niệm ngày hôm đó được ban điều hành tổ chức an ninh trật tự thật hoàn hảo, đồng hương đến dự thật đông... nhưng rất ít người biết trong hội trường đã có thêm một mạng lưới an ninh chìm của Cận Vệ Tổng Thống Phủ ngày xưa... Họ âm thầm cùng hành lễ tưởng niệm vị Tổng Thống kính mến mà họ đã một thời đem sinh mạng của mình bảo vệ ông như hình với bóng.

Nhìn các anh em cận vệ hôm nay tóc đã bạc màu với thời gian, gương mặt hằn lên những nếp nhăn, nhọc nhằn gian khổ vì bị CS đọa đày trong những năm tháng trong tù cải tạo... chỉ còn lại cặp mắt đang bừng sáng lên như ngày nào, có lẽ do lòng xúc động vì quang cảnh những buổi lễ huy hoàng năm xưa các anh đã cùng nhau làm việc, hiện giờ như đang diễn lại nơi đây... bỗng dưng tôi cảm thấy lòng mình nao nao niềm cảm xúc... ngậm ngùi.

 

 

Tâm tình của người Cận Vệ.

Buổi cơm đoàn tụ với bà Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chiều tối ngày hôm đó được tổ chức, tất cả anh em Cận vệ và gia đình cùng với một số quan khách ngày xưa cũng là cộng sự viên của Tổng Thống như GS Nguyễn Thanh Liêm, ông Hoàng Đức Nhã, Đ/U Đoàn Hữu Định, LS Võ Duy Thưởng, Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình, và một vài thân hữu cùng gia đình tham dự, tất cả đều hòa mình trong không khí một đại gia đình nồng ấm.

 

 

 

Những con Mãnh Hổ năm xưa...

Ta sống mãi trong niềm thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa.”
--Nhớ rừng của Thế Lữ
.

 

 

Trước năm 75, ở cương vị Đệ nhất Phu Nhân, Bà rất bận rộn với công việc không có thì giờ để họp mặt với gia đình của anh em cận vệ và những người cộng sự trong Dinh Độc Lập. Bây giờ nhân dịp lễ này bà rất muốn được gặp một lần tất cả anh em cùng gia đình.

Qua mấy mươi năm, thời gian chồng chất nay tóc đã bạc màu. Bà Tổng Thống vẫn dáng điệu mệnh phụ thanh cao, tính tình hòa nhã vẫn như ngày xưa, vui vẻ thân thiện với tất cả mọi người. Đêm đoàn tụ hôm nay Bà rất vui mừng và cảm động nắm tay thân mật thăm hỏi từng người với gia đình.

Bà nói: Với tuổi 80, tôi rất mong có dịp gặp lại tất cả các chú, các thím một lần vì những ngày tháng tới tôi không biết có dịp gặp lại các chú các thím nữa hay không? Các anh chị em hôm nay mới có dịp hàn huyên trò chuyện thân tình với bà Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Đại tá Trần Thanh Điền “người anh cả” của Khối Cận Vệ. Tính tình trầm tĩnh, giọng nói điềm đạm, ngày trước lúc nào cũng lo lắng cho anh em Cận Vệ. Đến ngày quốc nạn 30-4-75, vì công vụ anh cùng đi với Tổng Thống rời khỏi đất nước.

Sau ngày 30-4-75, với những lần vượt tù cải tạo rồi vượt biên, tôi đến tiểu bang Maryland vào mùa Đông cuối năm 1978, tôi tiếp chuyện với anh Điền qua điện thoại lần đầu tiên. Anh và tôi đều không giấu được niềm xúc động. Anh Điền tự trách mình ngày đó anh không thể làm được việc gì cho các anh em và gia đình còn kẹt lại, v.v. Tôi rất hiểu tâm trạng của người anh cả, anh Điền vẫn tràn đầy tình cảm đối với anh em như ngày xưa.

Trong hoàn cảnh tháng tư ĐEN lúc đó, trong thâm tâm tôi và có lẽ cùng chung ý nghĩ với những người còn ở lại. Vì vận nước suy tàn những người có trách nhiệm với Quốc Gia mà ở lại bị quân thù đày đọa thì chỉ mang thêm nhục nhã cho VNCH chẳng có ích lợi gì cho ai cả.

Trời mùa Thu năm nay tại Cali rất đẹp, nắng vàng ấm áp trải khắp mọi nơi, những làn mây trắng lãng đãng trên nền trời xanh, cao vút thênh thang... Nhưng sao lại ngắn ngủi quá? Có phải chăng vì tình huynh đệ chi binh, anh em mình vắng xa trên ba mươi mấy năm qua rồi, cho nên những ngày gặp lại nhau không đủ để chúng mình ôn lại dĩ vãng vui buồn đã qua?

Buổi tiệc vui nào rồi cũng phải tàn... Anh chị em chúng ta chia tay nhau, rồi như đàn chim tự do bay về tổ ấm khắp bốn phương trời. Cùng hẹn trong những ngày sắp tới chúng mình lại có dịp gặp nhau.


NN Lê Đình An, 2009
(*) – Nguồn: Song Nguyen – San Jose

 



Võ Đường “MÃNH HỔ” Phủ Tổng thống

 

 

NN Lê Đình An 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

Bài-01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Biển Thái Bình/VN. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet E-mail by NN Lê Đình An chuyển

 

Đăng ngày Chúa Nhật, October 30, 2016
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang