Quốc Huy Đệ Nhất VNCH
Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
Lịch sử Nước VNCH
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Kỷ Niệm Ngày Thành Lập Chính thể VNCH Miền Nam VN
Thưa quý quan khách,
quý thân hữu và quý đồng hương,
Hôm nay, chúng ta tề tựu nơi đây
để long trọng Kỷ niệm Ngày Thành Lập Chính Thể Việt Nam Cộng Hòa, do
Liên Hội Cựu Quân Nhân Sacramento tổ chức. Tôi xin phép được nói
ngay là đã có một sự trùng hợp rất khích lệ, đó là việc Quốc Hội của
Tiểu bang Cali vừa ra Quyết Nghị Công Nhận Tháng Mười là Tháng Việt
Nam Cộng Hòa. Quyết Nghị này mang ký hiệu SCR-165 do Thượng Nghị Sĩ
Janet Nguyễn đệ trình.
Để kỷ niệm 60 năm ngày ra đời của Hiến
Pháp Việt Nam Cộng Hòa vào Tháng Muời, thiết lập nền dân chủ đầu
tiên tại Miền Nam Việt Nam, Quyết Nghị SCR-165 công nhận tháng Mười
là “Tháng Việt Nam Cộng Hòa”. Quyết Nghị này còn để tưởng nhớ đến sự
hy sinh cao cả của lực lượng quân đội các quốc gia đồng minh cho nền
dân chủ, trong đó có Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ. Quyết Nghị SCR-165
đồng thời cũng xác định công cuộc đấu tranh đòi tự do tôn giáo, tự
do tư tưởng, tự do thông tin tại Việt Nam, và ghi nhận sự đóng góp
của hơn nửa triệu người Việt Nam cho sự phát triển tiểu bang
California.
Thưa quý vị,
Hơn
60 năm trôi qua nhưng tại sao tới hôm nay nền Đệ Nhất VNCH mới được
Quốc Hội California trang trọng vinh danh và Tháng 10 trong năm đã
trở thành Tháng VNCH tại Tiểu bang Cali? Đó chính là vì thực trạng
đã và đang xảy ra ở Việt Nam trong thời gian qua làm cho giới truyền
thông và các nhà khảo cứu chính trị và lịch sử ở các nước phương tây
cũng như ở Hoa Kỳ đã có sự đánh giá đứng đắn và đúng mức hơn về cuộc
chiến tranh ở Việt Nam. Từ đó, chính nghĩa của cuộc chiến tranh tự
vệ của quân dân Việt Nam Cộng Hòa, chống lại cuộc xâm lăng vũ trang
của bạo quyền cộng sản Hà Nội, tay sai của cộng sản quốc tế, đã ngày
một thêm tỏa sáng, so với các chủ trương buôn dân bán nước hiện nay
của đảng cộng sản Việt Nam, dưới danh nghĩa Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội
Chủ Nghĩa Việt Nam.
Thưa quý vị,
Như quý vị đã biết, một chuỗi biến cố bi hùng của trang sử Việt
Nam cận đại đã diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến năm
1975. Có người còn gọi đây là “Dòng sinh mệnh não nề” của dân tộc
Việt Nam mà, qua đó, nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa của nước Việt
Nam Cộng Hòa đã lần lượt được hình thành.
Thật vậy, sau khi
Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam năm 1945, Quốc Trưởng Bảo Đại đã
giao quyền điều hành đất nước cho sáu vị Thủ Tướng: Trần trọng Kim
(1945), Nguyễn văn Xuân (1950), Nguyễn phan Long (1950), Trần văn
Hữu (1950), Nguyễn văn Tâm (1952), và Bửu Hội (1954). Năm 1954, ông
Ngô Đình Diệm đã được Quốc Trưởng Bảo Đại chọn thay thế ông Bửu Lộc
và ông Ngô Đình Diệm đã nhận chức vụ Thủ Tướng ngày 7-7-1954.
Sau một năm làm Thủ Tướng, và sau khi dập tắt được sự đối kháng
của các giáo phái, ngày 23-10-1955, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tổ chức
cuộc trưng cầu dân ý. Quốc Trưởng Bảo Đại bị truất phế và ông Ngô
Đình Diệm được bầu thay thế làm Quốc Trưởng.
Ngày 26-10-1955,
một Hiến Ước tạm thời được ban hành và xác định Việt Nam là một Nước
Cộng Hòa và Quốc Trưởng lấy danh hiệu là Tổng Thống. Một Ủy Ban được
thiết lập để soạn thảo Hiến Pháp, và Quốc Hội Lập Hiến, gồm 123 dân
biểu, được bầu lên ngày 4-3-1956 để phê duyệt bản dự thảo Hiến Pháp
và sau đó bản Hiến Pháp chính thức đã được ban hành ngày 26-10-1956.
Cũng chính trong ngày này Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã long trọng
tuyên bố tại Dinh Độc Lập chính thức thành lập Chính Thể Việt Nam
Cộng Hòa và chính thức là vị Tổng Thống đầu tiên của thể chế dân chủ
ở Miền Nam Việt Nam mang danh xưng Việt Nam Cộng Hòa.
Nền Đệ
Nhất Cộng Hòa chính thức bắt đầu ngày 26 tháng 10 năm 1956, và chấm
dứt ngày 1 tháng 11 năm 1963 sau cuộc đảo chánh của một số tướng
lãnh do Đại Tướng Dương văn Minh cầm đầu dẫn đến cái chết của Tổng
Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố vấn Ngô đình Nhu ngày 2-11-1963.
Vì bản Hiến Pháp của nền Đệ Nhất Cộng Hòa đương nhiên mất hiệu
lực sau cuộc đảo chánh 1 tháng 11, 1963 nên, từ năm 1963 đến năm
1965, là giai đoạn cực kỳ rối ren trong đó có 5 vị nhận lãnh trách
nhiệm Thủ Tướng mà mỗi vị chỉ có thể tồn tại được vài tháng đến một
năm. Những yếu tố bất ổn trong giai đoạn này bắt đầu bằng yếu tố bất
ổn quân đội mà điển hình là sự khuynh đảo của Tướng Nguyễn Khánh và
các tướng trẻ, với cuộc chỉnh lý ngày 30-1-1964; việc Tướng Nguyễn
Khánh ban hành Hiến chương Vũng Tàu và tự phong làm “Chủ Tịch Việt
Nam Cộng Hòa” nhưng bị chống đối kịch liệt nên phải hủy bỏ. Phe Dân
sự được Hội Đồng Quân Lực ủy quyền thành lập chính phủ nhưng bị
tướng Nguyễn Khánh khống chế ngầm, rồi tướng Nguyễn Khánh cũng bị
chính đàn em của mình trục xuất ra khỏi nước. Về yếu tố tôn giáo thì
phe Phật Giáo của Thượng Tọa Thích trí Quang tranh giành đứng đầu
trên chính trường trước sư chống đối của phe Công Giáo. Tiếp theo là
yếu tố chính đảng với sự tranh giành quyền lực và đầu óc địa phương
mà bằng chứng là cuộc đụng độ giữa Quốc Trưởng Phan khắc Sửu và Thủ
Tướng Phan huy Quát đưa đến việc chính phủ dân sự tự giải nhiệm để
trao quyền lãnh đạo đất nước cho Hội Đồng Quân Lực ngày 11 tháng 6
năm 1965. Hội Đồng Quân Lực, nguyên là Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng
do các vị tướng lãnh thành lập sau cuộc đảo chánh 1-11-1963; và về
sau lần lượt được thay thế bằng Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng và cuối
cùng là Hội Đồng Quân Lực.
Hội Đồng Quân Lực, sau khi chấp
nhận việc từ chức của hai ông Phan huy Quát và Phan khắc Sửu, đã
quyết định thành lập Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia vào ngày 14-6-1965,
đứng đầu là:
- Chủ Tịch: Trung Tướng Nguyễn văn Thiệu
- Tổng Thư Ký: Trung Tướng Phạm xuân Chiểu
- Ủy Viên Phụ
Trách Điều Khiển Hành Pháp: Thiếu Tướng Nguyễn cao Kỳ
- Các
Ủy Viên còn lại là Tổng Trưởng Quốc Phòng, Tổng Tham Mưu Trưởng, các
Tư Lệnh Vùng Chiến Thuật và Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô.
Sau
nhiều ngày họp, ngày 19-6-1965, Hội Đồng Quân Lực ban hành bản Ước
Pháp Tạm thời, thành lập Đại Hội Đồng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Ủy
Ban Lãnh Đạo Quốc Gia với sự xác nhận thành phần lãnh đạo của 3 vị
Tướng lãnh nói trên, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, Hội Đồng Kinh Tế và
Xã Hội, và Thượng Hội Đồng Thẩm Phán.
Trung Tướng Nguyễn văn
Thiệu, trong chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, có vai trò
tương đương như Tổng Thống, đã ban hành Sắc Lệnh số 001/a/CT.LĐQG
thành lập Ủy Ban Hành Pháp Trung ương do Thiếu Tướng Nguyễn cao Kỳ
làm Chủ Tịch, tương đương với chức vụ Thủ Tướng Chính Phủ, bao gồm
một số Ủy viên dưới quyền, tương đương với các Tổng, Bộ hay Thứ
Trưởng trong chính phủ.
Sau đó, nhằm mục đích tái lập thể chế
dân chủ pháp trị, Quốc Hội Lập Hiến đã được hình thành qua cuộc bầu
cử ngày 11-9-1966, và đến ngày 1-4-1967, Hiến Pháp được ban hành để
trở thành Hiến Pháp của nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Trong hai tháng 10 và
tháng 11 năm 1966 đã có các cuộc bầu cử Tổng Thống và Phó Tổng
Thống, cuộc bầu cử 60 Nghị sĩ vào Thượng nghị viện, và cuộc bầu cử
175 dân biểu vào Hạ Nghị Viện để hoàn tất các định chế hiến định cho
một nền Cộng Hòa hợp hiến và trọng pháp. Trong cuộc bầu cử Tổng
Thống và Phó Tổng Thống vào tháng 10 năm đó, liên danh ứng cử Tổng
Thống và Phó Tổng Thống của hai ông Nguyễn văn Thiệu và Nguyễn cao
Kỳ đắc cử, và Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu nhậm chức ngày 31-10-1967.
Nền Đệ Nhị Cộng Hòa chấm dứt ngày 30-4-1975 khi bạo quyền cộng
sản Việt Nam, với sự hỗ trợ của cộng sản quốc tế, hoàn tất việc đánh
chiếm Việt Nam Cộng Hòa. Nền Đệ Nhị Cộng Hòa có 3 vị Tổng Thống là
Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, Tổng Thống Trần văn Hương, và Tổng
Thống Dương văn Minh. Ông Trần văn Hương nhậm chức Tổng Thống theo
điều khoản của Hiến Pháp, còn ông Minh được Quốc Hội đề cử lên thay
Tổng Thống Trần văn Hương từ chức chiều ngày 28 tháng 4, 1975. Cả
hai vị Tổng Thống Trần văn Hương và Dương văn Minh không do dân bầu.
Từ một nước thuộc địa vừa được chính quyền thực dân Pháp trao
trả độc lập, một Việt Nam Cộng Hòa non trẻ đã phải giải quyết nhiều
vấn nạn đặt ra cho đất nước như sự thiết lập và duy trì nền tự do
dân chủ, việc đảm bảo an ninh quốc gia và sự bảo toàn lãnh thổ, việc
chấn hưng nền văn hóa và giáo dục, việc phát triển nền kinh tế và
cải thiện dân sinh. Càng khó khăn hơn nữa là tất cả những nỗ lực này
phải được thực hiện song hành với cuộc chiến đấu tự vệ chống lại sự
tấn công phá hoại của các lực lượng chính quy của cộng sản Miền Bắc
và lực lượng tay sai Việt cộng của họ ở miền Nam.
Dưới thời
Đệ Nhất Cộng Hòa, các chủ trương Bài Phong, Phản Đế, Chống Cộng được
triệt để thi hành. Việt Nam Cộng Hòa quyết định không chấp nhận các
điều khoản của Hiệp Đinh Genève. Các chương trình nhằm đem lại phúc
lợi, an sinh cho người dân, phát triển kinh tế và công nông thương
nghiệp ở Miền Nam đã được hoàn thành thuận lơi và tốt đẹp. Điển hình
là việc định cư hơn một triệu đồng bào từ miền Bắc di cư vào Miền
Nam, việc thực hiện thành công Quốc sách Ấp Chiến lược, cùng các
chương trình về Dinh Điền, Cải Cách Điền địa, về sở hữu hóa tài xế
lái xe taxi, về việc thành lập các khu Kỹ Nghệ Thủ Đức, An Hòa, Nông
Sơn, Nhà máy xi măng Hà Tiên, nhà máy Thủy Điện Đa Nhim. Xa lộ Biên
Hòa là một xa lộ đầu tiên ở Đông Nam Á.
Mặc dầu đang trong
tình trạng chiến tranh nhưng trong suốt 9 năm nền Đệ Nhất Cộng Hòa
đã từng bước củng cố an ninh, chính trị, ngoại giao, đồng thời phát
triển kinh tế, an sinh và xã hội, để trở thành một quốc gia có tầm
vóc ngang hàng với các nước trong vùng. Trong năm 1960, VN xuất cảng
192,158 tấn gạo, chưa kể cao su, than đá, hải sản và đồ tiểu công
nghệ. Thủ đô Sài Gòn lúc bấy giờ đã được ví như là Hòn Ngọc ở Viễn
Đông.
Nền Đệ Nhị Cộng Hòa sau đó đã tiếp tục con đường phát
triển đất nước theo chế độ dân chủ và chấp nhận sự đối lập chính trị
nhưng triệt để chống cộng sản qua chính sách Bốn Không của Tổng
Thống Nguyễn văn Thiệu: Không Nhường Đất Cho cộng sản; Không Liên
Hiệp Với cộng sản; Không Trung Lập Hóa Miền Nam; và Không Công Nhận
cộng sản.
Công cuộc phát triển đất nước lần này có phần cam
go hơn, do mức độ tấn công và phá hoại của lực lượng cộng sản gia
tăng rất ác liệt, nhưng các chủ trương và chính sách lớn của VNCH
lúc bấy giờ vẫn được hoàn thành tốt đẹp như: Chương Trình Khẩn Hoang
Lập Ấp, Chương Trình Bình Định và Phát Triển Nông Thôn, Chương Trình
Người Cày Có Ruộng còn được gọi là Cuộc Cách Mạng Xanh, Chương Trình
Tăng Cường Các Định Chế Phát Triển Có Sẵn như Trung Tâm Khuếch
Trương Kỹ Nghệ, Trung Tâm Khuếch Trương Xuất Cảng, Chương Trình
Thành Lập Khu Chế Xuất, Khu Kỹ Nghệ Biên Hòa, v.v.
Riêng về
mặt nông nghiệp, vào năm 1973, tức là sau 3 năm Sắc Luật số 003/60,
ngày 26-3-1970, Người Cày Có Ruộng, được ban hành, nông dân Miền Nam
trúng mùa, với mức sản xuất lúa gia tăng gần 5 triệu tấn, đủ để đáp
ứng nhu cầu trong nước và dự trù sẽ có dư để xuất cảng cho năm sau.
Cũng vào thời kỳ này, Công Ty Giấy COGIDO đã sản xuất đủ giấy cho
nhu cầu nội địa, kể cả giấy in báo mà không cần nhập cảng, và Nhà
Máy Vinapro đã lắp ráp máy cày đẩy tay Kubuta Nhật Bản để dùng trong
nước và xuất cảng qua Nam Dương.
Qua các thực tiễn vừa trình
bày nêu trên, và qua kinh nghiệm của chính mỗi người chúng ta ở đây,
rõ ràng là mọi người công dân sống dưới hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị
Cộng Hòa đều có cuộc sống tự do, tuy chưa được hoàn toàn trọn vẹn do
hoàn cảnh đất nước bị chia đôi và đang trong tình trạng chiến tranh,
nhưng mọi sinh hoạt cùng mức sống của người dân lúc bấy giờ đã không
thua sút bất cứ công dân của quốc gia nào khác trong vùng kể cả Nam
Hàn và Singapore. Thành quả này đã bắt nguồn từ quyết định sáng suốt
và đúng đắn của cấp lãnh đạo hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa mà
Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu là biểu
tượng cho mỗi chế độ. Cả hai vị đã chọn con đường xây dựng và phát
triển đất nước theo thể chế tự do, dân chủ, một sự lựa chọn theo
đúng trào lưu xây dựng và phát triển thành công của các quốc gia
tiên tiến trên thế giới.
Trong khi đó, các cấp lãnh đạo ở Hà
Nội đã chọn đi theo con đường Mác-xít Lê-nin-nít, với Hồ chí Minh,
một cán bộ cộng sản quốc tế, được liệt kê trong danh sách các tội
phạm diệt chủng trên thế giới, được họ tôn vinh làm thần tượng, và
tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Miền Nam VN kéo dài cả hai thập
niên. Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở chính nước Nga và ở các
nước cộng sản đông Âu đã chứng tỏ sự chọn lựa của họ là sai lầm,
nhất là sau khi cưỡng chiếm được Việt Nam Cộng Hòa họ đã tạo nên vô
vàn tổn thất và đau thương cho người dân cả hai miền Nam Bắc. Để rồi
ngày nay, đồng bào trong và ngoài nước chỉ nhìn thấy một Nước Cộng
Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đang dần trở thành một tô giới hay một
tỉnh lẻ của Tàu Cộng.
Nền Đệ Nhị Cộng Hòa sụp đổ không phải
vì quân dân miền Nam yếu kém mà do Hoa Kỳ thay đổi chiến lược toàn
cầu để bắt tay với Tàu Cộng khiến VNCH không còn được coi là tiền
đồn trong khối Thế giới tự do chống lại sự bành trướng của Khối cộng
sản xuống các nước ở Đông Nam Á. Trong khi VNCH không còn nhận được
viện trợ quân sự của nước bạn đồng minh Hoa Kỳ để tiếp tục chiến đấu
chống cộng sản Bắc Việt thì cộng sản Bắc Việt được cả khối cộng sản
Nga Tàu và các nước cộng sản ở Đông Âu chi viện một cách ồ ạt.
Khách quan mà nhìn thì từ lúc cộng sản Bắc Việt phát động các
cuộc tấn công trực diện và qui mô trên toàn Miền Nam, quân dân Miền
Nam đã từng giành được nhiều chiến tích oai hùng qua việc bẻ gẫy
hoàn toàn cuộc Tổng công kích Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968,
từng ngăn chặn thành công cuộc Tiến công Chiến lược của họ ở Mặt
trận Trị-Thiên năm 1972, cũng như đã đánh bại chiến dịch Nguyễn Huệ
của họ nhằm tiến chiếm An Lộc năm 1972; và đặc biệt là cuộc ngăn
chặn hào hùng của Sư Đoàn 18 Bộ Binh chống lại mũi tiến công của
nhiều Sư Đoàn thuộc Quân đoàn 4 cộng sản vào Xuân Lộc từ ngày 9-4
đến ngày 20-4-1975 khiến cộng sản phải chuyển hướng cuộc tấn công
này.
Theo nguồn tin của Phạm khắc Huy, tôi xin ghi lại nguyên
văn một trích đọan trong đôi lời tâm huyết gởi đến giới trẻ của cựu
Thiếu Tướng Lê minh Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn 18, trong buổi lễ tưởng
niệm Ngày Quốc Hận 30-4-2016 tại thành phố Dorchester ở
Massachusetts:
“Còn Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa: Tới giờ phút
cuối cùng! Tới giờ phút cuối cùng, kể như mất hết tất cả rồi! Cộng
sản nó đã vào tới miền Nam, trận Xuân Lộc đánh để mà cản trở tụi nó
12 ngày để mà nó vào Sài Gòn không kịp, để Sài Gòn có thời gian sắp
xếp để cho người ta đi di tản nữa! Di tản càng nhiều càng tốt, anh
em họ hy sinh, họ chết ngoài chiến trường, chưa hết, về tới Trảng
Bom thì bao nhiêu lính Dù, Địa Phương Quân & Nghĩa Quân ở tại đó,
rồi Lực Lượng Đặc Biệt, rồi cả anh em Dân Vệ ở dọc con đường Quốc
Lộ, họ sẵn sàng họ chiến đấu hy sinh đến giờ phút cuối cùng, tới
viên đạn cuối cùng họ có, để cho người Sài Gòn đi được nhiều chừng
nào càng tốt chừng nấy, mà bây giờ mới có sự hiện diện của các cháu
và quý vị ở đây, đó... Quân đội đó... còn đòi hỏi gì thêm ở quân đội
đó nữa... Không còn có gì đòi hỏi thêm nữa và chúng ta hãy nhớ ơn
họ, hãy nhớ ơn họ...”
Các tổng kết trên đây đã tô đậm thêm
thế chính nghĩa cho cuộc đấu tranh của toàn thể Quân Dân Cán Chính
Việt Nam Cộng Hòa chống lại cuộc xâm lược của bạo quyền cộng sản Hà
Nội. Nhân dịp này, chúng ta hãy, một lần nữa, nghiêng mình ghi ơn và
tưởng nhớ đến tất cả những người đã hy sinh để bảo vệ Chính Thể
VNCH. Chúng ta hãy tự hào và hãnh diện được làm công dân của một
Nước Việt Nam Cộng Hòa.
Trân trọng kính chào quý vị.
Ngày 23-10-2016,
Triệu huỳnh Võ
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Những
Bài liên Hệ
Ngày Quốc Khánh VNCH - 26 THÁNG 10 NĂM 1956
Victoria-Úc: Tổ chức Lễ giỗ Cố Tổng Thống NGÔ ĐÌNH DIỆM lần thứ 53 -
2016
Tháng Mười là
Tháng Việt Nam Cộng Hòa
Năm năm vàng son 1955-60 của Việt Nam Cộng Hòa
Việt Nam Tưởng Niệm 53 năm ngày mất của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm
|
Hình nền: Di ảnh Chí sĩ NDD . Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E-mail by DTDB chuyển
Đăng ngày Thứ Năm,
October 27, 2016
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang