Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tôn giáo
Chủ đề: Chó trong Phật giáo
Tác giả: Huệ Quang
Bấm vào đây để in ra giấy (PDF)
Trong
tàng kinh của đạo Phật, có kinh số 57 thuộc trung bộ, tựa là “Kinh
hạnh con chó”
(Pali: Kukkuravatika Sutta, Majjhima Nikaya 57).
Tóm lược kinh như sau: Đức Phật đang ở tại thị trấn Koliya.
Có hai người đàn ông
đến
gặp Phật. Một người tu theo cách của con bò và một người sống
trần truồng tu theo cách của con chó. Tu theo cách của con chó
có nghĩa là ông ta sống và sinh hoạt giống như con chó. Chó ăn
thế nào thì ông ta bắt chước ăn y như nó. Nếu có ai cúng dường
thì cứ việc vất thực phẩm xuống đất ông ta sẽ chạy đến gặm hay
liếm thực phẩm như một con chó. Sau khi chào đức Phật xong, ông
ta ngồi xuống kế bên Phật đúng kiểu ngồi của chó, miệng cũng há
hốc và lè lưỡi ra ngoài để cả nước miếng rỏ xuống đầy ngực, hỏi:
“Thưa ngài, tôi tu theo hạnh con chó, như vậy vận mạng tôi
sẽ ra sao?”
Sau khi từ chối trả
lời câu hỏi ba lần nhưng ông tu theo kiểu chó vẫn hỏi, đức Phật
nói:
“Người nào tu hành giữ giới nghiêm khắc một cách
viên mãn theo hạnh con chó, sau khi chết, người đó sẽ sanh về
nơi sống chung với chó. Còn nếu người đó tin rằng mình đang tu
đúng hạnh con chó thì chắc chắn sẽ được về cõi trời, ta nói
người đó sẽ sanh vào cõi địa ngục vì những tà kiến ấy.”
Sau đó đức Phật giải thích về chữ “nghiệp” cho ông tu theo hạnh
con chó hiểu. Ngài dạy, có bốn loại nghiệp mà chính đức Phật đã
tự chứng ngộ. Nghiệp đen sẽ đưa đến quả đen. Nghiệp trắng sẽ đưa
đến quả báo trắng. Nghiệp đen trắng đưa đến quả báo đen trắng và
nghiệp không đen trắng đưa đến quả báo không đen trắng.
Chúng ta phải hiểu nghĩa bóng của bài kinh, hay nói một cách
khác chúng ta phải hiểu lời Phật dạy qua lăng kính trí tuệ. Nếu
chúng ta liên kết bốn loại nghiệp với phương thức tu hành khổ
hạnh kiểu chó của người đàn ông, đức Phật cho chúng ta biết, hễ
gieo nhân nào thì sẽ nhận quả tương ứng với nó. Nghiệp có nghĩa
là một chuỗi hành động. Hành động có thể là hành động tốt, hành
động xấu, hành động vừa tốt vừa xấu và hành động không tốt mà
cũng không xấu – trong đạo Phật gọi là vô ký hay là hành động
phi thiện ác. Mỗi hành động sẽ đưa ra một kết quả tương xứng, vì
nhân xấu thì quả xấu, vì thế nghiệp cũng chính là nhân; nhân tốt
thì quả tốt; nhân vừa tốt vừa xấu thì quả cũng vừa tốt vừa xấu
và nhân không tốt cũng không xấu thì quả cũng thế.
Ví dụ
chửi người ta thì bị người ta chửi lại. Giúp người ta thì được
người nhớ ơn. Muốn giúp tiền cho một người bạn (đây là ý tốt)
nhưng lúc đưa tiền cho bạn thì lại đưa như thảy vào mặt bạn
(xấu) làm cho người ta tự ái lên, người bạn tuy cũng lấy tiền
nhớ ơn lúc đó nhưng hận lắm, cả đời chẳng bao giờ quên. Mùa thu
đẹp đi dạo trong rừng, lấy chân đá mấy lá vàng rơi rụng trên
đường, vừa đi vừa hát thầm nghêu ngao, đây là hành động chẳng
thiện mà cũng chẳng ác. Vì thế Phật nói, nghiệp đen có quả đen,
trắng có quả trắng, v.v.
Người đàn ông lõa thể sống theo
hạnh con chó, có nghĩa chính anh ta đã tự chọn làm hành động của
con chó, tức là nghiệp anh ta là nghiệp chó, thì ngay giờ phút
anh chọn sống đời con chó anh đã chết rồi, vì anh đâu còn là con
người nữa. Khi thấy anh sống y như con chó thì đâu có con người
nào muốn kết bạn hay có liên hệ với anh, chỉ vì anh khác với họ
quá. Vì thế anh đang sống trong thế giới của loài chó. Đó là ý
nghĩa Phật nói “Người nào tu hành giữ giới nghiêm khắc một cách
viên mãn theo hạnh con chó, sau khi chết, người đó sẽ sanh về
nơi sống chung với chó.” Còn chính anh ta suy tư rằng mình đang
tu đúng hạnh con chó thì chắc chắn sẽ được về cõi trời, đức Phật
trả lời với anh ta rằng anh sẽ sanh vào cõi địa ngục vì những
suy tư theo kiểu tà kiến ấy.
Nếu suy luận, chúng ta thấy
lời Phật dạy rất hợp lý. Suy nghĩ cho rằng tu tập kiểu con heo,
con chó, con khỉ hay con gì đó rồi sẽ được về cõi trời thì không
thể nào là loại suy tư hợp lý được, nhất là trong thời đại như
hiện nay, chúng ta lại càng thấy vô lý hơn. Đức Phật gọi đó là
tà kiến, là một cái nhìn không đúng sự thật. Mà khi đã mang tà
kiến trong đầu thì khác gì như đang sống trong chốn địa ngục.
Trong đạo Phật, địa ngục không phải là một nơi chốn, có tọa độ
tung bao nhiêu hay hoành bao nhiêu. Địa ngục cũng không phải ở
trên trời hay ở dưới đất. Địa ngục là trạng thái của tâm linh;
tiếng Anh gọi là “the state of mind.” Khi mình bực mình một
người, mình đang sống trong địa ngục rồi. Khi điên tiết một đối
tượng nào đó, mình đang ở trong địa ngục vô cùng tăm tối, đạo
Phật gọi đó là địa ngục A-tỳ, tức là một cõi địa ngục sâu thẳm,
không thoát ra được. Khi mình nóng giận nổi cơn điên với vợ con
mình, chính lúc đó mình đang ở trong hỏa ngục rồi, vì cơn điên
tiết còn nóng hơn cả hỏa ngục. Do đó khi mình có suy tư vớ vẩn,
không giống ai thì chính mình nhốt mình vào địa ngục, một nơi
chốn xa lạ với loài người, như đức Phật đã trả lời với người đàn
ông tu theo hạnh con chó. Địa ngục là nơi gồm những người sống
không an lạc, sống bằng sự sợ hãi, sống bằng tư tưởng lạ lẫm, vì
thế, cố làm cho giống con chó, đày ải thân mình, sống bằng cách
ngậm liếm đồ thiên hạ vất, thì khác gì với kẻ sống trong địa
ngục, một trạng thái tâm linh của kẻ khổ đau.
Sau khi trả
lời người đàn ông tu theo hạnh con chó, đức Phật nói về bốn loại
hành động mà ngài gọi là nghiệp trong cuộc sống của mỗi con
người. Và chúng ta chính là chủ nhân của tương lai chúng ta,
không ai khác. Không một vị thần hay một vị Phật nào có đủ khả
năng khống chế hay giúp chúng ta nếu chúng ta gây nghiệp xấu,
hay tạo hành động xấu ác cả. Chúng ta cũng chẳng cần về Niết bàn
hay cõi Tịnh độ nào cho xa xôi khi chúng ta làm việc thiện. Việc
thiện mang cho chúng ta niềm vui, sự an lạc, như Phật đã nói,
nghiệp trắng mang lại quả trắng. Lòng chúng ta an lạc, hoan hỷ
thì lòng từ phát sanh, khi lòng từ phát sanh thì ái ố không có
cơ hội phơi bày, lúc ấy, chúng ta đang sống trong cõi Tịnh độ,
vì niết bàn hay tịnh độ chỉ là “the state of mind” khi trong
lòng chúng ta không còn phiền não nữa.
Tết sắp đến, kính
chúc quý chiến hữu và gia đình một mùa xuân an lạc, hạnh phúc
với người thân. Là một Phật tử, đừng quên lời Phật dạy, rất đơn
giản và thiết thực. Đừng mất thời giờ bõ công vô ích vào những
tìm kiếm mang tính mầu nhiệm siêu hình học. Thời gian vô thường,
thấy hôm nay, mất ngày mai. Hãy tạo cho chính mình và gia đình
một niết bàn hay cõi tịnh độ ngay trong mái ấm của mình. Bằng
mọi giá phải tu tập kiên trì để phát triển lòng từ bi cho chính
mình trước, vì không có từ bi với chính mình, tự đày đọa mình
thì mình không thể có lòng từ với ai khác được. Đi ngoài đường
gặp một kẻ ăn xin, lòng thì muốn cho nhưng nếu chính mình không
một xu trong túi thì làm sao mà cho ai được?
Huệ Quang (Ngô nhựt Tân)
huequangqh@gmail.com
Bấm vào đây để in ra giấy (PDF)
Trung tâm lưu trữ các Ngày lễ mừng Bổn mạng BCND/QLVNCH...
|
Hình nền: Bản đồ VIỆT NAM hoàn toàn. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Huệ Quang/Ngô Nhựt Tân chuyển
Đăng ngày Thứ Ba,
February 6, 2018
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang