Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Trang
nhà Tố Quyên
Chủ đề:
Kỷ niệm xưa
Tác giả:
Phạm Văn Quảng
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Lời giới thiệu:
Xin gửi tới Quý Anh bài của một người em họ anh Bùi Quyền viết về
việc tập võ với anh ấy để Quý Anh giải trí và tiện dụng.
Trong bài có một số chi tiết đáng chú ý
về trình độ võ thuật của anh Quyền.
Người em họ này là nhà giáo Phạm Văn
Quảng, Hiệu trưởng trường Kiểu mẫu ở Thủ Đức, sau có dạy thêm ở
Đại học Sư phạm Sài Gòn.
Cùng các anh Trần Minh Công, Tạ Trung Sơn (Song Thao) và tôi, anh
Quảng cũng là bạn học của anh Quyền trong thời gian ở Chu Văn An
Sài Gòn.
Anh
Quảng đề nghị chúng tôi sưu tập những bài anh Quyền đã viết cùng
một số bài mọi người viết về anh ấy, để cố in một tập sách về anh
Quyền.
Nếu cũng thấy việc này nên làm,
rất mong ước sẽ được Quý Anh tiếp tay bằng cách mách cho biết
những bài các Anh đã sưu tầm được.
Thân quý,
Trần Huy Bích.
“Bài học Bùi Quyền để lại cho đời là Bổn Phận, Sự Chính Trực và sự luyện tập võ thuật để chịu đựng gian khổ trên chiến trường, trong trại tù cải tạo và trong cuộc đời”.
Có nhiều vị trong quân
lực Việt Nam Cộng Hòa đã biết nhiều về khả năng võ thuật của Bùi
Quyền. Trong bài này tôi chỉ xin nói về việc Bùi Quyền học Thái
Cực Quyền (TCQ, Taichi) cùng với tôi trong một thời gian ngắn sau
1975. Tôi không dám tập Judo hay Jiu–Jitsu với Bùi Quyền mà chỉ
học Thái Cực Quyền Dưỡng Sinh cùng với Bùi Quyền, nghĩa là chỉ đi
bài quyền TCQ 36 (hay gọi là múa quyền hay múa võ) để giữ gìn sức
khỏe. Bùi Quyền đã tập thêm Thái Cực Quyền Chiến Đấu như Jet Li
đóng vai Trương Tam Phong khi còn trẻ, hay như Trương Vô Kỵ biểu
diễn TCQ và Thái Cực Kiếm trong bộ phim Tân Ỷ Thiên Đồ Long. TCQ
là võ chiến đấu được Tổ Sư Trương Tam Phong của Võ Đang sáng tạo
ra. Sau này một số bài quyền được cải biến thành một loại thể dục
mềm dẻo dưỡng sinh, chỉ để giữ gìn sức khỏe.
Tôi viết tên anh hai chữ Bùi Quyền với
tất cả sự tôn trọng, và “anh Quyền” một cách thân thương, vì anh
là anh họ của tôi. Anh cũng là bạn cùng học với tôi ở trường Chu
Văn An cùng với các bạn thân khác như Trần Minh Công, Phạm Công
Bạch, Trần Huy Bích, Trần Như Tráng, Song Thao Tạ Trung Sơn, Tạ
Trung Dũng, Đặng Bá Huy, Nguyễn Tiến Đức, Dương Hồng Việt, Đỗ
Xuân Triều, Nguyễn Như Hùng...
Khi ra tù cải tạo khoảng năm 1988, anh
Quyền thường một tuần vài ba lần sang nhà Bố Mẹ tôi có sân rộng
và nhiều cây ở Hàng Keo Gia Định, ăn cơm trưa, nằm võng nghỉ trưa
ở hiên mát và luyện võ. Khi biết tôi đã học TCQ, anh Quyền ngỏ ý
muốn học TCQ vì đã đọc sách về TCQ và đã được xem một bạn tù
người Hoa biểu diễn trong tù. Tôi bị bệnh suyễn nặng, sau 1975
rất khó tìm mua thuốc suyễn như Asmacort và Ephedrine nên phải đi
học TCQ với Thầy Diệp Quốc Lương và con Thầy là anh Diệp Hán Dân
ở sân quần vợt gần chùa Xá Lợi và sau này ở khu bờ sông gần tượng
Trần Hưng Đạo. Thầy Diệp Quốc Lương dạy bài TCQ 24 và bài Thái
Cực Chưởng. Khoảng hai năm sau tôi sang học TCQ với Thầy Từ Vinh
và sáu đệ tử của Thầy tại khu đất rộng cạnh bờ sông trước Ngân
Hàng Quốc Gia Việt Nam. Thầy Từ Vinh dạy bài TCQ 36 của Dương
Gia, bài TCQ 88, bài Thái Cực Kiếm, Việt Đao, Song Kiếm và bài
TCQ 108. Tôi theo học TCQ với Thầy Từ Vinh độ 6 năm thì Thầy Từ
Vinh được đi Canada, có thể cùng thời với Thầy Lý Diêu Phương.
Một trong số sáu đệ tử của Thầy Từ Vinh
dạy TCQ cho khoảng 80 người chúng tôi là anh Nam, người Việt gốc
Hoa. Anh Nam thời còn trẻ đã là một võ sĩ Thiếu Lâm trong đoàn
“lân râu bạc” là hạng cao nhất vì có võ sư và các võ sĩ giỏi hơn;
đi đến đâu là các đoàn lân râu đỏ, râu đen, râu vàng phải nhường
lối. Anh Nam thường giắt dao trong đầu lân, cúi xuống dùng đầu
lân che khuất lấy dao khẻ vỏ dừa rồi mới đứng lên múa lân và biểu
diễn lột vỏ dừa. Võ sĩ dùng tay không lột vỏ quả dừa xanh là một
kỹ thuật rất đáng nể. Anh Nam cũng đã đeo đầu lân leo cột và múa
lân nhảy cọc như Jet Li trong phim Hoàng Phi Hùng. Anh Nam biết
tôi sau 1975 còn dạy Anh Văn tại Đại Học Sư Phạm và Đại Học Tổng
Hợp nên mời tôi đến dạy Anh Văn cho hai con trai của anh để chuẩn
bị đi ngoại quốc. Khi biết anh Quyền muốn học TCQ tôi bèn trao
đổi với anh Nam: tôi không lấy học phí dạy con anh, đổi lại anh
tới dạy lại TCQ cho tôi. Anh Quyền và anh Nam đồng ý. Anh Nam
trước 1975 là “lính kiểng”, thợ điện tại Trường Sinh Ngữ Quân
Đội, đã giải ngũ trước 1975. Anh đã nghe tiếng Trung tá Bùi Quyền
“Anh Hùng Mũ Đỏ” nên rất kính trọng anh Quyền, thỉnh thoảng còn
đem biếu “Ông Thầy” (coi như cấp chỉ huy của anh) và tôi thịt heo
quay và xá xíu (hồi đó rất quý, sau hơn 10 năm đã phải ăn bo
bo!).
Anh Nam
dạy anh Quyền và tôi bài TCQ 36, bài khí công Ngũ Cầm Hí (hạc xà
hổ long báo), và bài Bát Đoạn Cẩm. Anh Nam dượt võ, trao đổi
riêng với anh Quyền về Phân Thế, Thôi Thủ và Cầm Nã Thủ. Tôi
không được học mấy thứ này vì anh Quyền bảo tôi yếu sức, tay yếu
quá, dở ngón nghề ra là sẽ bị chúng bẻ gãy tay hay đánh bị
thương. (Khi đó tôi mới hiểu trước kia tôi năn nỉ xin học Phân
Thế để đi bài quyền cho đúng nhưng Thầy Từ Vinh không chịu dạy).
Anh Quyền đã cùng một số huấn luyện viên dạy Judo cho các khóa
sinh Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt và đã học Jiu–Jitsu. Anh Nam là
võ sĩ Thiếu Lâm đã dạy TCQ nhiều năm nên có thể nói hai võ sư này
trao đổi kiến thức và kỹ thuật võ thuật rất tương đắc. Tôi không
dám học lén, xem trộm hai anh dượt võ với nhau như các võ sư nổi
tiếng trong lịch sử Trung Hoa, mà có học lén cũng không đủ trình
độ để hiểu, biết và học được.
Anh Quyền bản tính lầm lì ít nói, không
thấy anh khoe khoang về thành tích của anh hay than thở về những
gian khổ trong trại tù cải tạo. Đôi khi rảnh rỗi tôi mới hỏi anh
có bị chúng hành hạ khi ở trong trại tù cải tạo không, anh mới
tâm sự là bị biệt giam nhiều lần và bị cùm chân. Có lần bị cùm
chân anh đã bảo mấy tên quản giáo là bỏ chân ra anh có thể đá
chết ba tên này một lúc nên bị cùm thêm mấy ngày nữa. Dù đã phải
chịu đựng gian khổ hành hạ, khi ra tù Bùi Quyền vẫn giữ được sức
khoẻ tốt tuy gầy hẳn đi, nhưng cánh tay bàn tay vẫn cứng như sắt.
Tôi nghĩ dù bị biệt giam bị cùm chân, anh hẳn đã áp dụng khí công
nội công và những bài khởi động hay tĩnh luyện (isotonics) của
Judo và Jiu–Jitsu.
Có lần anh kể lại chuyện một Đại úy
Nhảy Dù bạn anh rất giỏi Judo được nghỉ phép về Sài Gòn, mặc
thường phục đi cùng người bạn gái vào một nhà hàng uống cà phê.
Có hai tên du đãng vào xin anh điếu thuốc lá, hít một hơi và thả
điếu thuốc lá vào tách cà phê của anh. Ba tên du đãng khác đứng
ngoài cửa. Anh Đại úy Dù này ngồi yên không phản ứng. Một tên du
đãng đòi anh cởi giầy ra; chúng lấy một chiếc giầy, cười thách
thức rồi bỏ đi. Anh Đại úy này gọi thêm cà phê, chỉ mỉm cười an
ủi người bạn gái đang run sợ, rồi đi bộ chân không ra đường Gia
Long mua đôi giầy khác. Anh Đại úy này kể lại với Bùi Quyền là
anh có thể đánh chết sáu tên này, nhưng sợ người bạn gái bị uy
hiếp lúc đó và sau này khi anh đã trở về đơn vị. Nửa năm sau anh
Đại úy này lại được về phép. Hai tên du đãng khi trước sau này
mới biết anh là Đại úy Dù tìm đến anh, lạy lục xin lỗi vì sợ lính
Dù đem lưỡi lê tìm chúng “xin tí huyết” trả thù cho sếp. Thời đó
du đãng và các tay anh chị giang hồ sợ nhất là lính Dù và Thủy
Quân Lục Chiến. Anh Đại úy Dù chỉ bảo chúng đừng làm như thế nữa,
các chú có thể sẽ bị nhập ngũ sớm thôi, vào quân đội là không thể
ngang tàng như thế. Anh Quyền nói học võ thì có thể nhẫn nhịn và
không cần dùng đến vũ lực. Thầy Đặng Thông Phong dạy Aikido đã
dặn học trò là không bao giờ dùng võ, chỉ tự vệ khi thật sự khẩn
thiết hay nguy hiểm đến tính mạng. Thầy Đặng Thông Phong thường
bắt học trò ngồi thiền sau buổi tập để giảm tính hiếu động.
Nhiều giờ rảnh rỗi bên nhau, tôi hỏi
anh Quyền các võ sư làm sao có thể trị những tên đệ tử ngang tàng
ngỗ nghịch. Anh Quyền nói các võ sư thường giữ kín những thế võ
bí truyền không bao giờ dạy cho đệ tử để trừng trị những tên đệ
tử phản nghịch. Tôi đã chứng kiến Thầy Watanabe đá vào hạ bộ anh
Mỹ đen to lớn đã muốn thử sức đánh Thầy. Anh chàng Mỹ đen ngỗ
nghịch đã phải nằm ôm bụng cả gần 15 phút mới ngồi dậy được. Vài
anh học Aikido với Thầy Watanabe cho biết là Thầy có ngón đá rất
nhanh và chính xác!
Vì đã có căn bản võ học, anh Quyền hẳn
đã nắm vững những nguyên tắc của TCQ như Hư Linh Đỉnh Kình, Lưng
Gấu, Thượng Hạ Tương Tùy, Tương Liên Bất Đoạn, liên tục như nước
chảy như kéo tơ, v.v. nên chỉ ít lâu sau là anh đã học xong và đi
bài TCQ 36 rất nhuần nhuyễn. Bài TCQ 36 của Dương Gia tôi đã được
tập đi rất chậm, khi đánh ra hay đá cũng chậm lại. Tôi ngạc nhiên
là anh Quyền tập dùng cùi chõ hay đòn vai đòn hông, có khi bất
chợt đánh tay và đá chân rất nhanh, rất mạnh “phát kình” (có thể
là những chiêu thức võ của Dương Gia, Trần Gia, Ngô Gia hay Đường
Lang (con bọ ngựa)? Sau này tôi mới hiểu anh Quyền không học TCQ
Dưỡng Sinh mà thực sự anh đã học TCQ Chiến Đấu, vì anh đã học
Phân Thế và Thôi Thủ, và những chiêu thức khác với anh Nam. Bùi
Quyền đã dùng bài quyền Dưỡng Sinh TCQ 36 hẳn chỉ để trắc nghiệm
Phân Thế, Thôi Thủ và những chiêu thức khác. Thế mà sau gần 6
tháng anh Quyền vẫn nói anh học “chưa xong” bài TCQ 36! Khoảng
gần 6 tháng sau anh Nam và gia đình được xuất ngoại đi Canada. Ít
lâu sau anh Quyền bị công an bắt buộc phải rời Việt Nam đi Mỹ!
Bùi Quyền được chính phủ Mỹ can thiệp đi Mỹ ngay để dự lễ mãn
khóa con trai lớn của anh là Bùi Quang, tốt nghiệp với danh dự
tại Học Viện Không Quân Hoa Kỳ (US Air Force Academy) ở Colorado
Springs, Colorado (Cháu trai thứ hai của anh là Bùi Tường cũng
theo học tại đó, sau Quang một lớp).
Đầu năm 1991, tôi sang Quận Cam đoàn tụ
với đại gia đình. Khoảng giữa năm, tôi đến đón anh Quyền tại nhà
Đại tá Không Quân Masuoka ở Irvine, thấy anh vẫn giữ chiếc
“bazooka” để hút thuốc lào, thường để ở góc phòng. Anh Quyền khi
đó vẫn chưa lấy bằng lái xe. Tôi cũng mới học lái xe mà phải đến
đón anh Quyền từ Irvine lên Fullerton (qua vùng đồi cao vắng
ngắt) để dự Lễ Thượng Thọ mừng cụ thân sinh của Nguyễn Trọng Nho,
2 giờ khuya mới về lại Westminster, đường vắng hoe! Các anh Bích,
Huy... và tôi đã nhiều lần theo xe anh Công lên San Jose thăm anh
Quyền và Phạm Công Bạch. Chúng tôi vẫn thường đến thăm anh ở San
Jose và mời anh đi ăn cùng với một số bạn. Cựu Trung tá Bùi Quyền
đã được gắn Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương và nhiều huy chương
đựng đầy trong một cái rổ để ở ngăn tủ. Tôi tin rằng anh Quyền
vẫn tiếp tục luyện võ. Đại tá Không Quân Masuoka đã giới thiệu để
anh vào làm tại một nhà tù ở San Jose cùng với một số sĩ quan Mỹ
đã giải ngũ. Bùi Quyền đã dùng võ thuật trừng trị những tên du
thủ du thực Mỹ trắng Mỹ đen to lớn khiến bọn này và các nhân viên
nhà tù phải kiêng nể. Được hỏi, Bùi Quyền kể lại là có một tên Mỹ
to lớn muốn thử sức nắm tay anh dìm xuống. Anh chỉ việc lật bàn
tay là tên này phải quỳ xuống xin lỗi. Tôi tò mò hỏi anh dùng thế
gì mà hay quá vậy? Anh Quyền hỏi tôi muốn thử không? Tôi mới nắm
tay anh dìm xuống thì đã phải quỳ xuống ngay nếu không muốn bị
gẫy ngón tay cái! Không biết thế này là Jiu–Jitsu hay Cầm Nã Thủ?
Có lần tôi hỏi anh có viết hồi ký không? Anh trả lời ít viết vì
bận quá.
Sau
này tôi mới biết Bùi Quyền đã có viết một số chương nhưng chưa
hoàn tất một cuốn sách về những trận đánh do anh chỉ huy hoặc
tham dự. Sau khi về hưu, Bùi Quyền vẫn ở San Jose. Mãi sau anh
mới bán nhà ở San Jose và về ở hẳn tại Quận Cam. Anh thường đến ở
nhà bạn Trần Huy Bích để sử dụng kho sách của anh Bích và, cùng
anh Bích, tới tham khảo những tài liệu về chiến tranh Việt Nam
của thư viện Đại Học UCLA. Anh Quyền còn nghiên cứu về Tử Vi và
có thể đọc sách chữ Hán. Tôi không biết anh Quyền có tham khảo về
võ thuật không vì anh vẫn giỏi computer và Internet. Anh Quyền
cũng nói đã xem nhiều phim võ thuật với Bruce Lee, Jackie Chan,
Jet Li, Chuck Norris, Chow Yun Fat, Michelle Yeoh, Claude Van
Dam, Donnie Yen, Jason Statham, v.v. Có lần ở Quận Cam tôi gặp
lại anh Quyền tại đám cưới của con trai anh là Bùi Quang cưới Lê
Thúy Vân Khanh, con gái của Trung tá Không Quân Lệ Mộng Hoan, anh
Quyền nói là học “chưa xong” bài TCQ 36. Nay anh Quyền đã ra đi
vì bệnh ung thư phổi. Ở trên trời Bùi Quyền đã có thể tìm Đại Võ
Sư Dương Trừng Phủ (Yang Cheng Fu) để tiếp tục “học xong” và nắm
vững tinh túy của bài TCQ 36 và những bài quyền khác của Dương
Gia?
Trung tá
Dù Bùi Quyền sinh ngày 30 tháng 4 năm 1937. Sau này khi đã ở Mỹ
anh Quyền nhất định không chịu cho các con mừng sinh nhật của anh
vì ngày đó cũng là ngày mất nước, ngày uất hận. Bùi Quyền mất
ngày 30 tháng 5 năm 2020. Đám tang rất long trọng tại Peek Family
Quận Cam ngày 10 tháng 6 năm 2020, quan tài được phủ cờ Việt Nam
Cộng Hòa, có hàng lính Dù chào kính và khá đông thân nhân họ
hàng, các cựu quân nhân và bạn bè đến tiễn đưa anh mặc dầu còn
trong mùa đại dịch. Gia đình chúng tôi ở Toronto đã gửi điện thư
chia buồn với chị Quyền và tang quyến, và được con trai thứ của
anh là Bùi Tường gửi cho code of access (số vào) nên đã được xem
truyền hình trực tiếp đám tang của anh Quyền. Anh Trần Huy Bích
điều khiển chương trình, mời mọi người tuần tự lên nói lời từ
biệt và phân ưu. Anh Trần Minh Công đọc những lời phân ưu của
những người ở xa, trong đó đặc biệt có thư phân ưu của Ban Quân
Sử Trường West Point và Trường US Air Force Academy ở Colorado
Springs, Colorado. Có rất nhiều điều bây giờ mọi người mới biết
về người Anh Hùng Mũ Đỏ Bùi Quyền và còn nhiều điều mọi người
chưa biết. “Bùi Quyền là quân nhân quả cảm luôn có mặt trên tuyến
đầu trong những trận đánh ác liệt nhất”. Công trạng của Bùi Quyền
được ghi vắn tắt như sau:
–Thủ khoa Khoá 16 Trường Võ
Bị Quốc Gia Đà Lạt,
–Nguyên Trung tá Lữ
Đoàn Phó Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù,
–Đệ Tứ Đẳng
Bảo Quốc Huân Chương,
–Rất nhiều lần
được Anh Dũng Bội Tinh Với Nhành Dương Liễu,
–và nhiều huy chương khác.
Trần Huy Bích đã viết về
gia thế văn học và khoa bảng của Bùi Quyền. Song Thao đã
viết với tiêu đề “Bùi
Quyền, Đã Sống Như Thế,” nêu lên những thành tích về
chiến trận trong cuộc đời của Bùi Quyền, với nhiều đoạn văn đã
ghi lại của các cựu quân nhân và bạn bè. Tôi cũng muốn được nêu
lên trong bài này vài chi tiết về khả năng võ thuật của Bùi Quyền
mà tôi biết. Bài học Bùi Quyền để lại cho bạn bè và các thế hệ
sau là Bổn Phận và Sự Chính Trực (Duty and Integrity). Đó chính
là huy hiệu của US Air Force Academy ở Colorado. Một bài học
khác anh Quyền để lại là sự luyện tập võ thuật để chịu đựng gian
khổ trên chiến trường, trong trại tù cải tạo và trong cuộc đời.
Rất mong gia đình anh Quyền và anh Bích còn giữ lại được những
chương sách anh Quyền đã viết, nhất là những bài phỏng vấn anh
của Ban Quân Sử Trường West Point và
US Air Force Academy, để có thể tập hợp
thành một Tuyển Tập về cuộc đời của Trung Tá Anh Hùng Mũ Đỏ Bùi
Quyền.
Toronto ngày 22 tháng 6, 2020
Phạm Văn Quảng
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: phong cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Trần Huy Bích chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy, June 27, 2020
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang